Kỹ sư chân đất làm máy nông nghiệp

622 (lượt xem) |

KỸ SƯ CHÂN ĐẤT

Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp. Các cơ quan hành chính được yêu cầu đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nông dân Nguyễn Thanh Liêm, 40 tuổi, ở ấp 3, xã Láng Biển (Tháp Mười, Đồng Tháp) sau hơn 5 năm cố gắng đã sản xuất hàng trăm máy nông nghiệp xuất khẩu và làm chuyên gia cho nhiều nước trên thế giới nhưng giai đoạn đầu lại gặp không ít khó khăn ở quê nhà.

Sinh năm 1975 ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, anh Phạm Thanh Liêm mê cơ khí từ nhỏ. Anh Liêm là con trai lớn trong gia đình nghèo có 6 anh em. Cuộc sống khó khăn nên anh học giữa lớp 6 thì nghỉ để làm thuê. Anh đi nhiều nơi kiếm sống, trải qua nhiều nghề hàn, tiện, làm đồng, sửa máy, sửa xe tải … Sau đó, anh quyết định về nhà mở cơ sở làm cửa sắt, đóng thùng suốt lúa phục vụ nông dân. Làm nông nghiệp từ nhỏ, nhận thấy việc làm nông nghiệp bằng thủ công rất cực khổ nên anh bắt tay vào nghiên cứu các loại máy phục vụ nông nghiệp. Lớn lên lập gia đình, anh gom chút vốn liếng mở xưởng sửa máy nông cụ. Những chiếc máy xới, máy cày … bị trục trặc vô tay anh là chạy tốt! Rồi anh tiến tới cải tiến máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc. Cái máy gốc nặng nề, xuống ruộng là lún, chạy vài bữa là hư, lúa suốt ra bị “sống”, rơm vô máy bị kẹt … Lại thêm đồ phụ tùng tốn kém nên ai cũng ngán. Anh Liêm cải tiến nó nhẹ hơn, máy chạy êm, lúa sạch trơn, rơm không kẹt, xuống ruộng hết lún. Bà con khoái quá đặt mua nườm nượp. Với trình độ lớp 6, anh không thể thiết kế trên bản vẽ được mà anh làm theo thực tế, tự cắt, tự gọt, tự mài dũa … Những sản phẩm đầu tiên bị hư hỏng, anh phải bỏ hàng tấn sắt vụn và ống nhựa. Tưởng chừng anh phải bỏ cuộc, bỏ nghề vì đã đầu tư gần 2 tỷ đồng (gần 100,000 USD) mà không thu lại được gì. Không nản lòng, sau hơn 3 năm miệt mài tìm tòi, sáng tạo, anh đã sản xuất thành công máy sạ hàng vào năm 2008 và tiếp tục cải tiến sản xuất được máy gặt đập liên hợp và nhiều loại máy công cụ khác phục vụ nông nghiệp.

Anh Liêm cho biết, từ chiếc máy xới tay, anh thay giàn xới bằng giàn ống nhựa sạ hàng dài 4 m, ống nhựa được khoét lổ đều nhau, sao cho lúa vừa lọt ra ngoài và ống nhựa lăn đều khi máy di chuyển sẽ rơi từng hạt lúa ra, chỉ cần một người điều khiển để sạ lúa theo hàng. Hiện nay, máy sạ hàng kiêm phun xịt thuốc trừ sâu của anh có đặc điểm hoạt động tốt trên mọi địa hình, sạ hàng có công suất 0.75 – 1ha/giờ, phun xịt thuốc trừ sâu 1 – 1.25 ha/giờ, tiết kiệm được lượng thóc sạ 10kg/1,300 m² (nếu sạ tay phải tốn 30kg/1,300 m², sạ máy 20kg/1,300 m²). Bình quân mỗi máy bán ra thị trường chỉ bán với giá 60 triệu đồng (2,600 USD).

Anh Liêm bên chiếc máy sạ lúa hàng tại Tháp Mười – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Năm 2008, anh Liêm sản xuất thành công máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu và bắt đầu cho máy hoạt động khắp nơi trong huyện Tháp Mười, được nông dân đánh giá chất lượng tốt. Đồng thời, anh còn cải tiến, sản xuất ra máy gặt đập liên hợp, máy cày… Đối với máy gặt đập liên hợp được anh cải tiến lại từ máy Trung Quốc với nhiều ưu điểm như máy nhẹ hơn, xuống ruộng không lún, cắt sát gốc lúa, ít hao hụt, bình quân thu hoạch 5 – 6 ha/ngày, mỗi chiếc máy gặt đập liên hợp bán với giá 380 triệu đồng (16.5 ngàn USD). Nếu cần so sánh thì một máy gặt đập liên hợp Kubota DC 70 của Nhật là 570,000 000 đồng (25,000 USD).

Máy gặt Kubota DC70 Plus giá bao nhiêu? - Kubota Đại Lợi

Máy gặt đập liên hợp Kubota DC 70

Năm 2012, anh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích sáng chế: Thiết bị gieo hạt thành hàng. Cùng năm, máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đầu năm 2015, anh tham dự “Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên” tại Thủ đô Hà Nội.

DOANH NGHIỆP CƠ KHÍ THANH LIÊM

Một ngày tháng 8/2015, trời nắng gắt, anh Phạm Thanh Liêm đi họp ở tỉnh về, ngồi trước hiên nhà ăn cơm nguội với cá kho. Vừa ăn anh vừa trò chuyện: “Tôi mới bán máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu sang Lào. Giờ đang tập trung làm để xuất sang Campuchia”.

“Năm 2014, có đoàn quan chức Campuchia sang tận cơ sở của anh Liêm để khảo sát thực tế và mời anh sang bên đó đầu tư. Nếu làm thị trường Campuchia ngon lành sẽ mở rộng sang thị trường Lào và Thái Lan bán máy nông nghiệp độc quyền nhưng tôi không có vốn nên chịu”, anh Liêm nhớ lại. Trong thời gian làm việc ở Campuchia, quan chức chính phủ mời ông đầu tư, thành lập chi nhánh làm máy nông nghiệp tại Campuchia. Đại diện chính quyền hứa cho mượn vốn trong vòng 15 năm. Đồng thời, quy hoạch 7 ha đất gần Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh để xây dựng xưởng lắp ráp. Ngoài ra, dành 2,000 ha đất nông nghiệp ở tỉnh Kampong Cham, mời ông hướng dẫn kỹ thuật cơ giới, lợi nhuận chia theo thỏa thuận. Nhưng ông không dám nhận. Đối tác lại đề nghị ký hợp đồng trị giá 1.4 triệu USD mỗi năm, để cung cấp máy nông nghiệp như sạ hàng, gặt đập liên hợp, máy cày, bơm… ông cũng không dám nhận. “Có đối tác đặt hàng là tín hiệu mừng, chứng tỏ sản phẩm của mình được thị trường chấp nhận, nhưng vì không có vốn đầu tư nên tôi không dám nhận”. Ông giải thích rõ thêm, khi ký hợp đồng thì đối tác chỉ chuyển 30% vốn, phần còn lại cơ sở của ông phải bỏ ra làm, trong khi ông không đủ vốn.

Ông cũng đã sang Lào. Theo ông, ở Lào cũng như Campuchia đất đai rộng lớn nhưng trình độ canh tác còn hạn chế. Theo ông Liêm, điều khác biệt khi sản xuất lúa ở Campuchia và Lào là chính quyền quan tâm sản xuất lúa sạch, khuyến khích không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa học mà chủ yếu áp dụng công nghệ sinh học, không ảnh hưởng môi trường. Vì thế, Campuchia muốn đưa cơ giới tiến bộ của Việt Nam sang để tăng năng suất, hạn chế chi phí đầu tư. Cũng lời ông Liêm kể, bên Lào có ông Long là một doanh nghiệp Việt đang đầu tư sản xuất một triệu hécta lúa trên 4 tỉnh. “Ông Long muốn thay máy móc nông nghiệp lạc hậu nên đã mua máy của tôi”, ông nói.

Trong thời gian ở Campuchia, ông Liêm được ông Rết (Việt kiều Canada, kinh doanh phân bón, máy nông nghiệp) đưa sang Thái Lan khảo sát và muốn hợp tác với ông để bán máy ở thị trường Thái Lan. Ông Liêm kể, đi từ cửa khẩu Campuchia đến Bangkok khoảng 70 km, trên đường đi ông thấy máy sạ hàng mang nhãn hiệu Thanh Liêm đậu ở bên hông nhà dân. Ông Liêm yêu cầu dừng xe lại rồi bước xuống xem, quả thật máy do ông sản xuất. Ông ngỡ ngàng vì không trực tiếp bán máy sang Thái Lan, chỉ mới bán sang Lào và Campuchia. Nhưng qua chuyến đi, ông càng biết máy nông nghiệp của ông đang được sử dụng rộng rãi.

Anh Liêm cho biết thêm, vừa qua có một Tập đoàn chuyên sản xuất máy nông nghiệp lớn ở Thái Lan có nhã ý mời anh ký hợp đồng vĩnh viễn làm chuyên gia sáng chế với mức lương bình quân từ 10 – 15 ngàn USD/tháng, ngoài ra nếu anh sáng chế thành công một loại máy nào phục vụ nông nghiệp được sử dụng hiệu quả sẽ được trả thêm từ 0.5 – 1 triệu USD. Mặc dù đã 3 lần đàm phán nhưng anh chưa đồng ý. Đồng thời, mời anh sang làm chuyên gia cơ khí với mức lương cao, nhưng anh từ chối. Được hỏi tại sao anh từ chối lời đề nghị hấp dẫn như thế, anh bình thản đáp: “Cả đời tôi làm thuê làm mướn rồi, nay mới có cơ hội làm chủ và có thể giúp đỡ được nhiều người có công ăn việc làm. Nếu bán đi thì tôi lại làm công cho người ta nên bao nhiêu tiền tôi cũng không muốn bán”.

QUA CHÂU PHI LÀM TƯ VẤN

Anh Liêm cho biết, anh có được thành công như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ rất lớn của GS Võ Tòng Xuân, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ. Anh kể: “Lúc tôi chế tạo thành công máy sạ hàng là gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì vốn liếng đổ vào đầu tư, chưa lấy lại được đồng nào, trong khi cứ 3 tháng đóng lãi ngân hàng gần 60 triệu đồng, chưa kể nợ bên ngoài. Tôi vác hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan nhà nước xin hỗ trợ vốn để nghiên cứu, suốt mấy năm trời không ai giúp”. Anh đang định bán gần 2 ha đất để trả nợ thì may mắn được GS.TS Võ Tòng Xuân đến mời anh tham gia dự án “Giúp nông dân châu Phi trồng lúa” với nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp. Anh gãi tai lắc đầu: “Em mới học xong lớp 6 mà biết gì thầy, chuyện đó để cho kỹ sư họ làm”. Ông Xuân nói: “Không có bằng cấp mà làm được công việc của kỹ sư thì còn hơn kỹ sư. Tôi cần người làm được việc chớ không cần người có bằng cấp”.

Đầu năm 2010, ông cùng GS.TS Xuân sang châu Phi để tư vấn cho đối tác Mozambique về máy nông nghiệp. Ông Liêm kể, bên đó, nông dân chỉ sử dụng máy nông nghiệp của Mỹ, Trung Quốc, Nga. Cụ thể, tại dự án ông Liêm làm việc, thấy một chiếc mày cày hiệu John Deere của Mỹ to cồng kềnh, công suất 266 mã lực, nặng hơn chục tấn. Sau khi khảo sát địa hình, ông Liêm nói với phía đối tác là chiếc máy không phù hợp với thổ nhưỡng. Một kỹ sư người Hà Lan đang làm việc cho dự án phản ứng, cho rằng máy cày rất tốt. Hai bên tranh luận không phân thắng bại. Ông Liêm phân tích, địa hình đất cát pha, có nhiều đồi núi và thung lũng, chiếc máy cồng kềnh không phù hợp. Kỹ sư Hà Lan bảo vệ quan điểm cho rằng, máy của Mỹ tốt và khỏe, phù hợp nhiều địa hình.

TTC trình diễn máy kéo John Deere - Báo Người lao động

Máy cày John Deere

Khoảng mười ngày sau, chiếc máy cày John Deere đang chạy trên đồng thì gặp trời mưa, bùn bám vào bánh không đi được, nằm ỳ một đống. Phía đối tác yêu cầu ông cải tiến chiếc máy cày John Deere, thay bánh xe cao su to tướng bằng bánh lồng của Việt Nam, nhưng ông Liêm từ chối. Ông Liêm mô tả cho ông Nuno Unige, Giám đốc Cty LAP/Ubuntu của Mozambique (đơn vị mời ông sang tư vấn), biết là chiếc máy không thích hợp ở cánh đồng, chỉ phù hợp chạy trên đường, nhưng nếu máy của Việt Nam sản xuất sẽ hoạt động được. Tức thì, ông Nuno Unige cùng 6 người bay sang Việt Nam, tới tận cơ sở của ông Liêm để tham quan và xem trình diễn ngoài đồng.

Vui, buồn cùng nhà sáng chế Hai Lúa Làm chuyên gia từ Á sang Phi

Phái đoàn Mozambique thăm Đồng Tháp

Tới nơi, thấy xưởng cơ khí lèo tèo 50 m² của anh Liêm chỉ có vài cái máy tiện, hàn … lỏ nhỏ, ông Nuno “xìu” xuống như bị dội gáo nước lạnh. Thời điểm đoàn của ông Nuno Unige sang là tháng 4/2013, lúa bên này đã sắp làm đòng nên anh Liêm phải mượn miếng đất trồng sen của hàng xóm, bùn lún tới lưng quần để chạy trình diễn. Tại ruộng, ông Nuno Unige tận mắt chứng kiến chiếc máy sạ hàng của anh Liêm lún gần hết bánh nhưng vẫn chạy bon bon và hạt lúa xuống đều. Máy gặt đập cũng chạy ngon lành, phía trước quơ cắt, hạt lúa ra phía sau; lúa sập, ngã cũng cắt được. Đứng trên bờ, ông Nuno Unige cười khoái chí, nể phục người Việt Nam, anh Liêm nhớ lại. Thay vì mua chiếc máy John Deere đắt tiền, ông Nuno Unige quyết định mua liền 5 máy sạ hàng, 5 máy gặt đập liên hợp của ông Liêm. Đồng thời, yêu cầu ông Liêm sang hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng lúa và chuyển giao công nghệ. Thay vì mua máy John Deere từ 5,000 đến 6,000 USD, ông quyết định mua liền năm máy sạ và năm máy gặt đập liên hợp gửi về Mozambique, đồng thời yêu cầu anh Liêm gửi “chuyên gia” giỏi qua giúp chuyển giao công nghệ, kể cả kỹ thuật trồng lúa. Thế là anh Liêm cử năm “nông dân sản xuất giỏi” qua huấn luyện cho nông dân và thợ của Mozambique. Anh kể: “Người dân châu Phi gọi tụi tui là “ông kỹ sư” không hà. Nhưng đó chỉ là những nông dân giỏi làm ruộng và rành nghề cơ khí, chớ chẳng có bằng cấp gì ráo”. Sau Mozambique, anh Liêm còn xuất 10 máy gặt đập liên hợp sang Sudan theo yêu cầu của ngành nông nghiệp nước này.

Người nông dân Việt Nam phát minh máy nông cụ trên đồng ruộng Châu Phi -  3CElectric

Máy gặt đập liên hợp Thanh Liêm bán cho Mozambique

Cơ sở anh bán sang Mozambique tổng cộng 15 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa như: máy gặt đập liên hợp, máy sạ hàng và máy kéo. Vừa qua, anh còn bán cho nước Nigeria máy bơm nước, máy sạ hàng, máy cày thu về gần 3 tỷ đồng. Kể từ tháng 3/2015, anh xuất sang Nigeria 2 máy cày, 2 máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu, 1 máy gặp đập liên hợp, 1 máy bơm nước trị giá 2.1 tỷ đồng. Anh Liêm xuất khẩu máy nông nghiệp từ năm 2010 (năm đó xuất sang Mozambique 15 máy gặt đập liên hợp, máy sạ hàng và máy kéo). Anh Liêm cho biết, trung bình mỗi năm bán trên 100 máy sạ hàng (60 triệu đồng/chiếc) ở trong và ngoài nước, chủ yếu xuất sang châu Phi, Lào, Campuchia.

Sau Mozambique, đại diện ngành nông nghiệp của Sudan (khi đó chưa tách nước) cũng đặt mua 10 máy gặt đập liên hợp. Đưa máy đi rồi, gửi người làm chuyên gia, anh Liêm còn phải tính chuyện đưa phụ tùng qua thay. “Chớ ở bển biết kiếm đâu ra phụ tùng. Mới tháng rồi phía Mozambique phải cử người bay cả ngàn cây số qua Việt Nam chỉ để mua … hai cái bạc đạn” – anh kể.

Sự nỗ lực, sáng tạo của anh Phạm Thanh Liêm trong việc cải tiến, nâng cấp chiếc máy thay thế sức người đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành nông sản, đồng thời còn góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp.

KẾT LUẬN

Câu chuyện của anh Pham Thanh Liêm đáng cho nhiều người chúng ta suy nghĩ. Bỏ học giữa lớp 6 thì nghỉ để làm thuê. Lớn lên lập gia đình, anh gom chút vốn liếng mở xưởng sửa máy nông cụ. Lúc anh chế tạo thành công máy sạ hàng là gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì vốn liếng đổ vào đầu tư, chưa lấy lại được đồng nào, trong khi cứ 3 tháng đóng lãi ngân hàng gần 60 triệu đồng, chưa kể nợ bên ngoài. Mang hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan nhà nước xin hỗ trợ vốn để nghiên cứu, suốt mấy năm trời không ai giúp. 

Nhìn vào sự vất vả và tâm sự của một nông dân chân đất như anh Phan Tham Liêm, chúng ta thấy được sự thờ ơ của chính quyền cũng như giới khoa bảng trong nỗ lực giúp đỡ về kỷ thuật và tài chánh cho giới nông dân để chế tạo những máy móc nông nghiệp rất rẻ phù hợp với đồng ruộng Việt Nam. Chỉ cần vài kỹ sư cơ khí để đưa những ý tưởng của anh Liêm vào thiết kế công nghệ cũng như giám định hiệu năng thì Việt Nam có thể chế tạo được những máy móc nông nghiệp kỹ thuật cao phù hợp với ruộng đồng Việt Nam với giá rẽ mà không một quốc gia nào khác có thể so sánh được. Trong mọi lãnh vực, thế giới đang ở trong thế tranh đua khốc liệt về ý tưởng, giá cả và tốc độ thì không có chổ đứng cho những kẻ chậm chân.

Hiện máy sạ hàng và máy gặt đập liên hợp của anh Liêm hoạt động rất hiệu quả, được nhiều người áp dụng, các loại máy này còn có mặt trên đồng ruộng một số nước Châu Phi. Anh Phạm Thanh Liêm tâm sự: “… Ý tưởng về sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp tôi đã có, tuy nhiên khó khăn hiện nay là thiếu vốn. Tôi mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn vay để tôi có điều kiện đổi mới công nghệ sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp…”. Dù rằng Việt Nam đạt được những tiến bộ rõ rệt trong 2 năm qua trên lãnh vực đại trà nhưng những câu chuyện nhỏ nhặt như lời tâm sự của anh Liêm cũng vẫn cho thấy nhiều khía cạnh tiêu cực trong xã hội Việt Nam.

THAM KHẢO

  1. Website “Cơ khí Thanh Liêm”.
  2. Bài viết “Đổ nợ vì máy gặt đập liên hợp Trung Quốc” đăng trên mạng Kiến thức Khoa học.org ngày 14/6/2013.
  3. Bài viết “”Ông kỹ sư” trên đồng ruộng châu Phi” đăng trên mạng Kiến thức Khoa học.org ngày 15/11/2013.
  4. Bài viết “Kỹ sư chân đất làm máy nông nghiệp xuất khẩu” đăng trên mạng Kiến thức Khoa học.org ngày 27/9/2015.
  5. Bài viết “Vui, buồn cùng nhà sáng chế Hai Lúa” đăng trên mạng Tiền Phong ngày 7/10/2015.
  6. Bài viết “Tự tạo cơ hội: Nông dân chế tạo máy xuất khẩu” đăng trên mạng Kiến thức Khoa học.org ngày 27/9/2015.
  7. Bài viết “Họp mặt nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2015” đăng trên mạng Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang ngày 20/5/2015.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *