Các loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

574 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong mấy tháng vừa qua, tác giả có viết 2 bài về cá chẽm và cá ngừ đại dương của Việt Nam. Bài này viết thêm về lồng nuôi theo công nghệ Na Uy và các loại tôm cá xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm sú và tôm trắng, tôm hùm, cá tra, cá rô phi đen, cá diêu hồng, cá bớp và cá chim.

Năm 2021, cả nước có gần 95,000 tàu đánh cá, thì trong 3 tháng gần đây đã có 43,200 tàu không đi khai thác vì nạn dịch Covid-19 khiến sản lượng hải sản khai thác trong quý 3/2021 giảm 186,000 tấn so với cùng kỳ năm trước … Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8.89 tỷ USD. Sản lượng tôm nuôi các loại năm 2021 đạt 970 nghìn tấn (tăng 4.3% so với năm 2020); trong đó, tôm sú 265 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 655 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3.9 tỷ USD (tăng 5.4% so với năm 2020).

Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị XK thủy sản, tương đương 3.5 – 4 tỷ USD. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị XK chiếm 13 -14% tổng giá trị XK tôm của toàn thế giới. Ecuador đã đạt kỷ lục về xuất khẩu tôm trong năm 2021 và được cho là nước XK tôm thành công nhất thế giới. XK tôm của Ecuador dù chỉ đạt 842 ngàn tấn, nhưng trị giá hơn 5 tỷ USD, tăng 24% về khối lượng và 41% về giá trị so với năm 2020. Giá trị XK tôm của Ecuador năm 2021 tăng gấp đôi kể từ năm 2016 và tăng gấp 3 kể từ năm 2013 và ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2012.

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành tôm, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng tôm và cũng là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm. Cho đến nay, có khoảng 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban Châu Âu phê duyệt với các cuộc kiểm tra thực địa định kỳ ngay tại Việt Nam. Hàng năm hơn 900,000 tấn tôm sú được tiêu thụ, hai phần ba số đó đến từ các trại tôm ở Đông Nam Á. Việt Nam là nước sản xuất tôm sú hàng đầu thế giới với sản lượng 300,000 tấn mỗi năm. Đây là loài nuôi truyền thống của Việt Nam trong khi tôm trắng được nuôi ở nhiều tỉnh trong nước kể từ năm 2008. Các vùng nuôi chính tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 5 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.

Đề nghị Australia sớm bãi bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa  nấu chín

Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Vào tháng 10/2017, Việt Nam bị Ủy ban châu Âu đã phạt “thẻ vàng” và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Kể từ sau khi phạt “thẻ vàng”, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam hai lần vào các năm 2017, 2019. Nhưng đến nay, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng”. Tuy nhiên, việc kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vaccine được thực hiện, lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương là những yếu tố thuận lợi để ngành thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm 2022. Cuộc chiến Ukraine đang ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khi cuộc chiến chấm dứt thì sự đóng góp của Việt Nam vào sự phục hồi kinh tế thế giới cũng rất đáng kể.

Sản phẩm xuất khẩu chính 2020

LỒNG NUÔI THEO CÔNG NGHỆ NA UY

Đầu tháng 11/2017, khi tâm bão giật cấp 12 quét qua, tất cả lồng bè nuôi trồng thủy sản bằng gỗ ở huyện Vạn Ninh và TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đều bị sóng biển đánh tan, nhưng duy nhất ở vịnh Vân Phong những chiếc lồng đang nuôi cá chim được thiết kế bằng nhựa theo công nghệ Na Uy chẳng mảy may suy chuyển.

Vịnh Vân Phong – Nha Trang – Cam Ranh

Rạng sáng, chúng tôi có mặt tại cảng Hòn Khói (TX Ninh Hòa) tìm hiểu về những chiếc lồng nhựa có sức chịu đựng bền bỉ sau những trận bão vừa qua. Trên con tàu thép Sea Eagle, ông Phạm Đức Phương, chuyên gia kỹ thuật, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 cho biết, mô hình nuôi cá chim bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy được hình hành từ năm 2012, đặt ở vịnh Vân Phong thông qua dự án nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển Việt Nam do Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy tài trợ. Mô hình này nhằm phục vụ tập huấn, đào tạo và diễn đàn công nghệ nuôi lồng biển. Đồng thời triển khai các thử nghiệm, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp. Ông Phương cho biết thêm, ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ Na Uy là được sản xuất bằng chất liệu nhựa HDPE cực kỳ bền, có độ kín nước, kín hơi cao và có tuổi thọ lớn khi sử dụng. Ngoài ra, lồng này có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét; đặc biệt có độ uốn dẻo cao nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc. Lồng nuôi chủ yếu có 2 kiểu gồm hình vuông và hình tròn, lồng hình tròn thích hợp với nuôi cá biển còn lồng hình vuông thì phù hợp với nghề nuôi tôm hùm.

Mô hình lồng nhựa HDPE theo công nghệ Na Uy được cấu tạo gồm 3 bộ phận chính: khung lồng, túi lưới và neo. Trong đó, khung lồng là một vòng phao nổi làm bằng nhựa HDPE theo hình vuông hoặc tròn. Lưới lồng là lưới dệt không gút, bền, không bị oxy hóa và có khả năng chống sinh vật bám, được gia cường bởi các dây chằng. Toàn bộ túi lưới được thiết kế, tính toán phù hợp với điều kiện vùng nuôi (lưu tốc dòng chảy, độ sâu…) và với từng đối tượng nuôi. Còn neo lồng là khối bê tông nặng 4 tấn, dây neo là loại dây PP bằng nhựa có đặc tính chịu được lực căng kéo, chống lại tác hại của dầu mỡ, chống bào mòn. Theo ông Phương, toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ của Na Uy có tác dụng cố định và giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, khi gặp sóng to toàn bộ lực tác dụng của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập, sau đó hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước của sóng biển.

15-00-06_cc-long-nuoi-dt-cch-nhu-100mjpg

Các lồng nuôi HDPE theo công nghệ Na Uy

Nhờ những đặc tính trên, hệ thống lồng nuôi này cho phép người nuôi đặt lồng ở những vùng biển xa bờ nơi môi trường nước trong sạch, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh… Hơn 1 giờ trên tàu, chúng tôi đã tận mắt thấy được những chiếc lồng còn sống sót sau cơn bão cấp 12 vừa qua. Chỉ tay về cái lồng gần nhất, ông Phương giới thiệu, hiện quy mô nuôi của trang trại rộng khoảng 10ha được lắp đặt, vận hành 8 lồng nhựa HDPE tròn với chu vi 60 m, các lồng nuôi được bố trí hợp lý cách nhau 100 m.

Tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 12 tỷ đồng, trong đó riêng đầu tư chiếc tàu để vận hành khoảng 4 tỷ. Con tàu này có nhiệm vụ vừa vận chuyển hàng hóa và nhân công, vừa thực hiện công việc nặng như bốc xếp hàng hóa, cẩu lưới và thu hoạch thay cho lao động chân tay nhờ mặt trước boong có lắp đặt cần cẩu lớn. Tất cả lồng nuôi đều được trang bị lưới 2 lớp loại lưới ni lông không có gút, kích thước mắt lưới dao động từ 8 – 40 mm và độ sâu 5 – 8 m vì tùy theo kích thước cá nuôi. Mỗi lưới được đánh dấu và có một mã số riêng để quản lý và ghi chép nhật ký sử dụng.

Hiện đối tượng nuôi biển của trang trại chủ yếu là cá chim vây vàng, với quy mô từ 100 – 150 tấn/năm (sản lượng 10 – 15 tấn/lồng). Quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra, sản phẩm đảm bảo ATVSTP.

15-00-06_tu-vn-hnh-chuyen-thuc-njpg

Tàu vận hành chuyển thức ăn

Thức ăn cho cá hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, đồng thời lượng thức ăn cho từng lồng được tính toán điều chỉnh 2 tuần/lần. Ngoài ra, mỗi tháng nhân công phải thu mẫu kiểm tra trọng lượng thân cá một lần để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Nuôi cá chim vây vàng khoảng 6 đến 7 tháng là có thể thu hoạch. Khi thu hoạch, cá được dùng lưới vây lại để bắt tỉa và thời gian bắt cá đưa lên ướp lạnh không quá 2 phút. Đồng thời, sử dụng nhiệt kế đo thân nhiệt cá khi ở dưới nước đến khi được bắt chỉ dao động từ 0 – 1º C, sau đó mới tiến hành đóng gói.

Tính từ năm 2018 đến nay, trang trại hoạt động ổn định với quy mô sản lượng khoảng 100 – 150 tấn/vụ, cỡ cá đạt trọng lượng từ 500 – 1,000 gram/con. Hiện sản lượng cá thương phẩm nuôi tại đây, ngoài tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu sang Mỹ và các nước Trung Đông; với giá bán dao động từ 110 – 150,000 đ/kg, lợi nhuận 20 – 30%. Ông Phương cho biết thêm, hiện trang trại chỉ có 6 nhân công làm việc chủ yếu bảo vệ tài sản và cho cá ăn. Dự kiến sắp tới Viện sẽ mở rộng quy mô lắp đặt và vận hành thêm 8 lồng nhựa tròn HDPE để nuôi cá, tăng quy mô lên 200 tấn/vụ. Ông Phương cho biết thêm, Viện NTTS 1 đã chủ động lắp ráp và vận hành được mô hình nuôi thủy sản bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy, nhờ vậy giá thành lồng tròn làm ra đã giảm chỉ bằng 1/3 so với nhập khẩu. Hiện, giá sản xuất một chiếc lồng hình tròn theo công nghệ Na Uy loại lồng 2,500 m³ chỉ mất 350 triệu đồng (15,217 USD) trong khi giá nhập khẩu cùng loại từ Na Uy về phải mất hơn 1 tỷ đồng (43,478 USD).

Vừa qua, Viện NTTS 1 đã tư vấn cho một số doanh nghiệp tư nhân đang muốn đầu tư nuôi thủy sản trên biển theo mô hình lồng nhựa bằng công nghệ Na Uy với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngoài việc kế thừa ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng biển tiên tiến của Na Uy, Viện còn có nhiều cải tiến thêm cho phù hợp với điều kiện nuôi theo thực tế ở Việt Nam. Theo ông Phương, do ở bên Na Uy họ chủ yếu nuôi cá hồi là loại cá nước lạnh, thích ứng khí hậu ôn đới, vùng biển thả nuôi bên đó có độ sâu vài trăm mét. Còn ở Việt Nam là nuôi cá nhiệt đới và vùng nước nuôi có độ sâu cũng chỉ vài chục mét nên lồng nuôi và cách nuôi cũng cần cải tiến cho phù hợp.

Ông Phương cho rằng, nghề nuôi thủy sản trên biển hiện nay vẫn gặp rủi ro lớn khi thiên tai xảy ra, nhưng đối với mô hình nuôi cá bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy thì độ rủi ro do thiên tai sẽ giảm đi rất nhiều, thực tế được kiểm chứng qua cơn bão cấp 12 vừa qua. Với mô hình này người nuôi chỉ cần tập trung đầu tư một lần tuy chi phí cao hơn làm lồng bè bằng gỗ nhưng tuổi thọ của lồng nhựa lên đến 50 năm, còn lưới 7 – 10 năm, nếu tính về lâu dài và khấu hao thì lợi hơn so với lồng bè bằng gỗ nhiều. Ngoài ra, ống nhựa HDPE có trọng lượng nhẹ có thể cắt, lắp ráp và vận chuyển khu vực nuôi khác dễ dàng nếu có nhu cầu …

NUÔI TÔM HÙM Ở MIỀN TRUNG

Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn 2010 – 2019, số lượng lồng nuôi tôm hùm tăng bình quân là 18.2%/năm, thể tích lồng nuôi tăng bình quân 16.2%, sản lượng tăng bình quân là 6.2%/năm. Năm 2019, tổng số lượng lồng nuôi ở 2 tỉnh (Phú Yên và Khánh Hòa) ước đạt 185,166 lồng, chiếm 97.8% số lượng nuôi tôm hùm Việt Nam; sản lượng đạt 2,273 tấn chiếm 95% sản lượng nuôi cả nước. Tôm hùm bông (Panulirus Ornatus) và tôm hùm xanh (Panulirus Hormarus) đang là hai đối tượng nuôi chủ lực, chiếm tới trên 97% sản lượng tôm nuôi.

Tôm hùm bông và tôm hùm xanh loại nào ngon hơn? - Crab Seafood

Tôm hùm xanh và Tôm hùm bông

Song song với sự phát triển mạnh về cả quy mô và sản lượng của nghề nuôi tôm hùm, vẫn còn những vấn đề tồn đọng cố hữu liên quan đến quy hoạch, nguồn giống, cân bằng thị trường và cả các tác động đến môi trường…

Chưa chủ động được nguồn giống chất lượng: Nhu cầu nuôi tôm hùm tăng nhanh kéo theo nguồn cung con giống không thể đáp ứng kịp thời, qua đó làm tăng giá thành đầu vào và giảm chất lượng giống phần nào đó. Cụ thể vào tháng 6 năm 2019, theo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, các hộ nuôi tôm hùm trong tỉnh đã có phản ánh về hiện tượng tôm chết nhiều ở giai đoạn nuôi 45 ngày đầu, với tỷ lệ lên đến 40 – 50%. Sự thiếu hụt tôm hùm giống cũng được ghi nhận tại các khu vực nuôi trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Trong khi nguồn tôm hùm giống khai thác tự nhiên thường không ổn định do phụ thuộc mùa vụ, diễn biến thời tiết và môi trường biển thì các nguồn tôm hùm giống từ một số quốc gia trong khu vực đang bị siết chặt do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây thực sự là khó khăn cần được khắc phục sớm trong thời gian sắp tới.

Môi trường nuôi bị đe dọa nghiêm trọng: Một vấn đề nghiêm trọng khác ảnh hưởng tới năng suất nuôi tôm hùm là sự ô nhiễm môi trường xung quanh các vùng nuôi, bắt nguồn từ việc lạm dụng cá tạp làm thức ăn cho tôm hùm. Do chưa có sản phẩm thức ăn thương mại chuyên biệt cho tôm hùm, cá tạp vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu cho các trại nuôi hiện nay. Điều này cùng với sự bố trí, sắp xếp các khu nuôi chưa thực sự hợp lý dẫn tới một lượng lớn chất hữu cơ được đưa vào vùng biển trong cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, các vùng nuôi lồng bè tôm hùm còn mang tính tự phát, phát triển phá vỡ quy hoạch; các vùng nuôi lồng, bè chưa được quy hoạch chi tiết nên chưa thể giao/cho thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi; công tác quy hoạch chi tiết và giao mặt nước, cấp phép cho người nuôi tôm hùm còn gặp nhiều khó khăn. Theo một số nghiên cứu, ước tính lượng nitơ thải ra môi trường biển để tạo ra một tấn tôm hùm là từ 204 – 389 kg. Nồng độ nitơ cao có thể dẫn đến hiện thượng phú dưỡng trong khu vực canh tác, gây ra hiện tượng tảo nở hoa. Qua đó, hệ luỵ dẫn đến là giảm lượng oxy hòa tan, chất lượng nước suy giảm và làm cho tôm hùm dễ stress, dễ nhiễm bệnh, đồng thời tăng tỷ lệ chết của tôm hùm.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Việt Nam. Cụ thể, đưa ra qui trình công nghệ hoàn thiện để sản xuất thức ăn nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh ở qui mô công nghiệp công suất 500 kg/ngày. Nghiên cứu lựa chọn các nguồn nguyên liệu có thể sử dụng để sản xuất thức ăn cho tôm hùm; tiến hành lựa chọn, phân tích thành phần sinh hóa của một số nguyên liệu có thể sử dụng làm thức ăn cho tôm hùm như bột cá, cá tạp, bột tôm, bột gan sò … Quá trình triển khai cho thấy, khẩu phần ăn thích hợp cho tôm hùm bông giai đoạn giống và thương phẩm là 10% và 5% khối lượng thân. Nuôi tôm hùm bằng thức ăn viên có hiệu quả kinh tế hơn so với sử dụng thức ăn cá tạp. Với mỗi kg tôm hùm bông thương phẩm nuôi bằng thức ăn công nghiệp sẽ tiết kiệm được 24% chi phí thức ăn so với cá tạp, chi phí nhân công cũng giảm 50%. Các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong phạm vi cho phép và thích hợp với tăng trưởng, phát triển của tôm hùm bông và tôm hùm xanh.

Dự án thử nghiệm triển khai các mô hình nuôi thương phẩm tôm hùm bông và tôm hùm xanh bằng thức ăn của dự án tại Vịnh Vân Phong và Vịnh Cam Ranh. Đây là 2 vùng nuôi có điều kiện tự nhiên đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trong nuôi thương phẩm tôm hùm. Tiến hành đánh giá các chỉ tiêu về sinh trưởng, tỷ lệ sống, hệ số thức ăn của tôm hùm bông và tôm hùm xanh sau khi kết thúc thí nghiệm. Thời gian nuôi thử nghiệm 16 tuần và cho kết quả tốt. Theo tính toán, so với sử dụng cá tạp, việc sử dụng thức ăn công nghiệp giảm được phần lớn chi phí thức ăn và nhân công. Các kết quả nghiên cứu của dự án sẽ cung cấp những thông tin mới về thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông, tôm hùm xanh cả giai đoạn giống và nuôi thương phẩm. Đồng thời, giúp người nuôi chủ động nguồn thức ăn, hạn chế rủi ro và mở ra triển vọng sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm, bảo vệ môi trường, phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam.

Rào cản cán cân cung – cầu: Cán cân cung cầu cho thị trường tôm hùm cũng được coi là một tồn đọng đáng kể trong quá trình phát triển ngành nghề này gần đây. Điểm đến cho xuất khẩu tôm hùm chính của Việt Nam là Trung Quốc, một thị trường “quen mà lạ, dễ mà khó”. Những năm gần đây, Trung Quốc đã thiết lập nhiều quy định và rào cản kỹ thuật mới cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu, cộng thêm các ảnh hưởng chuỗi cung ứng do đại dịch, sự tồn đọng tôm hùm đã diễn ra nhiều hơn. “Giải cứu” là từ chúng ta đang được nghe nhiều hơn. Chính vì thế, việc đa dạng hóa sản phẩm từ tôm hùm, kiểm soát quy trình chặt chẽ cũng như khai phá các thị trường mới được coi là giải pháp hữu hiệu trước mắt. Ngày 27/4/2022, Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM) cho biết với Thanh Niên: Doanh nghiệp vừa ký kết một hợp đồng xuất khẩu chính ngạch mặt hàng tôm hùm sống sang TP. Côn Minh (Trung Quốc) với số lượng lên đến 2,000 tấn, thực hiện từ nay đến tháng 4/2023. Đây là hợp đồng xuất khẩu chính ngạch tôm hùm lớn nhất từ trước đến nay đối với doanh nghiệp trong nước. Cuối năm 2021, doanh nghiệp này cũng đã ký được một hợp đồng 400 tấn sang Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc) và đã thực hiện từ đầu năm đến nay.

Cần có giải pháp bền vững cho nghề nuôi tôm hùm: Nhằm hỗ trợ người dân và các địa phương đang phát triển nghề nuôi tôm hùm, Bộ NN – PTNT phê duyệt, triển khai thực hiện ở chín tỉnh, thành phố ven biển miền trung, gồm: Quảng Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Mục tiêu chung: Phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả; bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, thể tích lồng nuôi đạt khoảng 1.6 triệu m³; diện tích nuôi trong hệ thống trên bờ đạt 180 ha; tổng sản lượng nuôi đạt 3,000 tấn/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.

LOÀI TÔM SÚ VÀ TÔM TRẮNG

Việt Nam có hơn 600,000 ha nuôi tôm với hai loài tôm sú và tôm trắng. Việt Nam là nước sản xuất tôm sú hàng đầu thế giới với sản lượng 300,000 tấn mỗi năm. Đây là loài nuôi truyền thống của Việt Nam trong khi tôm trắng được nuôi ở nhiều tỉnh trong nước kể từ năm 2008.

Tôm sú có tên tiếng Anh là Penaeus Monodon. Tôm sú là một trong những loài động vật giáp xác có giá trị dinh dưỡng cao nên thường được nuôi để làm thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng cho con người. Môi trường nước có vai trò rất quan trọng đến sinh trưởng và phát triển của tôm sú. Cà Mau có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước với khoảng 280,000 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn khoảng 80,000 ha. Đây được xem là mô hình nuôi tôm sú cho chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có khoảng 50,000 ha mô hình lúa – tôm, cũng giúp tạo ra sản phẩm tôm sú có chất lượng cao. Cà Mau với địa hình nhô ra ở biển Đông, không gần các cửa sông lớn đổ từ thượng nguồn nên nguồn nước ở Cà Mau không bị ô nhiễm như các khu vực khác, không bị hiện tượng ngọt hóa, làm thay đổi độ mặn của môi trường nuôi. Tôm sú Cà Mau nổi tiếng có được là nhờ vào những điều kiện tự nhiên đặc thù cũng như phương pháp sản xuất của người nuôi tôm. Ecuador, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan là 6 quốc gia dẫn đầu trong công nghiệp nuôi tôm trắng. 

Con tôm thẻ và tôm sú: Cách phân biệt nhanh bạn nên biết

Tôm sú và tôm thẻ trắng Việt Nam

Sự khác biệt giữa tôm sú và tôm thẻ:

  • Môi trường nuôi: Tôm sú (Penaeus monodon) là một loài động vật giáp xác đại dương được nuôi để dùng làm thực phẩm. Phân bổ tự nhiên của loài này là khu vực Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương, trải từ bờ đông châu Phi, bán đảo Ả Rập, đến tận Đông Nam Á và biển Nhật Bản. Tôm sú là loài tôm nhiệt đới được nuôi rộng rãi nhất trên thế giới, mặc dù loài tôm thẻ chân trắng ( Litopenaeus vannamei) ngày càng chiếm ưu thế. Tôm thẻ chân trắng là loài bản địa ở đông Thái Bình Dương từ Sonora ở México đến bắc Peru. Các nguồn cung cấp tôm thẻ chân trắng chủ yếu là Ecuador, Mexico và Brazil. Tôm thẻ chân trắng được bán trên thị trường Mỹ chủ yếu từ Mexico và Ecuador. Một số nhỏ hiện tại được nuôi ở Mỹ (Texas), Châu Mỹ La Tinh, Hawaii cũng như các nước Đông Á như: Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam. Năm 2011 theo thống kê của FAO, sản lượng tôm thẻ chân trắng và tôm sú trong năm 2011 trên thế giới lần lượt là 3 triệu tấn (chiếm 78%) và 830 nghìn tấn (chiếm 22%). Kết hợp số liệu thống kê các năm trước cho thấy sản lượng tôm sú gần như ổn định qua các năm trong khi sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng đáng kể từ năm 2002. Tỉ lệ sản lượng tôm thẻ chân trắng và tôm sú Việt Nam là 38.4% và 61.6% vì tôm sú giá đắt hơn.
  • Kích thước: Nếu tôm thẻ có kích thước khá nhỏ thì tôm sú lại nổi bật với kích thước và trọng lượng cao hơn, đây là một trong những đặc điểm giúp chúng ta dễ dàng quan sát phân biệt sự khác nhau giữa tôm thẻ và tôm sú.
  • Màu sắc: Tôm thẻ thường có màu vàng nhạt, chân trắng, trong khi đó ở chiều ngược lại, tôm sú lại có màu sắc bên ngoài khá bắt mắt, cụ thể là màu xanh đen đậm cùng đường vân đen vàng vô cùng nổi bật.
  • Mùi vị: Phần thịt của tôm sú thường sẽ dày và ngọt hơn khi so sánh với sự ngọt thanh mà tôm thẻ mang lại.
  • Giá thành: Như đã đề cập ở trên, tôm sú thường có kích thước và trọng lượng lớn hơn, phần thịt tôm sú lại có phần nhỉnh hơn tôm thẻ về độ dày, ngon ngọt. Những yếu tố kể trên đã góp phần làm cho giá thành của các loại tôm sú thường sẽ cao hơn giá bán của các loại tôm thẻ thông dụng. Hiện nay, giá thành tôm sú: 200,000 vnđ – 250,000 vnđ/kg, các loại tôm thẻ: 100,000 vnđ – 170,000 vnđ/kg.
  • Chế biến: Tôm thẻ sẽ phù hợp khi chúng ta thực hiện chế biến những món canh, món rim bởi đặc điểm mỏng vỏ, dễ dàng bóc cũng như giúp thực hiện quá trình sơ chế một cách dễ dàng. Ngược lại, tôm sú sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời khi chúng ta muốn thực hiện các món nướng bởi lớp vỏ dày sẽ không làm phần thịt tôm bị hao hụt nhiều, cùng với độ ngọt thơm là những yếu tố giúp chúng ta có thể đưa ra cho mình sự lựa chọn phù hợp.

CÁ TRA VIỆT NAM

Cá tra đã được nuôi và phát triển chủ yếu ở 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, bao gồm: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, và các tỉnh Tây Ninh và Quảng Nam. Các tỉnh Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp là những vùng nuôi lớn nhất cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 75% tổng sản lượng cá tra cả nước. Ngành cá tra tự kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu theo hướng sản xuất bền vững theo chuỗi.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra Việt Nam tương đương với năm 2020 với 5,700 ha. Sản lượng nuôi cá đạt 1.48 triệu tấn, giảm 4.5% so với năm trước. Các địa phương có diện tích thả nuôi và thu hoạch cá tra lớn nhất Việt Nam vẫn là: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang…

Năm 2020, sản xuất giống cá tra tại các địa phương vùng ĐBSCL ổn định. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra (cơ sở có nuôi giữ đàn cá tra bố mẹ), gần 4,000 ha ương dưỡng cá tra giống; sản xuất được khoảng 2 tỷ cá tra giống (bằng 100% so với năm 2019); đã thay thế 60,000 nghìn con cá bố mẹ chọn giống, do đó chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện.

Các sản phẩm cá tra được sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế và an toàn thực phẩm nghiêm ngặt như GlobalGAP, ASC và BAP … Cá tra ngày càng phổ biến trên thế giới nhờ giá trị dinh dưỡng của nó. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 138 thị trường. Top 8 thị trường chính gồm: Trung Quốc – Hồng Kông, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil và Colombia, chiếm 80.4% tổng giá trị XK. Điều này được thể hiện cụ thể qua những con số tăng trưởng tại các thị trường mới Mexico, Thái Lan và Ai Cập.

Có gần 100 nhà máy sản xuất cá tra tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các cơ sở này được trang bị các thiết bị và công nghệ tiên tiến cho phép tự động hóa một số công đoạn của dây chuyền sản xuất và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng.

thuy san Minh Phu

Tập đoàn thủy sản Minh Phú

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 1.1 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Mỹ luôn là thị trường quan trọng của sản phẩm cá tra chế biến Việt Nam. Chính vì vậy, việc nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất cá tra chế biến cho các nhà máy là điều mà doanh nghiệp chế biến cá tra nào cũng mong muốn. Vừa qua, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ. Như vậy, cho tới điểm hiện tại, FSIS đã công nhận 19 nhà máy trong danh sách này. Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng bổ sung thêm 2 doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa tới hồi kết, sau sự ngưng trệ của hoạt động giao thương thì nay xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này đã kết nối trở lại. Những diễn biến mới này có thể thúc đẩy xuất khẩu cá tra tăng trưởng khả quan hơn nữa trong thời gian tới. Điều này chứng minh ngành cá tra Việt Nam hiện đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực để phục hồi mạnh sau thời gian dài chịu nhiều khó khăn vì giãn cách xã hội, giá cước vận chuyển hay sự gia tăng giá cả đầu vào do hiệu giá xăng dầu tăng cao.

Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ ước đạt 243 triệu USD, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2021. Nay với sự công nhận thêm 6 nhà máy đủ tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm sang thị trường Mỹ, dự báo lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT một số địa phương ĐBSCL, đầu năm 2022, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 500 – 1,000 đồng/kg so với quý cuối năm 2021. Với mức giá như hiện nay, người nuôi đã có lãi. Trong quý đầu năm 2022, dự báo nhu cầu NK cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới tăng so với cùng kỳ. Do đó, có thể xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu trong quý đầu năm nay.

https://cdnimg.vietnamplus.vn/uploaded/fsmsy/2022_05_25/che_bien_ca_tra.jpg

Minh Phú – Công ty thủy sản đứng thứ 41 trên thế giới

CÁ RÔ PHI ĐEN SẪM Ở HỒ THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH

Hồ Hòa Bình hay hồ thủy điện Hòa Bình là công trình chứa nước cung cấp cho nhà máy thủy điện Hòa Bình. Dự trữ nước vào mùa khô. Đây là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm trên sông Đà, có chiều dài 230 km từ Hòa Bình đi Sơn La. Đập chính của hồ nằm tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Dung tích của hồ vào khoảng 9.45 tỷ mét khối. Hồ có tất cả 12 cửa xả đáy. Nếu mở tất cả 12 cửa xả đáy sẽ phải di dân toàn bộ thành phố Hòa Bình và vùng hạ du.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/5/50/H%E1%BB%93_th%E1%BB%A7y_%C4%91i%E1%BB%87n_H%C3%B2a_B%C3%ACnh.jpg/250px-H%E1%BB%93_th%E1%BB%A7y_%C4%91i%E1%BB%87n_H%C3%B2a_B%C3%ACnh.jpg

Hồ thủy điện Hòa Bình 

Tập đoàn Mavin là doanh nghiệp tiên phong đầu tư nuôi trồng cá rô phi quy mô lớn tại hồ thủy điện Hòa Bình với Farm nuôi ứng dụng công nghệ lồng tròn Na Uy, công suất 100 lồng có thể thu hoạch tới 10,000 tấn cá/năm. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp như Mavin với mô hình chăn nuôi chặt chẽ và công nghệ hiện đại đang góp phần thúc đẩy ngành này phát triển. Và có thể, quy cách và mô hình chăn nuôi quy mô lớn của Mavin có thể sẽ được ứng dụng rộng rãi tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong một tương lai không xa.

Thay vì nuôi cá rô phi trong ao bùn như cách truyền thống, nhiều đơn vị đã bắt đầu khai thác các hồ nước trong, sạch, sâu để nuôi cá rô phi cao cấp. 

https://mavin-group.com/FileUpload/Images/mavin_aqua_dec_.jpg

Khu lồng nuôi cá rô phi công nghệ Na Uy của Mavin tại hồ thủy điện Hòa Bình

Cá nuôi ở lòng hồ thủy điện có màu đen sẫm do thích nghi với môi trường nuôi có độ sâu lớn, nước trong, đặc biệt cá không hề có mùi bùn, cơ thịt chắc, dày mình, thơm ngon. Mỗi con cá rô phi đen sẫm nuôi lồng trên các hồ thủy điện, thủy lợi có thể nặng tới gần 3 kg nên được các bà nội trợ săn lùng tìm mua trong những ngày thịt lợn tăng giá phi mã vừa qua.

Sản phẩm cá rô phi đen sẫm do Trung tâm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu của Tập đoàn Mavin tại hồ thủy điện Hòa Bình. Tại đây, Mavin ứng dụng công nghệ nuôi lồng tròn Na Uy công suất lớn, mỗi lồng có thể nuôi được tới 50 tấn cá rô phi/vụ. Hiện nay Mavin đã khai thác trên 20 lồng cá, với sản phẩm duy nhất là cá rô phi.

Theo TS. Ngô Phú Thỏa, Giám đốc điều hành Khối Thủy sản Mavin cho biết, với lợi thế sở hữu chuỗi giá trị trong nuôi trồng thủy sản, Mavin hoàn toàn có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm cá rô phi với chất lượng tốt nhất đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như Mỹ và EU.

Đặc biệt, điểm khác biệt của cá rô phi nuôi tại hồ thủy điện hoặc các hồ chứa đó là màu sắc đen sẫm hơn cá rô phi nuôi trong ao đất truyền thống của người dân. Thông thường, cá rô phi nuôi trong ao, do đặc điểm ao nông, nước lại đục nên cá sẽ có màu sắc sáng. Còn ở các hồ chứa, hồ thủy điện, do nước trong lại sâu nên do bản năng tự vệ, để tránh các con vật săn mồi khác, cá sẽ có màu sẫm hơn. Tuy nhiên, màu sắc không phải là yếu tố quyết định chất lượng thịt cá, mà sẽ do nhiều yếu tố khác như con giống, môi trường nuôi, thức ăn,…

“Tại các nước phát triển như ở Mỹ, Châu Âu,… khách hàng thường chọn cá rô phi với giá cao hơn nếu biết cá được nuôi lồng ở các hồ chứa/hồ thủy điện lớn với màu sẫm đồng đều vì hiểu rằng chỉ có nuôi trong môi trường nước trong sạch thì cá mới có màu sắc như vậy. Sản phẩm cá rô phi của công ty Regal Spring * là một ví dụ điển hình cho việc nuôi cá rô phi chất lượng cao trên hồ chứa”, ông Ngô Phú Thỏa lý giải.

https://mavin-group.com/FileUpload/Images/ca_ro_phi_mau_sang.jpg

Cá rô phi sáng màu nuôi ở ao truyền thống 

Trung tâm Nuôi trồng thủy sản Mavin Hòa Bình có diện tích 100 ha, được khai thác từ cuối năm 2018 tại vùng nước đã được kiểm tra, đánh giá rất kỹ về chất lượng, có mực nước sâu, bề mặt thoáng sạch tạo điều kiện lý tưởng để cá sinh trưởng, phát triển.

Quy trình nuôi được Tập đoàn Mavin kiểm soát chặt chẽ, gồm 2 nhân tố quyết định:

Con giống chất lượng cao đã được chọn giống theo tính trạng sinh trưởng, tỷ lệ sống và tỷ lệ phi lê qua hơn 25 thế hệ, đảm bảo chất lượng giống tốt nhất; Thức ăn chăn nuôi được sản xuất tại Nhà máy thức ăn thủy sản hiện đại nhất miền Bắc của Tập đoàn Mavin đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn.

Lúc ban đầu, rất nhiều khách hàng trong nước mới đầu có e ngại màu sắc cá sẫm hơn thông thường nhưng khi chứng kiến tận mắt quy trình chăn nuôi hiện đại và đặc biệt là môi trường nuôi sạch tại hồ Hòa Bình đã hoàn toàn bị thuyết phục.

Hiện nay, hơn 20 lồng cá của Mavin đang được khai thác hết công suất mà vẫn chưa đáp ứng được hết các đơn đặt hàng, thậm chí có cả các đơn hàng từ thị trường nước ngoài.

 “100% khách hàng sau khi mua cá rô phi nuôi hồ thủy điện của Mavin đều công nhận sản phẩm có chất lượng hơn hẳn so với cá rô phi nuôi ao truyền thống. Thịt cá thơm, chắc, đặc biệt không hề có mùi bùn”, Giám đốc điều hành Khối Thủy sản Mavin, TS. Ngô Phú Thỏa chia sẻ.

Cá rô phi màu đen sẫm màu nuôi sạch bằng công nghệ lồng tròn Na Uy trên hồ thủy điện Hòa Bình

Cá rô phi được ví như gà dưới nước “Aquatic chicken” là loài cá tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh mà từ lâu đã trở thành nguồn protein chủ yếu ở nhiều quốc gia đang phát triển và gần đây có nhu cầu cao ở các nước phát triển.

Thịt cá rô phi trắng, ngọt, bùi, trong thịt cá rô phi giàu khoáng, ít mỡ, lượng đạm vừa phải, thịt cá rô phi có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bồi bổ cơ thể  là loài cá mau lớn, dễ nuôi, ít dịch bệnh và có thể nuôi trong nhiều loại hình thủy vực khác nhau.

Ở Việt Nam, cá rô phi được xác định sẽ là sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực ở miền Bắc, tuy nhiên với mô hình chủ yếu vẫn được nuôi nhỏ lẻ ở các hộ nông dân trong ao bùn truyền thống thì sản lượng và chất lượng khó đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Do vậy, nuôi cá rô phi lồng đã trở thành hướng phát triển của các hợp tác xã và doanh nghiệp lớn trong các năm vừa qua.

Đặc biệt xu hướng khai thác các hồ chứa, hồ thủy điện diện tích lớn tại các tỉnh phía Bắc do Tập đoàn Mavin tiên phong triển khai đang mở ra triển vọng tăng sản lượng xuất khẩu cho ngành hàng này trong các năm tới.

CÁ DIÊU HỒNG

Trong mấy năm gần đây, thỉnh thoảng đi ăn tiệm với gia đình, gọi món Lẫu cá diêu hồng nếm cũng ngon ngọt. Theo bà xã đi chợ Costco thì thấy có bán loại Cá rô phi đỏ (hay còn gọi là cá diêu hồng). Về nhà nghiên cứu thêm thì mới biết Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam đều có nuôi trồng cá diêu hồng nhưng Việt Nam có lợi thế hơn vì thổ nhưỡng, diện tích và giá cả. Bài viết này có mục đích nói thêm những điều đặc biệt về những loại cá xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cá rô phi đỏ (hay còn gọi là cá diêu hồng) du nhập vào Việt Nam năm 1985, đây là loài cá không có nhiều thông tin về gốc giống, có người nói nó là thể đột biến, cũng có người nói nó là dòng lai. Cá nổi bật với màu đỏ hồng hoặc hồng tươi, đôi khi còn xen cả vành đen trên da.

CookyVN - Cách làm CANH MĂNG CHUA CÁ DIÊU HỒNG món canh tuyệt vời cho ngày  oi bức - Cooky TV - YouTube

Cá diêu hồng – làm ngay nồi lẩu

Đây cũng là loài cá rô phi có khả năng đứng ngang hàng với cá rô phi Đài Loan về kích thước và tốc độ tăng trưởng so với những loài cá khác. Dù là nuôi trồng tự nhiên hay nuôi trồng nhân tạo thì tỷ lệ hao hụt của cá đều rất thấp. Loài cá này ăn tạp, phổ thức ăn rất rộng, từ cám, bắp, bã đậu, bèo, rau xanh, mùn bã hữu cơ, ấu trùng và côn trùng …

Tốc độ sinh sản của cá cũng rất tốt, còn được gọi là loài cá “mắn đẻ”. Sau một năm nuôi trồng thì cá có thể đạt từ 200 – 500g/con, nếu điều kiện còn tốt hơn thì chỉ cần 7 – 8 tháng là đạt được chỉ tiêu này rồi. Cá rô phi đỏ được nhân giống chủ yếu bằng sinh sản thuần chủng, lai tạo hoặc phương pháp hóa sinh. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật thì phương pháp lai tạo cho ra giống cá mới có chất lượng vượt trội, đây cũng là hình thức phổ biến nhất.

Cá diêu hồng được nuôi trồng rộng rãi và thu hút một thị trường tiêu thụ rất lớn bất kể vị trí địa lý. Chất thịt cá luôn săn chắc, thơm ngon và không bị bở như nhiều loại cá công nghiệp khác.

Giá cá Diêu Hồng tại Việt Nam giao động từ 30,000 – 70,000đ/kg, tùy thuộc vào các yếu tố như: tươi sống, đông lạnh, kích cỡ, nơi bán. Tại Costco – Hoa Kỳ, giá 3.29/lb. Năm 2012, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam phát triển khá mạnh sau khi có được chứng nhận ASC đầu tiên của công ty Hoàng Long Seafood, sau đó nhiều doanh nghiệp khác cũng đầu tư nuôi cá rô phi và đạt được 4 chứng nhận ASC (tương đương với Trung Quốc). Cạnh tranh cá điêu hồng trên thị trường thế giới không nhiều do Trung Quốc và Đài Loan vẫn nuôi cá điêu hồng nhưng điều kiện bất lợi về diện tích (diện tích mặt nước nuôi nhỏ so với ĐBSCL), mùa vụ (không nuôi được quanh năm) và thị trường (ưu tiên tiêu thụ nội địa), không thể cạnh tranh với Việt Nam. Tại Thái Lan, giá cá diêu hồng tại thị trường nội địa rất cao nên không chú trọng đến xuất khẩu. Quốc gia này đã từng nhập khẩu cá điêu hồng Việt Nam để bán cho người tiêu dùng trong nước hoặc xuất đi các thị trường khác.

Cá diêu hồng tại Costco – Hoa Kỳ

NUÔI CÁ BỚP VỚI MÔ HÌNH LỒNG TRÒN HDPE KIỂU NA UY TẠI KHÁNH HÒA

Cá bớp có tên tiếng Anh là Rachycentron canadum, thuộc họ Rachycentridae và được tìm thấy vào năm 1766. Đây là dòng cá có kích thước lớn và giá trị thương phẩm cao. Thịt của cá giò chứa hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao nên có thể chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn. Cá bớp là dòng cá sống đơn độc, thường chỉ tập trung sống thành từng nhóm nhỏ. Khi đến mùa sinh sản, cá giò sẽ tập hợp thành bầy đàn tại các rạn san hô hoặc trong các xác tàu thuyền bị đắm. Cá bớp được tìm thấy nhiều nhất tại các vùng biển nhiệt đới thuộc phía Đông và Tây của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, ngoại trừ Ấn Độ và Nhật Bản. Tại Việt Nam, các giò được tìm thấy nhiều nhất ở các vùng biển thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Quốc …

Cá Bớp là cá gì? Nấu món gì ngon nhất? Giá bao nhiêu 1KG?

Cá bớp tại Việt Nam

Năm 2020, mô hình lồng tròn HDPE kiểu Na Uy được triển khai ở khu vực Bãi Tranh, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh). Đây là khu vực nuôi biển thuộc vịnh Vân Phong với độ sâu trên 10 m. Các hộ nông dân ở đây thả 1,000 cá giò (cá bớp) bằng công nghệ lồng tròn HDPE thuộc dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy”. Khác với các bè cá truyền thống làm từ gỗ, tre, có hình vuông kích thước 4 x 4 m, lồng HDPE có hình tròn, đường kính 10 m, thể tích lồng 500 m³. Lồng tròn dễ dàng chịu trọng tải khoảng 30 người cùng đứng lên. Lồng nuôi này hoàn toàn do Việt Nam sản xuất nên gia đình mua chỉ 180 triệu đồng, giảm hơn nửa so với lồng Na Uy nhập khẩu.

Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu | Kinh  nghiệm làm ăn | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Công nghệ lồng tròn HDPE do Việt Nam sản xuất

Lồng nuôi tôm hùm

Theo đánh giá của các ngư dân, việc nuôi lồng HDPE không khác gì mấy so với nuôi lồng bằng gỗ, bằng bè. Tuy nhiên, ưu điểm lồng nuôi thông thoáng nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ cá sống đạt từ 80% – 90%, cao hơn 10% so với lồng nuôi truyền thống. Vì vậy, sau 7 tháng thả nuôi, cá đã đạt trọng lượng xuất bán 5 kg/con. Về công chăm sóc chỉ cần 2 người là đủ. Việc thu hoạch hoàn toàn bằng tay, bằng cách kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá, không cần máy móc cầu kỳ. “Đặc biệt, từ khi chuyển sang lồng nuôi HDPE, không còn lo sợ bão đổ bộ làm thiệt hại nuôi trồng thủy sản vì chất lượng lồng rất tốt, kháng được gió bão miền Trung.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” triển khai năm 2020 và kết thúc vào năm 2022, với quy mô 6 lồng nuôi. Năm 2020, trung tâm triển khai nuôi 1 lồng, đã cho thu hoạch 5 tấn cá, lãi gần 100 triệu đồng sau 10 tháng nuôi. Trong năm 2022, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 3 lồng nữa để thí điểm. Đây là cơ sở, mô hình điểm để người nuôi cá với mong muốn toàn tỉnh học tập, thay đổi phương thức nuôi cá biển từ lồng truyền thống bằng gỗ sang lồng HDPE.

Trước đây, công nghệ lồng nuôi kiểu Na Uy giá rất cao, vượt quá khả năng ngư dân nên ban đầu ngư dân ngán ngại. Tuy nhiên, giờ đây qua nghiên cứu, giá mỗi lồng nuôi HDPE giảm so với lồng nhập khẩu Na Uy dưới 50%, độ bền lồng nuôi trên 20 năm, nếu nuôi hiệu quả chỉ sau 3 năm sẽ thu hồi vốn. “Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển sang lồng HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết trên thế giới, người nuôi dùng công nghệ lồng HDPE trong việc nuôi biển khá phổ biến, đặc biệt như Na Uy có diện tích nuôi biển rất lớn. “Chúng tôi đã triển khai quy trình nuôi lồng HDPE sao cho phù hợp để được nhân rộng ở các địa phương nuôi biển” – ông Thanh nói. Bộ NN-PTNT đã trình chính phủ xem xét phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 280,000 ha, thể tích lồng nuôi 10.0 triệu m³. Sản lượng nuôi đạt 850 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 0.8 – 1.0 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 300,000 ha, thể tích lồng nuôi 12.0 triệu m³. Sản lượng nuôi đạt 1.45 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.8 – 2.0 tỷ USD.

CÁ CHIM VÂY VÀNG (CÁ CHIM VÂY NGẮN)​

Cá Chim biển vây vàng (Trachinotus blochii Lacepède 1801) là loại cá có giá trị kinh tế cao, được nuôi ở Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia … Đây là loài cá được nhiều người ưa thích, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, sử dụng tốt thức ăn công nghiệp, tốc độ sinh trưởng nhanh, thích hợp cho nuôi lồng bè trên biển và nuôi trong các ao đầm nước mặn lợ.

Loài cá này mới được đưa vào Việt Nam từ năm 2006, và được Trường Cao Đẳng Thủy sản, Từ Sơn, Đình Bảng – Bắc Ninh thử nghiệm nuôi thương phẩm trong ao tại Trại thực nghiệm Yên Hưng, Quảng Ninh vào năm 2008. Sau 12 tháng nuôi cá đạt 621.23g (ở mật độ 1.5 con/m²) và 593.37g (ở mật độ 2.5 con/m²).

Trong vài năm gần đây, loài cá này đã được Công ty Marine Farms Vietnam nuôi bằng lồng biển tại Vịnh Vân Phong, Vạn Ninh – Khánh Hòa, cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp được nhập từ Canada. Cũng cần nói thêm Marine Farms Vietnam là công ty 100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn MORPOL. Tập đoàn MORPOL của Na Uy là một trong những tập đoàn kinh doanh về hải sản lớn nhất thế giới. Marine Farms Vietnam đang nuôi cá lồng trên biển ở Khu Kinh Tế Vân Phong – tỉnh Khánh Hòa theo quy trình và kỹ thuật của Châu Âu. Sau gần bốn năm đi vào hoạt động, nay công ty chính thức đẩy mạnh sản xuất và phát triển lớn mạnh. Trong năm 2011, công ty đã sản xuất hơn 2,000 tấn cá thương phẩm và trong năm 2013 tăng lên hơn 7,000 tấn. Sản lượng sẽ được tăng nhanh mỗi năm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Cá chim vây vàng được nuôi trong các lồng nổi ở vịnh Vân Phong, một khu vực thưa dân cư cách thành phố biển Nha Trang 50 km về phía Bắc. Đây cũng là nơi Marine Farms Việt Nam đã nuôi cá giò từ năm 2005. “Hai loài này được nuôi song song, Massad nói. “Nó cho chúng tôi hai chân để đứng vững”. Gần đây Marine Farms Việt Nam đã sản xuất 500 – 600 tấn cá giò một năm, trong khi 800 tấn cá chim vây vàng đang được nuôi.  Trong khi có nhiều việc phải làm để giảm chi phí nuôi cá giò, tương lai có vẻ sáng sủa đối với cá chim vây vàng, một loài cá nổi tiếng, trong một số trường hợp, có thể bán giá trên pound cao hơn thịt bò.

Thu hoạch cá chim vây vàng

KẾT LUẬN

Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự trù là 8.9 tỷ USD. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500,000 ha. Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu diện tích nuôi biển đạt 300,000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m³, sản lượng đạt 1.75 triệu tấn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 đã đạt được 3.5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 39.7% kế hoạch. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2030 dự trù đạt 14 – 16 tỷ USD.

Trong Kế hoạch phát triển ngành tôm Việt Nam thì mục tiêu phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam. Đồng thời, đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị. Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt là động lực của toàn chuỗi giá trị. Đây là định hướng mà ngành tôm hướng đến nhằm đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả tối đa, duy trì sự bền vững trong tương lai.

Nuôi trồng thủy sản trên biển là ưu tiên quan trọng trong ngành thủy hải sản Việt Nam. Đến năm 2025, dự án đặt mục tiêu có 280,000 ha nuôi trồng thủy sản trên biển, đạt sản lượng 850,000 tấn và doanh thu xuất khẩu 800 triệu – 1 tỷ USD. Đến năm 2045, nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ trở thành một bộ phận quan trọng của ngành thủy sản với quy trình quản lý hiện đại, đóng góp trên 25% tổng sản lượng và đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD.

Với việc ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, cộng với việc áp dụng công nghệ ngày càng tiến bộ vào sản xuất, Việt Nam có thể vượt qua Ecuador để trở thành quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới.

THAM KHẢO

  1. Tổng quan ngành tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam.
  2. Tổng quan ngành cá tra Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.
  3. Bài viết “Nuôi cá biển theo công nghệ Na Uy” đăng trên mạng Nông nghiệp Việt Nam ngày 08/02/2021.
  4. Nuôi lồng bè – Tiềm năng và thách thức Thuỷ sản Việt Nam
  5. Bài viết “Giá cá rô phi các loại nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021” đăng trên mạng Nông nghiệp Content ngày 08/02/2021.
  6. Bài viết “Phát triển kinh tế biển bằng công nghệ cao” đăng trên mạng Người lao Động ngày 25/11/2021.
  7. You Tube “Đi chợ Mỹ Costco, mua cá diêu hồng …”.
  8. Bài viết “Liệu cá chim vây vàng có phải là vấn đề lớn tiếp theo?” posted by BVN Editor on 29/6/2011.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *