Tình hình Biển Đông 2018

703 (lượt xem) |

Vào những tháng cuối năm 2018, Tổng thống, Phó  Tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã có những lời tuyên bố cứng rắn đối với Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump tại phiên họp khoáng đại thường niên của Liên Hiệp Quốc ngày 25/9 đã nêu bật một thông điệp giờ đã không còn xa lạ với cộng đồng quốc tế: chủ quyền và sức mạnh vượt trội của Mỹ không phải là thứ có thể bị thách thức, cũng như quyền hành động đơn phương của Washington trên vũ đài thế giới. Ngày 4/10/2018, trong bài diễn văn đọc tại viện Hudson Institute ở Washington, D.C., Phó Tổng thống Mike Pence đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc trên mọi lãnh vực, nhằm cho thấy Trung Quốc là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Mỹ, cũng như quyền lợi Mỹ trên thế giới, và ngay cả trong môi trường chính trị tại Mỹ. Ông Pence cáo buộc rằng Bắc Kinh dùng các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế và ngay cả tuyên truyền, để tạo thêm ảnh hưởng, và gia tăng quyền lợi của Trung Quốc ở Mỹ. Cụ thể, ông Pence chỉ trích việc Trung Quốc lấn chiếm và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, chính sách mậu dịch, đánh cắp tài sản trí tuệ, kềm kẹp đời sống người dân và áp bức tôn giáo cũng như các lãnh vực khác. Phó Tổng Thống Mike Pence đã đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ nhất đối với Trung Quốc, rằng “chúng tôi sẽ không để bị đe dọa, và chúng tôi cũng sẽ không lui bước. Hôm 16/11/2018, tiếp tục công kích ý đồ của Bắc Kinh muốn chiếm trọn vùng biển Đông Nam Á, ông Pence tuyên bố, vùng Biển Đông không thuộc quyền sở hữu riêng của bất kỳ nước nào. Phát biểu với thủ tướng Singpore Lý Hiển Long trong khuôn khổ một chuyến thăm chính thức quốc gia Đông Nam Á này, Phó Tổng thống Mỹ đã nói nguyên văn như sau: “Biển Đông không thuộc về bất kỳ một quốc gia duy nhất nào và quý vị có thể chắc chắn rằng: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục triển khai tàu thuyền và máy bay đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và lợi ích của Mỹ đòi hỏi”.

Sau tổng thống và phó tổng thống Mỹ, đến lượt cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton, công khai lên tiếng đả kích Trung Quốc vào ngày 12/10/2018. Ông John Bolton nói ông cho rằng sẽ có thêm những khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng Biển Đông dù có hợp tác với Trung Quốc hay không. “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được sự đã rồi tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Quốc”. Trên chuyến bay đến Việt Nam thăm viếng hai ngày 16 và 17/10/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố với phóng viên quốc tế rằng Hoa Kỳ rất lo ngại vì Trung Quốc gia tăng biểu dương sức mạnh quân sự tại châu Á và thực hiện một chính sách kinh tế “cá lớn nuốt cá bé” đối với các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.

Cũng trong đầu năm nay, đã có một bài viết mang tựa đề The Evolution of U.S. Strategy in the South China Sea, được đăng tải trong cuốn Great Power, Grand Strategy: The New Game in the South China Sea, ra mắt đầu năm nay của nhà nghiên cứu Sean R. Liedman, làm việc tại Center for a New American Security. Trong 3 kịch bản, tác giả đưa ra 1 kịch bản tạm gọi là “Khôi phục như trước”, tuy khó thực hiện, nhưng phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế. Đó là buộc Trung Quốc phải khôi phục lại tình trạng trước khi có các hành động lấn chiếm bất hợp pháp của Bắc Kinh. Năm 2017, ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, ông Rex Tillerson, tuyên bố: Thứ nhất, chấm dứt xây dựng đảo, thứ hai, Trung Quốc sẽ không được phép tiếp cận các thực thể này. Kịch bản này, vào thời điểm đó, đã bị truyền thông Nhà nước Trung Quốc phản đối dữ dội, với đe dọa, sẽ có chiến tranh.

Ngày 15/11, Thủ Tướng Singapore, ông Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long), lên tiếng cảnh cáo rằng các quốc gia vùng Đông Nam Á có thể buộc có sự lựa chọn giữa hai cường quốc đang tranh giành thế lực nơi này là Mỹ và Trung Quốc. “Nếu là bạn với hai quốc gia đang ở hai hướng đối nghịch, đôi khi người ta có thể có mối quan hệ tốt với cả hai, nhưng cũng có khi sẽ gặp phải sự lúng túng nếu cố gắng giữ sự thân thiện với cả hai,” ông Lý cho hay trong bài diễn văn bế mạc cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN, theo bản tin của tờ báo South China Morning Post. Ông Lý nói thêm: “Tôi nghĩ chúng ta không muốn phải có sự chọn lựa, nhưng hoàn cảnh có thể đẩy đưa đến việc khối ASEAN có thể phải chọn một trong hai. Tôi chỉ hy vọng là điều đó sẽ không xảy ra quá sớm.”

TRUNG QUỐC

Một chuyên viên cấp cao của CIA ví các hành động lấn chiếm của Trung Quốc trên Biển Đông cũng giống như Nga cướp khu vực Crimea của Ukraine mấy năm trước. Ông Michael Collins, phó phụ tá giám đốc cơ quan tình báo hải ngoại của CIA, phát biểu trong cuộc hội thảo về an ninh “Aspen Security Forum” tiểu bang Colorado cuối tuần qua, rằng Trung Quốc đang biến các đảo và đảo nhân tạo trên Biển Đông thành một thứ “Crimea phương Đông.”

TÌNH HÌNH KINH TẾ

  • Tính đến đầu tháng 8/2018, nội tệ Trung Quốc đang hướng đến tuần giảm giá thứ 8 liên tiếp, dài nhất kể từ khi họ áp dụng cơ chế tỷ giá hiện đại năm 1994. NDT mất giá 0.44% so với USD khi một USD đổi được 6.868 NDT. Tuần này, mức giảm của NDT có thể là 0.8%. 8 tuần qua, đồng tiền này đã yếu đi 6.7% so với USD. “Nhà đầu tư sẽ tiếp tục khiến NDT yếu hơn cho đến khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc can thiệp mạnh tay”, Zhou Hao – nhà phân tích cấp cao các thị trường mới nổi tại Commerzbank nhận xét, “Nếu vượt ngưỡng 7 NDT đổi một USD, NDT có thể sẽ giảm mạnh hơn nhiều và tạo sóng trên khắp các thị trường, ảnh hưởng đến cả cổ phiếu”. Tính đến đầu tháng 8/2018, nội tệ Trung Quốc đang hướng đến tuần giảm giá thứ 8 liên tiếp, dài nhất kể từ khi họ áp dụng cơ chế tỷ giá hiện đại năm 1994. NDT mất giá 0.44% so với USD khi một USD đổi được 6.868 NDT. Tuần này, mức giảm của NDT có thể là 0.8%. 8 tuần qua, đồng tiền này đã yếu đi 6.7% so với USD. “Nhà đầu tư sẽ tiếp tục khiến NDT yếu hơn cho đến khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc can thiệp mạnh tay”, Zhou Hao – nhà phân tích cấp cao các thị trường mới nổi tại Commerzbank nhận xét, “Nếu vượt ngưỡng 7 NDT đổi một USD, NDT có thể sẽ giảm mạnh hơn nhiều và tạo sóng trên khắp các thị trường, ảnh hưởng đến cả cổ phiếu”. Ông Mnuchin, Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ cho biết Mỹ cũng đang quan sát xu hướng của các tiền tệ khác. “Sức mạnh của đồng đôla trong dài hạn là điều rất quan trọng. Đó là kết quả khi nền kinh tế Mỹ rất mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo sát hoạt động thao túng tiền tệ tại các thị trường khác nhau, và đảm bảo người ta không dùng tiền tệ để giành lợi thế thương mại một cách không công bằng”.

MẶT TRẬN NGOẠI GIAO

  • Các giới chức ngoại giao Mỹ hôm 24/9, nói rằng Trung Quốc bất ngờ từ chối, không cho một chiến hạm Mỹ, chở theo cả ngàn người được ghé bến Hồng Kông để nghỉ ngơi sau cả tháng trời lênh đênh ngoài biển. Theo tin từ các giới chức Hải Quân Mỹ thì chiến hạm này, USS Wasp, thuộc loại tàu đổ bộ có chở theo trực thăng cùng các loại phi cơ khác, đã dự trù sẽ ghé Hồng Kông vào đầu tháng tới, bản tin của hãng thông tấn UPI cho biết.
  • Ngày 21/11, tàu sân bay USS Ronald Reagan và 3 tàu chiến khác của Mỹ đã cập cảng Hồng Kông. Sự kiện này hứa hẹn những dấu hiệu lắng dịu trong mối quan hệ Mỹ – Trung, vốn căng thẳng thời gian gần đây. Việc Trung Quốc đồng ý được xem là một cử chỉ mang tính hòa giải khi vào tháng 9, Bắc Kinh đã từ chối một chuyến thăm tương tự của Hải Quân Mỹ, giữa lúc hai nước đang có căng thẳng trong vấn đề thương mại.

MẶT TRẬN QUÂN SỰ

  • Tính đến cuối năm 2017, Trung Quốc đã có 317 tàu chiến và tàu ngầm đang hoạt động, so với 283 tàu của Hải quân Mỹ.
  • Bắc Kinh đang lên kế hoạch phóng lên không gian 10 vệ tinh để theo dõi và giám sát từng tàu chiến trên khu vực Biển Đông, động thái nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý. Kế hoạch này sẽ tạo ra một mạng lưới giám sát trong không gian, tập trung vào Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang thực hiện những yêu sách chủ quyền phi lý. Vệ tinh đầu tiên sẽ được phóng lên không gian vào năm 2019. Chúng sẽ hình thành mạng lưới vệ tinh Hải Nam, tạo ra mạng lưới giám sát hình ảnh trong không gian. Trung tâm điều khiển sẽ được đặt tại đảo Hải Nam.
  • Trong một thao tác mà hải quân Hoa Kỳ xem là “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”, tàu khu trục Luyang của Trung Quốc ngày 30/9 vừa qua đã tiến sát khu trục hạm Mỹ USS Decatur ở khoảng cách chưa tới 41 m, khi chiến hạm này đi gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Hành động nguy hiểm của chiến hạm Trung Quốc khiến chiếc USS Decatour phải chuyển hướng để tránh va chạm.

Khu trục hạm USS Decatur của Mỹ (trái) chỉ cách tàu Lanzhou của Trung Quốc (phải) 41 mét trong cuộc chạm trán nguy hiểm ngày 30/9 ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ

HOA KỲ

Luật Chính sách Quốc phòng 2019, được ban hành vào giữa tháng 8/2018 được đặt kèm theo tên của thượng nghị sĩ nhiều duyên nợ với Việt Nam, ông John McCain, đề ra mức chi tiêu quốc phòng 716 tỷ đôla mà nguyên thủ Mỹ nói là “khoản đầu tư đáng kể nhất vào quân sự và các binh sĩ trong lịch sử hiện đại”. Luật này yêu cầu Bộ Quốc phòng phải đệ trình một báo cáo lên Quốc hội cũng như công bố cho công chúng biết bất cứ khi nào Lầu Năm Góc phát hiện sự gia tăng đáng kể các hành động quân sự mang tính cưỡng chế hay các hoạt động bồi lấp đảo và xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mục tiêu là soi chiếu hành vi của Trung Quốc với hy vọng rằng nguy cơ gây tổn hại tới danh tiếng sẽ buộc Bắc Kinh phải thay đổi hành vi của mình.

Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 21/9, Đô đốc Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng hoạt động xây dựng quân sự với tần suất dày đặc của Trung Quốc sẽ sớm thách thức Mỹ trên hầu hết khu vực. Nếu Mỹ không đón đầu được, Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ phải rất nỗ lực để cạnh tranh với quân đội Trung Quốc trên các chiến trường tương lai. “Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, ngoại trừ tình huống Mỹ phát động chiến tranh”, Express ngày 21/9 dẫn tuyên bố của Đô đốc Philip Davidson. 

MẶT TRẬN KINH TẾ  & NGOẠI GIAO

  • Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/07/2018 thông báo đầu tư 113 triệu đô la hỗ trợ sáng kiến về công nghệ mới, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại các nước châu Á đang trỗi dậy. Theo giới phân tích, với tuyên bố này, Hoa Kỳ đang tìm cách làm sáng tỏ hơn nữa khía cạnh kinh tế trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của tổng thống Mỹ Donald Trump, với mục đích đưa Hoa Kỳ thành đối tác đáng tin cậy trong khu vực. Thật sự số tiền này chẵng có nghĩa lý gì so với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Theo đó, Credit Suisse Group dự báo, Trung Quốc có thể rót hơn 500 tỷ USD vào 62 quốc gia trong 5 năm tới để thực hiện kế hoạch nhằm thúc đẩy quyền lực mềm của mình. Hy vọng đây chỉ là sự khởi đầu. Kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc cũng đang đối mặt với thách thức tài chính rất nghiêm trọng. Các quốc gia đối tác với Trung Quốc là các nước nghèo, không lấy đâu ra tiền để triển khai dự án. Tháng 12 năm 2017, chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, Pakistan, Nepal và Myanmar đã lần lượt xác nhận hủy bỏ các dự án thủy điện lớn của các công ty Trung Quốc. Australia và Nhật Bản đã gia nhập cùng Mỹ nhằm tăng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc chi hàng tỷ USD cho sáng kiến Vành đai và Con đường trên khắp châu Á.
  • Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Kiểm Soát Vũ Khí & An Ninh Quốc Tế, bà Andrea L. Thompson đã thăm viếng Indonesia, Việt Nam và Australia từ ngày 12 đến 26/8/2018. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi ngày 10 tháng 8 cho biết chuyến công du của bà Thứ trưởng Ngoại giao Andrea L. Thompson kỳ này nhằm mục đích thảo luận với các giới chức hữu quan của ba nước vừa nêu về cách thức mà phía Hoa Kỳ có thể đóng góp cho một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương mở và tự do.
  • Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Mỹ, từ ngày 20 đến 23/8, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ đồng chủ trì tổ chức hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42 (PAMS-42) với chủ đề “Hợp tác giữa lục quân các nước khu vực Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa”. Hiện đã có 28 nước đăng ký, hội thảo sẽ tạo diễn đàn, cơ hội để lực lượng lục quân các nước trong khu vực trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác đối phó với các mối đe dọa thảm họa thiên tai, góp phần duy trì ổn định khu vực; tạo cơ hội để thiết lập và tăng cường mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo lục quân trong tương lai. Cũng nhân cơ hội này, Đại Tướng Brown cùng đại sứ Mỹ tại Việt Nam đến thắp nhang tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Hà Nội hôm 20/8/2018. Đại Sứ Mỹ Daniel Kritenbrink cho biết ông “rất vinh hạnh được cùng Đại Tướng Robert B.Brown thăm đền thờ Hai Bà Trưng để thể hiện sự ủng hộ với một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Đại tướng và ông cũng mong muốn thể hiện sự tôn trọng to lớn đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam, và đã hiểu hơn về tinh thần, sự quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và độc lập. Mỹ mong hỗ trợ cho sự thành công của Việt Nam cùng với sự phát triển kinh tế của nước Mỹ.” Ngay sau buổi hội thảo, ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã thăm Trung Quốc từ ngày 19-23/8.
  • Một tin tức không liên quan đến Tranh Chấp Biển Đông là cái chết của Thượng nghị sĩ John Mc Cain. Tại đất nước cựu thù là Việt Nam, Facebook tràn ngập những lời thương tiếc trong ngày John McCain qua đời. Một nhà báo viết: Một người Mỹ xa lạ đáng kính vừa chết, rất nhiều người Việt đã lên tiếng khóc thương ông. Đó là sự biết điều của dân tộc này!”.
  • Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton mới đây lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đã lợi dụng trật tự thế giới quá lâu trong khi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Trung Quốc. Ông đồng thời cũng nói đến khả năng Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không. Ông John Bolton không nói cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đòi chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan. Ông John Bolton nói điều này trong cuộc phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt nổi tiếng của Mỹ hôm 11/10 vừa qua.
  • Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như tạm gác bất đồng về Biển Đông, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị G20 cuối tháng 11/2018. Tờ South China Morning Post hôm 04/12 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, đó là nhằm tránh ảnh hưởng đến đàm phán thương mại. Các nhà bình luận quân sự cho rằng bất đồng về Biển Đông quá lớn để có thể vượt qua, việc tạm gác qua một bên hồ sơ này giúp tập trung vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại.

MẶT TRẬN QUÂN SỰ

Hôm 20/10, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces: INF) với Nga Sô. Tổng thống Donald Trump cáo buộc rằng Nga đã “vi phạm hiệp ước INF trong nhiều năm”, và “chúng tôi sẽ không để họ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, chế tạo những vũ khí mà theo nội dung của thỏa thuận chúng tôi không được phép chế tạo”. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nathan Levine trên tạp chí National Interest, trong kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh chiến lược, động thái trên của Mỹ đang nhằm trực tiếp vào cuộc đối đầu với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc không tham gia INF – Hiệp ước nghiêm cấm phát triển hoặc triển khai các loại tên lửa đạn đạo/hành trình mang đầu đạn thông thường/hạt nhân phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 500-5,500km. Điều đó đã cho phép Bắc Kinh xây dựng một kho vũ khí khổng lồ gồm các loại vũ khí thông thường có khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), như tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D (tầm bắn 1,500 km). Trong khi ấy, tất cả những vũ khí trên đều nằm trong danh sách mà Mỹ bị cấm triển khai.

Nhiều chuyên gia phân tích kiểm soát vũ khí đã cảnh báo rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể kích động một cuộc “chạy đua tên lửa”. Song, ông Levine cho rằng, ít nhất trong tình cảnh của Mỹ-Trung hiện nay thì động thái của Washington, ngược lại, có thể giúp tăng mức độ ổn định chiến lược.

  • Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật chi tiêu quốc phòng được cho là cứng rắn nhất đối với Trung Quốc từ trước đến nay. Luật chi tiêu quốc phòng cung cấp 716 tỷ USD cho năm tài khóa sắp tới, nhằm đối chọi lại với một loạt chính sách quốc phòng của Trung Quốc, bao gồm cả việc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông. Thượng viện hôm 1/8 đã thông qua dự luật với tỷ số áp đảo 87/10 phiếu sau khi Hạ viện đã thông qua trước đó 1 tuần. Văn bản NDAA 2019 đã nói rất rõ, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải công khai minh bạch hơn về các hoạt động quân sự hóa cũng như bất cứ động thái tôn tạo đảo mới nào của Truntg Quốc ở Biển Đông. Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019, được Quốc Hội thông qua hôm 1/8, đề ra các bước cơ bản nhưng quan trọng để đưa đến một chiến lược hiệu quả hơn đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Trên thực tế, việc tăng 2.23% ngân sách vẫn sẽ khiến chi tiêu quốc phòng giảm đi, vì lạm phát 2.46% năm qua.
  • Sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố quân sự hóa Biển Đông là “tự vệ” không lâu, Mỹ lập tức điều máy bay tuần tiễu 4 đảo nhân tạo xây trái phép. The Japan Times ngày 11/8 đưa tin, quân đội Mỹ đã có động thái cảnh báo mạnh mẽ bất thường với Bắc Kinh trên mạng xã hội cùng ngày thứ Bảy, sau chuyến thị sát 4 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Ngày 10/8, một chiếc máy bay trinh sát Poseidon P-8A của hải quân Mỹ chở theo phóng viên của đài CNN và BBC đi cùng đã thị sát 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Trong suốt chuyến bay, phóng viên của CNN, BBC đã nhìn thấy bãi đá Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn và Xu Bi từ trên cao với các ra đa quân sự khổng lồ, đường băng quân sự và nhiều tòa nhà. Hạ tuần tháng 9 và 16/10, các oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Mỹ bay qua Biển Đông và Bắc Á. Ngày 30/09/2018, khu trục hạm USS Decatur đã tuần tra trong vùng biển cách cụm đá Ga Ven và đá Gạc Ma chưa đầy 12 hải lý.
  • Một báo cáo của Ngũ Giác Đài gửi cho Quốc hội hôm 16/8 có nhấn mạnh tới khả năng Trung Quốc sử dụng “yếu tố hạt nhân” trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp từ năm 2016 trong Biển Đông. Phúc trình của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn viết: “Năm 2017, Trung Quốc ám chỉ đang phát triển nhà máy điện nhằm cấp năng lượng cho các đảo, đá ở khu vực biển Đông thường gặp bão, bằng các trạm điện hạt nhân nổi. Kế hoạch này được cho là sẽ tiến hành trước năm 2020.
  • Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ vừa đề nghị một cuộc trình diễn sức mạnh toàn cầu nhằm cảnh cáo Trung Quốc, cũng như tuyên bố rằng nước Mỹ sẵn sàng ngăn chặn và chống lại bất kỳ hành động quân sự nào. Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 3/10/2018, Hải Quân Hoa Kỳ đã lên kế hoạch tổ chức một tuần thao diễn quân sự tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, ngay vào tháng 11, huy động đồng thời cả chiến hạm lẫn chiến đấu cơ.
  • Trong bài viết trên trang Doanh nghiệp và Thị trường “Công nghiệp quốc phòng Mỹ muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc”, Les Echos cho biết theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, ngành chế tạo vũ khí của Mỹ lệ thuộc ở “mức cao đáng ngạc nhiên” vào các nhà thầu của Trung Quốc. Đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Vì thế, bộ Quốc Phòng Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp phương Tây cân nhắc, xem xét lại các hoạt động tại Trung Quốc. Lầu Năm Góc cũng quyết định sẽ kiểm tra lại, với sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo, mạng lưới cung cấp hàng hóa của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như hàng không vũ trụ và quốc phòng, để tìm ra các điểm yếu kém trong ngành sản xuất vũ khí của Mỹ.
  • Hôm 18/10/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và đồng nhiệm Trung Quốc đã có cuộc gặp không chính thức tại Singapore. Tiêu điểm của cuộc hội kiến là căng thẳng tại Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định mong muốn duy trì liên lạc ở cấp cao, để ngăn ngừa gia tăng căng thẳng, có thể dẫn đến đụng độ vượt tầm kiểm soát. Theo hãng thông tấn AP, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã có cuộc nói chuyện kéo dài 90 phút, bên lề một hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng khối ASEAN ở Singapore. Hai bên không ra tuyên bố chung chính thức nào sau cuộc gặp.
  • Trong cuộc họp thường niên Đối thoại Ngoại giao và Quân sự Mỹ – Trung diễn ra tại Washington hôm 9/11, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã gặp Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ông Ngụy Phượng Hòa. Các quan chức Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng quân sự hóa khu vực Biển Đông trong lúc đó, phía Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng điều tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các hòn đảo và bãi đá mà nước này tuyên bố chủ quyền.
  • Philippines Daily Inquirer ngày 11/11 đưa tin, Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc gỡ bỏ các và tên lửa chống hạm YJ-12 và tên lửa phòng không HQ-9 ra khỏi 3 đảo nhân tạo Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi trên quần đảo Trường Sa mà họ triển khai vào tháng 5/2018. Tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B có thể giúp Trung Quốc tấn công các tàu chiến trong bán kính 550 km, trong khi tên lửa phòng không HQ-9 có thể bắn hạ máy bay quân sự, máy bay không người lái hay tên lửa hành trình trong bán kính 300 km. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tuyên bố, họ tin rằng các tên lửa của Trung Quốc đã được triển khai ra Trường Sa từ tháng 5 vẫn còn hiện diện ở đó, chứ không phải là triển khai tạm thời để phục vụ cho một cuộc diễn tập quân sự.Thứ tư, 25/1/2017 | 11:35 GMT+7Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong năm 2018. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất được trông đợi bàn thảo lần này là đạo luật Chống những kẻ thù của Mỹ thông qua chế tài (CAATSA). Theo đạo luật này, Mỹ sẽ trừng phạt những nước nào mua vũ khí của Nga, trong khi Nga là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Bộ trưởng James Mattis, trước đó đã đề nghị Quốc hội Mỹ bỏ Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách các nước bị trừng phạt. Theo Giáo sư Carl Thayer thì cho đến lúc này Hoa Kỳ vẫn chưa có quyết định chính thức về vấn đề này: “Điều này đặt ra câu hỏi liệu Việt Nam đã chuẩn bị để mua vũ khí đáng kể từ Hoa Kỳ hay chưa”. Vấn đề quan trọng nhất là liệu Hoa Kỳ đã sẵn sàng cung cấp những thiết bị quân sự mà Việt Nam cần với giá cả mà Việt Nam có thể chịu đựng được. Bộ “Tứ cường QUAD” là tên gọi không chính thức của đối thoại an ninh bốn bên bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ giữa cuối tháng 10/2018, đã có ít nhất hai học giả Mỹ là Derek Grossman (Trung tâm chính sách Châu Á – Thái Bình Dương – RAND) và Joshua Kurlantzick (Phụ trách vấn đề Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế – CFR) đưa ra đề xuất Washington nên mời Việt Nam tham gia vào “bộ tứ”.

VIỆT NAM

KINH TẾ & TÀI CHÁNH

  • Công ty dầu khí quốc gia Việt Nam PetroVietnam cho biết vừa ký một thỏa thuận với hai công ty Idemitsu Kosan & Teikoku Oil của Nhật Bản để khai thác dầu khí tại 2 lô 05-1b & 05-1c ở Biển Đông.Theo Reuters, Việt Nam đang rất nỗ lực để duy trì sản lượng dầu thô và khí đốt trong bối cảnh lượng sản xuất giảm và áp lực liên tục từ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới nhiều dự án khai thác.

Bản đồ 2 lô 05-1b & 05-1c ở Biển Đông

  • Theo báo mạng Trí Thức Việt Nam, giữa tháng 12/2018, “Đoàn đại biểu Ủy Ban Hợp Tác quản lý cửa khẩu Trung Quốc” đã đến cảng biển nước sâu quốc tế Cái Mép và Thị Vải thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu “tiến hành khảo sát” và nghe ban quản lý cảng “báo cáo về quá trình phát triển, cơ chế quản lý cũng như tiềm năng phát triển” của cảng. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều không nói rõ ý định thực sự của chuyến viếng thăm này.

QUÂN SỰ & TĂNG CƯỜNG PHÒNG THỦ:

  • Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/7 mới khẳng định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam đang có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94.7 triệu USD.
  • Trong chuyến viếng thăm Nga đầu tháng 9/2018 của TBT Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đặt mua các vũ khí và dịch vụ quân sự của Nga trị giá hơn 1 tỷ USD, hãng tin TASS của Nga cho hay, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực phòng thủ của mình. Bản tin không cho biết bất kỳ chi tiết nào về các hợp đồng mua vũ khí.
  • Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/9 tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt với Cục Phát triển Trang bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và quan chức đứng đầu đơn vị này là Lý Thượng Phúc vì đã mua tiêm kích Su-35S và hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga, theo Reuters.
  • Trong 6 tháng cuối 2018, một loạt chiến hạm của các nước đồng minh với Mỹ tới thăm Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động hải quân chung, trong đó có cả tập trận trên biển, trong bối cảnh Trung Quốc củng cố chủ quyền ở Biển Đông. Sau Nhật, Hàn Quốc, Anh, New Zealand, chiến hạm Canada HMCS Calgary cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 9/2018. Đặc biệt, Nhật Bản đã lần đầu tiên triển khai tàu ngầm Kuroshio tới tập trận ở Biển Đông trước khi cập cảng Cam Ranh ở Khánh Hòa.
  • Tướng James Mattis chính thức thăm Việt Nam trong hai ngày 16 và 17/10/2018. Đây là lần thứ nhì trong năm 2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Việt Nam sau chuyến viếng thăm đầu tiên vào tháng 1/2018. Điều đáng ngạc nhiên là ông James Mattis vừa quyết định hủy chuyến viếng thăm Bắc Kinh dự trù diễn ra trong tháng 10/2018. Theo giới quan sát, Washington đặc biệt quan tâm đến Hà Nội trong nỗ lực kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực. Tướng Mattis cũng đã đến thăm Căn cứ Không quân Biên Hòa, trước đây từng là một căn cứ không quân của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nơi này sẽ sớm trở thành dự án tẩy độc lớn nhất của Mỹ để khắc phục hậu quả ô nhiễm Chất Da cam do Chiến tranh Việt Nam để lại. Không loại trừ việc Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đến Việt Nam lần này sẽ nhắm đến một cách thực chất việc thảo luận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ không quân Biên Hòa và cảng Cam Ranh, rất gần với các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa.
  • Ngày 11/12, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) vừa ký hợp đồng bán ba máy bay trinh sát không người lái hiện đại cho chính phủ Việt Nam với giá 160 triệu USD.
  • Giữa tháng 10 năm 2018, nhà nghiên cứu Việt Nam Carlyle A. Thayer đưa tin rằng Việt Nam đã lặng lẽ hủy bỏ mười lăm hoạt động giao lưu quốc phòng với Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch cho năm 2019, bao gồm các trao đổi về lục quân, hải quân và không quân. Quyết định này có thể liên quan đến những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm vận động Việt Nam giảm mua thiết bị quân sự và vũ khí của Nga và chuyển sang mua từ Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã tìm cách thuyết phục Quốc hội miễn áp dụng luật này đối với Việt Nam, vốn đã nhập tới 90% số vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga. Tuy nhiên vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Do đó, Việt Nam có thể đã hủy các giao lưu quốc phòng dự kiến với Mỹ như một chiến thuật đàm phán để đảm bảo rằng Washington sẽ không áp dụng đạo luật này đối với Việt Nam.
  • Theo trang VOV, trưa 19/12, Đồn Biên phòng An Hải đã xác định tin ngư dân Phú Yên đưa được vật thể lạ vào bờ biển thôn Phước Đồng, xã An Hải. Đây là một quả ngư lôi ‘khắc chữ Hán’. Một số cây viết chuyên về quân sự ở Mỹ nói rằng vật thể mà ngư dân Việt Nam mới thu được ở Phú Yên có thể là loại Yu-6 của Hải quân Trung Quốc. Tờ China Daily ngày 21/12 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận ngư lôi của nước này thất lạc sau khi lực lượng hải quân tiến hành đợt huấn luyện trên biển ở khu vực phía đông đảo Hải Nam vào đầu tháng 12.

Ngư lôi Yu-6 của hải quân Trung Quốc

  • Cuối tháng 12/2018, quân đội Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc diễn trận thực binh tại phía Đông, tỉnh Vân Nam, gần biên giới phía bắc Việt Nam (giáp với các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên) với chủ đề mô phỏng đối đầu trực diện giữa quân đội nước này và “quân đội nước láng giềng X.” Tờ Viettimes dẫn nguồn từ báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết tham gia cuộc diễn tập này có hai lữ đoàn hợp thành hạng nặng trực thuộc Tập Đoàn Quân 75. Đơn vị tiền thân của hai lữ đoàn này đều từng tham gia “Chiến tranh phản kích tự vệ ở biên giới phía Nam,” tức Cuộc chiến tranh biên giới Tháng Hai, 1979. Trong cuộc diễn tập, quân đội Trung Quốc sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng trong đó, Type-15 là loại xe tăng mới nhất của Trung Quốc và đây là lần đầu tiên được sử dụng trong huấn luyện từ khi nó ra đời năm 2012.

CÁC CƯỜNG QUỐC TRONG VÙNG

Trong năm 2018, các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Úc Đại Lợi, các quốc gia Liên Âu có những thái độ mạnh mẻ hơn đối với sự hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông.

NHẬT BẢN: Xung đột thương mại Mỹ-Trung không ngừng leo thang, Nhật Bản sẽ có thêm nhiều cơ sở hơn để đặt ra các điều kiện có lợi cho mình trong quan hệ với Trung Quốc. Thời gian qua, Nhật Bản có những điều chỉnh về chính sách đối ngoại một cách khá thực dụng.

  • Theo hãng tin Reuters, hôm 1/8/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PetroVietnam thông báo đã ký thỏa thuận mua bán với hai công ty Nhật khai thác khí đốt tại Biển Đông. Thỏa thuận trên được ký kết trong bối cảnh Bắc Kinh thường xuyên gây áp lực với các đối tác nước ngoài của Việt Nam muốn tham gia một số dự án khai thác dầu ở Việt Nam và sản xuất dầu khí của Việt Nam có xu hướng sụt giảm. Thỏa thuận được ký ngày 31/7 tại Hà Nội, sẽ cho phép bắt đầu từ quý 3 năm 2020, khai thác thương mại sản phẩm của hai giếng khí đốt nằm cách bờ biển Việt Nam 300 km có tên gọi là Sao Vàng- Đại Nguyệt trong khu vực mỏ Nam Côn Sơn, ngoài khơi thành phố Vũng Tàu. Dự án khai thác này do hai công ty Nhật góp vốn đầu tư khai thác được khởi công từ tháng 3 năm nay. Cụ thể công ty Idemitsu Kosan góp vốn đầu tư 43.08%, Teikoku Oil chiếm 36.92%, phần góp vốn còn lại thuộc Tập đoàn Dầu khi Việt Nam là 20%. Dự án khai thác khu mỏ này đã được khởi công từ tháng 3/2018.
  • Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 19/8 đã bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới Ấn Độ và Sri Lanka, với hy vọng tăng cường hợp tác phòng vệ quốc phòng với 2 nước và đảm bảo tự do hàng hải trên Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình. Trong chuyến công du 5 ngày, ông Onodera sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản tới thăm Sri Lanka. Ông sẽ tới thị sát cảng Hambantota ở miền Nam Sri Lanka. Hồi năm 2017, Sri Lanka đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng này trong 99 năm.
  • Tàu ngầm Kuroshio đã cập cảng tại cảng Cam Ranh hôm 17/9 sau khi tập trận chống tàu ngầm tại khu vực gần Bãi cạn Scarborough (13/9) cùng với tàu sân bay Kaga và hai tàu khu trục Inazuma và Suzutsuki. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm của Nhật tham gia tập trận tại Biển Đông và đến Cam Ranh, tiếp theo sự kiện tàu sân bay Izumo đến Cam Ranh lần đầu (20/5/2017) trong một hải trình dài để tham gia tập trận tại Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Tàu ngầm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh

  • Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 8/10 đồng ý hợp tác để duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Bắc Kinh.
  • Taiwan News ngày 15/10 đưa tin, Diễn đàn Tokyo – Bắc Kinh lần thứ 14 đã diễn ra ngày 14/10  tại Tokyo đã hội tụ hàng trăm quan chức, học giả và cựu tướng lĩnh quân đội Trung Quốc, Nhật Bản. Diễn đàn này do tổ chức phi chính phủ Nhật Bản NPO và Tập đoàn Xuất bản quốc tế Trung Quốc đồng tổ chức, để thảo luận hàng loạt chủ đề 2 bên quan tâm, từ chính trị cho đến ngoại giao, kinh tế, an ninh, truyền thông, nền kinh tế kĩ thuật số. Tướng Nakatani, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tiên phong chống các hành vi bành trướng trên Biển Đông. Tại diễn đàn này, tướng Nakatani đã nói thẳng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “nuốt lời” chính cam kết của ông rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
  • Để đối phó với sức mạnh đe dọa của Trung Quốc, hỏa lực của hải quân Nhật Bản sẽ được bổ sung với hai hàng không mẫu hạm. Kế hoạch này vừa được tiết lộ với quyết định mua thêm 100 chiến đấu cơ F-35B với tổng trị giá 8.8 tỷ USD, ngoài danh sách 46 chiếc đã được đặt hàng.

ÚC ĐẠI LỢI: Ngoại trưởng Úc hôm 15/10 tuyên bố liên minh Úc – Mỹ quan trọng hơn bao giờ hết trong kỷ nguyên leo thang căng thẳng trong khu vực Ấn Độ Dương – thái Bình Dương. Nước Úc cũng cam kết duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng, hợp tác với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này, bà Payne nói. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Úc cho rằng khu vực này sẽ trở nên an toàn và thịnh vượng hơn nếu các khác biệt được dàn xếp thông qua đàm phán, chứ không phải là bằng vũ lực. Phát biểu của bà Payne dường như nhắm đến quá trình quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đang thúc giục các quốc gia đồng minh của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương tăng cường sự hiện diện quân sự của họ tại Biển Đông trong nổ lực đối trọng lại Trung Quốc. Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về các vấn đề Châu Á- Thái Bình Dương, ông Randy Schriver, trong trả lời phỏng vấn với tờ The Australian ngày 28/12 đã đưa ra kêu gọi như vừa nêu. Theo đó thì những hoạt động nhằm gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Nam Thái Bình Dương, bao gồm các khoản biếu tặng cho giới chính trị gia và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở những đảo quốc nhỏ, khiến quan chức Australia và New Zealand phải chú ý. Ông Randy Schriver còn đưa ra cảnh báo là những người cộng sản Trung Quốc có thể còn muốn thiết lập căn cứ quân sự tại Nam Thái Bình Dương. Cho nên ông này đi đến nhận định để có thể gây áp lực thêm nữa đối với Trung Quốc thì những đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ phải tham gia vào các hoạt động tại khu vực Biển Đông; nếu như không cùng tham gia chiến dịch tự do hàng hải với Mỹ thì cũng nên tuần tra chung, cũng như các hoạt động chứng tỏ sự hiện diện của nước mình tại khu vực đó.

  • Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương, có cha người Mỹ và mẹ Nhật Bản, vừa được đề cử làm đại sứ tại Úc. Quyết định của Tổng thống Donald Trump cử ông Harris, người và nổi tiếng không ưa “sự bành trướng của Trung Quốc” sang Úc làm đại sứ được báo khu vực chú ý. Đài SBS của Úc bình luận ông Harry Harris là “người bạn của Úc và kẻ thù của Trung Quốc (Australian’s friend, China’s foe).
  • Để chặn ảnh hưởng và ý đồ bành trướng của Bắc Kinh tại đây, chính phủ Úc đang hợp tác với Papua New Guinea để xây lại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus của nước này. Trong chuyến đi thăm của Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence tới Úc gần đây, Washington cam kết tham gia và tài trợ một phần cho dự án 3 bên này. Căn cứ Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea sẽ là một địa điểm trung chuyển để các tàu hải quân tiếp nhiên liệu, và theo dự kiến sẽ đóng vai trò thiết yếu trong các nỗ lực giám sát hàng hải trong bối cảnh hải quân Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên khắp vùng Thái Bình Dương.

  • Trong những biến chuyển gần đây, Việt Nam muốn Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực Nam Á vì Việt Nam thấy Ấn Độ không được tích cực lắm trong nhóm bộ tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.

ANH-PHÁP & LIÊN ÂU & CANADA: Trong năm 2019, Anh, Pháp, Ấn Độ và Nhật sẽ điều hàng không mẫu hạm vào Biển Đông. 

  • The Financial Times ngày 22/10 dẫn lời Đô đốc Philip Jones, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, London sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải của mình tại Biển Đông, bất chấp các tuyên bố gần đây của Trung Quốc. Tàu chiến HMS Albion của hải quân Anh đã đi vào khu vực hôm 31/8, tiến sát quần đảo Hoàng Sa, để gửi tín hiệu tới Trung Quốc về quyền của các nước khác theo luật quốc tế trong việc qua lại các vùng biển có tranh chấp. Hai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth R08 và HMS Prince of Wales R09 sẽ được điều đến Biển Đông trong  năm 2019.
  • Gần đây, sau khi kết thúc cuộc tập trận trên không liên hợp đa quốc gia ở Australia, 3 máy bay chiến đấu Rafale của không quân Pháp và các máy bay tiếp vận tiến hành thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên lực lượng máy bay chiến đấu không quân Pháp thăm riêng Việt Nam trong hơn 60 năm qua. Pháp sẽ điều tàu sân bay Charle de Gaulle đến Ấn độ Dương và Biển Đông trong năm 2019. Tầu sân bay Pháp đã sẵn sàng hoạt động trở lại từ tháng 11/2018 sau 18 tháng nâng cấp tại cảng Toulon (miền nam Pháp) với tổng kinh phí lên đến 1.3 tỉ euro. Tuần tra vì tự do hàng hải tại vùng Ấn Độ Dương là nhiệm vụ đầu tiên ngay vào khoảng đầu tháng 2/2019 của tầu sân bay hạt nhân duy nhất tại châu Âu. Trang tin World Socialist trích nhật báo La Provence của Pháp cho biết như vậy hôm 2/11. Báo La Provence trích lời của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết lý do điều tàu đến các vùng biển xa là vì nhu cầu phải bảo đảm tự do hàng hải: “Pháp luôn ở tuyến đầu bảo vệ quyền tự do hàng hải ở các vùng nước quốc tế. Bất cứ khi nào nguyên tắc của luật quốc tế bị thách thức, mà như hiện nay là ở Biển Đông, chúng ta sẽ cho họ thấy là chúng ta có tự do hàng hải ở đó”.
  • Ngày 8/11/2018, Quân đội Mỹ và Nhật Bản đã kết thúc cuộc tập trận Keen Sword, mở ra từ hôm 29/10 vừa qua ở vùng Tây Thái Bình Dương ngoài khơi Nhật Bản. Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, năm nay, cuộc tập trận hai năm một lần, có sự tham gia của hộ tống hạm chống ngầm Canada HMCS Calgary, đến vùng biển châu Á hợp sức với các cường quốc hàng hải đồng minh để tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. 

CÁC NƯỚC ASEAN

Ngày 19/10/2018, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN đã thông qua bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn chặn nguy cơ chạm trán ngoài dự tính giữa máy bay quân sự tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Singapore. Quan chức 8 nước Mỹ, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga và Hàn Quốc hôm 20/10 ủng hộ “trên nguyên tắc” nổ lực trên dù rằng bộ quy tắc này không mang tính ràng buộc. Trang Bloomberg cho biết ASEAN và 8 nước đối tác có thể chính thức thông qua văn kiện này tại các hội nghị ASEAN ở Thái Lan vào năm tới. Cuối tháng 11/2018, Phó Tổng thống Mỹ, ông Mike Pence, nói rằng Washington coi khối ASEAN là “đối tác chiến lược không thể thay thế”.

PHILIPPINES: Sau khi lên nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gây sốc cho Washington khi công khai thể hiện lập trường nghiêng về hợp tác với Trung Quốc và rời xa đồng minh truyền thống Mỹ. Nhưng khi những vồn vã ban đầu với Bắc Kinh lắng xuống mà không thu được nhiều kết quả, Duterte đang hứng chịu nhiều sức ép để khắc phục những bất đồng với Washington và vãn hồi quan hệ song phương để phục vụ lợi ích chiến lược của mình. Theo giới phân tích, tuyên bố gần đây của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo nước này đang âm thầm “xoay trục” quan hệ trở lại về phía Mỹ sau hai năm “làm thân” với Trung Quốc. Động lực cho sự thay đổi thái độ này chính là thái độ ngày càng quyết liệt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc cạnh tranh quyền lực trong khu vực với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông và thương mại, theo AsiaTimes

  • Theo MaxDefense Philippines, các quan chức của BrahMos Aerospace gần đây đã mấy lần thăm Philippines để trình bày đề xuất sử dụng hệ thống BraMos cho dự án SBASMS (Shore-Based Anti-Ship Missile System – Hệ thống tên lửa bờ đối hạm) của Thủy quân lục chiến Philippines. Các cuộc hội thảo đã được tiến hành. Dự án mua sắm hệ thống SBASMS dự kiến tiến hành ở giai đoạn 2 của Chương trình hiện đại hóa Lực lượng vũ trang Philippines (Second Horizon) giai đoạn 2018-2022. Theo các tài liệu của giai đoạn “Second Horizon”, trong khuôn khổ dự án SBASMS dự định mua sắm gần 7 đại đội tên lửa bờ biển cơ động với chi phí ước 18.9 tỷ peso (354 triệu USD). Ngân sách thực hiện có thể có sự thay đổi nếu cần thiết.
  • Hãng tin Bloomberg hôm 20/11 cho biết Trung Quốc và Philippines vừa ký thỏa thuận khung về tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines. Tuy nhiên, trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin nói với báo giới rằng thỏa thuận tìm kiếm dầu khí chung giữa hai nước không có tính ràng buộc về pháp lý và chỉ là một thỏa thuận khung cho những đàm phán sắp tới. Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng hai bên đã đồng ý nâng mối quan hệ hai nước thành hợp tác chiến lược toàn diện. Ông nói thêm là điều này đã gửi ra một thông điệp cho thế giới thấy là hai nước đang là đối tác và đang tìm kiếm sự phát triển chung.

ĐÀI LOAN: Trong năm 2018, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã lên tiếng bảo vệ các giá trị dân chủ và nền độc lập cho Đài Loan, một bài phát biểu công khai chưa có tiền lệ trong 15 năm qua khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh thì cuối tháng 11, đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan thua đau trong bầu cử giữa kỳ, trong diễn tiến cho thấy cử tri bất mãn với bà Thái Anh Văn. Bà Thái Anh Văn ngay lập tức từ chức chủ tịch đảng Dân Tiến tuy vẫn giữ chức tổng thống, sau khi đảng của bà nay chỉ còn kiểm soát sáu thành phố và quận của Đài Loan, trong khi Quốc Dân Đảng kiểm soát ít nhất 15. Đây là một thất bại ghê gớm của Tổng thống Thái Anh Văn. Bà đã từ chức khỏi vị trí lãnh đạo đảng. Chiến thắng này cũng là chỉ dấu cho thấy Quốc Dân Đảng sẽ giành được chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2020 tới đây. Lý do chính là tình hình kinh tế trì trệ của Đài Loan trong thời gian gần đây mà lý do chính là sự tranh chấp thương mãi giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Phải mất một thời gian để Đài Loan triển khai kế hoạch “hướng Nam” chuyển đầu tư sang các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc hồ hởi trước kết quả bầu cử ở Đài Loan và nói cử tri đã bác bỏ “quan điểm ly khai” của bà Thái. Thế nhưng thực tế không rõ ràng như thế. Với thế giới bên ngoài, có vẻ như Đài Loan phải đối diện với một lựa chọn khó khăn: độc lập khỏi Trung Quốc, hoặc cuối cùng sẽ thống nhất làm một với Trung Quốc. Nhưng các cuộc khảo sát luôn cho kết quả là người Đài Loan không muốn chọn cách nào trong hai cách trên cả. Thay vào đó, họ thích một lối đi ở giữa.

MALAYSIA: The Mainichi, Nhật Bản ngày 21/8 đưa tin, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 20/8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã nói thẳng, ông không muốn nhìn thấy một “phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân”. Vị Thủ tướng 93 tuổi của Malaysia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại công bằng trước mặt ông Lý Khắc Cường cùng báo giới quốc tế.

MALDIVES: Ibrahim Mohamed Solih, 54 tuổi, lãnh đạo phe đối lập tại Maldives, hôm nay giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầy quyết liệt với 58.3 % phiếu bầu phổ thông, theo AFPKết quả của Ủy ban Bầu cử cho thấy Solih giành được 133,808 phiếu, còn Tổng thống đương nhiệm Abdulla Yameen có 95,526 phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bầu là 88% trong tổng số 262,000  người. Khi trở thành tổng thống, Solih sẽ đối mặt với những thách thức trong việc đoàn kết liên minh chính trị, đồng thời giữ cân bằng mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ là đồng minh lâu năm của Maldives, trong khi Trung Quốc sẵn sàng tài trợ cho việc phát triển đất nước nhỏ bé và đang cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ tại đây. Trong chiến dịch tranh cử, Yameen giới thiệu ông là người theo chủ nghĩa dân tộc và tập trung vào phát triển kinh tế, với bằng chứng là những dự án xây dựng trong nhiệm kỳ của mình, nổi bật là cây cầu dài 2 km nối Male với sân bay quốc tế khánh thành hồi đầu tháng. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số này lấy chi phí từ khoản vay 1.3 tỷ USD từ Trung Quốc. Số tiền này tương đương hơn một phần tư GDP của Maldives, khiến các nhà ngoại giao phương Tây lo ngại về tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại quốc đảo.

PAPUA NEW GUINEA: Một hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á vừa lần đầu tiên kết thúc mà không có tuyên bố chính thức của các lãnh đạo do mâu thuẫn Mỹ – Trung về thương mại. Tại hội nghị APEC, Hoa Kỳ nói sẽ gia nhập với Australia để phát triển căn cứ hải quân ở Papua New Guinea, trong động thái có vẻ nhằm chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.

KẾT LUẬN

Bài phát biểu hôm 4/10 của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đánh dấu bước chuyển lớn trong chính sách đối ngoại Mỹ, nhìn nhận và đối phó với Trung Quốc với tâm thế của cường quốc đối thủ. Bộ trưởng Mattis sẽ tìm cách phát triển một liên minh mang tính tình thế gồm các đối tác trong khu vực để tạo đối trọng. Bộ trưởng Mattis đang thực hiện đúng theo những nội dung trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của chính phủ Tổng thống Donald Trump, trong đó Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong mạng lưới hợp tác quốc phòng giúp giải quyết các thách thức an ninh tại khu vực bao gồm cả những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Với tình hình này, Việt Nam sẽ phải đối diện với cả môi trường khu vực lẫn môi trường quốc tế mang tính đối đầu rõ rệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tranh chấp Hoa Kỳ-Trung Quốc tại Biển Đông cũng có liên hệ với tranh chấp thương mại đang xảy ra. Nếu Hoa Kỳ-Trung Quốc tìm ra được một giải pháp cho vấn đề thương mại thì điều này cũng có thể áp dụng cho Tranh Chấp Biển Đông.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Tình hình Biển Đông sáu tháng đầu 2018.doc” của tác giả ngày 15/7/2018.
  2. Bài viết “Mỹ, Phi, Việt Nam lo ngại nguy cơ Bắc Kinh hạt nhân hóa Biển Đông” đăng trên đài RFI ngày 27/8/2018.
  3. Bài viết “Biển Đông : Trung Quốc bành trướng và 3 kịch bản của Mỹ” đăng trên đài RFI ngày 8/10/2018.
  4. Toàn Văn Bài Phát Biểu của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence về Trung Quốc phát biểu tại viện Hudson ngày 4 tháng 10 năm 2018 – Biên dịch: Đặng Sơn Duân.
  5. Bài viết “VN ngày càng quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Mỹ” đăng trên mạng Zing.VN ngày 17/10/2018.
  6. Bài viết “Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm chính sách Châu Á – Thái Bình Dương đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” đăng trên mạng VHLKHXHVN ngày 9/8/2017.
  7. Bài viết “Nhật Bản cải tiến khu trục hạm thành hàng không mẫu hạm” đăng trên mạng RFI ngày 28/1/2018.

—–

 

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *