Vị thế Việt Nam 2021 – 2022

153 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Những năm gần đây, IMF đã 2 lần hỗ trợ Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP. Lần thứ nhất là đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 và cho kết quả tăng bình quân 25.4%/năm so với trước đó. Lần thứ 2 là đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2018-2020, cũng cho kết quả tăng bình quân trên 25%/năm so với trước đó.

Mặc dù vậy, IMF nhận định, 2 đợt thực hiện đánh giá lại quy mô GDP trên chỉ mới xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, mà chưa đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm, bất hợp pháp. Việt Nam đã loại trừ một số hoạt động kinh tế không quan sát được, dẫn đến ước tính thiếu, có thể làm sai lệch tốc độ tăng trưởng GDP, gây trở ngại cho so sánh quốc tế.

Kể từ 2017, IMF đã 3 lần hỗ trợ cho Việt Nam trong việc xây dựng những hệ thống về thống kê, về kinh tế và đặc biệt là các quốc gia có sự phát triển và thay đổi nhanh như Việt Nam, thì việc cập nhập số liệu thống kê về kinh tế là rất khó khăn và cũng rất quan trọng như bỏ sót các doanh nghiệp, chưa thống kế kinh tế ngầm, chính xác của quy mô GDP … Ngoài các nguyên nhân được Thống kê Việt Nam nêu, còn một nguyên nhân nữa đáng để xem xét trong việc tính lại GDP, đó là sự đánh giá của quốc tế về GDP theo sức mua (PPP). Không quốc gia nào ngoài Hoa Kỳ có tỷ số đó bằng 1 (20,807/20,807 tỷ USD).

Theo công bố của IMF, GDP toàn cầu năm 2020 tính theo “danh nghĩa” là 83,844 tỷ USD, tính theo “sức mua” là 130,186 tỷ USD. Tỷ số giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa trên đây của toàn cầu là 1.52. Khá nhiều quốc gia có hệ số đó cao hơn 1, như Trung Quốc 1.61; Nga 2.44; Brazil 2.25; Mexico 2.33; Thái Lan 2.47… Việt Nam thuộc tốp ít ỏi có tỷ số lớn hơn 3, trong đó cao nhất là Thổ Nhĩ Kỳ 3.70; Việt Nam 3.08 (1047/340 tỷ USD), Indonesia 3.05 …

Có 2 phương án để đánh giá chính xác GDP: Phương án 1, đánh giá lại từ các nguyên nhân dẫn đến GDP bị đánh giá thấp, đặc biệt là 4 nguyên nhân đã được chính thức nêu ra trên đây. Từ đó tính toán những gì cần được đưa vào GDP. Phương án 2, tiếp thu đầy đủ và có chọn lọc các đánh giá của các tổ chức quốc tế về Việt Nam và về GDP của Việt Nam. So sánh hai phương án để đúc kết lại thành phương án cần được lựa chọn. Để hình dung, có thể phác họa một vài tính toán sau:

  • Theo Đại học Fulbright, GDP Việt Nam được tính lại có thể cao hơn so với hiện tại trong khoảng 25-30%. Từ đó, GDP Việt Nam năm 2020 là 340 x 1.25 = 425 tỷ USD, hoặc là 340 x 1.30 = 442 tỷ USD, mức trung bình là 433 tỷ USD.
  • Theo tỷ số bình quân của thế giới về GDP sức mua/GDP danh nghĩa là 1.56 thì GDP Việt Nam năm 2020 là 340 x 1.56 = 530 tỷ USD.
  • Theo quan hệ giữa GDP/kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 vào loại cao nhất thế giới là 0.81, thì GDP sẽ là 543 ÷ 0.81 = 670 tỷ USD.
  • Theo ước đoán về kinh tế phi chính thức có thể lớn bằng 50% kinh tế được công bố, thì GDP năm 2020 sẽ là 340 x 1.5 = 510 tỷ USD.
  • Nếu không thể chấp nhận, hoặc bác bỏ tất cả các tính toán trên, thì đơn giản nhất, phải chăng là chấp nhận mức bình quân của các tính toán này. Theo đó, GDP năm 2020 sẽ là (433 + 530 + 670 + 510) ÷ 4 = 535 tỷ USD.

GDP 2021 của Việt Nam tính theo phương pháp củ là 354.87 tỷ USD. Nếu tăng thêm 25.4% theo đề nghị của IMF thì GDP mới là 445 tỷ USD, vượt qua Philippines (367 tỷ USD), đứng thứ ba sau Indonesia (1,089 tỷ USD) và Thái Lan (509 tỷ USD). Nếu tính mức bình quân 535 tỷ USD thì Việt Nam vượt qua Thái Lan (509 tỷ USD), chỉ còn thua Indonesia (1,089 tỷ USD). Đã 3 tháng từ khi cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 được tiến hành trên toàn quốc, với một trong những mục tiêu quan trọng là tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2020 sát thực tế hơn. Kết quả của cuộc tổng điều tra dự kiến được công bố vào tháng 2/2022. Lẻ dĩ nhiên, GDP sức mua của các nước ASEAN cũng phải được được tính để sự so sánh chính xác hơn.

VỊ THẾ VIỆT NAM

  • Tháng 7/2021, trùng hợp với chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, quan hệ hai nước có nhiều điểm đáng chú ý. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Austin chọn thăm Việt Nam ngay chuyến đi đầu tiên tới khu vực là điều có ý nghĩa, cho thấy nước Mỹ thời chính quyền Tổng thống Biden coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hai nước, cả ở tầm song phương và khu vực. Đây không chỉ là tháng kỷ niệm thiết lập quan hệ (11/7/1995) mà còn có một số việc lớn trùng hợp diễn ra: Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận xử lý vấn đề “thao túng tiền tệ” và Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) quyết định không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào với Việt Nam. Cũng trong tháng 7, Mỹ trao tặng Việt Nam thêm 3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 (tổng cộng 5 triệu liều) thông qua Cơ chế Covax. Và, tàu lớp Hamilton thứ 2 do Mỹ tặng Cảnh sát biển Việt Nam (CSB 8021) cũng đã về đến Việt Nam.
  • Việt Nam vượt Bangladesh thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới với trị giá 29 tỷ USD trong năm 2020. Đây là kết quả đánh giá thống kê thương mại thế giới mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với kết quả này, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và vượt Bangladesh về bán hàng may mặc trên toàn cầu. Sản phẩm may mặc “Made in Vietnam” chiếm 6.4% thị phần thế giới. Năm 2010, thị phần chỉ là 2.9%.
  • Việt Nam lần đầu tiên nhập khẩu 14,000 con bò đực từ Brazil và lô hàng dự kiến sẽ đến Việt Nam vào ngày 23/9. Ông Michael Patching nói rằng lô hàng này là một cuộc thử nghiệm để thăm dò liệu rằng hoạt động buôn bán gia súc sống giữa Brazil và Việt Nam có khả thi hay không. Mặc dù giá bò sống của Brazil hiện tại có thể rẻ hơn so với nhập khẩu từ Australia, nhưng Australia vẫn là lựa chọn ưu tiên của các công ty nhập khẩu Việt Nam. Chi phí xuất khẩu gia súc của Brazil sang Việt Nam sẽ xấp xỉ gấp đôi chi phí một chuyến hàng từ Townsville, Australia đến Việt Nam.

Giá thịt bò xuất khẩu trên thế giới

  • Trong một bản tin đáng ngạc nhiên, đài VOA hôm 16/9 loan tin Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đề nghị người đồng cấp Việt Nam hỗ trợ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, giữa lúc các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên vẫn đang bị đình trệ, truyền thông Hàn Quốc và quốc tế dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng nước này cho biết.
  • Tháng 9/2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2021 xuống chỉ còn 3,8%, thấp hơn rất nhiều so với con số 6,7% hồi đầu năm. Đây là lần thứ ba ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
  • Trang Statista vừa cập nhật bảng danh sách “Major foreign holders of U.S. treasury securities as of August 2021” công bố về những món nợ mà nước Mỹ đang gánh. Trong đó, Việt Nam hiện nằm trong top 50 nước “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ. Theo thống kê Bộ Tài chính Mỹ được Statista ghi nhận, Việt Nam đang nắm giữ hơn 39 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Thực tế, việc Mỹ “nợ” Việt Nam hơn 44 tỷ USD chính là con số phản ánh số trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam nắm giữ, hiện đang lưu ký tại các ngân hàng đặt tại Mỹ. Đây được xem là ngoại hối của Việt Nam. Số nợ Mỹ do “ta cho vay” tăng lên gấp 6 lần trong giai đoạn từ đầu năm 2012 đến nay. Việt Nam hiện đang đứng thứ 30 trong tổng số 50 quốc gia chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Thực tế, Việt Nam cho Mỹ vay bao nhiêu thể hiện sức mạnh của Việt Nam nhiều hơn là gánh nặng nợ của Mỹ. Nhờ vị thế đồng tiền thanh toán chính cùng hệ thống kinh tế chính trị ổn định, USD từ lâu đã là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới. Bên cạnh đó, con số 44.8 tỷ USD không phải là toàn bộ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Con số này chỉ chiếm khoảng gần 40% tổng số ngoại hối mà Việt Nam đang nắm giữ.

Các quốc gia nắm giữ trái phiếu Mỹ

  • World Bank vẫn tỏ ra tương đối lạc quan khi dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong khi ADB và IMF đã có sự thay đổi. Mỗi tổ chức lại dự báo một thứ hạng khác nhau về quy mô GDP trong khu vực ASEAN năm 2021.

Quy mô tăng trưởng của ASEAN

  • Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ngày 5/11 vừa ký kết với một công ty Hoa Kỳ Amkor Technology thỏa thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C. Công ty Amkor dự kiến tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1.6 tỷ USD trên tổng diện tích khoảng hơn 23 ha, trong đó giai đoạn đầu của dự án khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng năm năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án dự kiến khởi công vào quý I/2022.

Lễ ký kết xây dựng nhà máy Amkor của Hoa Kỳ tại Bắc Ninh – Dân Việt/ RFA Edited

  • Theo bảng xếp hạng sức mạnh quân sự 2021 của trang web phân tích quốc phòng độc lập Global Firepower, Việt Nam đứng thứ 24.

Chỉ số sức mạnh quân sự thế giới 2021

  • Việc rót thêm vốn và đầu tư mới của các doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục diễn ra bất chấp dịch Covid-19. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng năm 2021, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 23.74 tỷ USD. Trong số đó, vốn đăng ký mới là 13 tỷ USD, tăng 11.6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm là 7.09 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói là có đến ba dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, gồm dự án Điện LNG Long An 3.1 tỷ USD, LD Display Hải Phòng tăng vốn thêm 2.15 tỷ USD và Nhiệt điện Ô Môn II là 1.31 tỷ USD. Sở dĩ vốn đầu tư FDI vẫn tăng vì các nhà đầu tư tin tưởng khả năng phục hồi sau đại dịch. Theo kết quả khảo sát “Niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) công bố ngày 9/11/2021, cộng đồng doanh nghiệp Đức tự tin vào khả năng phục hồi tại Việt Nam trong 12 tháng tới. 
  • Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, tạo ra 16,500 MW vào cuối năm 2020. Thống kê của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho thấy, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam xếp vị trí thứ 8 và vào top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới. Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW.

Điện gió tại Bạc Liêu

  • Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam là quốc gia có trữ lượng vonfram cao thứ 3 thế giới với 95,000 tấn, sau Nga (400,000 tấn) và Trung Quốc (1.9 triệu tấn). Đáng chú ý, trong những năm gần đây, sản lượng vonfram từ mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc, có quy mô lớn thứ 2 thế giới. Vonfram có khả năng chống chịu hơn cả kim cương và cứng hơn thép rất nhiều, có điểm nóng chảy cao nhất trong tất cả các kim loại chịu lửa cùng một số đặc tính khác khiến nó trở nên lý tưởng cho nhiều ứng dụng trong thương mại và công nghiệp.

Trữ lượng Vonfram trện thế giới

  • Kho nhôm 1.8 triệu tấn trị giá 5 tỷ USD đã bị Việt Nam ngăn chặn xuất khẩu vào năm 2019 trong khuôn khổ cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng. Cuộc điều tra này nhắm đến tỷ phú Trung Quốc Lưu Điền Trung, người được mệnh danh là “vua nhôm”. Cuộc điều tra chưa kết thúc, dù những kết luận điều tra ban đầu với công ty nhập khẩu số nhôm này tại Việt Nam đã bị hủy bỏ vì thiếu bằng chứng. Hiện “núi nhôm” này vẫn đang được lưu giữ dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh Việt Nam. Chỉ có một khối lượng nhỏ trong số đó đã được đưa vào dây chuyền sản xuất. Ngoài lý do liên quan đến pháp lý, giới chuyên gia cũng không kỳ vọng nhiều vào khả năng kho dự trữ này được giải phóng ra thị trường. CRU – một trong những công ty tư vấn quan trọng nhất trong ngành – đã loại bỏ kho dự trữ 1,8 tấn nhôm tại Việt Nam khỏi ước tính về hàng tồn kho của mình. Theo đó, công ty này cho rằng một phần trong “núi nhôm” này có thể phải bán dưới dạng phế liệu vì đã hơn 10 năm tuổi.

Kho nhôm 5 tỷ USD đội hàng Việt

  • Theo Navy Recognition, các tàu tuần tra SPA 4207 được xuất khẩu sang Jamaica đều được đóng mới tại Việt Nam. Tập đoàn đóng tàu Damen – Sông Thu cho biết, công ty này vừa bàn giao tàu tuần tuần tra cao tốc spa 4207 thứ hai cho lực lượng bảo vệ bờ biển Jamaica, một phần trong hợp đồng 4 chiếc được hai bên ký kết trước đó. Về thông số kỹ thuật cơ bản, tàu SPA 4207 có chiều dài 42.8 m, rộng 7.1 m. Tàu được trang bị hệ động lực bao gồm 2 động cơ diesel, với công suất 5,632 BHP, tốc độ 25.5 hải lý/giờ. Được biết, tàu tuần tra SPA 4207 hiện cũng được trang bị cho lực lượng biên phòng Việt Nam.

Tàu tuần tra SPA 4207

  • Kết quả ấn tượng của chuyến công tác tại châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu tháng 11/2021 là gần 60 bản ghi nhớ hợp tác với tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD.
  • Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu đã có khởi đầu mạnh mẽ sau một năm thực thi, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ 15 của EU. “Bất chấp đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) tăng 11% trong 12 tháng đầu sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) được thực thi và xuất khẩu của EU tăng 12%”, ông Cany ngày 25/11 nói trong lễ công bố Sách Trắng EuroCham 2021. “Đây là khởi đầu rất mạnh mẽ, nhưng mới chỉ là sự bắt đầu”. Trong khi đó, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết Việt Nam hiện là đối tác thương mại đứng thứ 15 của EU, lần đầu tiên vượt qua Singapore. Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sau 10 năm đàm phán, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU.
  • Hãng hàng không quốc gia Việt Nam VNA đã thực hiện chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên tới Mỹ từ ngày 28/11/2021 sau khi được các nhà chức trách Hoa Kỳ trao chứng chỉ cho phép bay tới thị trường có đông người Việt hải ngoại sinh sống nhất thế giới. Ngoài VNA, Bamboo Airways dự kiến sẽ là hãng hàng không thứ 2 của Việt Nam khai thác đường bay thẳng tới Mỹ. Hãng hàng không tư nhân non trẻ nhất của Việt Nam vào tháng 9 đã ký một thoả thuận trị giá khoảng 2 tỷ USD với tập đoàng General Electric để trang bị động cơ mới cho loạt máy bay Boeing của hãng nhằm chuẩn bị cho kế hoạch bay thẳng tới Mỹ vào đầu năm sau. Sáng ngày 29/11, chuyến bay VN98 của Vietnam Airlines từ TP.HCM đã hạ cánh tại sân bay San Francisco sau 13 giờ 45 phút bay. Hãng dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Đây là chuyến bay đầu tiên sau 20 năm chuẩn bị.

 Chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines từ TP.HCM đã hạ cánh tại sân bay San Francisco ngày 29/11/2021

  • Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu – Best Global Universities. Tạp chí U.S. News & World Report ngoài việc tập trung vào xếp hạng các trường đại học, cao đẳng của Hoa Kỳ, đã thực hiện và công bố Bảng xếp hạng Best Global Universities (Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất toàn cầu) để đáp ứng nhu cầu người học ở Hoa Kỳ mở rộng ra ngoài các trường đại học trong nước; đồng thời giúp các trường đại học của Hoa Kỳ có thể so sánh với các trường đại học khác trên thế giới. Kỳ xếp hạng năm 2022 có 2005 trường đại học thuộc 90 quốc gia tham gia, trong đó có 1750 trường được xếp hạng. Best Global Universities đánh giá và xếp hạng các trường đại học dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu khoa học do Tập đoàn Clarivate Analytics InCites cung cấp. Khu vực châu Á có 827 trường được tham gia xếp hạng. Xếp hạng trong top 5 trường đứng đầu Châu Á vẫn là những trường quen thuộc đến từ Trung Quốc, Singapore, Ả Rập Xê Út như: Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) top 1 Châu Á và thứ 26 thế giới; Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) top 2 Châu Á và thứ 29 thế giới; Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) top 3 Châu Á và thứ 33 thế giới; Đại học King Abdulaziz (Ả Rập Xê Út) top 4 Châu Á và thứ 44 thế giới; và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) top 5 Châu Á và thứ 45 thế giới. Bảng xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education (THE) năm 2022 bao gồm hơn 1,600 cơ sở giáo dục đại học của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam có 5 đại diện. Trong số 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có tên trong xếp hạng THE 2022, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) và Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cùng ở thứ hạng 401 – 500. 3 cơ sở giáo dục đại học còn lại của Việt Nam là: Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hạng 1001 – 1200), Đại Quốc gia TP.HCM và Trường đại học Bách khoa Hà Nội cùng thứ hạng 1201+.

Các trường đại học tốt nhất toàn cầu

  • Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 3/12 nói Việt Nam và Đài Loan tiếp tục vượt quá ngưỡng cho phép về thao túng tiền tệ theo luật thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, nhưng không chính thức dán nhãn các nước này là “thao túng tiền tệ”. Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong báo cáo tiền tệ bán niên rằng tính đến tháng 6/2021, không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ tìm cách thao túng tiền tệ để có lợi thế thương mại hoặc để ngăn chặn các điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả theo luật năm 1988. Riêng về phía Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ nói họ “hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay”.
  • Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Tập đoàn TH – doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga, đã có những chia sẻ ấn tượng. Hiện dự án của TH tại Nga đang được triển khai mạnh mẽ tại tỉnh Moscow, Kaluga …Tháng 1/2018, TH đã hoàn thành xây dựng môt phần Trang trại chăn nuôi bò sữa tại huyện Volokolamsk, tỉnh Moscow. Bất chấp những khó khăn trở ngại vì cấm vận trong quan hệ thương mại Mỹ – Nga, TH đã nhập về Nga thành công 1,100 con bò sữa cao sản thuần chủng HF từ Mỹ. Đàn bò đã thích nghi với điều kiện sống, tăng trưởng rất tốt và tổng đàn hiện nay đã lên hơn 2,000 con. Với mức năng suất vượt trội đó, chi phí sản xuất trên 1 lít sữa của TH là thấp nhất. Sữa thô của trang trại cũng đang được bán cho các hãng sữa lớn nhất tại Nga như Danone, Torzhok, … ở mức giá cao hàng đầu thị trường. Đây chính là những chỉ số quan trọng nhất chứng minh hiệu quả dự án của TH ở Nga. Chỉ sau 14 tháng, sản phẩm của Tập đoàn TH đã đến với người tiêu dùng Nga. Liên tục tham gia Triển lãm thực phẩm thế giới Worldfood tại Moscow trong nhiều năm, các sản phẩm của TH luôn đạt giải Vàng và giải Đặc biệt về chất lượng, được người tiêu dùng Nga yêu mến. Được biết TH Group là một tập đoàn và cũng là một công ty cổ phần chuyên sản xuất sữa, các chế phẩm từ sữa, nước,… được thành lập tại tỉnh Nghệ An vào năm 2009. Doanh thu từ sữa và các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ duy trì ở mức 7 – 8% / năm trong giai đoạn 2021 – 2025, đạt tổng giá trị khoảng 93.8 nghìn tỷ đồng (4 tỷ USD) vào năm 2025 và tập đoàn TH chiếm 4% thị trường Việt Nam.

Trang trại bò sữa của tập đoàn TH của Việt Nam tại Nga

  • Hãng xe VinFast mới đây đã khởi động lộ trình niêm yết tại Mỹ với việc công ty mẹ Vingroup thành lập một công ty con tại Singapore có tên VinFast Singapore và nhận chuyển giao quyền sở hữu của công ty mẹ trong VinFast. Không chỉ có VinFast, danh sách các công ty dự định niêm yết tại Mỹ còn có kỳ lân công nghệ VNG, hãng hàng không Bamboo Airways, sàn thương mại điện tử Tiki, startup giao nhận hàng hóa Loship… Nhìn chung, các công ty đang xúc tiến kế hoạch niêm yết nhờ tận dụng lợi thế môi trường lãi suất thấp từ chủ trương của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như mối quan tâm của giới đầu tư đối với các công ty khởi nghiệp tiềm năng hoạt động tại châu Á. Nếu doanh nghiệp Việt tiếp cận được thị trường vốn quốc tế và huy động được nguồn vốn lãi suất thấp để cung ứng cho các hoạt động tại Việt Nam thì sẽ tạo ra nền tảng tài chính dồi dào từ thị trường vốn lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), đến hết tháng 11, có 45 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD, trong đó VIC, VHM và VCB đứng đầu với giá trị trên 10 tỉ USD. Đây đều là những doanh nghiệp có khả năng bước ra thị trường vốn thế giới, trong đó có thị trường Mỹ.
  • Báo cáo “SYNC Southeast Asia” mô tả Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu về chuyển đổi số ở châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam là một trong những quốc gia có màn thể hiện xuất sắc nhất tại khu vực này. Ngày 25/11, trang Fibre2fashion dẫn một báo cáo nghiên cứu cho biết Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) đạt 56 tỷ USD, gấp 4.5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.
  • Ngày 8/12, dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Tập đoàn Lego đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh trách nhiệm hữu hạn Khu Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024. Dự án này sẽ góp phần tạo ra 4,000 việc làm. Đây sẽ là nhà máy thứ sáu của Lego trên thế giới và thứ hai ở châu Á với kỳ vọng sẽ giúp Lego mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà máy thứ sáu và là nhà máy trung hoà carbon đầu tiên của Tập đoàn Lego sẽ được xây dựng tại Bình Dương.

Nhà máy thứ sáu của Lego tại Việt Nam

  • Có thể nói, 2021 tiếp tục là năm “ăn nên làm ra” của giới siêu giàu. Theo Forbes, trong 2,660 tỷ phú USD trên thế giới, gần 70% có giá trị tài sản tăng lên so với đầu năm, dù nền kinh tế toàn cầu chưa thể hoàn toàn “vực dậy” do Covid-19 tiếp tục hoành hành. Đáng chú ý, top 10 người kiếm tiền nhiều nhất ghi nhận mức tăng tài sản đến 458 tỷ USD, chiếm 25% trong tổng số hơn 1,600 tỷ USD tài sản tăng thêm của toàn bộ tỷ phú thế giới. Tại Việt Nam, tổng tài sản của 6 tỷ phú có tên trong danh sách người giàu của Forbes tính đến ngày 23/12/2021 đạt 19.6 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với con số công bố vào đầu tháng 4 năm nay là 16.7 tỷ USD. Kết quả này đến từ việc giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng mạnh trong năm.
  • Nga là một trong ba cường quốc vũ trụ nhưng tất cả các cảng vũ trụ của nước này đều nằm ở phía Bắc, cách quá xa đường xích đạo nên Nga cần một cảng vũ trụ lớn nằm gần đường xích đạo. Theo các nhà khoa học Nga, địa điểm thích hợp nhất để xây dựng một cảng vũ trụ thực sự lớn là ở bờ biển phía đông của bán đảo Đông Dương, cụ thể là ở mũi Cà Mau của Việt Nam. Cách đây vài năm, một nhóm các nhà khoa học Nga, bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như M. Grigoriev, M. Okhochinsky, S. Chirikov và A. Khramov, đã đưa ra lập luận về lợi ích của việc xây dựng sân bay vũ trụ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy sự phát triển sáng tạo vượt bậc trong lĩnh vực không gian của Nga và các đối tác.

Nga chọn Việt Nam là nơi xây cảng vũ trụ đầu tiên tại Đông Nam Á

  • Hiện Việt Nam có cảng Cái Mép (Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất lên đến 214,000 tấn, tiếp đó là cảng Hải Phòng với tàu container trọng tải 132,000 tấn. Cuối tháng 12/2020, tàu container lớn nhất thế giới với trọng tải hơn 214.000 tấn, sức chở hơn 18,300 container, dài gần 400 m, rộng 59 m đã cập cảng Cái Mép, đưa cảng Cái Mép trở thành một trong 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này. Năng lực đón tàu trọng tải lớn nhất thế giới đến hơn 214,000 tấn khẳng định hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ kích cỡ lớn, đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ mà không cần trung chuyển qua các cảng của Singapore, Malaysia … giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian chuyên chở, đưa hàng hóa sớm tiếp cận thị trường.
  • Ngày 23/12/2021, Công ty TNHH TNI King Coffee vừa công bố cà phê Robusta Việt Nam đã được Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) xác nhận đạt Kỷ lục thế giới bao gồm: quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta ra thị trường toàn cầu lớn nhất về sản lượng và năng suất, văn hóa pha chế cà phê Việt Nam và nghệ thuật phối trộn và thưởng thức cà phê Việt Nam.
  • Theo báo cáo tài chính của Nike năm 2021, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà sản xuất lớn nhất từ năm 2010. Tỷ lệ sản xuất của Trung Quốc đã giảm dần từ 35% năm 2006 xuống còn 21% vào năm 2021. Năm 2020, 50% sản phẩm giày Nike được sản xuất tại Việt Nam và năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 51%. Là thương hiệu đồ thể thao lớn nhất thế giới, Nike không có nhà máy sản xuất riêng. Hầu hết các sản phẩm giày của hãng được sản xuất bên ngoài nước Mỹ với hơn 15 nhà sản xuất theo hợp đồng độc lập, những nhà sản xuất này có 191 nhà máy sản xuất tại 14 quốc gia và khu vực. Tương tự như Nike, mảng sản xuất giày của hãng đồ thể thao khổng lồ khác là Adidas cũng cho thấy những thay đổi tương tự. Năm 2013, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất các sản phẩm giày Adidas. Năm đó, 35% sản phẩm giày Adidas sản xuất ở Việt Nam, trong khi Trung Quốc chiếm 31%, đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam đã lên 42%, Trung Quốc chỉ còn 15%.
  • Năm 2021, các hảng hàng không Việt Nam bắt đầu vận chuyển hàng hóa trên phi cơ chở khách. Trong tương lai, đây có thể là một phương cách mới vì Việt Nam sẽ tăng cường chở trái cây tươi sang Mỹ. Đây sẽ là một giải pháp thực tế nhất để giảm cước phí vận chuyển.

Vận chuyển hàng hóa trên phi cơ chở khách

  • Ngày 15/1/2022, T&T Group và tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc chính thức khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 1 – 1,500 MW, với tổng vốn đầu tư 2.3 tỷ USD. Đây là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị hiện nay.
  • Ngày 18/1/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô diện tích lớn nhất châu Á, công suất đạt 1,000 tấn gạo/ngày. Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư xây dựng với diện tích 161,000 m² tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang và được thiết kế với công suất mỗi ngày sấy đạt 4,800 tấn lúa tươi, hệ thống 80 silo chứa lúa (bảo ôn) 240,000 tấn, xay xát chế biến 1,600 tấn (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1,000 tấn. Ngoài ra, nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu như hệ thống tiếp nhận, làm sạch, sấy và silo chứa lúa của Tập đoàn SKIOLD (Đan Mạch); hệ thống xay xát lúa gạo từ Buhler (Thụy Sỹ); các trang thiết bị đi kèm đều nhập khẩu và đồng bộ theo tiêu chuẩn EU. Đây đều là những đối tác công nghệ hàng đầu châu Âu với kinh nghiệm hoạt động từ hàng chục đến hàng trăm năm; đáp ứng chuẩn mực các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường.

Nhà máy xây gạo lớn nhất Châu Á tại An Giang

  • Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, ông vừa ký kết hợp tác đầu tư với 4 đối tác lớn của Mỹ là Công ty Cantor Fitzgerald, Công ty Silver Stein, Công ty Weidner Resort – Gaming Asset Management và Công ty Steelman Partners để thực hiện 45 dự án trọng điểm do ông tâm huyết nghiên cứu và sẽ đồng bộ thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố với quy mô lên đến hàng trăm tỷ USD, trong đó có đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế được TP.HCM đặt mục tiêu cho tầm nhìn đến năm 2050.

Trung tâm tài chính TP.HCM

  • Theo Niên giám Da giày Thế giới năm 2021 (World Footwear Yearbook 2021) vừa được công bố, lần đầu tiên Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu. Tổng cộng, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1.2 tỷ đôi giày trong năm 2020 và hiện đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu da giày, theo số liệu vừa được Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha APICCAPS công bố trong Niên giám Da giày Thế giới năm 2021. Đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu là Trung Quốc với tổng số 7.4 tỷ đôi giày xuất khẩu trong năm 2020. Sau Việt Nam, Indonesia đứng ở vị trí thứ ba với 366 triệu đôi giày xuất khẩu, chiếm 3% (từ mức 1.6% thập kỷ trước) thị phần giày xuất khẩu toàn cầu, tiếp đến là Đức với 2.5% và Thổ Nhĩ Kỳ 2.3%. Đức đã vượt qua Bỉ và Ý để trở thành nhà xuất khẩu giày lớn nhất châu Âu trong 10 năm qua.
  • Theo báo cáo ban đầu, trong năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31.15 tỷ USD, tăng 9.2% so với cùng kỳ. Song, dữ liệu được đưa ra mới đây lại cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 chính xác là 38.85 tỷ USD (tăng 7.7 tỷ USD so với báo cáo trước), tăng 25.2% so với cùng kỳ năm 2020. Song, thực tế, chỉ trong những ngày ít ỏi còn lại của năm 2021, hai dự án khủng có quy mô tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư. Đặc biệt hơn, hai dự án này lại cùng được cấp chứng nhận vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2021. Một trong hai dự án là Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị – giai đoạn I (1,500 MW), vốn đầu tư đăng ký 2.3 tỷ USD, là dự án liên doanh của Tập đoàn T&T với nhà đầu tư Hàn Quốc. Mục tiêu của dự án là sản xuất điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và truyền tải vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến hệ thống phân phối. Dự án còn lại, trị giá hơn 5 tỷ USD là của một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Dự án LNG Quảng Trị

  • 5 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.251 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu của Bộ Công Thương. Các chuyên gia dự báo giá cà phê có thể sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao cho sàn New York chủ yếu từ khối sản xuất Mexico khu vực Trung Mỹ dường như đã cạn kiệt do việc đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn giá cao từ đầu năm; ngoài ra, việc vận chuyển và giao hàng từ các khu vực cung khác cũng thuận lợi hơn. Báo cáo từ Cecafé của Brazil cho thấy, vụ thu hoạch cà phê Robusta bị chững lại do yếu tố thời tiết không thuận lợi, trong khi đó, nhu cầu cà phê nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan và rang xay cũng tăng cao, có khả năng lên tới 22.5 triệu bao trong năm nay. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nói chung, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.Cuối năm 2021, Công ty TNHH TNI King Coffee vừa công bố cà phê Robusta Việt Nam đã được Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) xác nhận đạt Kỷ lục thế giới bao gồm: quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta ra thị trường toàn cầu lớn nhất về sản lượng và năng suất, văn hóa pha chế cà phê Việt Nam và nghệ thuật phối trộn và thưởng thức cà phê Việt Nam.
  • Mới đây, Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) đã công kết quả Bảng xếp hạng đại học thế giới QS World University Rankings 2023 – QS WUR 2023. Trong kỳ xếp hạng này, cả 4 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách khoa Hà, Đại học Duy Tân) đã có mặt trong bảng xếp hạng ở kỳ trước đều duy trì được vị trí của mình. Trong khu vực Đông Nam Á, 64 cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng tại Bảng xếp hạng QS WUR 2023, trong đó, Malaysia là quốc gia Đông Nam Á có nhiều cơ sở giáo dục được xếp hạng nhất (24), tiếp theo là Indonesia (16), Thái Lan (10), Việt Nam (5), Philippines (4), Singapore (3) và Brunei (2). Tuy chỉ có ba cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhưng Singapore vẫn cho thấy vị thế hàng đầu khi có hai cơ sở giáo dục đại học lọt top 20 thế giới (Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 11 và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng thứ 19). Mỹ tiếp tục là quốc gia của các trường đại học hàng đầu thế giới, với 5 cơ sở giáo dục lọt vào Top 10, trong đó Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giữ vững vị trí số 1 trong 10 năm liên tiếp. Tiếp đó là Anh với 4 cơ sở giáo dục (trong tổng số 90) lọt vào top 10 thế giới, trong đó Đại học Cambridge lên vị trí thứ 2 thế giới.
  • Theo ấn bản thứ 13 của World Economic League Table 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2036. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030. Sự phục hồi nhanh hơn dự kiến ​​ở Mỹ vào năm 2021 và những nỗ lực của Trung Quốc theo chính sách “Zero-COVID” đã khiến Trung Quốc mất vị trí đầu bảng khoảng hai năm. Theo CEBR, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2036. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 41 thế giới về quy mô kinh tế và dự báo năm 2022 sẽ tăng 5 bậc lên vị trí thứ 36. Đến năm 2026, CEBR dự báo Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất, năm 2031 sẽ đứng thứ 24 và năm 2036 vươn lên đứng thứ 20. Cũng dự báo về quy mô kinh tế Việt Nam, theo IMF, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571 tỷ USD. Xếp sau Indonesia (1,630 tỷ USD) và Thái Lan (632 tỷ USD) và vượt qua Malaysia (556 tỷ USD), Philippines (524 tỷ USD), Singapore (497 tỷ USD).
  • 165 quốc gia có đóng góp nhiều nhất vào GDP của thế giới được CEOWORLD lựa chọn nhằm đánh giá và xếp hạng về chất lượng sống của từng quốc gia. Thứ hạng chỉ số chất lượng sống được CEOWORLD dựa trên nhiều tiêu chí như chi phí sống; sự ổn định kinh tế – chính trị; môi trường làm việc; bình đẳng thu nhập; hệ thống giáo dục; hệ thống y tế … Trong đó, mỗi tiêu chí sẽ được đánh giá dựa trên thang điểm 100. Theo CEOWORLD, “Việt Nam có tổng số điểm là 78.49 và xếp hạng 62/165 quốc gia”. Đây là thứ hạng cao hơn rất nhiều so với năm 2020, thời điểm Việt Nam chỉ xếp 101/171 quốc gia có mức sống tốt nhất. Thứ hạng mới cho thấy Việt Nam đang có những bước cải thiện quan trọng về chất lượng cuộc sống, khi tăng đến tận 39 bậc trên bảng xếp hạng. Phần Lan có chỉ số chất lượng sống tốt nhất thế giới, khi tổng số điểm của nước này đạt đến tận 99.06 điểm. Tiếp đến là Đan Mạch (98.13 điểm) và Na Uy (96.75 điểm). Nhật Bản là quốc gia có chỉ số chất lượng sống tốt nhất châu Á với 91.23 điểm. Quốc gia này cũng nằm trong top 10 quốc gia có chất lượng cuộc sống tốt nhất trên toàn cầu. Singapore là đại diện duy nhất thuộc khu vực Đông Nam Á góp mặt trong top 20 với 87.64 điểm.
  • Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (GSO), GDP quý II/2022 của Việt Nam ước tính tăng 7.72%. Tính chung 6 tháng đầu 2022, GDP tăng 6.42%. Theo Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý 2 và cả năm 2022 do Tổng Cục thống kê vừa công bố cho biết: Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định sau hơn hai năm đại dịch cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2.9% năm 2022, giảm 1.2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1 đầu năm nay. Đồng thời, WB cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng của Mỹ năm 2022 dự báo đạt 2.5%, khu vực đồng Euro chỉ đạt 2.5%, Nhật Bản đạt 1.7%, Trung Quốc đạt 4.3%. Tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5.0%, Philippines đạt 6.0%, Thái Lan đạt 3.0%, Singapore đạt 4.3%, Malaysia đạt 6.0% và Việt Nam đạt cao nhất ở mức 6.5%. Lý giải về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo cao nhất khi nền kinh tế dần phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ.
  • Trong giai đoạn 1990 – 2021, 3 nước trong khu vực Đông Nam Á lọt top 10 quốc gia có tăng trưởng GDP trung bình nhanh nhất thế giới. Từ năm 1990 đến nay, Equatorial Guinea là một quốc gia ở Tây Phi có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình cao nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 16.15%/năm. Xếp thứ hai sau Equatorial Guinea là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 9.08%/năm. Trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có Myanmar, Việt Nam và Lào lọt top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong 31 năm nhanh nhất thế giới. Cụ thể, Myanmar có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7.49%/năm, xếp thứ 6; Việt Nam có tăng trưởng GDP đạt 6.61%, xếp thứ 9 và Lào có tăng trưởng đạt 6.48%, xếp thứ 10 trên thế giới. Đại dịch Covid-19, thương chiến Hoa Kỳ – Trung Quốc và tình hình chính trị bất ổn tại Myanmar ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của 3 nước này.
  • Việt Nam nằm trong danh sách 35 nước có giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ. Số liệu trong báo cáo công bố ngày 18/7/2022 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Nhật Bản, Trung Quốc và Anh là ba chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Hoa Kỳ. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, đang nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ nhiều nhất của Hoa Kỳ, với gần 1,213 tỷ USD, theo số liệu được tổng hợp cho đến tháng 5 năm nay. Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 của Mỹ, với gần 981 tỷ USD, trên Anh, nước đứng ở vị trí thứ 3, với 634 tỷ USD. Thống kê của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Việt Nam đang nắm giữ 39.1 tỷ USD và đứng thứ 31 trong danh sách này. Đây là lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam có được, hiện đang lưu ký tại các ngân hàng đặt tại Mỹ, và được xem là ngoại hối của Việt Nam. Trong vòng hơn 5 năm qua, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam nắm giữ đã tăng hơn 3 lần. Việt Nam, nền kinh tế có tổng thu nhập quốc nội trị giá 362 tỷ USD, đứng sau Chile (30) và trên Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (32) về giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ tính đến tháng 5 vừa qua.
  • Theo báo cáo “Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới” công bố vào tháng 7/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô GDP của Indonesia sẽ dẫn đầu trong khu vực ASEAN, đạt 1,290 tỷ USD. Xếp sau Indonesia là Thái Lan với 522.01 tỷ USD. Cùng với đó, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam có quy mô GDP đạt lần lượt là 439.37 tỷ USD, 424.43 tỷ USD, 411.98 tỷ USD và 408.95 tỷ USD. Như vậy, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 theo dự báo của IMF đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN.
  • Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, với 44 triệu tấn vào năm 2021, chiếm hơn 36% kho dự trữ toàn cầu, theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS). Cơ quan chính phủ Mỹ cho biết 78% đất hiếm nhập khẩu của Mỹ là từ Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Kỹ thuật Quốc phòng Mỹ (DTIC) – cơ quan lưu trữ thông tin nghiên cứu và kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Việt Nam có những thế mạnh tiềm tàng to lớn về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là đất hiếm. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết nguồn tài nguyên đất hiếm của Việt Nam được đánh giá có trữ lượng 11 triệu tấn và dự báo là 22 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc, gồm các vùng Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum và Yên Bái. Trữ lượng của Việt Nam tới nay đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.
  • Năm nay, Việt Nam đóng góp tới 3 đại diện trong “Top 15 khách sạn trong thành phố tốt nhất châu Á” của tạp chí Travel + Leisure. Thành tích này ngang bằng với Singapore, vượt qua Thái Lan và Nhật Bản, chỉ đứng sau Ấn Độ. Như thường lệ, tạp chí danh tiếng Travel Leisure (Mỹ) đã công bố danh sách World’s Best Awards 2022. Kết quả này do độc giả bình chọn trực tuyến, với các tiêu chí như cơ sở vật chất, vị trí, dịch vụ, đồ ăn và những giá trị tổng thể. Ở hạng mục “Top 15 khách sạn trong thành phố tốt nhất châu Á”, Việt Nam đóng góp tới ba cái tên. Cụ thể, Capella Hanoi đứng thứ 2 với 98.18/100 điểm, Sofitel Legend Metropole Hanoi đứng thứ 8 với 95.65/100 điểm, Park Hyatt Saigon đứng thứ 14 với 93.71/100 điểm. Đặc biệt, Capella Hanoi cũng là khách sạn Việt Nam lọt “Top 100 cơ sở lưu trú tốt nhất thế giới”. Khách sạn này đứng thứ 18/100, bên cạnh resort 5 sao Six Senses Con Dao đứng thứ 51.

Capella Hà Nội

  • Thương vụ Việt Nam tại LB Nga dẫn thông tin từ Tập đoàn Vận tải FESCO cho biết, tuyến vận tải container đường biển khai trương từ đầu tháng 5/2022 sẽ do đội tàu của FESCO khai thác và hoạt động theo lộ trình Vladivostok – Hải Phòng – TP.HCM – Ninh Ba (Trung Quốc) – Vladivostok. Thời gian vận chuyển trên đường từ các cảng Việt Nam đến Vladivostok là 9 – 12 ngày. Tàu container A HOUOU có sức chở 850 TEU với các sản phẩm của các nhà sản xuất Việt Nam đã khởi hành chuyến đầu tiên từ TP.HCM vào ngày 20/5/2022 đi Nga đã cập cảng Vladivostok 31/5/2022. Trước đó vào đầu tháng 5/2022, tàu này đã vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Nga sang Việt Nam.
  • Ngày 6/9/2022, hãng đánh giá tín dụng Moody’s vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ Tích cực sang Ổn định. Hãng giải thích việc nâng xếp hạng phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Cuối tháng 5/2022, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là S&P Global Ratings cũng nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Đầu tháng 9/2022, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm nay, tăng 1 điểm % so với dự báo được đưa ra ba tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN-6. Tháng 4/2022, IMF dự báo Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines tăng trưởng GDP lần lượt là 5.4%; 3,3%; 5.6%; 3.7%; 6.5% vào năm 2022. Tháng 7/2022, dự báo cho Indonesia được điều chỉnh giảm xuống còn 5.3%, Thái Lan còn 2.8%, Malaysia còn 5.1%, và Philippines lên 6.7%.
  • Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản (Bộ Công Thương) lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam được đưa vào bếp ăn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Cụ thể, ngày 2/9 món cơm chiên sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 đến từ Việt Nam đã trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong tờ giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản, thông tin gạo thơm ST 25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Sau hơn một năm đàm phán và kiểm định chất lượng, Công ty TNHH Spice House đã đưa gạo ST25 đến thị trường Nhật Bản. Đây là một thành công rất lớn của người sản xuất cũng như các nhà thương mại khi đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản.

Gạo ST-25 được sử dụng làm cơm chiên trong thực đơn ngày 2/9 của cán bộ văn phòng nội các Nhật Bản – Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

  • Chuỗi sản xuất giày dép toàn cầu đang chuyển dần từ Trung Quốc sang Việt Nam, một kết quả báo cáo mới được công bố cho biết hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu da giày, chỉ sau quốc gia láng giềng. Theo “Báo cáo Nghiên cứu về Ngành Da giày ở Việt Nam, 2022 – 2031” của Research and Markets, một trong những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại đến hàng trăm quốc gia trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang châu Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 2,200 doanh nghiệp sản xuất giày dép, tập trung chủ yếu ở khu vực xung quanh TP.HCM. Báo cáo cho biết hiện hai thương hiệu khổng lồ trong ngành giày dép toàn cầu là Nike và Adidas đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất chính, và một phần của chuỗi giày dép toàn cầu đang dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì chi phí thấp hơn. Nike có hơn 100 nhà cung cấp tại Việt Nam, với 96 nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam. Trong khi đó, Adidas cho biết Việt Nam đã trở thành quốc gia cung ứng lớn nhất cho hãng này, với khoảng 40% tổng sản lượng giày dép của hãng được sản xuất tại Việt Nam vào năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 16.75 tỷ USD, giảm 8.6% so với cùng kỳ năm trước.
  • Theo Báo cáo Thương hiệu Quốc gia Nation Brand của Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới Brand Finance (Anh), năm 2015, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam xếp thứ 47 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được định giá tăng lên đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Như vậy, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 291 tỷ USD và cải thiện 15 bậc trong bảng xếp hạng 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới sau 8 năm.

Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam trên thế giới giai đoạn 2015-2022 – Nguồn: Brand Finance

  • Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong phiên bỏ phiếu ngày 11/10 với 145 phiếu ủng hộ. Các thành viên khác được bầu vào lần này gồm có: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Grudia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Maroc, Romania, Nam Phi và Sudan. Việt Nam lần thứ hai tham gia ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023 – 2025 và là ứng viên duy nhất của ASEAN tham gia lần này.
  • Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Credit Suisse, năm 2020, tổng tài sản ròng của Việt Nam là 965 tỷ USD, đứng thứ 37/168 nền kinh tế được Credit Suisse theo dõi. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 sau Indonesia (3,199 tỷ USD), Singapore (1,627 tỷ USD), Thái Lan (1,367 tỷ USD) và Philippines (1,024 tỷ USD).
  • Việt Nam và Hàn Quốc nhất trí nâng cấp quan hệ lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện” trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước diễn ra hôm 18/10 vừa qua tại Hà Nội. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc viết: “Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bộ trưởng đã bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ hơn nữa từ mức ‘đối tác chiến lược’ lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’”. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với bốn quốc gia gồm: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

KẾT LUẬN

Kể từ năm 2010, Việt Nam đã âm thầm phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với những nội dung: cải tổ hệ thống tài chánh – ngân hàng, phát triển hạ tầng cơ sở, hệ thống đại học chú trọng về quản trị kinh doanh, công nghiệp và phần mền, phát triển các tập đoàn công – tư cấp quốc gia, nâng cao xuất – nhập cảng, cải thiện GDP v.v… Ít quốc gia để ý đến chiến lược của Việt Nam.

Trong năm 2020, các tập đoàn Việt Nam đã cho thấy những thành quả đầu tiên: tập đoàn Vingroup, phối hợp với kỹ nghệ xe hơi Đức – Ý, các tập đoàn viễn thông của Hoa Kỳ như AT&T, Qualcomm đã giới thiệu xe hơi Vinfast, xe hơi điện cũng như điện thoại di động 5G cũng như các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo AI. Viettel với hệ thống 5G và kỷ nghệ quốc phòng. Vinamilk trong hệ thống dinh dưỡng. Vietjet với hàng không giá rẻ. FPT với công nghệ phần mềm. Bộ Công thương đã ký kết hợp tác chính thức với Amazon Global Selling Việt Nam để thực hiện và cụ thể hóa các chương trình hợp tác có quy mô lớn trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế sáng giá nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Malaysia trong những lãnh vực mà đến nay là thế mạnh của các nước này. Ngoài ra, Việt Nam còn có ưu thế tiếp tục chiếm lĩnh thị phần toàn cầu về xuất khẩu trong tương lai, trở thành điểm đến lý tưởng cho các công ty đa quốc gia, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đại dịch Covid-19, kéo dài từ đầu năm 2020, sẽ tác động đến tất cả mọi nước trên thế giới.

Chuyện dài tham nhũng, với sự tăng trưởng kinh tế và cải cách xã hội, hy vọng sẽ giảm bớt trong vòng kiểm soát. Tha hóa quyền lực vẫn đang rất nghiêm trọng và mang tính hệ thống. Vụ 9 tướng lỉnh Cảnh sát biển bị kỷ luật vào tháng 10/2021 là một điển hình.

Trong năm 2021 và 2022, vì những thay đổi về kinh tế Việt Nam xảy ra với tốc độ nhanh chóng, bài viết “Vị thế Việt Nam” sẽ được cập nhật theo nhu cầu.

THAM KHẢO

1)    Bài viết “Vì sao IMF giúp Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP?” đăng trên mạng Ủy ban Giám sát Tài chánh Quốc gia ngày 16/8/2019.

2) Bài viết “Cách biệt giữa tầng lớp khá giả và nghèo ở Việt Nam là bao xa?” đăng trên mạng” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 26/6/2021.

3)    Bài viết “IMF yêu cầu Việt Nam tính lại GDP một lần nữa” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 26/6/2021.

4)    Bài viết “GDP của Việt Nam phải vượt mốc 500 tỷ USD” đăng trên mạng Vietnam Net ngày 17/6/2021.

5)    Bài viết “Việt Nam là ‘chủ nợ’ thứ 32 của Mỹ” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 7/10/2021.

6)    Bài viết “Thứ hạng GDP của Việt Nam ở Đông Nam Á thay đổi ra sao theo dự báo mới nhất của WB, IMF và ADB? đăng trên mạng Cafef.VN ngày 17/10/2021.

7)    Bài viết “Tàu tuần tra hiện đại “Made in Vietnam” xuất khẩu sang Jamaica: Nhiều điểm đặc biệt? đăng trên mạng Cafef.VN ngày 24/11/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *