Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ 2020

520 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Theo thống kê, hiện kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 170 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến 91 tỷ USD trong năm 2020). Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 và đang hướng tới TOP 10 đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ. “Thực tế, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam còn lớn hơn nhiều, có thể lên thêm 14-15 tỷ USD do một số công ty lớn như Apple, Google, Dell, Intel, Coca Cola, Procter & Gamble … đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại thị trường thứ ba như British Virgin Islands, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông.

Trong năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đạt 90.1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 76.4 tỷ USD, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13.7 tỷ USD. Việt Nam trở thành đối tác kinh tế lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Theo Forbes, không một đối tác thương mại nào của Mỹ có nền kinh tế phát triển nhanh hơn Việt Nam trong vòng 2 thập kỷ qua. Báo cáo Nhập khẩu Toàn cầu 2020 của Mỹ cho thấy Việt Nam đã tăng thêm 4 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2015 lên vị trí thứ 2 năm nay để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ nhì vào thị trường Mỹ.

Image result for Cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang một số thị trường năm 2020

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các Hoa Kỳ và EU năm 2020

Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức phản hồi về tuyên bố của ông Trump trong vấn đề thương mại song phương, được ông Trump nêu ra trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network phát hôm 26/6. “Với quan điểm hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau, Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cho hay hôm 28/6. Bà Hằng cũng nói Việt Nam “đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Mỹ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ muốn hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Mỹ”. “Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hoá nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác. Việt Nam và Mỹ thường xuyên trao đổi thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để hình thành chiến lược hợp tác lâu dài và toàn diện, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh”, bà Hằng nói. Bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng việc phát triển quan hệ Đối tác toàn diện với Mỹ và hai nước thời gian qua đã chứng kiến những bước tiến triển rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư. Đa dạng hóa không giống như reshoring (quá trình đưa hoạt động sản xuất các mặt hàng về “quê hương” của công ty). Mô hình sản xuất phân tán mà các công ty đa quốc gia đã xây dựng trong vòng ba thập kỷ qua sẽ không bao giờ nhập lại làm một ở bất kỳ nơi nào nữa. Các lợi thế so sánh của Hoa Kỳ là công nghệ tiên tiến, môi trường kinh doanh tốt và người tiêu dùng giàu có. Lợi thế của họ không phải là nhân công giá rẻ, hay quy định cởi mở. Chính quyền ông Biden không nên tập trung vào công nghiệp lắp ráp cấp thấp, mà nên nắm bắt các phân khúc có giá trị cao nhất của chuỗi sản xuất. Tổng thống Donald Trump đã cố gắng, và thất bại. Ông kêu gọi Foxconn Technology Group của Đài Loan mở một nhà máy ở Wisconsin, nhưng bất thành. Vấn đề là iPhone của Apple và PlayStation của Sony sẽ không bao giờ “Made in America”. Ngoài sự chênh lệch về chi phí lao động, các công ty như Foxconn cũng phụ thuộc nhiều vào lao động thời vụ mà không bị cản trở bởi công đoàn hoặc các hợp đồng dài hạn.

Vấn đề mấu chốt là cân bằng mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong năm 2020, thâm thủng mậu dịch giữa Hoa Kỳ, EU và Việt Nam là 62.7 và 20.3 tỷ USD trong khi thâm thủng mậu dịch giữ Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 35.4 và 27.6 tỷ USD. Như vậy, thặng dư mậu dịch của Việt Nam chỉ là 20 tỷ USD. Thặng dư mậu dịch của một nước đang phát triển là điều cần thiết.

Ngày 15/1/2021, Đại Diện Thương Mại Mỹ (USTR) “tạm thời không có hành động gì liên quan đến việc Việt Nam bị tố cáo thao túng tiền tệ, nhưng tiếp tục xem xét các biện pháp có thể áp dụng trong tương lai.”

QUAN HỆ KINH TẾ VỚI HOA KỲ 2020

Chính quyền Hoa Kỳ có kế hoạch trong tuần lể đầu tháng 10/2020 công bố cuộc điều tra về hoạt động tiền tệ của Việt Nam. Bloomberg News đưa tin ngày 30/9, dẫn 3 nguồn liên hệ chặt chẽ với vấn đề này, rằng cuộc điều tra bắt nguồn từ tháng 8, sau khi Bộ Thương Mại và Bộ Ngân khố Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ qua vụ việc cụ thể liên quan lốp xe nhập khẩu từ Việt Nam. Chính quyền Trump đã dán nhãn thao túng tiền tệ lên Việt Nam và Thụy Sĩ hôm 16/12. Động thái này có thể làm phức tạp thêm tình hình cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo Reuters. Báo cáo tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Những nước này bị Mỹ đánh giá là có thể đã cố tình phá giá đồng tiền của nước mình so với đồng đôla. Phòng Thương mại Mỹ hôm 16/12 kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không áp thuế lên Việt Nam do cáo buộc định giá thấp tiền đồng, đồng thời cho rằng Việt Nam không đáp ứng ba tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để dán nhãn một nước là thao túng tiền tệ, theo Reuters. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để đảm bảo một mối quan hệ thương mại “hài hòa và công bằng” và rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế – thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ. Với sự đắc cử của Tổng thống Biden, mối liên hệ Mỹ – Việt sẽ thấy rỏ hơn trong năm 2021.

Công nghệ cao:

  • Qualcomm mở phòng thí nghiệm mới tại Việt Nam để mở rộng sản xuất chipset 5G, cung cấp dịch vụ kiểm thử cho VinSmart, BKAV và Viettel. Việc triển khai công nghệ 5G trên toàn thế giới đã khiến các nhà sản xuất chip tăng cường sản xuất hơn nữa. Họ cần phải đảm bảo rằng các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ có đủ phần cứng để đáp ứng nhu cầu đang liên tục tăng trưởng. Tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu tăng liên tục này, Qualcomm đã thông báo rằng họ sẽ mở một trung tâm R&D tại Việt Nam để duy trì việc sản xuất bộ vi xử lý Snapdragon. Phòng thí nghiệm sản xuất chipset 5G mới của công ty này sẽ được đặt tại Hà Nội với 3 cơ sở phụ khác nhau, đóng vai trò phát triển các công nghệ di động mới của Qualcomm. 
  • Ngày 17/7 vừa qua, chương trình kinh tế “First Move” trên CNN đã có cuộc trao đổi trực tiếp với bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cùng với nhà báo kỳ cựu Chatterley, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong mục tài chính doanh nghiệp của các hãng tin lớn. Khi được hỏi về những kế hoạch trong tương lai, bà Thuỷ cho biết: “Thị trường Mỹ là một thị trường rất tiềm năng và chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực vào thị trường này trước khi mở rộng ra những thị trường quốc tế khác”. Bà chia sẻ, Tập đoàn sẽ mang những sản phẩm của VinSmart sang thị trường Mỹ trong năm nay và VinFast trong năm tới.

Công nghiệp hỗ trợ:

  • Các nhà sản xuất đầu cuối nước ngoài đang có nhà máy tại Việt Nam ráo riết tìm kiếm doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ để tăng tỉ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất. Đáng chú ý nhất là Tập đoàn TTI của Mỹ (vừa đầu tư 65 triệu USD vào Khu Công nghệ cao TP.HCM) cần phát triển 200 nhà cung cấp nội địa trong vòng 1 năm và hiện mới tìm được hơn 50 nhà cung cấp. Sở Công Thương TP đang tích cực giới thiệu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận cho TTI; đồng thời cùng tập đoàn này khảo sát, đánh giá cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng của TTI.

Chuyển vận:

  • Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, ngày 15/7, tại Washington DC, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã tham dự buổi trao đổi trực tuyến do Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) phối hợp với công ty kiểm toán Ernst & Young tổ chức với chủ đề “Các cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN giai đoạn hậu Covid-19”. Buổi trao đổi có sự tham dự của đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ, một số Đại sứ quán các nước ASEAN và hơn 100 công ty và hiệp hội doanh nghiệp lớn của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, năng lượng, công nghệ, thương mại điện tử, y tế, bảo hiểm … Đáng chú ý là 2 doanh nghiệp UPS và SC Johnson cho biết sẽ sớm công bố việc mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian tới.

Dệt may – Da giày: Tác giả không đề cập đến những lãnh vực này trong bài viết vì Hoa Kỳ và Liên Âu đều có những nhà máy tại Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Việc chuyển dịch số lượng sản xuất từ Trung Quốc qua các nước khác hay ngược lại là chuyện nội bộ của mổi nước. Chúng ta chỉ biết được đại khái số lượng khi có được báo cáo xuất nhập cảng vào đầu năm.

Hàng không:

  • Vietnam Airlines vừa chính thức được Bộ Giao Thông Hoa Kỳ cấp phép hợp tác liên danh hai chiều với Delta Air Lines kể từ Tháng Giêng, 2020, để chuẩn bị đường bay đến Mỹ trong tương lai. Báo VNExpress ngày 2 Tháng Giêng, 2020, dẫn tin từ hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sau khi thẩm định, Bộ Giao Thông Hoa Kỳ (United States Department of Transportation-DOT) đã cấp phép cho Vietnam Airlines mở rộng hợp tác liên danh hai chiều với hãng Delta Air Lines sau khi hai hãng này đã ký kết thỏa thuận vào hồi Tháng Tám, 2019.

Điện thoại – Linh kiện điện tử – Công nghệ cao

  • Báo Nikkei (Nhật) ngày 8/5 dẫn các nguồn thạo tin cho hay hãng Apple sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods ở Việt Nam lần đầu tiên trong quý này, trong một dấu hiệu cho thấy Apple đang “đẩy nhanh sự đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc giữa đại dịch COVID-19”. “Khoảng 3 triệu tới 4 triệu đơn vị, tương đương 30% trong tổng số Airpods cổ điển được sản xuất trong quý này, sẽ là hàng “Made in Vietnam” (sản xuất ở Việt Nam)” – báo Nikkei dẫn các nguồn tin cho biết. Thông tin đăng trên Nikkei sau đó cũng được đăng trên kênh tin tức kinh doanh CNBC của Mỹ.
  • Pegatron, doanh nghiệp sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc) và cũng là đối tác của nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Apple hay Sony vừa có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD cho tổ hợp công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam. Dự án chia làm 3 giai đoạn từ 2020-2027. Bên cạnh đó, Petragon còn bày tỏ ý định chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc sang Việt Nam vào khoảng năm 2026-2027 – cùng với thời gian thực hiện dự án Petragon Việt Nam 3.
  • Apple đã yêu cầu Foxconn di dời hoạt động sản xuất một phần iPad và MacBook sang Việt Nam, Reuters cho biết: “Động thái này đã được Apple yêu cầu. Họ muốn đa dạng hóa sản xuất sau khi cuộc chiến thương mại nổ ra”. Cũng trong năm 2021, dây chuyền sản xuất iPad, Macbook ở Bắc Giang và sẽ đi vào hoạt động. Foxconn đã thông báo khoản đầu tư lên tới 270 triệu USD để mở công ty con tên là FuKang Technology Co Ltd, với mục đích hỗ trợ dây chuyền sản xuất sản phẩm tại Việt Nam.

Nông & Công nghiệp

  • Hôm 27/2/2020, các doanh nghiệp đi cùng phái đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam đến Mỹ đã ký các biên bản ghi nhớ mua số lượng nông sản lên đến 3 tỷ USD từ Nebraska. Hành động này diễn ra sau khi Mỹ loại Việt Nam và một số nước khác ra khỏi danh sách riêng các quốc gia được hưởng quy chế các nước đang phát triển vào ngày 10/2. Theo đài truyền hình Việt Nam VTV, trong 2 đến 3 năm tới, 7 doanh nghiệp Việt sẽ mua hơn 9 triệu tấn ngũ cốc, 100,000 con bò sống trị giá khoảng 3 tỷ USD của bang Nebraska. Ngay trước đó, chính quyền Việt Nam cũng làm động thái cấp phép cho 670 doanh nghiệp thịt và thủy sản Mỹ được cấp phép xuất khẩu sang Việt Nam. Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng đồng ý để Mỹ xuất khẩu 6 loại quả tươi, gồm anh đào, lê, nho, táo, quất và cam sang Việt Nam.
  • Báo cáo cho biết số lượng nhập khẩu ván ép thương mại và ván ép cứng từ Việt Nam vào Mỹ tăng vọt trong năm 2018 – 2019, đạt mức 555 nghìn m³, với giá trị lên đến 362 triệu USD. Sở dĩ Việt Nam đạt được vị trí nhà nhập khẩu hàng đầu là vì khối lượng nhập khẩu ván ép thương mại và ván ép cứng vào Hoa Kỳ trong năm 2019 chỉ đạt tổng cộng 2.8 triệu m³, theo ước tính của IndexBox, mức giảm đáng kể trong năm thứ hai liên tiếp vì sự sụt giảm nguồn cung từ Trung Quốc, trong khi lượng sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác vẫn chưa thể bù đắp nổi.
  • Tháng 9/2020, Việt Nam vừa ký cam kết mua 3 tỷ USD hàng hóa nông sản của Mỹ trong vòng 2 – 3 năm tới. Đây được xem là một phần trong chiến dịch nhằm “xoa dịu” sự phẫn nộ và mối đe doạ áp thuế của chính quyền Trump lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam vì thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, theo nhận định của Bloomberg. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký 18 biên bản ghi nhớ với 4 hiệp hội ngành hàng của bang Nebraska để mua hơn 3 triệu tấn lúa mì, lúa mạch, 100,000 con bò sống, thức ăn chăn nuôi, hoa quả, ngô và đậu nành. Việt Nam mua 25% bông vải của Hoa Kỳ sản xuất.

Giáo dục: Xung khắc Mỹ – Trung tạo ra cơ hội cho Việt Nam: “Việt Nam cần khuyến khích sinh viên sang du học và nghiên cứu sau đại học ở Mỹ, thay vào “lỗ hổng” của sinh viên Trung Quốc mà Mỹ đang chặn lại.

HỢP TÁC NĂNG LƯỢNG VIỆT – MỸ

Năng lượng là một trong những trụ cột hợp tác mà Hoa Kỳ muốn thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam trong nỗ lực triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Sáu trong 7 thỏa thuận mà các đại diện phía Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết vào tháng 10/2020, công bố tại Diễn đàn thuộc về hợp tác phát triển năng lượng và hạ tầng năng lượng chỉ là tiêu biểu. Các dự án điện khí mà doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết triển khai tại Việt Nam trải khắp 3 miền đất nước Việt Nam với tổng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD trong vòng 25 năm và dự kiến nhập khẩu đến 3 triệu tấn khí hóa lỏng/năm.

Tính đến cuối năm 2019 sang đầu năm 2020, Việt Nam đứng hàng thứ 34 trên thế giới về số lượng sản xuất, trung bình mỗi tháng bơm được hơn 200,000 thùng/dầu ngày. Vào thời điểm thịnh nhất Việt Nam xuất cảng 399,000 thùng/ngày vào năm 2003. Đây là nguồn xuất cảng đáng kể trong cán cân mậu dịch thu hút ngoại tệ. Tuy nhiên mức tiêu thụ quốc nội đang trên đà gia tăng trong khi mức sản xuất giảm dần, khiến Việt Nam đã chuyển từ nước xuất cảng dầu thô sang nhập cảng kể từ năm 2017. Tiềm năng khai thác thêm dầu mỏ gần như hoàn toàn nằm ngoài khơi lãnh thổ Việt Nam.

Theo báo cáo của chính phủ Úc Đại Lợi năm 2017 thì trữ lượng thiên nhiên dầu thô của Việt Nam là 4.4 tỷ thùng và trữ lượng khí đốt là 704 tỷ m³, lớn thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Malaysia. Hai địa vực chính có dầu khí là bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn. Mỏ Bạch Hổ từ khi khám phá năm 1975 là mỏ dầu lớn nhất nhưng sau 30 năm khai thác đã vào thời kỳ suy cạn. Tuy các chuyên gia đã tìm được 14 mỏ khác nhưng những mỏ này không dồi dào bằng Bạch Hổ nên tổng sản lượng hằng năm kém dần.Theo Petrovietnam thì lượng dầu thô sẽ giảm dần khoảng 10% mỗi năm cho đến năm 2025 trừ khi khám phá được mỏ dầu mới. Những mỏ hiện có sẽ dần cạn.

TỄU - BLOG: TỪ MỎ KHÍ CÁ VOI XANH ĐẾN LÔ 136/03 BÃI TƯ CHÍNH

Vị trí các lô dầu khí Việt Nam

  • Ngày 26/3/2017, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) và tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh. Dự án này nằm tại lô 117, 118, 119 và 120 thuộc thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật Biển Quốc tế. Exxon Mobil, đã đầu tư 600 triệu USD, cho rằng giá trị đầu tư của dự án liên quan các dự án Cá Voi Xanh rất lớn, có thể tới 20 tỉ USD. PVN cho biết mỏ khí Cá Voi Xanh ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ lên tới 150 tỷ m³. Theo kế hoạch, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi; 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88 km nối vào bờ biển Chu Lai. Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW – 700MW. Các nhà máy trên dự kiến vận hành vào năm 2023. Cả hai nhà máy xử lý khí và điện trên sẽ đặt tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Một nhà máy điện nữa cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi với quy mô đầu tư tương tự nhà máy điện ở Quảng Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
  • Công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd có giấy phép khai thác lô 6.1 cách bờ biển Việt Nam 375 km, và đầu tháng 7 năm 2017 được gia hạn thêm 2 năm thăm dò dầu khí ở lô 128 thuộc khu vực bồn trũng Phú Khánh ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Một phần của lô dầu khí này thuộc vùng đường chữ U do Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.
  • Ngày 9/9, trong lúc tin đồn về ExxonMobil lan ra, phó bí thư Đảng ủy PetroVietnam Nguyễn Xuân Cảnh cho biết một số dự án dầu khí như Cá Voi Xanh vì vướng cơ chế mà chậm trễ, từ đó hiệu quả dự án không còn như trước. Theo David Hutt, blogger Huy Đức cho biết “ExxonMobil đã thông báo với chính phủ Việt Nam (28/8/2019) là họ định bán lại 64% cổ phần dự án Cá Voi Xanh” (dự kiến sẽ khai thác khí từ năm 2023). Trong khi đó, các quan chức dầu khí Việt Nam đều cho rằng Trung Quốc đang thách thức và gây sức ép với Việt Nam. Yuval Harari nói rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ “hậu sự thật”, nên tin đồn này là “nửa sự thật”. Năm 2018 đã có tin đồn rằng Exxon Mobil sẽ rời khỏi Việt Nam vì lý do tài chính. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của ExxonMobil đã điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bày tỏ mối quan tâm của công ty mình trong việc phát triển các nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) trên đất liền.
  • Mỏ dầu khí Kèn Bầu ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc Tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km. Đây được đánh giá là mỏ dầu khí có trữ lượng lớn lịch sử ngành dầu khí Việt Nam. Nhà điều hành – Eni Vietnam B.V. đã tiến hành thử 2 khoảng vỉa, thu thập khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại phát hiện Kèn Bầu, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate. Kết quả ước tính trữ lượng dầu khí trên đây từ giếng khoan thẩm lượng 114-Ken Bau-2X, tính đến thời điểm này, là phát hiện lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam. Dự kiến, phát hiện Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác từ năm 2028.
Eni anuncia nuevo descubrimiento de gas en el prospecto offshore 'Ken Bau'  de Vietnam - World Energy Trade

Vị trí 2 mỏ Kèn Bầu (Lô 114) và Cá Voi Xanh (Lô 118)

Ngoài 2 dự án trên, Viện Năng lượng Việt Nam đang soạn thảo quy hoạch tổng thể phát triển điện năng mới và đã lập danh sách 22 nhà máy điện LNG với tổng công suất tiềm năng lên đến 108.5 GW, nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Khá nhiều hợp đồng dầu khí đang được khai triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Với hàng loạt nhà máy điện chạy bằng khí đốt như trên, Việt Nam tất yếu sẽ phải sẽ phải tăng nhập khẩu khí LNG, một sản phẩm mà Hoa Kỳ hiện đã trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn một nửa công suất khí hóa lỏng toàn cầu vào năm 2019. Cũng cần nói thêm là các dự án tua bin khí hỗn hợp sử dụng LNG được duyệt bổ sung quy hoạch, dự kiến vào vận hành năm 2026. Còn các dự án còn lại được xếp vào dạng “dự án tiềm năng”. Đặc biệt, các dự án tua bin khí hỗn hợp sử dụng LNG mới được bổ sung quy hoạch (tổng công suất 6,000 MW) vẫn còn nhiều lo ngại về chuỗi cung cấp khí và hạ tầng kho cảng LNG. Tuy giá thị trường hiện tại của LNG có xu hướng giảm mạnh so với năm 2019 do tác động của dịch Covid, dẫn đến nhu cầu năng lượng giảm, tạo thuận lợi cho Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhập khẩu LNG, nhưng hạ tầng cho cả chuỗi LNG – điện – công nghiệp cần vốn đầu tư lớn và đòi hỏi khắt khe về tính đồng nhất của từng “mắt xích”. Do vậy, chỉ cần một khâu dừng lại là cả chuỗi sẽ thất bại. Ví dụ, vốn đầu tư Kho – Cảng Sơn Mỹ (Bình Thuận) được tính toán khoảng 1.4 tỷ USD cho quy mô 3 triệu tấn LNG ban đầu, nếu không có cam kết phát triển đủ 4,000 MW điện khí tại đây, thì nhà đầu tư kho – cảng sẽ không dám triển khai xây dựng công trình. Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF) đã khai mạc sáng 28/10/2020 tại Hà Nội. Tổng giá trị giao thương với Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt hơn 1.4 nghìn tỷ USD trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt hứa hẹn là lĩnh vực kinh tế số, năng lượng, hạ tầng. Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản nhất trí đạt được kết quả tăng trưởng tốt nhất trong khu vực, nhờ vào cạnh tranh công bằng và minh bạch, cho thị trường năng lượng khí hóa lỏng (LNG) và các nguồn nhiên liệu mới. Thỏa thuận này vừa được đại diện của 3 nước ký kết tại Diễn đàn Thương mại Khí LNG Việt Nam-Hoa Kỳ-Nhật Bản, diễn ra vào ngày 2/12.

Báo cáo cập nhật của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về các dự án nguồn điện sử dụng khí LNG dự kiến trên toàn quốc như sau:

Information about Bac Lieu LNG power project - Trang tin ngành điện - EVN  News

Một nhà máy điện khí LNG tiêu biểu

Miền Bắc: Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, các năm tới, miền Bắc có tốc độ tăng nhu cầu điện cao hơn miền Nam, dẫn đến nhu cầu bổ sung thêm nguồn tại miền Bắc và giãn bớt công suất nguồn miền Nam giai đoạn sau 2030. Do đó, trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đề xuất xây dựng 3,200 MW tua bin khí hỗn hợp, sử dụng LNG ở miền Bắc. Các tổ hợp nhiệt khí tập trung vào các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

  1. Thành phố cảng Hải Phòng vừa phê duyệt dự án tổ hợp nhà máy điện khí hóa lỏng trị giá 5.09 tỷ USD do tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ, ExxonMobil, phát triển, dự kiến sẽ bắt đầu phát điện vào năm 2026-27.
  2. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 – với sự tham gia của Marubeni Corp trị giá 1.3 tỷ USD và bản ghi nhớ về việc phát triển dự án Điện khí Quảng Ninh 1500MV – trị giá 1.9 tỷ USD giữa Tokyo Gas Co Ltd và PetroVietnam.
  3. Hôm 1/6, lãnh đạo công ty Millennium Việt Nam cũng có cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để bàn thảo về việc đầu tư nhà máy điện và kho LNG tại Khu Kinh Tế Nghi Sơn, trị giá $7 tỷ, bằng hình thức đầu tư trực tiếp: Xây dựng – Sở hữu – Vận hành. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau 2030.

Miền Trung và Nam: Các tổ hợp nhiệt khí tập trung vào các tỉnh: Thừa Thiên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bạc Liêu. Tổng hợp cập nhật thông tin các dự án tua bin khí tại miền Trung và miền Nam có khả năng vào vận hành đến năm 2030 là 19.500 MW bao gồm: Ô Môn 2 – 3 – 4, Dung Quất 1 – 2 – 3, Chu Lai 1 – 2, Nhơn Trạc 3 – 4, Sơn Mỹ 1 – 2, Quảng Trị, Bạc Liêu, Long Sơn 1 và Cà Ná 1. Nếu đưa được 16 dự án tua bin khí hỗn hợp nêu trên vào giai đoạn từ 2023 – 2030, thì tổng công suất nguồn điện khí tới năm 2030 sẽ đạt 26,946 MW. Hiện tại, tổng công suất nguồn điện khí của Việt Nam là 7,440 MW). Tại diễn đàn Năng lượng cấp cao Việt Nam diễn ra vào ngày 22/7 tại Hà Nội, tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra hàng loạt kiến nghị để tỉnh này trở thành trung tâm về năng lượng của cả nước. Đặc biệt, cảng Cà Ná có lợi thế là cảng nước sâu, có thể tiếp nhận tàu thương mại đến 250,000 tấn. Đây cũng là cảng gần với tổ hợp khí 6,000 MW mà chính phủ đã đồng ý bổ sung giai đoạn 1 của tổ hợp 1,500 MW. Do đó, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển quy hoạch 4,600 MW đã quy hoạch trong sơ đồ VII về điện hạt nhân sang đầu tư tổ hợp điện khí LNG Cà Ná. Tháng 3/2019, Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf mong muốn thực hiện dự án kho cảng LNG và dự án tổ hợp điện khí LNG Cà Ná quy mô 6,000 MW gồm 4 nhà máy nhiệt điện tubin khí chu trình hỗn hợp, mỗi nhà máy công suất 1,500 MW, với tổng vốn đầu tư 7.8 tỷ USD. Tháng 4/2020, Chính phủ đã đồng ý bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất khoảng 1,500 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2025 – 2026; các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

  1. Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế) có tổng công suất thiết kế 4,000 MW, dự kiến khởi công xây dựng quý I/2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024. Dự án đầu tư theo hình thức IPP với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh. Theo ông John Rockhold – Tổng Giám đốc Công ty CP Chân Mây LNG – chủ đầu tư dự án, hiện công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, khí và các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư vào việc thiết kế xây dựng nhà máy. Dự án với tổng mức đầu tư ước tính 6 tỷ USD được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phát cho ngành năng lượng trong nước, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm sau thời kỳ dịch Covid, góp phần tăng trưởng quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam, Hoa Kỳ. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch sơ đồ VII dự án điện khí Chân Mây, nằm trong khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Dự án điện khí được triển khai tại khu vực này sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nói riêng, tạo ra động lực tăng trưởng cho cả Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng nói chung.
Chan May initiative brings the power

LNG Chân Mây

  • Ngày 22/7/2020, Việt Nam và các công ty đa quốc gia ký kết 4 dự án gồm dự án nhà máy điện khí tại Cà Ná – tỉnh Ninh Thuận, dự án phát triển nhà máy điện khí tại Khu kinh tế Chân Mây – tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn – tỉnh Bình Thuận, hợp tác thu xếp tài trợ giữa TPBank – Bamboo Capital với tổng giá trị hơn 20 tỷ USD.
  • Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã “bật đèn xanh” để tập đoàn dầu khí Mellenium của Mỹ xây nhà máy điện khí và kho cảng khí hóa lỏng trị giá $15 tỷ ở đặc khu Nam Vân Phong. Theo Cổng Thông Tin Điện Tử tỉnh Khánh Hòa, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh này, ông Sam Chan, chủ tịch công ty Mellenium Việt Nam, thành viên của tập đoàn đã có đơn xin đầu tư dự án điện khí hóa lỏng vào đặc khu Nam Vân Phong. Vị trí nhà máy sẽ đặt tại xã Ninh Phước hoặc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, với tổng diện tích khoảng 600 ha.
  • Tại tỉnh Ninh Thuận có Trung tâm Điện lực Cà Ná, quy mô công suất 4 x 1,500 MW (6,000 MW), dự kiến vào vận hành 1,500 MW trước năm 2030. Hiện Chính phủ đã bổ sung quy hoạch tua bin khí hỗn hợp sử dụng LNG Cà Ná 1 -1.500 MW, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2026.
Cần bán nhanh lô đất nền KDC Cầu Quằn - Cà Ná

LNG Cà Ná

  • Vào tháng 11 năm 2019, công ty AES Corp của Mỹ cũng đã giành được sự chấp thuận xây dựng tổ hợp nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 (2.25 GW) tại tỉnh Bình Thuận. Nhà máy sẽ chạy bằng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài Sơn Mỹ 2, Việt Nam hiện đang phát triển 4 dự án điện khí khác sử dụng LNG nhập khẩu là Cà Ná 1, (1.5 GW), Sơn Mỹ 1 (2.25GW), Bạc Liêu (3.2 GW) và Long Sơn 1 (1.2 GW). Tại diễn đàn Thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF 2020) cuối tháng 10/2020 tập đoàn AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã ký kết thỏa thuận trị giá 2.8 tỷ USD về LNG, theo đó xây dựng trạm nhập khẩu LNG và một nhà máy năng lượng ở Việt Nam.
  • Bản hợp đồng giá trị nhất và nổi bật nhất trong đó chính là dự án điện gió ngoài khơi La Gàn thuộc tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD. Đây là dự án do Tập đoàn Copenhagen Infrashtructure Partners (CIP), thay mặt Quỹ thị trường Mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận. Được biết, với công suất tiềm năng lên đến 3.5 GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt.
  • Dự án Tua bin khí hỗn hợp Nhơn Trạch 3 và 4 (1.760 MW) ở Đồng Nai – Biên Hòa do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, hiện đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA). Dự án này dự kiến được đưa vào vận hành năm 2023 – 2024.
  • Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gần đây có tới 5 dự án mới, với tổng quy mô 17,350 MW đã được tỉnh ủng hộ và đề xuất Bộ Công Thương trình Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), bao gồm:
  1. Vào tháng 6/2019, T&T Group và Gen X Energy thuộc Quỹ đầu tư Blackstone – Hoa Kỳ đã đề xuất 3 dự án: Kế hoạch xây dựng Trung tâm Nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Cái Mép Hạ (Bà Rịa – Vũng Tàu), công suất 6,000 MW, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD và dự kiến đi vào vận hành năm 2023. Cuối năm 2019, T&T Group đã đề xuất đầu tư dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 4.4 tỷ USD tại xã Hải An và xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị), tổng công suất dự kiến giai đoạn 1 là 1,200 – 1,500 MW, giai đoạn 2 từ 2,400 – 3,000 MW. Mới đây, T&T Group tiếp tục có văn bản đề xuất tỉnh Hà Tĩnh xem xét, chấp thuận ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa T&T và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – POW) về việc hợp tác đầu tư và phát triển dự án tổ hợp điện khí LNG với tổng mức đầu tư 3.5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng.
  2. Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn, với tổng công suất khoảng 4,500 MW (tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), do Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) đầu tư. Dự án có cảng LNG đầu mối, kho chứa khí hoá lỏng LNG, công suất giai đoạn 1 là 3,5 triệu tấn/năm; gian đoạn 2 tăng lên 6.5 triệu tấn/năm để cung cấp điện cho các tỉnh miền Đông Nam bộ. Giá trị đầu tư giai đoạn 1 là 3.78 tỷ USD và bổ sung 646.5 triệu USD trong giai đoạn 2. Dự án này do Tập đoàn Marueni (Nhật Bản) đầu tư.
  3. Dự án Nhà máy điện khí Bà Rịa 2, với công suất khoảng 1,200 MW, vốn đầu tư khoảng 1.3 tỷ USD (tại phường Long Hương, TP. Bà Rịa), do Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa đầu tư.
  4. Dự án Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3.1 trong KCN Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, do Công ty Điện lục TNHH BOT Phú Mỹ 3 đề xuất đầu tư, với quy mô công suất khoảng 850 MW, vốn đầu tư 855.7 triệu USD.
  5. Ngoài ra, các công ty quốc nội như Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty Cổ phần nhiệt điện Bà Rịa, Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 cũng đã đề nghị những dự án với trị giá khoảng 1 tỷ USD mổi dự án tại Vũng Án 3, Phú Mỹ 3, Bà Rịa.
  • Ngoài dự án ở Hải Phòng, tập đoàn ExxonMobil đang có kế hoạch đầu tư phát triển chuỗi điện khí công suất 3,000 MW tại Long An với cam kết cung cấp liên tục đầy đủ LNG trực tiếp từ Mỹ và một số nước khác, theo Vietnam Finance. Ngoài dự án này, Tập đoàn ExxonMobil đang có kế hoạch đầu tư phát triển chuỗi điện khí công suất 3,000 MW tại Long An.
  • Biên bản ghi nhớ giữa General Electric và VinaCapital để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Long An. Theo thỏa thuận này, VinaCapital và chính quyền tỉnh Long An sẽ hợp tác để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Long An với công suất 3,000 MW, hứa hẹn là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền Nam Việt Nam, giúp giải quyết tình trạng thiếu điện của khu vực và các mối lo ngại về tác động môi trường.
  • Dự án FDI lớn nhất năm 2020 là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp GCNĐKĐT ngày 16/1/2020). Chỉ với duy nhất 1 dự án cấp mới này, Bạc Liêu liên tục dẫn đầu cả nước về FDI từ đầu năm, vượt xa TP.HCM. LNG Bạc Liêu cũng là dự án khiến Singapore liên tục là nhà đầu tư dẫn đầu, cho dù số dự án chỉ đứng thứ tư so với các nước, với tổng vốn đầu tư 6.77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đến nay, Công ty Delta Offshore Energy đã trình các hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật Việt Nam. Công tác Thiết kế kỹ thuật (FEED) sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020, cho phép bắt đầu triển khai Dự án ngay trong năm 2021 để tổ máy đầu tiên của nhà máy điện sẽ vận hành phát điện thương mại vào năm 2024 theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
  • Tại Bạc Liêu, Chính phủ đã đồng ý bổ sung quy hoạch dự án tua bin khí hỗn hợp – LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3,200 MW (đề xuất giá điện 7 cent/kWh), thời gian vào vận hành cũng khoảng năm 2025 – 2026. Ngày 28/10, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific Business Forum) lần thứ ba, 3 tập đoàn Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric và McDermott đã ký thỏa thuận phát triển dự án điện từ khí hóa lỏng Bạc Liêu với giá trị sử dụng thiết bị, dịch vụ của Mỹ lên tới hơn 3 tỷ USD. 
  • Ngày 22/4, đại diện Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (thành viên Tập đoàn dầu khí Millennium, Mỹ) vừa đề xuất với UBND tỉnh Sóc Trăng cho phép được nghiên cứu, đầu tư dự án điện khí có tổng công suất 9,600 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ USD.
  • Các dự án này có tổng mức đầu tư lên đến 65 tỷ USD trong vòng 25 năm và dự kiến lượng nhập khẩu lên đên 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm. Đây là dự án sử dụng LNG sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Luật Đầu tư của Việt Nam.

Dự án LNG tại Bạc Liêu

NHỮNG VẤN ĐỀ VIỆT NAM PHẢI ĐỐI PHÓ

Nghiên cứu gần đây của ngân hàng Mỹ Bank of America –Merrill Lynch cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng “đột ngột”, làm tăng mức nhập siêu của Mỹ. Thế nhưng, sự năng động trong hoạt động mậu dịch đó không hẳn là có lợi cho Việt Nam bởi vì từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khai mào, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có nhiều điều bất cập: Việt Nam xuất siêu với Mỹ, nhưng thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc, Hàn Quốc lại tăng. Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, một chuyên gia làm việc tại TP.HCM cho rằng: 30% nhập khẩu của Việt Nam là hàng của Trung Quốc để rồi từ Việt Nam xuất khẩu trở lại sang Hoa Kỳ. Điều này lại càng củng cố thêm lập luận cho rằng, Việt Nam bị biến thành một trạm trung chuyển để Trung Quốc hay những quốc gia bị chính quyền Trump áp thuế vẫn bán được hàng sang Hoa Kỳ. Thật sự, đây chỉ là vấn đề tạm thời để các quốc gia ASEAN có thì giờ giải quyết vấn đề nguyên liệu và khả năng sản xuất. Ngoài ra, công cụ áp thuế nhập khẩu mà Donald Trump thường sử dụng nhất để gây áp lực với các bạn hàng, đó là viện cớ “thao túng tỷ giá hối đoái” để phạt các đối thủ của Hoa Kỳ. Chính quyền Washington đã thu hẹp các tiêu chuẩn quy định thế nào là “thao túng ngoại hối” và mở rộng danh sách các đối tác cần được theo dõi đang từ 12 lên thành 20 quốc gia. Chắc chắn Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã có những bàn bạc và tính toán để có lợi cho 2 bên nhưng những chuyện này không nói ra công khai. Điều này cũng áp dụng cho các nước ASEAN khác. Báo Trung Quốc tháng 10/2020 tức tối tố cáo Thái Lan học Việt Nam đánh thuế thép khiến cho các công ty Trung Quốc nổi giận. Đây là hành động mới mà chính phủ Thái Lan đã áp dụng đối với thép nhập khẩu từ Bắc Kinh sau khi Việt Nam đã áp dụng vào năm 2019.

Thặng dư mậu dịch: Quan hệ kinh tế Hoa Kỳ-Việt Nam năm 2020 đã có những bức phá mãnh liệt mặc dù có những lùm xùm về lãnh vực tài chánh. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hàng Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng vọt trong quý đầu tiên của năm 2019 giữa lúc các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng trong bối cảnh những căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Hoa Kỳ chính thức mở cuộc điều tra về việc Việt Nam buôn lậu gỗ, hạ giá tiền đồng, gây hại đến thương mại Mỹ. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ra thông báo vào ngày 2/10. Theo thông báo, cuộc điều tra được bắt đầu theo lệnh của Tổng thống Donald Trump. Hôm 25/8 vừa qua, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã lên tiếng xác định Việt Nam hạ giá tiền đồng vào năm 2019, và vì vậy Hoa kỳ sẽ bắt đầu áp thuế lên mặt hàng vỏ lốp xe xuất khẩu của Việt Nam. Theo thông báo của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, tiền đồng của Việt Nam đã được định giá thấp hơn 4.7% trong năm 2019. Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 nước cần phải giám sát về thao túng tiền tệ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hôm 2/10 lên tiếng phản bác cáo buộc Việt Nam hạ giá tiền đồng. Reuters trích lời ông Lê Minh Hưng nói Việt Nam “chưa từng có và sẽ không có ý định dùng các chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá hối đoái nói riêng để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế”. Hy vọng rằng với những hợp đồng dầu khí hàng chục tỷ USD, những xung khắc này sẽ được giải tỏa.

  • Cũng theo Hải Quan Việt Nam, trong năm 2020, Việt Nam đã có đến 76.4 tỷ USD thặng dư mậu dịch với Mỹ. Mức thâm hụt này đã khiến chính quyền của tổng thống Donald Trump bất bình, và vào giữa năm ngoái, ông Trump từng gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng” thương mại và đe dọa áp đặt thuế quan đối với hàng nhập từ Việt Nam. Trước phản ứng bất bình từ Washington, Hà Nội đã cam kết cải thiện cán cân thương mại, đặc biệt bằng cách tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Việc mua khí hóa lỏng của Mỹ để dùng trong các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch của mình là một chiến lược có thể gọi là “nhất tiễn hạ song điêu”. Đối với chuyên gia Lê Hồng Hiệp, giải tỏa được quan ngại của Washington rất quan trọng đối với Hà Nội, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và mọi sắc thuế trừng phạt đều tác hại đến ngành xuất khẩu và đe dọa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
  • Việt Nam nên ngăn chận việc trung chuyển trái phép hàng xuất khẩu của Trung Quốc và nên mua thêm hàng hóa của Mỹ, như khí thiên nhiên hóa lỏng và các thiết bị quân sự, để tránh bị áp thuế trừng phạt của Mỹ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã có những đề nghị như trên với các lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến thăm Hà Nội trong hai ngày 20 và 21/11/2020.

KẾT LUẬN

Hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam hiểu được thế chiến lược lâu dài với Hoa Kỳ. Mỹ gần như không khoan nhượng với bất cứ quốc gia nào gây thương hại đến quyền lợi của mình từ Trung Quốc cho đến những đồng minh lớn như Liên Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Quyết định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong việc chỉ định Việt Nam và Thụy Sĩ là hai quốc gia thao túng tiền tệ cuối tháng 12/2020 đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Đây được xem là một sự kiện hiếm hoi và gây được nhiều sự chú ý. Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Trump chỉ mới chỉ đích danh một quốc gia duy nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên chính quyền Trump sẽ không đủ thời gian thực hiện điều này và bà bộ trưởng ngân khố tương lai Janet Yellen của tân Tổng thống Biden có thể sẽ giải quyết vấn đề này ngay ngày đầu tiên khi chính quyền của tân tổng thống đắc cử Joe Biden nắm quyền. Hôm 16/4/2021, bộ Tài chính Mỹ thông báo không có đủ bằng chứng để kết luận rằng Việt Nam thao túng tiền tệ như điều tra ban đầu.

Tuy nhiên đối với Việt Nam, với thặng dư thương mại lớn với Mỹ, nhiều khả năng chịu rủi ro sẽ bị áp thuế tương tự, nhưng Mỹ luôn có mối quan tâm đặc biệt và có sự ưu đãi nhất định với nền kinh tế hơn 94 triệu dân. Thứ nhất Việt Nam có thể trở thành nguồn hàng hóa bổ sung cho Mỹ trong trường hợp hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan. Do vậy, nếu áp thuế đồng loạt với cùng một lúc nhiều nước, người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Mặt khác vị thế địa chính trị của Việt Nam quá đặc biệt. Về mặt chiến lược, Mỹ vẫn cần thêm sự ủng hộ từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bên cạnh những đồng minh truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố của Tổng thống Trump, Việt Nam tuyên bố mua thêm hàng hóa của Mỹ để giúp giảm thặng dư hiện ở mức 42.7 tỷ USD, sau khi bị ông Trump gọi là kẻ lạm dụng thương mại, theo Bloomberg. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 22/12/2020 có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, và khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Với chính quyền mới của Tổng thống Biden, quan hệ Mỹ – Việt trong những năm sắp đến sẽ đi vào giai đoạn thực chất với sự hợp tác chiến lược dài hạn. Cũng cần nói thêm trong gói cứu trợ COVID-19 trị giá 900 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua ngày 21/12 có dành gần 170 triệu USD cho Việt Nam, với các hạng mục liên quan đến chất độc da cam và hòa giải sau chiến tranh. Sự kiện các tập đoàn Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan dự trù mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Mỹ cũng như Vinfast của Việt Nam đang cân nhắc việc xây hãng sản xuất xe hơi điện tại Hoa Kỳ cho thấy các nước Á Châu đang tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ.

THAM KHẢO

  1. Dầu mỏ Việt Nam – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Mỏ Cá voi xanh – Wikipedia tiếng Việt
  3. Bài viết “Rosneft VN hủy hợp đồng với Noble trên Biển Đông: Sức ép từ Trung Quốc, nhưng bản chất khác vụ Repsol” đăng trên mạng BBC News ngày 17/7/2020.
  4. Tranh chấp dự án thăm dò khí đốt Repsol – Wikipedia
  5. Bài viết “Nghịch lý Cá Voi Xanh: Thấy cây mà không thấy rừng” đăng trên mạng Nghiên Cứu Quốc Tế ngày 4/10/2019.
  6. Bài viết “Đẩy mạnh hợp tác dầu khí với Mỹ: Đòn nhất cử lưỡng tiện cho Việt Nam” đăng trên mạng RFI ngày 8/9/2020.
  7. Bài viết “Cá Voi Xanh: ‘ExxonMobil muốn gây sức ép lên chính phủ Việt Nam” đăng trên mạng BBC, Bankok ngày 12/9/2020.
  8. Bài viết “Repsol nhượng cổ phần ba lô dầu: TQ đe dọa thành công VN trên Biển Đông? đăng trên mạng BBC News Tiếng Việt ngày 20/6/2020.
  9. Bài viết “Những “đại gia” muốn đổ tiền đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 8/10/2020.
  10. Bài viết “Dự án điện khí LNG Chân Mây sẽ khởi công vào Quý I/2021” đăng trên mạng Bộ Công Thương ngày 24/7/2020.
  11. Bài viết “Phát hiện mỏ dầu khí có trữ lượng lớn lịch sử Việt Nam” đăng trên mạng Pháp Luật ngày 30/7/2020.
  12. Bài viết “Exxon Mobil gặp khó khăn trong dự án Cá Voi Xanh” đăng trên mạng RFA ngày 30/9/2020.
  13. Bài viết “Đại gia bỏ tỷ USD làm điện giá đắt, bán ai đủ sức mua” đăng trên mạng Vietnam Net ngày 29/7/2020.
  14. Bài viết “Việt Nam và Mỹ ký 7 thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ đôla” đăng trên mạng BBC News ngày 29/10/2020.
  15. Bài viết “Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ trong 10 tháng tăng 34%” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 31/10/2020.
  16. Bài viết “Giới khoa học lo ngại về tiến độ hạ tầng nhập khẩu LNG ở miền Nam” đăng trên mạng Năng Lượng Việt Nam ngày 20/11/2020.
  17. Bài viết “Bloomberg: Khi Foxconn, Pegatron … sang Việt Nam, Mỹ hưởng lợi gì?” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 16/12/2020.  
  18. Bài viết “Mỹ chính thức dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam” đăng trên đài  BBC News ngày 16/12/2020.  
  19. Bài viết “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Tổng thống Donald Trump về thao túng tiền tệ” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 22/12/2020.
  20. Bài viết “Đàm phán với Mỹ: Cây bút nước ngoài khen chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc” đăng trên mạng BBC News ngày 1/1/2021.
  21. Bài viết “Mỹ sẽ chịu thiệt nếu đánh thuế sau cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ” đăng trên mạng Zing News ngày 1/1/2021.
  22. Bài viết “Tổng thống Joe Biden sẽ xem Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ” đăng trên mạng Zing News tháng 11/2021.
  23. Bài viết “Mỹ tạm thời không đánh thuế Việt Nam vụ thao túng tiền tệ” đăng trên mạng Người Việt Online ngày 15/1/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *