Lịch sữ quan hệ Nga Sô – Ukraine

288 (lượt xem) |

Đúng ra, bài viết này dự trù đưa lên mạng đầu tiên nhưng vì tình hình thời sự khẩn cấp, bài viết “Trận chiến biên giới Ukraine – Nga Sô 2022?” được đưa lên mạng trước. Cuối cùng, trận chiến cũng đã xảy ra ngày 24/2/2022 khi Tổng thống Nga Putin quyết định đưa quân tràn qua biên giới Ukraine. Bài này nói đầy đủ lịch sữ của Liên bang Sô Viết và sự hình thành của các quốc gia liên hệ. Hy vọng bài này sẽ mang đến độc giả sự hiểu biết toàn diện về mối liên hệ Ukraine – Nga Sô. Trong bài viết đầu, tác giả có nêu ra nét tương đồng giữa cuộc chiến Ukraine – Nga Sô với cuộc chiến Việt – Trung năm 1979.  Cũng có vài điểm khác biệt quan trọng mà tác giả sẽ nêu trong bài viết này.

LIÊN BANG SÔ VIẾT

Liên Xô hay Liên bang Xô viết, tên chính thức là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, là một cựu quốc gia nằm ở phía bắc lục địa Á – Âu, tồn tại từ năm 1922 đến năm 1991. Đây là một quốc gia đơn đảng, do đảng Cộng Sản Liên Xô lãnh đạo, với Moscow là thủ đô của nước cộng hòa lớn và đông dân nhất Liên Xô, Nga Xô viết. Đây là quốc gia lớn nhất trên thế giới, có diện tích khoảng hơn 22.4 triệu km² (8.6 triệu dặm vuông Anh) và trải dài 11 múi giờ. Dân số đa dạng của quốc gia này được gọi chính thức là người Liên Xô.

Liên Xô được thành lập từ cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1917, khi đảng Bolshevik lãnh đạo bởi Lenin lật đổ Chính phủ lâm thời Nga, chính phủ đã thay thế chế độ chuyên chế của Sa hoàng Nikolai II trong Thế chiến I. Năm 1922, sau cuộc nội chiến kết thúc bằng chiến thắng của đảng Bolshevik, Liên Xô được thành lập, thống nhất những quốc gia cộng hòa bao gồm Nga, Ngoại Kavkaz, Ukraine và Belarus. Lenin qua đời vào năm 1924 đã dẫn tới một cuộc tranh chấp quyền lãnh đạo, cuối cùng Stalin lên nắm quyền trong giữa những năm thập niên 1920. Stalin đã chính thức hóa hệ tư tưởng của đảng Cộng sản Liên Xô là chủ nghĩa Marx–Lenin và thay thế nền kinh tế thị trường bằng nền kinh tế kế hoạch, từ đó mở ra một thời kỳ công nghiệp hóa nhảy vọt và tập trung hóa. Trong suốt thời kỳ này, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tạo nên những tiến bộ ấn tượng về mức sống, y tế và giáo dục, đặc biệt trong những khu vực đô thị; Liên Xô đã vươn lên trở thành cường quốc đứng thứ 2 thế giới. Bên cạnh những tiến bộ này, một số thất bại đã xảy ra. Nạn hạn hán, thiên tai liên tục ập đến trong khu vực, chính sách tập trung nông nghiệp, tất cả đã dẫn tới một nạn đói lớn trong năm 1932 – 1933, khiến hàng triệu người chết.

Sau khi bắt đầu Thế chiến II, Liên Xô đã tấn công Ba Lan và sáp nhập các quốc gia Baltic. Tháng 6 năm 1941, Đức xâm chiếm Liên Xô, mở màn Mặt trận phía đông của Thế chiến 2. Sau Thế chiến 2, châu Âu bị phân chia thành hai vùng có hệ tư tưởng khác nhau: tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu và cộng sản chủ nghĩa ở Đông Âu đã dẫn đến căng thẳng gia tăng với Khối phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo, được gọi là Chiến tranh Lạnh. Stalin qua đời năm 1953 và Nikita Khrushchev kế nhiệm. Đến năm 1956, Khruschev lên tiếng tố cáo Stalin và bắt đầu một thời kỳ cải cách tự do được gọi là phi Stalin hóa. Khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra trong thời kỳ lãnh đạo của Khrushchev, một trong nhiều yếu tố dẫn đến việc ông bị miễn nhiệm vào năm 1964. Trong những năm 1970, có một giai đoạn ngắn gọn hòa dịu trong quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng những căng thẳng tiếp tục diễn ra với Chiến tranh Liên Xô – Afghanistan vào năm 1979. Sau năm 1985, tổng bí thư cuối cùng của đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cố gắng cải tổ đời sống chính trị và nền kinh tế của đất nước thông qua các chính sách mới của glasnost (cởi mở) và perestroika (tái cấu trúc). Những chính sách này thất bại, gây ra sự bất ổn chính trị phát sinh từ các phong trào dân tộc và ly khai. Năm 1989, những quốc gia đồng minh của Liên Xô ở Đông Âu đã sụp đổ trong một làn sóng các cuộc cách mạng chấm dứt sự lãnh đạo của các đảng Cộng Sản.

Là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự tan rã của đất nước, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức vào tháng 3 năm 1991, phần lớn cử tri đã ủng hộ việc duy trì Nhà nước Liên Xô. Nhưng trong giới lãnh đạo lại phát sinh mâu thuẫn khi Tổng thống đầu tiên của Nga, Boris Nikolayevich Yeltsin đã chống lại một cuộc đảo chính của những người cứng rắn trong đảng. Cuối năm 1991, Gorbachev từ chức, Xô viết Tối cao Liên Xô đã chính thức tuyên bố Liên Xô tan rã. Mười hai nước cộng hòa Xô Viết còn lại tuyên bố độc lập. Liên bang Nga (trước đây là Cộng hòa Nga Xô viết) đã tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của Liên Xô và được công nhận là quốc gia kế thừa trên thực tế của Liên bang Xô viết. Đồng thời, Ukraine theo luật pháp tuyên bố rằng họ cũng là một nước kế thừa nhà nước của cả Cộng hòa Ukraine Xô viết và Liên Xô. Ngày nay, Nga và Ukraine có tranh chấp đang diễn ra đối với những di sản để lại của Liên Xô trước đây

Putin được Tổng thống Yeltsin chỉ định làm thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga vào tháng 8 năm 1999, khiến ông trở thành thủ tướng thứ năm của nước Nga trong khoảng thời gian chưa đầy mười tám tháng. Khi được chỉ định, rất ít người tin rằng Putin, một khuôn mặt rõ ràng ít tiếng tăm, có thể giữ ghế lâu hơn so với những người tiền nhiệm. 

Sau nhiều năm bê bối, thay đổi chính sách liên tục khiến dân chúng bất mãn với Yeltsin – vị tổng thống già cả, vụng về và ốm yếu – thì việc Putin thắng cử và lên nhậm chức đã đánh dấu một bước khởi đầu mới cho nước Nga trong giai đoạn lịch sử hậu Xô viết. Năm 2004, Putin thắng cử nhiệm kỳ hai với 71 phần trăm số phiếu bầu. Năm 2007, Putin tuyên bố ủng hộ Phó thủ tướng Dmitry Medvedev trở thành người kế nhiệm mình. Ngay lập tức, Dmitry Medvedev đề nghị Putin trở thành thủ tướng nếu ông trúng cử Tổng thống. Ngày 17 tháng 12, Putin tuyên bố đồng ý nắm chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm tới. Năm 2012, Putin đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 3, với 63.6% số phiếu bầu. 

Vào năm 2014, quân đội Nga đã thực hiện một số cuộc xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ukraine. Sau cuộc biểu tình Euromaidan và sự sụp đổ của chính quyền thân Nga của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, lực lượng vũ trang đặc biệt của Nga đã nhanh chóng kiểm soát các vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng trong phạm vi lãnh thổ Ukraine của Crimea. Nga sau đó đã sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý, khi mà người dân Crimea bỏ phiếu sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Sau đó, các cuộc biểu tình của các nhóm thân Nga ở vùng Donbass của Ukraine đã leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại Donetsk và Lugansk. Các quốc gia phương Tây và các tổ chức như Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án Nga vì những hành động của họ ở Ukraine sau cuộc cách mạng, cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Ukraine. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ, và sự sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp.

Các động thái của Putin đối với vấn đề Ukraine hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông (vào năm 2008, chính Putin đã từng khẳng định rằng Crimea là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Ukraine và tuyên bố Nga không hề có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine). Giữa năm 2014, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã tăng vọt sau khi Nga sáp nhập Crimea. Với sự kiện sáp nhập Crimea, người dân Nga đã lại có cơ hội để nhớ về vị trí siêu cường như trước đây.

Putin đã bước sang năm thứ 20 với tư cách là nhà lãnh đạo nước Nga, và theo một cách nào đó dường như đang trong giai đoạn nhiều quyền lực nhất, trở thành hình mẫu toàn cầu cho một kỷ nguyên mới của những nhà độc tài thời hiện đại. Vào những năm đầu của thế kỷ này, khi làn sóng dân chủ hóa hậu Xô Viết dường như vẫn còn mạnh mẽ, Putin đã đảo ngược con đường của nước Nga, khôi phục quyền lực tập trung ở Điện Kremlin cũng như vị thế của nước Nga trên thế giới. Ngày nay, ở Washington và một số thủ đô châu Âu, ông là một kẻ phản diện đa mục đích, bị trừng phạt và bị tẩy chay vì đã xâm lược hai nước láng giềng – Gruzia và Ukraine – và vì đã khiêu khích các nước phương Tây, bao gồm cả việc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 để ủng hộ Donald Trump, và đã sử dụng chất độc thần kinh chết người để đầu độc các đối thủ trên đất Anh. Sự can thiệp quân sự của ông vào cuộc nội chiến ở Syria đã giúp cứu vãn chế độ Bashar al-Assad, biến Putin trở thành người Nga quan trọng nhất ở Trung Đông kể từ thời Brezhnev. Liên minh ngày càng chặt chẽ của ông với Trung Quốc đã giúp mở ra một kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc với Hoa Kỳ. Cuối cùng, có vẻ như Putin đã mang lại một thế giới đa cực mà ông hằng mơ ước kể từ khi lên nắm quyền với quyết tâm xét lại chiến thắng của người Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Với tất cả những điều đó diễn ra khi ông bây giờ mới chỉ 66 tuổi, dường như còn đủ mạnh mẽ, khỏe mạnh, và có khả năng cầm quyền trong nhiều năm nữa. Nhà nước của ông không phải là chế độ được cai trị bởi những người già như Brezhnev, ít nhất là chưa phải lúc này.

ĐỊA CHÍNH TRỊ ÂU CHÂU

Theo NATO, trong hơn hai thập kỷ, NATO đã cố gắng xây dựng quan hệ đối tác với Nga, đối thoại và hợp tác với Nga trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên quan hệ này bị rạn nứt khi NATO cáo buộc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine năm 2014 nhưng NATO vẫn giữ các kênh đối thoại chính trị và quân sự với Nga. NATO tiếp tục quan tâm đến các hoạt động quân sự của Nga sau sự kiện Ukraine. Về phần mình, Nga cũng đổ lỗi khủng hoảng tại Ukraine năm 2014 là do NATO gây ra khi không giữ vững các cam kết trước đó với Nga cũng như đã tiến hành lật đổ chính quyền hợp pháp tại đây bằng đảo chính. Trên thực tế, Nga và NATO luôn tồn tại rất nhiều bất đồng.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991, NATO tiến hành 3 đợt Đông tiến. Ngay trong lần mở rộng đầu tiên, biên giới NATO đã được mở về phía Đông thêm 900 km, quân số tăng thêm 13 Sư đoàn, tiếp nhận toàn bộ vũ khí – khí tài các thành viên mới và Đông Đức. Điều này khiến cho cán cân Nga – NATO mất cân bằng nghiêm trọng. Tổng quân số NATO gần 5 triệu quân (chưa tính quân số của Hoa Kỳ và các nước ngoài châu Âu), trong khi đó Nga có 3.2 triệu. Ngày 27/5/1997 đã ký kết “Văn kiện cơ bản về quan hệ, hợp tác và an ninh giữa Nga với NATO”. Trong văn kiện, NATO cam kết sẽ để Nga có quyền phát ngôn ở mức độ nhất định đối với các sự vụ của NATO. Hơn nữa NATO bảo đảm không bố trí vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ các nước thành viên mới. Chính sách Đông tiến đã xâm phạm đến sân sau của Nga và đe dọa đến lợi ích chiến lược cốt lõi của nước này, một điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh và lặp lại nhiều lần. 

A map of Europe with countries in blue, cyan, orange, and yellow based on their NATO affiliation.

Nga Sô và NATO

Ba Lan kêu gọi Mỹ cam kết mạnh mẽ hơn với các thành viên sáng kiến Ba Biển  | VOV.VN

Vị thế Hungary, Slovakia và Poland đối với Nga

Châu Âu dưới thời cựu Tổng thống Trump: Chưa có lúc nào mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu rơi vào trạng thái “tuy gần mà xa” lạ lùng như lúc này. Bốn năm trị vì của ông hoàng địa ốc New York, Donald Trump ở Nhà Trắng còn làm cho mối quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương, tuy chưa đến nỗi phải đi đến “chia lìa” nhưng hố ngăn cách ngày càng thêm sâu thẳm.

Mối liên hệ giữa đôi bờ Đại Tây Dương, hình thành sau năm 1945, được thiết lập dựa trên nền tảng mối lo hiểm họa tiềm tàng từ chế độ Stalin thời Liên Xô nhắm vào các nước Tây Âu; lời kêu gọi hỗ trợ của những nước châu Âu và việc thành lập Liên minh Đại Tây Dương nhờ vào cam kết của tổng thống Mỹ Truman thời đó. Tình hình địa chính trị ngày nay cũng khác xa nhiều so với lúc xưa. Thế giới không còn ở thế hai cực Hoa Kỳ – Liên Xô nữa, mà ngày càng có xu hướng đa cực. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, vươn lên trở thành một trong số các cường quốc hàng đầu thế giới, người ta còn chứng kiến sự ra đời một chuỗi các tiểu cường quốc khác nhau, đặc biệt là tại châu Á, và nhất là mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan ngày càng lớn mạnh.

Châu Âu không còn là mối bận tâm ưu tiên và duy nhất của Mỹ. Trọng tâm lợi ích của Mỹ dần chuyển hướng sang châu Á. Thế nên, sợi dây kết nối hai bờ Đại Tây Dương “sẽ bị giãn dần là điều không thể nào tránh khỏi”, theo như khẳng định của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine trên tờ l’Opinion. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, hành động Mỹ từ bỏ cam kết đối với đồng minh được thể hiện rõ qua sự kiện Hoa Kỳ thời Obama từ chối can thiệp vào Syria sau khi vạch ra “lằn ranh đỏ” cho chế độ Damas.

Chỉ có điều việc ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng năm 2016, còn thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình biến “mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thành xuyên Thái Bình Dương”, do Hoa Kỳ bắt đầu từ thời tổng thống Bill Clinton, và “ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vùng châu Á – Thái Bình Dương”, theo như quan sát của nhà nghiên cứu Roberto de Primis, chuyên gia về Hoa Kỳ, trường đại học Quebec, Montreal, Canada trên kênh truyền hình Euronews.

Trong khi đó, quan hệ của Mỹ với một số đồng minh Tây Âu xấu đi là bởi là câu hỏi thẳng thắn mà cựu Tổng thống Trump đã đặt ra: Tại sao Châu Âu lại “ăn bám” NATO? Phải chăng NATO đã lỗi thời? Các nước NATO hứa sẽ đóng góp 2% GDP cho ngân sách quốc phòng của họ. Mỹ hiện ở mức 3.7% nhưng chỉ một nước Châu Âu đạt mức khoảng 2%. Mọi Tổng thống Mỹ kể từ cựu Tổng thống Eisenhower đều phàn nàn về chi tiêu quốc phòng thấp của Châu Âu. Liên minh Châu Âu có dân số 450 triệu người và một nền kinh tế công nghệ tiên tiến với GDP đạt 15 nghìn tỷ USD. Nga có dân số 140 triệu người và nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng với GDP chỉ 1.5 nghìn tỷ USD. Liệu có hợp lý khi đặt câu hỏi tại sao Châu Âu cần Mỹ với dân số 330 triệu người và GDP 21 nghìn tỷ USD để tự vệ trước Nga. 

Liên minh Châu Âu: Bà Von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, nhắc lại lời kêu gọi từ năm 2016 của người tiền nhiệm Jean-Claude Juncker và cho rằng EU cần một “liên minh quốc phòng” có thể củng cố hành động quân sự chung của cả châu Âu, vươn xa hơn quyền lực mềm truyền thống của mình với tư cách là khối thương mại lớn nhất thế giới.

Hồi tháng 11/2018, theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có 9 thành viên EU nhất trí thành lập lực lượng quân đội chung mới với tên gọi Sáng kiến can thiệp Châu Âu (E12). Điều đáng nói là vị Tổng thống Pháp lại cho biết là EU cần có quân đội riêng nhằm bảo vệ liên minh trước Trung Quốc, Nga và cả Mỹ. Nghĩa là Mỹ bị đánh đồng với mối đe dọa lớn nhất của Châu Âu bấy lâu nay là Nga. Nếu như tháng 11/2018 chỉ có 9 thành viên của EU tán đồng kế hoạch của ông Emmanuel Macron thì đến tháng 6/2021 có tới 14 thành của liên minh kinh tế này ủng hộ Sáng kiến can thiệp Châu Âu, do Pháp-Đức đứng đầu. Sáng kiến can thiệp Châu Âu giờ được hiện thực hóa bằng kế hoạch thành lập một lữ đoàn chính quy với quy chế 5,000 binh sĩ, cùng các khí tài như tàu chiến và máy bay chiến đấu nhằm giúp EU có thể can thiệp vào các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Kể từ năm 2021, trong ngân sách hàng năm của Liên minh Châu Âu đã có khoản ngân sách dành cho phát triển vũ khí. Thậm chí, theo dự kiến, vào năm 2022, EU chính thức công bố Học thuyết quân sự của mình. Tuy nhiên, khi chứng kiến thất bại của Mỹ -NATO tại Afghanistan, giới lãnh đạo EU nhận thấy điều kiện hiện thực hóa ý tưởng thành lập quân đội EU dường như đã chín muồi, nên đẩy nhanh tiến độ. Tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng EU tại Slovenia diễn ra vào tháng 11/2021 sẽ thông qua Đề án thành lập lực lượng phản ứng thống nhất ở Châu Âu. Với quy mô lên tới 20,000 thì có thể xem đây chính là Quân đội EU thống nhất buổi ban đầu. Như vậy, chỉ tròn 3 năm, từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2021, Sáng kiến can thiệp Châu Âu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được hiện thực hóa bằng kế hoạch cho sự ra đời Quân đội EU thống nhất trong khi đó lần đầu tiên xuất hiện Pháp và Na Uy, sẽ đáp ứng được mục tiêu chi 2% trên tổng GDP cho ngân sách quốc phòng theo AFP hôm 21/10/2020 dẫn tuyên bố của NATO. Vì vẫn không thực hiện được cam kết, Đức trở thành mục tiêu bị Tổng thống Trump đặc biệt công kích. Trong năm 2020, chi quốc phòng của Đức tăng thêm 0.2% lên 1.57% GDP, tức là tăng thêm 3.5 tỉ USD lên 56 tỷ USD.

Châu Âu không có Hoa Kỳ: Điều cốt lỏi là Quân đội EU thống nhất với 20,000 quân so với 3 triệu quân Nga Sô mà không có sự hiện diện của Hoa Kỳ và Anh Quốc thì vai trò thực tế của đạo quân này sẽ là gì. Ai cũng thấy được sự khôi hài của quyết định này. Nga Sô chắc chắn đang vạch lại chiến lược tương lai có lợi cho mình một khi Châu Âu không có Hoa Kỳ. RT đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông phải đối mặt với hai lựa chọn sau cuộc tấn công của Nga ở Ukraine: “Bắt đầu chiến tranh thế giới thứ ba” hoặc tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/2, ông Biden khẳng định rằng Mátxcơva sẽ phải “trả giá đắt” cho hoạt động quân sự của mình. Trên thực tế, Hoa Kỳ có thể làm nhiều điều mà không cần phải để cho đối phương biết được ý định thật sự của mình.

30 NĂM TRANH CHẤP GIỮA NGA VÀ UKRAINE

Quãng đường 30 năm có thể chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài một thập niên với những sự kiện bước ngoặt riêng. Có thể nói Nga Sô và Ukraine có vài tương đồng về văn hóa: Trong Điều tra dân số Ukraina năm 2001, hơn 8 triệu được xác định là dân tộc người Nga (17.3% dân số của Ukraina), đây là con số kết hợp cho những người có nguồn gốc từ bên ngoài Ukraine và dân số Ukraine sinh ra tuyên bố dân tộc Nga.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/6/68/Russians_Ukraine_2001.PNG/220px-Russians_Ukraine_2001.PNG

Tỷ lệ người gốc Nga tại Crimea và Donbass

Năm 1992 – 2003 (Ukraine tách ra): Tháng 12/1991, các nhà lãnh đạo của Ukraine cùng với Nga và Belarus chốt thỏa thuận Belovezhskiy về việc thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đánh dấu sự tan rã của Liên Xô. Matxcơva hy vọng duy trì ảnh hưởng thông qua SNG và khả năng cung cấp khí đốt giá rẻ. Sau đó Nga và Belarus thành lập nhà nước liên minh, nhưng Ukraine ngày càng “trôi dạt” về phía phương Tây. Điện Kremlin không hài lòng, nhưng Ukraine khi đó thừa hưởng từ Liên Xô đội quân gần nửa triệu người và kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Kiev đồng ý giao hết tên lửa cho Nga để đổi lại đảm bảo an ninh (Bản ghi nhớ Budapest) và hỗ trợ kinh tế.

Mặt khác, phương Tây chưa có ý định thu nạp Ukraine về phe mình nên phản ứng của Matxcơva nhìn chung còn kiềm chế. Thập niên đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã, kinh tế Nga còn yếu ớt, trong khi cuộc xung đột Chechnya khiến ngân khố cạn kiệt. Năm 1997, Nga ký “Hiệp ước lớn” chia tách hạm đội Biển Đen và công nhận biên giới Ukraine, trong đó bao gồm bán đảo Crimea.

Năm 2003 – 2013 (Tình bạn rạn nứt): Khủng hoảng ngoại giao đầu tiên giữa Matxcơva và Kiev xảy ra dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Mùa thu 2003, Nga bất ngờ xây dựng một con đập ở eo biển Kerch hướng tới đảo Tuzla của Ukraine. Kiev xem đây là hành động phân chia biên giới. Căng thẳng được tháo ngòi sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Việc xây dựng đập dừng lại, nhưng tình bạn đã xuất hiện vết rạn nứt đầu tiên.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2004, Nga ủng hộ ứng viên thân Kremlin là ông Viktor Yanukovich, nhưng nổ ra cuộc “Cách mạng cam” khiến ông này không được công nhận chiến thắng. Chính trị gia thân phương Tây Viktor Yushenko trở thành tổng thống Ukraine. Chiến thắng của ông đánh dấu bước ngoặt thay đổi trong chính sách của Nga nhằm ngăn chặn các cuộc cách mạng màu mà Matxcơva cáo buộc do phương Tây giật dây. Dưới thời ông Yushenko, Nga hai lần đóng van dẫn khí đốt qua Ukraine (năm 2006 và 2009) khiến châu Âu “lãnh đủ”.

Sự kiện chính dẫn đến tình hình ngày nay xảy ra vào năm 2008: Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, Tổng thống Mỹ George Bush cố gắng để Ukraine và Gruzia nhận được kế hoạch hành động chuẩn bị trở thành thành viên của liên minh. Ông Putin phản đối gay gắt. Matxcơva tuyên bố không công nhận nền độc lập hoàn toàn của Ukraine. Kết quả là Đức và Pháp chặn kế hoạch của ông Bush. Hai nước Ukraine và Gruzia được hứa hẹn chỗ trong NATO nhưng chưa biết khi nào.

Đi đường quân sự không xong, Ukraine quay sang lộ trình hội nhập kinh tế thông qua một hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Mùa hè năm 2013, vài tháng trước ngày Kiev có khả năng ký kết văn kiện, Nga tung đòn kinh tế, gần như chặn biên giới không cho hàng hóa Ukraine xuất khẩu. Đến mùa thu, chính quyền Tổng thống Yanukovich (lên nắm quyền năm 2010) tuyên bố ngừng việc ký hiệp ước với Brussels do áp lực từ Nga. Quyết định này gây ra làn sóng biểu tình lớn ở Ukraine khiến ông Yanukovich phải bỏ chạy sang Nga tị nạn tháng 2/2014.

Năm 2014 – 2021 (Sáp nhập Crimea và chiến sự ở Donbass): Tháng 4/1954 mọi thủ tục pháp lý về việc chuyển bán đảo Crimea từ CHXHCN Liên bang Xô Viết Nga (RSFSR) sang CHXHCN Xô Viết Ukraine (USSR) đã được thống nhất, sau đó thời kỳ 60 năm lịch sử Crimea của Ukraine bắt đầu. Cho đến nay vấn đề chuyển bán đảo Crimea của Nga cho Ukraine là quyết định tập thể hay ý chí cá nhân Khrushchev – người đứng đầu đảng CSLX lúc bấy giờ vẫn là câu hỏi cần tiếp mục giải đáp. Tuy nhiên, quyết định chính trị này, như trước đây, vẫn gây ra nhiều vấn đề. Giao đất từ một nước lớn cho một nước nhỏ là điều chưa bao giờ xảy ra trong lịch sữ cận đại. Tháng 3/2014, nhân lúc ở Kiev trống ghế quyền lực, tháng 3/2014 Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea. Cùng lúc này, quân đội Nga hậu thuẫn các lực lượng ly khai ở Donbass, miền đông Ukraine, dẫn đến sự thành lập của hai “nước cộng hòa nhân dân tự xưng” Donetsk và Lugansk. Kiev phản ứng rất chậm, chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống vào cuối tháng 5, rồi mới quyết định mở chiến dịch quân sự lớn lấy lại lãnh thổ đã mất kiểm soát. Đến cuối tháng 8, Kiev cáo buộc Nga tung quân đội quy mô lớn đến Donbass (Nga phủ nhận). Đỉnh điểm là các lực lượng Ukraine chịu thất bại ở Ilovaisk. Chiến sự chỉ kết thúc vào tháng 9 với việc các bên ký kết Thỏa thuận Minsk, nhưng lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm.

Đầu năm 2015, phe ly khai mở cuộc tấn công lớn, Kiev cáo buộc Nga triển khai quân đội không sắc phục trên lãnh thổ Ukraine. Sau vài thất bại quân sự của Kiev, Đức và Pháp làm trung gian cho các bên ký Thỏa thuận Minsk-2. Năm 2021, Nga hai lần điều quân đến sát biên giới Ukraine vào mùa xuân và cuối mùa thu. Tháng 12, Tổng thống Putin lần đầu tiên ra tối hậu thư yêu cầu Mỹ và NATO không được kết nạp Ukraine và các nước Liên Xô cũ vào liên minh, và không được hỗ trợ quân sự. NATO từ chối.

Năm 2022 (Nga công bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở đông Ukraine): Ngày 21/2/2022, Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập của hai nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine. Các văn bản pháp lý nhanh chóng được Quốc hội Nga thông qua.

Đáng chú ý, ông Putin tuyên bố công nhận lãnh thổ của “Cộng hòa nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa nhân dân Lugansk” bao gồm cả tỉnh Donetsk và Lugansk của Ukraine, vốn rộng lớn hơn nhiều so với khu vực hiện do quân ly khai kiểm soát. Sáng sớm 24/2, nhà lãnh đạo Nga công bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” với mục đích “bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk”. 

NHỮNG LÃNH VỰC TRANH CHẤP NGA – UKRAINE

Ukraine có một lượng dân số lớn sắc tộc Nga và họ có quan hệ xã hội và văn hóa gần gũi với Nga. Về mặt chiến lược, Điện Kremlin coi đây là sân sau của Nga. Do đó, Nga không thể để Hoa Kỳ và Tâu Âu dùng Ukraine như là tiền đồn để khống chế mình. Ngược lại, Ukraine không muốn để cho Nga Sô kiềm chế sự độc lập và phát triển của mình.

Quan hệ với NATO: Ukraine giáp với cả Nga và EU, không phải là một thành viên của NATO, nhưng là một “quốc gia đối tác” – điều này có nghĩa là có thể hiểu rằng Ukraine có thể được phép tham gia liên minh vào một lúc nào đó trong tương lai. Nga muốn các cường quốc phương Tây đảm bảo rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, Hoa Kỳ từ chối ngăn yêu cầu của Ukraine gia nhập NATO, và nói rằng với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, họ nên có quyền quyết định về các liên minh an ninh của chính mình.

Tổng thống Putin tuyên bố các cường quốc phương Tây đang sử dụng liên minh để bao vây Nga và ông muốn NATO ngừng các hoạt động quân sự ở Đông Âu. Ông từ lâu đã lập luận rằng Hoa Kỳ đã phá vỡ một cam kết được đưa ra vào năm 1990 rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. NATO bác bỏ tuyên bố của Nga và nói rằng chỉ một số ít quốc gia thành viên của họ có chung biên giới với Nga và rằng đó là một liên minh phòng thủ.

Nhiều người tin rằng việc Nga tăng cường quân đội ở khu vực biên giới với Ukraine hiện nay có thể là một nỗ lực nhằm buộc phương Tây phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về an ninh của Nga. Khi người Ukraine phế truất tổng thống thân Nga của họ vào đầu năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea ở phía nam của Ukraine. Nga cũng ủng hộ các lực lượng ly khai thân Nga mà đã chiếm được những vùng đất rộng lớn ở miền đông Ukraine. NATO đã không can thiệp, nhưng họ đáp trả bằng cách lần đầu tiên đưa quân đến một số quốc gia ở Đông Âu.

Tổng thống Biden nói rằng có “sự nhất trí hoàn toàn” với các nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề Ukraine, nhưng có sự khác biệt về hỗ trợ mà các quốc gia khác nhau đưa ra.

Hoa Kỳ cho biết họ đang gửi vũ khí trị giá 200 triệu USD, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, đồng thời cho phép các quốc gia khác trong NATO cung cấp vũ khí do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Vương quốc Anh đang cung cấp cho Ukraine các tên lửa chống tăng tầm ngắn, và nước này đã cử quân nhân của mình đến huấn luyện cho quân đội Ukraine cách sử dụng các vũ khí này. Một số thành viên của NATO, bao gồm Đan Mạch, Tây ban Nha, Pháp và Hà Lan đang gửi máy bay chiến đấu và tàu chiến tới Đông Âu để tăng cường phòng thủ trong khu vực. Tuy nhiên, Đức từ chối yêu cầu của Ukraine về vũ khí phòng ngự, theo chính sách không gửi vũ khí sát thương tới các khu vực xung đột. Thay vào đó, nước này sẽ gửi viện trợ y tế và 5,000 mũ bảo hộ. Trong khi đố, Tổng thống Pháp Macron kêu gọi đối thoại với Nga để giảm leo thang tình hình.

Dầu thô và khí đốt và đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và 2:  Hiện nay, 10 quốc gia có trữ lượng dầu hỏa trên thế giới như sau: Ả rập Saudi (264.5 tỷ thùng), (211.1 tỷ thùng), Iran (150.3 tỷ thùng), Iraq (115 tỷ thùng), Kuwait (104 tỷ thùng), Canada (gần 100 tỷ thùng), Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) (97.8 tỷ thùng), Nga (60 tỷ thùng), Libya (41.5 tỷ thùng), Nigeria (36.2 tỷ thùng).

Danh sách các nước sản xuất khí đốt dựa trên thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong năm 2013 là (tỷ m3): Hoa Kỳ 689 (19.8%), Nga 671 (19.3%), Qatar 161 (4.6%), Iran 159 (4.6%), Canada 155 (4.5%), Trung Quốc 115 (3.3%), Na Uy 109 (3.1%), Hà Lan 86 (2.5%) Ả Rập Xê Út 84 (2.4%), Algérie 80 (2.3%), trong tổng sản lượng tên thế giới là 3,479 tỷ m3.

Như vậy, Nga Sô đứng hàng thứ 7 về trữ lượng dầu hỏa và thứ 2 về khí đốt trên thế giới.

Europe gas prices: How far is Russia responsible? - BBC News

Ảnh hưởng của 2 dòng chảy khí đốt Nord Stream 1 & 2 và các quốc gia trung gian

Kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga phải phụ thuộc vào việc đặt các đường ống dẫn khí đốt qua các nước trung gian, để xuất khẩu gần như toàn bộ dầu mỏ và khí đốt ra thị trường quốc tế. Nhưng không phải quốc gia trung gian nào cũng là nước thân thiện với Moscow. Nga thậm chí không thể cung cấp dầu thô cho cảng Novorossiysk của nước này ở Biển Đen nếu không bơm qua đường ống đặt trên lãnh thổ Ukraine. Tương tự, việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu phải đi qua một hoặc nhiều nước từng thuộc Liên Xô cũ, chẳng hạn như Belarus, Ukraine và Moldova hay các quốc gia vệ tinh của Liên Xô trước đây như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Romania và Bulgaria. Trong 12 đường dẫn khí, có 5 đường đi qua Ukraine. Nga đang phải trả cho Ukraine 2 tỷ USD hàng năm cho lệ phí trung chuyển khí đốt. Quan hệ của Moscow với các nước này đang thay đổi và không phải tất cả đều diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức đang được chú ý trong bối cảnh Nga và phương Tây căng thẳng về vấn đề Ukraine. Liệu bên nào sẽ là “kẻ thắng” và bên nào sẽ là “người thua” nếu dự án này bị “đóng băng”?

Được biết dòng chảy Nord Stream 1 được khánh thành vào tháng 11 năm 2011 và chạy từ Vyborg đến Lubmin gần Greifswald. Hai ống nữa đang được xây dựng với tên Nord Stream 2. Dòng chảy Nord Stream 2 hoàn tất tháng 9/2021, chạy song song với Nord Stream 1. Dự án Dòng chảy phương Bắc 1 & 2 dài 1,230 km, trị giá 11.6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m³/năm. Nord Stream 2 có thể cung cấp 55 tỷ m³ khí đốt mỗi năm. Đó là hơn 50% mức tiêu thụ hàng năm của Đức và có thể mang về cho Gazprom, công ty quốc doanh của Nga, 15 tỷ USD. Hiện nay, dự án Nord Stream 2 vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước EU. Đức phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn khi đang tìm cách chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mỹ, Anh và Ukraine cùng một số quốc gia châu Âu phản đối dự án này ngay khi nó được đưa vào thi công năm 2015 bởi lo ngại châu Âu phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga.

Đức sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất từ việc ngừng hoạt động dài hạn của Dòng chảy phương Bắc 2. Đức sẽ không có quyền tiếp cận trực tiếp với khí đốt từ Nga và thậm chí không thể nghĩ đến việc trở thành một trung tâm khí đốt cho khu vực. Đức đã tìm cách xoa dịu nỗi lo sợ bị đứng ngoài cuộc của Ukraine trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tân Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng, Đức sẽ “làm bất cứ điều gì” để đảm bảo Ukraine vẫn là quốc gia trung chuyển cho xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Vào tháng 7, Berlin đã thuyết phục được chính quyền Tổng thống Biden đồng tài trợ quỹ trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine nhằm giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng của nước này. Berlin cũng cam kết sẽ hoàn trả cho Ukraine phí vận chuyển khí đốt mà nước này sẽ mất cho đến năm 2024 khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 27/12/2019 đã thanh toán 2.9 tỷ USD cho công ty dầu mỏ và khí đốt quốc gia Naftogaz của Ukraine để giải quyết tranh cãi về phí trung chuyển khí đốt tới châu Âu. Ukraine thu về khoảng 3 tỷ USD mỗi năm từ việc trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

Theo quan điểm của một số chuyên viên, những bên chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu Dòng chảy phương Bắc 2 tạm dừng sẽ là Đức và Áo, nơi đã phải chịu giá khí đốt tăng 25%”, chuyên gia Albrecht Rothacher nói với DW. Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại có quan điểm ngược lại. “Thực tế, Đức sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc Dòng chảy phương Bắc 2 tạm dừng khởi động, vì đường ống dẫn khí này không được thiết kế để mang khí đốt mới đáng kể sang Đức, mà nhằm mục đích vượt qua Ukraine bằng cách đưa khối lượng khí đốt tương tự thông qua Dòng chảy phương Bắc 2”, Benjamin L. Schmitt, nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, nói.

Lực lượng quân sự: Nga Sô là 1 trong 3 quốc gia có lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới. Lực lượng Nga Sô từ năm 2010 thì được xếp lại còn 4 quân khu trong đó có 2 quân khu đối diện với các nước Tây & Đông Âu: Quân khu miền Tây (trụ sở tại Saint-Peterburg), gồm Hạm đội Biển Bắc và Baltic; Quân khu miền Nam (trụ sở tại Rostov trên sông Đông) gồm Hạm đội Biển Đen và tiểu Caspi. Hải quân gồm 4 hạm đội lớn trong đó Hạm đội Biển Đen Sevastopol tại Crimea vừa lấy lại từ Ukraine năm 2014. NATO nhận định quân đội Nga chỉ có thể đối phó những xung đột vũ trang quy mô nhỏ và vừa ở những khu vực phía Tây của nước này. Hai cuộc tập trận năm 2009 cho thấy quân đội Nga khó có thể tham gia hai cuộc xung đột nhỏ cùng lúc hoặc tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn. Tuy nhiên, mất đi bán đảo Crimea là một thiệt thòi lớn cho Ukraine.

Căng thẳng an ninh thời gian qua giữa Moskva và phương Tây dần tập trung vào tương lai của Donbass, dải đất phía đông Ukraine tiếp giáp Nga. Donbass, khu vực phía đông Ukraine, gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Các lực lượng ly khai trong hai vùng này tự thành lập hai thiết chế chính trị tách biệt khỏi Kiev, có tên gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR). Chính phủ Ukraine cùng phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí và lực lượng cho phong trào ly khai Donbass, trong khi Điện Kremlin luôn khẳng định chưa từng điều binh sĩ đến miền đông Ukraine, còn những người Nga chiến đấu tại đó đều là tình nguyện viên. Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.

Map of the war in Donbass.svg

Tình hình quân sự vào tháng 7 năm 2016: Các khu vực nổi bật màu hồng do DPR / LPR tổ chức, các khu vực nổi bật màu vàng do chính phủ Ukraine nắm giữ.

Trong kịch bản mà Nga muốn, Ukraine sẽ phải chấp nhận từ bỏ mong muốn gia nhập NATO và thừa nhận quyền tự trị của vùng Donbass. Đổi lại, Nga cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của Ukraine và không thực hiện bất cứ nỗ lực nào nhằm biến Donbass thành một phần trong liên minh do Moskva dẫn dắt. Một giải pháp khác là nhóm ly khai thân Nga trong vùng Donbass di chuyển về Crimea hay các vùng thuộc Nga để yên vùng này cho Kiev.

Chuyên gia này nhận định Mỹ lẫn NATO đều hiểu họ không thể thu về bất kỳ lợi ích nào nếu tham chiến tại Ukraine, còn Nga không thể dùng vũ lực sáp nhập Donbass mà không trả giá đắt và gây thiệt hại lớn cho cả châu Âu. “Nếu để tình thế bế tắc trong tương lai vùng Donbass càng kéo dài, áp lực nội bộ của các bên sẽ càng gia tăng, kéo theo rủi ro tính toán sai lầm và sự cố châm ngòi thùng thuốc súng Ukraine”.

Bán đảo Crimea: Mối quan hệ giữa Ukraine và Nga đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2014, khi Moskva sáp nhập Bán đảo Crimea bên bờ Biển Đen và bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Kênh đào Bắc Crimea là một kênh đào cung cấp nước tưới tiêu cho tỉnh Kherson (miền nam Ukraina) và Crimea. Kênh khởi đầu từ hồ chứa nước Kakhovka, chảy dài hướng về phía thành phố Kerch ở bờ đông bán đảo Crimea và chấm dứt khi cách thành phố chỉ một quãng ngắn. Kênh được xây dựng trong giai đoạn 1961-1971 và có nhiều nhánh. Kênh dài 403 km.

Khoảng 85% lượng nước Crimea dùng đều được lấy từ kênh đào Bắc Crimea. Sau khủng hoảng Crimea 2014 và việc Nga nắm quyền kiểm soát Crimea, phía Ukraine có hành động chặn bớt và đóng cửa kênh. Giữa tháng 4 năm 2014, nước này giảm 2/3 lưu lượng nước cung cấp, từ 50 m³/s xuống còn 16 m³/s. Ngày 26 tháng 4 năm 2014, Ukraine đóng kênh, chỉ một ngày sau khi Krym và Ukraina thiết lập “biên giới nhà nước” và đề ra quy tắc qua lại biên giới.

Thủ tướng trên thực tế của Crimea là Sergey Aksyonov cho biết hoạt động trồng lúa bị ảnh hưởng nặng nề nhất và Crimea đang lập kế hoạch phân bố lại cây trồng ở những nơi không sẵn nguồn nước. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu có thể Nga sẽ xây một đường ống dẫn nước từ vùng Kuban đến Crimea, xuyên qua biển Azov.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/1/19/Nord-Krim-Kanal.png/300px-Nord-Krim-Kanal.png

Kênh đào Bắc Crimea

KẾT LUẬN

Tên lửa và đạn pháo của Nga bắt đầu rơi xuống các thành phố của Ukraine hôm 24/2 ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt cả trên bộ và trên không vào Ukraine. Chiến dịch của Nga tại Ukraine được dự đoán sẽ diễn ra chóng vánh, như chiến dịch quân sự kéo dài 12 ngày ở Gruzia năm 2008 và sáp nhập bán đảo Crimea trong một tháng vào năm 2014. Chuyên gia quốc tế cho rằng, một số cuộc bầu cử có thể được tổ chức sau khi chiến dịch của Nga kết thúc, với điều kiện chính quyền mới đồng ý theo đuổi chính sách thân thiện với Nga và không đưa Ukraine gia nhập NATO. Nếu không được như vậy thì Putin cũng cố gắng chiếm một số khu vực để cắt bớt đi một phần lãnh thổ Ukraine.

Về phương diện địa chính trị thì Ukraine và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Quan hệ Ukraine – Nga và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có sự tương đồng của thân phận nước nhỏ bên cạnh nước lớn, thường xuyên bị đe dọa. Điều khác biệt lớn lao là Ukraine và Nga đã có lúc xem nhau như anh em ruột thịt trong khi Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia thù địch. Việt Nam, với sự quyết tâm của toàn quân dân, đã sẵn sàng ngay trong những phút đầu. Ukraine không có được điều này. Trong khá nhiều khía cạnh, tình hình tại Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể áp dụng cho Ukraine và các nước Đông Âu. Hiện nay, tiếp giáp với Nga tại Đông Á có Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan Uzbekistan với nhiều tài nguyên về khoáng sản. Phía Tây của Nga Sô là 6 quốc gia: Phần Lan, Estonia, Latvia, Litvia, Belarus và Ukraine. Phần Lan giữ vai trò như một nước trung lập và đã chuyển đổi nhanh chóng thành một nền kinh tế công nghiệp phát triển cao vào hàng bậc nhất châu Âu. 3 nước Estonia, Latvia, Litvia gia nhập NATO từ 2004 và được xem là không ưa Nga Sô.  Còn lại 2 quốc gia mà vị trí rất là quan trọng đối với Nga trong thách thức với NATO: đó là Belarus và Ukraine. Belarus vẫn chọn đường trung thành với Nga. Ukraine đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi kể từ 2014: Mất bán đảo Crimea và 2 vùng ly khai Donetsk và Luhansk tại Donbass, mất quyền lợi của các ống dẫn dầu khí, kinh tế kiệt quệ. Có những vấn đề mà hầu như không ai có thể giải quyết được như ai sẽ trả 2 tỷ USD cho Ukraine nếu đường ống dẫn khí dòng chảy phương Bắc 2 giữa Đức và Nga được khai thác. Chiến tranh Ukraine – Nga Sô đã bùng nổ. Còn quá sớm để tiên đoán những gì sẽ xảy ra. Dù kết quả ra sao thì vấn đề tùy thuộc vào quyết tâm chiến đấu của người dân Ukraine.

THAM KHẢO

  1. Liên Xô – Wikipedia tiếng Việt
  2. Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia
  3. Bài viết “Quân đội Ukraine “khủng” ra sao? Có thể chống chọi bao lâu nếu Nga tấn công? đăng trên mạng ngày 14/2/2022.
  4. Bài viết “Cơ Khí Chế Tạo Ở Ukraine: Ngành Công Nghiệp Và Xu Hướng Hiện Nay” đăng trên mạng Delarchive ngày 7/1/2021.
  5. Toàn bộ diễn văn: Putin tuyên chiến với Ukraine, nói phương Tây ‘dối trá’
  6. Bài viết “30 năm dẫn đến xung đột Nga – Ukraine” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 24/2/2022.
  7. Bài viết “Toàn cảnh đường ống khí đốt Nga Nord Stream 2 chia rẽ phương Tây” đăng trên mạng Lao Động Online ngày 20/1/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *