Virus Corona tại Vũ Hán – Bản tin số 2 (1/3/2020 – 8/3/2020)

441 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong bài viết đầu, người phụ trách định chia các bài viết theo giai đoạn nhưng tình hình Virus Corona biến chuyển phức tạp và nhanh chóng nên người phụ trách quyết định cập nhật tình trạng khi có nhiều tin mới. Tính đến sáng 7/3, Covid-19 đã xuất hiện tại 98 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 102,000 ca nhiễm dù rằng các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng Covid-19 có thể vẫn ở đang ở giai đoạn đầu.

Virus COVID-19 (Hình minh họa: CDC)

Virus corona dường như đang lây lan nhanh bên ngoài Trung Quốc nhiều hơn so với bên trong Hoa lục, và phi trường ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch phải tăng cường việc sàng lọc khách du lịch. Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong mấy ngày qua, số trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đã cao gần gấp tám lần số ca nhiễm bên trong Hoa lục. Ông cũng cho biết rằng, nguy cơ lây nhiễm của virus corona hiện đang rất cao trên toàn cầu. Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo số ca nhiễm nCoV ngoài Trung Quốc có thể tăng 10 lần cứ sau 19 ngày nếu không có biện pháp quyết liệt.

Mặc dù chỉ có 15 trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận cho đến nay, nhưng châu Phi với dân số 1.2 tỷ người được WHO nhấn mạnh là khu vực mà virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể nhanh chóng lây lan do thiếu hệ thống y tế đầy đủ. Các quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách này là Algeria, Angola, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ghana, Kenya, Mauritius, Nigeria, Nam Phi, Tanzania, Uganda và Zambia. Đã có 8 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận ở Algeria, 2 ở Ai Cập, 1 ở Tunisia, 1 ở Nigeria, 2 ở Senegal và 1 ở Morocco. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số đó nằm trong danh sách 13 quốc gia trên, gần 1/4 số nước ở lục địa đen, được WHO xác định là có nguy cơ trở thành tâm dịch Covid-19 tiếp theo. Danh sách này đã được WHO đưa ra trên cơ sở lưu lượng giao thông với Trung Quốc và các hệ thống giám sát, điều trị y tế yếu. Châu Phi đang cấp tập chuẩn bị đề phòng đợt bùng phát dịch và lên kế hoạch để giảm tác động. Các phòng thử nghiệm đang được cung cấp, các cơ sở cách ly và điều trị tại bệnh viện đang được chuẩn bị và các tư vấn y tế công cộng đã được ban hành.

DIỄN TIẾN (GIỜ ĐÔNG Á)

Ngày 1/3/2020:

  • Trung Quốc: Có thêm 573 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong mới, tính đến cuối ngày 29/2. Những số liệu này đã nâng tổng số ca nhiễm và số người chết trong dịch COVID-19 của Trung Quốc lên lần lượt là 79,824 và 2,870.
  • Iran: Với 593 người nhiễm, 43 người chết tính đến sáng 1/3, Iran hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới (hơn 8%), cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu hiện nay là 3.4%.
  • Hàn Quốc: Ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục chỉ trong một ngày, 594 vào ngày 28/2. Vào ngày 29/2, số ca mới là 219, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3,150 với 17 ca tử vong. Hàn Quốc là quốc gia có số người nhiễm Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc.
  • Italy: Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy (CPD) thông báo tính đến ngày 1/3 (giờ địa phương), số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy đã là 1,694 với 34 ca tử vong. Như vậy, Italy đã trở thành “điểm nóng” Covid-19 lớn nhất tại Âu Châu.
  • Hoa Kỳ và các quốc gia khác: Mỹ, Úc, Thái Lan có các ca tử vong đầu tiên.

Ngày 8/3/2020:

Tổ chức Y tế Thế giới cho hay hôm 7/3 rằng số người nhiễm Covid-19 toàn cầu đã vượt 100,000 lên đến 102,969. Covid-19 đã gây tử vong cho 3,511 người và lây lan hơn 90 nước. Ngày 6/3, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là hơn 97,800 người với 3,347 trường hợp tử vong.

  • Trung Quốc: 80,651 người được xác nhận đã nhiễm Virus Corona với 3,070 tử vong. Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 48,494 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với Covid-19, tăng 492 người so với ngày 3/3.
  • Italy: 5,883 người được xác nhận đã nhiễm Virus Corona, 233 ca tử vong. Italy đã vượt qua Iran trở thành quốc gia ngoài Trung Quốc trở thành quốc gia có số tử vong cao nhất thế giới. 
  • Hàn Quốc: Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm được công bố đã lên tới 7,041 với 42 ca tử vong. KCDC cho biết 56.1% số ca nhiễm trên toàn quốc liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở thành phố Daegu.
  • Iran: Tại Iran, tổng cộng 4,747 người đã được xác nhận nhiễm bệnh với 124 ca tử vong.
  • Hoa Kỳ: Theo báo New York Times, 21 trong tổng số 50 bang của Mỹ đã phát hiện người nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp, với tổng số người nhiễm tính đến chiều 7/3 là 400, bao gồm 14 ca tử vong. Số bệnh nhân tập trung phần lớn tại 2 bang bờ Tây là Washington và California.
  • Việt Nam: Ngày 6/3, Hà Nội đã chính thức công bố ca bệnh Covid-19 đầu tiên của 1 cô gái sau hơn 2 tháng giữ gìn cẩn trọng. Cô này đi Anh từ ngày 15/2, sau đó qua Ý, Pháp rồi trở về Việt Nam vào ngày 2/3. Ngày 7/3, số người gây nhiễm đã từ 16 tăng lên 20 với 101 trường hợp nghi ngờ gây nhiễm.
  • Các nước khác:
    • 12 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess), 2 ca ở đặc khu Hong Kong, 1 ca ở Đài Loan, 4 ca ở Pháp, 1 ca ở Philippines, 1 ca ở Thái Lan, 1 ca ở Úc, 1 ca ở San Marino và 1 ca ở Tây Ban Nha.
    • Ngày 6/3, Argentina, Ba Lan và Chile thông báo có các ca lây nhiễm đầu tiên. Iraq, Israel, Canada báo cáo những gây nhiễm và tử vong đầu tiên.
    • Ngày 7/3, một người đàn ông ở độ tuổi 80 trở thành người thứ hai ở Anh tử vong sau khi dương tính với virus corona, trong lúc tổng số nhiễm lên tới 164.

TÌNH HÌNH TRUNG QUỐC

  • Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc sụt giảm với tốc độ kỹ lục vào tháng 2, thậm chí còn tệ hơn lúc diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó nêu bật thiệt hại to lớn mà dịch virus corona gây ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) chính thức của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỹ lục 35.7 trong tháng 2 so với 50.0 trong tháng 1, Cục Thống kê Quốc gia cho biết ngày 28/2, thấp hơn nhiều so với mốc 50 điểm phân cách mức tăng trưởng hàng tháng với giai đoạn sụt giảm. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 2/2020.
Covid-19 quét sạch ít nhất 1/4 lượng khí thải nhà kính ở Trung Quốc - Ảnh 1.
Ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc tháng 1 và tháng 2
  • Có một quốc gia trên thế giới hiểu rõ và có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc đối phó với COVID-19: đó là Trung Quốc. Trung Quốc, và cụ thể là tỉnh Hồ Bắc, là nơi dịch COVID-19 bùng phát; là nơi các nhà khoa học lần đầu phát hiện ra trình tự của virus corona chủng mới; là nơi có 83% trong số 89,000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận; và là nơi các bác sĩ và nhân viên y tế đã chiến đấu với dịch bệnh trong suốt 2 tháng qua. Cũng trong khoảng thời gian này, các quốc gia trên thế giới áp dụng những hình thức phòng dịch chưa từng có – bao gồm phong tỏa, cách ly – và đời sống hàng triệu người dân bị đảo lộn. Trong những tuần gần đây, số lượng nhiễm mới và tử vong tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm, cho thấy dịch bệnh dường như đã đạt đỉnh và tốc độ lây nhiễm đang giảm. Cùng lúc đó, số ca nhiễm mới ở các nước khác lại có xu hướng gia tăng, chủ yếu tại Hàn Quốc, Italy và Iran, chưa kể Mỹ. Chia sẻ với Vox, ông Bruce Aylward – nhà dịch tễ học kỳ cựu, trợ lý tổng giám đốc WHO – cho biết thế giới có nhiều điều có thể học hỏi từ nỗ lực của Trung Quốc trong việc phản ứng và hạn chế sự lây lan của virus. Trong cuộc trò chuyện, ông Aylward đã chia sẻ nhiều thông tin và cho rằng tốc độ chính là mấu chốt trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
  • Sau khi bệnh viện dã chiến số 1 đóng cửa hôm 1/3 thì bệnh viện dã chiến số 2 ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đóng cửa 7/3 sau khi hoàn thành sứ mệnh.

TÌNH HÌNH VIỆT NAM

Như đã nói trong bài trước, ngày 27/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus Corona (Covid-19) ra cộng đồng.

  • Kể từ khi dịch bệnh Corona Virus bùng phát trên 7 tỉnh biên giới Việt-Trung trong khoảng 2 tháng qua, trên toàn tuyến biên giới có 1,544,701 lượt người xuất, nhập cảnh qua biên giới trong đó khoảng 6,000 xuất nhập bất hợp pháp. Lực lượng biên phòng Việt Nam đã phối trí 535 tổ chốt chặn tại tuyến đường biên giới, với hơn 2,800 cán bộ, chiến sĩ, cùng các lực lượng kiểm dịch, công an, hải quan… trực 24/24 giờ tại các điểm giáp biên. Điều này đã góp phần hữu hiệu trong nỗ lực ngăn chận dịch tràn qua vùng biên giới.
  • Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa có Nghị quyết hạn chế việc xuất khẩu khẩu trang để ưu tiên cho sử dụng trong nước trong giai đoạn dịch bệnh COVID – 19. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 29/2.
  • Ngày 1/3, đại diện Cục Hàng không cho biết, các máy bay chở khách từ Hàn Quốc về sẽ không hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất mà chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cần Thơ vì phải đón lượng người từ Hàn Quốc về quá đông, dẫn đến nguy cơ ùn tắc, khó đảm bảo được điều kiện cách ly y tế.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong một cuộc họp của chính phủ hôm 2/3 rằng Việt Nam có thể phải “tiếp tục hy sinh” một số lợi ích kinh tế để bảo vệ “sức khỏe nhân dân” và “thương hiệu ‘Việt Nam – một đất nước an toàn’” trong bối cảnh dịch virus corona chủng mới đang lây lan ở nhiều châu lục. Báo chí Việt Nam dẫn lại các thông báo của chính phủ cho hay Việt Nam yêu cầu hành khách trên tất cả các chuyến bay đến Việt Nam từ Hàn Quốc, Italy, và Iran, cũng như hành khách quá cảnh qua các quốc gia này trong vòng 14 ngày đều phải được kiểm tra “nghiêm ngặt” khi nhập cảnh. Hành khách vào Việt Nam cũng có thể bị cách ly hoặc bị đưa trở lại điểm xuất phát.
  • Ngày 2/3, báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết tính đến nay, Việt Nam không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Hiện, 115 trường hợp được theo dõi, cách ly; tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 10,089 người, trong đó 156 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 4,810 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 5,123 người cách ly tại nhà, nơi cư trú.
  • “Last Week Tonight with John Oliver” là một chương trình trò chuyện ban đêm thu hút nhiều người xem trên kênh HBO tại Mỹ. Trong buổi phát sóng hôm 1/3 vừa qua, danh hài John Oliver đã dành hầu hết thời gian để nói về dịch COVID-19 đang bùng phát trên khắp thế giới. Đáng chú ý, ca khúc “Ghen cô Vy” của Việt Nam nói về cách thức phòng chống COVID-19 đã được phát sóng trên chương trình này và nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ người xem. “Ghen cô Vy” – phiên bản chế lại của ca khúc ‘Ghen’ từng rất nổi tiếng – là dự án phối hợp giữa ca sỹ Min, Erik, nhạc sỹ Khắc Hưng và Bộ Y tế (Xem You Tube “Ghen cô Vy”). Đây là sự phối hợp vô cùng thú vị giữa các nghệ sĩ và cơ quan chính quyền, không chỉ mang mục đích giải trí mà còn giúp đỡ người dân tăng cường ý thức phòng chống dịch bệnh. Danh hài John Oliver của Mỹ đã đánh giá rất cao sự sáng tạo này của Bộ Y tế và các nghệ sĩ Việt Nam. Các kênh truyền hình và tạp chí âm nhạc tại Pháp, Hàn Quốc … cũng dành nhiều lời khen giai điệu ca khúc tuyên truyền phòng chống nCoV của Việt Nam.
  • Chiều 3/3, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố chế tạo thành công bộ Kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 có độ đặc hiệu 100% với kết quả chính xác sau 1-2 giờ từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân. Việc Việt Nam thành công trong việc chế tạo bộ Kit mới cũng có liên hệ về việc Hoa Kỳ hôm 2/3 xác nhận rằng họ đã “mở một cuộc điều tra và tập hợp một nhóm các nhà khoa học không phải từ CDC để hiểu rõ hơn về bản chất và nguồn gốc của lỗi sản xuất trong lô dụng cụ xét nghiệm COVID-19 đầu tiên được phân phối cho các sở y tế nhà nước và những nơi khác”. Ngày 4/3, Bộ Y tế Việt Nam đã có quyết định cấp số đăng ký cho Học viện Quân y và công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh COVID 19. Năng lực sản xuất của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á khoảng 10,000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần với giá thành từ 400,000 – 600,000 đồng (17.4 – 26.1 USD). Như vậy, năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế. Với việc sản xuất được bộ Kit phát hiện nCoV, Việt Nam trở thành một trong 6 đơn vị sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh Tổ chức Y tế Thế giới, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ.
  • Tối nay 3/3, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức công bố Quyết định hết thời gian khoanh vùng và cách ly để phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) đối với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, đúng 0 giờ ngày 4/3, xã Sơn Lôi được dỡ bỏ việc khoanh vùng, phong tỏa, cách ly sau 20 ngày theo quy định.
  • Chiều 5/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện lây lan ra 84 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3,000 người tử vong, Thủ tướng nhắc nhở không được chủ quan, không mệt mỏi, chần chừ mà cần kiên định, kiên quyết hơn trong phòng, chống dịch. Về phương án đối phó với tình huống xấu nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng yêu cầu các đô thị đông dân đều phải lên kế hoạch cách ly trên diện rộng, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Đồng thời, lập kế hoạch dự phòng, về vị trí, chỗ ở lẫn nguồn cung ứng nhu yếu phẩm nếu phải cách ly trên diện rộng, không để tình trạng bất an đối với người bị cách ly.

TÌNH HÌNH HOA KỲ

Trong 2 tuần cuối tháng 2, chỉ số Dow Jones giảm 3,500 điểm hay 12% so với đỉnh cao kỷ lục trước đó chỉ hai tuần vào hôm 13/2, suốt sáu ngày giảm liên tiếp không ngừng nghỉ, khác với thông lệ của thị trường có ngày phải có phản ứng bật lại (lên tạm thời do có người mua vào tích trữ). Tính đến chiều 4/3, trên toàn nước Mỹ có ít nhất 102 ca nhiễm, theo số liệu CNN dẫn từ Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh (CDC) cũng như từ các chính quyền địa phương và tiểu bang, với các ca nhiễm mới ở bang New York và Florida. Đã có 6 trường hợp tử vong tại Tiểu bang Washington. Tổng thống Trump loan báo giới hạn du lịch đến Iran, Italy và Hàn Quốc.

  • Phó Tổng thống Mike Pence, người được Tổng thống Trump chỉ định lãnh đạo cuộc chiến chống chủng virus Corona mới (COVID-19) ở Hoa Kỳ, cho biết rằng chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng với công ty 3M để sản xuất thêm 35 triệu khẩu trang một tháng, theo Reuters để dành cho các nhân viên y tế. Ngoài 3M, công ty Honeywell cũng là một nhà sản xuất khẩu trang lớn của Mỹ. Theo Reuters, Hoa Kỳ đã có 75 nghìn bộ xét nghiệm COVID-19 và một quan chức y tế Mỹ cho hay rằng con số này sẽ tăng “nhanh chóng” trong những tuần tới. Hãng tin Anh đưa tin, hôm 1/3, Tổng thống Trump nói rằng những hành khách tới từ các nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao sẽ bị kiểm tra về sức khỏe trước khi lên máy bay và khi tới Mỹ. Động thái này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ xác nhận một ca tử vong đầu tiên vì chủng virus Corona mới. Tính đến 1/3 đã có tổng cộng 68 ca nhiễm COVID-19 tại Hoa Kỳ.
  • Trong khi tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Coronavirus là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu sau khi dịch bệnh bùng nổ, lây lan nhanh chưa từng có trên thế giới thì tỷ phú Bill Gates đã nói thẳng Coronavirus là một đại dịch và cần hành động cấp tốc và mạnh mẽ của chính phủ. Quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates tuyên bố sẽ quyên góp 100 triệu đô la Mỹ cho cuộc chiến ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dịch này. Giáo sư John Ioannidis, chuyên ngành nghiên cứu y khoa và ngăn chặn bệnh dịch, Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng còn quá sớm để ước tính về “mức độ tồi tệ” của Covid-19. Ông cho biết nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, có thể số lượng các nhiễm cao hơn số ca được chẩn đoán. Vì thế số người tử vong có thể không cao như số dựa trên kết quả chẩn đoán. Theo Ioannidis, có thể số lượng người tử vong do Covid-19 thấp hơn 100 lần so với bệnh cúm hàng năm. Tại Mỹ, tính đến ngày 22/2, có 18,000 chết do cảm cúm, 32 triệu người nhiễm bệnh, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Mùa cúm tại Mỹ bắt đầu từ tháng 10/2019. 
  • Thống Đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis tối hôm 1 Tháng Ba, loan báo có hai cư dân tại tiểu bang đã được thử nghiệm và được thấy dương tính với virus COVID-19. Đây là hai trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Florida. Tính đến 3/3, đã có 102 ca nhiễm Corona trên toàn quốc.
  • Đến với Costco, hệ thống bán sỉ lương thực, thực phẩm và đồ nhu yếu phẩm lớn tại Mỹ, những ngày này, nhiều người sẽ không khỏi giật mình khi thấy những gia đình gốc Á mua hàng chục bao gạo. Các quầy thực phẩm từ các loại thủy hải sản, cho tới thịt bò, thịt heo cũng gần như hoàn toàn trống rỗng. Thậm chí các loại nước uống đóng chai, bánh mì và giấy vệ sinh cũng không thể mua được nếu bạn chậm chân. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra tại hệ thống bán hàng khổng lồ này.
Image result for lo sợ cover-19 người mỹ tích trữ nhu yếu phẩm
Costco chật cứng khách hàng
  • Tổng thống Donald Trump ngày 6/3 đã ký thông qua gói ngân sách bổ sung khẩn cấp 8.3 tỷ USD. Trong đó 3 tỷ USD dành cho nghiên cứu văcxin và thuốc điều trị COVID-19; và 2.2 tỷ USD cho công tác chống dịch trong cộng đồng.
  • Ngày 4/3, vài giờ sau khi ca tử vong đầu tiên được loan báo, thống đốc California Gavin tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn tiểu bang để đáp ứng với dịch viêm phổi cấp chủng mới Covid-19, mà ông quy lỗi là đã dẫn đến 53 ca lây nhiễm trên khắp tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ. Sáu bệnh nhân mới nhiễm virus Covid-19 đã được xác nhận tại quận Los Angeles, các quan chức y tế cho biết hôm 4/3.

TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

  • Không lưu thế giới giảm mạnh do Covid-19: Hình ảnh từ trang Flightradar24.com cho thấy ngành hàng không thế giới đã bị ảnh hưởng mạnh ra sao do dịch virus corona. Khi Covid-19 tiếp tục lây lan trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng.
See the source image
Các chuyên bay thưa thớt tại Trung Quốc so với Âu Châu và Đông Á
  • Nhật Bản đang trở thành một trong những vùng bùng phát dịch Covid-19. Số bệnh nhân được báo cáo chính thức được cho chỉ là “phần nổi của tảng băng”, báo hiệu dịch sẽ lây lan rộng hơn nhiều. Điều mà các chuyên gia và cộng đồng quan tâm hơn cả là phương pháp chẩn đoán của Nhật Bản. Masahiro Kami, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quản trị Y tế ở Tokyo, cho biết: “Đằng sau mỗi trường hợp dương tính được phát hiện là hàng trăm ca bệnh nhẹ bị bỏ qua”. Nhiều người cho rằng Nhật Bản tỏ ra lúng túng trong đợt bùng phát Covid-19 bởi thiếu kinh nghiệm ứng phó với dịch SARS và MERS trước đó. Nước này chưa được trang bị đầy đủ để đối mặt với virus corona mới. Khác với Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam, Nhật Bản không có Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Như vậy, nhiệm vụ dập dịch chỉ nằm trong tay giới chức y tế với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên gia. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang làm việc với Uỷ ban Thế vận Quốc tế để thảo luận việc dời Thế vận hội 2020 đến cuối năm.
  • Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chận Dịch bệnh Trung Quốc vừa công bố tỷ lệ tử vong theo tuổi tác, tình trạng sức khỏe và giới tính:
graphic
  • Đối tượng nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc khá đặc biệt so với Trung Quốc: những người ở độ tuổi 20 là đối tượng nhiễm bệnh nhiều nhất, và số ca bệnh là phụ nữ nhiều hơn nam giới. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong tổng số hơn 5,000 trường hợp nhiễm bệnh cho tới chiều 3/3, những người ở độ tuổi 20 chiếm 29.4%, tiếp theo là những người ở độ tuổi 50, chiếm 19.8%. Chia theo giới tính, 62.4% là phụ nữ, trong khi nam giới là 37.6%. Các số liệu này khác với kết quả thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới ở Trung Quốc, cho thấy gần 78% số người nhiễm bệnh từ 30-69 tuổi, với độ tuổi trung bình là 51, theo Korea Herald. Theo các quan chức tại KCDC, nguyên nhân là hầu hết ca bệnh tại Hàn Quốc có liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa. Khoảng 60% trường hợp nhiễm bệnh là người có liên quan đến giáo phái này. Phần lớn tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa là phụ nữ trong độ tuổi từ 20-30, và những người này đang chiếm tỷ lệ cao trong số các ca bệnh thuộc nhóm tuổi đó”. Truyền thông địa phương cho biết phái Tân Thiên Địa nhắm vào những người trẻ tuổi để truyền giáo. Gần 60% tín đồ của phái này được cho ở độ tuổi 20 và 30.
  • Theo SCMP, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đăng tải trên tạp chí khoa học National Science Review hôm 3/3 cho thấy virus corona đã tiến hóa thành 2 chủng lớn, với cơ chế lây nhiễm và phân bổ địa lý khác nhau.
  • Hôm 6/3, Samsung Electronics cho biết họ sẽ tạm thời chuyển sản xuất một số điện thoại thông minh sang Việt Nam sau khi một nhân viên khác của Hàn Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với Coronavirus. Một phát ngôn viên của công ty cho biết tập đoàn đã đình chỉ hoạt động nhà máy ở thành phố Gumi, nơi chỉ cách tâm dịch Covid-19 Daegu 1 tiếng lái xe, khi phát hiện một công nhân dương tính với coronavirus. Kể từ cuối tháng 2, 6 công nhân của Samsung tại nhà máy này đã bị nhiễm virus. Dự kiến nhà máy này sẽ được hoạt động vào ngày 7/3 (tức ngày mai). Dù vậy, Samsung quyết định sẽ chuyển dây chuyền sản xuất một số điện thoại thông minh cao cấp tới Việt Nam để tránh trường hợp xấu nhất. Không nói cụ thể các sản phẩm cao cấp này là gì nhưng nhà máy ở Gumi là nơi sản xuất Galaxy G20 và Z Flip – 2 sản phẩm cao cấp Samsung hiện nay. Samsung dự định sẽ sản xuất 200,000 chiếc điện thoại cấp cao mỗi tháng tại Việt Nam và đưa số điện thoại này về lại Hàn Quốc từ cuối tháng 3.

NHỮNG TẤM GƯƠNG NHÂN BẢN

Ở tuyến đầu, các y, bác sĩ Vũ Hán nói riêng và cả Hồ Bắc nói chung đang phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả mạng sống của mình để giúp đỡ các bệnh nhân. Những khuôn mặt in hằn vết khẩu trang, những đôi bàn tay nứt nẻ vì sử dụng quá nhiều nước sát khuẩn từng khiến cả thế giới sững sờ khi hiểu được nỗi vất vả của những người ở tuyến đầu chống dịch corona. Tuy nhiên, họ không đơn độc. Các y, bác sĩ là những người được nhân dân Hồ Bắc chăm sóc hết lòng nhất. Mọi thứ tốt nhất trong khả năng đều được dành cho các y, bác sĩ trong tình cảnh hơn 60 triệu người đang phải sống trong cảnh cô lập, gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đằng sau nỗ lực của đội ngũ y tế Hồ Bắc, còn những người khác chấp nhận cống hiến một cách thầm lặng hơn như các thiện nguyện viên, những người giao hàng và kể cả những ly cà phê do mọi người đóng góp cho đội ngủ chuyên viên v.v…

Những anh hùng vô danh ở Vũ Hán và câu chuyện kinh doanh tử tế giữa rốn dịch corona - Ảnh 11.
Những hộp cà phê cám ơn gởi đến đội ngũ y tế
  • Đảm bảo không có người lạ vào thôn và người trong thôn không ra khỏi nhà, mua lương thực, nhu yếu phẩm phân phát cho từng nhà là nhiệm vụ mỗi ngày của những tình nguyện viên như Chu Dũng Cương tại tỉnh Hồ Bắc. Trở về nhà sau một buổi đi tuần tra quanh thôn, Chu Dũng Cương (43 tuổi) – tình nguyện viên chống dịch Covid-19 ở thôn Sam Mộc, huyện Hoàng Mai, thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc (giáp với tâm dịch Vũ Hán) mở mạng xã hội để kiểm tra những tin nhắn hỏi thăm từ bạn bè, người quen ở Việt Nam. Từng sống và làm việc ở Việt Nam trong vòng 4 năm nên Chu Dũng Cương cũng quen thuộc với việc sử dụng các mạng xã hội phổ biến tại đây. Theo lời kể của Cương, người dân Hồ Bắc bị cấm ra khỏi nhà từ ngày 16.2 để hạn chế lây lan dịch bệnh. Cũng kể từ đó, Chu trở thành tình nguyện viên của làng, ngày ngày đi tuần để đảm bảo không có người lạ vào thôn và người trong thôn cũng không ra ngoài. Việc mua lương thực và các nhu yếu phẩm khác cũng do các tình nguyện viên làm và chia ra phân phát đến từng hộ gia đình. Mới đầu, người dân trong thôn của Chu Dũng Cương còn chưa biết mức độ đáng sợ của dịch bệnh nên mọi người còn khá xem nhẹ việc phòng dịch. Sau những ngày số người chết, người nhiễm tăng chóng mặt ở Vũ Hán – thành phố ngay cạnh đó thì người dân mới bắt đầu thấy tình hình thực sự đã nghiêm trọng. “Mọi người nay đã cảm nhận được virus. Họ biết họ không nên ra ngoài vì an toàn tính mạng và sức khỏe của mình. Vì tôi là tình nguyện viên nên tôi phải ra ngoài đi tuần. Chỉ có những tình nguyện viên như tôi mới được ra ngoài, không ai được đi lại ngoài đường, mọi cánh cửa đều đóng. Ở vùng quê của Chu Dũng Cương, việc đeo khẩu trang thời điểm này không phải chuyện phổ biến vì mọi người thường không ra ngoài nên việc đeo khẩu trang không quá cần thiết. Chỉ cần ở nhà, không ra ngoài, thì chúng tôi không cần đeo. Chúng tôi sẽ tiết kiệm khẩu trang và quyên góp cho những nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch bệnh. Đặc biệt ở các bệnh viện, nhiều y bác sĩ đã cố gắng cố hiến. Mọi người đang rất đau buồn. Các bác sĩ đã hy sinh rất nhiều” – Chu Dũng Cương chia sẻ.
  • Tính đến 28/2, sau cái chết của BS Lý Văn Lượng (Li Wenliang) ngày 8/2, đã có thêm 4 bác sĩ Trung Quốc qua đời trong khi thi hành nhiệm vụ:
    • Bác sĩ Yuan Yangyang, 36 tuổi, đã qua đời vào sáng ngày 28/2 tại bệnh viện ở huyện Bảo Phong, tỉnh Hồ Nam. Các đồng nghiệp của anh tiết lộ, Yuan đã làm việc vất vả suốt 39 ngày liên tục, dẫn tới cơn đau tim không thể cứu chữa. Anh qua đời để lại hai con nhỏ. Một bác sĩ trẻ khác cũng qua đời vì kiệt sức. Đó là Zhong Jinxing (32 tuổi), liên tục chiến đấu với dịch bệnh suốt 33 ngày ở thị trấn Hạ Châu, tỉnh Quảng Tây. Sự ra đi của anh để lại nỗi mất mát lớn cho gia đình, đặc biệt là con gái mới 6 tuổi.
    • Ngày 25/1, bác sĩ Song Ying Jie làm việc ở tỉnh Hồ Nam, đã đột tử sau 10 ngày 9 đêm nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19. Bố của vị bác sĩ trẻ đau buồn nói: “Đứa con trai này của tôi làm nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt ở trạm thu phí, tôi cũng lo lắng lắm. Giờ nó đã ra đi, thật sự rất đau lòng”.
    • Áp lực và khối lượng công việc quá lớn thời dịch bệnh còn cướp đi sinh mạng của nữ bác sĩ Xu Hui, 51 tuổi. Bà là Phó chủ nhiệm khoa thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền Nam Kinh và dẫn đầu công tác phòng chống dịch tại địa phương. Sau 18 ngày gánh vác trách nhiệm nặng nề, nữ bác sĩ đã đột ngột qua đời vào ngày 7/2.

Những sự hy sinh liên tiếp của các ‘thiên thần áo trắng’ ở tuyến đầu chống dịch đã khiến dân mạng xứ Trung vừa đau xót, vừa cảm thấy bất lực khó tả. Điều đó còn cho thấy muôn vàn khó khăn gian khổ trong ngành y, nhất là giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành. Mỗi bác sĩ đều có gia đình và cuộc sống riêng, có người muốn dạy con làm bài tập, có người muốn hẹn hò bạn bè … Nhưng vào lúc nguy nan, họ luôn sẵn sàng khoác lên áo blouse trắng và hiểu rằng có thể mình sẽ không trở về. Cũng giống như khi bác sĩ Xu Hui qua đời ở Nam Kinh, Ủy ban y tế địa phương đã bày tỏ: “Đây là một chiến trường không có khói súng nhưng cũng là trận chiến sinh tử!”.

  • Anh Xiao Xiao đã tình nguyện mua những đồ cần thiết hằng ngày cho 600 người hàng xóm, từ khi họ bị cách ly vì dịch Covid-19 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Chú chó tên Hani đã giúp anh đưa đồ ăn trưa cho những người bị cách ly. Một đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội Weibo cho thấy Hani rời khỏi nhà với chiếc túi đựng đồ ăn trưa được mẹ của Xiao chuẩn bị, để mang tới cho anh. Sau đó, chú chó sẽ mang túi đựng những chiếc bát không về nhà. Hani trở thành nhân viên vận chuyển đồ ăn, sau khi mẹ của Xiao bị đau chân và khó khăn trong việc lên xuống cầu thang.
Chú chó giúp đưa đồ ăn cho 600 người cách ly ở Vũ Hán mỗi ngày
Chú chó Hani vận chuyển thức ăn

ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI

Hiện còn quá sớm để bàn về  ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế Trung Quốc và thế giới; tuy nhiên các tổ chức tài chánh bắt đầu bàn về hậu quả ngắn hạn và dài hạn:

  • Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OECD nói nếu dịch Covid-19 kéo dài, nó sẽ có tác động tiêu cực lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Sự bùng phát dịch “lâu hơn và mạnh hơn” – nếu nó tiếp tục lan rộng khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ – có thể làm giảm một nửa con số dự đoán tăng trưởng thế giới; từ 2.9% vào tháng 11 xuống còn 1.5%, OECD cho biết. Theo cơ quan dự báo và phân tích kinh tế Oxford Economics, nếu Covid-19 trở thành đại dịch và khiến tình trạng gián đoạn sản xuất tại châu Á kéo dài, thiệt hại cho nền kinh tế thế giới sẽ vào khoảng 1,100 tỷ USD, tức 1.3% GDP toàn cầu.
  • Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong bản nghiên cứu về tác động kinh tế của dịch bệnh này được công bố ngày 6/3 cho biết tùy vào từng kịch bản theo mức độ bùng phát của dịch COVID-19 mà con số thiệt hại của GDP toàn cầu có thể mất từ 0.1% – 0.4%, tương đương từ 77 đến 346 tỉ USD trong năm 2020. Mức độ thiệt hại kinh tế, theo ADB, sẽ phụ thuộc vào mức độ bùng phát khó lường của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong tất cả các kịch bản, Trung Quốc gánh khoảng 2/3 tổng thiệt hại, GDP của quốc gia này được dự báo mất 0.3 – 1.7%. Các nước châu Á đang phát triển, không tính Trung Quốc, mất 0.2 – 0.5%. Trong một kịch bản ở mức vừa phải, khi các hành vi và biện pháp phòng ngừa sau 3 tháng dịch bệnh bùng phát như cấm đi lại và các hạn chế đã được áp dụng vào cuối tháng 1 bắt đầu được nới lỏng, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại khoảng 0.8% GDP, tương đương 103 tỉ USD. Phần còn lại của châu Á sẽ mất 22 tỷ USD, tương đương 0.2% GDP trong khi thiệt hại toàn cầu có thể lên tới 156 tỉ USD, tương đương 0.2% GDP toàn cầu. Với Việt Nam, ADB tính toán thiệt hại vào khoảng 0.41% GDP trong kịch bản dịch bị ảnh hưởng ở mức độ vừa phải.
  • Các công ty hàng không thế giới có thể bị mất số thương vụ trị giá khoảng $133 tỷ, nếu dịch COVID-19 không sớm được ngăn chặn, theo Hiệp Hội Vận Chuyển Hàng Không Quốc Tế (IATA). Theo bản tin CNN hôm 5/3, sự thiệt hại này đối với kỹ nghệ hàng không dân sự cũng giống như thời có cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu năm 2008. IATA cảnh báo rằng các công ty hàng không có thể mất tới 19% thương vụ nếu COVID-19 tiếp tục lan rộng.

KẾT LUẬN

Sơ khởi, xác suất để đợt bùng phát dịch Covid-19 trở thành đại dịch được các chuyên gia đưa ra là 20%. Tuy nhiên, với việc Covid-19 lây lan mạnh mẽ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào đầu tháng 3, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn cầu vượt quá 100,000 người, Moody’s đã nâng mức xác suất xảy ra đại dịch lên gấp đôi.

Bài viết thứ hai được đưa lên mạng chỉ một tuần sau bài viết thứ nhất vì nhu cầu thông tin cấp thời của bệnh dịch.

THAM KHẢO

  1. Coronavirus mới (2019-nCoV) – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Hàn Quốc vỡ trận trước Virus Corona đăng trên mạng Cafef.VN ngày 29/2/2020.
  3. Bài viết “Virus Corona – 57 quốc gia bị lây lan” đăng trên mạng BBC ngày 1/3/2020.
  4. Bài viết “24 tiếng ở Hồ Bắc tâm dịch Covid-19 của anh chàng từng ở Việt Nam” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 1/3/2020.
  5. Bài viết “Tảng băng chìm Covid-19 đe dọa Nhật Bản” đăng trên mạng VN Express ngày 1/3/2020.
  6. Bài viết “Những anh hùng vô danh ở Vũ Hán” trên mạng E-Magazine – Cafef.VN ngày 1/3/2020.
  7. Bài viết “Kit thử nCoV của Việt Nam có ưu điểm gì?” trên mạng VN Express ngày 5/3/2020.
  8. Bài viết “ADB: Toàn cầu có thể thiệt hại gần 350 tỉ USD vì COVID-19 trên mạng Tuổi trẻ” ngày 6/3/2020.
  9. Bài viết “Samsung chuyển sản xuất smartphone cao cấp sang Việt Nam vì dịch Covid-19” trên mạng Cafef.VN ngày 6/3/2020.
  10. Bài viết “Chính phủ các nước châu Á hành động gì để giải cứu doanh nghiệp thời Covid-19” trên mạng Đà Nẵng Online ngày 6/3/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *