Trái cây Việt Nam

564 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Kể từ năm 2000, Việt Nam đã mất gần 20 năm để trái cây Việt Nam mở cửa được nhiều thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản phẩm (hay còn gọi là thị trường khó tính) như Mỹ, EU, Nhật Bản, New Zealand, Đài Loan, Chile cho 5 loại trái cây chính là thanh long, nhãn, xoài, vải và vú sữa. Điều đặc biệt là giống lúa Japonica, na dai trồng trên núi đá Lạng Sơn, xoài da xanh trồng tại Sơn La là những vùng ở miền Bắc không được màu mỡ như đồng bằng sông Cửu Long nhưng người dân Việt vẫn tận dụng những gì mình có được. Về chất lượng và mùi vị trái cây trồng ở Việt Nam được nhiều nước đánh giá rất cao, với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với các loài cây ăn quả nhiệt đới. Quy trình và hệ thống kiểm soát cũng đang dần dần được cải tiến. Vấn đề còn lại là các công ty xuất khẩu và nông dân phải triệt để tuân theo đúng quy trình để bảo đảm chất lượng vừa mới tạo ra được.

TIÊU CHUẨN XUẤT KHẨU (VIETGAP – MÃ SỐ VÙNG – CHIỀU XẠ)

VIETGAP: VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sảnViệt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuấtngười tiêu dùng, bảo vệ môi trườngtruy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Tháng 11/2007, một nhóm cán bộ thuộc Hội làm vườn, Vụ Khoa học, Cục trồng trọt, cục BVTV tham quan, khảo sát chương trình GAP của Malaysia, tổ chức Quốc tế Control Union (Hà Lan) đóng tại Malaysia. Trên cơ sở đó, đoàn trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những kiến nghị về tổ chức triển khai chương trình EurepGAP trên rau quả, chăn nuôi thú y và thủy sản ở Việt nam. Ngày 28/1/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn.

Như vậy, VietGAP được biên soạn chủ yếu dựa trên các quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp tốt của một số nước, tổ chức trên thế giới như: AseanGAP, GlobalGAP, EurepGAP, HACCP, luật pháp Việt Nam về vệ sinh, an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, nhiều công ty, HTX tiến hành nghiên cứu xây dựng sản phẩm của mình có thương hiệu theo tiêu chuẩn GlobalGap để hòa nhập với thị trường Quốc tế.

Các quy trình VietGAP: VietGAP được áp dụng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và  thủy sản.

Những lợi ích khi sản xuất theo VietGAP:

  • Áp dụng VietGAP là bằng chứng để khẳng định thương hiệu của nông sản Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu do vượt qua được rào cản kỹ thuật, không vi phạm các quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu. Áp dụng VietGAP làm thay đổi tập quán, thói quen, hành vi sản xuất, tạo sản phẩm cho cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần làm cho xã hội giảm bớt được chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội.
  • Thông qua áp dụng ViệtGAP, việc kiểm soát trong các khâu của sản xuất được coi trọng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, giúp nhà sản xuất phản ứng kịp thời với các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi được chứng nhận VietGAP, nông sản được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, cộng đồng tiêu dùng, cơ quan quản lý… giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định.
  • Sản xuất theo VietGAP tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho công nghiệp chế biến, giúp các doanh nghiệp bảo đảm được chất lượng đầu ra của sản phẩm, vì thế giữ được uy tín với khách hàng và nâng cao doanh thu. Đồng thời các doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí và thời gian cho việc kiểm tra mẫu nguyên liệu; giảm nguy cơ sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc bị kiểm tra 100% khi nhập do không đảm bảo yêu cầu về dư lượng hóa chất.
  • Sản xuất theo VietGAP giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là mục tiêu chính và lợi ích lớn nhất mà VietGAP mang lại. Bên cạnh đó, VietGAP sẽ tạo nên quyền được đòi hỏi của người tiêu dùng, góp phần giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường khi thấy có những dấu hiệu của sản phẩm VietGAP, đây là động lực chính thúc đẩy người dân và các nhà sản xuất phải cải tiến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm tốt từ nông nghiệp cho xã hội.

MÃ SỐ VÙNG: Một vấn đề đang được các nhà XK quan tâm, đó là trong thời gian không xa, nước này có thể áp dụng việc truy xuất ngặt nghèo hơn đối với trái cây NK từ Việt Nam, trong đó áp dụng việc truy xuất nguồn gốc trái cây thông qua việc áp dụng cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, mới chỉ có 2 quốc gia yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép XK sang các nước này, đó là Úc và Hoa Kỳ. Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, nước NK có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào về tình hình SX, việc đảm bảo vệ sinh ATTP, chất lượng sản phẩm … tại các vùng trồng.

Vậy mã số vùng trồng là gì? Thủ tục để được cấp mã số vùng trồng ra sao? Ông Lê Nhật Thành, GĐ Trung tâm Kiểm dịch thực vật (KDTV) Sau nhập khẩu (Cục BVTV) cho biết: Mã số vùng hiểu nôm na là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình SX, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó (tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số). Theo quy định hiện hành, một vùng trồng được xem xét cấp mã số phải đảm bảo nguyên tắc là vùng SX tập trung, có quy mô không nhỏ hơn 7ha và không lớn hơn 12ha.

Khi một nước NK có yêu cầu hàng nông sản Việt Nam phải có mã số vùng trồng, Cục BVTV sẽ gửi thông tin về mã số vùng trồng đã cấp cho nước NK. Căn cứ vào mã số do Cục BVTV phía Việt Nam cấp, các cơ quan chức năng cửa khẩu của nước NK sẽ đối chiếu với hồ sơ, thông tin trên bao bì nhãn mác của lô hàng NK (trong đó có mã số vùng trồng), nếu trùng khớp mới cho phép thông quan.

Cuối năm 2017, có 2 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động kinh doanh nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phục các thị trường xuất khẩu khó tính như Nhật, Úc, Hàn Quốc …. Dự án APEC Connect được khởi động từ tháng 10/2017 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với sự tài trợ của Chính phủ Úc và Quỹ châu Á nhằm mục tiêu xây dựng ứng dụng truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ blockchain hướng đến xây dựng thương hiệu thanh long Việt Nam, và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Chương trình này đưa vào thử nghiệm trên chuỗi thanh long xut khẩu, sau đó hiệu chỉnh và áp dụng cho các nông sản khác.

CHIẾU XẠ: Chiếu xạ đối với nông sản không chỉ khẳng định chất lượng, mà còn là điều kiện bắt buộc để các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam chấp nhận tiêu thụ. Hiện nay, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều loại trái cây rất được ưa chuộng như thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vải … Hiện nay, chiếu xạ thực phẩm đã được ứng dụng ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, nhiều nước đã ứng dụng chiếu xạ như một biện pháp kiểm dịch thực vật hiệu quả để phòng ngừa các dịch hại kiểm dịch thực vật lây lan và phát tán theo con đường thương mại quốc tế nông sản và rau quả tươi. Công nghệ chiếu xạ đã được Tổ chức Y tế thế giới, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và Tổ chức Nông Lương thế giới khẳng định hiệu quả trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh nguồn gốc thực phẩm. Mỹ là một trong những quốc gia trên thế giới đi đầu trong việc ứng dụng chiếu xạ trong kiểm dịch thực vật. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cho việc xử lý kiểm dịch thực vật cho tất cả các loại mặt hàng nông sản và trái cây tươi nhập khẩu vào Mỹ (Treatment Manual), trong đó biện pháp chiếu xạ được ứng dụng trên nhiều mặt hàng và xử lý được nhiều loại dịch hại kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, tổ chức BVTV Quốc tế (IPPC) đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc tế về biện pháp Kiểm dịch thực vật (ISPM) số 18: “Hướng dẫn cho việc sử dụng chiếu xạ như là biện pháp Kiểm dịch thực vật”.

Tại Việt Nam, xử lý chiếu xạ đã và đang từng bước được sử dụng như một biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật các đối tượng dịch hại kiểm dịch thực vật, đồng thời sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng khác trong lĩnh vực Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Nhằm mục đích nâng cao vị thế mặt hàng trái cây xuất khẩu, xử lý chiếu xạ đã và đang từng bước được sử dụng như một biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật các đối tượng dịch hại kiểm dịch thực vật vì đây là biện pháp mang lại hiệu quả xử lý cao, ít gây ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã của mặt hàng xuất khẩu.

Trồng ở vùng sản xuất được đăng ký và dưới sự giám sát của Tổ chức Bảo vệ thực vật quốc gia … đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình giao thương, rất dễ có sinh vật ngoại lai xâm hại, nếu không được quản lý tốt sẽ trở thành mối nguy hiểm lớn đối với đa dạng sinh học, đối với sự phát triển bình thường của các hệ sinh thái, gây thiệt hại về kinh tế đối với nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), tính đến thời điểm tháng 8/2016, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 5,000 tấn rau quả tươi với giá trị gần 1.6 tỷ USD (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015); đã và đang thực hiện đàm phán với các thị trường nhập khẩu trái cây tươi về rào cản kỹ thuật trong thương mại với các nước, trong đó có các thị trường yêu cầu kiểm dịch thực vật khắt khe như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, các nước châu Âu.

Hiện nay trên toàn quốc đã có 2 trung tâm chiếu xạ thuộc nhà nước. Ngoài Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nói trên, năm 1999, Viện NLNTVN đã xây dựng thêm cơ sở chiếu xạ thứ 2 tại TP.HCM. Ngoài ra, còn có 4 cơ sở chiếu xạ của tư nhân cũng đã được đưa vào hoạt động ở Sài Gòn, Bình Dương, Cần Thơ và Vĩnh Long. Trong đó, Công ty Son Son và An Phú đã được phía Hoa Kỳ và Úc cấp phép cho việc xử lý chiếu xạ kiểm dịch đối với 4 loại quả tươi xuất khẩu gồm thanh long, chôm chôm, vải thiều và quả nhãn. Giá cả xây dựng một trung tâm chiếu xạ trung bình vào khoảng 3 – 5 triệu USD tùy thuộc vào kích thước, khả năng chiếu xạ và các yếu tố khác. Giá cả này cũng vừa phải trong kỹ nghệ thực phẩm thế giới.

Sơ đồ dây chuyền chiếu xạ

Việt Nam có tổng diện tích đất trồng cây ăn quả khoảng 775,500 ha, phân bố đều trên cả nước với sản lượng gần 3.9 triệu tấn/năm. Dự kiến, sản lượng trái cây cả nước sẽ được nâng lên 11.3 triệu tấn vào năm 2020 và 17.7 triệu tấn vào năm 2030. Các phương tiện kiểm soát cũng phải được tiên liệu trước để đáp ứng được nhu cầu.

TRỒNG TRỌT TẠI MIỀN BẮC

Giống lúa Japonica ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Trên thế giới người ta biết đến 2 loại gạo chất lượng cao chính: gạo hạt dài chất lượng cao thuộc loài phụ Indica, được sản xuất ở các nước nhiệt đới và loại hạt tròn thuộc loài phụ Japonica được sản xuất chủ yếu ở vùng lạnh. Khác với lúa Indica, hạt gạo của lúa Japonica tròn, cơm dẻo do có hàm lượng amylose thấp hơn và có chứa amylopectin. Một số giống lúa Japonica, cơm có màu hơi vàng do có hàm lượng protein trong hạt khá cao. Japonica là (loài phụ) lúa chịu lạnh mới xuất hiện ở Việt Nam. Đây là những giống lúa hạt tròn, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với SX vụ xuân và khu vực miền núi phía Bắc với giá bán cao gấp 2-3 lần giá gạo Indica. Hiện nay, tổng sản lượng lúa Japonica của thế giới khoảng 100 triệu tấn trên diện tích 17.29 triệu ha, chiếm khoảng 11.9% tổng diện tích trồng lúa thế giới (source: FAO production yearbook, 1984 and 1994). Nhưng tình hình sản suất lúa Japonica trên thế giới hiện nay có những thay đổi, diện tích trồng lúa Japonica đã lên tới 20%. Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sản xuất lúa Japonica với tổng diện tích khoảng 7.3 triệu ha, tiếp đó là Nhật Bản, Triều Tiên/Hàn Quốc khoảng 2 triệu ha. Nước Mỹ hàng năm sản xuất khoảng 10 triệu tấn lúa Japonica trên 1.3 triệu ha. (Source: FAO 2005). Tiểu bang California là bang sản xuất chính với 90% lúa Japonica, với năng suất bình quân 9 tấn/ha, trong đó xuất khẩu khoảng 30% (Mechel S. Paggi and Fumiko Yamazaki 2001). Nhu cầu đối với lúa gạo chất lượng cao của người tiêu dùng trong nước và người nước ngoài làm ăn tại Việt Nam ngày càng lớn là cơ hội để mở rộng sản xuất và thương mại một số giống lúa mới chất lượng cao – lúa hạt tròn Japonica. Gần đây, Viện Di truyền nông nghiệp đã triển khai mạnh việc chọn tạo các giống lúa Japonica. Viện đã kết hợp với các viện liên quan, hội Giống cây trồng VN, các công ty triển khai chọn tạo, khảo nghiệm trên 100 giống lúa Japonica khác nhau ở các tỉnh phía Bắc cũng như miền Nam. Kết quả đã được Bộ NN-PTNT cho công nhận 2 giống chính thức và 3 giống được công nhận tạm thời. Tất cả các giống lúa Japonica đều có tiềm năng năng suất cao, một số nơi năng suất đạt trên dưới 10 tấn/ha như ở Thái Bình, Đồng Tháp, An Giang với chất lượng gạo cao, mẫu mã đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giá cả dao động từ 800-1,500 USD/tấn so với gạo trắng hạt dài 5% tấm từ 400-500 USD/tấn. Trong năm 2018, lần đầu tiên giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn.

Thử nghiệm giống lúa Japonica

Trồng na trên núi đá Lạng Sơn: Những năm gần đây, sản phẩm na dai được trồng trên núi đá đã trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo đối với người dân huyện Chi Lăng- Lạng Sơn. Theo ước tính, mỗi năm, từ sản phẩm đặc trưng này của vùng đã giúp mang lại doanh thu khoảng 800 tỷ đồng cho người dân địa phương. Với sản lượng thu hoạch trung bình hơn 10,000 tấn/ năm, hiện nay, huyện được xem là vựa na lớn nhất trong cả nước. Vùng trồng na được phân bố chủ yếu tại 5 địa phương thuộc khu vực lòng máng sông Thương, gồm các xã: Chi Lăng, Quang Lang, Mai Sao, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ. Đến nay, sản phẩm na Chi Lăng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và một số quốc gia lân cận. Cây na bắt đầu được trồng ở huyện từ khoảng những năm 1980 và cho tới những năm 2000 trở lại đây thì phát triển khá mạnh. Để phát huy được tối đa lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, trong những năm gần đây, lãnh đạo huyện đã có chủ trương mở rộng diện tích đất trồng na. Theo đó, huyện đã vận động nhân dân khai thác, tận dụng diện tích đất ở vị trí các chân núi, triền núi vốn khó canh tác cây nông nghiệp truyền thống để cải tạo thành đất trồng na. Từ năm 2015, tổng diện tích trồng na của địa phương là 1,200 ha thì đến năm 2018, huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng là hai địa phương có diện tích na nhiều nhất tỉnh Lạng Sơn với gần 3,000 ha, trong đó huyện Chi Lăng là gần 1,600 ha, sản lượng hằng năm đạt từ 15,000 tấn trở lên; huyện Hữu Lũng trên 1,300 ha, ước tính sản lượng đạt trên 13,000 tấn. Theo dự ước của ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn, niên vụ na năm 2018, sản lượng có thể đạt từ 30,000-32,000 tấn, giá trị thu được ước gần 1,000 tỷ đồng (43 triệu USD). 

Cần xé chở na và hệ thống ròng rọc đơn giản đưa trái cây xuống núi

Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay nhãn, vải ở miền Bắc ra hoa đạt tỷ lệ 95%, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến mối lo ngại của người nông dân về tình trạng “được mùa rớt giá”. Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các địa phương kết nối với các doanh nghiệp lớn thu mua nhằm xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Ngoài ra, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho hay: “Năm nay, nhiều vùng sản xuất vải, nhãn đã mở rộng quy mô sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu”. Việt Nam đang có thị trường rất lớn là Trung Quốc, bởi quả vải và quả nhãn đã được cấp phép là 2 trong số 8 loại quả được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Ngoài ra, nhiều loại trái cây Việt Nam đã xuất khẩu được sang những thị trường khó tính như: Hà Lan, Mỹ, Australia …và sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ đàm phán với phía Úc tiếp tục “mở cửa” với quả nhãn.

Vải thiều Hải Dương

Vào đầu tháng 8/2018, người viết bài này theo bà xã đi chợ Mễ có chưng bày 2 kệ chứa đầy vải Việt Nam với hầu hết khách hàng là các bà nội trợ Việt Nam đang lựa chọn thỏa mái. Với cách mua này thì số lượng bị chê sẽ rất là nhiều. Tác giả có hình ảnh các trái vải bán sang Nhật. Cách gói này quá mắc mỏ, chắc chỉ có người Nhật mới có tiền mua. Việt Nam nên nghĩ đến một cách gói và phân phối hàng dung hòa 2 cách trên thì phẩm chất và lợi nhuận sẽ tốt hơn nhiều.

Vải thiều Hải Dương xuất cảnh qua Nhật

Nhãn lồng Hưng Yên: Hưng Yên là tỉnh duy nhất cả nước không núi non, có lẽ vì thế mà đất trời ưu ái cho nơi đây trồng được loại nhãn ngon như thế. Nhãn lồng đặc sản đứng thứ 13 trong danh sách top 50 trái cây đặc sản Việt Nam. Nới kinh đô của loài nhãn lồng phải kể đến vùng Phố Hiến, nằm bên bờ tả sông Hồng, từ xa xưa, nhãn lồng đã biến nơi đây thành vùng đất nổi tiếng văn minh nhộn nhịp, thương lái từ khắp mọi nơi đổ về đây để mong có thể được thưởng thức một lần thức quả được gọi là “vương giả chi quả”, được vua chúa chọn làm đặc sản tiến cống bấy giờ, có lẽ vì vậy, mà có câu ca dao “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Hưng Yên giờ đây đã là thủ phủ của các loài nhãn, nhiều giống nhãn mới lạ khác được trồng như: nhãn nước, nhãn gỗ, nhãn Hương Chi, nhãn Miền Thiết … nhưng tất cả chỉ có loại nhãn lồng Hưng Yên này là ngon nhất. Những quả nhãn vẫn giữ được cùi dày, mọng nước, vị ngọt thơm ăn bao lần vẫn thấy ngon lạ miệng như lần đầu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, năm 2018, diện tích trồng nhãn trên địa bàn tỉnh khoảng 4,340 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 3,820 ha.

Ngày 12/8/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi họp phát triển kinh tế, lưu ý Hưng Yên cần tập trung xây dựng thương hiệu, xác nhận chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ cần được bảo tồn và phát triển, nhất là khi nhãn lồng đang bị đe dọa bởi các giống nhãn giả từ Trung Quốc. Theo thỏa thuận hợp tác giữa Vietnam Airlines và chính quyền tỉnh Hưng Yên, nhãn lồng sẽ trở thành món tráng miệng trên khoang Thương gia. Đặc sản này sẽ được phục vụ trên hơn 70 đường bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội, TP.HCM đi nội địa Việt Nam, châu Á, Australia và châu Âu. Nhãn lồng được đưa lên máy bay phải đạt tiêu chuẩn VietGap, có hương vị thơm ngọt, lớp cùi dày và trải qua nhiều khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đến bàn ăn của hành khách. Vietnam Airlines dự kiến phục vụ nhãn lồng Hưng Yên trong khoảng một tháng chính vụ, từ 15/8 đến 15/9/2018.

Nhãn lồng Hưng Yên

Nhãn tím là một sản phẩm đột biến do một nông dân ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, phát hiện rồi chiết cành, nhân giống, có màu tím đặc biệt, rất hấp dẫn với người tiêu dùng. Khi chín cho cùi dày, giòn, dễ bóc, ngọt sắc, hạt nhỏ. Tuy nhiên, loại nhãn này mới được nhân giống, chưa được sản xuất đại trà. Các thương lái Thái Lan cũng đã sang Sóc Trăng dò tìm về loại nhãn này.

Nhãn tím Sóc Trăng

Xoài da xanh miền Bắc trồng tại Sơn La: Ở miền Bắc, diện tích xoài chỉ có 12,100 ha (chiếm 15.8% so với diện tích xoài của cả nước) gồm chủ yếu những giống địa phương, năng suất, chất lượng, mẫu mã đa phần xấu, mang tính “ăn chơi” chứ ít tính hàng hoá. Những năm gần đây, một số giống xoài mới đã được các cơ quan nghiên cứu, tuyển chọn từ các nguồn gen trong và ngoài nước đã giúp cho chủng loại xoài ở miền Bắc thêm phong phú. Kết quả khảo nghiệm của Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp với Trung tâm khuyến nông Vĩnh Phúc gần đây cho thấy, giống xoài ĐL4 có nguồn gốc Đài Loan là một sự chọn lựa mới cho các nhà vườn phía Bắc xét về cả khả năng sinh trưởng, ra hoa cũng như yếu tố hàng hóa, thị trường. Đặc điểm của giống xoài ĐL4 là có thể ăn khi quả chưa chín nên mặc dù thời kỳ ra hoa không khác nhiều so với các giống xoài khác nhưng thời gian thu hoạch lại khá sớm. Quả xoài ĐL4 có màu sắc hấp dẫn, quả rất to. Năm 2017, khoảng 3.5 tấn xoài tượng da xanh đầu tiên của tỉnh Sơn La vừa được chiếu xạ để xuất khẩu sang thị trường Australia theo đường biển và mang lại thu nhập tăng 15-20% cho người nông dân trồng xoài. Các mẫu xoài đã được gửi sang cho bạn hàng phía Australia và được phía Australia đánh giá rất tốt bởi xoài trồng tại Sơn La có chất lượng giòn, thơm ngon đặc trưng, rất phù hợp với thị hiếu ăn tươi hoặc chế biến tại Australia,” đại diện Cục Bảo vệ thực vật nói.

Xoài da xanh miền Bắc

TRÁI CÂY VIỆT NAM XUẤT CẢNG QUA MỸ

Sau khi lô vú sữa đầu tiên vào thị trường Mỹ vào tháng 12/2017, tình hình xuất khẩu trái cây vào thị trường này đang “rộng cửa” hơn. Thế nhưng, doanh nghiệp và cả nhà quản lý đều lên tiếng cảnh báo cần phải thận trọng hơn, nếu không muốn mất thị trường Mỹ. Giá trị xuất khẩu hàng rau, quả tháng 1/2018 ước đạt 321 triệu USD, tăng 36.9% so với cùng kỳ năm 2017, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau nhiều năm đàm phán, trái cây Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản phẩm (hay còn gọi là thị trường khó tính) như Mỹ, Chile, Nhật Bản, Đài Loan, New Zealand cho 5 loại trái cây chính là thanh long, nhãn, xoài, vải và vú sữa.

Riêng đối với thị trường Mỹ, sau 10 năm đàm phán, quốc gia này cũng đã chấp nhận mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu trái vú sữa. “Ngày 26/12/2017 vừa qua, Việt Nam đã làm lễ xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên vào quốc gia này”, và cho đến nay đã có tổng cộng 134 lô vú sữa được xuất khẩu vào thị trường Mỹ với tổng khối lượng khoảng 230 tấn. “Đây là điều đã vượt ra ngoài sự kỳ vọng của chúng tôi”, ông nhấn mạnh và giải thích vì từ khi được mở cửa đến nay chỉ có mấy tháng, trong khi vú sữa là loại cây chỉ cho trái 1 vụ/năm. Việt Nam là nước đầu tiên xuất cảng vú sửa sang Hoa Kỳ.

Dưới sự ủy quyền của phía Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cấp 18 mã số vùng trồng cho cây vú sữa ở ĐBSCL. Trong đó, Tiền Giang có 16 mã số vùng trồng và Cần Thơ có 2. Trong cuộc gặp giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Stephen Censky ngày 26/6 tại Washington D.C., Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để nhập khẩu trái xoài tươi của Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, tại thị trường Mỹ, một số nơi người tiêu dùng sẵn sàng trả 100 đô la Mỹ cho nửa kí lô gam vú sữa, thậm chí các siêu thị phải treo bảng bán theo giờ, 9 giờ mở bán và đến 10 giờ ngưng bán. “Đó là cái mà chúng tôi không ngờ nó lại như vậy”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, đi đôi với “sốt” hàng, thì nó lại xảy ra những vấn đề khác, mà cụ thể là trái vú sữa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị “dính” dịch hại ruồi đục quả. “Khi hình ảnh trái vú sữa chúng ta bên thị trường Mỹ có vấn đề rồi, thì có khả năng sẽ “gieo” trong đầu người tiêu dùng đó là sản phẩm không tốt”, ông nói và cảnh báo cần phải chấn chỉnh ngay. Theo ông, Việt Nam từng có bài học tương tự trong việc xuất khẩu trái vải vào thị trường Úc. “Lúc đó, nhu cầu tăng vọt ở thị trường Úc, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu, đưa qua nhiều dẫn đến chất lượng trái vải giảm và đồng thời doanh nghiệp cũng giảm giá xuống để người ta mua. Thế nhưng, trái vải hư sẽ gieo trong đầu người tiêu dùng là vải Việt Nam hàng xấu, giá rẻ nên vụ mùa năm sau người ta không còn có ấn tượng tốt nữa”, ông dẫn chứng.

Các công ty xuất khẩu đã yêu cầu các vùng nguyên liệu chuyên canh vú sữa phải cho thực hiện bao trái sớm hơn để tránh bị ruồi đục quả. Bởi, quy trình sản xuất hiện đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu của phía Mỹ đưa ra, chứ không phải chưa đáp ứng. Phần nông dân là phải theo đúng quy trình.

Vú sửa Việt Nam

Xuất khẩu sang Mỹ, phải đáp ứng những gì?

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính, gồm vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn. “Hàng hóa phải đạt 3 tiêu chuẩn như vậy mới được chấp nhận”, ông nói.

Trong đó, để đáp ứng và được cấp mã số vùng trồng, theo ông Thiệt, thứ nhất, vùng trồng phải có diện tích tối thiểu 10 héc ta;

Thứ hai, phải định vị vùng trồng trên Google Maps, có danh sách các hộ nông dân tham gia, diện tích, giống và phải có xác nhận của chính quyền địa phương;

Thứ ba, các hộ dân được cấp mã số và phải thực hiện ghi chép nhật ký (không bắt buộc sản xuất GAP);

Thứ tư, đối với trái nhãn phải thực hiện bao trái trước thu hoạch 3 tuần và vú sữa phải bao trái sớm hơn để tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm;

Thứ năm là không được sử dụng 5 loại hoạt chất hóa học phía Mỹ cấm trong quá trình sản xuất.

“Đó là 5 tiêu chuẩn cần có để Cục bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ”, ông cho biết.

KẾT LUẬN

Trong thời gian gần đây, vì nhu cầu tiêu thụ trái cây từ Trung Quốc lên cao, Việt Nam đã phải nhập cảng trái cây từ Thái Lan để bù vào số lượng thiếu hụt. Nguồn tin có giá trị cho biết 15% trái cây đưa quan biên giới Việt-Trung là từ Thái Lan. Việt Nam vô hình chung đã trở thành trạm trung chuyển cho trái cây Thái Lan. Trung Quốc cũng đang đòi hỏi nhiều hơn về phẩm chất. Những người hoạch định chiến lược cho trái cây Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài trước mặt.

THAM KHẢO

  1. VietGAP – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Những thông tin cần biết về mã số vùng trồng” trên mạng Nông Nghiệp.VN ngày 3/5/2018.
  3. Bài viết “Lạng Sơn: Đổi đời nhờ trồng na theo hướng VietGAP” trên mạng Hội nông dân VN ngày 13/8/2017.
  4. Bài viết “Giống lúa Japonica ở các tỉnh miền núi phía Bắc” trên mạng Nongnghiep.VN ngày 15/6/2010.
  5. Bài viết “Mùa vải 2018 dự báo bội thu, có lâm cảnh ‘được mùa rớt giá’? trên mạng Lao Động ngày 13/4/2018.
  6. Bài viết “Xoài da xanh miền Bắc lần đầu tiên được xuất khẩu sang Australia” trên mạng Vietnam+ ngày 28/6/2018.
  7. Bài viết “Trái cây vào Mỹ: “Cửa rộng” nhưng cần thận trọng” trên mạng TBKTSG ngày 8/3/2018.
  8. Bài viết “Lần đầu tiên truy lý lịch thanh long Việt Nam bằng blockchain” trên mạng Cafef.VN ngày 8/9/2018.

—–