100 ngày đầu tiên của chính quyền Biden – Phiên bản cuối cùng

375 (lượt xem) |

Tu chỉnh:

  • Giai đoạn 1 (20/1/2021 – 2/2/2021): Hai tuần lể đầu kể từ ngày TT Biden nhậm chức.
  • Giai đoạn 2 (3/2/2021 – 16/2/2021): Luận tội TT Trump lần thứ hai thất bại.
  • Giai đoạn 3 (17/2/2021 – 1/5/2021): Hai tháng thứ 2 & 3 của Tổng thống Biden.

—–

TỔNG QUÁT 

Ông Joe Biden đã chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ với một phong thái hoàn toàn khác biệt với cựu Tổng thống Trump. Chiều ngày 19/1, TT đắc cử Biden và PTT đắc cử Harris đến Lincoln Memorial Reflecting Pool tưởng niệm 400 ngàn người Mỹ chết trong đại dịch Covid-19.

400 Lights, For 400,000 Dead, Illuminate Lincoln Memorial Reflecting Pool |  Michigan Radio

Tưởng niệm tại đài tưởng niệm Lincoln

Bốn ưu tiên quan trọng nhất của tân Tổng thống Biden:

  • Đại dịch Covid-19.
  • Liên hệ lưỡng đảng.
  • Chính sách đối nội.
  • Chính sách đối ngoại.

ĐẠI DỊCH COVID-19

Ông Biden ưu tiên giải quyết đại dịch Virus corona trong những tuần đầu tiên tại vị, và sự tập trung này đã được đền đáp. Hiện tại, ông sắp đạt mục tiêu 100 triệu liều vắc xin được tiêm trong 100 ngày đầu tiên, chính xác hơn là sẽ về đích trước kế hoạch khi số liều vắc xin đó sẽ được tiêm xong vào cuối tuần tới (20-21/3). Tốc độ tiêm chủng hàng ngày hiện nay đạt trung bình hơn 2 triệu mũi, và hơn 75 triệu liều đã được tiêm kể từ khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức. Cuối tháng 3/2021, toà Bạch Ốc và các giới chức Y tế lo ngại vì các thành phần bảo thủ và các nhóm quá khích da trắng có khuynh hướng không muốn chích thuốc chủng ngừa Covid-19. Các lãnh đạo y tế, tôn giáo và cộng đồng đã được khuyến khích phối hợp với chính phủ trong nỗ lực này. Lây nhiễm Covid-19 có khuynh hướng tăng lên tại 10 tiểu bang.

Thời gian1/3/20211/4/202130/4/2021
Số ca lây nhiễm28.7 triệu ca31.2 triệu ca33.0 triệu ca
Số ca tử vong515 ngàn người565 ngàn người589 ngàn người
Vaccine phân phối85 triệu liều195.6 triệu liều302 triệu liều
Vaccine tiêm ngừa75 triệu liều150.3 triệu liều237 triệu liều
Tỷ lệ tiêm ngừa 22.9% dân số45.8% dân số79% dân số
Tiêm ngừa 2 lần9.6% dân số16.6% dân số33% dân số

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC)

US Population: 331 triệu người (2021)

  • TT Biden dành tháng đầu tiên của nhiệm kỳ để thực hiện cam kết “đánh bại Covid-19” với người Mỹ, đồng thời tuyên bố “Mỹ đã trở lại” để cùng thế giới chống đại dịch. “Chúng ta không nhìn lại phía sau mà cùng nhau hướng về phía trước”, ông Biden nói trong Hội nghị An ninh Munich (MSC) trực tuyến hôm 19/2. Phát biểu tại hai sự kiện, TT Biden lưu ý rằng Mỹ đã chính thức tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris và cam kết hỗ trợ 4 tỷ USD cho sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX, nhằm “lấy lại vị trí lãnh đạo đáng tin cậy” của Mỹ.
  • Ngày 22/2, Tổng thống Joe Biden phát biểu trước toàn dân khi Hoa Kỳ ghi dấu mốc 500,000 người chết vì Covid, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới: “Là một quốc gia, chúng ta không thể chấp nhận một số phận nghiệt ngã như vậy. Chúng ta phải chống lại việc trở nên tê liệt trước nỗi buồn”, ông nói.
U.S. COVID-19 new cases by day | Statista

Number of new cases of Coronavirus in the US from Jan 25, 2020 to April 25, 2021 from Statista

  • Ngày 23/2, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nói họ dự kiến Chứng chỉ Thông hành Covid điện tử của họ sẽ sẵn có “trong vòng vài tuần”. IATA coi chứng chỉ này là cần thiết để mở lại hoạt động đi lại bằng đường hàng không, vì nhiều quốc gia vẫn áp dụng các quy định hạn chế hoặc cách ly nghiêm ngặt.
  • Ngày 26/2, Ủy ban tư vấn về Vaccine của FDA đã chấp thuận việc sử dụng Johnson & Johnson vaccine. Công ty dược phẩm Merck & Co. sẽ giúp sản xuất thuốc vaccine vừa được chấp thuận của đối thủ trên thương trường là Johnson & Johnson, nhằm nhanh chóng mở rộng nguồn cung cấp thuốc, theo một giới chức chính phủ Biden hôm 2 tháng 3. Loan báo được đưa ra trong lúc Tòa Bạch Ốc tìm cách gia tăng việc sản xuất loại vaccine chỉ cần chích một lần này. Cũng trong ngày, Tổng thống Biden tuyên bố ông hy vọng toàn thể người lớn tại Hoa Kỳ sẽ được tiêm ít nhất là một mủi vào cuối tháng 5/2021.
  • Hôm 2 Tháng Ba, Texas và Mississippi đã ban hành các lệnh hành pháp riêng biệt để dỡ bỏ các quy định về khẩu trang và bật đèn xanh cho tất cả các doanh nghiệp để mở lại hết công suất, loại bỏ các hạn chế trước đây nhằm kiềm chế đại dịch Covid-19. Các lệnh hành pháp do hai thống đốc đảng Cộng Hòa công bố được đưa ra, mặc dù các quan chức y tế cảnh báo không nên nới lỏng các hạn chế quá nhanh. Tổng Thống Joe Biden hôm 3 Tháng Ba, chỉ trích những tiểu bang hủy bỏ biện pháp chống COVID-19 đối với doanh nghiệp cũng như hủy bỏ lệnh đeo khẩu trang đối với cư dân, theo CNBC. Ông Biden gọi hành động đó là “suy nghĩ không văn minh”.
  • Số ca nhiễm mới tại Mỹ giảm 8 tuần liên tiếp, đạt mức trung bình 60,000 ca/ngày từ ngày 1/3 đến 7/3. Số ca tử vong do Covid-19 giảm 18% trong tuần qua xuống còn 11,800 người, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2020, đạt mức trung bình 1,686 ca/ngày. Từ đầu tháng 3/2021, Mỹ tiêm vắc-xin trung bình 2.2 triệu liều/ngày, tăng 1.6 triệu liều/ngày so với tuần trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho hay, đến nay có tổng cộng hơn 92 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân Mỹ, trong đó khoảng 60 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều và khoảng 32 triệu người được tiêm 2 liều. Hoa Kỳ sẽ có đủ vaccine ngừa virus corona cho tất cả người lớn vào cuối tháng Năm, Tổng thống Biden tuyên bố. Lộ trình này là sớm hơn hai tháng so với dự kiến, nhưng ông Biden nói nỗ lực tiêm chủng phải được mở rộng, và người dân phải được thuyết phục đi tiêm. Ông cảnh báo dân Mỹ “tiếp tục cảnh giác” vì “cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc”, trước mối lo về những biến thể virus mới. Quan điểm thận trọng của ông khác hẳn với một số bang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm thúc đẩy kinh tế.
  • Thượng viện Hoa Kỳ ngày 6 tháng 3 đã thông qua kế hoạch cứu trợ COVID-19 với tỷ số 50/49 trị giá 1.9 ngàn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden trong một cuộc biểu quyết mang tính đảng phái sau một phiên họp kéo dài suốt đêm với những nỗ lực nhằm sửa đổi các điều khoản. Dự luật cuối cùng bao gồm 400 tỷ USD ngân khoản cấp cho hầu hết người Mỹ dưới hình thức chi phiếu một lần trị giá 1,400 USD. Hạ viện chấp thuận dự luận ngày 10 tháng 3. Tổng thống Joe Biden ký thành luật Kế hoạch Giải cứu của Mỹ, một dự luật cứu trợ đại dịch COVID-19, trong Phòng Bầu dục Nhà Trắng, ngày 11 tháng 3, 2021.
  • Ngày 16/3, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nhóm họp hôm thứ Ba để xem xét sự an toàn của vaccine Oxford-AstraZeneca, sau khi một số quốc gia châu Âu tạm cho chủng ngừa loại vaccine này. Ở châu Âu có một số người bị chứng đông máu sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, giới chuyên gia nói rằng số người bị đông máu sau khi chích ngừa này không nhiều hơn số người bị chết vì đông máu nói chung. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) sẽ họp cùng ngày và đưa ra kết luận hôm thứ Năm. Khoảng 17 triệu người ở EU và Vương quốc Anh đã được chích một liều vaccine AstraZeneca. Trông số này, có gần 40 trường hợp đông máu, tính đến tuần trước, theo AstraZeneca. Những tuyên bố chưa được chứng minh đang nói rằng có thể có mối liên hệ giữa việc đông máu và chích vaccine AstraZeneca đã dẫn đến việc 11 quốc gia châu Âu ngừng sử dụng vaccine, gồm Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. AstraZeneca cho biết con số người bị đông máu sau khi tiêm AstraZeneca không cao hơn so với tỉ lệ người bị đông máu thường thấy trong dân chúng nói chung (trong 17 triệu người đã tiêm AstraZeneca tại cả Anh và châu Âu thì có 37 trường hợp bị đông máu). Có thể một phần nguyên nhân khiến các nước có quyết định ngưng AstraZeneca là do thiếu tin tưởng ở vaccine này so với các vaccine khác hiện có trên thị trường. Hiện nay Viện Y tế Quốc gia Mỹ đang thực hiện một thử nghiệm lâm sàng với hơn 30 ngàn người tham gia, bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái. Và người ta hy vọng rằng kết quả thử nghiệm này sẽ giải quyết dứt điểm bất cứ câu hỏi hay quan ngại nào đối với vaccine AstraZeneca. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Greifswald (Đức) đã tìm ra nguyên nhân gây huyết khối não sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Theo đó, vaccine kích hoạt cơ chế bảo vệ ở một số người. Bởi vì cơ chế đã được xác định rõ ràng, một phương án điều trị riêng cũng có thể được phát triển. Những người bị ảnh hưởng bây giờ có thể được cho dùng một hoạt chất giúp chống lại huyết khối.
  • Tổng Thống Joe Biden hôm 25/3 loan báo mục tiêu chích ngừa COVID-19 mới, là 200 triệu mũi thuốc trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông, theo một giới chức Tòa Bạch Ốc nói với NBC News. Chính phủ Mỹ sẽ phân phối 11 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng Johnson & Johnson vào cuối tháng 3 trong nỗ lực liên tục để đạt được 200 triệu mũi tiêm cho người dân. Tổng Thống Joe Biden tuyên bố kể từ ngày 19/4, 90% dân Mỹ được phép chích ngừa và sẽ có một trạm chích ngừa trong vòng 5 mile cho dù họ sống ở nơi đâu.
  • Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 30/3 tuyên bố vẫn chưa biết nguồn gốc của bệnh dịch Covid-19 vào ngày WHO công bố kết luận điều tra. “Mặc dù nhóm kết luận lộ ra từ phòng thí nghiệm là giả thiết khó nhất, điều này vẫn cần điều tra thêm, có thể cần các chuyến đi nữa với các chuyên gia.”
  • Số ca bệnh COVID-19 mới ở Mỹ tăng thêm 5%, lên tới hơn 450,000 đầu tháng 4, đây là tuần thứ ba liên tiếp có số người mắc bệnh gia tăng, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters hôm Thứ Hai, 5 Tháng Tư, căn cứ theo số liệu từ các tiểu bang và quận hạt. Tính đến ngày 9/4, chỉ năm tiểu bang nhưng đã chiếm khoảng 43% số ca COVID-19 mới ở Mỹ tuần qua, CNN dẫn dữ liệu từ Johns Hopkins University cho hay hôm 7/4. New York, Michigan, Florida, Pennsylvania và New Jersey xác nhận hơn 196,400 ca trong tổng số 453,360 ca COVID-19 được báo cáo trên cả nước tuần qua, theo dữ liệu của Johns Hopkins hôm Thứ Tư.
  • Các cơ quan y tế liên bang của Hoa Kỳ hôm 13/4 đề xuất tạm ngưng sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 chỉ cần dùng một liều của Johnson & Johnson sau khi sáu phụ nữ dưới 50 tuổi phát triển các cục máu đông sau khi được tiêm vắc xin này. Bước đi này được đưa ra một tuần sau khi các nhà quản lý châu Âu cho biết đã tìm thấy mối liên hệ tiềm tàng giữa vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca và một vấn đề đông máu hiếm gặp tương tự, vốn dẫn đến một số lượng nhỏ các ca tử vong. Ngày 20/4, Cơ quan quản lý thuốc (EMA) của EU nói rằng đông máu nên được xem là một tác dụng phụ “rất hiếm gặp” của vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson.
  • Bản tin ngày 23/4 cho biết Mỹ đang lâm vào một tình trạng nghịch lý là khủng hoảng thừa vaccine Covid-19. Thay vì giành giật từng liều vaccine Covid-19, người Mỹ giờ đây chứng kiến cảnh cung vượt cầu, khi nhiều bang không dùng hết số liều được cấp. Thách thức thừa vaccine xảy ra giữa lúc nhiều biến chủng mới của nCoV xuất hiện khắp đất nước, trong khi tâm lý mệt mỏi vì đại dịch cùng với những thông tin sai lệch càng khiến nhiều người chần chừ với vaccine. Nhiều thống đốc nói họ cần sự giúp đỡ nhiều hơn từ chính quyền Tổng thống Joe Biden để giải quyết tâm lý chần chừ tiêm chủng của người dân. Nhưng trong phần lớn trường hợp, quan chức bang đều phải tự tìm cách xử lý. Chính quyền Biden đã chi ba tỷ USD nhằm giải quyết tình trạng chần chừ tiêm chủng và xây dựng các đội tình nguyện giúp thúc đẩy niềm tin vào vaccine, nhưng nhiều thống đốc, thượng nghị sĩ và chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng Nhà Trắng không thể dựa vào chiến lược cũ từng được sử dụng khi nguồn cung vaccine hạn chế.

Tình trạng Covid-19 tại Ấn Độ, Brazil và Hoa Kỳ tính đến cuối tháng 4, 2021

  • Với tỷ lệ bỏ phiếu 10/2 và một vắng mặt, hội đồng cố vấn về chích ngừa của CDC quyết định việc dùng vaccine của J&J có hiệu quả lớn hơn nhiều so với rủi ro gây phản ứng phụ, theo The Hill cho biết vào ngày 23/4.

LIÊN HỆ LƯỠNG ĐẢNG

  • Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết hôm 15/2 rằng Quốc hội sẽ thành lập một ủy ban độc lập theo khuôn mẫu ngày 11 tháng 9 để xem xét cuộc nổi dậy chết người diễn ra tại tòa nhà quốc hội Hoa Kỳ. Bà Pelosi cho biết ủy ban sẽ “điều tra và báo cáo về các sự kiện và nguyên nhân liên quan đến vụ tấn công khủng bố trong nước vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 vào tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ cũng như liên quan đến việc can thiệp vào quá trình chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa”. Sau khi cựu Tổng thống Donald Trump được tuyên bố trắng án tại phiên tòa luận tội lần thứ hai tại Thượng viện, sự ủng hộ của lưỡng đảng dường như đang tăng lên đối với một ủy ban độc lập để xem xét cuộc nổi dậy chết người ngày 6 tháng 1. Các cuộc điều tra về vụ bạo loạn đã được lên kế hoạch, cùng với các cuộc điều trần tại Thượng viện được lên kế hoạch vào cuối tháng 2 tại Ủy ban Quy tắc Thượng viện. Một ủy ban độc lập cần được lưỡng viện quốc hội thông qua. Điều này sẽ nâng cuộc điều tra lên một tầm cao hơn, và đưa ra một bản báo cáo dứt điểm về ngày bạo loạn 6 tháng 1. Tuy nhiên, một hội đồng như vậy sẽ có nguy cơ làm gia tăng sự chia rẽ trong đảng phái hoặc làm lu mờ chương trình nghị sự lập pháp của Tổng thống Joe Biden.
  • Hôm 16 Tháng Hai, Dân biểu Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi), chủ tịch Ủy Ban Nội An Hạ Viện, và tổ chức NAACP chính thức nộp đơn kiện cựu Tổng Thống Donald Trump “xúi giục nổi loạn” tại Quốc Hội hồi tháng trước, làm 5 người chết.
  • Văn phòng công tố viên quận Manhattan, New York đã có được các bản kê khai thuế của cựu tổng thống Trump, sau lệnh của Tòa án Tối cao. Danny Frost, phát ngôn viên văn phòng công tố viên quận Manhattan, hôm nay cho biết trát yêu cầu nộp các bản kê khai thuế của cựu tổng thống Donald Trump được thực thi hôm 22/2 và các tài liệu hiện nằm trong tay ủy viên công tố Cyrus Vance. Phán quyết không nhất thiết có nghĩa là các hồ sơ này sẽ được công bố.
  • Dân biểu Eric Swalwell, đảng Dân Chủ ngày 4/3 đã đệ đơn kiện cựu Tổng thống Donald Trump, luật sư Rudy Giuliani và các đồng minh khác của ông về vụ tấn công chết người nhắm vào Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1, khi những người ủng hộ ông Trump xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ nhằm cố gắng ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng bầu cử của Tổng thống Joe Biden. Ông Swalwell là nhà lập pháp thứ hai đệ đơn kiện ông Trump về vụ nổi dậy. Dân biểu Bennie Thompson, một nghị sĩ Đảng Dân chủ, chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, tháng trước đã đệ đơn kiện cáo buộc ông Trump, Giuliani và hai nhóm cực hữu âm mưu kích động bạo loạn.
  • Ông Federico Klein, cựu trợ lý Bộ Ngoại giao trong chính quyền của cựu TT Donald Trump đã bị buộc tội tham gia vào vụ tấn công chết người tại Điện Capitol Hoa Kỳ và hành hung cảnh sát cố gắng bảo vệ tòa nhà, theo hồ sơ tòa án. Đây là trường hợp khởi tố đầu tiên được biết tới nhắm vào một người được ông Trump bổ nhiệm liên quan tới vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1, dẫn đến việc ông Trump bị Hạ viện luận tội lần thứ hai.

CHÍNH SÁCH ĐỐI NỘI

  • Ngày 10/3, Thượng viện đã bỏ phiếu để xác nhận ông Merrick Garland làm Bộ trưởng Tư pháp với 70 phiếu thuận, 30 phiếu chống, đưa thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang lâu năm vào vị trí lãnh đạo cơ quan trung tâm trong chương trình chính sách đối nội của Tổng thống Joe Biden. Tân Bộ trưởng Garland đảm nhận vị trí người đứng đầu Bộ Tư pháp trong bối cảnh cơ quan này tiếp tục điều tra vụ bạo loạn ngày 6/1 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, một trong những cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử cơ quan này. Ông Garland đã gọi cuộc điều tra bạo loạn ở Điện Capitol là ưu tiên số 1 của mình. Dân biểu Marcia Fudge cũng được chuẩn thuận vào chức vụ Bộ trưởng Gia cư.
  • Cựu TT Trump dự định tuyên bố ông là lãnh đạo đảng Cộng Hòa và ứng viên tiềm năng của đảng năm 2024 khi phát biểu tại hội nghị bảo thủ. Một cố vấn lâu năm của Donald Trump hôm 22/2 cho biết cựu tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu “phô trương sức mạnh” tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) vào ngày 28/2 tại Orlando, Florida. Cuộc thăm dò được Đại học Suffolk phối hợp tờ USA Today công bố hôm 21/2 đã cho thấy có tới 46% đảng viên Cộng Hòa khẳng định sẽ rời đi và tham gia đảng mới nếu nó được cựu TT Trump lãnh đạo. Chỉ 27% nói họ sẽ ở lại đảng Cộng Hòa, trong khi số còn lại chưa quyết định.
  • Hôm 27/2/2021, Hạ Viện Mỹ đã thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế 1.9 ngàn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề nghị. Đây được xem là một bước có tính chất quyết định, trước khi kế hoạch này được đưa ra xem xét tại Thượng Viện. Phe Dân Chủ trông chờ vào đa số sát sao mà họ đang nắm giữ để kế hoạch phục hồi kinh tế của tổng thống Biden được thông qua. Hạ Viện đã thông qua lần cuối trưa ngày 10/3/2021 sau khi được Thượng viện chuẩn thuận vào ngày 9/3/2021 sau khi biện pháp tăng mức lương tối thiểu (có thể lên đến 15 đôla/giờ) bị rút lại.
  • Việc đề cử bà Neera Tanden vào vị trí Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách đã gặp khó khăn trong nhiều ngày. Nhiều người nói rằng, việc bà Tanden sẵn sàng công khai chỉ trích các thành viên đảng Cộng Hòa trên Twitter là một vấn đề lớn. Ngày 3/3, bà Tanden rút lui khỏi cuộc đề cử.
  • Tổng Thống Joe Biden hôm 7/3, đã ký ban hành một sắc lệnh, theo đó các cơ quan chính phủ phải có biện pháp tạo dễ dàng cho người dân được đi bầu. Ông Biden có quyết định này trong lúc thành phần Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ đang thúc đẩy việc thông qua một dự luật liên quan đến việc bỏ phiếu và bầu cử, nhằm đối phó với các nỗ lực nhằm giới hạn quyền được bỏ phiếu.
  • Tổng thống Joe Biden vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 chính thức thông báo đề cử thăng cấp cho hai nữ tướng quân đội Hoa Kỳ vào vị trí lãnh đạo tư lệnh chiến đấu sau khi các cựu viên chức Ngũ Giác Đài chính quyền tiền nhiệm trì hoãn việc này trước quan ngại cựu Tổng thống Donald Trump có thể phản đối vì họ là phụ nữ. Tổng thống đề cử Tướng Van Ovost vào vị trí lãnh đạo Tư lệnh Vận tải, quản trị mạng lưới giao thông vận tải toàn cầu của quân đội. Bà Richardson sẽ được thăng cấp từ Tướng Tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ đặc trách miền Bắc tại căn cứ quân sự ở San Antonio, Texas, lên lãnh đạo Tư lệnh miền Nam đặc trách các hoạt động quân sự ở Mỹ Latinh. 
https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2021/03/BB1enPxn-696x503.jpeg

Tổng thống Biden và Tướng Không quân Jacqueline Van Ovost và Trung tướng Lục quân Laura Richardson

  • Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tiết lộ gói kích thích kinh tế tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng có giá trị lên tới hơn 2.000 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Theo đó, Mỹ sẽ chi 2,000 tỷ USD trong 8 năm tới và nâng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28% để tài trợ nỗ lực này. Phát biểu tại Pittsburgh, ông gọi đây là tầm nhìn để tạo ra “nền kinh tế hùng mạnh nhất, vững chãi nhất và sáng tạo nhất trên thế giới” cùng với hàng triệu “việc làm có thu nhập tốt”. Nhà Trắng cho biết trong 15 năm tới gói kích thích sẽ được tài trợ bằng cách tăng thuế cùng với một số biện pháp khác được thiết kế để buộc các tập đoàn đa quốc gia phải mang lợi nhuận về nước.
  • Trong tháng 3/2021, giới chủ Mỹ tuyển dụng thêm nhiều người lao động nhất trong 7 tháng. Tỷ lệ tuyển dụng tăng đáng kể trong phần lớn tất cả các ngành, số lượng người được tiêm vắc xin Covid-19 nhiều hơn cũng như các biện pháp hỗ trợ kinh doanh giảm đi đã giúp mang đến sự phục hồi của thị trường lao động. Bộ Lao động Mỹ công bố số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tại Mỹ tăng 916,000 trong tháng trước. Số lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 2/2021 cũng được điều chỉnh tăng lên 468,000. Như vậy tăng trưởng việc làm tháng 3/2021 cao vượt dự báo của giới chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 6%.
  • Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh giữ số lượng người tị nạn được nhận vào Mỹ hàng năm ở cùng mức thời Trump. Ông Biden đã gây ra giận dữ vào ngày 16/4 khi ông giữ mức trần ở con số thấp nhất trong lịch sử là 15,000, hai tháng sau khi ông cam kết tăng lên 65,500. Các báo cáo cho biết ông Biden lo ngại về việc cho thêm người vào Mỹ khi dòng người kỷ lục đổ về biên giới Mỹ – Mexico.
  • Cựu nhân viên cảnh sát Minneapolis, Derek Chauvin, ngày 20/4 bị kết tội giết người cấp độ hai, cấp độ ba và tội ngộ sát trong vụ bắt giữ khiến ông George Floyd người da đen bị thiệt mạng.
  • Hôm 22/4, Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chống thù ghét người gốc Á với số phiếu áp đảo 94/1, trong đó, Thượng Nghị Sĩ Josh Hawkey (Cộng Hòa-Missouri) là người duy nhất bỏ phiếu chống.
  • Bộ Tư Pháp đã thông báo đến nhiều thẩm phán liên bang tại Washington rằng, cơ quan này dự tính sẽ truy tố hơn 500 người có liên quan đến vụ bạo loạn tại Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1. Hồ sơ tòa án cho thấy những người bị truy tố đến từ gần như mọi tiểu bang Hoa Kỳ, với Florida, Pennsylvania, và Texas đứng đầu danh sách về số lượng cư dân bị bắt. Khoảng 90% tổng số người bị truy tố là nam giới, với độ tuổi trung bình là 40. Phần lớn người bị truy tố đều phạm các tội nhẹ như xâm nhập bất hợp pháp vào cơ quan liên bang, và cản trở quá trình đếm phiếu đại cử tri. Khoảng vài chục người khác đối mặt với các tội danh nghiêm trọng hơn, như tấn công cảnh sát và phá hoại tài sản chính phủ. Công tố viên cũng truy tố một số thành viên của các tổ chức Proud Boys và Oath Keeper, được cho là có vai trò khá lớn trong việc lên kế hoạch và kích động bạo loạn.

ĐỐI NGOẠI

Đưa nước Mỹ trở lại trung tâm bàn cờ ngoại giao quốc tế là trọng tâm chính sách đối ngoại của tổng thống Biden trong bài phát biểu tại bộ Ngoại Giao Mỹ, ngày 4/2/2021. Nguyên thủ Mỹ tỏ thái độ cứng rắn với Nga và Trung Quốc. Với tư cách là Phó Tổng thống trong 8 năm dưới 2 nhiệm kỳ của cựu TT Obama và những điều cựu TT Trump đã làm trong 4 năm vừa qua, chiến lược của TT Biden có phần sẽ giống với ông Trump trong quan hệ với Trung Quốc và cũng sẽ cứng rắn hơn với Nga Sô. Hai tháng sau khi nhậm chức, Biden đang bộc lộ phong cách ngoại giao và ông không ngại đưa ra những ngôn từ cứng rắn với các đối thủ hàng đầu của Washington. Cả Mỹ và Trung Quốc đều thận trọng trong màn tiếp xúc đầu tiên dưới thời Biden, nhưng chiến lược mới đối phó Bắc Kinh của Washington đang dần thành hình. Chiến lược mới của Tổng thống Biden không phải là tìm ra cách nào để chống Trung Quốc, mà là tìm cách định hình lại chính sách đối ngoại của Mỹ trên quy mô lớn trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tập trung vào mục tiêu cạnh tranh quyết liệt hơn với Bắc Kinh về những quyền lực kinh tế và quân sự trong dài hạn.

Có tới 61.5% người dân thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói trong một cuộc khảo sát rằng họ muốn khối này đứng về phía Mỹ thay vì liên kết với Trung Quốc, nếu buộc phải chọn một trong hai cường quốc. Kết quả cuộc khảo sát thường niên được viện nghiên cứu về Đông Nam Á có tên ISEAS Yusof-Ishak công bố hôm 10/2. Tính chung trong cả khối ASEAN, tỷ lệ chọn đứng về phía Mỹ của năm nay tăng lên đáng kể so với mức 53.6% của năm ngoái. Trong số những người tham gia cuộc thăm dò, người Philipplines ủng hộ Mỹ mạnh mẽ nhất với tỷ lệ 86.6%, người Việt Nam đứng thứ hai với mức 84%. Ba nước Myanmar, Brunei và Lào có đa số người trả lời là họ chọn đứng cùng phe với Trung Quốc, với tỷ lệ cao nhất là ở Lào, 80%; Brunei đứng thứ hai với mức gần 70%. Giờ đây, với việc ông Biden là lãnh đạo của Mỹ, cuộc khảo sát của Viện ISEAS Yusof-Ishak nhận thấy có tới gần 69% số người thuộc ASEAN tỏ ra lạc quan rằng nước Mỹ với chính quyền mới sẽ tăng mức độ can dự vào Đông Nam Á.

https://gdb.voanews.com/90CBE429-43BE-4AE7-B789-A037F355AAC1_cx0_cy0_cw93_w1597_n_r1_st.jpg

Quan hệ của ASEAN với Trung Quốc và Hoa Kỳ

  • Trung Quốc có lời lẽ ôn tồn với những người vừa thực hiện đảo chính quân sự ở Myanmar vào hôm 1/2/2021 trong khi Mỹ thì lại lên án gay gắt. Có khả năng Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chính quyền quân sự mới thiết lập ở Myanmar. Đây cũng là một phép thử quan trọng về mức độ đi xa tới đâu của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tái xác lập vai trò của Washington đối việc bảo vệ các “giá trị dân chủ” của họ.
  • Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc họp song phương đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các ưu tiên về chính sách chung xung quanh biến đổi khí hậu và Trung Quốc. Hai quốc gia cũng cam kết điều chỉnh các mục tiêu khí hậu để đạt được mức phát thải bằng không vào năm 2050.
  • Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ thuộc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, hôm 24/02/2021, sẽ tái khởi động đề xuất một dự luật chống lại việc chính quyền Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp, công ty Mỹ không được đưa ra các phát biểu đối lập lại quan điểm của chế độ Cộng Sản Trung Quốc. Dự luật nói trên do hai thượng nghị sĩ Marco Rubio và John Cornyn của đảng Cộng Hòa, và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren đồng tài trợ. Một dự luật tương tự đã được đưa ra vào năm 2019, nhưng bị đình lại. Dự luật chống kiểm duyệt Trung Quốc sẽ yêu cầu tổng thống thành lập một “lực lượng đặc nhiệm liên ngành” trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia để theo dõi và giải quyết tình trạng kiểm duyệt hoặc các đe dọa của Bắc Kinh nhắm vào người Mỹ và các công ty Mỹ.
  • Reuters ngày 25/2 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Washington đã thực hiện một cuộc không kích nhằm vào một “cấu trúc thuộc về lực lượng được cho là dân quân do Iran hậu thuẫn”. Đây là cuộc tấn công đầu tiên tại Trung Đông của chính quyền Biden.
  • Cuộc đối thoại đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua 5/3/2021 đã mang lại kết quả đáng kể, đó là tạm hoãn 4 tháng cuộc chiến hàng không mà Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã lao vào từ năm 2014. Bất đồng này đã kéo dài 17 năm qua với nhiều diễn biến, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp đặt mức thuế quan ban đầu có lợi cho Mỹ, rồi sau cho phía châu Âu. Nguyên nhân là do đôi bên cáo buộc lẫn nhau đã tài trợ cho Airbus và Boeing.
  • Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/3 cho biết các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc gặp đầu tiên trong tuần tới với các quan chức Trung Quốc tại bang Alaska của Mỹ. Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại thành phố Anchorage của bang Alaska vào ngày 18/3. Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng sẽ viếng Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi gặp phái đoàn Trung Quốc.
  • Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã đồng ý cung cấp một tỷ liều vaccine chống virus Corona cho phần lớn châu Á vào cuối năm 2022 tại hội nghị thượng đỉnh nhóm họp qua mạng hôm 12/3/2021, do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trì. Cam kết chung được đưa ra sau cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo của nhóm được gọi là Quad – một nhóm bốn quốc gia thành viên được thành lập vào năm 2007. Các loại vaccine, mà dự kiến là sản phẩm Johnson & Johnson liều đơn, được chuẩn bị để sản xuất tại Ấn Độ.
  • Bản báo cáo dài 15 trang do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia công bố hôm 16/3 liệt kê những gì họ cho là “hoạt động gây ảnh hưởng” do Nga và Iran thúc đẩy. Báo cáo này nói các cá nhân có liên hệ với Nga đã lan truyền những tuyên bố không có cơ sở về Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử ngày 3/11. Báo cáo cũng nói là một chiến dịch thông tin sai lệch nhằm làm suy yếu niềm tin vào toàn bộ quá trình bầu cử đã được tung ra. Một số người có liên hệ với tình báo Nga cũng tung ra các bài viết chống Biden trên truyền thông, và gửi cho các quan chức cấp cao và đồng minh của ông Trump, báo cáo cho biết. Báo cáo nói thêm rằng, trong khi Nga tìm cách tăng cơ hội chiến thắng của ông Trump, Iran thực hiện một “chiến dịch ảnh hưởng bí mật đa hướng” nhằm làm suy yếu sự ủng hộ ông Trump. Báo cáo cũng kết luận với “độ tin tưởng cao” rằng Trung Quốc, nước lâu nay bị Washington cáo buộc hoạt động gián điệp mạng, đã chọn không ‘triển khai các nỗ lực can thiệp [vào bầu cử Mỹ] ”trước cuộc bỏ phiếu.” “Trung Quốc tìm kiếm sự ổn định trong mối quan hệ với Hoa Kỳ và không coi kết quả bầu cử nào là đủ lợi để Trung Quốc chấp nhận rủi ro nếu bị vạch trần”, báo cáo cho hay. Theo báo cáo, quá trình bỏ phiếu và kết quả cuối cùng không bị can thiệp bởi nước ngoài nhưng liên hệ của cựu TT Trump và Nga Sô vẫn chưa được nói đến. Nga triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ hôm 17/3, sau khi Tổng Thống Joe Biden cảnh cáo lãnh đạo nước Nga, Tổng Thống Vladimir Putin, phải trả giá vì can thiệp bầu cử năm 2020. Một vấn đề khác là khi người phỏng vấn George Stephanopoulos hỏi Tổng Thống Biden rằng ông có nghĩ ông Putin là “kẻ giết người” hay không, ông Biden trả lời: “Có.” Điều này có thể ám chỉ đến việc ông Alexei Navalny, lãnh đạo đối lập Nga bị đầu độc. Phản ứng trước lời nói đó, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin, cho hay trong buổi họp báo hôm Thứ Năm ở Moscow rằng “chưa bao giờ có chuyện nào giống như vậy trong lịch sử”. Tổng thống Nga Putin đã đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Biden nhưng Tổng thống Biden phát biểu trước các phóng viên ngày 19/3 rằng ông sẽ hội đàm với lãnh đạo Nga vào một thời điểm thích hợp. Chính quyền Mỹ ngày 15/4 công bố loạt biện pháp trừng phạt kinh tế với Moscow và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, vì cáo buộc can thiệp bầu cử và tấn công mạng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào 30 thực thể của Nga cùng 32 cá nhân, đồng thời trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga – trong đó có những người bị cáo buộc làm gián điệp, theo Reuters. Trong số các thực thể bị trừng phạt có 6 công ty bị cáo buộc hỗ trợ cơ quan tình báo Nga tấn công mạng các cơ quan liên bang và công ty tư nhân Mỹ, theo The Hill. Vai trò của cựu Tổng thống Trump trong mối liên hệ với Nga Sô chưa được đề cập đến.
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken vừa kết thúc chuyến thăm Nhật từ ngày 16-17/3 với nghị trình phần lớn dành để lên tiếng phản đối “hành vi cưỡng ép và gây bất ổn” của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Sau Tokyo, hôm 17/3/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng  Lloyd Austin tới Seoul tiếp tục cuộc gặp 2+2 với các đồng nhiệm Hàn Quốc nhằm khẳng định lại những cam kết chung đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Tiều Tiên và tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với các quan chức Hàn quốc ở Seoul, Ngoại trưởng Blinken nói chính phủ của Tổng thống Biden sẽ duyệt lại toàn bộ chính sách đối với Triều Tiên trong vài tuần tới, trong khi tham khảo chặt chẽ với các đồng minh, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác chủ yếu khác.
  • Cuộc đối thoại cấp cao Mỹ-Trung Quốc tại Alaska, Mỹ, đã khép lại ngày 19/3 (giờ địa phương) sau ba phiên họp được tổ chức. Những điều được cả hai bên nêu ra, từ vấn đề ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, cho đến cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng, cưỡng bức kinh tế đồng minh của Mỹ … đều là các nội dung không mới; song, điểm đáng chú ý chính là không khí căng thẳng, cách chỉ trích trực diện, không kiêng nể, xã giao, mà thẳng thừng và không che giấu trước báo chí. Ngay cả dưới thời ông Trump, thái độ thể này cũng không được thể hiện rõ như tại cuộc gặp vừa qua, khi hai bên đều có nhận xét tiêu cực về phía đối phương, và cáo buộc nhau vi phạm nghi thức ngoại giao. Bên cạnh đó, ngay cả bản chất cuộc gặp cũng là chủ đề tranh cãi, khi Bắc Kinh xem đây là “đối thoại chiến lược”, còn Washington luôn khẳng định đây chỉ là sự kiện đơn lẻ. Phía Mỹ cho rằng phía Trung Quốc đến dự họp với mục đích “thể hiện và gây chú ý”, chỉ trích ông Dương Khiết Trì vi phạm thủ tục khi phát biểu tới 15 phút, thay vì đưa ra thông báo ngắn gọn trong 2 phút như đã thống nhất. Rốt cục, đã không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Cuộc gặp cũng không đáp ứng được nhu cầu của hai bên là giảm bớt thiệt hại do tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ, dù các lãnh đạo Trung Quốc cho biết họ rất muốn đưa mối quan hệ với Mỹ trở lại tình trạng ổn định. Do đó, kịch bản khả dĩ nhất đối với Mỹ và Trung Quốc trong tương lai gần sẽ là mở rộng, tăng cường quan hệ với các nước, đối tác, và đồng minh. Với Trung Quốc, đó sẽ là Nga và ASEAN, còn với Mỹ, đó sẽ là các đồng minh châu Âu và NATO, cũng như Bộ Tứ Kim cương (QUAD).
  • Nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm tới để tăng công suất của hãng. Taiwan Semiconductor Manufacturing Co là nhà sản xuất chip có hợp đồng lớn nhất thế giới và Apple thuộc khách hàng của họ. Thông báo này được đưa ra vài ngày sau khi Intel công bố kế hoạch 20 tỷ USD để tăng công suất của mình. Intel có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết vào tháng trước rằng họ sẽ xây dựng hai nhà máy mới tại một khuôn viên hiện có ở Arizona. Các nhà máy sẽ không chỉ sản xuất chip Intel mà còn mở cửa cho các khách hàng bên ngoài, và có nghĩa là có thể đưa Intel vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với TSMC. TSMC vào tháng 5 năm ngoái đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy của riêng mình ở Arizona.
  • Ngày 26/3, trong một tuyên bố, Nhà trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra từ 22 đến 24/4 nhân Ngày Trái đất. Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư chủ tịch Việt Nam, là một trong 40 lãnh đạo thế giới được Tổng Thống Joe Biden mời tham dự trực tuyến Hội Nghị Thượng Đỉnh Khí Hậu, trong hai ngày 22 và 23 tháng Tư, theo thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm 26 tháng Ba. Ngoài lãnh đạo Việt Nam, Thủ Tướng Lý Hiển Long của Singapore và Tổng Thống Joko Widodo của Indonesia cũng được mời.
  • Ngày 10/4, Giám đốc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc Cao Phúc cho rằng vắc xin ngừa COVID-19 của nước này không có hiệu quả quá cao và đề ra hai phương án khắc phục. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc công khai thảo luận về hiệu quả tương đối thấp của các loại vắc xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Hãng tin AP trong khi đó cũng nhận xét đây là lần hiếm hoi Trung Quốc thừa nhận vấn đề về hiệu quả vắc xin của nước này. Bắc Kinh đã phân phối hàng trăm triệu liều vắc xin COVID-19 tại các quốc gia khác, trong khi “cố gắng thúc đẩy hoài nghi về tính hiệu quả của các loại vắc xin phương Tây”. Hiệu quả ngừa bệnh của vắc xin Sinovac, một loại vắc xin do Trung Quốc phát triển, được biết đang khá thấp – ở mức 50.4%, theo các nhà nghiên cứu ở Brazil. Để so sánh, hiệu quả ngăn ngừa của vắc xin Pfizer là 97%.
  • Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã thể hiện mối quan hệ đồng minh khăng khít giữa hai nước cũng như quyết tâm chung trong việc đối phó với Trung Quốc khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt nhau tại Nhà Trắng vào ngày 16/4. Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức.
  • Số người chết toàn cầu vì virus corona đã vượt quá 3 triệu người vào ngày 17/4 trong khi chiến dịch tiêm ngừa khắp thế giới đang gặp nhiều trở ngại và cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở những nơi như Ấn Độ và Brazil. Tính đến ngày 27/4, tổng số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ là 18 triệu người, cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Số ca tử vong vì đại dịch ở nước này là 201,165 người, đứng thứ 3 thế giới, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ chia sẻ tới 60 triệu liều vaccine AstraZeneca của mình với các quốc gia khác khi có sẵn hàng.

KẾT LUẬN

Trong tuần lể cuối tháng 4/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cán mốc 100 ngày đầu nắm quyền. Nhưng đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa kiểm điểm xong một số quan điểm chính sách quan trọng và các vấn đề nóng liên quan. Đó là một loạt các vấn đề kinh tế đã kéo dài cả một thế hệ cho đến các chính sách gây tranh cãi do chính phủ của Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa đưa ra trước khi chính quyền của ông Biden thuộc đảng Dân chủ kế nhiệm. Nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ. Ông Biden xác định rõ ràng, mà gần đây nhất là trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 28/4, rằng Trung Quốc là đối thủ cuả Mỹ trong một cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên chế để giành quyền kiểm soát nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Chính quyền của ông Biden đã bắt đầu đưa ra một chiến lược tổng thể để cạnh tranh với Trung Quốc dựa vào việc đổi mới quan hệ với các đối tác như Liên Âu, Ấn Độ và các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, và đầu tư nhiều ở trong nước Mỹ.

Vấn đề bạo loạn ngày 6/1 thì các nhóm bạo loạn như Proud Boys, QAnon, The Oath Keepers, America First, Three Percenters v.v.. là những thực thể mà dân chúng Hoa Kỳ xem như là những virus mai phục trong xã hội Hoa Kỳ. Những nhóm này sẽ không bao giờ biến mất, vẫn tồn tại và sẽ phát tán và bùng nổ khi xã hội yếu đi.

Tương lai của đảng Cộng Hòa và các nhà lập pháp Cộng Hòa thân Trump sẽ được quyết định trong 2 năm tới. Các nhà hoạch định chiến lược quốc gia mà phần lớn là các CEO’s của các tập đoàn lớn nhất tại Hoa Kỳ cũng sẽ tìm được đường đi cho tương lai Hoa Kỳ. Cựu Tổng Thống George W. Bush hôm 20/4, nói rằng đảng Cộng Hòa nay đã thay đổi, không còn giống như thời của ông, có lập trường “cô lập với thế giới, thiên về bảo hộ thương mại,” và ủng hộ “chủ nghĩa bản địa bài ngoại”. Ông Bush cũng nói đặc biệt lo ngại về các luận điệu chống người di dân. Các thành phần cực hữu Cộng Hòa hồi tuần qua đã họp với nhau để thảo luận việc thành lập khối ở Quốc Hội Mỹ mang tên “America First Caucus,” vốn theo một tài liệu thì nhằm duy trì và phát triển “truyền thống chính trị Anglo-Saxon” (của người da trắng) và cũng báo động rằng làn sóng di dân đang đe dọa “bản sắc đặc thù” của nước Mỹ. Cho đến nay, các dân cử đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục chống đối các đề nghị của đảng Dân Chủ.

Tổng thống Biden dự trù đề nghi tiêu hàng ngàn tỷ USD cho các kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở và kích thích kinh tế. Sự hưởng ứng của giới lãnh đạo các tập đoàn kinh tế Hoa Kỳ đối với đề nghị tăng thuế lên 28% của Tổng thống Biden vẫn là một ẩn số. Vị thế của Hoa Kỳ trong việc tranh chấp với Trung Quốc và Nga Sô cũng như sự hợp tác với các cường quốc Liên Âu vẫn là một điều không có gì chắc chắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Chính trường Hoa Kỳ đến nay vẫn kín miệng về sự liên hệ của Uỷ ban tranh cử của cựu Tổng thống Trump và Nga trong cuộc tranh cử 2016. Những gánh nặng về pháp lý và tài chánh của ông ta sẽ được thấy rỏ hơn. Theo công bố của Forbes vào ngày 6 tháng 4 cho biết, cựu TT Trump rớt gần 300 bậc trong bảng xếp hạng tỷ phú với tài sản $2.4 tỷ. Năm 2017, tài sản của ông Trump là $3.5 tỷ. Trong một hành động thú vị, một nhà thiết kế Trung Quốc vừa kết hợp hai thái cực là Phật giáo và Donald Trump trong một bức tượng nhắc nhở cựu Tổng thống Mỹ hãy tĩnh tâm và buông bỏ. Trong 4 năm dưới quyền của cựu Tổng thống Trump, dù rằng tập trung vào nỗ lực chống Trung Quốc nhưng vô hình chung, ông đã tạo nên làn sóng chống người Mỹ gốc Á không những từ những nhóm da trắng quá khích mà ngay cả những người Mỹ da đen cũng như người Mỹ gốc La Tinh cũng tham gia vào hành động này. Chính quyền trung ương và địa phương cần có những hành động quyết liệt và thiết thực hơn để giảm dần tệ nạn gây âu lo cho người Mỹ gốc Á.   

Tượng “Phật Trump” nhắc nhở cựu Tổng thống tĩnh tâm, buông bỏ

Bức tượng của cựu Tổng thống Trump tĩnh tâm và buông bỏ

Mong rằng những diến biến về Covid-19 và những câu chuyện liên quan đến cựu Tổng thống Donald Trump không có diễn biến mới xảy ra. Nếu có điều gì xảy ra ngược lại thì một bài viết mới là điều cần thiết.

THAM KHẢO

  1. Người da trắng thượng đẳng – Wikipedia tiếng Việt.
  2. Người Mỹ – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
  3. QAnon – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
  4. Bài viết “Biden sẽ dùng lệnh hành pháp để đảo ngược các chính sách của Trump” đăng trên mạng BBC ngày 18/1/2021.
  5. Bài viết “Proud Boys quay lưng với Trump, công nhận Biden” đăng trên mạng Người Việt ngày 22/1/2021.
  6. Bài viết “TT Biden đặt mục tiêu 100 triệu mũi vaccine COVID trong 100 ngày đầu tại chức” đăng trên mạng VOA ngày 23/1/2021.
  7. Bài viết “Ông Trump có thể bị cấm nắm chức vụ trong chính quyền Mỹ sau này?” đăng trên mạng VOA ngày 14/1/2021.
  8. Bài viết “Đội giải cứu kinh tế của Biden” đăng trên mạng VNE ngày 27/1/2021.
  9. Bài viết “Phía Dân Chủ bác bỏ đề nghị chia nhỏ kế hoạch $1.9 ngàn tỷ trợ giúp COVID-19” đăng trên mạng Người Việt ngày 29/1/2021.
  10. Bài viết “Thầy mo QAnon đội nón 2 sừng sẵn sàng điều trần bị Trump kích động” đăng trên mạng Người Việt ngày 29/1/2021.
  11. Bài viết “Cố vấn an ninh quốc gia của TT Biden: Mỹ phải sửa chữa nền dân chủ để đối phó với Trung Quốc” đăng trên mạng Người Việt ngày 30/1/2021.
  12. Bài viết “Nhóm Cộng Hòa dùng ‘billboard’ đòi các dân cử ‘phò Trump’ từ chức” đăng trên mạng Người Việt ngày 30/1/2021.
  13. Bài viết “Kỷ luật Phòng Bầu dục thời Biden” đăng trên mạng VNE ngày 5/2/2021.
  14. Bài viết “TT Biden: Chính sách đối ngoại thay đổi mạnh mẽ so với thời ông Trump” đăng trên mạng đăng trên mạng VOA ngày 5/2/2021.
  15. Bài viết “Các câu hỏi then chốt về xét xử phế truất Donald Trump tại Thượng Viện Mỹ” đăng trên mạng đăng trên mạng RFI ngày 9/2/2021.
  16. Bài viết “AOC giải thích lý do đảng Cộng Hòa không thể bảo cô bỏ qua cuộc nổi dậy ở Điện Capitol” – Translated from Washington Post’s article AOC explains why Republicans can’t just tell her to forget about the insurrection and move on” by Monica Hesse, on Feb. 1/2021
  17. Bài viết “Nghị sĩ lưỡng đảng thảo nghị quyết ngăn Trump tái tranh cử” đăng trên mạng đăng trên mạng VNE ngày 9/2/2021.
  18. Bài viết “After not-guilty vote, McConnell says Trump ‘morally responsible’ for Capitol riot” đăng trên mạng Washington (Reuters) ngày 13/2/2021.
  19. Bài viết “Tiết lộ chấn động về ông Trump và tình báo Liên Xô” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 3/2/2021.
  20. Bài viết “Donald Trump tấn công lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 17/2/2021.
  21. Bài viết “McConnell đối đầu với Trump” đăng trên mạng Người Việt Online ngày 17/2/2021.
  22. Bài viết “Khảo sát: Nếu bắt buộc, người Việt đứng thứ 2 ASEAN về chọn Mỹ thay vì TQ” đăng trên đài VOA ngày 27/1/2021.
  23. Bài viết “Donald Trump có giữ được hào quang để trở lại năm 2024?” đăng trên đài RFI ngày 2/3/2021.
  24. Bài viết “Người Việt tin vào tin giả để nuôi dưỡng ảo tưởng?” đăng trên đài VOA ngày 5/3/2021.
  25. Bài viết “50 ngày đầu của TT Biden: Bao nhiêu lời hứa quan trọng được thực hiện? đăng trên đài VOA ngày 10/3/2021.
  26. Bài viết “Các chuyên gia sẽ đánh giá sự an toàn của vaccine AstraZeneca” đăng trên đài BBC ngày 16/3/2021.
  27. Bài viết “Trông đợi gì ở cuộc họp Mỹ-Trung ở Alaska?” đăng trên đài Sài Gòn nhỏ ngày 16/3/2021.
  28. Bài viết “Tìm ra nguyên nhân gây huyết khối sau khi chích vaccine AstraZeneca” đăng trên đài Sài Gòn Nhỏ ngày 20/3/2021.
  29. Bài viết “Mỹ ra lệnh trừng phạt Nga vì các cuộc tấn công mạng” đăng trên đài BBC ngày 16/4/2021.
  30. Bài viết “Nhìn lại ‘100 ngày đầu’ của tổng thống Joe Biden” đăng trên đài VOA ngày 27/4/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *