Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu 2017

547 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Ngày 16/2/2017, tác giả có viết bài “Kinh tế Việt Nam 2016” đăng trên mạng Vietbao Online ngày 16/2/2017. Trong 6 tháng đầu 2017 có nhiều dữ kiện đáng chú ý nên tác giả quyết định cập nhật bức tranh kinh tế của Việt Nam. Về chính trị, tác giả chỉ lướt qua vài tin tức nổi bật.

Công bố của Ngân hàng thế giới tháng 4, 2017 cho biết GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong các năm 2017-2019 nhờ vào sức cầu và những hoạt động xuất khẩu. Những dữ kiện 6 tháng đầu 2017 cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức ổn định. Tuy nhiên các chuyên gia Ngân hàng thế giới cũng đề cập những rủi ro của Việt Nam vẫn có thể xảy ra trong khoảng thời gian này, do chậm trễ trong việc triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Về ảnh hưởng ngoại vi, rủi ro có thể đến từ sự biến động của kinh tế thế giới tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam qua các kênh thương mại và đầu tư.

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

  • Vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam 2016 hay còn gọi là Sự cố Formosa đề cập đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) bắt đầu từ ngày 6/4/2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Cho đến nay, vụ này vẫn là đề tài hàng ngày của các báo trong và ngoài nước.
  • Ngày 7/5, ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và mất chức Ủy viên Bộ Chính trị vì những khuyết điểm và vi phạm nghiêm trọng công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ trong thời kỳ làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2011. Chức vụ Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng được ông Nguyễn Thiện Nhân thay thế.
  • Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ cuối tháng 5/2017 cho biết đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp Hoa Kỳ với giá trị gần 15 tỷ USD. “Chúng tôi đã ký hợp đồng gần 15 tỷ USD, chủ yếu từ nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ”, ông Phúc thông báo với gần 300 doanh nghiệp trong cuộc tiếp xúc do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) chủ trì hôm 30/05. Lãnh đạo các đại công ty Hoa Kỳ như Exxon Mobil, GE, Cocacola, Nike và các tập đoàn đầu tư hàng đầu như Harbinger, Warburg Pincus, Merck Sharp & Dohme … có mặt trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong gần 20 nhà tài phiệt hàng đầu nước Mỹ gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở New York có Kurt Campbell, một trong những kiến trúc sư trưởng của chiến lược Tái cân bằng dưới thời Obama, nay là Chủ tịch Asia Group hay David Petraeus, một trong những vị tướng huyền thoại của quân đội Mỹ, cựu Giám đốc CIA và nay là Chủ tịch quỹ đầu tư KKR Global. Thủ tướng Việt Nam cũng nhấn mạnh sẽ tạo “mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và các bạn [Hoa Kỳ] có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng, cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng.” Từ năm 2005, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỷ USD năm 2016, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu 30.9 tỷ USD. Mỹ tuy nhập siêu song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam đang tăng nhanh ở mức 77% (gấp 4 lần tốc độ tăng của Việt Nam) và xuất siêu về dịch vụ.
  • Tại một cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hôm 23/06/201, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm phát biểu nói Quân đội Việt Nam ‘không làm kinh tế nữa’. Nhiệm vụ của Quân đội nay là “tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quá trình này sẽ được thực hiện ra sao với số lượng không nhỏ các doanh nghiệp của Quân đội Nhân dân Việt Nam có mặt tại các ngành, từ ngân hàng, viễn thông, bất động sản, may mặc, vận tải, khách sạn, công nghệ thông tin và giải trí … Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam hôm 4/7/2017 dẫn lời Đại tướng Phạm Văn Trà, cựu Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng cho hay kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chính trị, không phải vì kinh tế đơn thuần.

GPD – NỢ CÔNG – XUẤT NHẬP KHẨU – THÂM THỦNG MẬU DỊCH VỚI TRUNG QUỐC

Báo cáo công bố từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 97.7 tỷ USD, tăng 18.8%, là mức tăng cao so cùng kỳ của năm 2016 (cùng kỳ tăng 5.9%) do tăng được cả về giá (chủ yếu là nhóm nhiên liệu và nông sản) và về lượng (nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản). Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sáng sủa hơn nhiều phần lớn nhờ xuất khẩu phục hồi của Samsung Electronics, Nikkei nhận định.Tổng sản phẩm quốc nội sáu tháng đầu năm của Việt Nam tăng 5.73%, hơn mức 5.5% của Bloomberg, theo Financial Times. Tuy nhiên với mục tiêu GDP năm 2017 mà Quốc hội Việt Nam đưa ra là tăng 6.7%, truyền thông trong nước nói áp lực tăng trưởng cuối năm là rất lớn.

Trong 4 tháng đầu 2017, nhập siêu từ ASEAN, Hàn Quốc tăng mạnh. Với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam nhập siêu khoản 10 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam giữ mức nhập siêu 8.8 tỷ USD, giá trị nhập siêu từ thị trường này không đổi so với cùng kỳ năm trước 2016. Như vậy, có thể nói, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc đang chững lại, giảm dần đi thay vào đó nhập siêu của Việt Nam đang tăng mạnh từ các nước Hàn Quốc và ASEAN. Con số này ngày càng tăng do Việt Nam đã thực hiện nhiều cam kết xóa bỏ thuế quan đối với Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, đặc biệt là trong mức thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu được giảm về 0% – 5% …

Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 125.41 tỷ USD, tăng 20.1% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 61.34 tỷ USD, tăng 15.4% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 64.07 tỷ USD, tăng 24.9%. Như vậy, tính đến hết tháng 4/2017, Việt Nam nhập siêu gần 2.74 tỷ USD, bằng 2.2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

NHỮNG DỮ KIỆN KINH TẾ

  • Ngày 6/2, Chính phủ tuyên bố mục tiêu nâng phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam, phấn đấu đạt 10% GDP quốc gia, hướng tới tăng cường xuất khẩu, đến năm 2025 đạt tỷ trọng xuất khẩu 10 tỷ USD một năm.
  • Sản lượng gạo toàn cầu năm 2017 có khả năng sẽ tăng 0.7% so với năm ngoái, lên mức hơn 502 triệu tấn, theo báo cáo Triển vọng lương thực vừa công bố của Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO). Sự gia tăng này được cho là nhờ vào các chính sách thúc đẩy sản xuất tại châu Á và sự phục hồi sản lượng tại Nam Mỹ và Australia. FAO nhận định, 5 nước có sản lượng gạo lớn nhất trong năm nay lần lượt là Trung Quốc (với hơn 142 triệu tấn), Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Việt Nam.
  • Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 19.22 tỷ USD, tăng 54.8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017, Nhật Bản là nhà đầu tư có số vốn lớn nhất với 1,521.6 triệu USD, chiếm 31.2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1,092.1 triệu USD, chiếm 22.4%; Trung Quốc 735.2 triệu USD, chiếm 15.1%; Singapore 498.9 triệu USD, chiếm 10.2%; Đặc khu Hành chính Hong Kong (TQ) 283.1 triệu USD, chiếm 5.8%. Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư. Tính đến tháng 6/2017, có 120 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 54.5 tỷ USD (chiếm 17.7% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản đứng thứ hai với 46.19 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư); tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Hồng Kông.
  • Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng Năm ước đạt 2.8 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 13.7 tỷ USD, tăng 9.5% so với cùng kỳ năm 2016.
  • NG Vietnam, một start up công nghệ của Việt Nam, vừa ký một thỏa thuận sơ bộ với Nasdaq Inc hôm 29/5 để chuẩn bị IPO (phát hành cổ phiếu cho công chúng lần đầu) ở sàn chứng khoán này, hãng tin Anh Reuters cho hay. Hãng hàng không giá rẻ VietJet, có trị giá 1.7 tỷ USD, hồi đầu năm 2017 cho biết họ dự định sẽ lên kế hoạch lên sàn ở nước ngoài
  • Cơ quan thống kê Việt Nam nói lượng du khách nước ngoài nửa năm đầu tăng hơn 30%, đa số từ châu Á và khách Trung Quốc “tăng gấp đôi”. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6.2 triệu lượt khách, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng khách đến từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt hơn 40 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 254,700 tỷ đồng, tăng 27.1% so với cùng kỳ năm 2016. Du lịch biển miền Trung đã phục hồi và khởi sắc hơn so với năm 2016, sau sự cố môi trường biển. Trong năm 2016, Việt Nam đạt 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 26% so với năm 2015. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế tới Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Thái Lan đã đạt được mức 10 triệu lượt khách quốc tế từ năm 2001 và đã đạt 32.5 triệu lượt khách trong năm 2016, trong khi đó Malaysia đạt được mốc 10 triệu lượt khách vào năm 2000 và đạt 26.8 triệu lượt khách trong năm 2016. Có thể thấy, lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

VỊ THẾ VIỆT NAM

  • Na Uy vừa soán ngôi nước láng giềng Đan Mạch, trở thành quốc gia hạnh phúc nhất trái đất trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới. Trong khi đó, Việt Nam bị xếp thứ 94 trong bảng xếp hạng có 155 quốc gia. Một kết quả trái ngược với suy nghĩ của nhiều người Việt cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia “hạnh phúc” và “lạc quan” nhất thế giới. Báo cáo mới nhất do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững (SDSN) của Liên Hiệp Quốc thực hiện
  • Báo cáo xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) vừa công bố ngày 15/6 cho biết Việt Nam xếp vị trí 47 trong 127 nước, tăng 12 bậc so với năm ngoái, vượt qua Thái Lan. Đây cũng là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được kể từ khi tham gia bảng xếp hạng này.
  • Báo cáo của Công ty BĐS Jones Land LaSalle (JLL) trong tháng 1/2017 cho biết cả 2 thành phố HCM và Hà Nội ở trong top 10 thành phố trên thế giới có chỉ số tăng trưởng cao hàng năm. Cả 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có tên trong top 10 các thành phố trên toàn cầu theo chỉ số tăng trưởng của JLL (CMI). Cụ thể, nếu Hà Nội xếp ở vị trí thứ 8 thì TP Hồ Chí Minh xếp thứ 2, vượt qua cả Thung lũng Silicon.

  • Việt Nam được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng số 1 thế giới, xét về số lượng triệu phú, tức có tài sản trên 30 triệu USD, trong mười năm tới.

Những quốc gia có tốc độ tăng về số lượng triệu phú tăng nhanh nhất thế giới

  • Ngày 23.3, bà Kristalina Georgieva – Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi rất tích cực trong quản lý nợ công – một điều quan trọng để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững. Năm 2017, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng trong khoảng 6.5-6.7% GDP. Trong bối cảnh tất cả các nước trên thế giới đều tăng trưởng chậm, đầu tư thấp, tỷ lệ tăng trưởng sau suy thoái 2.3% là rất đáng thất vọng thì mức tăng trưởng của Việt Nam là rất ấn tượng.
  • Báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho thấy mảng đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ và khu vực tư nhân tại Việt Nam đạt bình quân 5.7% GDP/năm trong những năm gần đây, mức cao nhất tại Đông Nam Á và chỉ đứng sau mức 6.8% GDP của Trung Quốc.

  • Mới đây, báo cáo Made In Country Index (MICI) 2017 đã công bố sản phẩm “Made in Vietnam” được người tiêu dùng đánh giá tích cực và uy tín hơn sản phẩm “Made in China”. Cụ thể, báo cáo cho biết, hàng hóa “Made in Vietnam” được 34/100 điểm, xếp thứ 46 trong danh sách. Trong khi đó, hàng hóa “Made in China” chỉ đạt 28 điểm, xếp thứ 49 và hàng Iran đứng cuối bảng với 27 điểm.
  • Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2017 công bố ngày 10/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6.5% trong năm 2017 và 6.7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Điểm nhấn của báo cáo năm nay là ADB đưa ra khuyến nghị, chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp của Việt Nam là hết sức quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và cho phép Việt Nam vươn lên vị thế quốc gia thu nhập trung bình cao.
  • Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Đông Nam Á đang nắm lấy vai trò dẫn đầu tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á. Theo dự báo này, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của nhóm ASEAN 5, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam, sẽ vượt mức 5% trong thời gian từ nay đến năm 2022.

QUAN HỆ KINH TẾ

  • Theo Bloomberg, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia tạm thời không bị tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa chiến tranh thương mại, mặc dù không ngoại trừ khả năng kịch bản này xảy ra trong tương lai. Ông Trump liên tiếp công kích chính sách thương mại của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều quan trọng nhất là Việt Nam phải cố gắng chủ động trong mối quan hệ “hai bên cùng lợi” với Hoa Kỳ.

  • Hiệp Hội Quốc Gia Chuyên Viên Địa Ốc Hoa Kỳ cho biết, tính từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người ngoại quốc bỏ ra 153 tỷ USD mua 284,455 căn nhà, chiếm khoảng 5% tổng số nhà được mua ở tại Hoa Kỳ. Đứng đầu là Trung Quốc, chiếm 14% với 31.7 tỷ USD, theo sau là Canada 12% với 19 tỷ USD, Mexico chi 9.3 tỷ USD chiếm 10%, Anh và Ấn Độ chiếm 5%, Brazil 4%. Việt Nam cùng với Đức, Venezuela và Nhật chiếm 2% với khoảng 3 tỷ USD. Có sự khác biệt về số lượng và giá cả nhà mua. Trị giá nhà mua của khách hàng Trung Quốc khoảng 800,000 USD trong khi khách hàng Canada mua nhà chỉ có 400,000 USD. 65% người mua Trung Quốc trả bằng tiền mặt, chỉ có 26% vay tiền mua nhà ở Mỹ. Khoảng một nửa mua nhà tại 3 tiểu bang Florida, Texas, California. Các nước Nam Mỹ mua nhà ở Florida, Texas trong khi các nước Á Châu mua nhà ở California. Cuối năm 2016, giá trung bình tại Quận Cam lên cao kỷ lục tới $742,200 một căn, gấp 3 lần giá trung bình mà người Mỹ có thể mua được, chỉ thấp hơn so với San Jose và San Francisco, hai thị trường có giá mắc nhất tại Hoa Kỳ hiện nay.

Khách hàng ngoại quốc tính theo số lượng nhà bán từ năm 2007

  • Ngày 15/6, tạp chí tài chính hàng đầu Nhật Bản Nikkei (Nikkei Asean Review) đã công bố danh sách 300 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả của châu Á (ASIA 300) với sự góp mặt của 5 công ty đến từ Việt Nam. Đáng chú ý, Vinamilk là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt vào Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu danh sách.Trang trại Organic Đà Lạt của Vinamilk là trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn organic châu Âu đầu tiên tại Việt Nam

  • Nhật Bản đang tăng cường tuyển sinh từ các nước Đông Nam Á với kỳ vọng lực lượng lao động này sẽ gia tăng mối quan hệ với các quốc gia này trong tương lai. Đặc biệt, Đông Nam Á trở thành trọng tâm của Nhật Bản khi khu vực này là điểm đến đầu tư quan trọng cũng như là nơi hội tụ nhiều tài năng trẻ chưa được khai phá. Đứng đầu trong số các nước trên phải nói đến Việt Nam. Số liệu của tổ chức JSSO cho thấy số sinh viên Việt học tại Nhật đã tăng hơn 12 lần trong 6 năm tính từ tháng 5/2016 lên 54,000 học sinh. Hiện số sinh viên Việt Nam chiếm gần 1/4 tổng số sinh viên quốc tế tại Nhật, đứng sau Trung Quốc với 41%. Tuy vậy, số du học sinh Trung Quốc tại đây đang giảm dần trong vài năm qua và nếu tính theo tỷ lệ dân số thì sinh viên Việt Nam tại Nhật gấp 6 lần so với Trung Quốc.

  • Một báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam đã thu được 1.46 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản và thủy sản sang Nhật Bản năm ngoái, tăng 6.6% so với năm trước. Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 5/2017, lần đầu tiên Việt Nam thu về hơn 43 triệu USD từ xuất khẩu rau quả vào thị trường Nhật Bản. Một số mặt hàng nông sản Việt đang được bán với mức giá rất cao như thanh long, xoài, vải thiều, lá tía tô … Mặc dù Nhật Bản là nước nhập khẩu nông sản lớn thứ năm của Việt Nam, nhưng chỉ có ít loại trái cây tươi của Việt Nam được bán vào nước này. Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam tham nhập vào thị trường này, trong đó các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được hưởng ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, Nhật Bản là một thị trường đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm cao và thực hiện nhiều biện pháp cũng như các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu, nếu họ muốn thâm nhập vào thị trường này. Điều này khiến trái cây Việt Nam bán tại Nhật rất đắc đỏ. Giá bán lẻ thanh long tại các siêu thị Nhật khoảng 8-10 USD mỗi kg (khoảng 200,000-230,000 đồng). Có thời điểm, vải thiều Lục Ngạn được bán trong siêu thị tại Nhật Bản với giá khoảng 1,980 Yen (12 quả), tương đương khoảng 400,000 đồng (16 USD). Nếu cộng thêm thuế thì 12 quả vải này có giá khoảng 430,000 đồng (17.2 USD). Loại tía tô màu xanh giống của Nhật được trồng tại Việt Nam khi xuất khẩu và bán cho các nhà hàng Nhật có giá lên tới 500-700 đồng (2 – 2.8 cents) mỗi lá.

Vải thiều Việt Nam được bày bán tại Nhật

Lá tía tô Việt Nam bán tại Nhật

KẾT LUẬN

Diễn Đàn Kinh Tế 2017 do Ban Kinh Tế Trung Ương tổ chức lần đầu tiên hôm thứ Ba 27 tháng 6 vừa qua đã đi đến kết luận Việt Nam có khả năng cán đích GDP 6.7% nếu tiếp tục phát huy nội lực, duy trì sức tăng trưởng bền vững cũng như tạo bước đột phá cho kinh tế. Trong khi đó, World Bank cho biết triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi khi tăng trưởng GDP được dự báo sẽ cải thiện trong giai đoạn 2017-2019. WB vào tháng 7/2017 cho biết GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 6.4% trong năm 2018 và 2019, nhờ tăng mạnh nhu cầu trong nước và sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Điều này trùng hợp với nhận định của các tổ chức tài chánh quốc tế. Điều chúng ta chờ xem là quyết tâm cải cách của đảng Cộng Sản và các thành phần kinh tế Việt Nam.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Kinh tế Việt Nam 2016” của tác giả trên mạng Vietbao Online ngày 16/2/2017.
  2. Bài viết “Việt Nam tăng bậc ngoạn mục trong mắt người nước ngoài” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 21/10/2016.
  3. Bài viết “Thu hút FDI năm 2017: Viễn cảnh tươi sáng” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 29/1/2017.
  4. Bài viết “Thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn trong 2017” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 15/1/2017.
  5. Bài viết “Tôm sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VN?” trên mạng BBC ngày 7/2/2017.
  6. Bài viết “PWC: GDP Việt Nam sẽ đứng thứ 20 thế giới vào năm 2050” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 9/2/2017.
  7. Bài viết “Khai trương trung tâm xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam” trên mạng Giáo Dục và Thời Đại ngày 13/2/2017.
  8. Bài viết “Tốc độ tăng số người siêu giàu ở Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 6/3/2017.
  9. Bài viết “Bloomberg: Việt Nam không nằm trong tầm ngắm đe nẹt thương mại của ông Trump” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 14/2/2017.
  10. Bài viết “Na Uy hạnh phúc nhất, VN không hạnh phúc như đã tưởng” trên mạng VOA ngày 20/3/2017.
  11. Bài viết “Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á trong đầu tư cơ sở hạ tầng” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 23/3/2017.
  12. Bài viết “Thế giới tin dùng hàng “Made in Vietnam” hơn hàng “Made in China” trên mạng Đà Nẵng Điện Tử ngày 31/3/2017.
  13. Bài viết “ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6.5% trong năm 2017” trên mạng VOV.VN ngày 10/4/2017.
  14. Bài viết “GDP dự kiến tăng, hiệu quả doanh nghiệp lại giảm” trên mạng RFA ngày 13/4/2017.
  15. Bài viết “Vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam lớn hơn 12 nước đứng sau gộp lại” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 25/3/2017.
  16. Bài viết “Cả nước nhập siêu hơn 2,7 tỉ USD” trên mạng Thanh Niên ngày 30/4/2017.
  17. Bài viết “Nhật Bản vượt mặt Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 4/5/2017.
  18. Bài viết “Xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến ước đạt hơn 35 tỷ USD” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 28/4/2017.
  19. Bài viết “Việt Nam trong nhóm nước được dự báo dẫn đầu tăng trưởng kinh tế châu Á” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 10/5/2017.
  20. Bài viết “Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên tờ Washington Times” trên mạng Thanh Niên Online ngày 31/5/2017.
  21. Bài viết “Việt Kiều trẻ về Việt Nam tìm cơ hội kiếm tiền” trên đài VOA ngày 4/7/2017.
  22. Bài viết “Du lịch, kinh tế biển miền Trung hồi phục ngoạn mục” trên đài GDVN ngày 7/7/2017.
  23. Bài viết “Xuất khẩu tăng vọt, nhập siêu ước chỉ còn 2.78 tỷ USD” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 18/7/201
  24. Bài viết “Những nông sản Việt ‘đắt như vàng’ khi xuất sang Nhật” trên mạng VNE ngày 16/7/2017.
  25. Bài viết “Người Việt bỏ 3 tỉ đôla mua nhà ở Mỹ” trên mạng Người Việt ngày 20/7/2017.

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

Tu chỉnh: 1 tháng 8 năm 2017

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *