Căn cứ Hoa Kỳ tại Đông Á

203 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Tính đến đầu năm 2020, quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại 170 quốc gia với 170,000 quân trên 800 căn cứ quân sự trên thế giới. Đó là chưa kể khoảng 40,000 nhân viên dân sự mà Hoa Kỳ từ chối công bố chi tiết. Ba nơi có quân số đông nhất là 55,165 tại Nhật Bản, 34,674 tại Đức Quốc và 26,184 tại Hàn Quốc.

Năm 2020, tác giả có viết bài “Quân lực Hoa Kỳ trên thế giới”. Bài viết này đi sâu vào chi tiết để nói về quân lực Hoa Kỳ tại Đông Á gồm cả Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương .

Tất cả con số dưới đây đề trích từ US Military Deployment – From Wikipedia, the free encyclopedia và Where U.S. troops and military assets are deployed in the Middle East from Rashaan Ayesh – Axios dated 8/1/2020)

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tổng chi phí cho các căn cứ nước ngoài và việc triển khai quân tới đây là 24.4 tỷ USD trong năm tài khóa 2020. Con số này chưa tính tới chi phí cho các hoạt động chiến đấu đang diễn ra tại Iraq và Afghanistan. Kể từ khi ông Donald Trump khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2015, ông đã chỉ trích số tiền mà các đồng minh của Mỹ đóng góp cho việc bảo vệ chính họ. Ông đòi hỏi các đồng minh cần sự bảo vệ của quân lực Hoa Kỳ phải trả toàn chi phí cho sự hiện diện của Hoa Kỳ, cọng thêm 50% tiền phụ trội về việc nhờ vả sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Đây là vấn đề tế nhị đòi hỏi sự thông cảm và tương nhượng của cả 2 bên trên cả 2 phương diện kinh tế và quân sự trong quan hệ chiến lược.

QUÂN LỰC HOA KỲ TẠI ĐẢO GUAM

Trên trang Denfense News, người đứng đầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ (MDA), phó đô đốc Jon Hill, giải thích, hệ thống mới gồm nhiều loại vũ khí siêu thanh, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cũng như nhiều hệ thống không gian. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang hoàn thiện hệ thống công nghệ quân sự mới cần thiết cho đảo Guam, bao gồm các cảm biến radar, vũ khí đánh chặn, hệ thống chỉ huy và kiểm soát.

Theo phó đô đốc Jon Hill, quân đội Mỹ dự kiến hoàn tất hệ thống phòng thủ toàn diện mới từ nay đến năm 2026, trong đó có nhiều radar có thể hoạt động 360°, bảo đảm năng lực đáp trả của Mỹ trước sự biến đổi của các mối đe dọa.

Vào tháng 01/2022, Bắc Triều tiên đã thử thành công tên lửa tầm trung Hwasong-12 có thể bắn tới đảo Guam. Năm 2019, quân đội Trung Quốc cũng thử tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26, được gọi là “sát thủ đảo Guam”, có tầm bắn 4,500 km, mang được đầu đạn hạt nhân và quy ước.

Đảo Guam nằm cách đông nam Thượng Hải của Trung Quốc khoảng 3,000 km và là căn cứ quân sự của Mỹ nằm gần Trung Hoa lục địa nhất. Guam có hai căn cứ quân sự chính, gồm 7,000 quân nhân: căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam. Năm 2012, hai chính phủ Mỹ – Nhật, hy vọng phá vỡ tình trạng bế tắc về sự hiện diện của lính Mỹ trên đảo Okinawa, đã đồng ý kế hoạch đưa gần 5,000 binh sĩ TQLC Mỹ sang Guam.

Nằm trên cao nguyên phía bắc của đảo Guam, căn cứ Blaz (MCBCB Finegayan) sẽ đóng vai trò là trung tâm chiến lược khi Bộ Quốc phòng hiện thực hóa tầm nhìn của Chiến lược Phòng thủ Quốc gia năm 2022. Các dự án xây dựng cơ sở hiện đang được tài trợ một phần bởi sự đóng góp tiền tệ lớn từ Chính phủ Nhật Bản.

Checking In

Các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại đảo Guam

CĂN CỨ HOA KỲ TẠI NHẬT BẢN

Kể từ khi kết thúc Thế chiến 2 vào năm 1945, Mỹ đã duy trì một số căn cứ quân sự và hàng chục ngàn nhân viên quân sự ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau khi Nhật Bản giành lại chủ quyền vào năm 1951, Mỹ và Nhật Bản đã ký một hiệp ước hướng tới sự tương trợ quốc phòng và một thỏa thuận cho phép Mỹ hoạt động và duy trì các căn cứ quân sự ở Nhật Bản. Hiện nay có xấp xỉ 55,000 lính Mỹ ở Nhật Bản chưa kể đến hải cảng Yokosuka dành cho Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ.

Mỹ đã đàm phán các thỏa thuận với Nhật Bản về nội dung chi tiết về việc chia sẻ kinh phí với từng nước. Thỏa thuận hiện nay của Nhật Bản không tuyên bố rõ về tổng đóng góp. Tuy nhiên, mức đóng góp hiện nay của Nhật Bản lên tới xấp xỉ 1.7 tỷ USD. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện ước tính tổng chi phí duy trì hiện diện quân sự tại Nhật Bản là 5.7 tỷ USD. Nếu theo cách tính của Tổng thống Trump thì Nhật phải trả cho Mỹ 5.7 tỷ USD + 2.85 tỷ lệ phí bảo vệ = 8.55 tỷ USD hàng năm. Các con số này chỉ là phản ảnh một phần về quan hệ tài chính giữa nước chủ nhà và Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Chúng chưa chứa đựng các chuyển giao khác, như việc Nhật Bản mua các hệ thống vũ khí của Mỹ và các chi phí khác mà chính quyền Nhật Bản chịu. Ngoài ra, phải để ý đến khía cạnh quan trọng nhất là dân chúng Nhật và các chính trị gia Nhật nhìn về vấn đề này. Với sự hiện diện của Trung Quốc như là một thế lực mới nổi muốn thâu tóm ảnh hưởng về kinh tế cũng như quân sự trong khu vực Á Châu thì sự liên minh Mỹ – Nhật phải được đặt lên tầm cao mới. Cũng cần để ý là trong cuộc chiến Việt Nam thì Nhật Bản cũng hưởng lợi rất nhiều.

Căn cứ Hải quân Yokosuka: Hạm đội 7 hay Đệ thất Hạm đội (tiếng Anh: United States Seventh Fleet) là một Hạm đội trực thuộc Hải quân Hoa Kỳ đặt căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản và dưới quyền chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương. Hiện nay, đây là Hạm đội lớn nhất trong tất cả các Hạm đội tiền phương của Hoa Kỳ, với 50-60 Chiến hạm, 350 Chiến đấu cơ và hơn 60,000 Quân nhân Hải quân, Nhân viên Quân sự cũng như Thủy quân Lục chiến. Nhiệm vụ chính của Đệ thất Hạm đội là tiến hành các đợt tuần tra trên biển, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải khu vực, bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan trong những trường hợp khẩn cấp.

http://tranhchapbiendong.net/tcbd/wp-content/uploads/2020/06/A3-2.jpg

Căn cứ Hải quân Yokosuka của HQHK tại Nhật Bản

Căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa: Okinawa là nơi đặt phần lớn các cơ sở quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và khoảng 50% trong số 50,000 lính Mỹ đồn trú ở Nhật Bản đóng quân tại đây. Người dân Okinawa muốn di dời căn cứ Futenma ra khỏi hòn đảo này. Ngoài những tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân, các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng việc xây dựng căn cứ và các hoạt động quân sự sẽ gây nguy hại đối với các rạn san hô và các loài động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản khẳng định kế hoạch di dời căn cứ Futenma từ Ginowan đến Henoko là “giải pháp duy nhất”, theo đó có thể loại bỏ các nguy cơ từ căn cứ này mà không làm suy yếu sự răn đe của liên minh an ninh giữa Nhật Bản và Mỹ.

http://tranhchapbiendong.net/tcbd/wp-content/uploads/2020/06/A6-2.jpg

Căn cứ Mỹ tại Futenma – Okinawa

Quần đảo Điếu Ngư: Quần đảo có năm đảo nhỏ không có người ở và ba đá cằn cỗi. Quần đảo nằm trên biển Hoa Đông, cách xấp xỉ 120 hải lý về phía đông bắc Đài Loan, 200 hải lý về phía đông Trung Quốc đại lục và cách 200 hải lý về phía tây nam của đảo Okinawa của Nhật Bản. Nhật Bản có các căn cứ tiền tiêu trên một số đảo này. Đảo Yonaguni chỉ cách Đài Loan 110 km. Tin cho hay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện có kế hoạch gửi thêm binh sĩ tác chiến điện tới đảo Yonaguni trước khi kết thúc năm tài chính 2023. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ thiết lập các căn cứ Lực lượng Phòng vệ mới trên đảo Ishigaki và đảo Mamo.

Đối phó Trung Quốc, Nhật bố trí tên lửa tại đảo Ishigaki, cách Đài Loan 300km ảnh 2

Đảo Ishigaki (dấu X) nơi Nhật dự định bố trí tên lửa, đảo Yonaguni (chấm đỏ) chỉ cách Đài Loan 110km và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (trong vòng tròn).

CĂN CỨ HOA KỲ TẠI HÀN QUỐC

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953, Mỹ đã duy trì một số căn cứ quân sự và hàng chục ngàn nhân viên quân sự ở Hàn Quốc. Hiện có xấp xỉ 26,500 quân Mỹ ở Hàn Quốc. Giờ đây chính quyền Trump đang yêu cầu Hàn Quốc trả thêm tiền cho các binh sĩ Mỹ đóng tại các nước này. Truyền thông cũng đưa tin rằng ban lãnh đạo quân sự Mỹ ở Hàn Quốc đã thảo luận khả năng rút tới 4,000 quân khỏi Hàn Quốc nếu nước này không tăng khoản đóng góp của mình. Lầu Năm Góc kể từ đó đã phủ nhận thông tin này. Mỹ đã đàm phán các thỏa thuận với cả Nhật Bản và Hàn Quốc với nội dung chi tiết về việc chia sẻ kinh phí với từng nước. Chẳng hạn, năm 2019, Mỹ và Hàn Quốc đàm phán một thỏa thuận kêu gọi Hàn Quốc đóng góp xấp xỉ 893 triệu USD. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện ước tính tổng chi phí duy trì hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc là 4.5 tỷ USD. Theo cách tính của Tổng thống Trump thì Hàn Quốc phải trả cho Hoa Kỳ 4.5 tỷ USD + 2.25 tỷ USD chi phí bảo vệ = 6.65 tỷ USD. Điều cần lưu ý là phía Nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc thì Hoa Kỳ vừa mới hoàn tất trại Humphreys (USAG Humphreys) ở Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc hiện là căn cứ quân sự lớn nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài. Trại Humphreys là nơi đồn trú của hàng ngàn quân nhân và nhà thầu quân đội Mỹ, ước tính lên tới 25,000 người. Phía sau các bức tường dày và cao vút bao quanh căn cứ quân sự tọa lạc cách Seoul 65 km về phía nam này là môi trường hoàn toàn khác với phần còn lại của thủ đô Hàn Quốc.

Trại Humphreys phía Nam Hán Thành

Ngoài ra, chiến hạm Mỹ thường hay cập cảng Busan phía Đông Hàn Quốc.

http://tranhchapbiendong.net/tcbd/wp-content/uploads/2020/06/A7.jpg

Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đến Busan, Hàn Quốc ngày 23/9/2022. (Ảnh: AP)

Vấn đề thương thuyết với Hàn Quốc về sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ tại đây cũng là vấn đề hóc búa vì trong nhiều khía cạnh, tinh thần dân tộc của dân chúng cũng như các chính trị gia Hàn Quốc còn quá khích hơn cả người Nhật. Đi xa hơn thì Hoa Kỳ vẫn còn lá bài tủ là sự hiện diện của Bắc Triều Tiên mà cho đến bây giờ tương lai vẫn chưa biết ra sao.

CĂN CỨ HOA KỲ TẠI ĐÀI LOAN

Báo The Wall Street Journal ngày 23 tháng Hai 2023 dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ cho biết, Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai từ 100 đến 200 binh sĩ đến Đài Loan trong vài tháng tới, tăng gấp bốn năm lần so với khoảng 30 binh sĩ ở đây một năm trước. Nhiệm vụ của lực lượng này là mở rộng một chương trình huấn luyện mà Ngũ Giác Đài không muốn công khai nhằm cung cấp cho Đài Bắc những khả năng cần thiết để tự vệ mà không khiêu khích Bắc Kinh.

Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng, số binh sĩ gồm các lực lượng đặc nhiệm và Thủy quân lục chiến Mỹ tại Đài Loan đã gần như không thay đổi trong vài năm qua nhưng sự gia tăng lần này được cho là để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

CĂN CỨ HOA KỲ TẠI ĐÔNG NAM Á 

Tại Đông Nam Á, 3 quốc gia có thể đóng góp nhiều nhất vào vai trò chiến lược của Hoa Kỳ là Philippines, Singapore và Việt Nam.

Sơ đồ phân bổ lực lượng Mỹ tại tây Thái Bình Dương - Đồ họa: Hoàng Đình/Ảnh: Reuters

Sơ đồ phân bổ lực lượng Mỹ tại tây Thái Bình Dương – Đồ họa: Hoàng Đình/Ảnh: Reuters 

  • Philippines: Thỏa ước Căn cứ Quân sự năm 1947 được tu chính vào năm 1979, thay đổi vai trò của người Mỹ tại Vịnh Subic từ làm chủ sang làm khách. Bản tu chính xác nhận chủ quyền của Philippines trên căn cứ và giảm khu vực dành cho Hoa Kỳ sử dụng từ 244 km² xuống 63 km². Quân đội Philippines đảm nhiệm trách vụ vòng ngoài chu vi của căn cứ để giảm các biến cố giữa quân sự Hoa Kỳ và dân sự Philippines. Năm 1991, núi lửa Pinatubo cách Vịnh Subic khoảng 32 km bùng nổ với sức mạnh gấp 8 lần hơn núi St. Helens. Vịnh Subic, từng là một trong các căn cứ hải quân được bảo trì tốt và đẹp nhất tại Thái Bình Dương bị chôn dưới một lớp đất cát thấm nước. Căn cứ Không quân Clark, hoàn toàn hư hại và kế hoạch đóng cửa bắt đầu khởi sự. Khi Thỏa ước Căn cứ Quân sự năm 1947 hết hạn vào năm 1991, các cuộc thương lượng căng thẳng giữa hai chính quyền Mỹ và Philippines bắt đầu nhưng cuối cùng Thượng viện Philippines bác bỏ phê chuẩn hiệp ước. Năm 1992, cờ Mỹ hạ xuống tại Subic lần cuối cùng. Việc rút quân này đánh dấu lần đầu tiên, kể từ thế kỷ 16, không có một lực lượng quân sự ngoại quốc nào hiện diện trên đất Philippines. Sau một cuộc đối đầu kéo dài 3 tháng tại Scarborough giữa tàu hải quân Trung Quốc và Philippines năm 2012, cuối cùng Trung Quốc đã chiếm kiểm soát bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Hơn 20 năm kể từ khi những binh sĩ cuối cùng của hải quân Mỹ rút khỏi căn cứ hải quân trên Vịnh Subic vào năm 1992, Philippines ngày 16/7/2015 tuyên bố mở cửa trở lại căn cứ này cho chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ. Theo thời báo The Philippine Star cuối năm 2019, Bộ Quốc phòng Philippines đã phê chuẩn cho phép Mỹ và Australia tham gia vào kế hoạch cải tạo xưởng tàu cũ của Philippines trên đảo Luzon. Theo đó, xưởng đóng tàu này sẽ được cải tạo, nâng cấp thành một căn cứ hải quân mới. 

Ngoài ra, về phía cực Bắc Philippines có một đảo nhỏ nằm giữa Philippines và cách Đài Loan 97 dặm, tên là Itbayat, rộng  83 km² với dân số 3,128 người.

    5 căn cứ Hoa Kỳ củ tại Philippines  
4 căn cứ Hoa Kỳ mới tại Philippines
  • Singapore: Hiện nay tại căn cứ Hải Quân của Singapore có 4 chiến hạm của Hoa Kỳ luân phiên đồn trú tại đây mà nòng cốt là 2 chiến hạm tác chiến ven bờ loại LCS.
http://tranhchapbiendong.net/tcbd/wp-content/uploads/2020/06/A10.jpg

Căn cứ Hải Quân Changi tại Singapore

  • Việt Nam: Theo tài liệu từ phía Việt Nam ngày 8 tháng 3 năm 2016, tại căn cứ quân sự Cam Ranh, Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức lễ khai trương cảng quốc tế Cam Ranh, một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam với tổng chiều dài khai thác cầu là 2,147 m, độ sâu 20 m, tiếp nhận được tàu sân bay tải trọng 110,000 DWT (dead weight tonnage), tàu khách có dung tích 100,000 GRT (gross tonage) và sửa chữa, đóng mới các công trình biển như giàn khoan đến 200m nước. Có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8. So sánh với kích thước của Hàng không Mẫu hạm lớp Nimitz với trọng tải tối đa 104,600 tấn, chiều dài 332.8 m và mớn nước tối đa 41 ft (12.5 m) thì có thể cảng này đủ sức để HKMH cập bến an toàn. So sánh với cảng Subic của Philippines thì cảng Subic gần quần đảo Trường Sa hơn nhưng cảng Cam Ranh chỉ cách thủy lộ từ Malacca lên Đông Bắc Á chỉ vài chục hải lý. Hiện Việt Nam vẫn giử chủ trương 3 không nhưng những hành động lấn áp của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến Hoa Kỳ tái thương thuyết bộ tứ kim cương (Hoa Kỳ – Ấn Độ – Nhật Bản – Úc Đại Lợi) với sự tham gia của 3 quốc gia mở rộng là Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN được mời tham gia bộ tứ mở rộng này. Trong những năm sắp đến, khi liên hệ chiến lược Mỹ – Việt rỏ ràng hơn thì vị trí của cảng Cam Ranh sẽ được minh định.

CĂN CỨ HOA KỲ TẠI ÚC ĐẠI LỢI

Hồi đầu tháng 4/2012, Mỹ đã đưa 200 lính thủy đánh bộ tới Darwin (Úc). Đây là lực lượng đầu tiên trong kế hoạch triển khai tổng cộng 2,500 binh sĩ đến Úc cho tới năm 2017. Mới đây, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith cho biết Canberra và Washington sẽ cùng xây dựng căn cứ do thám, được biên chế máy bay không người lái, tàu ngầm hạt nhân… trên cụm đảo Cocos thuộc Ấn Độ Dương. Căn cứ này cách đảo Java (Indonesia) khoảng 1.000 km về phía tây nam.

HOA KỲ TẠI CÁC ĐẢO QUỐC THÁI BÌNH DƯƠNG

Quần đảo Marshall, Palau và Micronesia được gọi là các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) đã ký các hiệp ước với Hoa Kỳ. Các thỏa thuận hiện tại hết hạn vào tháng 9 năm sau đối với Quần đảo Marshall và Micronesia, và với Palau thì hết hạn vào năm sau nữa. Theo các hiệp ước sắp hết hạn được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do, ba quốc đảo Thái Bình Dương này nhận được viện trợ không hoàn lại và đảm bảo an ninh từ chính phủ Hoa Kỳ. Công dân của FAS có thể sống và làm việc tại Hoa Kỳ mà không cần thị thực.

Đổi lại, Hoa Kỳ có quyền xây dựng các căn cứ quân sự tại ba quốc đảo này và có thể khước từ quyền tiếp cận của nước ngoài đối với vùng biển, không phận và đất liền của ba quốc đảo đó. Hoa Kỳ dự kiến việc đàm phán cho ba thỏa thuận mới sẽ chung quyết vào cuối năm nay.

Mỹ tuyên bố 'đi trước' Trung Quốc ở nam Thái Bình Dương - VnExpress

Quần đảo Micronesia

KẾT LUẬN

Như đã nói ở trên, quân lực Hoa Kỳ dàn trải đến tất cả điểm nóng trên thế giới. Một số chuyên viên nghiên cứu nói đùa rằng chiến lược của Hoa Kỳ giống như các bộ phim Cowboys mà dân chúng Hoa Kỳ ưa thích. Hoa Kỳ luôn đóng vai trò Good Guy, còn vai trò Bad Guys thì không thiếu. Ở Trung Đông thì có Iran. Ở Á Châu thì Trung Quốc cảm thấy đủ mạnh để chia đôi Thái Bình Dương, đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực then chốt phía Tây Thái Bình Dương. Ở Châu Âu thì Nga Sô luôn luôn kiếm cơ hội lấy lại vài phần Đông Âu đã mất đi sau khi Liên Sô tan rã.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mặc dù người Mỹ đang ngày càng hoài nghi về sự can thiệp của Mỹ vào Afghanistan và Iraq, dân chúng Mỹ vẫn ủng hộ sự can dự hiện nay của Mỹ vào thế giới và các cam kết của nước này đối với các đồng minh. Tại Trung Đông, dù rằng đây là khu vực của người Hồi Giáo nhưng các quốc gia này theo chủ nghĩa thực dụng. Họ cần có sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực này vì quyền lợi dầu hỏa của họ. Cũng ít khi thấy họ than phiền về số tiền họ đóng cho Hoa Kỳ. Tại Âu Châu, việc than phiền các đồng minh của Mỹ nhất là Đức Quốc không đóng góp đủ cho việc phòng vệ của họ hay không là điều đã có từ lâu. Một ngày trước khi đến Helsinki dự hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc phỏng vấn được kênh truyền hình Mỹ CBS News phát đi hôm 15/7/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngần ngại xếp Nga, Liên minh châu Âu và Trung Quốc vào diện “kẻ thù” (tiếng Anh là “foe”) của nước Mỹ. Tại khu vực Đông và Đông Nam Á, khi liên minh Ấn Độ – Thái Bình Dương và Bộ tứ kim cương thành hình thì sự liên hệ kinh tế – quân sự của các quốc gia liên hệ sẽ rõ ràng hơn thì sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ tại các quốc gia liên hệ cũng như vấn đề tài chánh cũng được quyết định dựa theo quyền lợi hổ tương của các quốc gia liên hệ. Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ có được sự thỏa thuận hoàn toàn với Hoa Kỳ. Việt Nam ở vào vị trí rất là đặc biệt. Vài năm sắp đến, khi Việt Nam có đủ tin tưởng vào sự cam kết của Hoa Kỳ cũng như có đủ sức mạnh để đãm nhận một vai trò lớn hơn thì liên hệ giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh sẽ được định hình rỏ hơn.

THAM KHẢO

  1. US Military Deployment – From Wikipedia, the free encyclopedia
  2. Bài viết “Nhật Bản gia hạn xây dựng căn cứ Mỹ tại Okinawa” đăng trên mạng TTXVN ngày 22/12/2019.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *