Cà phê Việt Nam

725 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Đa số những ai yêu cà phê đều biết cà phê hạt Arabica là loại cà phê ngon và có giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên nếu so về sản lượng thì vị trí hàng đầu lại không thuộc về cà phê Arabica mà lại nằm trong tay người anh em cà phê hạt Robusta. Dưới đây là sản lượng cà phê trên thế giới và vành đai trồng cà phê:

https://www.napoli.vn/Document/Images/BaiViet/vi-the-cua-ca-phe-viet-tren-thi-truong-the-gioi-1.png

Việc cơ giới hóa ngày càng cao và sử dụng các công nghệ mới, Brazil và Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng năng suất cao hơn Colombia và các đối thủ cạnh tranh khác từ Trung Mỹ và châu Phi. Theo nhận định của trang thông tin kinh tế americaeconomia.com, hai nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này đã sẵn sàng để củng cố “sự kiểm soát” của mình đối với thị trường thế giới. Việc cà phê rớt giá trong những tháng qua, xuống mức thấp nhất ghi nhận trong vòng 13 năm, đang tạo ra chấn động mạnh tới một thị trường mà trong đó chỉ những nhà sản xuất hiệu quả nhất mới giành được lợi nhuận, theo nhận định của các nhà trung gian và phân tích thị trường cà phê.

Người ta đang nhận thấy khả năng các nhà sản xuất khác trên thế giới bị gạt ra ngoài rìa và không thể tiến hành kinh doanh với cách thức trồng trọt truyền thống đã đi qua nhiều thế hệ. Tại các nước này, nhiều người đã chuyển sang gieo trồng các loại cây khác, trong khi những nông dân khác đơn giản là bỏ hoang các cánh đồng của mình. Năng suất cà phê trung bình tại Brazil đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ này đã tăng 40% sản lượng cà phê trong giai đoạn trên và đạt mức 1.5 tấn/ha. Cùng thời gian đó, Việt Nam tăng thêm 18% từ mức năng suất vốn đã rất cao của mình để đạt mức 2.5 tấn/ha hiện tại. Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững của Đại học Columbia (Mỹ) nhận xét: “Brazil và Việt Nam đã liên tục cải thiện năng suất của mình, trong khi các nước khác thì không” và chỉ ra những bước tiến trong cơ giới hóa, kỹ thuật lựa chọn vốn và công nghệ tưới tiêu như những nhân tố chính trong thành công của hai nước này.

Vành đai cà phê

Vành đai trồng cà phê

CÀ PHÊ BRAZIL VÀ VIỆT NAM

  • Brazil và Việt Nam là 2 nước sản xuất cà phê nhất nhì thế giới. Brazil với 45% Arabica và 28% Robusta, chiếm 36.5% lượng cà phê trên thế giới. Việt Nam với 39% Robusta, chiếm 19.5% lượng cà phê trên thế giới. Về giá cả, mọi người có thể cảm nhận được sự khác biệt rất lớn về mặt giá cả của Arabica vs Robusta. Về góc độ giá bán trên thị trường, hạt cafe Robusta có giá chỉ bằng một nửa so với hạt cà phê Arabica. Tại Việt Nam, Cafe Arabica có giá giao động từ 230,000 – 260,000 đồng/kg (9.87-11.16 USD). Cafe Cầu Đất cũng là giống Arabica được bán với mức giá 450,000 đồng/kg (19.31 USD). Cafe Robusta có giá thấp hơn, khoảng 110,000 – 150,000 đồng/kg (4.72-6.44 USD).
Lịch sử cà phê Việt Nam

Các nước sản xuất cà phê Arabica và Robusta trên thế giới

  • Cà phê Brazil: Là nước đứng đầu về mặt diện tích cũng như sản lượng trên bản đồ cà phê thế giới trong 150 năm nay, cà phê nhân thô từ Brazil chiếm khoảng 60% lượng giao dịch toàn cầu, từ năm 2011 cà phê Brazil đã đứng ở vị trí lãnh đạo ngành cà phê thế giới, trong sản xuất cà phê xanh, cà phê Arabica và cà phê chế biến (cà phê hòa tan). Ngành cà phê Brazil thực sự là một đầu tàu mạnh mẽ trong nền kinh tế nước này. Là nước đứng đầu về mặt diện tích cũng như sản lượng trên bản đồ cà phê thế giới trong 150 năm nay, cà phê nhân thô từ Brazil chiếm khoảng 60% lượng giao dịch toàn cầu, từ năm 2011 cà phê Brazil đã đứng ở vị trí lãnh đạo ngành cà phê thế giới, trong sản xuất cà phê xanh, cà phê Arabica và cà phê chế biến (cà phê hòa tan). Ngành cà phê Brazil thực sự là một đầu tàu mạnh mẽ trong nền kinh tế nước này. Cafe Arabica chỉ ngon khi trồng ở độ cao từ 1,400 m. Địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu tại nơi trồng là một trong những yếu tố ảnh hưởng phần lớn đến hương vị của hạt cafe. Địa hình càng cao thì lại càng lý tưởng để trồng giống cafe Arabica. Khi ở địa hình cao, nhiệt độ khí quyển sẽ xuống thấp, không khí trong lành và mát mẻ, bên cạnh đó biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao sẽ làm chậm chu kỳ tăng trưởng của hạt, giúp hạt tích tụ các thành phần cần thiết nhiều hơn, mang lại hương vị rõ rệt, đầy đủ và phong phú hơn cho hạt nhân. Arabica có hàm lượng caffeine, axit amin và axit chlorogenic thấp hơn so với Robusta, nhưng tổng lượng dầu nhiều hơn 60%. Axit chlorogenic góp phần làm se các nốt hương, do đó, lượng axit thấp giúp arabica tăng đáng kể chất lượng cuối cùng của nó. Ngược lại nhiều hợp chất thơm dễ bay hơi bị hòa tan (và bị giữ lại) trong các giọt dầu trước khi  giải phóng trong quá trình pha chế, vì vậy lượng dầu cao có thể giải thích một số khác biệt về chất lượng hương vị giữa Arabica và Robusta, đặc biệt là trong cà phê Espresso.” Theo Andrea Illy và Rinantonio Viani trong Espresso Coffee: The Science of Quality.

Độ cao trồng cà phê

Tại Brazil, dân số tham gia vào ngành cà phê khoảng 360,000 nông dân / công nhân làm thuê cho nông trại lâu dài. Quy mô trang trại từ nông trại nhỏ 0.5 hecta đến những đồn điền 10,000 hecta. Sản lượng xuất khẩu hàng năm: 45 – 60 triệu bao (60 kg). Các khu vực đang canh tác cà phê: Bahia, Espírito Santo, Minas Gerais (including Carmo de Minas, Cerrado Mineiro, and Sul de Minas). Phương pháp chế biến: Đa dạng, phổ biến là chế biến khô và chế biến theo phương pháp truyền thống Pulped Natural. Phần lớn cà phê Brazil được giao dịch trên thế giới đều xuất phát từ 6 khu vực chính: Minas Gerais (1.22 triệu ha), Espirito Santo (433,000 ha), Sao Paulo (216,000 ha), Bahia (171,000 ha), Rondonia (95,000 ha) và cuối cùng là Parana (49,000 ha).

Cà phê Việt Nam: Giống cà phê chè (Arabica) là giống cà phê đầu tiên được du nhập vào nước ta từ năm 1857, thông qua một số linh mục thừa sai người Pháp. Đầu tiên là được trồng thử nghiệm ở khu vực phía Bắc như Hà Nam, Phủ Lý. Sau đó, cây cà phê được trồng mở rộng vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi lan ra các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình. Sau cùng cây cà phê mới phát triển dần vào Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và người ta bắt đầu nhận ra rằng Tây Nguyên chính là nơi thích hợp nhất để trồng cây cà phê.

Năm 1908, Pháp du nhập thêm 2 giống cà phê vào Việt Nam. Đó chính là cà phê vối (Robusta) và cà phê mít (Liberica). Sau một thời gian, giống cà phê vối từ Congo vào trồng ở Tây Nguyên. Tại đây, cây cà phê phát triển rất mạnh mẽ, diện tích cây cà phê ngày càng tăng. Và Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng) trở thành khu vực có diện tích trồng cà phê vối lớn nhất nước ta cả về quy mô và danh tiếng, không nơi nào ở Việt Nam có cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước, đồng thời gắn với một vùng địa danh mang nhiều huyền thoại như cà phê Buôn Ma Thuột.

Năm 2018, diện tính cà phê của Việt Nam khoảng 720,000 ha. Trong đó, cà Robusta khoảng 670 ha (chiếm 93% diện tích), đạt khoảng 1.71 triệu tấn (khoảng hơn 96% sản lượng). Cà phê Arabica, diện tích là 50,000 ha (chỉ gần 7%), sản lượng gần 67,000 tấn (chỉ gần 4%). Như vậy, diện tích trồng cà phê của Việt Nam bằng khoảng 1/3 diện tích của Brazil (2,184,000 ha). Năng suất cà phê Việt Nam thường cao nhất trên thế giới, trung bình 2.6 tấn/ha nhân đối với Robusta và 1.4 tấn nhân đối với Arabica. Cà phê Robusta có năng suất cao nhất ở tỉnh Kontum, sau đó đến Gia Lai, Lâm Đồng, Đak Nông và Đaklak. Cầu Đất cách trung tâm Đà Lạt, Lâm Đồng 25 km về phía Đông Nam, thuộc vùng Cao Nguyên nổi tiếng của Việt Nam. Nhờ sở hữu lợi thế về độ cao và điều kiện khí hậu hoàn hảo cho cà phê, cà phê Cầu Đất cho chất lượng rất cao và phong phú trong hương vị. Thị trường cà phê có thể xem như bảo hòa trong những năm tới nên Việt Nam không nghĩ đến việc tăng gia diện tích canh tác.

Thu hoạch cà phê. Ảnh: Baodulich.

Thu hoạch cà phê. Ảnh: Baodulich.

CÀ PHÊ G7 CỦA TRUNG NGUYÊN

Tác giả không phải là người sành điệu về cà phê. Từ trước, bà xã pha sao thì uống vậy, chẳng có hương vị gì cả. Gần đây, tôi bảo bà ấy ngưng pha cà phê và ra chợ Việt Nam mua loại G7 cà phê hòa tan Gu Mạnh X2 loại 3 in 1 của Trung Nguyên và từ đó cảm thấy dễ chịu với loại cà phê này.

Cà phê G7 là thương hiệu cà phê hòa tan của Tập đoàn Trung Nguyên, bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau như G7 – 3 in 1, 2 in 1, G7 hòa tan đen v.v ra mắt thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2003. Theo Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên chọn thương hiệu G7 vì đó là một tên ngắn gọn dễ đọc, dễ nhớ không những với khách hàng trong nước mà cả với khách hàng nước ngoài. Là chữ viết tắt cho “Group of Industrial Countries” gồm 7 quốc gia phát triển trên thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Canada, Đức, Ý), G7 còn là những thị trường mục tiêu định hướng cho sản phẩm cà phê hòa tan của Trung Nguyên vươn tới.

Ngành cà phê hòa tan của Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi 70% dân sinh sống ngoài các thành phố lớn ưa chuộng loại cà phê này do sự tiện lợi, giá cả cạnh tranh cùng nhiều sự lựa chọn. Trước khi G7 xuất hiện, thị trường cà phê hòa tan Việt Nam chỉ có hai trụ cột chính Vinacafe và Nescafe, trong đó có thời điểm Netscafe chiếm vị trí dẫn với hơn 50% thị phần.

Tháng 11 năm 2003 cà phê hòa tan G7 ra đời, chia sẻ thị phần của cả Vinacafe và Nescafe với chiến lược chú trọng “tính dân tộc” trong mỗi sản phẩm, lấy sự am hiểu văn hóa của người tiêu dùng bản xứ là thế mạnh. Sự kiện thử mù khẩu vị (blind taste test) tại TP.HCM trong ngày giới thiệu sản phẩm đầu tiên, “Ngày hội tuyệt đỉnh G7”, thu hút tới hơn 35,000 người tham gia là màn chào hỏi của Trung Nguyên không hề dễ chịu đối với các đối thủ cạnh tranh. Trong ngày này, Trung Nguyên cho mọi người chơi trò chơi “bịt mắt bắt dê”, không biết nhãn hiệu trước khi uống, để uống thử 2 ly cà phê hòa tan, một của G7, một của Nescafe và tự so sánh, nói lên cảm nghĩ xem họ thích sản phẩm nào hơn. Hương vị khác biệt, đậm đặc và quyến rũ, đúng “gu” thưởng thức cà phê Việt Nam giúp G7 ngay lập tức chinh phục tới 89% người tiêu dùng. Cũng trong tháng 11 năm 2003 này, trong 3 ngày liền, G7 tổ chức phát cà phê miễn phí cho khách hàng ngay tại tòa nhà là đại bản doanh của Nestlé trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Ngày 8 tháng 12 năm 2003, chỉ sau 2 tuần gửi mẫu, Trung Nguyên chính thức nhận được đơn đặt hàng tới 16 tấn cà phê hòa tan G7 tại các nước Mỹ, Úc, Hà Lan. Giai đoạn đầu, G7 được sản xuất tại hai nhà máy cà phê hòa tan ở Buôn Ma Thuột, sau mở rộng với nhà máy cà phê hòa tan tại Bình Dương. Công suất chế biến giai đoạn này khoảng 150-200 tấn/tháng. Liên tục trong vòng chưa đầy 10 năm sau đó, Trung Nguyên đầu tư xây dựng hệ thống 5 nhà máy cà phê lớn nhất Châu Á, trong đó riêng G7 chiếm 2 nhà máy.

Năm 2011, tại Làng cà phê Trung Nguyên tổ chức “Tiệc ngoại giao cà phê”, đón tiếp 500 khách mời là các đại sứ, khách quốc tế, các trí thức, chuyên gia trong nước và quốc tế đến với Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Đây cũng là năm G7 đáp ứng đủ 75.8% thị trường nội địa và chính thức vượt qua các kiểm định khắt khe để vào hệ thống siêu thị hàng đầu của Mỹ và E-Mart của Hàn Quốc. Đặc biệt, sau gần hai năm xâm nhập Trung Quốc, G7 đã thiết lập được hệ thống phân phối trực tiếp vào các hệ thống siêu thị lớn ở thị trường này. Giữa năm 2012 Trung Nguyên công bố kết quả nghiên cứu thị trường từ công ty AC Nielsen, theo đó G7 đã trở thành thương hiệu cà phê hòa tan số 1 về thị phần và được người tiêu dùng yêu chuộng nhất tại Việt Nam. Kết quả này sau đó ít nhiều gây tranh cãi từ chính công ty thực hiện điều tra. Cho đến thời điểm hiện tại, sản phẩm G7 đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên thế giới và hiện diện trên quầy kệ những chuỗi siêu thị của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc v.v.. G7 cũng xuất hiện trên tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines, và là sản phẩm cà phê duy nhất phục vụ các hội nghị thượng đỉnh quốc tế tổ chức tại Việt nam như hội nghị APEC, ASEAN, ASEM, WEF, Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, Hoa hậu Trái đất 2010, làm quà tặng ngoại giao cho các quốc vương nguyên thủ. Tuy nhiên hiện nay cũng có thông tin cho rằng do quá mải mê chạy đua với Starbucks, The Coffee Bean và Highland coffee trong phân khúc cà phê chuỗi, Trung Nguyên đang dần thất thế với các đối thủ khác, đặc biệt khi Nestlé và Vinacafe có những điều chỉnh về chiến lược kinh doanh, và sự xuất hiện thương hiệu cà phê hòa tan Phindeli, cà phê hòa tan Dao coffee chia sẻ thị trường. Danh sách các sản phẩm cà phê hòa tan G7 có thể kể đến bao gồm:

  1. Cà phê G7 – 3 in 1: cà phê sữa hòa tan G7, được chế biến từ những hạt Robusta tại Buôn Mê Thuột và sử dụng công nghệ rang xay tiên tiến của Đức.
  2. Cà phê G7 – 2 in 1: cà phê đen hòa tan G7, dòng sản phẩm dành cho những người thích uống cà phê đen đá.
  3. Cà phê G7 hòa tan đen: với thành phần 100% cà phê đen, thuận tiện cho người sử dụng pha chế cà phê.
  4. Cà phê G7 Gu mạnh X2: với hương vị mạnh gấp đôi so với các sản phẩm cà phê hòa tan cùng loại, gồm có 2 dạng sản phẩm là 2 in 1 và 3 in 1.
  5. Cà phê G7 Passiona 4 in 1 – Cà phê dành cho phái đẹp: sản phẩm có hàm lượng caffein thấp và bổ sung thêm collagen.
  6. Cà phê G7 White Coffee bạc sỉu: mang hương cà phê nhẹ nhàng và đậm đà vị ngọt ngào của sữa, bổ sung năng lượng như một bữa ăn nhẹ trong ngày.
  7. Cà phê G7 Cappuccino: gồm G7 Cappuccino Halzenut, G7 Cappuccino Irish Cream và G7 Cappuccino Mocha có vị của sữa và kem.
Amazon.com : Trung Nguyen G7 Instant Coffee - 2-Pack Set of 22 Instant  Coffee Packets - 44-Piece Set of 3-in-1 Collagen & Sugar-Free Coffee - Rich  Taste, Dark Roast Instant Coffee Singles -

G7 coffee @ Amazon

Tổ chức họp báo ngày 4 tháng 7 năm 2012, Trung Nguyên công bố kết quả nghiên cứu thị trường thực hiện bởi công ty Nielsen và Kantar Worldpanel, và thông cáo tới báo chí, rằng Theo số liệu cung cấp bởi Nielsen: trong năm 2011, sản phẩm cafe hòa tan G7 đã dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan 3in1 Việt Nam về thị phần (38%). Cũng trong thông cáo, Trung Nguyên trích số liệu của Nielsen để khẳng định thị phần G7 tiếp tục tăng lên trên thị trường cà phê hòa tan. Theo đó, trong quý I năm 2012, G7 dẫn đầu về thị phần (40%) và sản lượng (35%) của ngành cà phê hòa tan, đồng thời trích dẫn phần xác nhận được cho là của Nielsen vào thông cáo báo chí của mình rằng với đà tăng trưởng này, dự đoán G7 sẽ tiếp tục duy trì vị trí số một tại Việt Nam. Tuy nhiên, hai ngày sau, chiều 6 tháng 7 năm 2012 tập đoàn cà phê của Việt Nam này bị chính Nielsen phản bác, cho rằng Nielsen chưa từng cung cấp văn bản xác nhận nào để chứng thực công bố của Trung Nguyên. Đồng thời, Nielsen cũng công bố thông tin khẳng định thực chất cà phê hòa tan Nestlé mới là sản phẩm dẫn đầu thị trường này, theo sau đó là G7 của Trung Nguyên và Vinacafe Biên Hòa. Trong thị trường cà phê hòa tan gồm có 3 dòng sản phẩm chính là cà phê 2 in 1, 3 in 1 và cà phê bột, thì G7 của Trung Nguyên chỉ dẫn đầu nhóm sản phẩm 3 in 1 mà thôi.

Cà phê chồn: Cà phê chồn hay cà phê phân chồn là tên một loại cà phê đặc biệt, một thứ đồ uống được xếp vào loại hiếm nhất trên thế giới. Loại cà phê này có nhiều ở Indonesia, trên các hòn đảo Sumatra, Java và Sulawesi. Từ Kopi Luwak được dùng để chỉ một loại hạt do loài cầy vòi đốm ăn quả cà phê rồi thải phân ra đem đi phơi khô rồi chế biến . Tuy tiếng Việt nhắc đến chồn nhưng động vật liên quan là con cầy chứ không phải là chồn. Trong khi đó tên gọi Kopi Luwak bắt nguồn từ từ kopi trong tiếng Indonesia có nghĩa là cà phêLuwak là tên một vùng thuộc đảo Java, đồng thời cũng là tên của một loài cầy cư trú ở đó. Loài cầy vòi đốm (Paradoxurus hermaphroditus) thuộc họ Cầy (Viverridae). Loài này phân bố rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Ở Việt Nam người ta nuôi cầy vòi hương để làm ra loại cà phê đặc biệt này. Trong quá trình nhai gặm hạt cafe đi qua dạ dày và ruột chồn các enzym men tiêu hóa trong hệ hóa của chồn hương đã thấm vào lớp vỏ trấu đã bị bào mòn, thấm nhẹ vào nhân cà phê đã bẻ gãy các phân tử hương và vị trong cấu tạo hữu cơ của hạt cà phê. Khi hạt cà phê do chồn hương ăn, thải phân ra được xử lý làm sạch mọi vết bẩn và yếu tố không an toàn thực phẩm, được rang theo một kỹ thuật thì sẽ có một loại cà phê chồn thành phẩm. Diễn viên người Anh John Cleese đã tả rằng: “nó vừa có vị bùi bùi của đất, lại ngai ngái như bị mốc, vừa dìu dịu, lại giống như nước sirô, đậm đà như mang theo âm hưởng của rừng già và của sôcôla.” Đúng ra thì chỉ có phần thịt cà phê được lên men tiêu hóa. Hạt cà phê còn có lớp vỏ cứng bảo vệ, cho nên nếu như có chịu tác dụng của enzym đi chăng nữa thì tác dụng đó cũng là rất nhỏ. Để đảm bảo sức khỏe cho chồn, vào những tháng có cà phê, chồn sẽ không ăn cà phê suốt mà cách 3 ngày ăn một lần, các ngày khác sẽ ăn cháo gà, cháo đường, thịt gà, trái cây … Trên thực tế chất lượng hạt cà phê sau khi qua dạ dày loài cầy vòi hương có thay đổi nhưng không nhiều. Nhìn chung vẫn giữ lại một phần hương vị cà phê nguyên chất, nếu chịu khó cảm nhận bạn có thể nếm được vị bùi bùi, dìu dịu vừa ngai ngái, phảng phất mùi của khói và hương vị sô cô la. Nhiều người uống loại cà phê này không chỉ vì hương vị mà còn vì đẳng cấp của nó.

Đối với những người sành cà phê thì Kopi Luwak của Indonesia ngon hơn và giá thành do vậy cũng cao hơn. Một kg Kopi Luwak có giá thành khoảng 20 triệu VND (1,300 USD) và mỗi năm cũng chỉ có khoảng 200 kg được bán trên thị trường thế giới. Trên thế giới chỉ một số nước sản xuất được loại cà phê này như Indonesia, Philippines, Ethiopia, Việt Nam … với số lượng rất hạn chế. Tại Việt Nam, loại cà phê này cũng được sản xuất tại Tây Nguyên, thường được gọi là “cà phê Chồn”. Nguyên tắc sản xuất thì hoàn toàn giống như tại Indonesia. Mặt khác, những người trong nghề khẳng định tính huyền thoại của cà phê chồn Việt Nam và xếp vào hạng đắt nhất thế giới. Thương hiệu Trung Nguyên đã sản xuất thương hiệu cà phê chồn riêng có tên Weasel Coffee Trung Nguyen, với đơn giá mỗi kg là 3,000 USD, cao hơn nhiều so với Kopi Luwak được rao dưới 600 USD một kg của Indonesia.

Cà phê chồn

VINA CAFÉ BIÊN HÒA & NESLÉ VIỆT NAM

Việt Nam từ lâu luôn nằm trong danh sách những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhờ vào lợi thế thiên nhiên của vùng cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ, phì nhiêu. Trải qua nhiều năm phát triển các công ty sản xuất phân phối và xuất khẩu cà phê tại Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế đồng thời đem hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Nam vươn ra thế giới. Ngoài Trung Nguyên, hai công ty cà phê lớn ở Việt Nam là Vinacafé Biên Hòa và Nestlé Việt Nam.

Vinacafé Biên Hòa:  Tiền thân của Vinacafé Biên Hòa là Nhà máy cà phê Coronel được thành lập năm 1969 với công suất thiết kế 80 tấn cà phê hòa tan/năm với toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Đức. Năm 1975, nhà máy cà phê Coronel được đổi tên thành Nhà máy cà phê Biên Hòa. Ngày 29/12/2004, Nhà máy cà phê Biên Hòa chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty CP và đổi tên thành Công ty CP Vinacafé Biên Hoà (Vinacafé BH). Vinacafé Biên Hòa được đánh giá là công ty sản xuất cà phê hòa tan số 1 tại Việt Nam, phát triển thành công hai nhãn hiệu Vinacafé và Wake-Up, chiếm 41% thị phần cà phê hòa tan. Bên cạnh đó, Vinacafé BH cũng dẫn đầu toàn quốc về chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh, đổi mới công nghệ, sáng tạo và ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện tại, Vinacafé BH đã và đang vận hành hai nhà máy Biên Hòa và Long Thành, thay thế hoàn toàn cà phê hòa tan nhập khẩu và tăng cường tự động hóa các công đoạn trong sản xuất, tăng cường tỷ lệ thu hồi, giảm hao hụt, tiến hành các hoạt động cải tiến cũng như ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào với mức giá cạnh tranh. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất tăng lên đáng kể. Ngoài ra, hệ thống phân phối sản phẩm của Vinacafé Biên Hòa (thuộc hệ thống phân phối đồ uống của Masan) được xem là hệ thống phân phối mạnh, sâu, rộng nhất toàn quốc với 130,000 điểm bán lẻ đồ uống, 3,000 nhân viên bán hàng, 8 trung tâm phân phối đảm bảo phân phối hàng hóa trên 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục duy trì cà phê hòa tan là sản phẩm chính và xây dựng danh tiếng của doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

top-5-cac-cong-ty-ca-phe-lon-o-viet-nam-1

Vinacafe Biên Hòa

Nestlé Việt Nam: Nestlé S.A. hay Société des Produits Nestlé S.A. là công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới, có trụ sở chính đặt tại Vevey, Thụy Sĩ. Các sản phẩm hiện nay của Nestlé bao gồm từ nước khoáng, thực phẩm cho trẻ em, cà phê và các sản phẩm từ sữa. Tại Việt Nam, Nestlé đã mở văn phòng kinh doanh đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1912. Ngày nay Nestlé đang vận hành 4 nhà máy trong đó có 3 nhà máy đặt tại Đồng Nai và 1 nhà máy ở Hưng Yên cùng văn phòng đại diện tại TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, Nestlé còn sở hữu Công ty La Vie Việt Nam chuyên sản xuất nước suối đóng chai dưới hình thức liên doanh. Công ty hiện có trụ sở chính đặt tại TP.HCM. Các sản phẩm nổi bật nhất của Nestle gồm: Nescafe 3 in 1, Nestcafe 5 in1, cà phê sữa đá … Tính đến nay, Nestlé đang điều hành 6 nhà máy và gần 2,300 nhân viên trên toàn quốc. Với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD, Nestlé không chỉ thể hiện cam kết phát triển lâu dài của Công ty tại Việt Nam, mà còn mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai khỏe mạnh hơn cho các thế hệ gia đình Việt.

Nestlé Việt Nam

TRIỂN VỌNG CỦA CÀ PHÊ VIỆT NAM

Theo Cục Chế biến và xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê 2020 đạt khoảng 1.6 triệu tấn và 2.78 tỷ USD, giảm nhẹ vì đại dịch Covid-19.  Đức, Mỹ và Ý tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13%; 9.3% và 8.3%. Theo ICO, Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu cà phê rang xay lớn nhất thế giới bên cạnh Mexico, Colombia, Brazil và Cộng hòa Dominica. 5 nước này chiếm 92.7% tổng lượng cà phê rang xay trên toàn thế giới trong 10 tháng đầu niên vụ 2018-2019. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là nước có lượng xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, cà phê Robusta từ Brazil được nhập khẩu ồ ạt vào châu Âu. Đây là một hiện tượng bất thường và rất có thể Brazil sẽ sớm soán ngôi vị quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới mà Việt Nam đang nắm giữ. Theo báo Tiếng vang của Pháp, dòng cà phê Robusta Conilon có giá rẻ hơn nhiều trên thị trường thế giới so với cà phê Robusta của Việt Nam và dòng cà phê Robusta của Brazil đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách hàng. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới tuy nhiên giá trị xuất khẩu cà phê chưa tương xứng với tiềm năng và thu nhập của người trồng cà phê vẫn còn bấp bênh. Để nâng cao giá trị cho ngành cà phê Việt Nam, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào hai vấn đề chính là nâng cao năng suất và chất lượng cà phê nguyên liệu, gia tăng chế biến sâu.

Nhật Bản: Việt Nam đang khẳng định được chỗ đứng trong thị trường cà phê sôi động của Nhật Bản, chỉ xếp thứ hai sau nhà cung cấp cà phê lớn nhất Brazil. Trong năm 2018, cà phê Việt Nam chiếm 25% thị trường sản phẩm cà phê nhập khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, Brazil chiếm 27% thị trường nhập khẩu cà phê, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2017. Hầu hết cà phê hạt của Việt Nam là Robusta, loại cà phê tương đối dễ trồng, có khả năng kháng sâu, bệnh, giúp bảo đảm vụ mùa ổn định. So với loại Arabica của Brazil có vị ngọt, nhẹ và giá thành cao hơn, loại Robusta của Việt Nam cho vị cà phê đậm hơn và đôi khi hơi đắng. Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại cà phê Nhật Bản, ông Toyohide Nishino cho biết, thị phần cà phê Robusta tăng là do nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản muốn thử vị cà phê ngon và có giá thành thấp này. Trong năm 2017, Nhật Bản đã nhập khẩu 88 nghìn tấn hạt cà phê thô từ Việt Nam, tăng gấp 10 lần so với một thập kỷ trước. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2018, lượng cà phê thô Nhật Bản nhập từ Việt Nam ở mức 94 nghìn tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Theo tờ Nikkei Asia Review, lượng tiêu thụ cà phê hòa tan đang gia tăng ở Nhật Bản trong bối cảnh ngày càng có nhiều người làm việc ở nhà vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Điều này làm tăng nhu cầu về cà phê robusta – loại cà phê chủ yếu được sử dụng để làm cà phê hòa tan, trong khi doanh số bán cà phê Arabica – loại cà phê có chất lượng cao hơn và thường được các cửa hàng cà phê sử dụng – lại giảm. Xu hướng này đã khiến Việt Nam – nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới – trở thành nhà cung cấp cà phê lớn nhất của Nhật Bản, đẩy Brazil xuống vị trí thứ hai. Giống cà phê Robusta ít bị sâu bệnh phá hại hơn so với giống Arabica. Ngoài khả năng chống chịu tốt hơn cây cà phê Arabica, cây cà phê Robusta cũng có thể được trồng ở độ cao thấp hơn. Những thay đổi trong phong cách tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu hạt cà phê chưa rang của Nhật Bản. Các số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020, Việt Nam là nhà cung cấp hạt cà phê chưa rang nhiều nhất cho Nhật Bản. Nhật Bản đã nhập khẩu tổng cộng 67,392 tấn hạt cà phê chưa rang từ quốc gia Đông Nam Á, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu cà phê từ Brazil, chủ yếu là cà phê Arabica, đã giảm 40% xuống còn 63,850 tấn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Brazil để trở thành nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho Nhật Bản.

Bên cạnh đó, cà phê Robusta cũng đang giành được vị trí trong thị trường cà phê tự rang xay do các nhà cung cấp trộn chúng với loại cà phê Arabica để làm giảm giá thành. Cà phê Robusta cũng được sử dụng nhiều hơn ở các quán cà phê và trong sản phẩm của các thương hiệu riêng có giá bình dân cho các nhà bán lẻ. Khoảng cách địa lý gần cũng tạo lợi thế cho Việt Nam và cà phê Robusta của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản. Các tuyến tàu biển từ Việt Nam và các nhà sản xuất khác trong khu vực chỉ mất nửa thời gian so với cà phê Arabica từ các nước Mỹ La-tinh tới Nhật Bản.

Theo người phát ngôn của hãng Key Coffee, một công ty rang xay cà phê lớn của Nhật Bản, cà phê Robusta chắc chắn không thể thay thế được hoàn toàn cà phê Arabica. Tuy nhiên những người trong ngành công nghiệp cà phê nhìn thấy được sự gia tăng nhu cầu đối với các nhãn hiệu cà phê Arabica-Robusta. Việt Nam đang hướng tới mở rộng thị phần cà phê bằng việc tăng sản lượng hạt trên mỗi cây cà phê. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, sản xuất cà phê của Việt Nam trong năm tài chính 2018 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt kỷ lục 30.4 triệu bao 60 kg. Để giải quyết việc gia tăng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đang xây dựng mới các nhà máy chế biến cho nhãn hiệu King Coffee. Nhu cầu nội địa đang tiếp thêm động lực cho đầu ra cà phê Việt Nam, với việc nhiều cửa hàng cà phê là điểm tụ tập ưa thích của những người trẻ, và kiểu cà phê hòa tan ba trong một, gồm cà phê bột, đường và sữa bột lại là sở thích của người lao động. Trong khi đó, chuyên gia tư vấn của hãng buôn cà phê đặc sản có trụ sở tại Tokyo Wataru and Co., ông Shiro Ozawa nói rằng, ngay cả khi nhu cầu cà phê Arabica của người tiêu dùng Nhật Bản vẫn không đổi, Việt Nam sẽ là bên được lợi trong một thị trường đang ngày càng bị phân cực giữa hai xu thế cao cấp và bình dân.

Cà phê Trung Nguyên Legend

Trung Quốc: Theo đánh giá của Tổ Chức Cà phê Quốc tế (ICO), nguồn cung cà phê toàn cầu đang chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt nhẹ, nhu cầu tiêu thụ cà phê được dự báo nhiều khả năng sẽ tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ cà phê được dự báo nhiều khả năng sẽ tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi lối sống phương Tây của những người trẻ tuổi tạo nên văn hóa cà phê trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo dữ liệu của USDA, tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đã tăng hơn 9 lần trong thập kỷ qua, lên 189,300 tấn trong niên vụ 2018 – 2019. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê với kim ngạch đạt trên 109 triệu USD và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam đạt kim ngạch gần 20 triệu USD (đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 5 về thủy sản).

Tiêu thụ cà phê hiện đang tăng nhanh ở Trung Quốc, đưa quốc gia có truyền thống tiêu thụ trà lâu đời này trở thành một trong những thị trường hứa hẹn nhất đối với ngành sản xuất cà phê thế giới. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đã tăng trung bình 16%/năm trong một thập niên qua và thị trường tiêu thụ cà phê Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên 300 tỷ NDT (khoảng 42.3 tỷ USD) năm 2020. Mặc dù tổng số người tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng nhanh, song tiêu thụ cà phê bình quân đầu người ở quốc gia này vẫn tương đối thấp. Các số liệu thống kê cho thấy tiêu thụ cà phê bình quân đầu người hàng năm ở Phần Lan và Nhật Bản lần lượt là 1,200 cốc và 180 cốc, cao hơn nhiều so với con số 6 cốc ở Trung Quốc.

Hoa Kỳ: Ngày 24/5/2021, quán cà phê đầu tiên của TNI King Coffee tại Mỹ vừa chính thức đi vào hoạt động. Quán nằm trong khu vực sầm uất Anaheim Garden Walk – trung tâm mua sắm và giải trí ngoài trời phía đông của Disney Resort với rất nhiều nhà hàng và cửa hiệu lớn.

TNI King Coffee là thương hiệu cà phê được tâm huyết xây dựng bởi bà Lê Hoàng Diệp Thảo – chuyên gia kỳ cựu trong ngành cà phê. Chưa đến 5 năm ra đời (tháng 10/2016), đội ngũ của bà Thảo đã xây dựng thành công thương hiệu TNI King Coffee trên thị trường thế giới và điều hành hiệu quả mạng lưới phân phối toàn cầu. Hiện nay các sản phẩm cà phê King Coffee đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc.

Quán được thiết kế sang, đẹp.

Quán được thiết kế sang, đẹp. Ảnh: TNI.

KẾT LUẬN

Trong năm 2021, các tập đoàn cấp quốc gia Việt Nam bắt đầu có những nỗ lực xâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Cà phê Trung Nguyên có lẻ là đơn vị đi tiên phong dù quy mô tương đối nhỏ. Vinfast là tập đoàn thứ hai dự trù vào Hoa Kỳ bằng xe hơi điện với quy mô rất lớn. Ông Phạm Nhật Vương dự trù bỏ 2 tỷ USD cho nỗ lực này. Mong rằng các tập đoàn Việt Nam tìm ra được phương thức hữu hiệu để xâm nhập thị trường lớn nhất thế giới hiện nay.

THAM KHẢO

1)    Bài viết “Báo cáo thị trường Cà phê năm 2019” đăng trên mạng Vietnam Biz ngày 26/10/2019

2) Bài viết “Brazil và Việt Nam củng cố vị thế trên thị trường cà phê quốc tế” đăng trên mạng TTXVN Tại La Habana ngày 26/10/2019

3)    Cà phê G-7 của Trung Nguyên – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

4)    Bài viết “Việt Nam vượt Brazil dẫn đầu xuất khẩu cà phê vào Nhật” đăng trên mạng  thanhnien.com.vn ngày 26/10/2019

5)    Bài viết “Cà phê Arabica và Robusta – 11 điểm khác biệt giữa hai dòng café” trên mạng Bon jour – Coffe for your Success.

6)    Cà phê chồn – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *