Việt Nam với đất hiếm và kỹ nghệ bán dẫn

1.200 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong những năm từ 2018 – 2020, tác giả có đưa lên mạng những bài viết về đầu tư của các công ty Samsung (Hàn Quốc), Apple (Hoa Kỳ) và các công ty phụ trợ như Foxconn, Petragon (Đài Loan) Luxshare (Trung Quốc) vào Việt Nam cũng như mỏ đất hiếm Vonfram của Việt Nam tại Thái Nguyên. Bài viết này tổng hợp lại vấn đề đất hiếm và kỹ nghệ bán dẫn cũng như vai trò của tập đoàn TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co) của Đài Loan. Danh từ “bán dẫn” (Semi conductor) chỉ nói về vật liệu. Danh từ “Mạch tích hợp hoặc mạch tích hợp nguyên khối (Integrated circuit or monolithic integrated circuit) dùng để nói về sản phẩm.

Chất bán dẫn là nguyên liệu để sản xuất ra các loại linh kiện bán dẫn như Diode, Transistor, IC mà ta đã thấy trong các thiết bị điện tử ngày nay. Chất bán dẫn là những chất có đặc điểm trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện, về phương diện hóa học thì bán dẫn là những chất có 4 điện tử ở lớp ngoài cùng của nguyên tử. Đó là các chất Germanium (Ge) và Silicium (Si). Từ các chất bán dẫn ban đầu (tinh khiết) người ta phải tạo ra hai loại bán dẫn là bán dẫn loại N và bán dẫn loại P, sau đó ghép các miếng bán dẫn loại N và P lại ta thu được Diode hay Transistor.

Công nghiệp bán dẫn là tập hợp toàn bộ các công ty tham gia vào lĩnh vực thiết kế và chế tạo chất bán dẫn. Ngành công nghiệp này hình thành vào khoảng năm 1960, ngay khi lĩnh vực chế tạo linh kiện bán dẫn trở thành một ngành kinh doanh có thể phát triển và tồn tại độc lập. Kể từ đó, doanh thu hàng năm của ngành này đã tăng lên đến trên 481 tỷ USD, tính đến năm 2018.

reviewso.vn

Vi mạch bán dẫn

THỊ TRƯỜNG SẢN XUẤT CHẤT BÁN DẪN

Theo doanh thu thì 5 nước sản xuất chất bán dẫn nhiều nhất là: Đài Loan, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Israel.

Introduction to Foundry Industry - Mirae Asset Global Investments

Các nước sản xuất chất bán dẫn trên thế giới

Công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, Ltd (TSMC): Tạm dịch: Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan, còn được gọi là Taiwan Semiconductor, là tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới, với trụ sở chính và các hoạt động chính nằm trong Khu Khoa học và Công nghiệp Tân Trúc tại thành phố Tân Trúc, Đài Loan.

Công ty được thành lập tại Đài Loan vào năm 1987, là công ty sản xuất bán dẫn đầu tiên và từ lâu đã trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Thực sự, trong giai đoạn này, vị thế Đài Loan cũng chỉ là quốc gia gia công giá rẻ rồi sau đó đến Trung Quốc kể từ 2000 và bây giờ là các quốc gia ASEAN. Ngoài các chất bán dẫn, công ty cũng đã bắt đầu tư trong các ngành công nghiệp liên quan đến lĩnh vực chiếu sáng và năng lượng mặt trời. Hãng được niêm yết trên cả hai Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan và Sở giao dịch chứng khoán New York. Hoạt động của các công ty Đài Loan cũng chịu ảnh hưởng chiến lược của Hoa Kỳ.

Mặc dù TSMC cung cấp một loạt các dòng sản phẩm vi mạch (bao gồm cả cao áp, tín hiệu hỗn hợp, tương tự và MEMS), hãng được biết đến với dòng sản phẩm chip logic của nó với thế mạnh đặc biệt trong quá trình thụ điện năng thấp tiên tiến như 28 nm HPM với công nghệ HKMG cho các ứng dụng điện thoại di động.

Hầu hết các tập đoàn hàng đầu về bán dẫn như Qualcomm, NVIDIA, Advanced Micro Devices, MediaTek, Marvell và Broadcom của Hoa Kỳ là khách hàng của TSMC, cũng như các công ty mới nổi như Spreadtrum, AppliedMicro, Allwinner Technology và  HiSilicon và nhiều công ty nhỏ hơn. Các công ty thiết bị logic lập trình hàng đầu Xilinx và Altera cũng sử dụng các dịch vụ đúc của TSMC. Một số nhà sản xuất thiết bị tích hợp mà có riêng của họ cơ sở chế tạo như Intel và Texas Instruments thuê TSMC làm một số dịch vụ cho họ. Ít nhất một công ty bán dẫn, LSI, bán lại vi mạch TSMC thông qua dịch vụ thiết kế ASIC và thiết kế danh mục sở hữu trí tuệ. Công ty đã không ngừng gia tăng và nâng cao năng lực sản xuất của mình trong suốt thời gian hoạt động của mình, mặc dù chịu ảnh hưởng của chu kỳ nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Trong năm 2011, công ty có kế hoạch tăng chi phí nghiên cứu và phát triển tới gần 39% lên 50 tỷ Tân Đài tệ trong một nỗ lực đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng công suất 30% trong năm 2011 để đáp ứng nhu cầu thị trường mạnh mẽ. Vào tháng 5 năm 2014, ban giám đốc của TSMC đã phê duyệt phân bổ vốn của 568 triệu USD để thiết lập, chuyển đổi, và nâng cao năng lực công nghệ tiên tiến sau khi công ty dự báo cao hơn so với nhu cầu dự kiến. Vào tháng 8 năm 2014, hội đồng quản trị của TSMC giám đốc phê duyệt phân bổ vốn bổ sung 3.05 tỷ USD.

Trong năm 2011, người ta thông báo rằng TSMC đã bắt đầu sản xuất thử chip A5 và A6 cho các thiết bị của Apple iPad và iPhone. Theo báo cáo, thời điểm tháng năm 2014, Apple đang tìm nguồn cung ứng bộ xử lý A8 mới từ TSMC và có khả năng trở thành một khách hàng quan trọng. Vốn hóa thị trường của TSMC đạt giá trị 1,900 tỷ Tân Đài tệ (tương đương 63.4 tỷ USD) vào tháng 12 năm 2010. Hãng đã được xếp hạng thứ 70 trong FT Global 500 năm 2013 danh sách các công ty có giá trị cao nhất thế giới với số vốn là 86.7 tỷ USD, trong khi đạt mức vốn hóa thị trường 110 tỷ USD vào tháng năm 2014.

Công ty chip Trung Quốc thuê hơn 100 kỹ sư TSMC | Công nghệ | Thanh Niên

Tập đoàn TSMC

Tuy có vai trò và độ ảnh hưởng lớn đến thị trường công nghệ thế giới nhưng chiến lược các doanh nghiệp công nghệ Đài Loan lại tùy thuộc vào mối liên hệ Đài Loan – Hoa Kỳ – Trung Quốc. Các doanh nghiệp công nghệ Đài Loan thường đứng sau, gia công sản phẩm cho các ông lớn về công nghệ như Apple, Sony, HP, IBM, Tencent, Dell của Hoa Kỳ … Năm 2018, Hãng tin Reuters (Thomson Reuters Corporation) đã công bố danh sách 100 hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Với 13 công ty có mặt trong bảng xếp hạng, Đài Loan và Nhật Bản cùng đứng ở vị trí thứ 2, vượt qua Hàn Quốc – chỉ có 3 công ty trong bảng xếp hạng. Trong số các công ty Đài Loan có mặt trong danh sách này, công ty chế tạo chip bán dẫn Đài Loan (TSMC) xếp thứ 7 và là công ty duy nhất của châu Á lọt vào top 10 hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Trong số 13 công ty công nghệ của Đài Loan nêu trên, chỉ hai cái tên Acer và Asus là quen thuộc, với sản phẩm là các dòng máy tính xách tay (laptop) và phần nào là Foxconn với danh hiệu “nhà sản xuất iPhone”.

Các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật, Đức đã tìm đến Đài Loan để giúp giảm bớt tắc nghẽn trong sản xuất chip. Sự thiếu hụt là kết quả của nhu cầu về giá cả, thiết bị điện tử gia tăng trong đại dịch COVID-19 và càng trở nên trầm trọng hơn bởi chiến thương mại của cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc, các nhà sản xuất theo hợp đồng chiếm hơn 60% tổng doanh thu toàn cầu của nhà sản xuất vào năm 2019. Theo CNBC, phần lớn sự thống trị của Đài Loan có thể là do Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan hoặc TSMC, công xưởng lớn nhất thế giới, bởi khách hàng của họ là các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ. Theo dữ liệu của TrendForce, TSMC chiếm 54% tổng doanh thu trên toàn cầu vào năm 2020.

thi-phan.png

Thị phần của Đài Loan và TSMC

QUAN HỆ MỸ – TRUNG VÀ CUỘC CHIẾN BÁN DẪN

Chất bán dẫn là thành phần cơ bản trong các thiết bị kỹ thuật số và cũng là nền tảng cho sự đổi mới trong tương lai. Những con chip nhỏ bé có mặt trong điện thoại thông minh, ô tô tự lái đến công nghệ trí tuệ nhân tạo hay trung tâm dữ liệu. Ngành sản xuất linh kiện bán dẫn được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới, với doanh thu 412 tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu thống kê. Chính bởi vị trí quan trọng của chất bán dẫn mà chính phủ các nước công nghiệp phát triển, từ Mỹ đến Trung Quốc, từ châu Âu đến Nhật Bản, đều dành ưu tiên chính sách cho lĩnh vực này nhằm xây dựng năng lực tự chủ của quốc gia. Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) có trụ sở tại Washington, cho biết: “Chúng ta đang ở trong một thế giới mà chính phủ quan tâm hơn đến tính bảo mật của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Xu thế chủ nghĩa dân tộc về công nghệ ngày càng được tăng cường ở nhiều nước trên thế giới là một thách thức đối với ngành công nghiệp bán dẫn”.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các công nghệ và thiết bị do Mỹ sản xuất. Các lệnh trừng phạt của Washington đã được mở rộng từ việc nhắm vào “ông lớn” ngành công nghệ Huawei Technologies sang tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC. Tuy nhiên, trong khi thế giới bên ngoài tin rằng Trung Quốc sẽ bị giáng đòn nặng nề, ngành sản xuất chip bán dẫn của nước này dường như vẫn có thể tiếp tục thúc đẩy nâng cấp công nghệ, thậm chí là tự chủ về công nghệ, thoát khỏi sự bao vây của Mỹ. Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh việc phát triển các công nghệ nền tảng, ngành nghề mang tính chiến lược, và coi đây là một “vũ khí” quan trọng mà nước này cần mài giũa để chống lại cuộc chiến khoa học công nghệ của Mỹ.

Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cũng đang cố gắng “hồi hương” chuỗi sản xuất thiết bị bán dẫn sau nhiều thập kỷ ngành công nghiệp này được khuyến khích “toàn cầu hóa”. Hồi tháng Sáu, chính phủ đã đề xuất một đạo luật nhằm xây dựng các động lực để hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Mỹ. Cũng với lý do cần thúc đẩy “chủ quyền kỹ thuật số”, Ủy ban châu Âu (EC) đã dành 30 tỷ euro (35 tỷ USD) nhằm mục tiêu nâng thị phần của doanh nghiệp châu Âu trên thị trường chip thế giới từ mức dưới 10% hiện nay lên 20%. Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường khả năng tự cung tự cấp chất bán dẫn. Bloomberg dẫn nguồn tin trong ngành cho biết, Tokyo đã cử phái đoàn đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng Năm và Sáu năm nay với hy vọng thuyết phục công ty sản xuất chip TSMC của Đài Loan đầu tư vào Nhật Bản. Hồi tháng 5/2020, TSMC đã thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona, Mỹ.

Sau khi Washington áp đặt lệnh hạn chế quyền tiếp cận của Huawei đối với các sản phẩm phần mềm và công nghệ của Mỹ, chuỗi cung ứng của tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc này đã bị “mắc kẹt”. Một loạt công ty vốn là nhà cung cấp lâu năm của Huawei phải “đứt gánh giữa đường” với công ty Trung Quốc. Trong đó, có thể kể tới một số cái tên nổi bật như nhà sản xuất chip TSMC của Đài Loan, nhà sản xuất cảm biến hình ảnh Sony Corporation, các nhà sản xuất chip lớn như Samsung Electronics, SK Hynix của Hàn Quốc và Toshiba Memory (Kioxia) của Nhật Bản. Một giám đốc điều hành của một công ty bán dẫn Trung Quốc cho biết, ba trong số các giao dịch của họ đã bị hủy bỏ do Ủy ban đầu tư nước ngoài (CFIUS) của Mỹ viện dẫn quan ngại về an ninh quốc gia.

Trung Quốc – thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% tổng số chip được bán ra – được cho là sẽ không “ngồi yên” khi tham vọng phát triển công nghệ cao bị đe doạ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết khoản đầu tư ước tính 1,400 tỷ USD từ nay đến năm 2025 cho các công nghệ chiến lược tương lai, như trí tuệ nhân tạo hay mạng không dây. Một trọng tâm của Bắc Kinh là đẩy nhanh nghiên cứu chất bán dẫn thế hệ thứ ba, với là các chip làm bằng những vật liệu hiệu năng cao như silicon cacbua (SiC) và gali nitride (GaN) – một công nghệ non trẻ chưa có quốc gia nào thống trị. Trong một cuộc gọi hội nghị về thu nhập gần đây của SMIC, công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc cho biết, họ sẽ đầu tư 6.7 tỷ USD vào cơ sở vật chất vào năm 2020. Hiện SMIC đang vận hành 9 nhà máy ở Trung Quốc, bao gồm cả trụ sở chính ở Thượng Hải.

Ngoài ra, theo các nhà quan sát, Trung Quốc còn sở hữu một “quân bài” khác để làm đòn bẩy trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, đó là đất hiếm. Thống kê cho thấy Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 90% thị phần trên thị trường đất hiếm toàn cầu và nước này có thể kiểm soát xuất khẩu các kim loại đất hiếm – vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất chip điện tử. Các chuyên gia lưu ý rằng các hạn chế mà Chính quyền Tổng thống Trump áp đặt không chỉ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất chip của Trung Quốc mà còn tác động đến toàn bộ ngành bán dẫn. Xu hướng này đã không giảm đi. Về chính sách đối với Trung Quốc, chính quyền Biden đang huy động sự hợp tác của cá cường quốc trên thế giới để đối phó với Trung Quốc.

Mặc dù Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế với những “gã khổng lồ” như Intel Corp hay Qualcomm và giữ thế độc quyền đối với các phần mềm cần thiết để thiết kế chip, “không có khu vực nào trên thế giới có thể tuyên bố quyền tự chủ chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn”, đó là nhận định của Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc phụ trách dự án nghiên cứu Công nghệ và địa chính trị tại Viện nghiên cứu Stiftung Neue Verantwortung. Chuyên gia này cho rằng việc loại bỏ bất kỳ người chơi nào đều sẽ khiến chuỗi giá trị của ngành sụp đổ.

Cổ phiếu của TSMC đã tăng thêm giá trị sau khi Intel thông báo họ đang chậm tiến độ trong quá trình sản xuất chip 7 nm (nanometer) và có khả năng phải tìm đối tác bên ngoài để hỗ trợ. Loại chip cao cấp như vậy sẽ chứa và xử lý rất nhiều thông tin. Số nm càng nhỏ thì khả năng càng vượt trội. TSMC dường như sẽ là đơn vị mà Intel sẽ liên hệ ‘nhờ vả’. Samsung cũng đang sản xuất chip 7 nm nhưng quy mô nhỏ hơn so với TSMC. Gã khổng lồ Hàn Quốc hầu như chỉ sản xuất chip nhớ, trong khi Intel lại cần đối tác để sản xuất chip xử lý cao cấp. Bret Swanson, nghiên cứu sinh trao đổi tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận xét sự chững lại của Intel chưa hẳn là dấu hiệu sụp đổ của công ty. Họ đã dẫn đầu ngành công nghiệp linh kiện bán dẫn trong nhiều năm và có khả năng sẽ tung ra chip 7 nm ở mức độ thương mại “với thời hạn cho đặt hàng tương đối ngắn”.

VAI TRÒ CỦA ĐẤT HIẾM TRONG CUỘC CHIẾN BÁN DẪN

Đất hiếm có thể không phải là vũ khí tối thượng của Trung Quốc | Tinh tế

Nguyên tố đất hiếm

Đất hiếm được gọi là “vitamin của nền công nghiệp hiện đại” vì là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác. Tóm lại, đất hiếm rất quan trọng vì không có chúng thì không thể sản xuất những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống con người, và càng không thể thiếu trong chế tạo vũ khí, khí tài quân sự. Theo số liệu của trang chuyên ngành kỹ thuật khai thác mỏ Mining Technology và chuyên trang về đất hiếm Rare Earth Investments, hiện nay quốc gia có trữ lượng đất hiếm nhiều nhất thế giới gồm:

Những điều chưa biết về đất hiếm mà Trung Quốc dọa dùng làm vũ khí - Ảnh 2.

Sản và trữ lượng đất hiếm trên thế giới 2018

Mới đây, CNN vừa đưa tin Nhật đã tìm ra một mỏ đất hiếm có trữ lượng đến 16 triệu tấn từ lớp bùn đáy biển quanh hòn đảo nhỏ Minamitori, cách bờ biển Nhật 1,200 km. Người Nhật gọi đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, giúp họ không còn lệ thuộc vào nguồn đất hiếm nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. Theo khảo sát sơ bộ, trữ lượng một số loại đất hiếm quan trọng như Yttrium đủ sức đáp ứng nhu cầu toàn thế giới trong 780 năm, dysprosium trong 730 năm, europium trong 620 năm và terbium trong 420 năm, tức là người Nhật sẽ có kho đất hiếm gần như vô tận.

Tên chính thức của đất hiếm là nguyên tố đất hiếm (REE – Rare Earth Element), để chỉ 17 nguyên tố hóa học có mặt trên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Chúng bao gồm các nguyên tố (xếp theo thứ tự alphabet): Cerium (Ce); Dysprosium (Dy); Erbium (Er); Europium (Eu); Gadolinium (Gd); Holmium (Ho); Lanthanum (La); Lutetium (Lu); Neodymium (Nd); Praseodymium (Pr); Promethium (Pm); Samarium (Sm); Scandium (Sc); Terbium (Tb); Thulium (Tm); Ytterbium (Yb) và cuối cùng là Yttrium (Y). Khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, giá đất hiếm cũng tăng nhanh. Một số loại đất hiếm đang thiết lập kỷ lục về giá như dysprosium, neodymium hay gadolinium oxide.

Trong đó, dysprosium – một loại đất hiếm dùng để chế tạo nam châm, đèn cao áp hay thanh điều khiển hạt nhân – tăng giá lên đến 2,025 NDT/kg (khoảng 293 USD/kg). Theo Asian Metal, đây là mức giá cao nhất của loại đất hiếm này kể từ tháng 6/2015.

Công dụng của đất hiếm:

Công dụng của đất hiếm

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc dùng đất hiếm như là vũ khí chiến lược. Chính vì vậy, Trung Quốc đã và sẽ dùng đất hiếm để thao túng các quốc gia nhập khẩu để sản xuất các linh kiện điện tử, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Thực tế đã cho thấy, vài năm trước, Trung Quốc đã dọa ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Thời điểm đó, một số nhà khoa học Nhật Bản đã đến Việt Nam để thăm dò và đánh giá các mỏ đất hiếm. Các kết quả nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò đã phát hiện và ghi nhận nhiều mỏ, điểm quặng đất hiếm trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, các mỏ đất hiếm gốc tập chung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Mỏ lớn nhất nằm ở Bắc Nậm Xe (Lai Châu). Ngoài ra, một số quặng đất (sa khoáng) hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh – Vũng Tàu.

Tại Việt Nam, năm 2014, công ty Dong Pao Rare Earth Development của Nhật đã liên doanh với công ty Lai Châu – Vimico Rare Earth JSC của Việt Nam để khai thác đất hiếm ở huyện Tam Dương, tỉnh Lai Châu và xây dựng một nhà máy chế biến đất hiếm ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Mỏ đất hiếm tại việt Nam - Tiềm năng to lớn - ANT VIỆT NAM

Các khu vực tiềm năng chứa đất hiếm

Bản tin mới trên You Tube ngày 11/3/2021 loan tin Mỹ giúp Việt Nam tìm mỏ đất hiếm to nhất thế giới tại vùng đồi núi tại thôn Pa Vệ Sử, huyện Mường Tẻ, tỉnh Lai Châu. Tác giả loan tin này với sự dè dặt tối đa vì chưa có xác nhận chính thức. Tin cho biết mỏ nằm dọc theo biên giới Việt – Trung và là mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới. Đặc biệt, mỏ có 18 nguyên tố hóa học trong khi các nơi khác trên thế giới chỉ có 17.

Chắc chắn, chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ công bố rộng rãi sự phối hợp với Nhật Bản và Hoa Kỳ về sự khai thác đất hiếm vì rất nhiều lý do tế nhị.

VIỆT NAM VÀ KỸ NGHỆ BÁN DẪN

Công nghiệp bán dẫn (vi mạch) với vị trí chủ chốt trong sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử không phải là một ngành mới lạ đối với nền công nghiệp của Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu về thiết bị bán dẫn tăng mạnh trong những năm trở lại đây, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khai thác, làm chủ công nghệ và thương mại hóa nguồn lợi từ ngành công nghiệp siêu lợi nhuận này.

Việt Nam hiện có 3 khu công nghệ cao quốc gia được thành lập là Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao TP.HCM với hoạt động thu hút đầu tư ngày càng chuyển biến tích cực, tạo nền tảng để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Nhiều công ty vi mạch bán dẫn nổi tiếng thế giới đã đặt nền móng và đầu tư mạnh vào lĩnh vực này như Intel, Sonion, Applied Micro…, đặc biệt phải kể đến sự góp mặt của “đại gia” Samsung. Trong đó, khu công nghệ cao TP. HCM được xem là hình mẫu thu hút đầu tư và phát triển ngành vi mạch bán dẫn của cả nước, đặc biệt có những dự án đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy lắp ráp. Ngoài ra, cũng là trung tâm đứng đầu cả nước về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực, có thể kể đến như: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc tế, Trung tâm nghiên cứu và triển khai – Khu Công Nghệ.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là địa phương có điều kiện cho phát triển vi mạch bởi có nguồn nhân lực trình độ cao mạnh nhất cả nước về số lượng cũng như chất lượng khi có nhiều viện nghiên cứu, trường đại học. Đáng kể phải nhắc đến sự góp sức của Khu công nghệ cao Hòa Lạc với các dự án đầu tư đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, làm tiền đề cho phát triển công nghiệp bán dẫn. Một số nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn như Công ty VNPT Technology, Tập đoàn Viễn thông Viettel, Công ty TNHH FC Hòa Lạc, Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam … và một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất như công 5G, điện tử… kéo theo nhu cầu tăng mạnh các sản phẩm bán dẫn.

Gần đây nhất, Công ty Intel Products Việt Nam (IPV, thuộc Tập đoàn Intel, Mỹ) đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án với vốn đầu tư tăng thêm 475 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP); nâng tổng số vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam đến thời điểm hiện tại lên tới 1.5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) vừa được chấp nhận chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của Samsung, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán dẫn, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn. Hay Dự án của Công ty SNST&Finger Vina (Hàn Quốc) có mục tiêu hoạt động thiết kế vi mạch điện tử tích hợp, với tổng vốn đầu tư gần 1 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay trong quý 1/2021. Nhờ đó, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam ngày càng có nhiều lực đà phát triển mạnh.

Mới đầu năm 2021, nhà sản xuất lớn nhất thị trường bán dẫn Qualcomm đã có cảnh báo về tình trạng gia tăng nhu cầu thiết bị điện tử sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng chất bán dẫn trên toàn cầu, Amon, General Motors cũng đưa ra những cảnh báo tương tự trong khi thị trường chip toàn cầu vốn dựa vào các nhà máy ở châu Á. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn khi đang là điểm sáng thu hút trong cuộc chuyển dịch đầu tư của các nhà sản xuất công nghiệp do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Việt Nam cần đưa ra những quyết sách kịp thời và phù hợp để không bỏ lỡ cơ hội lịch sử này cùng hàng triệu việc làm tiềm năng trong sản xuất công nghiệp , trong đó có ngành sản xuất vi mạch bán dẫn.

Từ khu công nghệ cao Hòa Lạc đến Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Khu công nghệ cao Hòa Lạc

KẾT LUẬN

Trong lãnh vực điện thoại di động thì Samsung đầu tư tại Việt Nam từ năm 1996 với một liên doanh quy mô nhỏ. Hàn Quốc, cũng như Việt Nam, là các nước nhỏ nằm sát cạnh Trung Quốc nên nước này cũng có những dè dặt với Trung Quốc. Năm 1997, Samsung đã làm một quyết định có tính cách chiến lược, thực hiện dự án với vốn đầu tư 650 triệu USD tại Việt Nam để sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng tiếp đó sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng như tivi, máy điều hóa nhiệt độ, máy giặt … Tổng vốn đăng ký của Samsung tính đến 2020 là 17 tỷ USD (vốn thực hiện khoảng 10 tỷ USD), có 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM, tạo việc làm cho 136,700 lao động với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/ tháng (478 USD), trong đó có hàng vạn kỹ sư, cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế, chưa tính hơn 12 vạn lao động tại các xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho Samsung và hàng vạn người làm dịch vụ cho thuê nhà, ăn uống, giải trí, phục vụ sinh hoạt.

Foxconn, nhà sản xuất cho Apple, trên thực tế đã từng có “lời hẹn ước” rất lớn với Việt Nam, từ năm 2007. Vào thời điểm đó, sau khi đầu tư các dự án quy mô nhỏ ở Bắc Ninh và Bắc Giang, lãnh đạo của Foxconn đã tuyên bố sẽ đầu tư tới 5 tỷ USD tại Việt Nam. Tháng 2/2008, Foxconn cũng đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án Sản xuất điện thoại di động, quy mô 200 triệu USD và KCN Bình Xuyên 2 trên diện tích 485 ha, vốn đầu tư 25 triệu USD. Nhưng sau đó, kế hoạch bất thành. Sau nhiều lần trì hoãn xây dựng nhà máy, Foxconn đã bị thu hồi dự án sản xuất điện thoại di động. Kế hoạch đầu tư hạ tầng KCN Bình Xuyên 2 cũng bị giảm quy mô từ 485 ha xuống còn 45.6 ha. Foxconn cũng “lơ” luôn cả kế hoạch “phủ sóng” tại Việt Nam. Tuy nhiên, giờ đây, cùng với Petragon, Foxconn đang trở lại để thực hiện “lời hẹn ước” năm nào. Luxshare là trường hợp đặc biệt. Là một công ty của Trung Quốc lại chuyển hoạt động sang Việt Nam theo sự yêu cầu của Apple của Hoa Kỳ nên có những vấn đề cần suy nghĩ.  

Trong lãnh vực bán dẫn, hiện chỉ có bốn công ty lớn nhất tạo ra các sản phẩm vi xử lý cao cấp trên thế giới: Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC – Đài Loan), Intel của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc và SMIC của Trung Quốc. Công nghệ sản xuất loại vi xử lý này rất hiếm và đặc thù bởi vì nó tốn kém, chỉ có thể cạnh tranh ở cấp độ cao nhất. Đầu năm 2021, tập đoàn công nghệ Intel đã đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV), địa điểm lắp ráp và kiểm định chip điện tử lớn nhất trên toàn cầu của hãng, theo tạp chí Nikkei Asia. Cũng trong thời gian này, công ty Samsung HCMC (Hàn Quốc) được chấp thuận điều chỉnh thông tin dự án và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất. Dự án của công ty được xây dựng trên diện tích hơn 93 ha với công suất sản xuất 19 triệu sản phẩm/năm, mang lại doanh thu bình quân hàng năm là 4.2 tỷ USD. Không có nhiều tin tức về sự hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam trong lãnh vực này nhưng nếu TSMC đi theo Petragon, Foxconn thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

 THAM KHẢO

  1. Công nghiệp bán dẫn – Bách thư toàn thư mở Wikipedia
  2. TSMC – Bách thư toàn thư mở Wikipedia
  3. Đất hiếm – Bách thư toàn thư mở Wikipedia
  4. Bài viết “Thế giới phụ thuộc bao nhiêu vào Đài Loan đối với chất bán dẫn?” đăng trên mạng Cung cầu Vietnam ngày 6/3/2021.
  5. Bài viết “Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung sẽ thay đổi ngành bán dẫn như thế nào? đăng trên mạng Xã Luận Online ngày 4/11/2021.
  6. Bài viết “Samsung dùng 116 tỷ USD đốt cháy cuộc đua chip với TSMC” đăng trên mạng Vietnam Net ngày 18/11/2020.
  7. Bài viết “Phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” đăng trên mạng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ISSN 2734 -9144 ngày 2/4/2021.
  8. Bài viết “Những điều chưa biết về đất hiếm mà Trung Quốc dọa dùng làm vũ khí” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 30/5/2019.
  9. Bài viết “Nhật Bản phát hiện nguồn đất hiếm khổng lồ dưới biển” đăng trên mạng Vinacomin ngày 20/3/2013.
  10. Bài viết “Công nghiệp bán dẫn: Cơ hội nào cho Việt Nam?” đăng trên mạng Đất Việt ngày 27/9/2021.
  11. Bài viết “’Thời vàng son’ đã qua của Nhật Bản: Từ cường quốc công nghệ với tàu cao tốc chạy 210 km/h, băng cassette Sony đến kẻ ‘ra rìa’ trong cuộc chơi chip điện tử” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 29/9/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *