Sâm Ngọc Linh

156 (lượt xem) |

Ngọc Linh liên sơn hay khối núi Ngọc Linh là khối núi cao nhất miền Trung Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, là một phần của Trường Sơn Nam. Khối núi này nằm trên phần cao nguyên phía Bắc Tây Nguyên, Việt Nam, trong địa phận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai. Dãy Ngọc Linh có độ cao trung bình khoảng 800 – 2,000 m, chạy viền theo ranh giới phía Đông của huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum với các huyện Phước Sơn và Bắc Trà My, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, tiếp đến là trên ranh giới giữa huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi, các huyện KBang, Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai.
Dãy núi này chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam bắt đầu với ngọn núi Ngọk Lum Heo, núi Mường Hoong, Ngọc Linh, Ngọc Krinh, Ngọk Tem, Ngọk Roo.

Dãy Ngọc Linh là đường phân thủy của hai hệ thống sông: một chảy sang phía Tây có sông Sê San, góp nước cho sông Mê Kông; một hệ thống chảy sang phía Đông, đổ trực tiếp ra Biển Đông là các con sông Cái nguồn sông Vu Gia , sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông Ba – Đà Rằng chảy qua tỉnh Phú Yên.
Khu vực bắc Tây Nguyên tiếp theo phía tây nam của khối núi Ngọc Linh cao 2,598 m .
Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà là một loạt cao nguyên liền kề.
Đó là các cao nguyên Kon Tum cao khoảng 400 – 500 m, Kon Plông, Kon Hà Nừng và cao nguyên Gia Lai Pleiku cao khoảng 800 m nối tiếp phía nam Kom Tum . Tất cả các cao nguyên này đều được bao bọc về phía Đông bởi những dãy núi và khối núi cao chính là Trường Sơn Nam.

Núi Ngọc Linh vẻ đẹp huyền bí miền đất Kon Tum - Vntrip.vn

Quần thể núi Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh (danh pháp khoa học: Panax ietnamensis) là một loài cây thuộc họ Cam tùng (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm) củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Ngoài Ngọc Linh, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam theo những kết quả điều tra mới nhất. Trên độ cao 1,200 đến 2,100 m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.

Mùa trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh - Báo Công an Nhân dân điện tử

Sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại.

Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần. Sâm Ngọc Linh có hàm lượng thu suất toàn phần cao hơn gấp 3 lần nhân sâm Triều Tiên, gấp 2 lần nhân sâm Trung Quốc và nhân sâm Mỹ.

Sâm Ngọc Linh: Đặc điểm, Tác dụng và Cách dùng hiệu quả

Hàm lượng Saponin trong sâm Ngọc Linh

CÁC LOẠI NHÂN SÂM NỔI TIẾNG TRÊN THẾ GIỚI

Nhân sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh Việt Nam, sâm Cao Ly (Triều Tiên) và sâm Mỹ đều nổi tiếng về thành phần dưỡng chất. Theo Đông y, nhân sâm là dược liệu quý hiếm có vị đắng, không độc, tác dụng đại bổ nguyên khí, bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể lực cho con người. Theo y học hiện đại, nhân sâm có các thành phần hợp chất hữu cơ quan trọng cùng với các vitamin, axit béo. 4 loại nhân sâm được xem là tốt nhất thế giới hiện nay đều có bán ở thị trường Việt Nam.

Nhân sâm Hàn Quốc: Nhân sâm Hàn Quốc đã được khoa học chứng minh là có công dụng hồi phục huyết áp, ổn định cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh nhân thiếu máu, viêm dạ dày, hen suyễn hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính… Nghiên cứu của bác sĩ Jinsong Geng tại Trường Đại học Y khoa Trung Quốc cho thấy nhân sâm Hàn Quốc cung cấp nhiều năng lượng, tác dụng ngăn ngừa mệt mỏi, kích thích hoạt động thể chất và tinh thần, nâng cao khả năng tư duy và nhận thức.

Nổi tiếng nhất của nhân sâm Hàn Quốc là hồng sâm. Thế giới đã có hơn 5,000 công trình nghiên cứu về công dụng với sức khỏe của hồng sâm. Những kết luận được đưa ra là hồng sâm chứa dưỡng chất giúp cơ thể giảm đường huyết và các triệu chứng chóng mặt, đau đầu. Đặc biệt hồng sâm có thể ngăn tế bào ung thư phát triển, giảm mệt mỏi và ảnh hưởng của xạ trị. Hồng sâm cũng cải thiện các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh và hỗ trợ đời sống tình dục của phụ nữ. Hồng sâm 6 năm tuổi được đánh giá cao về chất lượng. Giá sâm tươi 6 năm tuổi loại 4 củ một kg khoảng 3 triệu đồng (125 USD), loại 3 củ một kg giá 3.5 triệu đồng (146 USD) …

Sâm Triều Tiên: Nhân sâm Triều Tiên hay còn gọi là sâm Cao Ly, chứa saponin có tác dụng giải độc, chống viêm gan, kiểm soát tiểu cầu, hạn chế tiểu đường, xơ cứng động mạch, giảm đau đầu, hạ đường huyết, chống loét dạ dày… Theo các nghiên cứu khoa học, nhân sâm Triều Tiên tăng cường sinh lực cho đàn ông, trị yếu sinh lý nhờ công dụng làm hưng phấn tuyến thận. Loại nhân sâm này cũng được chứng minh là kích thích tái tạo da, dưỡng ẩm, làm mờ vết thâm, căng da, mềm da.

Đều được trồng trên bán đảo Triều Tiên và chất lượng tương đương, sâm Cao Ly lại có một số đặc điểm khác nhân sâm Hàn Quốc. Cụ thể, phần thân và củ sâm Hàn Quốc có hình dáng rất giống người, trọng lượng nặng hơn so với những loại nhân sâm khác. Sâm Hàn Quốc có mùi thơm nức đặc trưng và mùi lan tỏa kể cả trong hơi thở người dùng. Sâm Triều Tiên có mùi thơm dịu nhẹ, giá trên thị trường 2 – 3 triệu đồng (83 – 125 USD) cho 3 củ.

Sâm Triều Tiên có tác dụng chữa yếu sinh lý ở nam giới

Sâm Triều Tiên có tác dụng chữa yếu sinh lý ở nam giới

Sâm Mỹ: Sâm Mỹ có hình dáng xù xì, gân guốc, sinh trưởng chủ yếu ở Mỹ và Canada. Loại sâm này có công dụng tốt cho sức khỏe tuổi trung niên:

  • Giá 600k (25 USD) /1 gói/ 100gr Dạng củ.
  • Giá 330k (14 USD)/1 gói/50 gr Dạng lát mỏng.
Sâm Mỹ tốt cho sức khỏe tuổi trung niên.

Sâm Mỹ tốt cho sức khỏe tuổi trung niên

Sâm Ngọc Linh: Giá sâm tự nhiên nguồn gốc từ Kon Tum và Quảng Nam: 

  • Loại 25 – 30 củ/kg: Khoảng 140 triệu đồng (5,833 USD).
  •  Loại 15 – 20 củ/kg: Khoảng 210 triệu đồng (8,750 USD).
Sâm ngọc linh núi Kon Tum 5 năm tuổi loại 500g

Sâm Ngọc Linh tại Kontum 5 năm tuổi loại 500 gram. Sâm trồng ở khu vực xã Trà Linh huyện Nam Trà My giá rất đắt. Với loại sâm từ 5 đến 7 tuổi giá từ 60 – 70 triệu đồng/kg (2,500 USD – 2,800 UD/kg)

Sâm Ngọc Linh trồng 15 - 20 năm tuổi, 5 củ 1kg vừa về tại Onplaza

Sâm Ngọc Linh bán thiên nhiên 12 – 15 năm tuổi với hàm lượng lớn Saponin cùng các dưỡng chất dồi dào, sẽ bồi bổ thể trạng, chống suy nhược cơ thể, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả, bảo vệ chức năng tim mạch, thải độc gan … Sâm Ngọc Linh bán thiên nhiên 12 – 15 năm tuổi (loại 5 củ 1 kg) giá 94,000,000 đồng (3,899 USD/kg)

Dân Quảng Nam phát hiện sâm Ngọc Linh 100 tuổi | VTC - YouTube

Củ sâm nặng gần 1 kg, hơn 100 năm tuổi – được phát hiện ở vùng rừng núi Ngọc Linh, Quảng Nam giá 250 triệu đồng, tương đương khoảng 12,000 USD

Cận cảnh củ sâm Ngọc Linh khủng 2,7kg 3

Củ sâm Ngọc Linh khủng, rất dài, nặng tới 2.7 kg này đang được ngâm trong bình với 40 lít rượu của một nhà sưu tập, không có giá

SÂM NGỌC LINH

Lịch sử phát hiện: Lịch sữ tìm kiếm sân Ngọc Linh bắt đầu ngay cả trước khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt. Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng, sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Dựa trên những thông tin lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Nam, Kon Tum về một loại củ quý hiếm trên núi Ngọc Linh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, và do nhu cầu của kháng chiến đã khiến ngành dược khu Trung Bộ quyết phải tìm ra cây sâm chi Panax tại miền Trung, mặc dù trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng chi Panax chỉ có ở miền Bắc.

Năm 1973, khu Y tế Trung Trung bộ cử một tổ 4 cán bộ do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn, kỹ sư Nguyễn Bá Hoạt, dược sĩ Nguyễn Châu Giang, dược sĩ Trần Thanh Dân là thành viên, đi điều tra phát hiện cây sâm theo hướng chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắc Tô tỉnh Kon Tum. Khi đoàn lên tỉnh Kon Tum, Ban Dân y Kon Tum cử thêm dược tá Nguyễn Thị Lê trợ giúp cho đoàn, dẫn đường lên núi Ngọc Linh. Sau nhiều ngày vượt suối băng rừng, đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 3 năm 1973, ở độ cao 1,800 m so với mặt biển, đoàn đã phát hiện hai cây sâm đầu tiên và ngay buổi chiều cùng ngày đã phát hiện được một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam: đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax họ Araliaceae một loài mới. Sau khi sâm được phát hiện, Khu ủy Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu.

Những năm sau khi hòa bình lập lại, tháng 10 năm 1978 một tổ công tác thứ hai lên vùng núi Ngọc Linh với nhiệm vụ ước lượng sơ bộ diện tích sâm mọc. Kết quả chuyến đi là việc tìm ra được một vùng dài hàng chục km, có trữ lượng khoảng 6,000 – 7,000 cây sâm mọc dày đặc với mật độ từ 1 m²/cây đến 7.8 m²/cây.

Sâm Ngọc Linh tốt nhất thế giới

Nǎm 1979, Trung tâm Y tế Quảng Nam tổ chức điều tra ở 5 xã của huyện Trà My với sự giúp đỡ của Đại học Y Dược TP.HCM. Kết quả đợt điều tra là việc tìm thấy 1,337 cây trong 211 ô tiêu chuẩn. Trọng lượng trung bình thân rễ sâm là 5.26 gram; số thân có trọng lượng trên 25 gram là 7.39% và số thân rễ có trên 10 sẹo (ước tính trên 8 năm tuổi) là 36.9%. Đợt điều tra này đã thu được 1 thân rễ có tới 52 sẹo (ước tính cây trên 50 năm tuổi), đường kính 1.2 cm, tuy đây chưa phải là thân rễ sống lâu nhất. Trong những đợt tìm kiếm, điều tra về sau còn phát hiện ra cây khoảng 82 năm tuổi có rễ, củ và thân rễ dài hơn nửa mét.

Danh pháp khoa học: Ngày 8 tháng 6 năm 1973 tại văn phòng Ban Dân y Khu 5 dược sĩ Đào Kim Long, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sâm Ngọc Linh đã nêu rõ đặc điểm hình thái, sinh thái học, quần thể, thảm thực vật, khả năng thích nghi, cách phát tán, khả năng tái sinh của cây nhân sâm này, kèm theo báo cáo có các tiêu bản mẫu cây ép khô, ảnh chụp và 3 kg sâm đã phơi khô. Dược sĩ Đào Kim Long đã đặt tên khoa học của cây sâm Ngọc Linh này là Panax articulatus KL Dao (trong kháng chiến để giữ bí mật nên thường gọi là Sâm K5), hay Panax articulatus Kim Long Đào theo tên người phát hiện. 12 năm sau, tên Nhân sâm Việt Nam và tên khoa học là Panax vietnamesis Ha et Grushy, họ Ngũ gia Araliaceae, được công bố tại Viện Thực vật Kamarov (Liên Xô cũ) năm 1985, do Hà Thị Dung và I. V. Grushvistky đặt tên. Áp dụng Quy tắc quốc tế về danh pháp thực vật công bố năm 1994 (ICBN – Tokyo code), điều 1, mục 3 phần C, danh pháp khoa học của sâm Ngọc Linh có thể được nối tên của người thứ hai công bố với tên người thứ nhất qua chữ ex, và khi đó tên khoa học của cây nhân sâm Ngọc Linh được viết hợp pháp theo luật quốc tế hiện nay sẽ phải là Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Gruskv (1985).

Đặc điểm: Cây sâm được phát hiện ở độ cao từ 1,200 m trở lên (có tài liệu cho biết cao độ tìm thấy sâm Ngọc Linh là khoảng 1,500 m), đạt mật độ cao nhất ở khoảng từ 1.700-2,000 m dưới tán rừng già, và cho tới nay chỉ có hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là có cây sâm này. Sâm mọc tập trung dưới chân núi Ngọc Linh, một ngọn núi cao 2,578 m với lớp đất vàng đỏ trên đá granit dày trên 50 cm, có độ mùn cao, tơi xốp và rừng nguyên sinh còn rộng, nên được gọi là sâm Ngọc Linh, tuy những nghiên cứu thực địa mới nhất cho thấy sâm còn mọc cả ở núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đỉnh núi Ngọc Am thuộc Quảng Nam, Đắc Glây thuộc Kontum, núi Langbian ở Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng cũng rất có thể có loại sâm này. Đây là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40 cm đến 100 cm, thoạt nhìn rất giống nhân sâm Triều Tiên, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc do thân khí sinh rụng hàng năm để lại.

Sâm Ngọc Linh có dạng thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, có đường kính thân độ 4 – 8 mm, thường tàn lụi hàng năm tuy thỉnh thoảng cũng tồn tại một vài thân trong vài năm. Thân rễ có đường kính 1 – 2 cm, mọc bò ngang như củ hoàng tinh trên hoặc dưới mặt đất độ 1 – 3 cm, mang nhiều rễ nhánh và củ. Các thân mang lá và tương ứng với mỗi thân mang lá là một đốt dài khoảng 0.5 – 0.7 cm, tuy sâm chỉ có một lá duy nhất không rụng suốt từ năm thứ 1 đến năm thứ 3 và chỉ từ năm thứ 4 trở đi mới có thêm 2 đến 3 lá. Trên đỉnh của thân mang lá là lá kép hình chân vịt mọc vòng với 3 – 5 nhánh lá. Cuống lá kép dài 6 – 12 mm, mang 5 lá chét, lá chét ở chính giữa lớn hơn cả với độ dài 12 – 15 cm, rộng 3 – 4 cm. Lá chét phiến hình bầu dục, mép khía răng cưa, chóp nhọn, lá có lông ở cả hai mặt. Cây 4 – 5 năm tuổi có hoa hình tán đơn mọc dưới các lá thẳng với thân, cuống tán hoa dài 10 – 20 cm có thể kèm 1-4 tán phụ hay một hoa riêng lẻ ở phía dưới tán chính. Mỗi tán có 60 – 100 hoa, cuống hoa ngắn 1 – 1.5 cm, lá đài 5, cánh hoa 5, màu vàng nhạt, nhị 5, bầu 1 ô với 1 vòi nhụy. Quả mọc tập trung ở trung tâm của tán lá, dài độ 0.8 cm – 1 cm và rộng khoảng 0.5 cm -0.6 cm, sau hai tháng bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả. Mỗi quả chứa một hạt, một số quả chứa 2 hạt và số quả trên cây bình quân khoảng 10 đến 30 quả.

Mọc dưới tán rừng ẩm, nhiều mùn, thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20°C-25°C, ban đêm 15°C-18°C, sâm Ngọc Linh có thể sống rất lâu, thậm chí trên 100 năm, sinh trưởng khá chậm. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân rễ, củ và ngoài ra cũng có thể dùng lá và rễ con. Vào đầu tháng 1 hàng năm, sâm xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ đông, thân khí sinh lớn dần lên thành cây sâm trưởng thành có 1 tán hoa. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây nở hoa và kết quả. Tháng 7 bắt đầu có quả chín và kéo dài đến tháng 9. Cuối tháng 10, phần thân khí sinh tàn lụi dần, lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm và cây bắt đầu giai đoạn ngủ đông hết tháng 12. Chính căn cứ vào vết sẹo trên đầu củ mỗi mùa đông đến mà người ta có thể nhận biết cây sâm bao nhiêu tuổi, phải ít nhất 3 năm tuổi tức trên củ có một sẹo (sau 3 năm đầu sâm chỉ rụng một lá) mới có thể khai thác, khuyến cáo là trên 5 năm tuổi. Mùa đông cũng là mùa thu hoạch tốt nhất phần thân rễ của sâm.

Dược tính: Từ năm 1973 đến nay, đã có nhiều cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, và gần 50 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ từ các công trình nghiên cứu về loài cây quý hiếm này.
Trong hai năm 1974 và 1975, Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế nghiên cứu thấy thành phần saponin triterpen của tam thất, nhân sâm và sâm Ngọc Linh có 9 hoặc 11 chất có Rf ngang nhau, màu giống nhau ở hai hệ dung môi khác nhau. Theo đánh giá của Nguyễn Minh Đức, Võ Duy Huấn trong nǎm 1994 thì từ sâm Ngọc Linh đã chiết được 50 hợp chất, xác định cấu trúc hóa học cho thấy 26 hợp chất có cấu trúc đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật) và 24 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới. Sâm Ngọc Linh chứa chủ yếu các saponin triterpen, nhưng cũng là một trong những cây sâm có hàm lượng saponin khung pammaran cao nhất (khoảng 12 – 15%) và số lượng saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax. Ngoài ra trong sâm Ngọc Linh còn có 14 axít béo, 16 axít amin (trong đó có 8 axít amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng.

Những kết quả nghiên cứu mới nhất bổ sung thêm danh sách saponin và axít amin dài hơn nữa. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt cán bộ Viện Dược liệu thì về mặt hoá học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh hiện nay (2007) đã phân lập được 52 saponin trong đó 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật. Trong lá và cọng đã phân lập được 19 saponin pammaran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới. Đã xác định được trong sâm Ngọc Linh 17 axít amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0.1%.

Tác dụng đối với sức khỏe: Trước khi có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh, sâm đã được các dân tộc thiểu số Việt Nam, như người Xê Đăng, dùng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, sốt rét, đau bụng, phù thũng. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài những tác dụng như tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt nói trên, theo dược sĩ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa, và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Trạm Nghiên cứu Dược liệu tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (trước đây) và Xí nghiệp Dược phẩm Đà Nẵng, trong bước đầu thực hiện bào chế sản phẩm thành dược liệu có giá trị thương mại, đã chế ra “Tinh sâm quy Ngọc Linh”, “Sâm quy mật ong” v.v. có chứa sâm Ngọc Linh.

SÂM NGỌC LINH: NUÔI CẤY MÔ VS TRỒNG TRUYỀN THỐNG

Hiện tại, các nhà khoa học Việt Nam đã hoàn tất nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh để so sánh với lối trồng truyền thống. Mặt khác, do phân bố hẹp, chỉ phân bố ở vùng núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, điều kiện sống khá đặc biệt nên rất khó trồng và phổ biến rộng rãi. Cây tự nhiên sinh trưởng và phát triển rất chậm, thường sau 5 – 7 năm trồng mới có thể khai thác sản phẩm. Do đó, việc bảo tồn và phát triển loài thực vật quý hiếm này đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà khoa học và quản lý.

Nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh in vitro: Trong gần 20 năm qua, thông qua việc thực hiện thành công các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện Hàn lâm như: “Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grush.)” (Bộ Khoa học và Công nghệ); “Hệ thống nuôi cấy lớp mỏng tế bào trong nghiên cứu chương trình phát sinh hình thái và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh” (Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ); “Ứng dụng hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED) trong nghiên cứu nhân nhanh cây Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.)” (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Với số lượng lớn phục vụ nhu cầu nhân giống của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên đã công bố hơn 30 công trình khoa học trong và ngoài nước về sâm Ngọc Linh. Từ những cây giống sâm Ngọc Linh có nguồn gốc nuôi cấy mô (invitro), nhóm nhà khoa học công tác tại Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt đã tiến hành nuôi trồng trên 12 loại giá thể khác nhau, chế độ dinh dưỡng khác nhau và điều kiện sinh thái khác nhau (2 điều kiện nhà kính, 1 điều kiện nhà mái che kiên cố và 1 điều kiện trồng ngoài tự nhiên). Sau đó khảo sát ảnh hưởng của từng loại giá thể, chế độ dinh dưỡng, điều kiện sinh thái đối với khả năng thích nghi, sinh trưởng, phát triển và ra hoa của cây sâm Ngọc Linh. Kết quả ghi nhận được cho thấy ảnh hưởng của các loại giá thể nuôi trồng và chế độ dinh dưỡng khác nhau đến sự sinh trưởng của cây sâm invitro trong cùng một điều kiện nhà kính. Giá thể phù hợp cho việc trồng sâm Ngọc Linh in vitro tại Đà Lạt là đất mùn (hỗn hợp phân bò khô và xơ dừa), chế độ dinh dưỡng N-P-K (đạm, lân, kali) tỷ lệ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Sâm phát triển mạnh về chiều cao, thân lá, đường kính tán, số lá trên cây ra nhiều và xanh, thân cây to và cứng cáp, rễ phát triển mạnh, đường kính củ cũng phát triển. Cây 5 tuổi đạt khối lượng thân rễ củ trung bình 77.5 g, đặc biệt có cây đạt 94.9 g. 

  Sâm Ngọc Linh trồng từ cây giống nuôi cấy mô (invitro) đơm hoa kết trái ở đất lành Đà Lạt

Ở điều kiện nuôi trồng khác nhau cho kết quả khác nhau: Tỷ lệ sống sót của cây sâm Ngọc Linh đạt cao nhất ở nhà kính tại khu vực Đà Lạt (79,8%), tiếp theo là khu vực ngoài trời hồ Tuyền Lâm (70,0%), khu vực nhà mái che (61,0%) và thấp nhất tại khu vực xã Đạ Sar – Lạc Dương (40%). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có 2 mô hình có cây ra hoa là tại khu vực nhà kính Đà Lạt và khu vực rừng hồ Tuyền Lâm (2 điều kiện nuôi trồng đã có 25 cây ra hoa tạo quả). Hai mô hình tại khu vực xã Đạ Sar và nhà mái che kiên cố khu vực hồ Tuyền Lâm không có cây cho hoa. Các yếu tố sinh thái tại 2 khu vực trên chưa phù hợp.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, với điều kiện nuôi trồng ở Đà Lạt và cách thức bố trí thí nghiệm tương đồng với vùng núi Ngọc Linh thì cây sâm Ngọc Linh hoàn toàn có thể thích nghi và sinh trưởng tốt; cây sâm giống tạo ra từ nuôi cấy mô vẫn đơm hoa kết trái. Việc ứng dụng nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh sẽ tạo ra một nguồn cây giống lớn cung cấp cho các khu vực trồng sâm Ngọc Linh là một hướng để giải quyết những hạn chế còn tồn tại của phương pháp nhân giống truyền thống (nhân giống bằng hạt). Mặt khác, việc nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô sẽ tạo ra số lượng cây giống nhiều đủ để cung cấp cho người dân, từ đó có thể xã hội hóa việc trồng sâm Ngọc Linh, mang lại lợi ích kinh tế và phát triển thương hiệu sâm Việt Nam trên thế giới. Từ đó, sâm Ngọc Linh – một dược liệu đặc hữu của Việt Nam sẽ vượt khỏi không gian của núi rừng Ngọc Linh bén rễ trên đất lành Đà Lạt.

Trồng truyền thống sâm Ngọc Linh: Sâm Ngọc Linh là một loại thực vật quý giá được tìm thấy ở vùng núi Ngọc Linh. Vì là dược liệu quý, có giá thành cao nên nhiều người lựa chọn trồng sâm ngọc linh.

ky-thuat-trong-sam-ngoc-linh

Sâm ngọc linh thích hợp trồng ở những nơi có độ cao

Mô hình trồng sâm ngọc linh phải đáp ứng được các điều kiện sau thì ra được cây sâm ngọc linh tốt nhất.

  • Khí hậu: Nhiệt độ trung bình từ 14 – 18 ºC (thấp nhất 8 – 11 ºC, cao nhất 20 – 25 ºC độ C); độ ẩm trung bình từ 85 đến 90%; lượng mưa trung bình từ 2,800 – 3,400 mm/ năm, lượng mưa khá vào các tháng mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 7).
  • Đất đai, tài nguyên, địa hình: Độ cao từ 1,500 m trở lên so với mực nước biển, ưu tiên ở độ cao 1,800 m trở lên; đất có độ ẩm cao, giàu dinh dưỡng, có lượng mùn hữu cơ lớn, giữ được cấu trúc rừng cơ bản, độ tàn che từ 70 – 90%.
  • Chuẩn bị cây giống: Để đảm bảo chất lượng cây giống, ngay từ cách ươm hạt sâm ngọc linh đã phải lựa chọn cẩn thận. Chọn cây từ 4 năm tuổi trở lên (đối với cách trồng sâm ngọc linh từ hạt) hoặc 2 năm tuổi trở lên (đối với cây trồng từ mầm), có biểu hiện đặc trưng của giống, không bị sâu bệnh, không bị sâu bệnh. Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 9 là mùa thu hoạch. Quả thu hoạch phải chín sinh lý (vỏ quả có màu đỏ tươi, bên trên có chấm đen, vỏ nhìn bóng, hạt bóng). Do đặc điểm sinh học cần 6-10 ngày để một chùm quả đạt độ chín bình thường, tốt nhất nên hái nhiều lần (ít nhất ba lần, mỗi lần cách nhau 2-3 ngày) để đảm bảo giống thu được tốt nhất.
cach-trong-sam-ngoc-linh-tu-hat

Chuẩn bị cây giống trồng sâm ngọc linh

KỸ THUẬT TRỒNG SÂM NGỌC LINH

Như đã nói ở trên, sâm Ngọc Linh chỉ có thể phát triển ở những vùng có điều kiện thích hợp nên kỹ thuật trồng chỉ dành riêng cho những chuyên viên hướng dẫn và cư dân canh tác:

·         Thời vụ trồng sâm ngọc linh: Sâm ngọc linh có thể trồng quanh năm (trừ những tháng mùa mưa chính) ở vùng núi Ngọc Linh, nhưng do phụ thuộc vào điều kiện cây giống đủ tiêu chuẩn nên thời vụ trồng phổ biến từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm khi cây con đạt 1 năm tuổi. Ngoài ra có thể trồng tại vườn từ tháng 3 đến tháng 5 với cây con trên 1 năm tuổi. Nên tránh trồng vào những ngày nắng gắt hoặc sau khi mưa to.

·         Làm đất và thiết kế vườn: Cách trồng cây sâm ngọc linh không quá phức tạp tuy nhiên cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí tránh tác động tiêu cực đến môi trường rừng để vừa giữ rừng, vừa thiết lập sinh cảnh sống thích hợp cho sâm phát triển. Sâm ngọc linh có thể sinh trưởng và phát triển tốt khi trồng gần gốc cây cũ, cây tái sinh. Chỉ được phép phát quang các loại dây leo và cây bụi trong khu vực trồng sâm và tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến cây gỗ và cây tái sinh xung quanh.

  • Chuẩn bị khu vực trồng: Chọn đất dưới tán rừng tự nhiên ở độ cao 1,500 m trở lên, giữ nguyên cấu trúc rừng bản địa và có độ che phủ rừng từ 70% trở lên, giàu mùn, đủ ẩm. Thiết kế các dải trồng xen kẽ, theo cấp và theo tầng rộng 8 – 10 mét trong vùng lựa chọn, chừa lại phần đỉnh của ngọn xuống ít nhất là 50 mét. Phát quang dây leo, cây bụi làm tuyến trong vườn trồng sâm ngọc linh: các lối đi giữa các băng rộng 0,8m. Tạo lối đi theo hướng dốc rộn từ 0,8 đến 1m theo hình ziczac. Giữ nguyên hiện trạng đối với đỉnh dốc và phần băng còn lại. Chỉ loại bỏ những cây thân leo và cây bụi để nhường chỗ cho việc trồng băng. Thiết kế 3 – 4 luống trồng theo dải, mỗi luống rộng 1.6 – 2 m, trồng 3 – 4 hàng sâm. Dọn sạch cây dây leo giữa các luống để tạo hành lang rộng 30 – 35 cm.
  • Chuẩn bị hố: Tiếp theo trong quy trình trồng sâm ngọc linh là đào hố. Đào hố trồng theo độ nghiêng tự nhiên của khu vực trồng, yêu cầu và hướng thẳng hàng để tiện theo dõi và chăm sóc sâm sau này.

·         Cách trồng sâm ngọc linh: Để trồng cây sâm ngọc linh, dùng cuốc nhỏ hoặc dụng cụ cầm tay đào một hố tròn đường kính 8 – 10cm, sâu 6 – 8cm.

cach-trong-cay-sam-ngoc-linh

Cách trồng sâm ngọc linh từ cây con

  • Trồng từ cây con: Nhẹ nhàng nhổ và chia cây con trong bầu ươm hoặc khay, cẩn thận để không làm hỏng hoặc đứt rễ. Đặt cây con vào hố và điều chỉnh thân cây sao cho thẳng đứng, cổ rễ nằm ngang với mặt đất tự nhiên. lấp đầy bụi bẩn và dùng tay ấn mạnh quanh gốc cây; Để tránh cây bị sũng nước khi trời mưa, mốc đất thành hình mâm xôi. Nên trồng thẳng hàng để tiện theo dõi và bảo dưỡng sau này Chú ý không làm đổ chậu, phá rễ, dập cây. Sau khi trồng, tưới ẩm cho cây nhẹ nhàng, sau đó phủ một lớp lá khô lên mặt đất để giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại, lá khô sau khi phân hủy sẽ cung cấp một lượng mùn cho cây sau này. Lưu ý, cần đảm bảo đúng kỹ thuật trồng sâm ngọc linh để cây phát triển tốt.
  • Chăm sóc vườn sâm ngọc linh: Thường xuyên kiểm tra, trồng dặm những cây chết trong năm đầu sau trồng (dặm những cây cùng tuổi). Dọn sạch dây leo, bụi rậm tái sinh và cỏ dại trong vườn sâm hàng năm; chỉ tỉa và làm cỏ những cây tiếp giáp với gốc sâm. Khi cỏ không làm phiền đến cây nhân sâm, đừng cắt hoặc làm cỏ. Để giảm xói mòn và rửa trôi đất, tránh làm cỏ trong mùa mưa, đặc biệt là trong thời kỳ cây ngủ đông. Ngoài việc làm cỏ nên bón thêm mùn núi cho cây bằng cách phủ lên mặt đất gần gốc cây một lớp mùn dày khoảng 2cm sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh và cho thu hoạch lớn. Để làm phong phú cây trồng, có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh được nuôi cấy từ lá mục, lá khô tại chỗ …. Vào những năm có mưa nhỏ trong những tháng mùa khô, đất trở nên khô cần tưới thêm nước để cây phát triển tốt. Dọn sạch những cành gãy trong vườn sâm; chăm sóc và phục hồi cây bị hại càng sớm càng tốt.
ky-thuat-trong-va-cham-soc-sam-ngoc-linh

Dọn sạch cỏ tại khu vực trồng sâm ngọc linh

  • Thu hạch hạt sâm làm giống: Mùa sâm ra hoa thường từ tháng Tư đến tháng Bảy và mùa kết trái vào khoảng tháng Chín đến tháng Mười. Sau hai tháng quả bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả. Quả sâm chín nhìn tựa viên ngọc lấp lánh sắc màu. Mỗi quả chứa một hạt, một số quả chứa 2 hạt và số quả trên cây bình quân khoảng 10 đến 30 quả. Đồng bào Xê Đăng, ngoài việc tìm cây giống mọc tự nhiên còn biết thu hoạch hạt giống từ cây sâm trồng tại vườn, gieo hạt, nảy mầm thành cây con chừng một năm tuổi rồi mang đi trồng dưới tán rừng, hình thành những vườn sâm trên núi Ngọc Linh. Nhờ những hạt sâm giống màu sắc như những viên ngọc, nên đến nay, hàng trăm ha sâm Ngọc Linh được trồng và nhân rộng ở huyện Nam Trà My.
https://lh4.googleusercontent.com/vpwqmG2g_OCoR6wzvRAhWMds2Dyt2kmL3CReifMuBFKYHTJzsgrbwJM5sYrLjWXwl1Udi51NuhPCUs3f0M3Nxtzc6dINMK0_gNtZk3T6n2XdnHNULg4fn2iIqjKmlSTmyQ=w800

Hạt sâm Ngọc Linh

  • Thu hoạch và giá cả củ sâm: Sâm Ngọc Linh trồng từ cây con có thể thu hoạch sau 6 năm nhưng số lượng, chất lượng và hiệu quả thấp nên thu hoạch khi sâm từ 8 năm tuổi trở lên và tốt nhất nên thu hoạch vào khoảng tháng 10 – 12 (khi cây ngủ đông).

MỤC TIÊU ĐỨNG THỨ 2 THẾ GIỚI VỀ SẢN XUẤT SÂM

Sau khi dược tính và tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, những năm 80 của thế kỷ 20, trên thị trường tự do giá sâm Ngọc Linh tương đương giá sâm Triều Tiên và vào những năm 90, giá sâm Ngọc Linh còn đắt hơn sâm Triều Tiên nhiều lần. Theo dược sĩ Đào Kim Long thì ngay cả dân Hàn Quốc, Nhật Bản, xứ sở của sâm, cũng qua đây tìm cho được sâm Ngọc Linh để chữa bệnh. Việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến trên 108 vùng sâm mọc tự nhiên giữa Quảng Nam và Kon Tum dần cạn kiệt, kéo theo hàng ngàn ha rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề. Trước nguy cơ tuyệt chủng của giống sâm quý, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh sách các loại cây cấm khai thác, mua bán bất hợp pháp; tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có thêm 9 xã của Kon Tum được công nhận đủ điều kiện tự nhiên, canh tác, giống sâm trồng … phục vụ cho việc nuôi trồng sâm Ngọc Linh. Trước đây Kon Tum chỉ có hai xã Ngọc Lây và Măng Ri được công nhận có vùng chỉ dẫn địa lý đặc trưng. Nay Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thêm xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện ĐăkGlei); xã Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).

Ở Quảng Nam, huyện Nam Trà My là khu vực địa lý được công nhận chỉ dẫn đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

Quyết định 697/QĐ-UBND 2020 Quản lý sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc  Linh Kon Tum

Khu vực quy hoạch trồng sâm tại Kon Tum

Rừng sâm hơn 400 ha trên núi Ngọc Linh - VnExpress Kinh doanh

Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nguyên sinh

Theo quyết định số 17/QĐ/UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt cho công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum thực hiện “Dự án quản lý, bảo vệ và tăng trưởng rừng. Cùng với tăng trưởng lớn mạnh Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng huyện Tu Mơ Rông. Dự án khai triển trên không gian hơn 4,600 ha tại xã Ngọk Lay, huyện Tu Mơ Rông. Trong đó gần 4,611ha đất là rừng tự nhiên được trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Cùng lúc đó, công suất kiểu dáng 500kg củ tươi/ năm. Và thời kỳ kiến tạo cơ bản được khai triển từ 2018 tới 2026. Đặc biệt tới 2027 đi vào vận hàng phân phối và kinh doanh. Nhằm nâng cao giá trị cho cây sâm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045”.

Theo dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Tổng cục Lâm nghiệp soạn thảo, đề ra mục tiêu chung là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vũng tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. “Dự tính tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 cần 70,600 tỷ đồng (3 tỷ USD). Đến năm 2030, có thể bảo tồn diện tích có phân bố sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 200,000 ha tại 7 tỉnh. Cùng với đó, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu với diện tích 27,000 ha. Về giống, cung cấp được tối thiểu 80% giống cây sâm Việt có chất lượng đạt chuẩn, trong đó có ít nhất 50% cây giống được nhân từ mô nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng.

Chương trình được thiết kế 6 dự án thành phần gồm: Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn sâm gắn với bảo vệ, phát triển rừng; Phát triển vùng nguyên liệu gây trồng, phát triển sâm tập trung; Nghiên cứu, phát triển, chọn giống; Thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam bền vững và toàn diện theo chuỗi giá trị; Xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại; Phát triển hạ tầng vùng trồng sâm gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

Triển lãm sâm Ngọc Linh trên không gian mạng 2022: Có các phân khu trưng bày, triển lãm sự kiện được số hóa. Riêng không gian phiên chợ số với quy mô hơn 60 doanh nghiệp tham gia triển lãm về hình ảnh, video sâm Ngọc Linh.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh, sáng 14/7/2022, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) phối hợp cùng Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel tổ chức đưa vào vận hành triển lãm lễ hội sâm Ngọc Linh trên nền tảng số tại địa chỉ https://samngoclinh.coquan.vn.

Triển lãm sâm Ngọc Linh trên không gian mạng có các phân khu trưng bày, triển lãm sự kiện được số hóa. Riêng không gian phiên chợ số với quy mô hơn 60 doanh nghiệp tham gia triển lãm về hình ảnh, video sâm Ngọc Linh.

Tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh trên không gian ảo | BÁO QUẢNG NAM ONLINE -  Tin tức mới nhất

Triển lãm sâm Ngọc Linh trên không gian mạng 2022

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Giới thiệu về Sâm Ngọc Linh” đăng trên mạng Nam Trà My ngày 16/6/2022.
  2. Bài viết “Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh cần hơn 70 nghìn tỷ đồng”
  3. Bài viết “4 loại nhân sâm nổi tiếng trên thế giới 29/8/2018” đăng trên mạng  29/8/2018
  4. Bài viết “Mục tiêu đứng thứ 2 thế giới về sản xuất sâm” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 16/6/2022.
  5. Bài viết “Sâm Ngọc Linh in vitro nảy mầm hy vọng” đăng trên mạng Lâm Đồng Online ngày 26/11/2019.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *