Mỏ Vonfram tại Núi Pháo – Thái Nguyên

739 (lượt xem) |

TRỮ LƯỢNG VONFRAM TRÊN THẾ GIỚI

Quặng Vonfram

Vonfram, còn gọi là Tungsten hoặc Wolfram là một kim loại rất cứng, có điểm nóng chảy cao nhất trong tất cả các kim loại, được dùng làm vật liệu chống mài mòn, sử dụng trong các ngành công nghiệp gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí và xây dựng. Nhiều năm trước, Trung Quốc giữ thế độc quyền trên thị trường vonfram, một kim loại quý ngang với vàng. Vonfram được sử dụng để sản xuất bóng đèn, sợi ống chân không, thiết bị sưởi, vòi phun động cơ tên lửa và nhiều ứng dụng khác trong công nghệ vũ trụ và vũ khí hiện đại. Theo báo cáo của Liên minh châu Âu (EU), kim loại này có màu từ xám đến trắng, rất cứng và nặng tương đương vàng. Vonfram cũng như một số kim loại quý khác đang trở thành quân cờ chiến lược trong phát triển kinh tế và quốc phòng của mọi quốc gia.

Tuy có giá trị chiến lược cao nhưng nguồn cung Vonfram tự nhiên lại rất hạn chế. Trung Quốc là quốc gia giữ thế độc quyền về nguồn cung trong thời gian dài nhờ có trữ lượng dồi dào tại các mỏ. Một thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới cho thấy, với hơn 400 mỏ Vonfram tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc chiếm hơn 60% trữ lượng và 85% lượng cung toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ cùng châu Âu và Nhật Bản tiêu thụ khoảng 55% lượng Vonfram, nhưng chỉ sản xuất khoảng 5% tổng lượng cung thế giới. Chính vì sự chênh lệch này mà mỗi thay đổi về nguồn cung ở Trung Quốc, có tác động mạnh mẽ đến giá volfarm trên toàn thế giới. Thế giới đã có nhiều phen lo ngại khi Trung Quốc siết chặt nguồn cung. Theo tờ báo chuyên về khoáng sản toàn cầu www.northernminer.com, năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu quặng Vonfram. Đến năm 2007, nước này áp thuế xuất khẩu 15% lên các sản phẩm từ Vonfram và giảm hạn ngạch xuất khẩu khoảng 2% mỗi năm. Cuối năm đó, Trung Quốc cũng cấm người nước ngoài đầu tư vào Vonfram. Những động thái này khiến giá Vonfram tăng khoảng 57%.

Để giảm sự lệ thuộc từ Trung Quốc, những nước có nhu cầu Vonfram cao đã đi tìm nguồn cung mới. Đi đầu là Mỹ, quốc gia mỗi năm nhập đến 40% sản lượng Volfram của Trung Quốc. EMC Metals, một công ty khai thác mỏ vonfram của Mỹ, đã cho hoạt động trở lại mỏ Springer tại bang Neveda trong năm 2013. Trước đó, Malaga, nhà sản xuất Vonfram của Peru, đã mua lại toàn bộ một mỏ lớn nhất ở Nam Mỹ. Mặc dù thua lỗ hơn 7.6 triệu USD trong năm 2009 và phân nửa số đó trong năm 2010, Malaga vẫn tiếp tục đầu tư khai thác Vonfram, theo www.northernminer.com.

Sản lượng Vonfram trên thế giới

Nhưng vài năm gần đây, thế độc quyền ấy đã bị phá vỡ. Mỏ Vonfram Núi Pháo – Thái Nguyên của Việt Nam hiện là mỏ volfarm lớn thứ hai thế giới, đã cho ra sản phẩm. Sở dĩ nền công nghiệp hiện đại có thể sản xuất hàng loạt với tốc độ cao và giá thành giảm đáng kể so với vài thập kỷ trước đây phần lớn là nhờ các kim loại hiếm, trong đó có volfarm. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, các nhà tiêu thụ Vonfram trên thế giới đã không còn quá lo lắng khi mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên) đã cho ra sản phẩm Vonfram đều đặn. Ước tính Núi Pháo có trữ lượng trên 66 triệu tấn quặng chứa Vonfram. Vì thế, đây được xem là mỏ Vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Như vậy, mỏ Núi Pháo có thể cung cấp cho thị trường 33% lượng cung Vonfram toàn thế giới ngoài Trung Quốc. Sản lượng này lớn gấp đôi nhà cung cấp thứ hai thế giới trước đây là Nga. Quan trọng hơn, Núi Pháo sẽ được hưởng lợi về giá vì nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Sản phẩm Vonfram ở Núi Pháo có hàm lượng vượt tiêu chuẩn xuất khẩu (65% so với mức 55% quy định) đã được Tập đoàn H.C. Starck (Đức) bao tiêu toàn bộ sản lượng. Các thành phẩm khác từ Núi Pháo thì được CMC Cometals ký hợp đồng mua từ trước. Doanh thu năm 2014 của mỏ này trong năm 2014 đạt tới 250 triệu USD (hơn 5,000 tỷ đồng), trong đó sản phẩm Vonfram chiếm hơn phân nửa.

Hiện tại, nhu cầu sử dung Vonfram không ngừng tăng lên. Kinh tế thế giới đang phục hồi sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao cần Vonfram. Ngoài ra, các vấn đề an ninh quốc phòng đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới cũng có tác động không nhỏ đến nhu cầu và giá kim loại quý này. Cụ thể, tiêu thụ Vonfram toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng kép trung bình 3% mỗi năm đến năm 2020. Trong khi đó, hầu hết các kho dự trữ nằm trong tay các chính phủ trong quá khứ và đơn vị tiêu dùng đến nay thực sự đã cạn kiệt. Trước tình thế này, ngay cả Trung Quốc cũng lo ngại về sự khan hiếm nguồn cung sắp tới của volfarm. Mới đây, một công ty được hậu thuẫn bởi chính phủ là China Molybdenum, cho biết sẽ lập một quỹ đầu tư có vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để mua vào Vonfram (bên ngoài Trung Quốc) trong vài năm tới. Giá trị này tương đương với một phần ba tổng lượng cung của Trung Quốc trong năm 2014.

MỎ VONFRAM TẠI NÚI PHÁO – THÁI NGUYÊN

Việt Nam có lợi thế về nguồn khoáng sản đa dạng và dồi dào, đặc biệt là các khoáng sản quý hiếm. Ðiển hình nhất trong số đó là các mỏ đất hiếm phần lớn nằm trong tỉnh Lai Châu và các tỉnh Tây Bắc, bao gồm Nậm Xe, Ðông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái). Tổng trữ lượng tài nguyên tại các mỏ này được cho là trên 16 triệu tấn oxit đất hiếm, nhiều hơn cả trữ lượng này ở Mỹ là 13 triệu tấn (Mỹ từng là một cường quốc về đất hiếm). Wonfram và bismuth cũng bắt đầu được tìm thấy ở một số tỉnh phía Bắc, trong đó mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên) được coi là mỏ đa kim có trữ lượng thuộc hàng lớn nhất thế giới với các khoáng sản quý chủ lực như Vonfram, florit và bismuth.

Bản đồ miền Bắc Việt Nam

Dự án Núi Pháo có diện tích hơn 9 km², là một trong những mỏ Vonfram đa kim có trữ lượng lớn nhất thế giới. Hiện nay, CTCP Tài nguyên Masan – Masan Resources (thuộc tập đoàn Masan) quản lý và khai thác dự án này. Giữa thập niên 1990, công ty khoáng sản Tiberon Minerals của Canada phát hiện ra khu vực Núi Pháo, huyện Đại Từ, Thái Nguyên là một mỏ đa kim có trữ lượng lớn với các khoáng sản có giá trị cao, gồm vonfram, bismut và florit. Khi đi vào hoạt động, mỏ Núi Pháo sẽ trở thành nhà cung cấp Vonfram và Bismut lớn nhất và nhà cung cấp Florit lớn thứ 2 bên ngoài Trung Quốc.

Sau một thời gian dài thăm dò và lập dự án, đến đầu năm 2004, liên doanh Nuiphaovica – do Tiberon sở hữu 70%, phần còn lại thuộc về 2 đối tác trong nước – đã nhận được giấy phép đầu tư và được cấp giấy phép khai thác năm 2005. Thời điểm này đối tác nước ngoài là Tiberon Canada đang nắm giữ 70% mỏ Núi Pháo, Việt Nam chỉ có 30%. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế khiến Tibron năm 2007 đã bán lại Núi Pháo cho Quỹ đầu tư Dragon Capital, thế nhưng Dragon Capital cũng không thể lo liệu vốn để khai thác dự án và buộc phải tạm dừng khai thác vào năm 2008. Những biến cố trên của Núi Pháo là cơ hội để ông Nguyễn Đăng Quang, bấy giờ là Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Chủ tịch tập đoàn Masan tham gia vào dự án Núi Pháo với việc tập đoàn này mua lại toàn bộ 70% cổ phần tại Công ty Núi Pháo từ tay Dragon Capital vào năm 2010. Thương vụ mua lại dự án Núi Pháo là một trong những thương vụ M&A phức tạp nhất từ trước đến nay. Sau khi hoàn tất sở hữu dự án Núi Pháo vào tháng 9/2010, Masan đã rất khẩn trương trong việc huy động vốn và đầu tư xây dựng nhà máy. Đến cuối năm 2013, khi hai bên hoàn tất các điều khoản của thương vụ này, phía Dragon Capital đã nhận về gần 30 triệu cổ phiếu Masan Group cùng một lượng lớn tiền mặt. Đổi lại, phía Masan đã trực tiếp sở hữu hơn 3/4 lợi ích của dự án Núi Pháo. Thế mạnh của Masan so với các nhà đầu tư trước của dự án Núi Pháo là tiềm lực tài chính nội tại cũng như khả năng huy động vốn từ bên ngoài.

Tháng 7/2010, dự án Núi Pháo vẫn là chỉ là khu đất trống

Kể từ sau khi mua lại mỏ Núi Pháo, Masan Resources đã tiến mạnh mẽ/nỗ lực không ngừng để phát triển dự án. Đến 1/4/2014, sau hơn 3 năm đầu tư xây dựng cùng hơn 1 tỷ USD đã được đổ vào dự án, mỏ Núi Pháo chính thức đi vào sản xuất thương mại.

Dự án Núi Pháo giai đoạn 2000 – 2010 (Giai đoạn chuyển nhượng)

Dự án Núi Pháo giai đoạn 2010-2012 (Đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án)

Dự án Núi Pháo giai đoạn 2013 – 2015 (Đi vào sản xuất)

Mỏ Núi Pháo chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc, có quy mô lớn thứ nhì thế giới chỉ sau quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, điều kiện địa chất thuận lợi khi mỏ Núi Pháo là mỏ lộ thiên, chi phí khai thác và hệ số bóc đất đá thấp hơn so với khai thác mỏ dưới lòng đất như tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Úc. Mỏ Núi Pháo được đánh giá là một trong những mỏ vonfram lớn nhất được xác định (ngoài Trung Quốc) với trữ lượng quặng tiềm năng lên tới 66 triệu tấn.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng vonfram của MSR đạt trên 2,450 tấn, tương đương 70% so với tổng sản lượng năm 2014, chiếm 41% doanh thu với xấp xỉ 515 tỷ đồng. Florit và đồng lần lượt là hai sản phẩm tạo ra doanh thu đứng sau vonfram. Florit được sử dụng chính trong sản xuất axit flohydric và sản xuất nhôm thép. MSR cũng tạo ra 86,989 tấn sản lượng florit và 2,904 tấn sản lượng đồng, lần lượt chiếm 32% và 27% trong tổng doanh thu, thu về tổng cộng 730 tỷ đồng.

Cùng với đó, Mỏ Núi Pháo còn sở hữu trữ lượng bismut dồi dào. Bismut là nguyên tố không phát xạ tự nhiên nặng nhất, là kim loại quý trên Trái đất, được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng. Trữ lượng bismut tại Núi Pháo chiếm tới 40% trữ lượng trên toàn thế giới nhưng mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ. Ngày 17/9/2015, MSR chính thức đưa hơn 703.5 triệu cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 15,500 đồng/cổ phiếu.

Vì vậy, có thể thấy mỏ Núi Pháo đang góp phần cân bằng nguồn cung và phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc. Quan trọng hơn, Núi Pháo sẽ được hưởng lợi về giá vì nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Sản phẩm Vonfram ở Núi Pháo có hàm lượng vượt tiêu chuẩn xuất khẩu (65% so với mức 55% quy định) đã được Tập đoàn H.C. Starck (Đức) bao tiêu toàn bộ sản lượng. Các thành phẩm khác từ Núi Pháo thì được CMC Cometals ký hợp đồng mua từ trước. Doanh thu năm 2014 của mỏ này trong năm 2014 đạt tới 250 triệu USD (hơn 5,000 tỷ đồng), trong đó sản phẩm Vonfram chiếm hơn phân nửa. Cùng với Vonfram, các sản phẩm khác như florit, đồng và bismut tại mỏ Núi Pháo là các kim loại quý hiếm có ý nghĩa với nhiều ngành công nghiệp trên thế giới hiện nay.

Masan Resources – Dự án Núi Pháo

TƯƠNG LAI CỦA DỰ ÁN NÚI PHÁO

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan mới đây đã có nhiều chia sẻ đáng chú ý về dự án Núi Pháo: “Tôi vẫn còn nhớ vào ngày 18/6/2010 tại Thái Nguyên, sau khi tiếp nhận lại từ doanh nghiệp nước ngoài với cam kết triển khai thành công dự án Núi Pháo, Tập đoàn Masan đã làm Lễ tái khởi động dự án Núi Pháo với sự tham dự của vài chục cán bộ công nhân viên với tràn đầy khát vọng, nhiệt huyết và hừng hực niềm tin ‘Vietnam Can Do’ – Việt Nam có thể thực hiện thành công Dự án vô cùng lớn và đầy thách thức này”, Chủ tịch Masan hồi tưởng.

Cũng vào đúng vào ngày 18/6/2018 vừa qua, Masan đã tổ chức Lễ kỷ niệm 8 năm tái khởi động dự án với sự tham gia của hàng ngàn cán bộ công nhân viên, các đối tác kinh doanh và đại diện các ban ngành địa phương … Nhưng không chỉ có niềm tin vào tương lai, và vào chính mình, theo ông Quang, mỗi con người Masan còn tràn đầy niềm tự hào về những điều đã làm được. Hàng ngàn nhân viên Masan đã góp phần đánh thức mỏ Núi Pháo và đưa vào vận hành thành công mỏ vonfram lớn nhất thế giới của Việt Nam.

“Chúng tôi đã trở thành nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu Vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc với doanh thu năm 2018 dự kiến là 8,000 tỷ đồng (348 triệu USD), chiếm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc và đã đóng góp gần 3,200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015-2017”, Chủ tịch Masan cho hay. Hiện nay, dự án Núi Pháo đang sử dụng hàng trăm chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm vận hành mỏ, chế biến và tinh luyện công nghệ cao và đã tạo ra hơn 2,000 lao động trong nước và tại địa phương, xác lập chuẩn mực mới trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

Lãnh đạo cao nhất của Masan cam kết luôn nỗ lực và tranh đấu vì “Niềm tin và Niềm tự hào Việt Nam”, gìn giữ và thổi bùng tinh thần “Vietnam can do” – Việt Nam có thể làm được và thành công trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

THAM KHẢO

  1. Masan Resources – Dự án Núi Pháo.
  2. Masan Resources Nui Phao Mine: The World’s Largest Tungsten Mine by Glen White, CEO Mining Global – March 10, 2016.
  3. Bài viết “Volfram Núi Pháo phá thế độc quyền Trung Quốc” trên mạng Dân Trí ngày 17/07/2015.
  4. Bài viết “Ván cờ mang tên Vonfram” trên mạng Đầu tư Chứng khoán ngày 23/10/2017.
  5. Bài viết “Khoáng sản quý và thòng lọng của người khổng lồ” của tác giả Trần Vinh Dự July 21, 2013 – Nguồn: VOA.
  6. Bài viết “Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang: Doanh thu Núi Pháo sẽ đạt 8,000 tỷ trong năm 2018” trên mạng Vietnam Finance ngày 3/7/2018.

—–

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *