100 ngày đầu tiên của chính quyền Biden

437 (lượt xem) |

Tu chỉnh:

  • 20/1/2021 – 2/2/2021: Hai tuần lể đầu kể từ ngày TT Biden nhậm chức.
  • 3/2/2021 – 16/2/2021: Dự luật Covid-19 được chấp thuận – Luận tội cựu TT Trump lần thứ hai.

—–

TỔNG QUÁT

Ông Joe Biden đã chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ với một phong thái hoàn toàn khác biệt với cựu Tổng thống Trump. Chiều ngày 19/1, TT đắc cử Biden và PTT đắc cử Harris đến Lincoln Memorial Reflecting Pool tưởng niệm 400 ngàn người Mỹ chết trong đại dịch Covid-19.

400 Lights, For 400,000 Dead, Illuminate Lincoln Memorial Reflecting Pool |  Michigan Radio

Tưởng niệm tại đài tưởng niệm Lincoln

Bốn ưu tiên quan trọng nhất của tân Tổng thống Biden:

  • Đại dịch Covid-19.
  • Liên hệ lưỡng đảng và tiến trình luận tội cựu TT Trump lần thứ hai.
  • Chính sách đối nội.
  • Chính sách đối ngoại.

ĐẠI DỊCH COVID-19

Ngày 21/1, Tổng thống Joe Biden công bố chiến lược chống COVID-19, trong đó thúc đẩy việc tiêm ngừa, xét nghiệm và tập trung vào khoa học. Trong gần một năm tính đến nay, người Mỹ không thấy chiến lược nào từ chính quyền liên bang, chưa nói đến một cách tiếp cận toàn diện để phản ứng với COVID-19.  Kế hoạch của ông Biden đặt ra các mục tiêu khôi phục niềm tin của người Mỹ như thúc đẩy chiến dịch tiêm ngừa, ngăn sự lây lan của virus thông qua các biện pháp đeo khẩu trang, xét nghiệm, trong khi củng cố lực lượng y tế. Trước khi nhậm chức, ông Biden đã cam kết sẽ cung cấp 100 triệu liều vắc xin COVID-19 trong 100 ngày đầu cầm quyền. Ngày 26/1, tỷ lệ này được tăng lên 1.5 triệu liều mổi ngày. BS Anthony Fauci nói rằng ông cảm thấy được giải phóng để tự do nói về khoa học, nguy cơ bị Covid dưới thời Biden. BS Deborah Birx, lần đầu tiên phá vỡ sự im lặng, nói ai đó tại White House đã cung cấp cho cựu TT Trump “dữ liệu song song” về đại dịch Covid; tuy nhiên bà bị nhiều người nghi ngờ vì thiếu cương quyết với cựu TT Trump. Tình hình dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ sau 100 ngày dưới chính quyền Biden như sau:

Thời gian20/1/20213/2/202114/2/2021
Số ca lây nhiễm24.6 triệu ca26.2 triệu ca 28.3 triệu ca
Số ca tử vong409 ngàn người443 ngàn người 497 ngàn người
Vaccine phân phối7.5 triệu liều30.5 triệu liều70.9 triệu liều
Vaccine tiêm ngừa0.9 triệu liều3.6 triệu liều52.9 triệu liều
Tỷ lệ tiêm ngừa2.3% dân số9.3% dân số16.1% dân số
Tiêm ngừa 2 lần  —  —14.3% dân số
Thời gian3/3/202117/3/202131/3/2021
Số ca lây nhiễm   
Số ca tử vong   
Vaccine phân phối   
Vaccine tiêm ngừa   
Tỷ lệ tiêm ngừa    
Tiêm ngừa 2 lần   
Thời gian14/4/202128/4/20215/5/2021
Số ca lây nhiễm   
Số ca tử vong   
Vaccine phân phối   
Vaccine tiêm ngừa   
Tỷ lệ tiêm ngừa   
Tiêm ngừa 2 lần   

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC)

US Population: 328 triệu người

  • Cho đến 26/1, số lượng Vaccine mà chính quyền đã đặt mua như sau: Pfizer (200 triệu liều), Moderna (200 triệu liều), các hãng khác (mổi hãng 100 triệu liều). Đặc biệt, hãng Johnson & Johnson cho biết vaccine của họ chỉ cần chích 1 liều và bảo quản cũng đễ dàng hơn. Chính quyền Biden, ngày 26/1, đã quyết định mua thêm 200 triệu liều, dự trù sẽ giao trong mùa Hè này.
  • Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành chánh hôm 25/1 chỉ đạo các cơ quan liên bang không dùng danh từ địa lý đối với Covid-19 để tránh việc sự kỳ thị với cộng đồng người Mỹ gốc Á, trong bối cảnh gia tăng tội ác thù hận và quấy rối vì nghi ngờ có nguồn gốc Coronavirus ở Vũ Hán, Trung Quốc.
  • Phía Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ và Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ đòi hỏi của phía Cộng Hòa là chia thành từng phần nhỏ kế hoạch trợ giúp chống COVID-19 của TT Joe Biden và các nhà lập pháp Dân Chủ có vẻ sẵn sàng thúc đẩy việc thông qua trợ giúp kinh tế cùng chống dịch này, cho dù có hỗ trợ của phía Cộng Hòa hay không, theo bản tin hãng thông tấn AP hôm 29/1. Hôm 28/1, khoảng 120 kinh tế gia và các nhà chuyên môn về chính sách cùng nhau ký bức thư ngỏ bày tỏ sự ủng hộ dành cho kế hoạch của ông Biden, nói rằng số tiền $900 tỷ mà Quốc Hội phải trầy trật mới thông qua được trước đây hồi Tháng Mười Hai là “quá ít và quá trễ để giải quyết sự trầm trọng của tình hình ngày càng suy thoái”. 
  • Hôm 31/1, một nhóm thượng nghị sĩ phía Cộng Hòa có lập trường trung dung vừa gửi thư yêu cầu Tổng Thống Joe Biden hãy hợp tác trong đề nghị trợ giúp chống COVID-19 trị giá $600 tỷ của họ, giữa khi phía Dân Chủ chuẩn bị để tiến tới việc thông qua biện pháp trị giá $1.9 ngàn tỷ, dù có hỗ trợ của phía Cộng Hòa hay không.
  • Chiều ngày 1/2, 10 TNS Cộng Hòa đã có một cuộc gặp gỡ với Nhà Trắng, thúc giục Tổng thống Biden thu hẹp tham vọng của mình đối với gói viện trợ đại dịch trị giá 1.9 nghìn tỷ USD để ủng hộ một kế hoạch nhỏ hơn một phần ba quy mô mà họ cho rằng có thể thu được sự đồng thuận của lưỡng đảng. Sau cuộc họp kín kéo dài hai giờ, TNS Susan Collins của Maine, lãnh đạo của nhóm Cộng Hòa, cho biết cuộc thảo luận đã diễn ra tốt đẹp, mặc dù “Tôi sẽ không nói rằng chúng ta cùng nhau trọn gói tối nay”. Bà cho biết ông Biden và các TNS đã đồng ý tiếp tục cuộc đàm phán của họ.
  • Các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện đã thực hiện những bước đầu tiên hôm 2/2 để thông qua dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.9 nghìn tỷ USD do TT Biden đề xuất, nhưng các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục về chi tiết ai sẽ nhận được séc kích thích và mức độ lớn của chúng. Tất cả 50 TNS đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu vào ngày 2/2 để bắt đầu quá trình điều chỉnh ngân sách, điều này sẽ cho phép họ – nếu mọi thượng nghị sĩ ủng hộ dự luật cuối cùng và PTT Kamala Harris bỏ phiếu quyết định – thông qua dự luật cứu trợ Coronavirus mà Nhà Trắng đã hứa hẹn mà không có bất kỳ phiếu bầu nào của đảng Cộng Hòa. Đối chiếu là một chiến thuật để thông qua các dự luật có tác động đến ngân sách liên bang với đa số đơn giản, thay vì biên độ ba phần năm (60 phiếu bầu) cần thiết để vượt qua một cuộc bỏ phiếu. Sáng ngày 5 tháng 2, Thượng Viện đã biểu quyết thông qua gói cứu trợ với tỷ lệ 51/50.
  • Tính đến chiều 4 tháng 2, số lượng chích ngừa đã từ từ tăng lên 1.3 triệu liều mổi ngày. Nhà Trắng cho biết 1,000 Vệ binh Quốc gia sẽ được triển khai tới tiểu bang California trong 10 ngày cho nỗ lực chích ngừa. California đang là một trong những điểm nóng dịch bệnh ở Mỹ. Tuần trước, Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho biết Cơ quan Quản lý Khủng hoảng liên bang (FEMA) đang phối hợp với Lầu Năm Góc để huy động 10,000 quân và thiết lập 100 trung tâm phục vụ tiêm chủng khắp cả nước.
  • Tính đến 8/2, Hoa Kỳ có ca lây nhiễm thấp nhất trong 3 tháng.
  • Nhiều nhà thuốc bán lẻ trên khắp đất nước đã bắt đầu cung cấp Vaccine Covid-19 theo lịch hẹn vào thứ Sáu 12/2 theo một chương trình liên bang mới vận chuyển liều trực tiếp cho họ. Một triệu liều đã được phân bổ cho 6,500 hiệu thuốc – bao gồm một số địa điểm CVS, Walmart, Walgreens và Rite Aid – trong giai đoạn đầu tiên của Chương trình Tiệm thuốc Bán lẻ Liên bang và các cửa hàng bắt đầu cung cấp những mũi đầu tiên.

Dự án tiêm chủng diện rộng trên thế giới

LIÊN HỆ LƯỠNG ĐẢNG VÀ TIẾN TRÌNH LUẬN TỘI CỰU TT TRUMP LẦN THỨ HAI.

Trước những ưu tiên khẩn cấp, tòa Bạch Ốc ngõ ý có thể làm việc với Thượng viện về vấn đề luận tội cựu TT Trump và các vấn đề khác cùng một lúc:

  • Trong ngày đầu tiên 20/1, Thượng Viện đã chuẩn thuận bà Avril Haines trong chức vụ Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI: Director of National Intelligence), ứng cử viên Nội các Biden đầu tiên được xác nhận – Ngày 22/1, Cựu tướng Lloyd J. Austin, đã được Thượng Viện Mỹ chuẩn thuận vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, trở thành bộ trưởng Quốc Phòng người da đen đầu tiên của Mỹ – Ngày 25/1, bà Janet Yellen đã được chuẩn thuận trở thành nữ Bộ trưởng Tài Chính đầu tiên của nước Mỹ, trở thành phụ nữ đầu tiên nắm cơ quan này trong vòng 231 năm qua – Ngày 26/1, ông Athony Blinken đã được chuẩn thuận trở thành Bộ trưởng Ngoại giao.
  • Hôm 21/1, bảy thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ đã chính thức đệ đơn khiếu nại thúc giục Ủy ban Đạo đức Thượng viện điều tra đối với 2 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Ted Cruz và Josh Hawley vì những nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống. Trước đó, ngày 6/1, sinh viên đại học Yale, Harvard và Missouri tăng cường áp lực kêu gọi trừng phạt hai thượng nghị sĩ này. Ngoài ra, Đại học Harvard đã sa thải dân biểu Cộng Hòa Elise Stefanik khỏi ủy ban cố vấn.
  • Ngày 23/1,17 dân biểu năm thứ nhất GOP đã ký một lá thư hứa sẽ làm việc với Biden.
  • Lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở bang Arizona thông qua nghị quyết khiển trách 3 lãnh đạo cấp cao của đảng này ở bang Arizona, bao gồm Thống đốc Doug Ducey, cựu Thượng nghị sĩ Jeff Flake và bà Cindy McCain – vợ của Thượng nghị sĩ John McCain. Bà Kelli Ward, lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở bang Arizona truyền đi những thông điệp kích động sau khi ông Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống. Thống đốc Doug Ducey bị khiển trách vì những biện pháp quyết liệt chống Covid-19. Thượng nghị sĩ Jeff Flake và bà McCain cũng được xem là những nhân vật quan trọng có ảnh hưởng đến quyết định của cử tri Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2020, mang lại chiến thắng cho ông Biden. Ngày 29/1, đảng Cộng Hòa South Carolina đã bỏ phiếu để chính thức khiển trách dân biểu Tom Rice vì lá phiếu của ông để luận tội cựu Tổng thống Donald Trump trong đường lối mới nhất của GOP trừng phạt những người Cộng Hòa đã quyết định luận tội cựu Tổng thống.
  • Quyền cảnh sát trưởng Capitol Yogamanda Pittman hôm 25/1 đã xin lỗi Quốc hội về những thất bại an ninh tại Capitol Hill để xảy ra vụ bạo loạn chết người ngày 6/1, thừa nhận trong một tuyên bố thẳng thắn rằng cơ quan “không đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của chính mình cũng như của cơ quan”. CST Steven Fund cùng 2 nhân viên phụ tá đã từ chức ngay sau khi vụ bạo loạn. Bà Pittman cho biết trước đó 2 ngày, cơ quan đã nhận được những tin tức bạo loạn của các nhóm dân quân và cực đoan da trắng vũ trang nhưng không có phản ứng.
  • Republican Accountability Project là nhóm các đảng viên Cộng Hòa “chống Trump” tung ra chương trình đăng quảng cáo trên các tấm bảng “billboard” đòi 12 dân cử “phò Trump” cùng đảng từ chức vì cùng phụ họa lời nói dối “bầu cử gian lận” của cựu Tổng Thống Donald Trump khiến kích động vụ bạo loạn tại Quốc Hội, theo Politico. Các bảng “billboard” kêu gọi từ chức sẽ được dựng ở địa hạt của 9 dân biểu Devin Nunes (California), Elise Stefanik (New York), Jim Jordan (Ohio), Louie Gohmert (Texas), Madison Cawthorne (North Carolina), Marjorie Taylor Greene (Georgia), Matt Gaetz (Florida), Mo Brooks (Alabama), Dan Bishop (North Carolina) và ông Kevin McCarthy (California). Hai thượng nghị sĩ nằm trong danh sách “billboard” là ông Ted Cruz và Josh Hawley sẽ thấy những tấm bảng kêu gọi họ từ chức bao trùm cả tiểu bang mà họ đại diện. 

Billboard đòi các dân cử “phò Trump” từ chức

  • Marjorie Taylor Greene là một nữ dân biểu người Mỹ và là đại diện cho khu vực quốc hội số 14 của Georgia. Trước đây, bà đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thuyết âm mưu cực hữu của QAnon trong các video trên Facebook, nhưng kể từ đó bà đã tránh xa những quan điểm này. Một nhóm các thành viên đảng Dân Chủ Hạ viện đã đưa ra nghị quyết hôm 1/2 nhằm loại bỏ Dân biểu này khỏi hai ủy ban như hậu quả cho những tuyên bố sai trái và phiến diện của bà ấy. “Những lời nói dối và thuyết âm mưu của Loony là căn bệnh ung thư cho đảng Cộng Hòa và đất nước chúng ta”, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cho biết hôm 1/2 sau những câu hỏi về dân biểu này. Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), trưởng Khối Thiểu Số Hạ Viện đã không thuyết phục được bà Greene chấp nhận sai lầm của mình. Tối ngày 4/1, Hạ viện đã với số phiếu 230/199, trong đó có 11 phiếu của dân biểu Cộng Hòa, đã quyết định loại bà Greene ra khỏi các Tiểu ban Ngân sách, Lao động và Giáo dục.

Dân biểu Cộng Hòa Marjorie Greene

  • Hàng chục thành viên đảng Cộng Hòa trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush đang rời bỏ đảng này, chán nản vì nhiều đảng viên cao cấp đã mù quáng ủng hộ ông Donald Trump sau khi tuyên bố gian lận bầu cử sai lầm của ông ta đã gây ra một cơn bão chết người ở Điện Capitol Hoa Kỳ vào tháng trước. Những quan chức này, một số người từng phục vụ trong các cấp cao nhất của chính quyền Bush, nói rằng họ hy vọng rằng sự thất bại của Trump sẽ khiến các nhà lãnh đạo đảng giữ khoảng cách với những tuyên bố vô căn cứ của ông ta rằng cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 đã bị đánh cắp. Với các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa đang gắn bó với Trump, các quan chức này nói rằng họ không còn nhận ra đảng mà họ phục vụ. Một số đã kết thúc tư cách thành viên, những người khác quyết định không tái ghi danh trong khi một số mới đăng ký với tư cách độc lập, theo các cựu quan chức Bush nói chuyện với Reuters: “Đảng Cộng Hòa chính thống không còn tồn tại nữa. Tôi gọi đó là nhóm quá khích theo Trump”, ông Jimmy Gurulé, Thứ trưởng Bộ Tài chính đặc trách Khủng bố và Tình báo trong chính quyền Bush cho biết. Trong những chỉ dấu tách rời đảng Cộng Hoà với cựu TT Trump, NS Graham mới đây tuyên bố: “ông Trump cần sự chữa trị (Rehabilitate) để trở lại chính trường”. Bà DB Chenney thì thẳng thắng hơn: “Ông Trump không còn vị thế nào trong tương lai của đảng Cộng Hòa”. Hơn 120 cựu giới chức Cộng Hòa, những người đánh giá thành phần lãnh đạo đảng hiện tại không đủ dũng khí để kết án hành động phản nền dân chủ nước Mỹ của cựu Tổng Thống Donald Trump, đang thảo luận việc tách rời để lập một đảng trung hữu, theo bốn người trong cuộc nói chuyện với Reuters. Những người tham gia cuộc thảo luận bao gồm các cựu dân cử đảng Cộng Hòa, cựu giới chức trong các chính phủ thời Ronald Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush, và ngay cả chính phủ Trump vừa mãn nhiệm.
  • Theo đài Foxnews, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, ngày 3/2 (giờ Mỹ) công bố đã thống nhất được với lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, về chia sẻ quyền lực sau hai tuần thương lượng. Theo thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên (sẽ còn chờ bỏ phiếu thông qua trong thời gian còn lại của ngày 3/2), đảng Cộng Hòa sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo các ủy ban thượng viện cho đảng Dân Chủ. Mặc dù lúc này mỗi đảng đều đang có 50 ghế tại Thượng viện, song đảng Dân chủ đang nắm lợi thế với một lá phiếu hơn của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Các nội dung chi tiết của nghị quyết này vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên lãnh đạo của cả hai đảng đều bày tỏ sẽ sử dụng thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại Thượng viện năm 2001 làm mẫu.
  • Một công ty máy bỏ phiếu bị lao đao vì những cáo buộc vô căn cứ về cuộc bầu cử 2020, làm đơn kiện hôm 4 Tháng Hai, đòi bồi thường $2.7 tỷ đối với Fox News, vài phóng viên nổi tiếng của đài này, và hai luật sư của cựu Tổng Thống Donald Trump là Rudy Giuliani và Sidney Powell, theo CNN. Smartmatic tố cáo những bên vừa nêu phối hợp với nhau mở “chiến dịch tung tin giả” làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty này. Trước đó, ông Giuliani và bà Powell còn bị một công ty máy bỏ phiếu khác là Dominion Voting Systems kiện với số tiền tương đương vì những cáo buộc gian lận bầu cử.
  • Bộ trưởng Austin yêu cầu hàng trăm người trong ban cố vấn Lầu Năm Góc từ chức trong tháng 2. Trong số này có nhiều người trung thành với ông Trump được đưa vào dưới thời quyền bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller. Ông Austin đã ra lệnh cho tất cả những người được yêu cầu phải từ chức trước ngày 16/2. Bộ Quốc phòng Mỹ có tổng cộng 42 ban cố vấn với 600 thành viên. Trong 2 tháng nắm quyền ở Lầu Năm Góc, ông Miller đã thay nhiều nhân viên thuộc các ban như chính sách quốc phòng, khoa học, y tế và kinh doanh bằng nhiều nhân vật trung thành với ông Trump.

Luận tội cựu Tổng thống Trump lần thứ hai:

  • Tân Tổng Thống Joe Biden cho các phóng viên biết ông Trump có để lại một lá thư cho mình, theo CNN: “Tổng Thống Trump viết một lá thư rất tử tế, nhưng mang tính riêng tư, cho nên, tôi không muốn kể ra trước khi tôi nói với ông Trump”. 
  • Phát biểu tại Thượng viện ngày 21/1, ông Schumer, lãnh tụ mới của phe đa số Thượng Viện, cho biết: “Thượng viện sẽ tiến hành xét luận tội ông Donald Trump. Đây sẽ là một phiên xét xử đầy đủ và công bằng”. Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ kiểm soát sẽ chuyển cáo trạng luận tội cựu TT Donald Trump sang Thượng Viện vào ngày 25/1, hai bên đồng ý hoãn tiến trình luận tội vào ngày 9/2. Ông Trump đã thuê luật sư Butch Bowers có trụ sở tại South Carolina để đại diện cho mình trong phiên tòa luận tội. McConnell trong riêng tư nói rằng ông ấy muốn Trump biến đi trong khi các đảng viên Cộng Hòa lặng lẽ vận động kết tội ông ta.
  • Cựu TT Donald Trump từng ép Bộ Tư Pháp (DOJ) trực tiếp yêu cầu Tối Cao Pháp Viện (TCPV) hủy chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden, những người biết về vụ này cho Wall Street Journal hay hôm 23/1. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại vì những người được ông Trump bổ nhiệm vào DOJ từ chối làm đơn kiện nộp cho TCPV. Ông Jeffrey Rosen, quyền bộ trưởng Tư Pháp lúc đó, cũng như cựu Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr và quyền cố vấn Jeffrey Wall, không chịu làm đơn kiện với lý do không có căn cứ nào để kiện kết quả bầu cử và chính phủ liên bang không có quyền lợi pháp lý nào trong việc ông Trump hay ông Biden đắc cử.
  • Bảng luận tội cựu TT Trump đã được chuyển lên Thượng Viện tối 25/1/2021. Mục đích chính của sự luận tội là ngăn cản cựu TT Trump trở lại chính trường. TT Biden cho rằng đây là ưu tiên phải làm, dù rằng ông dè dặt về sự có đủ 17 TNS Cộng Hòa tại Thượng Viện ủng hộ việc luận tội này. Cho đến nay, chỉ có 5 TNS đồng ý luận tội cựu TT Trump. Các nghị sĩ Quốc hội có một cách khác, có lẽ dễ hơn, để cấm ông Trump nắm giữ chức vụ trong chính quyền. Điều 3 của Tu chính án thứ 14, nhằm ngăn chặn việc nắm giữ chức vụ liên bang đối với những người bị coi là đã “tham gia nổi dậy hoặc nổi loạn” chống lại Hiến pháp. Nếu cả hai viện bỏ phiếu với tỉ lệ đa số tán thành rằng ông Trump tham gia vào một hành động “nổi dậy hoặc nổi loạn”, thì ông sẽ bị cấm tranh cử vào Nhà Trắng một lần nữa. Một khi quyết định như vậy được đưa ra, từng viện một của Quốc hội trong tương lai phải bỏ phiếu với tỉ lệ hai phần ba mới có thể thay đổi quyết định đó. Các Nghị sĩ hay Dân biểu của 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, dù lập trường khác nhau, vẫn chỉ là các chính trị gia, nhận được tài trợ của các PAC’s từ các tập đoàn công nghệ cao. Các tập đoàn Amazon, Facebook, Google, Microsoft đã quyết định ngưng tài trợ cho các nhân vật tại Capitol Hill ủng hộ bạo loạn.
  • Vụ xét xử luận tội cựu Tổng thống Donald Trump tại Thượng Viện về cáo buộc kích động bạo động chết người tại Điện Capitol gặp thách thức đầu tiên trong ngày 26/1 khi TNS Rand Paul, đảng Cộng Hòa, cho rằng xét xử một cựu Tổng thống có thể là vi phạm Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, với số phiếu 55 thuận và 45 chống, thượng viện đã bác bỏ nỗ lực của ông Rand Paul và đảng Cộng Hòa.
  • Ngày 30/1, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia tay các luật sư đại diện cho ông trong phiên tòa luận tội tại Thượng viện, báo chí Mỹ đưa tin. Sự ra đi của Butch Bowers và Deborah Barberi được cho là một quyết định do thỏa thuận của 2 bên. Greg Harris, Johnny Gasser và Josh Howard, ba cựu công tố viên liên bang từ tiểu bang South và North Carolina, cũng đã rời khỏi nhóm luật sư, Associated Press tường thuật. Họ được cho là không muốn biện hộ cho ông Trump dựa trên cơ sở cáo buộc gian lận bầu cử. Cựu tổng thống Trump hôm 31/1/2021 thông báo đã chiêu mộ được hai luật sư mới để biện hộ cho ông trong phiên tòa truất phế tại Thượng Viện bắt đầu vào ngày 9/2. Thông cáo cho biết các luật sư “rất uy tín” là David Schoen và Bruce L.Castor Jr sẽ lãnh đạo nhóm luật sư. Ông Bruce Castor chuyên về luật hình sự, còn David Schoen về “các vụ kiện về quyền dân sự tại Alabama và hình sự liên bang ở New York, kể cả cho giới cổ trắng và các vụ phức tạp khác”. Cũng theo thông cáo, hai luật sư này đã từng hợp tác với nhóm cộng sự của ông Trump và cả hai cho rằng “tiến trình truất phế là vi hiến”.
  • Luật sư bào chữa hàng đầu của Donald Trump cho phiên tòa luận tội Thượng viện sắp tới cho biết hôm 3/2 rằng nói rằng việc lặp lại cáo buộc có gian lận bầu cử tổng thống năm 2020 là điều “xuẩn ngốc” và “điên khùng,” và cũng cho biết ông Trump không bắt buộc ông phải đưa ra các luận cứ này. Ông nhấn mạnh rằng việc bào chữa cho Trump sẽ tập trung chặt chẽ vào các lập luận “kỹ thuật”.
  • Tổng thống Biden cho biết hôm 6/2 rằng cựu tổng thống Donald Trump không nên tiếp cận thông tin mật dưới dạng các báo cáo tình báo thường gửi cho các cựu tổng thống, với lý do “hành vi thất thường” của ông Trump và nguy cơ ông ta có thể liều lĩnh tiết lộ thông tin nhạy cảm.
  • Trong một bức thư viết ngày 6 tháng 2 trên báo New York Times, 144 luật sư chuyên về Luật hiến pháp cho rằng tuyên bố của các luật sư đại diện cho cựu TT Donald J. Trump rằng hành vi của ông xung quanh cuộc bạo động ngày 6 tháng 1 trên Đồi Capitol được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất là “sai lầm về mặt pháp lý” và không thể ngăn Thượng viện kết án ông trong phiên tòa luận tội.
  • Trong một ý kiến ​​được đăng vào tháng trước trên tờ The Washington Post, giáo sư luật Đại Học Yale, Bruce Ackerman và giáo sư luật Đại Học Indiana Gerard Magliocca đề nghị Quốc Hội có thể chuyển sang dùng một điều khoản của tu chính án thứ 14 nhằm ngăn không cho một người nắm giữ một chức vụ liên bang nếu bị coi là đã “tham gia nổi dậy hoặc bạo loạn chống lại” Hiến Pháp. Các giáo sư viết rằng nếu đa số thành viên của cả hai viện đồng ý rằng ông Trump đã can dự vào một hành động “nổi dậy hoặc bạo loạn”, thì ông sẽ bị cấm tranh cử vào Nhà Trắng một lần nữa. Và phải cần đến 2/3 phiếu bầu của mỗi viện Quốc Hội trong tương lai mới có thể hủy bỏ kết quả đó. Được biết hai TNS Tim Kaine của đảng Dân Chủ và Susan Collins của đảng Cộng Hòa soạn nghị quyết khiển trách Trump vì vụ bạo loạn Đồi Capitol, có thể thêm điều khoản ngăn ông tái cử. Đây là một nỗ lực lưỡng đảng tách biệt với phiên tòa luận tội cựu tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nó không phải là một dự thảo nghị quyết khiển trách bình thường, bởi có thể ngăn Trump tái tranh cử trong tương lai.
  • Phiên luận tội cựu TT Trump được diễn ra ở Thượng Viện vào ngày 9 tháng 2, nơi phe Dân Chủ cáo buộc ông Trump đã kích động bạo lực tại Quốc Hội và gây ra cái chết cho 5 người. Chưa dừng lại ở đó, một cuộc điều tra tại Georgia do Ủy ban bầu cử của tiểu bang này đã được chính thức bắt đầu hôm ngày 8 tháng 2, với cáo buộc cựu tổng thống đã vi phạm luật bầu cử. Sau phần trình bày của Ủy ban Luận tội, các luật sư của cựu TT Trump đã tập trung về sự vi hiến của tiến trình. Thượng viện đã bỏ phiếu 56/44 với 6 phiếu của Nghị sĩ Cộng Hòa bác bỏ lập luận của các luật sư biện hộ cho ông Trump. Hai ngày 10 và 11/2 dành cho các dân biểu Dân Chủ trình bày lý do phải luận tội cựu TT Trump. Lần đầu tiên, họ đã trình bày những hình ảnh đầy khích động của cuộc bạo loạn ngày 6/1 và những lời tuyên bố ủng hộ bạo động của cựu TT Trump:

Cuộc bầu cử đã bị đánh cắp (The election was stolen).

Chúng ta phải chiến đấu đến cùng. Nếu chúng ta không chiến đấu, chúng ta sẽ mất đất nước (We have to fight like hell – We will lose our county if we don’t fight like hell).

Chúng tôi yêu mến các bạn – Các bạn rất đặc biệt (We love you – You are very special).

  • Ngày Thứ Bảy, 13/2, sau phần trình bày cuối cùng của Uỷ ban Luận tội và các luật sư bào chửa, Thượng viện cuối cùng đả bỏ phiếu miễn tội cho cựu TT Trump với tỷ lệ 43/57 theo ranh giới đảng phái. 7 TNS Cộng Hòa bỏ phiếu luận tội cựu TT Trump.  Chỉ vài phút sau khi bỏ phiếu để tha bổng cho cựu TT Trump với cáo buộc kích động bạo loạn, lãnh đạo phe Thiểu số Cộng Hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell gợi ý cựu Tổng thống Donald Trump vẫn có thể bị truy trố hình sự trong tư cách thường dân. “Tổng thống Trump vẫn có thể chịu trách nhiệm về mọi thứ mà ông ta đã làm khi còn đương nhiệm trong tư cách một công dân bình thường,” ông McConnell nói. “Ông ta vẫn chưa thoát khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm về bất cứ chuyện gì cả.” Ông McConnell đưa ra những phát biểu này trong một bài diễn văn đả kích gay gắt ông Trump về vai trò của ông trong vụ tấn công chết người do những người ủng hộ ông thực hiện nhắm vào Điện Capitol. Tổng thống Biden cũng phát biểu ngắn gọn sau khi ông Trump trắng án: “Bản chất cáo buộc không thể bàn cãi”.

Cựu TT Trump được tha bổng lần thứ hai

CHÍNH SÁCH ĐỐI NỘI

  • Tính đến 29/1, TT Joe Biden đã ký 42 sắc lệnh hành pháp, trong đó có 10 sắc lệnh liên quan đến Covid-19, ngay sau khi nhậm chức. Những sắc lệnh nhằm đề ra tầm nhìn “tương lai” cho nhiệm kỳ tổng thống của ông. “Ông ấy muốn xắn tay vào làm việc càng nhanh càng tốt” – Thư ký báo chí sắp tới của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, đồng thời bổ sung rằng, một số sắc lệnh sẽ đảo ngược chính sách của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, nhằm thực hiện các mục tiêu của ông Biden là ”đưa đất nước tiến lên”. Theo CNN, các sắc lệnh đáng chú ý đảo ngược chính sách của Tổng thống Donald Trump bao gồm: Huỷ bỏ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL; Đảo ngược chính sách hạn chế đi lại của chính quyền ông Trump đối với người Hồi giáo của 7 quốc gia; Đảo ngược chính sách mở rộng lực lượng thực thi di trú trong nước Mỹ; Ngừng xây dựng bức tường biên giới bằng cách dừng tài trợ. Các sắc lệnh khác dự kiến được ký liên quan đến đeo khẩu trang phòng ngừa COVID-19, bổ nhiệm một điều phối viên ứng phó COVID-19 để giám sát nỗ lực phân phối vaccine và vật tư y tế của Nhà Trắng.
ong Biden ky sac lenh sau khi nham chuc anh 1

Tổng thống Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh trong giờ đầu tiên ở Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

  • Tổng Thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo và công lực xem xét lại mối đe dọa của thành phần bạo động quá khích nội địa, sau khi xảy ra vụ đám đông nổi loạn tràn vào tòa nhà Quốc Hội. Việc xác định mối đe dọa này hiện được Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia, FBI và Bộ Nội An phối hợp tiến hành, và sẽ được dùng để làm căn bản cho việc đưa ra các biện pháp đối phó, theo Tòa Bạch Ốc. Bộ Tư Pháp cũng bắt đầu điều tra trong nội bộ để xem có những thành phần ủng hộ chuyện đảo ngược kết quả bầu cử.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/TS-Militia02-012321.jpg

Nhóm dân quân võ trang Boogaloo Boys ở Lansing, Michigan. (Hình: Seth Herald/Getty Images)

  • Những nhân vật đàng hoàng dưới thời ông Trump được giữ lại: bác sĩ Anthony Fauci, người điều phối cuộc chiến chống Covid-19, ông Christopher Wray, giám đốc FBI. Những người bị sa thải: Ông Peter Robb, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia và bà Phó chủ tịch Alice Stock – ông Michael Pack, giám đốc đài VOA – BS Sean Conley, bác sỉ riêng của ông Trump.
  • Đội ngũ giúp Tổng thống Biden hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng làm việc trong chính quyền. Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ vực dậy nền kinh tế Mỹ từ đại dịch bằng hàng loạt biện pháp kích thích, bao gồm cứu trợ khẩn cấp cũng như đầu tư vào việc làm xanh, cơ sở hạ tầng và hơn thế nữa. Ông đã tập hợp một nhóm các nhà kinh tế học và luật sư hàng đầu có kinh nghiệm chính trường để biến tầm nhìn của ông thành hiện thực. Nhiều người trong số đó từng phục vụ dưới chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, chịu trách nhiệm phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008, cú sốc mà Mỹ phải mất một thập kỷ mới có thể hồi phục. Nhiệm vụ mà họ hiện phải đối mặt thậm chí còn nghiêm trọng hơn, với trên 10 triệu người dân Mỹ bị mất việc làm và đại dịch cướp đi nhiều sinh mạng còn hơn cả Thế chiến II. Những gương mặt nổi bật trong đội giải cứu kinh tế của Biden: Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen – Lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese – Lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách Neera Tanden – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Cecilia Rouse – Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.
  • Tân Tổng thống Joe Biden vừa ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường mua sắm liên bang đối với hàng hóa do nước này sản xuất (Made in USA). Được xem là cần thiết nhằm xây dựng lại một nước Mỹ tốt hơn, song mặt khác bước đi cũng dự báo sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và thậm chí là cả với một số đồng minh thân thiết “dậy sóng”. Hai yếu tố quan trọng mà Hoa Kỳ phải cân nhắc là công nghệ và giá cả.
  • Tính đến 9/2, đã có hơn 200 người trong đó có hơn 20 phụ nữ bị bắt vì vụ bạo loạn 6/1. Nhiều người trong nhóm đã cáo buộc cựu TT Trump kích động họ tham gia bạo loạn.

ĐỐI NGOẠI

Với tư cách là Phó Tổng thống trong 8 năm dưới 2 nhiệm kỳ của cựu TT Obama và những điều cựu TT Trump đã làm trong 4 năm vừa qua, chiến lược của TT Biden có phần sẽ giống với ông Trump trong quan hệ với Trung Quốc và cũng sẽ cứng rắn hơn với Nga Sô. Chắc chắn, TT Biden không bị Nga “nắm thóp” như với cựu TT Trump.

  • Các nhà lãnh đạo thế giới hôm 20/1, bày tỏ sự hân hoan, lạc quan đón chào một “bình minh mới” tại Mỹ, sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Các đồng minh lâu năm của Mỹ tại Anh và khối EU tỏ sự lạc quan mạnh mẽ nhất. Bà Ursurla von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban EU, nói rằng khối này nay “có người bạn tại Tòa Bạch Ốc” sau bốn năm có nhiều căng thẳng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong bốn năm qua. Thủ Tướng Anh Boris Johnson đã gọi điện thoại chúc mừng Tổng Thống Joe Biden ngay trước lễ nhậm chức. “Như tôi đã nói khi tôi có cuộc điện đàm lúc ông được tuyên bố thắng cử, tôi chờ đợi sẽ cộng tác với ông và chính phủ mới của ông, gia tăng hợp tác giữa hai quốc gia và cùng đối phó với các vấn đề chung,” thủ tướng Anh nói. Tổng Thống Đức Frank-Walter Steinmeir gọi Ngày Tuyên Thệ là “một ngày tốt đẹp cho nền dân chủ.” Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu gửi lời chúc mừng đến cả Phó Tổng Thống Harris và Tổng Thống Biden trong lễ nhậm chức “lịch sử” và hứa sẽ cộng tác chặt chẽ với Mỹ. Tổng Thống Nga Vladimir Putin chưa lên tiếng nhưng phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng không thấy có thay đổi gì trong mối quan hệ Nga-Mỹ và Moscow sẽ tiếp tục có mối quan hệ tốt với Washington.
  • Ngày 21/1, TT Biden quyết định tái gia nhập lại Hiệp ước Biến đổi Khí hậu (Climate Change Treaty) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chi tiết về phần đóng góp của Hoa Kỳ chưa được tiết lộ. TT Biden cũng muốn gia hạn Hiệp ước Nguyên tử với Nga thêm 5 năm. Trong cuộc điện đàm đầu tiên, TT Bien đã chất vấn ông Putin trong nhiều vấn đề.
  • Theo AFP, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan, hôm 29/1/2021 đã phác họa chiến lược của tân chính quyền Mỹ để đối phó với đối thủ Trung Quốc. Trong cuộc nói chuyện với người tiền nhiệm Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Trump, do Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức, ông Sullivan cho rằng “Trung Quốc đang cố gắng chứng minh rằng mô hình Trung Quốc tốt hơn mô hình Mỹ”, dựa trên “những sự vận hành rối loạn và sự chia rẽ ở Hoa Kỳ”. Do đó, cột trụ đầu tiên trong bốn cột trụ của chính sách Mỹ phải là “sửa chữa những nền tảng cơ bản của nền dân chủ” của nước Mỹ, ngay chính trong “hệ thống dân chủ”, cũng như trong “những bất bình đẳng sắc tộc”, và “kinh tế”. Bước thứ hai là phải nhìn nhận ra rằng sẽ hiệu quả hơn nếu hợp tác hành động với các đồng minh dân chủ của Washington. Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Biden lưu ý rằng Hoa Kỳ cùng với các đồng minh ở châu Âu và châu Á đại diện cho hơn một nửa nền kinh tế thế giới. Chính điều này mang lại cho họ sức mạnh cần thiết để đạt được các kết quả và bảo vệ một số nguyên tắc trước sự tấn công từ Trung Quốc. Điểm thứ ba là hướng đến giành chiến thắng trong cuộc chạy đua “công nghệ tương lai”. Và cuối cùng là sẵn sàng bắt Trung Quốc phải gánh hậu quả từ những hành động ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan. Chính quyền Biden sẽ duyệt lại tất cả các biện pháp an ninh quốc gia được ban hành bởi cựu Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được ký vào tháng 1 năm 2020, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ngày 29/1. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/2 khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ, trong diễn văn đọc khi lần đầu đến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi nhậm chức.
  • Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gia hạn hiệp ước New START về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga thêm 5 năm nữa, bắt đầu từ ngày 3/2. Vào cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật phê chuẩn việc kéo dài hiệp ước trên, theo Điện Kremlin hôm 29/1.
  • Gia Nã Đại quyết định đưa Proud Boys vào danh sách các nhóm khủng bố. Ottawa cho rằng Proud Boys, được thành lập vào năm 2016 và có mặt tại Canada, Mỹ và các quốc gia khác, là một “tổ chức tân phát xít tham gia vào bạo lực chính trị” và các thành viên của nhóm này ủng hộ “các tư tưởng chủ nghĩa sai lầm, cuồng tín, bài Do Thái, chống người nhập cư và/hoặc chủ nghĩa cực đoan da trắng”. “Ngày càng có nhiều bằng chứng về sự gia tăng bạo lực liên quan đến nhóm này”. Hãng tin AFP dẫn lời ông Blair, cho biết các nhà chức trách Canada đã theo dõi nhóm Proud Boys kể từ năm 2018. Gavin McInnes, người sáng lập nhóm này, là một người Canada sống tại Mỹ.
  • Ngày 5/2, các ngoại trưởng Đức, Pháp, Anh và Mỹ cho biết muốn khôi phục lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau cuộc thảo luận sâu đầu tiên của họ dưới thời ông Biden. Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngoài thỏa thuận hạt nhân Iran, các ngoại trưởng cũng trao đổi về các vấn đề liên quan đại dịch COVID-19, Myanmar, Nga, Trung Quốc và biến đổi khí hậu.
  • Để chứng minh thiện chí của một nước Mỹ rộng mở, Tổng thống Biden thông báo sang năm Hoa Kỳ sẽ đón nhận 125,000 người tị nạn. Con số cao ngoạn mục. Donald Trump đã giới hạn ở mức 15,000 người được hưởng quyền tị nạn tại Hoa Kỳ cho năm 2021.
  • Ông Antony Blinken, tân ngoại trưởng Mỹ, vừa điện đàm với ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, hôm 4 Tháng Hai, thông cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết. Nội dung buổi nói chuyện chỉ nói đến sự hợp tác tổng quát. Điều thú vị là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng hẹn cùng ăn phở với ông Minh tại Hà Nội.
  • Ngày 10 tháng 2, TT Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên với CT Tập Cận Bình. Cuộc điện đàm diễn ra sau nhiều tuần chuẩn bị giữa hai bên, và được thế giới theo dõi chặt chẽ nhằm biết rõ hơn chính sách của ông Biden đối với Trung Quốc sẽ ra sao. Theo thông báo từ Tòa Bạch Ốc, TT Biden gửi lời chúc Tết Nguyên Đán đến người dân Trung Quốc. Ông cũng “khẳng định ưu tiên của ông là bảo vệ đời sống, sức khỏe, an khang, thịnh vượng cho người dân Mỹ, và bảo đảm tự do hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng Thống Biden “nêu rõ mối lo ngại chính của ông về cách làm kinh tế không công bằng và cưỡng ép, nạn trấn áp ở Hồng Kông, nạn vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, và hành động ngày càng quyết đoán trong khu vực của Bắc Kinh, bao gồm đối với Đài Loan”. Hai nhà lãnh đạo còn thảo luận về chiến dịch chống đại dịch COVID-19, cũng như những thách thức chung đối với an ninh sức khỏe toàn cầu, nạn biến đổi khí hậu, và ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí nguyên tử, theo thông báo của Tòa Bạch Ốc. Hiện tại, TT Biden không dự tính không dỡ bỏ thuế quan mà chính quyền ông Trump áp lên Trung Quốc, các giới chức chính quyền cao cấp cho hay trước cuộc điện đàm. Họ cũng cho biết rất có thể ông Biden sẽ không giảm sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu.

KẾT LUẬN

Về vấn đề bạo loạn ngày 6/1 thì các nhóm bạo loạn như Proud Boys, QAnon, The Oath Keepers, America First, Three Percenters v.v.. là những thực thể mà dân chúng Hoa Kỳ xem như là những virus mai phục trong xã hội Hoa Kỳ. Những nhóm này sẽ không bao giờ biến mất, vẫn tồn tại và sẽ phát tán và bùng nổ khi xã hội yếu đi.

TT Biden cố gắng có được sự đồng thuận lưỡng đảng nhưng đã không thành công. Đảng Cộng Hòa đang bị ngày càng phân hóa giữa các thành phần trung dung và nhóm ủng hộ cựu TT Trump. Đối với đảng Cộng Hòa thì đây là cuộc khủng hoảng bản sắc (Identity crisis). Một số đảng viên Cộng Hòa trung hữu đang nghĩ đến việc lập đảng thứ ba hay là một đảng gồm có những thành phần trung dung của cả 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Dù nền dân chủ Hoa Kỳ vận hành ngày nay không giống như các nhà lập quốc dự kiến, nhưng tiền tài và quyền lực vẫn đóng vai trò thiết yếu trong chính trị Mỹ. Các nhà hoạch định chiến lược quốc gia mà phần lớn là các CEO’s của các tập đoàn lớn nhất tại Hoa Kỳ cũng sẽ tìm được cách để loại cựu TT Trump khỏi chính trường. Ông ta vẫn đang phải đối diện bởi những khó khăn về pháp lý và tài chánh.

Những vấn đề liên quan đến Covid-19 cũng như kinh tế sẽ được tiếp tục cập nhật cho đến ngày 1/5.

THAM KHẢO

  1. Người da trắng thượng đẳng – Wikipedia tiếng Việt.
  2. Người Mỹ – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
  3. QAnon – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
  4. Bài viết “Biden sẽ dùng lệnh hành pháp để đảo ngược các chính sách của Trump” đăng trên mạng BBC ngày 18/1/2021.
  5. Bài viết “Proud Boys quay lưng với Trump, công nhận Biden” đăng trên mạng Người Việt ngày 22/1/2021.
  6. Bài viết “TT Biden đặt mục tiêu 100 triệu mũi vaccine COVID trong 100 ngày đầu tại chức” đăng trên mạng VOA ngày 23/1/2021.
  7. Bài viết “Ông Trump có thể bị cấm nắm chức vụ trong chính quyền Mỹ sau này?” đăng trên mạng VOA ngày 14/1/2021.
  8. Bài viết “Đội giải cứu kinh tế của Biden” đăng trên mạng VNE ngày 27/1/2021.
  9. Bài viết “Phía Dân Chủ bác bỏ đề nghị chia nhỏ kế hoạch $1.9 ngàn tỷ trợ giúp COVID-19” đăng trên mạng Người Việt ngày 29/1/2021.
  10. Bài viết “Thầy mo QAnon đội nón 2 sừng sẵn sàng điều trần bị Trump kích động” đăng trên mạng Người Việt ngày 29/1/2021.
  11. Bài viết “Cố vấn an ninh quốc gia của TT Biden: Mỹ phải sửa chữa nền dân chủ để đối phó với Trung Quốc” đăng trên mạng Người Việt ngày 30/1/2021.
  12. Bài viết “Nhóm Cộng Hòa dùng ‘billboard’ đòi các dân cử ‘phò Trump’ từ chức” đăng trên mạng Người Việt ngày 30/1/2021.
  13. Bài viết “Kỷ luật Phòng Bầu dục thời Biden” đăng trên mạng VNE ngày 5/2/2021.
  14. Bài viết “TT Biden: Chính sách đối ngoại thay đổi mạnh mẽ so với thời ông Trump” đăng trên mạng đăng trên mạng VOA ngày 5/2/2021.
  15. Bài viết “Các câu hỏi then chốt về xét xử phế truất Donald Trump tại Thượng Viện Mỹ” đăng trên mạng đăng trên mạng RFI ngày 9/2/2021.
  16. Bài viết “AOC giải thích lý do đảng Cộng Hòa không thể bảo cô bỏ qua cuộc nổi dậy ở Điện Capitol” – Translated from Washington Post’s article AOC explains why Republicans can’t just tell her to forget about the insurrection and move on” by Monica Hesse, on Feb. 1/2021
  17. Bài viết “Nghị sĩ lưỡng đảng thảo nghị quyết ngăn Trump tái tranh cử” đăng trên mạng đăng trên mạng VNE ngày 9/2/2021.
  18. Bài viết “After not-guilty vote, McConnell says Trump ‘morally responsible’ for Capitol riot” đăng trên mạng Washington (Reuters) ngày 13/2/2021.
  19. Bài viết “Tiết lộ chấn động về ông Trump và tình báo Liên Xô” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 3/2/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *