HKMH Carl Vinson – CVN 70 thăm cảng Đà Nẵng

456 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Ngày 5/3, USS Carl Vinson (CVN-70) của Hải quân Hoa Kỳ đã đến Đà Nẵng cùng hai tàu hộ tống là tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG-57) và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (DDG-108).

Tàu sân bay USS Carl Vinson tiến vào vịnh Đà Nẵng

 Cách đây mấy tháng, tác giả đưa lên Vietbao Online bài viết “Cảng Cam Ranh”. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 8/2017 của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng VN, đã lần đầu tiên đồng ý tiếp một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ vào năm 2018 nhưng không nói rỏ địa điểm. Nhiều người phỏng đoán đây là quân cảng Cam Ranh. Washington cũng đề nghị Hà Nội cho lưu trữ những thiết bị trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, mà trước mắt là về các thiết bị liên quan đến công tác nhân đạo. Mải đến sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis từ  23-25/1/2018 thì phát ngôn Lầu Năm Góc Dana W. White cho biết tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson sẽ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 3/2018. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một HKMH Hoa Kỳ đến Việt Nam kể từ khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt năm 1975.

VỊ THẾ CẢNG CAM RANH VÀ ĐÀ NẴNG

Cảng Cam Ranh và Đà Nẳng là 2 hải và quân cảng lớn nhất, nhì của Việt Nam:

Cảng Cam Ranh: Cảng Cam Ranh đã được đề cập trong bài viết “Cảng Cam Ranh” của tác giả ngày 15 tháng 8, 2017. Theo nhiều nhà địa lý quốc tế, có 3 cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới là San Francisco (Mỹ), Rio de Janéro (Brazil) và Cam Ranh của Việt Nam. Theo tài liệu đã được công bố, vịnh Cam Ranh là một vịnh kín, diện tích hơn 60 km², chỗ rộng nhất khoảng 6 km, ăn sâu vào nội địa chừng 12 km, thông với biển bởi một cửa rộng khoảng 3 km. Phần lớn vịnh có độ sâu từ 18 – 32 m. Vịnh có ưu điểm là chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển (khoảng 20 hải lý).

Cảng Đà Nẵng: Cảng Đà Nẵng là cảng lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ cách quần đảo Hoàng Sa 175 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 131 hải lý. Với vị trí nằm trong Vịnh Đà Nẵng rộng 12 km² với độ sâu tối đa 17 m, bao bọc bởi núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Cảng Đà Nẵng rất thuận lợi cho tàu cập và làm hàng quanh năm.

Cảng Tiên Sa được coi là một trong số ít các cảng tại Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng để phát triển thành một cảng biển lớn. Cảng Tiên Sa có khu bến container với hệ thống kho bãi, đê chắn sóng, thiết bị chuyên dụng hiện đại, phục vụ giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế, du lịch cho vùng hậu phương gồm các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến hàng lang kinh tế Đông Tây. Ngoài ra, cảng Liên Chiểu về phía Tây Bắc vịnh Hàn sẽ được đầu tư 5,581 tỷ đồng (246 triệu USD). Dự kiến năm 2022, dự án sẽ đi vào hoạt động. Như vậy, Đà Nẵng sẽ có 2 hải cảng là Liên Chiểu và Tiên Sa.

LỰC LƯỢNG XUNG KÍCH HÀNG KHÔNG MẪU HẠM CỦA HOA KỲ

Đơn vị căn bản của HQHK là các Lực Luợng Xung Kích Hàng Không Mẫu Hạm (Carrier Strike Group: CSG) thay thế cho danh từ củ (Carrier Battle Group: CVBG) gồm có 11 lực lượng đặt căn cứ tại nội địa HK và một lực lượng tiền phương đặt căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản.

CSG-1 cùng với CSG-5 (USS Ronald Reagan-CVN 76) là 2 đơn vị trực thuộc Đệ Thất Hạm Đội hoạt động phía Tây Thái Bình Dương. Tùy theo nhu cầu, Đệ Thất Hạm Đội có  thể được tăng cường thêm một lực lượng thứ ba. USS Carl Vinson-CVN 70 là soái hạm của CSG-1 gồm có Không đoàn Chiến thật số 2 (Carrier Air Wing 2) và phân đội KTH số 1 (Destroyer Squadron 1) gồm TDH lớp Ticonderoga USS Lake Champlain và các KTH l ớp Arleigh Burke USS Michael Murphy and USS Wayne E. Meyer. Ngoài ra, CSG-1 còn có các tàu ngầm hộ tống lớp Los Angeles cũng như các tàu ngầm nguyên tử chiến lược lớp Virginia mà vị trí và số lượng không được tiết lộ.

Lệnh hành quân căn bản của HQHK đòi hỏi 6 CSG phải ở trong tình trạng hoạt động hay sẵn sàng hoạt động trong vòng 30 ngày và 2 CSG kế tiếp phải sẵn sàng hoạt động trong vòng 90 ngày. Quan niệm của HQHK về các CSG rất là linh động. Các CSG có thể thành lập hay giải tán bất cứ lúc nào tùy theo nhu cầu đòi hỏi. Số lượng chiến hạm biệt phái cho mỗi CSG cũng thay đổi theo sứ mạng, lực lượng địch.

Về cấu trúc, dù rằng HKMH có một số lượng khá lớn máy bay nhưng vẫn là một mục tiêu dễ dàng đối với các phi cơ, chiến hạm và tàu ngầm địch nên vẫn cần một số chiến hạm hộ tống. Mục đích của thành phần hộ tống là bảo vệ HKMH chống lại phi cơ, chiến hạm và tàu ngầm địch. Các phi cơ trên HKMH đảm nhận nhiệm vụ tấn công. Các chiến hạm hộ tống cũng có thể đảm trách nhiệm vụ tấn công (ví dụ như phóng tên lửa hành trình) và các phi cơ đảm trách nhiệm vụ phòng thủ (ví dụ như phi vụ tuần tiễu hay săn tàu ngầm). Thông thường, một CSG gồm có các thành phần sau:

  • Một HKMH hạng nặng, là soái hạm của CSG, do một Đô Đốc 2 sao chỉ huy, có nhiệm vụ tấn công phi cơ và chiến hạm địch cũng như các mục tiêu trên bộ trong các cuộc hành quân phối hợp. HKMH có thể xem như là một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ trên biển, các phi cơ đáp xuống mà không cần xin phép quốc gia sở tại. Với hệ thống điều khiển và liên lạc tối tân, HKMH có khả năng chỉ huy những cuộc hành quân phối hợp trên quy mô lớn.
  • Một Không Ðoàn Chiến Thuật gồm có 8 phi đoàn phản lực cơ chiến đấu và các phi cơ thám thính, điện tử, săn tàu ngầm và liên lạc.
  • Một hay hai Tuần Dương Hạm Aegis loại Ticonderoga trang bị hỏa tiễn hành trình Tomahawk có khả năng tấn công tầm xa.
  • Hai hay ba Khu Trục Hạm Aegis loại Arleigh Burke có khả năng tấn công phi cơ, chiến hạm và tàu ngầm địch. Các KTH này cũng có thể được trang bị hỏa tiễn hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu xa trên đất liền.
  • Hai tàu ngầm tấn công loại Los Angeles có nhiệm vụ tấn công phi cơ, chiến hạm và tàu ngầm địch. Các tàu ngầm này cũng có thể được sử dụng để hoạt động ở tầm xa trong nhiệm vụ bảo vệ CSG.
  • Các tàu tiếp tế dầu, đạn dược, thực phẩm loại AOE, AOR, T-AOE để cho các chiến hạm chủ lực có khả năng hoạt động dài hạn trên biển.

Đội hình nhóm tàu tấn công Carl Vinson

NHỮNG CHUẨN BỊ CỦA VIỆT NAM VÀ HOA KỲ

  • Việt Nam sẽ lần đầu tiên tiếp một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ vào năm tới, theo tin từ Bộ Quốc Phòng Mỹ. Ðây là một trong những chủ đề của cuộc thảo luận giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Việt tại Ngũ Giác Ðài, Washington, DC, hôm 8/8/2017. Washington cũng đề nghị Hà Nội cho lưu trữ những thiết bị trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, mà trước mắt là về các thiết bị liên quan đến công tác nhân đạo.
  • Ngày 17/10/2017, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự đối thoại quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2017 tại trụ sở Lầu Năm Góc. Ngày 19/10, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu quân sự gồm 11 người của Việt Nam đã có chuyến thăm tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson (CVN-70) thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1 (CSG-1) của Hải quân Mỹ đang hoạt động diễn tập ở vùng biển phía nam California.
  • Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã có chuyến công du Việt Nam vào cuối tháng 1/2018. Ông đã gặp gỡ người đồng cấp là Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Đây là lần thứ 3 họ gặp nhau. Một trong những nội dung chính mà cơ quan quốc phòng hai nước đang phối hợp là chuẩn bị cho chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam dự kiến vào tuần đầu tháng 3 này. Chuyến viếng thăm đã được xác nhận. Hàng không mẫu hạm Mỹ theo dự trù sẽ đến Đà Nẵng thay vì Cam Ranh vào Tháng Ba năm 2018, ông James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nói hôm 25/1. Hôm 26/1 Trung Quốc lên tiếng nói họ không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng dự kiến vào tháng 3/2018. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định như vậy và nói thêm rằng miễn là những sự hợp tác đó có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
  • Military.com ngày 15/2 đưa tin, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đã hiện diện trên Biển Đông và các chiến đấu cơ đã phóng lên từ hàng không mẫu hạm này. Dù các quan chức Mỹ có thừa nhận hay không, động thái này cũng mang một thông điệp trực tiếp đến Trung Quốc. Phó đề đốc John Fuller – chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay USS Carl Vinson nói với các phóng viên có mặt trên hàng không mẫu hạm Mỹ: “Hoa Kỳ đang hiện diện. Rất rõ ràng chúng tôi đang ở Biển Đông. Chúng tôi đang hoạt động. Các nước ở Thái Bình Dương đều là những quốc gia hàng hải, họ đánh giá cao sự ổn định. Đó chính xác là lý do chúng tôi đang có mặt ở đây, một sự hiện diện hữu hình và có thể thấy rõ, Hoa Kỳ đang ở đây.”
  • Ngày 21/2/2018, đại sứ Phạm Quang Vinh của Việt Nam đã thăm tàu sân bay USS George H. W. Bush tại căn cứ hải quân Norfolk, bang Virginia.

NHỮNG CHI TIẾT LIÊN QUAN ĐẾN CHUYẾN VIẾNG THĂM

Hàng không mẫu hạm nguyên tử của Mỹ USS Carl Vinson CVN-70 cùng với tàu tuần dương USS Lake Champlain CG -57 và tàu khu trục USS Wayne E. DDG -108 Meyer đã đến cảng Đà Nẵng thăm viếng 5 ngày từ mùng 5 đến 9/3/2018.

Dư luận quốc tế về chuyến viếng thăm:

  • Thời báo châu Á (Asia Times) đã gọi là “một chuyến thăm lịch sử” nhằm thúc đẩy tự do hàng hải, thể hiện sự hợp tác của Mỹ với các đối tác.
  • Thượng nghị sĩ John McCain hôm 5/3 nói rằng việc tàu sân bay USS Carl Vinson ghé thăm Việt Nam là bước tiến “vượt mọi kỳ vọng tốt đẹp nhất của chúng tôi” đối với quan hệ Việt-Mỹ.
  • Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc cho r ằng chuyến viếng thăm của USS Carl Vinson có hai ‎ý nghĩa. Thứ nhất, Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng rằng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không tách rời khu vực. Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự hiện diện hải quân của Hoa Kỳ ở Biển, miễn là sự hiện diện đó góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói cách khác, có sự đồng thuận về lợi ích chiến lược của hai bên trong việc bảo đảm tự do hàng hải và trên không cho tàu và máy bay quân sự. Việc USS Carl Vinson tới Đà Nẵng sẽ góp phần ổn định và cân bằng quân sự ở Biển Đông.
  • Giáo sư James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) nói việc lựa chọn cảng Tiên Sa là một bước đi thận trọng, thăm dò của các bên, bởi vì “cảng Cam Ranh hàm chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn cả so với cảng Tiên Sa”. “Hãy bắt đầu từng bước một, xem sự kiện này diễn ra như thế nào và được các bên đánh giá ra sao. Nếu chuyến thăm lần này thành công thì mới tiến đến những kế hoạch tham vọng hơn trong tương lai. Đi từng bước như vậy sẽ giúp điều chỉnh phương pháp tiếp cận hiệu quả để tránh phản tác dụng”, ông Holmes nói.
  • Ông Kyle Mizokami trên mạng The Diplomat, Foreign Policy, Japan Security Watch viết hôm 27/2 rằng “Hoa Kỳ thể hiện mạnh mẽ nhằm quyến rũ Việt Nam, nước nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn” (small but influential country). Các nhà quan sát cho rằng sau khi Philippines và Thái Lan có động thái thiên về Trung Quốc, Hoa Kỳ nay muốn thể hiện quyết tâm hơn ở Biển Đông và Việt Nam hoan nghênh điều này.
  • Hôm 26/1, Trung Quốc lên tiếng nói rằng họ không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định như vậy và nói thêm rằng miễn là những sự hợp tác đó có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và có thể dẫn tới sóng gió trong mối quan hệ Trung – Mỹ.

Những chuyện bên lề chuyến viếng thăm:

  • Hai tàu hộ tống là tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG-57) và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (DDG-108) cặp cảng còn chiếc Carl Vinson neo đậu trong vịnh Đà Nẵng. Một số báo chí quốc nội loan tin HKMH Hoa Kỳ và các tàu hộ tống sẽ “cập cảng” Đà Nẵng. HKMH Hoa Kỳ dài khoảng 340 m và cần độ sâu tối thiểu là 14.3 m (47 ft) nên cầu cảng Đà Nẵng phải có chiều dài và độ sâu lớn hơn. Ngày 1/1/2018, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đã đưa vào khai thác 2 cầu tàu mới thuộc Dự án Mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đánh dấu việc hoàn thành của dự án sau 16 tháng thi công nhưng hai cầu cảng này chỉ có khả năng tiếp nhận tàu khoảng 30,000 tấn. Điều cần để ý là Hạm trưởng Tuần dương USS Lake Champlain (CG 57) là nữ HQ Đại tá Jen Ellinger.

 

 HQ Đại tá Jen Ellinger – Hạm trưởng CG 57

  • Trong buổi lể đón tiếp có sự hiện diện của Phó Đô đốc Philip G. Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đề đốc John Fueller, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Phó Đô đốc Philip G. Sawyer – Tư lệnh Hạm đội 7 nói một câu đáng chú ý: “Tôi là một người đã từng hoạt động và làm việc trên tàu ngầm, tôi rất muốn một ngày nào đó Hải quân Hoa Kỳ có thể mang tàu ngầm tới thăm Việt Nam”. Dù câu nói của Đô đốc Sawyer muốn ám chỉ điều gì đó thì trên thực tế, cụm tàu sân bay luôn luôn có 1, 2 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles hộ tống. Không vào Đà Nẵng thì các tàu ngầm này cũng lảng vãng đâu đó ngoài khơi Việt Nam. Đó là chưa kể các tàu ngầm nguyên tử chiến lược lớp Virginia cũng thường xuyên tuần tiểu khu vực này. Chuyện các tàu ngầm Hoa Kỳ sẽ vào thăm các cảng Việt Nam chỉ là chuyện thường tình.
  • HKMH Carl Vinson là một thành phố nổi với hơn 5,000 nhân viên với nhu cầu khổng lồ về vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm và các nhu cầu khác như giải trí, chuyển vận v.v… Để đáp ứng các nhu cầu này, một hệ thống hàng trăm căn cứ hải quân Hoa Kỳ nằm dày dặc trên thế giới cũng như lực lượng tàu yểm trợ. Các tàu tiếp tế dầu, đạn dược, thực phẩm loại AOE, AOR, T-AOE, AK, AKR v.v. có nhiệm vụ tiếp tế ngoài biển cho các lực lượng từng 2 tuần để cho các chiến hạm chủ lực có khả năng hoạt động dài hạn trên biển. Chỉ riêng vấn đề ăn uống, đầu bếp trên các hàng không mẫu hạm Mỹ phải làm việc liên tục để phục vụ nhu cầu ăn uống của khoảng 5,000 người, bao gồm thủy thủ đoàn và thành viên các phi đội chiến đấu. Đầu bếp trên tàu sân bay phải chuẩn bị 4 bữa mỗi ngày, bao gồm các bữa ăn lúc sáng, trưa, tối và nửa đêm vì hàng không mẫu hạm Mỹ vận hành 24/24. Các bữa ăn sáng thường được phục vụ trong 3 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 12 giờ khuya. Một chuyên gia ẩm thực cấp cao trên HKMH cho biết, đội đầu bếp làm việc trên tàu gồm khoảng 100 người. Họ phải nấu 16,000 đến 18,000 suất ăn mỗi ngày. Để mọi việc thuận lợi, đầu bếp trên tàu phải lập kế hoạch trước. Thực đơn lặp lại theo chu kỳ 15 ngày trong khi tàu tiếp tế mang đồ tươi và đồ khô mỗi tuần một lần. Tàu có 7 khu bếp nằm cách xa nhau. Hải quân phải chi 45,000 USD đến 65.000 USD cho thực phẩm mỗi ngày trên tàu. Riêng số tiền phục vụ nhu cầu ăn uống của các thủy thủ và thành viên phi đội chiến đấu đã cán mốc 1.8 triệu USD/tháng.
  • Trung tá Bác sĩ Nha khoa Hiền Trịnh là sĩ quan người Mỹ gốc Việt cao cấp nhất phục vụ trên HKMH Carl Vinson. Độc giả có thể đọc bài phỏng vấn “Tâm sự quân nhân Mỹ gốc Việt trên tàu sân bay USS Carl Vinson” trên đài VOA ngày 4/3/2018 để biết thêm về BS Hiền. Trên tàu này có hơn 10 thủy thủ gốc Việt. Paul Nguyễn là thủy thủ 24 tuổi quê gốc Cà Mau đã có 4 năm phục vụ trên tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ. Người thứ hai là một cô gái trẻ trung, mới chỉ ngoài 20 tuổi quê Nghệ An, cô có tên tiếng Việt là Thái Thị Ngân. Xinh xắn và sở hữu nụ cười tỏa sáng nhưng dường như cái sóng, cái gió của biển khơi đã làm cô cứng cáp hơn nhiều. Cô cho biết mới làm lính tàu sân bay được hơn 1 năm với nhiệm vụ hậu cần, cung ứng phụ tùng cho các nhiệm vụ kỹ thuật.

Thái Thị Ngân – Thủy thủ người Việt trên tàu sân bay Mỹ.

  • Tối ngày 5/3, tại khuôn viên phía đông cầu Rồng (Đà Nẵng), ban nhạc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đã có buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân và du khách tại Đà Nẵng. Nữ thủy thủ Evinly Kershan và ban nhạc Hạm đội 7 (Hải quân Mỹ) đã biểu diễn ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Đà Nẵng. Người dân và du khách hào hứng giao lưu cùng ca sĩ của ban nhạc. Đặc biệt, bài hát nổi tiếng “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hát bằng tiếng Việt nhận những tràng vỗ tay không dứt. Độc giả có thể vào You Tube, đánh Nữ hải quân Mỹ hát ‘Nối vòng tay lớn’” để nghe bài hát này.
  • Tối 6/3), Tư lệnh Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ đã tổ chức tiệc chiêu đãi trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Có khoảng 500 khách mời là các quan chức của TP Đà Nẵng, các đối tác, doanh nghiệp và lãnh đạo các sở, ban ngành của TP Đà Nẵng sẽ tham dự buổi tiệc chiêu đãi này. Trong khoang tàu sân bay USS Carl Vinson khách tham quan bị thu hút bởi gian hàng bán đồ lưu niệm. Tại đây có các món đồ được niêm yết giá rõ ràng như Zippo, áo, mũ lưu niệm … Trong đó, món đồ được yêu thích và các khách lên tàu “săn lùng” nhiều nhất là Zippo. Mỗi chiếc Zippo xuất xứ Mỹ chỉ có giá 12 USD. Điều khiến nhiều người thích mê là trên chiếc Zippo có ghi dòng chữ lưu niệmUSS Carl Vinson CVN 70″ cùng các nét vẽ kỳ công.
  • Chương trình đón tiếp tàu sân bay Mỹ đến thăm TP Đà Nẵng đã được lên kế hoạch suốt sáu tháng qua. Có đến gần một nửa trong số gần 6,000 phi công, thủy thủ được lên bờ xả hơi và gần 100 lượt xe khách loại lớn lần lượt đón họ về các khách sạn trong thành phố. Có 18 khách sạn được huy động để phục vụ cho việc nghỉ ngơi, các điểm vui chơi, mua sắm đã sẵn sàng để đón thủy thủ Hoa Kỳ. Hai tàu cao tốc Phú Quốc Express 7 và DP 9 thuộc Công ty tàu Cao tốc Greenlines có nhiệm vụ chuyên chở thủy thủ đoàn từ tàu vào bờ. Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã lựa chọn các cơ sở bảo trợ xã hội, trường đại học để giới thiệu cho đoàn tiền trạm và hai bên thống nhất với nhau các hoạt động cụ thể. “Chúng tôi cũng giới thiệu các điểm du lịch ở cố đô Huế, phố cổ Hội An và danh thắng ở Đà Nẵng cho đoàn Hải quân Mỹ. Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết sẽ phối hợp với Hội khách sạn TP tổ chức buổi giao lưu, quảng bá ẩm thực Việt Nam và TP Đà Nẵng với các đầu bếp của tàu sân bay Mỹ. Buổi giao lưu đặc biệt này dự kiến sẽ diễn ra ngày 6/3 tại Nhà hàng Madame Lân (số 4 Bạch Đằng), quận Hải Châu, Đà Nẵng. Các món ăn được trình diễn giới thiệu và giao lưu lần này là những món truyền thống, đặc trưng của Việt Nam và Đà Nẵng trong đó có 3 món nem rán, mì Quảng và bánh xèo. Bếp trưởng của nhà hàng Madame Lân và đầu bếp chuyên món Việt của khách sạn Furama Resort sẽ tham gia trình diễn và giao lưu kỹ thuật chế biến món ăn với các đầu bếp của tàu sân bay Mỹ.
  • Mổi lần các cụm tàu sân bay nghĩ bến thì các Trung tâm Vùng Hải quân (gọi tắt là NRC) là đơn vị chuyên cung cấp tiếp liệu và dịch vụ bến cảng cho các chiến hạm Hoa Kỳ. Theo trang web chính thức của Hải quân Mỹ, trước chuyến viếng thăm, đội Cung ứng hàng hóa của Trung tâm NRC đã hợp tác chặt chẽ với các nhân viên hậu cần trên tàu nhằm mục đích mang lại những dịch vụ tốt nhất như chuyển phát nhanh, giải trí, cung cấp năng lượng, thực phẩm. USS Carl Vinson từng được cung ứng hơn 20 tấn thực phẩm, 8 tấn hàng hóa, vận chuyển hơn 1,300 thư từ … cho một lần cập bến của tàu sân bay này tại Singapore. Tháng 10/2017, tàu USS Carl Vinson đến Sri Lanka, ước tính đã đem về cho nền kinh tế nước này khoảng 10 triệu USD.
  • Hôm 7/3, Trung tá Ryan McCrillis, giám đốc kỹ thuật tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã dẫn đầu đoàn thủy thủ đến thăm Tổng công ty đóng tàu Sông Thu. Truyền thông Việt Nam trích lời ông Ryan McCrillis nói ông có ấn tượng tốt về những con tàu hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu do Sông Thu xuất xưởng và mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu.

KỀT LUẬN

Dù rằng ở trong những vị thế địa chính trị khác nhau, sự liên hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rồi từ từ cũng như mối liên hệ giữa Hoa Kỳ đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhanh hay chậm còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Chuyến thăm của USS Carl Vinson không là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tiến vào quỹ đạo của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Đây chỉ là báo hiệu rằng Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu tin tưởng nhau và lãnh đạo Hà Nội cảm thấy thoải mái để tiến thêm những bước kế tiếp trong mối quan hệ hải quân với Hoa Kỳ.

Các mạng truyền thông quốc tế thường có khuynh hướng đặt những tiêu đề không có tính cách tích cực trong mối bang giao Trung-Việt như: “Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam, thách thức Trung Quốc” – “Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam khiến Trung Quốc phật lòng?” – “VN muốn trấn an TQ về chuyến thăm của USS Carl Vinson” – “Đón hàng không mẫu hạm Mỹ, Việt Nam đi dây giữa Washington và Bắc Kinh”. Những điều này thật ra không cần thiết. Trung Quốc không có lý do gì để phản đối chuyến thăm thân thiện của USS Carl Vinson tới Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã nổ lực bành trướng quân lực của mình, xây dựng và biến các đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Việc USS Carl Vinson thăm Việt Nam chỉ là một sự kiện trong một loạt các bước tăng cường quan hệ hợp tác Việt – Mỹ trong vài năm qua. Trung Quốc không có lý do gì để ngăn cản các nước láng giềng tìm một sự cân bằng trong khu vực.

THAM KHẢO

  1. Nimitz-class aircraft carrier – From Wikipedia, the free encyclopedia
  2. Tàu sân bay lớp Nimitz – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  3. Bài viết “Cảng Cam Ranh” của tác giả ngày 15 tháng 8, 2017.
  4. Bài viết “Hải quân Hoa Kỳ” của tác giả ngày 8 tháng 3, 2016.
  5. Bài viết “Mỹ thông báo tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ thăm Việt Nam” trên mạng Thanh Ni ên Online ngày 26 tháng 1, 2018.
  6. Bài viết “Trung Quốc lên tiếng vụ tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng” trên mạng VOA ngày 27 tháng 1, 2018.
  7. Bài viết “Trung Quốc đang thách thức Mỹ và đồng minh ở tây Thái Bình Dương” trên mạng Giáo Dục Việt Nam ngày 25 tháng 1, 2018.
  8. Bài viết “Ngay trước tết Mậu Tuất, cụm tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã đến Biển Đông” trên mạng Giáo Dục Việt Nam ngày 16 tháng 2, 2018.
  9. Bài viết “USS Carl Vinson tới Đà Nẵng: Bước đi chiến lược” trên đài BBC ngày 23 tháng 2, 2018.
  10. Bài viết “USS Carl Vinson tới Đà Nẵng và còn gì nữa?” trên đài BBC ngày 2 tháng 3, 2018.
  11. Bài viết “Vì sao Đà Nẵng được chọn là điểm ghé thăm của siêu tàu sân bay Mỹ?” trên mạng ngày 2 tháng 3, 2018.
  12. Bài viết “Chuyện bếp núc trên tàu sân bay Mỹ” trên mạng ngày 1 tháng 10, 2014.
  13. Bài viết “Tâm sự quân nhân Mỹ gốc Việt trên tàu sân bay USS Carl Vinson” trên đài VOA ngày 4 tháng 3, 2018.
  14. “From Refugee to U.S. Navy” trên You Tube.
  15. Bài viết “Singapore từng cung cấp 20 tấn thực phẩm cho USS Carl Vinson” trên mạng Net News ngày 6 tháng 3, 2018.
  16. You Tube Nữ hải quân Mỹ hát ‘Nối vòng tay lớn’.

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *