Một thoáng kỷ niệm – Tiên Sa trước 1975 và bây giờ

1.355 (lượt xem) |

MỘT THOÁNG KỶ NIỆM: TIÊN SA TRƯỚC 1975 VÀ BÂY GIỜ

 Thân gởi các bạn bè đã từng một thời phục vụ tại Đà Nẵng và các bạn từ Hạm đội tăng phái tuẩn tiểu hay tiếp vận cho Vùng 1.

 Vào Hải quân năm 1960, ra trường năm 1962 thì trong 13 năm binh nghiệp đã ở tại Vùng 1 gần 7 năm tại 3 đơn vị. Phục vụ tại SPVDH 4 năm, qua CCHQ/ĐN hơn 1 năm. Về phục vụ tại Vùng 4 Sông Ngòi gần 3 năm rồi cố gắng trở lại Hạm đội gần 1 năm nhưng chẳng có kết quả gì vì rời hạm đội quá lâu. Cuối tháng 11/1973, được lệnh của Hạm đội cùng Đại tá Hà Văn Ngạc ra Đà Nẵng vì tình hình căng thẳng tại Hoàng Sa. Trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra sáng 19/1/1974 và sau đó ở lại Vùng 1 luôn. Đêm 28/3/1975, dưới cơn mưa pháo của quân Bắc Việt từ Liên Chiểu bắn qua, Vùng 1 Duyên hải và sau đó các tỉnh miền Trung lần lượt tan hàng. May mắn qua được Hoa Kỳ năm 1975 thì năm 1996 có về Việt Nam trong một dự án tài trợ ngắn hạn nhưng chỉ ở lại Đà Nẵng có 1, 2 ngày, không có thì giờ thăm lại chốn củ. Đà Nẳng là một thành phố phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Bài viết này chỉ có mục đích hoài niệm, ghi lại những hình ảnh củ trước 75 và hiện nay.

Nhà hàng nổi gần Thương cảng mà anh em Hải quân thường ra thư giản, ngắm cảnh bờ sông

Địa điểm ưng ý của anh em Hải Tuần – Bên phải là Thế giới Tửu gia

VỊNH HÀN XƯA VÀ NAY

 Vịnh Đà Nẵng được bao bọc bởi hai dãy núi Hải Vân và Sơn Trà, hình thành từ một nhánh của dãy Trường Sơn. Từ Đông Bắc Trường Sơn đâm thẳng ra biển, điểm chấm cuối cùng là hòn Chảo. Nhánh của dãy Trường Sơn này làm thành một vòng cung từ Đông Bắc chạy xuống Tây Nam, liên kết với dãy đất liền và bán đảo Sơn Trà, thành một hình vòng cung tạo thành vùng vịnh. Là một vùng kín gió, ít sóng, tạo nên những điểm neo đậu tàu thuyền an toàn. Vịnh còn có hai con sông là sông Cu Đê đổ ra cửa biển Nam Ô và sông Hàn đổ ra vịnh Hàn tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có. Bán đảo Sơn Trà còn có tên là núi Tiên Sa, gắn với truyền thuyết là nơi có cảnh vật tuyệt đẹp đã quyến rũ các nàng tiên trên trời xuống vui chơi, thưởng ngoạn. Các bãi biển quanh bán đảo với cát trắng phau, nước xanh ngắt là những điểm du lịch lý tưởng, là nơi cung cấp nước ngọt cũng như là điểm nghỉ chân cho ngư dân trước khi ra khơi. Phía Tây Bắc bán đảo có các bãi biển đẹp như bãi Tiên Sa. Phía Đông Nam có bãi Nam là bãi tắm lý tưởng và an toàn cả 4 mùa; bãi Rạng có nhiều con suối lớn từ núi đổ xuống, bãi tắm sạch, như ở chốn bồng lai tiên cảnh; bãi Bụt nằm ở phía Tây Nam, trong cùng của hệ thống bãi biển thuộc phía Đông Nam của bán đảo Sơn Trà, không những có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ ảo, địa thế thác ghềnh, núi non kỳ vĩ và có những câu chuyện dân gian thắm đượm màu sắc tâm linh nên người xưa gọi nơi đây là bãi Bụt. Bãi Nam khung cảnh rất yên tĩnh, bây giờ là nơi xây các resorts nổi tiếng nhất thế giới.

 BTL/HQ/V1DH – BÃI TẰM TIÊN SA: Hình BTL/HQ/V1DH, có thể chụp vài năm sau 1975 nhưng không khác trước bao nhiêu. Phía giữa trên đồi là dinh Tư lệnh, ở dưới một chút là Trung tâm Hành quân. Phía dưới bên phải là cầu Quân cảng. Các căn nhà của BTL Vùng và CCHQ/ĐN không có gì thay đổi. Phía giữa bên phải trước mặt BTL là bờ đá. Phía trên là Deep Water Pier. Bên phải phía trên là Bãi tắm Tiên Sa (Spanish Beach) và bên trái lối đi vào là trại gia binh. Năm 2016, gia đình một người bạn thăm lại Tiên Sa có vào thăm bãi tắm nhưng không vào được BTL/HQ/V1DH.

 

Hình dưới là bán đảo Tiên Sa hiện nay. Bộ Tư lệnh và bãi tắm Tiên Sa không có nhiều thay đổi. Deep Water Pier có 2 cầu tàu và đê chắn sóng phía ngoài. Khu vực giữa đồi Tiên Sa và bán đảo phía ngoài đã  được bồi đắp thành kho hàng của cảng Tiên Sa. Cầu tàu LLHT và HĐ1DP trở thành căn cứ của Lữ đoàn 172 Hải quân.

Cổ viện Chàm thì vẫn còn nhưng không còn dấu vết gì của cầu Quan Thuế. Khoảng 1962-1964, các LSM thường hay cặp bãi Cổ viện Chàm còn 3 chiếc PCE 7, 8, 9 thường hay cặp cầu Quan Thuế khi nghĩ bến.

Cầu Sông Hàn gần Thương Cảng được khánh thành năm 2000 là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam

Trước 1975 muốn đi từ Tiên Sa, Sơn Trà qua Đà Nẵng thì phải dùng cầu Trịnh Minh Thế. Năm 1968, một cây cầu dã chiến được quân đội Mỹ xây dựng, lắp ghép từ các ống thép, mặt cầu bằng gỗ dùng để phục vụ cho việc chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng nước sâu Tiên Sa vào thị xã Đà Nẵng. Ngoài 2 cầu này, nay được nâng cấp thành 1 cầu, còn có 3 cầu mới là cầu sông Hàn (2000), Cầu Thuận Phước phía hạ dòng (2009) và Cầu Rồng (2013).

Cầu Trịnh Minh Thế và cầu dã chiến do quân đội Mỹ xây 1968

CẢNG TIÊN SA (DEEP WATER PIER) – THƯƠNG CẢNG ĐÀ NẴNG – CẢNG LIÊN CHIỂU: Deep Water Pier được người Mỹ bắt đầu xây dựng vào năm 1966 nhằm mục đích tiếp tế cho quân đội Mỹ tại miền Trung. Sau 1975 đổi tên là cảng Tiên Sa. Luồng giữa Tiên Sa và thương cảng Đà Nẵng đã được nạo vét sâu 12 m. Không còn thấy kè đá hướng dẫn tàu bè từ Tiên Sa vào Thương Cảng. Trong kế hoạch nâng cấp các cảng tại Đà Nẵng, thương cảng đang được cải tạo thành nơi cập bến cho các du thuyền.

Dù rằng được nâng cấp liên tục, nếu nâng công suất cảng Tiên Sa lên 12-15 triệu tấn/năm sẽ xảy ra sự xung đột giữa khai thác du lịch và hàng hóa. Không những vậy, hệ quả tiếp theo là thiếu khu vực hậu cần sau cảng. Vì vậy việc đầu tư xây mới cảng Liên Chiểu đang được xúc tiển khẩn cấp. Theo dự kiến, việc xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ  tốn 32,861 tỉ đồng (1.44 tỷ USD)  đạt công suất 46 triệu tấn/năm. Theo báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, dự kiến mức đầu tư giai đoạn 2022 là 7,378 tỉ đồng (1.845 triệu tấn); giai đoạn 2030 là 7,857 tỉ đồng (17.5 triệu tấn); giai đoạn 2050 là 17,626 tỉ đồng (46 triệu tấn/năm).

Vị trí và sơ đồ cảng Liên Chiểu

 CĂN CỨ HẢI TUẦN – HẢI ĐỘI I DUYÊN PHÒNG: Trước khi rẻ trái vào BTL/V1DH hay đi thẳng vào bãi tắm Tiên Sa là căn cứ của Sở Phòng Vệ Duyên hải cho đến 1972 và sau đó là Hải đội I Duyên phòng cho đến 1975. Hiện nay là căn cứ của Lữ đoàn 172 Hải quân Nhân dân Việt Nam.

 

 Cầu tàu LLHT (1966) – Background là BTL/V1DH

Lữ đoàn 172 trực thuộc V3HQ (2016)

 CĂN CỨ YỂM TRỢ TIẾP VẬN ĐÀ NẴNG

 Nếu đi từ Đà Nẵng qua Tiên Sa, đến ngã ba Sơn Trà là doanh trại NAD. Đi vài cây nữa là trạm gác Cầu Trắng trước khi đi vào bán đảo Tiên Sa. Bên phải là doanh trại của Không Quân trên đài Panama. Trên đỉnh núi Sơn Trà là đài kiểm báo Panama. Cũng có một đài kiểm báo nhỏ của Hải quân. Đi tàu vòng quanh bán đảo Sơn Trà là bãi Nước Ngọt, bãi Bắc, bãi Nam.

Câu lạc bộ Rendez Vous của cố vấn NAD. Thỉnh thoảng họ mời các sĩ quan LLHT chung vui với món Steak khá ngon

Camp Tien Sha của Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Hoa Kỳ

Khu vực bán đảo Sơn Trà hiện nay kèo dài từ chân núi Tiên Sa cho đến cửa Đại, Hội An là nơi đồn trú của Duyên đoàn 14 trước 1975.

Đường Hoàng Sa giúp thế hệ sau mãi ghi nhớ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng

Khu vực Sơn Trà được bành trướng mạnh mẻ và thay đổi nhiều nhất. Tổng công ty Sông Thu (Song Thu Corporation) trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòngBộ Quốc phòng Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập vào năm 1976, hoạt động trong các lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu biển, tàu sông; Ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển, sông; Vệ sinh làm sạch tàu dầu, xử lý cặn dầu và Sản xuất các sản phẩm bằng kim loại, gia công cơ khí và dịch vụ kỹ thuật. Trụ sở đăng ký tại số 152, đường 2/9, phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Theo quyết định số 2736 /QĐ – BQP ngày 15/08/2009, Công ty đã thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp quốc phòng sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo hình thức Công ty mẹ – Công ty con. Với Công ty con là Công ty đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn và Công ty Cơ khí Sông Thu.

Công ty Cổ phần Cơ khí Sông Thu là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Sông Thu, trực thuộc Bộ Quốc phòng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tọa lạc tại khu CN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Tổng công ty Sông Thu

Hồ sơ: ITN-011517-VN-Một thoáng kỷ niệm: Tiên Sa trước 75 và bây giờ.doc

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *