Sâm Ngọc Linh

579 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Ngọc Linh liên sơn hay khối núi Ngọc Linh là khối núi cao nhất miền Trung Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, là một phần của Trường Sơn Nam. Khối núi này nằm trên phần cao nguyên phía Bắc Tây Nguyên, Việt Nam, trong địa phận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai. Dãy Ngọc Linh có độ cao khoảng 800 – 2,800 m, chạy viền theo ranh giới phía Đông của huyện Đăk Glêi, Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum với các huyện Phước SơnBắc Trà My, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, tiếp đến là trên ranh giới giữa huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi, các huyện KBang, Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai. Dãy núi này chạy theo hướng Tây BắcĐông Nam bắt đầu với ngọn núi Ngọk Lum Heo, núi Mường Hoong, Ngọc Linh, Ngọc Krinh, Ngọk Tem, Ngọk Roo. Dãy Ngọc Linh là đường phân thủy của hai hệ thống sông: một chảy sang phía Tâysông Sê San, góp nước cho sông Mê Kông; một hệ thống chảy sang phía Đông, đổ trực tiếp ra biển Đông là các con sông Cái (đầu nguồn sông Vu Gia), sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông Ba chảy qua tỉnh Phú Yên.

NGUỒN GỐC SÂM NGỌC LINH

Sâm Ngọc Linh là một dược liệu quý – một loài cây thuộc họ Cam Tùng, còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm Trúc (sâm đốt trúctrúc tiết nhân sâm), củ Ngải Rọm Con hay Cây Thuốc Giấu, là loại sâm quý được tìm thấy tại các tỉnh miền Trung Trung bộ và Tây Nguyên của Việt Nam, chủ yếu mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô tỉnh Kon Tum, huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Ngoài núi Ngọc Linh, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam theo những kết quả điều tra mới nhất. Trên độ cao 1,200 m đến 2,100 m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.

Đỉnh Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y Tế Việt Nam, phần thân, rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần.

Lịch sử phát hiện

Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ Ngải Rọm Con hay Cây Thuốc Giấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Dựa trên những thông tin lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum về một loại củ quý hiếm trên núi Ngọc Linh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, và do nhu cầu của kháng chiến đã khiến Ngành dược Khu Trung Trung Bộ quyết phải tìm ra cây sâm chi Panax tại miền Trung, mặc dù trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng chi Panax chỉ có ở miền Bắc.

Cây sâm Ngọc Linh được phát hiện tại núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum

Năm 1973, khu Y tế Trung Trung bộ cử một tổ 4 cán bộ do Dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn, kỹ sư Nguyễn Bá Hoạt, dược sĩ Nguyễn Châu Giang, dược sĩ Trần Thanh Dân là thành viên, đi điều tra phát hiện cây sâm theo hướng chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô – tỉnh Kon Tum. Khi đoàn lên tỉnh Kon Tum, Ban Dân y Kon Tum cử thêm dược tá Nguyễn Thị Lê trợ giúp cho đoàn, dẫn đường lên núi Ngọc Linh. Sau nhiều ngày vượt suối băng rừng, đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 03 năm 1973, ở độ cao 1,800 mét so với mặt nước biển, đoàn đã phát hiện hai cây sâm đầu tiên và ngay buổi chiều cùng ngày đã phát hiện được một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Chí Liêm – Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam: “Đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax họ Araliaceae một loài mới”. Sau khi sâm được phát hiện, Khu ủy Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung – Trung bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong kháng chiến; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu.

Những năm sau khi hòa bình lập lại, tháng 10 năm 1978 một tổ công tác thứ hai lên vùng núi Ngọc Linh với nhiệm vụ ước lượng sơ bộ diện tích sâm mọc. Kết quả chuyến đi là việc tìm ra được một vùng dài hàng chục km, có trữ lượng khoảng 6,000 – 7,000 cây sâm mọc dày đặc với mật độ từ 1 m²/cây đến 7.8 m²/cây. Nǎm 1979, Ty Y tế Quảng Nam tổ chức điều tra ở 5 xã của huyện Trà My với sự giúp đỡ của Đại học Y Dược TP.HCM. Kết quả đợt điều tra là việc tìm thấy 1,337 cây trong 211 ô tiêu chuẩn. Trọng lượng trung bình thân rễ sâm là 5.26 gram; số thân có trọng lượng trên 25 gram là 7.39% và số thân rễ có trên 10 sẹo (ước tính trên 8 năm tuổi) là 36.9%. Đợt điều tra này đã thu được 1 thân rễ có tới 52 sẹo (ước tính cây trên 50 năm tuổi), đường kính 1.2 cm, tuy đây chưa phải là thân rễ sống lâu nhất. Trong những đợt tìm kiếm, điều tra về sau còn phát hiện ra cây khoảng 82 năm tuổi có rễ, củ và thân rễ dài hơn nửa mét.

Như vậy, qua khảo sát, điều tra và nghiên cứu của các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh là một loại sâm vô cùng quý hiếm có nguồn gốc xuất xứ từ rất lâu đời, có tác dụng chữa bách bệnh và bồi bổ sức khỏe cho con người sống lâu trăm tuổi.

CÔNG DỤNG CỦA SÂM NGỌC LINH

Sâm Ngọc Linh được xếp vào loại sâm thuộc dạng quý hiếm, nó được tìm ra ở núi Ngọc Linh trên độ cao 1,800 m thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam của đất nước Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều nhà nghiên cứu bắt tay vào thực hiện công trình nghiên cứu công dụng của sâm Ngọc Linh nó được chứng minh rằng là một vị thuốc đặc biệt, quý hiếm hơn cả các loại sâm khác như: nhân sâm Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ.

Trước khi có những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh, thì trước đó sâm Ngọc Linh đã được các dân tộc thiểu số Việt Nam, như người Xê Đăng, dùng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, sốt rét, đau bụng, phù thũng. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm, sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài những tác dụng như tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt nói trên, theo dược sĩ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa, và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Trạm Nghiên cứu Dược liệu tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (trước đây) và Xí nghiệp Dược phẩm Đà Nẵng, trong bước đầu thực hiện bào chế sản phẩm thành dược liệu có giá trị thương mại, đã chế ra “Tinh sâm quy Ngọc Linh”, “Sâm quy mật ong”… có chứa sâm Ngọc Linh.

Vì vậy, từ bao đời nay, khi nhắc đến các loại nhân sâm ai cũng đều nghĩ nó như là một vị thuốc bổ, tăng thể lực, chống suy nhược cơ thể và sâm Ngọc Linh cũng vậy nó kích thích toàn bộ các hoạt động của não bộ chống suy nhược cơ thể, gia tăng sức đề kháng và phòng chống các loại mầm mống gây ung thư và hỗ trợ thuốc chữa ung thư. Ngoài những tác dụng trên cơ sở khoa học đã nghiên cứu về đặc tính chung của các loại nhân sâm, sâm Ngọc Linh còn ẩn chứa các đặc tính nổi trội mà không phải bất kì loại nhân sâm nào cũng có được. Đó là:

– Có thể sử dụng dài ngày mà không bị ảnh hưởng bới các độc tính.

– Tinh chất chứa trong sâm Ngọc Linh có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh đến người già.

– Phát huy tác dụng tối đa khi phối hợp với các loại kháng sinh thông dụng.

– Kết hợp tạo tác dụng tổng hợp, hiệp lực tốt với thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

– Tác dụng giảm đau và chữa trị viêm họng các bệnh lý về phổi và phế quản.

– Ngăn chặn bệnh hen tái phát.

Qua nhiều cuộc nghiên cứu về sản phẩm sâm Ngọc Linh, nó được đánh giá là sản phẩm giúp người bệnh cảm thấy ăn ngon ngủ được, tăng thể trọng và thị lức, giảm mệt mỏi tăng sức bền luôn được các chuyên gia khuyên dùng sử dụng sản phẩm sâm Ngọc Linh trong việc bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên, bên cạnh đó trước khi sử dụng bất kỳ loại sâm nào nên được tư vấn kỹ càng từ các chuyên gia, bác sĩ để phòng tránh những trường hợp nguy hại xảy ra.

Sâm Ngọc Linh 7 nhánh 100 tuổi trị giá 30,000 USD

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA SÂM TRIỀU TIÊN VÀ SÂM NGỌC LINH

Việc khám phá ra sâm Ngọc Linh đã mang lại niềm tự hào lớn cho Việt Nam. Những chi tiết dưới đây sẽ chỉ ra sự khác biệt giữa sâm Triều Tiên và sâm Ngọc Linh để thấy được loại sâm nào đang giữ vị trí số 1 hiện nay:

  1. Về hàm lượng thu suất toàn phần: Saponin là thành phần chính của nhân sâm cũng là thành phần quyết định chất lượng sâm. Theo số liệu nghiên cứu thì trong sâm Ngọc Linh có tới 52 saponin trong đó có 26 saponin mới chỉ có ở sâm Ngọc Linh, đặc biệt là thành phần saponin MR2 chiếm hơn 50% hàm lượng saponin toàn phần. Đây chính là yếu tố quyết định đem đến hiệu quả trị liệu của sâm Ngọc Linh Việt Nam hơn hẳn các loại sâm khác. Còn theo số liệu công bố trong sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 26 saponin. Xét về thu suất toàn phần hàm lượng saponin thì sâm Ngọc Linh chiếm tới 10.8 % trong đó sâm Triều Tiên chỉ có 3.5%. Như vậy sâm Ngọc Linh cao hơn gấp 3 lần so với sâm Triều Tiên. Chính vì thế sâm Ngọc Linh hiện nay được đánh giá là loại sâm tốt nhất thế giới.
  2. Về đặc điểm bề ngoài: Cả hai loài sâm quý này đều có thân cây cao từ 40 đến 10 cm với lá kép mọc vòng và cuống dài và cây phải đạt 3 năm tuổi mới trổ hoa. Sâm Triều Tiên mang hình dáng giống người với màu vàng sáng trong khi đó sâm Ngọc Linh lại có hình dáng khùm khoằm, các đốt như đốt trúc với các mắt sâm thể hiện số năm tuổi. Sâm Triều Tiên càng nhiều năm tuổi thì rễ sâm càng nhiều trong khi đó sâm Ngọc Linh càng nhiều năm tuổi thì càng có nhiều đốt mắt, các đốt mắt biến dạng theo thời gian tạo thành ngấn, củ phân nhiều nhánh tạo nhiều đường cong.

Hình ảnh củ sâm tự nhiên

Triều Tiên 1,000 năm tuổi

Hình ảnh sâm Ngọc Linh tự nhiên

100 năm tuổi

  1. Xét về điều kiện khí hậu thổ nhưỡng để sâm phát triển: Sâm Ngọc Linh và sâm Triều Tiên đều là những loài cây sống lâu năm và phân bổ ở độ cao 1,200 m trở lên. Nếu như sâm Triều Tiên có thể mọc ở các vùng ôn đới và hàn đới thì sâm Ngọc Linh chỉ sống ở vùng nhiệt đới, hiện chỉ tại Việt Nam mới có loại sâm này. Ngày nay sâm Triều Tiên được đem đi trồng đại trà ở rất nhiều nơi nhưng với sâm Ngọc Linh thì lại vô cùng kén đất. Mặc dù người ta đã đem sâm Ngọc Linh đi trồng tại Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Sapa … nhưng chỉ có khu vực núi Ngọc Linh (thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Nam và KonTum) với điều kiện đặc thù về khí hậu và thổ nhưỡng mới là điều kiện lý tưởng để sâm Ngọc Linh sinh trưởng mang lại giá trị cao nhất.
  2. Xét về công năng: Cả sâm Ngọc Linh và sâm Triều Tiên đều có công năng tương đương đối với hệ thần kinh, nội tiết, tim mạch…Tuy nhiên với sâm Triều Tiên có thể khiến chỉ số huyết áp tăng trong khi sâm Ngọc Linh thì hoàn toàn không gây ra phản ứng phụ nào, người dùng có thể yên tâm sử dụng trong thời gian dài. Cả hai dòng sâm đều có công năng điều trị bệnh tật, tăng cường sức để kháng, bồi bổ cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật… nhưng sâm Ngọc Linh chính bởi sở hữu hàm lượng saponin vượt trội nên có tác dụng cao hơn nhiều so với sâm Triều Tiên. Đặc biệt với bệnh ung thư, sâm Ngọc Linh sẽ làm hạn chế khối u phát triển và ngăn ngừa ung thư. Với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thì sâm Ngọc Linh làm giảm đau đớn, giúp người bệnh ăn ngủ ngon hơn, kéo dài sự sống. Sâm Ngọc Linh có thể sử dụng kết hợp với thuốc kháng sinh mang đến hiệu quả chữa bệnh rất đáng kể.
  3. Đối tượng sử dụng, cách dùng: Cả hại loại sâm đều có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các loại đồ uống, món ăn bổ dưỡng. Để bảo quản và sử dụng sâm trong thời gian dài thường có 2 cách phổ biến là ngâm sâm với mật ong nguyên chất hoặc ngâm sâm với rượu.
  4. Giá cả: Sâm Hàn Quốc có nhiều loại giá từ 2 triệu đến 250 triệu đồng mỗi kg (87 USD/kg đến 10,870 USD/kg) như vậy sâm Ngọc Linh cũng có thể phát triển đa dạng; sâm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh giá sẽ cao, còn đưa ra huyện miền núi các tỉnh khác giá thấp hơn. Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết phiên chợ sâm núi Ngọc Linh lần thứ 6 diễn ra đầu tháng 3/2018 tại trung tâm huyện Nam Trà My. Phiên chợ sâm đã bán được khoảng 110 kg sâm, thu về gần 8 tỷ đồng (trung bình 3,162 USD/kg).

PHÁT TRIỂN RỪNG ƯƠM SÂM NGỌC LINH

Sâm được trồng 21 năm dưới tán rừng Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) chưa một lần khai thác. Nguồn sâm giống này hàng năm sinh sôi phủ kín dưới tán cây rừng.

Vùng trồng sâm Ngọc Linh không bị hạn chế, có thể trồng bất kỳ đâu ngoài tự nhiên với độ cao 1,500 m trở lên, rừng nguyên sinh, có tán rừng, khí hậu, độ ẩm, môi trường. Viện khảo sát đã di thực giống sâm này về ở Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo và ra khỏi vùng núi Ngọc Linh. Tuy nhiên hàm lượng hợp chất trong củ sâm thấp nếu trồng ở các vùng khác.

Theo thống kê, năm 1978 toàn bộ vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có 108 vùng sâm mọc tự nhiên. Sâm mọc dưới những tán rừng ẩm ướt, ven các con suối. Ước tính thời điểm đó sản lượng khoảng 300 tấn tươi, độ tuổi trên 10 năm, PGS.TS. Trần Công Luận, Nguyên giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP HCM thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết. Hiện Kon Tum đã phát triển được trên 300 ha sâm Ngọc Linh tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông. Tỉnh Kon Tum quy hoạch trên 31,700 ha diện tích trồng sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích vùng lõi có khả năng trồng sâm gần 17,000 ha. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt 1,000 ha, với sản lượng ước tính 190 tấn; tạo thương hiệu Quốc gia về Sâm Ngọc Linh; đến năm 2025, trồng hết diện tích khoảng trên 9,000 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp; hàng năm khai thác bình quân 800 ha và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm tinh chế từ Sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bản đồ phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum

PHƯƠNG PHÁP NUÔI CẤY MÔ SÂM NGỌC LINH

Sau 3 năm tập trung nghiên cứu, thử nghiệm trên nhiều môi trường và vật liệu khác nhau, mới đây Thượng tọa Thích Huệ Đăng cùng tập thể các kỹ sư, kỹ thuật viên Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang, TP. Đà Lạt đã nhân giống và trồng thành công giống sâm quí Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Thượng tọa Thích Huệ Đăng, GĐ Công ty đồng thời là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Nhân giống và di thực giống sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng”, cho biết: Sâm Ngọc Linh (còn gọi là sâm Việt Nam hay sâm Q5) xuất hiện chủ yếu quanh khu vực núi Ngọc Linh thuộc 2 huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, là loại dược liệu có giá trị kinh tế rất cao nhưng việc nhân giống bằng hạt như nông dân vẫn làm từ trước tới nay gặp rất nhiều khó khăn.

Cây mọc tự nhiên phải mất 6-8 năm mới ra hoa, kết quả nhưng tỷ lệ hạt nẩy mầm đạt rất thấp, thông thường gieo 10 hạt, chỉ có 5-6 hạt nẩy mầm, nhiều khi chỉ có 3-4 cây phát triển được. Mặt khác việc khai thác tự do của dân có tính chất hủy diệt đang làm cho nguồn gen quí của sâm Ngọc Linh có nguy cơ bị diệt chủng.

Xuất phát từ yêu cầu bảo tồn giống sâm quí Ngọc Linh và nhu cầu về giống để mở rộng diện tích trồng của bà con 2 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và nhiều địa phương khác của nước ta có điều kiện tự nhiên tương đồng như nơi nguyên sản là rất lớn, năm 2008 vị chân tu ngoài 70 tuổi đã lặn lội đến tận nơi núi Ngọc Linh sưu tầm đúng giống sâm quí Ngọc Linh để cùng với các kỹ sư và kỹ thuật viên trong Công ty THNH Hoa lan Thanh Quang do ông làm giám đốc tiến hành nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô để gây trồng nhằm chữa bệnh cứu người như giáo lý nhà Phật dạy.

Sau khi được khử trùng, mô tế bào từ mầm củ được cấy vào môi trường và nuôi giữ ở điều kiện nhiệt độ từ 18 đến 22oC trong phòng mô để tạo phôi. Sau một thời gian các phôi sẽ tiếp tục được cấy chuyển để tạo cụm chồi và nhân nhanh các cụm chồi. Sau đó các cụm chồi sẽ được tách ra để đưa vào môi trường tạo rễ và giúp cho cây quen dần với điều kiện tự nhiên trước khi đưa trồng trên giá thể đất trong vườn ươm. Sau 2 năm nghiên cứu và nhân trồng thử nghiệm, giờ đây Công ty THNH Hoa lan Thanh Quang đã nhân giống vô tính được khoảng 50,000 cây giống sâm Ngọc Linh hiện đang được nuôi trong phòng nuôi cấy mô của công ty tại khu vực hồ Tuyền Lâm, TP. Đà Lạt, dự kiến thời gian tới sẽ được cung ứng cho nông dân nhiều khu vực thích hợp ở Kon Tum và Quảng Nam để trồng.

Giữa tháng 10/2010 công ty đã chuyển cho một đơn vị chuyên trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Đăc Tô, tỉnh Kon Tum 4,000 cây trồng thử nghiệm, kết quả cây phát triển rất tốt. Sau 1 năm rưỡi đưa trồng thử nghiệm trong khu vực nhà lưới của công ty những cây giống sâm Ngọc Linh nhân giống vô tính tỏ ra khá thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt, tỷ lệ cây sống đạt rất cao, trên 75%, một số cây đã bắt đầu hình thành củ có chất lượng tương tự như củ sâm nơi nguyên sản.

Đánh giá kết quả của đề tài, TS. Phạm S, GĐ Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết: Thời gian gần đây đã có nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước đầu tư khá lớn cho công tác nghiên cứu nhân giống cây sâm Ngọc Linh theo phương pháp vô tính nhưng mức độ thành công còn rất hạn chế. Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang đã tổ chức nghiên cứu và nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô thành công có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và thực tiễn. Nếu việc trồng sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng thành công thì đây sẽ là việc làm rất có ý nghĩa trong việc mở rộng qui mô trồng sâm Ngọc Linh thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao ra các vùng khác ở Việt Nam có khí hậu tương đồng như ở vùng núi Ngọc Linh huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Sâm Ngọc Linh giống 1 năm

ĐƯA SÂM NGỌC LINH THÀNH BẢO VẬT QUỐC GIA

Trong vài năm gần đây, dù có tiền, cũng rất khó mua được sâm Ngọc Linh thật, nhất là tại tỉnh Kon Tum, vì nhiều lẽ. Sau năm 1985, do chuyển đổi tổ chức Công ty dược liệu sâm Ngọc Linh của Kon Tum giải thể dẫn tới cây sâm bị khai thác cạn kiệt, công tác nghiên cứu trồng sâm bỏ dở. Đến những năm 1990, cây sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, thuộc 250 loại động thực vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam. Đây là nguyên do, cho dù đang sở hữu tới 500 ha sâm Ngọc Linh ở hai huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, không ít diện tích trong số đó có tuổi đời từ 5 đến 10 năm, song dường như rất ít sâm được bán ra, vì sứ mệnh chính của ngành sâm Ngọc Linh Kon Tum vẫn là để bảo tồn. Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, vừa khẳng định với báo giới: hiện nay sở mới cấp giấy công nhận về giống sâm Ngọc Linh cho 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (đều có vùng trồng chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông). Đây là 2 đơn vị có hồ sơ, được kiểm định về chất lượng nguồn gốc, tuy nhiên, đến nay tỉnh Kon Tum vẫn chưa bán sâm Ngọc Linh ra thị trường.

Trong hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum ngày 6/9/2018, ông Trần Hoàn, Giám đốc Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum, doanh nghiệp có hơn 20 năm gây dựng vùng trồng sâm Ngọc Linh, mỗi năm ước sản xuất hàng triệu cây giống, cũng tiết lộ: Hiện nay, 2 công ty trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn chưa xuất bán. Do vậy, sâm Ngọc Linh khan hiếm, bị đẩy giá trên thị trường rất cao, đến hàng trăm triệu đồng/kg. Cũng trong hội nghị kể trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đã đến lúc Kon Tum nên phát triển ngành trồng sâm Ngọc Linh lên một tầm cao mới; không phải chỉ bảo tồn gen, mà phải chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. “Mục tiêu không phải là một vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ mà phải tiến tới mục tiêu tỷ USD giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới”, Thủ tướng đề nghị.

Ngày 5/9/2018, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc như Viện nghiên cứu Hồng sâm quận Jinan, Công ty You Cel, Y.K Vina … đã trao đổi, ký kết hợp tác với tỉnh Kon Tum nhằm đầu tư vào nguồn dược liệu sâm Ngọc Linh. Việc ghi nhớ hợp tác đầu tư có mục đích nâng cao xếp hạng quốc tế về nền công nghiệp hóa sâm của Việt Nam; nâng cao giá trị, hiệu quả sâm thông qua việc nghiên cứu song phương giữa sâm Ngọc Linh Kon Tum của Việt Nam và phía đối tác Hàn Quốc. Đồng thời, tỉnh cũng trao chủ trương khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư về sâm Ngọc Linh cho 2 dự án với tổng vốn đầu tư là 10,500 tỷ đồng trên tổng diện tích dự kiến 5,155 ha của Tập đoàn Vingroup và Công ty CP.VVINA tại huyện Tu Mơ Rông.

KẾT LUẬN

Ngày 5/9/2018, tại huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND tỉnh Kon Tum tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh. Với 52 hoạt chất saponin, sâm Ngọc Linh là dược liệu quý nằm trong những loài sâm tốt nhất thế giới, là quốc bảo của Việt Nam. Kontum và Quảng Nam quyết tâm biến vùng đại ngàn Ngọc Linh trở thành thủ phủ sâm quốc gia, đến năm 2025 đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ hai thế giới. Riêng tại Quảng Nam, đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh đã được thông qua với tổng nguồn kính phí đầu tư hơn 9,000 tỷ đồng, tương đương 450 triệu USD với sự tham gia của Tập đoàn Vingroup để phát triển vùng sâm chuyên canh 19,000 ha, tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My.

Với những hoạt động ký kết đầu tư kể trên, trong tương lai không xa, Kon Tum sẽ hoàn thành được mục tiêu tỷ USD Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra, trở thành quốc gia hàng đầu xuất cảng sâm chất lượng trên thế giới.

THAM KHẢO

  1. Khối núi Ngọc Linh – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Cây Sâm Ngọc Linh Có Nguồn Gốc Từ Đâu?” trên mạng T&H ngày 8/9/2018.
  3. Bài viết “Rừng sâm hơn 400 ha trên núi Ngọc Linh” trên mạng VNE ngày 8/9/2018.
  4. Bài viết “Sâm Ngọc Linh cổ 30,000 USD trong vườn sâm 3 triệu USD” trên mạng VNE ngày 11/7/2017
  5. Bài viết “Sâm Ngọc Linh và sâm Triều Tiên, Hàn Quốc khác nhau thế nào” trên mạng VNE ngày 11/7/2017.
  6. Bài viết “Chuyện một nhà sư làm khoa học” trên mạng PetroTimes ngày 9/10/2017.
  7. Bài viết “Họp báo công bố mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ” trên mạng Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Kontum ngày 16/8/2018.
  8. Bài viết “Sâm Ngọc Linh: Quốc bảo của Việt Nam và giấc mơ tỷ đô trên đỉnh núi” trên mạng The Leader ngày 7/9/2018.

—–