Nữ doanh nhân Việt Nam

1.082 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Việt Nam trong những năm vừa qua đã có sự phát triển vượt bực và thay đổi chóng mặt giữa 2 khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Các công ty quốc doanh chỉ còn chiếm 28.8% cơ cấu đóng góp GDP.

Cơ cấu đóng góp GDP của kinh tế tư nhân

Điều cần để ý là các công ty tư nhân tại Việt Nam, không nhiều thì ít, đều có sự bỏ vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (State Capital and Investment Corporation: SCIC) là một tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước xếp hạng đặc biệt của Việt Nam được thành lập vào năm 2005 và bắt đầu chính thức hoạt động từ năm 2006. SCIC là chủ đại diện của Chính phủ Việt Nam tại các doanh nghiệp mà chính phủ góp vốn. SCIC có quyền đầu tư tài chính và kinh doanh vốn (mua hoặc bán vốn của Chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa) theo nguyên tắc thị trường. Số vốn sơ khởi lúc mới thành lập là 5 tỷ đồng VN (tương đương $315 triệu USD) với 416 công ty được bỏ vốn. Trong nổ lực biến Việt Nam thành nền kinh tế thị trường và dưới áp lực quốc tế, SCIC đang cố gắng thoái vốn ra khỏi các công ty tư nhân. Tính đến 31/8/2018, tổng danh mục đầu tư của Tổng công ty giảm xuống còn 139 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20,367 tỷ đồng (886 triệu USD) trên tổng số vốn điều lệ là 82,838 tỷ đồng (3.6 tỷ USD).

FDI vẫn chiếm vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế nhưng sự phát triển của nền công nghiệp phụ trợ và vai trò của người phụ nữ Việt Nam đã gây nhiều bất ngờ cho các quan sát viên quốc tế.

Vai trò FDI với phát triển kinh tế

Đài BBC hôm 28/2/2019 có bài viết về chuyện có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ ở Việt Nam hơn bất kỳ nơi nào khác ở châu Á và họ sở hữu nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 40% GDP của đất nước. Một trong những hình mẫu này là bà Dương Thị Thanh, người đã xây dựng một doanh nghiệp dệt may toàn cầu từ một căn phòng nhỏ ở Hà Nội với, về cơ bản, ứng dụng kỹ thuật của vi khuẩn lên men. Bà Thanh nhuộm quần áo chàm truyền thống bằng cách sử dụng các kỹ thuật mà nhiều người cho rằng đã bị thất truyền. Đầu tiên, bà thuê nhân công ở Sapa thu thập lá cây chàm. Sau đó, bà lên men lá trong xô nhựa bằng rượu gạo, thứ mà bà đổ vào mỗi tối trước khi khuấy. Đằng sau bà, những chiếc máy may chạy ù ù khi nhân viên của bà may vỏ đệm, váy cotton dài và khăn quàng cổ. Khi bắt đầu công việc kinh doanh, bà Thanh đã phải vật lộn để làm được vài trăm mét vải mỗi năm. 24 năm sau, khách hàng của bà đã sẵn sàng đặt hàng trực tuyến và họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Một trong những thị trường lớn nhất của bà là Úc và Nhật Bản. Bà Thanh chỉ là một trong hàng ngàn nữ doanh nhân là linh hồn của nền kinh tế Việt Nam. Những rào cản đối với doanh nghiệp được dỡ bỏ trong những năm 1980 và Việt Nam mở cửa cho thương mại và đầu tư quốc tế. Những phụ nữ làm ăn nhỏ trong thị trường chợ đen để tăng thu nhập cho gia đình đã có thể hoạt động hợp pháp.

Bà Dương Thị Thanh và sản phẩm nhuộm chàm

CÁC NỮ CEO NỔI TIẾNG CỦA VIỆT NAM

Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 với các các gương mặt nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao. Đây là lần thứ 2 tạp chí công bố danh sách này, sau danh sách 2017. Trong lĩnh vực kinh doanh, số lượng gương mặt tiêu biểu không thay đổi, vẫn là 20 người. Tuy nhiên, đã có khá nhiều thay đổi. Nhiều cái tên nổi tiếng trước đó không còn trong danh sách như bà Nguyễn Thanh Phượng (chủ tịch HĐQT-CTCK Bản Việt và là con gái của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng); bà Dương Thị Mai Hoa (cựu CEO Vingroup); bà Phạm Thị Huân (TGĐ Công ty TNHH Ba Huân) … Thay vào đó, Forbes Việt Nam đưa vào danh sách một số gương mặt mới như: bà Nguyễn Bạch Diệp (TGĐ FPT Retail); Trần Thị Đào (TGĐ Imepharm) – Trần Thị Lâm (Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm); Trần Kim Liên (Chủ tịch kiêm TGĐ Vinaseed) – Lê Hồng Thủy Tiên (TGĐ IPP), bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) … Trong những năm từ 2016-2019, tác giả đã viết những bài Thương hiệu Việt – Vinamilk với 2 bà Mai Kiều Liên và Lê Thị Băng Tâm, Vietjetair với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Vinfast với bà Lê Thị Thu Thủy là các nữ lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu liên tục có mặt trong các danh sách của Forbes Việt Nam từ trước tới nay. Cuối tháng 9/2019, Tạp chí Forbes danh tiếng vừa công bố danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2019 với danh sách 25 doanh nhân nổi bật nhất châu Á, những người góp phần xây dựng và phát triển kinh tế khu vực trong đó có bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Vụ ly hôn “lùm xùm” của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông chồng là Đặng Nguyên Vũ của Trung Nguyên cà phê thì ai cũng biết.

50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam trên Forbes

Trong phạm vi bài viết này thì tác giả nêu thêm những vị chưa được đề cập đến. Các nữ doanh nhân Việt Nam có thể chia làm 3 thế hệ: Thế hệ 1950, thế hệ sinh sau 1970 và thế hệ sinh sau 1990.

Bà Nguyễn Bạch Diệp – Tổng Giám Đốc FPT Retail: Trong Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam vừa được Forbes Việt Nam vinh danh, đáng chú ý có tên bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng Giám đốc FPT Retail – “người đàn bà thép” của hệ thống bán lẻ thiết bị số lớn thứ 2 Việt Nam. Theo nhận định của Forbes Việt Nam, con đường hình thành FRT như ngày hôm nay có dấu ấn “khó ai có thể chối bỏ” của bà Nguyễn Bạch Điệp. Bà Điệp đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao ở nhiều đơn vị như công ty hệ thống thông tin FPT (FIS), công ty công nghệ di động FPT (FMB), Công ty viễn thông FPT (Ftelecom), được giao tham dự dự án liên doanh bán lẻ với Alpha Mart, nhà bán lẻ bách hóa lớn thứ hai ở Indonesia vào năm 2010 … Bà Nguyễn Bạch Điệp được biết đến là người điềm tĩnh và tràn đầy năng lượng, là người “đàn bà thép” có công lớn phát triển FPT Retail kể từ thời điểm năm 2011, từ 17 cửa hàng trở thành hệ thống hơn 500 điểm bán lẻ, lớn thứ 2 Việt Nam sau Thế Giới Di Động. Dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Bạch Điệp, kết thúc năm 2018, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 15,298 tỷ đồng (665 triệu USD), tăng 16% so với năm 2017. Cũng trong năm 2018, tổng số cửa hàng của FPT Retail đã cán mốc con số 533, tăng 60 điểm bán so với cuối năm 2017. Nếu tính riêng, doanh số trung bình trên mỗi cửa hàng đạt 2.4 tỷ đồng/tháng (104,348 USD), tăng nhẹ so với năm 2017. Chưa dừng lại ở mảng bán lẻ thiết bị số, FPT Retail còn nhảy vào mảng bán lẻ dược phẩm sau khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu. Năm 2018, doanh nghiệp này chính thức công bố thành lập FPT Pharma, nhảy vào thị trường dược với vốn điều lệ 100 tỷ đồng (4.3 triệu USD), trong đó FPT Retail góp 75 tỷ đồng. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail làm đại diện toàn bộ số vốn góp của FPT Retail tại FPT Pharma, đồng thời cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty. Kết thúc năm 2018, chuỗi nhà thuốc này có 25 cửa hàng và dự kiến mở thêm 50 điểm trong năm 2019.

Bà Nguyễn Bạch Diệp – Tổng Giám Đốc FPT Retail

Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ: Bà sinh ngày 8 tháng 10 năm 1957, nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi. Bà hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Năm 1982, Cao Thị Ngọc Dung tốt nghiệp cử nhân Kinh tế thương nghiệp – Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm 2006, bà là người đầu tiên ở Việt Nam mời chuyên gia nước ngoài, ông Richard Moore – Giám đốc sáng tạo của Công ty Richard Moore Asociate (Mỹ) về Việt Nam giúp PNJ xây dựng thương hiệu nữ trang cao cấp cao. Bà còn đi đầu áp dụng ERP trong việc quản trị công ty. Năm 2015, Cao Thị Ngọc Dung sở hữu gần 10 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 400 tỷ đồng (17.4 triệu USD) và lọt vào danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2016, bà cùng với Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet) và Thái Hương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH Milk)) là ba phụ nữ Việt Nam trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Tạp chí Forbes. Năm 2017, PNJ do bà lãnh đạo đã thành doanh nghiệp lớn với 4,500 nhân viên, 250 cửa hàng trên khắp Việt Nam, và doanh thu hơn 7,000 tỷ đồng (304 triệu USD) mỗi năm. Năm 2017, Cao Thị Ngọc Dung có tài sản 663 tỷ đồng (29 triệu USD) và là người phụ nữ giàu thứ 8 ở Việt Nam.

Bà Cao Thị Ngọc Dung – Tổng Giám Đốc PNJ

Bà Trần Thị Đào – Tổng Giám Đốc Imepharm: Bà Trần Thị Đào, sinh năm 1952 tại Đồng Tháp, là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (Hose: IMP). Bà thuộc “thế hệ vàng” không những đối với riêng Imexpharm mà còn đối với cả ngành dược Việt Nam. Gắn bó hơn 30 năm, Bà Đào đã dành trọn tâm huyết để phát triển Imexpharm từ một Xí nghiệp sản xuất dược nhỏ của tỉnh Đồng Tháp đến vị thế ngày hôm nay, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Tiền thân là công ty Dược Cấp II được thành lập năm 1977.

Tháng 8/2001, bà Đào với vai trò là Tổng Giám đốc đã mạnh dạn chỉ đạo Công ty thực hiện cổ phần hóa, tạo ra bước ngoặt cho doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp đã trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của nhiều tập đoàn Dược đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Sandoz, Galien, Pharmacience Canada … Năm 2018 với tổng doanh thu đạt 1,207 tỷ đồng (52.5 triệu USD), tăng 1.8% so với năm 2017 và chỉ mới thực hiện được 86.2% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế và trước trích quỹ phát triển KHCN năm 2018 là 192.8 tỷ đồng (8.4 triệu USD), tăng 18,6% so với năm trước đó. Năm 2019 Dược phẩm Imexpharm đặt mục tiêu đạt 1,450 tỷ đồng (63 triệu USD) doanh thu.

Bà Trần Thị Đào – Tổng Giám Đốc Imepharm

Bà Thái Hương – Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Bắc Á: Bà Hương được nhắc đến nhiều từ năm 2009 với những kế hoạch kinh doanh độc đáo, quyết tâm đưa sữa Việt Nam ra thị trường thế giới với mục tiêu thay đổi bản chất ngành công nghiệp này tại Việt Nam, vốn chủ yếu dùng bột sữa để sản xuất sữa nước. Dưới sự dẫn dắt của “thuyền trưởng” Thái Hương, Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH True Milk) thuộc Tập đoàn TH không ngừng lớn mạnh, doanh thu tăng trưởng vượt bậc. Mới đây, bà Hương đã quyết định rời vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk để giữ “ghế” Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Bắc Á, theo quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ bà Hương, bà sẽ tiếp tục làm cố vấn cho TH True Milk trong thời gian tiếp theo. Được biết, năm 2015, bà Thái Hương lần đầu tiên được lọt vào danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes. Tính đến ngày 7/3/2018, tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của bà Thái Hương lến đến 493 tỷ đồng (21 triệu USD).

Bà Thái Hương – Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH True Milk)

Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan (tên gọi khác: Trương Muội) là một nữ doanh nhân, tỷ phú người Việt gốc Hoa. Bà là người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Gia tộc Trương Mỹ Lan là một trong những gia tộc giàu có và bí ẩn nhất Việt Nam. Bà có chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông. Năm 1992, bà Trương Mỹ Lan thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng-khách sạn. Sau đó, Vạn Thịnh Phát mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tập đoàn này hiện có vốn điều lệ tới 12,800 tỷ đồng (556.5 triệu USD), từng cao hơn cả Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức (Giờ VinGroup đã vượt con số này). Chỉ riêng tại 2 công ty Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6,700 tỷ đồng (291 triệu USD). Giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó bà và thành viên gia đình này đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và đã được trả lại vào tháng 6 năm 2015.

Năm 2014, Vạn Thịnh Phát dính dáng đến một vụ tham nhũng đất đai. Dương Chí Dũng, nguyên là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam và là nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), khai đã nhận của bà Lan 20 tỷ đồng (1 triệu USD) để chuyển cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an liên quan đến việc đưa hối lộ để “lót tay” cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất cảng Nhà Rồng-Khánh Hội (Quận 4, TP.HCM) sau khi Cảng Sài Gòn di dời. Ông Phạm Quý Ngọ đột ngột từ trần ngày 18/2/2014, chỉ một ngày sau khi công bố quyết định về tạm đình chỉ nhiệm vụ thứ trưởng Bộ Công an. Cái chết của tướng Ngọ đã mang theo những bí ẩn không bao giờ được tiết lộ. Hiện nay, vụ án liên quan đến Vạn Thịnh Phát vẫn chưa có kết quả.

Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Trần Thị Lâm (chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm): Năm 1993 bắt đầu sự nghiệp từ việc kinh doanh xe gắn máy từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, bằng những tìm tòi sáng tạo, năm 1998 bà độc quyền bán xe máy của hãng Daelim (Hàn Quốc). Đến năm 1999, bà đã bán được khoảng gần 100,000 xe trong một năm với trên 300 công nhân và gần 200 cửa hàng, đại lý bán xe trên toàn quốc đạt doanh thu và đóng thuế hàng nghìn tỷ. Bà là người đầu tiên khôi phục và là cổ đông sáng lập nên Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) và là một trong những cổ đông chính của ngân hàng. Hiện nay Vietbank đã có vốn 3,000 tỷ đồng (130 triệu USD) với tổng tài sản gần 20 ngàn tỷ (870 triệu USD) với 85 điểm hoạt động trên khắp cả nước và gần 2,000 người làm việc và Vietbank không ngừng phát triển. Về lĩnh vực y tế, hiện tại, bà là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH y tế Hoa Lâm – Shangrila. Đây là Khu y tế phức hợp gồm 6 bệnh viện với 1,750 giường bệnh quy mô hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Bà đã thuyết phục tập đoàn y tế Parkwayhealthcare Singapore để điều hành bệnh viện đầu tiên đã đi vào hoạt động cuối năm 2012. Nữ doanh nhân đã được tặng giải thưởng “Bông hồng vàng” ngày 6/3/2010.

Bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm

Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc công ty cổ phần Thực phẩm NutiFood: Bà Lệ tốt nghiệp Đại học Y (Tây Nguyên) rồi vào TP.HCM làm Trợ lý Giám đốc Điều hành của Cơ sở Thực phẩm Đồng Tâm. Đến năm 2000, cơ sở này phát triển thành Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) và bà được cất nhắc lên làm Giám đốc. Năm 2004, một sự cố diễn ra ở NutiFood đã khiến nhiều cổ đông bán tháo cổ phần. Thế là trong khi các cổ đông cũ bán đi, bà Lệ lại mua vào và bắt đầu trở thành bà chủ từ đó. Bắt đầu từ năm 2004, NutiFood xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp mở rộng khắp 64 tỉnh thành với chiến dịch tham vọng “cá bé nuốt cá lớn” đối đầu với các công ty đa quốc gia nắm hầu hết thị phần sữa Việt Nam, đã tạo nên doanh thu tăng hơn 250% hằng năm, chiếm thị phần cao nhất về sữa bột nguyên kem, trở thành một “hiện tượng” được các Khoa, Trường chuyên về quản trị kinh doanh nghiên cứu. Trong cuốn sách “Thương hiệu dành cho lãnh đạo”, chuyên gia nổi tiếng Richard Moore đã khẳng định: “Với trọng tâm thị trường rõ ràng, với tên gọi đáng nhớ và một bản sắc thương hiệu tập trung, NutiFood đã sẵn sàng cho những thành công kế tiếp tại Việt Nam cũng như trên thị trường xuất khẩu”. Chiến lược đúng đắn giúp kết quả kinh doanh của Nutifood những năm qua được cải thiện rõ rệt. Năm 2017, doanh thu của Nutifood đạt 9,403 tỷ đồng (409 triệu USD), tăng trưởng 25% so với năm 2016 và tăng trưởng gần 40% chỉ trong vòng 2 năm. Tốc độ tăng trưởng nay có thể coi là khá ‘thần kỳ’ khi những năm trở lại đây, khi các doanh nghiệp sữa chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% – 15% mỗi năm. Ngày 10/1/2019, công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood vừa công bố liên doanh cùng tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản là Asahi Group Foods. Liên doanh mang tên Asahi-NutiFood thành lập nhằm tận dụng thế mạnh của hai bên để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.

Bà Trần Thị Lệ – Tổng giám đốc công ty cổ phần Thực phẩm NutiFood

Trần Kim Liên (Chủ tịch kiêm TGĐ Vinaseed): Bà sinh năm 1958 tại Ninh Bình, tốt nghiệp Cử nhân Luật và Kinh tế. Năm 2000, bà Trần Kim Liên được Bộ NN-PTNT phân công về làm việc tại Cty CP Giống cây trồng TW1 (nay là Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Vinaseed) để triển khai thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Tháng 11/2003, cổ phần hóa mở ra trang mới đối với Vinaseed, bà được Nhà nước và cổ đông tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaseed. Với tư tưởng đổi mới, sự nhiệt huyết và chỉ đạo quyết liệt trong quản trị, sau 15 năm cổ phần hóa (2014 – 2018), bà Trần Kim Liên đã đưa Vinaseed từ một đơn vị quy mô vốn nhỏ, cơ sở vật chất lạc hậu, khoa học công nghệ chưa phát triển, sản phẩm chủ yếu chỉ là một số giống lúa phổ thông, không có sản phẩm bản quyền, kinh doanh kém hiệu quả trở thành một tập đoàn nông nghiệp có quy mô và thị phần lớn nhất ngành giống cây trồng Việt Nam với sản lượng tiêu thụ (năm 2018) trên 80,000 tấn hạt giống, cơ cấu 80% sản phẩm bản quyền, chi phối 20% thị phần, tương đương với gần 2 triệu hecta gieo trồng cả nước. Doanh thu từ sản phẩm giống cây trồng của Vinaseed năm 2017 lên tới 1,500 tỷ (65 triệu USD). Dự kiến kết thúc Kế hoạch 5 năm (2017-2021), với tầm nhìn chiến lược trở thành tập đoàn cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững hàng đầu Việt Nam, quy mô công ty sẽ tăng gấp đôi với doanh thu từ 2,600 – 3,000 tỷ đồng (113-130 triệu USD). Tập đoàn liên tục nằm trong TOP 50 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, hoạt động có trách nhiệm và đóng góp lớn cho cộng đồng, xã hội. Bà Trần Kim Liên đại diện cho Vinaseed là một trong 10 doanh nghiệp Việt Nam có tên trong danh sách “Top 200 doanh nghiệp dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á” của Forbes.

Bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed Group)

Bà Phạm Thị Việt Nga – Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang: Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951 tại huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ. Tốt nghiệp dược sĩ tại Đại học Dược và tiến sĩ kinh tế, bà Phạm Thị Việt Nga gắn bó với Dược Hậu Giang (DHG) từ những năm 1980 – khi còn là chủ nhiệm hiệu thuốc Thốt Nốt – TP.Cần Thơ. Công ty CP Dược Hậu Giang phát triển từ Công ty Vật Tư Y tế Cần Thơ đến Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang. Từ tháng 10/2004 tới nay, bà Nga giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang và là người có công lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu Dược Hậu Giang. Từ ngày 1/7/2012, bà Nga đã chuyển giao việc điều hành tại DHG và giữ cương vị là chủ tịch HĐQT. Trải qua 10 năm thăng trầm, Dược Hậu Giang dưới bàn tay chèo lái của bà Phạm Thị Việt Nga đã tăng trưởng vượt bậc, từ 25 sản phẩm sản xuất năm 1989 lên tới 173 sản phẩm vào năm 1999 và đến nay Dược Hậu Giang đã cung cấp hơn 300 sản phẩm ra thị trường. Dược Hậu Giang hiện là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp dược Việt Nam và vinh dự là 1 trong 10 Công ty của Việt Nam được tạp chí kinh doanh Forbes bình chọn vào “Top 200 Công ty vừa và nhỏ tốt nhất Châu Á năm 2011”. Xuất phát điểm gần 80% người dân thành thị không biết về thương hiệu thuốc nội địa, Dược Hậu Giang ngày nay đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, phủ kín hệ thống bệnh viện đa khoa cả nước, đáp ứng 100% nhu cầu các loại thuốc cảm và vitamin, 80% nhu cầu các loại thuốc kháng sinh trên thị trường Việt Nam. Trong năm 2012, lợi nhuận ròng của Dược Hậu Giang tăng 18% đến 24 triệu USD, trên tổng số 140 triệu USD doanh thu”. Cũng trong năm này, bà cũng lọt top 50 Người Tiên phong trong lĩnh vực Kinh doanh. Trước đó vào tháng 7/2016, với cái bắt tay của bà Nga cùng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Nhật Taisho đánh dấu bước chuyển mình lớn của Dược Hậu Giang khi Taisho trở thành cổ đông lớn thứ hai nắm 24.5% vốn. Ước tính Taisho đã chi ra khoảng 2,600 tỷ đồng (113 triệu USD) để mua số cổ phần này. Taisho là công ty dược phẩm có thị phần thuốc OTC lớn nhất Nhật Bản, lịch sử phát triển hơn 100 năm, có năng lực tài chính mạnh với doanh thu khoảng 2.8 tỷ USD/năm.

Bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng Giám Đốc CTCP Dược Hậu Giang

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch Công ty Điện lạnh REE: Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh ngày 25/12/1952, quê tại Tây Ninh), Chủ tịch kiêm CEO công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), vừa được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) năm 2014. Tạp chí Forbes khen ngợi: Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức) từ năm 1982, bà gia nhập REE với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985. Từ đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech. Đây cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000. CTPC Cơ điện lạnh (REE) trước đây là một xí nghiệp cơ điện lạnh thuộc sở hữu Nhà nước, sau CPH đã phát triển mạnh mẽ, nổi lên là một trong những DN tốt nhất trên TTCK với lợi nhuận tăng ấn tượng.

Thành công của CTPC Cơ điện lạnh (REE) gắn liền với vai trò cá nhân bà Nguyễn Thị Mai Thanh, người đã dẫn dắt REE đột phá sang các mảng kinh doanh mới sinh lời lớn như BĐS trong vài năm trước và gần đây là đầu tư tài chính vào lĩnh vực năng lượng. Bà Mai Thanh và gia đình hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu REE trị giá hơn 900 tỷ đồng (39 triệu USD), trong đó cá nhân bà nắm giữ khoảng 300 tỷ đồng (13 triệu USD). Năm 2013, bà Mai Thanh được xếp trong top 20 phụ nữ giàu nhất TTCK Việt Nam năm 2013.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch Công ty Điện lạnh REE

Bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành Viên (SATRA) là một trong những doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1995 đến nay, SATRA đã xây dựng và phát triển trở thành một trong những Tổng Công ty Thương mại lớn với hơn 70 doanh nghiệp gồm công ty con, công ty liên kết và công ty liên doanh, với doanh thu 42,310 tỷ đồng (1.8 tỷ USD) năm 2013 và đội ngũ nhân viên hơn 16,000 người. Ngoài trụ sở đặt tại TP.HCM, SATRA còn thành lập văn phòng đại diện tại Yokohama, Osaka – Nhật Bản, Yangon – Myanmar và Campuchia.

Bà Lê Minh Trang sinh năm 1965, tốt nghiệp đại học Kinh tế TP.HCM và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Mỹ. Bà được biết đến với vị trí là Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) từ năm 2009. Và bà được tái bổ nhiệm làm tổng giám đốc tổng công ty thương mại Sài Gòn nhiệm kỳ 2016 – 2020. Bà chịu trách nhiệm lãnh đạo công ty thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013 – 2015 và cổ phần hóa theo lịch trình dự kiến năm 2017. Satra phát triển chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Satra gồm SatraFoods, Satra Bakery & Café, Satra Foodcourt, nhà hàng ẩm thực, với 113 cửa hàng tính đến cuối năm 2016, trong đó có 100 cửa hàng SatraFoods. Hiện này, Bà Lê Minh Trang cũng là chủ tịch hội đồng thành viên của VBL, đơn vị liên doanh giữa Satra và Heineken. Năm 2017, bà được bình chọn nằm trong Top 20 những người phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

Bà Lê Minh Trang – Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA

CÁC NỮ DOANH NHÂN TRẺ

Ngoài các nữ doanh nhân đã thành danh, các nữ doanh nhân thế hệ thứ hai đang xuất hiện và trong nhiều khía cạnh, đã tiến triển rất nhanh để thay thế các bậc đàn chị.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng Giám Đốc IPP: Bà sinh năm 1970 tại Việt Nam, là doanh nhân Việt Nam, hiện tại đang giữ chức tổng giám đốc của một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Bà còn được biết đến là một nhà hoạt động xã hội cho quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Là người lãnh đạo doanh nghiệp thời trang hàng hiệu hàng đầu tại Việt Nam: Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPGroup. Doanh nghiệp của bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn – bố mẹ chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng hiệu quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Đây là một tập đoàn ghi dấu ân của bà Lê Hồng Thủy Tiên. Doanh nghiệp nhà bà Thủy Tiên phân phối rất nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex … và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts … với doanh thu đang hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên – Bazaar Fashion

Doanh nhân Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát: Các thế hệ nữ doanh nhân Việt Nam như sóng đại dương “sóng sau xô sóng trước”, nối tiếp nữ doanh nhân kỳ cựu ở trên, doanh nhân Trần Uyên Phương là người trẻ nhất (37 tuổi) và thuộc thế hệ doanh nhân thành công thứ 2 của Việt Nam kể từ sau khi đất nước chuyển mình sang kinh tế thị trường. Trần Uyên Phương sinh năm 1981, trong gia đình thương nhân cực kỳ kín tiếng nhưng tiềm lực bậc nhất với bố là ông Trần Quí Thanh (thường gọi là Dr. Thanh). Doanh thu năm 2016 của Tân Hiệp Phát là 500 triệu USD và cô mang trong mình trọng trách kế thừa mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD cho tập đoàn vào năm 2027. Có một điều khá đặc biệt, đây là 1 công ty gia đình và vốn sở hữu 100% thuộc về gia đình này.

Trách nhiệm của Uyên Phương đối với gia đình, với xã hội lớn hơn rất nhiều so với bạn cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ, bà đã phải học cách tự lập, kỷ luật bên cạnh việc trau dồi tri thức. Ý thức được trách nhiệm của mình, bà đã không ngừng học tập, làm việc và cống hiến. 19 tuổi, Uyên Phương bắt đầu theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Singapore. Tốt nghiệp năm 22 tuổi, cô về đầu quân cho tập đoàn của gia đình với vị trí thư ký cho giám đốc Marketing. Một năm sau, Uyên Phương trở thành Giám đốc Dự án ERP (Enterprise Resource Planning), đưa THP từ việc vận hành và kiểm soát bằng giấy, thay đổi toàn bộ quy trình và đưa hệ thống kiểm soát, quản lý bằng phần mềm, tích hợp từ tài chính, kho, mua hàng, kế hoạch và sản xuất.

Năm 2017 có thể xem là năm “ra mắt” ngoạn mục của Uyên Phương trong giới doanh nhân. Cô ra mắt cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” và nhanh chóng trở thành hiện tượng của ngành xuất bản khi ngay lập tức bán được hàng vạn bản. Năm 2018 nữ doanh nhân 8X Việt Nam còn ghi dấu ấn khi ra mắt cuốn sách Competing with Giants (tạm dịch Vượt lên người khổng lồ) ngày tại trụ sở của Forbes, Mỹ. Competing with Giants là kết quả nghiên cứu 4 năm của Uyên Phương cùng với sự tham gia của 2 đồng tác giả là nhà báo Jackie Horne (người Anh) và chuyên gia John Kador (người Mỹ). Nội dung cuốn sách là câu chuyện thực tế về công ty gia đình đã cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, sách vừa là nghiên cứu kinh tế về môi trường kinh doanh tại Việt Nam từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, về phương thức quản trị doanh nghiệp thời hội nhập toàn cầu, về kinh nghiệm cạnh tranh giữa doanh nghiệp bản địa với các công ty đa quốc gia, về phương châm hành động “Không gì là không thể”, dám ước mơ lớn và hành động mỗi ngày để đạt ước mơ đó.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Cô Nguyễn Thanh Thuỷ – Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Thanh Thủy chưa từng nghĩ mình sẽ làm kinh doanh sau này. Là sinh viên trường luật nhưng tính hơi khép kín, lại thiếu quyết đoán, Thủy cũng bất ngờ vì những ngã rẽ sau này của chính mình. Tốt nghiệp đại học, Thủy vào công tác tại Công ty xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long. Làm ở bộ phận pháp chế nhưng do thiếu kiến thức về ngoại thương nên Thủy được công ty cử đi học văn bằng 2 Đại học Ngoại thương, khoa Kinh tế Ngoại thương. Vào những năm 2000, nhờ kinh nghiệm làm xuất nhập khẩu, có cơ hội đi nước ngoài nhiều lần, Thủy phát hiện ra mô hình kinh doanh thời trang cao cấp theo chuỗi chưa xuất hiện ở Hà Nội. Doanh nhân này quyết định mở chuỗi thời trang cao cấp Sunny Fashion với địa điểm được đặt trên mặt tiền các con phố lớn của thủ đô như Quán Thánh, Chùa Bộc, Nguyễn Sơn … Thời điểm đó, nhu cầu về thời trang cao cấp của nam đang tăng nhưng hàng hoá trong nước không đủ đáp ứng. Hàng dạng xách tay chủ yếu tập trung vào xuất xứ Ý, Mỹ, Hàn Quốc và Hồng Kông. Thế nhưng, câu chuyện thời trang của Nguyễn Thanh Thủy không chỉ có thành công. Mondo là một thương hiệu thời trang được Thủy đánh giá rất cao về chất lượng, phong cách, mẫu mã và quyết định đưa về Việt Nam. Thế nhưng, chỉ đến khi phân phối, tiếp cận thực sự với thị trường trong nước, Thủy mới nhận ra size của hãng quá lớn so với người Việt Nam. Cũng kể từ đó, công ty phân phối thời trang do Thủy đứng đầu trở nên rất cẩn trọng với vấn đề “châu Á hoá size”. Đây trở thành một điều khoản bắt buộc đối với hãng thời trang mà Thủy hợp tác. Đến nay, Công ty Golden Sun do Thủy làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã có hệ thống 8 cửa hàng phân phối Barishidi Paris ở phía Bắc và khá đông khách. Không ít khách hàng nam đã gắn bó với thương hiệu này từ khi Golden Sun bắt đầu phân phối chính thức tại Việt Nam. Hiện giờ, họ quen thuộc với thương hiệu này đến mức không cần ra cửa hàng để thử nữa chỉ cần xem mẫu mới, màu, kiểu và chọn đặt mua luôn…

Công ty Golden Sun do Nguyễn Thanh Thủy làm Chủ tịch HĐQT có nhiều mảng kinh doanh trong số đó, kim cương là lĩnh vực mà Thủy dành sự kiên trì nhiều nhất và cũng khó khăn nhất. Trở thành nhà phân phối độc quyền kim cương Korloff từ năm 2015, Thủy mất 2 năm đầu tiên vật lộn để tìm hướng đi cũng như đau đầu với khoản lỗ không nhỏ từ mảng kinh doanh mới. Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ, kim cương Korloff thuộc phân khúc rất cao cấp nên đối tượng cực hẹp. Họ khó tính và cân nhắc rất kỹ khi mua. Thêm nữa, nhiều người mua cũng không muốn người khác biết cũng như giấu nguồn gốc nơi mua hàng nên việc truyền thông cho sản phẩm là rất khó khăn. Thế nhưng, sau hơn 2 năm tìm nhiều cách, nữ doanh nhân này đã bắt đầu tìm thấy đường đi. Từ cuối năm 2017, Golden Sun đã bán được những sản phẩm trên 500 triệu đồng và gần đây là bộ trang sức trị giá gần 20 tỷ đồng (870,000 USD).

Nguyễn Thanh Thủy – Nữ doanh nhân thời trang và kim cương

CÁC NỮ DOANH NHÂN NỔI BẬT TRONG CÁC LÃNH VỰC ĐẶC BIỆT

Trong những năm gần đây, thế hệ trẻ đang bước chân mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam. Không như các bậc đàn chị hoat động trong những lãnh vực kinh tế truyền thống, các cô hoạt động trong rất nhiều lãnh vực mới. Trong danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật năm 2018 của tạp chí Forbes Việt Nam, có 4 nữ doanh nhân trẻ được vinh danh là Lê Cảnh Bích Hạnh, Nguyễn Thùy Linh Cát, Dương Quỳnh Phương và Hà Thị Tú Phượng.

• Lê Cảnh Bích Hạnh là CEO của Vascara, thương hiệu thời trang nữ hiện có 100 cửa hàng. Sản phẩm của Vascara tập trung vào dòng sản phẩm giầy dép và túi xách, trong đó, giầy dép 100% được sản xuất tại Việt Nam, túi xách được gia công theo thiết kế của Vascara. Năm 2017, Vascara đón 1,2 triệu lượt khách ghé thăm, có 1 triệu lượt khách mua sắm. Trước khi được bổ nhiệm làm CEO năm 2017, Hạnh phụ trách bộ phận tiếp thị và bán hàng.

Lê Cảnh Bích Hạnh – CEO, công ty Vascara

• Nguyễn Thùy Linh Cát là chủ chuỗi cửa hàng Catsashop chuyên về thời trang nam cho giới trẻ, với 26 cửa hàng toàn quốc và doanh thu năm 2017 tự công bố là khoảng 50 tỷ đồng. Linh Cát bắt đầu phát triển Catsashop từ năm 20 tuổi, khi đang học đại học Kỹ thuật công nghệ (Hutech), ngành công nghệ sinh học tại TP.HCM. Năm 2016, Linh Cát cùng người bạn mở cửa hàng Whisk chuyên bán bánh và trà cho giới trẻ, hiện có 5 cửa hàng đặt tại các trung tâm mua sắm ở TP.HCM. Linh Cát cũng là đồng sáng lập của công ty cổ phần công nghệ HIP chuyên về các giải pháp quảng cáo cho ứng dụng di động được gần 3 tuổi và có 40 nhân sự.

Nguyễn Thùy Linh Cát – Sáng lập, CEO công ty thời trang Nguyên Sa (Catsashop)

• Dương Quỳnh Phương là Phó chủ tịch NSI Ventures, quỹ chuyên đầu tư vòng A/B vào các công ty khởi nghiệp đã chứng minh được mô hình kinh doanh và có doanh thu. Ở Việt Nam, Topica là khoản đầu tư đầu tiên mà Phương phụ trách, bên cạnh khoản đầu tư vào Oway, công ty công nghệ trong ngành du lịch và giao thông vận tải của Myanmar. Ngoài công việc đầu tư, Phương cũng là cố vấn cho các dự án khởi nghiệp. Cô là một trong ba nhà sáng lập SheVC – cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm nữ khu vực châu Á thành lập vào tháng 4/2017 – đang phát triển ở 9 thành phố châu Á, thu hút hơn 100 nhà đầu tư mạo hiểm (VC) nữ tham gia mạng lưới với mục tiêu tạo nên tiếng nói có ảnh hưởng cho phụ nữ trong giới đầu tư mạo hiểm.

Dương Quỳnh Phương – Phó chủ tịch NSI Ventures

• METUB hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ quảng bá, phân tích lượng truy cập và phát triển nội dung trên nền tảng YouTube. METUB, một trong bốn công ty đối tác tại Việt Nam được YouTube công nhận, giúp cho các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam (trong đó có các nghệ sĩ) tiếp cận tới khán giả trong và ngoài nước. Tháng 2/2016, công ty nhận được đầu tư từ WebTVAsia – công ty giải trí, sản xuất, phân phối nội dung truyền thông kỹ thuật số có trụ sở tại Malaysia có chi nhánh tại 9 nước trên toàn châu Á. Hiện tại METUB Network đang quản lý và phát triển hơn 800 kênh nội dung trên YouTube với hơn 1 tỷ lượt xem hàng tháng. Thời còn là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2010 – 2014, Phượng là một trong tám đại sứ sinh viên Google, cơ hội giúp cô biết đến khái niệm YouTube Partner và mở ra con đường kinh doanh của riêng mình.

Hà Thị Tú Phượng – Sáng lập, Giám đốc điều hành METUB

KẾT LUẬN

Theo thống kê của Zing.vn, tính tới ngày 8/3/2019, có 30 phụ nữ ghi nhận khối tài sản trên sàn chứng khoán lớn hơn 200 tỷ đồng (khoảng 9 triệu USD) và 29 trong số đó nằm trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay. Nếu mở rộng phạm vi khảo sát thì có tới 60 nữ đại gia sở hữu khối tài sản lớn hơn 100 tỷ đồng (khoảng 4.5 triệu USD). Danh sách này chưa kể tới các nữ doanh nhân, đại gia mà doanh nghiệp của họ chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Một nhận định kèm theo danh xưng hết sức mới mẻ trong lịch sử đất nước thời hiện đại hơn 70 năm qua. Nội hàm danh từ “Doanh nhân” để gọi những chủ doanh nghiệp mới xuất hiện tại Việt Nam chừng hơn mười năm nay. “Ngày Doanh nhân Việt Nam” là mới có, bắt đầu từ 13/10/2004, cách đây 14 năm.

100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Lịch sử hơn 70 năm của nước Việt Nam mới là một hành trình gian nan, nhiều máu xương và nước mắt. Bây giờ dân tộc mới có tương đối đủ điều kiện để mở ra một kỷ nguyên phát triển để những doanh nhân có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão lớn vì đất nước và cộng đồng, phấn đấu trở thành những doanh nhân dân tộc đích thực của thời đại chúng ta. Từ những tên tuổi doanh nhân này, sẽ hình thành một đội ngũ doanh nhân đích thực trong thời gian không xa nữa mà các nữ doanh nhân sẽ cùng sát cánh với các nam doanh nhân để sáng nghiệp, dẫn dắt, làm trụ cột phát triển, mang lại thịnh vượng cho quốc gia, tạo nền văn minh và dân chủ cho xã hội. Đây sẽ là thành tựu lớn nhất, kỳ vỹ nhất trong lịch sử nước Việt Nam trong tương lai.

THAM KHẢO

1. Bài viết “Thương hiệu Việt – Vinamilk” của tác giả đưa lên mạng ngày 15/6/2016.
2. Bài viết “Vinfast – Thương hiệu ô tô Việt Nam” của tác giả đưa lên mạng ngày 15/10/2018.
3. Bài viết “Thương hiệu Việt – Vietjetair” của tác giả đưa lên mạng ngày 15/4/2019.
4. Bài viết “Thượng đỉnh Trump-Kim: Những điều Bắc Hàn có thể học từ phụ nữ Việt Nam” trên mạng BBC ngày 28/2/19.
5. Bài viết “Chân dung 10 nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam năm 2018” trên mạng BBC ngày 13/10/18.
6. Bài viết “Người đẹp buôn hàng hiệu, lọt top phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” trên mạng BBC ngày 4/3/19.
7. Bài viết “Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương” trên mạng Cafef.VN ngày 8/03/2019.
8. Bài viết “11 nữ doanh nhân 9X nổi bật nhất của Việt Nam” trên mạng BNV ngày 15/5/2018.
9. Bài viết “4 nữ doanh nhân dưới 30 tuổi nổi bật tại Việt Nam” trên mạng BNV ngày 8/3/2018.
10. Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

—–

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *