Hacker Việt Nam và Ngô Minh Hiếu

850 (lượt xem) |

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà khoa học kỹ thuật là vũ khí tối thượng của hầu hết mọi vấn đề. Việc thành thạo công nghệ thông tin sẽ mở ra cho bạn rất nhiều cơ hội trong công việc. Đồng thời nó cũng làm cuộc sống của bạn dễ dàng, phong phú hơn. Tin học có thể ứng dụng hầu hết trong các ngành nghề hiện nay, từ công việc văn phòng đến giảng dạy, khám bệnh, bán hàng … Có một số công việc còn bắt buộc nhân viên phải có trình độ máy tính nhất định. Vai trò của tin học bao trùm tất cả lãnh vực của xã hội.

Theo thống kê, tính đến đầu năm 2019, Việt Nam đã có hơn 60 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 60% dân số, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet và có khoảng 55 triệu người sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nằm trong nhóm nước có lượng người dùng lớn nhất thế giới.

Ngoài những mặt tích cực, Internet đang chứa đựng nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh trật tự của từng quốc gia và từng địa phương … Một số website do các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đăng ký thành lập. Lợi dụng Internet các thế lực thù địch và bọn tội phạm đang xâm phạm an ninh trật tự địa phương bằng các nhiều thủ đoạn. Bọn tội phạm công nghệ cao lợi dụng các website tán phát virus để thu thập thông tin cá nhân: họ tên đăng nhập, số điện thoại, các mối quan hệ, email, mã số tài khoản tín dụng ngân hàng, mật khẩu… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền, thậm chí tống tiền nhiều người. Trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ nói đến các Hacker Việt Nam.

VIỆT NAM VÀ TOÁN HỌC

Toán học Việt Nam là nền toán học tại Việt Nam, có khởi nguồn chậm phát triển từ thời phong kiến vốn chỉ phục vụ các mục đích đo đạc tính toán và bắt đầu hình thành nền móng hiện đại do giáo sư Lê Văn Thiêm và các cộng sự xây dựng nên qua những năm chiến tranh. Đến nay Toán học Việt Nam đã dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng các ấn phẩm nghiên cứu có chất lượng cao.

Từ sau 1975, cơ hội hợp tác với cộng đồng toán học quốc tế trở nên dễ dàng hơn. Nhiều nhà toán học trẻ đã có cơ hội học tập không chỉ ở Liên Xô và Đông Âu, mà còn ở những nước có nền toán học phát triển khác như Pháp, Đức, Ý, Nhật. Từ khoảng những năm 1985, kinh tế xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng và đầu thập niên 1990 khi kinh tế chuyển đổi sang giai đoạn thị trường, nhiều nhà toán học phải rời bỏ chuyên môn của mình để làm nghề khác kiếm sống. Tuy nhiên toán học Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển qua giai đoạn khó khăn này và đặc biệt nhận được sự giúp đỡ của các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài cùng với cộng đồng toán học thế giới qua các chương trình hợp tác: Chương trình hợp tác Pháp – Việt (For Math  Vietnam), Quỹ học bổng Alexander-von-Humboldt (CHLB  Đức), JSPS (Nhật), ICTP (Ý).

Từ giữa những năm 1990, Việt Nam dần dần bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, và toán học Việt Nam lại có những điều kiện thuận lợi và cơ hội mới. Nếu như trước đây, sinh viên, nghiên cứu sinh và những nhà toán học chỉ có thể đi học tập, trao đổi ở nước ngoài với sự tài trợ của bên ngoài, thì ngày nay, Nhà nước đã có những chương trình gửi sinh viên đào tạo dài hạn ở nước ngoài bằng ngân sách (chẳng hạn Chương trình 322, Chương trình  911), và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học (Nafosted).

Năm 2010, giáo sư Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Fields cho công trình năm 2008 chứng minh Bổ đề cơ bản cho các đại số Lie. Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán do giáo sư Ngô Bảo Châu làm giám đốc khoa học, được thành lập ngày 23 tháng 12 năm 2010 nhằm mục tiêu trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, tạo môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về Toán, và là nơi trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học Việt Nam. Từ năm 2014, Việt Nam có số lượng công bố Toán học được liệt kê trong cơ sở dữ liệu Web of Science (Thomson Reuters) vượt Singapore và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Cũng có những nhận xét cá nhân về Toán học Việt Nam. Các chính sách dường như đã dành hết mọi nỗ lực vào công tác luyện toán phổ thông mà không phát triển các bộ phận thực ra mới là cấu thành của một nền toán học. Đó là:

1. Hệ thống đào tạo toán học từ bậc ĐH trở lên.

2. Mạng lưới những nhà nghiên cứu và làm toán học. Mạng lưới này cần hoạt động hiệu quả về kết quả nghiên cứu và có kết nối với nền toán học thế giới.

3. Phát triển toán ứng dụng. Toán học cần được đưa vào cuộc sống đặc biệt là qua khoa học và công nghệ.

HACKER VIỆT NAM VÀ NGÔ MINH HIẾU (HIẾU PC)

Điểm lại "chiến tích bất hảo" của hacker xấu Việt Nam

Hacker Việt Nam

Thường thường, các vụ án hình sự liên quan đến Hacker Việt Nam đều có tính cách đặc biệt. Họ được giảm án sau một thời gian thụ án hay chi tiết vụ án không được tiết lộ. Nói cho cùng thì các Hacker Việt Nam là những thiên tài đi lạc lối. Nên cho họ có cơ hội để phục vụ đất nước. Trong tất cả Hacker Việt Nam, Ngô Minh Hiếu là trường hợp điển hình nhất.

Ngô Minh Hiếu ( HieuPc ) là ai - YouTube

Ngô Minh Hiếu

Ở đỉnh cao “sự nghiệp” tội phạm mạng, hacker có biệt danh Hieupc kiếm được 125,000 USD mỗi tháng nhờ cung cấp dịch vụ đánh cắp danh tính người dùng. Ngô Minh Hiếu, sinh năm 1989 ở Gia Lai và có biệt danh Hieupc, vừa ra tù tại Mỹ năm 2020 sau hơn 7 năm bị bắt giam. Cậu kể lại con đường sa lầy trong thế giới ngầm của mình cho nhà báo chuyên viết về tội phạm mạng Brian Krebs, chủ trang KrebsOnSecurity, với mong muốn cảnh báo những người khác đừng đi theo vết xe đổ của mình.

Trong vài năm, bắt đầu từ 2010, Hiếu điều hành một trong những dịch vụ mang lại lợi nhuận cao nhất trên Internet liên quan đến việc bán “fullz” – hồ sơ chứa hàng trăm nghìn danh tính bị đánh cắp, như tên người dùng, ngày sinh, số an sinh xã hội, email và địa chỉ nhà riêng. Những thông tin này được tội phạm mạng mua lại để lừa đảo, làm giả thẻ ngân hàng của nạn nhân … Khi Cơ quan Mật vụ Mỹ bắt giữ Hiếu vào năm 2013, hacker trẻ tuổi này đã kiếm được hơn 3 triệu USD nhờ bán dữ liệu cho nhiều đường dây tội phạm có tổ chức ở Mỹ.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/vn-chuyen-gia-mang-3.jpg

Một trong những Website của Ngô Minh Hiếu

Tháng 2/2013, đặc vụ của Hoa Kỳ đã lên kế hoạch dụ Hiếu ra khỏi Việt Nam và bay đến Guam, nơi cậu bị bắt và đưa về Mỹ. Ông Matt O’Neill, người phụ trách hồ sơ của Hiếu, cho biết ông mở cuộc điều tra sau khi đọc bài viết “Danh tính của bạn đáng giá bao nhiêu?” đăng năm 2011 trên trang KrebsOnSecurity, trong đó có nhắc đến website của Hiếu. Hieupc không nổi tiếng, nhưng thông tin mà cậu bán ra đã tiếp tay cho hàng loạt tội phạm quốc tế thực hiện các vụ gian lận tín dụng, đánh cắp tài khoản với giá trị ước tính khoảng một tỷ USD.

“Tôi không rõ có tên tội phạm mạng nào gây ra thiệt hại về tài chính với người Mỹ nhiều hơn Ngô”, O’Neill nói. “Cậu ta bán thông tin cá nhân của hơn 200 triệu người Mỹ và cho phép bất cứ ai cũng có thể mua với vài đồng bạc”.

Sự khởi đầu: Gia đình Hiếu có một cửa hàng thiết bị điện tử. Năm 12 tuổi, cậu được bố mẹ mua cho một chiếc máy tính. Khi 19 tuổi, cậu theo học tại New Zealand và lúc này đã là admin của một số diễn đàn hacker trên dark web. Trong quá trình học, Hiếu phát hiện một lỗ hổng trong mạng máy tính của trường, làm lộ thông tin thẻ thanh toán. “Tôi liên hệ với kỹ thuật viên của trường để khắc phục lỗi, nhưng không ai quan tâm, nên tôi hack luôn cả hệ thống. Sau đó, tôi sử dụng lỗ hổng này để hack tiếp những website khác và lấy cắp được rất nhiều thông tin thẻ tín dụng”. Trường cuối cùng cũng phát hiện hành vi của Hiếu và báo cảnh sát. Visa của cậu không được gia hạn khi học kỳ đầu tiên kết thúc. Hiếu trở lại học ở Việt Nam, nhưng phần lớn thời gian vẫn lang thang trên các diễn đàn tội phạm. Hiếu kể: “Ban đầu tôi nghĩ, đó chỉ là thông tin thôi mà, có thể nó chẳng xấu vì không liên quan trực tiếp tới tài khoản ngân hàng. Nhưng tôi đã nhầm và số tiền tôi kiếm được quá nhanh khiến tôi mờ mắt”.

Liên hệ với các tổ chức tội phạm tín dụng: Hiếu bắt đầu liên hệ với các công ty báo cáo tín dụng tại Hoa Kỳ:

  • Microbilt: Mục tiêu lớn đầu tiên của Hiếu là công ty báo cáo tín dụng MicroBilt ở New Jersey (Mỹ). “Tôi thâm nhập vào nền tảng của họ, đánh cắp cơ sở dữ liệu người dùng. Tôi hoạt động trong hệ thống đó suốt gần một năm mà không ai biết”, Hiếu kể. Sau khi giành quyền truy cập MicroBilt, cậu lập website Superget, chuyên bán hồ sơ người dùng cá nhân. Khi khách hàng yêu cầu cần thông tin về một bang hay một nhóm người dùng cụ thể, cậu sẽ tìm kiếm dữ liệu một cách thủ công. “Tôi cố thu thập nhiều hồ sơ một lúc, nhưng tốc độ Internet tại Việt Nam khi đó rất chậm, không thể tải xuống toàn bộ vì cơ sở dữ liệu quá lớn, nên ai cần gì thì tôi tìm thông tin đó trên hệ thống”, Hiếu cho biết. Sau đó, cậu tìm ra cách sử dụng những máy chủ mạnh hơn ngay tại Mỹ để tự động thu thập lượng dữ liệu lớn từ hệ thống của MicroBilt và những hãng dữ liệu khác. Việc xâm nhập vào MicroBilt cuối cùng cũng bị phát hiện và công ty này đẩy Hiếu ra khỏi hệ thống. Tuy nhiên, cậu sớm quay trở lại nhờ một lỗ hổng khác.
  • Court Ventures và Experian: Trò chơi mèo vờn chuột với MicroBilt tiếp tục cho đến khi Hiếu tìm thấy nguồn dữ liệu người dùng hấp dẫn hơn: một công ty Mỹ có tên Court Ventures, chuyên lập hồ sơ công cộng từ tài liệu tòa án. Hiếu không quan tâm đến dữ liệu do Court Ventures thu thập, mà là thỏa thuận chia sẻ dữ liệu của nó với công ty môi giới dữ liệu là US Info Search – bên có khả năng tiếp cận nhiều hồ sơ người dùng nhạy cảm hơn. Hiếu thuyết phục được Court Ventures tin rằng cậu là một nhà điều tra tư nhân ở Mỹ. “Ban đầu khi tôi đăng ký, họ yêu cầu một số tài liệu để xác thực, nên tôi sử dụng một vài kỹ năng để vượt qua vòng kiểm tra an ninh”, Hiếu cho hay. Court Venture tính phí 14 cent cho mỗi lần tra cứu cơ sở dữ liệu, còn Hiếu bán lại dữ liệu này trên Superget với giá 1 USD. Tháng 3/2012, Court Ventures được Experian – một trong những tổ chức tín dụng khách hàng lớn của Mỹ – mua lại. “Cơ sở dữ liệu được Experian kiểm soát và tôi trả cho Experian hàng nghìn USD mỗi tháng”, Hiếu kể. O’Neill cho biết ông không rõ Experian có xem xét các tài khoản sáp nhập từ Court Ventures không, nhưng không khó nhìn ra điều bất thường ở tài khoản của Hiếu. Cậu ta thường trả tiền cho các yêu cầu dữ liệu khách hàng bằng hình thức chuyển khoản từ nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều là tài khoản mới lập và đa số ở Trung Quốc, Malaysia và Singapore.
  • Theo O’Neill, website của Hiếu thực hiện hàng chục nghìn lệnh truy vấn mỗi tháng. Ví dụ, hóa đơn đầu tiên mà Court Ventures gửi tới Hiếu vào tháng 12/2010 là cho 60,000 lượt truy vấn. Khi Experian mua lại công ty hai năm sau đó, dịch vụ của Hiếu đã thu hút hơn 1,400 khách hàng thường xuyên với 160,000 lượt truy vấn hàng tháng. Quan trọng hơn, Hiếu kiếm bộn tiền bởi mỗi lệnh truy vấn, Court Ventures thu của cậu 0.14 USD, nhưng cậu lại thu của khách hàng với giá 1 USD. Mật vụ Mỹ cũng bắt đầu chú ý tới hoạt động của Hiếu và phát hiện một số email Hiếu gửi cho đồng phạm, hướng dẫn cách thanh toán tiền cho Experian bằng cách chuyển khoản từ các ngân hàng châu Á. Làm việc với Cơ quan Mật vụ, Experian nhanh chóng xóa thông tin và đóng các tài khoản của Hiếu. Chớp cơ hội, Mật vụ Mỹ tìm cách liên lạc với Hiếu qua một trung gian ở Anh – một tên tội phạm mạng có tiếng, đã bị kết án và đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra. Người này nói với Hiếu rằng chính anh ta đã chặn các tài khoản của Hiếu ở Experian vì bị cậu cản trở hoạt động kinh doanh dữ liệu của anh ta. “Cậu đang giẫm chân lên cỏ của tôi nên tôi phải khóa cậu lại. Nhưng nếu chịu trả phần trăm cho tôi, cậu sẽ vẫn còn quyền truy cập”, người này nói. Dưới sự chỉ đạo của Mật vụ Mỹ và các nhà chức trách ở Anh, tên tội phạm yêu cầu gặp mặt để thỏa thuận trực tiếp. Nhưng Hiếu không cắn câu.
  • TLO: Thay vào đó, cậu chuyển hướng sang một kho dữ liệu khác. Tương tự cách tiếp cận Court Ventures, Hiếu thiết lập được tài khoản ở TLO, công ty môi giới chuyên bán quyền truy cập vào các thông tin nhạy cảm của hầu hết người Mỹ cho các cơ quan thực thi về luật tại Mỹ và một số ít chuyên gia – những người có thể chứng minh họ có lý do hợp pháp để tiếp cận dữ liệu như thế. Chỉ trong thời gian ngắn, Hiếu dùng dữ liệu của TLO để khôi phục lại dịch vụ bán danh tính. Năm 2012, Hiếu kiếm được hơn 3 triệu USD nhờ kinh doanh dữ liệu cũng như thoả thuận với ba cửa hàng tiếng Nga của tội phạm mạng. Cậu nói với cha mẹ rằng cậu kiếm tiền nhờ phát triển website cho các công ty, thậm chí sử dụng một phần tiền để trả nợ cho gia đình. Tuy nhiên, phần lớn được chi cho những chuyến du lịch, mua xe và nhiều thứ phù phiếm khác.

Bẩy của mật vụ Hoa Kỳ: Khi TLO khóa tài khoản của Hiếu, Mật vụ Mỹ lại khai thác cơ hội cũ. Tên tội phạm ở Anh tiếp tục nói với Hiếu rằng anh ta đã đẩy cậu ra khỏi hệ thống của TLO và sẽ làm vậy cho tới khi cậu chịu gặp để thiết lập mối quan hệ hợp tác. Sau vài tháng trao đổi, cuối cùng Hiếu đồng ý hẹn người này ở Guam vì không nghĩ đây là cái bẫy mà các nhà điều tra Mỹ giăng ra.

Ngay khi vừa bước chân ra khỏi máy bay ở Guam, Hiếu bị các đặc vụ Mỹ tiếp cận và bắt giữ. Một tháng sau, cậu mới được phép gọi điện về cho gia đình để giải thích về hoàn cảnh của mình. Cậu bị giam hai tháng ở Guam, sau đó bị đưa về New Jersey, nơi cậu thừa nhận đã thâm nhập vào hệ thống của MicroBilt và các hệ thống khác.

Mật vụ Mỹ gặp khó khăn trong việc xác định chính xác mức độ thiệt hại tài chính, nhưng ước tính dịch vụ của Hiếu giúp tội phạm mạng khai thác danh tính của người Mỹ để lừa đảo được số tiền khoảng 1.1 tỷ USD tại các ngân hàng và chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Mỹ.

O’Neill cho biết, ông đã trao đổi với một số khách hàng của Hiếu. Những người này thừa nhận mua dữ liệu danh tính hiệu quả hơn nhiều so với mua thông tin thẻ thanh toán bị đánh cắp. Dữ liệu thẻ chỉ có thể dùng 1-2 lần trước khi bị vô hiệu hóa, trong khi dữ liệu danh tính có thể dùng đi dùng lại nhiều năm. “Khi tôi điều hành dịch vụ, tôi không thực sự quan tâm đến hậu quả vì không biết khách hàng của mình là ai, cũng như không biết họ làm gì với những dữ liệu đó”, Hiếu nói. “Nhưng trong quá trình xét xử, toà án liên bang đã nhận khoảng 13,000 thư khiếu nại từ các nạn nhân, kể họ mất nhà, mất việc và không còn khả năng mua nhà hay duy trì nguồn tài chính chỉ vì tôi. Điều đó khiến thôi nhận ra mình là kẻ tồi tệ”. Khi Hiếu ngồi tù ở Texas, một nhân viên ở đây đã kể cho cậu nghe chuyện về một người bạn của bà ấy. Người đó bị đánh cắp danh tính và sau đó mất mọi thứ. “Tôi không rõ người đó có phải một trong những nạn nhân của tôi hay không, nhưng câu chuyện khiến tôi thấy ân hận”, Hiếu thừa nhận.

Làm lại cuộc đời: Năm 2020, sau 7 năm ngồi tù tại Mỹ với thành tích tốt, anh được mãn hạn tù sớm 4 năm, và mới trở về Việt Nam vài tháng trước. Sau khi có lời tự thú trên trang cá nhân của mình hồi tháng 9, vài ngày trước, Ngô Minh Hiếu lại khiến nhiều người bất ngờ khi đăng bức ảnh chụp đơn xin việc vào Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) và thông báo mình đã trúng tuyển. Theo VnExpress, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong quá trình tiếp nhận Ngô Minh Hiếu trở thành chuyên gia kỹ thuật. “Tại đây, Hiếu sẽ tham gia nghiên cứu kỹ thuật, giải pháp giúp bảo đảm an toàn thông tin cho người dân và doanh nghiệp trên môi trường mạng. Các công việc sẽ dưới sự phân công, giám sát, điều phối của NCSC theo năng lực và trách nhiệm vì mục tiêu chung hỗ trợ bảo vệ người dân, doanh nghiệp trên không gian mạng”, đại diện NCSC thông tin và chia sẻ thêm với báo Tuổi trẻ. NCSC cũng khẳng định luôn tạo điều kiện và cơ hội cho các bạn trẻ tiềm năng, có kiến thức tốt, cùng chung định hướng mong muốn mang kiến thức, kinh nghiệm để đóng góp xây dựng đất nước có thể phối hợp, hợp tác nghiên cứu hoặc cộng tác, làm việc ở nhiều vai trò khác nhau. Đây sẽ là cơ hội tốt để Hieupc “hoàn lương”, tận dụng tài năng của mình đóng góp cho xã hội.

Cận cảnh nơi làm việc hoành tráng của Hieupc, Trung tâm Giám sát An toàn  không gian mạng Quốc gia “ngầu“ thế nào?

Hiếupc và Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCS)

NÓI CHUYỆN VỚI HIẾU PC

Cái tên khét tiếng trong giới công nghệ không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Là một hacker lấy trên 200 triệu tài khoản của nhiều người ở nhiều quốc gia. Bị tòa án Mỹ tuyên án 40 năm nhưng chỉ ngồi tù 7 năm thì được thả. Nhìn nhận về Hiếu PC không đơn giản. Nếu chỉ xem trên những con số khô khốc nói trên, rồi đánh giá Hiếu như một tội phạm, hoàn toàn không sai. Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, lần giở hành trình học hỏi của Hiếu và trở thành hacker tầm cỡ thế giới, chắc chắn sẽ có không ít người thán phục chàng trai này, như một tài năng “bất kham” hiếm hoi của Việt Nam về công nghệ thông tin.

Với chúng tôi, lần đầu tiên gặp gỡ, trò chuyện với Hiếu PC, cảm giác rất thật, rất chân thành toát ra từ trái tim của chàng trai trẻ trung này. Anh không ngại ngần tự thú mình từng là một tên tội phạm công nghệ lừng danh. Hiếu say sưa kể về những năm tháng trong nhà tù Mỹ.

Hiếu cũng không khỏi nghẹn ngào khi lên án chính mình, vì đã gây ra bao nỗi đau cho rất nhiều người trên thế giới… Vâng! Hiếu cúi đầu nhận hết và xem đó là lỗi lầm của những tháng năm tuổi trẻ bồng bột, ích kỷ, tham lam vật chất, tiền tài…

Song, vượt lên tất cả, ngay khoảnh khắc hiện tại, bất kỳ ai tiếp xúc với Hiếu PC cũng sẽ cảm thấy vô cùng ấn tượng: Hiếu đã và đang nuôi trong mình một khát vọng cháy bỏng, là nỗ lực làm việc hết mình để cống hiến, để giúp người, giúp cuộc đời này bằng tất cả trí tuệ, tài năng của mình, khắc phục những sai lầm của bản thân trong quá khứ…

Hacker Hiếu PC: “Trên đỉnh cao sung sướng, tôi đã rớt xuống địa ngục”

– Xin hỏi câu đầu tiên, duyên cớ nào dẫn dắt Hiếu đến với thế giới công nghệ thông tin? Trong khi tuổi thơ của Hiếu, nói đúng nghĩa là cậu bé nhà quê, không hề thành thị chút nào?

– Đúng vậy, tôi sinh ra ở Gia Lai. Khi tôi được 1 tuổi thì bố mẹ chuyển về Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa sống. Đến khi tôi học lên cấp 3 mới vô Sài Gòn. Tôi còn nhớ, năm lớp 5, lớp 6, ba mẹ có mua cho người chị gái một cái máy vi tính để bàn.

Lần đầu tiên được chạm vào cái máy vi tính, tôi rất thích thú. Rồi dần dà, tôi muốn khám phá bên trong cái máy ấy nó như thế nào, nó có những gì bên trong… Vì vậy, cái máy vi tính đầu tiên ấy bị hư hỏng hoài, do tôi vọc, nghịch phá. Mỗi lần máy hư hỏng, ba phải đóng gói gửi từ Cam Ranh vô Sài Gòn nhờ ông chú sửa chữa. Sửa xong, ông chú lại gửi ngược về Cam Ranh. Máy hư hỏng, sửa cả chục lần luôn. Ba mẹ la mắng thường xuyên.

Nhưng cũng nhờ cái máy ấy mà tôi đã tự mày mò, tìm hiểu, học hỏi đủ thứ, rồi tự sửa chữa từ phần mềm Window, đến sửa luôn cả Ram… Mua linh kiện về ráp, sửa lung tung. Mãi về sau, ba mới dành dụm mua riêng cho tôi 1 máy vi tính khác. Có máy tính, tôi gắn Internet. Khi đó, xài Internet rất tốn tiền. Thế là tôi mày mò lên mạng tìm hiểu tài khoản, rồi… hack, chỉ để xài Internet không phải tốn tiền thôi.

– Năm đó Hiếu bao nhiêu tuổi?

– Năm đó, tôi khoảng 13-14 tuổi. Tôi hack được vài tài khoản của một số công ty để nhằm vô Internet không tốn tiền. Tuy nhiên, sau đó, VNPT phát hiện, họ gửi giấy phạt tới địa chỉ nhà tôi và nói trong nhà có người xài tài khoản Internet đánh cắp. Đó là lần đầu tiên tôi bị vướng tới pháp luật. Ba mẹ sợ quá mang tiền đi đóng tiền phạt, khoảng 20 triệu đồng.

– Từ khi nào, thế giới mạng, các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin cuốn hút Hiếu? Thật khó tin, một chú bé nhà quê tầm 13 – 14 tuổi, chưa học sâu các lý thuyết về công nghệ thông tin lại có thể hack được tài khoản để “xài chùa” internet như thế?

– Những cái đó tôi coi ở trên mạng, tự mày mò, không có thầy nào dạy. Tôi mò lên diễn đàn của hacker tìm hiểu, rồi người ta chỉ dẫn. Nhớ mùa hè năm lớp 8, tôi 15-16 tuổi, vô Sài Gòn học thêm 3 tháng hè. Do tôi quá đam mê máy tính, mới xin ba mẹ theo ông chú. Chú tôi có cái tiệm sửa vi tính. Tiếp theo, tôi vào trường học, học an ninh mạng. 15 tuổi tôi đã học an ninh mạng rồi và học thêm thiết kế Website.

Trang web đầu tiên tôi thiết kế là trang web “hieupc.com” để chia xẻ phần mềm này nọ … Tôi cũng đi giao lưu ở mấy tiệm net quanh Sài Gòn. Vô mấy tiệm Internet cafe, tôi thấy mấy đứa cùng tuổi toàn chơi game. Tôi đâu thích chơi game. Tôi thích nghiên cứu phần mềm này nọ. Tình cờ một lần, tôi gặp được một ông anh chuyên về hacker trong một tiệm nét.

Hai anh em trao đổi qua lại. Từ đó, tôi mới đi sâu vào thế giới ngầm của hacker. Đó là năm lớp 9. Sau mùa hè đó, tôi có kỹ năng hơn và trở về Cam Ranh học tiếp. Học xong lớp 9, tôi xin ba mẹ vô Sài Gòn sống. Gia đình không cho, tôi bỏ nhà đi luôn. Ba tôi thấy con xách đồ bỏ đi, nên chạy theo. Thế là hai cha con vô Sài Gòn.

Lúc đó, tôi không muốn ở Cam Ranh. Ở Cam Ranh tôi không phát triển được về vi tính. Ở Cam Ranh, tôi chỉ học được mấy cái Microsoft Office, vậy thôi. Trong khi, tôi lại khát khao, muốn bung ra, học thêm này nọ. Ở Sài Gòn, tôi có điều kiện để học được an ninh mạng, thiết kế Website, nhiều thứ hơn… Vì thế, tôi chuyển vô học cấp 3 trong Sài Gòn luôn. Nhưng, cái sự học của tôi cũng gian nan lắm.

Thời gian đó, do đi sâu vào thế giới mạng, suốt ngày nghiên cứu, học hỏi mọi cái trong cái thế giới ngầm, ảo ấy mà tôi bỏ bê việc học. Ngày nào cũng thức khuya, ngủ quên, không đi tới lớp tới trường, rồi bị kiểm điểm thường xuyên… Nhưng tôi cũng cố gắng, vượt qua được kỳ thi cấp 3.

Được cái, học hành vậy nhưng “trình” vi tính của tôi lại tiến bộ vượt bậc. Tôi điều hành tới mấy diễn đàn Under Ground luôn. Số lượng thành viên tham gia các diễn đàn trên cả chục ngàn người. Tôi chia xẻ chủ yếu về cách hack. Ban đầu chỉ là cho vui thôi, không mang tính vụ lợi gì hết.

– Tới khi nào thì Hiếu thật sự “nhúng chàm”, trở thành tội phạm trong thế giới mạng? Khi đó Hiếu có nhận thức hành vi của mình là phạm pháp?

– Tôi không ý thức được hành vi của mình là phạm luật vì hồi đó còn nhỏ quá. Đơn giản, chỉ cho vui, thích thú, vì mình vào được cái hệ thống đó. Cảm giác phấn khích lắm, giống như anh khám phá được cái gì đó. Lúc đó, tôi cũng không nghĩ về tiền bạc, tôi chỉ hack để lấy thông tin, tài khoản, dữ liệu, rồi thẻ tín dụng, sau đó chia xẻ cho bạn bè, vậy thôi.

Tôi cũng chẳng quan tâm bạn bè xử dụng các dữ liệu ấy làm gì. Không nhận tiền bạc gì từ họ. Nhưng, nghe đâu những người bạn ấy dùng các tài khoản online ấy để mua sách. Thời điểm đó, tôi đã viết 4 cuốn sách chia xẻ miễn phí kinh nghiệm về thủ thuật công nghệ trên mạng.

Một hôm, một người bạn biết cách kiếm tiền ở trên mạng đã chỉ dẫn tôi dùng những kỹ năng mình có được, để hack thông tin rồi lấy thông tin để kiếm tiền. Thế là từ đây tôi dính tới tiền bạc. Nhiều nhất là năm học lớp 10. Cuối năm lớp 10, tôi bắt đầu dính vô con đường tội lỗi, là hack tài khoản ngân hàng lấy tiền, lấy tài khoản thẻ tín dụng và đi làm bậy.

– Hành vi sai phạm ấy đã mang lại cho Hiếu những lợi lộc như thế nào? Các tài khoản được Hiếu hack là ở Việt Nam hay thuộc các nước khác?

– Thời gian đó, mỗi ngày tôi kiếm được từ 500 – 600 USD. Tôi hack vào các tài khoản ở đủ các quốc gia. Việc kiếm tiền này, chỉ vài người bạn biết thôi. Hơn nữa, tôi lại có một ước mơ là đi du học. Nên cố dồn mục đích kiếm đủ số tiền, dùng số tiền đó để đi du học. Sau khi kiếm được khoảng 20,000 – 30,000 USD, tôi đi du học New Zealand.

Sang bên đó, tôi lại tiếp tục hack. Tôi hack tài khoản từ một số trường đại học ở New Zealand. Mỗi tháng kiếm được từ 30,000 – 40,000 đô la New Zealand. Hậu quả là sau 1 năm ở New Zealand, tôi bị đuổi học và bị trả về Việt Nam.

– Một du học sinh mà dám hack tại xứ người, lúc đó, Hiếu có sợ bị bắt, bị tù không?

– Sợ chứ, tôi suýt bị bắt. Hôm đó, tôi đi rút tiền ATM. Bất ngờ, máy ATM nuốt luôn cái thẻ tín dụng. Tôi sinh nghi. Rồi tôi vào ngân hàng hỏi. Ngân hàng trả lời rằng, tôi đang bị điều tra. Thế là tôi vội vàng phi tang mọi thứ liên quan… Tôi bỏ hết, quăng hết các thẻ tín dụng, tìm cách mua vé máy bay về Việt Nam. Năm đó là năm 2010.

Sau khi về Việt Nam, tôi… hack luôn web của mấy trường đại học bên New Zealand cho bõ tức. Ba mẹ buồn lắm, vì sự nghiệp du học của tôi dang dở. Bản thân tôi, cũng cảm thấy xấu hổ với gia đình, xấu hổ với họ hàng… Rồi tôi hứa với gia đình không làm bậy nữa. Nhưng, đi cà phê với bạn bè, lại bị nghe xúi bẩy: không hack thẻ tín dụng ngân hàng để bán hoặc rút tiền thì hack các tài khoản an sinh xã hội để bán, an toàn hơn.

Vậy là tôi lại tiếp tục dấn sâu vào phạm pháp nhưng ở hướng khác. Trên lý thuyết hack liên quan đến tiền bạc rất nguy hiểm. Nhưng, hack mấy cái số an sinh xã hội, tôi nghĩ nó đơn giản. Số an sinh xã hội, nó giống như cái số CMND ở nước mình.

Tôi lấy cái số đó bán cho những ai có nhu cầu cần mua. Người mua các số an sinh xã hội đó sẽ dùng vào chuyện mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ tín dụng hoặc mua nhà, mua xe… Số an sinh xã hội ở bên Mỹ rất có giá. Thời điểm đó, mặc dù đang ở Việt Nam, tôi đã lấy dữ liệu của khoảng 200 triệu người. Sau đó, tôi bán các dữ liệu ấy cho bất kỳ ai cần mua. Người mua ở mọi quốc gia.

Thu nhập của tôi lúc đó vài trăm ngàn USD mỗi tháng là bình thường. Dư dả tiền bạc, tôi tha hồ ăn chơi, đi du lịch, ở khách sạn 5 sao, mua sắm xe hơi, toàn xe xịn như Lexus, BMW v.v… Giai đoạn đó, sau khi trở về từ New Zealand, tôi xin vô học tại Trường ĐH Khoa học – Tự nhiên TP.HCM. Học được 2 năm, mê mải lao vào kiếm tiền, tôi bỏ học luôn.

– Tới khi nào thì hành vi phạm pháp của Hiếu bị Mỹ phát hiện và bắt giam Hiếu?

– Năm 2013, tôi không hề hay biết mọi hành vi phạm pháp trên thế giới mạng của tôi đã bị mật vụ Mỹ theo dõi. Họ bắt được một người bạn của tôi ở nước Anh. Người ấy khai ra tôi. Từ đó, họ giăng bẫy dụ tôi sang Guam. Khi tôi vừa đáp máy bay xuống Guam, cảnh sát Mỹ bắt tôi tại sân bay, vào ngày 7/2/2013.

Đi cùng tôi lúc đó là chị gái đang mang thai. Thoạt tiên, tôi không hợp tác, phía cảnh sát Mỹ đe, nếu không hợp tác, sẽ bắt giam luôn chị gái. Thương chị, tôi ra điều kiện thả chị gái về Việt Nam, tôi chấp nhận hết vì chị gái có tội gì đâu.

– Thời gian sống trong nhà tù của Mỹ, Hiếu cảm nhận như thế nào? Họ đối xử thế nào đối với Hiếu – một tội phạm công nghệ?

– Phải nói 2-3 năm đầu rất khó khăn. Từ Guam, họ chuyển tôi vô đất liền, rồi lại chuyển đi lòng vòng, hết tiểu bang này đến tiểu bang khác. Lúc ở New York, khi thì California … Việc ăn uống cũng khó khăn vì không quen khẩu vị. Khoảng 2 tháng đầu, tôi gần như mất liên lạc với gia đình. Tinh thần khủng hoảng, tiếng Anh lúc đó lại kém. Ngủ nghê không yên giấc …

Bởi, đang trên đỉnh sung sướng, tôi rớt xuống địa ngục. Vô cùng hụt hẫng và xấu hổ. Thậm chí, có giai đoạn, tôi nghĩ tới chuyện thắt cổ tự tử luôn. Khoảng 3 năm sau, tôi mới lấy lại cân bằng trong cuộc sống, dù đang ở trong tù. Bình tâm lại, tôi nhìn nhận lại những sai lầm của mình từ lúc còn bé cho tới lúc lớn. Rồi những lần bất hiếu, nói dối ba mẹ… Sang năm thứ 3 ở trong tù, phía Mỹ mới bắt đầu cho tôi đi làm.

– Hiếu làm công việc gì khi đang là một tù nhân?

– Phía mật vụ Mỹ yêu cầu tôi làm đúng công việc cũng là sở trường của tôi luôn. Đó là điều tra tội phạm công nghệ cao. Tôi ngồi trong tù, nhưng họ vẫn tạo mọi điều kiện để tôi có thể điều tra những tội phạm trên thế giới mạng.

Họ yêu cầu tôi điều tra đa phần là tội phạm công nghệ. Sau thời gian ngắn, tôi đạt được kết quả rất tốt nên họ mới cho tôi ra tù sớm. Ban đầu, tôi bị xử tới 40 năm tù giam. Đây là bản án đầu tiên. Nhận bản án nặng như vậy, tôi khủng hoảng thật sự. Cuộc đời coi như chấm hết.

May mắn, họ cho cái công việc điều tra tội phạm công nghệ. Ngoài ra, tôi còn làm thêm một số việc khác ngay trong căn – tin nhà tù như lau dọn bàn ghế, quét dọn, rửa chén…

Rồi tôi được phép đi học thêm những khóa học trong nhà tù như: Cách cải tạo bản thân, kỹ năng mềm trong sinh tồn, cách làm cha – làm mẹ, học nâng cao kỹ năng vi tính… Tôi bắt buộc phải học, phải nâng cao trình độ tiếng Anh. Vì trong tù không ai nói tiếng Việt. Nhờ đó, khả năng tiếng Anh của tôi càng ngày càng lên.

Tôi có cơ hội đi học thêm những khóa khác, cao cấp hơn, như khóa “Kỹ năng sinh tồn trong quân đội”. Hàng ngày, 5 giờ sáng phải thức dậy và bắt đầu học tập, rèn luyện cho tới 9 giờ tối mới được leo lên giường. Việc đầu tiên, tôi phải xếp mùng, mền, mà phải xếp ngay ngắn…

Quản lý trại giam giải thích cho tôi: Đó là việc nhỏ nhất, mình không làm được thì làm sao mình làm được những chuyện lớn? Đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen đó: Thức dậy sớm, gấp mền, mùng thật ngay ngắn, gối cho vào tủ rồi muốn làm gì thì làm. Cái đó là cái việc đầu tiên phải hoàn thành.

Thời gian đó, tôi còn được phân công cho cái việc chà rửa nhà vệ sinh (toilet). Cái việc khó khăn nhất, nhiều người ngán ngẩm nhất, thì tôi lại thích nhất. Bởi công việc chà rửa toilet, những bạn tù người Mỹ không ai chịu làm. Nhưng với tôi, chính việc chà rửa toilet – công việc vất vả nhất – lại là một thử thách cho bản thân. Tôi không thích làm những công việc dễ dàng. Chà rửa toilet, người ta chê, mình cũng chê thì ai làm?

Trong 4 bức tường nhà tù, tôi nghĩ đơn giản, cái toilet cũng là một phần cuộc sống hàng ngày của mình, mình phải chăm lo cho nó chứ. Nó có sạch sẽ, mình mới khỏe mạnh. Rồi, tôi nghĩ cho những người xung quanh. Những phạm nhân người Mỹ họ không chịu, lúc nào họ cũng đẩy công việc đó cho người khác, mà không có ai chịu làm, nên tôi phải làm.

Ngoài ra, tôi còn lau kiếng nữa, phải lau kiếng theo chuẩn của quân đội. Lau làm sao không thấy một hạt bụi hay dấu vân tay còn in trên kiếng. Bữa nào, còn thấy dấu vân tay, coi như tôi bị phạt. Cứ đúng 7 giờ, là có người đi từ bên ngoài vào kiểm tra. Tôi đã trải qua ròng rã 9 tháng trong môi trường đào tạo khắc nghiệt không khác gì trong quân đội. Tuy nhiên, tôi rất thích thú.

Ngoài các công việc trên, trong ngày tôi cũng cố gắng học tùm lum những thứ khác: học yoga, học tâm lý, học Kinh Thánh, học đạo đức… Thêm đó, là những buổi chia xẻ câu chuyện số phận của tôi với mọi người xung quanh. Từ đó, họ hiểu về mình nhiều hơn.

Qua đó, giúp người có hoàn cảnh giống mình. Thay vì chương trình đào tạo chỉ có 3 tháng, nhưng họ chọn tôi ở lại 6 tháng và cuối cùng, tới 9 tháng. Mục tiêu của họ để tôi ở lại, là để động viên những người xung quanh.

– Có phải ngay tại nhà tù, Hiếu đã “lột xác” thay đổi con người “tội phạm” của mình để trở thành con người tốt?

– Đúng rồi. Không chỉ thay đổi chính mình, tôi cũng góp phần thay đổi được vài con người. Tôi rất vui vì điều đó. Trong tù, có không ít người suy nghĩ rất bi quan, tiêu cực. Sau khi họ nghe câu chuyện về số phận của tôi; họ nghe những gì tôi đã từng trải, rồi họ tận mắt thấy tôi kinh qua những ngày trong tù, không nề hà bất kỳ công việc gian khó nào… Họ nhìn lại mình và họ cũng thay đổi, sống lạc quan hơn. Những người bạn đó là người Mỹ da trắng và cả người Mỹ da đen. Trong đó, có những người phạm tội thuộc dạng nguy hiểm như: buôn bán ma túy, giết người…

Đến hôm nay, khi tôi đã về Việt Nam, một số người vẫn liên lạc với tôi. Họ thường xuyên tâm sự, sau khi ra tù, họ năng đi nhà thờ, thay đổi cách suy nghĩ, cách nói chuyện, có công việc ổn định. Họ rất vui.

– Trong nhà tù, Hiếu đã giúp phía Mỹ điều tra tội phạm. Số lượng tội phạm mà Hiếu điều tra, đạt kết quả như thế nào?

– Hơn 20 tội phạm về công nghệ cao như hacker… đã được tôi phát hiện, lần mò ra và cung cấp cho mật vụ Mỹ. Những người này đã bị mật vụ liên bang Mỹ bắt gọn.

– Trong khi cha mẹ, người thân ở Việt Nam không thể nào thăm nuôi. Có ai ở Mỹ quan tâm, giúp đỡ Hiếu trong những ngày ở tù?

– Năm 2015, lúc tôi được mang ra tòa xét xử, tôi có gặp được một phụ nữ 75 tuổi. Bà là cô giáo dạy tù nhân trong tù. Bà rất cảm tình với tôi. Bà nhận tôi làm cháu nuôi. Bà có nói một câu rất hay, khiến tôi nhớ mãi. Bà gửi cái thư ngắn, trong thư, bà nhắn tôi rằng: “Không cần biết một ngày của mình ra sao. Không cần biết mình thất bại thế nào. Quan trọng là mình phải biết đứng dậy, mặc lại đồ, tiếp tục vươn lên, không bao giờ bỏ cuộc”. Đó câu nói tôi thuộc nằm lòng cho tới hôm nay, tôi không bao giờ bỏ cuộc.

Bà dạy rất nhiều môn học. Bà coi mọi người trong lớp học không phải là phạm nhân mà là những con người đang vấp phải sai lầm thôi. Vì ai cũng có sai lầm, không ai hoàn hảo. Mỗi người cần được sửa sai, có một cơ hội để làm lại cuộc đời. Trước khi tôi bị ra tòa xét xử (tháng 7/2015), bà có ra tòa để nói chuyện với các quan tòa. Bà kể lại quá trình tôi cải tạo trong tù và hoàn lương ra sao.

Chủ tọa phiên tòa nói rằng, rất ấn tượng về tôi. Ông ta nói tôi đã thay đổi rất nhiều. Nhưng vụ án của tôi quá lớn, ông không thể nào cho tôi về ngay được. Tôi cần phải được xét xử, để răn đe cho xã hội và cho những người khác. Nhờ vậy, tôi mới được tòa giảm mức án từ 40 năm tù xuống còn 13 năm tù.

Tới tận bây giờ, tôi vẫn giữ liên lạc với bà. Năm 2015, khi tòa xử án tôi xong, bà có qua Việt Nam thăm ba mẹ tôi. Cả 2 ông bà đều qua luôn.

Quá trình thi hành bản án 13 năm tù, tôi tiếp tục được mật vụ Mỹ giao cho công tác điều tra tội phạm. Tôi làm việc, không hề có lương bổng gì hết. Phía Mỹ cũng không hứa hão điều gì, không hề nói trước thời gian nào tôi ra tù… Họ nói “mày cứ làm việc đi. Khi nào thấy OK thì cho về”.  Thế là tôi cứ làm việc trong tù. Thời gian rảnh, tôi viết nhật ký. Tôi viết được 7 quyển nhật ký. Ngoài ra, tôi đọc rất nhiều sách, học nâng cao trình độ vi tính, kỹ năng giao tiếp, tâm lý xã hội…

– Lúc nào thì Hiếu nhận thức được cái đúng, cái sai, cái nào mình cần phải sám hối, cái nào mình cần phải sửa?

– Không nhớ rõ tháng năm nào. Nhưng chắc chắn, trong khoảng thời gian tôi đơn độc trong tù. Vừa thi hành án, tự học, tự rèn luyện bản thân…Tôi đã nhận ra được là cái nào đúng, cái nào sai, nhìn nhận cho đúng con người mình. Đặc biệt, khi tôi viết nhật ký, nhờ viết nhật ký, tôi mới tự hỏi, tự hiểu bản thân mình hơn. Qua đó, tôi suy nghĩ về cuộc đời, nhìn ra những sai lầm và chiêm nghiệm được cái đúng, cái sai trong cuộc sống hàng ngày.

Đặc biệt, tôi định hướng cho tương lai cho bản thân mình khi ra tù là như thế nào. Thí dụ, khi tôi ra tù, tôi phải làm cái gì? Một suy nghĩ bắt đầu nung nấu. Tôi mong muốn đóng góp cho cộng đồng. Tôi muốn cống hiến tài năng, sự hiểu biết của mình, cái kinh nghiệm của tôi cho cộng đồng. Ngày xưa, tôi sống như một kẻ không hồn. Tôi tôn thờ vật chất, tiền bạc; còn bây giờ, tôi nghĩ khác. Tôi nói với ba mẹ: “nếu con trở về, mà con vẫn như ngày xưa, thì con không nên về. Tốt nhất, con tiếp tục ở trong tù”.

Song, kể từ ngày rời nhà tù xứ người trở lại quê hương, về với gia đình, tôi đã khóc và nói với ba mẹ: “Bây giờ, con chỉ cần mỗi ngày ăn 3 bữa là được rồi, không cần gì nhiều hết”. Tôi bắt đầu tâm nguyện sẽ thực hiện bằng được những ý định mà tôi đã vạch ra trong nhật ký đã viết trong những ngày ở trong tù.

– Khi ra tù, Hiếu có ý định ở lại Mỹ không? Phía Mỹ có cho phép Hiếu ở lại trên đất Mỹ?

– Ngày 20/11/2019, nhà tù Mỹ đã thả tôi ra trước thời hạn, do có nhiều thành tích trong quá trình cải tạo. Nhưng tôi không chịu ra, vì sau khi ra sẽ bị quản thúc thêm 3 năm, như tù treo ấy. Hơn nữa, ở Việt Nam, ba tôi đang bị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Tôi không thiết tha gì ở Mỹ, chỉ muốn quay về Việt Nam. Về với đất nước của mình, về với nơi mình sinh ra, lớn lên. Về để làm việc, đóng góp cái gì đó cho cộng đồng, cho xã hội. Cái cuộc sống bên đó nó sướng hơn thiệt, nhưng tôi chỉ muốn về Việt Nam thôi.

– Lúc đó, phía Mỹ nhận xét như thế nào về Hiếu – một hacker “khét tiếng”, từng trải qua 7 năm trong nhà tù Mỹ?

– Họ nói tôi đã tới lúc được tự do, trở về xã hội để làm việc và cống hiến. Họ không còn lý do gì để giữ tôi, vì thời gian qua, tôi đã được thử thách và cống hiến rồi. Không những vậy, tôi đã học rất là nhiều thứ, có bao nhiêu là chứng chỉ (hơn 20 chứng chỉ). Tôi đã cải tạo tốt, không vi phạm bất kỳ sai lầm nào trong tù. Tôi còn giúp những người xung quanh nữa …

Lẽ ra tôi được về sớm. Nhưng, vì dịch Covid bùng phát, tôi phải ở lại Mỹ thêm 8 tháng. Đến ngày 4/8/2020, tôi mới chính thức từ Mỹ trở lại Việt Nam sau hơn 7 năm xa quê hương. Trước khi lên máy bay, họ nhắn nhủ tôi “không bao giờ lặp lại sai lầm nữa nha Ngô Minh Hiếu”.

– Kết thúc tù tội bên Mỹ, trở về với tư thế một công dân tự do; cảm giác của Hiếu ra sao?

– Tôi vui sướng tột cùng. Tôi như vừa chui ra khỏi quả trứng tù túng. Giống như tôi vừa được tái sinh. Đây là cơ hội cuối cùng cho tôi làm lại cuộc đời. Vì vậy, trong thời gian hiện nay, tôi làm đủ thứ việc, lúc nào cũng bận rộn với hàng loạt dự án công nghệ thông tin do tôi đưa ra.

Ngày đó, dù chỉ một mình trên đất Mỹ, không người thân nhưng tôi lại cảm giác không thấy cô đơn. Trái lại, lúc nào cũng như là có người bên cạnh tôi, ủng hộ tôi.

– Hiện tại, Hiếu đã về và sinh sống trong sự yêu thương của gia đình, tại đất nước của mình. Hiếu cho biết suy nghĩ của mình hiện nay như thế nào? Có bao giờ Hiếu mắc lại sai lầm ngày xưa?

– Tôi muốn làm việc và cống hiến hết mình cho xã hội, cho người dân Việt Nam trong phạm vi sở trường của mình. Đó là nhận thức về an toàn thông tin trên không gian mạng. Bởi trên thực tế, ở Việt Nam, nhận thức về bảo mật thông tin của người dân rất kém. Tôi muốn đóng góp một phần sức lực để cải thiện điều đó.

Hiện nay, tôi đang triển khai dự án “chống lừa đảo trên không gian mạng”, nhằm phổ cập đến cho mọi người có được những kiến thức và kỹ năng phòng, chống các thủ đoạn lừa đảo của “hacker mũ đen” trên Internet. Dự án “chống lừa đảo” mang một sứ mệnh khóa và bảo vệ người xử dụng mạng xã hội “miễn dịch” khỏi những trang lừa đảo, giả mạo, nội dung xấu, độc hại và phòng chống mã độc trên Facebook, Youtube, TikTok, những trang web giả mạo…

– Hiếu nhận xét thế nào về giới trẻ Việt Nam hiện nay trong việc học và xử dụng công nghệ thông tin?

– Không phủ nhận Việt Nam mình có một lực lượng người trẻ tuổi xử dụng công nghệ thông tin, Internet thuộc hàng “thần tốc” của thế giới. Tuy nhiên, việc đào tạo còn hạn chế về thực tiễn. Cách nào đó để các bạn học xong, ra trường, có kinh nghiệm thực tiễn ngay để họ bước ra đời là dày dặn liền, có thể làm việc luôn.

Có nhiều bạn sinh viên khi ra trường, muốn tham gia dự án tôi đang làm. Nhưng, khi tham gia lại không có kinh nghiệm thực tiễn. Thành ra, giao việc gì, họ cũng không làm được, đình trệ dự án. Hơn bao giờ, các trường học nên tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có được môi trường học hành, không chỉ lý thuyết hàn lâm suông, mà phải chú trọng thực hành.

– Những lỗ hổng, khiếm khuyết nào đáng quan tâm trong hệ thống công nghệ thông tin ở Việt Nam? Những hạn chế và thế mạnh nào trong hệ thống đó cần phải cảnh báo hoặc phát huy?

– Tất cả những trang web ở Việt Nam, không có hệ thống nào an toàn cả. Tôi đã có báo cáo để mọi người chỉnh sửa lại. Bên cạnh khiếm khuyết đó, thì phải công nhận các bạn trẻ ở Việt Nam, ngang tuổi tôi, rất giỏi. Thậm chí, còn giỏi hơn tôi luôn. Bởi, không gian mạng rất rộng. Riêng lĩnh vực an ninh mạng thôi, có cả chục mảng khác nhau. Tôi chỉ giỏi một vài mảng thôi. Tôi mong muốn truyền ngọn lửa đam mê cho các bạn trẻ theo học ngành này. Từ đó, mọi người cùng hợp lực phát triển, bảo vệ hệ thống mạng của quốc gia, đưa công nghệ thông tin của Việt Nam lên tầm cao mới.

Làm sao để mọi người đều có kiến thức, không ai dễ bị dụ, bị lừa, không ai bị mất tiền… Tại vì ngày xưa, tôi đã từng ăn cắp tiền của nhiều người, tôi hiểu được tâm lý của tội phạm, hiểu tâm lý của nạn nhân. Giờ đây, tôi muốn dùng cái đó để bảo vệ mọi người.

Việc đào tạo ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam còn hạn chế lắm. Sinh viên học xong, thiếu kinh nghiệm về thực hành, chỉ giỏi lý thuyết hàn lâm. Bên Mỹ thì khác – thực hành là chính, học lý thuyết một phần thôi. Tiếp theo, Việt Nam mình trả lương thấp quá, nên đa phần, các bạn giỏi đi nước ngoài hết. Đó là bài toán nan giải, không dễ để mà giải đâu.

– Hiếu đã trở lại đời sống bình thường, ngay tại quê hương của mình. Nhưng, có bạn bè nào của Hiếu ngày xưa rủ rê trở lại con đường hacker cũ không?

– Có chứ. Nhưng tôi bỏ ngoài tai. Tôi nói thẳng, bây giờ tôi làm việc là vì cộng đồng. Tiền bạc, vật chất, hưởng thụ … tôi đã trải qua hết rồi. Giờ đây tôi không cần chi nhiều. Có tiền nhiều để làm gì, chết có mang theo được đâu. Cho nên, bây giờ cứ sống vui vẻ với hiện tại, sống tốt cho 24 tiếng mỗi ngày là được rồi. Tôi không biết ngày mai ra sao. Ngày mai, biết mình có còn sống? Tôi nói thật lòng.

– Hiếu đang còn rất trẻ, lại chưa lập gia đình; trong khi cuộc sống đang bày ra trước mắt rất nhiều cám dỗ. Liệu suy nghĩ của Hiếu có lạc điệu, có già quá so với tuổi mình không?

– Có thể suy nghĩ của tôi già dặn so với tuổi của mình. Đó là lý do vì sao nhiều trường đại học họ đã mời tôi đi thuyết trình, chia xẻ với lại với những bạn sinh viên. Tôi vẫn thường xuyên chia xẻ với mọi người về những sai lầm của bản thân, của một thời tuổi trẻ bồng bột. Qua đó, để các bạn sinh viên biết để họ tránh, không sai lầm như tôi. Từ đó, để các bạn hiểu rằng, trên đời này tiền bạc vật chất chỉ là một phần của cuộc sống, nó không phải là tất cả.

Cái quan trọng ở đây, phải hiểu được chính mình. Kế đó, phải thấu được hai chữ “tình yêu”. Khi mà hiểu được hai chữ đó thì mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, mọi thứ được hóa giải. Đó là tình yêu bạn bè, tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, tình yêu gia đình…

Cũng có một số người đố kỵ, họ không thích tôi nhưng tôi bỏ ngoài tai. Tôi nghĩ đơn giản, mình sống đâu có bao lâu đâu, nên cứ vui vẻ. Lúc ở trong tù, tôi tập cách sống, không bao giờ phàn nàn, không bao giờ cằn nhằn với một ai, không bao giờ nóng giận; mọi thứ đều có thể bỏ qua được hết… Ai muốn nói gì thì nói. Dù người ta ca ngợi mình tới đâu, bỏ ngoài tai hết. Mình là chính mình, không bao giờ tự hào về bản thân. Ngày xưa, tôi là tự hào về bản thân, mới sinh ra cao ngạo, say sưa trên chiến thắng, nên mới tới bao nhiêu sai lầm.

– Sau thời gian dài sống bên Mỹ, nay quay về Việt Nam, Hiếu nhận xét như thế nào về quê hương mình, đất nước của mình?

– Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi thấy còn thiếu thốn rất nhiều. Nên tôi rất mong muốn sẽ làm được điều gì đó để góp phần phát triển quê hương, đất nước. Tôi khát khao vận dụng những kinh nghiệm, những cái bài học được học ở bên Mỹ, để phổ biến ở Việt Nam. Đó là quản trị mạng – thế mạnh của tôi. Cuộc sống hiện tại, tôi cảm thấy rất lạc quan, yêu đời. Tôi có nhiều bạn tốt giúp đỡ tôi. Họ giúp tôi phát triển những dự án về quản trị mạng, họ an ủi, động viên tôi trong đời sống tinh thần cũng như ngoài đời.

– Với những thăng trầm trong cuộc đời, Hiếu muốn nói gì với các bạn trẻ?

– Dành thời gian để hiểu những gì mình đang làm. Các bạn trẻ thường là chỉ biết làm, mà không hiểu những gì mình đang làm là đúng hay không đúng. Thứ hai là phải biết yêu thương gia đình. Mình làm cái gì, cũng phải nghĩ đến gia đình. Ngày xưa, tôi không nghĩ đến gia đình, chỉ nghĩ đến bản thân, đó là ích kỷ. Biết bản thân mình sung sướng, không biết ba mẹ đau khổ vì mình. Thứ ba là phải dành thời gian để hiểu về bản thân mình hơn, thành thật với bản thân mình. Tôi đã nhận ra một điều này khi học về môn tâm lý ở trong tù.

Cái khó khăn nhất trong cuộc đời con người là thành thật với bản thân mình. Thành thật với người khác thì rất dễ, nhưng thành thật bản thân mình thì rất khó. Sáng nay anh nghĩ 7 giờ anh dậy, nhưng 8 giờ mới thức dậy. Cái đó, anh chưa rèn luyện cho bản thân mình cái kỷ luật. Phải thành thật với bản thân, phải nghiêm khắc với chính mình, nhìn nhận tất cả những lỗi lầm (dù lỗi nhỏ nhất) của bản thân. Từ đó, mới hiểu được giá trị cuộc sống. Từ đó, mình mới trưởng thành. Và, từ đó mình mới giác ngộ được.

Cái ngày mà tôi giác ngộ được là ngày tôi khóc nhiều nhất. Ngày đó, cảm giác như tôi được sinh ra một lần nữa. Đó là khoảng thời gian sau khi ra tòa ở Mỹ. Lúc đó, tôi thật sự thành thật với bản thân, tôi chấp nhận tất cả: Từ những lỗi lầm nhỏ nhất, cho đến những lỗi lầm lớn nhất và tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Ngày đó, tôi khóc rất nhiều, nhưng đó là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi.

Không phải ngày ra khỏi nhà tù Mỹ, về với đời sống tự do, mà chính ngày tôi thành thật với bản thân, là ngày giúp tôi trở lại với cuộc đời này. Từ giây phút đó, tôi hiểu, ngộ ra mọi thứ, hiểu được tình yêu cuộc sống là gì, trong lòng nhẹ nhõm hơn.

Hành trình “hoàn lương” của hacker Việt khét tiếng khiến giới an ninh mạng  Mỹ "rúng động" - Hiếu PC - YouTube

Hành trình hoàn lương của Hiếu PC

BÁO NHẬT NIKKEI VIẾT VỀ NGÔ MINH HIẾU

HIẾU PC: TỪ MỘT HACKER GIỎI NHẤT THẾ GIỚI … ĐẾN CHUYÊN GIA VỀ AN NINH MẠNG

Tờ báo Nikkei của Nhật Bản vừa có bài viết về Ngô Minh Hiếu, hay còn được biết đến với tên gọi Hiếu PC. Bài viết đã chia sẻ hành trình của Hiếu PC từ một hacker giỏi nhất thế giới … đến chuyên gia về an ninh mạng.

Bài viết cho hay: Cuối năm 2020, thông tin về một hacker Việt “khét tiếng” từng khiến giới an ninh mạng Mỹ “điêu đứng” trở thành chuyên gia giám sát của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã khiến không ít người bất ngờ. Ngô Minh Hiếu từng được chính quyền Mỹ đánh giá là một trong những hacker nguy hiểm nhất thế giới, quay trở về Việt Nam muốn dùng những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như trí tuệ của mình để giúp ích cho cộng đồng, xã hội và phục vụ cho đất nước.

Từ một hacker mũ đen…

Ngô Minh Hiếu, từng là hacker tuổi teen khét tiếng một thời, sinh ra ở Gia Lai, lớn lên tại Cam Ranh và trở thành cái tên mà chính quyền Mỹ miêu tả là một trong những tên trộm danh tính đình đám nhất tại nhà tù liên bang, khiến nhiều người liên tưởng về Leonardo DiCaprio trong bộ phim Catch Me If You Can(Hãy bắt tôi nếu có thể) năm 2002.

Cũng giống như nhân vật Frank Abagnale do Leonardo DiCaprio thủ vai, Hiếu đã thực hiện các vụ lừa đảo trên mạng nhiều năm trước khi bị bắt và sau này đã hợp tác để giúp các đặc vụ Mỹ tóm gọn nhiều hacker hơn. Thế nhưng giống với nhân vật Rami Malek trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ – Mr. Robot, Hiếu đã trải qua thời thơ ấu của mình trong một cửa hàng máy tính do người chú làm chủ để học những kỹ năng mà sau này được anh sử dụng để trở thành một hacker “khét tiếng”, cũng như hành trình quay về đóng góp cho đất nước.

Những tội của Hiếu trước đây ở Mỹ đều được thực hiện trên không gian mạng. Bằng cách xâm nhập vào cơ sở dữ liệu riêng tư, bao gồm số an sinh xã hội và địa chỉ cá nhân, Hiếu có thể bán thông tin này cho các mạng lưới tội phạm. Vào thời điểm bị mật vụ Mỹ bắt giữ vào năm 2013, các nhà chức trách ước tính rằng anh đã kiếm được khoảng 2 triệu USD, số tiền mà anh sử dụng để mua những chiếc xe ô tô đua thể thao hoặc trải qua những kỳ nghỉ, những chuyến du lịch từ nước này sang nước khác, gồm cả Malaysia và Thái Lan.

Hiếu PC: Từ một hacker giỏi nhất thế giới… đến chuyên gia về an ninh mạng - Ảnh 2.

Ngô Minh Hiếu từng được chính quyền Mỹ đánh giá là một trong những hacker nguy hiểm nhất thế giới. (Ảnh: Lien Hoang/Nikkei)

Tôi là một người ích kỷ. Ngày trước, tôi thích những thứ xa xỉ. Điều đó thật vô nghĩa. Bây giờ tôi nói với mẹ, có thể ăn ba bữa một ngày ở nhà vẫn tốt hơn là đồ ăn trong tù”, Hiếu của tuổi 31 đã chia sẻ sau những vấp váp tuổi trẻ.

Tại thời điểm bị bắt ở Mỹ, Hiếu nghĩ rằng tội trộm cắp danh tính không tồi tệ như những việc khác mà anh đã làm như bán dữ liệu thẻ tín dụng. Giờ đây, Hiếu muốn nhấn mạnh rằng anh đã hiểu hành vi trộm cắp danh tính có thể gây tổn hại như thế nào. “Tôi không biết tội phạm mạng nào khác đã gây ra thiệt hại về tài chính cho nhiều người Mỹ hơn Ngô (Hiếu)”, nhân viên mật vụ Matt O’Neill nói với KrebsOnSecurity, một blog mạng cho biết các bài viết của họ đã cảnh báo Matt O’Neill về các hoạt động hack từ Hiếu.

Đổi chiếc mũ đen lấy mũ trắng, Hiếu giúp chính phủ Mỹ truy tìm tội phạm mạng. Hiếu đã đưa ra những lời khai về chuyên môn và lời khuyên cho các sĩ quan đóng giả mình trong một chuỗi các vụ theo dấu trên mạng góp phần bắt được 20 tội phạm về công nghệ cao. Hiếu đã sử dụng các phương pháp tương tự khi chính anh bị Mật vụ Mỹ bắt: Giao dịch tin nhắn trực tuyến với hacker nhưng thực chất là cảnh sát. Bị một người mà anh nghĩ là một hacker khác dụ đến lãnh thổ Guam thuộc Thái Bình Dương của Mỹ, Hiếu bị triệu tập đến phòng điều tra sân bay ngay sau khi máy bay hạ cánh.

“Tôi như phát điên lên, mất hết cảm giác, tôi như người mất hồn”, Hiếu chia sẻ và thổ lộ thêm rằng anh vẫn còn ớn lạnh khi nhớ lại 2 tháng bị giam giữ ở Guam, nơi anh ngủ trên sàn nhà mà không có cả bàn chải đánh răng. “Đó là một nhà tù thực sự!”. Cuối cùng, Hiếu được đưa đến đất liền Mỹ, nơi anh bị kết án. Trong thời gian thụ án, Hiếu đã dành thời gian học origami, trị liệu nhóm, gọi FaceTime về Việt Nam và giúp đỡ các quan chức thực thi pháp luật. Anh từng bị cùm cổ tay và cổ chân đến 15 nhà tù khác nhau trên cả nước, thường xuyên mặc “quần áo mỏng như tờ giấy” giữa trời lạnh.

Lúc đó, “bạn sẽ cảm thấy cuộc đời của mình thật vô giá trị, cảm thấy như mình là một con vật”, Hiếu nhớ lại về quá trình bị chuyển giao giữa các nhà tù.

… đến chuyên gia về an ninh mạng

Sau khi chấp hành xong bản án 7 năm tù giam (giảm từ 13 năm) vì bán hồ sơ 13,000 người trong hơn 200 triệu danh tính mà anh thu thập được bằng cách hack vào nhiều cơ sở dữ liệu thông tin người tiêu dùng khác nhau, Hiếu từ Mỹ trở về TP. HCM sinh sống và làm việc. Quay trở về Việt Nam, Hiếu đầu quân cho Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 12/2020.

Bên cạnh đó, vào thời gian rảnh rỗi Hiếu cũng tham gia giảng dạy về an ninh mạng cho sinh viên Việt Nam, các giám đốc điều hành và nhiều người khác quan tâm đến vấn đề bảo mật như một hành trình chuộc lại lỗi lầm của mình. Trước đây chính quyền Mỹ muốn Hiếu sử dụng “đầu óc tội phạm để bắt tội phạm” giống với công việc hiện tại của anh tại Việt Nam là quét web đen để tìm các mối đe dọa và đào tạo về an ninh.

Hiếu cho biết anh nhận công việc mới với mong muốn đóng góp, giúp đỡ cho cộng đồng, xã hội. Vậy giúp đỡ cộng đồng là gì? Hiếu trả lời bằng cách rút hai chiếc điện thoại. Một là chiếc điện thoại phổ thông Philips, chỉ được sử dụng cho các cuộc gọi thoại. “Nó không thông minh nhưng bảo vệ tôi”, Hiếu chia sẻ. Chiếc còn lại là một chiếc điện thoại thông minh Huawei được trang bị một ứng dụng do anh phát triển có tên là “Chống lừa đảo” (Fight Scams). Ngoài giờ làm việc, Hiếu sử dụng ứng dụng, cũng như trang Facebook với 200.000 người theo dõi của mình, hoặc thông qua các bài phát biểu tại các trường đại học và hội nghị để đưa ra những lời khuyên cho mọi người về an ninh mạng.

Tôi lẽ ra có thể sử dụng các kỹ năng của mình để làm rất nhiều thứ, thay vì đuổi theo con đường ma quỷ”, và con quỷ làm mù mắt anh chính là tiền, Hiếu chia sẻ thêm.

Lớn lên giữa những cánh đồng lúa mì gần Vịnh Cam Ranh, nhưng Hiếu đã chọn TP. HCM là nơi để phát huy những kỹ năng máy tính, những kinh nghiệm quý báu của một thanh niên đã từng lầm lỡ nhằm góp sức mình vào phục vụ cộng đồng và xã hội.

Hiện tại, Hiếu cũng đang thực hiện một cuốn hồi ký và anh cho biết đã nhận được lời đề nghị từ một hãng phim trong nước muốn mua bản quyền phim truyện của anh.

Theo Nikkei Asia

THAM KHẢO

  1.  “Confessions of an ID Theft Kingpin, Part I”. Krebs on Security. August 26, 2020. Archived from the original on January 25, 2021. Retrieved December 6, 2020.
  2. Jump up to:  “Hacker Việt trộm dữ liệu của 200 triệu người Mỹ lĩnh 13 năm tù”VnExpress. July 15, 2015. Archived from the original on February 11, 2021. Retrieved December 6, 2020.
  3. “Vietnam’s National Cybersecurity Center hires former cybercriminal”VnExpress. December 5, 2020. Archived from the original on January 25, 2021. Retrieved December 5, 2020.
  4. “Hacker Hieupc đầu quân cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia”Tuổi Trẻ. December 4, 2020. Archived from the original on December 6, 2020. Retrieved December 5, 2020.
  5. Jump up to: Vietnamese National Sentenced to 13 Years in Prison for Operating a Massive International Hacking and Identity Theft Scheme Archived 2021-03-25 at the Wayback Machine(press release), U.S. Department of Justice, Office of Public Affairs (July 14, 2015).
  6. Jump up to:  James Eng, Hacker Gets 13 Years in Prison for Massive International ID Theft Archived 2018-03-23 at the Wayback Machine, NBC News (July 14, 2015).
  7. Alyssa Bereznak (July 14, 2015). “This 25-Year-Old Vietnamese Man Stole the Identities of Nearly 200 Million Americans”. Yahoo.com. Archived from the original on October 30, 2016. Retrieved July 15, 2015.
  8. Poeter, Damon (2013-10-22). “Experian Confirms Subsidiary’s Data Sold to ID Theft Operation”. PCMag.com. Archived from the original on 2015-07-15. Retrieved 2015-07-15.
  9. Osborne, Charlie (2014-04-14). “200M consumer records exposed in Experian security lapse”CNETArchived from the original on 2015-07-15. Retrieved 2015-07-15.
  10. Jump up to: “Experian Lapse Allowed ID Theft Service Access to 200 Million Consumer Records”. Krebs on Security. March 10, 2014. Archived from the original on July 15, 2015. Retrieved July 15,2015.
  11. “Vietnamese National Sentenced to 13 Years in Prison for Operating a Massive International Hacking and Identity Theft Scheme”. FBI. July 14, 2015. Archived from the original on August 13, 2020. Retrieved December 6, 2020.
  12. “ID Theft Service Proprietor Gets 13 Years”. July 15, 2015. Archived from the original on April 16, 2021. Retrieved December 6, 2020.
  13. “Convicted Tax Fraudster & Fugitive Caught”. March 19, 2015. Archived from the original on January 26, 2021. Retrieved December 6, 2020.
  14. “Confessions of an ID Theft Kingpin, Part II”. Krebs on Security. August 27, 2020. Archived from the original on March 31, 2021. Retrieved December 6, 2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *