Trái cây Việt Nam và bài toán cung cầu

223 (lượt xem) |
  • Phiên bản 1 (2/1/2022).
  • Phiên bản 2 (2/22/2022): Thêm nhãn tím tại Sóc Trăng.

*****

TỔNG QUÁT

Nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây dự báo tăng 8.2% mỗi năm từ 2019 đến 2025 và đạt tới 585 tỷ USD vào 2025. Theo số liệu thống kê từ trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu rau quả của thế giới quý 1/2021 đạt 70 tỷ USD, tăng 5% so với quý 1/2020. Đặc biệt, với Hiệp định tự do thương mại Việt Nam (EVFTA), rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Đó là những minh chứng rõ nét cho thấy cơ hội đang rộng mở để đưa trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới.

Diện tích cây ăn quả của Việt Nam khoảng 1.14 triệu ha, tổng sản lượng trái cây khoảng 12.6 triệu tấn/năm. Diện tích trồng trái cây trong cả nước cụ thể cho từng loại như sau: Chuối 147,799 ha, xoài 111,582 ha, bưởi 98,050 ha, cam 96,530 ha, nhãn 80,208 ha, sầu riêng 71,282 ha, thanh long 65,243 ha, mít 58,510 ha, vải 52,321 ha, dứa 45,997 ha, chanh 40,043 ha, bơ 24,920 ha, mãng cầu 24,143 ha, chôm chôm 22,925 ha, quýt 20,554 ha, ổi 19,406 ha, mận 15,679 ha, chanh leo 8,693 ha, măng cụt 7,582 ha, vú sữa 5,578 ha … Mục tiêu đến năm 2030 theo Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030 ban hành theo Quyết định số 417/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới; giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 đến 10 tỷ USD.

Trái cây Việt Nam đang được xuất khẩu đến 60 quốc gia, chỉ chiếm gần 1% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới. Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc thì Thái Lan chiếm 70%, tiếp theo là Việt Nam (12%), Hong Kong (10%) và các nước khác (8%). Mặc dù trị giá xuất khẩu liên tục giảm trong 3 tháng cuối năm, nhưng trị giá xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng khả quan, đạt 1.5 tỷ USD, tăng 6.5%, chiếm 55.4% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.  Tính đến nay, Việt Nam chỉ mới được cấp 1,735 mã số vùng cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đối với các thị trường “khó tính” khác, Việt Nam được cấp 998 mã số vùng trồng, trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Hoa Kỳ (471), tiếp đó là Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU.

Việt Nam mang đặc điểm của miền khí hậu nhiệt đới, thổ nhưỡng tốt, nguồn nước dồi dào thích hợp cho việc trồng cây ăn quả. Việt Nam nổi tiếng với rất nhiều loại trái cây thơm ngon trong đó có rất nhiều loại trái cây mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Trái cây Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân trên mọi miền đất nước mà còn là mặt hàng mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Tính đến 2020, Cục Bảo vệ thực vật cho biết tới nay, Việt Nam đã có 6 loại trái cây được Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài) đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm. Theo báo chí trong nước, các loại trái cây sau có giá trị kinh tế cao: Nhãn lồng, vải thiều, xoài cát, bưởi da xanh, vú sữa, chôm chôm, măng cụt, dứa, thanh long, dừa, sầu riêng.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái cây tươi sang Hoa Kỳ cũng gặp các khó khăn như: Sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang ở Hoa Kỳ hay tại Mexico và các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, cũng như sản phẩm của các nước châu Á khác (Thái Lan, Malaysia, Campuchia) và sản phẩm thay thế được trồng ngay tại Hoa Kỳ. Ngay Trung Quốc cũng đã bắt đầu trồng các trái cây nhiệt đới ở các tỉnh biên giới. Do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao nên giá thành trái cây của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh. Quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất kỹ càng và cẩn thận.

So với Thái Lan, nhiều loại trái cây từ Thái Lan trùng với hàng của nông dân trong nước như: măng cụt, chôm chôm, thơm (dứa)… vẫn được nhập khẩu với số lượng lớn, cạnh tranh trực tiếp với nông sản trong nước. Thống kê cho thấy năm 2019, Việt Nam đã chi 1.75 tỷ USD để nhập rau quả. Trong đó, Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất với kim ngạch 464.2 triệu USD. Những loại trái cây nhập khẩu từ Thái Lan phổ biến gồm: măng cụt, chôm chôm, bòn bon, mây, me, sầu riêng … Thơm mini Thái Lan là loại trái cây mới được nhập về Việt Nam và nhanh chóng lấy lòng người tiêu dùng thích ăn vặt. Loại quả này đang được bán nhiều tại các vỉa hè TP HCM với giá đắt gấp 2 – 3 lần thơm trong nước nhờ vị ngọt thanh, ăn không rát lưỡi.

Những trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam | baotintuc.vn

Trái cây nổi tiếng của Việt Nam

Hiện nay Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chuối, xoài, thanh long và vải sang Nhật Bản. Nhu cầu của thị trường Nhật Bản cho các loại quả tươi này là rất lớn, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Do đó đây là thị trường nhiều tiềm năng đối với ngành rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản là quốc có yêu cầu cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo các quy định của Nhật Bản, các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm rau quả được yêu cầu rất cao, đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng và dư lượng hóa chất nông nghiệp. Nếu bị phát hiện có các dư lượng vượt quá mức cho phép, sau đó các sản phẩm này sẽ bị giám sát rất chặt chẽ. Các mặt hàng khi đến thị trường Nhật Bản không thể thiếu bởi người Nhật đưa ra 5 yếu tố (5S) gần như đã thành quy chuẩn gồm: sạch sẽ, sàng lọc, cắt bỏ những thứ không cần thiết, môi trường trong sạch và để đồ đạc ngăn nắp.

THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Trong 9 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 2.75 tỷ USD, tăng 10.4% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất, chiếm 80% thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều rắc rối nhất cho Việt Nam.

Những điều đặc biệt với thị trường Trung Quốc: Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của thanh long Việt Nam. Thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hai con đường:

  • Nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch: Thanh long nhập khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc không có nhiều yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm hay nhãn mác bao bì. Chỉ cần đầu mối bên Trung Quốc đồng ý là có thể mua bán ngay tại cửa khẩu. Ngoài ra, thương lái Trung Quốc còn sang tận nơi xem hàng và thu mua trực tiếp.
  • Nhập khẩu theo đường chính ngạch: Sau khi gia nhập WTO, tiêu chuẩn rau quả nhập khẩu vào Trung Quốc tương đối khắt khe, bắt buộc phải kiểm dịch, tuân thủ quy định về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhãn mác, luật dán nhãn thực phẩm. Thanh long xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải áp dụng các tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quy trình đăng ký tiêu chuẩn này không phức tạp, tương tự như quy trình lấy chứng nhận tiêu chuẩn Viet GAP.
  • Một điều quan trọng cần để ý là tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc thấp hơn Hoa Kỳ, EU và Nhật cho nên các mã số dành cho Trung Quốc không thể dùng cho Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.

CÁC LOẠI TRÁI CÂY CHỦ LỰC

Chuối: Báo Khmer Times ngày 30/12 đưa tin Hoang Anh Gia Lai Agrico (thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) chính thức khánh thành nhà máy đóng gói chuối ở Campuchia và bắt đầu xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao tại thị trường này. Từng là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai tự tái cơ cấu năm 2010 và tập trung đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam, Campuchia và Lào. HAGL Agrico hiện có 18,000 ha đất nông nghiệp (trị giá khoảng 400 triệu USD) trồng nhiều loại hoa quả, trong đó có chuối, tại huyện Koun Mom thuộc tỉnh Rattanakiri ở phía Đông Bắc Campuchia, khu vực giáp giới với Việt Nam và Lào. Lô sản phẩm của HAGL Agrico được chuyển về một cảng của Việt Nam và sau đó sẽ được đưa sang các thị trường ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Đại Liên và Thượng Hải sau một tuần. Tổng Giám đốc HAGL Agrico tại Campuchia Nguyễn Quan Anh cho biết đơn vị này hiện đang trồng 7,000 ha chuối, trong đó có 3,000 ha đã cho thu hoạch.

Mặt hàng chuối bán sang Trung Quốc sẽ được xuất khẩu qua các chi nhánh của HAGL Agrico gồm Hoang Anh Andong Meas, Hoang Anh Lumphat, Daun Penh Agrico và Công ty cao su Bình Phước Kratie 2. Tổng cộng, các công ty này sở hữu 10 cơ sở đóng gói có thể sản xuất được 25.000 tấn chuối tươi/năm. Ông Nguyễn Quan Anh phân tích: “Nhu cầu hoa quả vùng nhiệt đới tại Trung Quốc rất cao, trong đó có thanh long, bưởi, xoài, mít và chuối. Khoảng 18 triệu tấn chuối đã được nhập vào thị trường này mỗi năm. Điều đó có nghĩa là dù năng lực sản xuất hoa quả của chúng tôi cao tới đâu, thị trường này cũng có thể tiêu thụ được. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 500,000 tấn vào năm 2020”. HAGL Agrico hiện tạo ra khoảng 10,000 việc làm và lực lượng lao động này sẽ đạt con số 15,000 người vào năm tới. Tổng Giám đốc Nguyễn Quan Anh cho biết HAGL Agrico đã tạo ra một hệ sinh thái chức năng chăm sóc, trồng và tưới cây theo công nghệ nông nghiệp từ Israel.

Trang trại " CHUỐI " Hoàng Anh Gia Lai lớn nhất Đông Nam Á Read More: | Trang  trại

Trang trại chuối của Hoàng Anh Gia Lai

Thanh long: Thanh long một loài cây được trồng chủ yếu để lấy quả và cũng là tên của một vài chi của họ xương rồng. Thanh long là loài thực vật bản địa tại Mexico, các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, các loài cây này cũng được trồng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia (đặc biệt là ở miền tây đảo Java); miền nam Trung Quốc, Đài Loan và một số khu vực khác.

Loại ruột trắng vỏ hồng hay đỏ được trồng rộng rãi ở các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang v.v. Loại ruột đỏ vỏ đỏ được nghiên cứu và lai tạo bởi Viện Cây Ăn Quả Miền Nam SOFRI (ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hiện nay đã được trồng rộng rãi và phổ biến khắp các tỉnh tập trung ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Quảng Ngãi … Bên cạnh đó hiện nay giống thanh long ruột tím hồng cũng được nghiên cứu và lai tạo bởi Viện Cây Ăn Quả Miền Nam cũng đã được đưa vào trồng đại trà.

Việt Nam hiện nay là nước có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất Châu Á và cũng là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, hiện nay có 60/63 tỉnh, thành trồng thanh long, với diện tích và sản lượng tăng rất nhanh. Nếu năm 1995 cả nước có hơn 2,200 ha trồng thanh long, sản lượng gần 23,000 tấn thì đến năm 2018 tăng lên gần 54,000 ha trồng thanh long (trong đó diện tích đang cho thu hoạch hơn 45,000 ha), sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 24 lần về diện tích và tăng hơn 46 lần về sản lượng. Thanh long hiện được trồng ở 30 tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29,000 ha), Long An (11,000 ha).

Có những chất gì trong một trái thanh long? Lợi ích bất ngờ và cách ăn thanh  long ngon, bổ-Sức khỏe

Thanh long ruột trắng và ruột đỏ

Giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng tăng liên tục, từ hơn 57 triệu USD năm 2010, tăng lên hơn 483 triệu USD vào năm 2015 và đạt khoảng 1.1 tỷ USD năm 2018. Thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất là Trung Quốc chiếm trên 80%, kế đến là Singapore, Indonesia. Gần đây, Việt Nam đã mở cửa thêm thị trường khó tính đầy tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Australia. Tuy nhiên, xuất khẩu thanh long sang các thị trường như ASEAN, Hồng Kông vấp phải cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước như Đài Loan, Thái Lan và Malaysia.

Giá cả: khoảng 5 USD/pound (10-11 USD/kg). 

Cạnh tranh với thanh long Trung Quốc: Tháng 12/2021, Cơ quan Kiểm soát phòng chống dịch TP. Bằng Tường (Lạng Sơn – Trung Quốc) vừa có thông báo sẽ tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam trong 4 tuần do bị phát hiện có virus Covid-19. Thật sự, nhiều mô hình trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành. Sản lượng thu hoạch cũng ngày càng lớn. Chính quyền địa phương này còn đặt tham vọng sẽ phát triển trồng nội địa, giảm lượng thanh long nhập khẩu vào Trung Quốc trong những năm tới.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cũng cho biết, hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35,555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam. Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10,666 ha, kế đó là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến … Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới. Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 – 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Quảng Tây cũng là một trong số các địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam, bên cạnh các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam. Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt hơn việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam vào thị trường này, các yêu cầu về chất lượng cũng ngày càng nâng cao hơn.

Ưu điểm của thanh long Việt Nam:

  • Một lợi thế rõ rệt của Việt Nam là cây thanh long có thể kết trái quanh năm.
  • Ngoài những lợi thế về tự nhiên, Việt Nam còn có những lợi thế về công nghiệp: ngành sản xuất thanh long của Việt Nam có quy trình xử lý toàn diện và chi tiết trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch. Việt Nam cũng đầu tư rất nhiều công sức vào việc quản lý nguồn gốc của trái thanh long.
  • Ngày 7/10/2021, sau hơn 03 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Vải thiều Bắc Giang & Lục Ngạn: Lục Ngạn là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang nổi tiếng cả nước với đặc sản vải thiều mà không vùng đất nào có được. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác. Quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác.

  • Cùi bên trong quả vải thiều là một nguồn chứa vitamin C tuyệt vời (vitamin C trong quả vải chống oxy hóa hơn chanh và cam), một ly nước vải chứa tới 136 mg (226% lượng khẩu phần ăn hàng ngày). Cung cấp polyphenol tuyệt vời cũng như các chất dinh dưỡng khác (sắt, kali, đồng, mangan) là những thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất và lưu thông máu. Trong quả vải thiều có chứa chất flavonoid và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ khỏi các loại ung thư khác nhau cũng như các bệnh thoái hóa. Vải thiều cung cấp một nguồn chất xơ tuyệt vời và Vitamin B là chất tăng cường sự trao đổi chất.
  • Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành năm 2021, tỉnh Bắc Giang vẫn tiêu thụ hết 215,000 tấn vải thiều (tăng 50,000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89,300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa) và thu về 6,821 tỷ đồng (297 triệu USD).
Vải thiều Lục Ngạn - Đặc sản vải thiều Bắc Giang

Vải thiều Bắc Giang & Lục Ngạn

Xoài: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xoài là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau chuối. Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích trồng trong cả nước khoảng hơn 87,000 ha; năm 2020, tổng sản lượng xoài của Việt Nam đạt 893,2 ngàn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xoài được trồng nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước, năm 2020 đạt 567.732 tấn. 

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt 180.8 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019, nguyên nhân do đại dịch Covid-19 làm ách tắc dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu. Trung Quốc nhập khẩu 67,200 tấn xoài từ Việt Nam, chiếm 79.9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; kim ngạch 48.64 triệu USD, chiếm 63.8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, giá nhập bình quân 724 USD/tấn (16,684 đồng/kg) theo đường chính ngạch. Tuy nhiên xoài Việt Nam cũng chỉ chiếm 21.6% thị phần tại Trung Quốc nên dư địa còn rất lớn. 

Xoài là loại trái cây nhiệt đới đứng thứ hai trên thế giới, trong số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sản xuất xoài, Trung Quốc là nước sản xuất xoài lớn thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 8.75% tổng sản lượng của thế giới. Diện tích canh tác xoài ở Trung Quốc phân bố chủ yếu ở Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Tứ Xuyên và Quý Châu, ngoài ra còn được trồng rải rác ở các tỉnh khác. Năm 2020, diện tích xoài của Trung Quốc đạt 349,000 ha, với tổng sản lượng 3,306 triệu tấn và giá trị sản lượng 20.52 tỷ nhân dân tệ. Trong đó, sản lượng xoài ở Hải Nam và Quảng Tây chiếm hơn 50% sản lượng xoài cả nước. 

Tìm hiểu xuất khẩu xoài sang Trung Quốc

Các nước cung cấp xoài lớn nhất cho Trung Quốc

Bưởi: Đầu năm 2022, cơ quan chức năng của Mỹ vừa thông báo rằng 60 ngày nữa trái bưởi Việt Nam sẽ chính thức được vào thị trường Mỹ. Tiếp theo Mỹ sẽ xem xét, đánh giá để mở cửa cho dừa của Việt Nam vào thị trường này.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước có 105,400 ha trồng bưởi, cho sản lượng gần 950,000 tấn. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng có gần 13,000 ha với sản lượng trên 170,000 tấn, trung du miền núi phía Bắc có hơn 30,000 ha với sản lượng 220,000 tấn. Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32,000 ha với sản lượng khoảng 340,000 tấn …

Năm 2019, xuất khẩu bưởi của VN đạt gần 4.8 triệu USD và 9 tháng năm 2020 đạt 10.9 triệu USD, tăng 246.2% so cùng kỳ 2019. Bưởi Việt Nam xuất khẩu hiện có thị trường chính là các nước ASEAN, Canada, EU, Nga và một số nước châu Á. 

Vị trí số 1 trong danh sách Top 6 loại bưởi Việt Nam chắc chắn phải kể đến cái tên bưởi Da xanh nổi tiếng gần xa bởi đây chính là một trong những loại bưởi đứng đầu về sản lượng tiêu thụ trong nước ở thời gian gần đây. Vùng cù lao Bến Tre được xem là cái nôi của bưởi Da xanh và hiện nay nó đã được canh tác mở rộng ở nhiều địa phương khác trong khu vực ĐBSCL cũng như các tỉnh miền Nam khác có thổ nhưỡng phù hợp. Ngoài bưởi da xanh thì bưởi Năm roi cũng được xếp vào Top 6 loại bưởi Việt Nam ngon nhất. Nguồn gốc của loại bưởi này được cho là từ thị xã Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long. Bưởi Năm roi khi chín thường có hình quả lê, vỏ mỏng, nặng khoảng 1.2-1.4 kg. Bên trong ruột màu trắng, múi bưởi nhiều nước và róc cùi. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu, thơm thoang thoảng rất dễ chịu. 

Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa xài tem điện tử - Trái cây Dũng mập

Bưởi Năm Roi Việt Nam

Chôm chôm: Chôm chôm được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam với diện tích hơn 50,000 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 300,000 tấn. 

Hiện tại, chôm chôm Việt Nam xuất khẩu đã đạt hơn 20,000 tấn sang các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Canada và một số nước tại khu vực EU, Đông Âu, Trung Đông, ASEAN. Sau 7 năm đàm phán, hôm 3/10/2018, lô chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường New Zealand.

Tiêu chuẩn xuất khẩu chôm chôm sang thị trường các nước hiện nay

Chôm chôm xuất khẩu

CÁC LOẠI TRÁI CÂY ĐẶC SẢN

Ngoài các loại trái cây chính, Việt Nam còn có các loại trái cây đặc sản mà nếu nghiên cứu kỹ có thể xuất cảng sang các thị trường khó tính:

  • Nhãn lồng Hưng Yên: Nhãn lồng Hưng Yên là món đặc sản ngon nức tiếng và là sản vật tiến vua của người dân Hưng Yên bởi loại nhãn nơi đây sai trĩu quả, khi chín hương thơm lan tỏa khắp đất trời. Ở chùa Hiến, tỉnh Hưng Yên có cây nhãn cổ thụ, dân trong vùng gọi là cây nhãn tổ, được xem là tiêu biểu của địa phương, cây nhãn này đã được dựng bia ghi danh. Dân gian tương truyền xưa kia có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín, ngài bèn ăn thử thì thấy hương thơm, vị ngọt ngấm vào từng thớ thịt đến độ mê mẩn tâm hồn. Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem tiến vua, tin đồn nhãn lồng Hưng Yên từ đó bay xa khắp kinh thành. Những năm sau, cứ vào đầu thu, người dân lại đem nhãn tiến vua, từ đó nhãn lồng còn được gọi tên khác là nhãn tiến vua. Nhà bác học Lê Quý Đôn ăn nhãn tiến vua đã mô tả “mỗi lần bỏ vào miệng thì ngập tận chân răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
Nhãn lồng Hưng Yên từng bước lên sàn thương mại điện tử trong mùa dịch

Nhãn lồng Hưng Yên

Nhãn ra hoa vào đúng mùa xuân, những ngày có cả mưa phùn và lạnh. Nếu vào dịp có nắng ấm, hương thơm sẽ tỏa nhẹ thơm mát làm ngây ngất lòng người; giá trị và hương vị ngọt ngào hiếm có của những cây nhãn nơi đây đã trở thành quà tặng mà thiên nhiên ưu ái dành riêng cho mảnh đất này. Mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn chín rộ. Đến Hưng Yên vào mùa này, đi trên đường ai cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, nặng trĩu. Hưng Yên như một vương quốc nhãn lồng với hàng ngàn cây trĩu quả, những cây nhãn chín rộ nhuộm vàng một góc trời, dòng người tấp nập đổ về mua nhãn đông đúc, chật kín. Từng trái nhãn, vị nhãn đều đậm đà một hương vị khó quên, không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai. Mùi hương cũng rất đặc trưng, đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, tinh khiết và dịu mát.

Trên thị trường đang có nhiều nhãn lồng xuất xứ từ Trung Quốc, có nhiều điểm giống nhãn Hưng Yên. Nếu tinh ý, bạn có thể phân biệt hai loại nhãn này dễ dàng.

Đến nay, diện tích nhãn lồng của Hưng Yên đạt khoảng 4,800 ha, trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1,300 ha. Năm 2021, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50,000 – 55,000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 – 20%. Năm 2021, khoảng 500 kg nhãn lồng Hưng Yên lần đầu tiên được xuất chính ngạch và bày bán tại Singapore hôm 3/8 với giá 220,000 đồng một kg (gần 10 USD/kg). Giá bán trong nước khoảng 3 USD/kg.

Giá bán trong nước khoảng 3 USD/kg.

Nhãn tím tại Sóc Trăng: Được biết, người tạo ra giống nhãn tím “có một không hai” này là nông dân Trần Văn Huy (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Ông Huy đã phát hiện và nhân giống thành công giống nhãn đặc biệt này từ năm 2004. Nhãn tím mỗi năm ra trái 2 vụ, vào tháng 6 và dịp Tết Nguyên đán. Chùm quả rất sai, trung bình mỗi chùm nhãn nặng trên dưới 1 kg, chùm to có thể đạt trên 2 kg. Quả to, khoảng 13 -16g/quả. Khi chín cho cùi dày, giòn, dễ bóc, sắc nước, hạt nhỏ, vỏ mỏng, mã quả đẹp. Khác với những giống nhãn thường, loại nhãn này từ thân, lá cho đến hoa và quả đều có màu tím; đặc biệt với mùi vị và hương thơm rất hấp dẫn, loại nhãn này đã thu hút được sự tò mò của rất nhiều người xung quanh. Tuy nhiên, dù được trồng nhiều nhưng số lượng cây ra trái còn thấp nên sản phẩm nhãn tím hiện khá khan hàng. Theo các thương lái, loại nhãn tím ở Sóc Trăng, Cần Thơ đang có giá cao gấp 5 lần so với nhãn thường. Vào vụ thu hoạch, nhãn tím được bán lẻ trên thị trường với giá khoảng 250,000 đồng/kg nhưng vẫn không có hàng để bán.

Loại quả cực đẳng cấp ở Việt Nam: Cả thế giới không có, khách Trung Quốc rất thèm - Ảnh 4.

Nhãn tím tại Sóc Trăng

Vú sửa: Vùng đất Vĩnh Kim – Định Tường nổi tiếng với rất nhiều trái ngon quả ngọt như sầu riêng, măng cụt, ổi, xoài, nhãn… Tuy nhiên, nổi tiếng nhất không thể không kể đến loại quả được mệnh danh là “nữ hoàng” của xứ sở trái cây Vĩnh Kim, tạo nên “thương hiệu riêng” gắn liền với vùng đất Vĩnh Kim, đó chính là vú sữa Lò Rèn. Đặc điểm vú sữa Lò Rèn rất đặc biệt. Quả vú sữa rất to và tròn. Những quả to nhất có thể to hơn cả chén ăn cơm. Vỏ trái vú sữa có màu xanh lục nhạt, rất bóng. Khi chín vỏ chuyển sang màu hơi tím tía hoặc nâu tía ánh lục. Khi bổ quả thường chảy ra ít nước màu trắng đục như sữa. Thịt bên trong rất thơm, hơi mềm dịu và có vị ngọt lịm thanh mát. Không chỉ “vanh danh” trong nước, vú sữa Lò Rèn còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Vị ngon ngọt của vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã “chinh phục” biết bao trái tim từ con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Giữa trưa nóng oi bức, được thưởng thức vài quả vú sữa chín cây ngọn đến tận đáy lòng thì không gì tuyệt vời bằng.

Từ những năm 1940, vú sữa Lò Rèn được trồng nhiều nơi ở Vĩnh Kim và các địa phương lân cận. Đến năm 1975, cây vú sữa Lò Rèn được nông dân trồng tập trung tại các xã Vĩnh Kim, Long Hưng, Song Thuận, Kim Sơn thuộc huyện Châu Thành, diện tích khoảng 160 ha. Từ những năm 1990, Nhà nước bắt đầu có chủ trương phát triển cây trồng này. Bắt đầu từ năm 1999, việc trồng vú sữa bắt đầu lan rộng. Năm 2001, Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang và Hội Làm vườn huyện Châu Thành đã cùng với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tiến hành và thực hiện đề tài “chọn lọc, phục tráng, nâng cao chất lượng vườn cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”.

Đến tháng 4 năm 2008 thì HTX được cấp chứng chỉ Global GAP bởi tổ chức SGS New Zealand limited và cấp code nhà đóng gói cho thị trường Mỹ bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Vú sữa Lò Rèn của HTX phải thỏa mãn tiêu chí khắt khe của Global GAP với quy trình vô cùng chặt chẽ và nghiêm ngặt, từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Theo tiêu chuẩn Global GAP, nhà vườn trồng vú sữa phải thay đổi toàn bộ từ nhận thức đến cách trồng: áp dụng kỹ thuật trồng cây an toàn, tạo trái đẹp, kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ quy trình bón phân, bao trái, ghi nhật ký,.. Tháng 6 năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00044 cho sản phẩm Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Đến năm 2009, Tiền Giang đã có 3,000 ha vú sữa trồng tại 17 xã thuộc 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy, trong đó 1/3 diện tích là loại vú sữa Lò Rèn, năng suất trung bình 10 – 15 tấn/ha. Theo kế hoạch của tỉnh, đến năm 2015, diện tích trồng vú sữa sẽ mở rộng đến 5,000 ha, trong đó có 500 hộ nông dân với 250 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn Viet GAP.

Canh tác cây vú sữa ở Tiền Giang đã xảy ra nhiều đợt thoái trào, diện tích trồng hay sụt giảm, như giai đoạn năm 2012 – 2013. Cho đến năm 2018, do bị dịch bệnh và do điều kiện đất đai không còn phù hợp nên diện tích vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim từ gần 300 ha đã giảm xuống chỉ còn 30 ha. Toàn tỉnh Tiền Giang có đến hơn 3.000 ha vú sữa nhưng cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 500 ha. Đến cuối năm 2019, diện tích vú sữa ở Vĩnh Kim chỉ còn 20 ha. Cây vú sữa bị đốn hạ và được nông dân thay thế bằng những cây trồng khác như sầu riêng, dừa, bưởi, sapoche,…

Vú Sữa Lò Rèn Vĩnh Kim - Mira Good Food

Vú sửa (Star Apple) Lò Rèn Vĩnh Kim

Măng cụt Chợ Lách: Măng cụt là một đặc sản trái cây nổi tiếng của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Trước đây, người ta trồng măng cụt bằng cách gieo hạt (thời gian cây ra trái rất lâu), nhưng sau này có người nông dân ở Chợ Lách đã trồng măng cụt bằng cách ghép cành có hiệu quả nên bà con học theo cách trồng này. Trồng bằng phương pháp ghép, cây sẽ ra trái sớm và trái thì to, vỏ bóng, có màu đẹp, phủ một lợp phấn mỏng có màu trắng nhạt, đặc biệt vỏ không bị xù xì do được chọn giống tốt từ cây bố mẹ.

Trái măng cụt Chợ Lách có nhiều múi nhưng rất ít hạt. Trung bình một trái có một hạt lớn, còn lại là hạt lép, nhỏ, tróc cơm, có mùi thơm đặc trưng và vị ngọt thấm, đậm đà. Là một trong những loại trái cây đặc sản tại huyện Chợ Lách đem đến giá trị kinh tế lớn cho người nông dân hiện nay Chợ Lách hiện có trên 1,000 ha đất trồng cây măng cụt (chiếm 1/10 diện tích đất trồng cây ăn trái tại tỉnh Bến Tre). Là một loại cây trồng được ngành nông nghiệp Bến Tre khuyến khích nên măng cụt Chợ Lách trong tương lai sẽ phát triển thêm nhiều vùng thâm canh mới.

Măng cụt Chợ Lách có quả to, nhiều múi nhưng rất ít hạt, có mùi vị rất đặc trưng ngọt thắm, đậm đà, rất hiếm, thị trường măng cụt trong nước cũng rất hút hàng vậy nên giá măng cụt thường rất cao, chênh lệch từ 70 – 80 nghìn đồng 1kg (3 – 3.5 USD/kg).

Măng Cụt - Chợ Nông Sản Khánh Hoà

Măng cụt Chợ Lách

Hồng xiêm (Sapoche) Mặc Bắc: Hồng xiêm Mặc Bắc là đặc sản trái cây ven sông Tiền miền Tây vỏ mỏng, màu nâu nhạt, thơm, khi chín rất ngọt và mọng nước. Loại quả sa pô chê này được nhiều người chọn lựa để tráng miệng và giải khát. Trái cây có rất nhiều dinh dưỡng, vitamin giúp cơ thể bạn khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh tật.

Một trong những loại trái cây khá độc đáo và năm trong top 10 trái cây ngon và được yêu thích nhất phải kể tới hồng xiêm Mặc Bắc. Hồng xiêm Mặc Bắc hay Sa pô chê Mặc Bắc là loại trái cây rất phổ biến ở xứ nhiệt đới. Đặc biệt, không chỉ là đặc sản trái cây mà còn là một thương hiệu nổi tiếng ở Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Với ưu điểm vỏ mỏng, màu nâu nhạt, thơm, khi chín rất ngọt và mọng nước. Loại quả sa pô chê được nhiều người dùng chọn lựa để tráng miệng và giải khát. Bên cạnh đó, trong quả sa pô chê chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như chất xơ, canxi, chất béo, đạm, calo, beta carotene, niacin, pantothenic acid, pyridoxine, phốt pho, potassium… Tuy nhiên, không loại trái cây nào được ưa chuộng thì người dùng có thể biết hết công dụng, lợi ích của nó. Bởi sa pô chê nghe có vẻ quen thuộc nhưng cũng ít ai biết đến giá trị dinh dưỡng của nó.

Sapoche có nhiều giống, phổ biến nhất là giống Mặc Bắc cho năng suất cao, trồng bằng nhánh chiết, chỉ sau 2 năm tuổi đã bắt đầu cho trái bói và 4 năm trở đi năng suất ổn định, bình quân đạt 20 tấn/ ha, cá biệt có thể đạt 30 tấn/ ha/ năm trở lên. Giống Sapoche Mặc Bắc còn có ưu điểm là cho trái rải vụ gần như quanh năm nên tránh được tình trạng trúng mùa, dội chợ khi trái cây Nam bộ vào chính vụ thu hoạch.

Huyện Châu Thành có tổng diện tích vườn trồng cây ăn trái gần 12,000 ha, trong đó có 1,600 ha cây Sapoche, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Diện tích Sapoche trồng tập trung tại các xã nằm ven sông Tiền, phía nam huyện Châu Thành như Bàn Long, Kim Sơn, Phú Phong, Song Thuận … trong đó riêng xã Kim Sơn chiếm nhiều nhất với trên 600 ha.

Năng suất sapoche bình quân đạt 20 tấn/ha/năm, giá bán buôn bình quân tại vườn là từ 14,000 – 15,000đ/kg (.61 – .65 USD/kg), những năm gần đây, đợt cao điểm có lúc lên đến 20,000đ/kg. Với mức giá này, nông dân thu lợi nhuận khoảng 120 – 150 triệu đồng/ha (5,200 – 6,500 USD/ha).

Công dụng không ngờ của hồng xiêm

Sapoche Châu Thành (Tiền Giang)

Dừa sáp Trà Vinh: Dừa sáp, còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, makapuno (Philippines) là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa. Là đặc sản duy nhất chỉ có ở Trà Vinh, Việt Nam, dừa được trồng nhiều ở giồng Cây Xanh, cách thị trấn Cầu Kè (Trà Vinh) khoảng 4 km.

Dừa sáp có mặt ở Giồng Cây Xanh, Trà Vinh khoảng những năm 1960. Có tài liệu khác cho rằng loại cây cho quả dừa sáp đã xuất hiện ở huyện Cầu Kè vào năm 1942 do một nhà sư người Khmer sang thăm Campuchia mang về làm giống. Do đột biến gene hoặc do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết mới ở vùng đất Cầu Kè đã khiến dừa cho trái sáp đặc biệt, trở thành một đặc sản chỉ riêng Trà Vinh mới có. Trên cây dừa sáp, chỉ những trái không có sáp mới có khả năng tạo phôi, tạo mộng, mầm, tạo ra cây dừa sáp giống; những trái có sáp không thể để giống. Do thụ phấn chéo, thế hệ cây con khó xác định về tính trạng và chất lượng trái. Việc nhân giống dừa sáp bằng phương pháp cấy mô sẽ cho thế hệ dừa sáp đồng nhất tính trạng và chất lượng đang được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh và Trung tâm dừa Đồng Gò (Viện nghiên cứu cây có dầu) thực hiện, và hiện đã có những thành công bước đầu.

Cuối năm 2008 Tiến sĩ Yukata Hirata và Takeshi Nakishima của Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã đến Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, Trà Vinh khảo sát với một sự quan tâm đặc biệt hương vị sáp dừa, độ dày cơm dừa, trọng lượng và kích thước của trái dừa sáp Cầu Kè. Và giữa năm 2009, Tiến sĩ Võ Mai Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam đã về hợp tác xã này triển khai thực hiện mô hình trồng dừa sáp đúng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho trái an toàn (Viet GAP) theo Quyết định số 84 ngày 28 tháng 7 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tên gọi cũng thể hiện rõ đặc điểm của loại dừa này với phần cơm dừa dày, đặc ruột, dẻo và hương vị béo mềm hơn so với dừa thường. Dừa sáp xuất hiện vào những năm 1960, giống dừa này là đặc sản duy nhất ở Trà Vinh, miền Tây Việt Nam, nơi nổi tiếng về nhiều loại dừa thơm ngon, hấp dẫn. Dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên xuất khẩu bằng máy bay sang Australia, được bán với giá 30 – 35 AUD/quả (khoảng 600,000 đồng). Ngày 29/10, Bộ Công Thương cho biết, 2,000 quả dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên đã được xuất khẩu bằng máy bay sang Australia và được phân phối hết sau thời gian ngắn. Tổng giá trị lô hàng này lên đến 70,000 đô la Australia (hơn 1 tỷ đồng).

Từ mức giá ngang dừa thường, trong khoảng từ năm 2000 trở lại đây giá dừa sáp bỗng tăng cao và trở thành loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam (chủ yếu do sản lượng cung cấp thấp). Trà Vinh, tỉnh duy nhất trồng dừa sáp chỉ có thể cung cấp khoảng 10 ngàn trái/năm, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách mua dùng thử. Mỗi buồng dừa sáp thường chỉ cho vài trái sáp, những trái còn lại là dừa thường và giá trị thương mại chỉ ngang với những trái dừa khác. Tuy vậy không phải buồng dừa nào cũng cho trái sáp và thực tế cũng không hiếm trường hợp có buồng vài chục trái mà không có trái sáp nào.

Dừa sáp thường được bán tại các cửa hàng đặc sản ở khu vực miền Tây nói chung và Trà Vinh nói riêng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua dừa sáp tại các siêu thị hoặc các trang thương mại điện tử. Giá bán của dừa sáp dao động khoảng từ 150,000 – 250,000 đồng/trái (6.5 – 11 USD/trái).

Cách bổ dừa sáp

600,000 đồng (26 USD) một quả dừa sáp Trà Vinh tại Australia – Ảnh: Nông sản Việt

KẾT LUẬN

Như đã nói ở trên, Việt Nam có tham vọng đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới; giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 đến 10 tỷ USD. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có thổ nhưỡng đặc thù trên thế giới. Hàng năm, phù sa từ thượng dòng sông Cửu Long đưa xuống giúp cho khu vực này luôn luôn màu mở. Tuy nhiên, Thái Lan đang dẫn đầu về xuất cảng trái cây. Trong 8 tháng đầu tiên 2021, Thái Lan đã đạt doanh thu lên tới 169 tỷ baht (khoảng 5 tỷ USD), tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trái cây từ Việt Nam sang Thái Lan có khuynh hướng tăng lên từ 2017 đến 2020. Có 2 lý do để giải thích: Một là Việt Nam có những loại trái cây ngon hơn Thái Lan. Hai là Thái Lan mua trái cây giá rẻ từ Việt Nam để dùng trong nước và xuất cảng các loại mắc hơn sang Trung Quốc. Điều này cũng giống như Việt Nam mua gạo giá rẻ từ Ấn Độ để dùng trong nước và xuất khẩu các loại gạo trong nước với phẩm chất cao hơn.

Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam đã xuất siêu trái cây sang Thái Lan. Đồ họa: Lê Bền

Xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam – Thái Lan

Giải pháp dài hạn cho trái cây Việt Nam:

  • Giảm bớt buôn bán tiểu ngạch qua biên giới với Trung Quốc. Vấn đề này đòi hỏi nhiều thời gian nhưng với nền kinh tế ngày càng phát triển, Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc với Trung Quốc trong mọi lãnh vực.
  • Tăng cường buôn bán chính ngạch trong mọi lãnh vực kinh tế. Việt Nam đã có những tập đoàn tỷ đô la đầu tiên.
  • Kế hoạch hóa việc sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục tăng cường phẩm chất của trái cây Việt Nam. Yêu cầu Trung Quốc mở rộng danh sách trái cây xuất khẩu trái cây qua Trung Quốc.
  • Một số loại trái cây có thể cần vận chuyển bằng đường hàng không. Việt Nam có thể giảm chi phí bằng các tận dụng các đường hàng không giá rẻ, vừa chở hành khách vừa hàng hóa. Xuất khẩu bằng đường biển bổ túc cho các cửa khẩu biên giới.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Top 18 loại trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Namđăng trên mạng Top List ngày 1/2/2021.
  2. Bài viết “Top 14 Đặc sản trái cây có giá trị kinh tế cao của Việt Nam” đăng trên mạng Top List ngày 19/7/2021.
  3. Bài viết “Trái cây Việt nguy cơ ‘lép vế’ khi sang Trung Quốc” đăng trên mạng VNE ngày 9/6/2021.
  4. Bài viết “Trung Quốc trồng thanh long nhiều ngang ngửa Việt Nam, điều này có lo ngại gì?” đăng trên mạng Dân Việt ngày 18/12/2020.
  5. Bài viết “Cửa khẩu Việt-Trung: ‘Gián đoạn thương mại kéo dài ít nhất 6 tháng tới’ Bài viết “’Giải cứu’ thanh long, mít, cam, bưởi… đến bao giờ?” đăng trên mạng Zing News ngày 4/1/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *