Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội

944 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Vào cuối tháng 12 năm 2018, khi đưa lên mạng bài viết “Năm thứ hai của Tổng thống Trump”, tác giả có liệt kê ba đề tài dự trù hoàn tất trong năm 2019 khi có những biến chuyển rõ ràng hơn.

  • Tình hình bán đảo Triều Tiên sau Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Bắc Triều Tiên tại Singapore 2018.
  • Tranh chấp thương mãi Hoa Kỳ – Trung Quốc.
  • Cuộc điều tra về ảnh hưởng của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tại Singapore năm 2018, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều muốn có sự hiện diện nhưng điều này đã không xảy ra. Tuy nhiên, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhóm họp và có buổi họp báo tại thủ đô Seoul ngày 14/6. Điều này chứng tỏ sự liên minh vững chắc Mỹ-Hàn-Nhật trong thời gian sắp tới. Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore chỉ là bước khởi đầu. Mỹ không trông đợi sẽ đạt được thỏa thuận chi tiết ở Singapore. Tổng thống Trump mô tả cuộc gặp gở này là “tình huống để làm quen với nhau”. Ông nói thêm: “Đây sẽ là một quá trình.”

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, Hoa Kỳ dường như áp dụng chính sách ngoại giao mềm mỏng trong mối liên hệ với Bắc Triều Tiên. Những người nghiên cứu tình hình Bắc Triều Tiên cần hết sức để ý đừng để những gì đăng trên báo chí làm lệch lạc những biến chuyển thực sự trong mối liên hệ giữa hai nước. Trong cuộc gặp lịch sử với tổng thống Donald Trump ngày 12/6/2018 tại Singapore, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã cam kết “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, một cụm từ rất mơ hồ, muốn hiểu sao cũng được. Hai bên cho tới nay vẫn bất đồng với nhau về định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa. Washington đòi tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên phải là “hoàn toàn, vĩnh viễn và có thể kiểm chứng được”, nhưng Bình Nhưỡng thì lại muốn là trước hết Hoa Kỳ phải chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến đã kết thúc vào năm 1953 chỉ với một hiệp định đình chiến. Thật sự, những chuyện này cũng chỉ là làn khói mù che dấu ý định thật sự của Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Những tấm pa-nô mới từ Bắc Triều Tiên

QUAN HỆ HÀN QUỐC – BẮC TRIỀU TIÊN – HOA KỲ

Trong quan hệ Hàn Quốc – Bắc Triều Tiên – Hoa Kỳ thì yếu tố quan trọng nhất mà Bắc Triều Tiên muốn là sự trợ giúp kinh tế từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Chuyện giải giới vũ khí hạt nhân sẽ được chung quyết khi Bắc Triều Tiên nắm vững được điều kiện này. Trong bối cảnh mà sự tranh chấp thương mãi Hoa Kỳ-Trung Quốc là một yếu tố không bỏ qua được thì viễn ảnh các công ty Hoa Kỳ-Hàn Quốc-Nhật Bản chuyển các cơ sở sản xuất sang Bắc Triều Tiên có thể sự lựa chọn hợp lý. Lẻ dĩ nhiên là 3 nước này vẫn cần thị trường khổng lồ của Trung Quốc nhưng trong những điều kiện không bị nước này lợi dụng. Trên mặt nổi thì Hoa Kỳ đang chơi trò “tough guy”, luôn luôn yêu cầu Bắc Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng trên thực tế thì vấn đề quan trọng nhất là sự hiện hiện của quân lực Hoa Kỳ trên bán đảo Triều Tiên mà Hàn Quốc phải đóng góp phần tài chánh hợp lý cho sự bảo vệ này. Bắc Triều Tiên thì cần sự yểm trợ tài chánh của Hàn Quốc trong tiến trình cải cách kinh tế và xa hơn nữa là việc thống nhất 2 miền. Hàn Quốc thì xem xét mình có thể chi ra bao nhiêu trong khả năng của mình. Các nhà phân tích quốc tế ước tính chi phí dành cho việc thống nhất 2 miền sẽ là vào khoảng 2 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, lấy căn cứ từ việc thống nhất hai miền Đông và Tây Đức. Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa có đồng thuận để thống nhất khoản đóng góp tài chính của Seoul cho lực lượng gồm 28,500 lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. Theo thỏa thuận hiện tại, Hàn Quốc đóng góp khoảng 850 triệu USD mỗi năm để hỗ trợ chi phí cho lực lượng này. Thế bế tắc đã xuất hiện sau khi Mỹ yêu cầu tăng 50% (1.2 tỷ USD) nguồn chi từ Seoul để duy trì hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này. Hai bên vừa đạt được thỏa thuận về vấn đề gai góc này sau 10 vòng đàm phán trong năm 2018. Theo đó, Seoul sẽ tăng mức đóng góp lên hơn 1,000 tỷ won (890 triệu USD) vào năm 2019. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ chỉ kéo dài một năm, sau đó hai bên sẽ tiến hành đàm phán lại. Một giải pháp lâu dài cho bán đảo Triều Tiên là một vấn đề cần sự tương nhượng của Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

  • Tiến trình “tan băng” giữa hai miền đã khởi đầu với cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào tháng 4/2018 ở Bàn Môn Điếm. Trong cuộc gặp đầu tiên đó, lãnh đạo hai miền đã tuyên bố “một thời đại hòa bình mới”. Lúc đó, ông Kim Jong Un, một cách biểu tượng, đã là lãnh đạo đầu tiên của miền Bắc đặt chân lên miền Nam. Sau đó, hai ông đã gặp lại nhau vào tháng 5/2018, ngay trước cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Singapore vào tháng 6
  • Hôm 19/6 Ngũ Giác Đài chính thức thông báo ngưng các cuộc tập trận dự trù vào Tháng Tám với Hàn Quốc, một hành động được chờ đợi sau khi Tổng Thống Donald Trump gặp Chủ Tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn tại Singapore hồi tuần trước. Lầu Năm Góc ngày 19/10 thông báo hủy cuộc tập trận chung với Hàn Quốc đã lên lịch vào tháng 12, nhằm tạo cơ hội cho những tiến triển ngoại giao với CHDCND Triều Tiên. Quyết định được đưa ra sau cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tại Singapore ngày 19/10, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Bộ Quốc Phòng Mỹ, nói dự định cho các cuộc tập trận này đã chấm dứt, nhưng hiện chưa có quyết định nào khác liên quan đến các cuộc tập trận khác với Hàn Quốc trong tương lai.
  • Như đã cam kết tại cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12/6 tại Singapore, hôm 27/7/2018, Bình Nhưỡng đã trao trả cho Washington 55 hài cốt lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Việc trao trả hài cốt lính Mỹ diễn ra đúng kỷ niệm 65 năm ngày ký kết hiệp định đình chiến kết thúc cuộc xung đột này. Tổng cộng 229 bộ hài cốt đã được Bắc Triều Tiên trao trả cho Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2005 chiếu theo một thỏa thuận giữa Washington và Bình Nhưỡng. Nhưng thỏa thuận này sau đó đã bị đình chỉ do quan hệ giữa hai nước xấu đi. Theo một hiệp hội cựu chiến binh, hơn 35 ngàn binh sĩ Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Khoảng 7,700 quân nhân còn bị xem là mất tích sau cuộc chiến này, trong đó có 5,300 người ở Bắc Triều Tiên.

  • Ngày 18/9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cùng đệ nhất phu nhân đã đến Bình Nhưỡng và đã được đích thân lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân đón ngay tại sân bay, trước khi hai ông mở cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba. Phái đoàn của Hàn Quốc bao gồm 200 người, trong đó có lãnh đạo cơ quan tình báo, hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, cùng với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai, LG và SK. Hàn Quốc muốn phát  về phi hạt nhân hóa giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ, mà hiện đang gặp bế tắc. Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba có dấu hiệu thành công với một loạt quyết định quan trọng theo chiều hướng thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được loan báo ngày 19/9/2018.
  • Các cuộc đàm phán cao cấp giữa Mỹ và Triều Tiên dường như vấp phải trở ngại ngày 7/7 khi Bình Nhưỡng nói chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là “đáng tiếc” và cáo buộc Washington đưa ra những đòi hỏi “giống như gangster” để gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 29/9/2018 ở New York. Ông nói rỏ: “Không có bất kỳ niềm tin nào nơi Mỹ thì sẽ không có sự tin tưởng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi và trong hoàn cảnh như vậy không đời nào chúng tôi sẽ đơn phương giải giáp mình trước.”
  • Ngày 24/9/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận thêm một lá thư từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi một cuộc họp thứ hai và kế hoạch đã được tiến hành. Bắc Hàn hy vọng ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đến thăm Bắc Triều Tiên sớm và cũng hy vọng có một hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Trump sẽ diễn ra trong tương lai gần, để tiến trình phi hạt nhân hóa diễn ra nhanh chóng. Hiện chưa có chi tiết cụ thể về thời điểm và nơi chốn chính xác của hội nghị thượng đỉnh thứ hai.
  • Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In ngày 24/9 đã ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) song phương được đàm phán lại. Lễ ký diễn ra bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York đánh dấu lần đầu tiên ông Trump ký được một FTA lớn kể từ khi lên cầm quyền. Theo dự thảo thỏa thuận được Nhà Trắng công bố, thì FTA này có một số điều chỉnh về thuế quan và hạn ngạch ô tô. Theo đó, Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi số xe mà mỗi hãng xe Mỹ có thể xuất khẩu sang nước này mà không cần đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn Hàn Quốc, lên 50,000 xe mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không một hãng xe Mỹ nào bán được hơn 10,000 xe ở Hàn Quốc mỗi năm. Ngoài ra, Hàn Quốc nhất trí để Mỹ giữ mức thuế nhập khẩu 25% đối với xe tải cho tới năm 2041, thay vì năm 2021 như dự kiến ban đầu. Thỏa thuận cũng áp đặt hạn ngạch đối với thép Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Dự kiến, thỏa thuận mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
  • Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công du châu Á và gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 7/10 để sắp xếp cho hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên. Trước và sau khi đến Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ đã ghé lại Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là lần thứ tư ông Pompeo đến Triều Tiên trong năm nay, với tư cách ngoại trưởng Mỹ. Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đồng ý dàn xếp một cuộc gặp thượng đỉnh thứ nhì trong thời gian “sớm nhất có thể” để thảo luận về triển vọng Hoa Kỳ giám sát các bước của Bình Nhưỡng hướng tới phi hạt nhân hóa, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hôm Chủ nhật. Ngoại Trưởng Pompeo nói chuyến đi mới nhất là “một thêm bước tiến” hướng tới phi hạt nhân hóa. Ông cho biết đã có một “cuộc đàm đạo tốt, hiệu quả” với ông Kim, nhưng “còn rất nhiều việc cần phải làm”. Trên đường về, theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 8/10 đã dành cho nhau những lời chào đón căng thẳng bất thường trong những phút đầu tiên cuộc gặp tại Bắc Kinh. Hội nghị thượng đỉnh kế tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ diễn ra vào đầu năm sau, một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết hôm 19/10.
  • Trong nỗ lực mới nhất nhằm cải thiện quan hệ, quân đội Nam Hàn, Bắc Triều Tiên và Bộ Chỉ Huy Liên Hiệp Quốc ngày 22/10, đồng ý tháo gỡ các tháp canh, đưa võ khí ra khỏi khu vực phi quân sự tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, theo Bộ Quốc Phòng Nam Hàn. Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí trong ngày 26/10 về việc phá hủy hoàn toàn 22 trạm canh gác ở biên giới – tiến bộ mới nhất trong các cuộc đàm phán trong nỗ lực giải quyết căng thẳng quân sự của hai quốc gia láng giềng.
  • Cuộc họp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo với với ông Kim Yong Chol, cố vấn cấp cao của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, để thảo luận về những nỗ lực hướng tới việc Triều Tiên “phi hạt nhân dứt điểm và hoàn toàn có thể xác minh được” dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 tại thành phố New York đã bị hoãn. Tuyên bố của Mỹ không đưa ra lý do tại sao cuộc họp bị hoãn. Tuần trước, Triều Tiên cảnh báo rằng họ sẽ xem xét khôi phục chương trình vũ khí hạt nhân nếu Hoa Kỳ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đang làm tê liệt chế độ Bình Nhưỡng.
  • Triều Tiên ngày 20/11 đã cho nổ 10 trạm gác ở Khu Phi quân sự (DMZ), theo thỏa thuận liên Triều nhằm giảm căng thẳng và ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ. Theo thỏa thuận đạt được, hai miền Triều Tiên nhất trí mỗi bên phá hủy 10 trạm gác, trong khi giữ lại 1 trạm có giá trị lịch sử hoặc giá trị khác.
  • Trong động thái ngoại giao mới mẻ, lãnh tụ Kim Jong-un mời Đức Giáo hoàng sang thăm Bắc Hàn, theo tin từ Phủ Tổng thống Nam Hàn. Thư mời Đức Giáo hoàng Francis đến thăm Bình Nhưỡng sẽ được Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae In khi ông thăm Vatican giữa tháng 10 trong chuyến đi châu Âu. Bắc Hàn và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao. Kim Eui Kyeom, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc nói với các nhà báo: “Ông Moon sẽ chuyển lời mời từ Chủ tịch Kim Jong Un tới Đức Giáo hoàng rằng ông Kim sẽ nồng nhiệt đón chào ngài tới Bình Nhưỡng.”

VAI TRÒ CỦA TRUNG QUỐC – NGA SÔ – NHẬT BẢN

Vai trò của Trung Quốc và Nga Sô: Ngoài mặt thì Trung Quốc và Nga Sô luôn chống đối việc cấm vận Bắc Triều Tiên còn Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Tây Phương thì ngược lại. Trên thực tế thì không hẵn như vậy. Từ trước đến giờ, Trung Quốc làm mọi cách để bảo bọc Bắc Triều Tiên mà Trung Quốc xem như là tấm đệm để bảo bọc mạng sườn Đông Bắc. Với sự xích gần của Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ và Hàn Quốc thì Trung Quốc sẽ mất thế chiến lược vì Trung Quốc không đủ khả năng và cũng không muốn giúp Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế. Với Nga Sô thì sông Đồ Môn là con sông nằm ở đông bắc Á, hình thành biên giới tự nhiên giữa nằm giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ở phần thượng nguồn, và phần 18 km (11 dặm Anh) dưới hạ nguồn nằm giữa Nga và Bắc Triều Tiên. Vai trò của Nga Sô với Bắc Triều Tiên cũng tương tự như với Việt Nam. Nếu có thể bán vũ khí cho Bắc Triều Tiên và cả Hàn Quốc thì đó là mục tiêu của Nga Sô.

  • Một cuộc thăm dò dư luận mới đây được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc trường Đại học Quốc gia Seoul (IPUS) cho thấy người dân Hàn Quốc xếp Trung Quốc đứng trên Bắc Triều Tiên trong danh sách các mối đe dọa hòa bình. Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy 46.4% người được hỏi tin rằng Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong khi chỉ có khoảng 32.8% lo ngại Bắc Hàn. Kể từ năm 2007 tới nay, đây là lần đầu tiên Trung Quốc soán ngôi đầu bảng.
  • Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Bắc Kinh hôm 8/1 trong chuyến thăm lần thứ tư đến Trung Quốc, làm dấy lên sự suy đoán rằng ông Kim đang thỏa hiệp với Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai có thể diễn ra với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm 2019.

Vai trò của Nhật Bản:  Trên mặt nổi thì Nhật Bản luôn luôn yêu cầu Bắc Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân và trường hợp nhiều công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc vào thập niên 70 và 80 đã không được giải quyết thỏa đáng. Theo Kyodo, ngày 16/6, đài phát thanh chính thức của Bình Nhưỡng cho biết vấn đề công dân Nhật từng bị Triều Tiên bắt cóc “đã được giải quyết”. Trong danh sách chính thức, Tokyo liệt kê 17 công dân là nạn nhân trong vụ việc và nghi ngờ Bình Nhưỡng có liên quan tới nhiều vụ mất tích khác. 5 trong số 17 công dân này được đưa về nước vào năm 2002. Triều Tiên khẳng định đang giữ hài cốt của 8 người, nhưng 4 người còn lại chưa bao giờ đặt chân vào nước này. Nói cho cùng, vì quyền lợi chiến lược của 2 quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản, cả hai nước phải thống nhất một chiến lược chung mà Nhật Bản cũng phải chấp nhận vị trí đồng minh của mình. Trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, từ lâu vốn cứng rắn với Triều Tiên, cho biết ông sẵn sàng gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM

Hãng thông tấn Yonhap ngày 13/1 dẫn lời Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc Lee Hae Chan cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tổ chức vào cuối tháng 2/2019. Một trong các tướng lĩnh hàng đầu của Bắc Hàn, ông Kim Yong Chol, đã gặp gỡ ông Trump tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 19/1 để thảo luận chi tiết về lần họp thứ hai với ông Kim. Ông Lee dự báo, nếu cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra thì phải đạt được những tiến triển đáng kể và thực chất, chứ không phải đưa ra một tuyên bố trên nguyên tắc như lần trước.

Cuối cùng, trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang hôm 5/2, Tổng thống Donald Trump mới tuyên bố rằng Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un từ ngày 27 tới 28/2 và ngày 8/2 cho biết Hà Nội là địa điểm được chọn lựa. Thật sự, sự lựa chọn Việt Nam là quyết định hợp lý nhưng Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đóng trò ởm ờ để Trung Quốc không có lý do gì để chống đối.

Đối với Việt Nam, sự lựa chọn này rất tốt cho Việt Nam bởi vì lại một lần nữa Việt Nam lại trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Việt Nam có cơ hội để thể hiện sự đóng góp của mình cho hòa bình, phát triển trong khu vực, cũng như muốn bày tỏ thiện chí của mình đối với chính phủ Hoa Kỳ và Bắc Hàn. Việt Nam hiện đang lún sâu vào một cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông gay gắt với Trung Quốc, đó là lý do Hà Nội tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao trong khu vực cũng như trên trường quốc tế và đăng cai một hội nghị thượng đỉnh như thế này chắc chắn sẽ củng cố thêm vị thế quốc tế của mình.

  • Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ Tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã tới Bình Nhưỡng chiều ngày 12/2, bắt đầu chuyến công du 3 ngày, để thảo luận và phối hợp với các giới chức Triều Tiên hầu chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim, sẽ diễn ra tại Hà Nội trong vào ngày 27-28 tháng Hai sắp tới, nguồn tin tổng hợp cho biết. Tin mới nhất cho biết, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đến Việt Nam vào ngày 25 tháng 2 trước hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai được lên kế hoạch với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ba nguồn tin biết trực tiếp lịch trình của ông Kim nói với Reuters vào ngày 16/2.
  • Theo quan sát của phóng viên Reuters tại Hà Nội, hôm qua đoàn tiền trạm của phái đoàn Bắc Triều Tiên đã tới khu nhà khách chính phủ, cũng như các khách sạn Métropol và Melia ở trung tâm Hà Nội. Còn theo Yonhap, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, có thể ông Kim Jong Un sẽ thăm một trong hai nhà máy của Samsung ở tỉnh Bắc Ninh (thành lập năm 2008) hoặc ở tỉnh Thái Nguyên (thành lập năm 2013) và cảng Hải Phòng.

CHƯƠNG TRÌNH CỦA CHỦ TICH KIM VÀ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH

 Bình Nhưỡng tiển ông Kim lên đường đi Việt Nam

Trái ngược lại với sự phỏng đoán của mọi người thì nhà lãnh đạo Triều Tiên, cũng như bố và ông nội của mình, quyết định sử dụng đoàn tàu hỏa đặc biệt để sang Việt Nam dự cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Rất nhiều người ngạc nhiên về quyết định này nhưng suy nghĩ kỷ thì quyết định ông Kim có thể rất là sâu sắc. Ông muốn làm vui lòng và chứng tỏ cho Trung Quốc thấy là họ cũng đóng góp nhiều cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tổng chiều dài đoạn đường sắt ngắn nhất từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội là hơn 4,150 km. Một đoàn tàu di chuyển với vận tốc hơn 90 km/h có thể mất hơn 47 tiếng đồng hồ để hoàn thành chuyến đi, với điều kiện không ghé lại nhà ga nào khác. Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao Triều Tiên cho biết, vào lúc 5 giờ chiều ngày 23/2 (giờ Bình Nhưỡng), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã khởi hành tới thủ đô Hà Nội của Việt Nam bằng tàu hỏa bọc thép.

 

Đường xe lửa từ Bắc Triều Tiên đến Hà Nội

Hôm 25/2/2019, Việt Nam đóng cửa và bảo vệ an ninh chặt chẽ ga Đồng Đăng, ở vùng biên giới Việt-Trung, nơi mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đến bằng xe lửa. Theo các nguồn tin ở Việt Nam được hãng tin AFP trích dẫn, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đến ga Đồng Đăng vào sáng 26/2 sau một chuyến đi kéo dài hai ngày rưỡi.

Khoảnh khắc ông Kim Jong Un bước ra khỏi đoàn tàu bọc thép, đặt chân tới ga Đồng Đăng-Lạng Sơn. Ảnh: Hải Hà

Lúc 10:58 sáng cùng ngày, Chủ tịch Kim Jong Un cùng đoàn lãnh đạo Việt Nam-Triều Tiên đã tới khách sạn Melia, thủ đô Hà Nội.

Đoàn xe của chủ tịch Triều Tiên di chuyển qua Nhà Hát Lớn Hà Nội – Ảnh: Tuấn Mark

Trong khi đó, Tổng thống Trump hôm 25/2 đã rời thủ đô Washington D.C. để tới Việt Nam. Theo dự kiến, chuyên cơ chở ông Trump sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài ở Hà Nội tối thứ Ba ngày 26/2 (giờ Việt Nam), một ngày trước cuộc gặp giữa ông và ông Kim. Cùng ngày đoàn tàu của ông Kim tới ga Đồng Đăng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton sáng 26/2 cũng đã tới Hà Nội.

Năm điểm chính mà mọi người cần lưu ý tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Một là, thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên. Hai là, xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Thứ ba là phi hạt nhân hóa – phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Và thứ tư là tìm lại hài cốt của những quân nhân hy sinh và mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên. Chuyện giảm quân số của Mỹ tại Hàn Quốc không được đưa lên bàn thảo luận trong cuộc họp tới đây giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

 Thứ Ba, ngày 26/2:

  • Tại cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chiều tối 26/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gửi lời cảm ơn Việt Nam vì đã cho mượn địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
  • 5:00 PM: CT Kim Jong Un thăm Tòa đại sứ Triều Tiên – Họp và ăn tối với các nhân viên Đại sứ quán.
  • 20:50 PM: Chuyên cơ Airforce One chở Tổng thống Trump đáp xuống phi trường Nội Bài. Ngay sau khi đến Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết lên Twitter thông báo và cảm ơn sự đón tiếp của Việt Nam, khen đám đông chờ đón ông là “thật nhiều yêu thương”.

Thứ Tư, ngày 27/2 (Ngày làm việc đầu tiên của 2 lảnh tụ):

  • Ông Trump sáng hôm thứ Tư ca ngợi nước chủ nhà trên Twitter. Ông viết: “Việt Nam đang phát triển thịnh vượng, giống như một số ít nơi khác trên thế giới. Bắc Hàn có thể sẽ giống như thế, và giống một cách rất nhanh chóng, nếu như họ tiến hành phi hạt nhân hóa.” “Tiềm năng VÔ CÙNG TUYỆT VỜI,” ông nói thêm.

  • Sáng 27/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Phủ chủ tịch để hội đàm song phương với Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Giữa trưa, ông Trump tới Văn phòng chính phủ để gặp và trao đổi cũng như ăn trưa với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
  • Phái đoàn cấp cao nhà nước Triều Tiên do Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong dẫn đầu đã thăm vịnh Hạ Long ở tỉnh Quảng Ninh, tổ hợp nhà máy ôtô VinFast, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco của tập đoàn Vingroup ở thành phố Hải Phòng.
  • Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh lần hai với các cuộc thảo luận ngắn và sau đó là bữa ăn tối đơn giản. Bữa tối còn có sự tham dự của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, Phó Chủ tịch Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ri Yong Ho và 2 người phiên dịch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump-Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và các phụ tá trong bữa tối. Ảnh: AP

Thứ Năm, ngày 28/2 (Ngày làm việc thứ hai của 2 lảnh tụ):

  • Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un hôm 28/2 cùng nhau đi dạo chớp nhoáng trong khuôn viên khách sạn Metropole ở Hà Nội trong ngày họp thượng đỉnh thứ hai. Sau khoảng nửa tiếng hội đàm, theo Reuters, hai nhà lãnh đạo cùng với hai trợ lý hàng đầu là đặc phái viên Kim Jong Chol và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng như hai người phiên dịch đã đi bộ trong khu vườn tại khách sạn. Họ quay trở lại phòng họp sau ít phút ở bên ngoài.
  • Cuộc ăn trưa làm việc và lễ ký kết thỏa thuận đã được lên lịch của họ bị hủy bỏ. Ông Trump tổ chức cuộc họp báo sớm 2 tiếng so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, vào 14:00 PM ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức họp báo trong vòng 30 phút tại khách sạn Marriott, khẳng định vấn đề cấm vận chính là mấu chốt hai bên chưa đạt được thỏa thuận. Tổng thống Mỹ cho biết phía Triều Tiên muốn loại bỏ hoàn toàn cấm vận nhưng phía Mỹ không thể chấp nhận vì Mỹ cần nhiều hơn việc chỉ dỡ bỏ Yongbyon để loại bỏ toàn bộ cấm vận.
  • Sau khi kết thúc cuộc họp báo nhanh trong 30 phút, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vội vã rời Việt Nam, sớm 3 tiếng so với dự kiến ban đầu. Lúc 15:40 PM, chiếc Air Force One đã chính thức cất cánh.
  • Khuya 28/2, phái đoàn Triều Tiên tổ chức họp báo lúc 23:30 PM tại khách sạn Melia. Theo Ngoại trưởng Ri Yong Ho, phía Triều Tiên đã đề xuất việc loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, bao gồm và plutonium và ranium dưới sự giám sát của chuyên gia Mỹ và đội ngũ kỹ thuật của 2 bên. Bắc Triều Tiên chỉ đề xuất Mỹ dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh cấm vận có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân Triều Tiên, bao gồm các lệnh cấm vận đưa ra vào năm 2016 và 2017.

Thứ Sáu và Thứ Bảy, ngày 1 và 2/3: Chuyến viếng thăm Việt Nam Chủ tịch Kim Jong Un được rút ngắn.

  • Chiều 1/3, Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam, hội đàm với Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
  • Sáng ngày thứ Bảy 2/3, ông Kim viếng lăng ông Hồ Chí Minh và kết thúc sớm chuyến thăm Việt Nam.
  • Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đã ra thông báo cấm mọi phương tiện và người tham gia giao thông đoạn từ Hà Nội đến ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, từ 8 giờ đến 17 giờ trên cả hai chiều đường trong ngày 2/3 để phục vụ đoàn xe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ

  • Ngày 14/2, báo mạng Koreaherald.com dẫn tin của Maeil Business News nói rằng, các khách sạn gần JW Marriott Hotel đã ra thông báo cho các công ty du lịch ở đấy biết rằng họ không được phép nhận đặt phòng để bảo đảm an ninh hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ và Bắc Hàn sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28 tháng 2 theo kế hoạch.

Khách sạn Marriott Hà Nội

Khách sạn Melia Hà Nội

  • Khách sạn JW Marriot thường được các nguyên thủ quốc gia chọn làm nơi nghỉ đêm khi ghé thăm Hà Nội. Trong đó, phòng nguyên thủ President Suite chỉ dành cho những vị khách đặc biệt. Với diện tích 320 m², Presidential Suite gồm có 8 phòng nằm cuối hành lang tầng 5 của khách sạn này. Trong chuyến thăm đến Việt Nam năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nghỉ tại phòng này và phía Mỹ đã chi trả 7,000 USD cho mỗi đêm lưu trú của ông.

Phòng ngủ của President Suite tại JW Marriot

  • Để tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều hồi tháng 6/2018, Singapore đã bỏ ra khoản tiền khổng lồ lên tới 15 triệu USD. Đầu tiên, số lượng người tới Singapore trong thời gian trong và xung quanh sự kiện đã tăng lên hàng nghìn người, bao gồm các đoàn chính phủ, an ninh tùy tùng đi theo hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un, chưa kể tới hàng nghìn nhà báo. Mỗi khách du lịch tới Singapore đóng góp khoảng 1,500 USD vào doanh thu ngành du lịch của đảo quốc. Trước thềm hội nghị, các doanh nghiệp Singapore cũng đã có cơ hội “kiếm tiền” nhờ vào cơn sốt thượng đỉnh, bao gồm các hoạt động tổ chức sự kiện, bán đồ lưu niệm … Theo một thống kế mới công bố tuần trước của Cơ quan Du lịch Singapore, nhờ thượng đỉnh Mỹ – Triều và một số sự kiện lớn khác được tổ chức tại đây, năm ngoái, tổng số du khách tới đảo quốc này tăng 6.2% đạt 18.5 triệu lượt, trong khi doanh thu từ du lịch tăng 1% đạt 27.1 tỷ USD so với năm 2017.
  • Tin từ New York hôm 20/2 cho hay Ủy ban Trừng phạt Bắc Hàn thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận đề nghị của Việt Nam, theo đó cho phép phái đoàn Bắc Hàn được tới Hà Nội dự kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
  • Tính đến chiều 20/2, đã có 3 máy bay vận tải C-17 với biệt danh “Globemaster – bá chủ địa cầu” của không quân Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài của Hà Nội. Đây là chiếc C-17 thứ ba đến Việt Nam trong vài ngày qua.

Với tần suất lưu thông dày đặc các chuyến bay đến và đi từ Nội Bài, các vận tải cơ quân sự cũng phải vất vả “xếp hàng” với nhiều máy bay dân dụng khác – Ảnh: Tuấn Mark

Máy bay vận tải Triều Tiên đáp xuống Nội Bài. Ảnh: Hoàng Anh

  • Hàn Quốc đã thành lập một trung tâm báo chí cho phóng viên nước này để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Triều Tiên và Mỹ, một tổ chức liên quan đến truyền thông vừa tuyên bố hôm 19/2. Có mặt sớm nhất và hùng hậu tại Hà Nội thời điểm này là các hãng tin Hàn Quốc. Ngày 16/2, ngày đoàn công tác của Triều Tiên có mặt ở Hà Nội để tiền trạm cho hội nghị, có sự xuất hiện của ít nhất 7 hãng tin của Hàn Quốc, bao gồm: SBS, KBS, MBC, JTBC, YTN, News1, Yonhap … và một số hãng tin của Nhật như NHK tại Đại sứ quán Triều Tiên, khách sạn Metropole, nhà khách Chính phủ, khách sạn Melia … Tính đến 24/2, đã có 218 hãng thông tấn quốc tế và hơn 3,000 phóng viên nước ngoài vào Hà Nội, theo tin BBC. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam, có hơn 700 phóng viên tới từ Hàn Quốc và khoảng 500 phóng viên tới Nhật Bản. Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đã nhanh trí biến nóc tòa nhà khách sạn Daewoo trở thành “trường quay dã chiến” để hai BTV có thể đưa tin trực tiếp về các hoạt động trước ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Đài MBC (viết tắt của Munhwa Broadcasting Corporation) thành lập từ năm 1961, xếp thứ hai, sau KBS, từng phát sóng trên các kênh truyền hình tại Việt Nam.

Chương trình bản tin chính buổi tối của MBC trên nóc tòa nhà khách sạn Daewoo tại Hà Nội

  • Các phóng viên nữ xinh đẹp làm việc không kể ngày đêm để cập nhật tin tức nhanh nhất, đầy đủ nhất về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Phóng viên của kênh truyền hình Mỹ Fox News tác nghiệp tại Trung tâm báo chí quốc tế.

  • 10 ngày trước buổi họp thượng đỉnh Trump-Kim, trên nhiều tuyến phố Hà Nội cờ cả 2 nước Mỹ – Triều Tiên đã tung bay phấp phới. Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, ngày 19/12, nhiều tuyến phố tại Hà Nội đã bắt đầu treo quốc kỳ cả 2 nước Mỹ và Triều Tiên như: Tràng Tiền, Ngô Quyền, Đinh Lễ … Hai lá cờ Mỹ và Triều Tiên được treo trên cùng một tấm bảng có hình hai bàn tay nắm vào nhau.

Hình ảnh hiếm thấy cờ Mỹ – Triều Tiên cùng bay phấp phới

  • Cửa hàng đồ lưu niệm của Nhà Trắng đã ra mắt đồng tiền xu lưu niệm nhằm đánh dấu sự kiện họp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội ngày 27 và 28/2. Hình ảnh Phủ Chủ tịch của Việt Nam cũng xuất hiện trên mặt đồng tiền. Theo CBS News, đồng xu ra mắt ngày 23/2, có giá 100 USD và chỉ được đúc với số lượng giới hạn 1,000 chiếc. Một mặt của đồng xu có dòng chữ “Đại lộ mới hướng tới hòa bình” bằng tiếng Anh và tiếng Triều Tiên cùng tên 3 nhà lãnh đạo: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Bộ tem đã thể hiện nổi bật biểu trưng cách điệu hai bàn tay bắt chặt vào nhau của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên trên nền hàng tre xanh yên bình, thân thiện của Việt Nam. Bên cạnh đó, mẫu tem cũng thể hiện quốc kỳ Việt Nam và cánh chim hòa bình với dòng chữ “Partnership for sustainable peace” (Đối tác vì nền hòa bình bền vững).

Hai mặt của đồng xu lưu niệm – Ảnh: Nhà Trắng

  • Với giá 100,000 đồng, những chiếc áo thun in hình Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ đông đảo du khách nước ngoài cũng như người dân Việt Nam. Đây là một trong những ý tưởng nắm bắt đúng nhu cầu quan tâm của người dân khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra.

  • Nhằm phục vụ hơn 3,000 phóng viên nước ngoài và 500 phóng viên trong nước đăng ký tham gia đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tổ chức tại Hà Nội trong vài ngày tới, Trung tâm Báo chí quốc tế (IMC) đã phục vụ tiệc buffet với gần 40 món như bún chả, phở, bún thang, bún bò, bún cá rô, và bánh mì patê … Nhà ăn mở cửa 24/24 giờ mỗi ngày, nhưng bữa chính chỉ gồm bữa trưa và bữa chiều; đối với những bữa ăn khác, nhà hàng chỉ phục vụ thức uống và một số món ăn nhẹ, đại diện Trung tâm Hội nghị quốc gia – đơn vị phụ trách công tác hậu cần của sự kiện, chia sẻ.

Phở Việt Nam tại Trung tâm Báo chí quốc tế

  • Một đầu bếp Ireland tại Hà Nội đã sáng tạo ra những chiếc burger ngon lành lấy ý tưởng từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Kim tại Việt Nam.

Bánh hamburger lấy cảm hứng từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2.

  • Bên cạnh hồ Trúc Bạch thơ mộng, quán bar Standing Bar giới thiệu với khách đến quán một loại bia đặc biệt có tên gọi “Kim Jong Ale”. “Loại bia này được lấy cảm hứng từ những dòng nước tinh khiết chảy trên núi Bạch Đầu nằm giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Đó là ngọn núi lửa nên bia Kim Jong Ale có hương vị cay nóng với dư vị dịu và nhẹ sau khi uống. Bạch Đầu là ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên, cao khoảng 2,750 m và là nơi sinh chính thức của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Tannin Wine Bar ở khu phố cổ Hà Nội đang có trong menu loại đồ uống đặc biệt để thể hiện sự hứng khởi chung của người dân Việt Nam với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, đó là cocktail “Đàm phán hòa bình – Peace Negronations”. Tên gọi của loại cocktail đặc biệt này là cách chơi chữ kết hợp cả ý nghĩa của món đồ uống là về đàm phán hòa bình và tên gọi của loại cocktail Negroni nổi tiếng.

Loại cocktail đặc biệt mang tên “Peace Negronations – Đàm phán hoà bình”.

  • Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều (diễn ra ngày 27 và 28/2) thu hút khoảng 3,000 phóng viên quốc tế đến đưa tin. Với số lượng lớn những cây viết có tiếng xuất hiện, đây chính là cơ hội để ẩm thực Việt Nam được quảng bá rộng rãi. Ông David Nakamura, phóng viên của tờ Washington Post, đăng tải video cách làm cà phê trứng khi ông tác nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Ly cà phê trứng được đăng tải trên trang cá nhân của phóng viên David Nakamura trên tờ Washington Post

  • Coca-Cola tung phiên bản giới hạn nhân thượng đỉnh Mỹ – Triều . Lon Coca-Cola in thông điệp nhân văn “Vì hòa bình, hy vọng và sự thấu hiểu” bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Hàn. Đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết đây là doanh nghiệp đầu tiên triển khai mẫu lon phiên bản giới hạn, không bán đại trà, nhằm hòa chung không khí đón chào hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đang diễn ra tại Hà Nội.

Coca-Cola Việt Nam phiên bản đặc biệt với logo song ngữ cùng thông điệp “Vì hòa bình, hy vọng và sự thấu hiểu”.

  • Hai nghệ sĩ chuyên đóng giả danh nhân, ông Russell White người Canada và Howard X người Hong Kong đã tới Hà Nội. Hai người đã bị công an Việt Nam thẩm vấn và người đóng giả ông Kim Jong Un hôm thứ Hai 25/2 đã bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Donald Trump ‘giả’ và Kim Jong-un ‘giả’ xuất hiện chớp nhoáng trước cửa Nhà hát Lớn

  • Trường mẫu giáo Việt-Triều Hữu nghị thành lập năm 1978. Kinh phí xây dựng và cơ sở vật chất của nhà trẻ này được CHDCND Triều Tiên viện trợ. Từ chăn gối tới bát đĩa và các đồ dùng trong bữa ăn. Toàn bộ giáo viên và học sinh trường Việt-Triều (Hà Nội) đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp đón lãnh đạo Triều Tiên.

Các em Việt Nam xúng xính trong quốc phục Việt Nam-Triều Tiên

  • Việt Nam và Bắc Triều Tiên có một mối thâm tình vì trong chiến tranh Việt Nam, một số người Triều Tiên đã từng sát cánh chiến đấu với đồng minh Bắc Việt, một chi tiết không hề được nhắc tới trong thời chiến. Chỉ tới năm 2000-2001, sự hiện diện của các phi công Triều Tiên trên chiến trường Việt Nam mới được chính thức thừa nhận, theo AP. Theo các tài liệu lịch sử Việt Nam được AP trích dẫn và do một nhà phân tích của CIA sau này trở thành một học giả, Merle Pribblenow, chuyển ngữ thì vào tháng 9 năm 1966, Hà Nội chấp thuận đề nghị của Bình Nhưỡng gửi 3 liên phi đội không quân hợp lại thành một trung đoàn không quân trang bị với 30 máy bay. Những phi công này mặc quân phục của phi công Bắc Việt, và được Việt Nam cung cấp máy bay cùng phương tiện và thiết bị quân sự. VNExpress cho biết khu tưởng niệm tọa lạc tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nơi đặt bia mộ của 2 sĩ quan và 12 phi công Triều Tiên. Những phi công gãy cánh người Triều Tiên được chôn cất trên một đỉnh đồi, phần mộ hướng về quê hương Triều Tiên của họ. Hài cốt của các phi công Triều Tiên đã được cất bốc và đưa về nước từ năm 2002.

  • Bà Hyon Song Wol – trưởng nhóm nhạc nữ nổi tiếng Moranbong – nằm trong danh sách phái đoàn quan chức Bình Nhưỡng cũng đã tới Việt Nam sáng nay trên chuyến tàu đặc biệt chở Chủ tịch Kim Jong Un, KBS đưa tin. Hình ảnh bà xuất hiện trong video do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải. Bà xếp gần cuối hàng quan chức Triều Tiên theo Chủ tịch Kim Jong-un tới Hà Nội.

Tại buổi tham quan nông sản của VinEco, bà Hyon Song Wol có vẻ thích ớt ngọt. Cựu ca sĩ đã ăn thử tại chỗ cả ớt vàng và ớt đỏ, sau đó còn giới thiệu với các thành viên khác trong đoàn – Ảnh: TUẤN PHÙNG

  • Các công ty của Hoa Kỳ và Việt Nam vừa ký một loạt các thỏa thuận mua bán trị giá lên đến hơn 21 tỷ USD nhân cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phủ Chủ tịch vào sáng ngày hôm nay, 27/2/2019. Vấn đề nhân quyền đã không được đề cập trong cuộc gặp cấp cao này. Các thỏa thuận mới được ký kết giữa các công ty hai bên bao gồm hãng hàng không Vietjet của Việt Nam mua 100 chiếc máy bay 737-Max của hãng Boeing trị giá 12.7 tỷ USD và 215 động cơ của hãng GE/CFM; Vietjet cũng ký hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ USD với General Electric để hãng này cung cấp dịch vụ bảo hành cho 200 chiếc máy bay Boeing 737 Max; Vietnam Airlines sẽ mua dịch vụ của tập đoàn công nghệ Sabre – nhà cung ứng giải pháp công nghệ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực hàng không, khách sạn và du lịch; hãng hàng không Bamboo Airways của Việt Nam cũng sẽ mua 10 chiếc Boeing 787-9. Theo ước tính của Nhà Trắng, những hợp đồng này sẽ tạo ra hơn 83,000 công ăn việc làm cho người dân Mỹ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến Lễ ký hợp đồng mua thêm máy bay Boeing 737 MAX giữa Hãng hàng không Vietjet Air và Hãng sản xuất máy bay Boeing. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

  • Truyền thông Việt Nam cho hay Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chiều 27/2 có lời bình luận về chuyện Tổng thống Trump vẫy cờ Việt Nam trước cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng cùng ngày. “Tôi nghĩ đối với lãnh đạo các quốc gia, việc cầm lá cờ của các quốc gia mà mình có quan hệ ngoại giao thể hiện sự tôn trọng với quan hệ giữa 2 nước, sự tôn trọng với ngay bản thân quốc gia mình. “Khi có quan hệ ngoại giao, tôn trọng thể chế của nhau thì tôn trọng lẫn nhau, đồng thời cũng tôn trọng nhân dân của cả hai nước”, ông Trung được trang Vietnamnet dẫn.

Tổng thống Trump vẩy cờ Việt Nam

  • Tổng thống Trump đã dùng bữa trưa tại Văn phòng Chính phủ. Theo CNN, thực đơn trưa của Tổng thống Mỹ chủ yếu là các món đặc sản Việt Nam gồm: Salad xoài xanh với sò điệp, nem rán (chả giò Hà Nội) với chén nước nắm ớt tỏi chua ngọt, súp thịt cua và cải bó xôi rưới thêm nước sốt hải sản, chả cá được làm từ cá tuyết ăn kèm với bún, thịt bò Wagyu thái miếng vuông nướng với gan ngỗng ăn kèm sốt gạo đen lên men vị hơi ngọt, đọt su su xào tỏi ăn kèm xôi nấu với tôm bọc trong lá sen. Món tráng miệng là sâm bổ lượng có hạt sen, nhãn, nấm mộc nhĩ trắng nhưng lại nấu ấm, không dùng đá. Đây là món chè mát, có tác dụng thanh nhiệt, bổ dưỡng.

Thực đơn buổi ăn trưa tại Văn phòng chính phủ

  • Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã cùng nhau dùng bữa tối đơn giản vào lúc 19:00 PM, sau cuộc họp ngắn kéo dài 20 phút tại khách sạn Metropole ở Hà Nội. Hãng AP cho biết, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã cùng thưởng thức cocktail tôm, bánh mì nướng, bít tết thăn bò với kim chi, bánh chocolate, kem vani và một loại đồ uống mà Nhà Trắng mô tả là đồ uống truyền thống có hồng sấy khô cùng mật ong.

  • Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thử đánh đàn bầu, một trong những loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, khi tham dự tiệc chiêu đãi trọng thể do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì tối 1/3.

  • Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore ngày 27/2 đăng bài viết về những nỗ lực chuẩn bị cùng sự nhiệt tình, thân thiện của người dân thủ đô Hà Nội khi chào đón các nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên.  

Thiếu nữ Hà Nội trong trang phục áo dài truyền thống – Ảnh: Thanh Hà/TTXVN 

  • Tờ Asahi đưa tin hôm 17/2, theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình vào mùa thu năm ngoái, sau khi nhận được đề nghị từ chính phủ Mỹ. Thông tin này được loan tải sau khi ông Trump hôm 15/2 nói rằng ông Abe đã đề cử mình cho giải Nobel Hòa bình vì đã mở ra cuộc đàm phán và làm dịu căng thẳng với Bắc Hàn. Thật sự thì giải Nobel Hòa bình chỉ nên được tuyên bố sau hội nghị Thượng đỉnh, cho cả 2 ông Trump và Kim, tương tự như năm 1973, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình Na uy đã công bố danh tính 2 cá nhân Henry Kissinger và Lê đức Thọ được họ chọn trao tặng giải thưởng chung Nobel Hoà Bình.

THÀNH TỰU CỦA HỘI NGHỊ VÀ VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai được tổ chức tại Việt Nam là sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa hàng đầu của Việt Nam trong năm 2019.

Đối với Hoa Kỳ, có thể là ông Trump muốn ông Kim nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam như một ví dụ tham khảo về việc một nước từng là kẻ thù, có chiến tranh với Mỹ song nay đã trở thành đối tác toàn diện và phát triển các quan hệ ngoại giao, kinh tế tốt đẹp với Mỹ ra sao. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng gián tiếp nói rõ cho Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực đem lại ổn định cho khu vực này.

Đối với Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un sẽ quan tâm đến việc tận mắt chứng kiến câu chuyện Việt Nam, vốn có thể là nguồn cảm hứng tốt và là mô hình để ông nghĩ về con đường phía trước cho Triều Tiên. Bắc Hàn cần chuyển đổi kinh tế theo Việt Nam để thúc đẩy kinh tế trong khi vẫn siết chặt chính trị. Bắc Triều Tiên và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong quan hệ với Trung Quốc. Dù rằng Bắc Triều Tiên và Việt Nam có nhiều điểm khác biệt nhưng mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong nhiều khía cạnh có thể áp dụng cho Bắc Triều Tiên.

AP trích nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore, nói rằng: “Qua việc chọn Việt Nam, hai nhà lãnh đạo đánh đi một thông điệp chiến lược mạnh mẽ tới thế giới rằng họ sẵn sàng đưa ra quyết định đột phá để biến thù thành bạn, và cùng nhau biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, theo gương của mối quan hệ Mỹ-Việt.”

Đất nước hình chữ S, theo nhà nghiên cứu người Anh Nicholas Chapman đã rũ bỏ gánh nặng quá khứ để trở thành hình mẫu đích thực của sự hồi sinh về kinh tế, một nền ngoại giao mạnh mẽ. Trong quá khứ, số phận của Việt Nam từng bị định đoạt tại Paris hay Genève thì nay, đất nước này trở thành cái nôi cho hy vọng hòa bình của khu vực và toàn cầu.

KẾT LUẬN

Nét mặt không vui của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim

Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh không xảy ra như mọi người tiên đoán. Nhà Trắng trước đó thông báo rằng hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tham gia “lễ ký thỏa thuận chung” sau khi kết thúc đàm phán vào lúc 2 giờ chiều ngày 28/2 (giờ Hà Nội).

Nhưng sau đó, phía Mỹ thông báo rằng ông Trump rút ngắn cuộc hội đàm và chủ trì cuộc họp báo riêng. Tổng thống Trump khẳng định vấn đề cấm vận chính là mấu chốt hai bên chưa đạt được thỏa thuận. Tổng thống cho biết phía Triều Tiên muốn loại bỏ hoàn toàn cấm vận nhưng phía Mỹ không thể chấp nhận vì Mỹ cần nhiều hơn việc chỉ dỡ bỏ Yongbyon. Khuya 28/2, ngoại trưởng Ri Yong-ho cũng có  cuộc họp báo đặc biệt, cho biết phía Triều Tiên chỉ đề xuất Mỹ dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh cấm vận có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân Triều Tiên, bao gồm các lệnh cấm vận đưa ra vào năm 2016 và 2017. Những điều này lẻ ra phải được nêu ra trong các buổi họp sơ bộ, chứ không đợi đến Hội nghị Thượng đỉnh mới trở thành vấn đề chính. Như vậy, có thể phía Hoa Kỳ đã nêu ra một vấn đề gì tối quan trọng mà Bắc Triều Tiên chưa chuẩn bị để đồng ý. Một số các nhà nghiên cứu cho rằng Tổng thống Trump có cái nhìn phi truyền thống trong hầu hết các vấn đề truyền thống về mặt an ninh, đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều này giúp cho ông với 2 năm tại nhiệm có phần vượt trội hơn 8 năm cầm quyền của ông Barack Obama. Trong nhiều khía cạnh, ông đã đặt Trung Quốc và Nga Sô vào thế thụ động. Điều cần ghi nhận là Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim vẫn giữ thái độ thân thiện với nhau dù buổi họp thượng đỉnh không đem lại kết quả như mọi người trông đợi. Cánh cửa thương thuyết vẫn còn rộng mở. Chia sẻ trên Twitter sau khi về lại nước Mỹ, Tổng thống Trump khen ngợi Việt Nam là một đất nước tuyệt vời và nói về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2.

Sự kiện Chủ tịch Kim vẫn ở lại viếng thăm chính thức Việt Nam với nét mặt vui vẻ dù rằng ông đã vắng mặt ở Bình Nhưỡng trong gần một tuần, một động thái được xem là “chưa từng có” đối với nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên, giảm nhẹ ảnh hưởng không được tốt đẹp của Hội nghị Thượng đỉnh. Việt Nam trong 2 năm qua có mối liên hệ ngoại giao khá tốt đẹp với Tổng thống Trump. Bắc Triều Tiên có nhiều điều có thể hội ý với Việt Nam.

Nụ cười tạm biệt thỏa mái của Chủ tịch Kim

THAM KHẢO

  1. Các bài viết và hình ảnh liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh.
  2. Bài viết “Bắc Hàn thay đổi giọng điệu tuyên truyền” trên đài BBC ngày 18/9/2018.
  3. Bài viết “Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba khai mạc tại Bình Nhưỡng” trên đài RFI ngày 18/9/2018.
  4. Bài viết “Sau 2 tháng chiến tranh thương mại, các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đua nhau tháo chạy” trên đài Viet Times ngày 4/9/201.
  5. Bài viết “Kim Jong Un ‘tin tưởng’ TT Trump trước cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì” trên mạng Người Việt Online ngày 24/1/2019.
  6. Bài viết “Thượng đỉnh tại Đà Nẵng: VN là bằng chứng để Trump thuyết phục Kim” trên đài VOA ngày 5/2/2019. Bài viết “Thượng đỉnh Trump-Kim tại Việt Nam có lợi cho tất cả các bên” trên đài VOA ngày 6/2/2019.
  7. Bài viết “Mô hình Việt Nam có thích hợp với Bắc Triều Tiên?” trên mạng The Observer ngày 11/2/2019.
  8. Bài viết “3 kịch bản triển vọng kết quả thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2?” trên mạng GDVN ngày 11/2/201.
  9. Bài viết “3 khuyến nghị của Tiến sĩ Trần Công Trục để thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công” trên mạng GDVN ngày 25/2/2019.
  10. Bài viết “Nhà Trắng: Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ gặp riêng, cùng dùng bữa tại Hà Nội” trên mạng Đà Nẵng Online ngày 23/2/2019
  11. Bài viết “Nghiên cứu viên Harvard mổ xẻ những điều cấm kỵ trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều” trên mạng Cafef .VN ngày 27/2/2019.
  12. Bài viết “TT Trump và Chủ tịch Kim ‘không đạt thỏa thuận’ ở Việt Nam” trên đài VOA ngày 28/2/201
  13. Bài viết “Triều Tiên bất ngờ họp báo lúc nửa đêm, khẳng định không yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận” trên mạng Thanh Niên ngày 1/3/2019.

____

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *