Việt Nam và cuộc tranh chấp thương mãi Mỹ-Trung

501 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Tranh chấp mậu dịch Hoa Kỳ-Trung Quốc tiếp tục tăng dần cường độ. Hôm 15/6, Tòa Bạch Ốc loan báo chính thức áp đặt mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau mấy tháng đàm phán thương mại không có kết quả  giữa hai bên. Ngày 6/7, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vừa bước sang 1 giai đoạn mới khi những lời đe dọa của Tổng thống Trump chính thức trở thành hiện thực với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chính thức bị áp mức thuế 25% khi nhập khẩu vào Mỹ. Hơn thế nữa ông Trump còn nói với báo chí rằng 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác cũng sẽ bị đánh thuế sau 2 tuần nữa, và con số cuối cùng có thể lên đến 550 tỷ USD. Phía Trung Quốc đã ngay lập tức có động thái đáp trả nhưng họ cũng thừa hiểu rằng tổng số hàng xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ năm 2017 là 506 tỷ USD trong khi đó tổng số hàng xuất cảng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc chỉ là 131 tỷ USD.

VỊ THỀ VIỆT NAM

Có một điều được số đông công nhận là chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc có hại cho cả hai bên. Và những hậu quả của chiến tranh thương mại bám rễ rất sâu và có khả năng lan ra các khu vực khác trên thế giới. Điều quan trọng là phải nhìn ra bức tranh rộng hơn. Một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn không phải là tin tốt cho Việt Nam, một quốc gia đang hội nhập tích cực vào nền kinh tế toàn cầu và đang gắn mình với một hệ thống thương mại toàn cầu tự do mới.

Tổng kim ngạch của Việt Nam năm 2017 đạt 425 tỷ USD với xuất siêu chỉ 2.7  tỷ USD. Trung Quốc là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với 93.7 tỷ USD với xuất siêu nghiêng về Trung Quốc với 22.7 tỷ. Hoa Kỳ là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn thứ 3 với 50.7 tỷ USD với xuất siêu nghiêng về Việt Nam với 32.4 tỷ, đứng thứ 6 trong nhóm các quốc gia mà Mỹ đang thâm hụt thương mại. Điều cần để ý là tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 (214 tỷ USD) chỉ bằng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc (4,280 tỷ USD). Việc ông Trump lên nắm quyền đã gây những lo ngại về việc Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên Hoa Kỳ cũng thấy được xuất siêu của Việt Nam không đáng kể.

Theo đánh giá của BVSC, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với rất nhiều nước khác trong vai trò thay thế các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, ngắn hạn cũng như dài hạn. Mới đây nghiên cứu của ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy nếu những khoản thuế được thực hiện theo đúng lộ trình, kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc của Mỹ sẽ giảm gần 68.6 tỷ USD, tương đương 13.4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc và 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mất 41.4 tỷ USD, tương đương khoảng 0.3% GDP. Nếu tất cả các sản phẩm của Việt Nam có thể thay thế hàng xuất khẩu Trung Quốc thì giá trị của chúng tương đương với 4% GDP.

Những quốc gia có cơ hội thay thế hàng xuất cảng của Trung Quốc

Trong ngắn hạn, các ngành hàng mà  Việt Nam đang sản xuất như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất … Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Về dài hạn, sự thu hút thêm vốn FDI hay chuyển dịch các cơ sở sãn xuất từ Trung Quốc sẽ tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Ngắn hạn: Về ngắn hạn, tranh chấp có thể dấy lên giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc về vấn đề nguồn gốc sản phẩm. Đây là sẽ điều gây đau đầu cho các nhà làm luật Việt Nam.

  • Tăng năng suất của các công ty Hoa Kỳ hay ngoại quốc tại Việt Nam: ADB cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát tình hình để đưa ra đối sách phù hợp. Bên cạnh đó, Việt Nam nên chủ động cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa thị trường để nâng cao tính cạnh tranh.
  • Trung Quốc dùng Việt Nam như trạm trung chuyển: Việt Nam có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn khi Mỹ tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, tuy nhiên cũng sẽ có rủi ro nếu hàng hóa đó do Trung Quốc mượn mác để tránh thuế vào Mỹ. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB phát biểu như trên bên lề buổi họp báo công bố Báo cáo triển vọng Phát triển Châu Á 2018 vào ngày 26/9. Theo ông Eric Sidgwick, đây là 1 trong những tác động tiêu cực đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trung Quốc và Việt Nam hiện có 7 khu thương mại xuyên biên giới, một phần trong chiến lược Vành đai và con đường của Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc từng nhận định những tranh chấp kinh tế có thể thúc đẩy sự phát triển của những khu thương mại này, tuy nhiên họ cũng cho rằng hàng hóa Trung Quốc sản xuất tại đây có thể mang nhãn xuất xứ từ Việt Nam và từ đó tránh được các loại thuế vào Mỹ. Nhưng một số người cũng cho rằng Mỹ sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp đối phó. Hải quan Mỹ có thể phát hiện ra vấn đề nếu thấy lượng hàng nhập khẩu một mặt hàng đột ngột tăng mạnh từ các nước như Việt Nam, đặc biệt nếu mặt hàng đó trước đây được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.

Dài hạn: Nỗi lo về việc Việt Nam có thể trở thành mục tiêu của những biện pháp bảo hộ thương mại là không có cơ sở. Xu thế này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì dựa trên hai yếu tố. Đầu tiên, Việt Nam không ở trong danh sách các nước bị liệt kê là “những kẻ đánh cắp tài sản trí tuệ”. Hơn nữa, một điều có lợi khác cho Việt Nam là sự cam kết của đôi bên trong hợp tác quốc phòng có thể khiến khả năng xảy ra tranh chấp thương mại trở nên rất nhỏ.Trong một chuyến thăm gần đây tới Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ ông Mike Pompeo đã nhận định “Tương phản với các nước khác trong khu vực, các hành động của nước Mỹ sẽ không chỉ được định hướng bởi quyền lợi kinh tế đơn thuần của Mỹ”. Thêm vào đó, không thể không nhắc tới sự xuất hiện của những cơ hội mới về kinh tế. Chiến tranh thương mại có thể khiến tăng tốc quá trình giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi mà chi phí nhân công và các ưu đãi về thuế đang dần biến mất.Báo cáo mới công bố của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội (NCIF – Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất có thể sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0.03% năm 2018; mức giảm tăng lên 0.09% vào 2019 và đạt đỉnh điểm sụt 0.12% vào 2020-2021. Mức tác động sẽ giảm dần các năm sau đó.Rất nhiều công ty Mỹ đang vận hành theo công thức “Trung Quốc cộng một”, chiến lược mà các doanh nghiệp thường tìm một quốc gia khác để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam là sự lựa chọn phổ biến cho vị trí “cộng một” bởi sự ổn định chính trị cũng như vị trí địa chính trị quan trọng.Ngoài ra, có một khía cạnh rất quan trọng là linh kiện của Trung Quốc trong ngành chế tạo vũ khí của Mỹ. Trong bài viết trên trang Doanh nghiệp và Thị trường “Công nghiệp quốc phòng Mỹ muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc”, Les Echos cho biết theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, ngành chế tạo vũ khí của Mỹ lệ thuộc ở “mức cao đáng ngạc nhiên” vào các nhà thầu của Trung Quốc. Đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Vì thế, bộ Quốc Phòng Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp phương Tây cân nhắc, xem xét lại các hoạt động tại Trung Quốc. Lầu Năm Góc cũng quyết định sẽ kiểm tra lại, với sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo, mạng lưới cung cấp hàng hóa của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như hàng không vũ trụ và quốc phòng, để tìm ra các điểm yếu kém trong ngành sản xuất vũ khí của Mỹ. Việt Nam cũng nên nhân cơ hội này để hợp tác tốt hơn với Hoa Kỳ trong Công nghiệp quốc phòng.

  • Công ty ngoại quốc rời Trung Hoa: Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc khi nhiều công ty nước ngoài muốn rút khỏi đây. Phát biểu với tạp chí Forbes ngày 30/7, ông Nathan Resnick- nhà điều hành công ty khởi nghiệp Sourcify cho biết, các nhà sản xuất đặt cơ sở tại Trung Quốc đang dần tìm đường rời khỏi quốc gia này: “Trong bối cảnh cuộc chiến về thuế quan ngày càng gay gắt, các công ty không còn hứng thú để sản xuất tại Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi có các dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Mexico. Giá nhân công ở những khu vực bên ngoài Trung Quốc thậm chí còn rẻ hơn”, ông Nathan Resnick nói. Không chỉ các công ty nhỏ mà cả những tập đoàn lớn như Kerry Logistics Network cũng phải chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế suất cao. Tờ nhật báo Hong Kong dẫn lời ông William Ma Wing-kai, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Kerry cho biết, không chỉ công ty này mà nhiều khách hàng của họ “đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các quốc gia Châu Á khác nơi họ đã có nhà máy sản xuất. Đây là một sự tái phân bổ cơ sở sản xuất trên toàn cầu”.
  • Công ty ngoại quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam: Ngày 7/5/2018, Olympus của Nhật thông báo dừng sản xuất các thiết bị nhiếp ảnh tại Trung Quốc và sẽ tập trung việc sản xuất máy ảnh này ở Việt Nam. Brooks Running được mệnh danh là ‘Vua giày chạy bộ chuyên nghiệp’ đang cân nhắc giải pháp bỏ Trung Quốc để chuyển một số hoạt động sang Việt Nam vì hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Giám đốc điều hành công ty Jim Weber nói trên CNBC. Brooks Running là công ty thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Bershire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett từ 2006. Sau đó được cho tách ra thành một công ty độc lập, với giám đốc Weber báo cáo trực tiếp cho tỷ phú Buffett. Vào giữa năm 2018, CEO Adidas – Kasper Rorsted, đã cho biết thời gian tới, hoạt động sản xuất cung cấp giày dép của hãng dự kiến tiếp tục sẽ được chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Riêng năm 2017, số lượng giày dép từ các nhà máy Việt Nam sản xuất cho Adidas đã cao hơn gấp 2 lần so với Trung Quốc. GoerTek, công ty Trung Quốc lắp ráp linh kiện cho công ty Apple dùng cho các thiết bị AirPods sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
  • Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam: Không những Hoa Kỳ và các nước Liên Âu chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, ngay các công ty Trung Quốc cũng cân nhắc đến việc chuyển sản xuất ra nước ngoài vì chi phí sản xuất thấp hơn cũng như căng thẳng với Mỹ. Các chủ nhà máy ở vùng trung tâm sản xuất tại Quảng Đông cho biết thuế nhập khẩu hiện tại và sự thiếu chắc chắn về các chính sách thương mại với Mỹ đang khiến họ phải đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Lương nhân công tại đây cũng đã tăng nhanh trong thập kỷ qua.  “Chúng tôi không nghĩ cuộc chiến thương mại này chỉ là cuộc khủng hoảng ngắn hạn”, Joe Chau – quản lý một xưởng may đồ trẻ em tại Quảng Đông cho biết. Ông hiện cũng là chủ tịch bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Phòng thương mại Hong Kong. “Chúng tôi phải phân tích quốc gia châu Á nào tốt cho khách hàng của mình, để bù đắp rủi ro từ Trung Quốc”, Chau cho biết. Cũng trong một khía cạnh khác, luật sư Federick Burke từ Công ty luật Baker McKenzie bình luận về vị thế của Việt Nam trong thương chiến Mỹ-Trung và các thỏa thuận mậu dịch đa phương mà Việt Nam tham gia. “Có một số hậu quả từ căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khi Hoa Kỳ áp thuế đối với thép từ Trung Quốc, nếu Việt Nam sản xuất ra sản phẩm dùng thép của Trung Quốc thì họ có thể phải chịu thuế quan này. Có thể lấy ví dụ mặt hàng tủ bếp sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu nhưng lại dùng nhiều thép Trung Quốc chẳng hạn,” ông Burke nói. “Tuy nhiên cũng có những lợi ích khi một số nhà sản xuất chuyển cơ sở của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ nếu họ đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ về qui định xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”. Những vấn đề khác được phía Tổng cục Thống kê nhắc thêm bao gồm rủi ro về gian lận thương mại khi hàng Trung Quốc tìm cách núp bóng hàng Việt Nam, về việc các nhà đầu tư chuyển hướng dòng vốn hay các năng lực của Việt Nam trong cuộc chơi song phương.

Dù rằng Việt Nam với nhiều yếu tố hấp dẫn về môi trường đầu tư, địa lý, hẳn nhiên sẽ trở thành điểm đến ưng ý. Tuy nhiên, điều này cũng hàm chứa những lo ngại. Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi tập kết cho các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, quy mô nhỏ từ dịch chuyển từ Trung Quốc. Các số liệu đang ghi nhận lượng dự án FDI gia tăng nhưng quy mô dự án lại rất nhỏ, khoảng 1 triệu USD. Điều này được ông nhận định có thể là một dấu hiệu để những người làm quản lý cần sàng lọc kỹ hơn dòng vốn FDI, nhằm ngăn chặn những dự án công nghệ lạc hậu.

CÁC DẤU HIỆU CHUYỂN DỊCH TRONG QUAN HỆ THƯƠNG MÃI VIỆT NAM – HOA KỲ

Đã có những chuyển động trong liên hệ Việt Nam với Hoa Kỳ-Trung Quốc liên quan đến sự tranh chấp thương mãi giữa 2 cường quốc.

Xuất cảng từ Việt Nam:

Dệt may – Da giày: Hiện Trung Quốc đang chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu trong khi Việt Nam mới chỉ chiếm 3%. Việt Nam đã đạt kỷ lục đáng nhớ trong đầu năm 2018 khi doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may nằm trong top 5 thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh khi đạt 19.7 tỷ USD, tăng 16.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng như thế, ngành da giày Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Văn Khánh – Phó chủ tịch Hội da giày TP.HCM, trong lĩnh vực giày dép, Việt Nam hiện có hơn 700 nhà sản xuất với hơn 1.5 triệu lao động, trong đó hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 70% doanh số xuất khẩu. Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh trong khu vực về xuất khẩu giày dép với kim ngạch đạt 6.5 tỷ USD (trong năm 2011) tăng lên 13 tỷ USD trong vòng 6 năm và dự kiến đạt 20 tỷ USD trong năm nay. Sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, The North Face, Timberland, Columbia… đều do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Bên cạnh những lợi thế trên, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cũng được xem là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Mỹ, thay thế phần nào hàng hóa của Trung Quốc bị hạn chế vào thị trường này, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam đón dòng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam để đa dạng hóa các dự án đầu tư của họ.

Cá tra: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, 7 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1.198 tỷ USD, tăng 19.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất là Trung Quốc – Hong Kong, Mỹ và EU tăng trưởng khả quan. 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị XK cá tra sang EU đạt 139.1 triệu USD, tăng 16.5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu rất đáng mừng sau 3 năm liên tiếp xuất khẩu cá tra sang thị trường này ảm đạm. Riêng xuất khẩu cá tra sang thị trường Hà Lan và Italy tăng rất mạnh 43% và 83,1% đạt giá trị lần lượt là: 38.1 triệu USD và 14 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra tại Trung Quốc – Hồng Kông, thị trường tiêu thụ cá tra hàng đầu Việt Nam trong tháng 7/2018 đã giảm so với các tháng trước đó. Như vậy, trong hai tháng 6 và 7/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hong Kong đạt lần lượt 48.4 triệu USD và 38.4 triệu USD, thấp hơn giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tính đến hết tháng 7/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hong Kong vẫn đạt 289.8 triệu USD, tăng 40.6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 24.2% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Xuất cảng từ Hoa Kỳ:

Máy bay Boeing: Tại triển lãm hàng không thế giới Farnborough Airshow 2018 (Anh) tháng 7/2018, Vietjet Air và Boeing đã ký hợp đồng trị giá 12.7 tỷ USD mua 100 máy bay B737 MAX. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Boeing, đã cùng ký kết hợp đồng lớn này. Hợp đồng bao gồm 100 máy bay B737 MAX trong đó, 80 chiếc sẽ là 737 MAX 10, phiên bản lớn nhất của dòng Boeing 737 và 20 máy bay 737 MAX 8 chuẩn.

Hạt Hạnh Nhân Mỹ – Almonds USA: Hạnh nhân (Almond) là 1 loại quả hạch, bao gồm 1 lớp vỏ bên ngoài và 1 lớp vỏ cứng bên trong, nhìn rất giống hạt nhưng không phải hạt thật. Sau khi sơ chế, hạnh nhân được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau. Nổi bật nhất đó là -hạnh nhân còn vỏ lụa và loại đã bóc vỏ lụa để lộ ra màu trắng. Hạnh nhân có nguồn gốc từ vùng khí hậu Địa Trung Hải, khu vực Trung Đông, Ấn Độ. Theo thời gian, hạnh nhân được lan truyền dọc theo bờ biển Địa Trung Hải đến Bắc Phi, miền nam Châu Âu, và các nước trên thế giới, trong đó có California và Hoa Kỳ. Hiện nay, California với hơn 800,000 acre trồng Almomds là nơi có sản lượng xuất khẩu hạnh nhân lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 80% sản lượng thế giới). Trung bình một chủ vườn hạnh nhân mỗi năm thu hoạch được 1,800 lbs/acre với giá $5/lb. Nhìn chung, hạnh nhân là mặt hàng nông nghiệp có giá trị cao đứng hàng thứ nhì trong năm 2014 tại California, với $ 5.9 tỷ trong tổng số tiền thu được, theo Nha Thực Phẩm Và Nông nghiệp California cho biết. Sữa đứng hạng thứ nhất, với $9.4 tiền thu được. Với nạn hạn hán dịu bớt ở một số vùng tại California, mùa thu hoạch hạnh nhân (almond) năm nay sắp đạt mức kỷ lục cho tiểu bang này, có thể giúp các nông gia bán được hạnh nhân nhiều hơn. Việc thu hoạch đang diễn ra tại San Joaquin Valley ở miền Trung California theo dự đoán sẽ dẫn đến một khối lượng hạnh nhân 2.05 tỷ pound (1 tỷ kg) trong mùa 2018, theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ cho biết. Đó là mức tăng chừng 8 phần trăm từ khối lượng năm ngoái, và sẽ phá kỷ lục thu hoạch hạnh nhân từng có trong năm 2011 là gần 2.03 tỷ pound.

Hạt hạnh nhân nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam thời gian gần đây tăng trưởng đột biến. Không loại khả năng số lượng hàng hoá này được đưa sang Trung Quốc. Hiệp hội hạnh nhân California ước tính phần lớn trong số 43 triệu pound được nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam trong 1 năm kết thúc vào tháng 7/2017 cuối cùng đã được tiêu thụ ở Trung Quốc. Mặc dù phần lớn số hạnh nhân này được vận chuyển trực tiếp tới Trung Quốc hoặc qua Hồng Kông, trong những năm gần đây đã nổi lên một kênh giao dịch khá nhộn nhịp cho phép các doanh nghiệp chuyển 1 lượng lớn hạnh nhân đến Việt Nam rồi sau đó vào Trung Quốc để hưởng lợi về thuế. Theo luật quản lý các giao dịch thương mại tại các tỉnh của Trung Quốc nằm sát biên giới Việt – Trung, mỗi ngày người dân bản địa có thể mang số hàng hóa có giá trị tối đa 8,000 nhân dân tệ (tương đương 1,170 USD) từ Việt Nam sang Trung Quốc mà không phải trả thuế nhập khẩu.

Hạt hạnh nhân

Thức ăn chăn nuôi: Việt Nam, hiện đang sản xuất gần 30 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm, đã trở thành thị trường hàng đầu cho đậu nành, ngô Mỹ và các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, với giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này đạt gần 700 triệu USD hàng năm.

Tôm hùm: Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, hầu hết các công ty chế biến tôm hùm tại Mỹ đều chứng khiến xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Thị trường tôm đông lạnh tại Maine thông thường tiêu thụ khoảng 50% sản lượng đánh bắt của bang, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5 – 10%. Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng tôm hùm của Mỹ, theo bà Colleen Coyne phụ trách chương trình hải sản, Hiệp hội xuất khẩu hải sản vùng đông bắc Mỹ. Theo bà Colleen Coyne, trong 7 tháng đầu năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu 39 triệu USD hải sản vào Việt Nam, trong đó, tôm hùm Mỹ tăng trưởng rất nhanh. Thời gian tới, tôm hùm, hào, sò điệp và nhiều loài hải sản khác sẽ được Mỹ quảng bá nhiều hơn đến người tiêu dùng Việt.

Thịt heo: Việt Nam đứng thứ 4 với 4.9% (396 triệu USD) sau Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản. Mới đây nhất, Hiệp hội chăn nuôi heo Hoa Kỳ, đại diện bởi Phó chủ tịch Ủy ban tiếp thị của hội – ông Craig Morris – đã ghé thăm Việt Nam trong chuyến đi khảo sát thị trường châu Á. Hiệp hội bày tỏ nguyện vọng muốn được hợp tác lâu dài với Việt Nam để có cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nội tạng động vật. 60,000 nông trại Mỹ muốn xuất khẩu nội tạng lợn sang Việt Nam.

Nhựa PE (polyethylene): Nhiều chuyến tàu chở hạt nhựa PE của Mỹ sẽ đến Việt Nam trong quý tư năm nay để tránh việc Trung Quốc trả đũa, đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tin này được trang mạng Hiệp hội chất dẻo Việt Nam loan đi, trích dẫn những nguồn tin từ các nhà buôn hạt nhựa khác nhau. Những lô hàng hạt nhựa này thay vì nhập thẳng vào Trung Quốc, chúng sẽ đi qua đường Việt Nam. Một nguồn tin từ chi nhánh thương mại Mitsubishi cho rằng các chuyến hàng như thế sẽ đến từ tháng 10 trở đi, nhưng số lượng bao nhiêu thì cần chờ đến khi nào cơ quan hải quan Việt Nam công bố mới biết được chính xác. Các nguồn tin của ngành chất dẻo tiếp cận được với các số liệu hải quan cho biết là lượng hạt nhựa nhập khẩu vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay đã vượt mức trung bình của năm 2017, và còn sẽ tăng lên trong thời gian tới.

KẾT LUẬN

Những ảnh hưởng rộng hơn của chiến tranh thương mại nhiều khả năng có thể cảm nhận được trong vài tháng tới. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh từng nhận định: “Kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, do đó cũng chịu ảnh hưởng tự nhiên từ những biến động kinh tế toàn cầu”. Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tăng tốc quá trình tái cấu trúc ngành công thương. Những rào cản kỹ thuật vẫn tồn tại trong việc tăng cường tiếp cận các thị trường nước ngoài, điều mà Việt Nam cần làm tốt hơn khi các hiệp định như CPTPP hay hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sắp đi vào hiệu lực.

Để đối phó với những khó khăn khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu, không loại trừ tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu. Khi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh, các doanh nghiệp Việt còn chịu rủi ro vì Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc. Do vậy, doanh nghiệp phải tự thân vận động, tìm hiểu quy tắc xuất xứ để đáp ứng được tiêu chí hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Quan trọng hơn, doanh nghiệp nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu trong nước và các nước khác thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.

Dù chiến tranh thương mại không phải là điềm tốt cho tương lai, Việt Nam vẫn sẽ kiểm soát được tình hình và tiếp tục cải tổ kinh tế trên lộ trình tự do hóa thương mại của mình. Lịch sử đã cho thấy về mặt chính trị, Việt Nam đã ứng phó rất tốt trước tranh chấp của các ông lớn. Hy vọng điều tương tự cũng sẽ xảy ra về mặt kinh tế.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Tổn thất do cuộc chiến thương mại, Trung Quốc tính kế đáp trả Mỹ” trên mạng VOV.VN ngày 31/7/2018.
  2. Bài viết “Hạt Hạnh Nhân Mỹ – Almonds USA” trên mạng Linkedin ngày 9/6/2017.
  3. Bài viết “Việt Nam, hạt hạnh nhân Mỹ nhập lậu vào Trung Quốc và những chiêu trò trong chiến tranh thương mại” trên mạng VOV.VN ngày 31/7/2018.
  4. Bài viết “Việt Nam được và mất gì trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung?” trên mạng Zing.VN ngày 31/7/2018.
  5. Bài viết “GDP Việt Nam có thể giảm 6,000 tỷ đồng mỗi năm vì Mỹ – Trung đối đầu” trên mạng VNE ngày 9/8/2018.
  6. Bài viết “Nhà máy Trung Quốc muốn chuyển sang Đông Nam Á để né thuế Mỹ” trên mạng VNE ngày 20/7/2018.
  7. Bài viết “WEF ASEAN 2018: Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?” trên mạng VNE ngày 12/9/2018.
  8. Bài viết “Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN” trên đài BBC ngày 18/9/2018.
  9. Bài viết “BVSC dự báo hàng loạt ngành kinh doanh tại Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung” trên mạng Cafef.VN ngày 18/9/2018.
  10. Bài viết “ADB cảnh báo hàng Trung Quốc mượn mác Việt Nam né thuế Mỹ” trên mạng RFA ngày 27/9/2018.
  11. Bài viết “Rủi ro lớn nhất của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung với Việt Nam là gì?” trên mạng Cafef.VN ngày 28/9/2018.
  12. Bài viết “Dệt may, da giày Việt Nam đón dòng đầu tư đang dịch chuyển” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 5/10/2018.
  13. Bài viết “Vượt mặt Trung Quốc, Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ cá tra hàng đầu của Việt Nam” trên mạng Cafef.VN ngày 24/8/2018.
  14. Bài viết “Dệt may, da giày Việt Nam: Làm sao tránh thành “trạm trung chuyển” hàng Trung Quốc?” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn Online ngày 7/10/2018.
  15. Bài viết “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng gì đến VN?” trên đài BBC ngày 7/10/2018.
  16. Bài viết “Chuyên gia World Bank: Việt Nam sẽ hưởng lợi 4.4% GDP nhờ chiến tranh thương mại” trên đài BBC ngày 25/10/2018.

—–