Những chú cún trên quần đảo Trường Sa

422 (lượt xem) |

Ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), cán bộ, chiến sỹ trên các điểm đảo đều nuôi hàng chục con chó. Các chú cún này lúc đầu được đưa từ đất liền ra rồi sau đó được sinh sản tại biển đảo. Chó ở đây đều rất thân thiện với khách từ đất liền ra thăm. Ngay từ nhỏ, chúng được bộ đội huấn luyện để đi tuần tra, canh gác, trở thành bầu bạn giúp những người lính giữ đảo vơi bớt nỗi nhớ đất liền. 

"Khám phá" thú vị về những chú chó ở huyện đảo Trường Sa ảnh 1

Chú cún oai vệ trên quần đảo Trường Sa

Chó nghiệp vụ trên đảo Trường Sa: Đến đảo Trường Sa lớn, “thủ đô” của quần đảo giữa Biển Đông, chúng tôi được chiêm ngưỡng những chú chó chiến binh hùng dũng. Những “đặc nhiệm chính quy” này được huấn luyện bài bản, được đưa từ Trường trung cấp Huấn luyện Chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ra đảo. Ban đầu biên chế chỉ có 3 chó “đặc nhiệm” có nhiệm vụ hỗ trợ các chiến sĩ Hải quân canh gác, tuần tra bảo vệ biển đảo, phát hiện người đột nhập lên đảo và sẵn sàng chiến đấu … bây giờ đã đông đúc và được phân về cho các đảo, điểm đảo và nhà giàn khác …

Trong Nhà khách Thủ đô của đảo Trường Sa Lớn, tôi nghe người lính trẻ kể chuyện về sự vất vả khi nuôi chó “nghiệp vụ”. Lâu nay, lính đảo vẫn gọi âu yếm những “cảnh vệ” chó sinh trưởng trên đảo, vịt, gà là “đặc nhiệm Trường Sa” cũng làm nhiệm vụ giữ đảo. Bây giờ, lính ta tách bạch thành 2 “lực lượng”: “Đặc nhiệm chính quy” (Chó nghiệp vụ Biên phòng) và “Đặc nhiệm địa phương” (gia súc – gia cầm được các phân đội tự nuôi). Cho dù thuộc “lực lượng” nào chăng nữa thì các “đặc nhiệm” vẫn cùng sát cánh cùng bộ đội bảo vệ đảo đêm ngày. Nhưng ngày đầu tiên ra đảo, do quen sống ở môi trường tác chiến trên bộ, hưởng không khí mát mẻ, khẩu phần ăn… “sĩ quan” nên các “đặc nhiệm” õng ẹo, lơ ăn, hơi khó bảo trong lúc các “địa phương” thì sồng sộc “chén” bất cứ thứ gì. Để thích nghi môi trường sống và địa bàn tác chiến, cán bộ huấn luyện phải tập cho các “đặc nhiệm” này không những làm quen với gió biển, chạy được trên cát, không sợ sóng lớn, có thể vừa bơi vừa chiến đấu được … mà còn phải ăn được cả cá biển, cơm, rau, thịt hộp… Bây giờ cả hai đội quân “đặc nhiệm” và “địa phương” đều thuần thục các phương án tác chiến chống người nhái, biệt kích. Khi có hiệu lệnh, các “quân khuyển” này phối hợp rất tốt, vừa đánh chặn kẻ địch ngay từ ngoài bờ kè vừa đánh bắt khi địch đã xâm nhập lên đảo …

NTO - Những con vật đáng yêu trên đảo Trường Sa

Chó nghiệp vụ trên đảo Trường Sa

"Khám phá" thú vị về những chú chó ở huyện đảo Trường Sa ảnh 7

Chó Trường Sa gắn bó với người

Các chú cún tại Trường Sa: Ở Trường Sa, chó là người bạn trung thành, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và là con vật thân thiết nhất. Trong mỗi phiên đi gác làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo trong đêm, nếu dùng ống nhòm quan sát, chưa kịp phát hiện mục tiêu thì những chú chó với đôi tai thính, mắt sáng lại có khả năng phát hiện mục tiêu từ xa. Đặc biệt là những mục tiêu lạ trên biển. Những chú chó ở Trường Sa thân thiện chào đón những người lạ và cũng chẳng quên các chiến sĩ đã có một thời gắn bó với mình.

Có tiếng chó sủa nhóc nhách cũng khiến đảo đỡ buồn. Mấy năm trước, khi đất liền với đảo khơi còn là một khoảng cách vời vợi, chưa có sóng điện thoại phủ, liên lạc với đất liền chỉ bằng những cánh thư. Thời gian nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ người yêu trên đảo, ngoài việc ôm đàn ghita bập bùng hát, giờ có thêm chú chó làm bầu bạn. Chó sống trên đảo khôn ngoan và có kỷ cương, nề nếp đến giật mình: một chú chó đang hóng hớt làm quen với khách lạ, khi nghe tiếng quát liền ngoan ngoãn cúp đuôi về chỗ ở, không dám bén mảng ra ngoài.

Chó trên đảo không cắn ai cả, nó chỉ sủa theo đúng bổn phận, vì hình như, nó cũng mong có người ra thăm đảo. Chó nuôi trên đảo chủ yếu là chó nhà mang từ đất liền, giống chó thóc, nhỏ bé nhưng khôn ngoan, linh lợi. Nhiều chú chó nghịch ngợm và liều lĩnh, nhảy xuống biển bơi oàm oạp, và cũng biết cùng anh em chiến sỹ đi lùa cá, bắt cá ở vùng biển cạn gần nhà kiên cố. Đó là những bãi san hô ngầm, khi triều cạn chỉ xăm xắp quá mắt cá chân. Thời gian đầu, đàn chó nhà được nuôi ở đảo cứ tự chúng “nhân bản” lên theo cấp số cộng, từ hai con thành cả chục con, rồi thành cả đàn. Khi số lượng chó nuôi đã gia tăng đáng kể. Nhưng, đàn chó sống chung trên một đảo, nói gì thì nói, chúng đều là những thế hệ cận huyết, cùng huyết thống. Sau một thời gian, lũ chó thế hệ sau sinh ra, mặc dù vẫn lớn bình thường nhưng đầu óc lại … có vấn đề, chúng cứ ngẩn ngơ như mất hồn, và có biểu hiện của bệnh … đao! Ban đầu, anh em không biết, rất lo lắng, sau, suy luận, mới chợt nghĩ đến cái lý do mà chẳng ai nghĩ đến. Một “giải pháp” được đưa ra, đấy là đổi con chó đực từ đảo nọ sang đảo kia. Đàn chó lại tiếp tục gia tăng, và chấm hết những thế hệ chó con ngẩn ngơ ngoài đảo.

Những chú chó ở Trường Sa - Báo Khánh Hòa điện tử

Chó theo các chiến sĩ tuần tiểu

Chuyện chú chó tên Ly ở đảo Song Tử Tây: “Khi tụi mình lên đảo, con Ly hơn 1 tuổi. Giờ nó hơn 2 tuổi rồi. Nó khôn lắm nên ai cũng thương” – trung sĩ Nguyễn Tường Đạt (Khánh Hòa) kể về chú chó tên Ly mà Đạt chăm bẵm từ ngày mới đặt chân lên đảo Song Tử Tây.

https://znews-photo.zingcdn.me/w960/Uploaded/ofh_cgkztmzt/2022_10_02/cho_tren_dao_Da_Nam.jpg

Chú chó tên Ly và các con

Binh nhất Nguyễn Văn Tuấn (TP.HCM) cho hay: “Tụi mình thương con Ly lắm, cho nó ăn tiêu chuẩn ngon luôn. Ăn cơm còn chừa lại thịt mang về cho nó. Có Sting, sữa Ensure hay bánh ngon cũng cho nó”. Tuấn bảo cả phân đội đi đâu, con Ly cũng lũn cũn theo đó. Cả phân đội đi huấn luyện, nó nằm sau đợi. Chiến sĩ về nó mới về. Đi bắt sâu nó cũng đi cùng. Đi quét hầm hào, nó cũng lẽo đẽo đi theo. Chiến sĩ đi tắm biển, nó cũng bơi chung. Tối chiến sĩ ngủ đóng cửa, nó ủi từ từ cửa mở ra, chui vào phòng nằm. Sáng 5h nó sủa báo thức gọi chiến sĩ dậy. Ai ngủ quên nó tới tận đầu giường sủa, quào kêu dậy. 

“Không bao giờ nó rời tụi mình một bước, kể cả lúc đi vệ sinh nó cũng nằm ngoài cửa” – binh nhất Nguyễn Văn Tuấn mỉm cười bảo. Khi con Ly mang bầu, cả phân đội xúm lại chăm. Hồi nó đẻ dưới gầm giường trung sĩ Đạt, anh chàng phát hiện ra ẵm vô kho, trải chiếu cho mẹ con nó nằm. Các chiến sĩ trẻ vừa luống cuống vừa hào hứng đỡ đẻ cho con Ly. Cả phân đội để dành loại sữa tốt nhất đảo cho con nó uống nên con nào cũng mập ù. Trung sĩ Nguyễn Tường Đạt kể: “Trước đi gác chỉ có nó chạy theo, giờ nó dẫn bầy con đi cùng. Đêm tối gì cũng đi. Vậy chớ nó nhát lắm, nghe tiếng súng nổ là núp trong hầm, sợ tè ra. Nghe còi thổi đi ngủ nó rống lên hú”. Gắn bó, chăm bẵm con Ly cả năm trời, những ngày gần về đất liền, nhiều chiến sĩ chụp hình với Ly như chụp ảnh với ngôi sao. Tường Đạt, người chăm bẵm nó nhiều nhất, lại lo lắng sợ nó bị làm thịt mất. 

Anh chàng cẩn thận bàn giao lại nhiệm vụ chăm con Ly cho một chiến sĩ vô sau người Nam Định, dặn nhất định không được bán, không được làm thịt, không được đánh con Ly. Đạt cho hay phải chọn người yêu chó để bàn giao lại mới an tâm.

Tường Đạt cho hay đã xin phép mang con Ly về đất liền nuôi nhưng không được. “Tối trước khi về mình ôm nó, bảo thôi mai anh về, em ở lại khỏe nha. Nó biết hay sao ấy, cứ quấn quýt bên cạnh thấy tội lắm” – Đạt kể.

Sáng hôm đó khi Tường Đạt và đồng đội xuống tàu chuẩn bị về bờ, con Ly chạy theo ra tận cầu cảng. Nghe các chiến sĩ gọi tên, nó mừng rỡ ngoắc đuôi nhưng không thấy vì họ ở trên cao, nó dưới thấp. Khi chiếc tàu hú còi rời cảng, con Ly cố gắng chạy đuổi theo. Nó chạy men theo bờ kè âu tàu, vừa chạy vừa nhìn theo sủa gọi. Nhóm chiến sĩ hét lên trong tiếng gió, trong tiếng sóng: Ly, về đi! Sợ con Ly nhảy xuống biển bơi theo tàu, một chiến sĩ trên đảo lật đật đuổi theo một đoạn đường dài ẵm nó về. Các chiến sĩ lặng người nhìn theo. Có người quay mặt đi, không nỡ nhìn …

Mổi lần thấy khách tới thăm, cả “gia đình” chó trên đảo lũ lượt kéo ra từ lớn tới bé, già tới trẻ, con đực tới cả con đang mang bầu. Có lẽ vì quanh năm chỉ được nhìn thấy sóng gió, nên đàn chó ở đây “thèm hơi đất liền” không kém gì những chiến sĩ đang chăm chúng. Nhiều chú sẵn sàng lao xuống biển, vượt sóng mừng đón đoàn. Lên đến bờ, nếu vuốt đầu bất kỳ con nào đó thì cả đàn sẽ ào đến, tranh nhau để được xoa đầu, con to hơn thì chồm lên, con nhỏ thì quấn lấy chân dù chẳng biết lạ hay quen.

Chú chó tên Xoáy trên đảo Trường Sa: Chú chó này có tên là Xoáy, được nuôi tại Trung tâm y tế Trường Sa. Chú chó này hiện nay đã hơn 6 tuổi, nặng 28 kg. Tại đảo Trường Sa Lớn này, hiện nay phần lớn là con cháu của Xoáy. Xoáy được các cán bộ, chiến sĩ tại Trung tâm y tế Trường Sa chăm sóc. Xoáy được các cán bộ, chiến sĩ tại Trung tâm y tế Trường Sa chăm sóc. Trước khi đoàn công tác từ đất liền ra thay thu quân, Xoáy bỏ ăn nhiều ngày liền, vẻ mặt buồn bã. “Nó biết sắp phải chia tay chúng tôi nên nó buồn bã. Cứ mỗi năm thay thu quân 2 lần, nó quá lớn tuổi để chứng kiến những cuộc chia tay như vậy”, bác sỹ quân y Phí Ngọc Dương nói. 

"Khám phá" thú vị về những chú chó ở huyện đảo Trường Sa ảnh 7

Vẻ mặt buồn bã của một chú chó Trường Sa khi vừa chia tay những chủ nhân gắn bó trong thời gian dài

Một chú chó ra biển tiễn bộ đội xong nhiệm vụ, về đất liền ăn Tết 

Xoáy được các cán bộ, chiến sĩ tại Trung tâm y tế Trường Sa chăm sóc. Trước khi đoàn công tác từ đất liền ra thay thu quân, Xoáy bỏ ăn nhiều ngày liền, vẻ mặt buồn bã. “Nó biết sắp phải chia tay chúng tôi nên nó buồn bã. Cứ mỗi năm thay thu quân 2 lần, nó quá lớn tuổi để chứng kiến những cuộc chia tay như vậy”, bác sỹ quân y Phí Ngọc Dương nói. 

Chú chó Sơn Tùng: Bơi cả buổi chiều, vừa lên bờ, chú chó gần một năm tuổi Sơn Tùng trên đảo Thuyền Chài C sủa lên vài tiếng, ngồi xuống cạnh một chiến sĩ, đòi tiếp tục được “huấn luyện” bơi biển. Đảo có khoảng hơn chục chú chó, được anh em trên đảo chăm sóc, nuôi dưỡng từng tí một nên béo tốt và rất khôn. Thích tên gì thì anh em tự đặt tên cho chúng. “Mình nấu cháo cho chúng nó như nấu cháo cho người ấy”, anh Quyền nói thêm. Thấy một chiến sĩ xuống mép biển, cả đàn chó chạy theo. Một viên đá được ném xuống biển, lập tức đàn chó lao xuống biển, trong đó có cả Sơn Tùng, Cơ Bắp… Chỉ vào con Sơn Tùng, anh Quyền bảo nó có thể bơi cả buổi chiều dưới biển. “Bộ đội xuống tắm thì nó học theo. Giờ cứ lấy cục đá ném là đàn chó bơi ra hết. Lát nữa bộ đội xuống tắm là cả đàn xuống theo đấy”, anh Quyền nói. Theo anh Quyền, những chú chó nuôi trên đảo thường xuyên đi cùng bộ đội tuần tra, canh gác đảo.

Những chú chó trên đảo ở Trường Sa thường có mắt màu đỏ do hay bơi, lặn trong môi trường nước biển. Những chú chó quen với môi trường nước biển, bơi giỏi, có thể bắt cá, hỗ trợ canh gác đảo nhờ sự huấn luyện của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Sơn Tùng là chú chó còn trẻ, bơi giỏi nhất trong đàn chó trên đảo Thuyền Chài

Bảy “chột” – người anh hùng của đảo chìm Thuyền Chài: Năm 2018, cơn bão Tembin quét qua đảo Thuyền Chài cuốn gần hết những chú chó trên đảo. Bẩy “chột” là một trong số những chú chó con ít ỏi may mắn bám trụ lại đảo. Có lẽ đến bão tố còn không quật ngã được Bẩy “chột” nên chú trở nên rất khỏe, lớn nhanh có sức vóc nổi bật trong cả bầy. Bẩy “chột” trở thành một trong những biểu tượng của sức sống bền bỉ, mãnh liệt nơi ăm ắp sóng gió. Cái tên Bẩy “chột” cũng khá đặc biệt. Nó được các chiến sĩ đặt theo số áo của cầu thủ bóng đá người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo. Và chú bị mất một mắt nên thành ra có thêm biệt danh “chột” nghe đầy uy lực. Dòng chữ CR7 – viết tắt tên cầu thủ – cũng được các chiến sĩ “in” lên phần lông thân trắng của chú. Thành ra Bẩy “chột” là chú chó nổi bật nhất đàn.

Chú chó CR7 của đảo chìm Thuyền Chài

Chó Phú Quốc ra Trường Sa: Trong năm 2014, sáu chú chó Phú Quốc đã theo tàu hải quân để có mặt ở đảo Trường Sa Đông và Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên loài chó được xem như “quốc khuyển” của Việt Nam có mặt ở quần đảo này. Sáu chú chó ra Trường Sa được đặt tên theo màu lông đặc trưng của giống chó Phú Quốc, lần lượt là Phèn, Mực, Vằn, Lửa, Mun, Xoài. Mỗi đảo sẽ có hai con cái và một con đực.

Chó Phú Quốc là một loại chó riêng của đảo Phú Quốc, Việt Nam. Nó có đặc điểm phân biệt với những loại chó khác là các xoáy lông ở trên sống lưng. Chó Phú Quốc là một trong ba dòng chó có xoáy lông lưng trên thế giới. Đây là giống chó săn rất giỏi, một khi đã truy tìm thì chúng tra đến cùng dấu vết con mồi, rất ít khi bỏ cuộc. Chó Phú Quốc rất trung thành và thông minh, tuân thủ mệnh lệnh một cách chính xác mà không tốn nhiều công huấn luyện. Chó Phú Quốc trưởng thành nặng khoảng 20 – 25 kg với một cái đầu nhỏ, cổ dài, mỏm dài, tai dài, mỏng và có những chấm trên lưỡi. Chó Phú Quốc biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt sát.

Một lý do để đưa chó Phú Quốc ra Trường Sa, theo anh Quý, là loài chó này rất tinh khôn, phù hợp với các bài tập săn bắt, vồ mồi, leo rào, đào hầm, rất giỏi tấn công và chiến đấu, đặc biệt là rất trung thành với con người. Sáu con đều có những đặc trưng nhất của chó Phú Quốc. Đó là đều có đốm đen ở lưỡi, có đủ ba màu vàng – đen – vện và mỗi con đều mang trên mình xoáy hình kiếm hoặc bản đao. Do trong quá trình nuôi thử nghiệm nên sáu con chó đưa ra đảo ở các lứa tuổi khác nhau. Có con đã đẻ một lứa, có con sắp phối giống, có con đang trưởng thành. “Nổi bật nhất vẫn là con Mực vì nó sinh ở Phú Quốc rồi mới đưa vào đất liền. Đầu năm này con Mực đẻ một lứa năm con. Ngày sinh nó biến mất, tự đào cát làm hang đẻ con. Đến khi tôi tìm ra thì nó đã sinh xong mà không cần hỗ trợ gì”, anh Quý nói.

Chó xoáy Phú Quốc

Anh Quý cho biết so với các giống chó khác, chó Phú Quốc có sức sống cao nhất. Loài chó này dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện thời tiết mưa nắng gió. Khi gặp mưa nước ngập, chó có thể tự bơi; khi trời nắng nóng biết đào hang để trốn nóng; biết leo cây, leo rào cao 2 – 3 m … Đặc biệt loài chó này rất dễ ăn uống, lại thích ăn cá phù hợp với các đảo ở Trường Sa. Đặc biệt chúng có thể tự săn bắt cá chứ không chờ phải cho ăn như một số loài chó khác.

“Hiện khi nuôi chó Phú Quốc, tôi chỉ cần cơm chan chút nước mắm chúng cũng ăn ào ào. Điều đặc biệt của chó Phú Quốc là dù vẫn giữ một số bản năng hoang sơ để tồn tại nhưng chúng rất dễ thuần hóa. Chỉ cần cho ăn 2 – 3 ngày là quen với người cho nó ăn”, anh Quý nói. Mặc dù tự tin với khả năng sinh tồn dẻo dai, nhưng với kinh nghiệm của mình, anh Quý cũng có đôi chút lo lắng khi loài “quốc khuyển” sắp tới phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa. Chưa kể sáu chú chó sẽ có hành trình hơn 10 ngày lênh đênh trên biển trước khi cập đảo.

Do đó, ngoài việc tăng cường tẩm bổ, cho chó nghỉ ngơi, anh Quý đã chuẩn bị một số thuốc như men tiêu hóa để chó thích nghi với thức ăn mới, thuốc trị cảm cúm, thuốc trị viêm phổi nếu những ngày đầu chó gặp gió lạnh, gió độc ở Trường Sa. Ở đất liền, sáu chú chó cũng đã được tiêm vắc xin để phòng những bệnh mà chó hay mắc và khó chữa như xuất huyết, đường ruột, ho, hô hấp, cúm chó…

Theo anh Quý, chỉ cần theo dõi bảy ngày ở Trường Sa là biết chó Phú Quốc có thích nghi được với môi trường ở đây hay không. Nếu thích nghi, sau 2 – 3 tháng, chó Phú Quốc sẽ sinh sản. Trung bình mỗi lần chó mẹ sẽ sinh 5 – 7 con, nhiều thì sinh 10 – 12 con. “Sau khi sinh, chó mẹ sẽ tự tìm chỗ, tự lo cho con mà không cần tới con người hỗ trợ”, anh Quý nói. Anh Quý tự tin khẳng định nếu chó thường có thể thích nghi được với môi trường ở Trường Sa thì chắc chắn chó Phú Quốc cũng sẽ thích nghi được.

Chuyện về Lu: Với nhiều bộ đội, chuyện về những chú chó giữ đảo là cả quãng thời gian gắn bó với biết bao tình cảm, biết bao kỷ niệm. Như câu chuyện xúc động mà đại úy Nguyễn Minh Quý đã kể về “tri kỷ” của mình sau đây: Tháng 12/2016, tôi theo tàu ra đảo Trường Sa Đông. Quá trình sống, học tập và công tác ở đảo anh em rất đoàn kết, gần gũi. Luôn luôn bên tôi trong những lần đi tuần tra, những đêm canh gác giữa đêm trường sóng vỗ là một chú chó tinh khôn có tên gọi Lu … Chuyện bắt đầu từ buổi đầu tiên tôi đặt chân xuống đảo Trường Sa Đông. Không hiểu sao tôi lại thấy đặc biệt quý mến chú chó này trong rất nhiều chú chó trên đảo. Ban đầu, Lu rất khó tiếp xúc, anh em trên đảo bảo Lu “kén bạn”, không cho người lạ lại gần. Sau một tuần cố gắng làm quen, Lu mới cho tôi đến gần. Đến ngày thứ 8, hôm đó tôi đi gác ca đêm, Lu bắt đầu bẽn lẽn chạy theo sau chân. Lu tinh lắm! hay sủa khi nhìn thấy bất cứ ánh đèn hay có những hiện tượng gì đó khác lạ trong khu vực gác. Hết ca, tôi cũng rủ Lu về. Những ngày sau đó, chúng tôi thân nhau như hai người bạn, đi đâu làm gì cũng đi cùng. Lúc rảnh rỗi, tôi thường ngồi vuốt lưng, chăm sóc, pha sữa cho Lu uống, gầm giường tôi là chỗ Lu thích nhất. 1, 2 hay 3 giờ sáng, bất cứ khi nào tôi đi gác là Lu sát cánh.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông, tôi và Lu là tri kỷ. Giữa chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời. Tôi không thể nào quên được ngày 15/5/2017, hôm đó thời tiết nắng nóng, biển rất êm và đẹp. Được phép của chỉ huy đảo, cụm chiến đấu tổ chức đánh lưới bắt cá, Lu cũng ra cùng. Chúng tôi đuổi một mẻ, kiếm được hơn chục ký cá. Lúc đó anh em loay hoay đang đánh bắt không ai để ý. Khi mọi người kéo cá về, Lu bì bõm theo sau. Tôi giật mình ngoái lại thì thấy miệng Lu ngậm một con cá to tầm 1,2kg. Nó cắn rất khôn, loại cá đó giãy rất mạnh nên khi bắt được anh em hay dùng tay bóp vào mắt để nó không bơi được. Lu cũng bắt chước cắn đúng vào 2 tròng mắt con cá rồi tha vào bờ. Lu không ăn mà mang đến cho tôi con cá tươi còn giãy đành đạch.

Vài tháng trước, Lu chuyển dạ sinh con. Lu có nết lắm! Còn nhớ trước hôm sinh, Lu chịu khó đào một cái hố thật sâu rồi chui xuống dưới nằm im re đợi lúc “khai hoa nở nhụy”. Chỉ sau vài giờ, Lu đã trở thành bà mẹ của tận 10 đứa con bụ bẫm. Lần đầu tiên nhìn thấy bọn chúng, tôi bật cười thú vị bởi các con của Lu thì xám, vàng, bông, đen, sữa… 10 con không giống nhau tí nào. Phải khen Lu chăm con khéo thật, ngày mưa chẳng bao giờ để con bị ướt. Con nào lớn lên cũng dễ thương, béo tròn, khỏe mạnh cùi cụi.

Thấm thoát một năm công tác tại đảo Trường Sa Đông của tôi gần kết thúc. Tôi âm thầm gửi gắm Lu cho đại úy Nguyễn Việt Trung, một đồng đội rất yêu thương những chú chó trên đảo. Tôi nói với anh Trung về những thói quen của Lu, tính ăn nết ở, cách chăm sóc từng đứa con của Lu, đứa hay cào bới đất, đứa hay mè nheo với mẹ, rồi cả cái ổ của bọn nó phải khô ráo nữa… Đồng chí Trung bảo với tôi: “Anh cứ yên tâm về đất liền, em sẽ chăm Lu chu đáo. Nếu về trong đó mà nhớ Lu quá thì em sẽ tìm chuyến tàu gần nhất để gửi Lu vào đất liền cho anh chăm sóc”. Dù nói vậy, nhưng tôi biết rằng đồng chí Trung sẽ chăm Lu không thua kém tôi. Hơn nữa, tôi biết Lu cần ở lại với đàn con, mà trên hết là Lu rất tinh khôn, rất nhạy bén khi canh gác ở đảo. Khoảng một tuần trước khi tôi đi, Lu có biểu hiện rất lạ! Lu cứ nhìn tôi buồn rười rượi như có điều muốn nói. Mấy hôm đó Lu ăn ít, cứ quấn lấy tôi không rời phút giây nào. Các anh em trên đảo cũng cảm nhận được biểu hiện lạ của Lu. Phút rời đảo Trường Sa Đông cũng đến. Tôi nhờ đồng đội nhốt Lu lại khi tàu đi hãy thả ra. Trong đời, chỉ duy nhất lúc đó tôi không muốn thấy Lu. Tôi biết chắc chắn nếu Lu tiễn tôi, tôi nhất định sẽ khóc và xin ôm Lu theo vào đất liền. Nhưng đảo mới là nhà của Lu. Lu cần ở lại để dùng giác quan nhạy bén của mình cùng đồng đội tôi canh gác trong những đêm trường sóng vỗ.

“Tôi xem nhiều thước phim về những chú chó kéo tuyết, chó giữ nhà, đặc biệt có những chú chó thông minh cứu được chủ nhân của mình. Đã là người lính hải quân, cuộc sống anh em chúng tôi gắn bó với biển đảo rất nhiều. Tôi nghĩ là mình sẽ còn quay lại đảo Trường Sa Đông nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung rất nhiều lần nữa. Nhưng để theo được đúng ý muốn của mình mà quay lại trong thời gian gần nhất, quay lại đảo Trường Sa Đông để gặp lại đồng chí, đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là chó Lu thì rất khó. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn thường xuyên thăm hỏi những đồng đội thân yêu của mình và cả Lu, “bạn đặc biệt” mà suốt đời này tôi khó quên được!”

Đó là một câu chuyện dài được đại úy Nguyễn Minh Quý, ở đảo Trường Sa Đông kể lại trong bùi ngùi xúc động. Anh nói sự gặp gỡ của mình và Lu là một “mối duyên kỳ lạ”. Dù hiện nay không còn công tác ở đảo Trường Sa Đông, nhưng anh Quý vẫn hay gọi điện hỏi thăm những đồng đội của mình và không quên hỏi thăm chó Lu “tri kỷ” cùng 10 con xinh xắn…

KẾT LUẬN

Đến Trường Sa, thăm bất cứ đảo và điểm đảo nào, chắc chắn ngoài hình ảnh các chiến sĩ Trường Sa sạm đen vì nắng gió; ánh mắt hồn nhiên của trẻ thơ trên đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn…; những nhà giàn sừng sững như những mắt thần giữa biển khơi thì không ai quên được hình ảnh những chú chó đủ giống, đủ cỡ có mặt khắp các đảo đá, nhà giàn. Đây chính là những người bạn thân thiết với người lính và người dân Trường Sa.

Đảo Đá Lát, nhìn xa xa như hòn non bộ giữa biển khơi, thế mà khi bước chân lên đảo, trong khoảng không gian nhỏ bé chưa đầy 1,000 m² đó, bên cạnh những hầm hào công sự, những vườn rau xanh ngăn ngắt là một vườn… thú. Heo, gà, vịt, chó… sống hòa bình, cùng nhởn nhơ đi lại trên đảo đá. Nhìn chú chó hiền lành cùng đứng “gác” với người chiến sĩ trẻ bên bia chủ quyền, ai cứ ngỡ chắc dễ gần lắm nhưng vừa bước chân lại, chú chó như đã cảnh giác, sủa nhặng xị lên và chực lao đến. Nghe tiếng người chiến sĩ hô khẩu lệnh “suỵt, nằm yên”, chú chó cụp đuôi im thin thít…

Chó ở Trường Sa là vậy đó, thân thương, gần gũi nên có những chiến sĩ khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa về với đất liền ngoài nỗi nhớ đồng đội, nhớ trái bàng vuông, nhớ cây bão táp, nhớ những đêm thức trắng bồng súng đứng gác … còn nhớ đến những chú chó, những “đặc nhiệm” những “thủy quân” luôn quanh quẩn bên mình. Như bài thơ của một người lính trẻ để lại trên đảo Trường Sa Lớn mà ở đây còn lưu giữ…

… Vàng ơi, tao thương quá

Thương những đêm tao và mày đứng gác

Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác

Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ.

Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ

Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ

Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ

Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay!

THAM KHẢO

  1. Bài viết  “Lính Trường Sa và ‘những người bạn 4 chân tên Ly” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 25/3/2020.
  2. Bài viết  “Chú chó tên Sơn Tùng nổi tiếng ở Trường Sa” đăng trên mạng Tiền Phong Online ngày 26/2/2018.
  3. Bài viết  “Chó Phú Quốc đầu tiên lên tàu hải quân ra Trường Sa”  đăng trên mạng Thanh Niên ngày 25/3/2020. 
  4. Bài viết  “Những chú chó trên đảo Đá Nam” đăng trên mạng Bùi Tiểu Quyên/NXB Kim Đồng ngày 25/3/2020, 
  5. Bài viết  “Giống Chó Phú Quốc – “Thần Khuyển” Của Việt Nam” đăng trên mạng Admin ngày 25/01/2021.

****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *