Thế hệ nối tiếp – Phiên bản 8

397 (lượt xem) |

Kể từ 2016, trong mục đích hướng về tương lai, tác giả bắt đầu sưu tập tài liệu để viết về những khuôn mặt trong thế hệ nối tiếp từ quốc nội đến hải ngoại đang đóng góp để xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, phú cường và dân chủ. Các bài viết sẽ được đưa lên mạng khi có cập nhật những tin tức mới.

TU CHỈNH

  • 18/5/2016: Hoàn tất Phiên bản 1.
  • 15/8/2016: Hoàn tất Phiên bản 2.
  • 15/8/2018: Hoàn tất Phiên bản 3.
  • 15/2/2019: Hoàn tất Phiên bản 4.
  • 10/1/2019: Hoàn tất Phiên bản 5.
  • 29/2/2020: Hoàn tất Phiên bản 6.
  • 20/9/2020: Hoàn tất Phiên bản 7.
  • 19/3/2021: Hoàn tất Phiên bản 8.
  • Nguyễn Phan Quế Mai và cuốn sách Những ngọn Núi Ngân Vang (The Mountains Sing)
  • Ứng dụng của nữ doanh nhân Việt được Google hậu thuẫn
  • Tỷ phú gốc Việt Chính Chu – “Người đàn ông đáng gờm” của phố Wall.
  • Người trẻ Việt Nam ở tập đoàn công nghệ quốc tế của phố Wall.
  • Cánh chim Việt đến từ thung lũng Silicon.
  • Nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới tại Việt Nam của vợ chồng Vũ Xuân Sơn – Lê Diệp Kiều Trang 
  • Sĩ quan gốc Việt thứ hai chỉ huy Khu Trục Hạm Hoa Kỳ. 

—–

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI VÀ CUỐN SÁCH THE MOUNTAINS SING

Tiểu thuyết tiếng Anh của một tác giả Việt Nam đang nhận được sự quan tâm tích cực của các nhà phê bình nước ngoài. The Mountains Sing là tựa đề tiểu thuyết đầu tay của nhà văn – dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai, do nhà xuất bản đặt ở London Oneworld Publications ấn hành năm 2020.

Tiểu thuyết “Những ngọn núi ngân vang” là sự kế thừa văn hóa kể chuyện của người Việt: tiểu thuyết bắt đầu bằng việc một người bà kể cho người cháu nghe những gì đã xảy ra với gia đình mình trong lúc hai người phải trốn chạy khỏi những trận bom Mỹ dội xuống Hà Nội. Người cháu tiếp tục những câu chuyện ấy của người bà để rồi khi người bà mất đi, cô viết lại những gì xảy ra với gia đình mình. Khi hoàn thành tiểu thuyết, cô đốt bản sao của bản thảo trước ngôi mộ của người bà đã mất để bà có thể đọc ở thế giới bên kia. Lịch sử của Việt Nam có rất nhiều thăng trầm, có quá nhiều đau thương, mất mát. Với tiểu thuyết này, tác giả muốn tái hiện lại những biến cố chính trong chiều dài lịch sử ấy, qua thân phận của những người dân bình thường, những người ấy rất cần được lắng nghe.

Một trong những điều thôi thúc tác giả viết quyển sách này là sự chia cắt vẫn còn sâu thẳm giữa cộng đồng người Việt. Tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang nói về gốc rễ của sự chia cắt ấy, về nỗi đau của một gia đình khi họ bị chia lìa bởi lịch sử, để rồi người Bắc kẻ Nam, anh em ruột thịt phải cầm súng ở hai đầu chiến tuyến. Khi tiểu thuyết kết thúc, nỗi đau chia cắt ấy vẫn còn hằn sâu vào từng thành viên gia đình, dai dẳng và khó nguôi ngoai. Với tiểu thuyết này, tác giả ước ao người Việt chúng ta lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn các câu chuyện của cộng đồng mình – dù các câu chuyện đó có khác biệt thế nào chăng nữa. Hy vọng rằng khi chúng ta đọc và lắng nghe các câu chuyện của nhau, sẽ có nhiều hơn sự thấu hiểu và cảm thông.

https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn%3AANd9GcQsVq2FewBi0qua_93uzGDEB-Q1-7mL1n46d0dLhhSJysSr5LYyp1rxGa8dVqbmyle7VD7pnwr0&usqp=CAc

Cuốn sách The Mountain Sing

ỨNG DỤNG DẠY PHÁT ÂM TIẾNG ANH CỦA NỮ DOANH NHÂN VĂN ĐINH HỒNG VŨ ĐƯỢC GOOGLE HẬU THUẪN VÀ RÓT VỐN HÀNG TRIỆU USD.

Vũ Văn (Văn Đinh Hồng Vũ) tạo ra ứng dụng ELSA năm 2015 xuất phát từ thực tế bản thân liên quan cách phát âm tiếng Anh của mình. Cô nhớ như in cách đây vài năm khi mới chuyển đến Mỹ học tập và làm việc, bản thân luôn thấy thiếu tự tin trong giao tiếp, mặc dù thông thạo tiếng Anh. Đại dịch Covid-19 đã mở ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, đẩy các trường học và tổ chức đào tạo hướng đến phương pháp học trực tuyến. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về ứng dụng tự học online. Một trong số đó là ELSA – nền tảng ngôn ngữ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Phần mềm được thiết kế nhằm giúp người học tiếng Anh không phải là người bản xứ cải thiện kỹ năng nói và phát âm thông qua các bài học ngắn. Trong thời gian đại dịch, ứng dụng được Google hậu thuẫn đã đạt khoảng 11 triệu người dùng và khai thác nhiều thị trường mới.

Vì không có kiến thức về công nghệ hay trí tuệ nhân tạo, cô hiểu rằng để hiện thực hóa giấc mơ là điều rất khó. Sau khi nghỉ công việc cố vấn, Vũ dành 6 tháng để tìm một chuyên gia công nghệ cùng cô khởi nghiệp. Trong thời gian này, cô đã tìm đến gần như “tất cả chuyên gia về nhận diện giọng nói bằng AI ở vùng Vịnh” để thăm dò mức độ quan tâm với ý tưởng cũng như tham khảo chuyên môn của họ. Và rồi, cô tìm đến Đức – nơi tổ chức hội thảo lớn nhất thế giới về nhận diện giọng nói bằng AI, sau khi một giáo sư khuyên “nếu không tìm được ai phù hợp ở nơi đó, cô nên đóng cửa công ty”. Trong số 3.000 chuyên gia ở hội thảo, Vũ gặp Xavier Anguera, một nhà khoa học hàng đầu, người mà theo Vũ miêu tả “đã nghiên cứu rất lâu và đang mong đợi thành quả”. Chỉ vài tuần sau, vị này đã đồng ý tham gia cùng Vũ, tạm thời xa gia đình ở Bồ Đào Nha và chuyển đến căn hộ của cô ở San Francisco để cùng hiện thực hóa ý tưởng.

Sau khi tự vận hành khoảng 6 tháng, Vũ và Anguera nhận được một khoản đầu tư ban đầu để phát triển doanh nghiệp. Đến đầu năm 2018, sau khi có được vài triệu người dùng ở 100 quốc gia và đội ngũ nhân viên ngày càng lớn mạnh, ELSA được rót thêm 3.2 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures. Niềm tin này càng được củng cố vào năm 2019, khi họ nhận được hỗ trợ từ Gradient Ventures, một quỹ đầu tư của Google chuyên về lĩnh vực AI. Nhờ đó, tổng số vốn mà ELSA huy động được đã đạt con số 12 triệu USD, đồng thời họ còn được cho phép làm việc cùng đội ngũ kỹ thuật của gã khổng lồ này để xây dựng hạ tầng đầu cuối. Vũ cho biết sẽ sớm huy động thêm vốn bởi công ty đang muốn mở rộng đội ngũ hiện tại ở Việt Nam, San Francisco, Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời sẽ cân nhắc tham gia các thị trường mới như Brazil và Hàn Quốc. Cũng theo Vũ, ELSA đang phát triển thêm nhiều sản phẩm, như chương trình giám sát liên tục, cho phép ứng dụng đưa ra báo cáo phản hồi dựa trên những cuộc hội thoại trong một ngày. Tuy nhiên, muốn làm được điều này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật dữ liệu.

“2020 là một năm khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm rất tốt và đang hướng đến năm 2021”, bà cho hay.

Văn Đinh Hồng Vũ: Hành trình từ Stanford tới giáo dục và ứng dụng trí tuệ  nhân tạo | Vietnam Journal of Science

Văn Đinh Hồng Vũ và ứng dụng ELSA

TỶ PHÚ GỐC VIỆT CHÍNH CHU – “NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÁNG GỜM” CỦA PHỐ WALL

Là doanh nhân đứng sau hàng loạt vụ thương thuyết chấn động của phố Wall, từng sở hữu khối tài sản khoảng 1 tỷ USD ở tuổi 48, tỷ phú gốc Việt Chính Chu được đánh giá là một trong những doanh nhân thành đạt bậc nhất trong cộng đồng kinh doanh người Việt tại Mỹ và là cái tên “đáng gờm” của phố Wall. Tỷ phú Chính Chu sinh năm 1966 tại Việt Nam, trong một gia đình có 6 anh em. Cả gia đình ông đã sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD vào năm 1975. Trước cuộc sống khó khăn, ông Chu phải vừa đi học, vừa đi bán sách lẻ và giao hàng tận nhà. Ông tốt nghiệp cử nhân tài chính của Đại học Buffalo. Do đây là một ngôi trường không mấy danh tiếng tại New York nên khi nộp đơn xin việc đến 15 chỗ khác nhau, ông đều bị từ chối. Tuy nhiên khó khăn luôn là cơ hội. Và đối với ông Chính Chu: “Bạn cần có tính kiên trì để theo đuổi mục tiêu của mình”. Bắt đầu từ con số 0, ông quyết tâm cực kỳ lớn để bước chân vào phố Wall, nơi ông không bao giờ nghĩ mình có thể tham gia được, trừ khi được đào tạo bài bản từ những ngôi trường xuất sắc như Harvard, Cornell, Yale … Năm 1988, ông được nhận vào làm tại Bộ phận Mua bán và Sáp nhập của công ty Salomon Brother. Năm 1990, Chính Chu chính thức bước chân vào lĩnh vực tài chính với tập đoàn tài chính Blackstone. 10 năm sau đó, ở tuổi 33, ông trở thành chuyên viên đầu tư cao cấp của tập đoàn này. Với tài nghệ của ông Chính Chu, Blackstone đã hoàn thành nhiều vụ đầu tư sinh lời với giá hàng tỷ USD, như hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD), DJ Orthopedics (1,6 tỷ USD). Cách đây 15 năm, Blackstone đã mua lại tập đoàn Celanese với giá 3,8 tỷ USD. Biệt tài mà mọi người nhớ đến ông chính là khả năng “đạo diễn” hàng loạt vụ thương thuyết. Thậm chí người ta còn nói rằng “không có thương vụ nào tuột được khỏi tay Chính Chu”.

Tài sản của ca sĩ Hà Phương và chồng tỷ phú lớn cỡ nào?

Chuyên cơ của 2 vợ chồng Chính Chu và vợ là ca sĩ Hà Phương

Bên ngoài thương trường, mọi người biết đến Chính Chu nhờ tin tức vào cuối năm 2007 về “thương nhân ẩn danh” chi 34.3 triệu USD để mua trọn tầng 89 và một nửa tầng 90 tại tháp Trump World Tower do tỷ phú Donald Trump đầu tư.

Đi lên từ khó khăn, tỷ phú Chính Chu không bao giờ quên nguồn gốc của mình. Ông luôn nói rằng chính gia đình là nền tảng giúp ông đạt được thành công như hôm nay. “Chúng tôi phải cảm ơn thế hệ đi trước, là cha, là mẹ tôi, đã vô cùng nỗ lực trên xứ người để thành công. Thành công của họ quan trọng hơn thành công của tôi, bởi họ mở ra con đường cho tôi, thế hệ sau, dễ dàng hơn để bước tới”, ông Chính Chu bày tỏ. Ngoài ra, ông Chính Chu cũng thường xuyên cùng vợ tổ chức và điều hành các hoạt động từ thiện. Hiện gia đình ông có 2 quỹ là Vietnam Relief Effort do ông cùng chị gái Kathy Chu lập nên và Ha Phuong Foundation do vợ ông sáng lập.

NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM Ở TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ QUỐC TẾ CỦA PHỐ WALL

Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, Huỳnh Văn Quang và Nguyễn Huỳnh Hoài My (cùng sinh năm 1992) hiện là những kỹ sư tại các tập đoàn công nghệ lớn quốc tế. Công việc đem lại cho họ nhiều trải nghiệm thú vị, giúp họ trưởng thành hơn từng ngày.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Huỳnh Văn Quang nhận học bổng bậc cử nhân ngành Khoa học máy tính tại Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Sau khi ra trường, Quang đầu quân cho một số công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp lớn tại Singapore với nhiều vị trí: kỹ sư back-end (chịu trách nhiệm chính cho máy chủ của các ứng dụng chạy trên web), kỹ sư dev-ops (kết hợp giữa phát triển phần mềm và quản trị hệ thống)…

Sau vài tháng làm việc, Huỳnh Văn Quang đã được tín nhiệm để trở thành một trong những kỹ sư trực cho Google Drive. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Với đam mê và năng khiếu công nghệ, Quang dần nhận được sự chú ý của “ông lớn” Google. Năm 2019, Quang theo học chương trình thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Georgia (thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ). Sáu tháng sau khi Google Singapore liên hệ lần đầu, Google Mỹ đã liên hệ với Quang cho vị trí kỹ sư ổn định hệ thống. Vượt qua bài toán của nhà tuyển dụng, Quang chính thức được nhận và trở thành kỹ sư ổn định hệ thống toàn thời gian tại Google. Thời điểm đó, nước Mỹ đang trải qua giai đoạn Covid-19 nặng nề, đội ngũ kỹ sư của Google phần lớn làm việc tại nhà, toàn bộ công việc được thực hiện trực tuyến. Quang cho biết, thời gian đầu mới vào làm, anh tham gia chương trình huấn luyện trực tuyến của Google trong một tuần, sau đó được nhóm huấn luyện tiếp. Mỗi kỹ sư mới của Google được một kỹ sư khác cùng cấp bậc, cùng lĩnh vực nhưng có thâm niên cao hơn hỗ trợ. Hai bên chủ động sắp xếp lịch để gặp trực tuyến, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm làm việc. Trong hơn nửa năm làm việc tại nhà, một ngày bình thường của Quang bắt đầu bằng việc trả lời những tin nhắn, thư điện tử… từ các đồng nghiệp, sau đó là kiểm tra danh sách công việc của ngày.

Điều Quang thích nhất tại Google là sự đa dạng, phong phú. Trong Google luôn có người từ các châu lục khác nhau, có những người Mỹ gốc Á, cũng có những người châu Á mới sang Mỹ ở các độ tuổi, mức kinh nghiệm khác nhau. Không chỉ vậy, đội ngũ kỹ thuật của Google còn có cả những người không phải là “dân” chuyên khoa học máy tính, đem lại những góc nhìn mới mẻ, thú vị cho công việc. Đặc biệt, quy trình làm việc được thiết kế tinh gọn, đề cao tính hiệu quả, việc làm việc tại nhà trong thời kỳ Covid-19 không gây ra nhiều khó khăn cho công việc, kể cả đối với những kỹ sư mới.

Nguyễn Huỳnh Hoài My là một trong những sinh viên khóa đầu tiên ngành kỹ sư phần mềm, Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Sau kỳ thực tập trong năm học thứ 3, My chính thức trở thành lập trình viên toàn thời gian ở Công ty TNHH FPT Software dù chưa tốt nghiệp. Chỉ sau khoảng nửa năm, với kiến thức, kinh nghiệm làm việc với khách hàng nước ngoài và khả năng tiếng Anh của mình, My được cử sang thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) để tham gia làm việc trực tiếp với khách hàng là Công ty RamQuest (chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm) như một nhân sự của công ty khách hàng. Lần đầu tiên xa nhà, khoảng thời gian 6 tháng ở Mỹ đã khiến cô kỹ sư 21 tuổi mở rộng tầm nhìn về bản thân và công việc.

6-1463364146-660x0.jpg
Nguyễn Huỳnh Hoài My trở thành nữ nhân viên FPT Software đầu tiên được cập chứng chỉ AWS.  AWS hiện là nhà cung cấp hạ tầng Cloud số 1 thế giới.

Là kỹ sư phần mềm, My sớm xây dựng định hướng nghề nghiệp của mình là trở thành kiến trúc sư giải pháp. Cô tự học thêm về điện toán đám mây; đến năm 2016, My trở thành một trong số rất ít người Việt Nam đầu tiên nhận được chứng chỉ Amazon Web Service Professional (chứng chỉ đánh giá kiến thức chuyên môn về điện toán đám mây ở mức độ “Chuyên nghiệp” do Amazon cấp), cũng là nữ lập trình viên đầu tiên của FPT Software Đà Nẵng nhận được chứng chỉ này. Với vai trò kiến trúc sư giải pháp của FPT Software, My bắt đầu lên đường sang Mỹ chinh phục nhiều dự án cho công ty. Năm 2017, cô được cử đi làm việc với Công ty DigiKey – một trong năm nhà bán lẻ linh kiện điện tử hàng đầu Bắc Mỹ, trụ sở tại bang Minnesota. Hệ thống giao tiếp nội bộ của DigiKey lúc đó rất lớn nhưng đã khá cũ và quá tải, cần được làm lại toàn bộ trong vòng 6 tháng. Hôm lãnh đạo Công ty DigiKey gặp mặt 3 nhà thầu, họ đưa ra một bài toán chuyển đổi hệ thống để cả ba cùng giải. Nhóm của FPT Software (gồm My và một lập trình viên khác) bèn cặm cụi ngồi làm, cuối cùng đã đưa ra được kết quả nhanh nhất và ấn tượng nhất. Khi có kết quả trúng thầu, tụi mình đã rất vui và bất ngờ bởi ban đầu mình nghĩ rất khó có cơ hội thắng hai công ty của Mỹ và Ấn Độ”. Chiến thắng đó đã mở đường cho thêm nhiều dự án khác giữa FPT Software và DigiKey. Năm 2018, My vừa làm vừa theo học thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Georgia (thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ). Vài tháng trước khi tốt nghiệp, My được Amazon Web Services Việt Nam (thuộc tập đoàn Amazon) mời ứng tuyển vào vị trí kiến trúc sư giải pháp. My chia sẻ, quá trình làm việc ở FPT Software và ở Amazon Web Services đã giúp cô trải nghiệm sự tiến bộ trong công việc cũng như sự thay đổi bản thân. Tại FPT Software, My nhận ra rằng với kỹ năng, kiến thức và ngoại ngữ, làm việc với khách hàng từ các nước phát triển là điều hoàn toàn có thể. FPT Software giúp My xây dựng những kỹ năng nền móng cho công việc của một kỹ sư phần mềm và kiến trúc sư giải pháp, còn Amazon Web Services giúp cô mở rộng giao tiếp, phát triển bản thân.

CÁNH CHIM VIỆT ĐẾN TỪ THUNG LŨNG SILICON

Trải qua 32 năm làm việc với nghề kỹ sư công nghệ điện tử tại thung lũng Silicon – Hoa Kỳ, anh Peter Huỳnh, quốc tịch Mỹ gốc Việt đã đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành kỹ thuật của một doanh nghiệp có trên 400 kỹ sư công nghệ quốc tế. Peter Huỳnh được ví như “cánh chim Việt” quay về quê hương khi đến làm việc tại Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng với kỳ vọng biến nơi đây thành thung lũng Silicon của Việt Nam.

Peter Huỳnh vui mừng với sản phẩm bo mạch điện tử công nghệ cao do kỹ sư và doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng sản xuất. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Peter Huỳnh sinh năm 1970 trong gia đình nhà giáo mà ba mẹ là giảng viên đại học. Peter Huỳnh sinh sống, học phổ thông tại TP.HCM, đến năm 1989 cùng gia đình đến định cư tại California (Mỹ) và học đại học tại trường San Jose State University. Tốt nghiệp đại học, Peter Huỳnh được tuyển thẳng đến làm việc cho Tập đoàn công nghệ máy tính IBM, tiếp đó là Tập đoàn LINA NETWORK … Peter Huỳnh cũng đã làm việc tại 6 tập đoàn công nghệ lớn và có thời gian làm việc lâu nhất ở Tập đoàn SPARTON tại thung lũng Silicon chuyên sản xuất, lắp ráp bo mạch điện tử cao cấp cho các lĩnh vực y tế, hàng không, quân sự. Nơi đây, Peter Huỳnh trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên trong Tập đoàn SPARTON nắm vị trí Giám đốc điều hành kỹ thuật, điều hành hơn 400 kỹ sư công nghệ quốc tế tại Mỹ và các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc …

Dấu ấn năng lực trong nghiên cứu chế tạo công nghệ điện tử của Peter Huỳnh thể hiện trong vai trò “kiến trúc sư trưởng” của bộ bo mạch điện tử của Tập đoàn SPARTON. Sản phẩm này cung cấp cho việc sản xuất máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 là máy bay F-35 và đã đưa Peter Huỳnh trở thành nhân sự cấp cao có mức thu nhập cao. Năm 2019, đoàn công tác xúc tiến đầu tư do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam đã tiếp cận Peter Huỳnh tại thung lũng Silicon. Cũng cần nói thêm, công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thành lập vào năm 2004, qua hơn 16 năm hoạt động đã phát triển lớn mạnh với đội ngũ cán bộ lên đến hơn 1,500 người, xây dựng hệ thống 15 công ty thành viên, hoạt động trong những lĩnh vực chính gồm Năng lượng, Xây dựng, Hạ tầng và Bất động sản với tổng tài sản đạt 8,831 tỷ đồng (384 triệu USD). Sau gần 1 năm thương thảo, ngày 17/10/2020, dự án ươm tạo công nghệ cao Nhà máy nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT ra đời. Dự án do Công ty Trung Nam EMS (thuộc Tập đoàn Trung Nam) quản lý vận hành. Giám đốc công ty này không ai khác chính là Peter Huỳnh. Trung Nam EMS đang triển khai mở rộng khu sản xuất bo vi mạch in điện tử cao cấp với 8 dây chuyền sản xuất với công nghệ SMT và sản xuất linh kiện điện tử nhằm cung cấp thiết bị, sản phẩm điển tử đạt tiêu chuẩn quốc tế cho khu vực và thế giới. Tại Khu Công nghệ thông tin tập trung (Danang IT Park), Tập đoàn Trung Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.5 tỷ USD/năm về sản xuất bo mạch điện tử và khả năng tuyển dụng 25,000 lao động trong giai đoạn 2021-2025. Dự án Danang IT Park kỳ vọng trở thành một trong những cộng đồng phát triển công nghệ thông tin tốt nhất châu Á tại thành phố Ðà Nẵng theo mô hình thung lũng Silicon của Mỹ … Hiện Danang IT Park đã hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật 131 ha giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 47 triệu USD, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư. Thêm vào đó, khu chuyên gia và công viên sinh thái có diện tích 26 ha gồm căn biệt thự cao cấp, biệt thự sườn đồi, căn hộ, và khu thể thao, mua sắm, công viên, cà phê, nhà câu lạc bộ … cũng sẽ được triển khai đầu tư nhằm cung cấp môi trường sống hiện đại, tiện nghi theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu cho các chuyên gia, đối tác làm việc. Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến khẳng định: “Danang IT Park được quy hoạch, xây dựng hạ tầng hiện đại, không gian tiện nghi, chắc chắn sẽ là nơi làm việc lý tưởng cho các chuyên gia công nghệ thông tin đầu ngành, sẽ biến thành một thung lũng Silicon của Việt Nam”. Theo Giám đốc Công ty Trung Nam EMS Peter Huỳnh, để hiện thực hóa giấc mơ Silicon Valley của Việt Nam, dự án Nhà máy nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT với tổng số vốn đầu tư 7 triệu USD đóng vai trò vườn ươm công nghệ cao. Mục tiêu của dự án là đào tạo cho Tập đoàn Trung Nam nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung một thế hệ kỹ sư am hiểu, vận hành thuần thục công nghệ gia công bo mạch điện tử tiên tiến nhất trên thế giới; chứng minh cho các đối tác trong và ngoài nước thấy rằng Việt Nam có thể thực hiện được các sản phẩm điện tử từ đơn giản đến phức tạp nhất, từ những bo mạch phục vụ cho tiêu dùng thông thường, đến những bo mạch phục vụ cho ngành y tế, thậm chí là an ninh, quốc phòng … theo những yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng.

Image result for da nang it park

Danang IT Park

Tập đoàn Trung Nam đang là nhà đầu tư lớn ở Việt Nam về lĩnh vực năng lượng thì sự dịch chuyển đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đem lại cho Peter Huỳnh niềm tin mãnh liệt để cống hiến. Anh đã gạt qua mọi quyền lợi vật chất để đồng hành cùng Trung Nam hiện thực hóa giấc mơ “lăn bánh xe công nghệ điện tử” vươn tầm khu vực và thế giới. “Tôi mãi mãi gắn bó với thành phố Đà Nẵng và sự có mặt ở đây là để đưa trí tuệ Việt Nam, con người Việt Nam bằng sản phẩm điện tử công nghệ cao vươn tầm thế giới”, anh nói.

TS BÙI HẢI HƯNG VÀ GOOGLE DEEPMIND

Ngày 17/4/2019, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI – VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech). Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu. Viện do Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực AI thế giới, làm Viện trưởng.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng sinh năm 1973, ông từng học Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng dự thi Olympic Toán quốc tế với Giáo sư Ngô Bảo Châu và giành Huy chương bạc năm 1989. Từ năm 1994 đến năm 1998, ông theo học tại trường Đại học Curtin, Úc. Tại đây, ông lấy bằng cử nhân và sau đó nhận bằng Tiến Sĩ năm 1998 khi mới 25 tuổi, đều về ngành khoa học máy tính. Từ tháng 2/2000 đến tháng 10/2003, ông làm Giảng Viên tại trường Đại học Curtin và đã từng được mời làm Giáo Sư tại trường Đại học Monash. Tại đây, ông giảng dạy các môn bao gồm Trí tuệ nhân tạo, Toán học rời rạc, Giao tiếp máy tính ở cấp đại học, các chủ đề nâng cao trong trí tuệ nhân tạo, bao gồm mạng Bayes, mô hình đồ họa, mạng thần kinh. Ông cũng đã thực hiện nghiên cứu trong các mô hình đồ họa xác suất và học máy với các ứng dụng trong hoạt động và nhận dạng kế hoạch và tư vấn cho 4 nghiên cứu sinh trong lĩnh vực này. Trong hơn 9 năm tiếp theo, từ tháng 10/2003 đến tháng 11/2012, ông Hưng làm nghiên cứu viên tại Trung tâm AI – Viện Nghiên Cứu Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Giai đoạn này, ông là người nghiên cứu chính trong chương trình nhận dạng hoạt động cấp cao từ video của DARPA (Cơ quan dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến).

Tháng 1/2018, ông bắt đầu làm việc trong một trong những đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ AI là Google DeepMind. Tại đây, ông được giao vị trí nghiên cứu cấp cao và được đánh giá là nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google. Ông có gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ.

Rời vị trí nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng gia nhập Tập đoàn Vingroup.  Mục tiêu của Viện Nghiên cứu AI của Vingroup là xây dựng một lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI cho Tập đoàn Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là ươm mầm cho những tài năng về AI cho Việt Nam trong tương lai, đồng thời tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho Tập đoàn hoặc các đối tác.

Image result for tiến sĩ bùi hải hưng wiki

Tiến sĩ Bùi Hải HưngViện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI – VinAI Research

NHÀ MÁY IN 3D SỢI CARBON LỚN NHẤT THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM CỦA VỢ CHỒNG VŨ XUÂN SƠN – LÊ DIỆP KIỀU TRANG

Đây là câu chuyện của vợ chồng Vũ Xuân Sơn và Lê Thị Kiều Trang thuộc thế hệ vàng của Việt Nam. Vũ Xuân Sơn, sinh năm 1973 ở Long Xuyên, là doanh nhân gốc Việt nổi tiếng ở thung lũng Silicon và thành công lớn nhất là start-up mang tên Misfit Wearables. Còn nàng là một thủ khoa xinh đẹp, dịu dàng, họ đã cùng nhau chung tay, góp sức để phát triển kinh doanh và thực hiện những hoài bão của tuổi trẻ viết nên một chuyện tình có một không hai trên đất khách.

Kiều Trang sinh năm 1980 tại TP.HCM trong một gia đình doanh nhân. Từ nhỏ, Kiều Trang đã có tính cách mạnh mẽ, tự lập. Có lẽ vì gia đình đều hoạt động kinh doanh nên cô sớm cũng có niềm đam mê kinh doanh, hăng say làm việc. Nhờ vào tính cách, định hướng rõ ràng và có sự hỗ trợ của gia đình, cô luôn có thành tích học tập đáng nể. Khi ngồi trên ghế nhà trường trong những năm học trung học, cô đã có thể gặp gỡ các doanh nhân và có thể phiên dịch với vốn tiếng Anh, tiếng Trung vượt trội. Năm lớp 9, cô được đặt cách học đại học tại chức tiếng Anh của ĐH Nguyễn Tất Thành. Sau đó Kiều Trang đổ thủ khoa cả đầu vào và đầu ra Trường THPT Lê Hồng Phong. Còn đáng nể hơn khi cô nhận được học bổng học dự bị đại học 2 năm tại Anh và giành học bổng ĐH Oxford (Anh), Học viện Công nghệ Massachusetts. Sau khi hoàn tất chuyên ngành kinh tế và quản trị, Lê Diệp Kiều Trang tiếp tục học và đạt được thủ khoa thạc sĩ kinh doanh tại Mỹ. 

Sonny Vu rời Việt Nam cùng gia đình năm 1979. Những ngày đầu đến Mỹ thật khó khăn, nhưng anh chưa bao giờ là một đứa trẻ nhút nhát, nên hòa nhập rất nhanh. Với tư chất thông minh, nhanh nhẹn, việc học của Sơn hoàn toàn thuận lợi, suôn sẻ cho đến khi học … tiến sĩ. Sơn tốt nghiệp bằng đôi về toán học và ngôn ngữ học tại ĐH Illinois nhánh Urbana-Champaign. Có lẽ do “máu kinh doanh” luôn căng tràn nên trong lúc đang làm nghiên cứu sinh tại MIT năm 1996, Sơn bỏ ngang để ra mở doanh nghiệp nhưng thất bại. Sau đó, anh chọn đi làm nghiên cứu viên cho Tập đoàn máy tính Microsoft. Năm 1999, giữa lúc đang thành công rực rỡ trong vai trò người thành lập và đào tạo nhân lực Phòng Nghiên cứu xử lý ngôn ngữ Trung Hoa cho máy tính của Microsoft ở Bắc Kinh, Sơn lại nghỉ ngang và quay trở lại MIT. Rồi anh lại cắt ngang chương trình tại MIT một lần nữa để lập ra Công ty công nghệ phần mềm xử lý ngôn ngữ FireSpout. “Đó là một bước khởi đầu ngu xuẩn. Mình đã đổ bao nhiêu tiền vào đó. Có điều công nghệ này đã bán được”, Sơn chia sẻ về “đứa con” đầu lòng của mình. Anh bán công nghệ FireSpout cho một tập đoàn lớn năm 2001, sau khi đã hoàn tất luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học ở MIT. Bán FireSpout, Sơn lại cùng người bạn đại học cũ là Sridhar Iyengar lập Công ty AgaMatrix. “Điều trớ trêu là công ty thành lập vào tháng 10/2001, ngay sau sự kiện 11/9 chấn động nước Mỹ và thế giới”, Sơn kể. Còn Sridhar nhớ lại vào thời điểm đó việc huy động vốn cực kỳ khó, nhưng bù lại có rất nhiều người giỏi sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn trước đó. Sau những chật vật “đầu tiên”, sự kết hợp giữa Sridhar chuyên sâu về cảm ứng sinh học và phụ trách chế tạo sản phẩm cùng với Sơn phụ trách phát triển kinh doanh đã đưa AgaMatrix cất cánh. Sản phẩm nổi bật của công ty này là thiết bị theo dõi lượng đường máu ở bệnh nhân tiểu đường. Ngày nay, AgaMatrix với 150 nhân viên ở Boston (Mỹ) và 300 nhân viên khác ở châu Á có doanh thu hằng năm gần 100 triệu USD. Nhưng đến năm 2011, Sơn tiếp tục rời khỏi vị trí quản lý AgaMatrix, dù vẫn là cổ đông lớn, để thành lập công ty của riêng mình – Misfit Wearables. Đồng sáng lập cùng anh vẫn là người bạn nhập cư gốc Ấn Sridhar và John Sculley – cựu tổng giám đốc của tập đoàn máy tính Apple và nước giải khát Pepsi. Misfit Shine – được chế tạo tại Hàn Quốc bằng vật liệu nhôm máy bay, với kích thước và hình dáng gần như đồng xu, có thể gắn vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể và không thấm nước – là sản phẩm đầu tay của công ty. Thiết bị này cũng có thể kết nối với máy tính của bác sĩ để giúp bác sĩ theo dõi và có lời khuyên kịp thời đối với người sử dụng. Sơn không ngần ngại nói rằng làm ông này ông kia ở những tập đoàn đa quốc gia chưa bao giờ là điều anh mong ước. “Tự mình tạo ra những sản phẩm tuyệt vời cho người tiêu dùng” là lý tưởng sống của anh. Bên cạnh Sridhar sẵn sàng hỗ trợ anh về kỹ thuật cảm ứng sinh học, John Sculley và Vinod Khosla – người đồng sáng lập công ty chuyên về mạng máy tính Sun Microsystems – là những người thầy thường cho anh các lời khuyên bổ ích.

Không chỉ sớm khẳng định tên tuổi ở Thung lũng Silicon, Sơn còn nổi danh trong cộng đồng du học sinh Việt khắp thế giới bởi thành tích chinh phục “cô nàng thủ khoa” xinh đẹp Lê Diệp Kiều Trang. Sơn gặp Trang năm 2006 tại TP.HCM trong lần về nước theo lời mời của bà Tôn Nữ Thị Ninh, người khi ấy mang hoài bão xây dựng một ĐH Trí Việt đẳng cấp thế giới và ra sức chiêu mộ tài năng Việt ở nước ngoài. Năm 2008, cô thạc sĩ thủ khoa ngành kinh tế học ở ĐH Oxford (Anh) khóa 2003 – 2005 và đang làm việc cho Ngân hàng HSBC tại TP.HCM đã “bỏ cuộc chơi” theo Sơn về Thung lũng Silicon. Tại đây, Trang tiếp tục học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Quản trị Sloan của MIT và lại tốt nghiệp thủ khoa năm 2011. Sau đó, Trang đầu quân cho Tập đoàn tư vấn tài chính McKinsey tại Boston, bang Massachusetts. “McKinsey là một công ty tuyệt vời với môi trường làm việc, con người và những giá trị tuyệt vời. Nhưng trong vài tuần nữa, mình sẽ nghỉ việc ở đây để tập trung cho Misfit Wearables”, Trang tiết lộ với Thanh Niên. Trang không cho đó là một sự hy sinh vì người bạn đời. Trái lại, “Misfit có sức thu hút lớn đối với mình. Và đương nhiên, ở đó mình có cảm giác mình thuộc về nó, cảm giác về một công việc có ý nghĩa, dù tự kinh doanh là một việc đầy rủi ro”. Trang cũng cho biết trong 2 năm qua, ngoài làm việc cật lực cho McKinsey, cô cũng dành nhiều thời gian cho Misfit. Với kiến thức quản trị kinh doanh, Trang tham gia vào công tác tài chính, phát triển kinh doanh, kết nối giữa nhóm thiết kế sản phẩm 12 người ở San Francisco và nhóm 25 người ở Việt Nam phụ trách các mảng khác, và công tác nhân sự của công ty. Trong lúc Sơn xác định Misfit Wearables là sự nghiệp lâu dài của mình và đang chuẩn bị cho sự ra đời của một sản phẩm khác, quyết định “trong 2 giây” dứt áo với McKinsey để đồng hành với công ty của chồng là minh chứng cụ thể nhất của cái “duyên trời định” mà Trang mô tả về sự kết đôi giữa cô và Sơn. Không giống như những startup trước đó, dưới sự vận hành của Lê Diệp Kiều Trang, Misfit dù đã có nhà đầu tư nhưng vẫn tiến hành gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) trên Indiegogo (sau khi bị Kickstarter từ chối). Dự kiến số tiền mục tiêu là 100,000 USD nhưng Misfit huy động được tới 846,000 USD (trả tiền trước cho sản phẩm chưa ra mắt) và đưa startup này trở thành một ví dụ điển hình về thành công với crowdfunding. Trên thực tế, Crowdfunding không chỉ đem đến Misfit về nguồn vốn mà còn giúp Sơn và các cộng sự của mình dự báo được nhu cầu của thị trường cho Shine, đồng thời tạo thuận lợi cho vòng gọi vốn series A sau đó. Trong vòng gọi vốn đầu tiên, công ty này thu hút được nhiều nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng nhất thế giới: Peter Thiel (nhà sáng lập Paypal), Vinod Khosla (nhà sáng lập Sun Microsystems), Brian Singerman (nhà sáng lập iGoogle) và quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund …

Duyên nợ với quê hương: Đầu năm 2021, Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đón một dự án rất đặc biệt: Nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới của startup Arevo (Mỹ). Đây là dự án do vợ chồng Vũ Xuân Sơn – Lê Diệp Kiều Trang đưa về Việt Nam ngay trong đại dịch Covid-19. Lý do quan trọng nhất để cặp đôi đặc biệt này đưa một dự án công nghệ mới nhất trên thế giới về in 3D về Việt Nam cũng rất thú vị “để các con tôi có thể học tiếng Việt thật giỏi và hiểu sâu về văn hoá Việt Nam”, Vũ Xuân Sơn – CEO Arevo (doanh nhân tuổi trâu nổi tiếng) tiết lộ.

Dự án này cũng đánh dấu bước ngoặt của Vũ Xuân Sơn với Việt Nam. Khởi phát dự án ở Mỹ, nhưng anh lại trở về Việt Nam để thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển (R&D) và tuyển mộ các kỹ sư người Việt. Theo đó, các kỹ sư Việt Nam sẽ phát triển thuật toán về cảm ứng, thiết kế phần mềm cho sản phẩm; còn thiết kế phần cứng sẽ được thực hiện tại Mỹ. Đây là quy trình mà anh gọi là “đi ngược với thế giới” bởi “nhìn thấy tiềm năng của nguồn nhân sự trẻ tại Việt Nam”. Trong một bài trả lời phỏng vấn tại Việt Nam vào thời điểm đó, Vũ Xuân Sơn cho biết: “Đã đến lúc người Việt Nam phải tự sáng tạo, thiết kế, và sản xuất các sản phẩm công nghệ cho riêng mình vì có ngày chúng có thể làm thay đổi thế giới”. Nhóm kỹ sư mà Vũ Xuân Sơn tuyển dụng tại Việt Nam thời đó gồm hơn 20 thành viên, với một số người từng đoạt giải Olympic Toán, Tin học quốc tế hoặc tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng của Đại học Khoa học tự nhiên … Họ trở thành nhân tố quan trọng cho sự thành công của Misfit sau đó. Sau khi đạt được những thành công không nhỏ về thương mại với sản phẩm Misfit Shine, công ty này được Tập đoàn Fossil (Mỹ) mua lại với trị giá khoảng 260 triệu USD.

Anh cho biết: “Thành công của Misfit với những kỹ sư Việt Nam cho thấy tiềm năng rất lớn của những kỹ sư công nghệ trong nước. Họ thực sự có thể làm được nhiều điều khó tin chứ không chỉ các kỹ sư ở Silicon Valley”. Không giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm khác, Alabaster là một “cuộc chơi” để thoả mãn niềm đam mê công nghệ của Sơn và vợ mình nhiều hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Cũng vì thế, ngoài việc tìm kiếm cơ hội ở nhiều startup công nghệ trên khắp thế giới, Sơn và vợ trực tiếp tham gia điều hành một số startup để có thể tận dụng các kinh nghiệm, kỹ năng cũng như mạng lưới quan hệ được tích luỹ trong nhiều năm và giúp cho các công ty này cất cánh.

Perfect Day – một công ty trong lĩnh vực công nghệ sinh học “có thể làm ra thịt, sữa mà không cần con bò”, được Alabaster đầu tư từ giai đoạn đầu tiên (năm 2015) và Vũ Xuân Sơn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. “Thời điểm đó, tôi nghĩ mình cũng hơi điên điên khi đầu tư vì công nghệ này chưa phổ biến”, Sơn cho biết. Thế nhưng, Sơn cùng với những nhà sáng lập chuyên sâu về Biotech đã giúp công ty này tăng trưởng rất mạnh. Trong lần gọi vốn series C (năm 2019), Perfect Day thu hút thêm 300 triệu USD. Trong khi đó, năm 2019, Lê Diệp Kiều Trang quyết định “chấm dứt đời làm thuê” khi rời vị trí CEO GoViet (hiện đổi tên thành Gojek) tại Việt Nam và tập trung cho Alabaster. Cùng thời điểm, Trang trở thành Chủ tịch HĐQT của Harrison.ai – một startup về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế do 2 sinh viên tài năng người Việt ở Úc thành lập. Hơi giống với Misfit khi xưa, Harrison.ai cũng thành lập chi nhánh ở Việt Nam và tuyển dụng nhiều bác sĩ trong nước.

Chia sẻ với Trí thức trẻ, Trần Đặng Minh Trí – đồng sáng lập Harrison.ai (cùng em trai là Trần Đặng Đình Áng) nói: “Ngày trước mình có nghe anh Sơn và chị Trang (vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang và Vũ Xuân Sơn) nói: ‘Việt Nam sẽ không chỉ sử dụng công nghệ của nước khác hay làm thuê cho nước khác mà có thể phát triển công nghệ của riêng mình’. Đó là giấc mơ của anh Sơn và chị Trang khi làm Misfit và giờ cũng là giấc mơ của anh em mình”. Thực tế, số vốn mà Alabaster đầu tư vào Harrison.ai không phải nhân tố quan trọng nhất mà là sự tham gia trực tiếp của 2 vợ chồng Sơn – Trang. Đến nay, Harrison.ai đã gọi được 20 triệu USD vốn đầu tư từ chuỗi bệnh viện Ramsay Health Care lớn thứ ba toàn cầu và nhiều quỹ mạo hiểm danh tiếng của thế giới như Blackbird Ventures và Skip Capital của Úc, Horizons Ventures của Hong Kong … Kể từ khi thành lập, Alabaster đã đầu tư vào 35 startup công nghệ ở nhiều nước trên thế giới và có vài công ty đạt được thành công lớn. Ngoài Perfect Day, một công ty có phát triển đột biến trong dịch Covid-19 là Neteera – startup tạo ra công nghệ có thể phát hiện người mắc Covid-19 từ xa mà không cần que thử nước bọt hay lấy máu. Neteera do Issac Litman làm founder kiêm CEO. Doanh nhân này trước đây là nhà sáng lập kiêm CEO của Mobileye – một trong những startup công nghệ thành công nhất trong lịch sử của Israel.

Mặc dù thành công với Alabaster khi đầu tư vào những startup công nghệ deep tech nhưng Vũ Xuân Sơn chia sẻ “thích tự làm hơn vì đầu tư không tạo ra ảnh hưởng trực tiếp nhiều như khi mình làm”. Anh cho biết: “Kiếm tiền không phải là mục đích chính của mình. Tiền giờ cũng đủ rồi mà mình sống cũng đơn giản và ở Việt Nam đâu có tốn nhiều tiền. Mục đích chính bây giờ là làm gì mà mình có thể học cái gì đó mới, có thể đóng góp cái gì quan trọng cho xã hội. Điều đó là có nghĩa nhất”.

Arevo – một startup công nghệ in 3D bằng sợi carbon tại Mỹ là thử thách mới của vợ chồng Sơn – Trang. Khi tìm hiểu kỹ về công ty này và quyết định đầu tư, Sơn được 2 nhà sáng lập (Hemant Bheda – hiện giữ ghế Chủ tịch và Wiener Mondesir – Giám đốc công nghệ) đề nghị trở thành CEO của Arevo để đưa công ty này phát triển ở một tầng cao mới và anh nhận lời. Vũ Xuân Sơn cho biết: “Khi tìm hiểu sâu về Arevo, tôi thấy họ sở hữu công nghệ rất mới và thị trường cho nó cũng có tiềm năng phát triển lớn nên đồng ý tham gia”. Trước khi trở thành CEO, anh là cố vấn cho 2 nhà sáng lập, đồng thời là một nhà đầu tư của Arevo. Năm 2020, vào giữa lúc đại dịch Covid-19 đang bùng phát rất mạnh, Vũ Xuân Sơn cùng vợ vẫn quyết định giới thiệu sản phẩm đầu tiên của Arevo –Superstrata, chiếc xe đạp bằng công nghệ in 3D, có khung bằng sợi carbon nguyên khối đầu tiên trên thế giới. Giới thiệu Superstrata với hình thức gọi vốn crowdfunding trên Indiegogo, Arevo đã thu về hơn 7 triệu USD qua việc bán trước hơn 3,000 chiếc và trở thành một hiện tượng kiểu “Tesla của ngành xe đạp”.

Việc đạt được kỷ lục với crowdfunding ngay trong đại dịch Covid-19 giúp Sơn tiến hành một kế hoạch tham vọng khác: đưa nhà máy sản xuất in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới về Việt Nam. Tháng 8/2020, 2 vợ chồng Sơn – Trang từ Mỹ về Việt Nam và thực hiện làm các thủ tục xin phép mở nhà máy tại TP.HCM từ khu cách ly. Cuối tháng 1/2021, Lê Diệp Kiều Trang thay mặt Arevo nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Chia sẻ với Trí thức trẻ trước đó, Vũ Xuân Sơn cho biết: “Trên thế giới cũng chưa từng có máy in sợi carbon 3D lớn và nhiều máy như vậy nên nhà máy của mình đương nhiên là lớn nhất thế giới rồi (cười)”. Tại khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Arevo dự kiến lắp đặt hơn 100 máy in 3D sợi carbon thế hệ mới (vật liệu dùng để sản xuất máy bay) và đã in khung xe đạp Superstrata tại Việt Nam. Theo dự kiến, startup này sẽ cho ra mắt sản phẩm thứ 2 vào tháng 3/2021. Nếu như với Misfit, Sơn và Trang chỉ tuyển các kỹ sư phần mềm tại Việt Nam còn trụ sở chính vẫn ở Silicon Valley thì với Arevo, cặp vợ chồng nổi tiếng này đã đưa cả nhà máy với công nghệ in 3D hiện đại nhất thế giới về quê hương. Chia sẻ về quyết định này, Sơn cho biết: “Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia có cơ hội lớn nhất thế giới, vì mình là quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 tốt nhất và đã hoạt động bình thường trong khi nhiều quốc gia khác vẫn phải đóng cửa”. CEO Arevo tiết lộ thêm một thuận lợi khi về Việt Nam, công ty có thể tăng quy mô sản xuất nhanh chóng nhờ việc xây dựng nhà máy sẽ rất thuận lợi. “Ở Việt Nam, mình có thể thuê người làm 24/7 được, chứ ở Mỹ giờ đâu thể làm thế. Thậm chí, trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh thì cũng khó làm như vậy được”.

Chuyện ít biết về vợ chồng doanh nhân đưa nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới về Việt Nam - Ảnh 10.
Xe đạp 3D

Trở về Việt Nam với vai trò CEO Facebook Vietnam hay CEO GoViet, Lê Diệp Kiều Trang luôn được chồng tháp tùng ở những sự kiện quan trọng. Xuất hiện lặng lẽ bên người vợ hotgirl, thỉnh thoảng có người nói đùa về Sơn: “Anh này rảnh không việc gì làm nên đến sự kiện làm ‘bảo mẫu’ cho vợ”. Còn Sơn thì chia sẻ: “Hai vợ chồng đi chung với nhau vui mà, được làm chung nữa thì còn vui hơn dù vợ chồng làm chung thì cũng có lúc gây lộn (cười). Mà không gây lộn thì không phải vợ chồng đúng không (cười lớn)”. Chia sẻ về lý do chuyển về Việt Nam, Vũ Xuân Sơn cho biết: “Lý do chính là muốn con mình lớn lên ở Việt Nam, nói tiếng Việt tốt cứ không ấm ớ như bố. Nếu ở Mỹ chắc chắn hai đứa không nói tiếng Việt giống như tiếng mẹ đẻ được. Hai đứa nhỏ nên ở Việt Nam 5-10 năm để có nền tảng vững chắc về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, rồi sau đó đi đâu học cũng được. Chứ ở Mỹ là sẽ mất luôn những thứ đó”. Đưa vợ và 2 con, cùng cả nhà máy của Arevo về Việt Nam, điều khiến Vũ Xuân Sơn thích nhất là “được gặp và làm việc với rất nhiều người giỏi” và “ở ngành gì cũng có thể gặp người giỏi được mà chỉ cần 1-2 cuộc điện thoại”. Sơn rất thích học Toán và có cơ hội gặp GS. Ngô Bảo Châu. Anh khoe: “Mình được gặp anh Ngô Bảo Châu rồi, nói chuyện với anh ấy rất thích. Anh ấy là hero (người hùng) của mình luôn (cười)… Rất là thích. Ở Mỹ không được như vậy đâu”.

Trong khi đó, bình luận về việc Vũ Xuân Sơn và vợ về Việt Nam xây dựng nhà máy, tuyển dụng nhiều nhân sự, GS. Vũ Ngọc Tâm (Đại học Oxford – Anh và Colorado Boulder – Mỹ) nói: “Anh Sơn là một người Việt Nam có tinh thần dân tộc rất cao. Trong lĩnh vực deep tech, anh ấy muốn làm cái gì đó khác biệt, và mang dấu ấn của người Việt”. Vũ Ngọc Tâm là founder của Earable – một startup ở Mỹ, mới nhận được đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng thế giới – Founder Funds và tài trợ từ Google, quỹ Sloan và Vingroup … Về Việt Nam, Tâm là hàng xóm của vợ chồng Sơn – Trang.

Image result for Vũ Xuân Sơn - trang và 2 con

Vợ chồng Vũ Xuân Sơn – Lê Diệp Kiều Trang và 2 con

NGÀNH TÁC CHIẾN – QUÂN LỰC HOA KỲ

SĨ QUAN GỐC VIỆT THỨ HAI LÀM HẠM TRƯỞNG KHU TRỤC HẠM

Ngày 22/2/2021, HQ Trung Tá gốc Việt đầu tiên làm hạm trưởng khu trục hạm USS John McCain. HQ Trung Tá Tín Trần đã nhận bàn giao chức hạm trưởng khu trục hạm trang bị hỏa tiễn dẫn dường USS John McCain trong một buổi lễ tại căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản, hôm 19/2. Ông là hạm trưởng gốc Việt đầu tiên của USS John McCain và cũng là Hạm Trưởng gốc Việt thứ hai sau Đại tá Lê Bá Hùng. Tháng 4 năm 2009, ông Hùng được bổ nhiệm làm Hạm trưởng tàu USS Lassen với cấp bậc Trung tá Hải quân (Commander) và trở thành người gốc Việt đầu tiên chỉ huy một chiến hạm thuộc Hải quân Hoa Kỳ.

YOKOSUKA, Japan - Cmdr. Tin Tran, right, relieves Cmdr. Ryan T. Easterday as the commanding officer of the Arleigh Burke-class guided-missile destroyer John S. McCain (DDG 56). McCain is assigned to Destroyer Squadron Fifteen (DESRON 15), the Navy’s largest forward-deployed DESRON and the U.S. 7TH Fleet’s principal surface force. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist Seaman Santiago Navarro)

Cmdr. Tin Tran, right, relieves Cmdr. Ryan T. Easterday as the commanding officer of the Arleigh Burke-class guided-missile destroyer John S. McCain (DDG 56). 

THAM KHẢO

  1. Bài viết “The Mountains Sing: Tiểu thuyết Việt Nam đang làm độc giả phương Tây cảm động” đăng trên đài BBC News Tiếng Việt ngày 8/9/2020.
  2. Bài viết “Ứng dụng của nữ doanh nhân Việt được Google hậu thuẫn” đăng trên đài BBC News Tiếng Việt ngày 24/10/2020.
  3. Bài viết “Tỷ phú gốc Việt Chính Chu – “Người đàn ông đáng gờm” của phố Wall” đăng trên mạng The Lux List ngày 1/7/2020.
  4. Bài viết “Người trẻ ở tập đoàn công nghệ quốc tế của phố Wall” đăng trên mạng Đà Nẵng Online ngày 15/2/2021.
  5. Bài viết “Cánh chim Việt đến từ thung lũng Silicon” đăng trên mạng Đà Nẵng Online ngày 14/2/2021.
  6. Bài viết “Chân dung Viện trưởng Viện nghiên cứu AI của Vingroup: Lấy bằng tiến sĩ năm 25 tuổi, chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo từng làm việc cho Google, Adobe” đăng trên mạng Café Biz ngày 17/4/2019.
  7. Bài viết “Chuyện ít biết về doanh nhân đưa nhà máy in 3D sợi Carbon lớn nhất thế giới về Việt Nam” trên mạng E-Magazine 12/2/2021.
  8. Bài viết “Thành tích học tập ‘khủng’ của CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang” trên mạng Việt Nam Mới 17/2/2021.

*****

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *