Nâng cấp các đảo tại Trường Sa 2022

465 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Ngày 20 tháng 1 năm 2022, tác giả có đưa lên mạng bài viết “Các âu tàu trên quần đảo Trường Sa” với sự hiện diện của các âu tàu trên 4 đảo Đá Tây A, Trường Sa, Sinh Tồn và Song Tử Tây cũng như dự trù cho 2 bãi Thuyền Chài và Núi Le.

Quần đảo Trường Sa được chia làm 3 nhóm, 9 cụm trải dài từ vĩ độ 6°20’ Bắc (Louisa Reef) lên 11°28’ Bắc (Song Tử Đông) và từ kinh độ 111°41’ Đông (Đá Lát) qua 117°19’ Đông (Brown Reef). Việt Nam đang đóng quân trên các điểm đảo trên 5 cụm (Song Tử, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang) nằm về phía Bắc và Trung trải dài từ Tây sang Đông. Ba nhóm này chia quần đảo Trường Sa thành các cụm đảo có quy mô khác nhau:

  1. Nhóm thứ nhất: Tập hợp các thực thể ở phía bắc Trường Sa với mật độ phân bố dày và đồng đều, như cặp đảo Song Tử, bãi Đinh Ba, đảo Thị Tứ, Loại Ta, đá Cá Nhám, đảo Ba Bình, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và đá Lớn. Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Trung Quốc chiếm đóng phần lớn các đảo thuộc nhóm này.
  2. Nhóm thứ hai: Tập hợp các thực thể ở phía Đông và Đông Nam Trường Sa với mật độ phân bố thưa và đều, như đảo Bình Nguyên, Vĩnh Viễn, đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, bãi Suối Ngà, đá Suối Ngọc, đá Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, đá Tiên Nữ, đá Công Đo, đá Khúc Giác. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Trung Quốc chiếm đóng phần lớn các đảo thuộc nhóm này.
  3. Nhóm thứ ba: Tập hợp các thực thể ở phía Nam và Tây Nam, phân bố rời rạc và rất không đồng đều về mặt kích thước, như đá Lát, đảo Trường Sa, đá Tây, đá Đông, đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đảo An Bang, đá Thuyền Chài, đá Kỳ Vân, bãi Kiêu Ngựa và bãi Thám Hiểm. Việt Nam chiếm đóng phần lớn các đảo thuộc nhóm này.

Đi sâu vào chi tiết thì thực thể chiếm đóng như sau:

  • Việt Nam: Với 21 thực thể địa lý, gồm 7 đảo san hô/cồn cùng 14 rạn san hô. Việt Nam có 48 cơ sở đóng quân trên 27 đảo, bãi đá và bãi ngầm ở khu vực Quần đảo Trường Sa, theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), một tổ chức chuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích và trao đổi chính sách về các vấn đề an ninh hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).
  • Philippines: Với 10 thực thể địa lý, gồm 7 đảo san hô/cồn cùng 3 rạn san hô phần lớn về phía Đông Bắc và Đông Nam Trường Sa.
  • Trung Quốc & Đài Loan: Trung Quốc chiếm 8 rặng san hô, bồi đắp thành 8 đảo nhân tạo: Đá Subi (Subi Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reefs), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Ken Nan (Kennan Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 1 bãi cạn rạn san hô. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, tổng diện tích bồi đắp các đảo hoàn toàn nhân tạo trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng đã lên tới khoảng 13.21 km² (tập trung chủ yếu trên 3 đá là Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập).
  • Malaysia: Với 7 thực thể địa lý; tất cả đều là rạn san hô. Năm 1983 – 1984 Malaysia cho quân chiếm đóng 3 bãi ngầm ở phía Nam Trường Sa là Hoa Lau (Swallow Reef), Kiêu Ngựa (Ardasia Reef), Kỳ Vân (Mariveles Reef).

Vào ngày 20/12/2022 mạng báo Bloomberg đưa tin về những hình ảnh vệ tinh mà giới chức Hoa Kỳ công bố cho thấy những khu vực mới được tàu hút cát của Trung Quốc tạo nên. Tờ Bloomberg mới gần đây cho hay Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng trên một số thực thể không có người ở trên Biển Đông. Những khu vực đó là Đá Én Đất (Eldad Reef, phía bắc quần đảo Trường Sa), nhiều khối đất mới đã xuất hiện. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều lỗ lớn, các đống đất đá và dấu vết của máy xúc thủy lực, được cho là hoạt động từ năm 2014 ở khu vực này. Trung Quốc cũng tiến hành những hoạt động tương tự ở bãi An Nhơn (Lankiam Cay), nơi một thực thể đã được gia cố với một bức tường rào mới chỉ trong vài tháng. Một số hình ảnh khác cho thấy những thay đổi rõ ràng ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) và Đá Hoài Ân (Sandy Cay), hai khu vực trước đây thường xuyên chìm dưới nước khi thủy triều lên. Bộ Ngoại Giao Philippines bày tỏ « quan ngại sâu sắc vì những hoạt động như vậy đi ngược lại với cam kết kềm chế trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và Phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye năm 2016 », đồng thời yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khác điều tra thêm. Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila hôm nay khẳng định những thông tin của Bloomberg là “sai sự thật”.

Bãi Ba Đầu (tiếng Anh: Whitsun Reef) nằm trong cụm Union Banks là bãi cạn lúc chìm lúc nổi và nằm trong lãnh hải rộng 12 hải lý của một hòn đảo tranh chấp thuộc cụm Sinh Tồn, thì nó sẽ thuộc về nước có lãnh hải bao trùm nó. Hiện nay, đảo Sinh Tồn Đông (do Việt Nam quản lý) được cho là một đảo nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Đá Ba Đầu dường như nằm trong lãnh hải rộng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông đang có tranh chấp chủ quyền. VN đã quản lý liên tục trên cụm đảo Sinh Tồn từ năm 1974 (đối với đảo Sinh Tồn) và năm 1978 (đối với đảo Sinh Tồn Đông), 2 đảo này đều là các thực thể nổi được phép mở lãnh hải 12 hải lý bao gồm toàn bộ cụm đảo Sinh Tồn. Do đó, VN hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các thực thể trong cụm đảo Sinh Tồn.

Đá Én Đất (tiếng Anh: Eldad Reef) là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đá này có kích thước lớn nhất cụm, nằm tại cực đông của cụm và cách đá Núi Thị khoảng 7 hải lý (13 km) về phía đông – đông nam. Trung Quốc đổ bộ lên Én Đất vào tháng 5/1989. Ngày 28 tháng 4 năm 1990, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối hành động cho quân chiếm đá Én Đất của phía Trung Quốc.

Bãi An Nhơn (tiếng Anh: Lankiam Cay) với tên cũ là cồn san hô Lan Can là một rạn san hô – trên đó có một cồn cát nhỏ tọa lạc – thuộc cụm Loại Ta của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo chính Loại Ta 6,8 hải lý (12,6 km) về phía đông đông bắc.

Đá Hoài An tiếng Anh: Sandy Cay). Theo trang Nghiencuubiendong thì tên tiếng Anh của đá Tri Lễ là Sandy Cay. Vào ngày 20/12/2022 mạng báo Bloomberg đưa tin về những hình ảnh vệ tinh mà giới chức Hoa Kỳ công bố cho thấy những khu vực mới được tàu hút cát của Trung Quốc tạo nên. Tờ Bloomberg mới gần đây cho hay Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng trên một số thực thể không có người ở trên Biển Đông. Những khu vực đó là Bãi Whitsun Reef (Ba Đầu) nằm trong cụm Union Banks, các đá Eldad Reef (Én Đất), Sand Cay (Hoài Ân), Lankian Cay (An Nhơn) thuộc cụm Tizard Bank.

Theo một tài liệu của Philippines thì Sandy Cay lại là tên tiếng Anh của đá Hoài Ân – cũng là một thực thể gần đó.Sandy Cay nằm trong cụm Thị Tứ, trong đó Thị Tứ là thực thể lớn nhất, đang nằm dưới sự kiểm soát của Philippines. Ngoài ra, không biết các chuyên gia của SCSPI không có kiến thức hay là “lập lờ đánh lận con đen” khi khẳng định Việt Nam đang chiếm hữu Sandy Cay. Như đã trình bày ở trên, Sandy Cay là thực thể không có người nào ở trên đó. Còn thực thể mà Việt Nam đang chiếm hữu là Sơn Ca (Tiếng Anh là Sand Cay).

Năm 2013, Bắc Kinh đã bắt đầu chạy thử tàu nạo vét nước sâu lớn nhất châu Á được đặt tên là Thiên Côn Hiệu (Tian Kun Hao), trang mạng của tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc cho biết. Theo bản tin thì chiếc tàu dài 140 m có khả năng nạo vét 6,000 m³ đất một giờ ở độ sâu 35 m dưới đáy biển. Dài 140 m, tàu Thiên Côn là tàu nạo vét lớn nhất Á Châu, với phần khoan cắt và bơm có công suất lấy lên từ đáy biển và nghiền nát lượng đá tương đương với ba bể bơi tiêu chuẩn Olympic trong vòng một giờ đồng hồ, và phóng lượng đá nghiền này đi xa tới 15 km để tạo thành đất đảo, trang Financial Times nói. Trước đó, tàu nạo vét Tian Jing Hao từng giữ kỷ lục là tàu nạo vét lớn nhất Á Châu – tàu này do hãng Vosta của Đức thiết kế, và tập đoàn China Merchant Group của Trung Quốc xây lắp với chi phí 130 triệu USD. Trong thời gian từ 2013 đến 2016, Trung Quốc đã xây cất mới và cơi nới được bảy đảo với tổng diện tích 8 triệu m². Bắc Kinh cũng đã cho xây dựng các bãi đáp máy bay, căn cứ phóng tên lửa và đặt các hệ thống radar tại những nơi đó.

Tàu nạo vét nước sâu lớn nhất châu Á Thiên Côn Hiệu (Tian Kun Hao) của Trung Quốc

Với tài nguyên hạn hẹp so với Trung Quốc, Việt Nam chỉ tìm cách dân sự hóa các đảo ở Biển Đông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ tốt hơn chủ quyền đất nước. Tàu hút xén thổi Phú Xuân CSD 650 là một trong những thiết bị hiện đại bậc nhất của Việt Nam được áp dụng các công nghệ tối tân nhất trên thế giới (cụ thể là công nghệ hệ thống bơm thủy lực). Tàu hút xén thổi Phú Xuân CSD 650 đã được mua và chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia hàng đầu từ Tập đoàn DAMEN – Hà Lan đang được khai thác tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Tàu có thể đạt được năng suất nạo vét từ 4,000 – 6,000 m³/ngày ở độ sâu 18 m kể cả trong điều kiện địa chất phức tạp nhất.

Tàu hút xén thổi Phú Xuân CSD 650

Ngoài ra, năm 2017, Việt Nam cũng nhận được tàu xén thổi NB8288 – Nam Hải 35 có chiều dài 52 m, chiều rộng 8 m, tổng công suất máy 3,200 CV, công suất hút (nạo nét) của tàu lên tới 7,000 m³/giờ, có thể đào nạo vét âm tới 18 m nguyên chiếc từ Hà Lan.

Bài viết này dựa theo các hình ảnh vệ tinh cho đến cuối năm 2022 từ các hình ảnh của Planet Labs do Đài Á Châu Tự do (RFA) phân tích cho thấy thêm các hoạt động xây dựng đang được tiến hành trên đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Phan Vinh, Tiên Nữ, Núi Le.

HOẠT ĐỘNG CẢI TẠO CÁC ĐẢO CỦA VIỆT NAM TẠI TRƯỜNG SA 2022

Dựa trên các hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại, chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của CSIS cho biết các hoạt động mà Việt Nam tiến hành bao gồm mở rộng công việc bồi đắp tại bốn thực thể và nạo vét tại năm thực thể khác.

“Quy mô của hoạt động bồi đắp, mặc dù vẫn còn kém xa so với hơn 3,200 mẫu (gần 1,230 ha) đất do Trung Quốc mở rộng từ năm 2013 đến 2016, đã lớn hơn đáng kể so với những nỗ lực trước đây của Việt Nam và cho thấy một động thái lớn nhằm củng cố vị thế của Việt Nam ở Trường Sa,” báo cáo viết. Việt Nam chưa có phản ứng gì trước những thông tin từ bản báo cáo của trung tâm nghiên cứu Mỹ. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam. Báo cáo cho biết phạm vi của hoạt động bồi đắp tại 4 đảo Nam Yết, Phan Vinh, Sơn Ca và Tiên Nữ “đã mở rộng đáng kể” kể từ khi AMTI ghi nhận hồi tháng 7.

Nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á gần đây cho thấy, chỉ trong năm 2022, Việt Nam đã bồi lấp mở rộng 9 điểm đảo ở quần đảo Trường Sa với tổng diện tích tăng thêm lên đến 170 ha, gấp gần 4 lần diện tích đóng quân trong cả thập kỷ trước. Phát hiện của AMTI trong báo cáo mới cho thấy các tiền đồn cỡ vừa của Việt Nam tại bốn đảo này đang được mở rộng với quy mô lớn, với một cảng nạo vét có khả năng tiếp nhận các tàu lớn hơn được thiết lập tại Nam Yết và Phan Vinh. Cả Nam Yết, hiện nay rộng 47 ha, và Phan Vinh, rộng 48 ha, bây giờ lớn hơn đảo Trường Sa 39 ha, nơi từng là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam. Đá Tiên nữ, nơi trước đấy chỉ có hai cấu trúc đặt ụ súng nhỏ, hiện có 26 ha đất nhân tạo.

Báo cáo nói rằng Việt Nam đã dùng tàu nạo vét vỏ sò để xúc các phần của rạn san hô nông và lắng đọng trầm tích để bồi đắp, một quá trình, mà theo AMTI, ít gây phá hoại hơn so với việc nạo vét bằng máy cắt – hút mà Trung Quốc sử dụng để xây dựng các đảo nhân tạo. “Tuy nhiên, các hoạt động nạo vét và bồi đắp của Việt Nam trong năm 2022 là đáng kể và cho thấy ý định củng cố lớn các thực thể mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa,” AMTI nói trong báo cáo. Viện nghiên cứu của Mỹ cho rằng còn phải xem các tiền đồn mở rộng này sẽ có những cơ sở hạ tầng gì. “Liệu Trung Quốc và các bên có tuyên bố chủ quyền có phản ứng hay không và ở mức độ nào sẽ còn phải chờ xem,” báo cáo của AMTI viết.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông với cái gọi là “đường 9 đoạn” mà nước này đơn phương đưa ra nhưng đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye bác bỏ trong vụ kiện của Philippines cách đây 6 năm. Trung Quốc đã thiết lập nhiều tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng. Việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã bị Mỹ, Việt Nam và nhiều nước phản đối. Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các nước trong khu vực, gồm Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên vùng biển giàu tài nguyên và có tuyến đường thủy quan trọng của thế giới. Một khảo sát của CSIS đưa ra trước đây nói rằng Việt Nam đã âm thầm nâng cấp việc xây dựng các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa nhưng không có ý định quân sự hóa trên vùng Biển Đông như Trung Quốc. Việt Nam hiện đang chiếm cứ khoảng 40 tiền đồn trải rộng trên 27 thực thề xung quanh quần đảo Trường Sa. Trong số đó, theo AMTI, chỉ có 10 có thể được gọi là đảo nhỏ trong khi phần còn lại là các bãi đá ngầm nằm bên dưới mặt nước.

Ảnh vệ tinh của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS (từ trái theo chiều kim đồng hồ) cho thấy các hoạt động nâng cấp tại đảo Phan Vinh (Pearson Reef), đá Tiên Nữ (Tennent Reef) và đảo Sơn Ca (Sand Cay) vào cuối năm 2022

CỤM NAM YẾT HAY CỤM TIZARD (TIZARD BANK/TIZARD REEFS): TRUNG TÂM (BẮC)

Cụm Nam Yết gồm hàng loạt thực thể trong đó có các đảo: đảo Ba Bình của Đài Loan (Itu Aba Island, là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa), đảo Nam Yết (Namyit Island) và đảo Sơn Ca (Sand Cay) của Việt Nam, đá Gaven (Gaven Reefs) của Trung Quốc. Các bãi đá ngầm khác là đá Én Đất (Eldad Reef), đá Núi Thị (Petley Reef), đá Bàn Than (Ban Than Reef/Zhongzhou Reef), đá Nhỏ (Discovery Small Reef), đá Lớn (Discovery Great Reef), đá Đền Cây Cỏ (Flora Temple Reef hay Western Reef) và đá Chữ Thập (Fiery Cross). Có tin cho biết TQ đã chiếm Đá Én Đất.

Cụm đảo Nam Yết (Tizard Bank)

Đảo Nam Yết (tiếng AnhNamyit Island ) của Việt Nam: Là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Ba Bình của Đài Loan khoảng 11.9 hải lý (22 km) về phía Nam và cách đá Gaven bị Trung Quốc chiếm đóng đầu năm 1988 về phía Tây khoảng 8.9 km. Đảo Nam Yết nằm theo hướng  Đông – Tây dài 700 m, rộng 150 m, diện tích 8.29 ha

Đảo Nam Yết và cụm san hô bao quanh

Từ 2012 cho đến 2021, Việt Nam không hoạt động nâng cấp đảo Nam Yết. Theo BenarNews, các hình ảnh của Planet Labs vào ngày 30/10/2021 mới cho thấy các hoạt động xây dựng ở đảo Nam Yết. Trong ảnh có thể nhìn thấy một sà lan và dự án xây dựng. Những thứ này đã không xuất hiện trong bức ảnh vệ tinh chụp ngày 29/9. Việt Nam vào tháng 10 năm 2021 bắt đầu các hoạt động xây dựng và bồi đắp mới tại ba đảo: đảo Phan Vinh, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca. Có khoảng 50 mẫu đất mới đã được bồi đắp vào Đảo Phan Vinh và Đảo Nam Yết, trong khi chỉ có bảy mẫu đất được bồi đắp tại Đảo Sơn Ca.

Hình ảnh từ vệ tinh đảo Nam Yết 4/11/2022

Đảo Sơn Ca (Sand Cay): Đảo có hình bầu dục, nằm theo trục Tây Bắc – Đông Nam với địa hình nhô cao ở giữa và thoải dần về thềm san hô bao quanh. Diện tích nguyên thủy khoảng 3.3 ha (440 m x 160 m), độ cao từ 3.5 đến 3.8 m khi thủy triều xuống thấp nhất. Theo viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), năm 2017, Việt Nam đã bồi đắp thêm 3.9 ha cho đảo Sơn Ca. Theo như hình ảnh vệ tinh LandsatLook (2020), diện tích đất nổi của đảo là 7.2 ha. Đến tháng 5/2022, bồi đắp thêm đảo nhân tạo về phía Đông – Bắc và âu tàu chưa rỏ diện tích.

Đảo Sơn Ca qua 3 giai đoạn 2011 – 2017 – 2022

Năm 2021, bồi đắp thêm khoảng 3 ha phía Đông Bắc và âu tàu Bắc – Nam. Hình ảnh vệ tinh chụp đảo Sơn Ca tháng 5/2022 – Ảnh: Planet Labs Inc. Phân tích: RFA

CỤM SINH TỒN (UNION REEFS): TÂY BẮC

Cụm Sinh Tồn ở về Tây Bắc quần đảo Trường Sa, có vị trí chiến lược kiểm soát lối ra vào quần đảo từ Tây sang Đông. Việt Nam chiếm 2 đảo (Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông), 6 bãi đá ngầm (Cô Lin, Len Đao, Phúc Sỹ, An Bình, Sơn Hà và Văn Nguyên). Trung Quốc chiếm 4 bãi đá (Gạt Ma, Kennan, Tư Nghĩa). Đá Ba Đầu đang là vị trí tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Từ 1988 đến nay, sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam và đánh chiếm Gạc Ma (nằm cực tây cụm Union Bank), Việt Nam và Trung Quốc đã ở thế cài răng lược: Trung Quốc hiện nắm Gạc Ma (Johnson Reef) và Hughes (Tiếng Việt: Huy Gơ), còn Việt Nam nắm Sinh Tồn (Sin Cowe), Sinh Tồn Đông (Sin Cowe East), Collins, Len Đao (Lansdowne Reef).

Thế cài răng lược giữa Trung Quốc và Việt Nam tại cụm Sinh Tồn

Bãi Ba Đầu cách đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam khoảng 6 hải lý, một thực thể địa lý nổi ở triều cao theo các tài liệu UKHO và khảo sát của Philippines. Như phân tích ở trên, Bãi Ba Đầu thuộc về lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam chứ không phải vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của nước khác.

Đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông của Việt Nam

CỤM TRƯỜNG SA (LONDON REEFS): TRUNG NAM TRƯỜNG SA TRẢI DÀI TỪ TÂY SANG ĐÔNG

Phần lớn các đảo và bãi đá tại cụm Trường Sa do Việt Nam giữ:

Đảo Trường Sa: Theo tài liệu của Việt Nam, đảo này nguyên thủy dài 630 m, rộng tối đa 300 m và có diện tích 0.15 km², xếp thứ tư về diện tích trong quần đảo; một số tài liệu nước ngoài ghi là 0.13 km². Hiện nay (2022) đảo dài 1,300 m, rộng tối đa 500 m với một đường băng dọc theo chiều dài. Theo Trung tâm chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS – Hoa Kỳ), thì Việt Nam đã bồi đắp thêm khoảng 15 ha cho đảo Trường Sa lớn. Theo như hình ảnh vệ tinh LandsatLook thì diện tích đất nổi sau khi bồi đắp của đảo là vào khoảng 36.5 ha (0.365 km²).

Đảo Trường Sa nguyên thủy rộng 15 ha năm 2004 – Đảo Trường Sa rộng 39 ha cuối năm 2022

Đảo Đá Tây: Đá Tây (tiếng Anh: West London Reef) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Đá Tây cùng với đá Đông, đá Châu Viên và rạn san hô chứa đảo Trường Sa Đông hợp thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải quốc tế gọi là cụm rạn Luân Đôn (London Reefs). Đá Tây nằm cách đảo Trường Sa 19.5 hải lý (36 km) về phía Đông Bắc. Về bản chất địa lý, đá Tây không phải là một đảo mà là rạn san hô vòng. Rạn san hô Đá Tây có dạng hình quả trám nằm theo trục Đông Bắc – Tây Nam, dài khoảng 9 km, rộng tối đa 5.5 km với lòng vịnh sâu từ 5 – 21 m. Các lạch nước phân chia vành san hô của rạn vòng này thành bốn phần riêng biệt. Một doi cát nổi lên với độ cao tối đa là 0.7 m ở bãi san hô phía đông.

Tính đến tháng 4/2022, Việt Nam đã cải tạo 1 phần của bãi san hô này thành đảo Đá Tây A rộng 28.5 ha với đảo san hô 10 ha và âu tàu rộng 18.5 ha đủ rộng cho khoảng 200 ghe thuyền trú đóng.

Cụm đảo Đá Tây

Đảo Đá Tây A 2013 và 2017

Đảo đá Tây tháng 5/2022 thêm bãi bồi phía Bắc

Phi lao đã được trồng trên đảo Đá Tây

Đá Nui Le: Đá Núi Le (tiếng Anh: Cornwallis South) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Đá Núi Le cách đảo Trường Sa 134 hải lý (248 km) về phía Đông, cách đá Tiên Nữ 27 hải lý (50 km) về phía Tây – Tây Nam. Về bản chất địa lý, đá Núi Le không phải là một đảo mà là rạn san hô vòng.

Rạn san hô này trải dài theo trục Bắc – Nam với chiều dài khoảng 9 km và chiều rộng khoảng 3.5 km. Khi thủy triều xuống thấp nhất thì rải rác có những chỗ nhô lên khỏi mặt nước. Tổng diện tích mặt nước của rạn vòng này là 35 km².

Đá Núi Le và 2 vị trí đóng quân A, B

Hải quân Việt Nam đã đóng quân tại 2 nhà lâu bền trên đá Núi Le. Năm 2015, Việt Nam đã bồi đắp thêm hai bãi đất nổi khác với tổng cộng diện tích khoảng 1.69 ha (0.017 km²). Các công trình bồi đắp này đã bị tàn phá bởi siêu bão Melor vào tháng 12 năm 2015 và hiện chỉ còn lại khoảng 0.9 ha.

Hai luồn vào vũng Đá Le xây năm 2015

CỤM AN BANG (INVESTIGATOR SHOAL): CỰC NAM TRƯỜNG SA

Cụm An Bang phía Đông Nam quần đảo Trường Sa với Việt Nam chiếm giữ ở phía Tây – Bắc với Barque Canada Reef (bãi Thuyền Chài), Amboyna và Malaysia ở phía Nam – Đông Nam.

  Cụm An Bang

Đảo Phan Vinh: Đảo Phan Vinh (tiếng Anh: Pearson Reef) là phần nổi trên vành san hô của một rạn san hô vòng Pearson (8°57′20″B 113°40′26″Đ). Thực thể này thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa và nằm cách đá Tốc Tan khoảng 14.5 hải lý (27 km) về phía Tây Bắc.

Về mặt địa lý thì đảo Phan Vinh A là phần đất nổi nằm trên vành san hô của một rạn san hô vòng hình lớn hơn hình vành khuyên. Đảo Phan Vinh A có chiều dài 290 m, chiều rộng 140 m và nằm trên một vành san hô dài 4.9 hải lý (9.1 km) cũng nằm theo trục Đông Bắc – Tây Nam. Đảo có diện tích đất nổi vào khoảng 2.44 ha (0.0244 km²). Ngoài ra còn có một tổ hợp kiến trúc bằng bê tông gọi là Đảo Phan Vinh B nằm ở phía Tây cách Phan Vinh A khoảng 3.3 hải lý (6.1 km) về phía Tây – Tây Nam. Đảo không có nguồn nước ngọt nhưng có trồng một số cây xanh như bàng vuông, phi lao, muống biển, tra, đa, v.v.. Trên đảo Phan Vinh A có cách công trình dân sinh như hệ thống điện gió, nhà văn hóa, trạm xá, v.v… Có một cơ sở tôn giáo trên đảo là chùa Vinh Phúc. Việt Nam đã xây dựng trạm Radar 44 (T44) ở đảo Phan Vinh A, có thể quan sát trong bán kính 300 km của toàn bộ vùng trời quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Bãi san hô Phan Vinh và 2 vị trí đóng quân A, B

Ngày 1/12 và 14/11/2021, hình ảnh vệ tinh cho thấy luồn nạo vét từ bìa san hô phía Nam của đảo Phan Vinh A và 2 ô vuông hình chữ nhật, có thể là âu tàu đậu trong tương lai.

Đá Tiên Nữ: Đá Tiên Nữ là thực thể nằm xa nhất về phía đông trong số các thực thể địa lý do Việt Nam kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Đá Tiên Nữ cách cụm Sinh Tồn 100 km về phía nam, cách đảo Trường Sa 162 hải lý (300 km) về phía đông, cách thực thể gần nhất mà Việt Nam quản lý là đá Núi Le 27 hải lý (50 km) về phía Đông – Đông Bắc. Về bản chất địa lý, đá Tiên Nữ không phải là một đảo mà là rạn san hô.

Rạn san hô đá Tiên Nữ có dạng hình tam giác với chiều dài ba cạnh khoảng 3.3 km, 5.7 km và 6.7 km. Khi thủy triều xuống còn 0.1 m thì toàn bộ vành ngoài mép san hô đều nổi cao lên khỏi mặt biển. Tổng diện tích của rạn san hô vòng này là khoảng 10 km².

Hải quân Việt Nam đã đóng quân tại nhà lâu bền ở phía tây của đá Tiên Nữ, đặt tên là Đảo Tiên Nữ. Nối với nhà lâu này là một nhà văn hóa đa năng được hoàn thành vào năm 2017. Hải đăng Tiên Nữ nằm ở phía đông của đá Tiên Nữ.

Nhà lâu bền đá Tiên Nữ

Hải đăng Tiên Nữ

Ảnh vệ tinh âu tàu đá Tiên Nữ 1/2022

HAI BÃI CÓ TIỀM NĂNG LỚN NHẤT: THUYỀN CHÀI VÀ TỐC TAN

Trên cụm An Bang, Việt Nam có 2 đá Thuyền Chài và đá Tốc Tan có khả năng để bồi đắp thành đảo nhân tạo rất lớn nhưng cũng đòi hỏi khả năng tài chánh khổng lồ. Một sự so sánh sơ khởi:

  • Diện tích đảo nhân tạo Chữ Thập của Trung Quốc: 2.74 km²
  • Diện tích bãi Thuyền Chài của Việt Nam: 66.4 km².
  • Diện tích bãi Tốc Tan của Việt Nam: 72.5 km².
  • Diện tích căn cứ Diego Garcia của Hoa Kỳ: 174 km².

Đá Thuyền Chài theo vị trí Bắc – Nam

Đảo Thuyền Chài: là một trong những đảo chìm thuộc huyện Trường Sa (Khánh Hòa). Sở dĩ có tên gọi là đảo Thuyền Chài, bởi hai đầu đảo thì thu nhỏ, ở giữa phình to, từ xa trông đảo có hình dáng giống một chiếc thuyền đánh cá của ngư dân. Đảo Thuyền Chài cách đảo Trường Sa khoảng 87 hải lý về phía Đông Nam và cách đảo An Bang khoảng 20 hải lý về phía Đông Bắc. Đảo chạy theo hướng Đông – Tây Nam.

Bãi Thuyền Chài Có diện tích tổng quát 66.4 km², diện tích vũng là 49.5 km², diện tích có thể bồi là 16.9 km² là rạn san hô có diện tích mặt bằng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Thực thể này nằm theo trục Đông Bắc – Tây Nam, dài khoảng 15.8 hải lý (29.3 km) và rộng tối đa 1.9 hải lý (3.5 km). Xung quanh đảo có thềm san hô với chiều rộng khoảng 200 – 350 m. Phần phía Đông Bắc đảo có độ cao lớn hơn phần phía Đông Nam. Dọc theo suốt 2/3 chiều dài của đảo, tính từ Tây Nam lên Đông Bắc, lác đác có những khối đá mồ côi cao trên mặt nước 0.2 – 0.4m; dọc theo 1/3 chiều dài còn lại của đảo, đá mồ côi trồi lên mặt nước dày hơn và cao hơn. Ngoài ra đá Thuyền Chài có mực nước tương đối nông, khối lượng phải bồi lấp không quá lớn, rất dễ hình thành đảo nhân tạo cỡ lớn, điều kiện để bồi lấp so với đá Chữ Thập còn tốt hơn. 

Giữa đảo Thuyền Chài có một hồ nước sâu, khi thủy triều xuống thấp nhất vẫn bị ngập nước. Trong hồ có 3 bãi cát nhỏ nhô lên khi thủy triều xuống còn khoảng 0.5 m, khi nước lớn thì cả 3 bãi cát này đều bị ngập sâu 1 m. Ở bờ phía Đông của hồ, phía Nam đảo Thuyền Chài có một luồng cho tàu đi ra vào trong hồ. Thềm san hô (tính từ phía Đông Bắc của hồ lên phía Bắc chạy dài theo hướng Bắc Nam) dài khoảng 13 km, rộng 3 km. Trên nền san hô này có những mô đá. Đảo Thuyền Chài hiện nay có các nhà lâu bền; tại mỗi điểm có 2 nhà được nối với nhau bằng cầu, trong đó có 1 nhà phục vụ ngư dân.

Thiết kế tương lại đảo Thuyền Chài 2025

Đá Chữ Thập: Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa, có diện tích 2.74 km² (tính đến tháng 7/2015) với tổng kinh phí hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11.5 tỉ USD). Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3,125 m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ của Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris, cho biết hiện các vỉa đá ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng ở Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và hoạt động do thám.

Đá Chữ Thập

Căn cứ Diego Garcia của Hoa Kỳ: Nếu làm một sự so sánh rạng san hô vòng này gồm một vành san hô có đất nổi gần như hoàn chỉnh xung quanh một vụng biển, chiếm khoảng 90 phần trăm chu vi với một chỗ hở ở phía bắc. Đảo chính là đảo lớn nhất trong khoảng sáu mươi đảo tạo thành quần đảo Chagos. Ngoài những đảo chính, còn có ba đảo san hô nhỏ tại miệng của phá ở phía bắc. Tổng diện tích của đảo là 66 dặm vuông (174 km²), trong đó 12 dặm vuông (30 km²) là đất nổi, 6.5 dặm vuông (17 km²) là đá ngầm bao quanh và 48 dặm vuông (124 km²) là vụng biển.

Căn cứ Diego Garcia

Phi trường Diego Garcia

Đá Tốc Tan: có diện tích 72.5 km², trong đó diện tích có san hô bên dưới là 36.8 km², là đá ngầm có diện tích lớn thứ hai chỉ sau đá Thuyền Chài. Đá Tốc Tan có điều kiện bồi lấp kém hơn đá Thuyền Chài nhưng bên trong nó có hồ nước có thể neo đậu được tàu cỡ lớn. 

Đá Tốc Tan của Việt Nam trên ảnh vệ tinh

Qua các bản đồ trên đây có thể thấy nếu như Việt Nam cũng có tiềm lực như Trung Quốc thì có thể bồi lấp được những đảo nhân tạo lớn hơn cả các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên do nguồn lực có hạn, Việt Nam không có điều kiện để bồi lấp quy mô lớn mà chỉ cải tạo dần dần để bảo đảm phòng thủ vững chắc những chỗ đang có trong tay.

CHIẾN THUẬT VÙNG XÁM CỦA TRUNG QUỐC TẠI TRƯỜNG SA

Vùng xám theo nghĩa đen thì nó là vùng màu xám, là vùng lai tạp giữa bóng tối và ánh sáng. Đó là một không gian mơ hồ không rõ ràng gì cả, giống như bầu trời lúc giông tố hay lúc hoàng hôn–lúc mà bóng tối đẩy lùi ánh sáng. Thông thường vùng xám gợi cho chúng ta cảm giác ảm đạm, mờ ảo nên mọi nguy hiểm đều có cơ hội giấu mình dưới nó.

Tại biển Đông, Trung Quốc đang dùng một chiến thuật mà người ta gọi là “chiến thuật vùng xám”. Mục đích là lợi dụng sự mơ hồ không rõ trắng đen để đoạt lấy vùng lãnh hải của Việt Nam và nhiều nước khác. Chiến thuật này cần kiên trì chờ đợi mấy chục năm. Như ta biết, tựa như vùng lai tạp giữa ngày và đêm thì giữa hòa bình và chiến tranh cũng luôn có vùng lai tạp như vậy và Trung Quốc đã tận dụng nó rất tốt. Vùng lai tạp đó là vùng tồn tại những mâu thuẫn, những tranh chấp nhưng nó không đến mức phải nổ ra chiến tranh nóng. Chính vì thế Trung Quốc luôn nghiên cứu kế sách để tối ưu hóa dã tâm của mình dưới vùng mờ ảo màu xám này. Chúng ta cũng thấy rồi, Trung Quốc luôn cố khiêu khích Việt Nam và các nước khác để các nước bị khiêu khích không kiềm chế được mà leo thang. Còn bản thân Trung Quốc thì vẫn kiềm chế để không nổ ra chiến tranh. Nghĩa là họ luôn nhắm tới điểm dưới ngưỡng chiến tranh mà lấn tới.

Như đã nói ở trên, Bãi Ba Đầu cách đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam khoảng 6 hải lý, một thực thể địa lý nổi ở triều cao theo các tài liệu UKHO và khảo sát của Philippines. Như phân tích ở trên, Bãi Ba Đầu thuộc về lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam chứ không phải vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của nước khác.

Tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu 2021

Tháng 3/2021, sự xuất hiện của hơn 200 tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa cho thấy một lần nữa Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật “vùng xám” để khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Nhà chức trách Philippines thông báo khoảng 220 tàu của Trung Quốc đã neo đậu tại Đá Ba Đầu các tàu của Trung Quốc có kích thước 500 tấn, vỏ bằng thép, với chiều dài từ 30 đến 100m. Các con tàu này không thực hiện công việc đánh bắt cá. Chúng xếp thành hàng dài, chiếu đèn sáng vào ban đêm nhưng không di chuyển. Trung Quốc cho biết, đây là những con tàu đánh cá đang tìm chỗ trú ẩn do điều kiện thời tiết xấu, song Philippines cho rằng chúng là tàu của dân quân biển. Theo Philippines, vào thời điểm các tàu cá Trung Quốc tập kết, điều kiện thời tiết tương đối ổn định, nhiều nắng ở khu vực biển xung quanh cụm Sinh Tồn và không có cảnh báo bão. Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon cho biết, những con tàu này đã neo đậu trong khu vực với số lượng ngày càng gia tăng kể từ tháng 11/2020, không có dấu hiệu đánh bắt cá và cũng chưa có dấu hiệu sắp rời đi.

Tàu dân quân biển 500 tấn của Trung Quốc

Tới cuối tháng 3, sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, nhóm tàu Trung Quốc rời khỏi bãi Ba Đầu, phân tán đi khắp Trường Sa, một số tới đá Khúc Giác cũng thuộc chủ quyền Việt Nam cách đó khoảng 200 km.

Vị trí bãi Ba Đầu và đá Khúc Giác

TÀU CHẾ BIẾN VÀ HẬU CẦN NGHỀ CÁ TRƯỜNG SA

Giữa biển khơi, con tàu Trường Sa Việt Nam 6,000 tấn, dài 100 m rẽ sóng. Trong vòng bán kính hàng trăm km, hàng trăm tàu cá nhỏ đánh bắt quanh “tàu mẹ”.

 
Mô hình tàu Trường Sa Việt Nam

Hằng ngày, tàu mẹ thu mua cá, chế biến ngay trên biển và cung cấp xăng dầu, nước ngọt, dịch vụ y tế … cho các tàu con. Đó là viễn cảnh về dự án “Tàu chế biến và hậu cần nghề cá có trọng tải 6,000 tấn” đang được hai chàng trai Hà Huy Hợp và Nguyễn Duy Tuấn trình Chính phủ phê duyệt cho vay vốn theo nghị định 67. Một con tàu – nhà máy có thể chế biến cá luôn trên biển, cung cấp nước ngọt, xăng dầu, lương thực, y tế… cho hàng ngàn tàu cá nhỏ của ngư dân trên biển là khao khát của hai chàng trai thế hệ 8X nung nấu mấy năm nay.

Năm 2011, Hà Huy Hợp – giám đốc Công ty CP thủy sản Sông Hồng Biển (Đà Nẵng) – hỗ trợ kinh phí đưa một đoàn nghệ sĩ ra Trường Sa biểu diễn. Trong chuyến đi đó, Hợp được đi theo tàu cá xem bà con đánh bắt. Đêm ấy, mẻ cá thứ nhất cất lên, bà con thu cá về khoang. Khi cất mẻ cá thứ hai, toàn cá to, chất lượng hơn mẻ trước. Ngư dân phải trút bỏ mẻ cá thứ nhất, lấy chỗ chứa mẻ cá mới. Hợp ngạc nhiên lắm! Bà con giải thích: tàu nhỏ, không có chỗ chứa, đành phải như vậy. “Chuyện thường ngày trên biển” – bà con nói.

Ngay khi đó, thôi thúc về một con tàu lớn làm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến bột cá, trữ cá chất lượng tiêu chuẩn từ trước càng cháy bỏng trong anh. Và Hợp chấp bút viết nên ý tưởng của mình. Sau lần đó, Hà Huy Hợp tìm hiểu thông tin và sang Mỹ để nghiên cứu dây chuyền chế biến cá trên tàu biển. Anh cũng đi nhiều nơi để tìm hiểu thông tin về hậu cần nghề cá, thực trạng đánh bắt cá của ngư dân khu vực miền Trung, nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Trong hành trình đó, Hà Huy Hợp gặp Nguyễn Duy Tuấn – chàng thanh niên sinh năm 1985, quê ở Đà Nẵng. Tuấn kể: “Cuộc gặp định mệnh của hai người có cùng mơ ước. Nghe anh Hợp nói về ý tưởng tàu chế biến và hậu cần nghề cá, với dây chuyền sản xuất surimi (chả cá) trực tiếp trên tàu, tôi thấy rất sung sướng”.

Không hẹn mà gặp, ý lớn gặp nhau: Nguyễn Duy Tuấn cũng được sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm thủy sản. Tuấn rất thấm thía những khó khăn, cực nhọc của ngư dân. Từ lâu Tuấn đã mơ ước có một con tàu đủ sức thu mua, chế biến cá trên biển, surimi. Trên Facebook, ngoài những chia sẻ về nghề, Tuấn thổ lộ rằng “mơ ngủ cũng thấy tàu”. Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, cũng là lúc hàng loạt tàu cá – nhà máy Trung Quốc mọc lên trên biển. Đó là những con tàu siêu trọng tải áp sát vùng biển Việt Nam. “Tôi biết có những con tàu của họ đặt tới 14 dây chuyền sản xuất, huy động 600 công nhân sản xuất trực tiếp. Từ đó, tôi lại càng nung nấu ước mơ về con tàu có thể chế biến cá ngay trên biển. Nếu chúng ta không hiện đại hóa nghề cá Việt Nam thì sẽ không thể nào bứt lên được” – Tuấn nói.

Nguyễn Duy Tuấn phân tích: ngành bột cá Việt Nam luôn lép vế so với bột cá của Peru, Chile. Một ký bột cá của Việt Nam chỉ bán được 25,000 – 30,000 đồng, còn bột cá của Chile có giá 36,000 – 42,000 đồng. Vì bột cá của Việt Nam có nhiều tạp chất và lượng đạm thấp hơn. Tuấn nói cái Việt Nam thua chính là công nghệ. Theo Tuấn, hệ thống sản xuất, sơ chế hải sản trên tàu đã có từ lâu ở các nước phát triển. Còn Việt Nam chỉ dừng lại chế biến ở đất liền sau khi cá được đánh bắt cả tháng trời nên chất lượng kém.

Hà Huy Hợp – người trực tiếp chấp bút viết bản dự án tàu Trường Sa Việt Nam – tính toán: nếu chế biến khi cá vẫn còn tươi sống thì chắc chắn sản phẩm sẽ chất lượng, giá bán cao hơn. Cả Hợp và Tuấn không hẹn mà gặp, say sưa với ý tưởng con tàu Trường Sa Việt Nam. May sao vừa gặp lúc Chính phủ ban hành nghị định 67 về hỗ trợ cho vay đóng tàu cá, ý tưởng biến thành dự án!

Và con tàu Trường Sa Việt Nam: Hơn 50 trang báo cáo khả thi dự án đầu tư tàu chế biến và hậu cần nghề cá 6,000 tấn, chiều dài 100 m, dự án con tàu mang tên Trường Sa Việt Nam hoàn thành vào cuối năm 2016: đề án “Tàu chế biến và hậu cần nghề cá có trọng tải 6,000 tấn” đang trình Chính phủ phê duyệt cho vay vốn theo nghị định 67.

Theo dự án, công năng chính của tàu Trường Sa Việt Nam là thu mua cá của bà con ngư dân ngay trên Biển Đông. Cá được đưa thẳng vào hệ thống sản xuất khép kín, gồm dây chuyền sản xuất surimi và dây chuyền sản xuất bột cá làm từ đầu, vảy, vây, xương cá. Tổng công suất dự kiến mỗi ngày đạt 100 tấn thành phẩm surimi và 50 tấn bột cá từ 240 tấn nguyên liệu cá tươi. Hà Huy Hợp cho biết dự kiến thị trường chính của surimi sẽ là Nhật Bản, Hàn Quốc. Giá surimi hiện khoảng 50,000 đồng/kg. Còn giá bột cá khoảng 30,000 đồng/kg.

Tại Việt Nam, bột cá sản xuất trong nước chỉ cung cấp được 10% nhu cầu, còn tới 90% phải nhập khẩu để làm nguyên liệu cho nhà máy thức ăn chăn nuôi. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, Hợp khẳng định dây chuyền sản xuất của tàu Trường Sa Việt Nam còn làm giảm ô nhiễm môi trường trên biển do cá tạp, cá vụn không còn bị xả xuống biển.

Về đầu ra cho surimi, Tuấn cho biết nhiều đối tác nước ngoài khi nghe anh trình bày cũng bày tỏ mong muốn có nguồn hàng chất lượng. Họ khẳng định sẽ cử chuyên gia ở lại tàu để cùng giám sát quá trình sản xuất sau khi tàu đi vào hoạt động.

Và khi tàu Trường Sa Việt Nam ra khơi, như con tàu mẹ, nó sẽ kéo các tàu nhỏ khác đi theo, tương thân tương trợ nhau trên biển, không còn đơn độc “mồ côi một mình”. Hết nước, hết dầu, tai nạn… đều có các dịch vụ của “tàu mẹ” cung ứng, hoàn toàn yên tâm đánh bắt dài ngày, không phải tốn công tàu đi, tàu về tốn kém, mất thời gian, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả. Theo thiết kế, tàu Trường Sa Việt Nam ngoài dây chuyền sản xuất còn có hệ thống bể nuôi hải sản sống và hệ thống đông lạnh ở nhiệt độ âm 40ºC.

Tàu có đội ngũ y tế khám chữa bệnh cho ngư dân nếu bị bệnh bởi ốm đau là chuyện rất bình thường…

Ngoài ra, con tàu này còn có 100 phòng ngủ, sức chứa khoảng 500 người. Tầng trên cùng là phòng cộng đồng, rộng 500 m², là nơi phục vụ ăn uống, các hoạt động giải trí cho ngư dân. Hợp cho biết hiện tại có hơn 100 tàu cá với khoảng 600 ngư dân Đà Nẵng, Nghệ An… cung cấp cá cho công ty của anh. Cho nên, khi tàu Trường Sa Việt Nam đi vào hoạt động, số tàu cá này sẽ là đối tác cho “tàu mẹ”. Còn ngư dân sau giờ làm việc có thể về tàu Trường Sa Việt Nam để nghỉ ngơi. “Những ai bám biển dài ngày mới hiểu nhu cầu tinh thần là rất quý” – Hợp chia sẻ.

Mong ước về con tàu mẹ: Ông Vũ Hữu Chiến – tổng giám đốc Công ty đóng tàu Phà Rừng – cho rằng ở Việt Nam chưa có tàu cá nào có chức năng chế biến cá luôn ở trên tàu ngay sau khi đánh bắt. Trong khi đó ở các nước có công nghệ đánh bắt cá phát triển, tàu cá có dây chuyền chế biến cá luôn ở trên biển đã có từ lâu. Nên nếu tàu Trường Sa Việt Nam ra đời thì đây sẽ là con tàu đầu tiên của Việt Nam có dây chuyền chế biến cá.

“Con tàu này được xem như tàu mẹ cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, nhiên liệu… cho tàu đánh cá khác. Còn các tàu cá lúc đó chỉ chuyên tâm khai thác thôi. Và cá được chế biến ngay khi còn tươi sống sẽ đảm bảo chất lượng tốt nhất. Nghề chế biến, hậu cần cá rất cần những người tiên phong như hai chàng trai này” – ông Chiến nói. Còn ông Trần Văn Lĩnh – chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng – cho rằng ý tưởng về con tàu Trường Sa Việt Nam hết sức táo bạo và nhân văn, có ích cho cộng đồng. Việc chế biến surimi ngay trên biển tiết kiệm rất nhiều chi phí và chất lượng sản phẩm tốt hơn nhiều.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Trường Sa: Đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các cảng cá tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, đến năm 2020 cả nước có 125 cảng cá, 146 khu neo đậu tàu cá; tại các đảo có 27 cảng cá, đáp ứng tổng lượng thủy sản thông qua các cảng gần 210,000 tấn mỗi năm. Ngoài ra, tại các đảo còn có 22 khu neo đậu tránh trú bão, đáp ứng nhu cầu cho hơn 14,300 tàu cá.

Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2020 sẽ có 6 khu neo đậu kết hợp cảng cá tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Tây, Nam Yết. Hiện nay, tổ hợp hậu cần nghề cá đảo Song Tử Tây với nhiều hạng mục phục vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt hải sản trên khu vực ngư trường Trường Sa đã đi vào hoạt động. Trong số này, hạng mục mới nhất là khu làng chài cùng nhiều công trình phụ trợ đảm bảo việc lưu trú, sinh hoạt cho tối đa gần 300 ngư dân vào nghỉ ngơi hoặc tránh bão. Khu cung cấp nước ngọt, cung cấp dầu cũng đã hoạt động bán dầu bằng giá dầu trong đất liền cho ngư dân. Âu tàu tại đảo Song Tử Tây vừa được nâng cấp, có sức chứa từ 120 – 150 tàu cá, đáp ứng nhu cầu tránh trú bão cho hàng trăm tàu cá.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tại Trường Sa đã và đang xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá. Trước hết phải phải ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho dịch vụ hậu cần cho các đảo, sau đó là sẽ ưu tiên cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại duyên hải Nam Trung Bộ. Mục đích lớn nhất làm sao đầu tư đồng bộ cũng như là giúp cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, hậu thuẫn cho hiện đại hóa khai thác.

Âu tàu tại Trường Sa

VỊT BIỂN TẠI TRƯỜNG SA

Tại Quyết định số 4486/QĐ-BNN, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt danh mục 37 dự án khuyến nông Trung ương thực hiện từ năm 2023. Trong số này có dự án “Xây dựng một số mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa”.

Dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, được Bộ NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức triển khai trong hai năm 2023 – 2024. Địa bàn triển khai trên các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca mở rộng, Nam Yết mở rộng, Tiên Nữ mở rộng và Thuyền Chài mở rộng. Mục tiêu đến hết năm 2024 của dự án là trồng mới được 1,000 cây xanh trên các điểm đảo mới tôn tạo; phát triển đàn vịt biển 5,000 con (mỗi điểm đảo khoảng 1,000 con). Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên các đảo sẽ nắm được kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới và chăn nuôi vịt biển, tạo nguồn cung thực phẩm an toàn tại chỗ.

Những chuyện chưa từng kể và ít người biết ở Trường Sa

Đàn vịt tại Trường Sa

TĂNG CƯỜNG PHÒNG THỦ TRƯỜNG SA

Ngoài các công trình dân sự, Việt Nam cũng tăng cường phòng thủ trên một số đảo tại Trường Sa.

Các trạm Radar: Tin quốc tế cho biết Việt nam đã xây 4 trạm Radar trên 4 đảo Trường Sa Lớn (Trạm Radar 11), Song Tử Tây (Trạm Radar 21), Phan Vinh và Nam Yết. Bốn trạm radar này bao trùm 7 vi trí đóng quân của Trung Quốc. Radar được trang bị lá loại bắt mục tiêu và cảnh báo P-18 Terek: Đây là loại ra đa làm việc trên dải sóng mét, có tầm hoạt động tối đa 170 km, có thể theo dõi cùng lúc 120 mục tiêu. Dàn khí tài đã được quả cầu tròn bọc lại che chắn trước sự tàn phá của hơi muối biển. Bốn radar này có thể bao trùm 7 đảo nhân tạo của Trung Quốc.

4 trạm Radar của Việt Nam tại Trường Sa:  Trường Sa (màu đỏ) – Phan Vinh (màu xanh) – Song Tử Tây (màu vàng) – Nam Yết (màu lục)

Radar P18-M đặt trong vòm tại Nam Yết

Radar do Viettel chế tạo

Phòng không: Việt Nam vừathành lập Lữ đoàn tên lữa bờ 682 được trang bị các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Israel. SPYDER (Surface-to-air PYthon and DERby) là một hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung tiên tiến có thể tiêu diệt các mục tiêu như: máy bay, tên lửa hành trình, UAV… trong mọi thời gian và điều kiện thời tiết. Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tự hành SPYDER-MR được coi là một trong những tổ hợp phòng không tầm ngắn và tầm trung hiện đại nhất hiện nay do Israel sản xuất. Toàn bộ các thành phần của hệ thống được đặt trên khung gầm xe tải Tatra có tính việt dã cao do Cộng hòa Czech sản xuất.

Theo số liệu mới được nhà sản xuất Rafael công bố thì tầm hoạt động của các tổ hợp SPYDER-SR và SPYDER-MR lại cao hơn đáng kể so với những thông tin trước đây từng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Trong khi trần bay của 2 phiên bản trên không thay đổi, vẫn là 9 km và 16 km thì tầm bắn lớn nhất của biến thể SPYDER-SR thực tế đạt tới 20 km, tức là cao hơn 25%, còn tầm đánh chặn của SPYDER-MR lên tới 50 km, vượt trội con số 35 km như quan niệm cũ.

Hệ thống tên lửa Spyder của Israel

KẾT LUẬN

Đây chỉ là những hình ảnh tính đến cuối năm 2022. Tác giả tiếp tục theo dỏi những xây cất trong những tháng sắp đến và dự trù đưa lên mạng vào năm đầu 2024.

THAM KHẢO

  1. Bãi Thuyền Chài – Wikipedia tiếng Việt
  2. You Tube “CSIS: Việt Nam mở rộng ‘đáng kể’ Trường Sa” đăng trên đài VOA ngày 25/12/2022.
  3. Bài viết “Việt Nam tiếp tục hoạt động xây dựng trên ba thực thể ở Biển Đông” đăng trên mạng RFA ngày 16/11/2021.
  4. Bài viết “Tình huống mới trên Biển Đông” đăng trên mạng RFA ngày 23/12/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *