Thỏa thuận thương mãi Hoa Kỳ – Trung Quốc giai đoạn I

435 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Thương thuyết Mỹ-Trung bắt đầu từ tháng 2/2018. Sau 12 vòng đàm phán, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không thể đạt một thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại song phương đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu suốt 1 năm qua.

Bỏ qua vấn đề thể diện mà Trung Quốc xem như tối quan trọng thì 6 vấn đề tối quan trọng trong quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với Trung Quốc, gồm có 1/ Bắc Kinh xâm nhập “không gian điện não” hay cyberspace của Mỹ để đánh cắp và phá hoại; 2/ cưỡng bách doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ hay “thuật lý”, technology; 3/ ăn cắp tác quyền hay quyền sở hữu trí tuệ; 4/ ào ạt trợ cấp các tập đoàn kinh tế nhà nước và gây ra tình trạng cạnh tranh bất chính; 5/ bán hàng phá giá vào thị trường Hoa Kỳ để nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản; 6/ lũng đoạn ngoại hối là hạ giá đồng Nguyên nhằm xuất khẩu cho rẻ.

Những điều Trung Quốc muốn Mỹ làm để kết thúc thương chiến, bao gồm 1/ Mỹ phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc; 2/ Mỹ phải gỡ bỏ toàn bộ thuế quan đã áp lên Trung Quốc kể từ khi thương chiến bắt đầu; 3/ Mỹ phải ngừng yêu cầu Trung Quốc mua một lượng hàng nhiều “bất khả thi” từ Mỹ. Ở đây, điều số 3 là thứ mà ông Trump luôn hướng tới.

Mỹ và Trung Quốc phải giải quyết được các vấn đề nói trên để có được một thỏa thuận chung cuộc.

TRANH CHẤP THƯƠNG MÃI TRUNG QUỐC-HOA KỲ SAU NGÀY 10/5/2019

  • Hôm 13/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra thông cáo cấm sáu doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, một công ty Pakistan và năm công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ cùng các hàng hóa khác, theo Reuters. Các doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm là Avin Electronics Technology Co Ltd, có trụ sở tại Thâm Quyến; Longkui Qu ở Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang; Công ty công nghệ điện tử Multi-Mart ở Nam Hải, tỉnh Quảng Đông; Taizhou CBM- Future New Material Science and Technology Co Ltd ở Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang; Tenco Technology Co Ltd và Yutron Technology Co Ltd đều ở Thâm Quyến.
  • Ngày 13/5, Trung Quốc công bố áp thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ để trả đũa việc Washington tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc. Hãng tin CNBC dẫn một tuyên bố của Bộ Tài chính Trung Quốc nói sẽ đánh thuế bổ sung lên tới 25% đối với 5,000 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Nhiều mặt hàng trong danh sách đã có tên trong danh sách bị Trung Quốc áp thuế quan trả đũa Mỹ hồi năm ngoái với thuế suất 10% hoặc 5%. Trong đợt đánh thuế này, thuế trả đũa sẽ nâng lên từ mức cũ đối với những mặt hàng đã bị áp thuế từ năm ngoái. Bên cạnh những mặt hàng bị áp thuế 25%, có những sản phẩm bị đánh thuế bổ sung ở mức 20%, 10% hoặc 5%. Động thái trên của Bắc Kinh diễn ra sau khi ông Trump hôm thứ Sáu tăng thuế trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
  • Lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 9.7% so với cùng kỳ trong bốn tháng đầu năm 2019 do các biện pháp thuế quan của Mỹ.
  • Chính phủ Mỹ ngày 21/6 đưa thêm 5 thực thể công nghệ Trung Quốc vào “danh sách đen”, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này bị cấm mua linh kiện và công nghệ Mỹ, tương tự như lệnh cấm đã áp dụng đối với Huawei. Động thái trên của Washington diễn ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cuộc gặp được coi là sẽ quyết định hướng đi của cuộc chiến thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Trong số 5 thực thể Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”, có 4 công ty công nghệ và một viện nghiên cứu. Các doanh nghiệp và viện nghiên cứu này đều tham gia vào nỗ lực của Trung Quốc về phát triển siêu máy tính. Lệnh cấm mà Mỹ áp lên Huawei hồi tháng trước đã làm dấy lên mối lo rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang dần trở thành một cuộc xung đột kinh tế trên diện rộng, mà ở đó Mỹ tập trung vào việc chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ Mỹ, song song với việc buộc các công ty Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
  • Thượng đỉnh 20 nước có sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới đã khai mạc ngày 28/6/2019 tại Osaka, Nhật Bản. Đây là một hội nghị với nhiều bất trắc, vì các lập trường đối chọi từ thương mại đến môi trường khó có thể được dung hoà. Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe long trọng kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên giúp cho hội nghị thành công trong tinh thần “hài hòa” như niên hiệu “Lệnh Hòa” của tân vương Naruhito. Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka – Nhật Bản bắt đầu ngày 29/6/2019, nhưng cuộc họp chính có thể sẽ bị lu mờ bởi nhiều cuộc đàm phán song phương sẽ diễn ra bên lề. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hôm 29/6/2019. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại, làm giảm bớt một cuộc tranh cãi kéo dài đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán là “tuyệt vời”, trong khi ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời nói hai nước không nên “rơi vào cái bẫy xung đột và đối đầu”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông chưa đưa Huawei ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài “có khả năng làm tổn hại an ninh quốc gia Mỹ”. Nhưng ông sẽ cho phép Huawei một lần nữa mua sản phẩm từ công ty Mỹ.
  • Các giới chức cao cấp Mỹ và Trung Quốc đang có sự chuẩn bị để tái tục đàm phán trong tháng 7/2019, nhằm giải quyết cuộc thương chiến kéo dài đã một năm giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới hiện nay, theo các nguồn tin từ chính phủ của Tổng Thống Donald Trump. Hai bên đã có biện pháp tăng thuế quan đánh vào hàng hóa của nhau, tuy nhiên ông Trump có hai nhượng bộ lớn với Trung Quốc trong cuộc họp với ông Tập Cận Bình, đó là sẽ không tăng thuế quan trên số mặt hàng trị giá khoảng $300 tỷ của Trung Quốc và giảm bớt các biện pháp giới hạn nhắm vào công ty Huawei. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố ngày 4/7/2019, thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc phải được dỡ bỏ thì hai nước mới có cơ hội đạt một thỏa thuận thương mại.

Leo thang thương chiến Mỹ – Trung theo một quan sát của BBC

Ngày 31/7 và 1/8 là 2 ngày quan trọng trong năm 2019 đánh dấu sự căng thẳng trong thương mãi Mỹ-Trung:

  • Ngày 30/7, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc dự kiến khởi động lại nỗ lực đàm phán thương mại lần thứ 12 tại Thượng Hải. Phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đứng đầu. Còn phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn dắt. Trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung nối lại hôm nay (30-7) tại Thượng Hải, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đăng tin mua thêm nông sản Mỹ. Theo báo South China Morning Post (SCMP), truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng các thương vụ mua nông sản Mỹ của Trung Quốc là một phần trong “những nỗ lực không ngừng nhằm bày tỏ thiện chí” trước thềm các cuộc đàm phán thương mại nối lại tại Thượng Hải tuần này trong 2 ngày 30 và 31/7. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã bắt đầu liên lạc với các nhà xuất khẩu Mỹ để bàn kế hoạch mua các nông sản như bông, thịt heo, cao lương, bột mì, bắp và các sản phẩm bơ sữa kể từ ngày 19/7.  Phái đoàn Mỹ rời Thượng Hải ngày 31/7 bốn mươi phút sớm hơn dự trù và đáp phi cơ về thẳng Hoa Kỳ.
  • Tuyên bố trên Twitter ngày 1/8/2019 của tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD còn lại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 và mức thuế có thể tăng lên 25% sau này. Trước đó, vào tháng 5, Mỹ đã tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc. Việc áp thuế lần này đã được Mỹ cảnh báo sẽ áp dụng nếu phía Trung Quốc trì hoãn hoặc không thực hiện các cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Như vậy, có thể nói, nếu việc áp thuế lần này được thực hiện, gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (khoảng 550 tỷ USD) bị phía Mỹ áp thuế từ 10% đến 25%. Người đứng đầu Nhà Trắng cho hay phái đoàn Mỹ đã trở về sau chuyến đi Trung Quốc, nơi họ đã có vòng đàm phán thứ 12 về tranh chấp thương mại Mỹ – Trung. Ông Trump mô tả sự kiện diễn ra ở Thượng Hải vừa qua “rất có tính xây dựng liên quan tới một thỏa thuận thương mại trong tương lai”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khẳng định Washington nghĩ rằng đáng ra đã đạt thỏa thuận với Trung Quốc cách đây 3 tháng, nhưng “thật đáng buồn, Trung Quốc đã quyết định tái đàm phán thỏa thuận sắp ký ấy”. Ngày 5/8, Trung Quốc bắt đầu trả đủa bằng cách giảm giá Nhân dân tệ và ngừng mua nông sản của Mỹ. Ngày 13/8, văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết thuế quan bổ sung đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được hoãn cho đến ngày 15/12. Trong khi đó, một số sản phẩm khác cũng bị loại khỏi danh sách áp thuế mới.
  • Ngày 22/8, Bloomberg đưa tin, Trung Quốc công bố kế hoạch áp thuế bổ sung với 75 tỷ USD hàng hoá của Mỹ gồm: đậu tương, ô tô và dầu. Đây là động thái đáp trả cho mức thuế mới của ông Trump đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, một phần của thuế quan bổ sung của nước này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9, số còn lại sẽ là ngày 15/12. Đây cũng là khoảng thời gian Mỹ chính thức áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Mức thuế bổ sung 5% sẽ được áp dụng với đậu tương, dầu thô nhập khẩu từ Mỹ vào tháng tới. Ngày 15/12, thuế bổ sung 25% với ô tô của Mỹ trước đó bị hoãn sẽ có hiệu lực trở lại, 10% đối với một số phương tiện khác. Cộng với mức thuế hiện đã được áp dụng thì tổng mức thuế của Trung Quốc đối với ô tô Mỹ sẽ lên tới 50%.
  • 10 tiếng sau tuyên bố áp thuế trả đũa của Trung Quốc với 75 tỷ USD hàng Mỹ, ông Trump ‘phản đòn ngàn cân’: tuyên bố tăng mức thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ông nói: “Sẽ tốt hơn nhiều nếu không có Trung Quốc”. Theo báo South China Morning Post, các thông báo mới nhất của ông Trump cho biết Washington sẽ tăng mức thuế bổ sung từ 25% hiện đang áp với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc lên 30% từ 1-10 tới. Cùng với đó, Washington cũng tăng mức thuế bổ sung từ 10% lên 15% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc dự kiến sẽ áp trong tháng 12 tới, sau khi tuyên bố tạm hoãn áp vào ngày 1/9 của ông Trump trước đây.
  • Tổng thống Donald Trump ngày 27/8 nói Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán thương mại “rất sớm” sau khi căng thẳng giữa hai bên leo thang hồi cuối tuần vừa rồi. “Trung Quốc gọi điện tối qua … họ nói hãy quay lại bàn đàm phán. Nên chúng tôi sẽ quay lại bàn đàm phán,” ông nói. Tuần trước 23/8, ông Trump nâng mức thuế đối với hàng tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc để trả đũa đợt thuế quan mới áp lên hàng Mỹ của Bắc Kinh. 
  • Bộ Thương Mại Trung Quốc nói rằng giới chức đứng đầu lãnh vực thương mại của Mỹ và Trung Quốc có cuộc điện đàm vào sáng ngày 5/9, giờ địa phương, và đồng ý sẽ gặp lại nhau vào đầu Tháng Mười để tái tục cuộc đàm phán mậu dịch. Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), đã nói chuyện với Đại Diện Thương Mại Mỹ, ông Robert Lighthizer và Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ, ông Steven Mnuchin, theo một bản thông cáo của Bộ Thương Mại Trung Quốc, theo tin của CNBC. Đây sẽ là cuộc đàm phám lần thứ 13 giữa 2 nước. Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ hồi tháng 5 dù văn bản về thoả thuận thương mại đã được hoàn thiện tới 90%, bao gồm cả thoả thuận về vấn đề tiền tệ. Hai nước tiếp tục nối lại đàm phán vào tháng 7 nhưng cũng không có sự tiến triển nào. Các chuyên gia cho biết Mỹ muốn nối lại đàm phán dựa theo văn bản trước đó, nhưng Trung Quốc lại ra điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ thuế quan. Sau đó, ông Trump giận dữ, tuyên bố áp thuế vào tháng 10. Trung Quốc cho phép đồng NDT giảm xuống dưới ngưỡng 7 đổi 1 USD, thị trường lo ngại rằng chiến tranh tiền tệ giữa 2 nước sẽ xảy ra.
  • Theo CNBC ngày 12/9, các công ty tư nhân Trung Quốc đã xác nhận mua một lượng lớn đậu nành và thịt lợn của Mỹ vào ngày 12/9 vừa qua. Theo các thương nhân, đây là lượng mua đậu nành lớn nhất từ tháng 6 tới nay và được thực hiện giữa bối cảnh cuộc đối thoại thương mại cấp cao Mỹ – Trung tháng sau sẽ hứa hẹn kết thúc cuộc thương chiến kéo dài hơn 1 năm qua. Một số nguồn tin cho biết, trong đợt mua hàng lần này, các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua hơn 600,000 tấn đậu nành và 10,878 tấn thịt lợn từ Mỹ trong tuần đầu tháng 9, đánh dấu mức mua hàng lớn nhất kể từ tháng 5. Lượng hàng hóa này sẽ lần lượt được chuyển đi từ các cảng xuất khẩu của Mỹ ở Tây Bắc Thái Bình Dương từ tháng 10 tới tháng 12. Thương vụ này là dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang giảm nhiệt. Hồi tháng trước, Trung Quốc đã quyết định ngừng mua tất cả nông sản Mỹ để đáp trả lời đe dọa từ tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thêm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong tuần này, Bắc Kinh đã thực hiện cam kết mua thêm một số loại nông sản Mỹ như thịt lợn và đậu nành. Việc mua một lượng lớn nông sản là một điều kiện quan trọng Mỹ đã đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thể giải quyết hết tất cả các mâu thuẩn.
  • Ngày 19/9, các đại diện thương mại của Mỹ và Trung Quốc có cuộc đối thoại trực tiếp lần thứ 13. Đây là lần đầu tiên hai phía gặp mặt trong vòng gần 2 tháng qua giữa bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng thỏa hiệp những điểm khác biệt trong chính sách và tìm cách kết thúc cuộc chiến tranh thương mại phức tạp, đầy mâu thuẫn. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 26/9 đã xác nhận việc các doanh nghiệp của nước này mua vào một lượng “đáng kể” đậu tương và thịt lợn của Mỹ trước vòng đàm phán sắp tới.
  • Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét bỏ niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi các sở giao dịch chứng khoán của Mỹ, Reuters dẫn ba nguồn tin được cho biết về việc này vào ngày 27/9, trong một bước đi có thể sẽ là sự leo thang rất lớn căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
  • Theo Bloomberg đưa tin, hôm 11 tháng 10, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về những điểm chính trong thỏa thuận một phần mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đặt bút ký vào ngay trong tháng sau. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn nông sản Mỹ (trong 2 năm tới sẽ mua 40 – 50 tỷ USD mỗi năm), đồng ý với một số biện pháp về quyền sở hữu trí tuệ và có một số nhượng bộ liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tài chính và tiền tệ. Đổi lại, Mỹ sẽ hoãn đợt tăng thuế mới mà theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ tuần tới. Tuy nhiên Mỹ chưa quyết định về việc có hoãn đợt tăng thuế của tháng 12 hay không. Thỏa thuận này là bước đột phá lớn nhất trong cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài 18 tháng và gây tổn hại cho nền kinh tế của cả hai bên. Và quan trọng hơn, Tổng thống Trump nói rằng đây chỉ là giai đoạn đầu của 1 thỏa thuận rộng hơn. Ông cũng phát đi tín hiệu về 1 thỏa thuận có thể được ký ngay tại hội nghị sắp tới ở Chile, vào tháng 11.
  • Ngày 4 tháng 11, giới chức Trung Quốc và Mỹ phát đi những tín hiệu tích cực về thoả thuận thương mại, Dow Jones lập đỉnh lịch sử khi tâm lý nhà đầu tư được thúc đẩy.

Diễn biến của Dow Jones trong 1 tháng vừa qua (Nguồn: Bloomberg).

  • Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc tiếp tục trượt giảm trong tháng 10, thể hiện sự suy giảm mạnh nhất từ 2011, trong lúc căng thẳng thương mại với Mỹ đang đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Lợi nhuận ngành công nghiệp giảm 9.9% trong tháng 10, còn hơn 427 tỉ nhân dân tệ, tương ứng khoảng 60 tỉ đôla. Đây là tháng thứ ba liên tiếp sụt giảm của ngành công nghiệp Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức chậm nhất trong vòng 30 năm qua. Lợi nhuận trong khu vực sản xuất giảm 4.9% từ tháng Giêng tới tháng 10, và khu vực dầu khí giảm 2.1%. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, phản ánh giá bán buôn của các nhà máy, đã giảm mạnh nhất từ ba năm qua trong tháng 10, trong lúc giá nguyên liệu thô giảm đi.
  • Cuối tháng 11, 2019, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẵn sàng chờ thêm 1 năm nữa để ký thoả thuận thương mại với Trung Quốc. Động thái này cho thấy khả năng đi đến thoả thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong vài tuần nữa đang ở trạng thái mù mờ.
  • Sau nhiều lần đàm phán, ngày 13/12, cấp tham mưu hai bên đã đi đến thỏa thuận 6 điểm chính gồm: (i) Thỏa thuận về việc hủy áp thuế mới, phía Mỹ sẽ hủy kế hoạch áp thuế quan đối với 160 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc (hiệu lực từ 16/12/2019); (ii) Thỏa thuận về việc nhập khẩu hàng hóa Mỹ, phía Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết nhập khẩu hàng hóa nông sản của Mỹ (tăng kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ từ 40 tỷ USD/năm lên 50 tỷ USD/năm); là lượng nông sản cao hơn 2 lần so với năm 2017 (19.5 tỷ USD) và gấp hơn 4 lần so với năm 2018 (9 tỷ USD); (iii) Thỏa thuận về dịch vụ tài chính, Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường cho các định chế tài chính Mỹ và cam kết thực hiện các thỏa thuận về tính minh bạch đối với thị trường ngoại hối, không sử dụng tiền tệ làm vũ khí thương mại; (iv) Thỏa thuận về chuyển giao công nghệ (vấn đề mấu chốt và khó khăn nhất trong căng thẳng và đàm phán thương mại Mỹ – Trung), các doanh nghiệp Mỹ sẽ được quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc với cam kết chia sẻ bí quyết công nghệ; (v) Thỏa thuận về sở hữu trí tuệ, hai bên đã đạt được thỏa thuận và tìm được hiểu biết chung về vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền; và (vi) Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp, 2 bên đạt được cơ chế giải quyết tranh chấp, làm cơ sở để thực thi các thỏa thuận khác. Với thỏa thuận này, sẽ có 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chịu mức thuế 25% và 120 tỷ USD hàng hóa khác chịu thuế 7.5%. Ông Lighthizer cũng nhấn mạnh, bất cứ việc cắt giảm thuế nào khác của Mỹ sẽ gắn liền với các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
  • Thêm một dấu hiệu hòa dịu giữa Mỹ và Trung Quốc trong địa hạt kinh tế. Bộ Tài Chánh Mỹ ngày hôm qua 13/1/2020 đã quyết định không còn xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi đã đưa Bắc Kinh vào danh sách này vào mùa hè năm ngoái. Đây là một động thái giảm nhiệt hai hôm trước lúc hai bên ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1.

CÁC VẤN ĐỀ GAI GÓC KHÔNG ĐƯỢC ĐƯA VÀO THỎA THUẬN GIAI ĐOẠN MỘT

Theo kênh BBC (Anh), thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ loại bỏ một số loại thuế quan. Do đó, những chướng ngại vật lớn nhất vẫn còn đó và có thể ngáng đường Mỹ -Trung trong giai đoạn hai. Về lý thuyết, giai đoạn hai là thời diểm dỡ bỏ mọi loại thuế cao mà hai bên đã áp lên hàng hóa của nhau. Sau đây là 5 vấn đề gai góc không được đưa vào thỏa thuận giai đoạn một và sẽ khiến đàm phán giai đoạn hai khó khăn.

  1. Trợ cấp công nghiệp và “Made in China 2025”: Theo ông Paul Triolo thuộc Tổ chức Eurasia (Mỹ), thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã không đề cập tới chiến lược đầy tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc. Chiến lược được thiết kế để giúp các công ty Trung Quốc hoạt động nổi trội và trở thành người đi đầu mang đẳng cấp thế giới trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi. Thỏa thuận cũng không đề cập tới các khoản trợ cấp mà Chính phủ Trung Quốc dành cho doanh nghiệp nhà nước.
  2. Huawei: Thỏa thuận thương mại sẽ không giảm áp lực của Mỹ với tập đoàn công nghệ nổi tiếng Huawei của Trung Quốc, vốn đang bị mắc kẹt trong thương chiến. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói rằng công ty Huawei không phải là “quân cờ” trong đàm phán. Điều này sẽ khiến cả Huawei và Chính phủ Trung Quốc không hài lòng. Họ rất tức giận khi Mỹ gắn số phận Huawei với quan hệ Mỹ-Trung.
  3. Tiếp cận dịch vụ tài chính: Mặc dù thỏa thuận có nói về mở cửa tiếp cận thị trường cho các công ty dịch vụ tài chính Hoa Kỳ, nhưng một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận không đi xa tới mức đảm bảo tiếp cận công bằng.
  4. Thực thi và cách hiểu thỏa thuận: Thỏa thuận có một cơ chế giải quyết tranh chấp. Về cơ bản, khi có khiếu nại, cơ chế này yêu cầu Trung Quốc tham vấn Mỹ và Trung Quốc có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, theo ông Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, điều mà thỏa thuận không nói tới là Mỹ sẽ giám sát quá trình thực thi như thế nào.
  5. Giảm thêm thuế: Thỏa thuận không có các mốc thời gian xác định khi nào sẽ giảm các mức thuế đang được áp dụng. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, mức thuế trung bình với hàng hóa hai bên vẫn tăng khoảng 20% so với mức trước thương chiến, tức là cao gấp 6 lần trước khi có tranh chấp. Điều đó có nghĩa là các công ty và người tiêu dùng vẫn phải trả tiền nhiều hơn với hàng hóa, dịch vụ. Khi chưa giảm thuế ngay, Mỹ có thể dùng nó để trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không giữ cam kết. Tuy nhiên, có rủi ro với Mỹ khi đó.

Tóm lại, vẫn có khả năng rất lớn căng thẳng thương mại giữa hai bên bùng phát lại.

LỢI HẠI GIỮA CÁC QUỐC GIA LIÊN HỆ

Hoa Kỳ và Trung Quốc hoàn tất thỏa thuận thương mãi giai đoạn I ngày 15 tháng 1, 2020 tại Washington

Hoa Kỳ và Trung Quốc: Phát biểu tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hiệp ước này sẽ “biến đổi” nền kinh tế Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi đó là thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi” sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ tốt hơn giữa hai nước. Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu thêm 200 tỷ đôla hàng hóa của Mỹ so với mức 2017 và tăng cường các quy tắc sở hữu trí tuệ. Đổi lại, Mỹ đã đồng ý giảm một nửa mức thuế mới áp dụng với các sản phẩm của Trung Quốc.

 Thật sự, các công ty và người tiêu dùng Mỹ cũng chẳng lợi lộc gì nhiều với thỏa ước mới ký. Thỏa thuận mới cam kết Trung Quốc tăng cường mua hàng trong sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp và năng lượng có trị giá lên tới 200 tỷ đôla, so với 2017. Nhưng các số liệu chính thức cho thấy con số thấp hơn, các nhà phân tích không chắc đây là mức có thể đạt được và Trung Quốc cũng nói rằng việc mua sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Nông dân, nhiều người đã bị thuế quan của Trung Quốc nhắm vào, đã bị phá sản dẫn đến một khoản cứu trợ liên bang trị giá 28 tỷ đôla. Với Trung Quốc, nước này sẽ mất di khoảng 200 tỷ USD do hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị thay thế bằng hàng hoá của các nước Đông Nam Á.

Các quốc gia lân cận (Việt Nam, Đài Loan, Mexico): Trên toàn cầu, các nhà kinh tế ước tính rằng cuộc chiến thương mại sẽ giảm tỷ lệ tăng trưởng xuống 0.5%. Nhưng một số quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến, tiếp nhận 165 tỷ USD giá trị thương mại. Các nhà phân tích xác định Việt Nam là quốc gia được lợi nhiều nhất, trong khi Liên Hiệp Quốc thấy rằng Đài Loan, Mexico và Việt Nam đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của Mỹ vào năm 2019. Chắc chắn các nước này sẽ là những đồng minh đáng tin cậy của Hoa Kỳ không như Trung Quốc.

KẾT LUẬN

Hoa Kỳ và Trung Quốc lao vào một cuộc chiến thuế quan bắt đầu từ năm 2018, dẫn đến sự gia tăng thuế nhập khẩu với số hàng hóa trị giá hơn 450 tỷ USD. Tranh chấp làm gián đoạn dòng chảy thương mại, suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Cuối cùng thì tại một buổi lễ ký kết tại Washington vào giữa tháng 1, 2020, có sự tham dự của các nhà tài trợ và các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của đảng Cộng Hòa, ông Trump nói rằng thỏa thuận này tạo tiền đề cho mối quan hệ bền chặt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. “Cùng nhau, chúng ta đang sửa chữa những sai trái của quá khứ và mang đến một tương lai của công bằng và an ninh kinh tế”, ông nói. “Vượt xa cả thỏa thuận này, nó sẽ dẫn đến một nền hòa bình thế giới thậm chí còn mạnh mẽ hơn”, ông nói thêm.

Dù muốn dù không, cả hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng có 1 cách khác để cuộc chiến thương mại này không sớm thì muộn cũng phải chấm dứt. Và kết thúc đó được gói gọn trong từ: Lợi ích chiến lược. Tất nhiên nguyên nhân khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phân tách không đến từ nỗ lực của Mỹ muốn hối thúc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế nhiều hơn. Thay vào đó, Mỹ muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nhu cầu sản xuất và không để Trung Quốc thành đối thủ có thể vượt qua mình. Từ lâu nay ở Mỹ vẫn có 1 quan điểm mạnh mẽ là nước này cần phải đa dạng hóa nguồn nhập khẩu. Trong khi tìm kiếm những nguồn nhập khẩu mới không nhất thiết khiến thâm hụt thương mại của Mỹ thu hẹp lại, rõ ràng chính sách này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nền kinh tế bị xáo trộn nếu như xảy ra mâu thuẫn hay các vấn đề khác giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tờ Nikkei đưa tin vào ngày 28/8 rằng Google dự định trong năm nay sẽ chuyển nhà máy sản xuất smartphone Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dây chuyền sản xuất thiết bị nhà thông minh cũng sẽ được chuyển sang Thái Lan. Google không phải là công ty Mỹ đầu tiên thông báo rời khỏi Trung Quốc. Tính đến nay đã có hơn 50 công ty lớn khác rời đi hoặc thu hẹp hoạt động ở “công xưởng thế giới”. Nhưng hãy lưu ý đến thời điểm Google thông báo kế hoạch và những tác động đến Bắc Kinh. Trước tiên cần nói rõ rằng “cuộc ly hôn” hay làn sóng dịch chuyển này không có nghĩa là nước Mỹ có thêm việc làm, kinh tế Mỹ được hưởng lợi. Dù Nhà Trắng nói gì thì trên thực tế thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc không trực tiếp làm nước Mỹ giảm thâm thủng mậu dịch. Nước Mỹ vẫn cần hàng hóa giá rẻ từ các quốc gia nhỏ hơn để có lợi cho sự tiêu thụ của dân chúng. Chắc chắn Mỹ cũng có thể giảm bớt một phần sự thâm thủng mậu dịch với các nước khác. Sự phân tách nên được hiểu là có lợi cho an ninh quốc gia hơn là một lựa chọn để kích thích kinh tế.

Đối với Trung Quốc, Mỹ – Trung chia rẽ nhiều hơn sẽ là 1 kịch bản tồi tệ. Mỹ vẫn là thị trường tiêu dùng số một thế giới. Bắc Kinh cần 1 thỏa thuận thương mại để làm chậm lại xu hướng thay đổi lựa chọn của người Mỹ, và tốt hơn là nên đạt được điều này khi các công ty Mỹ vẫn chưa rời khỏi Trung Quốc. Còn đối với Mỹ, đa dạng hóa đối tác thương mại và duy trì nền kinh tế khỏe mạnh sẽ đem đến nhiều lợi ích cho quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ.

THAM KHẢO

1.      Bài viết “Tranh chấp thương mãi Hoa Kỳ – Trung Quốc 2019” của tác giả ngày 20/7/2019.

2.      Bài viết “Sáu công ty TQ bị cấm xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm của Mỹ” trên đài VOA ngày 13/5/2018.

3.      Bài viết “Trung Quốc trả đũa, 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị đánh thuế lên tới 25%” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn Online ngày 13/5/2018.

4.      Bài viết “Mỹ đánh thuế 300 tỷ USD: Trung Quốc có 4 mũi phản công” trên mạng Đất Việt ngày 4/8/2019.

5.      Bài viết “Điều gì xảy ra nếu chiến tranh thương mại chấm dứt?” trên mạng Cafef.VN ngày 31/8/2019.

6.      Bài viết “Không phải thuế quan, đây mới là điều quan trọng nhất khiến Trung Quốc và Mỹ muốn tái khởi động đàm phán vào tháng 10?” trên mạng Cafef.VN ngày 8/9/2019.

7.      Trump Reaches ‘Phase One’ Deal with China and Delays Planned Tariffs – MSN 10/11/2019.

8.      Bài viết “Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 sẽ có tác động thế nào đến Việt Nam? trên mạng Cafef.VN ngày 14/12/2019.

9.      Bài viết “Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung sau thỏa thuận Washington?” trên đài BBC ngày 16/1/2020.

10.    Bài viết “5 điểm gai góc không có trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1” trên mạng Cafef.VN ngày 18/1/2020.

—–