Vải thiều Việt Nam xuất khẩu trong đại dịch

356 (lượt xem) |

Tu chỉnh (June 30, 2021): Tổng kết vụ mùa 2021.

TỔNG QUÁT

Vào những năm cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, cụ Hoàng Văn Thành (sinh năm 1848 quê Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) từng làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng. Thấy mấy ông lái buôn người Trung Quốc quê ở Triều Châu ăn quả vải rồi vứt hạt đi, cụ Thành đã nhặt được 6 hạt, đem về quê ương giống và mọc được 3 cây. Khi dọn cỏ, cụ bà sơ ý làm chết mất 2 cây rưỡi. Đó chính là cây vải thiều đầu tiên tại Việt Nam. Rồi từ đó, chiết cành ra để trồng thêm, số cây vải và số vườn vải càng ngày càng tăng thêm. Con cháu và họ hàng nhớ ơn cụ Thành nên đã xây dựng miếu thờ cụ bên cạnh cây vải tổ. Cây vải tổ này hiện nay vẫn còn và đang thuộc quyền sở hữu của cụ Hoàng Văn Thu (cháu nội cụ Thành). Trên tấm bia bằng bê tông trước cây vải tổ, ghi tên cụ là Hoàng Văn Cơm. Cụ Thu giải thích rằng, vì cụ Thành đem được giống vải thiều về trồng ở quê nhà, cũng là đem cơm gạo về cho dân làng nên mọi người gọi cụ là cụ Cơm. Giống vải được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là vải thiều chính gốc trồng tại khu vực huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Quả thu hoạch từ các cây vải trồng trong khu vực này thông thường có hương vị thơm và ngọt hơn vải được trồng ở các khu vực khác (mặc dù cũng lấy giống từ đây). Ngày nay, vải thiều được nhân giống sang một số nơi khác có thổ nhưỡng tương tự như Lục Ngạn – Bắc Giang, Chí Linh – Hải Dương và nhiều địa phương khác.

Cây vải tổ Thanh Hà

Lục Ngạn là một huyện nghèo của tỉnh Bắc Giang. Trước năm 1982, cơ cấu kinh tế của huyện được xác định là cơ cấu nông-lâm-công nghiệp. Trong nông nghiệp, tập trung phát triển lúa và màu lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày: đậu tương, lạc, mía ở các vùng đất thấp và được quan tâm chỉ đạo như một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt giai đoạn này. Còn cây lâm nghiệp được phát triển ở mọi vùng đất có độ dốc từ 15º trở lên. Các loại cây ăn quả chỉ được trồng rất ít trong vườn các hộ gia đình,

Trải qua thời gian dài, nhân dân các dân tộc đã tìm tòi, thử nghiệm trồng nhiều loại cây, nhiều mô hình kinh tế khác nhau. Trong sự tìm tòi sáng tạo đó đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc: đậu tương Tân Mộc, thủy lợi Quý Sơn, trông cây nhân dân Thanh Hải, sản xuất chè, chuối Tân Quang, mía đường Tân Lập … Kết quả của quá trình sản xuất, các sản phẩm trên đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân so với thời gian trước đó. Tuy nhiên, nếu xét một cách toàn diện thì việc trồng các loại cây trên đây hiệu quả kinh tế đều không cao. Do đầu tư lao động sống và lao động vật chất hóa cao, nên giá trị thặng dư thấp và người dân lao động vô cùng cực nhọc mà đời sống không được nâng cao. Đến năm 1982 toàn hộ có 70% số hộ nghèo đói, số còn lại chưa được gọi là giàu có mà chỉ đủ ăn ở mức đạm bạc. Mặt khác, do khai thác quá mức tài nguyên rừng để được mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây màu lương thực cùng với tập quán canh tác theo kiểu “du canh” nên diện tích đất được che phủ giảm nhanh chóng, tài nguyên đất đai ngày càng suy kiệt nghiêm trọng.

Thời kỳ này được coi là giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm, bước đầu xác định được cây vải thiều là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và đất đai của huyện Lục Ngạn. Trong thời gian này, Lục Ngạn được giao nhiệm vụ tiếp nhận dân của một số tỉnh đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới. Trong trăm nỗi lo toan cuộc sống mới, trong hành trang của họ đều có giống cây, con đem từ quê như một kỷ vật. Vải thiều và cam Thanh Hà – Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên, hồng Nhân Hậu và chuối tiêu Lý Nhân – Hà Nam đã lần lượt được đem trồng tại Lục Ngạn.

Huyện Lục Ngạn, phía Đông tỉnh Bắc Giang và huyện Thanh Hà, phía Đông tỉnh Hải Dương

Thời kỳ này được coi là giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm, bước đầu xác định được cây vải thiều là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và đất đai của huyện Lục Ngạn. Trong thời gian này, Lục Ngạn được giao nhiệm vụ tiếp nhận dân của một số tỉnh đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới. Trong trăm nỗi lo toan cuộc sống mới, trong hành trang của họ đều có giống cây, con đem từ quê như một kỷ vật. Vải thiều và cam Thanh Hà – Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên, hồng Nhân Hậu và chuối tiêu Lý Nhân – Hà Nam đã lần lượt được đem trồng tại Lục Ngạn. Người ta nhận thấy cây vải thiều trồng tại Lục Ngạn phát triển tốt, chất lượng cao không kém vải Thanh Hà, sản phẩm sản xuất ra được thị trường chấp nhận. Từ những năm 1980 các nhà máy đồ hộp ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Sơn Tây đã đến Lục Ngạn mua vải thiều để đóng hộp xuất khẩu. Ngoài ra vải thiều tươi còn được tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên sản lượng vải tươi lúc đó chưa nhiều. Do đặc điểm nền kinh tế nước ta bấy giờ, việc mua bán trao đổi hàng hóa thường lấy thóc làm tiêu chuẩn so sánh, để xác định các tỷ lệ trao đổi thích hợp, khi đó nhà máy đổi cho dân 1,2 kg đạm Urê lấy 1kg vải thiều tươi và 1 kg Urê = 3 kg thóc, như vậy 1 kg vải thiều tương đương với 3,6 kg thóc. Thực tế thấy rằng quan hệ đó cơ bản được ổn định cho đến ngày nay. Song cũng có lúc quan hệ trên thay đổi bất thường, giá trị bán 1 kg vải thiều tươi có thể mua được 10 kg thóc.

Từ thực tế trên, đã khiến người dân liên tưởng, so sánh hiệu quả của việc trồng vải thiều với các loại cây trồng khác như sắn, mía, đậu tương, bạch đàn, chè, thậm chí cả lúa. Nhận thấy rằng trồng vải thiều đem lại lợi ích hơn hẳn các loại cây khác. Chính từ đó, phong trào trồng vải thiều trong nhân dân bắt đầu phát triển một cách tự phát. Đến năm 1982 toàn huyện đã trồng 42 ha vải thiều, sản lượng ước tính đạt 100 tấn. Như vậy, trong suốt thời gian, nhân dân huyện Lục Ngạn mất nhiều công sức tìm tòi, thử nghiệm và bước đầu đã xác định được vây vải thiều là cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của huyện. Sản phẩm sản xuất ra đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Vườn vải thiều tại Thanh Hà

2. Giai đoạn 1982 – 1998:  Đây là giai đoạn được coi là thời kỳ chuyển dịch một cách toàn diện và sâu sắc cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, theo hướng tăng nhân diện tích cây vải thiều, giảm dần diện tích cây màu lương thực và cây nông nghiệp ngắn ngày. Một quyết tâm chiến lược được đề ra là “di dời kinh đô vải thiều từ Thanh Hà lên Lục Ngạn” trong thời gian gần 10 năm đầu (1982 – 1990) diện tích cây vải thiều tăng rất chậm. Vào cuối những năm 1980 – 1998, cây vải thiều đã hội tụ đủ các điều kiện để phát triển. Nhà nước đã có chính sách giao quyền sử dụng đất lâu dài đến hộ nông dân. Huyện đã giao 23,000 ha đất trống đồi núi trọc cho các hộ. 

3. Giai đoạn 1998 đến nay: Vì vậy chính quyền đã chủ trương tiếp tục phát triển mạnh cây ăn quả theo hướng thâm canh và đa dạng chủng loại cây ăn quả, lấy cây vải thiều làm chủ lực. Nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường về các loại hoa quả, nâng cao năng suất chất lượng, rải vụ thu hoạch, phát triển việc làm và tạo ra khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, làm tăng nhanh sản lượng quả trong điều kiện diện tích cây trồng tăng chậm, hạn chế rủi ro tổn thất cho người làm kinh tế vườn và kinh tế trang trại. Đến cuối năm 2000, toàn huyện đã trồng được 13,739 ha cây ăn quả, trong đó có 11,235 ha vải thiều. Sản lượng quả tươi đạt 20,120 tấn, trong đó vải thiều là 17,600 tấn. Cùng với việc tuyên truyền đẩy mạnh phát triển diện tích, các cấp, các ngành còn đặc biệt quan tâm đến việc giúp nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả. Nhờ có sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương, cộng với kinh nghiệm chăm sóc cây vải thiều được đúc kết trong thực tiễn lao động thông minh và sáng tạo của nhân dân nên người dân Lục Ngạn đã thực hiện rất hiệu quả các kỹ thuật như: hạn chế cây vải thiều ra quả cách năm bằng việc bón phân khoa học, đúng thời điểm; sử dụng các biện pháp tỉa cành, tạo tán, khoanh cành; rồi thực hiện phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, đặc biệt là cách trị sâu đục cuống quả vải triệt để, đã giúp cho chất lượng quả vải thiều ở Lục Ngạn được nâng cao. Có lẽ hội tụ đủ các yếu tố: điều kiện đất đai, khí hậu mang đặc trưng riêng; sự quan tâm đặc biệt của chính quyền và các nhà khoa học; cộng quá trình lao động cần cù, thông minh sáng tạo của nhân dân nên chất lượng quả vải thiều Lục Ngạn mới thơm ngon nổi tiếng không nơi nào sánh kịp: quả vải to đều, chín đỏ đẹp, ăn thơm ngon và ngọt lịm. Thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng nổi tiếng và được khách hàng ở trong, ngoài nước tin dùng, ưa chuộng.

PHÂN LOẠI VẢI THIỀU

Vải thiều Thanh Hà và Lục Ngạn có những đặc điểm khác nhau về màu sắc, vỏ, cùi, hạt, hương vị, thời gian thu hoạch. Riêng vải Thanh Hà cũng có 4 loại khác nhau là U Trứng, U Hồng, Tàu Lai, Thanh Hà mà loại Thanh Hà là ngon nhất.

Trái vải thiều Thanh Hà

Vải thiều đóng hộp và sấy khô: Tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều hảng vải thiều đóng hộp như Tiến Vinh, Hạ Long, An Lạc Thành, Thanh Hà Giá cả từ 26,000 đồng (1.1 USD) đến 47,000 đồng (2 USD).

VẢI HỘP HẠ LONG – NGUYÊN LIỆU PHA CHẾ HALA

Vải thiều đóng hộp Hạ Long

Ngoài vải thiều tươi, vải thiều sấy khô được rất nhiều thực khách ưa chuộng vì nó vừa là một món ăn ngon bổ dưỡng cho sức khỏe, vừa là một loại dược phẩm dùng để chữa bệnh. Vải thiều sấy khô có vị ngọt khá đậm, ăn dẻo, bùi và thành phần vẫn giá trị dinh dưỡng của trái vải tươi là: cung cấp các vitamin, chất xơ, vi khoáng chất, chất chống oxy hóa cho người dùng. Làm vải thiều sấy khô có rất nhiều cách, cơ bản ta có 4 cách thường làm như sau: dùng máy sấy, dùng lò nướng, dùng lò vi sóng, sấy dưới ánh nắng. Giá bán 150,000 đồng/kg (6.5 USD).

Vải thiều sấy

Giá cả bán trong nước: Giá bình quân 20,000 – 27,000 đồng/kg (.87 – 1.2 USD), có nơi 35,000 đồng/kg (1.5 USD).

Cách chọn vải thiều ngon, hột nhỏ, cùi dày

Chuyên chở vải thiều bán trong nước

VẢI THIỀU XUẤT KHẨU

Ngày 7/6/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quốc tế về nhãn, vải lần thứ 6, do Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hội Nghề vườn quốc tế (ISHS) tổ chức. Các số liệu công bố tại hội nghị cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 160,000 ha nhãn, vải, chôm chôm thuộc họ cây bồ hòn, cho sản phẩm xuất khẩu đem về hơn 320 triệu USD năm 2018, đứng thứ hai thế giới về thị phần vải xuất khẩu. Đại diện Hội Nghề vườn quốc tế, GS.TS. Sisir Kumar Mitra cho biết, trong các loại trái cây, vải là loại quả được ưa chuộng nhiều nhất, nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Trung Quốc đứng đầu với sản lượng hơn 2 triệu tấn/năm, thứ hai là Ấn Độ với 677 nghìn tấn/năm, Việt Nam đứng thứ ba với sản lượng 380 nghìn tấn/năm. Tại Trung Quốc, vải được trồng tập trung tại khu vực phía Nam của nước này. Mặc dù có diện tích vải đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), tuy nhiên trên 99% lượng vải quả tươi của Ấn Độ là tiêu thụ nội địa tại chỗ, nên Ấn Độ hầu như chưa tham gia xuất khẩu trái vải. Quốc gia xuất khẩu vải lớn nhất thế giới hiện nay không phải là các nước có diện tích canh tác vải lớn, mà lại là Madagascar, chiếm tới 35% thị phần vải xuất khẩu thế giới. Tiếp theo là Việt Nam, chiếm 19% thị phần thương mại trái vải toàn cầu; Trung Quốc chiếm 18%, Thái Lan chiếm 10% và Nam Phi chiếm 9%. Theo đánh giá của người tiêu dùng và các doanh nghiệp thương mại vải trên thế giới, hiện chất lượng quả vải của Việt Nam được đánh giá là tốt nhất thế giới, ngon hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại từ Ấn Độ, Trung Quốc .

Tính đến 30/6/2021, Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 212,000 tấn vải thiều, tăng 29% so với vụ năm ngoái, trong đó vải chính vụ đạt hơn 154,000 tấn. Khác với những năm trước phần lớn xuất khẩu, vải thiều năm nay được tiêu thụ trong nước chiếm đến 65% tổng sản lượng. Trong đó, hơn 70,500 tấn được sấy khô, 32,100 tấn tiêu thụ tại hệ thống chợ đầu mối, 15,000 tấn bán qua các siêu thị, sàn thương mại điện tử và hơn 21,600 tấn qua các hệ thống bán buôn, bán lẻ khác. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15,200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh), sản lượng ước đạt 125,000 tấn (chiếm 69.4% tổng sản lượng vải); vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ, Úc … diện tích 437 ha, sản lượng ước đạt 3,600 tấn. Điểm đặc biệt trong năm nay là nhiều lô vải thiều tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản và Âu Châu được gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục XTTM. Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu.

Thị trường Trung Quốc: Tình hình xuất khẩu quả vải thiều sớm của tỉnh Bắc Giang qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn hiện thuận lợi. Giá bán vải thiều sớm tại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) 72,000 – 108,000 đồng/kg (3.1 – 4.7 USD). Mặc dù vải thiều Trung Quốc đang xâm nhập thị trường Việt, nhưng hiện tại Trung Quốc lại vẫn là nước nhập khẩu hàng đầu mặt hàng vải thiều của Việt Nam. Có 3 cách để phân biệt vải thiều Trung Quốc và Việt Nam: hình dáng – mùi vị và thời gian thu hoạch. Vải Trung Quốc có màu hồng bắt mắt trong khi vải Việt Nam có màu vỏ hồng nhạt, lớp cùi dầy, hạt cực nhỏ (thậm chí nhiều trái không có hạt). Khác biệt chính đến từ chất lượng thưởng thức. Vải thiều Việt Nam mà nhất là vải thiều Bắc Giang cho vị ngọt lịm, thanh mát, mùi thơm đặc trưng, rất hợp vị với người sành ăn nhất. Trong khi đó, vải Trung Quốc có vị ngọt đậm sắc, được ví ngọt như đường hóa học chứ không thanh mát, khiến người ăn cảm thấy e dè, cảm giác như trái vải được tẩm hóa chất …

Thị trường Nhật Bản: Ngày 19/6/2020, lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản. Chỉ trong chưa đầy 1 ngày, hơn 2 tấn vải đã được tiêu thụ hết. Đằng sau sự kiện xuất khẩu vải thiều sang Nhật, ít ai biết, Việt Nam đã mất đúng 5 năm đàm phán liên tục với Nhật để nhận được sự “gật đầu” từ Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản. Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu (2020), vải thiều Việt Nam chiếm thị phần khoảng 10% tại thị trường Nhật (xếp thứ 3, sau Trung Quốc và Đài Loan). Do năm 2020 là năm đầu tiên nên các công ty Nhật Bản nhập khẩu dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Tuy nhiên, do quả vải Việt Nam gây được hiệu ứng tốt, các công ty của Nhật Bản dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên gấp nhiều lần. Đến ngày 29/5/2021, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được gần 13,000 tấn vải thiều, trong đó xuất khẩu đạt 3,200 tấn. Trước đó, ngày 26/5, “lô vải thiều không COVID-19” đầu tiên của Bắc Giang đã được xuất khẩu sang Nhật Bản với chất lượng vượt trội, an toàn, đẹp về màu sắc, ngon về hương thơm. Vụ vải thiều 2021 sẽ xuất khẩu từ 800 – 1,000 tấn vải thiều sang Nhật Bản. Đến nay đã có 5 doanh nghiệp vào ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Đó là các công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, Công ty THHH Bamboo. Giá tiền các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55,000 đồng/kg (2.4 USD). Giá bán tại Nhật khoảng 350,000 đồng/kg (15.2 USD) và hiện đang “cháy hàng”.

Vải thiều Lục Ngạn đem lại hiệu quả kinh tế lớn VHDN

Vải thiều xuất khẩu

Phương án chở vải thiều bằng đường không được Vietnam Airlines thực hiện với máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350. Đây là các dòng tàu bay thân rộng có trang thiết bị hiện đại và sức tải lớn nhất trong đội bay của Vietnam Airlines, giúp đảm bảo hiệu quả vận tải hàng tươi sống ở mức độ cao nhất. Cuối tháng 5, hai chuyến bay chở vải được ghi nhận là VN310 từ Hà Nội đi Narita và VN330 từ Hà Nội đi Osaka. Tổng khối lượng vải xuất Nhật trên hai chuyến là gần 10 tấn. Hiện hàng chục tấn vải thiều của 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã có mặt trên kệ hàng tại các chuỗi siêu thị Nhật Bản, Singapore và vài ngày tới sẽ là các nước EU.

Vải thiều Bắc Giang lên siêu máy bay sang Nhật - Ảnh 2.

Xuất ngoại vải thiều từ tâm dịch là thành tựu đáng mừng của vải thiều Bắc Giang trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đầy một máy bay toàn đặc sản của Hải Dương bay sang trời Âu - Ảnh 1.

Khoang máy bay chở hàng tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) bay thẳng sang Nhật Bản.

12 quả vải thiều giá 430.000 đồng tại Nhật Bản

Vải thiều tươi tại siêu thị Nhật

Vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - KILALA

430,000 đồng (18.7 USD) cho 12 trái vải tại Nhật

Thị trường Singapore: Ngày 3/6, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, quả vải thiều Việt Nam tại Singapore năm nay đã có giá cao hơn năm ngoái, từ giá khuyến mãi ban đầu 105,000/kg nâng lên mức 120,000/kg trong những tuần tiếp theo, cao gần gấp 5 lần giá bán lẻ vải thiều trong siêu thị Việt Nam. Nhà nhập khẩu cho biết, vải Việt Nam năm nay sẽ được bày bán trên 230 siêu thị của FairPrice, mở rộng quy mô rộng hơn hẳn khi năm 2020, quả vải xuất sang quốc đảo chỉ bảy bán tại vài siêu thị lớn hoặc các trung tâm thương mại lớn của FairPrice. Dự kiến, từ nay đến hết mùa vải, mỗi tuần Singapore sẽ tiêu thụ ít nhất 1 container 40 feet. Đến cuối tháng 7 năm nay, khối lượng xuất khẩu có thể lên đến 100 tấn.

Vải thiều Việt Nam tại Singapore

Thị trường Âu Châu:  Chiều ngày 7/6/2021, tại sân bay quốc tế Nội Bài, công ty Cổ phần Pacific Foods đã chính thức xuất lô thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đi châu Âu theo hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Gần 1 tuần sau lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Cộng hòa Séc (thuộc châu Âu), thì ngày 12/6, 1 tấn vải thiều tiếp tục được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Chỉ sau 3 ngày lên kệ siêu thị Á Châu tại thủ đô Paris (Pháp), vải thiều Việt Nam đã cháy hàng. Loại quả đặc sản này được bán với giá 18 Euro/kg (21.7 USD/kg), tương đương gần 500,000 đồng/kg.

“Đây là lần đầu tiên trái vải Việt Nam có mặt tại quảng trường Monge ở Paris và tôi rất bất ngờ trước sự quan tâm của người tiêu dùng dành cho trái vải. Có thể nói, trái vải Việt Nam đã góp một phần không nhỏ cho sự kiện ngày hôm nay thêm náo nhiệt”, đại diện chính quyền quận 5 (Paris), nơi diễn ra sự kiện, chia sẻ hôm 19/6. Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết nhiều người Pháp lần đầu tiên nếm trái vải Việt Nam đã khẳng định “ngon hơn hẳn” trái vải Madagasca họ vốn quen thuộc. Thậm chí, ông chủ hệ thống siêu thị Á châu, đơn vị nhập khẩu vải thiều chính ngạch vào Pháp, còn “tiếc” vì lô vải ông mang ra đã được bán hết trước khi sự kiện kết thúc. “Đơn hàng vải thứ 2 của chúng tôi vừa được thông quan ngày 17/6, tuy nhiên, tôi đang thu xếp để tiếp tục đặt đơn hàng thứ 3 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông nói thêm.

Vải thiều Việt Nam gây ấn tượng mạnh tại Paris

Sau Pháp, lần đầu vải thiều Việt được nhập khẩu chính ngạch sang Hà Lan với tem truy xuất nguồn gốc, bán 18 euro (hơn 500,000 đồng) một kg. Lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) thuộc lô hàng một tấn vải hạ cánh sân bay Schipol, Hà Lan ngày 17/6 để phân phối cho các siêu thị Á Châu tại Hà Lan, Pháp, Đức. Hai ngày trước đó, sản phẩm mẫu đã được gửi tới các siêu thị Á Châu tại Hà Lan và nhận được phản hồi tích cực từ chủ các siêu thị. Siêu thị Thanh Hùng của chị Vân Anh (thành phố Spijkenisse, Nam Hà Lan) đã bán vải Trung Quốc từ nhiều năm nay. Với chất lượng không bằng vải Việt Nam và có mức giá khoảng 22-25 euro/kg nhưng mặt hàng này vẫn có người mua. Do đó, theo chị Vân Anh, quả vải tươi Việt Nam được giới thiệu lần này với giá 18 euro một kg chắc chắn sẽ “hút” khách hàng.

Vải thiều Việt Nam tại Hà Lan

Thị trường Hoa Kỳ: Fresh Lychee đã bán trên mạng Amazon với chi tiết: 2 lbs, giá $ 31.50.

Vải thiều Việt Nam trên mạng Amazon

Thị trường Úc Châu: Thương vụ Việt Nam tại Úc đã làm việc với các nhà nhập khẩu quả vải để thống nhất thực hiện kế hoạch nhập khoảng 100 tấn quả vải từ Việt Nam sang các bang Nam Úc và Tây Úc. Đối với các bang còn lại, Thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương, căn cứ vào tình hình vận chuyển.

KẾT LUẬN

Hoạt động xuất khẩu vải thiều niên vụ 2021 được đánh giá là một cố gắng lớn khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và nhiều vùng vải thiều đã xuất hiện các ca dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, nỗ lực đưa trái vải thiều xuất khẩu trong bão dịch đã nói lên với sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và địa phương, Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Dù rằng đã được đưa lên mạng ngày 19/6, bài viết vẫn được cập nhật để thêm vào những tin tức mới.

THAM KHẢO

1)    Vải thiều – Bách khoa toàn thư mở Wikidedia.

2)    Bài viết “Sơ lược thị trường vải thế giới” đăng trên mạng Agra@Info ngày 25/7/2018.

3) Bài viết “Lịch sử phát triển cây vải thiều ở Lục Ngạn” đăng trên mạng Vải Thiều.

4)    Bài viết “Giúp bạn phân biệt nhanh hai loại vải thiều nức tiếng: Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) đăng trên mạng Phụ nữ Việt Nam.

5)    Bài viết “Việt Nam xuất khẩu vải, nhãn đứng nhì thế giới” đăng trên mạng VN Economy ngày 20/5/2021.

6)    Bài viết “Vải thiều nỗ lực vượt dịch xuất ngoại” đăng trên mạng Nhân Dân ngày 20/5/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *