Đài Loan và đảo Ba Bình tại Trường Sa

468 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh 248 hải lý – Vũng Tàu 305 hải lý – Hải Nam 550 hải lý – Đài Loan 860 hải lý – Palawan 200 hải lý, gồm có 15 đảo nhỏ và  trên 130 đá, bãi  nổi và chìm, bãi san hô  rải rác trên một diện tích gần 410,000 km² ở giữa Biển Đông. Tổng số diện tích các đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa: 1.828 km².

Philippines chiếm 7 đảo:

  1. Lớn thứ hai: đảo Thị Tứ, 0.370 km² (Trước đó từng có quân đội Pháp-Việt từ thời Pháp, và sau đó quân lực VNCH ở đó trước Phi).
  2. Lớn thứ ba: đảo Bến Lạc, 0.186 km² (Trước đó từng có quân đội Nhật, có thể có lính Việt cùng với lính Nhật).
  3. Lớn thứ năm: đảo Song Tử Đông, 0.127 km² (Từng có quân đội Việt Nam ở đó trước Phi).
  4. Lớn thứ tám: đảo Vĩnh Viễn, 0.079 km².
  5. Lớn thứ mười: đảo Loại Ta, 0.065 km² (Từng có quân đội Việt Nam ở đó trước Phi.
  6. Lớn thứ mười bốn: đảo Bình Nguyên, 0.006 km².
  7. Lớn thứ mười lăm: đảo (cồn) An Nhơn, 0.004 km².

Việt Nam chiếm 6 đảo:

  1. Lớn thứ tư: đảo Trường Sa, 0.130 km² bây giờ là thủ phủ của quân đội VN trên quần đảo Trường Sa.
  2. Lớn thứ sáu: đảo Song Tử Tây, 0.120 km².
  3. Lớn thứ bảy: đảo Sinh Tồn, 0.080 km².
  4. Lớn thứ chín: đảo Sơn Ca, 0.07 km².
  5. Lớn thứ mười hai: đảo Nam Yết, 0.053 km².
  6. Lớn thứ mười ba: đảo An Bang, 0.016 km².Đài Loan chiếm đảo lớn thứ nhất: đảo Ba Bình, 0.460 km² (trước đó từng có quân đội Pháp-Việt và trạm khí tượng) và bãi Bàn Than nằm giữa đảo Ba Bìnhđảo Sơn Ca, cách bờ gần nhất của đảo Ba Bình khoảng 4.6 km về phía đông. Malaysia chiếm đảo lớn thứ mười một: đảo Hoa Lau, 0.062 km².    

Trong số 21 kết cấu Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa, 9 là các đảo nổi, 12 là đảo chìm mà Việt Nam có các công trình được xây trên đó. Việt Nam nói họ duy trì 33 điểm đóng quân tại Trường Sa. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói Việt Nam có 48 cơ sở tại đây. Điều này nhiều khả năng là tính gộp cả 15 nhà giàn mà Hà Nội gọi là “các cấu trúc dịch vụ kỹ thuật” tại Bãi Tư Chính mặc dù Việt Nam không coi Bãi Tư Chính thuộc Trường Sa.

Đài Loan chiếm đảo lớn thứ nhất: đảo Ba Bình, 0.460 km² (trước đó từng có quân đội Pháp-Việt và trạm khí tượng) và bãi Bàn Than nằm giữa đảo Ba Bìnhđảo Sơn Ca, cách bờ gần nhất của đảo Ba Bình khoảng 4.6 km về phía đông.

Malaysia chiếm đảo lớn thứ mười một: đảo Hoa Lau, 0.062 km².

Cụm Nam Yết về phía Đông Bắc của quần đảo Trường Sa, phía dưới cụm Song Tử

ĐÀI LOAN VÀ ĐẢO BA BÌNH TẠI TRƯỜNG SA

Lịch sử chiếm đóng

Cụm Nam Yết hay cụm Tizard (Tizard bank/Tizard reefs) nằm về phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa phía dưới Cụm Song Tử. Đài Loan, Việt Nam và Trung Quốc đều có chiếm đảo trên cụm Nam Yết. Việt Nam giữ 2 đảo Sơn Ca, Nam Yết và 2 bãi Đá Lạc và Đá Thị. Trung Quốc chiếm các bãi đá ngầm Gaven và Én Đất. Ba Bình là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Sơn Ca 6.2 hải lý (11.5 km) về phía Tây và cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lý (20.4 km) về phía Đông Bắc. Đây là đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa. Đảo Ba Bình là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, PhilippinesTrung Quốc. Hiện Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đang kiểm soát đảo này.

Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình, vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng thiết lập tại đây một trạm khí tượng mang số hiệu 48.919 do Tổ chức Khí tượng Quốc tế (tiền thân của Tổ chức Khí tượng Thế giới) cấp phát. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản chiếm đảo làm căn cứ tàu ngầm và đặt dưới sự kiểm soát của bộ chỉ huy đóng tại Cao Hùng thuộc Đài Loan (thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản). Tuy nhiên, Nhật Bản đã ký Hiệp ước San Francisco và chấp nhận từ bỏ mọi quyền đối với quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) vào năm 1951. Tháng 10 năm 1946, Pháp cho tàu chiến Chevreud đến đảo Trường Sa và Ba Bình, đồng thời dựng một mốc đánh dấu bằng đá tại đây. Đến ngày 12 tháng 12 năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc cho tàu chiến Thái Bình đem quân đổ bộ lên đảo Ba Bình. Sau đó, do thất bại trong cuộc nội chiến nên Trung Hoa Dân Quốc phải tháo chạy ra đảo Đài Loan đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình vào năm 1950.

Năm 1947, Tomás Cloma cùng những người khác “khám phá” ra nhiều đảo không người thuộc biển Đông. Vì là một doanh nhân nên ông từng xem xét xây dựng nhà máy sản xuất nước đá và đồ hộp trên đảo Ba Bình. Ngày 15 tháng 5 năm 1956, Cloma ra văn bản tuyên bố quyền sở hữu đối với 33 “đảo” (có nơi ghi 53) nằm rải rác trên một vùng biển rộng 64,976 hải lý vuông. Biết được việc này, Đài Loan điều tàu đến Ba Bình. Thời điểm quân đội Đài Loan thực sự tái chiếm đảo Ba Bình chưa rõ ràng, bởi có rất nhiều thông tin khác nhau về thời điểm Đài Loan điều tàu đến đảo Ba Bình vào năm 1956 (ngày 20 tháng 5, tháng 7, tháng 9 hoặc tháng 10) và có nguồn tài liệu cho rằng từ năm 1971 thì Đài Loan mới thực sự đồn trú lâu dài trên đảo. Ngày nay, đảo Ba Bình là một “pháo đài” với nhiều công sự phòng thủ kiên cố và có một đường băng cho phép máy bay vận tải C-130 Hercules lên xuống.

Đảo Ba Bình trước 1975

 Vai trò của Đài Loan

Thái độ của Đài Loan tại Biển Đông thay đổi tùy theo đảng cầm quyền là Trung Hoa Quốc Dân Đảng hay đảng Dân Tiến. Trung Hoa Quốc Dân Đảng có nguồn gốc từ lục địa nên có khuynh hướng muốn thống nhất với Hoa Lục thành một Trung Hoa trong khi đảng Dân Tiến mà phần lớn đảng viên là cư dân sinh trưởng tại Đài Loan, không có quan hệ khắn khít với Hoa Lục.

Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2008, Mã Anh Cửu của Trung Hoa Quốc dân đảng giành thắng lợi, quay lại cầm quyền. Quốc dân đảng cùng với đảng Thân dân và Tân Đảng tạo thành Liên minh “Phiếm Lam”, ủng hộ mục tiêu thống nhất với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, vì  sự chống đối của dân chúng nên Quốc dân đảng buộc phải điều độ lập trường của họ bằng việc tán thành giữ nguyên trạng chính trị và pháp lý của Đài Loan hiện nay. Quốc dân đảng chấp thuận “nguyên tắc một Trung Quốc”, về mặt chính thức cho rằng chỉ có một Trung Hoa theo Nhận thức chung 1992, nhưng đó chính là Trung Hoa Dân Quốc. Tuy nhiên, kể từ năm 2008, nhằm làm dịu căng thẳng với Hoa lục, Quốc dân đảng tán thành chính sách “ba không” theo định nghĩa của Mã Anh Cửu: không thống nhất, không độc lập và không sử dụng vũ lực. Ngày 4/11/2011, đài RFA loan tin về lời tuyên bố nẩy lửa của tướng Doãn Thịnh Tiên, Tư lịnh Hải quân Đài Loan, cho rằng: “Nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Hoa Đại lục với Philippines, thì quân đội Đài Loan ở Thái Bình Dương sẽ ra tay trợ giúp quân đội Đại lục”. Lời tuyên bố mang nhiều mâu thuẩn nầy mở ra nhiều vấn đề cần phải tìm hiểu mới làm sáng tỏ được vụ việc. Từ năm 2014 đến 2016, các hình ảnh vệ tinh chụp nhiều cấu trúc mới xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình cho thấy Đài Loan đang âm thầm tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông. RFI dẫn nguồn từ hãng tin Reuters ngày 25/5/2014 loan tin rằng Đài Loan đang dự trù chi ra 100 triệu USD để nâng cấp hải cảng, hải đăng, phi trường và hệ thống phòng thủ trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải cảng mới theo dự kiến nằm sát phi đạo trên đảo Ba Bình và sẽ có khả năng tiếp nhận các hộ tống hạm trọng tải 3,000 tấn và các tàu tuần duyên của Đài Loan. Công trình nâng cấp hải cảng cũng bao gồm việc xây dựng một đường băng dài 1.2 km để các máy bay vận tải quân sự Hercules C-130 có thể đáp xuống.

Các cấu trúc được Đài Loan xây dựng trên đảo Ba Bình năm 2016. Ảnh: Google Earth

Hải đăng mới được xây trên đảo Ba Bình

Hình ảnh mới nhất của đảo Ba Bình chụp năm 2016

Trong bầu cử tổng thống năm 2016, Trung Hoa Quốc dân đảng thất bại trong bầu cử tổng thống nên một lần nữa trở thành đảng đối lập. Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) trở thành ứng cử viên thứ hai của Đảng Dân Tiến thắng cử Tổng thống sau người đầu tiên là ông Trần Thủy Biển và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc sau khi nhậm chức ngày 20 tháng 5 năm 2016.

Tại Đài Loan, nhà cầm cầm quyền Đảng Dân Tiến luôn thực hiện chính sách “thân Mỹ, xa lánh Trung Quốc”, sẽ đối mặt với sự lựa chọn khó khăn do Đài Loan đang chiếm đóng đảo Ba Bình của Việt Nam. Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan tăng thêm một nấc kể từ khi tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump điện đàm với tổng thống Đài Loan. Theo AFP, bà Thái Anh Văn cũng kêu gọi chính quyền Trung Hoa lục địa nên bình tĩnh, đồng thời khẳng định “sẽ không cúi mình, nhưng cũng không sử dụng con đường đối đầu. Bà cũng đang ra dấu sẽ theo đuổi một chính sách trung hòa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mặc dù bà có một mối quan hệ rất đặc biệt với ông Donald Trump, để cân bằng cảm tình của các thành phần cử tri có lập trường khác nhau, và giảm nguy cơ làm leo thang sự phẫn nộ ở Bắc Kinh. Bà khuyến khích Bắc Kinh nối lại đàm phán để tìm ra một giải pháp hợp tình hợp lý.

Bà Thái Anh Văn trong buổi lể tuyên thệ

 THÁI ĐỘ CỦA VIỆT NAM

Dù rằng chuyện Đài Loan chiếm đảo Ba Bình không phải bây giờ mà thời kỳ đại chiến lần 2, do việc Đồng Minh giao nhiệm vụ cho Trung Hoa Dân Quốc đưa tàu ra để giải giáp Nhật, lợi dụng cái đó Đài Loan đã nhảy lên chiếm đảo Ba Bình và cho đến giờ thì họ tiếp tục sử dụng như một vùng lãnh thổ mà họ có mặt ở đấy. Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự có mặt bất hợp pháp đó của Đài Loan. Hiện nay, quân số các nước đang trấn đóng ở Trường Sa như sau:

  • Việt Nam: 2,000 quân.
  • Trung Quốc: 600 (đăng tăng gia rất nhanh với sự hoàn tất 7 đảo nhân tạo).
  • Đài Loan: 150 TQLC và 190 nhân sự canh phòng duyên hải.
  • Malaysia: 90 binh sĩ
  • Philippines: 100 binh sĩ.

Việt Nam đang theo dõi thái độ của Đài Loan một cách chặc chẻ. Viễn ảnh của một đảo Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa do Đài Loan chiếm đóng, có thể bị giao lại cho Trung Quốc là điều làm cho Việt Nam lo ngại. Ông Lê Ngọc Thống, sĩ quan VN, một bỉnh bút quân sự, có những bài viết trên Vietstudies như sau:

“Trung Quốc và Đài Loan cũng là  người Trung Hoa với nhau nên việc Đài Loan nhường đảo Ba Bình cho Trung Quốc là việc họ có thể làm trong việc trao đổi quyền lợi cho nhau. Nếu việc nầy xảy ra, thì Trường Sa của Việt Nam sẽ phức tạp và nguy hiểm cho Việt Nam”.

Trên khía cạnh ngoại giao, quan điểm Đài Loan độc lập của đảng Dân Tiến đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh chính sách Biển Đông của Đài Loan. Bà Thái Anh Văn muốn được bảo đảm an ninh từ Mỹ và mở rộng ủng hộ của cộng đồng quốc tế nên phải tính toán làm sao phù hợp với chính sách Biển Đông của Mỹ. Đặc biệt, có thông tin cho rằng bà Thái Anh Văn có thể mở rộng cửa cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự tại đảo Ba Bình, giúp Mỹ đẩy mạnh chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” từ Biển Đông. Ngoài ra, trong diễn thuyết ngày 20/5, bà Thái Anh Văn đã đặc biệt nhất mạnh Đài Loan cần đẩy mạnh “chính sách hướng Nam mới”, từ “chính sách hướng Nam mới” tăng cường quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á.

Các nước có quyền lợi tại Trường Sa đều mong muốn Hoa Kỳ có các căn cứ tại Philippines, Úc Đại Lợi, Singapore và ngay cả Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ có sự hiện diện thêm tại vài đảo ở Trường Sa thì đó là điều quá tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ba Bình – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Tại sao Đài Loan lại tái tuyên bố chủ quyền? trên mạng BBC năm 2011.
  3. Bài viết “Việt Nam, Đài Loan và đảo Ba Bình” trên mạng RFA ngày 29/7/2016.
  4. Bài viết “Biển Đông: Mỹ có thể sử dụng căn cứ ở Trường Sa, Đài Loan muốn vứt bỏ “đường lưỡi bò” trên mạng Viet Times ngày 22/8/2016.
  5. Bài viết “Việt Nam, Đài Loan và đảo Ba Bình” trên mạng RFA ngày 29/7/2016.
  6. Bài viết “Đài Loan không là con bài trong quan hệ Mỹ – Trung” trên mạng Viet Times ngày 20/7/2016.
  7. Bài viết “Vượng Báo: Nếu Đài Loan từ bỏ Biển Đông, khả năng Trung Quốc chiếm đảo Ba Bình sẽ tăng mạnh” trên mạng BBC ngày 2/10/2017.

 *****

 

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *