Chuyện Đặc Khu Kinh Tế Tại Việt Nam

596 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Để củng cố nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đã thành lập 3 Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zones: SEZs) để tăng cường sự phát triển và cũng cố đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ba Đặc khu Kinh tế đã được lựa chọn là Vân Đồn tại miền Bắc, Bắc Vân Phong tại miền Trung và Phú Quốc tại miền Nam. Theo Cơ quan Đầu tư Việt Nam (Vietnam Investment Review), Luật Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, được sửa đổi năm 2014 và nay được tu chỉnh với điểm gây tranh cải dữ dội là thời hạn thuê đất 99 năm.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2017 được xem như là tốt nhất trong khu vực với GDP đạt 6.8% – cao hơn chỉ tiêu 6.7% do Quốc hội đề ra – được xem như là nền kinh tế phát triển mạnh nhất vùng Đông Nam Á. Hơn thế nữa, vào tháng 8/2017, Việt Nam tiên đoán tiên đoán sẽ nhận được $28 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI) vào cuối năm 2017; một chỉ số cao nhất so với dự trù.

Việt Nam còn có tham vọng xa hơn đối với sự phát triển kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị Phát triển Kinh tế Việt Nam do Communist Party’s Commission for Economic Affairs tổ chức vào tháng 2, 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “ … chúng ta phải biến đổi Việt Nam từ một cô gái đẹp trở thành một con hổ kinh tế tại Á Châu.” Tham vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để biến đổi Việt Nam thành 1 đầu tàu kinh tế không những cho vùng Đông Nam Á mà cho cả Á Châu có thể giải thích tham vọng thành lập các Đặc Khu Kinh tế (SEZs). Ba nơi được lựa chọn là Vân Đồn ở miền Bắc, Bắc Vân Phong ở miền Trung và Phú Quốc ở miền Nam. Ba nơi này sẽ nhận được những khoản đầu tư đặc biệt để nâng cấp 3 khu vực này từ EZs lên SEZs.

Ba đặc khu này cần được nhìn trên cả 2 phương diện kinh tế và chiến lược:

Về phương diện kinh tế, khu vực Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh được biết đến với các đảo nhỏ gần Vịnh Hạ Long và các bãi biển xinh đẹp. Từ năm 2007, Vân Đồn đã được phát triển thành khu vực phát triển kinh tế đặt trọng tâm vào du lịch sinh thái và giao thương quốc tế. Khá nhiều dự án đã được dự trù. Khoảng $2.5 tỷ USD đã được phân phối cho các dự án hạ tầng cơ sở. Phi trường quốc tế đang được xây cất để nối liền với các trung tâm thương mãi tại Trung Quốc như Thâm Quyến, Thượng Hải và Hồng Kông. Vân Đồn là ưu tiên số một về du lịch và thương mãi nằm trong kế hoạch phát triển của chính quyền trung ương. Tương tự như Vân Đồn, Phú Quốc cũng có những ưu điểm tương tự với diện tích tương đương với Singapore, những bãi biển hoang sơ hấp dẫn khách du lịch quốc tế, hấp dẫn các nguồn đầu tư ngoại quốc. So với năm 2015, số lượng khách du lịch năm 2016 đã tăng lên 63%. Hiện đã có 265 dự án đang được dự trù với 197 dự án với tổng số 9.5 tỷ USD đang được triển khai. Các Casino tầm vóc quốc tế sắp sửa đưa vào hoạt động. Bắc Vân Phong là một đặc khu kinh tế tổng hợp lấy khu cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo. Khu kinh tế Vân Phong rộng 1,500 km² trong đó phần trên biển rộng tới 800 km². Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong có lợi thế là cảng nước sâu Đầm Môn có thể tiếp nhận tàu 200,000 DWT vào ra dễ dàng. Về định hướng phát triển, trong Đặc khu Bắc Vân Phong sẽ phát triển dịch vụ vận tải biển và logistics, dịch vụ thương mại – tài chính, dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục tiêu chuẩn quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; phát triển đô thị và dịch vụ công nghệ cao, du lịch sinh thái.

Về phương diện chiến lược, Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Đông Bắc mà xưa kia ông cha ta đã từng ngăn chặn quân xâm lược phương Bắc theo đường biển kéo vào nước ta. Vân Phong gần với quân cảng Cam Ranh, cảng quân sự có giá trị nhất trên Biển Đông có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông và được xem là “một pháo đài khó công, dễ thủ”. Vịnh Vân Phong là vùng bờ biển Việt Nam gần nhất với các tuyến đường biển quốc tế; nằm ngay trên ngã ba đường hàng hải quốc tế. Từ Vân Phong vượt Thái Bình Dương là quãng đường ngắn nhất so với Hongkong và Singapore, có tiềm năng trở thành cảng biển lớn đầu tiên trên tuyến đường từ Châu Âu qua Châu Á. Phú Quốc, đảo lớn nhất nằm trên vịnh Thái Lan, cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, cách vùng Sihanoukville và Bokor của Campuchia mấy chục cây số. Sihanoukville đã trở thành Đặc khu kinh tế công nghiệp của Trung Quốc từ năm 2010, trở thành một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc.

Dù rằng Việt Nam được xem như là có những luật lệ rất là khó khăn về vấn đề đầu tư nước ngoài, 3 đặc khu kinh tế mới sẽ có những điều kiện dễ dàng thuận lợi từ thẩm quyền điều hành các khu vực này, đầu tư nước ngoài như thuế má và thuê đất.

TOAN TÍNH CỦA TRUNG QUỐC

Kế hoạch Một vành đai-Một con đường: Còn được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường là một khuôn khổ cho tổ chức phát triển kinh tế đa quốc gia của Trung Quốc thông qua hai kế hoạch thành phần, trên đất liền “Vành đai Kinh tế Con đường tơ lụa và và Đường hàng hải” Con đường tơ lụa trên biển. Sáng kiến này đã được công bố bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thông các kế hoạch cho Vành đai và Con đường tơ lụa này lần lượt trong tháng 9 và tháng 10/2017. Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng đường vành đai và trong các báo cáo công việc của chính phủ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh của diễn đàn Vành đai và Con đường từ ngày 12-ngày 14 tháng 5 năm 2017 về dự án cơ sở hạ tầng liên lục địa “Một vành đai, Một con đường” có đại diện từ 100 quốc gia, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia tham dự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sẽ dành vào khoảng 124 tỷ USD cho dự án. Tuy nhiên, có 6 nước châu Âu gồm: Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào bản thông cáo chung công bố ngày 15/5 khi Hội nghị bàn tròn kết thúc. Các nước châu Âu từ chối đặt bút ký do văn bản này không quan tâm đúng mức đến “các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu”. Đây là những chuẩn mực mà Liên minh châu Âu (EU) luôn đòi hỏi trong hợp tác với Trung Quốc trong thời gian qua và do Trung Quốc không thực sự mở cửa thị trường nội địa của mình. Sự phản ứng trên được cho là bắt nguồn từ bộ trưởng kinh tế và năng lượng của Đức, bà Brigitte Zypries.

Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, chủ yếu là Ấn Độ và Nhật Bản, lo ngại rằng các dự án như Hambantota ở Sri Lanka và các điều khoản dễ dàng trong việc cho vay của Trung Quốc làm cho các nền kinh tế khu vực gặp bất lợi. Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington ngày 18.10.2017, ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Mỹ, cảnh báo rằng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể trở thành nạn nhân của “kinh tế kẻ cướp” (predatory economics) của Trung Quốc. Ông nói các hành động của Trung Quốc “làm cho các quốc gia trong khu vực sẽ phải gánh chịu số nợ khổng lồ.”

Đặc khu kinh tế tại Trung Quốc: ĐKKT (SEZs) là sản phẩm của thời kỳ cải cách mở cửa nền kinh tế Trung Quốc với nước ngoài do Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi xướng năm 1978. Năm 1980, Trung Quốc thành lập bốn ĐKKT (Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông và Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến). Hiện nay, Trung Quốc có sáu ĐKKT (thêm Kashgar và đảo Hải Nam). Mới đây, Trung Quốc chọn thêm Hùng An (gồm ba huyện thuộc tỉnh Hà Bắc nhưng nằm gần Bắc Kinh và Thiên Tân – hai thành phố lớn nhất miền Bắc của Trung Quốc) làm ĐKKT, nhằm giảm áp lực cho thủ đô Bắc Kinh cũng như thúc đẩy nền kinh tế hướng tới dịch vụ và các ngành công nghệ cao, có thể trở thành Thâm Quyến thứ hai. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thành lập các “khu vực thương mại tự do” (FTZ hay EZs) gồm Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Phúc Kiến.

ĐKKT là khu vực có ranh giới địa lý xác định, nhưng có không gian kinh tế – hành chính tương đối riêng biệt, được vận hành bởi khung pháp lý riêng, linh hoạt và một môi trường đầu tư, kinh doanh gồm cả cứng (hạ tầng kỹ thuật và xã hội) và mềm (quản lý) thích hợp cho hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường đầy đủ, hướng ngoại phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chủ thể hoạt động trong đặc khu chủ yếu là các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài. Ngành nghề trong ĐKKT chủ yếu là công nghiệp, các dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, đại lý tàu biển, du lịch … Trong ĐKKT có thể có sản xuất nông nghiệp. Việc hình thành ĐKKT nhằm bốn mục tiêu: Đó là cửa sổ mở ra bên ngoài để nước ngoài đến với Trung Quốc và Trung Quốc thông ra bên ngoài nhằm thu hút vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và tạo việc làm; ĐKKT là nơi thực nghiệm các chính sách, thể chế mới của Trung Quốc.

Để phát triển ĐKKT, trước hết cần có chính sách đúng, tiếp đến là công tác quy hoạch phát triển và quy hoạch chi tiết từng ĐKKT, cuối cùng là công tác tổ chức thực hiện. Về công tác quy hoạch phát triển: Trung Quốc lựa chọn địa điểm phát triển ĐKKT trước hết ở một số nơi có điều kiện phát triển nhanh các hạ tầng kỹ thuật (cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, cấp điện, cấp nước) và nằm kề đô thị lớn có lực và thế hỗ trợ đặc khu phát triển trong giai đoạn đầu. Công tác quy hoạch chi tiết từng ĐKKT được tiến hành theo phương thức làm nhỏ trước, sau có điều kiện sẽ mở rộng ra. Định hướng phát triển công nghiệp lúc đầu là gia công, lắp ráp vì hình thức này đơn giản, nước chủ nhà hưởng tiền gia công, giải quyết việc làm, còn thị trường, quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh do chủ đầu tư đặt hàng gia công, lắp ráp lo liệu. Sau đó, khi có điều kiện mới phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Công nghiệp phát triển kéo theo sự ra đời các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Các ĐKKT được đánh giá là đã góp phần lớn vào việc thay đổi bộ mặt Trung Quốc sau hơn 40 năm cải cách mở cửa. Thâm Quyến là ĐKKT thành công nhất. Với quy mô diện tích 2,050 km², từ một làng chài ven biển nghèo khó, chỉ trong vòng gần 40 năm, năm 2016, Thâm Quyến đạt tổng sản phẩm nội địa (RGDP) 294 tỷ USD, vượt Hồng Kông và cao hơn Việt Nam. Thâm Quyến, với dân số 12 triệu người, hiện là bến cảng bận rộn thứ 3 thế giới trong khi sàn chứng khoán ở thành phố này lớn thứ 22 toàn cầu.

Trung Quốc đạt được thành tựu phát triển các ĐKKT nhờ năm bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, dự báo, đánh giá đúng tình hình trong nước, cục diện thế giới và chớp lấy thời cơ.

Thứ hai, thống nhất nhận thức.

Thứ ba, khung pháp lý rõ ràng, dễ thực hiện, cơ chế quản lý thông thoáng, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Thứ tư, thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách thu hút đầu tư nước ngoài: Luận điểm của Trung Quốc đơn giản.

Thứ năm, đa dạng hóa hình thức huy động vốn phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, câu chuyện thành công của những thành phố như Thâm Quyến không hoàn toàn chỉ có màu hồng. Bức tranh về các ĐKKT sẽ không hoàn chỉnh nếu không nói đến các khía cạnh tiêu cực của nó, bao gồm sự thiếu cân đối trong phát triển, vấn đề đầu cơ, mất đất, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu – nghèo lớn, di dân tự do, đình công nhiều hơn và phức tạp hơn.

Bài học từ Sri Lanka và Campuchia: Tại Sri Lanka, vào tháng 12/2017, chính phủ Sri Lanka phải cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota trên bờ Ấn Độ Dương 99 năm để “cấn trừ” bớt khoản nợ mà nước này đã vay để phát triển khu vực hẻo lánh này. Câu chuyện bắt đầu năm 2009, sau khi đập tan phe nổi loạn Hổ Tamil, Tổng thống Mahinda Rajapaksa quyết định đầu tư 1.4 tỷ USD để phát triển vùng Hambantota hẻo lánh – một thị trấn chỉ có 11,000 dân nằm ở cực Nam của đảo quốc và là quê hương của ông tổng thống. Khi các định chế tài chính quốc tế từ chối tài trợ, ông Rajapaksa đã tìm đến Trung Quốc – một nước sẵn sàng cho vay mà không quan tâm tới mức độ tham nhũng của nước đi vay. Đồng tiền vay được một phần chảy vào túi các quan tham, một phần đổ vào xây dựng sân bay quốc tế Hambantota – sân bay vắng vẻ nhất thế giới; vào hải cảng Hambantota – hải cảng không có tàu đến. Tất cả các công trình này – giới kinh doanh gọi là dự án “bạch tượng” (white elephant projects), đều không hiệu quả, không tạo ra lợi nhuận để thanh toán lãi vay. Chính phủ mới của Sri Lanka lên cầm quyền năm 2015 thừa kế một núi nợ từ chính phủ tiền nhiệm, đã cam kết bằng mọi cách làm giảm nợ; quyết định cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm là một giải pháp bất đắc dĩ. Tiền cho thuê được khoảng 1.1 tỷ USD, vẫn chưa đủ bù cho số nợ vay để phát triển khu vực này; chưa kể ngoài khu vực Hambantota, Sri Lanka còn nợ Trung Quốc khoảng 7 tỷ USD nữa, chưa biết lấy gì để trả.

Tại Campuchia, đặc khu kinh tế Koh Kong đang được Trung Quốc xây dựng trên một khu đất 45,000 ha của Campuchia với cảng nước sâu, sân bay quốc tế và các cơ sở hạ tầng khác như một thành phố thực thụ. Dự án ước tính trị giá 3.8 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Koh Kong – Campuchia đang nổi lên như một khu vực kinh tế khép kín cho lao động, các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc.

Kênh đào Kra

Năm 2008, chính quyền Campuchia đã trao cho Tập đoàn Phát triển Liên hiệp Thiên Tân (UDG) của Trung Quốc hợp đồng thuê thời hạn 99 năm vùng đất chiếm khoảng 20% đường bờ biển này với mức giá chỉ 30 USD/ha để xây dựng đặc khu kinh tế. Theo trang Asia Times, bề ngoài dự án tập trung cho kinh doanh du lịch như một khu nghỉ dưỡng ven biển Dara Sakor nhưng trên nhiều phương diện, nó không khác gì đang dọn đường cho một khu định cư của người Trung Quốc. Trong khi chính quyền Campuchia nêu cao lợi ích kinh tế của đặc khu với người dân, không ít chuyên gia chỉ trích nó đang dần trở thành một khu vực kinh tế khép kín dành cho công nhân, các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc. Đáng chú ý, diện tích dự án chiếm tới 45,000 ha, trong khi luật đất đai Campuchia chỉ cho phép thuê đất không quá 10,000 ha. Trong diện tích cho thuê còn có một phần đất trước đó từng nằm trong diện bảo vệ thuộc Vườn Quốc gia Botum Sakor nhưng rồi lại được phép mua bán. Tranh chấp thường xuyên nổ ra giữa cư dân địa phương cùng các nhà hoạt động môi trường với công ty Trung Quốc. Theo tổ chức phi lợi nhuận Licadho của Campuchia, một số người dân nói rằng họ bị lực lượng an ninh cưỡng chế ra khỏi mảnh đất của mình. Các chuyên gia phân tích nếu đặc khu Koh Kong được xem như một hình mẫu, Phnom Penh có thể sẽ hy sinh những lợi ích kinh tế lâu dài. Còn Trung Quốc sẽ tận dụng tầm ảnh hưởng để biến nước này thành căn cứ cho mục tiêu chiến lược lớn hơn của họ không chỉ ở khu vực Đông Nam Á. GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc, khuyến cáo Koh Kong sẽ cùng chung số phận với các dự án khác trong khuôn khổ BRI, như cảng Hambantota ở Sri Lanka, các căn cứ quân sự ở Djibouti và thỏa thuận cho thuê cảng tới 99 năm của TP Darwin ở Bắc Úc. Cảng Koh Kong hiện tại chưa mấy quan trọng nhưng tầm ảnh hưởng của nó sẽ tăng cao một khi dự án kênh đào ở Thái Lan được thực hiện, bởi kênh đào này sẽ rút ngắn đáng kể tuyến đường hàng hải từ Trung Đông tới châu Á. Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách giải quyết cái gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca” – chốt chặn chiến lược tiềm tàng nằm giữa Malaysia và Indonesia, có thể bị Mỹ hay bất cứ thế lực thù địch nào khác phong tỏa trong trường hợp xảy ra xung đột. Lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu rất lớn của Trung Quốc đi qua eo biển hẹp này, trong đó có tới 80% nhiên liệu nhập khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới. Một đề xuất để hóa giải thế bí Malacca là mở kênh đào ở Thái Lan – một khi được thực hiện, kênh đào này sẽ biến cảng Koh Kong ở phía đối diện vào vị trí chiến lược. Trong khi chuyện mở kênh đào Thái Lan đã được nghĩ tới từ thế kỷ XVI nhưng vẫn chỉ là ước mơ, GS Thayer lưu ý rằng Trung Quốc đang không ngại vung tiền khắp nơi và các điều khoản trong thỏa thuận với Campuchia thuận lợi tới mức hoàn toàn hợp lý để xây dựng một căn cứ tiềm năng ở Koh Kong. Báo cáo của C4ADS nêu trên cũng đề cập khía cạnh này. Theo đó, cảng Koh Kong, vốn có đủ độ sâu để neo những tàu chiến và tàu khu trục, có khả năng để sử dụng như là một căn cứ quân sự trong tương lai.

Nói tóm lại, câu chuyện Sri Lanka và Campuchia không phải là trường hợp cá biệt. Theo chuyên gia Chellaney, từ Argentina tới Namibia tới Lào, nhiều nước đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, buộc họ phải đối mặt với những sự lựa chọn đau đớn để tránh bị phá sản. Món nợ từ Trung Quốc đang đe dọa buộc Kenya phải nhượng cho Bắc Kinh hải cảng sầm uất Mombasa – cánh cửa vào vùng Đông Phi rộng lớn – một trường hợp Hambantota ở châu Phi. Năm ngoái, Djibouti – một nước nhỏ ở vùng Sừng châu Phi từng vay của Trung Quốc hàng tỷ USD mà không trả nổi đã phải đồng ý cho Bắc Kinh thiết lập căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình – căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Pakistan là một trường hợp rất đáng chú ý. Chặng đầu tiên trong đại dự án BRI mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “dự án thế kỷ” là dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), gồm rất nhiều dự án đường bộ, đường sắt, ống dẫn dầu, nhà máy điện, hải cảng … từ Tân Cương (Trung Quốc) kéo dài 3,200 km, tới cảng nước sâu Gwadar trên bờ vịnh Oman thuộc Pakistan nhưng gần eo biển Hormuz của Iran. Trung Quốc cam kết đầu tư và cho vay 62 tỷ USD để thực hiện các dự án thuộc CPEC, kỳ vọng hành lang này sẽ bảo đảm cho hàng hóa và năng lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển thông suốt, giảm chi phí mà không phải phụ thuộc vào con đường biển độc đạo qua eo biển Malacca có thể bị hải quân Mỹ phong tỏa bất cứ lúc nào. Năm ngoái, Trung Quốc đã đạt được hợp đồng thuê cảng nước sâu Gwadar trong 40 năm và bắt đầu đẩy mạnh các dự án thuộc CPEC khi quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ có dấu hiệu căng thẳng gần đây. Tuy nhiên, mới tháng trước, Pakistan quyết định rút lui khỏi một dự án thủy điện có vốn đầu tư tới 14 tỷ USD nằm trong hành lang CPEC vì không chấp nhận những điều kiện vay vốn quá khắc nghiệt mà phía Trung Quốc đưa ra và lo ngại Pakistan sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Cả WB và IMF đều cảnh báo, những món vay của Trung Quốc với lãi suất lên tới 7%/năm có thể gây nguy hiểm cho nền tài chính Pakistan và sẽ buộc nước này phải xin cứu nguy (bailout) từ các định chế tài chính quốc tế.

LỜI NGUYỀN ĐỊA LÝ – KẺ NỘI THÙ

Lịch sử cận đại giữa Trung Quốc và Việt Nam là sự tiếp diễn giữa lời nguyền địa lý và sự tiếp sức của những kẻ nội thù tại Việt Nam mà Trung Quốc luôn luôn giữ thế chủ động.

Các ĐKKT tại Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong những vấn đề sinh tử về phương diện an ninh, quốc phòng mà dân tộc Việt Nam phải đối phó. Trung Quốc, với dân số 1.4 tỷ người, với nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới và tiền dự trữ trên 3,000 tỷ USD, sẵn sàng bỏ ra vài chục tỷ USD, lùa vài chục triệu dân Trung Quốc sang Việt Nam bất cứ lúc nào để biến các ĐKKT của Việt Nam thành nhượng địa của mình. Một nhà bình luận quốc tế đã dí dỏm ví Bán đảo Triều Tiên và Việt Nam là cái đầu và chân của con gà mang tên Trung Quốc. Đôi chân Việt Nam mang nặng tất cả áp lực từ con gà Trung Quốc. Những khó khăn của Việt Nam bắt nguồn từ địa chính trị và nhóm thân Tàu trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam.

Về phương diện địa chính trị, sông Mekong và Biển Đông là 2 gọng kềm mà Trung Quốc áp đặt lên dân tộc Việt Nam mà cho đến bây giờ vẫn chưa có lối gỡ. “Việt Nam đang phải đối mặt với mối đe dọa từ hai phía khi Trung Quốc ngày càng có khả năng can thiệp lớn hơn vào dòng chảy của sông Mekong bằng các con đập lớn, đồng thời tăng cường sức ép bằng các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông”, nghiên cứu gia người Scotland Patrick Cronin nhận định.

Dòng sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng nối liền 6 quốc gia Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Với khoảng 4,800 km chiều dài, con sông quốc tế này tạo ra nhiều sinh cảnh độc đáo, các hệ sinh thái giàu có và nhiều vùng châu thổ phì nhiêu. Cho đến cuối thế kỷ 20, sông Mê Kông vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên vẹn do chưa bị ngăn đập trên phần lớn dòng chảy. Tuy nhiên, lưu vực sông Mê Kông trong thời gian gần đây trở nên ngày càng sôi động với nhiều diễn biến phát triển nóng gây không ít tranh cãi. Dòng sông quốc tế này đang chứng kiến xu thế cạnh tranh với tâm điểm là việc sử dụng nguồn nước của mỗi quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển của riêng mình đi đôi với những hậu quả và thách thức tiềm tàng cho các quốc gia khác. Bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 20, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực và một Trung Quốc đang trỗi dậy đứng trước cơn khát năng lượng phục vụ nhu cầu tăng trưởng nóng. Thủy điện trở thành tâm điểm của các chiến lược đầu tư mới của cả chính phủ và khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, gia tăng dân số trong lưu vực và biến động giá cả lương thực trong những năm gần đây đã thúc đẩy các quốc gia đầu tư mạnh mẽ hơn cho cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đặt dấu chấm hết cho sự nguyên vẹn của con sông Mê Kông với kế hoạch xây dựng ít nhất 7 đập thủy điện trên dòng chính phía thượng nguồn. Cho đến nay, họ đã hoàn thành và đưa vào vận hành 5 đập là Mãn Loan (Manwan), Đại Chiếu Sơn (Dachaoshan), Cảnh Hồng (Jinghong),Tiểu Loan (Xiaowan) và Nọa Trát Độ (Nuozhadu). Lào và Campuchia cũng bắt đầu lên kế hoạch xây dựng 12 đập trên dòng chính trong khoảng thời gian này. Ngoài ra, hệ thống các dòng nhánh của sông Mê Kông đang được Thái Lan chuyển dòng cho thủy điện và nông nghiệp.

Các dự án chuyển nước của các quốc gia thượng lưu kết hợp với sự hoạt động của đập thủy điện sẽ làm gia tăng sự thiếu hụt nguồn nước ở các quốc gia hạ lưu, trong đó Việt Nam nằm cuối cùng hạ lưu sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Được biết hiện nay lượng phù sa của sông Mê Kông chảy qua 5 nước Đông Nam Á đã bị giảm phân nửa. Ruộng đồng ở châu thổ sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam không những sẽ thiếu phù sa màu mỡ bồi đắp, mà còn bị nước mặn từ biển xâm thực thêm. Việt Nam đã bắt đầu phải trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử, khiến nước mặn lấn sâu vào đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km, làm hàng trăm nghìn ha lúa của người dân bị thiệt hại. Ở vị thế là một quốc gia cuối nguồn, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động to lớn chưa thể lường trước từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn. Việt Nam rất cần có các giải pháp ứng phó và hạn chế tối đa nguy cơ trở thành nạn nhân của những tính toán, sắp đặt của các quốc gia thượng nguồn.

Tranh chấp Biển Đông đã được nói nhiều trong các bài viết riêng biệt. Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã bỏ ra hàng chục tỷ USD để xây các đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chỉ riêng tại Đá Chữ Thập, tổng giá thành bồi đắp đất đá ở lên tới 73.6 tỷ nhân dân tệ (hơn 11.27 tỷ USD) và giá này chưa bao gồm hạ tầng bên trên. Trong năm 2018, Trung Quốc bắt đầu quân sự hóa các đảo nhân tạo các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai vấn đề sông Mekong và Biển Đông đòi hỏi một trật tự mới cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 nhân tố chính. Barack Obama dựa vào đối thoại để giải quyết các vấn đề ngoại giao, đồng thời miễn cưỡng sử dụng áp lực quân sự và không thực hiện các hành động cần thiết, kịp thời. Ông Barack Obama không thích xung đột và Trung Quốc đã dựa vào sự yếu ớt của Hoa Kỳ để thực thi giấc mộng bành trướng. Trong thời kỳ mà Hoa Kỳ đang thay đổi chính sách, hy vọng sự quyết đoán của Tổng thống Trump sẽ đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc. Mong rằng các quốc gia khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và châu Âu sẽ có những quyết định rõ ràng hơn để có được sự quân bằng trong khu vực này.

SUY NGẪM VỀ BIỂU TÌNH Ở VIỆT NAM

Về những quyết định có tính cách chiến lược thì rất khó cho những người nghiên cứu có một cái nhìn rõ ràng về nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam. Trên mặt nổi thì có thể nhìn thấy 3 khuynh hướng: Nhóm giáo điều có khuynh hướng hay đóng vai thân Tàu, nhóm chính thống và cấp tiến có khuynh hướng độc lập và thân Tây phương. Dù thuộc nhóm nào thì các thành phần cao cấp đều muốn nắm các dự án kinh tế trọng điểm vì đây là quyền lợi sinh tử của họ. Hiểu được chiến lược thật sự đối với Trung Quốc và mục tiêu của mổi nhóm đòi hỏi rất nhiều hiểu biết về đảng Cộng Sản Việt Nam. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được nhiều người xem như có tư tưởng độc lập và thân Tây phương nhưng chính ông ta là người chấp thuận kế hoạch khai thác Bauxite Tây Nguyên mà đến bây giờ vẫn chưa biết được lời lỗ và sự tàn phá môi trường. Các vụ cho thuê đất trồng rừng bất hợp pháp từ 2003-2009 cũng xảy ra lúc ông Dũng còn tại chức. Vụ cá chết năm 2016 tại Vũng Áng – Hà Tĩnh liên quan đến công ty Formosa của Đài Loan có bóng dáng của các công ty Trung Quốc chống lưng đến nay chỉ quy trách trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi Trường và các quan chức địa phương. Gần đây là vụ Đại tướng Phùng Quang Thanh. Là Bộ trưởng Quốc phòng mà ông ta lại có những lời tuyên bố thân Trung Quốc. Về lại Việt Nam sau một thời gian thăm viếng và chữa bệnh tại Pháp, ông đã biến mất mà chẵng ai biết được sống chết như thế nào.

Nhìn chung, việc biểu tình ở Việt Nam ngày nay – dù rằng ở các mức độ khác nhau – không phải là biến cố tự bộc phát. Dư luận Việt Nam sau nhiều tuần căng thẳng, nhiều người đang rất búc xức về nhiều vấn đề, trong đó có hai tranh luận chính là về chuyện Đặc Khu/99 năm và chuyện Dự Luật An ninh mạng.

Trong 88 Điều của Dự Luật Đặc khu không thể hiện những cơ chế, chính sách đặc biệt nào dành cho doanh nghiệp Trung Quốc, nhà đầu tư Trung Quốc hay quốc gia Trung Quốc nói chung. Đối tượng thuê đất được nhắc đến trong toàn bộ nội dung là: Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, nhìn lại sự phản đối của người Việt trong và cả ngoài nước đối với dự thảo luật này gần 1 tuần qua cho thấy, người Việt đang dồn sức ngăn cản cơn ác mộng 99 năm dân tộc Việt sẽ phải gánh chịu dưới những thể chế, quy định của nhà đầu tư nước ngoài đến từ đất nước có tên là Trung Quốc. Nếu dùng thuyết âm mưu (Conpiracy theory) để giải thích sự việc thì một số các thành phần chính thống trong đảng Cộng Sản đã không ngăn chận được việc đưa ra Quốc hội dự luật này và việc dân chúng biểu tình trên khắp lãnh thổ Việt Nam có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền và thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến Công an và do vậy Công an mới không đàn áp dã man như trước đây.

KẾT LUẬN

Ngày 9/6, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã phải ra thông cáo về việc lùi thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cho đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2018. Thật ra, ba đặc khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được lên kế hoạch và triển khai từ lâu. Điều quan trọng nhất là dự luật phải bảo vệ quyền lợi quốc gia và khuyến khích sự đầu tư của nước ngoài. Đừng để sự xáo trộn nội bộ làm nản chí các nhà đầu tư. Bài học từ Sri Lanka và Campuchia phải được những người lãnh đạo Việt Nam khắc vào tâm khảm.

Điều mập mờ là những người lãnh đạo Việt Nam đợi đến khi những cuộc biểu tình bùng nổ khắp nước mới tìm lời bào chữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì cố gắng nói rõ: “Dự thảo 99 năm chỉ áp dụng đối với trường hợp đặc biệt. Đó phải là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước mình cần công trình đó”. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, kêu gọi “ … đừng tạo ra thêm bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu nhầm trong dân chúng. Sự ngộ nhận đó lan ra ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình của đất nước”. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì ló mặt khuynh hướng thân Trung Quốc của mình: “Thời gian qua, các thế lực thù địch đã lợi dụng tâm lý “bài Trung Quốc” trong một số người dân để kích động, chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc”. Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” đăng trên báo Tuổi Trẻ với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” – đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang.

Tạo ra những mâu thuẩn nội bộ nhất là liên hệ với Trung Quốc là điều xấu nhất trong giai đoạn hiện tại. Sự ổn định chính trị ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế. Trung Quốc luôn dùng mọi cách để làm yếu sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Nếu đảng Cộng Sản đã có những thỏa thuận ngầm 99 năm với Trung Quốc về các đặc khu kinh tế thì đây là giọt nước tràn ly cho những biến động lớn hơn tại Việt Nam.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Vietnam to boost its economy with Special Economic Zones” trên mạng The Asean Post ngày 6/3/2018.
  2. Special Economic Zones and the Economic Transition in China – https://books.google.com/books?isbn=9810237901 – Wei Ge – 1999 – ‎Business & Economics
  3. Một vành đai, Một con đường – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  4. Bài viết “Chiến tranh mạng” của tác giả đưa lên mạng ngày 3/1/2018.
  5. Bài viết “Bài học đặc khu kinh tế của Trung Quốc” trên mạng TBKTSG ngày 14/11/2017
  6. Bài viết “Chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc” trên mạng Kinh Tế Sài Gòn ngày 28/1/2018.
  7. Bài viết “Trung Quốc đã bẫy và ép Sri Lanka “hai tay dâng cảng chiến lược” như thế nào?” trên mạng Đàn Chim Việt ngày 28/6/2018.
  8. Bài viết “Không sợ Trung Quốc mới có thể hiệu chỉnh hành vi của Bắc Kinh” trên mạng Giáo Dục Việt Nam ngày 25/6/2018.
  9. Bài viết “Chuyện ‘đặc khu’: Bài học từ Campuchia” trên đài VOA ngày 8/6/2018.
  10. Bài viết “Đặc khu 99 năm và cơn ác mộng mang tên Trung Quốc” trên đài RFA ngày 5/6/2018.
  11. Bài viết “Ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam sẽ tỏa sức hấp dẫn” trên mạng VOV.VN ngày 18/2/2018.
  12. Bài viết “Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng VN nói về đặc khu” trên đài BBC ngày 6/6/2018.
  13. Bài viết “Thủ tướng: Xem xét điều chỉnh thời hạn cho thuê đất 99 năm” trên mạng Đà Nẵng Online ngày 5/6/2018.
  14. Bài viết “Chính phủ Việt Nam lùi thời gian trình dự án Luật Đặc khu” trên đài BBC ngày 9/6/2018.
  15. Bài viết “Bối cảnh phát triển lưu vực sông Mê Kông và giải pháp ứng phó cho Việt Nam” trên mạng PanNature ngày 30/11/2012.
  16. Bài viết “Suy ngẫm về biểu tình ở Việt Nam: Đâu là gốc?” của Tiến sĩ Jonathan London trên mạng BBC ngày 11/6/2018.
  17. Bài viết “Đặc khu kinh tế: Học gì ở Trung Quốc?” trên mạng BBC ngày 26/6/2018.

Nguyễn Mạnh Trí
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
Tu chỉnh: 1 tháng 7 năm 2018