Dừa Bến Tre và dừa sáp Trà Vinh

154 (lượt xem) |

Có những yếu tố khi so sánh những nước sản xuất dừa trên thế giới:

  • Sản lượng:  Sản lượng dừa trên thế giới là 70 tỷ quả trong đó: 1) Ấn Độ 22 tỷ, 2) Indonesia 16 tỷ, 3) Philippines 15 tỷ, 4) Brazil 3 tỷ, 5) Sri Lanka 2.9 tỷ, 6) Việt Nam 1.3 tỷ, 7) Mexico 1.1 tỷ, 8) Thái Lan 1 tỷ. Ba nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới là Indonesia, Philippines, và Ấn Độ – chiếm tới 3/4 sản lượng toàn cầu.
  • Diện tích trồng:  Là 12.2 triệu ha, trong đó: 1) Indonesia 3.6 triệu ha, 2) Philippines 3.5 triệu ha, 3) Ấn Độ  2.1 triệu ha, 4) Srilanka 450 ngàn ha, 5) New Guinea  221 ngàn ha 6) Thái Lan  206 ngàn ha, 7) Kenya  177  ngàn ha, 8) VN 159 ngàn ha.
  • Cung cầu: Cầu tăng 10%, trong khi đó cung chỉ tăng dưới 1% và khoảng cách ngày càng dãn ra. Thị phần dừa của Việt Nam nhỏ hơn 1% vì vậy nếu sản lượng xuất khẩu trong tương lai có tăng thêm thì không ảnh hưởng gì lớn đến mức cung; Các đối thủ, trừ Philippines với các lợi thế về thị trường tiềm năng và có kinh nghiệm trong kinh doanh; còn những quốc gia sản xuất dừa còn lại, so với Việt Nam thì gần như tương đương.
  • Năng suất và chất lượng: Lợi thế về điều kiện canh tác, sản xuất, trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thì Việt Nam có nhiều thuận hơn rất nhiều. Theo đánh giá của Cộng đồng dừa quốc tế (ICC), dừa Việt Nam có năng suất và chất lượng cao nhất trên thế giới. Dừa trái nguyên liệu của Bến Tre luôn cao gấp đôi so với giá dừa của Indonesia và Philippines trong suốt 10 năm qua. Diện tích dừa của Việt Nam chỉ bằng 4% diện tích dừa của Indonesia và Philippines, 8% diện tích dừa của Ấn Độ, 40% diện tích dừa của Sri Lanka. Tuy nhiên, năng suất dừa bình quân của Việt Nam đạt 9,863 trái/ha/năm tương đương 1.9 tấn copra/ha, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội dừa Châu Á – Thái Bình Dương (APCC, chỉ đạt 0.9 tấn copra/ha), Philippines, Indonesia (0.85 tấn), Ấn Độ (1.1 tấn).
  • Diện tích canh tác cho mổi hộ: Việt Nam có một bất lợi do diện tích canh tác cho mỗi nông hộ quá nhỏ nên thu nhập không cao, khó khăn về vấn đề quy hoạch. Lấy một sự so sánh giữa Philippines và Việt Nam. Philippines có 3.3 triệu ha đất trồng dừa với 3.4 triệu nông dân, trung bình 1 ha cho mổi nông dân. Trong khi đó, tại Trà Vinh của Việt Nam, có 25,000 ha đất cho 89,000 hộ nông dân, trung bình 3.56 nông dân cho mổi ha.

Phân bổ diện tích dừa Việt Nam

Tại Việt Nam, dừa là cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, đứng hàng thứ tư sau cao su, cà phê và điều. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế (FAO, CIRAD, COGENT/IPGRI…) nhiều giống dừa có triển vọng của các nước như Irory Coast, Philippines, Malaysia, Sri Lanka, Thailand đã được nhập vào Việt Nam. Cùng với nguồn gen cây dừa được thu thập trong nước đây là nguồn gen quý giá, nguồn thực liệu ban đầu để sử dụng cho công tác chọn tạo giống mới với các đặc tính mong muốn. Hiện nay Viện Nghiên cứu Dầu thực vật đang bảo tồn một tập đoàn gồm 44 mẫu giống dừa (trong đó 13 mẫu giống nhập từ nước ngoài). Việt Nam có 2 loại dừa: Dừa uống nước và dừa lấy dầu. Dừa lùn để thu trái tươi uống nước với 2 loại dừa xiêm xanh giống Việt Nam cũng như dừa xiêm lai giống Mã Lai – Philippines rất được ưa chuộng do có vị ngọt thanh, dùng để xuất khẩu và có giá trị ngang nhau. Trái nhỏ, trọng lượng từ 1.2 – 1.5 kg, thể tích nước từ 250 – 300 ml/trái, năng suất cao (120 – 150 trái/cây/năm). Giá bán của 2 loại dừa này từ 13,000 đ – 20,000 đ/trái.

Dừa xiêm xanh lùn

Dừa xiêm Mã Lai với tên khoa học Cocos Nucifera là loại dừa được nhiều người lựa chọn, bởi vì loại dừa này ít bị bọ cánh cứng, ít bị đuông dừa gây hại, trái có vỏ mỏng, gáo to, nước thơm ngọt, thân nhỏ có thể trồng ở diện tích đất hẹp. Đây là giống dừa được lai tạo giữa giống dừa mẹ   lùn vàng Mã Lai (có nguồn gốc từ Malaysia) và giống bố là Bago Oshiro (có nguồn gốc từ Philippines). Sau 3 năm, dừa xiêm Mã Lai bắt đầu cho trái, mỗi một công thu hoạch từ 400 – 500 trái mỗi tháng. Thời gian qua, dừa xiêm Bến Tre đã là phong trào chuyển đổi sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu được nông dân những địa bàn khó khăn tích cực hưởng ứng và đạt được những kết quả phấn khởi. Trong đó, việc chuyển từ trồng lúa sang lập vườn trồng dừa xiêm Mã Lai cho thu nhập cao. Đây là một giống dừa mới, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thích hợp với vùng đất canh tác khó khăn, bạc màu, cho năng suất cao và đầu ra thuận lợi, được thị trường ưa chuộng. Để dừa đạt năng suất, bên cạnh bón phân hóa học, nhà vườn phải chú trọng bón thêm phân hữu cơ, ủ gốc để tạo độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Dừa xiêm Mã Lai

Theo số liệu của Công ty Dầu thực vật (Bộ Công nghiệp) năm 1989, Việt Nam đã sản xuất 167,400 tấn dầu thực vật, trong đó dầu dừa chiếm hơn 40%. Năm 2001 lên đến 270,000 tấn. Dầu dừa chủ yếu để xuất khẩu và được pha trộn với các loại dầu khác để sản xuất dầu ăn (cooking oil, salad oil …). Giá xuất khẩu dầu dừa biến động, từ 390 – 400 USD đến 600 – 700 USD/tấn.

Điều kiện tự nhiên Việt Nam thuận lợi cho việc phát triển cây dừa nhất là từ vĩ tuyến 20 trở vào. Theo nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam, dừa thuộc nhóm cây chống chịu mặn tốt từ 5% – 6%, có thể thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi như: mưa, bão, lũ, ngập úng, hạn hán, đất cát nghèo dinh dưỡng như ở miền Trung. Dừa có thể sinh trưởng trên các loại đất khác nhau, nhưng phát triển tốt trên đất cát có nhiễm mặn nhẹ. Đặc biệt cây dừa cũng có thể sống trên một số loại đất phèn mặn mà các loại cây trồng khác khó phát triển, tạo điều kiện phủ xanh và sử dụng đất đai hợp lý ở các vùng ven biển. Với vốn đầu tư ban đầu thấp, ít tốn công chăm sóc hàng năm, không kén đất, có thể tận dụng đất trống để trồng ở ven kênh rạch, bờ mương, sân vườn … lại cho thu hoạch hằng tháng, cây dừa đã là cây trồng truyền thống của ĐB/SCL và Duyên hải miền Trung. Các sản phẩm chế biến của dừa bao gồm: dầu dừa, thạch dừa, than gáo dừa, các sản phẩm từ chỉ sơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ lá dừa, gáo dừa, gỗ dừa.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2030, diện tích dừa Việt Nam vẫn là 140,000 ha với sản lượng đạt 1 triệu tấn. Vùng sản xuất chính là ĐBSCL, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung cải tạo vườn tạp và vườn dừa già cỗi, trồng cây thay thế bằng giống mới năng suất cao hơn, nhân rộng các mô hình trồng xen (ca cao, nuôi trồng thủy sản, nuôi gà), áp dụng các mô hình thâm canh thích hợp. Các trường đào tạo ngành Nông nghiệp như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông Lâm TP.HCM, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm Huế, Đại học Trà Vinh đang tập trung nỗ lực để cải tiến hiệu năng của các loại trái cây Việt Nam.

DỪA BẾN TRE

Tính đến tháng 9 năm 2020, tổng diện tích dừa toàn tỉnh 72,764 ha với 200,000 hộ trồng dừa, chiếm 71.85% trong tổng diện tích cây lâu năm với sản lượng trên 612 triệu trái, trong đó dừa tươi (xiêm xanh lùn, xiêm Mã Lai) chiếm hơn 20% diện tích. Cây dừa được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam và trở thành cây trồng chính của người dân Bến Tre bởi giá trị kinh tế của nó trong đời sống. Bến Tre có 15 loại dừa khác nhau. Việc chọn giống dừa tùy thuộc vào năng suất, phẩm chất.

Dừa Bến Tre

Bến Tre được xem là cái nôi của đa dạng giống dừa của Việt Nam, với sự hiện diện của nhiều giống dừa khác nhau, đa dạng về màu sắc từ xanh, đỏ, nâu, cam vàng đến đa dạng về kích thước và hình dạng trái như các giống dừa uống nước gồm dừa xiêm xanh, dừa Xiêm Lửa, dừa Ẻo nâu, dừa Ẻo xanh, dừa Tam Quan … các giống dừa lấy dầu như Ta xanh, Ta vàng, Dâu xanh, Dâu vàng, dừa Lửa, dừa Bung … các giống dừa lai như PB121, PB141, JVA1, JVA2; ngoài ra còn có các giống dừa đặc biệt khác như dừa Sọc, dừa Sáp, dừa Dứa … Giống dừa phổ biến nhất là loại dừa cho nước uống thuộc nhóm dừa lùn, cho trái sớm, năng suất cao, số trái trên quày nhiều trong đó loại dừa xiêm xanh là loại phổ biến nhất. Dừa Xiêm xanh cho trái rất sai, mỗi quày trung bình từ 20 trái trở lên. Đây là giống dừa được dùng để uống nước phổ biến nhất của Việt Nam, do nước có vị ngọt thanh.

Năm 2016, Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mặn xâm nhập. Gần như toàn bộ “đảo dừa” Bến Tre chìm trong nước mặn, trung tâm này mô tả. Ở cửa sông Hàm Luông nước mặn vào đến sâu đến 50 km. Nước mặn vào cả các vườn trái cây đặc sản, hoa kiểng, cây giống. Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn gây hại từ năm 2016, hiện sản lượng dừa của Bến Tre giảm từ 50 – 60%, gây thất thu lớn đối với thu nhập của người dân.

Bến Tre bắt đầu nỗ lực công nghiệp hóa kỹ nghệ dừa. Những năm gần đây diện tích dừa uống nước (dừa xiêm xanh) liên tục tăng do hiệu quả kinh tế cao và giá bán tương đối ổn định. Tổng diện tích dừa xiêm xanh uống nước toàn tỉnh hiện nay khoảng 12,930 ha, chiếm 17.77% trong tổng diện tích dừa của tỉnh. Tổng sản lượng dừa 9 tháng đầu năm toàn tỉnh ước tính được 493,342 tấn tăng 2.24% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ; Cây dừa Bến Tre còn là cây chiếm giữ vị trí kỷ lục cây trồng cho ra các sản phẩm, dòng sản phẩm chế biến nhiều nhất Việt Nam.

Hiện nay, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã có bước tiến bộ vượt bậc, đưa ngành này nhanh chóng hội nhập với ngành chế biến dừa thế giới. Công nghệ chế biến đổi mới đã giúp đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những dòng sản phẩm cao cấp, có bước chuẩn hóa tốt về mặt chất lượng, chủng loại và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến từ dừa như sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết và các sản phẩm từ dầu dừa tinh khiết … đã xuất khẩu đến nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp dừa đạt 5,880 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 347 triệu USD, tăng mạnh so với các năm. Theo Sở Công Thương Bến Tre, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, nhưng 6 tháng đầu năm 2021 các sản phẩm từ dừa xuất khẩu đạt 192.15 triệu USD, tăng 15.14% so cùng kỳ.

Nhờ chế biến, giá trị gia tăng các sản phẩm chế biến từ dừa toàn tỉnh đã tăng lên nhiều lần. Điển hình như sản phẩm cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái. So với cơm dừa nạo sấy thì sản phẩm bột sữa dừa có giá trị cao gấp 4 lần; sữa dừa, kem dừa có giá trị cao gấp 2 lần. Riêng sản phẩm dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô. Chỉ xơ dừa cứng, chỉ xơ đơn và đôi, dây thừng từ dừa có giá trị xuất khẩu cao gấp 3 – 4 lần chỉ xơ thô. Xơ dừa phun cao su đã tăng giá trị lên 10 lần sau khi chế biến từ chỉ xơ thô. Đặc biệt, nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới … Qua 5 năm triển khai, cơ cấu mặt hàng các sản phẩm từ dừa đang có sự thay đổi. Lượng sản phẩm truyền thống có xu hướng giảm như kẹo dừa, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy. Các mặt hàng mới đang có xu hướng tăng khá như sữa dừa, nước dừa đóng hộp, lon, than hoạt tính, dầu dừa … Phát triển nhiều sản phẩm mới đã mang lại giá trị cao cho ngành công nghiệp chế biến dừa và đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng, thân thiện môi trường. Các sản phẩm nổi bật như dầu dừa tinh khiết, mặt nạ dừa, nước rửa tay dưỡng da từ dầu dừa, sản xuất giấy từ tàu dừa làm bao bì, giỏ xách, trang trí nội thất, tranh nghệ thuật, thư pháp… đã thay thế các loại sản phẩm bằng nhựa, nylon và những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như mật hoa dừa. Mật hoa dừa có thể chế biến thành các sản phẩm như đường, giấm, rượu vang, rượu cao độ, thức uống nhẹ, … phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Hoạt động chế biến, tiêu thụ dừa trái ngày càng tăng. Hiện tại công suất chế biến đã vượt xa sản lượng dừa khô thu hoạch của tỉnh. Công suất các nhà máy chế biến hiện tại có khả năng tiêu thụ 1.254 triệu trái dừa/năm. Năm 2020 đã chế biến khoảng 584 triệu trái dừa, tương đương 109% sản lượng dừa khô trái thu hoạch của tỉnh. Đối với các vùng trồng dừa và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ dừa, được hỗ trợ kinh phí xây dựng, áp dụng và chứng nhận lần đầu tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP.

Tiềm năng xuất khẩu của dừa bến Tre: Hiện nay, thị trường xuất khẩu của tỉnh Bến Tre được mở rộng đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 130 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu gần 3 triệu trái dừa tươi uống nước sang các thị trường Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.

Nước dừa Coco của Vinamilk

Là doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T tại TP.HCM, đã phát hiện thị trường một số nước đang tiêu thụ dừa không phải của Việt Nam, chính vì vậy, ông đã tìm đến vùng dừa xiêm Bến Tre chính hiệu và xuất thử một container cho đối tác thân thiết ở Mỹ. Đúng dự đoán, dừa xiêm Bến Tre ngon ngọt nhanh chóng được người tiêu dùng Mỹ đón nhận. Đối tác nhanh chóng đặt hàng thêm và chỉ một năm sau đã chiếm chỗ dừa Thái tại nhiều quầy hàng bán dừa tươi tại Mỹ. Vina T&T phải xây thêm nhà máy quy mô xử lý 2.5 triệu trái/năm tại Bến Tre để đáp ứng xuất khẩu.

Dừa xiêm Bến Tre xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: Tỉnh hiện có 525 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực dừa, với tổng vốn khoảng 20,500 tỷ đồng (891 triệu USD). Hơn 200 sản phẩm từ dừa được sản xuất, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa, mặt nạ dừa… Thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Tính đến nay, sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất sang gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số sản phẩm từ dừa có giá trị cao: cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái; bột sữa dừa giá trị cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy; sữa dừa có giá cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy; kem dừa giá trị cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy; dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô; chỉ xơ dừa cứng (tẩm keo) giá trị xuất khẩu cao gấp 3 – 4 lần chỉ xơ thô; chỉ xơ đơn và đôi giá trị xuất khẩu cao gấp 3.8 lần chỉ xơ thô … Đây là một trong những tiềm năng của trái dừa.

DỪA SÁP TRÀ VINH

Cầu Kè là “thủ phủ” dừa sáp của tỉnh xuất hiện ở thập niên 1960, với diện tích hiện nay khoảng hơn 1,000 ha, tập trung ở các xã Hòa Ân, Hòa Tân và thị trấn Cầu Kè. Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 6/2020, tổng diện tích dừa ở huyện Cầu Kè là khoảng 3,878 ha với sản lượng 52 triệu trái. Trong đó có gần 75,000 cây dừa Sáp, sản lượng hơn 200,000 trái, mang lại thu nhập từ 2.3 – 3.7 triệu đồng/cây/năm. Hiện tại, tỉnh Trà Vinh có tới 5 giống dừa Sáp gồm: Sáp tròn, Sáp dài, Sáp có cạnh, Sáp vỏ xanh, Sáp vỏ vàng. Mặc dù diện tích trồng các giống dừa này đang gia tăng, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn trồng theo phương pháp truyền thống là lựa chọn những trái dừa có sáp nằm lẫn trong buồng dừa để nhân giống nên năng suất thấp và tỷ lệ sáp không cao. Điều này có nghĩa là giống dừa Sáp đặc trưng của tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị lai tạp, thoái hóa giống, thậm chí bị mất đi nếu không được quy hoạch, chăm sóc và bảo tồn để khai thác lâu dài. Để mở rộng diện tích, bên cạnh việc sử dụng các giống dừa truyền thống, nhiều hộ dân đã chuyển sang lựa chọn dừa Sáp nuôi cấy phôi. Tuy nhiên, do chưa được ứng dụng KH&CN nên cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi có giá quá cao (từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/cây), nhiều hộ dân trồng dừa không đủ khả năng để đầu tư. 

Vị trí Bến Tre – Trà Vinh

Trong bài viết “Trái cây Việt Nam và bài toán cung cầu” của tác giả ngày 20/2/2022, có một đoạn viết về Dừa sáp Trà Vinh. Bài viết này đi vào chi tiết về loại dừa này.

Như đã nói trong bài trước, dừa sáp, còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, makapuno (Philippines) là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa. Là đặc sản duy nhất chỉ có ở Trà Vinh, Việt Nam, dừa được trồng nhiều ở giồng Cây Xanh, cách thị trấn Cầu Kè (Trà Vinh) khoảng 4 km.

Dừa sáp có mặt ở Giồng Cây Xanh, Trà Vinh khoảng những năm 1960. Có tài liệu khác cho rằng loại cây cho quả dừa sáp đã xuất hiện ở huyện Cầu Kè vào năm 1942 do một nhà sư người Khmer sang thăm Campuchia mang về làm giống. Do đột biến gene hoặc do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết mới ở vùng đất Cầu Kè đã khiến dừa cho trái sáp đặc biệt, trở thành một đặc sản chỉ riêng Trà Vinh mới có. Trên cây dừa sáp, chỉ những trái không có sáp mới có khả năng tạo phôi, tạo mộng, mầm, tạo ra cây dừa sáp giống; những trái có sáp không thể để giống. Do thụ phấn chéo, thế hệ cây con khó xác định về tính trạng và chất lượng trái. Việc nhân giống dừa sáp bằng phương pháp cấy mô sẽ cho thế hệ dừa sáp đồng nhất tính trạng và chất lượng đang được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh và Trung tâm dừa Đồng Gò (Viện nghiên cứu cây có dầu) thực hiện, và hiện đã có những thành công bước đầu.

Cuối năm 2008 Tiến sĩ Yukata Hirata và Takeshi Nakishima của Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã đến Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, Trà Vinh khảo sát với một sự quan tâm đặc biệt hương vị sáp dừa, độ dày cơm dừa, trọng lượng và kích thước của trái dừa sáp Cầu Kè. Và giữa năm 2009, Tiến sĩ Võ Mai Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam đã về hợp tác xã này triển khai thực hiện mô hình trồng dừa sáp đúng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho trái an toàn (Viet GAP) theo Quyết định số 84 ngày 28 tháng 7 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tên gọi cũng thể hiện rõ đặc điểm của loại dừa này với phần cơm dừa dày, đặc ruột, dẻo và hương vị béo mềm hơn so với dừa thường. Dừa sáp xuất hiện vào những năm 1960, giống dừa này là đặc sản duy nhất ở Trà Vinh, miền Tây Việt Nam, nơi nổi tiếng về nhiều loại dừa thơm ngon, hấp dẫn. Dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên xuất khẩu bằng máy bay sang Australia, được bán với giá 30 – 35 AUD/quả (khoảng 600,000 đồng). Ngày 29/10, Bộ Công Thương cho biết, 2,000 quả dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên đã được xuất khẩu bằng máy bay sang Australia và được phân phối hết sau thời gian ngắn. Tổng giá trị lô hàng này lên đến 70,000 đô la Australia (hơn 1 tỷ đồng).

Từ mức giá ngang dừa thường, trong khoảng từ năm 2000 trở lại đây giá dừa sáp bỗng tăng cao và trở thành loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam (chủ yếu do sản lượng cung cấp thấp). Trà Vinh, tỉnh duy nhất trồng dừa sáp chỉ có thể cung cấp khoảng 10 ngàn trái/năm, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách mua dùng thử. Mỗi buồng dừa sáp thường chỉ cho vài trái sáp, những trái còn lại là dừa thường và giá trị thương mại chỉ ngang với những trái dừa khác. Tuy vậy không phải buồng dừa nào cũng cho trái sáp và thực tế cũng không hiếm trường hợp có buồng vài chục trái mà không có trái sáp nào.

Dừa sáp thường được bán tại các cửa hàng đặc sản ở khu vực miền Tây nói chung và Trà Vinh nói riêng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua dừa sáp tại các siêu thị hoặc các trang thương mại điện tử. Dừa được chia làm 2 loại: Loại 1 từ 1 – 1.2 kg – Loại 2 từ 0.7 – 0.9 kg. Giá dừa xiêm bình thường có giá từ 80,000 – 100,000/ chục 12 trái (3.5 – 4.3 USD). Vào thời điểm nắng nóng tăng vọt lên 110,000 – 115,000/ chục 12 trái (4.8 – 5.0 USD). Trong khi đó, mỗi trái dừa sáp sẽ có giá giao động trong khoảng từ 150,000 – 250,000 VND (6.5 – 10.9 USD), ở nhiều nơi giá dừa sáp còn có thể tăng lên khoảng từ 300,000 – 400,000 VND (13.0 – 17.4 USD) mà vẫn được rất nhiều người tìm mua. Như vậy, giá một trái dừa sáp gấp 10 – 15 lần một trái dừa thường.

600,000 đồng (26 USD) một quả dừa sáp Trà Vinh tại Australia – Ảnh: Nông sản Việt

ĐẠI HỌC TRÀ VINH VÀ DỪA SÁP

Trên thế giới chỉ có 9 trong số 93 quốc gia trồng được cây dừa sáp. Để gia tăng sản lượng dừa sáp, việc nghiên cứu trồng dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi được các nhà khoa học thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước. Với phương pháp nuôi cấy phôi, tỷ lệ cho trái sáp rất cao, đạt từ 95% trở lên. Philippines là quốc gia đi đầu nhưng tiến trình lại chậm. Một số vấn đề như: Thời gian tạo cây giống thường dài, phải mất 2 năm, tỷ lệ phôi bị nhiễm nhiều nên phải loại bỏ sớm trong phòng thí nghiệm, tỷ lệ số cây chuyển ra vườn ươm so với số phôi ban đầu còn thấp, giá thành cao chưa đáp ứng nhu cầu trồng với quy mô lớn.

Cho đến năm 2020, dừa sáp Trà Vinh vẫn ở quy mô nhỏ và có những khó khăn căn bản:

  • Bình quân, mỗi quày dừa chỉ cho tỷ lệ trái dừa sáp từ 20% – 30%. Để khắc phục hạn chế này, các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh (ĐH Trà Vinh) đã nghiên cứu thành công nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô. Với kỹ thuật này, tỷ lệ trái dừa sáp đạt từ 80% – 90%.
  • Bên cạnh đó, các nhà khoa học của ĐH Trà Vinh đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển dừa sáp ở những vùng đất khó. Kết quả bước đầu cho thấy cây dừa sáp cấy phôi có thể chịu độ mặn rất cao. Đây là tin vui cho người trồng dừa ở Trà Vinh cũng như nông dân ĐBSCL nói chung.

Nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô: Dừa sáp là giống cây đặc sản ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, nông dân trồng dừa sáp tỷ lệ quả có sáp chỉ chiếm khoảng 20% nên sản lượng ít, khi ra thị trường giá rất đắt. Vì vậy, cách đây 10 năm Trường Đại học Trà Vinh bắt đầu nghiên cứu cấy phôi dừa sáp và hiện nay, cây dừa Sáp được nhân giống qua hình thức nuôi cấy phôi, sau khi trưởng thành khi trong thời kỳ cho quả sẽ ổn định và đặc biệt có tỷ lệ quả sáp đạt hơn 80%. Gia tăng năng suất lên đến 60 – 80 quả/cây/năm. Thông qua đó có thể thấy được giống dừa Sáp nuôi cấy phôi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần so với giống dừa Sáp thường và gấp 8 – 10 lần so với các giống dừa xiêm. Theo mô hình nhân giống Dừa sáp hiện nay thì việc nuôi cấy phôi Dừa sáp trải qua 4 giai đoạn chính, thời gian từ 12 – 14 tháng, bao gồm:

  • Giai đoạn 1, chọn trái đủ tuổi lấy phôi, tách, khử trùng phôi và cấy vào môi trường tạo chồi: Trái giống được chọn cấy phôi là những trái dừa sáp khô, phần gáo dừa bên trong phải có màu đen. Cho phôi vào ống nghiệm chứa môi trường nước Y3 đã được hấp khử trùng. Phôi được nuôi dưỡng trong thời gian hơn 1 tháng, tỉ lệ phôi sống và hình thành chồi ở giai đoạn này là 95%.
  • Giai đoạn 2 là tách màn bao chồi mầm, cấy chuyển vào môi trường tạo rễ: Việc tách màn bao chồi mầm là tiến bộ kỹ thuật mới, sự sáng tạo của công ty kết hợp viện nghiên cứu dầu và cây có dầu trong quy trình nuôi cấy phôi hữu tính dừa sáp. Việc này vừa giúp các chồi phát triển đồng đều, vừa giúp phôi phát triển nhanh hơn. Trong giai đoạn này chồi mầm được đưa vào lọ thủy tinh môi trường dung dịch Y3 để mầm tạo rễ, những lọ thủy tinh này đưa vào phòng nuôi có nhiệt dộ 30ºC, ẩm độ 60% và cường độ chiếu sáng trên 2,000 Lux bằng bống đèn điện nê-on, trong thời gian trên 3 tháng. Giai đoạn này là điều kiện quyết định sự sống của phôi dừa sáp, thường tỉ lệ hao hụt cao nằm trong giai đoạn này, tỷ lệ sống khoảng 82%.

Dừa sáp giống trong phòng thí nghiệm

  • Giai đoạn 3 là đưa cây ra vườn ươm: Sau khi kết thúc giai đoạn 2, cây ra rễ thứ cấp và có từ 2 đế 3 lá chồi. Đưa cây dừa mới sinh trưởng ra ngoài, trồng trong bầu đất với cơ chất đã được hấp tuyệt trùng gồm: trấu, mụn dừa, phân bò … Trong thời gian hơn 1 tháng cây phát triển thêm 1 đến 2 lá mới, lúc này cây được lấy ra khỏi lồng và thay chậu mới nhằm bổ sung cơ chất cho cây. Tỷ lệ cây phôi sống ở giai đoạn này là 85%.
  • Giai đoạn 4, tiến hành thay chậu, bổ sung cơ chất chăm sóc cây đủ tiêu chuẩn cây giống:Cơ chất bổ sung ở giai đoạn này là: trấu; phân bò; mùn dừa, với tỷ lệ 1:1:1. Cây được bón phân hữu cơ vi sinh, DAP và Kali, thời gian bón 15 ngày một lần, rải đều lên bề mặt cơ chất trong chậu.

Sau thời gian này cây phát triển đạt tiêu chuẩn xuất vườn: cây có từ 4 đến 5 lá, chiều cao cây từ 40 – 50 cm. Tỷ lệ cây sống đạt tiêu chuẩn cây giống là 95% thời gian khoảng 5 tháng.

Dừa sáp xuất vườn

Năm 2020, tin từ Trường ĐH Trà Vinh cho biết Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vừa ra quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật “Quy trình nhân giống cây dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi hữu tính” của nhóm tác giả Trường Đại học Trà Vinh gồm TS Phạm Thị Phương Thúy, ThS Nguyễn Ngọc Trai, ThS Nguyễn Hoàng Xuân Thảo, ThS Sơn Thị Thanh Nga, ThS Thái Thị Thanh Trọn và ThS Trần Thị Thảo Đang. Cục Trồng trọt cũng giao Trường ĐH Trà Vinh, nhóm tác giả và các đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến tiến bộ kỹ thuật này để áp dụng vào sản xuất đại trà và giảm giá thành.

Dừa sáp theo tiêu chuẩn Vietgap

Trồng dừa sáp trên đất nhiễm mặn: Theo TS Phạm Thị Phương Thúy, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản (ĐH Trà Vinh), Trà Vinh là địa phương có hơn 50% diện tích đất bị nhiễm mặn 4 tháng trở lên với độ mặn trên 4%, trong đó có huyện Cầu Kè, quê hương của cây dừa sáp. Những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, việc bà con nông dân chuyển đổi giống dừa là một xu thế. Do đó, nông dân cũng rất lo lắng chọn giống để thích nghi với điều kiện hạn mặn. TS. Phương cho biết theo cứu bước đầu, đã đánh giá sức chịu đựng mặn của cây dừa sáp với các nghiệm thức độ mặn từ 0% đến 15%. Kết quả cho thấy, dừa sáp có thể chịu đựng được độ mặn từ 12% – 15%, thậm chí có những cây sinh trưởng tốt hơn những cây ở nghiệm thức độ mặn 0%. Điều đó khẳng định về mặt khoa học, cây dừa sáp thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn. Vì vậy, rất kỳ vọng ở môi trường tự nhiên, cây dừa sáp có thể chịu đựng được độ mặn 15%. Cũng theo TS. Phạm Thị Phương Thuý, sắp tới, ĐH Trà Vinh sẽ tiếp tục nghiên cứu các kỹ thuật canh tác để cho cây dừa sáp vừa có thể chịu được mặn nhưng vẫn cho năng suất chất lượng ổn định.

VƯỜN DỪA SÁP KIỂU MẪU

Sau nhiều năm học hỏi và áp dụng mô hình trồng dừa sáp cấy phôi, anh Đặng Minh Bé, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có thu nhập mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Hiện anh Bé đang mở rộng vườn dừa sáp, tuyển chọn những cây dừa sáp trái sai, tròn đều để sản xuất giống dừa sáp cấy phôi cung ứng ra thị trường.

Anh Đặng Minh Bé, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh giới thiệu vườn dừa sáp của gia đình

Anh Bé kể, anh xuất thân từ huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) – quê hương của cây dừa sáp nên khi về lập nghiệp tại ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, anh luôn mong muốn đưa cây dừa sáp về phát triển tại đây. Tuy nhiên, cây dừa sáp truyền thống thông thường chỉ có khoảng 2 – 3 trái sáp mỗi buồng nên hiệu quả kinh tế không cao.

Để cải thiện kinh tế gia đình, anh Bé bắt đầu tìm hiểu những nghiên cứu về cây dừa sáp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, phương pháp trồng dừa sáp từ nguồn giống nuôi cấy phôi tỏ ra ưu việt. Với phương pháp nuôi cấy phôi tỷ lệ cho trái dừa sáp của cây dừa có thể tăng từ 5 – 10 lần so với trồng cây dừa sáp theo cách truyền thống. Từ đó, anh Bé bắt đầu tham quan, học hỏi để về áp dụng.

Năm 2013, sau khi tìm hiểu kỹ phương pháp trồng dừa sáp nuôi cấy phôi, anh Bé đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 600 cây dừa trên diện tích 3 ha. Theo anh Bé, sau 3 năm trồng, cây dừa ra lưỡi mèo, đến năm thứ 4 cây dừa cho trái thu hoạch. Nếu chăm sóc kỹ, khoảng 27 ngày thu hoạch một đợt dừa trái, mỗi cây dừa có thể thu hoạch đến 13 lần trong năm. Khu vườn của anh Bé là khu vườn dừa sáp lớn nhất tỉnh Trà Vinh. Tại đây quả sai lúc lỉu, tất cả đều được trồng từ cây cấy phôi với tỷ lệ quả có sáp lên đến 95% thay vì chỉ 20% so với các vườn dừa bình thường.

Ngoài chuyện thu hoạch đồng loạt, chất lượng dừa sáp trồng theo phương pháp cấy phôi không thua kém so với dừa sáp thông thường. Hiện, giá bán mà anh Đặng Minh Bé ký kết ổn định là 160,000 đồng/quả (6.96 USD). Anh cho biết, không chỉ trong nước, các đối tác Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đang tìm kiếm để nhập hàng với số lượng lớn. Với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng, anh Bé đang tiếp tục mở rộng diện tích thêm 5 ha.

Hiện, anh Đặng Minh Bé đang hoàn thiện việc nghiên cứu và dự kiến đưa ra thị trường khoảng 15,000 cây dừa sáp giống cấy phôi mỗi năm. Ngoài chuyện thay thế diện tích vườn dừa già cỗi ở địa phương, những cây giống này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tỷ lệ quả sáp, tăng thu nhập cho người nông dân.

THƯƠNG VỤ TỪ DỪA SÁP

Kể từ 2000, các loại trái cây Việt Nam bắt đầu được công nghệ hóa với các viện nghiên cứu, hợp tác xã, trung tâm nghiên cứu và phân phối trái cây để tăng gia lợi nhuận cho nông dân và nâng cao vị thế của trái cây Việt Nam. Các sản phẩm từ dừa sáp ngày càng được đa dạng hóa. Tỉnh Trà Vinh đã hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào phát triển cây dừa Sáp nhằm làm gia tăng tỷ lệ trái có sáp trên buồng dừa để cho ra các thế hệ dừa Sáp đồng nhất tính trạng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN thông qua Chương trình nông thôn miền núi, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Trà Vinh) đã được giao chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng dừa Sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại Trà Vinh” từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2019. Hiện nay, giá 1 cây dừa sáp cấy mô 7 tháng tuổi là 800,000 đồng (35 USD), tương đối vẫn còn khá cao.

Trái dừa sáp có chứa nhiều vitamin là dinh dưỡng rất cao, hơn nhiều so với dừa thường. Đặc biệt trong dừa sáp chứa nhiều thành phần hóa học là Galactomanan, một dạng Polysaccharide có liên kết giúp cấu trúc tạo ra trạng thái dẻo thành dừa sáp. Chính trạng thái dẻo của hợp chất này, trên thế giới, nhiều nước tiến bộ đã ứng dụng để chế biến thành sản phẩm mỹ phẩm dưỡng da cao cấp từ dừa sáp.

Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 6/2020, tổng diện tích dừa ở huyện Cầu Kè là khoảng 3,878 ha với sản lượng 52 triệu trái. Trong đó có gần 75,000 cây dừa Sáp, sản lượng hơn 200,000 trái, mang lại thu nhập từ 2.3 – 3.7 triệu đồng/cây/năm (100 – 161 USD/cây/năm). Với giá dừa Sáp tại vườn hiện đang dao động từ 80 đến 150 ngàn đồng/quả (3.5 – 6.5 USD/quả), có khi tăng đến 160 – 200 ngàn đồng/quả (7 – 8.7 USD/quả) vào các mùa lễ hội (cao gấp 10 – 20 lần so với quả dừa thường); số dừa không sáp còn lại cũng được người dân bán với giá 20 – 25 ngàn đồng/quả … cho thấy lợi nhuận thu được từ trái dừa Sáp là rất cao, khoảng trên 120 triệu đồng/ha (5,217 USD/ha), gấp 5 lần một ha dừa thường khoảng hơn 20 triệu đồng/ha (870 USD/ha).

Dừa sáp loại I có giá bán cao gần 200,000 đồng/trái. Ảnh: Minh Đảm.

Món giải khát từ dừa sáp

Mỹ phẩm từ dừa sáp

KẾT LUẬN

Việt Nam là nước mà mật độ dân số khá cao nên phải tìm các giải pháp, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu … phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân.

Năm 2008, Việt Nam mới có 5 nhóm mặt hàng về nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm với hai nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD đến nay chúng ta có 10 nhóm mặt hàng về nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, gấp hai lần so với năm 2008 trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Như đã nói ở trên, Việt Nam có tham vọng đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới; giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 đến 10 tỷ USD. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có thổ nhưỡng đặc thù trên thế giới. Tuy nhiên, những con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn ảnh hưởng rất nhiều lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu là điều mà Việt Nam đang tìm cách giải quyết. Trong dài hạn, Việt Nam vẫn phải đối phó những vấn đề căn bản với Trung Quốc. Hiện xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ theo lối tiểu ngạch chiếm 70%, đường biển theo lối chính ngạch chỉ chiếm 30% và phục vụ cho 2 phân khúc thị trường khác nhau nên việc chuyển đổi đường vận tải sẽ có nhiều khó khăn. Đến nay, Trung Quốc mới cho phép 8 loại nông sản Việt Nam vào thị trường của họ, trong khi đã mở cửa cho 23 loại từ Thái Lan. Vậy nên, nếu nhà nước không vào cuộc, nhiều khả năng nông sản Việt Nam sẽ phải đi đường vòng qua Thái để xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến lợi nhuận của nông dân, doanh nghiệp Việt bị hạn chế. Một ví dụ như quả chanh dây, theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao (DOVECO), năm 2020, xuất khẩu tiểu ngạch quả này chiếm 75% nhưng năm 2021 chỉ còn 25%. Nhờ tăng chế biến nên giá chanh leo đã lên 20,000 đồng/kg so với trước đây chỉ từ 7,000 – 10,000 đồng/kg. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, nhập khẩu dừa trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 6.3 nghìn tấn, trị giá 383 triệu Baht (tương đương 12.29 triệu USD), tăng 208.9% về lượng và tăng 292.7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thái Lan được xem là trung tâm chế biến của khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, Thái Lan có nhu cầu về sự đa dạng nguồn nguyên liệu cho chế biến. Ngược lại, Việt Nam lại nhập cảng gạo và hạt điều chất lượng thấp từ Campuchia và các nước châu Phi để tiêu thụ trong nước cũng như chế biến cho xuất cảng.

Với nền kinh tế ngày càng phát triển, Việt Nam có thể cân bằng mậu dịch với Trung Quốc trong mọi lãnh vực.

THAM KHẢO

1.    Bài viết “Công nghệ nhân và sản xuất giống dừa” của Bộ Nông Nghiệp ngày 28/06/2017.

2. Bài viết “Áp dụng quy trình nhân giống dừa sáp của Trường ĐH Trà Vinh vào sản xuất” đăng trên mạng Cần Thơ Online ngày 25/12/2021.

3.    Bài viết “Dừa sáp nuôi cấy phôi chịu mặn, thu nhập cực cao” đăng trên mạng Đại học Trà Vinh ngày 31/5/2021

4.    Bài viết “Trồng dừa gì mà cây thấp tè đã ra trái quá trời, ông nông dân Trà Vinh bán dừa giá đắt vẫn “cháy hàng” đăng trên mạng Dân Việt ngày 20/3/2021.

5.    Bài viết “Trà Vinh mở rộng diện tích dừa hữu cơ tạo thu nhập bền vững” đăng trên mạng TTXVN ngày 1/3/2022.

 *****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *