Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản

513 (lượt xem) |

Trong thời gian gần đây, Nhật Bản tối tân hóa lực lượng hải quân khá nhanh. Khác với Hoa Kỳ mà lực lượng hải quân mang tính toàn cầu thì Nhật Bản phát triển hải quân vừa toàn cầu vừa mang tính khu vực. Sự phát triển gần đây của lớp tàu ngầm lớp Soryu (lượng choán nước 4,200 tấn) và khinh hạm lớp Magami 30 FFM (3,900 tấn) là các thí dụ điển hình.

CÁC CHIẾN HẠM TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI HẢI QUÂN HOA KỲ

Hiện nay, Nhật Bản có những tàu đổ bộ chở trực thăng, các khu trục hạm Aegis và các tàu ngầm lớp Soryu có thể phối hợp với Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Thật sự, nếu không có những giới hạn thì Nhật Bản có đủ khả năng đóng các tàu sân bay lớn hơn:

  • Tàu hộ tống đa chức năng (DDH): Thực sự, đây là các tàu đổ bộ có thể chở trực thăng, hiện đang được cải biến để trang bị F-35B. Hiện Nhật có 4 tàu đổ bộ cỡ 20,000 – 27,000 tấn mang số 181, 182, 183, 184.

Tàu đổ bộ 184

  • Hiện Nhật Bản có 10 tàu khu trục tên lửa, đầy tải 10,000 tấn đánh số từ 171 đến 180, tương đương với lớp Arleigh Burke của Hoa Kỳ. Riêng 4 tàu cuối cùng lớp Maya và Atago được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis (AWS) cải tiến.

Khu trục hạm lớp 10,000 tấn lớp Atago, Kongo (JS 177 và 174), lớp 4,000 tấn Matsuyuki (JS 173), lớp 6,000 tấn Takanami (JS 111)

  • Nhật Bản có 8 tàu ngầm lớp Soryu (đang đóng thêm 4 chiếc), lượng choán nước 2,900 tấn (nổi) – 4,200 tấn (lặn) dùng động cơ AIP, có thể phối hợp tuần tiểu với Hải quân Hoa Kỳ.

Tàu ngầm lớp Soryu

CÁC CHIẾM HẠM CÓ THỂ TRANG BỊ CHO CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

Song song với các lớp chiến hạm tương đương với Hoa Kỳ, Nhật Bản đang có kế hoạch thay các khu trục hạm hạng trung chế tạo vào thập niên 80 bằng các khinh hạm tàng hình Mogami lớp 30FFM:

Tàu khu trục hạng trung lớp Asagiri: Asagiri là lớp tàu khu trục thông thường đang được biên chế trong Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Chúng là phiên bản cải tiến của tàu khu trục lớp Hatayuki, và sau được nâng cấp thành tàu khu trục lớp Murasame. Tất cả các tàu khu trục lớp Asagiri đều có cấu trúc thượng tầng hoàn toàn bằng thép. Thân tàu được mở rộng và các cảm biến cập nhật được trang bị trên tàu. Tám tàu được chế tạo và đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 1991. Con tàu đầu tiên Asagiri (DD151) được chế tạo tại xưởng đóng tàu IHI, Tokyo năm 1985 và chính thức đi vào hoạt động 3/1988.

  • Loại: Tàu khu trục đa năng
  • Choán nước: 3,500 tấn (Tiêu chuẩn) – 5,200 tấn (Đầy tải)
  • Dài: 137.0 m
  • Rộng: 14.6 m
  • Mớn nước: 4.5 m
  • Động cơ:  KHI-RR SM1A
  • Tốc độ: 30 gút
  • Tầm hoạt động: 6,000 hải lý
  • Thủy thủ đoàn: 220
  • Vũ trang:
    • Pháo OTO Melara
    • Tên lửa hành trình Harpoon, Sea Sparrow
    • Hệ thống phòng không tầm cực gần Phalanx
  • Máy bay:  SH-60J/K

Tàu khu trục lớp Asagiri

CÁC LOẠI TÀU VIỆT NAM CÓ THỂ MUA TỪ NHẬT

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo thăm Việt Nam ngày 11 tháng 9, 2021. Mục đích chuyến thăm là để thảo luận về ‘tình hình khu vực, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông”, truyền thông Nhật Bản cho hay. Hai vị lãnh đạo quốc phòng đã ký một thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng đã được hai nước bàn tới trước đây. Hai Bộ trưởng nói sẽ đẩy nhanh việc tham vấn cho việc chuyển giao các thiết bị cụ thể bao gồm cả tàu thuyền, phi cơ.

Thông thường, các nước nhỏ như Việt Nam có khuynh hướng mua các tàu củ, dưới 5,000 tấn với giá rẻ. Tuy nhiên gần đây, tờ Business Times của Singapore đưa tin, Nhật Bản có kế hoạch xuất khẩu 4 khinh hạm sang Indonesia, và 4 chiếc khác sẽ được đóng tại Indonesia theo hợp đồng 300 tỷ yên (2.73 tỷ USD). Theo báo trên, thỏa thuận mua bán này được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tháng 8, 2021.

Khinh hạm lớp Mogami 30 FFM: Nhật Bản sẽ biên chế thêm khinh hạm tàng hình Mogami lớp 30FFM, sau khi chiến hạm được hạ thủy thành công ở Nagasaki và chuẩn bị thử nghiệm trên biển. Theo Naval News, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản sẽ nhận thêm khinh hạm tàng hình Mogami lớp 30FFM mới. Dự kiến ​​tàu khu trục cỡ trung này sẽ được chuyển giao cho hải quân nước này vào năm 2022. Hôm 4/3/2021, con tàu chính thức được hạ thủy ở Nagasaki và chuẩn bị thử nghiệm trên biển. Khinh hạm Mogami là tàu dẫn đầu của lớp 30FFM được đóng tại nhà máy đóng tàu Mitsubishi Heavy Industries.

Theo kế hoạch, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản sẽ nhận ít nhất 22 khinh hạm thuộc dự án 30FFM trong giai đoạn 2022-2032. Sau khi biên chế sẽ dần thay thế tàu khu trục lớp Asagiri và tàu hộ vệ lớp Abukuma.

  • Tên: Khinh hạm Mogami lớp 30 FFM
  • Trọng tải: 3,900 tấn.
  • Giá cả: 480 triệu USD
  • Chiều dài: 130 m
  • Chiều rộng: 16 m
  • Động cơ: Hệ thống động lực CODAG (kết hợp turbine khí – diesel) với 2 động cơ diesel MAN 12V28/33D STC của Đức và một turbine khí Rolls-Royce MT30.
  • Tốc độ: 30 gút.
  • Các vũ khí trang bị:
    • Pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm.  
    • Cụm bệ phóng thẳng đứng Mark 41, với 16 ống mang tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa.
    • 8 tên lửa diệt hạm.
    • Hệ thống phòng thủ cực gần SeaRAM.
    • Ngư lôi Type 12.
  • Trực thăng:
    • Trực thăng SH-60L.

Khinh hạm lớp Mogami 30 FFM

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Abukuma: Tàu hộ vệ tên lửa lớp Abukuma, lượng choán nước 2,500 tấn với 6 tàu đang hoạt động tạo nên xương sống lực lượng tàu hộ vệ tên lửa của JMSDF. Ban đầu JMSDF lên kế hoạch đóng 11 tàu lớp Abukuma nhưng cuối cùng chỉ có 6 chiếc hoàn thành. Chiếc đầu tiên của lớp, DE-229 JS Abukuma hạ thủy ngày 17 tháng 3 năm 1988, vào biên chế ngày 12 tháng 12 năm 1989 trong khi chiếc cuối cùng DE-234 hạ thủy ngày 8 tháng 2 năm 1991 và chính thức biên chế ngày 8 tháng 2 năm 1993. Các tàu lớp Abukuma có lượng giãn nước tiêu chuẩn 2,000 tấn, đầy tải 2,500 tấn; dài 109 m; rộng 13 m, mớn nước 3.7 m. Tàu có đội ngũ thủy thủ đoàn khoảng 120 người. Tàu có nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm. Abukuma cũng có thể được triển khai tác chiến chống tàu mặt nước của đối phương ở khu vực ven bờ. 

Tàu hộ vệ lớp Abukuma của Nhật

Tàu Gepard 3.9 nâng cấp của Việt Nam với Hangar cho trực thăng

Tàu tên lửa lớp Hayabusa: Hải quân Nhật Bản hiện có trong biên chế tất cả 6 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Hayabusa, chúng chủ yếu đảm nhiệm vai trò tuần tra bảo vệ vùng lãnh hải cũng như các đảo nhỏ ven bờ. Lớp chiến hạm trên của Nhật Bản được đánh giá khá cao nhờ thiết kế hiện đại, thẩm mỹ tốt và dàn vũ khí sánh ngang nhiều tàu chiến cỡ lớn hơn. Điều ngạc nhiên là về kích thước, Hayabusa chỉ có lượng giãn nước đầy tải 240 tấn; chiều dài 50.1 m; chiều rộng 8.4 m; mớn nước 1.7 m. Thông số trên của Molniya 1241.8 của Việt Nam là (51.6 x 10.5 x 2.5) m; lượng giãn nước đầy tải 560 tấn. Như vậy là Molniya vượt trội trên thông số này. Về hệ thống động lực, tàu chiến của Nhật Bản sử dụng 3 động cơ turbine khí General Electric LM500-G07 cùng 3 động cơ phản lực nước cho phép tàu chạy với tốc độ tối đa 46 hải lý/h. Trong khi đó Molniya 1241.8 được trang bị 2 COGAG (kết hợp turbine khí – turbine khí) công suất 11,000 mã lực, cùng 2 động cơ đường trường 4,000 mã lực (có hai mẫu là diesel và turbine cho động cơ đường trường), 2 trục chân vịt, tốc độ tối đa 38 hải lý/h. Xét trên khía cạnh này thì Hayabusa áp đảo Molniya không chỉ bởi vận tốc mà còn về hệ thống đẩy phản lực nước tiên tiến, cho phép hoạt động ở vùng nước nông cực tốt.

Về hệ thống điện tử, Molniya 1241.8 của Việt Nam được trang bị đầy đủ radar cảnh giới đường không Pozitiv-ME, radar trinh sát bề mặt Garpun-Bal, radar kiểm soát hỏa lực pháo MR-123 Vympel rất đồng bộ. Trong khi đó chiếc Hayabusa chỉ có radar quét bề mặt OPS-18-3, radar điều khiển hỏa lực pháo FCS-2-31C cùng với hệ thống quang điện tử OAX-2 đơn sơ hơn rất nhiều, khiến nó gần như chỉ là một bệ phóng di động, phải nhờ tổ hợp liên kết thông tin chiến thuật OYQ-8B để triển khai vũ khí nhờ chỉ điểm của một phương tiện khác.

Vũ khí của Molniya bao gồm 16 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E tầm bắn 130 km, mang theo đầu đạn trọng lượng 145 kg; 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M; 1 pháo hạm AK-176M và có thể đi kèm 8 tên lửa vác vai SA-16. Do kích thước nhỏ mà tàu Hayabusa chỉ tích hợp 4 tên lửa chống hạm SSM-1B có tầm bắn 150 km với đầu đạn nặng 225 kg, tốc độ lớn nhất 1.150 km/h, mạnh hơn Uran-E khá nhiều. Pháo hạm của Hayabusa là khẩu Oto Breda cỡ 76.2 mm tương tự Molniya nhưng có tháp pháo tàng hình và độ tự động hóa rất cao. Tàu chiến Nhật Bản không có pháo phòng không mà chỉ gồm 2 súng máy hạng nặng 12.7 mm.

Tổng hợp lại tất cả các chỉ số thì rõ ràng Molniya 1241.8 của Việt Nam mạnh hơn tàu tên lửa cỡ nhỏ tốt nhất của Nhật Bản, điều này cũng dễ hiểu vì Molniya lớn hơn gấp đôi. Đáng tiếc rằng Nhật Bản chưa đóng tàu chiến cỡ 500 tấn để có thể đưa ra một bài so sánh “đồng cân đồng lạng” hơn.

Tàu tên lửa lớp Hayabusa của Nhật

Tàu tên lửa lớp Molniya của Việt Nam

Phi cơ chống ngầm P3C: Tờ Nikkei dẫn nguồn tin quân sự Nhật Bản cho biết, Việt Nam đã chính thức đề nghị quốc gia này cung cấp các máy bay săn ngầm P-3C đã qua sử dụng. Theo nguồn tin này, Việt Nam đang tìm cách để tăng cường khả năng phòng thủ, đặc biệt sau khi Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề đáng lưu ý các trang thiết bị vũ khí của Mỹ như máy bay săn ngầm P-3C lại có giá thành quá đắt và không bao gồm vũ khí. Chính vì vậy, Việt Nam đang tìm cách mua các máy bay P-3C đã qua sử dụng rẻ hơn từ JMSDF. Ngoài ra, Reuters nhận định định, trong trường hợp vẫn mua máy bay P-3C từ Mỹ thì ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có thể vũ trang cho những máy bay này. Hàn Quốc cũng là một quốc gia sở hữu khá nhiều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion với tổng cộng 16 chiếc ở 2 phiên bản P-3C và P-3CK (phiên bản P-3C của riêng Hàn Quốc).

P3C của Nhật

KẾT LUẬN

Trong vòng cung chạy dài từ Đông Á xuống Đông Nam Á thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam là 4 quốc gia đóng vai trò then chốt. Với kỹ thuật chế tạo chiến hạm cũng như tàu ngầm theo lối Module hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể chuyển giao kỹ thuật cho các nước Đông Nam Á để hạ giá thành cũng như tăng tốc độ đóng tàu. Điều này cũng phù hợp với chiến lược toàn cầu, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Đối với Hải quân Việt Nam, vấn đề đóng mới các tàu trọng tải 4,000 tấn mới chỉ tập trung vào các tàu cảnh sát biển cũng như các tàu yễm trợ. Từ năm 2017 cho đến nay, không thấy tin tức về các loại khinh hạm mới. Hải quân Indonesia đã đặt hàng mua 4 chiếc loại Khinh hạm Mogami lớp 30 FFM của Nhật. Hoa Kỳ không có sản xuất các chiến hạm, tàu ngầm hạng trung hoạt động trong khu vực thì phải ủy nhiệm cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên Âu để trám vào chổ trống này. Nếu vấn đề liên hệ với Nga bị trở ngại thì các tàu chiến của Đức, Nhật, Hàn Quốc dù giá cả hơi mắc hơn nhưng Việt Nam có vài giải pháp để giải quyết. Vấn đề nòng cốt là tốc độ đóng tàu. Trung Quốc hiện nay có thể hoàn tất 1 khu trục hạm trong vòng 2 tháng thì Hoa Kỳ, Liên Âu, Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phải có những nổ lực tương tự để giử thế quân bình.

THAM KHẢO

  1. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản – Wikipedia tiếng Việt
  2. Bài viết “Cân đo sức mạnh tàu tên lửa Hayabusa Nhật Bản và Molniya 1241.8 Việt Nam” đăng trên mạng Doanh Nghiệp Việt Nam ngày 27/7/2019.
  3. Bài viết “Sức mạnh chiến hạm Nhật vừa hạ thủy đã có khách hàng hỏi mua” đăng trên mạng Cánh Cò ngày 6/3/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *