Vị thế Việt Nam – 8 tháng đầu 2021

250 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Năm 2020: Forbes, Bloomberg, New York Times, Nikkei Asia … liên tục gọi Việt Nam là bình minh đang lên, ngôi sao sáng, phép màu châu Á. Không ít thì nhiều, các quốc gia trên toàn cầu dành sự quan tâm cho các bảng xếp hạng để xem họ đứng ở đâu. Xếp hạng hàng năm 2020 Best Countries Report của trang U.S. News & World Report cho thấy theo thứ tự cao thấp. Trước đây, tác giả liệt kê chi tiết về vị thế Việt Nam nằm trong bài “Kinh tế – Chính trị Việt Nam”; tuy nhiên kể từ 2021, các chi tiết này được tách riêng ra thành một bài viết riêng biệt. Bài viết này được đưa lên mạng mổi 6 tháng vì sự thay đổi càng ngày càng nhiều.

Tháng 3 năm 2021, Việt Nam đã lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình với 61.7 điểm, trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90 trong số 178 quốc gia được đánh giá vào bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) 2021. Theo bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) vừa công bố, năm nay là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2.9 điểm và thăng 15 bậc so với năm ngoái (nhóm hầu như không tự do). Nguyên nhân chỉ số này của nền kinh tế Việt Nam thăng hạng là do tình hình tài chính trong nước được cải thiện. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Ngoài Singapore ở vị trí số 1, bốn nước còn lại trong nhóm các nền kinh tế “tự do” gồm có New Zealand, Australia, Thụy Sỹ và Ireland, lần lượt từ vị trí thứ 2 đến thứ 5 trên bảng Chỉ số Tự do Kinh tế, mà Heritage dùng để đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các nền kinh tế trên thế giới dựa trên việc đánh giá các yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế. Mỹ và Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất và thứ 3 thế giới lần lượt ở thứ hạng 20 và 23, nằm trong nhóm các nền kinh tế “gần tự do”, trong đó có Anh (7) và Đức (29). Trung Quốc tụt hạng xuống vị trí thứ 107 trong nhóm các nền kinh tế “hầu như không tự do”, trong đó có hầu hết là các quốc gia châu Phi và một số nước châu Á như Bangladesh (120), Ấn Độ (121), Miến Điện (135) và Lào (141).

Ngày 6/3, tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045”. Tại thời điểm năm 2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người 3,521 USD, đứng thứ 6 ASEAN. Như vậy, mục tiêu 2025 GDP bình quân đầu người là 4,700 – 5,000 USD và năm 2030 là 7,500 USD, đến năm 2045 Việt Nam sẽ vượt qua mức 12,000 USD để trở thành nước có thu nhập cao.  Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giai đoạn 2020 – 2030 ở mức 6 – 6.5%, giai đoạn 2030 – 2045 ở mức 5.5 – 6%. Và theo tính toán, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 6.2 – 6.5% trong năm 2030 – 2045, thu nhập bình quân đầu người là 16,500 USD.

Trang Diplomat trong tháng 1/2021 có bài viết với tiêu đề “Should Vietnam Embrace Middle Power Status?”, trong đó đưa ra câu hỏi mở rằng Việt Nam có nên định hình mình là một cường quốc bậc trung. Theo Diplomat, các học giả đang kêu gọi Việt Nam hãy coi mình là một cường quốc bậc trung và cư xử như một cường quốc bậc trung thực sự để phù hợp với vai trò ngày càng quan trọng của mình trong khu vực. Mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc định hình một quốc gia như thế nào sẽ trở thành cường quốc bậc trung như “vị trí địa lý, quy chuẩn, hành vi cũng như những thành tựu”, nhưng cơ bản Việt Nam là quốc gia đã vượt qua được những chuẩn mực cần thiết, theo Diplomat. Vấn đề là khi nào Việt Nam xem như hợp lý nhất để có quyết định này.

Việt Nam và báo chí ngoại quốc

Việt Nam sẽ chuẩn bị chiến lược, chiến thuật gì trước làn sóng Trung Quốc + 1, một xu thế kinh tế đã xuất hiện toàn cầu trong thời gian vừa qua. Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực” (trích hồi ký Singapore Story của Lý Quang Diệu). Trung Quốc sẽ là “bạn hay thù”, nên “cương hay nhu” là bài toán khó theo từng thời điểm, tuy nhiên nếu tỉnh táo nhìn lại lịch sử thì mối quan hệ hữu cơ giữa hai quốc gia lân cận nhau là không thể tránh khỏi về kinh tế, chính trị và xã hội. Lời giải thật ra không ở bên ngoài mà nằm ở chính nội lực Việt Nam chúng ta. Phải làm cho chính chúng ta mạnh lên trước đã. Biết xây dựng một chữ HÒA để tập trung nội lực phát triển kinh tế, dân giàu, nước sẽ mạnh trong 10 năm tới. Việt Nam nếu tận dụng được cơ hội của mình sẽ hoàn toàn có thể vừa làm bạn hàng, vừa cạnh tranh với lánh giềng hùng mạnh để tạo một đà tăng trưởng GDP tương đương 9 ~ 10%, khi so với sự chững lại của Trung Quốc sau 2 thập niên tăng trưởng liên tục từ 13 ~ 15% GDP – sẽ thấy cơ hội Việt Nam trong thời gian sắp tới là có thật.

VỊ THẾ VIỆT NAM

  • Việt Nam hôm 18/1/2021 trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Công nghệ Foxconn để xây dựng nhà máy trị giá 270 triệu USD sản xuất máy tính cho thương hiệu Apple của Mỹ tại tỉnh Bắc Giang, theo Báo điện tử Chính phủ. Nhà máy do dự án Fukang Technology đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp Quang Châu sẽ sản xuất và gia công khoảng 8 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay mỗi năm, theo tuyên bố đăng trên cổng thông tin điện tử Chính phủ. Trước đó vào tuần trước, truyền thông Việt Nam cho biết Foxconn cũng đang dự định đầu tư 1.3 tỷ USD vào tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội 160 km. Đại diện Foxconn đã gặp mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá để tìm hiểu cơ hội đầu tư và tìm kiếm địa điểm có diện tích 100-150 ha với doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD một năm, theo Tạp chí Thị trường Tài chính – Tiền tệ. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia trọng yếu trên thế giới về xuất khẩu hàng điện tử, khi nhảy 35 bậc để tiến lên Top 12 nước trên thế giới vào 2019 trong lĩnh vực này. Các ông lớn điện tử doanh thu hàng tỷ USD đang đưa Bắc Giang thành tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Vốn đầu tư FDI tiếp tục đổ mạnh mẽ về Bắc Giang.

Khu công nghiệp Vân Trung tại Bắc Giang

  • Ngoài ra, Pegatron – một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony dự định rót 1 tỷ USD vào 3 dự án tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Doanh thu của Tập đoàn này trong 5 năm gần đây lên tới hàng nghìn tỷ USD nhưng mang về chỉ vài chục tỷ USD thu nhập ròng mỗi năm. Pegatron từng được biết đến là nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai ở Đài Loan, sau Foxconn Technology Group. Theo Reuters, cơ quan chức năng của Đài Loan vào tháng 6/2021 đã phê duyệt kế hoạch đầu tư thêm 101 triệu USD vào Việt Nam của Pegatron Corp – đối tác sản xuất lớn của Apple, Microsoft và Sony.
  • Đầu năm 2021, có tin LG cân nhắc rút khỏi thị trường di động, truyền thông Hàn Quốc cho biết hãng điện tử này đang đàm phán để bán lại mảng kinh doanh smartphone tại thị trường Mỹ cho tập đoàn Vingroup. Trước đó, có một số đối tác ngỏ ý mua lại bộ phận di động của LG Electronics nhưng Vingroup đưa ra lời đề nghị hấp dẫn nhất. Giới truyền thông Hàn Quốc cũng cho biết, hiện Vingroup quan tâm tới việc thâu tóm mảng kinh doanh smartphone của LG Electronics tại Mỹ để có thể thâm nhập thị trường tiềm năng và khó tính này. Mặc dù LG Electronics đang không hoạt động tốt ở Hàn Quốc hay châu Âu, nhưng hãng công nghệ này vẫn được người tiêu dùng ở thị trường Bắc Mỹ yêu thích. Theo The Verge, trong nhiều năm qua, mảng kinh doanh smartphone của LG gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ, chịu lỗ 22 quý liên tiếp và ghi nhận tổng thiệt hại lên mức 4.5 tỷ USD. Theo Korea Times, nỗ lực gần đây của LG Eletronics trong việc bán nhà máy điện thoại di động cho Tập đoàn Vingroup (Việt Nam) đã tạm thời đình chỉ. Nguyên nhân đến từ đề nghị của Vingroup thấp hơn so với mức mong muốn của Tập đoàn Hàn Quốc, nguồn tin cấp cao trong ngành cho biết.
  • Tháng 1/2021, Vietjet vừa được tạp chí về vận tải hàng không Payload Asia vinh danh là “Hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong khoang hành lý tốt nhất của năm” và “Hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hoá tốt nhất năm”. Giải thưởng được dành cho các hãng hàng không, sân bay, nhà cung ứng toàn cầu có hoạt động hàng hoá và giải pháp vận tải hàng không nổi bật trong năm, đặc biệt đóng góp vào hoạt động thương mại điện tử. Trong năm 2020, Vietjet đã chuyển đổi cấu trúc một số tàu bay, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lưc vận tải hàng hoá cho đội bay. Hãng đã vận chuyển được hơn 60,000 tấn hàng hóa giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 75% so với năm trước.
  • Tập đoàn công nghệ Intel của Mỹ xác nhận đã đầu tư thêm $475 triệu vào Intel Products Việt Nam, một trong các cứ điểm sản xuất lớn nhất của tập đoàn này trên thế giới. Theo Nikkei Asia ngày 27/1, Intel cho biết cho biết khoản đầu tư bổ sung này được thực hiện vào nửa cuối năm ngoái, giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G, bộ xử lý Intel Core với Công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.
  • Tập đoàn AVG Capital Partners của Nga vừa ký kết một bản ghi nhớ với Chính quyền tỉnh Thanh Hóa về triển khai dự án xây dựng tổ hợp chế biến thịt lợn, với trị giá 1.4 tỷ USD. Dự án của AVG Capital Partners đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quy mô trang trại được cho biết có diện tích ít nhất 1,000 ha và chăn nuôi năm triệu con lợn/năm. Nhà máy đặt kế hoạch sản xuất khoảng hai triệu tấn thịt lợn/năm. Lò mổ và nhà máy chế biến với sông suất 0.6 triệu tấn/năm dự định sẽ được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 400 ha.
  • Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene đã trình bày về cách Việt Nam xét nghiệm chuẩn RT-PCR cho 100,000 người ở Đà Nẵng chỉ trong 14 ngày, đồng thời tiết kiệm 77% sinh phẩm. Đó chính là phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp. Công trình được thực hiện bởi các tác giả từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đặt tại TP.HCM, Khoa Y Nuffield từ Trung tâm Y học Nhiệt đới và sức khỏe toàn cầu Đại học Oxford (Vương Quốc Anh).
  • Việt Nam vừa vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên trở thành quốc gia có số lượng người lao động cao nhất tại Nhật Bản, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, theo số liệu thống kê năm 2020 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Với 443,998 nhân công làm việc tại Nhật Bản vào ngoái, Việt Nam đứng đầu danh sách về lực lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản, vượt qua Trung Quốc với 419,431 nhân công, xếp thứ hai. Philippines đứng thứ ba với 184,750 nhân công.
  • Lâu nay, Việt Nam vẫn nhập siêu rau quả từ Thái Lan với giá trị lớn. Nhưng trong năm 2020, tình thế đã đảo ngược khi Việt Nam xuất siêu rau quả sang Thái. Mấy năm trước, không mấy ai nghĩ tới ngày Việt Nam xuất siêu rau quả sang Thái Lan, bởi Thái Lan đi trước Việt Nam khá nhiều trong lĩnh vực sản xuất rau quả hàng hóa và xuất khẩu rau quả, và nhất là khi ấy Việt Nam đang nhập siêu rau quả Thái Lan với giá trị lớn. Cụ thể, năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đạt tới 857 triệu USD, trong khi giá trị xuất khẩu rau quả sang Thái Lan chỉ là 36 triệu USD. Đến năm 2020, xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 157 triệu USD, tăng tới 209.7% so với năm 2019 trong khi đó nhập cảng đã giảm rất mạnh xuống còn 78 triệu USD. Với giá trị này, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 3 trong những thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Phẩm chất loại rau quả Việt Nam nhất là sầu riêng, thanh long, nhãn, vải, bơ, chôm chôm … và hệ thống phân phối đã cải tiến rất nhanh. Một điều cần để ý là Việt Nam đã xuất sang Thái Lan để “mượn đường” nhập chính ngạch vào thị trường Trung Quốc với danh nghĩa sản phẩm của Thái Lan. Tính đến năm 2020, Việt Nam chỉ có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Sầu riêng Việt Nam cũng được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng. Ảnh: Tiền Giang

  • Các nhà máy dệt kim ở ngoại thành Hà Nội thuộc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Doximex) là nơi may khẩu trang cho Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Doximex dùng chất liệu bông nhập từ Hoa Kỳ để “sản xuất khẩu trang cho lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ,” Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ thông tin trên Facebook hôm 5/2, đồng thời cho biết rằng một đoàn các binh sĩ của đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Đại sứ quán và các nhà ngoại giao vừa thăm hai nhà máy của công ty. Cũng cần nên biết Việt Nam mua 25% số bông sản xuất tại Hoa Kỳ với sản lượng tiêu thụ 1.5 triệu tấn/năm.
  • Thống kê của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam cho thấy trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 6.25 triệu tấn gạo, giảm nhẹ gần 2% so với năm trước. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn xuất khẩu được hơn 14 triệu tấn gạo trong năm 2020, giữ vị trí số một trong lĩnh vực này. Nước giữ vị trí thứ hai xuất khẩu gạo trong năm 2019 là Thái Lan vào năm qua lại giảm xuống còn 5.27 triệu tấn, thấp hơn Việt Nam. Việt Nam vừa quyết định mua một số lớn gạo tấm của Ấn Độ với giá 310 USD/tấn. Tin được báo trong nước loan đi ngày 5/1/2021, dẫn nguồn từ Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Lúa Gạo Ấn Độ, cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên Ấn Độ xuất khẩu một số lượng lớn gạo sang thị trường Việt Nam. Trong khi gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500 USD/tấn, gạo Ấn Độ cùng loại được chào bán với giá hơn 380 USD mỗi tấn. Điều cần để ý là khu tứ giác Long Xuyên có diện tích 1 triệu ha trong 2.8 triệu ha cũng trồng lúa với vùng qui hoạch chính tiếpgiáp với Campuchia. Nguyên vùng đó là nơi sông Mekong mới đổ vào Đồng Bằng sông Cửu Long, luôn luôn có nước ngọt. Vùng này sản xuất 3 vụ lúa/năm. Nếu mưa thuận gió hòa và nếu qui hoạch vững, Việt Nam sẽ đủ lượng xuất khẩu 5, 6 triệu tấn mỗi năm. Cây lúa giống nổi tiếng ST25 tại Sóc Trăng được xếp hạng là hạt gạo ngon nhất thế giới.

Bản đồ tứ giác trồng lúa của Việt Nam (màu xanh lục)

  • “Với vị trí địa lý và quy mô dân số, Việt Nam lẽ ra đã là một điểm nóng về dịch. Nhưng bằng mô hình chống dịch chi phí thấp và các biện pháp cơ bản, Việt Nam đã kiềm chế được dịch trong vòng vài tháng”, theo trang Business Insider. Trong bài viết đăng ngày 21-2, Business Insider – tờ báo điện tử có trụ sở tại New York (Mỹ) – đã điểm qua một loạt thành tựu chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Trích dẫn bảng xếp hạng của Viện nghiên cứu Lowy (Úc), Business Insider khẳng định trong số các nước đang có dịch COVID-19, Việt Nam xếp thứ 2 về mức độ kiểm soát dịch hiệu quả, chỉ sau New Zealand. Tiếp tục dựa vào bảng xếp hạng trên, Business Insider cho biết Mỹ chỉ xếp hạng thứ 94 và thiếu nhiều biện pháp chống dịch hiệu quả. Nhấn mạnh đến việc Việt Nam chưa bao giờ phải phong tỏa toàn quốc gắt gao như Anh hay một số nước châu Âu, Business Insider khẳng định đây là minh chứng cho cách làm “rẻ nhưng hiệu quả” của Việt Nam.
  • Từ tháng 1/2021 đến nay, đã có 3 mẫu điện thoại mang ID V340U, V341U và V350U do nhà sản xuất VinSmart chính thức lên kệ của nhà mạng AT&T. Mặc dù xuất hiện dưới tên do AT&T đặt nhưng thông qua các hình ảnh và thông số 3 mẫu điện thoại được công khai trên trang thương mại điện tử chính thức của nhà mạng này, có thể nhận ra Fusion Z chính là V340U, Motivate là V341U và Maestro Plus là V350U. Đặc biệt, nếu soi kỹ, khách hàng sẽ dễ dàng tra cứu sản phẩm thông qua ID này trên tất cả các website cấp chứng chỉ uy tín tại thị trường Mỹ do thông lệ của AT&T là tất cả những mẫu điện thoại đều được gắn với ID của nhà sản xuất. Giá bán của cả 3 mẫu điện thoại này lần lượt là 89 USD, 49 USD và 40 USD, trong đó bao gồm gói cước ưu đã trả trước từ nhà mạng AT&T và chế độ bảo hành hai năm. Đáng chú ý, trong danh sách mà FCC công bố, xuất hiện mẫu điện thoại mang mã ID V740S. So sánh về thông số kỹ thuât, V740S chính là mẫu điện thoại Vsmart Aris. Như vậy, việc đại diện VinSmart từng tiết lộ sẽ mang các sản phẩm uy tín, chất lượng tốt nhất đến Mỹ, dự kiến bao gồm bộ đôi Vsmart Aris và Vsmart Aris Pro là hoàn toàn chính xác. Điều cần để ý là tại Mỹ, đa số người dùng sẽ đến những cửa hàng của nhà mạng để mua điện thoại. Chính mô hình này đã khiến cho nhà mạng tại Mỹ nắm quyền lực rất lớn. Không có các nhà mạng Mỹ hỗ trợ, các nhà sản xuất sẽ không thể bán được điện thoại. Điều này xảy ra ngay cả với những cái tên “sừng sỏ” trên thị trường quốc tế như Samsung. Thế nhưng tại Mỹ, Samsung vẫn phải chiều lòng các nhà mạng tại đây. Với mỗi một nhà mạng Mỹ là AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint; Samsung lại phải tạo ra một phiên bản khác biệt của Galaxy S. Với một thương hiệu smartphone còn non trẻ và khao khát được nhiều người dùng thế giới biết đến như Vsmart, rõ ràng, việc bị các nhà mạng Mỹ “gạch tên” là một điều thông thường. Biết đâu có một ngày Vsmart lại được như Samsung.

Vinsmart phones dưới dãn hiệu AT&T

  • Nhà trồng táo hữu cơ dẫn đầu New Zealand thông báo mở văn phòng mới tại TP.HCM, nhằm mở rộng tiếp cận vào thị trường châu Á. Trong 5 năm qua, Bostock New Zealand đã báo cáo sản lượng táo nhập khẩu vào Việt Nam tăng 2,000%. Trong mùa táo năm 2021, Bostock New Zealand dự kiến chứng kiến doanh số bán hàng hữu cơ tăng 300% so với mùa trước.

Táo Dazzle là loại táo hữu cơ New Zealand được tìm kiếm nhiều nhất trên thị trường sau mùa vụ năm 2020 thành công. Ảnh: Bostock

  • Ngày 16/2/2021, Chương trình Đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á (ASEAN NCAP) đã trao giải “Hãng xe mới có cam kết cao về an toàn” cho VinFast. ASEAN NCAP Grand Prix Awards là sự kiện được tổ chức hai năm một lần bởi Chương trình Đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á từ năm 2014, nhằm vinh danh các nhà sản xuất ô tô có thành tích xuất sắc về an toàn.

VinFast được trao giải thưởng “Hãng xe mới có cam kết cao về an toàn”, khẳng định chất lượng, độ an toàn của các dòng sản phẩm thương hiệu Việt.

  • Viettel vừa được Brand Finance – công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố được định giá 6.016 tỷ USD (tăng 3.4% so với năm 2020) trong bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới 2021. Viettel tiếp tục là thương hiệu Việt Nam duy nhất trong danh sách này, xếp thứ 325 thế giới, tăng 32 bậc so với năm trước đó. Đồng thời cũng là thương hiệu viễn thông duy nhất tại Đông Nam Á có mặt trong bảng xếp hạng này. Theo báo cáo của Brand Finance, có tổng cộng 34 thương hiệu viễn thông top 500 tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu viễn thông thế giới đều có mức giảm giá trị trung bình -2%. Viettel xếp hạng trên các thương hiệu: Nescafe (Thụy Sĩ); Qualcomm (Mỹ); Spotify (Thụy Điển); Lenovo (Trung Quốc); Claro (Mexico)…
  • Theo Nikkei Asia, bất ổn chính trị tại Myanmar đã thúc đẩy các nhà đầu tư buộc phải rút vốn sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, trước tình hình phức tạp tại Myanmar, các quỹ đầu tư như Delta Capital, Anthem Asia… vẫn tiếp tục chờ đợi diễn biến tiếp theo. Trong khi đó, những quỹ đầu tư có phạm vi hoạt động rộng hơn đang chuyển dần tiền đến các quốc gia khác như Việt Nam và Campuchia. Trong 5 năm qua, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar là 4 quốc gia có tăng trưởng GDP hàng năm đạt mức khoảng 6%, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, trong khi Việt Nam đứng đầu về giá trị dòng vốn thu hút FDI với 16.1 tỷ USD thì Myanmar là quốc gia có mức tăng trưởng FDI cao nhất với 55,9% trong năm 2019. Song, bất ổn chính trị tại Myanmar vào tháng 2/2021 rất có thể đã làm dừng phần lớn dòng chảy này.
  • Hãng xe thuộc tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới đây đã phát đi thông báo kêu gọi đối tác có mặt bằng phù hợp cùng đầu tư hạ tầng trạm sạc xe điện rộng khắp trên toàn quốc với mạng lưới dự kiến gồm 2,000 trạm sạc với hơn 40,000 trụ sạc pin. 

Trạm sạt điện Vinfast

  • Mỹ đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông sản Việt Nam khi kim ngạch kim xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 2.4 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2021. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam được VnExpress trích dẫn cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản trong tháng 1 và 2 của cả nước đạt gần 11 tỷ USD. Trong đó nông sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 2.04 tỷ USD và đây là mức tăng 57.3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 33% thị phần. Trung Quốc là thị trường thứ 2 nhập khẩu nông sản của Việt Nam, vẫn theo số liệu thống kê trong 2 tháng đầu năm nay của Bộ NN-PTNT được VnExpress trích dẫn. Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường quốc gia láng giềng, hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, ước đạt 1.88 tỷ USD. Hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc cũng có mức tăng tương đương với hàng xuất sang Mỹ, khi đạt 57.9% và chiếm hơn 30.5% thị phần.
  • Ngày 26/2, Hiệp hội ôtô ASEAN (AAF) đã có báo cáo về kết quả bán hàng của các thành viên hiệp hội trong năm 2020, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar, Indonesia, Malaysia và Brunei. Theo số liệu từ Hiệp hội ôtô ASEAN, Việt Nam vượt qua Philippines để xếp thứ 4 trong số những thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất Đông Nam Á.

Việt Nam xếp thứ 4 trong số những thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất Đông Nam Á

  • Theo Bloomberg, VinFast – thương hiệu ô tô Việt Nam – có dự định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ sau khi thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển ô tô (R&D) tại San Francisco với nhân sự ban đầu là 50 người. Bà Thái Thanh Hải – tổng giám đốc VinFast – không cung cấp thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm có thể đặt nhà máy tại Mỹ. Vào tháng 9-2020, Thống đốc bang California Gavin Newson đã đặt ra lộ trình dừng bán xe xăng vào 2035, nhằm đưa California trở thành bang “không khí thải”. Chính sách này cũng là động lực thúc đẩy VinFast bán xe điện tại thị trường Mỹ.
  • Vietjet được AirlineRatings trao tặng chứng chỉ 7 sao, mức cao nhất về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dành cho các hãng hàng không toàn cầu. AirlineRatings, đơn vị uy tín chuyên đánh giá các sản phẩm và an toàn hàng không, là chuyên trang đầu tiên chấm điểm các hãng hàng không trên thế giới về thực hiện phòng chống Covid-19. Trong số các hãng hàng không đạt chứng nhận mức tuyệt đối 7/7 sao có những hãng nổi tiếng thế giới như Emirates, Etihad Airways, British Airways, Qatar Airways, Delta Air Lines, Jetblue, Lufthansa, Southwest, Air New Zealand, KLM…
  • Ngày 3/3/2021, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Công ty Công nghệ ProLogium (Đài Loan) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược. Theo đó, VinFast được quyền sử dụng các bằng sáng chế của ProLogium để sản xuất pin thể rắn (Solid-state battery) ở Việt Nam. Trong năm 2021, Toyota sẽ trình làng một mẫu xe điện chạy bằng pin thể rắn, với kế hoạch tiếp theo là nhà sản xuất ô tô đầu tiên bán xe điện chạy bằng pin thể rắn.

Sự khác biệt giữa Pin thể lỏng và Pin thể rắn

  • Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Trong đó, Trung Quốc xếp vị trí số 1, Ấn Độ xếp vị trí thứ 2, Indonesia ở vị trí thứ 3. Quatar và Thổ Nhĩ Kỳ xếp sau Việt Nam ở vị trí thứ 9 và thứ 10. Trong số các nước ASEAN, Indonesia xếp ở vị trí thứ 3, Malaysia ở bậc 5, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, Thái Lan xếp ở vị trí thứ 11, Philippines ở vị trí thứ 21, Campuchia 41. 

Top 10 bảng xếp hạng

  • Theo ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng tại VinaCapital, chính phủ Việt Nam đã xử lý rất tốt và thành thạo đối với đợt bùng phát Covid-19 hiện nay. Do đó, kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 6.5 – 7% so với mức 2.9% năm 2020.

Năm 2021, GDP của Việt Nam được dự báo tăng trưởng cao nhất là 7%.

  • Bản tin mới trên You Tube ngày 11/3 loan tin Mỹ giúp Việt Nam tìm mỏ đất hiếm to nhất thế giới tại vùng đồi núi tại thôn Pa Vệ Sử, huyện Mường Tẻ, tỉnh Lai Châu. Tác giả loan tin này với sự dè dặt tối đa vì chưa có xác nhận chính thức. Tin cho biết mỏ nằm dọc theo biên giới Việt – Trung và là mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới. Đặc biệt, mỏ có 18 nguyên tố hóa học trong khi các nơi khác trên thế giới chỉ có 17.

Vị trí huyện Mường Tẻ

  • Tính đến giữa tháng 2/2021, có 7 quốc gia mở cửa đón khách tiêm vaccine Covid-19, gồm Cộng hòa Cyprus, Estonia, Georgia, Iceland, Ba Lan, Romania và quần đảo Seychelles. Song song với nhiều quốc gia đã tiếp nhận khách tiêm vaccine Covid-19, một số nơi như oa Kỳ, Thái Lan,Guatemala, Hoa Kỳ, Thái Lan, Đan Mạch, Hy Lạp, Israel đang chuẩn bị từng bước cho các kế hoạch đón khách quốc tế.
  • Ngày 21/4/2021, Tập đoàn Vingroup sẽ chính thức khai trương “Trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center” tại Bắc đảo Ngọc. Với quy mô lên đến hơn 1,000 ha, sở hữu hàng nghìn hạng mục vui chơi giải trí kỷ lục và hệ sinh thái nghỉ dưỡng, mua sắm hoạt động 24/7 – Phú Quốc United Center sẽ là siêu quần thể không ngủ đầu tiên tại Việt Nam; đưa Phú Quốc trở thành “điểm đến quốc tế mới” tại châu Á. Phú Quốc United Center có tổng vốn đầu tư hơn 66,000 tỷ đồng (2.9 tỷ USD), được phát triển theo mô hình “một điểm đến mọi nhu cầu”, gồm hệ thống các thương hiệu khách sạn từ Mini Hotel đến các thương hiệu 5 sao như Vinpearl, VinOasis, VinHoliday, Radison Blue … với hơn 10,000 phòng; Công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam VinWonders Phú Quốc; một trong những Công viên bảo tồn động vật bán hoang dã lớn nhất châu Á Vinpearl Safari; Sân golf 18 hố Vinpearl Golf; Corona Casino 5 sao, Thành phố mua sắm giải trí không ngủ Grand World; Bệnh viện Vinmec…   

Trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center” tại Bắc đảo Ngọc – Phú Quốc

  • Ngày 16/3, Sojitz Osaka Gas Energy Company Ltd (SOGEC) của Nhật đã ký kết thỏa thuận cung cấp với Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (ACV) trong việc cung cấp khí tự nhiên cho các nhà máy thực phẩm của ACV. Dự án này sẽ được thực hiện với sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. SOGEC là công ty liên doanh giữa Sojitz Corporation (Sojitz) và Osaka Gas Co Ltd (Osaka Gas), còn ACV là công ty con của Acecook Co Ltd. Theo một tuyên bố, SOGEC đang tập trung nỗ lực vào việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí tự nhiên và dự án này đánh dấu lần đầu tiên công ty cung cấp khí tự nhiên cho một doanh nghiệp cá nhân. Dự án được trợ cấp theo cơ chế Cơ chế Tín dụng Chung (JCM) của Nhật Bản.
  • Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khen ngợi thành công của kinh tế Việt Nam giữa khủng hoảng dịch Covid-19, đồng thời khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện.

Tăng trưởng kinh tế 2020 của các nước ASEAN

  • Trong năm 2020, vì đại dịch Covid-19, xuất khẩu thủy hải sản của 10 nước lớn nhất thế giới đều bị giảm. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thuỷ sản của nước này đã giảm 8% xuống còn 18.3 tỷ USD. Na Uy, quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất châu Âu, cũng ghi nhận mức xuất khẩu giảm 8%. Na Uy hiện đang đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng, sau Trung Quốc và trước Việt Nam. Còn Việt Nam, đứng thứ 3, giảm 2% trong năm ngoái, đạt 8.41 tỷ USD. Hoa Kỳ, từ nước đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng, đã tụt xuống vị trí thứ 11. Tây Ban Nha là nước thay thế Mỹ nhờ vào duy trì xuất khẩu ổn định ở mức 4.5 tỷ USD trong năm ngoái. Mỹ có thể bị tụt hạng hơn nữa khi các quốc gia sản xuất thuỷ sản lớn khác công bố dữ liệu thương mại cả năm, theo VASEP.
  • Mới đây, Moody’s Investors Service (Moody’s) đã công bố về việc xếp hạng cho khả năng thanh toán nợ dài hạn và nợ “được ưu tiên trả trước” không có tài sản bảo đảm (long-term issuer and senior unsecured ratings) được phát hành bởi Chính phủ Việt Nam lên Ba3, thay đổi triển vọng từ “tiêu cực” thành “tích cực”. Hồi tháng 12/2019, Moody’s đã thay xếp hạng triển vọng của Việt Nam xuống mức tiêu cực. Sau đó, Moody’s thông tin rằng rủi ro đã giảm bớt, đồng thời tiếp tục đánh giá các thông lệ và hệ thống mà Chính phủ đã hoặc đang thiết lập. Cuối cùng, báo cáo kết luận, các tín hiệu trên cho thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng tăng, điển hình là khả năng tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hưởng lợi từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
  • Hôm 19/3, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ẩn danh cho biết, Foxconn của Đài Loan đang trong giai đoạn đàm phán bước đầu với VinFast về các cơ hội hợp tác. Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin độc quyền của họ cho biết Foxconn đã đề nghị mua lại dây chuyền sản xuất xe điện của VinFast. Tuy nhiên, công ty con của Tập đoàn Vingroup muốn thiết lập quan hệ hợp tác với Foxconn thay vì bán lại dây chuyền, các nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết. “Vingroup đã nhận được các đề xuất từ Foxconn nhưng chưa có gì chắc chắn. Quan hệ hợp tác, nếu có, sẽ tập trung vào phát triển pin và các linh kiện xe điện”, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Tập đoàn Vingroup. Năm ngoái, VinFast đã bán được khoảng 30,000 xe hơi và dự đoán trong năm 2021 doanh số bán sẽ tăng lên 45,000 chiếc. Công ty này cũng sẽ bắt đầu bàn giao ôtô điện được sản xuất tại nhà máy của VinFast tại thành phố Hải Phòng tới khách hàng nội địa trước tháng 12 năm nay.
  • Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc vừa công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021 (World Happiness Report). Năm thứ tư liên tiếp, Phần Lan dẫn đầu bảng xếp hạng này. Trong khi đó, Việt Nam xếp vị trí 79, tăng 4 bậc so với năm ngoái. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore xếp hạng 32, Thái Lan ở vị trí 54, Malaysia và Indonesia lần lượt ở vị trí 81 và 82. Lào xếp hạng 100, Campuchia ở vị trí 114 còn Myanmar xếp hạng 126.
  • Chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ CH Áo Thomas Schuller-Gotzburg và ông Ingolf Schroeder, Giám đốc điều hành Công ty AT&S. Thủ tướng Việt Nam hoan nghênh hoan nghênh ông Ingolf Schroeder và các thành viên của Công ty AT&S sang nghiên cứu và đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đại sứ CH Áo đánh giá cao sự lớn mạnh về kinh tế-xã hội của Việt Nam những năm qua; bày tỏ tin tưởng dự án mà AT&S triển khai sẽ phù hợp phát triển của Việt Nam về thu hút đầu tư công nghệ cao. Đây là dự án đầu tư quy mô lớn khoảng 1.5 tỷ Euro, thu hút khoảng 6,000 lao động. Đại sứ cho biết, đoàn Công ty AT&S đã đi khảo sát một số địa phương ở Việt Nam. AT&S còn được gọi là AT & S Austria Technologie & Systemtechnik Aktiengesellschaft chuyên thiết kế và sản xuất bảng mạch in cao cấp và chất nền cho chất bán dẫn.
  • Ngân hàng Thế giới hôm 26/3 công bố một báo cáo nói rằng Việt Nam và Trung Quốc hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn tiền đại dịch, trong khi các nước khác ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ mất nhiều năm hơn mới hồi phục kinh tế. Khu vực này sẽ có 3 tốc độ phục hồi khác nhau, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo. Việt Nam có hoạt động kinh tế nổi trội so với các nước khác, với mức tăng trưởng năm nay dự kiến lên đến 6.6%, tăng từ mức 2.9% của năm ngoái, Ngân hàng Thế giới tiên liệu. Vẫn Ngân hàng Thế giới dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8.1% trong năm nay, so với mức 2.3% của năm ngoái.
  • Sáng 31/3, Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức ra mắt Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (AI). Trung tâm này được thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp với sự chung tay của Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc).
  • Chiều cao nam thanh niên Việt Nam tăng gần 4 cm trong mười năm qua, tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước đó. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 công bố hôm nay, chiều cao trung bình nam thanh niên là 168.1 cm, tăng 3.7 cm so với năm 2010; nữ cao trung bình 156.2 cm, tăng 1.4 cm.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty Cổ phần Sản xuất Container Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát), theo đó Hòa Phát sẽ hoàn thiện các thủ tục và khởi công xây dựng ngay trong tháng 6/2021.Hòa Phát cho biết, nguyên liệu cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Tại Việt Nam, chỉ có Hòa Phát sản xuất được loại thép này. Trên thực tế năm 2020, Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phôi thép vào thị trường Trung Quốc. Chi phí sản xuất của Hòa Phát nói riêng cũng như nhiều hàng hóa Việt Nam khác đã rất cạnh tranh và ngày càng cạnh tranh so với Trung Quốc. Dự kiến đầu quý 2/2022, những sản phẩm container rỗng đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường. Được biết, cuối năm thường là cao điểm của tình trạng khan hiếm container rỗng. Đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm thay đổi cán cân xuất nhập khẩu, càng khiến tình trạng thiếu hụt container trở nên phức tạp hơn.

Loại thép HRC sản xuất tại Dung Quốc dùng để chế tạo vỏ container

  • Theo kết quả của Công ty Plimsoll Publishing Ltd về Top 50 nhà sản xuất sữa dẫn đầu thế giới về doanh số tại thời điểm tháng 3/2021 vừa được công bố, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục có mặt trong Top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu thế giới bằng sự thăng hạng vượt trội, từ vị trí 43 của năm đầu tiên có mặt trong danh sách (năm 2017) để vươn lên vị trí 36, bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành trong năm 2020.
  • Thông cáo báo chí của hãng NVIDIA ngày 20/4/2021 cho biết: Vingroup, tập đoàn đa ngành Việt Nam, đang lắp đặt siêu máy tính AI mạnh nhất khu vực Đông Nam Á là NVIDIA DGX SuperPOD mới. Siêu máy tính (supercomputer) này phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI (thuộc Vingroup) vế các ứng dụng cho xe điện tự hành, chăm sóc sức khỏe đến các dịch vụ cho người tiêu dùng … không chỉ tại Việt Nam mà còn hướng ra toàn cầu.
  • Theo ADB, năm 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng 6.7%, tiếp theo là Singapore và Malaysia 6.0%, Philippines và Indonesia 4.5%, Thái Lan 3%. ADB dự báo năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất Đông Nam Á với khoảng 7% tính đến tháng 4/2022, tiếp theo là Malaysia khoảng 5.7%, Philippines 5.5%, Indonesia 5%, Thái Lan 4.5% và Singapore 4.1%.

GDP comparison 2021 – 2022

  • Việt Nam là quốc gia “thắng lớn” trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung trong thời gian qua, chỉ từ 2018 đến 2021, quốc gia Đông Nam Á này tăng sáu hạng trong số các quốc gia xuất cảng vào Hoa Kỳ nhiều nhất, theo nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) hôm 12 Tháng Năm. Cựu Tổng Thống Donald Trump mở cuộc chiến áp thuế hàng nhập cảng từ Trung Quốc nhằm mục đích làm cho hàng hóa “made in China” đắt hơn, để gây áp lực các công ty Mỹ không tiếp tục nhập cảng từ quốc gia đông dân nhất thế giới này nữa. Tuy nhiên, kế hoạch này, nhằm đem việc làm trở về Hoa Kỳ – gọi là “Re-shoring of manufacturing” – không thành công vì các công ty Mỹ chuyển hướng đầu tư và đặt hàng từ những quốc gia Á Châu khác. Trong số này, Việt Nam hưởng lợi nhất khi từ hạng 12, hồi năm 2018, nhảy lên hạng sáu trong tính đến Tháng Ba, 2021 (link: www.census.gov/foreign-trade/statistics/highlights/toppartners.html) ở bảng xếp hạng các quốc gia xuất cảng hàng hóa vào nước Mỹ. Năm nước đứng đầu danh sách này, và trên Việt Nam, là Trung Quốc, Mexico, Canada, Nhật, và Đức, theo thứ tự. “Nếu mục đích là giảm hàng nhập cảng từ Trung Quốc, thì việc áp thuế thành công,” nhận định của ông Craig Allen, chủ tịch Hội Đồng Thương Mại Mỹ-Trung (US-China Business Council), đại diện các công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc. “Còn cho rằng mục đích là đem việc làm trở lại Mỹ, thì tôi hoàn toàn không thấy bằng chứng nào cả. Tuy nhiên, nếu nói rằng mục đích là làm gia tăng nhập cảng từ các quốc gia Á Châu khác, hay cụ thể là Việt Nam, thì kế hoạch áp thuế hoàn toàn thành công,” ông Allen kết luận.
  • Ngày 24/5, Quán cà phê đầu tiên của TNI King Coffee tại Hoa Kỳ vừa chính thức đi vào hoạt động. Quán tọa lạc tại 321 W Katella Ave Ste 142 Anaheim, CA92802. Quán nằm trong khu vực sầm uất Anaheim GardenWalk – trung tâm mua sắm và giải trí ngoài trời phía đông của Disney Resort với rất nhiều nhà hàng và cửa hiệu lớn.

Quán cà phê TNI King Coffee của Việt Nam tại Anaheim – California – USA

  • Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết đã được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Liên bang Australia (FIRB) chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của công ty con thuộc tập đoàn tại quốc gia này với trữ lượng 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. Hiện tại, Hòa Phát cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua thêm một số mỏ quặng sắt mới tại quốc gia này, với mục tiêu đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm). Ngoài Australia, ông Long cho biết tập đoàn đã lập bộ phận nghiên cứu để thương thảo mua các mỏ quặng tại một số quốc gia khác như Nam Phi. 

Mỏ sắt Australia của Hòa Phát

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát tại Dung Quốc – Quảng Ngải

  • Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất sang thị trường Mỹ trong bối cảnh thuế xuất tăng cao khiến các nhà sản xuất rời khỏi quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một nghiên cứu mới đưa ra của tạp chí Furniture Today cho biết về việc Việt Nam thay thế Trung Quốc để là nguồn cung đồ nội thất lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ. Tạp chí này gọi đây là “một trong những sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhập khẩu đồ nội thất gần đây” ở Mỹ. Việt Nam xuất hơn 7.4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ trong năm 2020, tăng 31% từ 5.7 tỷ USD của năm trước đó, theo dữ liệu từ nghiên cứu của Furniture Today. Trong khi đó, Trung Quốc xuất 7.33 tỷ USD sang Mỹ trong cùng giai đoạn 12 tháng của năm ngoái. Con số này giảm 25% so với 9.7 tỷ USD trị giá lượng hàng hóa nội thất mà Trung Quốc xuất sang Mỹ vào năm 2019.

Tỷ lệ nhập khẩu đồ nội thất của Hoa Kỳ

  • GDP Việt Nam sẽ chính thức được điều chỉnh theo hướng quy mô mở rộng vào tháng này để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Hãng tin Reuters vừa dẫn lời ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cuối tháng 11, Việt Nam sẽ chính thức công bố điều chỉnh quy mô GDP giai đoạn 2011-2017. Trước đó, vào tháng 8, Tổng cục Thống kê cho biết sẽ tăng kích cỡ quy mô GDP của Việt Nam lên 25.4% nhằm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và phản ánh tốt hơn kích cỡ quy mô và cấu trúc nền kinh tế. Nhóm chuyên gia IMF đánh giá rất cao việc Tổng cục Thống kê gần đây đã tiến hành những cuộc Tổng điều tra về kinh tế để đảm bảo độ bao phủ 100% tất cả các doanh nghiệp và các hoạt động về kinh tế. Bởi vì, IMF muốn Việt Nam có thể nắm bắt được tất cả các số liệu thống kê liên quan đến các doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài, mà trước đây có thể trong quá trình thống kê về GDP chưa tính được hết và chưa cập nhật được đầy đủ những số liệu này, để đảm bảo bao phủ 100% toàn bộ những hoạt động kinh tế ở Việt Nam. Ông Robert cũng cho rằng, hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết.
  • Theo dữ liệu của StockQ.org, VN-Index xếp thứ ba trong danh sách những thị trường biến động tích cực nhất tuần qua, sau Argentina và Hungary. Nếu tính trong nửa năm, VN-Index tăng đến 34.51% và đứng đầu về mức tăng so với các thị trường khác. Xếp tiếp theo trong danh sách này là chỉ số đại diện cho các sàn chứng khoán Abu Dhabi, Austria, Jordan, Luxembourg. Đà tăng của VN-Index đã phá vỡ phần lớn dự báo của các công ty chứng khoán trong nước. Dẫn lý do về rủi ro địa chính trị và diễn biến phức tạp, VDSC kỳ vọng VN-Index năm nay sẽ lên cao nhất 1,272 điểm, tương ứng tăng khoảng 15%. HSC, VCBS và VCSC dự báo tương tự khi cho rằng mức cao nhất của chỉ số vào khoảng 1,250-1,280 điểm. Một số công ty chứng khoán có vốn nước ngoài như Yuanta, Mirae Asset dự báo nhiều kịch bản, trong đó mức cơ sở khoảng 1,360 điểm cũng bị chinh phục và đang hướng kịch bản tích cực hơn là 1,420-1,700 điểm. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tăng nhanh đưa P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) lên khoảng 18.8 lần. Con số vẫn thấp hơn nhiều so với những nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan lẫn vùng đỉnh cũ trong lịch sử như đầu năm 2018. Nhiều nhóm phân tích cho rằng điều này thể hiện thị trường chứng khoán Việt Nam không còn rẻ. Điển hình như trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect, P/E hiện cao hơn 7.9% so với mức trung bình 5 năm qua là 16.5 lần và cao hơn 2.9% so với đầu năm nay.
  • Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang ngày 28/5, lô vải thiều tươi 2 tấn của Việt Nam được chuyên chở bằng máy bay sang Nhật Bản mới đây đã được bán hết chỉ trong vòng vài tiếng đầu tiên mở bán. Giá bán khoảng 350,000 – 500,000 đồng/kg (15.2 – 21.7 USD) trong khi giá nội địa chỉ khoảng 25,000 – 30,000 đồng/kg (1.1 – 1.3 USD). Đây là mức giá rất cao so với thị trường trong nước. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao, khen quả vải của Việt Nam đạt chất lượng tốt. Các doanh nghiệp phía Nhật cũng cho biết, dự kiến vụ vải thiều này họ sẽ nhập khẩu khoảng trên 1,000 tấn vải thiều từ Bắc Giang.

Vải thiều xuất khẩu qua Singapore, Nhật Bản

  • Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62.2 tỷ USD, tăng 32.5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32.7 tỷ USD, tăng 19.8%. Thị trường EU đạt 26.1 tỷ USD, tăng 14.5%. Thị trường ASEAN đạt 18.4 tỷ USD, tăng 23.3%. Hàn Quốc đạt 13.9 tỷ USD, tăng 9.9%. Nhật Bản đạt 13.5 tỷ USD, tăng 8.6%. Trong khi đó, về thị trường nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 72.5 tỷ USD, tăng 47.1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 34.6 tỷ USD, tăng 20.5%. Thị trường ASEAN đạt 28.2 tỷ USD, tăng 47.4%. Nhật Bản đạt 14.5 tỷ USD, tăng 13.7%. Thị trường EU đạt 11 tỷ USD, tăng 17.1%. Hoa Kỳ đạt 10.4 tỷ USD, tăng 12.3%.
QG HK TQ HQ EU NB ASEAN
XK 76.4 48.5 18.7 26.1 19.2 23.1
NK 13.7 83.9 46.3 14.5 20.5 30
TC 90.1 132.4 65.0 30.6 39.7 53.1
+/- +62.7 -35.4 -27.6 +16.1 -1.3 -6.9

Xuất nhập cảng với các đối tác chính 2020 (tỷ USD)

QG HK TQ HQ EU NB ASEAN
XK 62.2 32.7 13.9 34.8 13.5 18.4
NK 10.4 72.5 34.6 11 14.5 28.2
TC 72.6 105.2 48.5 45.8 28.0 46.6
+/- +51.8 -39.8 -20.7 +23.8 -1 -9.8

Xuất nhập cảng với các đối tác chính 8 tháng đầu 2021 (tỷ USD)

KẾT LUẬN

Kể từ năm 2010, Việt Nam đã âm thầm phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với những nội dung: cải tổ hệ thống tài chánh – ngân hàng, phát triển hạ tầng cơ sở, hệ thống đại học chú trọng về quản trị kinh doanh, công nghiệp và phần mền, phát triển các tập đoàn công – tư cấp quốc gia, nâng cao xuất – nhập cảng, cải thiện GDP v.v… Ít quốc gia để ý đến chiến lược của Việt Nam.

 Trong năm 2020, các tập đoàn Việt Nam đã cho thấy những thành quả đầu tiên: tập đoàn Vingroup, phối hợp với kỹ nghệ xe hơi Đức – Ý, các tập đoàn viễn thông của Hoa Kỳ như AT&T, Qualcomm đã giới thiệu xe hơi Vinfast, xe hơi điện cũng như điện thoại di động 5G cũng như các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo AI. Viettel với hệ thống 5G và kỷ nghệ quốc phòng. Vinamilk trong hệ thống dinh dưỡng. Vietjet với hàng không giá rẻ. FPT với công nghệ phần mềm. Bộ Công thương đã ký kết hợp tác chính thức với Amazon Global Selling Việt Nam để thực hiện và cụ thể hóa các chương trình hợp tác có quy mô lớn trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế sáng giá nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Malaysia trong những lãnh vực mà đến nay là thế mạnh của các nước này. Ngoài ra, Việt Nam còn có ưu thế tiếp tục chiếm lĩnh thị phần toàn cầu về xuất khẩu trong tương lai, trở thành điểm đến lý tưởng cho các công ty đa quốc gia, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Với Việt Nam, cho tới tháng 4 năm 2021, thành công chống đại dịch Covid-19 được coi là một kỳ tích đáng tự hào được thế giới nể trọng. Trong ba giai đoạn đầu của dịch (1 năm rưỡi) Việt Nam kiểm soát dịch chỉ với gần 3,000 trường hợp mắc bệnh. Thế nhưng, kể từ khi chủng Delta tràn vào ngày 27/4/2021, Việt Nam đã từng bước phải trải nghiệm những gì mà các quốc gia khác đã phải trải qua về cả tốc độ lây nhiễm và mức độ tàn khốc của nó. Kể từ đầu tháng 5 đến nay, Việt Nam có 418,320 ca nhiễm và 9,349 ca tử vong, trụt xuống đứng thứ 50 trong 53 quốc gia và vùng lãnh thổ (Bloomberg: Covid Resilience Ranking). Tính đến 25/8, Việt Nam tiếp nhận hơn 23 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại. Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu mua được 150 triệu liều vắc xin trong năm 2021 để tiêm cho 70 đến 75% dân số. Cả toàn quốc, nhất là TP.HCM phải giãn cách xã hội cho đến cuối tháng 9. Hy vọng Việt Nam sẽ có chiến lược đặc biệt để mạnh lên vượt bậc sau khủng hoảng Covid.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Vietnam’s Vinfast reveals trio of electric SUVs, including 2 for US” đăng trên mạng Motor Authority ngày 22/1/2021
  2. Bài viết “Báo quốc tế in quốc kỳ Việt Nam trên nguyên trang và dành 6 trang nói về “Ngôi sao đang lên của châu Á” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 25/1/2021.
  3. Bài viết “Hai bến cảng 6.425 tỷ đồng tại Hải Phòng, hơn 20 dự án điện gió tại Quảng Trị” đăng trên mạng Đầu Tư Online ngày 25/1/2021.
  4. Bài viết “Bất chấp dịch bệnh, người Việt vẫn lạc quan nhất trong khu vực ASEAN” đăng trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 5/2/2021.
  5. Bài viết “Đồng bằng sông Cửu Long: 35 năm thay da đổi thịt” trên mạng Mega Story ngày 26/1/2021.
  6. Bài viết “Điện thoại do VinSmart sản xuất đã được bán rộng rãi tại Mỹ: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói được, làm được” trên mạng Mega Story ngày 26/1/2021.
  7. Bài viết “Bloomberg: VinFast có dự định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ” trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 2/3/2021.
  8. Bài viết “Diplomat: Việt Nam đã là cường quốc bậc trung hay chưa?” trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 2/3/2021.
  9. Bài viết “Việt Nam lần đầu được viện nghiên cứu Mỹ đánh giá là nền kinh tế ‘tự do trung bình” trên đài VOA ngày 8/3/2021.
  10. Bài viết “Việt Nam ‘hạnh phúc nhất Á Châu’ chỉ là tuyên truyền bịp bợm” trên mạng Người Việt Online ngày 7/3/2021.

*****

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *