Các loại lan hiếm tại Việt Nam

309 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Quê hương chúng ta đã được tạo hóa ưu đãi, ban cho cả ngàn giống lan, trong đó lại có những cây đặc hữu (endemic). Những cây lan này chỉ mọc tại Việt Nam mà không có tại các quốc gia lân cận như Lào, Trung Quốc, Cam bốt hay Thái Lan.

Trong bài này chúng tôi xin trình bày 19 cây đẹp nhất trong số 50 cây, phần lớn dựa theo bản danh sách và hình ảnh của Karel Petrzelka, cựu Tổng lãnh sự Cộng hòa Tiệp tại Việt Nam. Nhưng trong danh sách của ông chỉ là những cây sưu tầm được tại miền Nam, vì vậy chúng tôi bổ túc thêm những cây mọc tại miền Trung và miền Bắc theo cuốn “The Orchids of Indochina” ấn bản 1992 của Gunnar Seidenfaden, vì cuốn này đầy đủ hơn cả.

Hình ảnh, tài liệu tóm lược góp nhặt dưới đây do Alex & Karel Petrzelka, Leonid Averyanov, Orchids magazine, Orchids Digest, The Illustrated Encyclopedia of Orchids, The manual of cultivated Orchid Species, Home Orchid Growing, Botanica’s Orchids, Dendrobium and its relatives, Slipper Orchids of Vietnam và trên Internet, gồm đến chủng loại với 174 loài (Genus) và 1,243 giống (Species).

Về phần tên Việt, chúng ta có rất ít, từ tên gọi trong dân gian (phần này chúng tôi không được am tường) cho đến 2 cuốn sách được coi là có nhiều tên nhất: “Cây cỏ Việt Nam” của Phạm hoàng Hộ (dưới đây viết tắt là PHH) ấn bản 1993 và “Phong Lan” của Trần Hợp (dưới đây viết tắt là TH) ấn bản 1998. Nhưng tên Việt trong hai cuốn này cũng không được thống nhất, đầy đủ và phổ thông trong dân chúng. Theo cuốn Phong lan Việt Nam của Trần Hợp thì Việt Nam có 137-140 chi gồm trên 800 loài lan rừng. Hiện tại ngoài hoa lan mọc hoang dã, lan còn được gây trồng đại trà tại một số nơi, nhiều nhất là ở Tây Nguyên trong đó Đà Lạt là một trong những nơi hoa lan được trồng rộng rãi nhất từ 1960.

Các cây lan nhập nội được nuôi trồng ở Đà Lạt nằm trong các chi: Catleya, Cymbidium, Dendrobium, Paphiopedillum, Oncidium, Odontoglossum, Vanda. Các cây lan nhập nội được trồng trọt nhiều nhất là trong chi Cymbidium với trên 300 giống. Các giống Bengal Bay Golden Hue, Suva Royal Velvet, Sayonara Raritan, Balkis, Eliotte được nhập nội từ thập niên 1960 cho đến nay vẫn còn được ưa chuộng và trồng trọt khá nhiều tại các vườn lan.

LOÀI PHONG LAN HIẾM NHẤT TRÊN THẾ GIỚI.

Loài phong lan ma được coi là một trong những loài phong lan hiếm nhất trên thế giới. Các nhà nghiên cứu tưởng chừng như chúng đã tuyệt chủng cách đây hơn 20 năm nhưng đột nhiên lại xuất hiện trong các khu rừng châu Mỹ.

Loài cây này sinh sống chủ yếu ở Cuba và Florida, Mỹ. Giống với đặc tính ưa bóng của loài phong lan, phong lan ma chỉ có thể sống trong bóng tối hàng năm và nở hoa khi có điều kiện tốt. Thông thường, hoa sẽ nở vào khoảng tháng 6 – tháng 8, có hình dáng khá kỳ quái. Có người ví loài hoa này với chú khỉ, người làm xiếc hay thậm chí là chú nhái bén.

Tuy nhiên, khả năng phát tán hạt của phong lan ma cực kém. Bên cạnh đó, một điểm đặc biệt nữa của loài hoa này ở chỗ, nó không hề có một chiếc lá nào. Phong lan ma sống nhờ sự nuôi dưỡng của các loài nấm sống lân cận. Đã từng có thời kỳ, người ta thi nhau lùng sục, săn tìm loài hoa này, khiến nó trở thành một trong những giống thực vật đắt đỏ nhất.

LOẠI LAN GIẢ HẠC (DENDROBIUM) MẮC NHẤT TẠI VIỆT NAM

Ngày 26/9/2018, nhiều người chơi phong lan lâu năm ở Việt Nam đều khẳng định giò lan Giã Hạc (miền Bắc gọi là Phi Điệp) tại Đà Nẵng vừa có cuộc giao dịch cây hoa lan đột biến có giá trị “khủng” lên đến 6.8 tỷ đồng ($296,000 USD). Cây hoa lan được đặt tên 5 cánh trắng Tuyên Võ. Nguồn gốc cây lan từ vườn lan Tuyên Võ (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), sưu tầm được hơn hai năm trước và nhượng lại bản quyền cho CLB Hoa lan Đột biến Sông Hàn.

CÁC LOẠI LAN GIẢ HẠC ĐẸP NHẤT

Lan Giả Hạc (Phi điệp)

Lan giả hạc có tên là Dendrobium Anosmum Lindl. Là một trong những loài lan đẹp, có hương thơm nồng nàn; là giống lan quý của rừng nhiệt đới, có thân thòng, ra hoa khi giả hành đã rụng lá. “Hoa lan có 2 loại, đột biến toàn phần – một bông trắng tinh (Var-albar) và bông đột biến một phần (Sermi-albar). Trong giới chơi lan bây giờ, cái người ta săn tìm là bông đột biến bán phần, giá trị của nó rất là lớn. Nó có rất nhiều mặt bông khác nhau, nhưng tiêu chí để lựa ra một bông đẹp là nhìn vào bông hoa thấy khuôn hoa cân đối, vai ngang, cánh bầu, cánh sáp, mũi trắng, mắt xước gọn tạo thành tia khá rõ trên mặt bông, thùy không lem, họng sạch”.

Lan giả hạc được chia theo nhiều vùng miền khác nhau là bởi cấu trúc nhiễm sắc thể của dòng lan này thuộc dạng “kém bền” dễ thay đổi. Ở điều kiện tự nhiên khác nhau đều có tác động không nhỏ đến cấu trúc nhiễm sắc thể của nó. Do đó, trên từng vùng miền, theo từng điều kiện khí hậu cấu trúc thay đổi làm cho thân, lá hoặc hoa có sự khác biệt đáng kể. Đây chính là nguyên nhân mà các dòng lan giả hạc ở những vùng miền khác nhau có cấu trúc hình thái khác nhau. Lợi dụng những đặc điểm này các nhà vườn giàu kinh nghiệm luôn tạo ra những dòng giả hạc lai mới mang những nét đặc trưng riêng. Đây cũng là cơ sở để làm phong phú thêm danh sách những dòng lan mới. Nổi trội trên cả nước là dòng giả hạc vùng Di Linh – Lâm Đồng. Ở đây với những điều kiện tự nhiên đặc biệt đã tạo nên sự đa dạng về chủng loại hoa phong lan và càng làm cho vùng lan giả hạc thêm nổi tiếng với những tên gọi như giả hạc châu như, giả hạc xuân Di Linh, giả hạc nù, giả hạc Tam Bố, giả hạc Taly,… và nổi tiếng nhất hiện nay là giả hạc trắng xuân Di Linh (giả hạc trắng, nở hoa vào mùa xuân ở vùng Di Linh).

Dendrobium Bellatulum – Bạch hỏa hoàng

Lan Di Linh

Lan Kon Tum

Lan trầm tím Điện Biên (Dendrobium Parishi or Nestor)

 Tên Việt Nam của Dendrobium Nestor là lan Trầm tím. Nó được Veitch lai tạo từ giống cây Phi Điệp (Giả hạc) và cây Song Hồng, hoàng thảo tím. Chính vì thế, lan Trầm tím được thừa hưởng rất nhiều nét đẹp của cây cha và cây mẹ. Đó là sự thừa hưởng có chọn lọc nên vẻ đẹp của lan Trầm tím nổi bật hơn hẳn so với cha mẹ cả về hình dáng, màu sắc và hương thơm của hoa. Trong đó, thân của Trầm tím không quá dài cũng không quá mập, nó hơi ngắn và có chiều hướng lên thẳng. Những bông hoa kiêu sa màu tím hồng cũng tạo nên vẻ đẹp độc đáo của Trầm tím. Đặc biệt, giống cha mẹ nên Hoa của lan Trầm rất thơm, tuy nhiên nó không quá hắc mà lại rất dễ chịu, khiến lòng người mê đắm. Mùa xuân, những bông hoa tím hồng đua nhau khoe sắc, nổi bật lên giữa muôn vàn loài hoa khác.

Lan trầm tím Điện Biên

Lan Hoàng thảo Trần Tuấn (Dendrobium Tuanhii)

 Loài mới phát hiện ở Việt Nam và được công bố. Sau này Leonis Averyanov cũng công bố với tên Khoa học là Dendrobium tuananhii. Loài này phân bố ở Lai Châu, hiện nay đã đuợc nhân giống và trồng ở một số nhà vườn tại Đà Lạt

Lan Hoàng thảo Trần Tuấn rất dễ chăm sóc, ưa sáng, thoáng. Chỉ cần tưới nước hàng ngày và thỉnh thoảng phun thuốc trừ bệnh cho cây là được. Cây phát triển mạnh vào mùa xuân, với những chùm hoa màu tím hồng rất đẹp.

Lan Hoàng thảo Trần Tuấn

Lan Hoàng thảo Đơn cam (Dendrobium Unicum)

Hoàng thảo Đơn cam phát triển tốt trong môi trường nhiệt độ từ mát mẻ đến ấm áp nhưng không chịu nóng. Lan thích ẩm với thân cao 10-15 cm, lá 3-4 chiếc, rụng vào mùa Thu. Hoa dài, bóng bẩy, bề rộng đầy đặn và nở bung cong ngược ra sau đặc trưng, hoa to 4-5 cm, 1-4 hoa mọc ở các đốt, thơm. Nơi mọc: Việt Nam (Tây Nguyên), Lào, Miến Điện và Thái Lan. Thời gian nở hoa: vào mùa Xuân cho đến đầu mùa Hạ.

Lan Hoàng thảo Đơn cam

Hoàng Thảo Kèn (Dendrobium Lituiflorum)

Hoàng Thảo Kèn là một trong những loại lan tuyệt đẹp và quý hiếm. Ngoài tự nhiên bây giờ rất khó còn tìm thấy do bị săn lùng quá nhiều vì vẻ đẹp của chúng.

Hoàng Thảo Kèn

Bạch Hỏa Hoàng (Dendrobium Bellatulum)

Hoàng thảo đốm đỏ hay bạch hỏa hoàng, thạch hộc lùn, tiểu mĩ thạch hộc. Phân bố: ở Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Myanma, Việt Nam (các tỉnh: Kon Tum, Lâm Đồng) trong các khu rừng trên núi chính ở độ cao 700-2100 mét. Mô tả cây: Cây nhỏ, hoa ít, vòi hoa khoảng 1 đến 3 hoa, hoa cánh trắng, môi đỏ (đôi khi gốc môi đỏ, bờ môi màu vàng), sóng giữ môi có gợn. Hoa nhỏ khoảng 2.5-4.5 cm, hoa có mùi thơm.  Nở hoa vào khoảng tháng 2-3 khoảng 25-30 ngày sẽ tàn.

Kiều dẹt (Dendrobium sulcatum)

Nở hoa vào mùa xuân với nhiều hoa rộng 2.5 cm màu vàng tươi. Hoa có mùi thơm. với nhiều chùm hoa, rủ ngắn thành từng chùm rất đẹp. Phân bố: Được tìm thấy rất nhiều ở Thái Lan, Lào và Nam Trung Quốc, Thượng du Bắc Việt ở độ cao từ 500 đến 1000 mét.

Lan hoàng thảo Long tu đá (Dendrobium crepidatum)

Mô tả: Dáng buông xuôi như thác đỗ. Hoa hường, tim tím; môi gần như trắng, nhiều lông nhung với đốm vàng hay tím ớ đáy. Nở hoa vào mùa xuân. Nơi mọc: Tây nguyên, Lào ,Tây bắc. Điều kiện nuôi trồng: Trồng nơi có nắng sáng hay chiều

MỘT SỐ LAN LOẠI DENDROBIUM TIÊU BIỂU

Dendrobium (Lan Hoàng Thảo, Đăng Lan) là một loài lớn với hơn 1,200 giống, đứng thứ hai trong gia đình hoa lan về số lượng giống và cũng đứng thứ hai trong các loài lan được nuôi trồng nhiều nhất chỉ sau Cattleya. Đây cũng là nhóm hoa lan đa dạng có hoa đẹp với màu sắc đầy mê hoặc và một chi tiết không thể quên được chính là hương thơm… Dù rằng Bulbophyllum (Lan Lọng) là một loài lớn nhất trong họ hoa lan nhưng luận về hương sắc có lẽ Dendrobium vẫn vượt trội hơn nhiều phần. Nói riêng về Dendrobium thì đây là một loài thực vật phụ sinh, sống và bám trên thân cây hoặc đá. Thích nghi với nhiều loại môi trường sống, từ những vùng núi cao Hymalaya đến các khu rừng nhiệt đới vùng đất thấp và cả những vùng khí hậu khô nóng của sa mạc Úc Châu. Cũng từ sự đa dạng hấp dẫn kia trong các giống thuộc loài Dendrobium thường được chia ra làm nhiều nhóm với sự riêng biệt nổi bật của từng loại và có khá nhiều cách phân loại khác nhau. Trong bài viết này xin chỉ nói về các giống lan Dendrobium và cách phân loại dưới đây là một cách phân loại dựa vào vị thế, những điểm tương đồng của những giống lan cũng như cách sống, mùa nghỉ, mùa hoa … Đây cũng là cách phân loại dễ nhớ nên được nhiều người sử dụng so với các cách phân loại khác.

Phalaenanthe: Nhóm này lá thường xanh trong nhiều năm, giả hành ốm, cao (trong từng giống có những biến thể với giả hành thấp), phát hoa mọc ra trên các mắt ngủ ở ngọn. Mùa hoa thường là một lần vào mùa Thu hay cũng có thể hai lần trong năm vào mùa Xuân và Thu. Nhóm lan này phát triển tốt trong môi trường quanh năm ấm áp, với ban đêm không dưới 60°F (16°C).

Dendrobium Phalaenanthe

Spatulata: Nhóm lan này có cánh hoa dài và xoắn như sừng con linh dương nên trong Anh Ngữ còn được gọi là “Antelope Type”. Lá xanh quanh năm với giả hành to cao mạnh mẽ. Những cây lan trong nhóm này phát triển tốt trong môi trường có khí hậu ấm áp quanh năm. Các giống lan lai từ nhóm lan này thường được giới chơi lan tại Việt Nam gọi là Dendro Nắng do cây khỏe mạnh to lớn và có thể chịu được nắng cao từ 80% đến 100% nắng.

Dendrobium: Nhóm lan này nổi bật với đa số đều có giả hành mọc rũ xuống với lá mọc dọc hai bên. Lá sẽ rụng khi thời tiết bắt đầu lạnh và khô. Nhóm lan này cần một mùa nghỉ lạnh và khô ráo. Vào cuối mùa Đông cho đến đầu mùa Xuân hoa bắt đầu mọc từ 1 đến 5 hoa tại các nách lá. Trong nhóm này chia ra làm hai loại dựa vào khả năng chịu lạnh như sau. Nhóm D1 với khả năng chịu được lạnh cao và nhóm D2 chịu lạnh kém hơn.

Callista: Những cây thuộc nhóm này có giả hành cứng cáp, có từ 1-6 lá mọc phía trên đỉnh giả hành. Hoa mọc thành chùm rũ xuống. Những giống nổi bật trong nhóm này gồm có Den. amabile(Thuỷ tiên tím), Den. Chrysotoxum (Hoàng lạp), Den. densiflorum(Thuỷ tiên vàng), Den. farmeri(Thuỷ tiên trắng), Den. griffithianum, Den. lindleyi(Vẩy cá, Vẩy rồng), Den. thyrsiflorum(Thuỷ tiên), Den. sulcatum(Thủy tiên dẹt)…Nhóm lan này cần có mức ánh sáng cũng như tưới nước và phân bón vừa phải vào mùa Hè ấm áp, nhiệt độ vào khoảng 60-90°F (16-32°C). Và giữ mát vào mùa Đông với khoảng 50°F (10°C) vào ban đêm, tưới nước vừa phải đủ để giữ cho giả hành không bị teo tóp và không cần phân bón vào thời gian này.

Latouria: Nhóm lan này thường có lá trên đầu giả hành to vừa phải và dày. Cụm hoa mọc thẳng với các hoa thường có màu chủ đạo từ trắng đến vàng hơi xanh và hoa trông có vẻ hơi quái dị. Vài giống lan tiêu biểu trong nhóm này là Den. alexandrae, Den. atroviolaceum, Den. johnsoniae, Den. macrophyllumvà Den. spectabile. Phát triển tốt trong môi trường giống như nhóm Spatulatatuy nhiên chỉ cần ánh sáng vừa đủ và cần khô ráo để lan nghỉ ngơi vào mùa Đông.

Formosae:Nhóm này bao gồm những cây có giả hành mọc thẳng với một lớp lông đen trên thân và lá có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hoa thường có màu trắng giữa hoa có màu từ vàng đến đỏ hoặc xanh lá. Thường có từ 2-3 hoa mọc tại các nách lá gần ngọn và có thể to đến 4 inches (10 cm). Hoa lâu tàn. Những cây tiêu biểu như Den. bellatulum(Bạch hỏa hoàng), Den. dearii, Den. draconis(Nhất điểm hồng), Den. formosum(Bạch nhạn), Den. infundibulum(Hoàng thảo Bù Đăng), Den. lowii, Den. margaritaceum(Bạch hoàng), Den. sanderaevà Den. schuetzii…Nhóm lan này phát triển tốt trong môi trường khí hậu mát với khoảng 50-60°F (10-16°C) vào ban đêm và không quá 85°F (30°C) vào ban ngày. Tưới nước và phân bón hợp lý khi cây phát triển mạnh và cần để khô nhẹ khi cây ngừng tăng trưởng. Giữ ẩm nhẹ cho đến khi cây bắt đầu phát triển trở lại.

Nhóm cuối cùng bao gồm những nhóm nhỏ với những cây đặc trưng sau: Den. linguiforme, Den. tetragonum, Den. gracillimumvà Den. cuthbertsonii (sophronitis). Trồng tốt tùy theo môi trường sống của từng cây tuy nhiên vẫn có điểm chung là cần một nhiệt độ từ trung bình đến ấm áp với nhiệt độ ban đêm vào khoảng 55-60°F (12-16°C). Giữ khô vào mùa Đông hoặc khi thấy cây ngừng tăng trưởng.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Phân loại các giống lan Dendrobium” đăng trên mạng Vuonhoalan.net.

*****