Các quốc gia xuất cảng gạo: Ấn Độ – Việt Nam – Thái lan

151 (lượt xem) |

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên khắp thế giới. Trên thế giới có 3 quốc gia xuất cảng gạo chính là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan. Trung Quốc, Philippines, Bangladesh và các nước châu Phi như Senegal, Benin, Nigeria và Ghana nằm trong số các nhà nhập khẩu gạo thường nhiều nhất. Iran, Iraq và Saudi Arabia nhập khẩu gạo basmati cao cấp.

Infographic] 10 quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới

Các quốc gia sản xuất gạo lớn  nhất thế giới

Hiện gạo tại Ấn Độ được chia ra làm 3 nhóm: tấm, Basmati và các loại khác. Ấn Độ hiện đang cấm xuất khẩu gạo tấm, đây là loại gạo chất lượng thấp, thường được xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1,000 USD/tấn.

Hồi tháng 3 và tháng 4/2022, nhiều khu vực tại Ấn Độ đã phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng hơn 100 năm qua. Các bang nông nghiệp chủ chốt như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Bihar đã chứng kiến diện tích trồng lúa sụt giảm mạnh 13%, từ mức 26.7 triệu ha hồi năm ngoái, xuống còn hơn 23.1 triệu ha. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp, đồng nghĩa sản lượng thu hoạch trong năm nay giảm xuống. Do vậy mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Chính phủ Ấn Độ là đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước. Từ ngày 9/9/2022, Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số mặt hàng gạo trắng không phải gạo basmati (non-basmati).

Hành động của Ấn Độ trong việc giảm xuất cảng gạo ngoài vấn đề an ninh lương thực cho quốc gia thì cũng có thể liên quan đến chính trị thế giới. Ấn Độ thường lợi dụng các biến cố trên thế giới, đưa ra những quyết định vì quyền lợi riêng của mình. Ấn Độ đã lợi dụng cuộc chiến Ukraine – Nga Sô để mua dầu của Nga với giá rẽ. Việc cấm xuất cảng gạo cũng có thể vì lý do tương tự.

Từ trước đến giờ, Ấn Độ kiên quyết theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết kể từ khi độc lập, theo lời của thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru, “chúng tôi sẽ tránh xa các khối lớn … để thân thiện với tất cả các nước … không tham gia bất kỳ liên minh nào”. Ai cũng biết bất cứ quốc gia nào cũng đặt quyền lợi của quốc gia mình lên trên hết. Tuy nhiên, khi đi sâu vào chính sách không liên kết của Ấn Độ, nước này đặt quyền lợi quốc gia lên trên nghĩa vụ quốc tế.

Nhưng liệu cuộc chiến ở Ukraine có khiến sự trung lập huyền thoại của Ấn Độ lung lay? “Ấn Độ đang cảm nhận sức nóng, không còn nghi ngờ gì nữa” – theo Michael Kugelman, Phó Giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức có trụ sở tại Washington, Mỹ.

“Giữ thái độ trung lập hiện nay là một canh bạc ngoại giao lớn hơn so với trước đây, vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một trong những hành động xâm lược tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và quan hệ của Ấn Độ với phương Tây gần gũi hơn bao giờ hết”.

Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng ba lần trong một tuần khi có các nghị quyết lên án Nga của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ấn Độ đã không chỉ trích Nga – “người bạn lâu năm và được thử thách qua thời gian”. Hai nước chia sẻ mối quan hệ kéo dài hàng thập niên từ thời Chiến tranh Lạnh. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã đến thăm Delhi trong tuần này, và có “cuộc trò chuyện sâu rộng” – theo cách nói của bà, với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và các quan chức cấp cao. Bà thừa nhận mối quan hệ lịch sử giữa Ấn Độ và Nga, nhưng nói rằng “thời thế đã thay đổi” và đã có “một sự tiến triển về tư duy ở Ấn Độ”. Ba thành viên còn lại của Quad – liên minh được thành lập với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc – là Mỹ, Nhật Bản và Australia đều “cực kỳ mạnh mẽ trong việc đối phó với hành động gây hấn của Putin” – ông Biden nói. Hiện Mỹ đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ rằng mọi thứ đã thay đổi. Thứ nhất, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên sâu sắc hơn – thương mại song phương giữa Ấn Độ và Mỹ là 150 tỷ USD, so với 8 tỷ USD giữa Ấn Độ và Nga.

CÁC NƯỚC XUẤT KHẨU GẠO LỚN NHẤT THẾ GIỚI 2021 

Năm 2021, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 19.55 triệu tấn, trong khi Việt Nam và Thái Lan lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba với sản lượng 6.24 triệu tấn và 6.12 triệu tấn. Trong 7 tháng qua đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt khoảng 11.2 triệu tấn, kế đến là Thái Lan 4.75 triệu tấn và Việt Nam 4.2 triệu tấn.

1)    Ấn Độ: Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, Ấn Độ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2021, chiếm hơn 25% thị phần toàn cầu. Dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 15.5 triệu tấn, tăng 940,000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu gạo Ấn Độ non-basmati chủ yếu là các nước châu Phi và châu Á; còn với gạo basmati cao cấp chủ yếu xuất khẩu vào các nước Trung Đông, Hoa Kỳ và Anh. Ngoài ra, tồn trữ gạo cuối năm giai đoạn 2021 – 2022 tăng 11.6 triệu tấn so với dự báo trước đó, đẩy mức tổng trữ lượng lên 34.5 triệu tấn.

Từ ngày 9/9/2022, Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số mặt hàng gạo trắng không phải gạo basmati (non-basmati: chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ). Báo chí nước này dẫn nguồn các chuyên gia ước tính, sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ có thể sụt giảm 4 – 5 triệu tấn trong năm tài chính 2022 – 2023. Với sản lượng xuất khẩu lên tới 21.2 triệu tấn trong năm tài khóa trước, Ấn Độ chiếm 40% thị phần thương mại gạo toàn cầu. Chính sách mới về xuất khẩu gạo sẽ kéo giảm sản lượng về mức khoảng 17.8 triệu tấn. Trong khi đó, ông Vijay Setia – cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA) dự báo sản lượng có thể về mức 16 – 17 triệu tấn.

Chính sách mới của Ấn Độ nhằm mục đích nâng giá gạo non-basmati lên mức tương đương với các nước khác ở châu Á, vượt 400 USD/tấn (từ mức 350 USD/tấn hiện nay). “Giá cả được kỳ vọng sẽ cải thiện ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”, ông Setia nói với báo chí Ấn Độ. Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ, ông Sudhanshu Pandey giải thích: Sự gia tăng bất thường sản lượng tấm xuất khẩu gây thiếu hụt nhu cầu làm thức ăn chăn nuôi trong nước và sản xuất ethanol. Sản lượng xuất khẩu tấm đã tăng đến gần 23% tính đến tháng 8.2022. Trong năm tài chính 2021 – 2022, Ấn độ xuất khẩu gần 3.9 triệu tấn tấm, gần 1.6 triệu tấn được đưa đến Trung Quốc; một năm trước đó, sản lượng chỉ có 2 triệu tấn.

THÁI LAN VÀ VIỆT NAM

Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Chalermchai Sri-on cho biết, trong khi nông dân trồng lúa bị ảnh hưởng do chi phí sản xuất tăng cao trước các diễn biến phức tạp gần đây, như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine …, thì giá gạo trên thị trường toàn cầu lại tăng không tương xứng. Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Lan Pramot Charoensin cho biết, so với 2 năm trước, chi phí sản xuất trồng lúa ở Thái Lan hiện đã tăng gần gấp đôi, từ mức 4,500 – 5,000 baht/tấn lên mức 7,500 – 8,000 baht/tấn. Trong khi đó, chi phí sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện đang ở trong tình trạng tốt hơn Thái Lan do chi phí lao động trong lĩnh vực trồng lúa thấp hơn. Chi phí sản xuất của Việt Nam thấp hơn khoảng 100 USD/tấn gạo so với Thái Lan.

Trước bối cảnh này, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới là Việt Nam và Thái Lan sẽ phải chung tay đàm phán, nhằm tăng giá gạo một cách hợp lý bằng cách sử dụng cơ chế định giá trên thị trường toàn cầu, đồng thời cố gắng thuyết phục thêm các nước xuất khẩu gạo tham gia sáng kiến ​​này.

Trưởng đoàn đàm phán giá gạo của Thái Lan, ông Alongkorn Ponlaboot cho rằng, việc thúc đẩy giá cả công bằng hơn là sứ mệnh và trách nhiệm của tất cả các nước xuất khẩu gạo. Do biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến việc trồng lúa và sản lượng lúa trên toàn thế giới, tất cả các bên cần chung tay để bảo đảm an ninh lương thực. Người nông dân sẽ không phải đối phó với giá gạo không công bằng trên thị trường toàn cầu, nếu họ bị bỏ mặc mà không có sự giúp đỡ và hợp tác giữa các bên. Chủ tịch Hiệp hội Xay xát gạo Thái Lan Rangsan Sabaimuang cũng ủng hộ giá cả công bằng hơn cho tất cả các bên.

Ông Rangsan đặt ra câu hỏi “Tại sao những nước xuất khẩu dầu lại có thể thành lập Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ?”, đồng thời đề cập đến việc thành lập 1 nhóm tương tự nhằm điều tiết giá gạo. Do đó, sự hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam đã trở thành bước đầu tiên để thực hiện các nỗ lực trên. Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Lan hoan nghênh hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về giá gạo, tuy nhiên cảnh báo rằng Ấn Độ vẫn có tiếng nói lớn nhất trong việc định giá gạo trên thị trường toàn cầu do vị thế là nước xuất khẩu hàng đầu.

GIÁ CÁC LOẠI GẠO XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết hai loại gạo tác động mạnh nhất khi Ấn Độ có chính sách trên là gạo trắng và gạo tấm. Việt Nam thường nhập cảng 2 loại gạo này để tiêu thụ trong nước và xuất cảng các loại gạo có phẩm chất tốt hơn để tăng cường lợi nhuận. Giá gạo trắng VN xuất khẩu hiện đã tăng khoảng 15 – 20 USD/tấn, lên mức 415 – 425 USD/tấn. Trong khi gạo Thái Lan cũng hưởng lợi tăng lên mức 410 USD/tấn. Dù hạn chế xuất khẩu, đánh thuế 20% nhưng theo ông Long, gạo trắng Ấn Độ cũng hưởng lợi khi giá tăng lên ngang bằng giá gạo trắng VN dù trước đó thấp hơn rất nhiều. Trong khi đó, mặt bằng giá gạo thơm các loại xuất khẩu của VN cũng tăng trung bình khoảng 10 – 15 USD/tấn. Gạo tấm là loại gạo tăng mạnh nhất, giá gạo tấm xuất khẩu của VN cũng như các nước tăng thêm 20 – 25 USD/tấn, lên mức 380 – 390 USD/tấn. Tuy nhiên, số lượng tấm xuất khẩu của DN VN không lớn. Các nước xuất khẩu tấm nhiều như Myanmar, Pakistan lại hưởng lợi lớn. “Hiện nhiều khách hàng từ châu Phi, Nga và một số nước châu Á đã bắt đầu hỏi dò giá gạo trắng, tăng lượng đặt hàng với phía DN xuất khẩu gạo VN vì lo ngại giá gạo có thể tăng thêm trong thời gian tới” – ông Long tiết lộ.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2021, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát làm cho thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam bị gián đoạn. Nhưng những tháng cuối năm, thị trường gạo ghi nhận sự khởi sắc. Lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Trung bình một năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26 – 28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 – 6.5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa chính chiếm đến hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hạt gạo Việt đã có mặt trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á, trong đó, Trung Quốc và Philippines là hai thị trường chính của xuất khẩu gạo. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp trong nước đã theo đuổi việc xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao và xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu riêng vào những thị trường “khó tính” hàng đầu thế giới, nâng cao vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Hiện Việt Nam có 250 doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trên đây là top 5 các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam hàng đầu trong những năm qua. Dù trải qua dịch COVID-19 đầy khó khăn nhưng các loại gạo xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vẫn chứng minh được chất lượng tuyệt vời của mình. Tài liệu dưới đây lấy từ công ty Trung An là tập đoàn xuất nhập khẩu gạo lúa gạo hàng đầu của Việt Nam.

Ngành lúa gạo đang chuyển đổi từ lượng sang chất. Giá chào tuy có sự biến động nhưng vẫn có xu hướng gia tăng. Trong năm 2021, gạo Việt Nam cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang EU và đem lại nhiều kết quả tích cực. Đây chính là tín hiệu khởi sắc báo hiệu sự trở lại sôi nổi của thị trường xuất khẩu hậu Covid-19. Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục đi ngang. Hiện gạo 5% tấm có giá khoảng từ 415 – 419 USD/tấn; gạo 25% tấm giá từ 393 – 397 USD/tấn; gạo 100% tấm giá từ 333 – 337 USD/tấn; gạo Jasmine giá từ 573 – 577 USD/tấn. Theo đó, cùng điểm qua Top 5 (gạo trắng, gạo Jasmine, gạo thơm, gạo nếp, gạo Japonica, gạo ST-25) các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường quốc tế để làm tiêu chuẩn cho các quốc gia khác.

Top 10 nước nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất 4 tháng đầu năm 2020

Các nước nhập khẩu gạo Việt Nam

Gạo trắng: Gạo trắng là loại gạo đã loại bỏ vỏ trấu, cám và mầm nhưng vẫn giữ lại phần nội nhũ giàu dinh dưỡng. Quá trình xay xát này tuy giúp tăng thời hạn sử dụng nhưng cũng làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Ví dụ như chất xơ, các khoáng chất và vitamin. Về chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam, gạo trắng chiếm 38.2%. Thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam gồm Philippines với 59%, Cuba 10% và Bangladesh khoảng 5%. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo trắng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 488 -492 USD/tấn với gạo 5% tấm, 463 – 467 USD/tấn với gạo 25% tấm. So với giá gạo trắng cùng loại của các nước xuất khẩu lớn thì giá gạo trắng Việt Nam hiện đang giữ vị trí cao nhất.

Gạo Jasmine: Bắt nguồn từ Philippines, gạo Jasmine chính thức nhập khẩu vào Việt Nam vào năm 1992. Giống lúa này được gieo trồng chủ yếu tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong 2 vụ là Hè – Thu và Đông – Xuân. Đặc điểm của loại gạo này là hạt dài, trắng trong, thân cứng và ít lép. Khi nấu chín có mùi thơm nhẹ. Cơm có độ dẻo. Do gạo Jasmine có giá thành khá rẻ nên được người tiêu dùng và các quán ăn ưa chuộng. Không chỉ có vẻ ngoài đẹp mắt, chất lượng gạo Jasmine cũng rất tốt nên thường được xuất khẩu sang các nước trong và ngoài khu vực. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo Jasmine xuất khẩu vẫn duy trì ở mức ổn định khoảng 583 – 587 USD/tấn. Đồng thời ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 3,000 tấn gạo ST20 và Jasmine sang châu Âu. Trong đó gạo Jasmine có giá hơn 600 USD/tấn. 

Gạo thơm: Gạo thơm là loại gạo có hạt dài, ít bạc bụng. Khi nấu chín, cơm mềm dẻo vừa phải và có mùi thơm đặc trưng. Trong đó, gạo thơm lài là giống lúa được trồng nhiều ở vùng Cần Đước, Long An. Gạo thơm được xem là mặt hàng xuất khẩu có ưu thế của các doanh nghiệp Việt Nam. Khi thị trường xuất khẩu gạo tại khu vực châu Á bắt đầu khởi động lại, rất nhiều khách hàng tiềm năng đã ráo riết mua vào. Điển hình là các thị trường như Trung Quốc và Bangladesh… Trong số các chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam, gạo thơm ước đạt 716,000 tấn, chiếm tỷ lệ 34%. Giá gạo thơm xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2021 khoảng 536 USD/tấn, tăng 12 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước. Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo thơm ST-20 (5% tấm) sang EU với giá hơn 1,000 USD/tấn.

Gạo nếp: Gạo nếp là hạt gạo được tách và thu hoạch từ cây lúa nếp, rất phổ biến ở châu Á. Đặc điểm của loại gạo này là hạt ngắn, có màu trắng đục và có hàm lượng amylose thấp. Khi nấu chín, cơm có độ dính và dẻo thơm nhất định. Về giá trị dinh dưỡng, gạo nếp có hàm lượng tinh bột và calo cao. Trong 100 gam cơm gạo nếp có khoảng 344 kcal. Hơn nữa, gạo nếp cũng có hàm lượng vitamin B, canxi, protein,… dồi dào. Đặc biệt, trong gạo nếp không có chứa gluten cho nên nó rất an toàn với những người mắc bệnh Celiac. Gạo nếp cũng là mặt hàng xuất khẩu lợi thế của Việt Nam. Kinh ngạch xuất khẩu của loại gạo này chiếm khoảng 16.4%. Thị trường xuất khẩu gạo nếp lớn nhất là Trung Quốc, ước tính chiếm khoảng 80%. Tiếp sau đó là Malaysia 6% và Philippines xấp xỉ 6%. Giá xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2021 của gạo nếp khoảng 474 USD/tấn.

Gạo Japonica xuất khẩu hàng đầu qua Hàn Quốc, Nhật Bản: Gạo Japonica là giống gạo cao cấp có nguồn gốc từ Nhật Bản, được trồng phổ biến tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2015. Khác với các loại gạo khác, hạt gạo Japonica tròn, mẩy, dày và có phần cứng hơn. Gạo cũng dính hơn do chứa hàm lượng amylopectin cao. Khi ngửi sẽ có mùi thơm nhẹ nhàng. Khi ăn sẽ có vị ngọt thanh, dễ chịu. Giá trị dinh dưỡng của gạo Japonica cũng cao hơn bởi hạt gạo rất giàu các khoáng chất và vitamin như B1, B2, E, K,.. Ngoài ra, gạo Japonica còn được biết đến là loại gạo hữu cơ; không phân bón, thuốc trừ sâu; không chất bảo quản.

Đây là loại gạo xuất khẩu của Việt Nam nhiều đến các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc … Công ty Tân Long là cái tên mới nổi trên thị trường xuất khẩu gạo những năm gần đây. Tập đoàn này có nhà máy chế biến gạo đặt tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với công suất xay xát, chế biến từ 180,000 – 200,000 tấn gạo/năm, được đầu tư bằng dây chuyền thiết bị chà bóng gạo cao cấp của LAMICO (Satake Vietnam Co., Ltd. from Japan). Các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Tân Long lâu nay là Philippines với gạo phẩm cấp trung bình, thị trường Indonesia, Malaysia với gạo phẩm cấp trung bình khá. Thời gian gần đây, Tập đoàn này đã tiếp cận được với thị trường Hàn Quốc, chuyên nhập các loại gạo hạt tròn. Mức giá xuất khẩu khá tốt, thường đạt trên 700 – 800 USD/tấn.

Gạo ST25: Kể từ khi đạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019, gạo đặc sản ST25 trồng tại Sóc Trăng đã nhanh chóng chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Nhật Bản … Nhờ đó giá của loại gạo này cũng tăng rất cao, lên đến hơn 1,000 USD/tấn. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng đột phá với khối lượng lên đến gần 4,700 tấn, giá trị thu về 5 triệu USD, tăng mạnh 82.8% về lượng và tăng gấp đôi về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

GẠO ST 25 BÁN TẠI MỸ . HAI LOẠI BAO BÌ - MỘT CHẤT LƯỢNG | CTY TNHH GẠO NGON  NHẤT

Gạo ST25 tại thị trường Hoa Kỳ – 25 lbs – 25 USD

KẾT LUẬN

Báo cáo nghiên cứu ngành lúa gạo Việt Nam 2022-2031 của Research & Markets của Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là nước giàu lúa gạo, cây trồng nhiệt đới và thủy sản và là nước xuất khẩu nông sản lớn ở Đông Nam Á, đồng thời là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2021, tổng sản lượng gạo của Việt Nam đạt khoảng 44 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, thức ăn gia súc, gia cầm và xuất khẩu. Cũng trong năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3.133 tỷ USD và gạo đã trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đây là thành tích đáng ghi nhận của ngành lúa gạo trong nhiều năm qua, nhất là trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh COVID-19 ập đến với ngành nông nghiệp Việt Nam vào năm 2020 cả về sản xuất và xuất khẩu.

Theo phân tích của Research & Markets, có 3 nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng và giúp gạo Việt Nam xuất khẩu ổn định giai đoạn 2022 – 2031.

Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó cơ cấu lúa gạo được điều chỉnh mạnh mẽ cùng với thay đổi quy trình canh tác, tức là chú trọng nâng cao chất lượng hơn là tăng sản lượng gạo. Điều này thể hiện ở chỗ vào năm 2015, hạt giống lúa chất lượng cao của Việt Nam chỉ chiếm 35% – 40% tổng số hạt giống lúa thì đến năm 2020, con số này đạt 75% -80%, thậm chí có nơi tỉ lệ sử dụng hạt giống chất lượng cao tới 90%.

Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam có bước đột phá. 

Thứ ba, trên thế giới, nhiều ngành bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thị trường vẫn không giảm. Ngoài ra, cuộc chiến Ukraine – Nga Sô cũng sẽ làm giá nông sản tăng lên.

Cũng theo phân tích của Research & Markets, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm lúa gạo của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng gạo và 95% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Từ năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo trồng hơn 1.5 triệu ha lúa mỗi vụ, với năng suất bình quân 6 tấn/ha và sản lượng lúa hằng năm đạt hơn 24 triệu tấn. Vì vậy, Research & Markets cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị trong giai đoạn 2022 – 2031.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Top 10 Nước Xuất Khẩu Gạo Lớn Nhất Thế Giới 2021 – Theo thống kê USDA” đăng trên mạng Thanh Niên Online ngày 13/9/2022.  
  2. Bài viết “Lý do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và phản ứng của Thái Lan” đăng trên mạng Thanh Niên Online ngày 22/1/2022.
  3. Bài viết “Top 5 các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam” đăng trên mạng Trung An ngày 19/1/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *