Quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ

329 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Đối tác chiến lược, đối tác toàn diện là cụm từ chỉ quan hệ ngoại giao giữa 2 nước với nhau. Quan hệ từ đối tác song phương, đối tác khu vực tới đối tác toàn diện, đối tác chiến lược. Cho tới năm 2013, mặc dù đã có tới 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập trong vòng hơn 10 năm trước đó, nhưng các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm này, đặc biệt là nội hàm của nó. Trong bài phỏng vấn của Báo điện tử Chính phủ năm 2015, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao đã thống kê: Việt Nam có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 15 đối tác chiến lược (tính cả ba đối tác chiến lược toàn diện) và 12 đối tác toàn diện. Theo thạc sĩ Lê Hồng Hiệp, một mối quan hệ nên được coi là “chiến lược” đối với Việt Nam chỉ khi nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong ba khía cạnh này, hai khía cạnh an ninh và thịnh vượng phải là hai khía cạnh cốt yếu, còn khía cạnh cuối cùng chỉ mang ý nghĩa thứ yếu.

Tính tới hết năm 2020, hiện Việt Nam có: 3 Đối tác Chiến lược Toàn diện; 17 Đối tác Chiến lược (bao gồm cả ba Đối tác Chiến lược Toàn diện) và 13 Đối tác Toàn diện. Trong đó 8/10 nước cùng là thành viên CPTPP (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 3 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại chưa có quan hệ đối tác cao là Peru và Mexico. Với các nước khối ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với đầy đủ toàn bộ 9/9 nước thành viên (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại là Campuchia và Lào là Quan hệ đặc biệt.

  • Đối tác chiến lược toàn diện (3): Nga Sô, Trung Quốc, Ấn Độ.
  • Đối tác chiến lược (14): Nhật Bản, Hàn Quốc, Tân Ban Nha, Anh Quốc và Bắc Ireland, Đức Quốc, Ý Đại Lợi, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Malaysia, Philippines, Úc Đại Lợi, New Zealand.
  • Đối tác toàn diện (13): Nam Phi, Chile, Brazil, Venezuela, Argentina, Ukraine, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Myanmar, Canada, Hungary, Brunei.
  • Đối tác chiến lược lĩnh vực (1): Hà Lan.
  • Quan hệ đặc biệt (3): Lào, Campuchia, Cuba.

Đối tác chiến lược toàn diện nhiều khi biểu hiện ngoài mặt. Ai cũng biết Trung Quốc và Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp mà lại là Đối tác chiến lược toàn diện. Hoa Kỳ sẽ là nước mà Việt Nam dựa vào nhiều nhất trong khi đó chỉ là Đối tác toàn diện. Trong 25 năm tới, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ cuối cùng sẽ dẫn đến một sự cân bằng quyền lực mới. Theo nhận định của một nhà ngoại giao cao cấp của Việt Nam với GS Thayer: “Việt Nam có lợi nhất khi quan hệ Trung – Mỹ không quá nóng nhưng cũng không quá lạnh”. Quan hệ Việt – Mỹ gần đây đã có những bước chuyển lớn với 2 chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 28 – 29/7/2021 và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris từ ngày 24 – 26/8/2021. Ngày 25/8 trong lúc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang ở Hà Nội, trang web Nhà Trắng công bố văn bản có tựa đề Tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ với các nội dung chính:

  • COVID-19 và An ninh Y tế.
  • Đối phó biến đổi khí hậu.
  • Hỗ trợ Phát triển và Tiếp cận Thị trường.
  • Về giải quyết các vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh.
  • Hợp tác An ninh: Đầu tư vào quan hệ song phương.
  • Hỗ trợ Giáo dục Đại học.

Như lời nói của ông Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Tôi chưa bao giờ quan tâm quá nhiều đến chuyện quan hệ đối tác của chúng ta được đặt tên là gì, mà thay vào đó là quan tâm đến thực chất, tức là chúng ta đang làm gì cùng nhau”. Nói cho cùng, nếu Việt Nam muốn chống lại sự hung hăng của Trung Quốc thì Việt Nam phải tự làm điều đó. Quan trọng là Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam mạnh lên cả về kinh tế, thương mại lẫn năng lực chấp pháp trên biển, lực lượng cảnh sát biển, để đối phó với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Hợp tác chiến lược Việt – Mỹ sẽ có những điều mà không nước nào nói ra công khai. Hơn ai hết, người Mỹ thấu hiểu cái văn hóa chính trị của sự không minh bạch của đối tác Việt Nam. Việt Nam không thể nào làm khác hơn.

Vị trí của tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Hà Nội

TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG TRONG TƯƠNG LAI

Kể từ 2015, Hải quân Trung Quốc phát triển với tốc độ chóng mặt. Riêng năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã đưa 18 tàu chiến cỡ lớn vào hoạt động. Trung Quốc hạ thủy một khu trục hạm mổi 2 tháng. Năm 2020, Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với 350 tàu chiến, so với 293 tàu của Hải quân Mỹ. Tác giả quyết định viết thêm một đoạn về đề nghị phối trí Hải quân Hoa Kỳ và Đồng minh tại Ấn Độ – Thái Bình Dương để độc giả có cái nhìn rỏ ràng hơn về tương quan lực lượng trong tương lai.

Hải quân Trung Quốc hiện có 3 hạm đội: Bắc hải, Trung Hải và Nam hải. Hạm đội hải cảnh Trung Quốc sở hữu hơn 200 tàu thuyền các loại. Ngoài ra, Trung Quốc còn có hàng trăm tàu dân quân biển. Để cân bằng với sự bành trướng mạnh mẻ của Hải quân Trung Quốc, hải quân Hoa Kỳ và đồng minh cần được phối trí tương đồng. Các chiến lược mới về khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương của Đức và Hà Lan có thể là sự khởi đầu của một lập trường chung của Liên minh châu Âu (EU) về khu vực này. Nên nhớ các cụm tác chiến tàu sân bay (Carrier Strike Group) được thành lập hay giải tán tùy theo nhu cầu. Số lượng và loại tàu có thể khác nhau tùy theo khả năng của mổi quốc gia. Điều quan trọng nhất là mọi quốc gia đồng minh phải đóng góp phần nhiệm của mình vào nỗ lực chung.

Thực tế là trung tâm kinh tế và địa chính trị đang chuyển dịch trong quan hệ quốc tế về phía Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. (Nguồn: UM)

EU mong muốn phát triển tầm nhìn riêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: UM)

Cụm tác chiến tàu sân bay cấp 1 (Hoa Kỳ): Với 2 – 3 cụm tác chiến tàu sân bay gồm có:

  • Tàu sân bay hạt nhân cỡ 100,000 tấn với một không đoàn gồm 9 phi đoàn và từ 70 – 90 phi cơ.
  • 2 – 3 khu trục hạm lớp Arleigh Burke 10,000 tấn hoặc khinh hạm lớp FFG(X) 7,000 tấn.
  • Tàu ngầm nguyên tử chiến lược lớp Ohio (không nằm trong Cụm tác chiến).
  • 2 tàu ngầm tấn công lớp Sea Wolf, Virginia, Los Angeles.
  • Các tàu tiếp tế đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm.

Cụm tác chiến tàu sân bay cấp 2 (Liên Âu, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Hàn Quốc): Với 1 – 2 cụm tác chiến tàu sân bay gồm có:

  • Tàu sân bay cỡ 60,000 tấn (40 phi cơ với khoảng 24 F-35B) hay tàu đổ bộ cỡ 30,000 tấn (tối đa 28 máy bay trong đó có từ 10 – 15 F-35B).
  • 2 – 3 khu trục hạm lớp Arleigh Burke 10,000 tấn hoặc khinh hạm lớp FREMM, FFG(X) 7,000 tấn.
  • Tàu ngầm tấn công cỡ 3,000 tấn tương tự như lớp Soryu của Nhật Bản, Scorpene của Pháp hay Kilo của Nga.
  • Các tàu tiếp tế đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm.

Cụm tác chiến cấp 3 (các quốc gia ASEAN, Đài Loan, New Zealand): Với 3 – 5 phân đội gồm:

  • Khinh hạm từ 3,000 – 5,000 tấn.
  • Tàu ngầm tấn công cỡ 3,000 tấn tương tự như lớp Soryu của Nhật Bản, Scorpene của Pháp hay Kilo của Nga.
  • Hoa Kỳ đã ngỏ ý muốn gởi một số tàu tuần duyên sang tuần tiểu Biển Đông. Hiện Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ được trang bị các tàu tuần duyên hạng nặng (Legend Class Cutter: 4,500 tấn), hạng trung (Reliance Class: 1,145 tấn) và hạng nhẹ (WPC: 353 tấn).

Các căn cứ Hải quân: Các căn cứ hải quân đồng minh trong vùng Tây Thái Bình Dương gồm có:

  • Căn cứ Yokosuka – Sasebo (Nhật Bản).
  • Căn cứ Pusan (Hàn Quốc).
  • Căn cứ Kaohsiung (Taiwan).
  • Căn cứ Subic Bay (Philippines).
  • Căn cứ Cam Ranh (Việt Nam).
  • Căn cứ Changi (Singapore).
  • Căn cứ Natuna (Indonesia).

Phân nhiệm: Các cụm tác chiến tàu sân bay cấp 1 và 2 của Hoa Kỳ và đồng minh được dùng để đối phó với 3 hạm đội của Trung Quốc. Các chiến hạm và tàu ngầm cấp 3 của ASEAN và lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ được dùng để đối phó với các tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc.

QUAN HỆ CHIẾN LƯỢC HOA KỲ – VIỆT NAM

Thường thường, khi nói đến quan hệ chiến lược, chúng ta phải đề cập cả 2 khía cạnh kinh tế và quân sự:

KINH TẾ

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ban đầu, ông Trump áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc với lý do cần phải cân bằng thâm hụt thương mại với nước này. Tuy nhiên, sau đó, Washington đã sử dụng thuế như một đòn bẩy trong nhiều vấn đề kinh tế và chính trị. Vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại, hầu như tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị áp thuế từ 10 – 25%. Nếu mục đích của cuộc chiến thương mại là để cân bằng thuế quan, kết quả có thể được coi là thành công. Nhưng kết quả này không giúp đạt được mục tiêu ban đầu là cân bằng cán cân thương mại. Năm 2020, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 310 tỷ USD. Trước khi phát động cuộc chiến thương mại, con số này là 375 tỷ USD. Như vậy, Hoa Kỳ chỉ mới rút ngắn được 65 tỷ USD. Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch xảy ra nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, tuy nhiên sự tăng trưởng này đang dần giảm xuống khi các doanh nghiệp chịu tác động bởi sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh: Ước tính GDP danh nghĩa của 10 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vào thời điểm 2020 như sau:

  • Trung Quốc: 14.7 ngàn tỷ USD – Thặng dư mậu dịch: 530 tỷ USD.
  • Hoa Kỳ và 8 đồng minh mạnh nhất: Hoa Kỳ (21 ngàn tỷ USD) + Nhật Bản (5 ngàn tỷ USD) + Đức Quốc (3.8 ngàn tỷ USD) + Anh Quốc – Ấn Độ – Pháp Quốc (2.6 ngàn tỷ USD mổi quốc gia) + Ý (1.8 ngàn tỷ USD) + Gia Nã Đại – Hàn Quốc (1.6 ngàn tỷ USD mổi quốc gia) = 42.6 ngàn tỷ USD.
  • Như vậy, GDP của Hoa Kỳ và 8 quốc gia đồng minh mạnh gấp 42.6 ÷ 14.7 = 2.9 lần so với Trung Quốc. Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh cần giảm thêm thặng dư mậu dịch với Trung Quốc cho đến khi cán cân thương mãi được cân bằng.

Việt Nam: Đã thăng hạng trong danh sách quốc gia xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2020. Tỷ trọng của thị trường Hoa Kỳ trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng trong giai đoạn 2015 – 2021, từ mức chỉ 13% vào năm 2015 đã lên tới 17% như hiện nay. Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90.8 tỷ USD) và cùng hướng tới con số 100 tỷ USD vào năm 2021. Báo cáo Nhập khẩu Toàn cầu 2020 của Mỹ cho thấy Việt Nam đã tăng thêm 4 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2015 lên vị trí thứ 2 năm nay để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ nhì vào thị trường Mỹ. Tính từ năm 2015 đến nay, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 72% và tăng 65% trong tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ. Trong cùng thời gian này, gần như tất cả 10 “nhà cung cấp” hàng đầu khác của Mỹ đều giảm lượng hàng xuất sang thị trường này, ngoại trừ mức tăng nhỏ của Trung Quốc, Bỉ và Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ về vấn đề thao túng tiền tệ. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) vào ngày 19/7/2021 cho biết họ sẽ không có các biện pháp thuế quan nào đối với Việt Nam sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng ý với Bộ Tài chính Hoa Kỳ rằng họ sẽ không thao túng tiền tệ nhằm thu lợi trong xuất khẩu, theo Reuters.

Cuối tháng 7/2021, Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) đại diện cho 1,000 doanh nghiệp đã gửi thư đề nghị Tổng thống Joe Biden gửi thêm vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường Mỹ. 90 CEO của các nhãn hàng hàng đầu Mỹ kiến nghị Tổng thống Joe Biden tăng tốc viện trợ vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong thư gửi Tổng thống Joe Binden, CEO các nhãn hàng hàng đầu của Mỹ như Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, VF, Under Amour … nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ đang trải qua một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. Do tính liên thông trong chuỗi giá trị, ngành sản xuất của Việt Nam trong vai trò cung ứng với các ngành sản xuất sử dụng 3 triệu lao động tại Mỹ. Ngành này phụ thuộc trực tiếp và rất lớn vào “sức khoẻ” của công nghiệp Việt Nam.

QUỐC PHÒNG

Một tờ báo Hồng Kông trích dẫn tiến sĩ Phạm Quang Minh, nguyên viện trưởng trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội, nhắc lại mong muốn của Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam và các trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ cho phép Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông. Các ý định đó của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng. Chưa bao giờ Bắc Kinh chấp nhận để cho Việt Nam được giúp đỡ tăng cường sức mạnh quân sự, thậm chí cho dù là từ Nga. Vẫn chuyên gia Lê Hồng Hiệp, được South China Morning Post trích dẫn, cho rằng “Trung Quốc không muốn Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh quan hệ quân sự”, hay Hoa Kỳ giúp đỡ bất kỳ một quốc gia nào khác trong khu vực trên phương diện này. 

Câu hỏi còn lại là về mặt an ninh và quân sự, Việt Nam sẽ hợp tác với Mỹ đến mức độ nào? Còn về phía Trung Quốc, như một số nhà phân tích ghi nhận, có nhiều khả năng Bắc Kinh tránh công khai lên tiếng về hợp tác Mỹ – Việt, nhưng ở hậu trường, Trung Quốc có thể có những tính toán nào khác và sẽ kiên nhẫn với Việt Nam cũng như với các đối tác “hữu nghị với Mỹ” ở Đông Nam Á này trong bao lâu? Một câu hỏi khác đang đặt ra đó là sự can thiệp dồn dập của Hoa Kỳ trong khu vực này liệu có nguy cơ khiến Trung Quốc càng tỏ thái độ quyết đoán hơn nữa hay không?   

Trong mối liên hệ quân sự Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh chiến lược, có những điều mà các quốc gia không bao giờ nói trắng ra:

  • Vũ khí nguyên tử: Do Thái là quốc gia mà Việt Nam có thể dùng như là mô hình chiến lược để bảo vệ quốc gia. Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, hiện Israel có từ 75 – 200 đơn vị vũ khí hạt nhân, bao gồm bom, đầu đạn tên lửa và có thể cả vũ khí chiến thuật. Số lượng vũ khí này cũng được lắp trên máy bay, triển khai trên mặt đất và trên tàu chiến, tàu ngầm. Ngay từ tháng 4/1963, Israel đã ký thoả thuận với công ty Dassault của Pháp để mua tên lửa đường đạn đất đối đất. Đây là tên lửa 2 tầng, có khả năng mang được đầu đạn 750 kg, tầm bắn 235 – 500 km, sai số dưới 1 km. Từ năm 2002, Israel bắt đầu xây dựng lực lượng hạt nhân trên biển với năm tàu ngầm lớp Dolphin, năm 2017 nhận thêm tàu ngầm thứ sáu. Theo đánh giá, hạm đội tàu ngầm Israel mạnh đến mức có thể “đảo lộn vai trò chiến lược” và đủ sức trả đũa khi bị tấn công. Mỗi tàu ngầm trang bị 21 ống phóng ngư lôi cải tiến để bắn tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.
  • Lưu trữ quân dụng & vũ khí: Thường thường các quốc gia đồng minh chiến lược, Hoa Kỳ thường để quân dụng, vũ khí cấp Sư đoàn tại các quốc gia này. Khi hữu dụng, Hoa Kỳ chỉ cần không vận binh sĩ để có thể can thiệp ngay lập tức. Tổng kho Long Bình, dù rằng xây dựng từ thời VNCH, là một ví dụ.
  • Lực lượng tên lửa chiến lược: Thường thường các quốc gia đồng minh Hoa Kỳ cố gắng thiết lập các lực lượng tên lửa chiến lược & chiến thuật riêng cho mình. Trong bài viết mang tựa đề “Tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại” đăng trên Tạp chí Quốc phòng tháng 6/2021, Trung tướng, PGS – TS Trần Thái Bình, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, đã đề cập đến việc xây dựng QĐND hiện đại trong đó có việc thành lập binh chủng tên lửa chiến lược, gồm một số lữ đoàn tên lửa đất đối đất có tầm bắn xa, uy lực mạnh, khả năng răn đe lớn. Hiện chưa có thông tin về việc trang bị cho lực lượng này như thế nào. Hoa Kỳ cũng có thể đặt các lực lượng tên lửa chiến lược tại các quốc gia đồng minh của mình. Đây là vấn đề quan hệ giữa 2 quốc gia.
  • Vũ khí mà Việt Nam có thể mua từ các nước khác: Lực lượng quân sự của Hoa Kỳ mang tính toàn cầu; do đó, Hoa Kỳ không sản xuất các vũ khí hạng trung, giá rẻ cho khu vực. Trong mối liên hệ quốc phòng Mỹ – Việt, Việt Nam có thể mua những vũ khí giá rẻ từ Nga, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng như các quốc gia Liên Âu. Một vài loại vũ khí nên được đề cập đến:
    • Su-75: Đã được đề cập trong bài viết “Tiêm kích 1 động cơ giá rẽ Su-75 của Nga”
    • Khinh hạm: Đã được đề cập trong bài viết “Tàu hộ vệ tên lữa tương lai của Việt Nam”.
    • Tàu ngầm Dolphin của Do Thái và tàu ngầm Gotland $ 100 triệu USD của Thuỵ Điển: Năm 2005, USS Ronald Reagan, hàng không mẫu hạm mới đóng trị giá 6.2 tỷ USD của Mỹ, đã chìm sau khi trúng nhiều ngư lôi. May mắn thay, điều này không xảy ra trong chiến đấu thực tế, mà chỉ là được mô phỏng như một phần của trò chơi chiến tranh giữa một bên là lực lượng đặc nhiệm tàu ​​sân bay bao gồm nhiều tàu hộ tống chống ngầm và một bên là Sweden HSM Gotland, một tàu ngầm nhỏ chạy bằng động cơ diesel của Thụy Điển có trọng tải 1,600 tấn. Và điều bất ngờ là mặc dù thực hiện nhiều cuộc tấn công vào Reagan, Gotland không bao giờ bị phát hiện. Tàu ngầm lớp Gotland của Thụy Điển dài 61 m, được giới thiệu vào năm 1996, là chiếc đầu tiên sử dụng hệ thống Air-independent propulsion (AIP hay hệ thống động lực không dùng không khí) – trong trường hợp này là động cơ Stirling. Một động cơ Stirling có thể sạc hệ thống pin với công suất 75 kw cho tàu ngầm bằng cách sử dụng oxy lỏng. Với Stirling, một tàu ngầm lớp Gotland có thể ở dưới đáy biển trong tối đa hai tuần với tốc độ trung bình 10 km/h, hoặc nó có thể tiêu hao năng lượng pin để tăng tốc lên đến 37 km/h. Nó cũng đi kèm một động cơ diesel thông thường được sử dụng để hoạt động trên bề mặt, hoặc trong khi sử dụng ống thở. Một chiếc Gotland sử dụng động cơ Stirling chạy êm hơn cả một chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, vốn phải sử dụng máy bơm làm mát và tạo ra nhiều tiếng ồn trong lò phản ứng của chúng. Không chỉ vậy, tàu ngầm lớp Gotland cũng sở hữu nhiều tính năng khác, giúp nó thành thạo hơn trong việc tránh bị phát hiện.
    • Trang bị phế thải: Cho đến bây giờ, Hoa Kỳ vẫn cung cấp cho những đồng minh nhỏ những trang bị phế thải không còn thích hợp cho nhu cầu hiện tại trong khi đó Nga Sô sẵn sàng bán cho mọi đối tác những vũ khí mới, tốt hơn nhiều với giá cả phải chăng. Hoa Kỳ có thể lấy lòng tin với các đồng minh bằng cách chuyển giao công nghệ để các nước này hợp tác với các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên Âu trong việc sản xuất các trang bị giá cả phải chăng, thích hợp với khả năng tài chánh của các đồng minh.

KẾT LUẬN

Với khả năng quân sự hiện nay, Trung Quốc có thế đóng mới các chiến hạm, phi cơ, tên lửa với công nghệ tương đương, giá cả rẻ hơn và tốc độ nhanh hơn nhiều. Hoa Kỳ chỉ có thể giải quyết vấn đề này bằng cách hợp tác toàn diện với Liên Âu và các quốc gia nòng cốt tại Đông & Nam Á như Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Tân Tây Lan và Việt Nam để tạo một vòng cung chiến lược từ Đông Á xuống Biển Đông, qua eo biển Malacca đến Ấn Độ Dương. Hoa Kỳ cần có viễn kiến để biến các đồng minh thân thiết của mình thành các cường quốc hạng trung. Lúc đó thì họ chẳng cần đu dây với ai.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Kỷ nguyên mới của cạnh tranh địa chiến lược

Vòng cung Ấn Độ – Thái Bình Dương

THAM KHẢO

  1. Đối tác chiến lược – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
  2. Danh sách quốc gia theo GDP (danh nghĩa) – Bách khoa Toàn thư mở Wikidedia.
  3. Bài viết “Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào Mỹ sau Trung Quốc” đăng trên đài VOA ngày 29/12/2020.
  4. Bài viết “Sức mạnh Do Thái: Israel có vũ khí nguyên tử từ bao giờ?” đăng trên mạng Tri thức và Cuộc sống ngày 10/07/2019.
  5. Bài viết “Tàu ngầm Dolphin- ‘quái vật đại dương’ đầy ám ảnh cho các đối thủ” đăng trên mạng Tri thức và Cuộc sống ngày 16/3/2018.
  6. Bài viết “Việt Nam tiến tới thành lập binh chủng tên lửa chiến lược: Uy lực vô song, Iskander đáng “đồng tiền bát gạo”?” đăng trên mạng Soha ngày 11/6/2021.
  7. Bài viết “Toàn văn ‘sách lược’ của Mỹ về chuyến thăm Hà Nội của Kamala Harris” trên mạng BBC ngày 26/8/2021.
  8. Bài viết “Ngoại giao Việt Nam khôn khéo trước mọi đại cường?” trên mạng BBC ngày 15/9/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *