Quan niệm chiến thuật mới của Hải quân Hoa Kỳ

908 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Sau khi các khinh hạm 4,000 tấn lớp Oliver Hazard Perry được cho nghỉ hưu toàn bộ, Hải quân Mỹ vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra một lớp tàu chiến mới để hỗ trợ tàu khu trục Arleigh Burke và tàu tuần dương Ticonderoga trong biên đội tác chiến hỗn hợp. Mỹ từng kỳ vọng rằng tàu chiến ven bờ LCS sẽ có thể đảm nhiệm vai trò trên, tuy nhiên do được thiết kế với mục đích khác đó là len lỏi vào sát bờ biển của đối phương tung đòn tập kích mà LCS tỏ ra không phù hợp khi triển khai ngoài xa đại dương. Bên cạnh đó hỏa lực của LCS cũng chưa được hoàn thiện, trên tàu có khoảng không gian trống tới 40% để tích hợp vũ khí theo từng yêu cầu nhiệm vụ nhưng thực tế vẫn chưa có một cấu hình ổn định dành cho lớp tàu này.

CÁC ĐỐI THỦ CỦA HẢI QUÂN HOA KỲ

 Hải quân Iran ở eo biển Hormuz: Trước những biên đội tàu chiến lớn và cồng kềnh của hải quân Mỹ – Anh thì rõ ràng Iran không thể so sánh được, do vậy Tehran đã xây dựng phương án tác chiến phi đối xứng thông qua các xuồng tên lửa cao tốc và hạm đội tàu ngầm tương tự như của Bắc Triều Tiên. Một thời, Iran dồn hết ngân sách quốc phòng cho bộ binh và không quân, nhưng trong những năm gần đây, họ đã bắt đầu đầu tư phát triển tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, và hiện nay, Iran là một trong những nước có lực lượng tàu ngầm lớn trên thế giới.

Eo biển Hormuz

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Iran nhận ra chiến hạm thông thường của quốc gia này không phải là đối thủ của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, những chiếc xuồng cao tốc tấn công nhỏ gọn (FAC) lại có thể trở thành “cơn ác mộng” đối với tàu cỡ lớn của phương Tây. Eo Hormuz chỉ dài 39 km, điểm hẹp nhất là 33 km, nhưng làn tàu chạy theo cả hai hướng chỉ rộng có 3 km. Đặc điểm này cản trở tàu lớn đi qua nhưng lại phù hợp với các tàu kích thước nhỏ của Iran. Được trang bị súng máy và bệ phóng rốc-két, các tàu này mang theo tên lửa chống hạm và dẫn đường bằng radar có khả năng đánh chìm một mục tiêu 1,500 tấn. IRGCN sở hữu khoảng 2,000 xuồng cao tốc tấn công (FAC) có khả năng bao vây dễ dàng những tàu hàng lớn.

Xuồng cao tốc tấn công (FAC) – Ảnh: Reuters

“Át chủ bài” của hải quân Iran trong trường hợp chiến tranh nổ ra được xác định chính là các xuồng cao tốc lớp Zolfaghar, mặc dù kích thước bé hạt tiêu nhưng uy lực của chúng thật đáng nể. Chiếc Zolfaghar có kích thước bé hạt tiêu với chiều dài chỉ 16.3 m; lượng giãn nước đầy tải vài chục tấn và được điều khiển bởi thủy thủ đoàn từ 3 cho tới 4 người. Lớp xuồng tấn công nhanh này được trang bị 2 động cơ cực khỏe công suất lên tới 1,800 mã lực, cho tốc độ di chuyển nhanh và rất phù hợp khi hoạt động tại vùng nước nông. Với số lượng siêu lớn và dàn vũ khí không thể xem thường, các xuồng tên lửa tấn công nhanh lớp Zolfaghar của hải quân Iran được xem như mối đe dọa lớn tới chiến hạm Mỹ – Anh sau biên đội tàu ngầm mini. Vũ khí chính của xuồng cao tốc lớp Zolfaghar của hải quân Iran đó là 2 tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn Nasr-1 do quốc gia Trung Đông này tự nghiên cứu chế tạo. Ngoài ra, xuồng cao tốc Zolfaghar của hải quân Iran còn được trang bị 2 ngư lôi siêu tốc Hoot, đây là bản sao từ loại VA-111 Shkval của Nga. Ngư lôi Hoot có vận tốc lên tới 360 km/h, tầm bắn 9 km, mang theo đầu đạn nặng trên 200 km, đủ khả năng vô hiệu hóa chiến hạm cỡ lớn chỉ với một phát bắn duy nhất.

Xuồng tên lửa tấn công lớp Zolfaghar của hải quân Iran. Ảnh: Getty

Hiện nay, Iran là một trong những nước có lực lượng tàu ngầm lớn trên thế giới. Theo các nguồn tin, ngoài 230 tàu tên lửa tấn công nhanh, 5 tàu hộ vệ tên lửa, 33 tàu tuần tra, cùng một số tàu hậu cần, đổ bộ và hỗ trợ khác, Hải quân Iran sở hữu 33 tàu ngầm các loại mà loại chính là 3 chiếc thuộc lớp Kilo do Nga sản xuất. Cuối những năm 1990, Nga thực hiện lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế và ngưng bán thêm tàu ngầm mới cho Iran; nước này buộc phải tự phát triển tàu ngầm của riêng mình. Hải quân Iran đã phát triển tàu ngầm có lượng giãn nước 90 – 1,200 tấn phục vụ chiến thuật tác chiến “bầy sói” để đối đầu với các lực lượng hải quân khu vực, đã đã trình làng các lớp tàu ngầm do nước này chế tạo gồm Ghadir và Fateh.

Theo thông tin của phương Tây, tàu ngầm lớp Fateh của Iran có chiều dài hơn 40 m, lượng giãn nước khoảng 500 tấn, lặn sâu 200 m, thủy thủ đoàn 22 người, được trang bị 8 ống phòng ngư lôi đường kính 533 mm (có thể mang theo 8 quả thủy lôi và 2 quả dự phòng), hoạt động chủ yếu ở khu vực ven bờ. Fateh dùng động cơ điện-diesel và sở hữu nhiều vũ khí tối tân, bao gồm ngư lôi, thủy lôi, cùng tên lửa hành trình với khả năng phóng từ vị trí lặn, hệ thống radar âm thanh tiên tiến giúp xác định tàu địch và trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa, có thể tác chiến độc lập mà không cần các hệ thống cảnh giới mặt nước.

Tàu ngầm 500 tấn loại Fateh

Loại nhỏ hơn là tàu ngầm Ghadir IS-120 dựa theo mẫu MS29 Yono của Triều Tiên, có chiều dài 29 m, rộng 3m, lượng giãn nước khoảng 120 tấn, tốc độ tối đa 20 km/giờ, thủy thủ đoàn 18 người, được trang bị hai ống 533 mm có thể phóng ngư lôi chống hạm hạng nặng YT-534-UW1 và tên lửa chống tàu hạng nhẹ Jask-2, hoặc đặt mìn; có thể sử được dụng để triển khai biệt kích. Iran có tổng cộng 21 tàu ngầm thuộc loại này, được thiết kế dựa trên cơ sở là tàu ngầm hoạt động trong vùng nước nông lớp Yono của Triều Tiên. Cuối tháng 11/2018, 2 tàu ngầm lớp Ghadir có khả năng phóng tên lửa đất đối không, ngư lôi và mìn đã được biên chế vào lực lượng hải quân của Iran.

Tàu ngầm 120 tấn loại Ghadi

Lực lượng Hải cảnh và Dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông: Kể từ ngày 1/7/2018, quyền chỉ huy Hải cảnh Trung Quốc đã được chuyển từ Cục hải dương quốc gia Trung Quốc sang Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc (Vũ cảnh). Như vậy, với sự thay đổi mới nhất, Hải cảnh sẽ chịu sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Có thể nói Hải cảnh Trung Quốc là lực lượng vừa quen vừa lạ. Quen vì các tàu của lực lượng này xuất hiện gần như toàn bộ các biến cố trên biển gần đây, chẳng hạn những trận đấu vòi rồng trên biển Hoa Đông giữa Hải cảnh Trung Quốc và Tuần duyên Nhật Bản, sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 hay giành lấy quyền kiểm soát thực tế bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012.

Nhưng lạ là bởi không ai biết chính xác lực lượng này có bao nhiêu tàu, chủng loại ra sao. Các nguồn kiểm điếm từ phương Tây cho hay Trung Quốc có 164 tàu hải cảnh với 16,300 nhân lực vào năm 2011. Con số này chắc chắn đã lỗi thời vào thời điểm hiện tại sau khi nó liên tục được bổ sung các tàu hải quân cũ và đón nhận các tàu hải cảnh thế hệ mới.

Điều đáng nói, các tàu hải cảnh mới được biên chế đều có kích thước tương đương hay thậm chí lớn hơn các tàu của hải quân. Chẳng hạn, tàu hải cảnh số hiệu 2901 có lượng giãn nước lên tới 12,000 tấn, gấp rưỡi tàu khu trục lớn nhất hiện có trong biên chế của hải quân là Type 052D chỉ 7.500 tấn. Hay như các tàu hải cảnh thuộc lớp Type 818B khi đặt cạnh các khinh hạm lớp Type 054A đều không hề kém cạnh, thậm chí có phần bề thế với đài chỉ huy được thiết kế cao hơn. Lớp tàu hải cảnh 4,000 tấn này chỉ kém “người anh em” bên hải quân về số lượng, với 8 chiếc so với 27 chiếc tính tới thời điểm tháng 12/2017. Các tàu nhỏ hơn, từ 1,000 đến 2,000 tấn như lớp Type 718B được đóng mới và biên chế liên tục trong 2 năm gần đây, tốc độ không hề thua kém hải quân.

Việc đặt Hải cảnh dưới quyền của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ngay lập tức làm dấy lên sự lo ngại ở nhiều nước Đông Á. Nhật Bản, quốc gia thường xuyên có các cuộc chạm trán với Hải cảnh Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku tỏ ra cảnh giác trước động thái từ Bắc Kinh. Việc thiết kế các tàu hải cảnh dựa trên các bản thiết kế tàu hải quân khiến giới phân tích có thời gian suy đoán điều này nằm trong tính toán chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Theo đó, trong trường hợp cần thiết, các tàu hải cảnh sẽ được hoán đổi, lắp thêm vũ khí và hệ thống điện tử để trở thành tàu chiến thực thụ. Thực tế, trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không thực sự cần đến tàu hải quân để đối phó hay tiến hành các hoạt động mang tính cưỡng ép các nước trong khu vực. Bởi lẽ, Hải cảnh đã trở thành công cụ hiệu quả đến mức khiến lãnh đạo Trung Quốc bất ngờ trong việc thực thi các yêu sách chủ quyền vô lý của họ trên biển.

Quay trở lại câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Giai đoạn cao điểm Trung Quốc huy động hơn 100 tàu các loại, chia thành nhiều lớp để bảo vệ giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo quan sát và phân tích của các chuyên gia quân sự, về cơ bản trong sự kiện này Trung Quốc chia thành 3 lớp: tàu cá và lực lượng “ngư dân biển” là lớp ngoài cùng; hải giám và hải cảnh ở giữa; các tàu hải quân lớp trong cùng, gần giàn khoan nhất. Trong đó, chiếm số lượng lớn là các tàu hải cảnh, chỉ có 7-8 tàu hải quân. Điều này cho thấy vai trò mang tính công cụ của lực lượng hải cảnh trong tham vọng kiểm soát biển của Trung Quốc. Theo một thống kê của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) công bố tháng 9/2016, trong số 45 vụ đụng độ trên Biển Đông kể từ năm 2010, Hải cảnh Trung Quốc góp mặt tới 30 vụ. Việc đặt Hải cảnh dưới quyền Quân ủy Trung ương Trung Quốc, như vậy, là chỉ dấu cho thấy nó sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc đối đầu ở những vùng biển tranh chấp trong tương lai.

Tàu hải cảnh số hiệu 2901, một trong hai soái hạm 12,000 tấn của Hải cảnh Trung Quốc – Ảnh chụp màn hình

Tàu dân quân biển: Chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Asia Maritime Transparency Initiative trong bài viết “Hải quân giấu mặt của Trung Quốc” đăng trên báo Foreign Policy hôm 25/6/2019 khẳng định, các bằng chứng cho thấy những tàu được cho là tàu đánh cá Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp này là một phần của lực lượng dân quân biển mở rộng của Bắc Kinh.

Điều này không gây ngạc nhiên vì mục đích dùng đến dân quân biển là tấn công ở mức thấp hơn quân đội chính quy, làm phức tạp thêm sự đối phó của các bên khác – trong trường hợp này là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan cũng như Hoa Kỳ – qua việc giấu mặt sau lớp vỏ dân sự. Nhờ đó Bắc Kinh có thể chối bỏ mọi bằng chứng của các hành vi hung hăng trên biển. Tuy nhiên những bằng chứng này tự nó đã nói lên tất cả. Những dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) và Vulcan Inc.’s Skylight Maritime Initiative, gồm cả ảnh chụp hồng ngoại, dữ liệu được radar xử lý, ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, cho thấy một lượng lớn tàu hoạt động tại Trường Sa thuộc đội tàu cá Trung Quốc. Con số tàu Trung Quốc thường xuyên hiện diện gần Đá Xubi (Subi Reefs) và Đá Vành Khăn (Mischief Reefs) lên đến từ 200 đến 300 chiếc.

Những tàu Trung Quốc tại đây trung bình có trọng tải trên 500 tấn, vượt xa kích thước đối với các tàu trên tuyến hàng hải quốc tế bị buộc phải sử dụng thiết bị thu phát hệ thống nhận dạng tự động (Automatic Identification System – AIS), giúp nhận ra danh tính và các dữ liệu khác khi du hành trên đại dương. Nhưng chỉ có không đầy 5% trong số tàu Trung Quốc phát ra tín hiệu. Điều này cho thấy đây là một đoàn tàu muốn che giấu số hiệu và các hoạt động của mình. Những chiếc tàu lớn và hiện đại này thể hiện một sự đầu tư đại quy mô, nhưng không thể thu hồi vốn, do hầu hết không hoạt động thương mại. Ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc hầu như luôn thả neo, thường tập trung thành những nhóm lớn, cả khi trong vùng đầm quanh Đá Xubi và Đá Vành Khăn, lẫn khi lảng vảng đâu đó tại Trường Sa. Việc hoạt động tại những khu vực gần như vậy là hết sức bất thường, và chắc chắn không phải là cách thức mà các tàu đánh cá thương mại sử dụng.

Cơ bản là lực lượng này phục vụ hậu cần và làm tai mắt cho quân đội Trung Quốc: cung ứng cho các tiền đồn, giám sát và báo cáo hoạt động của các nước tranh chấp, tham gia tập luyện với quân đội cũng như lực lượng chấp pháp. Nhưng chúng còn ngày càng trực tiếp quấy nhiễu tàu bè của các nước khác – áp sát một cách nguy hiểm các tàu hải quân, cảnh sát biển hay tàu dân sự của nước ngoài, đôi khi còn tông vào họ. Nói chung là gây mất an toàn cho các bên khác khi hoạt động trong vùng biển bị Bắc Kinh yêu sách, trong khi quân đội và tuần duyên Trung Quốc đứng ngoài nhìn – một mối đe dọa ngầm ở mức độ không thể chối cãi.

HAI LOẠI CHIẾN HẠM MỚI CỦA HOA KỲ

FFG hiện đại: Đứng trước yêu cầu trên, Hải quân Hoa Kỳ đã lên kế hoạch đóng mới 20 chiếc FFG hiện đại để cấp tốc nâng cao sức mạnh cho hạm đội, những chiến hạm này sẽ có lượng giãn nước vào khoảng 4,000 – 6,000 tấn, trị giá 950 triệu USD mỗi tàu, mức giá trên nằm giữa Arleigh Burke (1.8 tỷ USD) và LCS (700 triệu USD).

Ấn tượng đầu tiên về mẫu FFG của Lockheed Martin đó là nó được thiết kế với nhiều góc cạnh để giảm diện tích phản xạ radar, trên tháp chỉ huy là các mảng ăng ten mảng pha quay về 4 góc tương tự như hệ thống Aegis trên khu trục hạm Arleigh Burke. Phía trước tàu là pháo hải quân loại 57 mm có tốc độ bắn cao, 32 ống phóng thẳng đứng Mk 41 tương thích tên lửa phòng không tầm xa SM-2 IIIC ESSM Block 2 hoặc loại SM-6 tiên tiến hơn, bên cạnh đó nó còn triển khai được cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Chiến hạm mới vẫn giữ lại các ống phóng tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon truyền thống với cơ số 8 quả. Ngoài ra tàu còn có module hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS, thiết bị định vị thủy âm dạng kéo đi kèm ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk 46 cỡ 324 mm.

Ngoài phục vụ trong Hải quân Mỹ, đây còn là một lớp tàu chiến có triển vọng xuất khẩu rất cao, nhất là cho các đồng minh thân thiết. Điều cần để ý là các quốc gia Đông Nam Á có khá nhiều sự lựa chọn từ Nga Sô, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên Âu.

Mẫu FFG (X) mới của Lockheed Martin

LCS cải tiến: Trong suốt nhiều năm, các chuyên gia quốc phòng vẫn than phiền về việc tàu chiến tuần duyên Mỹ không được trang bị đủ mạnh để đối phó với các hệ thống vũ khí chống hạm tối tân của hải quân Trung Quốc. “Câu chuyện thực sự ở đây là Hải quân Mỹ rốt cuộc cũng nhận thức một cách nghiêm túc về việc tác chiến trên biển sau hai thập niên chứng kiến sự đầu tư của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc đã triển khai hàng loạt vũ khí chống hạm trên toàn bộ hạm đội của nước này, khiến các đô đốc và sĩ quan tình báo ở Thái Bình Dương mất ăn mất ngủ, chuyên gia Sayers cho biết.

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, các tàu chiến tuần duyên trước đây của Mỹ chỉ được trang bị tên lửa Block-1C Harpoon với tầm bắn 140 km. Điều này khiến tàu chiến Mỹ hoàn toàn lép vế trước các tàu chiến Trung Quốc được trang bị tên lửa với tầm bắn từ 180 – 190 km. Module phóng thẳng đứng (SSMM) sử dụng tên lửa chống tăng AGM-114L Longbow Hellfire sẽ nâng cao đáng kể sức mạnh của của hạm đội tàu chiến ven bờ (LCS) của Hải quân Mỹ. Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên tàu LCS lớp Independence và cũng là lần đầu trong một chuỗi các chương trình thử nghiệm kéo dài đến cuối năm 2019 nhằm đánh giá khả năng khai thác module SSMM với tên lửa Hellfire trên lớp tàu này.

Tên lửa lướt biển NSM được phóng đi từ chiến hạm USS Gabrielle Giffords nhân cuộc tập trận Pacific Griffin trên Biển Philippines ngày 01/10/2019.@us navy

 “Tên lửa tác chiến hải quân NSM có tầm bắn 185 km, khiến chúng trở nên tương xứng hơn (với tên lửa Trung Quốc). Nhưng không chỉ có tầm bắn, NSM còn là tên lửa hiện đại hơn Harpoon, đặc biệt về cảm biến mục tiêu và khả năng linh hoạt, và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với năng lực phòng vệ trên tàu ngày càng mạnh của các tàu chiến hải quân Trung Quốc”, chuyên gia Koh nhận định.

Các tàu chiến tuần duyên (LCS) của Hải quân Mỹ đã trở lại với sức mạnh được cải thiện hơn sau quá trình nâng cấp. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, sau khi được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác với khả năng tránh radar đối phương, các tàu chiến này có thể tăng cường sức mạnh cho các lực lượng quân sự do Mỹ triển khai tại châu Á, trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc ngày càng phát triển nhanh chóng về công nghệ. Chương trình nâng cấp LCS của Mỹ đã trở thành chủ đề gây chú ý khi USS Gabrielle Giffords, tàu chiến tuần duyên thứ 9, lên đường từ San Diego tới Singapore trong đợt triển khai luân phiên tại Tây Thái Bình Dương, cùng một tàu chiến tuần duyên khác là USS Montgomery.

Điểm mạnh của module SSMM với tên lửa Hellfire là khí tài có thời gian phản ứng nhanh, bao quát mọi hướng trong phạm vi 10 km. Theo thiết kế, khi trang bị trên các tàu LCS, tên lửa Hellfire (được thiết kế với một số khác biệt so với phiên bản trên trực thăng và UAV) được lắp trong 2 bệ phóng với mỗi bệ chứa 24 đạn tên lửa. Module SSMM sử dụng tên lửa Hellfire là một trong 4 thành phần vũ khí chính (Surface Warfare Mission Package) trên tàu LCS, bao gồm module SSMM, module pháo hạm (với 2 pháo tự động 30 mm), module tác chiến hàng hải (với xuồng tiếp cận tốc độ cao dài 11m), và module tác chiến trên không (với 1 trực thăng MH-60R Seahawk và 1 UAV có khả năng cất-hạ cánh thẳng đứng).

Tên lửa AGM-114L Longbow Hellfire được xếp vào dòng tên lửa chống tăng dẫn đường bằng radar bán chủ động với khả năng “bắn-quên” (sau khi tên lửa được phóng đi, hệ thống đầu dò chủ động sẽ dẫn đường cho tên lửa mà không phụ thuộc vào nguồn chỉ thị khác). Bên cạnh module SSMM, các tàu LCS còn có thể mang theo bệ phóng thẳng đứng tiêu chuẩn Mk-41 để triển khai các loại tên lửa đánh chặn như SM2, SM6 hay tên lửa chống hạm tầm xa LRASM.

Việc có tới 2 tàu chiến tại Singapore và cuối cùng sẽ lên tới 4 tàu hoặc nhiều hơn thế sẽ giúp (Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ) nâng cao vị thế tại Đông Nam Á, đồng thời tiến hành thêm các cuộc tập trận song phương và đa phương với các lực lượng hải quân trong khu vực”, ông Sayers, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói. Theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, có thể sẽ có thêm nhiều tàu chiến tuần duyên được Mỹ triển khai tới khu vực Tây Thái Bình Dương như cam kết trước đây. Mặc dù Hải quân Mỹ thừa nhận các tàu chiến tuần duyên vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, song các tàu này đã được nâng cấp lên mức độ nhất định.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù việc triển khai hai tàu chiến tuần duyên cùng một lúc là một động thái đáng chú ý của Hải quân Mỹ, song điều quan trọng hơn cả là tàu USS Gabrielle Gifford là tàu tác chiến tuần duyên đầu tiên được triển khai ra nước ngoài mà có trang bị tên lửa tấn công hải quân (NSM). Hải quân Mỹ dự kiến sẽ trang bị hệ thống tên lửa NSM lên toàn bộ tàu chiến tuần duyên. Với khả năng “tàng hình” trước radar, tên lửa NSM đủ khả năng tấn công chính xác mục tiêu trên tàu chiến của đối phương, nhất là khi chúng được kết hợp với trực thăng không người lái.

Sắp tới, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiếp nhận 35 tàu LCS, chúng sẽ chiếm một phần lớn trong hạm đội tàu mặt nước của Hải quân Mỹ.

TÀU CHIẾN CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Hãng tin Nga Sputnik cho biết, hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, các khinh hạm 3,000 tấn lớp Formidable (Pháp) của Singapore cùng với DW-3000F (Hàn Quốc) của Thái Lan được đánh giá có sức mạnh vượt trội. Mới đây, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã chính thức giới thiệu cấu hình chi tiết của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9E – Dự án 11661 nâng cấp, chiếc chiến hạm này rất nhiều khả năng sẽ được đối tác truyền thống của Nga tại khu vực Đông Nam Á tiếp tục đặt mua nhằm nâng cao sức mạnh hạm đội tàu mặt nước của mình.

Việt Nam có thể liên kết cùng Ấn Độ mua khinh hạm Gepard mang tên lửa BrahMos

 Việt Nam: Hiện tại, Việt Nam có 4 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 lớp 2,100 tấn. Báo chí trong nước gần đây đề cập đến 2 dự tính của Việt Nam:  Đó là việc mua phiên bản mới Gepard 3.9 E của Nga hay phối hợp với tập đoàn đóng tàu Damen của Hòa Lan đóng trong nước loại Crossover 115 Security cỡ 4,000 tấn.

Nếu trường hợp đầu xảy ra, có thể nói rằng phiên bản mới của Gepard 3.9 E hoàn toàn đủ khả năng soán ngôi vị số 1, khiến Formidable cùng với DW-3000F trở thành “chiến hạm hạng hai”. Dựa theo mô hình trên, có thể nhận thấy lượng giãn nước của con tàu sẽ có thay đổi theo hướng gia tăng do phải “cõng” thêm bệ phóng thẳng đứng UKSK của tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Kalibr-NK cùng với tên lửa phòng không tầm trung Shtil-1/Redut. Ước tính thông số này sẽ tăng từ 2,100 tấn lên tới 2,500-3,000 tấn. Nếu như trước kia vũ khí tấn công của “Báo đốm” không có gì nổi trội, khi chỉ có tên lửa chống hạm cận âm Kh-35E với cơ số và tầm bắn tương đương Harpoon. Nhưng trên bản hiện đại hóa, với tên lửa siêu âm 3M-54E tầm bắn 220 km, thay đổi đường bay linh hoạt ở các dải tốc độ khác nhau, năng lực diệt tàu mặt nước của Gepard 3.9E đã vượt trội hoàn toàn hai đối thủ. Không chỉ có vậy, bệ phóng UKSK của Gepard 3.9E còn triển khai được cả tên lửa, ngư lôi chống ngầm 91RTE2, lẫn tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14TE, đây là điều mà nhiều chiến hạm 5,000 tấn không làm nổi.

Xét về năng lực phòng không hay chống ngầm, Gepard 3.9E cũng tỏ ra không hề thua kém hai lớp chiến hạm trên, 16 đạn 9M317ME tầm bắn 50 km (so với +50 km của RIM-162 ESSM của DW-300F và 30 km của Aster-15 trên Formidable) ngoài chức năng phòng không còn đổi được sang kênh đối hạm để bắn cả tàu chiến mặt nước khi cần thiết. Trong trường hợp khách hàng yêu cầu lắp tên lửa 9M96E/E2 của hệ thống Redut thì Gepard 3.9 sẽ tạo lập chiếc ô phòng không hạm đội tầm bao phủ 120 km, tức là tương đương Aster-30. Ngoài ra căn cứ theo cấu hình vũ khí của cặp Gepard 3.9E tiếp theo đang được thử nghiệm tại Nga, ngư lôi chống ngầm hạng nặng cỡ 533 mm của nó sở hữu tầm bắn, tốc độ và đầu đạn lớn hơn loại hạng nhẹ 324 mm, khiến nhược điểm về cơ số đạn chỉ là 4 quả (so với 6 quả) cũng có thể chấp nhận được.

Rõ ràng sau khi đánh giá qua các chỉ số thiết yếu, bản nâng cấp của Gepard 3.9E ưu việt hơn hai lớp khinh hạm 3,000 tấn của Singapore, Thái Lan ở chỉ số tấn công trong khi chẳng hề thua kém về năng lực phòng thủ, nó sẽ chiếm vị thế độc tôn của cả Formidable lẫn DW-3000F trong trường hợp xuất hiện tại khu vực Đông Nam Á.

Nhưng nếu Việt Nam lựa chọn biến thể Gepard 3.9 tối tân này thì sẽ tồn tại những rào cản khá lớn cần vượt qua, chủ yếu liên quan đến giá thành. Đầu tiên, rất dễ nhận thấy khối lượng vũ khí trang bị cho thế hệ sau của Gepard đã tăng vượt bậc, bao gồm 2 cụm bệ phóng thẳng đứng bố trí trước và giữa tàu, tương thích tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Klub-N và tên lửa phòng không tầm trung Shtil-1. Tiếp theo, ước chừng lượng giãn nước của chiếc khinh hạm Gepard trên sẽ phải xấp xỉ 2,500 – 3,000 tấn do tàu đã được kéo dài ra khá nhiều, bề ngang cũng có sự thay đổi nhẹ. Cuối cùng, nếu Hải quân Việt Nam đặt hàng duy nhất một cặp Gepard hiện đại hóa thì chi phí thiết kế mới sẽ chỉ phân bổ cho 2 con tàu này, dẫn tới không có lợi thế về quy mô sản xuất. Những điều được liệt kê trên đây dĩ nhiên sẽ khiến cho đơn giá của phiên bản Gepard 3.9 nâng cấp cao hơn nhiều so với 4 tàu đầu tiên, nguy cơ vượt quá khả năng chi trả của Việt Nam. Giải pháp khả thi là Việt Nam cùng với Ần Độ cùng sử dụng loại Gepard 3.9E trang bị tên lửa BrahMos.

Biến thể nâng cấp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 lần đầu được Rosoboronexport giới thiệu tại Triển lãm DSE Vietnam 2019. Ảnh: Trà Khánh.

Tháng 2/2019, phim tài liệu “Tầm nhìn 4.0 của những con tàu mang thương hiệu Việt” đã tiết lộ thông tin về tham vọng của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam. Bài viết trên tờ Vietbao.VN đề cập đến loại chiến hạm lớp Crossover 115 Security của Tập đoàn đóng tàu Damen. Căn cứ vào những phát biểu trên, chúng ta có đủ cơ sở để kỳ vọng vào khả năng của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam, tương lai trước mắt sẽ chế tạo được một lớp chiến hạm mặt nước đa năng lớn gấp đôi Gepard 3.9. Vấn đề được quan tâm hiện nay đó là lớp tàu chiến có lượng giãn nước khoảng 4,000 tấn mà Nhà máy Z189 nói đến cụ thể là sản phẩm nào, đó là thiết kế có nguồn gốc Nga, châu Âu hay do Việt Nam tự nghiên cứu trong nước. Tuy nhiên cần lưu ý rằng Nhà máy Z189 là cơ sở có hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan, đơn vị vẫn đang thi công nhiều lớp tàu tuần tra, tàu hàng, tàu đổ bộ … theo thiết kế của họ, bởi vậy khả năng rất cao lớp chiến hạm 4,000 tấn này cũng là sản phẩm của Damen.

Lớp chiến hạm này có thiết kế module rất tiên tiến, cho phép tùy chỉnh cấu hình vũ khí theo yêu cầu của người sử dụng. Trong nhiệm vụ tàu tuần tra thì nó chỉ mang theo 1 pháo hạm Oto Melara Super Rapid cỡ 76.2 mm cùng 2 pháo phòng không Millennium CIWS cỡ 35 mm. Tuy nhiên khoảng không gian trống phía trước tàu có thể ngay lập tức tích hợp bệ phóng thẳng đứng đa năng kiểu Mk 41 của Mỹ hay UKSK của Nga, tháp radar dễ dàng gắn kết với một loại radar mảng pha quét chủ động AFAR hiện đại. Khi mang đầy đủ cấu hình vũ khí, lớp Crossover 115 Security sẽ trở thành một tàu hộ vệ tên lửa cực kỳ hiện đại với sức mạnh sáng ngang khu trục hạm.

Mô hình tàu chiến lớp 4,000 tấn Crossover 115 Security từ công ty Damen

Ngày 9/12/2019, hãng thông tấn Sputnik dẫn nguồn từ cổng thông tin điện tử của Tổng thống Cộng hòa Tatarstan nêu rõ, Việt Nam bày tỏ mong muốn mua thêm cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ ba (chiếc số 5 và số 6) do nhà máy đóng tàu Zelenodolsky chế tạo. Đây cũng là nơi đóng 4 tàu Gepard trước đó cho Hải quân Việt Nam. Thông tin trên được đăng tải sau cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Tổng thống Cộng hòa Tatarstan (thuộc Liên bang Nga) – Rustam Minnikhanov vào trưa ngày 9/12.

Được biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 8/12 đến 11/12. Hiện chưa rõ cấu hình của cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 tiếp theo của Việt Nam, tuy nhiên, nhiều khả năng những con tàu này sẽ được trang bị nhiều vũ khí hiện đại hơn so với 2 cặp tàu trước đó. Nếu Việt Nam đề nghị, khả năng cao là Nga sẽ trang bị cho 2 tàu mới dòng tên lửa Kalibr-NK bởi chúng có thiết kế gần tương tự các tàu Gepard hiện có của Việt Nam. Cụ thể, tại vị trí của hệ thống Palma sẽ được thay bằng 8 ống phóng thẳng đứng. Tàu được lắp thêm nhà chứa trực thăng cùng 2 hệ thống Palma lắp 2 bên thay cho 2 pháo AK-630M.

Như vậy, chiến hạm lớp Crossover 115 Security mà Việt nam dự trù đóng trong nước với sự phối hợp của Tập đoàn đóng tàu Damen sẽ hoãn lại trong một khoảng thời gian không định trước.

 KẾT LUẬN

Ngay cả sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện thì sự hợp tác của hai bên về phương diện quân sự vẫn có những giới hạn nhất định vì các nước khác như Nga Sô và Ấn Độ có những lợi ích khá gần Việt Nam trong lãnh vực Hải Quân. Nga Sô vẫn là ứng viên hàng đầu trong lớp tàu hộ vệ cỡ 3,000 tấn với trang bị không thua những khinh hạm FFG cỡ 5,000 tấn của Hoa Kỳ mà khá cả rẻ hơn nhiều. Hoa Kỳ vẫn còn nhiều ưu thế nhưng nếu không có sự đột phá về vấn đề giá cả thì rất khó để cạnh tranh với các chiến hạm tương ứng của Nga Sô và Trung Quốc.

 

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Tàu chiến Mỹ mang tên lửa ‘nắn gân’ Trung Quốc tại Thái Bình Dươngtrên mạng PetroTimes ngày 13/9/19.
  2. Bài viết “Lộ diện ‘Át chủ bài’ của Hải quân Iran khiến Mỹ ‘đứng ngồi không yên’ trên mạng Đời sống pháp luật ngày 23/7/19.
  3. Bài viết “Mỹ thử nghiệm tên lửa chống tăng trên tàu chiến ven bờ´ trên mạng Soha ngày 28/7/19.
  4. Hải giám Trung Quốc – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  5. Bài viết “Lực lượng hải quân giấu mặt của Trung Quốc trên Biển Đông” trên mạng RFI ngày 26/6/19.
  6. Bài viết “Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì” trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 2/7/18.
  7. Bài viết “Gepard đời mới-chiến hạm mạnh nhất Đông Nam Á” trên mạng VPS News ngày 6/4/17.
  8. Bài viết “Việt Nam sẽ tự đóng chiến hạm 4000 tấn, http://vietbao.vn/The-gioi/Viet-Nam-se-tu-dong-chien-ham-4000-tan/158374238/860”.
  9. Bài viết “Tin vui từ Nga, VN sẽ mua tàu hộ vệ tên lửa Gepard với vũ khí mạnh chưa từng có?” trên mạng VPS News ngày 10/12/19.

——