Chính trị & Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu 2018

619 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Nửa đầu năm 2018 đã trôi qua với 2 hình ảnh trái nghịch về chính trị và kinh tế. Trong khi kinh tế đạt được những tiến bộ tương đối khả quan thì những lùm xùm về chính trị đã phủ mờ hình ảnh của đất nước.  Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì, gắn với chuyển biến về môi trường kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI được củng cố. Financial Times Confidential Research vừa thực hiện một cuộc khảo sát về niềm tin tiêu dùng của một số nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam cho thấy những người Việt Nam trẻ là những người lạc quan nhất về triển vọng kinh tế của đất nước, đẩy chỉ số FTCR Vietnam Economic Sentiment (một chỉ số đo lường độ lạc quan kinh tế của người dân Việt Nam) lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2015. FT Research kỳ vọng Việt Nam sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế đang phát triển mạnh nhất trong khu vực trong năm nay, nhưng việc những thành tựu này có được duy trì hay không còn phụ thuộc vào việc chính phủ có thể thành công việc thoái vốn của nhà nước khỏi các lĩnh vực kinh tế và mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thông tin ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đạt 7.1% đã được nhiều báo đăng tải trong những ngày đầu tháng 7. Thông tin này được cho là trích dẫn từ Báo cáo Bổ sung Triển vọng Phát triển châu Á. Hiện nay, kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam đã vượt mức 185% GPD, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singgapore. Diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc còn diễn biến khó lường mà Việt Nam không nhiều thì ít sẽ chịu ảnh hưởng.

Chỉ số niềm tin kinh tế của Việt Nam (màu Xanh dương nhạt), của  nhóm 4 nước ASEAN  (màu xanh dương đậm )

CHÍNH TRỊ

Như đã trình bày trong tài liệu “Chính trị – Kinh tế Việt Nam 2017” vụ án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh, vụ án tham nhũng tại Đà Nẵng cũng như 2 vụ “Vũ nhôm” và “Út trọc” đang đi vào giai đoạn cuối. Các vụ này chưa xong thì lại xảy ra các vụ mới:

  • Các cuộc biểu tình rộng lớn tại quốc nội và hải ngoại đã được trình bày trong bài viết “Câu chuyện đặc khu kinh tế tại Việt Nam” được tác giả đưa lên mạng ngày 1/7/2018.
  • Kể từ khi các vụ án nêu trên nổ ra thì đã có cả thảy 11 tướng liên hệ trong đó có 9 tướng Công An trong đó có Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an và 5 trung tướng khác gồm có các ông Bùi Xuân Sơn, Lê Văn Minh, Nguyễn Văn Chuyên, Ksor Nham và Vũ Thuật. Đây là kể luôn Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm được đề cập qua vụ Đường dây đánh bạc qua mạng. Ngoài ra, Trung tướng Nguyễn Văn ThanhThượng tướng Phương Minh Hòa thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân cũng bị đề nghị kỹ luật.
  • Đường dây đánh bạc qua mạng Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến và Nguyễn Văn Dương, cựu chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC, cầm đầu. Từ 18/4-2015 đến 29/8/2017 có gần 43 triệu tài khoản người chơi. Phải gần một tháng sau khi cao của Bộ Công Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ an – bị khởi tố và tống giam do liên đới trực tiếp đến “đường dây đánh bạc công nghệ cao” mà còn có thông tin cho biết máy chủ của đường dây này “nằm sát Bộ Công an”, cấp trên mới chỉ đạo khởi tố và bắt tiếp một quan chức cao cấp khác của “bộ siêu quyền lực” này là Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, từng một thời là cấp trên trực tiếp của Nguyễn Thanh Hóa.
  • Đầu tháng 7/2018, dư luận trong nước đang rất quan tâm trước thông tin về gian lận thi cử tại Hà Giang và Sơn La. Theo thống kê, có 23/37 trường hợp thí sinh ở Hà Giang đạt điểm 27 trở lên khối A1 đều thuộc diện điểm thi các môn tổ hợp rất cao. Điều đặc biệt là các thí sinh được nâng điểm đều là con cháu của các quan chức trong tỉnh. Ông Vũ Trọng Lương, Thư ký Hội đồng thi THPT QG năm 2018 và ông Nguyễn Thanh Hoài , Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang vừa bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định khởi tố. Trường hợp của Sơn La cũng tương tự như ở Hà Giang. Hiện tại, các nghi can đang đổ lổi cho nhau nhưng việc này sẽ dính đến cấp nào là điều mọi người muốn biết. Ông Dương Trung Quốc, dân biểu Quốc hội đã nói rỏ hơn: “Vì bộ máy chính quyền quản lý không tốt đã tạo ra những hiện tượng gian lận, điều này sẽ là nguy hại rất lớn cho đất nước. Việc gian lận không chỉ lấy mất cơ hội của nhiều người có tài mà còn gây nguy hại lâu dài cho đất nước khi bộ máy có những thành viên được dựng lên nhờ sự gian dối, năng lực yếu kém”.

Các vụ tham nhũng và lạm quyền tại Việt Nam đều là sản phẩm của cơ chế. Dù rằng trong thời gian gần đây, Việt Nam có đạt được những tiến bộ về kinh tế nhưng những vụ này như một chứng ung thư đang vào thời kỳ trầm trọng. Chỉ mong rằng thành phần liêm chính trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam có đủ thực lực và quyết tâm để cắt bỏ các mụn nhọt này.

TÌNH HÌNH KINH TẾ TỔNG QUÁT

Bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu 2018 nhiều khích lệ hơn tình hình chính trị. Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nhận định: được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018, là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.

  • Việt Nam hôm 5/2 công bố đã thành lập Ủy ban Quản lý 5 triệu tỷ đồng (220 tỷ USD) vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ. Theo Reuters ghi nhận, động thái này của chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
  • Việt Nam đang nỗ lực khắc phục các khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) kể từ khi ủy ban này rút “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, việc khắc phục “thẻ vàng” của EC đã có nhiều kết quả khả quan, tình trạng các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp đã giảm.

CÁC DỮ KIỆN KINH TẾ

  • Ngày 22/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam 2017. Năm nay, kết quả điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 12,000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10,200 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1,800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70.7 trên thang điểm 100, với rất nhiều sáng kiến, nỗ lực trong cải cách hành chính. Sau nhiều năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI, năm nay, Đà Nẵng ở vị trí á quân, với 70.1 điểm.
  • Năm 2017, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi thu hút được 6 tỷ USD vào thị trường IPO. Tính đến hết quý I, 2018 có 10 công ty Việt Nam với vốn thoái hóa trên 4 tỷ USD là Vingroup (13.62 tỷ), Vinamilk (12.96 tỷ), Vietcombank (11.11 tỷ), PV Gas (11.04 tỷ), Sabeco (6.8 tỷ), BIDV (6.54 tỷ), Masan (5.79 tỷ), Vietinbank (5.68 tỷ), Petrolimex (4.77 tỷ) và Vietjet Air (4.45 tỷ).

Tổng sản phẩm quốc nội GDP: GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 7.08% cao nhất từ năm 2011 so với dự đoán 6.8% từ World Bank. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây với nông lâm nghiệp có tốc độ cao nhất từ năm 2012.

Xuất nhập khẩu – Các đối tác chính: Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 225 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2017, trong đó xuất khẩu ước đạt khoảng 114 tỷ USD, tăng 16%, nhập khẩu ước đạt khoảng 111 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu gần 3 tỷ USD.

Về xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21.5 tỷ. Tiếp đến là EU đạt 20.5 tỷ. Trung Quốc đạt 16.6 tỷ. Thị trường ASEAN đạt 12.2 tỷ USD.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 với kim ngạch đạt 31.1 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 22.5 tỷ USD. ASEAN đạt 15.3 tỷ USD. Hoa Kỳ chỉ đạt được 5.6 tỷ sau cả Nhật Bản với 8.8 tỷ và EU với 6.4 tỷ.

Trung Quốc: Trong 6 tháng đầu 2018, xuất nhập khẩu đạt 47.7 tỷ USD so với 50.4 tỷ USD toàn năm 2017, trong đó xuất khẩu sang Việt Nam đạt 31.1 tỷ USD và nhập khẩu từ Việt Nam 16.6 tỷ USD.

  • Bản tin Vinanet ghi rằng trong 2 tháng đầu năm 2018 xuất cảng hàng hóa sang Trung Quốc tăng 50.6% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 5.67 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm nay, có 2 nhóm hàng xuất cảng sang Trung Quốc đạt kim ngạch trên tỷ USD đó là điện thoại và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
  • Bản tin CafeF/Trí Thức Trẻ ghi rằng xuất cảng điện thoại sang Trung Quốc tăng đột biến hơn 422%, và TQ đã vượt Mỹ để thành nước tiêu thụ điện thoại lớn thứ hai của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Các thị trường tỷ USD tiêu thụ điện thoại của Việt Nam gồm có: EU 4.5 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc 1.79 tỷ USD, tăng 422.5%; Mỹ 1.71 tỷ USD, tăng 22,6%; U.A.E 1,57 tỷ USD, tăng 25.5%; Nam Hàn  1.54 tỷ USD, tăng 38.2%; Áo 1.49 tỷ USD, tăng 106.6%; Đông Nam Á 1.07 tỷ USD, tăng 10%.

Hàn Quốc: Trong chuyến viếng thăm Việt Nam từ 22-24/3/2018 của Tổng thống Moon Jae-in, hai bên nhất trí tăng cường nỗ lực bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 đi đôi với thúc đẩy cân bằng thương mại, cùng tạo điều kiện để hàng xuất khẩu của hai nước vào được thị trường của nhau.Trong năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều là 61.8 tỷ USD (xuất khẩu 46.8 tỷ USD, nhập khẩu 15 tỷ USD, xuất siêu 24.1 tỷ). Trong 6 tháng đầu 2018, xuất nhập khẩu đạt 30.1 tỷ USD trong đó xuất khẩu sang Việt Nam đạt 22.5 tỷ USD và nhập khẩu từ Việt Nam 8.6 tỷ USD.

Hoa Kỳ: Quan hệ Việt-Mỹ thời gian gần đây được đánh giá gần gũi hơn trước, đặc biệt trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Kim ngạch thương mại song phương hai nước trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 27.1 tỷ so với 51 tỷ USD toàn năm 2017.

  • Ngày 25/6/2018, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC đã có mặt tại trụ sở của Tập đoàn Boeing tại Seattle, Mỹ. Hai bên đã kết thúc đàm phán và chốt xong hợp đồng về việc FLC sẽ mua của Boeing 20 máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 Dreamliner. Trị giá hợp đồng khoảng 5.6 tỷ USD. Bamboo Airlines, tên thương hiệu là Bamboo Airways, là một hãng hàng không Việt Nam mới thành lập thuộc Tập đoàn FLC với vốn sơ khởi 30.5 triệu USD. Công ty có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, có trụ sở tại Sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Bamboo Airways sẽ bắt đầu có các chuyến bay cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Bamboo Airways sẽ phục vụ các tuyến bay nội địa kết nối với các địa phương có các khu nghỉ mát của FLC cũng như các tuyến bay nội địa.

Liên Âu: Trong 6 tháng đầu 2018, xuất nhập khẩu đạt 26.9 tỷ USD so với 50.4 tỷ USD toàn năm 2017, trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam đạt 6.4 tỷ USD.
  • nhập khẩu từ Việt Nam 20.5 tỷ USD.

ASEAN: Trong 6 tháng đầu 2018, xuất nhập khẩu đạt 27.5 tỷ USD so với 49.7 tỷ USD toàn năm 2017, trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam đạt 15.3 tỷ USD.
  • nhập khẩu từ Việt Nam 12.2 tỷ USD.

Nhật Bản: Trong 6 tháng đầu 2018, xuất nhập khẩu đạt 27.5 tỷ USD so với 49.7 tỷ USD toàn năm 2017, trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam đạt 15.3 tỷ USD.
  • nhập khẩu từ Việt Nam 12.2 tỷ USD.

Dự trữ ngoại hối: Dự trữ ngoại hối từ mức 54.5 tỷ USD vào cuối năm 2017 đã lên đến mức kỷ lục 63 tỷ USD vào đầu tháng 5/2018.

Tình trạng đầu tư:  Dù Trung Quốc gây chú ý với các dự án khắp Đông Nam Á, số liệu mới nhất cho thấy Nhật Bản vẫn dẫn đầu trong việc cấp vốn tại khu vực này. Theo BMI, từ những năm 2000, tổng đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhật Bản vào đây – cả dự án đã hoàn thiện và đang tiến hành – vào khoảng 230 tỷ USD. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc là 155 tỷ USD.

  • Số liệu của Bloomberg cho thấy Tundra Sustainable Frontier Fund, quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển đang quản lý số tài sản trị giá 400 triệu USD, đã thu được mức lợi suất 6.8% kể từ đầu năm đến nay, đánh bại 97% các quỹ tương tự. Trong danh mục của quỹ này có tới 60% là các cổ phiếu Ai Cập, Việt Nam và Pakistan. Quỹ đầu tư Thụy Điển dự báo TTCK Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2018, vượt trội so với nhiều thị trường mới nổi. Ngoài ra, quỹ đầu tư Creador vừa rót 40 triệu USD vào Thế giới Di động sẽ tiếp tục giải ngân thêm 100 triệu USD vào thị trường Việt Nam. Nhà sáng lập và hiện đang là CEO của Creador – Brahmal Vasudevan – cho biết công ty ông bị ấn tượng bởi tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững cùng với tinh thần doanh nhân của người Việt Nam. Creador – quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân chuyên tập trung vào các thị trường Đông và Đông Nam Á – đang đặt mục tiêu đầu tư tới 20% tổng số vốn vào thị trường Việt Nam trong 3 năm tới, dự định mở văn phòng đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 6/2018.
  • Chính phủ Nhật Bản và hơn 20 công ty cùng hợp tác với Việt Nam để xây dựng một đô thị thông minh ở Hà Nội từ nay đến năm 2023, với các xe buýt tự lái và một loạt các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Tập đoàn kinh doanh tổng hợp Sumitomo, hãng sản xuất máy móc Mitsubishi Heavy Industries và công ty vận hành tàu điện ngầm Tokyo Metro là ba trong số doanh nghiệp thm gia dự án. Theo các lãnh đạo của các công ty Nhật, ước tính giá trị dự án lên đến gần 4 nghìn tỷ Yên, tương đương 37.3 tỷ USD, và là dự án lớn nhất do Nhật Bản đứng đầu ở nước ngoài.  
  • Ngoài ra, khu đô thị sáng tạo khoảng 1 triệu dân dự kiến xây dựng trên địa bàn quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, TP.HCM là mô hình phát triển đô thị công nghệ cao và thông minh sẽ kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao.Thành phố mong muốn Ngân hàng Thế Giới (WB) sẽ đưa nội dung hỗ trợ dự án xây dựng đô thị sáng tạo vào trong Biên bản ghi nhớ giữa thành phố và WB về liên kết chiến lược giai đoạn 2017-2020.

Hình ảnh đồ họa thành phố thông minh Nhật Tân-Nội Bài sẽ được xây dựng ở Hà Nội

  • Theo Bloomberg, CTCP Vinhomes, đơn vị phát triển biệt thự và căn hộ dịch vụ cao cấp tại những thành phố lớn của Tập đoàn Vingroup (VIC), sẽ hoàn thiện danh sách các nhà đầu tư vào cuối tuần này. Theo đó, Vinhomes có thể thu về khoản tiền trị giá 2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với kỷ lục niêm yết vừa được một công ty thuộc Tập đoàn Vingroup: Vincom Retail JSC (chuyên về vận hành trung tâm thương mại) thực hiện hồi cuối 2017. Theo một thỏa thuận được tiết lộ, quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore sẽ đầu tư 1.3 tỷ USD dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Trong đó, theo Bloomberg, GIC chi khoảng 850 triệu USD để sở hữu 7.1% cổ phần Vinhomes. Với mức giá này, Vinhomes được định giá vào khoảng 12 tỷ USD. Cũng theo Bloomberg, Vinhomes thậm chí còn đang cân nhắc định giá công ty từ 13 đến 16 tỷ USD cho việc niêm yết tới.

Dự đoán tăng trưởng: Quý 1 thường là quí các doanh nghiệp đưa ra BCTC có kiểm toán, đề ra KHKD cho cả năm mới. Sẽ có phân hóa sâu sắc, nhưng phần đông sẽ mang màu sắc tích cực.

Dự đoán về xuất nhập cảng:

  • Tại cuộc họp báo do ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại Hà Nội sáng 11/4/2018, ADB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7.1% trong năm nay, là mức tăng trưởng cao nhất trong thập niên qua.
  • Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19.4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Bộ NN&PTNT cho biết giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10.3 tỷ USD, tăng 9.7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3.94 tỷ USD, tăng 10.5% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4.33 tỷ USD, tăng 12.7% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là gạo (ước đạt 3.57 triệu tấn và 1.81 tỷ USD, tăng 12.5% về khối lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ 2017), rau quả (ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017), hạt điều (ước đạt 175,900 tấn và kim ngạch đạt 1.71 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 16.4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017), thủy sản (ước đạt 3.94 tỷ USD, tăng 10.5% so với cùng kỳ năm 2017). Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là Indonesia (đối với gạo, cà phê, cao su); Trung Quốc (đối với rau quả, cao su,thủy sản) – Đức (đối với chè, thủy sản, hạt điều) – Malaysia (đối với gạo, chè) – Iraq, Hong Kong, Philippines (đối với gạo) – Saudi Arabia (đối với chè) – Mỹ (đối với hạt điều, rau quả, gạo) – Ấn Độ (đối với cao su, hạt tiêu).

Theo con số thống kê, các thị trường chính nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1.2 tỷ USD, chiếm 74.6% tỉ trọng và tăng 18.1% so với cùng kỳ 2017; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 50.9 triệu USD, tăng 14.6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu cũng lần lượt tăng 8%, 15.4% và 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Những tin đặc biệt:

  • Bản tin VinaNet ghi nhận rằng dự kiến năm 2018 ngành thép VN dự báo tăng trưởng 20 – 22%. Tại cuộc Hội thảo Tổng kết năm 2017 đối thoại công nghiệp thép Việt Nam và Thế giới 2017- dự báo 2018 chiều ngày 25/1 cho biết, sản xuất các mặt hàng thép trong năm 2017 đạt 22.027 triệu tấn, tăng 23.5% so với năm 2016. Bán hàng sản xuất thép các loại năm 2017 đạt 18,922 triệu tấn, tăng 20.7% so với 2016. Trong đó, tăng mạnh nhất là tôn mạ vàng, ống thép và thép xây dựng.
  • Bản tin CafeF/VnEconomy ghi nhận rằng ngành gỗ VN đặt mục tiêu xuất cảng 10 tỷ USD, tiêu thụ nội địa 4 tỷ USD. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập cảng lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, giá trị xuất cảng gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt mức 8 tỷ USD, thị trường trong nước đạt 1.47 tỷ USD, nâng tổng giá trị sản phẩm toàn ngành lên 9.47 tỷ USD.
  • Báo Đầu Tư ghi rằng trong năm 2017, ngành da giày Việt Nam đạt kim ngạch xuất cảng 14.6 tỷ USD, trong đó, Top 5 chủng loại giày dép đạt kim ngạch xuất cảng trên 1 tỷ USD có sản phẩm giày thể thao mũ da nguyên liệu đóng góp tới 5.7 tỷ USD. Hiện nay, một số đơn hàng gia công giày, dép, túi xách dự báo sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA, dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Kết thúc quý I/2018, xuất cảng giày dép vẫn giữ phong độ với kim ngạch 3.5 tỷ USD, tăng 10.9% so với cùng kỳ 2017.
  • Ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch VINAPA cho biết, năm 2017, Việt Nam có khoảng 200 DN XK cá tra đến 138 thị trường với kim ngạch đạt giá trị gần 1.8 tỷ USD, tăng trên 4% so với 2016. Thị trường XK cá tra đã có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng. Trong đó, Trung Quốc và Hongkong (chiếm 23%) đã vươn lên đứng đầu, kế đến là thị trường Mỹ giảm chỉ còn 19.3% và EU là 11.4%. Thị trường Brazil, Mexico, ASEAN, Ảrập Xêut có xu hướng tăng so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, theo ông Quốc, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế cao áp cho cá tra (POR13) và thực thi đầy đủ quy định của Farm Bill từ ngày 1/9/2017 đòi hỏi ngành cá tra Việt Nam phải xem lại mình và thay đổi để phát triển kịp theo nhu cầu đòi hỏi của thế giới. Nhưng theo ông, những rào cản đó vẫn không đủ sức ảnh hưởng đến cánh cửa khẩu khẩu cá tra vào Mỹ vì kinh nghiệm thị trường và chọn phân khúc xuất khẩu đã là “chiến lược” phủ sóng của các nhà cung ứng.

Những điều cần để ý:

  • Dù kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam được Bộ Công thương công bố bằng những con số “hoành tráng”, tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy trái cây nhập khẩu rồi xuất khẩu chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng sản lượng trái cây Việt xuất khẩu. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, hoa quả Thái Lan chiếm 15% trong 1.66 tỷ USD rau quả xuất khẩu từ Việt Nam.
  • Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu hạt điều nhân 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 176 nghìn tấn, với giá trị 1.41 tỷ USD, tăng 17% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên Việt Nam đang gặp trở ngại về nhập cảng nguyên liệu và nguồn vốn. Trước tình hình giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang trong xu hướng giảm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến điều nhân trong nước cần giảm công xuất chế biến, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập chung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.
  • Theo số liệu từ IndexQ, thị trường Việt Nam đứng đầu trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh thế giới trong quý II với gần 18%. Theo sau Việt Nam là thị trường Argentina với 16.32%, Thổ Nhĩ Kỹ gần 16% và Brazil với 14.76%. Trong ngày giao dịch cuối quý 2/2018 (30/6) khép lại với những diễn biến trái chiều của các chỉ số, chỉ còn 930 điểm ngày 25/7 so với mức đỉnh hơn 1,200 điểm xác lập ngày 9/4, đến nay VN-Index đã mất hơn 250 điểm, tương đương gần 21%. Trước đó, Việt Nam từng đứng đầu danh sách những thị trường có mức tăng tốt nhất thế giới trong 3 tháng đầu năm với 19.33%, cao hơn gần 4% so với thị trường đứng thứ hai là Ai Cập. Cộng hưởng với những biến động trên thế giới, từ căng thẳng địa chính trị tại Syria, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, cho tới lo ngại về sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, khiến đà giảm ngày một nối dài. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, các chuyên gia dự báo, VN-Index sẽ sớm quay lại vùng đỉnh cũ 1,200 điểm và vượt lên khu vực 1,380 điểm giai đoạn cuối năm 2018 nhưng những gì đang xảy ra là một dấu hỏi cho dự đoán trên.

VỊ THẾ VIỆT NAM

  • Theo báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”, được WB công bố ngày 5/4, thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tại vùng cao có thể giúp Việt Nam tiếp tục giảm nghèo, đã giảm khoảng 4% từ năm 2014 xuống còn 9.8% vào năm 2016. Các dân tộc thiểu số – đa số ở vùng cao – chiếm 72% người nghèo ở Việt Nam, và chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp có giá trị cao có thể nâng cao thu nhập cho các dân tộc này. Đồng thời, báo cáo cũng ghi nhận hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 – 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1.5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo.
  • Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp cho những thị trường trung tính và thấp. Tuy nhiên, từ năm 2017 và định hướng xuất khẩu gạo lâu dài, tỷ trọng gạo ngon, gạo thơm trong xuất khẩu sẽ là trọng yếu, tăng lên đến 81%. Hiện nay, Việt Nam đã giảm diện tích trồng loại lúa phẩm cấp thấp này mà đi theo định hướng, xuất khẩu gạo phẩm cấp cao. Đặc biệt, tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2018 ước đạt 3.56 triệu tấn, giá trị đạt 1.81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo trong đợt xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan (435 USD/tấn) và Ấn Độ (410 USD/tấn). Công ty Cổ Phần Thương Mại & Công Nghệ Tân Long-JSC, một thành viên Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, là đơn vị thắng thầu cung cấp gạo cho Chính phủ Hàn Quốc, trong đó có 2,800 tấn gạo trắng hạt dài. Như vậy tổng cộng trong năm nay, JSC sẽ cung cấp 110 ngàn tấn gạo cho Hàn Quốc, trong đó có 50 ngàn tấn đã giao hồi tháng năm, và 60 ngàn tấn giao vào tháng 9 tới đây. Có một số điểm đáng chú ý trong thương vụ này, theo tờ báo Philippines, đó là Tân Long là công ty Việt Nam duy nhất thắng thầu, đánh bại các đối thủ quốc tế là các công ty Trung Quốc, Thái Lan, Úc để cung cấp gạo cho một thị trường khó tính như Hàn Quốc. Được biết, Japonica là những giống lúa hạt tròn, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với các vụ xuân và khu vực miền núi phía Bắc được trồng ở Việt Nam hơn 10 năm nay.
  • Bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới mới cập nhật năm 2018 của tạp chí Forbes đã gọi tên bốn cá nhân người Việt, trong đó có một người lọt vào top 500. Theo danh sách đăng trên trang web của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Vingroup) đứng ở vị trí thứ 499 với tổng tài sản 4.3 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam lọt vào top 500 tỷ phú giàu nhất thế giới. Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đứng ở vị trí 766 với 3.1 tỷ USD. Hai khuôn mặt mới là ông Trần Bá Dương, chủ tịch Công ty cổ phần ôtô Trường Hải với tài sản 1.8 tỷ USD, và ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn sắt thép Hòa Phát, 1.3 tỷ USD.
  • Tundra Fonder là quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển, chuyên tập trung vào các thị trường cận biên (frontier markets), thị trường mới nổi (emerging markets) như Việt Nam, Nigeria, Pakistan, Sri Lanka – các quốc gia nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu và có cơ hội trở thành “Ấn Độ mới” hoặc “Trung Quốc mới”. Trong 2 tháng đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng của Tundra Vietnam Fund đạt 15.2% và là quỹ hoạt động hiệu quả nhất của Tundra, bỏ xa Tundra Pakistan (9.2%), Tundra Sustainable Frontier Fund (9.5%) và Tundra Frontier Africa Fund (10.9%).
  • Cùng với Trung Quốc, Việt Nam được xem là có nền giáo dục phát triển ấn tượng, có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho các nước khác. Theo báo cáo được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 15/3, có 7 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở Đông Á – Thái Bình Dương. Phát triển “thực sự ấn tượng” là hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam – hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục.
  • Công ty Quản lý Tài sản Goldman Sachs (GSAM), đơn vị đang quản lý tài sản trị giá lên đến 1,000 tỷ USD cho rằng cổ phiếu của các thị trường mới nổi là những khoản đầu tư tốt nhất thế giới sau khi định giá giảm vì đợt bán tháo hồi tháng 2. “Khi sản xuất trở nên đắt đỏ hơn ở Trung Quốc, chúng ta thấy một số cơ hội thực sự thú vị ở những nơi như Việt Nam”, bà Sheila Patel, CEO của GSAM International cho biết. Theo bà, 10 năm trước có lẽ không ai nghĩ rằng Việt Nam là một cơ hội đầu tư vì là nơi sản xuất cho người tiêu dùng Trung Quốc nhưng hiện nay Việt Nam là “một điểm đến đầu tư chính” khi đóng vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu.
  • Forbes vừa công bố danh sách thống kê thường niên 200 doanh nghiệp dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2017. Việt Nam có 9 doanh nghiệp xuất hiện trong danh sách này.
  • Báo Người Lao Động cho biết rằng chưa hết quý I/2018 nhưng đã có nhiều doanh nghiệp xuất cảng đồ gỗ ký hợp đồng bán hàng đến hết năm trị giá hàng chục triệu USD. Ngành gỗ Việt Nam được xem là đang lớn mạnh và có vị thế trên thế giới. Hiện đồ gỗ Việt Nam chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng hai châu Á và thứ năm trên thế giới. Trong năm qua, giá trị xuất cảng gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 8 tỷ USD, riêng sản phẩm gỗ đạt 7.66 tỷ USD, tăng 10.2%. Dự báo trong năm 2018 kim ngạch xuất cảng ngành gỗ sẽ đạt 9 tỷ USD
  • Theo Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2017 (Global Innovation Index 2017, gọi tắt là GII 2017), Việt Nam được xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay và có thể nói là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore, Malaysia và vượt trên Thái Lan.
  • Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy năm 2017, 266 triệu lao động nước ngoài đã gửi về các nước đang phát triển số tiền kỷ lục 466 tỷ USD, sau hai năm liên tiếp đi xuống. Còn lượng kiều hối toàn cầu, tính cả các nước thu nhập cao, là 613 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016. Năm nay, con số này được dự báo lên 485 tỷ USD. Các nước nhận kiều hối lớn nhất năm ngoái là Ấn Độ (69 tỷ USD), Trung Quốc (64 tỷ USD) và Philippines (31 tỷ USD). Việt Nam đứng chốt top 10, với 13.8 tỷ USD.
10     nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2017
  • Báo Công thương thuộc Bộ Công Thương Việt Nam hôm 18/4 cho biết Việt Nam được xếp hạng thứ hai 12 trên toàn cầu về  xuất khẩu mặt hàng điện tử và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, kể từ năm 2015. Theo báo này, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử và đồ điện gia dụng chiếm 28.9% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu thương mại của Việt Nam, đạt 61.8 tỷ USD, bằng 130% so với năm trước đó. Riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện điện thoại xuất khẩu mang về cho Việt Nam hơn 45 tỷ đồng, tăng lên 31.9% so với năm 2016. Trong đó có gần 185 triệu chiếc điện thoại di động được bán sang thị trường Nga, Đức, Áo, Indonesia và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra số liệu 95% từ việc xuất khẩu điện tử chạy vào túi của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn Việt Nam chỉ kiếm được một khoản tiền khiêm tốn từ lắp ráp và gia công. Tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam đạt 57%, với 215 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam.
  • Ba công ty đánh giá tín dụng lớn nhất trên thế giới hiện nay (xét về thị phần) là các công ty Standard & Poor’s (S&P), Moody’sFitch Group. Xếp hạng Nhà phát hành nợ (IDR) dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam vừa được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch nâng từ BB- lên BB với triển vọng ổn định. Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng được nâng từ BB- lên BB.
  • Tạp chí Forbes trong tháng 5 vừa đăng bài viết của tác giả Anna Frazzetto – một chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ số và giải pháp công nghệ – cho rằng, thành công của Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm đang khiến Ấn Độ lo lắng. Đặc biệt khi các “ông lớn” công nghệ như Intel, IBM, Samsung Display, Nokia, Microsoft … tiếp tục “đổ bộ” vào Việt Nam. Theo Forbes, Ấn Độ đứng đầu thế giới về hoạt động ủy thác dịch vụ kinh doanh (BPO) trong nhiều năm liền, nhưng nay vị trí này đang bị lung lay. Trong khi Ấn Độ đang loay hoay tìm cách thích ứng với nhu cầu thay đổi của thế giới, thì Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm gia công CNTT đầy tiềm năng, Forbes nhận định. Tạp chí uy tín này nhấn mạnh: Một đất nước dù nhỏ nhưng được biết đến như cường quốc gia công CNTT tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương chính là Việt Nam. Rất ít người nghĩ rằng Việt Nam có thể có được vị trí như Thung lũng Silicon (Silicon Valley) của Mỹ, thế nhưng Việt Nam có một tinh thần công nghệ và lực lượng lao động có trình độ không khỏi khiến người ta nghĩ về nhiều câu chuyện khởi đầu trong ngành công nghệ Mỹ trước đây.
  • Báo Giáo dục trích lời Đại sứ Kritenbrink phát biểu trong chuyến thăm khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày 5/6 cho biết: “Hiện có 31,000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ. Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực và đứng thứ 5 trên toàn thế giới về số du HS tại Hoa Kỳ”.

CÁC DỰ ÁN MỚI

  • Trong một tính toán mới nhất mà Bộ GTVT đưa ra gần đây, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển Kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2018-2023 toàn ngành ước tính khoảng 1,015,000 tỷ đồng, tương đương khoảng 48 tỷ USD.
  • Ngày 2/2 qua, Viện KH-CN Phương Nam đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6.3 tỷ đô la Canada (tương đương 5 tỷ USD). MOU này chính là cơ sở pháp lý để tiến hành các bước kế tiếp đầu tư tài chánh cho dự án. Theo đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ cập theo đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. Hướng tuyến mới rút ngắn còn 139 km từ ga đầu Tân Kiên (TP.HCM) đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là Cảng Cái Cui TP.Cần Thơ (ga Nam Cần Thơ). Tuyến đường sắt có 10 ga được quy hoạch thành 10 thành phố mới theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô dân số tương đương một phường, xã với đầy đủ cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị. Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Như vậy, từ TP.HCM đến Cần Thơ tàu chạy chỉ mất 45 phút.
  • Ngày 6/3, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore sẽ tham dự và là một trong những diễn giả chính tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018). Diễn đàn dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 tại Hà Nội và 16/3 ở TP.HCM. Đại diện của Amzazon sẽ chia sẻ các nghiên cứu, phân tích về thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng như chiến lược cụ thể của Amazon tại Việt Nam.
  • Ngày 05/03/2018, tập đoàn Vingroup chính thức công bố tham gia lĩnh vực Giáo dục Đại học với thương hiệu Đại học VinUni (VinUni) tại Gia Lâm-Hà Nội. Ngày 3/4, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa ĐH VinUni và ĐH Cornell, ĐH Pennsylavania diễn ra  tại Hà Nội. Cả hai trường đều thuộc nhóm 8 trường hàng đầu nước Mỹ (Ivy League). Đại diện đến từ ĐH Cornell và ĐH Pennsylvania thuộc nhóm 8 trường hàng đầu của Mỹ cho hay họ rất hào hứng khi tham gia xây dựng thương hiệu ĐH VinUni của Việt Nam từ con số không.
  • Ngày 23/6, Việt Nam khởi công nhà máy điện mặt trời Dầu tiếng 1 và Dầu tiếng 2 tại tỉnh Tây Ninh. Dự án Nhà máy điện mặt trời này được cho là lớn nhất Việt Nam và cả Châu Á. Mạng Chính Phủ Việt Nam loan tin nói rõ thỏa thuận triển khai dự án nhà máy điện mặt trời này do Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xuân Cầu của Việt Nam và đối tác Thái Lan- Công ty TNHH B. Grimn Power Public ký kết tại Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế lần thứ 8 diễn ra vào 15 và 16/6 tại Thái Lan với tổng mức đầu tư lên tới hơn 9,000 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) với công suất dự kiến lên tới 2,000 MW và được xây dựng trên đất bán ngập Hồ Dầu Tiếng và sẽ vận hành vào năm 2019.

KẾT LUẬN

ADB trong báo cáo mới đây đã khuyến nghị cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng của Việt Nam nhằm bảo đảm tăng trưởng được duy trì bền vững và công bằng. Ông Eric Sidgwick nhận xét Việt Nam trong một thập niên qua đã có thể huy động nguồn cung lớn nhân lực trẻ, được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo cần nhiều lao động. Tuy nhiên, khi nền kinh tế dần trở nên phức tạp hơn, khoảng cách giữa trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn, nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt kỹ năng này có thể trở thành rào cản lớn đối với những tham vọng phát triển của Việt Nam.

Một số tổ chức quốc tế vừa qua cũng đã cập nhật dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2018 như ADB là 7.1%, IMF là 6.6%. Trong báo cáo bán niên “Điểm lại” vừa công bố vào cuối tháng 11/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm nay lên 6.7% so với mức 6.3% đưa ra hồi tháng 7, nhờ sức tăng mạnh của cầu trong nước, các ngành chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu tăng trưởng tốt,  và ngành nông nghiệp phục hồi. Ngày 29/11, đài VOA có bài viết “Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc?”. Trong bài báo có tựa đề “(Nền kinh tế) Việt Nam không còn là con cá bé nữa”, tác giả Andy Mukherjee, cây bút bình luận về kinh tế – tài chính của Bloomberg, lưu ý rằng chỉ mới bốn năm trước, thị trường chứng khoán TP.HCM có khối lượng giao dịch trị giá 50 triệu USD một ngày trong khi thị trường chứng khoán ở Manila có quy mô gấp năm lần. Đến năm nay, Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Philippines. Hệ thống ngân hàng sạch hơn về nợ xấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia và chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố đang giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc.

THAM KHẢO

  1. Hải quan Việt Nam –

https://www.customs.gov.vn/Lists/…/Listing.aspx?Category..

  1. Bài viết “88 người trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ có tướng công an ‘bảo kê’ trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 11/4/2018.
  2. Bài viết “Khởi tố hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến” trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 11/4/2018.
  3. Bài viết “Khởi tố hàng loạt nguyên lãnh đạo Đà Nẵng và Bộ Công an do liên quan đến Vũ nhôm” trên mạng Vietnam 24h ngày 16/4/2018.
  4. Bài viết “Cuộc đua cơ sở hạ tầng Đông Nam Á: Nhật đang thắng Trung Quốc” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 12/2/2018.
  5. Bài viết “Việt, Nhật xây thành phố thông minh 37 tỉ đôla” trên đài VOA ngày 14/2/2018.
  6. Bài viết “Vượt qua gạo, dầu thô: Khát vọng 10 tỷ USD của trái cây Việt” trên đài Soha ngày 16/2/2018.
  7. Bài viết “Quỹ đầu tư Thụy Điển dự báo TTCK Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2018, vượt trội so với nhiều thị trường mới nổi” trên mạng Cafef.VN ngày 21/2/2018.
  8. Bài viết “Quỹ đầu tư vừa rót 40 triệu USD vào Thế giới Di động sẽ tiếp tục giải ngân thêm 100 triệu USD vào thị trường Việt Nam” trên mạng Cafef.VN ngày 21/2/2018.
  9. Bài viết “Tháng 3, chứng khoán Việt Nam sẽ phá đỉnh lịch sử sau 11 năm mòn mỏi chờ đợi?” trên mạng Cafef.VN ngày 1/3/2018.
  10. Bài viết “Francis Fukuyama: Việt Nam làm khác TQ” trên mạng BBC ngày 3/3/2018.
  11. Bài viết “Cuối năm nay triển khai dự án đường sắt cao tốc 5 tỉ USD” trên mạng Thanh Niên ngày 6/3/2018.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *