Mỏ cát trắng tại Cam Ranh

2.398 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT  

Từ lâu, mọi người Việt Nam đã được nghe nói về giá trị của cát trắng tại Cam Ranh, còn được gọi là cát thủy tinh. Các chuyên gia am hiểu về cát giải thích rằng: Cát càng trắng thì hàm lượng thạch anh càng cao và càng đắt giá. Đến thời điểm này, nước ta mới chỉ phát hiện khoảng 10 mỏ cát thủy tinh. Riêng Khánh Hòa được thiên nhiên ban tặng 4 mỏ tại Thủy Triều (Cam Ranh) là nơi có trữ lượng cát nhiều nhất, chất lượng tốt nhất. Mỏ cát Thủy Triều phân bố trong phạm vi 40 km², cách cảng Cam Ranh và TP. Nha Trang khoảng 20 km, có tổng trữ lượng khoảng 41 triệu tấn, trong đó cát loại 1 (hàm lượng thạch anh trên 99%) hơn 14 triệu tấn và cát loại 2 gần 25 triệu tấn. Chất lượng cát Khánh Hòa nổi tiếng thế giới bởi ít tạp chất, đạt tiêu chuẩn để sản xuất thủy tinh cao cấp như pha lê. Tuy nhiên, từ trước tới nay Khánh Hòa cũng như những địa phương có cát trắng chỉ biết xuất nguyên liệu thô vì vậy nguồn thu về thấp hơn giá trị thực của nó. Năm 1990, Cty Cát Cam Ranh đã được Bộ Công nghiệp nặng giao mỏ cát có diện tích 226 ha, không giới hạn thời gian khai thác và cung ứng cho các đơn vị sản xuất thủy tinh trong nước. Từ trước năm 2002, hoạt động của Cty chủ yếu là mang tính chất giữ mỏ, bởi thời điểm ấy các nhà máy còn sản xuất thủy tinh bằng phương pháp thủ công, thị trường của mặt hàng này còn nhỏ nên nguồn cầu của cát thủy tinh thấp. Sản lượng của Cty khi ấy chỉ từ 20,000 – 30,000 tấn/năm. Do công suất nhỏ nên phương tiện khai thác chủ yếu là thô sơ, sử dụng sức người là chính, hạ tầng, giao thông khu vực mỏ còn khó khăn khiến nơi đây chẳng khác gì một bán đảo nên không thu hút dân cư vào sinh sống.  


Bản đồ hành chánh Thủy triều – huyện Cam Lâm

Năm 2012, Việt Nam quyết định hạn chế và đi đến chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu cát trắng thủy tinh chưa qua chế biến hoặc đang ở dạng sơ chế, mà chỉ khai thác đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung diện tích 100 ha cát trắng thuộc địa bàn huyện Cam Lâm vào quy hoạch khai thác và sử dụng lâu dài.    

Vùng cát trắng tại huyện Cam Lâm  

KHAI THÁC CÁT TRẮNG TẠI CAM RANH  

Năm 2012, chính phủ Việt Nam đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 với 2 công ty là Công ty đầu tư và khai thác khoáng sản Khánh Hòa (Minexco), Công ty cổ phần cát Cam Ranh (Fico), 2 Công ty Kính nổi Viglacera Bình Dương và VFG tại Hà Nội. Theo đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, từ nay tới cuối năm 2012, tỉnh sẽ hạn chế và đi đến chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu cát trắng thủy tinh chưa qua chế biến hoặc đang ở dạng sơ chế, mà chỉ khai thác đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung diện tích 100 ha cát trắng thuộc địa bàn huyện Cam Lâm vào quy hoạch khai thác và sử dụng lâu dài. Đồng thời, thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm cũng đang triển khai các khu du lịch quy mô lớn, nên nhiều khả năng sẽ bị chồng lấn trên nhiều diện tích mỏ cát trắng. Việc chấm dứt xuất khẩu cát trắng thô nhằm mục đích sử dụng hiệu quả và làm nguồn dự trữ của quốc gia trong tương lai.  

Công ty Minexco: Mỏ cát trắng Thủy Triều, Cam Ranh, Khánh Hòa đã được Bộ công nghiệp (nay là Bộ tài nguyên và Môi trường) cấp Giấy phép khai thác cho Minexco từ 1990 với diện tích khu vực khai thác rộng hàng trăm hecta, độ sâu khai thác từ 3.5 – 7 m, trữ lượng hàng chục triệu tấn … Khoáng vật chủ yếu của Mỏ là thạch anh (trên 99%) có hình dạng hạt bào tròn, ngoài ra còn một số khoáng vật nặng khác và tạp chất hữu cơ… với hàm lượng rất thấp… Toàn bộ cát trắng nguyên khai sau khi khai thác đều phải chế biến tuyển rửa cát tại Nhà máy đặt ngay tại khu vực mỏ, từ đây sản phẩm được đưa về Cảng Ba Ngòi cách nhà máy khoảng 35 km để xuống tàu. Cảng Ba Ngòi có thể tiếp nhận tàu đến 30,000 DWT. Sản phẩm cát trắng silic của Minexco được ứng dụng rất rộng rãi cho sản xuất thủy tinh kính nổi, kính mặt trời, sodium silicat, cát làm khuôn đúc … Khách hàng phủ khắp khu vực Châu Á.

Ngoài ra, mỏ cát vàng Đầm Môn – Vạn Ninh, Khánh Hòa cũng đã được Bộ công nghiệp (nay là Bộ Tài nguyên Môi trường) cấp giấy phép khai thác từ 1992 trên diện tích hàng chục ha, độ sâu khai thác khoảng 8 – 10 m, trữ lượng hàng chục triệu tấn. Tuy màu sắc vàng nhạt nhưng khoáng vật chủ yếu của Mỏ vẫn là thạch anh (trên 95%), ngoài ra còn một hàm lượng nhỏ tạp chất và khoáng vật nặng khác. Hình dạng hạt bào tròn, trơn, có độ cứng cao rất thích hợp cho cát khuôn đúc. Ngoài ra chúng là nguyên liệu tuyệt vời cho sản xuất vật liệu nhẹ AAC, phụ gia cho ngành xi măng và gốm sứ, vật liệu xây dựng … Tại mỏ Đầm Môn, Minexco có Nhà máy chế biến tuyển rửa cát vàng Đầm Môn và cảng chuyên dùng xuất cát có thể tiếp nhận tàu đến 15,000 DWT. Trên cơ sở được Nhà nước Việt Nam giao quản lý, khai thác, chế biến tuyển rửa và xuất khẩu các mỏ cát trên, Minexco đã thành lập Bộ phận xuất khẩu để phục vụ khách hàng quốc tế và trong nước gồm những chuyên viên nhiều kinh nghiệm về ngoại thương, tuyển khoáng, hóa học, địa chất … thông qua Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 đã được thiết lập từ nhiều năm luôn sẵn sàng tiếp nhận, nghiên cứu và thiết kế sản xuất sao cho thỏa mãn những yêu cầu khắt khe của người sử dụng sản phẩm để kiểm soát chất lượng ổn định, đồng thời luôn cải tiến hướng đến mối quan hệ bạn hàng lâu dài, tin cậy … Nhờ vậy Minexco đã trở thành nhà cung cấp cát trắng silic vào loại hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương.

Công ty Minexco

Công ty Fico: Tại Khánh Hòa, từ hơn 30 năm trước, Cty Cát Cam Ranh FiCO là một trong những đơn vị được Chính phủ cấp phép cho khai thác cát nhưng chỉ để cung cấp cho thị trường sản xuất thủy tinh trong nước. Cũng từ đây, những hạt cát được người FiCO tuyển rửa để biến chúng thành những sản phẩm pha lê cao cấp “Made in Việt Nam” có uy tín và thương hiệu trên thị trường nội địa, cung cấp cho các nhà máy sản xuất thủy tinh ở Hải Phòng, Thái Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu… Và hơn 10 năm nay, những hạt cát trắng ấy đã trở thành những tấm kính nổi, tạo nên vẻ đẹp cho những công trình xây dựng khắp trong và ngoài nước.

Công ty Fico còn khai thác, tuyển rửa cát trắng thủy tinh để tiêu thụ trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thủy tinh, kính xây dựng tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, với công suất khai thác từ 150-200,000 tấn/năm. Cty Cát Cam Ranh Fico được giao là 100 ha. Fico sở hữu mỏ cát trắng (265 ha) có trữ lượng lớn (20 triệu tấn) và chất lượng cao tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa được khai thác bởi Công ty Cát Cam Ranh Fico. Chất lượng cát trắng tại đây được đánh giá là tốt nhất Việt Nam và Châu Á (SiO2:99,65%, Fe2O3: 0,025%). Công suất sản xuất cát sàng tuyển: công suất 500,000 tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu cung cấp để sản xuất kính nổi cho những công ty hàng đầu Việt Nam như Công ty kính nổi Viglacera, Nhà máy kính nổi VFG, Pha lê Việt-Tiệp,…

Tuy nhiên, mới đây tỉnh Khánh Hòa lại có quy hoạch phát triển Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh nên chỉ giao cho Cty quyền khai thác mỏ theo lộ trình 2 năm một mà không giao quyền sử dụng đất. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển trong tương lai đồng thời ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động vì họ đều là những người có nhiều năm gắn bó, cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn để phát triển.

Tổng công ty Viglacera – Bình Dương: Năm 2002, nhà máy kính nổi Viglacera Bình Dương được thành lập. Nhanh chóng nắm bắt thời cơ, TCty FiCO đã đầu tư dây chuyền sàng, tuyển, rửa cát hiện đại với công suất hơn 150,000 tấn/năm cho Cty. Dây chuyền này chính thức hoạt động vào tháng 7/2002. Đây cũng là mốc đánh dấu giai đoạn chuyển đổi từ thủ công sang cơ giới hóa để nâng giá trị hạt cát trắng lên một tầm cao mới cả về chất và lượng. Cùng thời điểm ấy, cây cầu Cam Hải được xây dựng bằng sự hợp lực của tỉnh Khánh Hòa và các DN khai thác cát, trong đó có sự đóng góp không nhỏ (30%) của Cty Cát Cam Ranh FiCO. Từ đây, sự giao thương giữa mỏ cát và đất liền được thuận tiện hơn, thu hút được cư dân vào sinh sống.

Nhóm lò khởi động Nhà máy Kính nổi Viglacera tại Bình Dương. | Vật ...

Nhà máy kính nổi Viglacera Bình Dương

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm 2012 Cty đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng cho dây chuyền sàng tuyển rửa số 2, công suất 250,000 tấn/năm và xây dựng xưởng sấy cát khô, xưởng sàng phân loại cát. Năm 2014, Ban Giám đốc Cty đã chỉ đạo tìm hiểu kỹ và nắm bắt nhu cầu thực tế của khách hàng cho sản phẩm cát, từ đó đưa ra kế hoạch phát triển các sản phẩm mới, có giá trị cao hơn như: sản phẩm cát tiêu chuẩn như cát sàng, cát nghiền, cát khô, đóng bao … Để thực sự biến cát thành “vàng”, Fico đã định hướng chiến lược đầu tư chế biến “sâu cát trắng” giai đoạn 2015 – 2020 tại Cty cát Cam Ranh Fico với các sản phẩm mới là: Bột silica powder; bông sợi thủy tinh, kính tiết kiệm năng lượng … trong đó năm 2015 sẽ hoàn thành đầu tư bước 1 dây chuyền chế biến bột Silica powder có kích cỡ < 45µm công suất 55,000 tấn/năm, gia tăng giá trị sản phẩm gấp 8 – 10 lần cát trắng tuyển rửa thô hiện nay, cung cấp cho các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước và xuất khẩu.

Công ty TNHH Kính Nổi Việt Nam (VFG): là một liên doanh giữa NSG Group, Toyota Tsusho Corporation của Nhật Bản và Tổng Công ty Viglacera. Công ty được thành lập theo giấy phép đầu tư số 1183/GP ngày 31/03/1995 và giấy phép đầu tư sửa đổi số 212022.000476 ngày 23/11/2012 do Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp) và là một trong những liên doanh có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Là tiên phong trong việc sử dụng công nghệ nổi tiên tiến của Nhật Bản tại Việt Nam, VFG đã có thời gian dài gắn bó với việc sản xuất và tiêu thụ kính nổi kể từ khi bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường năm 1999. Chỉ 4 năm sau khi được thành lập, sản phẩm của VFG đã giành được uy tín lớn trên thị trường vì chất lượng đẳng cấp quốc tế, phù hợp sử dụng trong nhiều ứng dụng. Các sản phẩm kính của VFG đã có mặt ở rất nhiều thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Ả rập Xê út, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Brazil, etc.

Kính cường lực Việt – Nhật

KẾT LUẬN

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng về chủng loại gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromít, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bôxit, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, molipden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hóa chất công nghiệp (Apatít, cao lanh, cát thuỷ tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát).

Nhà cầm quyền cần tập trung về bảo vệ môi trường (Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức về Bảo vệ môi trường, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về công tác BVMT, tăng cường và tiến tới bắt buộc sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường v.v…).

Khu vực Nha Trang – Cam Ranh là 2 trọng điểm về kỷ nghệ du lịch nên vấn đề khai thác cát trắng cần có sự đồng bộ để khỏi ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Cát Cam Ranh FiCO: Hành trình biến cát thành vàng” đăng trên mạng  NDH ngày 18/12/2014.
  2. Bài viết “Khánh Hòa ngừng khai thác cát trắng thô xuất khẩu” đăng trên mạng  NDH ngày 27/10/2011.
  3. Bài viết “Công ty cát Cam Ranh: Gắn hiệu quả với phát triển bền vững” đăng trên mạng  Diễn đàn Kinh tế ngày 23/2/2015.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *