Vạn Thịnh Phát và thị trường Bất động sản Việt Nam

185 (lượt xem) |

CÔNG TY VẠN THỊNH PHÁT

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có và bí ẩn tại Việt Nam, bởi thông tin về những người chủ đều chỉ có một vài dòng ngắn gọn trên website và gần như không tiếp xúc với giới truyền thông. Tập đoàn này được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của gia tộc bí ẩn, giàu có nhất Việt Nam "khủng" cỡ nào? - Ảnh 1

Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chồng là ông Chu Nap Kee Eric. (Ảnh: Internet)

Bà Trương Mỹ Lan, 66 tuổi, là một doanh nhân người Việt gốc Hoa, tên thật là Trương Muội, xuất thân là người bán vải ở chợ An Đông, Quận 5, Sài Gòn. Từ một tiểu thương buôn vải tại chợ An Đông, cuộc đời đưa đẩy bà Lan gặp và kết nghĩa được chị em với Trương Thị Hiền – em gái Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và là phu nhân của Hai Nhựt Lê Thanh Hải, Bí thư Quận 5 thời đó – mà số phận đã thay đổi 180º. Dựa vào gia tộc Lê Thanh Hải, Vạn Thịnh Phát đã trở thành tập đoàn khổng lồ, tổng số vốn lên đến hàng tỷ Mỹ kim. Từ đất đai dân nghèo Thủ Thiêm, đến các công sản trung tâm đô thành, lần lượt lọt vào tay tài phiệt Trương Mỹ Lan. Trong một thời gian dài, bà Trương Muội đã xây dựng được một “đế chế” kinh doanh hùng mạnh mang tên Vạn Thịnh Phát (VTP), có giá trị nhiều tỷ đô la, với nhiều công ty con trong các lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản. Để đánh bóng tên tuổi và đánh lừa dư luận, bà Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan, giống với bà Trương Mỹ Hoa, chị của bà Trương Thị Hiền, và là cựu phó chủ tịch nước.

lethanhhaitruongmylan.jpeg

Cựu Bí thư TPHCM Lê Thanh Hải và bà Trương Mỹ Lan trong một sự kiện trước đây không rõ ngày tháng. Hình: internet

Quá trình lớn mạnh của VTP gắn chặt với quá trình thăng tiến của ông Lê Thanh Hải, từ người đứng đầu cơ sở đảng CSVN ở Quận 5 lên tới Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đảng toàn quốc, đến mức khó tách bạch rõ ông Hải đỡ đầu cho bà Lan của VTP hay ngược lại. Có điều, nhờ quyền lực của ông Hải ở Sài Gòn mà VTP thâu tóm được rất nhiều những lô đất “kim cương” ở trung tâm thành phố có thời được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông. Những lô đất này từng là dinh thự của các cơ quan chính phủ thời VNCH, bị chính quyền cộng sản tịch thu sau ngày miền Nam sụp đổ. Cấu kết, ăn chia với ông Lê Thanh Hải và tay chân, VTP được giao các lô đất đó với giá rẻ để phát triển thành các dự án cao cấp như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton, cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, khách sạn thương mại An Đông-Windsor, khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza …

VTP chỉ là một trong nhiều công ty bất động sản của phe ông Lê Thanh Hải và đồng bọn, nhưng có lẽ là công ty được ưu ái nhất, được dành nhiều lô đất đẹp nhất ở các đại lộ trung tâm Quận 1. Và không chỉ ông Hải, VTP còn có bè cánh với các quan chức cao cấp ở Ba Đình. Ngày 7 Tháng Giêng, 2014, trong vụ án tại Cục Hàng Hải, bị cáo Dương Chí Dũng khai với tòa rằng ông đã giúp bà Trương Mỹ Lan chuyển 20 tỷ đồng ($1 triệu) cho Thượng Tướng Phạm Quý Ngọ, lúc đó là thứ trưởng Bộ Công An, để nhờ ông giúp VTP được thực hiện dự án trên khu đất Cảng Nhà Rồng, ở Khánh Hội, Quận 4, sau khi cảng Sài Gòn được di dời về Cát Lái. Sau lời khai đó, ông Ngọ lăn ra chết một cách bí ẩn (báo chí đăng là bị ung thư) mà bà Lan vẫn vô can, được coi là “bất khả xâm phạm” chứng tỏ bà có ô dù rất lớn che chở.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Có đất đẹp, VTP liền huy động tiền bạc để thực hiện các dự án. Cách làm ăn thông thường của các đại gia bất động sản Việt Nam “tay không bắt giặc” là thành lập ngân hàng, lấy nguồn tiền của bá tánh để làm vốn. Được sự chống lưng của NHNN, năm 2011, bà Lan thâu tóm ba ngân hàng nhỏ là Ngân Hàng Sài Gòn, Ngân Hàng Đệ Nhất (FCB) và Ngân Hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TNB) nhập chúng vào thành một ngân hàng mới lấy tên cũ là Ngân Hàng Sài Gòn (SCB).

Tuy không ra mặt, nhưng ở Sài Gòn, ai cũng biết bà Trương Mỹ Lan và VTP chính là chủ nhân thực sự của SCB. Ngân hàng này huy động tiền tiết kiệm của dân bằng việc trả tiền lời cao hơn từ một đến hai “chấm” so với các ngân hàng thương mại khác nên luôn có lượng khách rất đông đảo, phần lớn là người về hưu, người kinh doanh nhỏ ham tiền lời cao và tin vào sự “bất khả xâm phạm” của bà Lan.

Dòng tiền không chảy trực tiếp từ SCB tới các dự án của VTP mà đi vòng qua các công ty đầu tư như công ty đầu tư An Đông, công ty đầu tư Times Square, công ty tập đoàn Sài Gòn Peninsula… tất cả đều là những chân rết huy động vốn cho VTP. Người gửi tiền vào SCB được khuyến khích mua trái phiếu (bond) có tiền lời cao của các công ty đầu tư này, SCB bảo đảm mua lại trái phiếu khi đáo hạn. Chính vì thế, khi có tin “Bộ Công An quyết định khởi tố vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ xảy ra tại công ty cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông” thì người có tiền gửi ở SCB như ngồi trên đống lửa, gọi nhau đi rút tiền thì đã muộn!

Ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm bị truy tố, bị tạm giam để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” theo Điều 174 Bộ Luật Hình Sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo kết quả điều tra ban đầu, các bị can đã gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018 – 2019, trong đó chỉ riêng công ty An Đông chiếm đoạt khoảng 25,000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Văn bản truy tố chưa đề cập tới những hành vi vi phạm pháp luật khác của bà Lan và VTP như hối lộ hoặc câu kết với quan chức để trục lợi.

Từ án kinh tế tới động đất chính trị: Nếu chỉ căn cứ vào thông tin của cơ quan điều tra Bộ Công An thì vụ bắt giam bà Trương Mỹ Lan chỉ là một vụ án kinh tế như hàng chục vụ án bất động sản và ngân hàng mấy năm gần đây. Nhưng để phá một vụ án như vậy, có cần ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải cất công dẫn một phái đoàn cao cấp – bao gồm bốn ủy viên Bộ Chính Trị, trong đó có hai bộ trưởng Công An và Quốc Phòng – từ Hà Nội vào Sài Gòn hôm 23 Tháng Chín để họp với ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy và cũng là một ủy viên Bộ Chính Trị.

Chuyến kinh lý của ông Trọng, cùng với những mối quan hệ chằng chịt giữa VTP với các giới chức đảng và chính phủ khiến dư luận nghi ngờ rằng vụ án đã trở thành một vụ “động đất chính trị”.

Ai cũng tin, bà Trương Mỹ Lan sẽ là đầu mối dẫn tới việc thanh trừng ông Lê Thanh Hải và bộ sậu của ông – gồm các cựu lãnh đạo thành phố như ông Lê Hoàng Quân (chủ tịch), ông Nguyễn Văn Đua (phó chủ tịch), ông Nguyễn Thành Phong (chủ tịch), sau khi ông Nguyễn Thành Tài (phó chủ tịch) và ông Tất Thành Cang (phó chủ tịch) lần lượt ra trước vành móng ngựa gần đây. Niềm tin là như thế nhưng cái “lò” của ông Trọng có đốt được củi gộc như vậy hay không thì chưa biết chắc được.

Liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan còn có những cái chết bí ẩn. Ngày cuối tháng 7 năm 2019, Bộ Công an gần như bị “á khẩu” về nguyên nhân cái chết của ông Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Rồi sau đó, từ cái chết của ông Phạm Quý Ngọ, gần đây lại có những cái chết khó hiểu của ông Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch công ty chứng khoán Tân Việt, thành viên hội đồng quản trị SCB trong đế chế VTP và là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, phó tổng giám đốc tập đoàn VTP. Ông Thành chết một ngày trước khi bà Lan tra tay vào còng. Bí ẩn nhất là cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, người cùng bị bắt với bà Trương Mỹ Lan, và chết không rõ lý do trong lúc bị tạm giam. Ngày 17/10, một người đại diện của nhà tang lễ Vãng Sanh Đường, chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, Sài Gòn, xác nhận với nhật báo Người Việt qua điện thoại, rằng đám tang ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch Tập đoàn Sài Gòn Penninsula – một công ty con của Vạn Thịnh Phát, được tổ chức tại đây. Trong lá thư dặn gia đình, người được cho là ông Dương dặn vợ “nghỉ việc, lo cho hai con”, nhắn nhủ con mình “mạnh mẽ” và “ráng học thành tài”.

Chùa Vĩnh Nghiêm xác nhận đám tang một giám đốc của Vạn Thịnh Phát 'nhảy  lầu'

Lời dặn gia đình của ông Nguyễn Ngọc Dương

Theo The Singapore Post, ông Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ), chồng của Trương Mỹ Lan, là người Quảng Đông và kinh doanh bất động sản, được cho là “có họ hàng xa” với ông Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng Công An Trung Quốc. Ông Khang tuy bị “thất sủng” nhưng vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên cấp cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cũng theo tờ báo này, ông Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Ngọc Dương và bà Nguyễn Phương Hồng “đã bị gián điệp Trung Quốc” loại bỏ để cứu bà Trương Mỹ Lan, vì ba người này nắm giữ bằng chứng cho tất cả những hành vi sai trái của bà Lan.

Những dự án bất động sản của VTP: Bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát một thời kỳ là tâm điểm của dư luận lúc doanh nghiệp do bà lãnh đạo chi 10,000 tỷ đồng để tậu lại tòa tháp Vincom Centre A (TP.HCM) sau đó đổi tên thành Union Sq … Rồi tới tháng 8/2015, báo chí lại nhắc tới tên bà Lan và Vạn Thịnh Phát lúc đầu tư vào Thuận Kiều Plaza và phá toàn bộ tòa nhà này để xây mới.

Ngoài những dự án nằm trên “đất vàng” trên, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương nghiệp An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence….

Gia tộc bà Trương Mỹ Lan cũng đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD) để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp ở ngay trung tâm quận 3.

Ngoài các dự án nằm trên “đất vàng” nêu trên, hồi tháng 4/2016, Vạn Thịnh Phát cũng đã khởi công xây dựng dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD, thuộc phường Phú Thuận, quận 7 với tổng diện tích 118 ha, nhưng hơn 1 năm qua dự án này vẫn còn “án binh bất động”.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của gia tộc bí ẩn, giàu có nhất Việt Nam "khủng" cỡ nào? - Ảnh 2

Bà Trương Mỹ Lan và các dự án khủng tại TP.HCM

156 cao ốc và khu “đất vàng” liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát vừa bị Bộ Công An Việt Nam yêu cầu Sở Tài Nguyên – Môi Trường ở Sài Gòn “khẩn trương tiến hành rà soát nguồn gốc và quyền sử dụng đất”. Theo báo Zing hôm 20/10, 156 cao ốc và khu “đất vàng” tập trung tại các quận 1, 3, 5, 7 và thành phố Thủ Đức, Sài Gòn.

Thâu túm ngành Ngân hàng: Bên cạnh những dự án bất động sản kếch xù nằm ở trung tâm TP.HCM, “bà trùm” của Vạn Thịnh Phát còn được biết đến với tư cách là cổ đông lớn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Tại thời điểm 2021, SCB có vốn điều lệ lên đến 26,674 tỷ đồng tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, SCB với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 718 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, mang về 2,479 tỷ đồng. Các mảng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan sau 6 tháng như lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng 454%; từ kinh doanh ngoại hối tăng 8%; thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng 413%.

Mặt khác, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 22% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và hoạt động khác cũng giảm lần lượt 84% và 92% so với cùng kỳ.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của SCB đạt 761,178 tỷ đồng (31.7 tỷ USD), tăng 8,3% so với cuối năm trước, trong đó cho vay khách hàng tăng 8,1% đạt 389,792 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 16,1% đạt 594,630 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu sau 6 tháng của ngân hàng giảm 4% còn hơn 3.800 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,1% cuối năm trước về 0,98%. Ngân hàng hiện có hơn 58,678 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC trong đó đã trích lập dự phòng được 14,798 tỷ đồng.

Ngày 14/10, Ngân hàng trung ương Việt Nam thực hiện một bước bất thường khi đặt SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt” và chỉ thị bốn tập đoàn ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) cử giám đốc tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.

Các công ty nghìn tỷ trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát Group: Số công ty có vốn điều lệ sơ khởi trên 10,000 tỷ (417 triệu USD) lên đến gần chục công ty. Dưới đây là một số cái tên nổi bật:

  • CTCP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula – Vốn đăng ký: 18,000 tỷ đồng (750 triệuUSD). Theo các dữ liệu chúng tôi có được, đây đang là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong số các công ty có liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Sài Gòn Peninsula là chủ đầu tư của dự án Saigon Peninsula, còn được biết đến với tên gọi Dự án công viên Mũi Đèn Đỏ. Dự án này có quy mô 118 ha, nằm tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè. Theo dự kiến, dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD. Dự án gồm khu công viên hỗn hợp đa chức năng rộng 82 ha và khu đô thị rộng 36 ha.
  • CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) – Vốn đăng ký: 12,800 tỷ đồng (533 triệu USD).
  • CTCP Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Sai Gon Investment Group) – Vốn đăng ký: 12,720 tỷ đồng (530 triệu USD).
  • CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group) -Vốn đăng ký: 12,000 tỷ đồng (500 triệu USD). VIPD Group chính là công ty đã đứng ra mua lại trung tâm thương mại Vincom Centre A từ tập đoàn Vingroup với giá gần 10.000 tỷ đồng vào năm 2013. Trung tâm thương mại này sau đó được đổi tên thành Union Squre. Trên website của mình, VIPD Group cho biết tập đoàn này sẽ triển khai một số dự án khác trong tương lai như SJC Tower, Khu công nghiệp Minh Ngân, VIPD Tower, Catinat Square.
  • CTCP Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD) – Vốn đăng ký: 11.000 tỷ đồng (458 triệu USD).
  • Tập đoàn đầu tư An Đông (Tên cũ : CTCP Đầu tư An Đông) – Vốn đăng ký : 9,000 tỷ đồng (375 triệu USD). An Đông là chủ đầu tư của tổ hợp Trung tâm thương mại An Đông và khách sạn Windsor Plaza tại Quận 5, TP.HCM.
  • CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp): Doanh nghiệp này là chủ đầu tư siêu dự án Sài Gòn Bình An có quy mô lên đến 117 ha tại phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM.

Các công ty làm ăn với Vạn Thịnh Phát:

  • Tổng công ty Tín Nghĩa: Trưa 21/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Quách Văn Đức, nguyên tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Tín Nghĩa (TP Biên Hòa). Theo điều tra của công an, việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Đức có liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh. Dự án này có diện tích trên 500 ha tại hai xã Long Tân, Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch, còn gọi là dự án Đông Sài Gòn) do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư.
  • Tập đoàn Tân Hoàng Minh: Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày 5/4/2022. Ông Đỗ Anh Dũng hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt. Gần đây, Tân Hoàng Minh liên quan một số sự việc gây xôn xao dư luận. Ngày 10/12/2021, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng thầu lô đất 3/12 ở Thủ Thiêm với giá 24,500 tỷ đồng, gấp 8.3 lần giá chào. Từ đây, đơn giá mỗi m² lô đất này lên ngưỡng 2.43 tỷ đồng một m², lập đỉnh tại thị trường Việt Nam. Đến ngày 10/1, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bất ngờ xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 2.45 tỷ đồng một m² ở Thủ Thiêm.

Tài sản của Vạn Thịnh Phát: Cuối năm 2019, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tăng vốn điều lệ từ 6,000 tỷ đồng lên 13,000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông trong nước. Số vốn điều lệ này vượt qua cả hai tập đoàn khác mà Vạn Thịnh Phát tham gia thành lập là Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) vốn điều lệ 12,800 tỷ đồng và Tập đoàn Đầu tư An Đông (An Dong Group) vốn điều lệ 9,000 tỷ đồng.

Cùng với đợt tăng vốn, tình hình tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng lần đầu được tiết lộ. Theo đó, quy mô tổng tài sản của công ty mẹ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào cuối năm 2019 là 15,464 tỷ đồng (644 triệu USD), được phân bổ vào các khoản đầu tư dài hạn (gần 11,000 tỷ đồng) và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn khoản 3,320 tỷ đồng. Ngoài số vốn điều lệ mới tăng lên 13,000 tỷ đồng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hiện có hơn 2,000 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại. Trước đợt tăng vốn này, công ty mẹ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trực tiếp đứng ra vay nợ dài hạn khoảng 4,000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi tăng vốn, khoản nợ dài hạn đã được thanh lý và tổng các khoản nợ trên báo cáo tài chính của công ty mẹ chỉ chưa đầy 380 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty mẹ đạt trên 15,000 tỷ đồng, nhưng trên thực tế tập đoàn này đang sở hữu nhiều BĐS và nhiều tài sản khác mà đánh giá sơ bộ lên hàng chục nghìn tỷ đồng.

Những dự án BĐS nổi bật đã được đưa vào khai thác và góp phần đưa tên tuổi của tập đoàn này nổi lên trong hàng ngũ những tập đoàn đầu tư BĐS hàng đầu của Việt Nam phải kể đến là:

  • Trung tâm thương mại Union Square tọa lạc ngay tại khu trung tâm hành chính thương mại, nơi có lịch sử giao thương sầm uất bậc nhất thành phố với 4 mặt tiền hướng ra 4 tuyến phố trung tâm (Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ). 
  • Dự án khách sạn Thương mại An Đông – Windsor Plaza Hotel và Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence An Đông – Windsor Plaza Hotel là khách sạn đầu tiên tại Việt Nam do nhà đầu tư tư nhân đầu tư và quản lý đạt tiêu chuẩn 5 sao với 400 phòng, trung tâm thương mại, các nhà hàng, phòng hội nghị có sức chứa lên đến 1.800 người.
  • Trong khi đó, Sherwood Residence, tọa lạc tại số 127 Pasteur, Q.3, cao 22 tầng, với 228 căn hộ và 12 căn penthouse. Đây cũng là Tòa nhà căn hộ dịch vụ đầu tiên được Tổng cục Du lịch công nhận đạt chuẩn 5 sao.
  • Một dự án đình đám khác của Vạn Thịnh Phát không thể không nhắc đến là tổ hợp Times Square, tọa lạc ngay mặt tiền tại 2 con đường đắt đỏ nhất TP. HCM là Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, quận 1. Đây là cao ốc phức hợp 39 tầng gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng và căn hộ. Khách sạn bên trong tòa nhà này mang tên Saigon Reverie đạt tiêu chuẩn 6 sao.
Cho Thuê Căn Hộ The Reverie Saigon Giá Rẻ

Khách sạn Riverie Sài Gòn

  • Vào năm 2015, một căn biệt thự cổ rộng gần 3,000 m² với 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) được xem là khu đất “vàng” sau thời gian rao bán 35 triệu USD đã được chuyển nhượng cho những thành viên thuộc gia tộc bà Trương Mỹ Lan với giá gần 700 tỉ đồng gây xôn xao giới đầu tư BĐS và cả tò mò cho người dân TP. HCM.
  • Vạn Thịnh Phát còn sở hữu các dự án nổi tiếng khác nằm ở các vị trí đắc địa thuộc trung tâm TP. HCM như: Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza (nay là Garden Complex); Trung tâm dịch vụ văn phòng Vạn Thịnh Phát cao 15 tầng tại TP. HCM, tọa lạc ngay tại số 8 đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM. Cùng các nhà hàng Cafe Central Nguyễn Huệ, Hữu Nghị, Đức Bảo và hàng loạt các dự án khác.
  • Liên quan đến Vạn Thịnh Phát, không thể không nhắc đến Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula, chủ đầu tư của dự án Saigon Peninsula, còn được biết đến với tên gọi Dự án công viên Mũi Đèn Đỏ. Dự án này có quy mô 118 ha, nằm tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD bao gồm khu công viên hỗn hợp đa chức năng rộng 82 ha và khu đô thị rộng 36 ha. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.

Dự án Saigon Peninsula

  • Ngoài ra, tại một số địa phương khác như Long An, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu 36 dự án tại huyện Cần Giuộc với tổng diện tích lên đến 2,086 ha, nhưng vẫn chưa thể triển khai do đang vướng tranh chấp và chưa đền bù giải toả cho người dân … Với hàng loạt dự án đầu tư và các khoản đầu tư liên doanh, liên kết khác, thực tế khó có thể “định giá” được đầy đủ tổng tài sản của Vạn Thịnh Phát. Các số liệu tài chính nhỏ giọt của Vạn Thịnh Phát vì vậy, tuy chưa hoàn toàn phản ánh hết sức mạnh và năng lực tài chính của Tập đoàn này, nhưng đang được khá nhiều nhà đầu tư chú ý.

ÔNG LÊ THANH HẢI VÀ THẾ LỰC MIỀN NAM

Ông Hải sinh ngày 20 tháng 2 năm 1950, tại Tam Hiệp, Châu Thành, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Năm 1966, ông lên Sài Gòn làm thợ hàn và tham gia vào Đội võ trang tuyên truyền thuộc Khu Đoàn Sài Gòn Gia Định với bí danh Hai Nhựt.

Từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 10 năm 1986 ông là Quận ủy viên quận Tân Bình kiêm Bí thư phường, Chủ tịch phường, Bí thư Quận Đoàn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn kiêm Trưởng ban Công nghiệp Thành Đoàn; Phó Bí thư Đảng ủy Cấp trên cơ sở kiêm Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên Xung phong TP.HCM.

Ngày 18 tháng 5 năm 2001, ông được Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa 6 bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM trong kỳ họp bất thường với 78/85 đại biểu có mặt. Trước đó, ông Võ Viết Thanh, Chủ tịch UBND TPHCM đã xin từ nhiệm và đã được Hội đồng nhân dân TPHCM chấp thuận. Ngay sau khi đắc cử, ngoài hai Phó Chủ tịch cũ là Nguyễn Thiện Nhân và Vũ Hùng Việt, Lê Thanh Hải giới thiệu thêm ba đại biểu vào chức danh Phó Chủ tịch UBND TPHCM gồm Mai Quốc Bình, Huỳnh Thị Nhân (Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá, và Nguyễn Thành Tài (Chánh văn phòng UBND TPHCM) và ba người này cũng được phê chuẩn.

Tháng 4 năm 2006, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ X, ông được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 28 tháng 6 năm 2006, sau khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết được bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký Quyết định phân công ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2005 – 2010. Ông tái đắc cử chức vụ này nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Tháng 10 năm 2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 bầu khuyết chức vụ Bí thư Thành ủy. Ông được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Thành ủy. Tại Đại hội XII đảng Cộng Sản Việt Nam ông không tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vì vậy cũng kết thúc nhiệm kỳ tại Bộ Chính trị, thôi giữ chức. Kế nhiệm ông trong chức vụ này là ông Đinh La Thăng (đã bị khai trừ Đảng).

Ngày 8/1/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, dưới sự chủ trì Chủ nhiệm ủy ban Trần Cẩm Tú: Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội. Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy,

Ngày 20/3/2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.  Tuy nhiên, mọichuyện dường như đi vào quên lãng cho đến khi vụ Vạn Thịnh Phát bùng nổ.

Quanh sự kiện cựu Bí thư Lê Thanh Hải 'nói mạnh về chống tham nhũng' - BBC  News Tiếng Việt

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Ông Lê Thanh Hải – ông Nguyễn Tấn Dũng – ông Nguyễn Xuân Phúc

BÀ TRƯƠNG MỸ LAN VÀ ÔNG LÊ THANH HẢI

Bà Trương Mỹ Lan là người Việt gốc Hoa, tên khai sinh là Trương Muội, xuất thân là người bán vải ở chợ An Đông tại Quận 5 Sài Gòn. Do mối quan hệ nào đó, bà kết thân với bà Trương Thị Hiền, vợ ông Lê Thanh Hải (tức Hai Nhựt), lúc ông Hải còn là Bí thư Quận 5 đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Bà Hiền cũng là em gái của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam. Không biết có phải do đánh bóng tên tuổi hay không mà bà Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan cho giống bà Trương Mỹ Hoa, làm dư luận bán tín bán nghi rằng bà ta cũng là em của bà phó chủ tịch nước.

Khởi đầu, bà Lan mở công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát (VTP) vào năm 1992, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng, khách sạn nhưng không mấy thành công. Vào năm 2007, công ty này mở rộng sang lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản, thành lập thêm công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông. Bà có chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong. 

Tập đoàn VTP của bà Lan đã và đang sở hữu những bất động sản được cho là đắc địa bậc nhất ở Sài Gòn, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Cách làm của VTP là thâu tóm những “công sản” – tức những khu nhà ở, dinh thự có giá trị lớn nằm ở những đường phố trung tâm, vốn là dinh thự của chế độ miền Nam cũ bị nhà nước cộng sản tịch thu và quản lý; sau đó huy động vốn thực hiện dự án và đẩy giá lên ngất ngưởng như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton; cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, khách sạn thương mại An Đông-Windsor, khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza …

Phần lớn những bất động sản mà VTP thâu tóm được diễn ra trong 15 năm, thời ông Lê Thanh Hải làm lãnh đạo Sài Gòn. Ông Hải làm Chủ tịch thành phố từ 2001 đến 2006 và làm Bí thư thành ủy từ 2006 đến 2015. Tuy chưa có bằng chứng công khai về quan hệ cấu kết giữa tập đoàn VTP và gia đình Lê Thanh Hải, nhưng theo thực tế Việt Nam, việc mua các bất động sản do nhà nước cộng sản sở hữu và quản lý là chuyện vô cùng khó; bao giờ cũng phải có sự đồng thuận, thậm chí hợp tác ăn chia của giới chức chóp bu của thành phố và cấp cao hơn. 

Là một nhà kinh doanh gốc Hoa, vợ chồng bà Lan rành sáu câu các thủ đoạn hối lộ, mua chuộc chính quyền để giành lợi thế kinh doanh. Tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng đầu năm 2014, với tư cách là một nhân chứng, Dương Chí Dũng khai đã nhận của bà Lan 20 tỷ đồng (1 triệu USD) để chuyển cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó, để xin cho công ty VTP được thực hiện dự án trên khu đất Cảng Nhà Rồng, ở Khánh Hội, Quận 4 sau khi cảng Sài Gòn được di dời về Cát Lái.

Dư luận về sự thông đồng hối mại quyền thế giữa công ty VTP của bà Lan và ủy viên bộ chính trị, bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải để bòn rút của công là hoàn toàn có cơ sở nhưng cho tới nay vẫn bị guồng máy cai trị của ĐCSVN giấu nhẹm, không công khai điều tra xử lý. Nhiều người dự đoán bắt giữ bà Trương Mỹ Lan là bước đầu dẫn tới việc tóm cổ Lê Thanh Hải, một hung thần gây ra bao oan khuất của người dân bán đảo Thủ Thiêm, một con sâu thuộc loại bự nhất trong bầy sâu tham nhũng của chế độ Hà Nội. 

Tin đồn bà Trương Mỹ Lan bị bắt đã râm ran trên mạng nhiều ngày trước, ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến kinh lý bí mật tới Sài Gòn hôm 23/9/2022. Trong chuyến đi, ông Trọng dẫn theo đến bốn ủy viên bộ chính trị phụ trách các lĩnh vực tổ chức, tuyên giáo, quân đội và công an – một phái đoàn không đông nhưng quyền lực rất lớn. Tin tức nội bộ cho biết, một phái đoàn hùng hậu như vậy cất công từ Hà Nội vào không phải để “thăm và làm việc với lãnh đạo Sài Gòn” như tuyên truyền công khai mà là để đập nát một đế chế thao túng nền kinh tế, chuẩn bị bắt vô lò một số cựu lãnh đạo cao cấp của thành phố. 

Ngoài “bố già” Lê Thanh Hải, những kẻ có thể bị biến thành củi do cấu kết với VTP dự báo sẽ là Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch TP.HCM, Nguyễn Văn Đua, cựu Phó Bí thư đều nằm trong phe cáo già đầu sỏ Lê Thanh Hải chủ trương bán tài sản cho gian thương để ăn chia và gây ra thảm án Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua. Một cựu Chủ tịch khác của TP.HCM, Nguyễn Thành Phong, vừa bị loại khỏi ban chấp hành trung ương ĐCSVN đầu Tháng Mười vừa qua, dự kiến sẽ cùng chung số phận.

VẠN THỊNH PHÁT VÀ TÌNH BÁO TRUNG QUỐC

Ngoài quan hệ với gia đình Lê Thanh Hải và phe lãnh đạo Sài Gòn, bà Trương Mỹ Lan còn có quan hệ với giới kinh doanh bất động sản Hong Kong và Trung Quốc qua vai trò của doanh nhân Eric Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ), người Trung Quốc, chồng bà Lan. 

Báo Singapore Post cho biết thêm từ nhiều năm qua, một lượng lớn người gốc Hoa ở Việt Nam đổ tiền mua các khu đất nằm tại các vị trí chiến lược và hầu hết trong số họ có mối quan hệ với Trung Quốc đại lục. Thậm chí khi chính phủ Việt Nam cấm người ngoại quốc mua đất ven biển Đà Nẵng, người Trung Quốc đã lách điều khoản này bằng cách kết hôn với người địa phương hoặc nhờ người Việt Nam đứng tên mua đất. Các doanh nhân Trung Quốc được ghi nhận mua một lượng lớn nhà và khu đất tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nơi có vị trí chiến lược trong Vịnh Bắc Bộ, Singapore Post đưa tin

Đảng và Nhà nước đang sử dụng đại án Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chấm dứt một ung nhọt đã kéo dài quá lâu. Hai Nhựt được bảo vệ nhiều tầng, nhiều lớp và Hà Nội vẫn chưa vượt qua được “con chốt” Mỹ Lan, để đánh sập một trong những pháo đài kiên cố của các đại gia gốc Hoa ở Sài Gòn. Hà Nội không thể không biết những ai đã đặt “ống đu đủ” phù phép Vạn Thịnh Phát lớn như ngày nay. Dù là đồn đoán, nhưng khi lượng định giá trị bất động sản hiện nay của bà Lan và của các Công ty con so với cách thức kinh doanh của Tập đoàn, một dấu hỏi to tưởng: Nguồn tiền của Vạn Thịnh Phát chủ yếu từ đâu? Quốc tịch của ông chồng Chu Lập Cơ, những kết nối có thể thấy được qua những lần ông trùm An ninh Chu Vĩnh Khang thăm TP. HCM soi rọi phần nào các góc khuất của mối quan hệ chắc chắn bị Hà Nội nhiều lần đánh dấu hỏi. Thế rồi Chu Vĩnh Khang “ngã ngựa” bên Thiên triều, Hong Kong về hẳn với Trung Quốc. Đặc biệt thời gian gần đây, Bắc Kinh cũng đã và đang xử lý hàng chục tỷ phú có khuynh hướng lấn lướt chính quyền trung ương.

Thị trường và cung cách kinh doanh bất động sản ở Việt Nam không khác nhiều so với Trung Quốc, từ việc hối lộ và câu kết với quan chức cầm quyền tới huy động tiền gửi tiết kiệm của dân chúng thông qua các ngân hàng tư nhân, phát hành cổ phiếu của các công ty đầu tư và tiền ứng trước của người mua nhà. Một số công ty bất động sản lớn của Việt Nam đồng thời là chủ sở hữu ngân hàng tư nhân hoặc là cổ đông lớn, nắm quyền điều hành một số ngân hàng tư nhân nào đó, sử dụng ngân hàng để thu hút tiền gửi của người dân và sử dụng nó như một máy ATM riêng của công ty bất động sản. Công ty VTP của  bà Lan không ngoại lệ mà được biết đã vận dụng nhuần nhuyễn những thủ thuật này để thống trị thị trường bất động sản nóng sốt của Sài Gòn.

Đằng sau các dự án triệu đô, tỷ đô của VTP là các công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông. Tin “Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ xảy ra tại công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông” đã làm cho người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) như ngồi trên chảo lửa. Hàng ngàn người đã tập trung tại các điểm giao dịch của ngân hàng này trong mấy ngày qua, chầu chực để rút lại những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của họ, sau khi một bản tin trên báo Công An Nhân Dân hôm 7 Tháng Mười nói công ty Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan “được cho là nhóm cổ đông chính của ngân hàng SCB”. Hiện tượng người dân xếp hàng rồng rắn để rút tiền tại ngân hàng SCB đã buộc chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục ra thông cáo trấn an rằng SCB không liên quan và không bị ảnh hưởng từ việc bà Lan bị bắt giữ, khẳng định “sẽ có giải pháp bảo đảm SCB hoạt động bình thường”, nhưng tình trạng đổ xô đi rút tiền vẫn chưa giảm bớt.

Trương Mỹ Lan liên kết với tình báo Hoa Nam?: Cũng đã có tin đồn rằng, bà Trương Mỹ Lan và công ty VTP có mối liên kết bí mật với Cục Tình báo Hoa Nam của Trung Quốc, vì Bắc Kinh đổ tiền bạc và ảnh hưởng vào công ty VTP, sử dụng nó như một công cụ để thao túng thị trường bất động sản Sài Gòn, lũng đoạn bộ máy chính quyền và gây bất ổn xã hội. Một công cụ tương tự hoạt động ở khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam là tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết; ông Quyết hiện đã bị tạm giam chờ xét xử.

Tin đồn đó lan truyền mạnh sau năm 2014, khi bà Trương Mỹ Lan và chín thân nhân trong gia tộc là Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát, và Lâm Thị Hòa đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam để xin nhập tịch một nước khác. Tuy nhiên đến Tháng Sáu năm 2015, những người này đã “hồi tịch”, trở lại quốc tịch Việt Nam vì một lý do đơn giản: Không có quốc tịch Việt Nam thì không được sở hữu và kinh doanh nhà đất ở Sài Gòn.

Đảng và Nhà nước đang sử dụng đại án Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chơi trò chơi “vương quyền” và dàn xếp nội bộ. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ông Trọng thực chất là trò đấu đá nội bộ. Hiện nay, ông Trọng đang muốn xử lý Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), nhưng sau khi bắt nhiều “đàn em” của Hải rồi mà vẫn chưa phá được án. Hai Nhựt được bảo vệ nhiều tầng, nhiều lớp và Hà Nội vẫn chưa vượt qua được “con chốt” Mỹ Lan, để đánh sập một trong những pháo đài kiên cố của các đại gia gốc Hoa ở Sài Gòn. Hà Nội không thể không biết những ai đã đặt “ống đu đủ” phù phép Vạn Thịnh Phát lớn như ngày nay. Dù là đồn đoán, nhưng khi lượng định giá trị bất động sản hiện nay của bà Lan và của các Công ty con so với cách thức kinh doanh của Tập đoàn, một dấu hỏi to tưởng: Nguồn tiền của Vạn Thịnh Phát chủ yếu từ đâu? Quốc tịch của ông chồng Chu Lập Cơ, những kết nối có thể thấy được qua những lần ông trùm An ninh Chu Vĩnh Khang thăm TP. HCM soi rọi phần nào các góc khuất của mối quan hệ chắc chắn bị Hà Nội nhiều lần đánh dấu hỏi. Thế rồi Chu Vĩnh Khang “ngã ngựa” bên Thiên triều, Hong Kong về hẳn với Trung Quốc. Đặc biệt thời gian gần đây, Bắc Kinh cũng đã và đang xử lý hàng chục tỷ phú có khuynh hướng lấn lướt chính quyền trung ương.

Đành rằng bàn tay lông lá của Trung Quốc, của Cục Tình báo Hoa Nam khét tiếng của nước này, đã và đang thò sâu vào mọi mặt kinh tế – xã hội và chính trị của Việt Nam, dựa vào “mối quan hệ anh em” giữa hai đảng và hai chính phủ cùng thể chế Cộng Sản, nhưng vẫn chưa có nhiều bằng chứng khả tín cho thấy Tình báo Hoa Nam đứng đằng sau các công ty bất động sản VTP và FLC. Nếu quả thực những công ty này là công cụ của tình báo Trung Quốc thì ĐCSVN của ông Nguyễn Phú Trọng vuốt mặt phải nể mũi, nếu không muốn bị Bắc Kinh trả đũa. Câu chuyện “công cụ của tình báo Hoa Nam” ở đây có màu sắc của thuyết âm mưu hơn là biểu hiện thực tế. 

NHỮNG CÔNG TY LÀM ĂN VỚI VẠN THỊNH PHÁT

Phối hợp với Vạn Thịnh Phát là các tập đoàn đa quốc gia của Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và một số công ty thành lập tại TP.HCM mà nguồn gốc rất khó truy cập.

  • Báo chí từng đưa tin, công ty của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành cùng với tập đoàn hàng đầu của Nhật là Orix Corporation (Nhật Bản), từng lựa chọn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là đối tác địa phương để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào hạ tầng và logistics tại Việt Nam. Ông Thành được tạp chí Asiaweek chọn là người đàn ông quyền lực nhất châu Á vào năm 2001 với tổng tài sản 33 tỷ USD. ORIX Corporation, được đặt tên là ORIX, là một tập đoàn dịch vụ tài chính đa dạng của Nhật Bản có trụ sở chính tại Minato, Tokyo và Osaka, Nhật Bản. ORIX cung cấp dịch vụ cho thuê, cho vay, cho thuê, bảo hiểm nhân thọ, tài trợ và phát triển bất động sản, đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư và bán lẻ, quỹ hàng hóa và môi giới chứng khoán với tổng tài sản là 23.6 tỷ USD.
  • Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Sunny  (TP.HCM) đã tổ chức Lễ ký kết Hợp tác chiến lược với các đối tác lớn gồm Daiwa House của Nhật Bản với tổng tài sản 37 tỷ USD và Công ty Medi Hub của Nhật Bản, nhằm đồng hành, phát triển các dự án hạ tầng và bất động sản, các công viên chủ đề và các trung tâm chăm sóc sức khoẻ kỹ thuật cao.
  • Các thông tin công bố cho biết Viva Land hiện được dẫn dắt bởi Chủ tịch Chen Lian Pang, người có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và phát triển BĐS tại Châu Á. Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor (Tập đoàn WMC) hoạt động từ năm 2007 là công ty quản lý nhà hàng, khách sạn và bất động sản đặt trụ sở chính tại TP.HCM – Việt Nam.

NHỮNG LÙM XÙM LIÊN QUAN ĐẾN VẠN THỊNH PHÁT

  • Năm 2006, một số báo chí nhận được đơn của ông Ted Sioeng (quốc tịch Indonesia), tố cáo bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Chu Nap Kee Eric (quốc tịch Anh). Nội dung đơn nêu rõ, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát) đã lợi dụng chính sách đầu tư của Việt Nam, lừa dối ông Ted Sioeng trong việc hợp tác đầu tư dự án An Đông Plaza tại quận 5 và khu căn hộ 127 Pasteur tại quận 3, TP HCM. Ông Ted Sioeng đã chuyển vào các tài khoản cho bà Mỹ Lan tổng cộng 6 triệu USD. Tiền đã nhận đủ, song bà Mỹ Lan đã không thực hiện những điều cam kết theo hợp đồng … Vụ việc sau đó được hai bên tự thỏa thuận giải quyết.
  • Bà Lan cũng bị dính đến cáo buộc hối lộ Phạm Quý Ngọ: Có mặt tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, với tư cách là một nhân chứng, Dương Chí Dũng khai đã nhận của bà Lan 20 tỷ đồng (1 triệu USD) để chuyển cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an liên quan đến việc đưa hối lộ để “lót tay” cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội (quận 4, TP.HCM) sau khi Cảng Sài Gòn di dời.
  • Có tên trong hồ sơ Panama: “Hồ sơ Panama” là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Theo dữ liệu được công bố hồi tháng 5/2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một số nhân vật trong “Hồ sơ Panama” có tên giống với tên lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric.
  • Giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 6/2015 bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và được trả hồ sơ.
  • “Là người Hoa ở hải ngoại nên chúng tôi rất mong có thể giới thiệu những công ty Trung Quốc có chất lượng và mô hình kinh doanh đặc sắc như CMIG (China Minsheng Investment Group, viết tắt: CMIG) đến với Việt Nam, làm cầu nối cho “Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative – BRI)) tại các nước Asean trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi”. Vợ chồng doanh nhân Chu Nap Kee Eric – Trương Mỹ Lan nói tại buổi làm việc với Tập đoàn đầu tư dân sinh Trung Quốc tại Thượng Hải vào hạ tuần tháng 10/2016.
  • Vạn Thịnh Phát đứng sau hai công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega trúng thầu do đấu giá ảo đất ở Thủ Thiêm. “Cả hai công ty đang nợ 8,000 tỷ đồng tiền đấu giá đất Thủ Thiêm vừa bị ngành thuế cưỡng chế đều có liên hệ đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Mới đây, Chi Cục Thuế TP. Thủ Đức đã ban hành quyết định 1572 cưỡng chế số tiền thuế 1,794 tỷ đồng với Công ty CP Dream Republic và quyết định 1573 cưỡng chế số tiền thuế 1,796 tỷ đồng với Công ty CP Sheen Mega. Bộ Công an tống giam hàng loạt chủ doanh nghiệp mà hoạt động có dính líu đến thị trường tài chính, tín dụng (Trịnh Văn Quyết – FLC, Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh, Đỗ Thành Nhân – Louis Holding và Louis Capital, Đỗ Đức Nam – Chứng khoán Trí Việt, Phạm Thị Hinh – Chứng khoán VSM, Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát,…).

TRƯƠNG MỸ LAN VÀ NHỮNG NGƯỜI LÀM KINH TẾ TẠI VIỆT NAM

Hiện nay bão đã bắt đầu cuốn phăng một tên tuổi lừng danh trong giới doanh nghiệp đất Sài Gòn, đó là Vạn Thịnh Phát. Việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đang nhắm vào tập đoàn chính trị đối nghịch. Ông Lê Thanh Hải có trầy xướt miếng da nào hay không thì chưa biết, nhưng biết chắc rằng các doanh nghiệp mà từng hưởng những ưu ái từ thời ông Lê Thanh Hải nắm quyền đều bị đánh cho tơi tả.

Nuôi lớn để thịt là từ mà giới đánh giá tình hình chính trị kinh tế Việt Nam hay dùng. Hầu hết các doanh nghiệp lớn Việt Nam không sống thọ bởi những tập đoàn chính trị triệt hạ nhau để giành ghế và giành quyền lợi. Mà khi triệt hạ, họ triệt hạ vây cánh trước, tức các đại gia thân hữu sẽ bị thịt đầu tiên.

Ngày 8/10, trên báo CafeBiz có bài “Cổ đông lớn thoái vốn, Novaland ‘về tay’ ai?” có cho biết vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn đã bán tổng cộng hơn 94 triệu cổ phiếu của Novaland để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và cả hai đều không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp này. Cùng thời điểm, Công ty cổ phần NovaGroup thông báo đã mua gần 95 triệu cổ phiếu NVL, nâng tỷ lệ tại Novaland lên 37.02%, là cổ đông lớn nhất hiện nay.

Bùi Thành Nhơn, người mới nhất có tên trong danh sách tỷ phú đô la Việt Nam hiện nay có vẻ như người thấy mùi chẳng lành từ vụ án Vạn Thịnh Phát. Những dự án đình đám của Novaland thời ông Lê Thanh Hải làm bí thư thành ủy rất nhiều. Những đại gia bị dính vào vòng lao lý cho đến nay hầu hết là đại gia bất động sản như: Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết, Trương Mỹ Lan vv… như vậy khó nói rằng, ông Bùi Thành Nhơn không dẫn dắt Novaland theo đường lối dựa vào chính trị để phát triển.

Hiện nay các địa gia bất động sản cứ sụm như quân cờ domino, người sau khủng hơn người trước. Việc ông Bùi Thành Nhơn giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tập đoàn theo một số nhà đánh giá cho rằng, có thể vợ chông Bùi Thành Nhơn đang nhả từ từ rồi rút êm. Bởi nếu làm người đứng thì khi có sai phạm gì, lãnh đạo cao nhất của tập đoàn sẽ chịu trách nhiệm. Sự biến mất của các tập đoàn kinh tế hàng đầu không có lợi cho quốc gia.

Cho đến nay, người ta cũng chưa hoàn toàn tin rằng ông Phạm Nhật Vượng không bị cấm xuất cảnh mặc dù Bộ Công An đã đính chính. Đã 3 tháng trôi qua từ ngày có tin đồn, người ta vẫn chưa thấy ông Vượng đi nước ngoài để bác bỏ lời đồn. Vậy nên có nhiều người thận trọng vẫn bỏ ngỏ khả năng ông Vượng bị quản thúc. Với lại mới đây ông Vượng cho lập công ty VMI cho thấy ông Vượng đang đuối vốn. Rất có khả năng Vingroup đang được theo dõi sức khỏe tài chính. Nói về sức mạnh trên thị trường bất động sản, Vingroup mạnh hơn Novaland rất nhiều. Tuy Novaland khá kín tiếng trên thị trường vốn, nhưng sức khỏe tài chính của Novaland được đồn đoán là không tốt từ nhiều năm trước. Một gã khổng lồ như Novaland mà bị thịt thì khối kẻ hưởng lợi.

Vụ bắt bà Trương Mỹ Lan làm chấn động xã hội, chấn động giới đầu tư bất động sản. Có thể nói, hầu hết các đại gia cùng ngành của bà Trương Mỹ Lan đều phải lo lắng. Các đại gia bất động sản hiện nay không thể không đặt câu hỏi bao giờ đến lượt mình? Bà Trương Mỹ Lan dù thuộc cánh miền Nam nhưng bà cũng đã làm được nhiều điều tốt cho kinh tế Việt Nam.

Ông Bùi Thành Nhơn nhất cử nhất động trên thị trường chứng khoán là báo chí đồng loạt đưa tin. Có người cho rằng, có một số tờ báo được giao nhiệm vụ theo dõi những người trong tầm ngắm, không biết có phải sự thật là như vậy hay không? Tuy nhiên, đấy là ý kiến hợp lý khó thể bác bỏ. Theo một số nguồn tin chưa kiểm chứng mà chúng tôi có được, Bùi Thành Nhơn cũng đang trong tình trạng bị theo dõi để tránh thoái vốn tháo chạy.

Như đã nói trong bài viết “Việt Nam và 2 hệ thống tài chánh” đăng trên mạng Tranhchapbiendong.net ngày 9/10/2022, duy trì 2 hệ thống kinh tài đảng và nhà nước cũng là điều mà Trung Quốc và Việt Nam áp dụng có hiệu quả và khó mà thay đổi một sáng một chiều. Số liệu nêu ra tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam khi thảo luận báo cáo của chính phủ hôm 23/10/2021 cho thấy tổng số tiền “phải thu hồi” từ các vụ án tham nhũng ở quốc gia này là 72 nghìn tỷ VND, tương đương 3.2 tỷ USD. Nhưng ngân sách nhà nước chỉ thu được 5% con số đó, bằng 176.5 triệu USD.Trung Quốc có thể dùng như là khuôn mẫu trong vấn đề này. Năm 2015, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin chính phủ nước này đã thu hồi được 6.2 tỉ USD tiền tham nhũng, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục cuộc chiến. Như vậy, cách đây 7 năm, hiệu năng chống tham nhũng của Trung Quốc đã cao gấp 2.6 lần so với Việt Nam. Là một nước nhỏ sát cạnh Trung Quốc, để sống còn thì Việt Nam phải làm tốt hơn Trung Quốc trong những lãnh vực hệ trọng.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn trong sạch hóa guồng máy kinh tế của mình. Sự tranh chấp của các thế lực tại Việt Nam là điều hiện hữu. Chỉ mong họ vì quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của phe nhóm. Các thương gia đang ở trong giai đoạn phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình kinh tế mới. Những người lãnh đạo Việt Nam có thể làm những thay đổi cần thiết mà không ảnh hưởng đến sự đoàn kết quốc gia.

Bà Trương Mỹ Lan bị bắt với cáo buộc 'lừa đảo'; ngân hàng SCB trấn an:  'Không ảnh hưởng'

Một bà Trương Mỹ Lan tiều tụy là hình ảnh mà truyền thông không nên đưa lên mạng

KẾT LUẬN

Tác giả viết bài này với sự suy nghĩ tạm gọi là “đem tâm tình viết lịch sữ”, cố gắng có sự suy nghĩ tích cực của những người Việt ở hải ngoại. Thật sự, mực trầm trọng của vụ Vạn Thịnh Phát đã lên đến cấp quốc gia, phải giải quyết bằng cách này hay cách khác. Cho đến nay, thông tin từ Bộ Công an Việt Nam, đăng trên báo Công an Nhân dân ngày 7 và 8 Tháng Mười chỉ cho biết bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm bị truy tố, bị tạm giam để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công an cũng cho biết, kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018 – 2019. Thông báo của Bộ Công an không nhắc gì tới các hành vi vi phạm pháp luật của bà Lan và VTP trong việc hối lộ hoặc câu kết với quan chức để trục lợi hay những sai phạm trong các dự án bất động sản của VTP. Trên bề mặt, có khả năng đây là một vụ án kinh tế có quy mô lớn, hậu quả trầm trọng hơn là các vụ án Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Dương Thị Bạch Diệp.

Cho đến bây giờ, bộ Chính trị Việt Nam mới quyết định khui ra vụ này vụ này vì mức nghiêm trọng của nó, sự tranh chấp giữa những thế lực tại Việt Nam và có thể có sự can dự của những tập đoàn kinh tế và tình báo ngoại quốc. Trương Mỹ Lan, Lê Thanh Hải cũng chưa phải là những con tốt cuối cùng. Có nhiều bí ẩn sẽ không bao giờ tiết lộ ra.

Bà Trương Mỹ Lan là một trường hợp rất là “đặc thù”. Chỉ là người bán vải ở chợ An Đông, bà đã trở thành chủ nhân của một “đế chế” bất động sản tại Sài Gòn với 156 cao ốc và khu “đất vàng” rồi lấn sân qua lãnh vực ngân hàng. Những người trong đảng Cộng Sản Việt Nam dù thuộc thành phần nào đã giúp cho bà Lan khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam đều có tội với dân tộc.

Việc trấn áp “các đại gia” trên diện rộng đang gây ra một làn sóng chấn động trong xã hội, gây ra tác động tiêu cực về kinh tế và “đáng lo ngại” về chính sách. Việc một loạt lãnh đạo của ba tập đoàn tư nhân “đình đám” bị bắt giữ, khiến thị trường phản ứng bi quan, cho thấy tính không bền vững của tăng trưởng kinh tế. Hơn thế, về chính trị, việc “hình sự hóa” quan hệ kinh tế là “đáng lo ngại”, phản ánh chính sách kiểm soát của đảng Cộng Sản mang tính ý thức hệ đối với bộ phận kinh tế tư bản trong nước.

Theo Nikkei, hiện đang có những lo ngại rằng các doanh nghiệp lớn sẽ trì hoãn việc huy động số tiền lớn trong tương lai gần để tránh bị trở thành bia đỡ đạn. Còn chính phủ Việt Nam thì trì hoãn các quyết định liên quan đến các khoản đầu tư mới như là một cách để giảm thiểu tác động của chiến dịch chống tham nhũng. Theo tờ báo này, đầu tư của các công ty nước ngoài, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đã bị sụt giảm trong năm nay, và một cuộc trấn áp tham nhũng tiếp diễn có thể sẽ đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng rõ ràng, một cách khách quan, những tuần này, tháng này, các định chế quốc tế, từ IMF đến WB và các Tổ chức Tài chính thế giới khác đang có những đánh giá khá tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam như một hình mẫu phục hồi thành công, tăng trưởng ngoạn mục. Khi kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm, mà Việt Nam lại được khen, thậm chí là thu hút các FDI của Mỹ và Phương Tây thì rõ ràng, “từ đâu đó” có thể có thâm ý muốn để làm xấu hình ảnh của Việt Nam mà cũng có thể muốn giúp giải phẩu những ung nhọt căn bản của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ mong những người lãnh đạo Việt Nam tìm được những phương pháp hữu hiệu và khôn ngoan nhất để giải quyết vấn đề mà vẫn giử được sự phát triển, niềm đoàn kết dân tộc mà không bị một thế lực nào chi phối.

THAM KHẢO

  1. Lê Thanh Hải – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
  2. Lý Gia Thành – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
  3. Orix Corp – From Wikipedia, the free encyclopedia.
  4. Daiwa House – From Wikipedia, the free encyclopedia
  5. Bài viết “Người Hoa tại các nước Đông Nam Á” của tác giả đăng trên mạng Tranhchapbiendong.net ngày 8/22/2022.
  6. Bài viết “Việt Nam và 2 hệ thống tài chánh” của tác giả đăng trên mạng Tranhchapbiendong.net ngày 9/10/2022.
  7. Bài viết “Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và gia tộc giàu có bậc nhất Việt Nam” đăng trên mạng Duan24H.Net ngày 08/10/2022.
  8. Bài viết “Hồ sơ doanh nhân – Chủ tịch HĐQT/CTCP tập đoàn Vạn Thịnh Phát” đăng trên mạng Realestat_Admin,
  9. Bài viết “Bắt “bà trùm” Trương Mỹ Lan: Đại án và bộ mặt thật của nó” đăng trên mạng RFA ngày 12/10/2022.
  10. Bài viết “Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan và khối tài sản tỷ USD tại những khu đất kim cương ở Sài Gòn” đăng trên mạng RFA Bất động sản 14/01/2021ngày 14/1/2021.
  11. Bài viết “Vụ Trương Mỹ Lan bị bắt báo trước sự cáo chung của một thế lực? đăng trên mạng Bất Động Sản ngày 14/1/2021.
  12. Bài viết “Phận bạc của những tay nhà giàu Trung Quốc” đăng trên đài RFI ngày 3/12/2021.
  13. Bài viết “Báo Nhật viết cuộc chiến đánh vào Vạn Thịnh Phát phủ bóng lên kinh tế VN” đăng trên đài BBC ngày 21/10/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *