Ngành trồng chuối tại Việt Nam

164 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Chuối là tên gọi loại quả của các loài cây thuộc chi Musa; đây được coi là một trong các loại trái cây được ăn rộng rãi nhất. Những cây chuối có gốc từ vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á. Ngày nay, nó được trồng khắp vùng nhiệt đới, ở ít nhất 107 quốc gia. Ở nhiều vùng trên thế giới và trong thương mại, “chuối” là từ thường được dùng để chỉ các loại quả chuối mềm và ngọt. Những giống cây trồng có quả chắc hơn được gọi chuối lá. Cũng có thể cắt chuối mỏng, sau đó đem chiên hay nướng để ăn giống như khoai tây. Chuối khô cũng được nghiền thành bột chuối.

Quả của những cây chuối dại (ở Việt Nam còn gọi là chuối rừng) có nhiều hạt lớn và cứng. Nhưng hầu hết loại chuối được buôn bán để ăn thiếu hạt (xem Trái cây không có hạt ) vì đã được thuần hóa lâu đời nên có bộ nhiễm sắc thể tam bội. Có hai loại chuối cơ bản: các dạng chuối tráng miệng có màu vàng và được ăn khi chín, còn các loại chuối nấu được nấu khi còn màu xanh. Quả chuối ra thành nải treo, mỗi tầng (gọi là nải) có tới 20 quả, và mỗi buồng có 3 – 20 nải. Các nải nhìn chung gọi là một buồng, nặng 30 – 50 kg. Một quả trung bình nặng 125 g.

Hầu hết chuối được tiêu thụ trên thế giới thuộc về loại Cavendish. Hoa Kỳ và các nước trong Liên minh châu Âu nhập khẩu chuối nhiều nhất, còn ở Á Châu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 quốc gia tiêu thụ chính.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/c/c5/Banana_ancestors_%28Musa_acuminata_and_Musa_balbisiana%29_original_range.png/220px-Banana_ancestors_%28Musa_acuminata_and_Musa_balbisiana%29_original_range.png

Phạm vi phân bố của tổ tiên của chuối ăn tại Á Châu

Philippines vẫn đang là quốc gia trồng chuối lớn thứ 2 thế giới, sau Ecuador. Cùng với Ecuador, các nước Costa Rica, Guatemala, Cộng hòa Dominicana và Colombia hiện chiếm khoảng 65% sản lượng chuối toàn cầu. Tại Á Châu, Philippines liên tục là một trong năm nước xuất khẩu chuối hàng đầu với lượng sản xuất khoảng 9.36 triệu tấn chuối trên diện tích 447,889 ha và xuất khẩu hàng năm đạt từ 2.85 đến gần 3 triệu tấn. Số liệu năm 2018 cho biết, Philippines với giống chuối Cavendish chiếm khoảng 52% tổng sản lượng, Saba (27%) và Lakatan (10%). Các vựa trồng chuối lớn là đảo Mindanao, vùng Davao, và thung lũng Cagayan. Xuất khẩu chuối chiếm khoảng 30% tổng mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị khoảng 6.39 tỷ USD trong năm 2019.

Chuối Cavendish là chuối gì? - Lachuoixuatkhau.vn

Giống chuối Cavendish

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, là một trong những xứ sở của cây chuối, từ Bắc xuống Nam, đồng bằng cũng như trung du, miền núi ở đâu cũng có chuối với nhiều loại giống khác nhau. Diện tích chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái, sản lượng 1.4 triệu tấn. Ở miền Trung và miền Nam có nhiều địa phương có diện tích chuối lớn như Đồng Nai, Sóc Trăng, Cà Mau, Thanh Hóa, Quảng Trị, Khánh Hòa … có diện tích chuối từ 3,000 đến 8,000 ha; phía Bắc có Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên… Hiện Việt Nam có khoảng 150,000 ha chuối lấy quả quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các gia đình, các giống chuối trồng không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng, diện tích chuối đạt trên 200,000 ha, bằng nửa của Philippines.

Với lợi thế đất bồi ven sông thuận lợi cho việc trồng chuối, Việt Nam xác định đây là một trong những cây chủ lực hướng tới xuất khẩu, tạo giá trị cao cho nông dân. Ngoài ra, Việt Nam còn cộng tác với Lào và Campuchia để trồng chuối ở các tỉnh gần biên giới.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan và Philippines. Trong khá nhiều lãnh vực, mối liên hệ giữa Trung Quốc và Philippines, Thái Lan có khá nhiều thuận lợi hơn với Việt Nam và 2 nước này đang tận dụng ưu thế của họ. Việt Nam phải nỗ lực chiếm lĩnh thị trường tại Hoa Kỳ, Liên Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc và cân bằng cán cân xuất nhập khẩu với Trung Quốc.

CHUỐI VÀ HEO CỦA HOÀNG ANH GIA LAI

Ngày 20 tháng 10 năm 2020, tác giả có đưa lên mạng Tranhchapbiendong.net bài viết về Trang trại chuối của Hoàng Anh Gia Lai.

Sau gần 10 năm làm nông nghiệp với không ít kế hoạch thất bại như từ bỏ cao su, cọ dầu và chuyển sang trồng đủ các loại cây ăn trái, Bầu Đức có lẽ đã tìm ra được công thức cho lĩnh vực nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai. Đó là mô hình “một cây, một con” – trồng chuối và chăn nuôi heo với tham vọng sẽ đưa HAGL trở lại thời kỳ huy hoàng. Các nông sản phụ như chanh dây, thanh long v.v… cũng được HAGL tận dụng.

Cuộc sống lạ lùng của bầu Đức ở Campuchia: Ông chủ Hoàng Anh Gia Lai trong  căn phòng 15 m2

Vì sao chuối mà không phải các loại cây khác?

Về câu chuyện trồng chuối, Bầu Đức bắt đầu từ nỗi hoài nghi về thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn của nước láng giềng Trung Quốc. Do thấy nông sản nước mình hay bị ùn tắc tại cửa khẩu nên ban đầu, ông không có niềm tin về việc buôn bán ở thị trường tỷ dân này. Tuy nhiên, khi khảo sát thực địa, nhận thấy cả thế giới đều đang “thèm khát” thị trường Trung Quốc thì Bầu Đức cũng nhận ra rằng thật sự mình không cung cấp nổi nhu cầu siêu lớn của họ.

Công ty nông nghiệp của Bầu Đức đặt mục tiêu năm 2021 thu hơn 4,300 tỷ đồng (187 triệu USD), trong đó vườn chuối đóng góp 86%. Tính đến cuối năm ngoái, công ty đã trồng trên 18,300 ha cây ăn trái. Ngoài chuối, cũng có nhiều loại cây khác nhưng vì mức độ quy mô không lớn nên sẽ khó đạt doanh thu như kỳ vọng. Thêm vào đó, chuối cũng là trái cây mang lại lợi nhuận cao. Cụ thể, nếu giá vốn làm ra sản phẩm khoảng 6,500 đồng/ký, bán 12,000 đồng/kg là tỷ lệ lời gấp đôi. Còn đối với loại chuối không xuất khẩu được để làm thức ăn cho heo, giá tạm tính 4,000 đồng một kg, mỗi ha chuối HAGL sẽ có thêm 150 triệu đồng lợi nhuận. Tính trung bình, một ha chuối của HAGL một năm lãi 400 triệu. Theo tìm hiểu, chuối của HAGL một năm sẽ chia làm hai khung giá bán khác nhau. Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 8 giá chuối sẽ khoảng 13,000 – 14,000 đồng một kg; từ tháng 9 – 3 năm sau giá sẽ rất cao vào khoảng 22,000 – 23,000 đồng một kg. Nguyên nhân là do vào mùa lạnh, thị trường Trung Quốc không có chuối để bán nên giá cao hơn so với mùa nóng.

Theo Bầu Đức, vấn đề lớn nhất của nông nghiệp là đầu ra và với trái chuối, Trung Quốc chịu ăn rồi là không bao giờ làm đủ cả. Theo khảo sát của đội nghiên cứu HAGL, nhu cầu chuối của thị trường Trung Quốc là khoảng 20 triệu tấn mỗi năm. Nói chung về xuất khẩu chuối ở Việt Nam, Bầu Đức tự tin rằng “tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”. Hiện nay, mỗi tuần HAGL có khoảng 300 container chuối xuất sang thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường láng giềng Trung Quốc, HAGL còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những tháng cuối năm 2021, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn nhưng doanh thu bán chuối của HAGL vẫn tăng bởi doanh nghiệp này không bán hàng qua cửa khẩu bằng đường bộ, mà bán chính ngạch bằng đường tàu biển. Tính đến cuối năm 2021, HAGL có tổng diện tích cây ăn trái khoảng 10,000 ha. Trong đó, diện tích chuối đã là 5,000 ha (bao gồm 2,500 ha tại Việt Nam, 1,500 ha tại Lào và 1,000 ha tại Campuchia) và các loại cây khác như mít, bơ, sầu riêng, xoài … Trong năm 2022, công ty sẽ trồng thêm 2,000 ha chuối, nâng tổng diện tích lên 7,000 ha. Dự kiến trong tương lại, HAGL sẽ phát triển lên 10,000 ha và trở thành một trong những nhà cung cấp chuối lớn trong khu vực và trên thế giới. Hiện HAGL cũng nằm trong nhóm 500 nhà buôn chuối lớn nhất thị trường Trung Quốc.

Trang trại chuối của HAGL tại Campuchia

Cũng trong một tin tức về chuối, cuối năm 2021, chủ tịch THACO Trần Bá Dương cho biết THAGRICO – công ty phụ trách mảng nông nghiệp của THACO – ty đã trồng được hơn 16,000 ha cây ăn trái các loại tại Campuchia, trong đó hơn 10,000 ha chuối, 4,000 ha xoài, 300 ha dứa làm giống và hơn 2,000 ha cây ăn trái khác. THAGRICO đã thực hiện chuyển đổi một phần lớn diện tích cây cọ dầu, cây cao su sang trồng mới cây ăn trái chủ lực là chuối, dứa, xoài và chăn nuôi bò sinh sản. Ông Dương kỳ vọng giá trị xuất khẩu đối với chuối có thể đạt 1 tỷ USD và Campuchia sẽ là nơi xuất khẩu chuối lớn nhất nhì thế giới.

Trang trại trồng chuối của Thagrico tại Campuchia

Chuối Philippines – Việt Nam và thị trường Trung Quốc

Từ đầu năm đến nay, khoảng 40% lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc là của Việt Nam và Campuchia, đồng thời đánh bật đối thủ truyền thống Philippines ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Tờ Business Mirror dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Nông dân trồng và Xuất khẩu chuối Philippines (PBGEA) cho biết, kim ngạch xuất khẩu chuối của nước này đã sụt giảm 15% do đại dịch Covid-19 làm tăng chi phí vận chuyển cùng nhiều khó khăn khác khiến mặt hàng trái cây khó bảo quản này mất nhiều thời gian mới đến được thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu chuối của Việt Nam và Campuchia tận dụng được lợi thế khoảng cách đưa mặt hàng chuối bù đắp thiếu hụt ở thị trường Trung Quốc. Thống kê của hải quan cho biết, từ đầu năm đến nay đã có gần 40% lượng chuối nhập vào thị trường Trung Quốc là của Việt Nam và Campuchia.

“Do Việt Nam và Campuchia ở gần thị trường Trung Quốc hơn nên họ đang từng bước đẩy chuối của Philippines ra khỏi thị trường Trung Quốc”, đại diện PBGEA cho biết.

Trong năm ngoái, gần 90% lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Philippines, trong khi chỉ có 10% sản phẩm cùng loại đến từ Việt Nam và Campuchia.

Ông Bakani, người đứng đầu PBGEA giải thích rằng, chi phí vận chuyển chuối nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung đã tăng 15% – 20% trong năm nay và thời gian vận chuyển cũng tăng từ trung bình 25 ngày lên trung bình 30 – 33 ngày.

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ trong việc vận chuyển là do hàng hóa bị ùn ứ và tồn đọng tại các cảng của Trung Quốc và Singapore từ hồi cuối năm 2020, dẫn đến việc chậm trễ hơn nữa ở các công đoạn tiếp theo.

Theo ông Kabani, sự sụt giảm về khối lượng và giá trị xuất khẩu chuối của Philippines khiến người trồng chuối trong nước lo lắng. Dữ liệu cho thấy tổng lượng xuất khẩu chuối đã giảm 51% trong tháng 1, xuống chỉ còn 186,000 tấn, trong khi giá trị xuất khẩu giảm 47% xuống còn 85 triệu USD.

Hiện Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chuối thu về lợi nhuận lớn nhất của Philippines, tuy nhiên nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu chuối của Philippines đã giảm 20.6% trong năm 2020, chỉ còn đạt 1.55 tỷ USD, trong khi chuối là sản phẩm xuất khẩu quan trọng thứ sáu của Philippines.

Từ hàng chục năm qua, Philippines liên tục là một trong năm nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới, với lượng xuất khẩu hàng năm đạt từ 2.85 đến gần 3 triệu tấn.

Số liệu năm 2018 cho biết, Philippines đã sản xuất khoảng 9.36 triệu tấn chuối trên diện tích 447,889 ha, với các giống chuối Cavendish chiếm khoảng 52% tổng sản lượng, Saba (27%) và Lakatan (10%).

Các vựa trồng chuối lớn là đảo Mindanao, vùng Davao, và thung lũng Cagayan.

Sản phẩm chuối Việt Nam được chào đón ở thị trường Hàn Quốc. Ảnh: HAGL

Vì sao Bầu Đức lại chọn nuôi heo? 

Nói về quyết định chọn nuôi heo là mảng chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai, Bầu Đức chia sẻ đều do cái duyên. Theo Thanh Niên Online, trong một lần ra Hà Hội một người bạn của Bầu Đức đã nói: “Dù HAGL đã có những nốt trầm trên chặng đường phát triển nhưng anh có uy tín cá nhân khắp cả nước mà không có sản phẩm gì thì hơi tiếc”. Lời nói này đã góp phần thức tỉnh Bầu Đức.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, đây cũng là lúc ông nghĩ đến việc nuôi heo vì thị trường Việt Nam tiêu thụ 8 – 9 tỷ USD cho thịt heo. Tuy nhiên, sản phẩm thịt heo của Bầu Đức lại độc đáo ở chỗ đó là “heo ăn chuối”. Thay vì dùng các loại thức ăn khác cho heo thì Bầu Đức lại dùng chuối, đậu nành, bắp…; cụ thể heo nái thì sử dụng chuối chín để có sữa nhiều và heo thịt thì ăn bột chuối. Đặc biệt, sản phẩm heo khép kín do HAGL không dùng kháng sinh trong quá trình nuôi và thay vào đó là vitamin và thảo dược.

Ngoài ra, điểm mạnh của sản phẩm “heo ăn chuối” của HAGL là tận dụng được loại chuối không xuất khẩu để phơi khô và làm thành bột cho các trang trại heo. Mỗi năm HAGL có khoảng 200,000 tấn chuối (tương đương với tỷ lệ 50%) thu hoạch không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu về kích cỡ, màu sắc và trước đây nếu không xuất khẩu thì phần chuối này chỉ dùng làm phân bón. Do vậy “một mũi tên trúng hai đích” vừa tận dụng các sản phẩm chuối không xuất khẩu được, vừa giảm đáng kể chi phí thức ăn cho heo, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác cùng ngành chăn nuôi heo. Thêm vào đó, do chế độ dinh dưỡng đặc biệt, chất lượng thịt heo HAGL cũng khác biệt hơn so với các sản phẩm trên thị trường. Được biết, gần 80% giá thành của heo là ở khâu thức ăn và riêng chuối đã chiếm tỷ lệ khoảng 40% chi phí thức ăn đưa vào. Nhờ đó, giá thành nuôi heo của HAGL ở mức khoảng 35,000 đồng/kg heo hơi, rẻ hơn so với mặt bằng chung của thị trường là 55,000 đồng/kg.

Với ngành chăn nuôi heo, dù chỉ mới bắt đầu tham gia vào mảng này trong vòng chưa đầy một năm nhưng trụ cột này đã nhanh chóng trở thành nguồn thu chính của công ty khi đóng góp đến 190 tỷ đồng doanh thu. Riêng tháng 11/2021, HAGL đã có lãi 17 tỷ đồng đối với mảng nuôi heo. 

HAGL cũng đã xây được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400,000 con heo thịt mỗi năm. Theo kế hoạch trong năm 2022, HAGL sẽ xây thêm 9 cụm chuồng trại với công suất hơn 1 triệu con heo mỗi năm. Trong số đó, sẽ có 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm chuồng trại tại Campuchia.

Bầu Đức tặng heo ăn chuối cho 1.000 cổ đông

Đàn heo của HAGL

Được biết, trước khi quyết định chọn trồng chuối và nuôi heo là là trụ cột chính của HAGL, Bầu Đức đã gặp không ít khó khăn trong mảng nông nghiệp do đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2012 trở về trước, mảng chính đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của HAGL đó là bất động sản. Đến giai đoạn 2012 – 2015, do những khó khăn của thị trường bất động sản trong nước, Bầu Đức bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp. Ban đầu, ông đặt niềm tin vào cây công nghiệp như mía đường, cao su, cọ dầu … sau đó chuyển sang nuôi bò, trồng ớt … Đối với mảng mía đường, ông Đức đã bán cho Thành Thành Công (TTC Group) của ông Đặng Văn Thành vào năm 2017 với giá 1,330 tỷ đồng. Cập nhật kết quả kinh doanh, năm 2021, HAGL đạt doanh thu thuần là 2,230 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, sau ba năm lỗ liên tiếp, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu có lãi trở lại. Về mục tiêu trong năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu đạt 4,820 tỷ, lợi nhuận 1,120 tỷ đồng. Riêng hai trụ cột chính là trồng chuối và nuôi heo thì “ông bầu phố núi” đặt tham vọng là lợi nhuận nghìn tỷ đồng và doanh thu tỷ USD khi mở rộng quy mô.

Cũng tại đại hội cổ đông thường niên 2021 vào ngày 26/11, Bầu Đức cũng đã nói rằng “Tôi rất tự tin ngày hôm nay. Năm 2022 tôi tin những gì tôi chọn hôm nay là đúng hướng. Chuối đang tốt, giá đang lên và heo thì năm sau giá cũng sẽ lên, HAGL sẽ có kết quả kinh doanh rất tốt”. Với tình hình kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc như trên, có thể nói trồng chuối và nuôi heo đang là trụ cột chính giúp HAGL sau 10 năm trầy trật làm nông nghiệp bắt đầu trở lại vạch xuất phát. Tuy nhiên, liệu Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức có “huy hoàng” trở lại nhờ mô hình “một cây, một con” này không thì vẫn còn là một câu hỏi cần có quãng thời gian đủ lâu để có đáp án chính xác nhất. Bởi khi bắt đầu lĩnh vực nào mới Bầu Đức cũng là một người cực tự tin nhưng kết quả lại không như kỳ vọng, khiến ông lại phải có thời gian “lặn sâu” để cày trả nợ.

Dole Food và sản phẩm chuối

Dole Food được xem là một trong những doanh nghiệp thành công nhất thế giới với chuối, với doanh thu chủ yếu tới từ loại cây ăn quả này. Dole Food có tiền thân là công ty Cooke and Castle được thành lập năm 1851 tại Hawaii, Mỹ. Năm 1991, công ty chính thức đổi tên thành Dole Food, tập trung vào xuất khẩu chuối, dứa và các loại rau sạch. Tới năm 1995, thương hiệu Dole đã có mặt tại 90 quốc gia trên thế giới với khoảng 170 sản phẩm từ các loại trái cây và thực vật. Trong số những loại trái cây thế mạnh của công ty, chuối là loại trái cây hàng đầu. Theo số liệu năm 2018 của Dole Food, doanh thu từ kinh doanh chuối chiếm tới 44% tổng doanh thu toàn cầu của công ty. Mặc dù là loại hoa quả tương đối dễ trồng, sản lượng ổn định cả năm song thương vụ chuối không ổn định, có tính thời vụ, thường cao hơn vào nửa đầu năm và thấp hơn vào giai đoạn sau đó. Đây là lý do vì sao mà mặc dù khá dễ trồng và thu hoạch, song để thu lãi nhiều từ cây chuối là một điều khó khăn; Hiện nay, Dole Food có trụ sở chính thuộc Dublin, Ireland sau vụ sáp nhập với Total Produce. Công ty bán sản phẩm tới người tiêu dùng trên gần 100 quốc gia với 300 loại sản phẩm từ các loại rau quả tự nhiên và đang trên đà phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Họ vẫn tiếp tục vị thế là một trong những công ty kinh doanh chuối và dứa hàng đầu tại Hoa Kỳ và trên thế giới, sau khi chinh phục được quả chuối – một trong những loại hoa quả gần gũi nhưng vô cùng khó sinh lời. Điều này cho thấy nỗ lực nhiều năm của Hoàng Anh Gia Lai hay Thagrico là rất đáng ghi nhận, khi cuối cùng họ cũng phần nào làm chủ được quả chuối và có thể xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như những gì Dole Food đã và đang làm rất xuất sắc. Tuy nhiên, HAGL và Thagrico cũng nên học hỏi từ Dole để có cái nhìn thực tế về lợi nhuận từ loại nông sản này. Vấn đề là làm thế nào để có giá sản xuất thấp nhất.

Từ tập đoàn chuối lớn nhất thế giới nhìn về tham vọng xuất khẩu 1 tỷ USD của tỷ phú Trần Bá Dương - Ảnh 2.

Sản phẩm số 1 của Dole Food là chuối

KẾT LUẬN

Việt Nam có những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia sâu rộng vào hợp tác kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết và thực thi hàng loạt các hiệp định FTA trong đó có nhiều nước lớn … Nhờ vậy, Việt Nam tiếp tục trở thành nước có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Covid-19 đã đưa tất cả các nước trên thế giới vào tình trạng bình thường mới. Điều quan trọng là mổi nước thích ứng với điều kiện mới như thế nào. Với sự cọng tác của Campuchia và Lào, hy vọng rằng Việt Nam có những bước đi hiệu quả hơn các nước khác trên thế giới.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Trang trại chuối của Hoàng Anh Gia Lai” của tác giả đăng trên mạng Tranhchapbiendong.net ngày 20/10/2020.
  2. Chuối – Bách khoa toàn thư mở Wikidedia
  3. Chuối Việt Nam – Giá trị bị quên lãng
  4. Bài viết “Giấc mơ về ngành công nghiệp chuối” đăng trên mạng DNSGCT ngày 23/8/2017.
  5. Bài viết “Bầu Đức đưa Hoàng Anh Gia Lai ‘trở lại’: Tôi thứ 2 thì không ai đứng thứ nhất” đăng trên mạng Viet Times ngày 15/2/2022.
  6. Bài viết “Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức sẽ ‘huy hoàng’ trở lại nhờ trồng chuối và nuôi heo?
  7. Bài viết “Chuối Việt Nam đẩy chuối Philippines khỏi thị trường Trung Quốc” đăng trên mạng Nông sản Việt ngày 21/4/2021.

******

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *