Lời hứa sau 40 năm của người lính Mỹ và em bé Việt Nam

852 (lượt xem) |

Một lời hứa với cậu bé 9 tuổi tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng đã khiến người lính Mỹ day dứt gần nửa cuộc đời vì chưa thể thực hiện. Ông chia sẻ: “Nếu thất hứa với một người lớn nào đó thì tôi sẽ không bị mang một nỗi ân hận dai dẳng đến vậy. Đằng này tôi đã hứa với một đứa trẻ tốt bụng, ngây thơ. Nó không thề thốt hay cầu xin gì cả, trên khuôn mặt lúc nào cũng có một nụ cười”…

Người lính Mỹ trong câu chuyện là ông Phil Seymour, hiện 74 tuổi, sống cùng người vợ tại một bang của miền Bắc nước Mỹ. Phil đến Việt Nam vào tháng 12/1966. Tháng 6/1967, Phil đóng quân ở một đảo nhỏ gần Hội An – Đà Nẵng (có lẻ là Cù lao Chàm), Ông và các đồng đội thường vào đất liền tham quan Hội An. Trong những chuyến đi như vậy, Phil thường mang theo một chú chó nhỏ đằng sau ba lô của mình. Chú chó này tên là Boot, được ông cứu trong một lần hành quân ở trong rừng. Lúc đó Boot còn chưa dứt sữa.

https://www.hoteljob.vn/files/hoian3.jpg

Phil và chú chó Boot

Mỗi khi Phil và đồng đội ghé vào đất liền, những đứa trẻ trong làng thường chạy tới hỏi xin các loại đồ Mỹ như kẹo và đồ hộp. Trong những đứa trẻ đó có một em tên Cẩm (ông Phil gọi là Cam). Cậu bé mà Phil mang theo lời hứa quá nửa đời người là Lê Đình Cẩm – hiện có nhà tại tổ 8, khối Thanh Tây, phường Cẩm Châu (TP Hội An).

Phil và Cam năm 1967. (Ảnh qua Pinterest)

Trong đám trẻ gần đồn lính, Phil đặc biệt quý mến Cam – cậu bé 9 tuổi bởi Cam thật thà và giàu lòng tự trọng. Thường thì những người lính Mỹ sẽ chia cho bọn trẻ một ít trong khẩu phần của họ. Cam không như những đứa trẻ khác, cậu bé luôn đứng ở phía sau và không đến xin không, mà mang theo những trái cây như dừa, chuối, chanh … để trao đổi. Vì vậy cậu bé rất được lính Mỹ yêu mến.

40 năm ray rứt về một lời hứa: Phil nói rằng vào tháng 6/1967, ông qua nghĩ phép tại Thái Lan. Vì sợ Cam sẽ buồn, Phil không tiết lộ việc đó. Buổi trưa trước ngày Phil lên đường, Cam ra chơi như thường lệ. Thấy một bộ đồ của Phil cáu bẩn, cậu bé Hội An đem ra bờ kênh để giặt. Cam đã mê mẩn hàng chục phút khi thấy trong túi áo mà Phil mặc có một chiếc đồng hồ đeo tay bằng inox thật đẹp. “Tôi thật sự rất thích chiếc đồng hồ ấy nhưng tôi không lấy nó mà để lại nguyên trong túi áo của Phil. Có lẽ điều đó đã làm ông ấy xúc động” – ông Lê Đình Cẩm nhớ lại.

Phil biết câu chuyện người bạn nhỏ của mình là Cam rất thích chiếc đồng hồ của ông. Nhưng vì đó là kỷ vật của cha mẹ tặng nhân dịp sinh nhật, ông không thể tặng Cam được. Ngày hôm sau, khi chuẩn bị lên xe để rời Hội An, người lính Mỹ đã tới vỗ vai Cam rồi nói rằng: “Lúc trở lại, tôi sẽ mua tặng cậu chiếc đồng hồ giống như của tôi đang có”. Một lời hứa, một “tình bạn” tưởng như nhòa lẫn và chẳng mấy ai nhớ tới, ngay cả cậu bé ngày đó nay là ông Lê Đình Cẩm bảo cũng quên ngay sau đó nhưng lại day dứt và theo từng giấc ngủ đối với ông Phil suốt hơn 40 năm. Phil nói rằng ngay khi qua Thái Lan, ông đã tìm mua được một chiếc đồng hồ mới và chờ ngày trở lại. Nhưng cuộc chiến kéo dài khiến Phil không thể thực hiện được dự định. Khi giải ngũ ông quay trở về Mỹ sinh sống, lấy vợ, có việc làm ổn định. Cách đó nửa vòng trái đất, Cam cũng lớn lên và cậu chẳng nhớ gì về chiếc đồng hồ mà người lính Mỹ hứa.

Sau khi về Mỹ, Phil ở trong quân ngũ thêm 27 năm. Sau đó, ông lấy bằng Master về luật và trở thành luật sư ở Lầu Năm Góc. Trước khi nghỉ hưu vào năm 1995, ông giữ chức trưởng công tố viên. Cuộc sống của Phil khá suôn sẻ và không có gì phải hối tiếc, ngoại trừ lời hứa chưa thực hiện với một cậu bé ở vùng quê nghèo Việt Nam. Phil nói rằng cậu bé Cam có thể quên chuyện chiếc đồng hồ nhưng với ông thì không. Bởi đó là một lời hứa với một đứa trẻ – một người bạn nhỏ tuổi mà ông đã từng rất quý mến. Ông vẫn giữ chiếc đồng hồ đã mua cho Cam trong ba lô. Ông đã nghĩ rằng mình không thể trở lại Việt Nam lần nào nữa, và có lẽ sẽ phải mang niềm ân hận này đến khi lìa đời.

Cuộc hội ngộ cảm động sau 40 năm: Năm 2007, vợ ông Phil là bà Lynne cho biết những người bạn của họ sẽ có một chuyến đi đến Đông Nam Á và sẽ dừng chân ở Hội An. Bà Lynne nói ông nên cân nhắc tham gia chuyến đi này, cũng là cơ hội để tìm lại Cam và thực hiện lời hứa 40 năm trước. Mùa đông giáp Tết năm 2007, chuyến bay chở theo đoàn khách từ Mỹ qua Việt Nam du lịch có hành khách tên Phil Seymour. Ông cùng vợ qua Việt Nam du lịch nhưng thật sự cũng rất muốn đi tìm Cam. Phil nghĩ khả năng tìm lại Cam gần như bằng không, nhưng ông vẫn mang theo chiếc đồng hồ.

Tại Hà Nội, phái đoàn gặp anh Lưu Trung Kiên, quản lý điều hành Công ty du lịch OAT – người đã trực tiếp gặp Phil và giúp ông tìm được ông Lê Đình Cẩm sau 40 năm – kể rằng lúc trên máy bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi Hội An, ông Phil gần như không chợp mắt. Trên tay ông vẫn ôm hộp đồng hồ. “Thỉnh thoảng ông ấy lại lôi những bức ảnh đã chụp cùng ông Cẩm và bảo rằng thời gian không còn nhiều, ông muốn gặp lại Cẩm trước lúc qua đời. Thấy vậy tôi xúc động vô cùng và hứa với ông ấy rằng sẽ cố hết sức để giúp ông toại nguyện” – anh Kiên nhớ lại.

Anh Kiên nói với ông Phil nói rằng anh biết rất nhiều người ở Hội An và sẽ giúp tìm Cam. Cũng may là sau ngần ấy năm, ông Phil vẫn giữ một số tấm hình về gia đình Cam. Sau khi đến Hội An, nhận phòng khách sạn xong thì cũng là lúc ông Kiên gọi Phil xuống và qua bên kia đường. Không biết bằng cách nào, người hướng dẫn viên này đã tìm được một người đàn ông đội nón màu xanh, người này nhìn tấm ảnh của Phil và nói trong hình là cha của anh chụp chung với 3 người con, người con trai út trong hình chính là anh, và Cam chính là anh trai của anh. Ngay lúc đó, anh điện thoại để gọi Cam tới. Phil lật đật chạy lên phòng khách sạn để lấy máy ảnh và đồng hồ, rồi chạy ngay xuống. Ngay khi băng lại qua đường, Phil cũng vừa thấy Cam tới, lúc này Cam đã là một người đàn ông 49 tuổi, làm nghề thợ mộc.

Hướng dẫn viên giải thích cho Cam hiểu câu chuyện. Anh ngơ ngác, không thể hiểu được rằng có người vừa đi nửa vòng trái đất chỉ để gặp anh và đưa chiếc đồng hồ.

Hướng dẫn viên chỉ ông Phil rồi hỏi Cam là có nhớ người đàn ông này không, Cam trả lời: “Có, ổng thường cõng con chó nhỏ trên lưng”. Hướng dẫn viên hỏi về lời hứa chiếc đồng hồ 40 năm trước, Cam trả lời: “Có, lúc đó tui mới 9 tuổi, nói tiếng Mỹ bập bẹ, nên nghĩ rằng đã có sự hiểu lầm nào đó”. Ông Phil và hướng dẫn viên đã giải thích cho Cam hiểu là không có sự hiểu lầm nào cả, chỉ là do Phil đã thất hứa.

Ông Lê Đình Cẩm vẫn xúc động khi kể lại giây phút ông lớ ngớ khi đứng trước mặt Phil. Trước giây phút ấy, ông đang làm ruộng thì có một người bà con chạy ra bảo ông về nhà, có người cần gặp. Ông không kịp giội lớp bùn quấn trên ống quần, cứ thế cuốc bộ tới khách sạn nhỏ trên đường Cửa Đại (TP Hội An). Khoảnh khắc thấy ông, một người đàn ông tóc bạc, cao lớn liền lao tới rồi òa khóc. “Cam! Cậu chính là Cam của Hoi An 1967, cậu còn nhớ tôi không? Phil – bạn của cậu năm xưa đây!”. Ông Cam mất một ít thời gian mới hoàn hồn lại. Ông chưa bao giờ dám nghĩ, có người vừa đi nửa vòng trái đất chỉ để gặp ông và đưa một chiếc đồng hồ. Ông Cam cảm động rơi nước mắt. Hai người cùng ôm nhau khóc.

Chiếc đồng hồ 40 năm vun đắp thêm tình bạn - Ảnh 1.

Ông Phil và người bạn nhỏ Việt Nam

Ông Phil cho biết: “Nếu tôi thất hứa với một người lớn nào đó thì tôi sẽ không bị mang một nỗi ân hận dai dẳng đến như vậy. Đằng này tôi đã hứa với một đứa trẻ tốt bụng, ngây thơ. Nó không thề thốt hay cầu xin gì cả, trên khuôn mặt lúc nào cũng có một nụ cười”. Sau 40 năm gặp lại, giờ ai cũng đã khác. Cậu bé Cẩm 9 tuổi năm nào giờ cũng đã lên chức ông với 5 người con và nhiều cháu ngoại, cháu nội.

Kết cục đẹp của một tình bạn: Tình bạn giữa ông Cẩm và ông Phil sau đó còn tiến triển tốt đẹp hơn. Hai vợ chồng ông bà Phil không có con nên bà Lynne – vợ ông Phil ngỏ ý giúp chị Vy – con gái ông Cẩm đi học trở lại sau nhiều năm dang dở. Nhờ sự liên lạc, giúp đỡ của anh hướng dẫn viên, Vy đã được đi học ở Sài Gòn.

Bà Lynn và cô Lê Thị Kim Vy

Chị Lê Thị Kim Vy, cô con gái đầu của ông Cẩm, cho biết không ai có thể nghĩ ông Phil lại “nặng nợ” với lời hứa suốt mấy chục năm để rồi cố gắng lần tìm tung tích bạn mình. Lúc gặp lại nhau, Phil Seymour và Cẩm không rời nhau. Hai người đàn ông tóc bạc đã kể cho nhau về hành trình từ khi xa nhau, cùng ra khu rừng dừa để tìm lại nơi ngày xưa đồn lính Mỹ mà Phil đóng quân ở đó. Sau lần trở lại đầu tiên vào 2007 thì năm 2012 Phil cùng vợ tiếp tục trở lại Hội An thăm ông Cẩm. Chuyện bạn bè của một người lính Hoa Kỳ và một em bé Việt Nam còn tiến triển tốt đẹp hơn sau đó. Ông Phil nhận lời giúp chị Vy nối lại chuyện học hành sau nhiều năm dang dở để đi làm thuê nuôi các em. Phil đã về Mỹ rồi kể chuyện cho bạn bè, họ xúc động và cùng giúp Vy. Cũng chính ông Phil đã kết nối để Vy được vào một trường học nghề du lịch tại TP.HCM. Vy nhận bằng liên thông năm 2010 và bằng cử nhân năm 2012. Phil trở lại Việt Nam – có lẽ là lần cuối cùng – vào năm 2012 để dự lễ tốt nghiệp của Vy. Họ cũng mua vé máy bay cho vợ chồng Cẩm – Nở vào Sài Gòn. Đó cũng là lần đầu tiên Cẩm được đi máy bay, anh mang theo vô số quà quê để mở một bữa tiệc mừng tại nhà trọ của Vy. Lynne và Phil còn tặng cho Nở một lò vi sóng để giúp cô. Nhờ có sự giúp đỡ của Phil, Kim Vy đã tốt nghiệp, ra trường và tìm được việc làm ổn định tại TP.HCM.

Những ngày này, chị Lê Thị Kim Vy đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để lên máy bay qua Mỹ tìm gặp cựu binh Phil Seymour – người bạn của cha chị nhưng cũng là người đã giúp chị thay đổi số phận. Chị Vy nói rằng nếu không có tình bạn đặc biệt giữa cha chị với Phil Seymour thì chị giờ đây hẳn vẫn còn ngồi ở đâu đó một quầy vải tại Hội An để bán cho khách mua chứ không thể có công ăn việc làm ổn định trong ngành du lịch như chị đã ước ao.

“Gia đình tôi và ông Phil Seymour vẫn liên lạc hằng ngày với nhau qua mạng xã hội. Ông ấy đã qua thăm bố tôi nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn chưa đi qua Mỹ thăm ông ấy được lần nào. Mới đây nghe tin ông ấy phải nhập viện sau tai nạn, hai vợ chồng không có con nên ba mẹ hối thúc tôi làm thủ tục để qua Mỹ lần đầu thăm Phil Seymour. Chuyến đi này tôi cũng muốn cảm ơn những người Mỹ là bạn của ông ấy đã quyên tiền, giúp tôi nối lại việc học hành đã đứt đoạn do hoàn cảnh khó khăn trước đây” – chị Vy nói.

http://giadinhlaso1.net/wp-content/uploads/2020/09/5-6.jpg

Ông Cẩm cùng con gái mình là Lê Thị Kim Vy với những kỷ vật mà ông Phil đã gửi tặng gia đình – Ảnh: T.B.D.

KẾT LUẬN

Trong những năm vừa qua, phần lớn các bài viết về Chiến tranh Việt Nam chỉ có tính cách nghiên cứu, tuyên truyền hơn thua, rất là khó khăn để tìm được một vài câu chuyện mang tính nhân văn. Hầu hết bài viết trong và ngoài nước còn mang nặng tính hận thù, tuyên truyền, tiêu cực chẳng có ích gì cho tương lai.  Lịch sử Việt Nam là một dòng chảy xuyên suốt, thống nhất, càng ngày càng mạnh mẽ; dù có những lúc chia nhánh, quanh co, cuối cùng vẫn dào dạt hướng về biển cả. 

Mấy tuần gần đây, tôi đọc được 2 bài viết: Một bài rất mới xẩy ra tại Hà Nội. Với hành động dũng cảm giải cứu một em bé rơi từ tầng 12 và bảo toàn mạng sống cho cháu bé, Nguyễn Ngọc Mạnh đã trở thành người hùng … tình cờ trong mắt công chúng. “Người hùng tình cờ” Nguyễn Ngọc Mạnh thì hình như không có quyền lực gì cả. Anh chỉ là một người lái taxi bình thường, tuy nhiên hành động bột phát nhưng đầy tính trách nhiệm của anh trong một phút nguy nan lại trở thành biểu tượng cho lòng trắc ẩn và tình yêu thương con người.

Other

Đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy Nguyễn Ngọc Mạnh đã trèo lên phần mái tôn, tìm vị trí đón đỡ cháu bé

Câu chuyện thứ hai giữa một người lính Mỹ như ông Phil và một em bé Việt Nam như ông Cẩm, dù rằng xảy ra đã 40 năm là một trong số ít chuyện mang đầy nhân bản mà đọc xong mọi người có được sự xúc động và niềm vui nhẹ nhàng. Mong rằng những điều tốt đẹp nho nhỏ có thể giúp cuộc sống hài hòa hơn, con người yêu thương, nhân hậu với nhau hơn.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Người lính Mỹ trở lại Việt Nam sau 40 năm để thực hiện lời hứa với 1 cậu bé” đăng trên mạng
  2. Bài viết “Chiếc đồng hồ 40 năm vun đắp thêm tình bạn” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 9/2/2020.
  3. Bài viết “Lời hứa sau 40 năm của người lính Mỹ với em bé Hội An” đăng trên mạng HotelJob.VN ngày 5/9/2020.
  4. Bài viết “Từ chuyện Nguyễn Ngọc Mạnh, nghĩ về những người hùng tình cờ” đăng trên mạng BBC ngày 1/3/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *