Hệ thống cảng biển Vũng Tàu

753 (lượt xem) |

Tu chỉnh:

  • Ngày 23/2/2020: Đưa lên mạng.
  • Ngày 11/7/2021: Cập nhập cụm Cái Mép – Thị Vải.
  • Ngày 29/9/2021: Cập nhật Hệ thống cảng biển Việt Nam tính đến 2030.

TỔNG QUÁT

Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển Việt Nam dài trên 3,260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam (chưa kể bờ biển của các hải đảo, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Cùng với trên 3,000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo.

Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0.01 (nghĩa là cứ 100 km² đất liền có 1 km bờ biển), đứng đầu các nước Đông Dương, trên Thái Lan và xấp xỉ Malaysia. Trong 64 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 với một số chỉ tiêu cụ thể. Về năng lực, hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1,140 – 1,423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38-47 triệu TEU); hành khách từ 10.1-10.3 triệu lượt khách. Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu). Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý.

Hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 5 nhóm:

  • Nhóm 1 gồm 5 cảng biển: cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định và cảng biển Ninh Bình. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 1 là từ 305 – 367 triệu tấn (hàng container từ 11-15 triệu TEU); hành khách từ 162,000 – 164,000 lượt. Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5.0 -5.3%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1.5 – 1.6%/năm. Hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Lân và di dời các bến cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn – Văn Úc, Cẩm Phả, Hải Hà.
  • Nhóm 2 gồm 6 cảng biển: cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị và cảng biển Thừa Thiên Huế. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 2 từ 172 – 255 triệu tấn (hàng container từ 0.6 – 1 triệu TEU); hành khách từ 202,000 – 204,000 lượt khách. Tầm nhìn đến 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3.6 – 4.5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0.4 – 0.5%/năm. Hoàn thiện đầu tư, phát triển cụm cảng Nghi Sơn – Đông Hồi, Vũng Áng và Sơn Dương – Hòn La.
  • Nhóm 3 gồm 8 cảng biển: cảng biển Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), cảng biển Quảng Nam, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Phú Yên, cảng biển Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), cảng biển Ninh Thuận và cảng biển Bình Thuận. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 138 – 181 triệu tấn (hàng container đạt từ 1.8 – 2.5 triệu TEU); hành khách từ 1.9 – 2,0 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4.5 – 5.5 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1.7 – 1.8%/năm. Hoàn thành đầu tư toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và hình thành cảng phục vụ hàng hóa trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa).
  • Nhóm 4 gồm 5 cảng biển: cảng biển TP.HCM, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng biển Bình Dương và cảng biển Long An. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 4 từ 461-540 triệu tấn (hàng container từ 23-28 triệu TEU); hành khách từ 1,7-1,8 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5-3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1,0 %/năm. Hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ. Nghiên cứu hình thành các khu bến cảng mới tại Cần Giờ (trên sông Gò Gia), hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP.HCM.
  • Nhóm 5 gồm 12 cảng biển: cảng biển Cần Thơ, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Bến Tre, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Trà Vinh, cảng biển Cà Mau, cảng biển Bạc Liêu và cảng biển Kiên Giang. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 5 từ 64 – 80 triệu tấn (hàng container từ 0.6 – 0.8 triệu TEU); hành khách từ 6.1 – 6.2 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5.5 – 6.1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1.1 – 1.25%. Hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy mô, chức năng, hệ thống cảng biển Việt Nam có 4 loại:

  • Cảng biển đặc biệt (2 cảng biển): cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
  • Cảng biển loại I (15 cảng biển): cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Thừa Thiên – Huế, cảng biển Đà Nẵng, cảng biển Quảng Nam, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Khánh Hòa, cảng biển TP.HCM, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Cần Thơ, cảng biển Long An, cảng biển Trà Vinh. Trong đó, các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
  • Cảng biển loại II (6 cảng biển): cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị, cảng biển Ninh Thuận, cảng biển Bình Thuận, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Đồng Tháp.
  • Cảng biển loại III (13 cảng biển): cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định, cảng biển Ninh Bình, cảng biển Phú Yên, cảng biển Bình Dương, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Bến Tre, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển An Giang, cảng biển Kiên Giang, cảng biển Bạc Liêu, cảng biển Cà Mau. Trong đó, cảng biển Sóc Trăng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Bốn cụm cảng chính của Việt Nam

Trong năm 2021, tác giả sẽ lần lượt viết về 3 cảng biển Vũng Tàu, Hải Phòng và Đà Nẵng. Vịnh Cam Ranh, vì tính cách đặc thù quân sự, đã được đề cập nhiều lần trong những năm vừa qua.

Đầu thập niên 1990, nhận thấy những hạn chế của cụm cảng Sài Gòn, Chính phủ Việt Nam bắt đầu quan tâm tới xây dựng một cảng nước sâu mới phục vụ cho khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Thị Vải – Cái Mép được chọn lựa vì nó có độ sâu, nằm gần khu vực hội tụ sản xuất ở miền Đông Nam Bộ, lại nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế từ Hong Kong tới Singapore. Tháng 11 năm 1992, quy hoạch tổng thể hệ thống cảng nước sâu Thị Vải – Vũng Tàu được phê duyệt và đến ngày 28 tháng 2 năm 1998, dự án được điều chỉnh và bổ sung. Tháng 8 năm 2005, trong bản quy hoạch chi tiết nhóm cảng TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực Thị Vải – Cái Mép được xác định là cảng cửa ngõ cho toàn vùng. Theo quy hoạch, với lợi thế riêng về luồng nước sâu, cảng Thị Vải sẽ là cảng biển chính của hệ thống Cảng Sài Gòn trong tương lai gần. Thị xã Phú Mỹ cách sân bay Quốc tế Long Thành 30 km đường bộ. Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến có chiều dài tuyến 77.6 km trong đó đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ dài 38 km, Phú Mỹ – đường ven biển Vũng Tàu dài 28 km, đoạn nối từ đường ven biển Vũng Tàu – QL51C dài 2.8 km và đoạn nối Phú Mỹ – QL51 (vào cảng Cái Mép – Thị Vải) dài 8.8 km. Tổng vốn đầu tư khoảng 23,075 tỷ đồng (1 tỷ USD) bao gồm lãi vay, đầu tư theo phương thức đối tác công- tư (PPP), hợp đồng BOT.

Bản đồ Vũng Tàu – TP.HCM

CẢNG VŨNG TÀU

Cảng Vũng Tàu là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, đầu mối quốc tế của Việt Nam. Cảng thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đông Nam Bộ Việt Nam. Cảng Vũng Tàu hiện nay bao gồm 4 khu bến:

  • Khu bến Cái Mép, Sao Mai Bến Đình thuộc thị xã Phú Mỷ, cách cửa Vũng Tàu khoảng 29 km. Đây là khu bến cảng chính cho tàu container hiện nay và cho đến năm 2020. Từ năm 2010, khu bến này được phát triển liên tục và cho đến cuối năm 2020 đã tiếp nhận được tàu container có trọng tải 214,121 DWT, sức chở lên đến 20,000 TEU.
  • Khu bến Phú Mỹ, Mỹ Xuân: là một khu bến cảng tổng hợp, cảng container khác hiện có khả năng tiếp nhận tàu đến 30 nghìn DWT. Theo quy hoạch của Chính phủ Việt Nam, đến năm 2015 khu bến này sẽ có khả năng tiếp nhận tàu đến 80 nghìn DWT.
  • Khu bến sông Dinh: hiện có khả năng tiếp nhận tàu đến 20 nghìn DWT, đến năm 2015 có thể tiếp nhận tàu đến 30 nghìn DWT.
  • Khu Bến Đầm, Côn Đảo.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, sẽ có hai khu bến cảng nữa được xây dựng. Một là khu bến Long Sơn chuyên dùng phục vụ công nghiệp lọc hóa dầu và khu bến khách Sao Mai – Bến Đình chuyên phục vụ vận tải hành khách.

CỤM CẢNG QUỐC TẾ THỊ VẢI – CÁI MÉP

Gồm có 9 cảng: Cảng quốc tế SITV (Hong Kong) – SP-PSA (Singapore) – CMIT (Đan Mạch) – SSIT (USA) – CMA-CGM (Pháp) – ODA (Nhật Bản: 2) – Tân cảng Cái Mép – Cảng quốc tế Mỹ Xuân (Đài Loan).

Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

Cảng Thị Vải – Cái Mép: là một cụm cảng biển sâu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, ở cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép. Cảng Quốc tế Cái Mép (thị xã Phú Mỹ) được thiết kế để tiếp nhận tàu container có trọng tải lên đến 80,000 DWT với công suất thông qua đạt 600,000 – 700,000 TEU mỗi năm. Chiều dài bến là 600 m với tổng diện tích lên tới 48 hecta. Cảng Thị Vải cũng có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp có tải trọng lên đến 75,000 DWT. Công suất thông qua cảng đạt 1.6 – 2 triệu tấn mỗi năm. Tổng diện tích của cảng là 27 hecta.

Theo quy hoạch, cảng Thị Vải – Cái Mép sẽ được kết nối với các khu công nghiệp ở Bà Ria – Vũng Tàu, Đồng Nai và các tỉnh khác bằng đường tỉnh lộ 965 và quốc lộ 51. Cảng có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải 50,000 – 80,000 DWT. Chính quyền đang vận động các công ty kinh doanh cảng biển và logistics lớn của thế giới như Maersk (Đan Mạch), SSA (Mỹ), PSA International (Singapore), Hutchison Whampoa (Hong Kong), Yang Ming (Đài Loan), CMA CGM (Pháp) … lập liên doanh đầu tư phát triển Thị Vải – Cái Mép. Hiện nay cảng container SP-PSA đã được đưa vào sử dụng. Cảng Cái Mép mới có công suất 600,000 TEU đã khánh thành giai đoạn 1. Các công trình mở đường, nạo vét luồng tàu đã được triển khai để đến tháng 10/2010 toàn bộ cảng biển dọc sông Thị Vải sẽ hưởng lợi từ các công trình này. Quốc lộ 51, tỉnh lộ 965 và các đường quanh hàng rào cảng cũng đang khẩn trương được cải tạo để đảm bảo các xe container có thể tiếp cận cảng thông suốt.

Nhờ cảng sâu cho phép tàu lớn vào cảng, thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa miền Nam Việt Nam với các nước đã được rút ngắn đáng kể vì đỡ phải quá cảnh ở Singapore.

Cảng quốc tế CMIT của Đan Mạch

Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải: Năm 2010, cục Hàng hải Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT xem xét chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải, đoạn từ phao số 0 đến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) bằng nguồn vốn ngân sách. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,162 tỷ đồng (53 triệu USD), sẽ nạo vét luồng từ phao số 0 đến cảng CMIT có chiều dài 29.68 km, đạt chiều rộng 350 m, sâu 15.5 m; nạo vét vũng quay tàu khu vực ngã ba Gò Gia đạt đường kính 600 m, sâu 15.5 m, đảm bảo cho các tàu container 160,000 DWT, sức chở 14,000 TEU khai thác hai chiều. Dự kiến, luồng Vũng Tàu – Thị Vải có khối lượng nạo vét khoảng 620 ngàn m3, tổng kinh phí thực hiện 103 tỷ đồng. Vị trí đổ vật chất nạo vét đã được xác định là khu A ngoài khơi biển Vũng Tàu. Dự án đã được hoàn tất tháng 9/2020.Ngoài ra, công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu có khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 450 ngàn m³, tổng kinh phí thực hiện 370 tỷ đồng và chất nạo vét dự kiến đổ trên bờ. Dự kiến công trình sẽ khởi công trong tháng 11/2020 và hoàn thành trong tháng 2/2021.

Luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải được khơi thông
sẽ tạo điều kiện cho các tàu trọng tải lớn cập cảng Cái Mép-Thị Vải làm hàng.

Tàu container lớn nhất thế giới cập cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải 10/2020: Đúng 15 giờ ngày 25/10, tàu Margrethe Maersk, một trong những tàu lớn nhất thế giới, đã cập cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), Bà Rịa – Vũng Tàu. Tàu Margrethe Maersk có trọng tải 214,121 DWT, sức chở lên đến 20,000 TEU, dài 399 m, rộng 59 m. Đây là tàu chuyên tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam với bờ tây nước Mỹ do liên minh 2M khai thác, cập CMIT để xếp dỡ 6,500 TEU hàng hóa. Tàu Margrethe Maersk cập cảng CMIT làm hàng là một dấu mốc quan trọng của cả ngành hàng hải Việt Nam. CMIT là một trong chưa đến 20 cảng trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này. Cảng quốc tế Cái Mép sẽ được phép thử nghiệm đón tàu container có trọng tải đến 199,000 DWT giảm tải vào làm hàng với thời gian thử nghiệm…

Tàu container Margrethe Maersk của Đan Mạch

Năm 2010, sản lượng hàng hóa thông qua Cái Mép – Thị Vải rất khiêm tốn, chỉ vài chục ngàn container rồi lên vài trăm ngàn và năm 2012 cũng chỉ xấp xỉ 1 triệu TEU. Nhưng từ mấy năm qua, hàng hóa qua khu vực này tăng trưởng liên tục, với khoảng trên dưới 20%/năm. Từ một bến cảng đìu hiu cách đây 10 năm, đến nay khu bến cảng Cái Mép – Thị Vải đã thành cảng sôi động nhất, với lượng hàng hóa qua cảng 9 tháng 2020, đạt khoảng 5.4 triệu TEU, cả năm sẽ đạt 7.2 triệu TEU. Như vậy lượng container qua khu Cái Mép – Thị Vải đã vượt công suất thiết kế là 6.8 triệu TEU/năm.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: Quốc lộ 51 là 1 trong những quốc lộ tại Việt Nam. Quốc lộ 51 khởi đầu tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và kết thúc tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Quốc lộ bắt đầu tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, qua huyện Long Thành (Đồng Nai), qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì Quốc lộ 51 sẽ đi qua các địa phương sau: thị xã Phú Mỹ (huyện Tân Thành cũ), thành phố Bà Rịa và điểm cuối của quốc lộ sẽ nằm tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Quốc lộ 51 chính là một phần của đường Xuyên Á số 17 (AH17). Toàn tuyến quốc lộ dài 86 km. Chiều rộng mặt đường rộng từ 15 m đến 23 m, trải bê tông nhựa. Quốc lộ 51 khi vào thành phố Vũng Tàu chạy ở bờ tây và mở thêm 2 đường về phía đông lần lượt là 51B và 51C. Ngày 2/8/2009 đã chính thức khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 51 lên đến 8 làn xe, tổng mức đầu tư lên đến 3,200 tỷ đồng VND (139 triệu USD). Tuy nhiên, số lượng hàng qua tuyến này từ năm 2010 đến 2019 đã tăng gấp 7 lần. Hiện nay, áp lực giao thông lên quốc lộ 51 hiện tại là rất lớn bởi và rất cần có cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu song song để chia sẻ áp lực và đặc biệt để hàng hóa lưu thông nhanh, cảng biển hoạt động hết công suất, các khu công nghiệp được lấp đầy. Trong tương lai, khi hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải tăng công suất và cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thành thì tình trạng quá tải trên quốc lộ này sẽ trầm trọng hơn. Được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2016, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, với tổng chiều dài 77.8 km, được chia thành hai dự án thành phần. Bốn tháng trước, Chính phủ cho phép tách đoạn tuyến từ nút giao thông từ TP Bà Rịa đến TP Vũng Tàu ra khỏi dự án. Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 dài hơn 53 km, tổng vốn đầu tư hơn 19,000 tỷ đồng (826 triệu USD) sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu 2021 -2025

KẾT LUẬN

Hiện nay, Đông Nam Bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung có đóng góp lớn, tiềm năng, nội lực phát triển vượt trội với mức đóng góp tổng sản phẩm nội địa hơn 50%, lớn hơn 3 vùng kinh tế trọng điểm cộng lại. Tuy nhiên, giao thông Đông Nam Bộ đang tắc nghẽn nghiêm trọng cả đường bộ, hàng không và đường biển.

Năm 2025 sẽ đánh dấu sự hoàn tất của 3 tuyến cao tốc cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành và tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là những bộ phận quan trọng của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Những tuyến đường cao tốc này trở thành một trục xương sống quan trọng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi Vũng Tàu hoặc các tỉnh miền Trung, miền Bắc và ngược lại. Các tuyến đường cao tốc này là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển cụm cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép và cảng hàng không quốc tế Long Thành.  Đây cũng là thời điểm mà Việt Nam cũng hy vọng vượt qua Thái Lan và Philippines.

THAM KHẢO

  1. Cảng Thị Vải – Cái Mép – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Đầu tư gần 1,200 tỉ đồng nâng cấp luồng Cái Mép-Thị Vải” đăng trên mạng Pháp Luật ngày 12/5/2018.
  3. Bài viết “Cận cảnh “siêu tàu” container cập cảng Quốc tế Cái Mép” đăng trên mạng Pháp Luật ngày 26/10/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *