Thế hệ nối tiếp – Phiên bản 4 – 2019

642 (lượt xem) |

Kể từ 2016, trong mục đích hướng về tương lai, tác giả bắt đầu sưu tập tài liệu để viết về những khuôn mặt trong thế  hệ nối tiếp từ quốc nội đến hải ngoại đang đóng góp để xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, phú cường và dân chủ. Các bài viết sẽ được đưa lên mạng khi có cập nhật những tin tức mới.

TU CHỈNH

1)    18/5/2016: Hoàn tất Phiên bản 1.

2)    15/8/2016: Hoàn tất Phiên bản 2.

3)    15/8/2018: Hoàn tất Phiên bản 3.

4)    15/2/2019: Hoàn tất Phiên bản 4:

  • Người Việt trẻ biến Little Sài Gòn thành thiên đường ẩm thực.
  • Đỗ Trọng Khoa, du học sinh 19 tuổi, được SpaceX mời làm việc, lương 6 số.
  • Steven Dương và Hyperloop transportation technologies.
  • Công ty sản xuất đậu phụ của doanh nhân gốc Việt đạt doanh thu 15 triệu USD/năm.
  • Scholar Jet: startup giành ngôi vị quán quân ở cuộc thi VietChallenge 2017.
  • Carina Hoàng: Diễn viên Việt trên vòm trời Úc.
  • Peter Phạm: Đặc sứ Hoa Kỳ tại Great Lakes Region (vùng Đại Hồ) của Phi Châu.
  • Cô bé gốc Việt vượt nghịch cảnh trở thành hy vọng Paralympic của Hoa Kỳ.
  • Duy Trần, nhạc sĩ người Việt Nam trẻ tuổi thành công ở Hoa Kỳ.
  • Face of Defense: Vietnam Native Finds Success in U.S. Army.

—–

NGƯỜI VIỆT TRẺ BIẾN LITTLE SÀI GÒN THÀNH THIÊN ĐƯỜNG ẨM THỰC.

Sonny Nguyễn đồng sáng lập chuỗi 7 Leaves Café nằm trên phố Garden Grove ở Little Sài Gòn

Với nỗ lực và sự năng động, thế hệ Việt kiều thứ hai, thậm chí là thứ ba, ở Mỹ đang biến Little Sài Gòn thành trung tâm ẩm thực nổi tiếng của vùng nam California.

Một trong những kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của Sonny Nguyễn, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng đồ uống 7 Leaves Café, là được cha mẹ dẫn đi ăn nhà hàng ở khu Little Sài Gòn thuộc quận Cam. “Mỗi tháng, cả nhà ra ngoài ăn một lần và lần nào cũng đi ăn phở”, Sonny (38 tuổi) kể với tờ The LA Times. “Đó là niềm vui lớn, một trải nghiệm xa xỉ đối với tôi khi còn nhỏ”, anh hồi tưởng.

Lúc đó, Little Sài Gòn chỉ có “lèo tèo” vài nhà hàng kiểu gia đình chuyên bán món ăn đậm chất Việt Nam và chỉ nhắm đến đối tượng thực khách là người Việt mới sang Mỹ, lúc nào cũng nhớ về hương vị quê nhà. Sau nhiều thập niên, khu này đã thật sự thay da đổi thịt với những nhà hàng và quán cà phê san sát, chuyên phục vụ phong cách ẩm thực đa văn hóa (fusion) nổi tiếng khắp nam California. Fusion đang là trường phái thời thượng, dung hòa các loại hình ẩm thực đặc trưng của các quốc gia, khu vực khác nhau nhưng vẫn giữ được những đặc trưng riêng. Khách hàng có thể tìm thấy ở Little Sài Gòn bánh churro Tây Ban Nha, bánh rán kiểu Mỹ nhân kem hay bánh taco truyền thống của Mexico nhưng với hương vị đặc trưng châu Á.

“Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi”, Sonny nhận xét với The LA Times. Bản thân anh cũng góp phần vào sự chuyển mình của Little Sài Gòn. Quán 7 Leaves Café nổi tiếng với trà sữa đậu xanh hay cà phê sữa đá kiểu Việt nhưng được biến tấu gần giống cà phê đá xay Frappuccino. “Những gì bạn đang thấy là thành quả của thế hệ người Việt thứ hai, thậm chí thứ ba. Họ chắt lọc hương vị đặc trưng của nhiều nền ẩm thực, nhất là Việt Nam, rồi khiến cho chúng càng trở nên tuyệt vời hơn”, Sonny nói. Theo bà Linda Trinh Vo, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc châu Á tại ĐH UC Irvine, Little Sài Gòn giờ không còn là nơi co cụm của những người Việt không rành tiếng Anh chân ướt chân ráo đến Mỹ nữa. “Nơi đây đang trở thành điểm thu hút thực khách, doanh nghiệp, thế hệ những người Việt trẻ và cả những người không phải gốc Việt. Little Sài Gòn đã nổi tiếng như là địa điểm của những sáng tạo ẩm thực”, bà nhận định. Quá trình này bắt đầu từ khi thế hệ người Việt tham gia kinh doanh ẩm thực ở Little Sài Gòn. Họ lớn lên trong môi trường đa văn hóa nên được trải nghiệm sự đa dạng ẩm thực và mở rộng vị giác lẫn tầm nhìn, đồng thời biết tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội để quảng bá.

Hop Pham, đồng sáng lập nhà hàng Dos Chinos, cho hay anh đưa ra thực đơn pha trộn ẩm thực Việt Nam và Mexico dựa trên ký ức thời thơ ấu sống gần những người bạn gốc Mexico ở vùng Santa Ana. “Đám bạn cho tôi thử món xương rồng, tôi nghĩ trong bụng “Làm sao mà ăn được cái thứ đầy gai này?” nhưng hóa ra nó cực ngon”, anh Hop nhớ lại với The LA Times. Tại Dos Chinos, thực khách có thể thưởng thức bánh taco Mexico nhưng nhân bên trong được chế biến theo kiểu Việt.

Theo Tam Nguyen, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt ở quận Cam, những Việt kiều trẻ đầy nhiệt huyết sẵn sàng từ bỏ công việc lương cao để về Little Sài Gòn mở nhà hàng. Ngoài lý do giá thuê mặt bằng rẻ và cơ hội thành công cao, một điều thôi thúc họ là ý thức trách nhiệm với cộng đồng. “Chúng tôi không muốn Little Sài Gòn bị thế hệ sau lãng quên. Nơi đây phải tiếp tục là điểm thu hút các hoạt động văn hóa, ẩm thực cho thế hệ người Việt kế tiếp”, Tam Nguyen nói. Bên cạnh đó, sự đa dạng và chất lượng ẩm thực tại Little Sài Gòn khiến đối tượng thực khách ngày càng đa dạng hơn, không chỉ có người gốc châu Á mà cả người da đen, người gốc Mỹ Latin … và nhiều món ăn Việt trở nên phổ biến hơn. “Little Sài Gòn đã thay đổi khẩu vị của quận Cam. Lúc trước, nhiều người còn không biết “bánh mì” nghĩa là gì?”, Giáo sư Linda Trinh Vo nhận xét.

ĐỖ TRỌNG KHOA, DU HỌC SINH 19 TUỔI, ĐƯỢC SPACEX MỜI LÀM VIỆC, LƯƠNG 6 SỐ

Anh qua Mỹ vào năm 2014 khi đang học chuyên toán tại trường trung học Nguyễn Khuyến ở Đà Nẵng. Anh tự tìm học bổng để hai năm học lớp 11 và 12, gia đình không phải tốn tiền, mà chỉ trả tiền ăn ở khi anh theo học tại trường Boca Prep International School ở Florida. Sau khi tốt nghiệp bằng tú tài quốc tế (IB, International Baccalaureate) với điểm cao nhất trường, anh nộp đơn xin vào nhiều trường đại học, và được University of Miami cho học bổng $96,000, trung bình mỗi năm được $24,000; rồi University of Michigan, UCLA, UC Berkeley … Cuối cùng, anh chọn UCLA để học.

Tính toán “sát nút” việc học của mình để làm sao học vừa nhanh mà điểm lại cao, nên mỗi ngày chàng trai 19 tuổi chỉ ngủ tối đa 2 đến 4 tiếng. Nhờ vậy, khi vừa xong ở UCLA, anh được ngay các trường UCLA, UC San Diego, UC Berkeley, Cal Poly Pomona, Cal State Long Beach, San Jose State University, Harvey Mudd College, Stanford University, là những trường đại học hàng đầu chuyên về toán, khoa học, và kỹ thuật, mời học chương trình cao học.

Do thích những gì liên quan đến toán, khoa học, và kỹ thuật nên anh nghĩ đến chuyện kiếm tiền bằng những kiến thức được thu nạp nhờ đọc sách. Anh lên Google “tìm việc!”. “Em tìm được nhiều project trên trang mạng MindSumo của Stanford University. Trang mạng này có vô số project lớn của các công ty, mọi ngành luôn, và chia sáu lĩnh vực là Business, Engineering, Computer Science, Food Science, Math & Sciences, và Humanities & Arts,” anh kể. “Nhờ vậy, trong năm 2017 em kiếm được kha khá tiền. Những project có giá $200-$300 thì em làm cả trăm cái rồi. Rồi có những cái có giá hơn $1,000. Riêng những project mất nhiều thời gian đầu tư như $11,000 của ngân hàng Wells Fargo, hay lớn nhất là $50,000 của SpaceX em cũng giành được,” anh khoe. Anh kể, project của SpaceX anh làm gần cả năm trời mới xong. “Lúc đó là lúc em chia tay vợ sắp cưới của em hiện nay. Khi đó về tới nhà là chán lắm, nên em làm project đó để giết thời gian,” anh cho hay. “Từ giữa năm 2017 em làm project này nhưng mãi đến tháng 2/2018, mới xong. Vui nhất là chỉ hai tháng sau thì ông chủ SpaceX nhận em làm việc full-time. Đây là điều em chưa bao giờ nghĩ tới,” anh chia sẻ.

Theo anh, SpaceX yêu cầu thay vì phóng hỏa tiễn trên mặt đất, thì bầu khí quyển tốn nhiều năng lượng để phóng do oxy dày. Trong khi đó, ở Bắc Cực muốn xây một thang máy ra ngoài khí quyển, để có trạm phóng ngoài không gian. Điều này để tiết kiệm nhiên liệu, và hỏa tiễn bay thì trở về được, như máy bay vậy. “Project này kết hợp giữa vật lý và khoa học máy tính. Đối với em, toán không phải là môn học, dù em học chuyên về toán. Nó chỉ là nền tảng của mọi khoa học, dùng để mượn công cụ thôi. Với project này của SpaceX thì những bước để làm việc này đều thuộc về khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, lập trình, vật lý, không xài toán nhiều trong đó,” anh nói về số tiền $50,000 giành được khi đưa ra ý tưởng cho SpaceX. Mặc dù được SpaceX tạo mọi điều kiện, nhưng Khoa cho hay: “Nếu có cơ hội, em vẫn thích Apple, Google, Airbnb. Trong đó em thích nhất là Airbnb, vì ‘benefit’ dữ lắm dù là công ty không nổi tiếng bằng những công ty kia, nhưng lương cũng bằng vậy, và làm ít áp lực hơn.”

“Em thích làm data science, bởi vì làm dữ liệu thì đỡ áp lực hơn nhiều. Trước đây cứ nghĩ là học xong  ở UCLA thì em sẽ làm chuyên gia phân tích rủi ro bên bảo hiểm. Nhưng dự tính của mình không giống như mình nghĩ. Cuối cùng thì lại ‘dính’ vào Space X. Nghề tay phải muốn làm là data science thì không được rồi, đành phải làm nghề tay trái computer science vậy!” anh nói. Và Khoa rất tâm đắc câu: “Sometimes you make choices in life and sometimes choices make you,” tức là “Đôi lúc bạn tạo ra cơ hội trong cuộc sống và đôi lúc cơ hội tạo ra bạn.”

STEVEN DƯƠNG VÀ HYPERLOOP TRANSPORTATION TECHNOLOGIES

Trong thời gian vừa qua, hầu hết Truyền thông Mỹ đều nói về Hyperloop One. Về một ước mơ đã rất gần với hiện thực. Hyperloop là một sáng kiến mới, là một hệ thống tàu siêu tốc, để di chuyển người và vật ở tốc độ máy bay, với mức giá của một vé xe đò. Theo tiêu chuẩn: tiết kiệm năng lượng, thời gian và an toàn. Tại Austin – Texas có một đội ngũ Kỹ sư, Kiến trúc sư, và các nhà Khoa học thuộc Công ty AECOM, một Công ty Kỹ thuật có văn phòng tại Dallas và Houston, đã vinh dự được chọn vào vòng bán kết trong cuộc thi này.

Đề án này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức vận chuyển trong quá khứ, và sẽ tạo ra một thế giới kết nối tuyệt vời. Theo những nhận định khách quan từ các nguồn tin liên hệ, cho rằng: Nhóm AICP thuộc Công ty AECOM  có một xác xuất rất lớn để đạt chiến thắng. Hiện dự án đang được trình bày tại Newseum ở Washington.DC.  Được biết, dự án Texas này, hiện được đặt biệt chú ý, là hai trong số 11 dự án được vô semi-finalists nổi bật. Steven Dương cùng đội ngũ AICP cũng dành nhiều kỳ vọng cho dự án này. Nếu công trình này được chọn thì là tin quá vui cho dân Texas. Công trình dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2021. Năm năm nữa, khi chúng ta di chuyển từ Austin to Dallas chỉ mất 20 phút, cũng như từ Dallas to Houston cũng chỉ có 30 phút, thay vì 4 tiếng đồng hồ. Một Hyperloop 640 dặm sẽ kéo dài từ Dallas đến Houston, với điểm dừng ở Austin và San Antonio trên đường đi … Hooray!

Càng vui hơn khi được biết: Trưởng nhóm công trình này là một thanh niên người Việt nam còn rất trẻ chưa tới 30 tuổi. Steven Dương là con trai thứ của Ông Dương Hải Sơn, và bà Đỗ Xuân Thanh, sống ở Knoxville – TN. Em là một trong hai anh em sinh đôi. Người anh em sinh đôi khác là Kevin Dương. Ở tuổi 28, Kevin Dương đang là Giảng sư Đại học. PH.D. , Professor of Political.  Cả hai em đều có những thành tựu vượt bực.

Steven Dương, chàng thanh niên có ngoại hình nhỏ nhắn, điềm đạm. Tự tin nhưng khiêm nhường, luôn gắn bó với gia đình. Lúc nhỏ em đã là một học sinh nổi tiếng xuất sắc. Từ trường học cho đến khi bước chân ra đời làm việc, Steven Dương luôn đạt  được những thành tích vượt trội, và được yêu mến từ gia đình, đồng nghiệp, cũng như bạn bè chung quanh.

Sau ba năm cùng cộng sự làm việc cực nhọc, theo đuổi  công trình  “Hyperloop One Challenge”, đi được đến kết quả hôm nay dù chưa phải là final, nhưng với kết quả vượt qua 2,600 công trình, để vào được top 35, và rồi cũng sẽ chỉ có 3 trong 35 công trình được chọn. Tuy nhiên từ một hành trình cam go, đi được tới giai đoạn semi-finalists thì cũng đã là một cố gắng vượt bực. Hiện em đang có mặt ở Washington, D.C. với trọng trách thuyết phục, trình bày với Quốc hội về các kế hoạch, ngân khoảng, tốn kém và nhất là chứng minh được sự hữu dụng và cần thiết của phương tiện giao thông hiện đại này cho Texas. Đoạn đường phía trước còn dài. Tuổi trẻ, thông minh, nghị lực … Chúng tôi chia vui và chúc em thành công !.

Hyperloop Transportation Technologies, hay còn gọi là HTT, là một Công ty Nghiên cứu của Mỹ được thành lập bằng cách sử dụng, kết hợp, chọn lựa những ý kiến từ những đội ngũ xuất sắc trên toàn thế giới,  để phát triển một hệ thống giao thông dựa trên khái niệm Hyperloop. Elon Musk, the CEO of Tesla Motors and SpaceX, lên ý tưởng đề ra vào năm 2013.

hyperloop

Hyperloop One là một Công ty tư nhân duy nhất trên thế giới xây dựng một hệ thống Hyperloop hoạt động thương mại, họ đang nỗ lực để nghiên cứu, phát minh, và xây dựng các thiết bị được gọi là Hyperloops, có mục tiêu rút ngắn thời gian di chuyển. Điều đó sẽ giống như bạn đi du lịch trên một chiếc xe – hoặc Thùng xe (pod). Hành khách hoặc hàng hóa sẽ dần dần tăng tốc độ trong một ống áp suất thấp. Hành khách bên trong sẽ có cảm giác mình đang ở trên máy bay. Hay có thể nói như đang trên một con tàu tương lai, với tốc độ nhanh vượt bực: 760 miles/hr.

Ba năm qua, HTT đã nổ lực để biến giất mộng này thành hiện thực, chỉ tiêu của Công ty là phải có ba hệ thống phục vụ vào năm 2021. Các doanh nghiệp tham gia cuộc thi, “Hyperloop one Challenge”, sẽ nghiên cứu các thiết bị, cũng như tìm vị trí thích hợp để lắp đặt hệ thống. Cho đến nay, HTT đã nhận 2,600 bản đệ trình từ các đội trên toàn thế giới, và chỉ vừa mới hôm qua, quyết định thu hẹp nó xuống còn 35 đội ở vòng bán kết. Trong đó có 11 đội thuộc Hoa Kỳ. 11 nhóm semifinalists của nước Mỹ, và 24 đối thủ quốc tế tham gia cạnh tranh vẫn còn đang thi thố tài năng trong “Global one Challenge”. 35 đội được vào bán kết đang nỗ lực để mang lại các Hyperloop ở khu vực của họ và ba nhóm chiến thắng cuối cùng sẽ được công bố vào cuối năm nay.

CÔNG TY SẢN XUẤT ĐẬU PHỤ CỦA DOANH NHÂN GỐC VIỆT ĐẠT DOANH THU 15 TRIỆU USD/NĂM

Ẩn sau những bức tường màu xám và cửa sổ sắt ở khu công nghiệp Oakland, California là nhà máy sản xuất đậu phụ của Hodo Inc. Những thùng to đựng đầy đậu nành được chuẩn bị sẵn sàng trước khi được chuyển xuống dây chuyền để nghiền thành bột, lọc và ép thành những miếng đậu phụ khổng lồ. Ở một khu vực khác, các công nhân đang cầm trên tay những chiếc vợt cỡ lớn để chiên những thanh đậu phụ trên những chảo dầu. Sau đó, số đậu phụ này sẽ được thêm các loại gia vị, ra thành phẩm là những món như sản phẩm bán chạy nhất của Hodo là đậu chiên cà ri Thái. Trung bình một ngày, Hodo sử dụng khoảng 15 tấn đậu nành Mỹ để sản xuất ra 20 tấn các sản phẩm từ đậu phụ nguyên chất, các món đã được nấu chín, ăn liền với nhiều vị khác nhau. Các sản phẩm của Hodo được bán trên khắp nước Mỹ, từ các khu chợ cho người sành ăn tại San Francisco tới các cửa hàng thực phẩm sạch tại Brooklyn. Sản phẩm của Hodo cũng được dùng trong các chuỗi cửa hàng đạt sao Michelin như Sweetgreen và Bird Provision tại San Francisco. Tháng 6, nghiên cứu của Nielsen cho thấy Hodo nằm trong những công ty phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực sản phẩm giàu protein làm từ thực vật bao gồm các đối thủ cạnh tranh như Sweet Earch Foods, Wildwood và Tofurky. Doanh thu hiện tại của Hodo đạt 15 triệu USD với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đạt 35.9%.

Minh Tsai – nhà sáng lập của Hodo muốn tạo ra cuộc cách mạng về nấu nướng với đậu phụ. Doanh nhân gốc Việt 47 tuổi này tới Mỹ vào năm 1981. Ông có bằng cử nhân và MBA tại đại học Columbia sau đó làm việc trong lĩnh vực tài chính tại ngân hàng JPMorgan Chase & Co và Charles Schawab trước khi chuyển sang kinh doanh đậu phụ. Minh lớn lên tại Việt Nam và ông không thể nào quên được những lần được ăn món đậu phụ do mẹ ông làm hoặc được bán tại các cửa hàng nhỏ, nó rất đặc biệt. Ông nhận thấy cơ hội với món ăn này tại Mỹ – nơi phần lớn các nhà sản xuất châu Á tạo ra loại đậu phụ ngon thì không phải làm hữu cơ còn các công ty Mỹ làm theo dạng hữu cơ thì lại không ngon. Thế là trong suốt 2 năm, Minh bán những miếng đậu phụ do chính tay ông làm tại các chợ cho người nông dân ở Palo Alto. Các khách hàng ở đó “thật sự quan tâm tới hữu cơ, sản phẩm địa phương và họ có đủ thu nhập để chi trả”. Đến năm 2004, Minh quyết định nghỉ việc trong lĩnh vực tài chính, dồn hết 80,000 USD và khởi nghiệp Hodo. Một trong những sản phẩm đầu tiên công ty là Yuba – một loại sợi mềm như mỳ từ đậu nành và một số nguyên liệu khác.

Năm 2005, Minh hợp tác với một người tên là John Notz – sau này trở thành Giám đốc tài chính (CFO) của công ty để giúp huy động tiền xây nhà máy. Khi có tiền, họ đầu tư vào trang thiết bị, bao gồm cả máy sản xuất sữa đậu và dây chuyển rồi mở cửa nhà máy vào năm 2008. Sản phẩm của Hodo sớm được bán trong những cửa hàng bao gồm cả Bi-Rite Market và Whole Foods tại San Francisco. Hodo hiện sản xuất hàng tá sản phẩm và mỗi năm lại cho ra đời vài sản phẩm mới. Trong năm 2018, công ty tạo ra một dòng đậu phụ có hương vị Morocco và Địa Trung Hải đóng trong các gói khoảng gần 4 kg và bán với giá 6 USD. Kế hoạch mở rộng nhà máy từ 2,000 m² thành gần 4,000 m² đang được triển khai và sẽ hoàn thành vào mùa thu này, nâng năng lực sản xuất lên mức 35 tấn sản phẩm từ đậu nành mỗi ngày.

Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có nhiều cửa hàng hơn bán sản phẩm của Hodo. Tính đến cuối tháng 8, Hodo sẽ có mặt ở 450 cửa hàng Whole Foods. Được biết, Minh cũng đang đàm phán với Target tuy nhiên chưa có thỏa thuận nào được ký kết và ông cũng đang thử nghiệm nhiều sản phẩm mới. Các sản phẩm không làm từ đậu nành cũng đang được tính toán đến. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu mọi cơ hội với những sản phẩm làm từ thực vật gồm đồ ăn sẵn, đồ uống và cả đồ ăn vặt”.

SCHOLAR JET: STARTUP GIÀNH NGÔI VỊ QUÁN QUÂN Ở CUỘC THI VIETCHALLENGE 2017

Sau thành công của chương trình vào năm 2017 với hơn 176 startup từ 23 Quốc gia đến tham dự, VietChallenge 2018 đã chính thức tái khởi động với tổng giải thưởng lên đến 50.000 USD trong đó, đội thắng cuộc nhận 25,000 USD, đội về nhì nhận 5,000 USD và các 4 đội khác lọt vào vòng bán kết nhận được 2,000 USD.

Chương trình có sự tranh tài của các startup trong và ngoài nước. Cụ thể, các đội trong nước sẽ thi đấu với nhau ở TP.HCM và Hà Nội để chọn ba đại diện của Việt Nam vào tham dự vòng bán kết cùng các đội quốc tế.

Từ 6 đội, các giám khảo tiếp tục chọn ra 3 đội tham dự vòng chung kết tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge, Hoa Kỳ.

“Nếu số tiền thưởng lên đến hơn 550,000,000 VND chưa đủ để thu hút các thí sinh, thì chúng tôi tin rằng chương trình 4 tháng cố vấn từ các chuyên gia, doanh nhân quốc tế hàng đầu sẽ hấp dẫn được các bạn”, bà Mai Phan Zymaris – Giám đốc điều hành VietChallenge, cho biết.

VietChallenge là cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên dành cho người Việt trên khắp thế giới do Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ phát động. Sứ mệnh của VietChallenge là hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh nhắm vào việc giải quyết những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu.

Mục tiêu của chương trình là giúp tạo ra các công ty khởi nghiệp với khả năng đột phá, cạnh tranh cao trên trường quốc tế, đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Cuộc thi bắt đầu nhận hồ sơ vòng sơ khảo vào ngày 01/09/2017 tại website chính thức của VietChallenge. Các bạn trẻ quan tâm đến cuộc thi có thể tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây.

Scholar Jet: startup giành ngôi vị quán quân ở cuộc thi VietChallenge 2017

Đây là doanh nghiệp khởi nghiệp với ý tưởng tìm kiếm tiền học bổng dựa trên các hoạt động làm việc ngắn hạn hoặc tham gia thử thách. Các du học sinh không tìm kiếm học bổng bằng viết khóa luận mà phải vượt qua các thử thách từ phía nhà tài trợ đưa ra.

Một số thử thách như: làm việc, vẽ tranh, chạy bộ, chương trình tình nghuyện hay thử thách về khoa học tự nhiên.

CARINA HOÀNG: DIỄN VIÊN VIỆT TRÊN VÒM TRỜI ÚC

Lúc rời Việt Nam năm 16 tuổi, Carina Hoàng, tên thật là Hoàng thị Oanh Oanh, không thể nào hình dung sau này mình sẽ trở thành một diễn viên. Thế mà trong bốn tháng qua bà đã theo học xong khóa diễn xuất của Australian Broadcasting Corporation (ABC), đóng xong hơn 20 tập phim, và chính thức trở thành một diễn viên của truyền hình Úc.

Oanh Oanh 1979

Carina Hoang 2018

Carina Hoàng là một người tị nạn, một tác giả viết sách về người tị nạn, một phụ nữ chuyên tổ chức những chuyến đi tìm mộ những người tị nạn bỏ mình trên đường đi tìm tự do ở hoang đảo KuKu, Indonesia, một đại diện cho Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc của Úc. Nhưng một Carina Hoàng diễn viên? Ở tuổi 55? Trong khi không hề có một tí kinh nghiệm diễn xuất nào? Chẳng ai hình dung được điều ấy, ngay cả, và nhất là, Carina Hoàng! Qua một phỏng vấn với BBC, Carina cho biết “thủ phạm” đưa mình vào thế giới mới là một email của ABC mà bà nhận được trước đó không lâu. “Cần một diễn viên nữ người Việt đứng tuổi để thủ vai một người Việt tị nạn cho một chương trình TV nhiều kỳ của Australian Broadcasting Corporation. Không cần kinh nghiệm.” Email viết. Bây giờ nhớ lại, Carina cũng không nhớ rõ điều gì khiến đã mình đặc biệt chú ý đến email này. Hẳn phải là vì hai chữ tị nạn, vì sự tò mò về một chương trình TV của Úc liên quan đến người Việt tị nạn, bà nói. Nhưng dòng chữ “không cần kinh nghiệm” có lẽ như thầm thì với bà những lời vừa khuyến khích, vừa hứa hẹn. Carina Hoàng cho biết sau khi bà quyết định liên lạc thử với ABC, thì những gì kế tiếp là ‘lịch sử’.

Trả lời phỏng vấn của BBC, bà Annie Murtagh-Monks, đạo diễn tuyển vai (casting director) của “The Heights” nói rõ hơn về hành trình đi tìm người thủ vai một phụ nữ tị nạn gốc Việt: “Tôi đã đi khắp nước Úc để tìm cho ra một nữ diễn viên người Việt cỡ tuổi Carina để đóng vai Iris. Và dù Úc có nhiều diễn viên Á – Âu có thể đóng vai mẹ của một sinh viên đại học 21 tuổi, tôi không tìm được diễn viên người Việt nào có kinh nghiệm diễn xuất ở độ tuổi này. Trong khi đó ABC muốn chương trình đa chủng tộc ‘The Heights’ phải có những diễn viên có thể lột tả chính xác nguồn gốc và văn hoá của nhân vật. Thế là tôi phải liên lạc với một loạt các cộng đồng người Việt bao gồm cả lãnh sự quán, gửi emails, đi bỏ tờ rơi tại các siêu thị và nhà hàng Việt Nam ở Perth, rồi sau đó mời tất cả những ai trả lời đến diễn thử để tìm người thích hợp nhất. Carina cho thấy nhiều hứa hẹn trong các cuộc diễn thử, được mời cộng tác, rồi sau đó được theo học khóa đào tạo của ABC.

Carina tâm sự: “Diễn xuất, nhất là cho một sản phẩm lớn như ‘The Heights’ là điều rất thú vị. Đối với những người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, thì nó cực kỳ thú vị. Tôi không chỉ tôi thích công việc diễn xuất, tôi còn biết ơn cơ hội độc đáo này. Dù là một phụ nữ tự tin, cơ hội thú vị này làm cho tôi tin vào bản thân nhiều hơn. Tôi cảm thấy được khích lệ để thử những điều mới hơn trước.” “Cuộc sống đầy những bất ngờ. Hãy sẵn sàng đón nhận chúng!” Người phụ nữ vừa bước chân vào ngành diễn xuất kết luận.

ĐÀO NGUYỄN, PHỤ NỮ GỐC VIỆT ĐỨNG SAU THÀNH CÔNG CỦA BUZZFEED

Đào Nguyễn, một trong những thành viên chủ chốt của BuzzFeed. (Ảnh: Đào Nguyễn)

Đào Nguyễn theo gia đình đến định cư ở Mary Land, tiểu bang Florida, Mỹ lúc còn nhỏ. Đến năm 1984, chị cùng gia đình chuyển đến California sinh sống. Sau khi tốt nghiệp trung học, chị theo học tại Đại học Havard rồi chuyển đến New York, sau đó sang Pháp làm việc rồi về lại New York.

Xuất thân từ ngành khoa học máy tính, toán học máy tính và lập trình, đó là những ngành không liên quan đến truyền thông báo chí nhưng nhờ những kiến thức đã học được, Đào Nguyễn đã áp dụng và tạo nên xu hướng làm tin “viral” (tin lan tỏa) cho độc giả của Tập đoàn Giải trí BuzzFeed có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ.

Trước đây chị đã có thời gian làm cho Le Monde, tập đoàn báo chí và truyền thông lâu đời và rất nổi tiếng ở Pháp hiện nay. Chính nơi đây đã cho chị những trải nghiệm liên quan đến luật truyền thông, kinh doanh truyền thông, tòa soạn làm việc thế nào, cách đưa tin ra sao … Nhờ thế mà hiện giờ chị là một trong những thành viên chủ chốt đứng sau thành công của BuzzFeed, một công ty tiên phong và đi đầu trong việc làm tin “viral”. Hiện tại chị đang giữ vị trí chủ nhiệm. Bây giờ, BuzzFeed đã trở thành một trong những tên tuổi truyền thông trên khắp thế giới. Đi lên từ con số 0, nhưng chỉ trong vòng 6 năm, BuzzFeed có được chỗ đứng vững chắc và đạt được thành công nhất định. Trong khi đó những công ty truyền thông khác phải mất hàng chục năm để gây dựng.

Chị Đào chia sẻ: “Chúng tôi là người tiên phong trong việc đưa video ‘go viral’. Thời điểm đó, không có một công ty truyền thông nào như chúng tôi làm video clip ngắn gọn trên trang mạng xã hội. Chúng tôi bắt đầu làm video trên Facebook và Pinterest, rồi mở rộng sang YouTube.Sau đó, chúng tôi tạo ra kênh ‘Tasty’ được xem là kênh về ẩm thực lớn nhất trên thế giới, và từ đó, chúng tôi có cơ hội mở ra nhiều kênh và thương hiệu khác, dựa trên thành công của Tasty”, chị nói thêm.

BuzzFeed đã nhận được giải thưởng báo chí Pulitzer trong 2 năm liên tiếp, điều mà không ai có thể nghĩ BuzzFeed có thể làm được vì tuổi đời còn quá trẻ so với những công ty truyền thông có tên tuổi hơn 100 năm qua.

PETER PHẠM: ĐẶC SỨ HOA KỲ TẠI GREAT LAKES REGION (VÙNG ĐẠI HỒ) CỦA PHI CHÂU.

Giáo sư Peter Phạm là Phó Chủ tịch của các Hội đồng nghiên cứu về Đại Tây Dương và Phi Châu. Trước đó, ông là giáo sư nghiên cứu về luật pháp, chính trị và các vấn đề về Phi Châu tại đại học James Madison University ở Harrisonburg, Virginia.

Là chuyên viên về Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, tập trung về ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ, chính trị và an ninh Phi Châu, khủng bố và bạo lực cũng như chính trị và tôn giáo toàn cầu, Peter Pham là tác giả hơn 300 bài bình luận về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, về an ninh quốc phòng, về chính trị Phi Châu, khủng bố, chính trị – tôn giáo, chính trị toàn cầu … cũng là tác giả, biên tập hơn một tá cuốn sách về các đề tài trên. Cũng nên nhắc rằng, trong một bài bình luận trên New York Times, Peter Pham qua bài “To Save Congo, Let it Fall Apart” (Để Cứu Congo, Hãy Để Nó Tan Rã), viết rằng thế giới có thể dùng tài nguyên hiếm hoi để cứu trợ nhân đạo và phát triển, thay vì giữ gìn sự thống nhất quốc gia Congo. Ông được mời điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ và tham vấn cho các quan chức cao cấp Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Quốc, các chính phủ ngoại quốc và các tập đoàn đa quốc gia.

Ông cũng là Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông và Phi Châu (ASMFA), đại diện cho hơn 1,300 học giả nghiên cứu về 2 khu vực trên tại hơn 300 trường đại học Hoa Kỳ và ngoại quốc cũng như là Tổng biên tập cho Journal of the Middle East and Africa.

Tháng 11/2018, ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo bổ nhiệm ông Peter Pham làm Đặc sứ Hoa Kỳ tại Great Lakes Region (Vùng Đại Hồ) của Phi Châu. Vùng Đại Hồ bao gồm Burundi, Rwanda, Uganda, Kenya, và Tanzania, thêm vào là CHDC Congo, quốc gia bất ổn nhất khu vực. Peter Pham sẽ giữ ghế trước đây của Điều Hợp Viên Cao Cấp Vùng Đại Hồ, Đại sứ Larry Wohlers.

Bản văn bổ nhiệm ghi rằng Peter Pham, Giám đốc Viện Nghiên Cứu về Phi Châu Trong Hội Đồng Đại Tây Dương (Africa Center at the Atlantic Council), sẽ điều hợp chính sách Mỹ trong vùng, nhấn mạnh vào việc củng cố các thể chế dân chủ. Peter Pham cũng sẽ làm việc nhằm khuyến khích “việc trở lại an toàn và tự nguyện” người tỵ nạn trong vùng và những người phải di tản trong vùng, giữa lúc căng thẳng trở lại trong hai nước Burundi và Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

CÔ BÉ GỐC VIỆT VƯỢT NGHỊCH CẢNH TRỞ THÀNH HY VỌNG PARALYMPIC CỦA HOA KỲ

Đừng bao giờ nản chí, đừng bao giờ tuyệt vọng. Khi Thượng Đế đóng một cánh cửa thì Ngài sẽ mở một cửa khác cho chúng ta đi. VietPress USA nhận được bài sau đây của ĐINH HƯƠNG / THEO THỜI ĐẠI dịch từ Dailymail nói về nữ Vận động viên khuyết tật Đỗ Thị Phương tức Have Shepherd trong nhóm đại diện Hoa Kỳ dự Paralympic tại Thế vận hội Mùa đông Olympic 2018 ở Nam Hàn.

Là đứa con ngoài giá thú của một mối quan hệ không được chấp nhận, bố mẹ cô bé đã quá đau khổ, cùng quẫn nên ôm luôn con nhỏ rồi nổ bom tự sát. Haven Shepherd, tên tiếng Việt là Đỗ Thị Phương, sinh ra trong một gia đình bất hạnh tại Việt Nam. Haven là kết quả từ mối tình vụng trộm của bố mẹ em. Vì không thể tìm được sự giải thoát và vấp phải nhiều chỉ trích, ngăn cấm từ gia đình, bố mẹ ruột của Haven đã vô cùng đau khổ, tuyệt vọng và rồi họ quyết định cùng nhau quyên sinh. Cặp tình nhân quẫn trí lúc bấy giờ ôm đứa con gái chỉ mới được 1 tuổi và quấn chất nổ tự chế lên người, định bụng rằng cả nhà 3 người sẽ nhanh chóng được hạnh phúc cùng nhau nơi chín suối. Thế nhưng, cuộc đời nghiệt ngã cũng không làm cho họ được toại nguyện. Kết quả là cô bé bất hạnh Haven tuy có thể giữ được mạng sống nhưng đã mất đi cả bố mẹ và đôi chân của mình. Chỉ mới có tí tuổi đầu, Haven đã phải mang vết thương kinh khủng, mồ côi bố mẹ, bị cắt cụt chân từ đầu gối trở xuống và trải qua những tháng ngày đau đớn vì những cơn đau hành hạ. Ông bà của Haven vì thương nên đón cháu về nuôi nhưng họ quá nghèo, không có đủ khả năng chi trả để chăm lo cho đứa cháu tật nguyền cùng với hàng đống chi phí chữa bệnh. Ông bà đã nghĩ đến việc phải dứt ruột đưa Haven vào trại trẻ mồ côi, nương nhờ vào sự hảo tâm của xã hội.

Thật may mắn làm sao, vào năm 2005, khi Haven được 20 tháng tuổi, cặp vợ chồng nhà Shepherd ở Mỹ, thông qua tổ chức Touch A Life biết đến câu chuyện của cô bé bất hạnh liền thấy vô cùng cảm thương. Ông bà Rob và Shelly vượt hàng nghìn dặm từ bang Missouri đến Việt Nam để gặp gỡ Haven và họ quyết định nhận nuôi cô bé. Kể từ năm đó, Haven trở thành một thành viên của gia đình Shepherd cùng với 6 anh chị em khác là con ruột của Shelly và Rob. “Tôi đã từng rất sợ hãi khi phải kể cho con về sự thật khủng khiếp của cuộc đời nó. Nhưng đến năm Haven 5 tuổi, có một lần sau khi nghe lại câu chuyện, con bé nhún vai và nói: “Con thấy điều này thật ngu ngốc”, và từ đó về sau Haven dường như đã chấp nhận bản thân mình, chị Shelly bồi hồi kể lại. Cô bé sống thật hạnh phúc và được sự động viên của gia đình, Haven đã vượt lên mọi định kiến, trở thành một vận động viên chuyên nghiệp với niềm đam mê thể thao bất tận.

Haven và giấc mơ Paralympics

Bắt đầu từ năm 12 tuổi, tài năng vượt trội trong môn bơi lội của Haven đã giúp cô bé được vào đội tuyển bơi lội Paralympics Emerging Swim và hy vọng sẽ tham gia thi đấu chính thức vào năm 2020 – 2024. Haven là một trong những tay bơi cự phách được đặt niềm tin sẽ mang về vinh quang cho nước Mỹ một ngày không xa. Gia đình Shepherd thật sự không giấu được sự tự hào về cô con gái nhỏ và họ thầm biết ơn vì cơ duyên năm xưa đã giúp cho gia đình mình được gặp Haven. Chị Shelly cảm động nói: “Là Haven đã chọn chúng tôi và con bé đã sống để chứng minh rằng, không có chân là một điều chẳng to tát gì cả”.

Hạnh phúc với tình thương yêu của cha mẹ nuôi

DUY TRẦN, NHẠC SĨ NGƯỜI VIỆT NAM TRẺ TUỔI THÀNH CÔNG Ở HOA KỲ

Âm nhạc là một môn học bổ ích, nhưng không phải ai cũng lấy âm nhạc làm nghề được. Trong các gia đình gốc Á Châu hay gốc Việt, các phụ huynh thường muốn con mình đi học các ngành như bác sĩ hay kỹ sư, ít ai cho con mình kiếm sống bằng âm nhạc được. Nhạc sĩ trẻ Trần Lê Duy là một trong số ít những thanh niên gốc Việt được theo đuổi giấc mơ nghệ thuật của mình. Trần Lê Duy, hay theo nghệ danh là Duy Trần, là một nhạc sĩ trẻ tuổi người Việt Nam, chỉ mới 26 tuổi. Anh sinh ra ở Sài Gòn, hiện đang sống ở Westminster, ngay tại Little Saigon, và đạt được nhiều thành tựu âm nhạc trong đời. Duy tìm đến con đường âm nhạc ra sao? Anh cho phóng viên Người Việt biết anh sinh ra trong một gia đình thích âm nhạc vì có mẹ là giáo viên của trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn và cha của anh là một kiến trúc sư, nhưng cũng biết chơi nhạc và từng một thời kiếm sống bằng âm nhạc. Vì vậy, Duy được cha mẹ dạy nhạc từ nhỏ.

“Bố mẹ dạy nhạc cho Duy từ lúc 5 đến 12 tuổi, mẹ thì dạy nhạc cổ điển (classical music), về sau thì bố dạy thêm cho duy về phần nhạc nhẹ. Tuy nhiên, lúc đầu bố mẹ không có ý định muốn Duy đi theo con đường chuyên nghiệp về âm nhạc,” anh kể. Đến khoảng 16 tuổi, anh quyết định theo đuổi ngành âm nhạc và bàn bạc với cha, sau đó sang Mỹ học vào lúc 18 tuổi. Anh học tại Musicians Institute ở Hollywood, theo ngành sáng tác nhạc cho phim ảnh. Đến năm 2016, anh tốt nghiệp bằng cử nhân của đại học này và được đại diện toàn bộ sinh viên của niên khóa đó đọc diễn văn tốt nghiệp. Sau đó, anh quyết định lấy bằng cao học và vừa tốt nghiệp cao học ở đại học University of Southern California (USC). Là một người được học nhạc ở Việt Nam và sau đó học ở Mỹ, Duy thấy được sự khác biệt rõ rệt của cách dạy nhạc giữa hai nước. Anh cho biết: “Duy được học ở Hollywood, thủ đô của ngành giải trí của thế giới, tất nhiên là âm nhạc sẽ phát triển hơn Việt Nam nhiều. Điều này có nghĩa là giáo dục âm nhạc của Mỹ cũng tiến bộ hơn. Là một nhạc sĩ tuy chỉ mới 26 tuổi, nhưng Duy Trần đã đạt được nhiều thành công trong đời mình. Một trong những tác phẩm mà anh tự hào nhất là nhạc nền cho phim ngắn “Tyson!” của đạo diễn Rebecca Ocampo. Toàn bộ nhạc nền của phim này đều do Duy sáng tác. Phim này được công chiếu vào năm 2016 ở 12 lễ hội phim ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Phi Châu. Trong số các lễ hội này, “Tyson!” được chiếu tại lễ hội phim ngắn Hollyshorts Film Festival tại rạp phim TCL Chinese Theater lừng danh ở Hollywood. Không chỉ vậy, nhạc của phim này còn được đề cử nhận giải “Nhạc phim hay nhất” tại lễ hội phim tự do Southern States Indie Film Festival.

Một dự án thành công nữa của anh là buổi hòa nhạc ra mắt album “MIRRORS” của nữ ca sĩ opera người Mỹ gốc Việt Sangeeta Teresa Mai. Đây là một nữ ca sĩ thành công, có nhiều giải thưởng và buổi hòa nhạc ra mắt album của cô được tổ chức hồi Tháng Mười, 2018, tại nhà hát Segerstrom Center for the Arts ở Costa Mesa. Vé của buổi hòa nhạc này bán hết hai ngày trước khi trình diễn và Duy là nhạc trưởng. Khi chuẩn bị cho buổi hòa nhạc này, Duy còn được làm việc với nhiều tên tuổi lớn trong giới âm nhạc như ông Nicolas Neidhardt, đạo diễn âm nhạc người Pháp gốc Đức, từng soạn nhạc cho nhiều phim “bom tấn” của Hollywood; nữ ca sĩ opera người Mỹ Hila Plitmann, từng thắng giải Grammy; nữ nghệ đàn cello lừng danh người Nhật Eru Matsumoto, từng được đề cử nhận giải Grammy.

Không chỉ viết nhạc cho phim, làm việc cho các dàn nhạc ở Mỹ, Duy Trần còn viết nhạc cho các quảng cáo của các công ty nổi tiếng như Sony và Samsung. Ngành nghề nào cũng có những khó khăn, những thử thách riêng của ngành đó và một người theo ngành âm nhạc như Duy không phải là ngoại lệ. Là một người Việt Nam trẻ tuổi, nhưng thành công trong nghề âm nhạc, Duy có vài lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp: “Duy khuyên các bạn phải phân biệt được chuyện muốn học nhạc là sở thích hay đam mê. Nếu chỉ là sở thích, các bạn không nên học nhạc ở mức đại học và không nên theo ngành nhạc. Nếu là đam mê, các bạn phải theo đuổi đến cùng, bất kể khó khăn ra sao.” Về dự định cho tương lai, Duy cho biết anh sẽ tiếp tục viết nhạc phim cho các đạo diễn trẻ ở Los Angeles.

NGÀNH TÁC CHIẾN – QUÂN LỰC HOA KỲ

FACE OF DEFENSE: VIETNAM NATIVE FINDS SUCCESS IN U.S. ARMY

Command Sgt. Maj. Huynh – 1st Battalion, 504th Parachute Infantry, 82nd Airborne Division

CĂN CỨ FORT BRAGG, North Carolina (NV) – Bản tin của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa đăng bài viết “Face of Defense: Vietnam Native Finds Success in US Army,” nói về một người lính Mỹ gốc Việt, tên là Thịnh Huỳnh, có cấp bậc thượng sĩ thường vụ (Command Sergeant Major) của Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 504, thuộc Sư Đoàn 82 Nhảy Dù. Trong quân đội Mỹ, thượng sĩ thường vụ là nhân vật quan trọng thứ nhì, chỉ sau đơn vị trưởng. Theo Chính Sách Chỉ Huy Quân Đội Mỹ, người giữ chức vụ thượng sĩ thường vụ là hạ sĩ quan cao cấp nhất trong một đơn vị cấp tiểu đoàn hoặc cao hơn. Người này có trách nhiệm thực hiện các chính sách và tiêu chuẩn, và cố vấn cho đơn vị trưởng trong việc thi hành nhiệm vụ, huấn luyện, phong thái binh sĩ, và chỉ huy tất cả từ hạ sĩ quan trở xuống của đơn vị.

Theo bản tin, ông Thịnh ra đời trong một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Việt Nam, trải qua thời kỳ khó khăn sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, gia đình phải kiếm ăn hàng ngày. “Chúng tôi nghèo đến nỗi tôi từng nhìn người ta ăn,” ông Thịnh nói. “Chúng tôi ít khi được ăn. Chúng tôi chỉ được ăn hai hoặc ba bữa ăn mỗi tuần.” Trước năm 1975, gia đình ông làm ruộng. Sau đó, chính quyền Cộng Sản tịch thu ruộng của nhà ông để chia cho người của họ, ông Thịnh kể.

“Họ lấy luôn cả nhà của gia đình tôi,” ông nói. Chính vì vậy mà gia đình ông quyết định trốn thoát khỏi Việt Nam, hy vọng có đời sống tốt hơn.

Năm 1986, ông Thịnh, lúc đó 10 tuổi, cùng gia đình vượt biên, trên một con thuyền nhỏ chật người, như cá trong hộp, lênh đênh trên Biển Đông. Sau 10 ngày trên biển, cuối cùng, chiếc thuyền chở 86 người tấp vào đảo Pulau Bidong của Malaysia. Ngày 28/9/1989, ông Thịnh và gia đình đến một thành phố nhỏ ở tiểu bang Iowa. Mê đi lính từ khi còn trong trường học, ông Thịnh chọn tập trung học những môn liên quan đến quân đội Hoa Kỳ. Năm 1996, ông gia nhập quân đội Mỹ lúc 20 tuổi, nhưng không dám nói với gia đình vì sợ mẹ buồn. “Khi tôi tham gia quân đội, tôi không nói cho cha mẹ biết, mà chỉ cho họ biết hai ngày trước khi tôi vào trại huấn luyện,” ông kể. “Mẹ tôi kh ông vui lòng, bởi vì lúc đó tôi đang học đại học,” ông Thịnh kể. “Không ai muốn đứa con của mình, vừa thoát khỏi cuộc chiến Việt Nam, bây giờ lại đi lính Mỹ.”

Cho dù cha mẹ lo lắng, ông Thịnh vẫn giữ nguyên quyết định của mình, vì ông tin rằng, không có gì tốt hơn là phục vụ cho đất nước mà bây giờ ông gọi là quê hương. Hai mươi tuổi, và sau đó ra chiến trường sáu lần, binh sĩ Nhảy Dù này nói rằng, ông có được sức chịu đựng, danh dự, và một tình yêu vô cùng lớn đối với nước Mỹ. Mặc dù từng chỉ huy nhiều người lính, ông Thịnh không bao giờ nghĩ có ngày ông trở thành thượng sĩ thường vụ trong Sư Đoàn 82 Nhảy Dù.

“Tôi không bao giờ đưa ra mục tiêu là mình sẽ làm thượng sĩ thường vụ,” ông nói. “Mục tiêu của tôi là luôn luôn chăm sóc cho binh sĩ của tôi. Bây giờ, trong vai trò lãnh đạo này, tôi rất vui. Đây là một vinh dự trong một đơn vị đầy lịch sử, tự hào, truyền thống, và có một số binh sĩ và lãnh đạo tốt nhất trong Lục Quân.”

Người thượng sĩ Mỹ gốc Việt này nói, ông tin rằng, những gì trải qua ở Việt Nam làm cho ông trân trọng tự do ông có trong vai trò một công dân Mỹ. “Tôi sẽ không bao giờ coi nhẹ nước Mỹ, hoặc tự do mà tôi có ở đây,” ông Thịnh nói. Sau gần 30 năm rời Việt Nam, cuối cùng, Thượng Sĩ Thịnh Huỳnh tìm được cho mình một nơi mà ông gọi là quê hương.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Người Việt trẻ biến Little Sài Gòn thành thiên đường ẩm thực” trên mạng Người Việt ngày 3/12/2017.
  2. Bài viết “Đỗ Trọng Khoa, du học sinh 19 tuổi, được SpaceX mời làm việc, lương 6 số” trên mạng Người Việt ngày 3/12/2017
  3. Bài viết “Hyperloop One – Con Tàu Vượt Thời Gian Sắp Thành Hiện Thực” trên mạng Ngô Quyền ngày 27/7/2017.
  4. Bài viết “Một người Việt tị nạn làm nhân vật số 2 một tiểu đoàn Mỹ” trên mạng Người Việt ngày 16/8/2018.
  5. Bài viết “Bỏ việc ngân hàng JPMorgan mang đậu phụ bán khắp nước Mỹ từ chợ đến hàng trăm siêu thị và nhà hàng sang trọng, doanh nhân gốc Việt thu về 15 triệu USD mỗi năm” trên mạng Cafef.VN ngày 25/8/2018.
  6. Bài viết “VietChallenge 2018: Sân chơi khởi nghiệp quy mô toàn cầu cho người trẻ Việt” trên mạng Cafef.VN ngày 23/9/2017.
  7. Bài viết “Carina Hoàng: Diễn viên Việt trên vòm trời Úc” trên đài BBC ngày 23/9/2017.
  8. Bài viết “Đào Nguyễn, phụ nữ gốc Việt đứng sau thành công của BuzzFeed” trên mạng NguoiViet.Online ngày 2/10/2018.
  9. Bài viết “Mỹ Đưa Peter Phạm Giữ Đặc Sứ Phi Châu” trên mạng Vietbao Online ngày 13/11/2018.
  10. Bài viết “Nữ Vận động viên gốc Việt cụt 2 chân trong đoàn đại diện Paralympic Mỹ dự Olympic Mùa Đông tại Nam Hàn 2018” trên mạng VietPress USA ngày 8/2/2018.
  11. Bài viết “Duy Trần, nhạc sĩ người Việt Nam trẻ tuổi thành công ở Hoa Kỳ” trên mạng Người Việt ngày 22/1/2019.

—–

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *