Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải

169 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Cảng Thị Vải – Cái Mép là một cụm cảng biển sâu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, ở cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép, cách mủi Vũng Tàu 18 hải lý. Sông Thị Vải là con sông chảy qua và làm ranh giới tự nhiên giữa Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đoạn hạ lưu từ chỗ sông Gò Gia hợp lưu với Thị Vải ra tới biển còn gọi là sông Cái Mép. Sông Cái Mép – Thị Vải rất sâu … với độ sâu 15 m – 20 m và bề rộng tới 600 m – một chiều rộng lý tưởng cho các loại tàu quay trở đầu. Đoạn đường từ biển Vũng Tàu vào tới cảng cũng rất gần, chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ thay vì mất đến 4 giờ rưỡi nếu vào cảng khu vực TP.HCM. 

Vị trí cảng Thị Vải – Cái Mép

Từ những năm 80, do nhu cầu tìm kiếm một vị trí xây dựng cảng phục vụ cho tổ hợp xử lý dầu thô ở phía Nam, sông Thị Vải được tìm thấy như là một vị trí lý tưởng về điều kiện tự nhiên để xây dựng một cụm cảng cho phép các tàu trọng tải lớn vào neo đậu. Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh có đầy đủ các yếu tố để phát triển một nền kinh tế biển hoàn chỉnh, đặc biệt là kinh tế cảng. Nằm trong Vùng Kinh tế Động lực phía Nam, với nhóm cảng biển số 5 đã được qui hoạch, khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hội đủ mọi yếu tố để có thể phát triển một hệ thống cảng nước sâu qui mô lớn, hiện đại ngang tầm các quốc gia trong khu vực.

Hệ thống sông Thị Vải là hợp lưu của ba con sông lớn Thị Vải, Gò Gia và Cái Mép. Sông Thị Vải – Cái Mép chạy theo hướng Bắc – Nam gần song song với đường quốc lộ 51. Chiều dài tuyến sông khoảng 40 km, độ sâu trung bình từ 15 – 20 m, chỗ sâu nhất đạt tới 60 m, bề rộng trung bình 500 – 600 m, có chỗ rộng tới 1,000 m. Đây là một con sông chịu ảnh hưởng của thủy triều với chế độ bán nhật triều không đều, biên độ giao động mực nước lớn nhất có thể đạt tới hơn 4 m. Theo đánh giá của Cái Mép -Port Coast dựa trên các tài liệu thu thập và khảo sát trong suốt mấy chục năm qua có thể thấy đây là con sông bị ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều, không có lưu vực, lượng sa bồi là không đáng kể, hình thái lòng sông gần như không thay đổi. Vùng đất dọc tuyến sông rộng, chạy dọc theo quốc lộ 51 nối liền TP.HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu, nên rất thuận tiện việc phát triển cảng và các hạng mục hạ tầng cơ sở. Có thể so sánh độ sâu chạy tàu của các tuyến luồng vào một số cảng chính của Việt Nam như: luồng vào cảng Hải Phòng, độ sâu chạy tàu 10.3 – 10.9 m; luồng vào cảng Cái Lân (Quảng Ninh), độ sâu chạy tàu 9.8 – 11.0 m; luồng vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), độ sâu chạy tàu 12.0 – 12.3 m; luồng vào cảng Sài Gòn, độ sâu chạy tàu 11.5 – 12.5 m thì luồng vào cảng Cái Mép – Thị Vải sâu nhất với độ sâu chạy tàu 13.0 – 14.6 m. Có thể khẳng định, Thị Vải – Vũng Tàu là khu vực với tài nguyên thiên nhiên hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho sự nghiệp phát triển cảng mà rất ít nơi trên đất nước ta có được. Chính vì những yếu tố thuận lợi trên mà nhiều nhà nghiên cứu về cảng ở nước ta đã gọi nơi đây là vùng tài nguyên cảng của đất nước.

Vị trí sông Thị Vải – Cái Mép

Đầu thập niên 1990, nhận thấy những hạn chế của cụm cảng Sài Gòn, Chính phủ Việt Nam bắt đầu quan tâm tới xây dựng một cảng nước sâu mới phục vụ cho khu vực Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Thị Vải – Cái Mép được chọn lựa vì nó có độ sâu, nằm gần khu vực hội tụ sản xuất ở miền Đông Nam Bộ, lại nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế từ Hồng Kông tới Singapore. Tháng 11 năm 1992, quy hoạch tổng thể hệ thống cảng nước sâu Thị Vải – Vũng Tàu được phê duyệt và đến ngày 28 tháng 2 năm 1998, dự án được điều chỉnh và bổ sung. Tháng 8 năm 2005, trong bản quy hoạch chi tiết nhóm cảng TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực Thị Vải – Cái Mép được xác định là cảng cửa ngõ cho toàn vùng. Đây là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với 3 đối tác nước ngoài bao gồm hãng tàu MOL của Nhật Bản, hãng tàu Wan Hai của Đài Loan và hãng tàu Hanjin của Hàn Quốc (hiện nay là Công ty Hanjin Transportation). TCIT được Chính phủ Việt Nam cấp giấy chứng nhận vào tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (tương đương với khoảng 2,000 tỷ đồng).

Thăm dò cảng Thị Vải – Cái Mép lúc sơ khai

Hạ tầng cơ sở vào Cái Mép – Thị Vải

Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 69 dự án cảng biển được quy hoạch, trong đó có 41 dự án đã được triển khai và đưa vào hoạt động với công suất 141.4 triệu tấn/năm. Riêng khu vực Cái Mép – Thị Vải có 35 dự án, trong đó 22 dự án đã đưa vào khai thác, công suất 117.8 triệu tấn/năm. Theo quy hoạch chi tiết cụm cảng số 5, trên sông Cái Mép – Thị Vải sẽ có 4 khu cảng: khu cảng Gò Dầu C có chiều dài bến khoảng 2 km dành để tiếp nhận tàu từ 15,000 DWT đến 50,000 DWT; khu cảng Thị Vải (Phú Mỹ) có chiều dài bến khoảng 5.2 km, tiếp nhận tàu từ 50,000 DWT đến 75,000 DWT; khu cảng Cái Mép có chiều dài bến khoảng 6.6 km tiếp nhận tàu từ 50,000 DWT đến 80,000 DWT… Thật đáng mừng là cả 4 khu vực này đều đã có rất nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề đầu tư vào đây, trong đó không ít dự án có tính khả thi cao đã được hình thành. Đó là, dự án cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải được thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản; dự án cảng quốc tế Thị Vải của liên doanh Cảng Sài Gòn với PSA (Singapore); dự án cảng quốc tế Cái Mép của liên doanh Cảng Sài Gòn với APMT (Tập đoàn đa quốc gia Maersk); dự án cảng container Cái Mép hạ của Công ty cổ phần đại lý liên hiệp vận chuyển Gemadept… với tổng vốn đầu tư 1.3 tỷ USD.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2011, TCIT nỗ lực mang đến cho khách hàng những dịch vụ cảng container đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với vị thế cảng nước sâu nằm gần ngã ba sông Thị Vải – Cái Mép, cách trạm hoa tiêu Vũng Tàu 18 hải lý, TCIT là điểm trung chuyển rất thuận lợi cho hàng hoá giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các thị trường xuất nhập khẩu chủ đạo của Việt Nam là Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Á … Luồng chạy tàu có độ sâu âm 14 m; độ sâu khu vực bến cảng âm 16.8 m; vùng quay trở tàu rộng 500 m, rất thích hợp cho việc phục vụ các tàu trọng tải lên đến 160,000 DWT (tương đương với 14,000 TEU). Theo quy hoạch, cảng Thị Vải – Cái Mép sẽ được kết nối với các khu công nghiệp ở Bà Ria – Vũng Tàu, Đồng Nai và các tỉnh khác bằng đường tỉnh lộ 965 và quốc lộ 51.

Chuyến tàu container đầu tiên vào Cái Mép – Thị Vải năm 2014

CẢNG THỊ VẢI – CÁI MÉP MỚI

Hạ tầng cơ sở cảng Quốc tế Cái Mép – Thị Vải

Sơ khởi, cảng Quốc tế Cái Mép được thiết kế để tiếp nhận tàu container có trọng tải lên đến 80,000 DWT với công suất thông qua đạt 600,000 -700.000 TEU mỗi năm. Chiều dài bến là 600 m với tổng diện tích lên tới 48 ha. Cảng Thị Vải cũng có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp có tải trọng lên đến 75.000 DWT. Công suất thông qua cảng đạt 1,6-2 triệu tấn mỗi năm. Tổng diện tích của cảng là 27 ha.

Sau khi hoàn tất tân trang, Cảng Thị Vải – Cái Mép Mới sẽ dài hơn 20 km, chiếm hơn 30% lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container của cả nước, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cụm cảng biển sâu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép, được đánh giá có mức tăng trưởng hàng hóa cao hàng đầu khu vực và được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương phía Nam.

Chính quyền đang vận động các công ty kinh doanh cảng biển và logistics lớn của thế giới như Maersk (Đan Mạch), SSA (Mỹ), PSA International (Singapore), Hutchison Whampoa (Hong Kong), Yang Ming (Đài Loan), CMA CGM (Pháp) … lập liên doanh đầu tư phát triển Thị Vải – Cái Mép. Hiện nay cảng container SP-PSA đã được đưa vào sử dụng. Cảng Cái Mép mới có công suất 600,000 TEU đã khánh thành giai đoạn 1. Các công trình mở đường, nạo vét luồng tàu đã được triển khai để đến tháng 10-2010 toàn bộ cảng biển dọc sông Thị Vải sẽ hưởng lợi từ các công trình này. Quốc lộ 51, tỉnh lộ 965 và các đường quanh hàng rào cảng cũng đang khẩn trương được cải tạo để đảm bảo các xe côngtenơ có thể tiếp cận cảng thông suốt.

Nhờ cảng sâu cho phép tàu lớn vào cảng, thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa miền Nam Việt Nam với các nước đã được rút ngắn đáng kể vì đỡ phải quá cảnh ở Singapore.

Ngày 26 tháng 10 năm 2020 Cảng Thị Vải – Cái Mép đã đón tàu container có trọng tải 214,121 DWT của hãng Maersk (Đan Mạch). Tàu Margrethe Maersk có sức chở lên đến 20.000 TEUs, dài 399.23m, rộng 59m. Cho thấy ngành hàng hải Việt Nam đã phát triển xứng tầm quốc tế, khi đón những siêu tàu lớn nhất thế giới. Sự kiện tàu Margrethe Maersk cập cảng CMIT trở thành một trong những dấu mốc quan trọng của ngành hàng hải Việt Nam, cũng như của hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) . Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) trên bản đồ hàng hải thế giới. Việc cảng CMIT đủ năng lực và được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214,000 DWT, hạ tải cập cảng cũng có ý nghĩa đặc biệt, khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ kích cỡ lớn đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ mà không cần trung chuyển qua các cảng trung chuyển như Singapore, Malaysia… giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở từ đó hàng hóa sớm được tiếp cận với thị trường.

Ngày 27 tháng 12 năm 2020, Cảng CMIT đã tiếp nhận thành công tàu MSC Oliver – tàu container lớn nhất của hãng tàu MSC từng cập cảng Việt Nam. MSC Oliver có trọng tải 199,273 DWT tương đương 19,224 TEU, được khai thác trên tuyến dịch vụ PEARL/TP6 của liên minh 2M kết nối giữa Việt Nam với bờ Tây nước Mỹ. Tàu MSC Oliver đã xếp dỡ gần 6,000 container, tương đương 10,000 TEU hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và trung chuyển tại Việt Nam.

Các cầu cảng hiện nay: Toàn bộ hệ thống cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 8 cảng container đang hoạt động. Đây là một trong những cụm cảng container nước sâu được đầu tư với quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận những tàu container lớn nhất thế giới và là cụm cảng duy nhất ở miền Nam Việt Nam có những chuyến tàu đi thẳng đến Châu Mỹ, Châu Âu.

  • Cảng nước sâu Gemalink: Cảng Gemalink của Đức Quốc được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200,000 DWT. Năng lực xếp dỡ của Cảng trong giai đoạn 1 là 1.5 triệu TEUs/năm và toàn dự án là 2.4 triệu TEUs/năm. Trong giai đoạn 1, Cảng khai thác 800 m cầu bến chính, đảm bảo tiếp nhận cùng lúc 2 tàu mẹ và 230 m bến dành cho tàu feeder và sà lan, trên diện tích 33 ha. Đây là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép – Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder và sà lan kết nối khu vực TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn và các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Campuchia … Dự án cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với tổng diện tích lên tới 72 ha, chiều dài cầu bến chính là 1,150 m và bến tàu feeder là 370 m.  Đây là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, là một trong số 19 cảng lớn của thế giới đón được các siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Cảng được trang bị 7 cẩu STS và 18 cẩu RTGC, phục vụ công suất bốc dỡ giai đoạn I của cảng là 1.5 triệu TEU/năm. Công tác thi công, lắp đặt toàn bộ cẩu và các trang thiết bị khác dự kiến sẽ được hoàn thành trong tháng 10, sẵn sàng chạy thử nghiệm từ tháng 11-2020 và chính thức đưa vào vận hành từ đầu năm 2021. 

Cẩu bờ STS 1,700 tấn

Dự án có tổng mức đầu tư 520 triệu USD cho 2 giai đoạn (trong đó giai đoạn 1 đã hoàn thành là 330 triệu USD) với mục tiêu hình thành cảng có công suất lớn nhất nước với 2.5 triệu TEUS. Cảng đã chính thức khai trương vào tháng 5/2021 và sẽ khai thác ít nhất 80% công suất thiết kế ngay trong năm nay và sẽ khai thác hết công suất từ năm 2022. Đây là dự án do 2 tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là Công ty cổ phần Gemadept (GMD là 75%) của Đức Quốc  và Tập đoàn CMA-CGM (25%) của Pháp góp vốn cùng đầu tư. Cảng Gemalink nằm tại khu vực hạ lưu sông Cái Mép, Bà Rịa – Vũng Tàu, sở hữu những lợi thế cạnh tranh quan trọng và vượt trội để có thể trở thành một trong những cảng trung chuyển lớn của thế giới. Đó chính là vị trí đắc địa (nằm ngay cửa sông với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu); tổng chiều dài cầu bến toàn dự án là 1,500 m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ ra vào làm hàng.

Ngày 29/03/2022, tại Cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Gemadept đã tổ chức Lễ đón 1 triệu TEU đầu tiên thông qua Cảng Gemalink chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, đánh dấu cột mốc mới. kỷ lục trong ngành cảng Việt Nam. Gemalink đã trở thành cảng kiểu mẫu và là niềm tự hào của người dân địa phương khi lọt vào top 19 thương cảng có khả năng tiếp nhận tàu lớn nhất thế giới, có tải trọng lên đến hơn 200,000 DWT. Đây là một dấu mốc đáng nhớ, bởi lần đầu tiên trong lịch sử ngành cảng biển Việt Nam, một cảng đạt sản lượng 1 triệu TEU chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động. Buổi lễ có sự góp mặt của nhiều đối tác, khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng là các hãng tàu lớn như CMA-CGM, Maersk Line, Cosco, Evergreen cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Gemadept, Cảng Gemalink, và các nhân viên cảng.

Trải qua một năm đầy thử thách lớn, Gemalink đã khẳng định vai trò xuất sắc của mình khi duy trì dòng chảy hàng hóa thông suốt, giải tỏa ách tắc tại cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải, đưa hàng hóa Việt Nam đến châu Mỹ, châu Âu và châu Á một cách an toàn. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các hãng tàu trên các tuyến đường dài đi Bắc Mỹ và Châu Âu, Gemalink đang gấp rút chuẩn bị những bước cuối cùng của giai đoạn 2, dự kiến ​​đưa vào khai thác từ cuối năm 2023.

 “Triệu TEU đầu tiên đánh dấu cột mốc mới cho Gemalink, đồng thời khẳng định sự năng động của cảng Cái Mép, giúp tham vọng đạt 1,5 triệu TEU vào năm 2022 của chúng tôi trở thành hiện thực,” ông Benoit Klein, Tổng Giám đốc Cảng Gemalink cho biết. “Một tham vọng khác là việc mở rộng nhà ga mà chúng tôi dự định bắt đầu trong năm nay, điều này sẽ cho phép chúng tôi tăng gấp đôi công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng và thị trường.” Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, công nghiệp nổi bật với nhiều cảng biển nước sâu tiếp nhận tàu lớn, sản lượng hàng triệu container thông qua hàng năm và tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong những năm gần đây.

Theo Gemadept, Cảng Gemalink không chỉ đóng góp 15% thị phần khai thác cảng của cụm cảng Cái Mép- Thị Vải mà còn giúp tăng gấp đôi sản lượng của toàn hệ thống cảng phía Nam của công ty. Tận dụng các lĩnh vực cốt lõi là khai thác cảng và hậu cần, Gemadept đặt mục tiêu phát triển thành công ty hàng đầu Việt Nam với hệ sinh thái cảng và hậu cần tích hợp. Công ty hiện sở hữu mạng lưới 8 cảng phát triển mạnh mẽ trải dài từ Bắc vào Nam, bao gồm Cảng Nam Đình Vũ, Cảng Nam Hải Đình Vũ, ICD Nam Hải, Cảng Dung Quất, Cảng Phước Long, v.v.

Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT): Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (liên doanh gồm APMT – công ty thuộc tập đoàn Maesk của Đan Mạch, Vinalines và cảng Sài Gòn) với quy mô: 48ha, bến cảng: 2, chiều quay: 600 m, trọng tải:  160,000 – 200,000 DWT. Ngân hàng Thế giới – World Bank và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – Chỉ số hoạt động cảng container) cho 370 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub Port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia. Trong đó, cụm cảng Cái Mép được xếp hạng thứ 11 CPPI (theo kiểu tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu), và thứ 13 (theo kiểu tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó). Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép đứng trên 3 cảng Hub trung chuyển lớn là PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31) và Hồng Kông (thứ 38). Đồng thời, Cái Mép còn đứng cả trên cảng Nhật Yokohama (thứ 12) – một cảng danh giá thường có năng suất bốc xếp cao nhất thế giới.

Vào lúc 15h ngày 25/10/2020, siêu tàu chở container Margrethe Maersk – một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214,121 DWT, sức chở hơn 18,300 TEU, dài gần 400 m, rộng 59 m, đã cập thành công vào cảng CMIT (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Tàu Margrethe Maersk có chiều dài hơn chiều cao của tháp Eiffel. Nếu xếp 18,000 container 20 feet khi tàu chở đầy thành một hàng thì chiều dài lên đến trên 100 km. Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, cảng Cái Mép – Thị Vải đón tàu tải trọng “siêu khủng”. Trước đó, tháng 1/2019, cảng quốc tế cái mép CMIT cũng đã đón tàu CMA/CGM Marco Polo thuộc hãng tàu CMA/CGM vận hành khai thác, trọng tải 187,000 tấn/sức chở gần 17,000 TEU kết nối trực tiếp hàng hoá xuất nhập khẩu của việt nam với thị trường Bắc Âu.

Siêu tàu chở container Margrethe Maersk

  • Cảng Quốc tế Tân cảng –  Cái Mép (gọi tắt là TCIT – TCCT): liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với 3 đối tác nước ngoài với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (tương đương với 2,000 tỷ đồng), chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2011. TCIT có luồng chạy tàu có độ sâu âm 14 m; độ sâu khu vực bến cảng âm 16.8 m; vùng xoay trở tàu rộng 600 m, rất thích hợp cho việc phục vụ các siêu tàu trọng tải lên đến 160,000 DWT (tương đương với 14.000 TEU).
  • Cầu Phước An: Dự án cầu Phước An có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với tỉnh Đồng Nai và hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức – Long Thành; cao tốc TP HCM- Long Thành – Dầu Giây). Qua đó kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ; giảm tải cho tuyến Quốc lộ 51 và các tuyến đường khác.

Cầu Phước An

Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải: Là tiền đề để hệ thống cảng container nước sâu tại khu vực CM-TV phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là trong việc đón “siêu tàu”. UBND tỉnh BR-VT dẫn chứng những năm qua, CM-TV liên tục đón các “siêu tàu” tầm cỡ mà không nhiều cảng trên thế giới có thể làm được. Vì vậy, việc sẽ đón được tàu lớn 250,000 tấn theo quy hoạch hoặc thậm chí lớn hơn là việc trong tầm tay. Trong năm 2021, cảng Gemalink có công suất 2.5 triệu TEU đã đi vào hoạt động. Đây là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 19 cảng lớn của thế giới đón được siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa thông qua, Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) sẽ là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước, có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế. Theo UBND tỉnh BR-VT, cuối năm 2020, tại Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (CMIT), tàu Margrethe Maersk (quốc tịch Đan Mạch) đã cập cảng chở đầy hàng hóa. Tàu này dài gần 400 m, rộng 59 m, có trọng tải 214,121 tấn, với sức chở lên đến 18,340 TEU. Đây là một trong những con tàu container lớn nhất thế giới hiện nay. Tại lễ đón tàu, lãnh đạo Bộ GTVT đã khẳng định việc tàu Margrethe Maersk chở đầy hàng hóa cập cảng CM-TV là sự kiện hết sức có ý nghĩa, ghi dấu ấn của ngành hàng hải Việt Nam lên bản đồ hàng hải thế giới khi trở thành một trong khoảng 20 khu bến cảng trên thế giới có thể đón được “siêu tàu” trên.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng hàng không Long Thành là 2 công trình quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bộ xác định tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, trong đó có cụm cảng này. Hiện luồng vào cảng có độ sâu -14.5 m, có thể đón tàu 100,000 tấn, để cạnh tranh khu vực, Bộ ủng hộ việc nạo vét để đạt độ sâu tối thiểu -15.5 m.

Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải từ phao số “0” (điểm đầu tiên của hệ thống mốc tiêu dẫn luồng vào cảng Vũng Tàu), được đặt theo như quy định của Luật Hàng hải) vào khu bến cảng container Cái Mép. Dự án có mục tiêu hình thành và phát triển cảng đầu mối cửa ngõ quốc tế, thu hút hàng hóa trung chuyển trong khu vực.

Trong đó, đoạn luồng từ phao số “0” đến thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) cho tàu 160.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 50,000 DWT), tàu 120,000 DWT khai thác hai chiều và tàu 200.000 DWT/18.000 TEU giảm tải hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) khai thác một chiều.

Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) đến thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) cho tàu 120.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 60.000 DWT), tàu 100.000 DWT khai thác hai chiều và tàu 160.000 DWT giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.

Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) đến bến cảng khởi động Phước An cho tàu 60.000 DWT đầy tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.

Tổng mức đầu tư Dự án là 1.414 tỷ đồng (59 triệu USD) từ nguồn Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Dự án khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo động lực thúc đẩy tiến trình đầu tư các dự án trong khu vực, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tăng cường năng lực vận tải thủy của toàn tuyến luồng ra vào khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực, đảm bảo an toàn cho các tàu hành thủy, tăng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước./.

Cảng Cái Mép – Thị Vải

ĐÁP ỨNG TÀU 200,000 DWT KHAI THÁC MỘT CHIỀU

Theo chủ trương của Bộ GTVT, dự án sẽ đầu tư đoạn luồng từ phao số “0” đến thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) cho tàu 160,000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 50.000 DWT), tàu 120,00 DWT khai thác hai chiều và tàu 200,000 DWT/18,000 TEU giảm tải hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) khai thác một chiều.

Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) đến thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) cho tàu 120.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 60.000 DWT), tàu 100,000 DWT khai thác hai chiều và tàu 160.000 DWT giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.

Cùng đó, đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) đến bến cảng khởi động Phước An cho tàu 60,000 DWT đầy tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.

Trong việc cải tạo mở rộng luồng tàu, đoạn luồng từ phao số “0” đến cảng CMIT có chiều dài nâng cấp 30.5 km bề rộng đáy luồng 350 m và cao độ đáy – 15.5 m. Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng CMIT đến thượng lưu bến cảng Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) có chiều dài nâng cấp 3,2 km, bề rộng đáy luồng 250 m – 310 m và cao độ đáy luồng -14 m.

Đoạn luồng từ Tân cảng Cái Mép TCIT và TCCT đến cảng Phước An cho tàu đến 60,000 DWT đầy tải khai thác 1 chiều.
Ngoài ra, dự án điều chỉnh, thiết lập các vùng nước, thiết lập tuyến chạy tàu bên phải tuyến nước sâu, rộng 100 m cho tàu trọng tải đến 10,000 DWT hành trình một chiều vào cảng; tuyến chạy tàu bên trái tuyến nước sâu, rộng 200 m cho tàu trọng tải đến 50,000 DWT hành trình một chiều rời cảng.

Cùng đó, điều chỉnh kết nối cục bộ tuyến bên phải tuyến nước sâu với tuyến luồng sông Dinh và tuyến bên trái tuyến nước sâu với tuyến luồng Sài Gòn – Vũng Tàu, cũng như điều chỉnh vị trí một số vùng đón trả hoa tiêu, một số ví trí điểm neo đậu và vị trí một số phao báo hiệu giới hạn biên luồng hiện hữu từ khu vực phao “0” luồng Vũng Tàu – Thị Vải đến khu vực cảng Phước An.

Theo quy hoạch chi tiết cụm cảng số 5, trên sông Cái Mép – Thị Vải sẽ có 4 khu cảng: khu cảng Gò Dầu C có chiều dài bến khoảng 2 km dành để tiếp nhận tàu từ 15,000 DWT đến 50,000 DWT; khu cảng Thị Vải (Phú Mỹ) có chiều dài bến khoảng 5.2 km, tiếp nhận tàu từ 50,000 DWT đến 75,000 DWT; khu cảng Cái Mép có chiều dài bến khoảng 6.6 km tiếp nhận tàu từ 50,000 DWT đến 80,000 DWT…

Thật đáng mừng là cả 4 khu vực này đều đã có rất nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề đầu tư vào đây, trong đó không ít dự án có tính khả thi cao đã được hình thành. Đó là, dự án cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải được thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản; dự án cảng quốc tế Thị Vải của liên doanh Cảng Sài Gòn với PSA (Singapore); dự án cảng quốc tế Cái Mép của liên doanh Cảng Sài Gòn với APMT (Tập đoàn đa quốc gia Maersk); dự án cảng container Cái Mép hạ của Công ty cổ phần đại lý liên hiệp vận chuyển Gemadept… với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD.

Điều đó chứng tỏ, dù có nhiều yêu cầu khác nhau nhưng toàn bộ khu cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Và đây chắc chắn sẽ là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển thành công cảng nước sâu ở khu vực Cái Mép – Thị Vải.

Không chỉ nhộn nhịp nhà đầu tư mà hình thức đầu tư ở đây cũng đặc biệt đa dạng. Doanh nghiệp đầu tư và Nhà nước cũng đầu tư. Những cảng được doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, có thể kể tên là cảng Phú Mỹ của Công ty liên doanh Baria Serece, cảng Inter Flour của Công ty TNHH Inter Flour…Và những cảng mà Nhà nước sẽ đầu tư là cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải sử dụng vốn ODA vay của Nhật Bản…

Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ: Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản gửi Bộ Ngoại giao về việc cập nhật tình hình triển khai dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Theo đó, đã có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Bao gồm: Liên doanh Tập đoàn Geleximco – ITC; Liên doanh Việt Nam – EU (Besix – Boskalis – Hateco); CTCP IMG Innovations; CTCP Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương và CTCP Tập đoàn Mặt Trời.

Về việc lựa chọn các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Bỉ, Hà Lan và Đại sứ hai nước đã có nhiều công hàm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị giao cho Liên danh các Nhà đầu tư Việt Nam – EU thực hiện dự án.

Dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ có diện tích khoảng 1,763 ha, bao gồm: trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu (984 ha); diện tích mặt nước (456 ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (198 ha); diện tích mặt nước tiềm năng (125 ha). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19,200 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Đây là khu chức năng thuộc quy hoạch chung đô thị mới Phú Mỹ có tính chất là một trung tâm chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và thế giới, có chức năng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa đi/đến các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ. Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ gắn kết với khu dịch vụ hỗ trợ khác như khu kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch; khu tài chính ngân hàng; cơ sở đào tạo logistics; khu nhà hàng khách sạn; khu thương mại tự do; khu nhà công vụ, nhà nghỉ giữa ca cho công nhân…

Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ

KẾT LUẬN

Tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ chủ trương của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về việc nâng cấp hiện đại hệ thống cảng biển của đất nước; trong đó có khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải và Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng; hoàn thiện xây dựng hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông trong khu vực, vùng miền, đẩy mạnh phát triển hệ thống tàu vận tải biển, nâng cao chất lượng dịch vụ … Thủ tướng nhấn mạnh, Cảng Cái Mép – Thị Vải cùng với Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng là những cảng biển nằm trong tốp đầu về cảng nước sâu quốc tế, là lợi thế của quốc gia trong phát triển.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ tồn tại của khu vực cảng biển tại đây như: Điều kiện hạ tầng giao thông còn chưa đầy đủ, hoàn thiện; chưa có mô hình các trung tâm logistics hiện đại, đa phương thức chuyên nghiệp; thiếu hệ thống ngân hàng tài chính, hệ thống quy trình thủ tục hải quan đầy đủ; đồng thời cũng chưa có đội tàu đủ mạnh, phương thức giải tỏa hàng hóa nhanh… Đây là những tồn tại cần sớm khắc phục để phát triển cảng biển Cái Mép – Thị Vải trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần đẩy mạnh việc nâng cấp hạ tầng khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải; trong đó có việc nạo vét đoạn luồng từ phao số 0 đến khu bến container Cái Mép đạt độ sâu tối thiểu -15 m cho tàu lớn đi lại. Rà soát lại cầu cảng, bến cảng, tổ chức các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt kết nối với Đồng bằng Sông Cửu Long; bên cạnh đó là tổ chức các hệ thống logistics hiện đại.

Về đường bộ, cần sớm triển khai cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vào và ra. Về đường sắt, cần nghiên cứu đoạn đường sắt Biên Hòa – Cái Mép như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc – Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng, miền đến Cái Mép – Thị Vải.

Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường hạ tầng phục vụ logistics, sớm thúc đẩy hình thành hệ thống logistic hạ tầng khu vực Cái Mép hạ. Nghiên cứu hình thành trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép – Thị Vải để kết nối giữa hàng không và đường thủy. Thủ tướng giao Bộ Tài chính hình thành trung tâm chuyển giao chuyên ngành tập trung với trang thiết bị đầy đủ để thông quan hàng hóa tại khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải; tăng cường hơn nữa việc thu hút hãng tàu, chủ hàng, môi giới tài chính.

Thủ tướng cũng đề nghị quy hoạch thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu để tạo điều kiện hình thành những trung tâm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm giao thương tạo điều kiện kết nối giữa cảng biển và các dịch vụ này. Cùng với đó là phát triển công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất công nghệ cao để hình thành trung tâm chế xuất của Bà Rịa – Vũng Tàu; liên kết với khu vực Long An, Bình Dương, Đồng Nai để tạo nền tảng cho phát triển khu vực cảng. Thủ tướng nhất trí ý kiến thành lập khu mậu dịch tự do tại Cái Mép để các tập đoàn quốc tế trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu tận dụng cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải.

THAM KHẢO

  1. Cảng Cái Mép – Thị Vải – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) đang nên hình nên dáng” đăng trên mạng SGGP ngày 31/12/2006.
  3. Bài viết “Phê duyệt Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải trị giá 1.414 tỷ đồng” đăng trên mạng Anh Minhbaodautu.vn ngày12/8/2022.
  4. Bài viết “5 nhà đầu tư muốn đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ hơn 19,000 tỷ đồng tại Bà Rịa – Vũng Tàu” đăng trên mạng Cafef.VN ngày1/9/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *