Người Hà Lan trồng hoa tại Đà Lạt

481 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

“Người Hà Lan điên” là danh hiệu mà những người bạn thân đã dành cho Thomas Hooft – vị Tổng giám đốc Công ty Agrivina – Dalat Hasfarm khi họ không ngăn cản được ông quyết định xây nhà kính để trồng hoa tại Đà Lạt. Ông đã bất chấp mọi lời khuyên để 20 năm sau, ông cho mọi người thấy điều ngược lại …

Ông Thomas Hooft hướng dẫn công nhân thu hoạch hoa – Ảnh: Lâm Viên

Ông Thomas Hooft sinh năm 1948 tại Zwolle, Hà Lan – xứ sở trồng hoa nổi tiếng nhất thế giới. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoa và rau quả, ông khởi nghiệp từ một vườn ươm giống ở Moerheim (Hà Lan). Năm 1989, ông đến châu Á và gia nhập Công ty Hasfarm ở Indonesia với vị trí Giám đốc dự án trồng hoa ở Goalpara, Sukabumi. Qua khảo sát nhiều nơi ở châu Á, Thomas nhận ra Đà Lạt là nơi thích hợp nhất cho việc phát triển ngành hoa, nên từ năm 1994 ông quyết định chọn Đà Lạt để đầu tư sản xuất kinh doanh hoa cao cấp và sáng lập Dalat Hasfarm. Sau khi thuê được khu đất trên đường Nguyên Tử Lực (Đà Lạt), khởi đầu với số vốn 700,000 USD, năm 1995 ông Thomas khởi công xây dựng những nhà kính bằng khung gỗ, phủ ni lông đầu tiên để trồng hoa, khởi đầu của Dalat Hasfarm chỉ với 1 hecta hoa hồng và 1 hecta cẩm chướng được trồng trong những khu nhà kính đơn giản khiến người dân Đà Lạt hết sức ngỡ ngàng.

Những luống hoa mẫu tại Dalat Hasfarm

Dưới sự dẫn dắt của ông, sau 20 năm Dalat Hasfarm trở thành công ty sản xuất và kinh doanh hoa đứng đầu VN và cả Đông Nam Á. Quyết định trồng hoa bằng công nghệ nhà kính không phải tại quê nhà mà tại xứ sở nhiệt đới vốn quen với việc trồng hoa giữa đồng, biệt danh “người Hà Lan điên” được những người bạn thân đặt cho Thomas Hooft. Sau khi thành lập Dalat Hasfarm vào năm 1994, Thomas Hooft mời người bạn Berhard Schenke từng có hơn 10 năm phát triển các nông trại hoa tại Indonesia tới Việt Nam hợp tác cùng mình vào năm 1996. Việt Nam cũng trở thành quê hương của Berhard Schenke khi ông lập gia đình với một người phụ nữ Đà Lạt.

Từ năm 1992, ông Thomas Hooft đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ Hà Lan làm nên cuộc cách mạng thật sự cho ngành trồng hoa của Đà Lạt, đưa Việt Nam lên bản đồ hoa thế giới. Ông chân thành chia sẻ, “Hai mươi năm trước, khi tôi bắt đầu xây dựng nhà kính trồng hoa tại Dalat Hasfarm. Rất nhiều người bạn nói tôi là “Người Hà Lan điên”. Bởi người dân VN đã quen với việc hoa được trồng giữa đồng. Nhưng đến nay tôi rất vui khi nhìn thấy diện mạo các khu vực trồng hoa của người dân Đà Lạt cũng được bao phủ bởi các nhà kính san sát nhau, đạt diện tích hơn 2.000 ha”. Tự coi mình là nông dân VN, với quan điểm kinh doanh có trách nhiệm với xã hội, ông Thomas Hooft đã rất thành công trong mô hình hợp tác chuyển giao cây giống và công nghệ trồng hoa giữa Dalat Hasfarm với người nông dân địa phương. Dalat Hasfarm còn đứng ra thu mua lại những bông hoa này, giải quyết một lượng lớn đầu ra cho những người trồng hoa địa phương. Dalat Hasfarm cũng nhập khẩu và phát triển các loại hoa cao cấp từ Hà Lan cùng nhiều nước khác. Sau nhiều năm công ty này đã chuyển sang xây dựng nhà kính hoàn toàn bằng thép và mở thêm hai nông trại ở Đạ Ròn và Đa Quý, với diện tích gần tới 300 ha. Sau 25 năm phát triển, công ty hiện có 4 trang trại rộng gần 320 ha, cung cấp hơn 450 triệu ngọn giống, 200 triệu cành hoa với 50% sản lượng hoa xuất khẩu và hàng triệu chậu hoa mỗi năm, trở thành thương hiệu hoa tươi hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2003, dự án này được đánh giá là 1 trong 5 dự án nước ngoài đầu tư hoạt động hiệu quả nhất tại Đà Lạt. Từ năm 2004 Dalat Hasfarm là thành viên duy nhất của hiệp hội hoa thế giới. Đến năm 2011, công ty này lại được tạp chí Flowers Tech của Mỹ bình chọn là công ty hoa lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2020, tổng số nhân viên của Dalat Hasfarm là 4,000 người.

Tính đến nay, trung bình mỗi năm Dalat Hasfarm sản xuất trên 100 triệu cành hoa cùng số lượng không nhỏ lá trang trí, hoa chậu…; Sau 25 năm phát triển, công ty hiện có 4 trang trại rộng gần 320 ha, cung cấp hơn 450 triệu ngọn giống, 200 triệu cành hoa với 50% sản lượng hoa xuất khẩu và hàng triệu chậu hoa mỗi năm, trở thành thương hiệu hoa tươi hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. đưa đến thị trường thông qua các trung tâm phân phối mọi miền, các cửa hàng bán lẻ cao cấp và hệ thống siêu thị Metro, Big C trên toàn quốc. Ngoài ra, Thomas Hooft còn đưa thương hiệu hoa VN ra thị trường thế giới, sánh vai cùng bạn bè năm châu. Mỗi năm đều có 70 triệu cành hoa và 150 triệu cây con được xuất khẩu ra khắp các thị trường trên thế giới mà ông nâng niu gọi là “Hoa từ trái tim VN”. Điều này đã biến Dalat Hasfarm thành công ty hoa tươi hàng đầu Đông Nam Á. Theo lời kể của ông Thomas, mục tiêu ban đầu khi thành lập công ty của ông là xuất khẩu hoa sang Nhật Bản, Úc, Đài loan nhưng phải đến 3 năm sau mới thực hiện được bởi tất cả hoa trồng được đều được bán hết sạch cho thị trường nội địa. Đây là điều ngạc nhiên lớn với nhà sáng lập Dalat Hasfarm. Tính đến năm 2010, 30% sản lượng hoa của Đà Lạt Hasfarm phụ vụ nhu cầu trong nước, 70% xuất khẩu ra các thị trường như: Nhật Bản, Úc, Singapore, Đài Loan, Indonesia. Việc chinh phục thị trường khó tính như Nhật Bản từ năm 1996 giúp Đà Lạt Hasfarm khẳng định tên tuổi trên thị trường. Theo lời chia sẻ của ông Berhard Schenke, hiện là tổng giám đốc công ty này với tạp chí Forbes cho biết doanh thu năm 2013 là 60 triệu USD với các công ty liên kết: Greenwings – Japan, Greenwings – New Zealand, Kunming Hasfarm (China), PT Tamora Stekindo (Indonesia).

Bên cạnh đó việc là người tiên phong, đầu tư vào công nghệ là yếu tố thành công then chốt của Dalat HasfarmVốn là người Hà Lan, lại tốt nghiệp chuyên ngành hoa và rau quả, Thomas Hooft đã sớm đưa những thành tựu nông nghiệp quê hương vào Việt Nam bằng việc trồng hoa trong nhà kính. Để thâm nhập được vào thị trường Nhật, Dalat Hasfarm phải chọn lọc và mua các loại giống có bản quyền, quy trình sản xuất, vệ sinh dịch nghiêm ngặt. Ví dụ trước khi vào nhà kính cần qua 2 lớp cửa, giày phải khử trùng. Hệ thống nhà kính trồng hoa sử dụng công nghệ Pháp, công nghệ tưới của Israel từ năm 1997, các thông số độ ẩm, nhiệt độ đều được kiểm soát qua máy tính và truyền dữ liệu đến phòng điều khiển trung tâm. Mỗi nhà kính, tùy theo chủng loại, giai đoạn phát triển của cây hoa và tình hình thời tiết sẽ được định lượng về phân bón, nước tưới theo sự điều tiết của máy tính. Hay khi nhiệt độ ban đêm tại Đà Lạt xuống thấp, hệ thống cảm biến sẽ kích thước hệ thống lò hơi để đẩy nước nóng vào hệ thống ống dẫn làm ấm nhà kính. Việc đầu tư cho công nghệ giúp Dalat Hasfarm đạt năng suất 70-80% so với việc trồng hoa tại Hà Lan theo chia sẻ của ông Schenke.

Hoa tươi là sản phẩm rất khó để duy trì được chất lượng tươi mới nếu không bảo quản đúng kỹ thuật. Vì thế, khâu bảo quản và phân phối phải luôn tuân theo điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn. Chỉ cần một chút sai lệch nhiệt độ thì độ bền của hoa sẽ giảm ngay lập tức. Hiện nay, công ty đang vận chuyển hoa tươi bằng hệ thống xe chuyên dụng gắn kèm thiết bị theo dõi nhiệt độ để đảm bảo điều kiện bảo quản hoa tiêu chuẩn trong suốt quá trình phân phối. Với vị thế là doanh nghiệp đầu tàu trong ngành hoa tươi Việt Nam, Dalat Hasfarm xác định rõ phát triển bền vững là định hướng chiến lược trong tương lai. Từ năm 2014, công ty đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các loài côn trùng và nấm có ích để ứng dụng vào trong sản xuất. Thông qua sử dụng Bio-Pro để trồng và kiểm soát sâu bệnh, công ty đã giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trên các loại hoa khác nhau. Từ đó mang đến những sản phẩm hoa sạch, an toàn, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Nổi bật, Calimero và những loại hoa chậu như Thu Hải Đường, Hồng, Violet Châu Phi… là những sản phẩm được chăm sóc bằng Bio-Pro và hầu như không sử dụng hóa chất. Hàng năm công ty Dalat Hasfarm luôn tìm kiếm, thử nghiệm và giới thiệu những loại hoa mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện nay công ty có hơn 350 giống hoa với rất nhiều chủng loại, màu sắc đa dạng. Đặc biệt, công ty còn mua bản quyền nhiều giống hoa từ nước ngoài để trồng và phân phối tại Việt Nam.

Đầu năm 2020, tại IPM Essen, Đức, Công ty Hasfarm (Công ty mẹ của Dalat Hasfarm) đã vinh dự được trao giải Vàng cho hạng mục Sản xuất hoa trong khuôn khổ giải thưởng dành cho các Công ty Sản Xuất Hoa Hàng Đầu thế giới năm 2020, do Hiệp Hội Ngành Công Nghệ Trồng trọt – Làm vườn Quốc Tế (AIPH) tổ chức.

Hoa cúc tại Dalat Hasfarm

Gần sáu năm trước đây, ngày 23/1/2015, ông Thomas Hooft đã qua đời tại Groningen, Hà Lan. Sau khi về hưu vào năm 2012, Thomas Hooft vẫn còn tham gia tích cực vào họat động của công ty cho tới ngày ông qua đời. Thomas không chỉ đam mê làm vườn mà ông còn có một tình yêu mãnh liệt với Việt Nam, nơi ông coi như quê hương thứ hai của mình. Tro của ông đã được mang từ Hà Lan sang chôn cất tại Việt Nam, theo ý nguyện cuối cùng của ông.

Người tạo thương hiệu hoa cho Việt Nam

 CÁC LOẠI HOA CỦA DALAT HASFARM

Một góc nhà kính trồng cúc của Dalat Hasfarm

Hoa hồng Hasfarm

Hoa cúc Hasfarm

Violet châu Phi

TÌNH YÊU VIỆT NAM CỦA MỘT NGƯỜI HÀ LAN

Làm giàu là để kiếm sống, khẳng định thành tựu bản thân, năng lực, trí tuệ, đóng góp cho đời. Nhưng con người ta cả một đời mang tài năng và trí tuệ của mình lao vào làm ăn, kiếm tiền, dù ở nước mình hay nước người, rồi cũng trở về với “chính mình” trong tấm thân bèo bọt của con người trên cõi trần tạm bợ này thôi. Ông Thomas Hooft có một cộng sự viên đắc lực người Việt Nam tên Nguyễn Dũng. Anh là người cùng với Thomas Hooft gầy dựng nên Dalat Hasfarm khi nó còn là đồi trọc ở vùng Đa Thiện, mà Hooft là “kiến trúc sư trưởng” còn Nguyễn Dũng cùng ông thi công từng nấc. Anh Dũng chẵng may mất sớm. Ngày anh Dũng mất, Thomas Hooft thẫn thờ. Nhìn sự tất bật của ông lo cho đám tang của nhân viên mình, cùng vẻ mông lung suy nghĩ hoang vu nào đó rất vô lượng nơi ánh mắt. Nguyễn Dũng về nằm ở nghĩa địa vùng ngoại ô Đà Lạt, ấp Thái Phiên. Lúc người ta chôn Dũng, cũng là lúc Hooft quyết định chọn một chỗ ngay sát nhân viên và cũng là người bạn Việt thân thiết của mình ở nghĩa địa trên.

Làng hoa và nghĩa trang Thái Phiên – Đà Lạt

Một doanh nhân phương Tây, tha hương đến Việt Nam để “kiếm tiền”, thành đạt, giàu có, mà giản dị với cái “chết” đến thế. Để quyết định điều này, trong lòng người ta đã có cốt cách và ý nghĩa sâu thẳm đâu đó về nó rồi. Bác sĩ A.Yersin khi tìm ra Đà Lạt sau đó đã chọn chết ở Suối Dầu (Diên Khánh, Khánh Hòa), thì nay doanh nhân lãng tử Thomas Hooft cũng chọn trao thân mình cho Đà Lạt. Hooft có một khoảng hẫng hụt kéo dài khi Nguyễn Dũng mất đi. Vốn sống điều độ, khoa học, nhưng chợt ông thích uống chút rượu mỗi đêm về. Cái tình trong ông bát ngát đến độ làm bao người Việt ở Dalat Hasfarm phải nghiêng mình. Suốt hai năm sau khi Nguyễn Dũng mất, ở Dalat Hasfarm, những khi vào thăm Dalat Hasfarm tôi vẫn thấy chỗ ngồi của người bạn đã khuất của ông Hooft còn để nguyên như vậy. Ông nói với những nhân viên rằng: “Để thế tưởng niệm Dũng!”. Ai có thể yêu con người và sống nghĩa khí, chân tình, thủy chung với người đến vậy hè!? Là nhà sáng lập, tổng giám đốc, nhưng ông đưa những nhân viên của Dalat Hasfarm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong cái tình người mênh mông ấy. Một tập đoàn lớn đến từ nền văn hóa châu Âu, mà làm việc và sống như một “gia đình”. Người ta chẳng lạ khi nhiều lần đi xuống các “farm” (khu vực trang trại), bất chợt thấy một công nhân nào đó có vẻ mệt mỏi, buồn, Hooft bảo: “Nên về nghỉ ngơi cho khỏe ra đi, khi nào hết trở lại công ty làm cũng được!”. Không đầu môi chót lưỡi, đãi bôi, dông dài, thế thôi. Nghĩa rằng không cần thủ tục, lễ nghi, tình người và con người là trên hết.

Cách đây 6 năm, ông Thomas Hooft đã qua đời tại Groningen, Hà Lan. Thomas Hooft đến Việt Nam năm 1994 và đã chọn Đà Lạt để xây dựng một trang trại trồng hoa do điều kiện khí hậu, đất đai và con người thuận lợi ở nơi đây. Ông bắt đầu chỉ với 1 ha hoa hồng và 1 ha cẩm chướng trong nhà kính khung gỗ. Sau 20 năm dưới sự dẫn dắt đầy cảm hứng của ông, Dalat Hasfarm đã trở thành một công ty trồng vườn hàng đầu ở Đông Nam Á. Ngày nay, diện tích trồng hoa và các sản phẩm làm vườn khác của công ty đã lên đến hơn 300 ha. Sau khi về hưu vào năm 2012, Thomas Hooft vẫn còn tham gia tích cực vào hoạt động của công ty cho tới ngày ông qua đời. Thomas không chỉ đam mê làm vườn mà ông còn có một tình yêu mãnh liệt với Việt Nam, nơi ông coi như quê hương thứ hai của mình. Tro của ông đã được mang từ Hà Lan sang chôn cất tại Việt Nam, theo ý nguyện cuối cùng của ông.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “27 năm trước từng bị gọi là “điên” khi đưa nhà kính về Việt Nam, nhưng người đàn ông này đã giúp Đà Lạt trở thành thủ phủ hoa của cả nước” đăng trên mạng Café Biz ngày 13/02/2019. 
  2. Bài viết “Tin hiệu vui từ thị trường xuất khẩu hoa” đăng trên mạng Café Biz ngày 22/10/2020. 
  3. Bài viết “Hoa tươi Dalat Hasfarm được trồng và thu hoạch như thế nào?” đăng trên mạng Dalat Hasfarm ngày 15/2/2019. 
  4. Bài viết “Người trồng hoa số 1 không còn nữa” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 22/10/2020. 
  5. Bài viết “Một doanh nhân phương tây: Sống cho “tâm hồn” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 8/2/2015. 

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *