Samsung và Apple tại Việt Nam

642 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong năm 2019, tác giả có viết bài “Apple và Việt Nam” nhưng trong 2 năm qua, có những biến chuyển rất quan trọng, nhất là vấn đề thương chiến Hoa Kỳ – Trung Quốc cũng như việc công ty Apple và các đối tác Đài Loan rút 1 phần ra khỏi Trung Quốc. Bài viết này nêu lên những diễn biến mới trong mối quan hệ Việt Nam, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Đài Loan về lãnh vực điện thoại thông minh.

Theo GSM Arena, thống kê từ Counterpoint Research về thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2019 là khoảng 1.4 tỷ máy. Năm hãng sản xuất lớn nhất vẫn là năm cái tên quen thuộc trong đó có 3 tên từ Trung Quốc đang dần dần thay thế Apple và Samsung tại thị trường nội địa:

  • Samsung (19%) của Hàn Quốc.
  • Huawei (14%) của Trung Quốc.
  • Apple (12%) của Hoa Kỳ.
  • Oppo (9%) của Trung Quốc.
  • Xiaomi (9%) của Trung Quốc.

Một cái tên đáng chú ý là HMD Global (sở hữu Nokia) tuy không lọt vào danh sách nhưng sở hữu mức tăng trưởng ấn tượng, lên tới 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng smartphone xuất xưởng trong quý 3, 2018 đạt 380 triệu thiết bị. Về thị phần tại từng thị trường, Oppo là kẻ chiếm lĩnh khu vực châu Á với thị phần 16%, theo sát nút phía sau là Huawei (15%), Vivo (15%) và Xiaomi (14%). Cả bốn đại diện đều đến từ Trung Quốc trong khi Samsung tụt xuống thứ 5 với 10% thị phần. Tại Bắc Mỹ, Apple tiếp tục chiếm phần lớn thị trường với thị phần 39%, tiếp theo là Samsung (26%). Châu Âu là thị trường mạnh nhất của Samsung với thị phần 31%, theo sau là Huawei (22%) và Apple (19%). Xiaomi được đánh giá là hãng di động của mức tăng trưởng nhanh nhất, trong khi Apple là hãng có doanh thu nhờ điện thoại thông minh lớn nhất lịch sử.

Thị trường của điện thoại thông minh

CHIẾN LƯỢC CỦA SAMSUNG TẠI VIỆT NAM

Samsung và Apple có những khác biệt căn bản về chiến lược và kỹ thuật. Samsung đầu tư tại Việt Nam từ năm 1996 từ một liên doanh quy mô nhỏ. Hàn Quốc, cũng như Việt Nam, là các nước nhỏ nằm sát cạnh Trung Quốc nên nước này cũng có những dè dặt với Trung Quốc. Năm 1997, Samsung đã làm một quyết định có tính cách chiến lược, thực hiện dự án với vốn đầu tư 650 triệu USD tại Việt Nam để sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng tiếp đó sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng như tivi, máy điều hóa nhiệt độ, máy giặt …

Tổng vốn đăng ký của Samsung tính đến 2020 là 17 tỷ USD đã được giải ngân hết, có 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM, tạo việc làm cho 136,700 lao động với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/ tháng (478 USD), trong đó có hàng vạn kỹ sư, cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế, chưa tính hơn 12 vạn lao động tại các xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho Samsung và hàng vạn người làm dịch vụ cho thuê nhà, ăn uống, giải trí, phục vụ sinh hoạt. Samsung còn được sự phối hợp của chính phủ Việt Nam trong việc xây chung cư rẻ tiền cho nhân công Việt Nam.

Báo cáo tài chính của Samsung Electronics năm 2019 công bố doanh thu toàn cầu xấp xỉ 198 tỷ USD và lợi nhuận 23.46 tỷ USD. Trong đó tổng doanh thu của các nhà máy tại Việt Nam đóng góp gần 70 tỷ USD – tăng 3.9% so với năm 2018, chủ yếu từ hai khu sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên tổng lợi nhuận khoảng 4.5 tỉ USD.

Tập đoàn Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hàng điện tử mới trên thế giới trong suốt một thập kỷ qua. Sự góp mặt của Samsung cũng đã biến Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng điện tử hàng đầu thế giới, nổi bật là nhóm điện thoại – linh kiện và máy vi tính – sản phẩm điện tử – linh kiện. Tổng tỷ trọng của nhóm này hiện chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Samsung Thái Nguyên, Samsung Bắc Ninh và nhiều nhà máy Samsung khác rải rác khắp Việt Nam đang sản xuất khoảng 1/3 lượng điện thoại di động toàn thế giới. Năm ngoái, 4 đơn vị lớn của Samsung gồm: Samsung Thái Nguyên, Samsung Electronics Việt Nam (SEVT: Thái Nguyên), Samsung Display Việt Nam (Bắc Ninh) và Samsung HCMC CE Complex đạt tổng doanh thu trên 1.5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 66 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Tuy nhiên, con số doanh thu này chỉ là doanh thu trực tiếp do Samsung tạo ra tại Việt Nam. Khoản đầu tư quá lớn biến Samsung trở thành một khách hàng quan trọng của Việt Nam, cũng tương tự như vai trò của Việt Nam với Samsung. Các công ty con tại Việt Nam tạo ra doanh thu 58 tỷ USD trong năm 2017, biến Samsung Việt Nam thành doanh nghiệp quy mô nhất nước, vượt qua Petro Việt Nam. 

Với Samsung, Việt Nam cho thấy những điểm thu hút hơn so với Trung Quốc. Nhân công trẻ, giá rẻ và đông đảo. Trước đây Trung Quốc cũng vậy, nhưng độ tuổi lao động bình quân tại quốc gia này đã tăng trung bình 7 tuổi trong những năm qua, và giá nhân công đắt gấp 2 lần so với Việt Nam.

Samsung tại Việt Nam

Dưới đây là những điều mới nhất mà Samsung mang lại cho xã hội Việt Nam:

  • Mức sống của nhân viên: Lấy ví dụ là lương công nhân Samsung tại Bắc Giang là 478 USD kể cả những phụ cấp thì trung bình một tháng của nhân công Trung Quốc khoảng 3,962 NDT (600 USD) chưa kể các phụ cấp khác. Như vậy, một gia đình 2 vợ chồng làm nhân công tại Việt Nam là $956 USD. Một gia đình mới khởi nghiệp tại Hoa Kỳ với lương căn bản $15/giờ x 2 x 40 giờ x 4 tuần = $ 4,800/tháng. Nếu tính theo PPP thì lấy ví dụ một tô hủ tiếu tại Việt Nam là $30,000 – $50,000 đồng ($ 1.3 – $ 2.2) trong khi đó tại quận Cam, một tô hủ tiếu từ $ 7 – $11 USD thì sinh hoạt tại Hoa Kỳ cao gấp 5 lần tại Việt Nam. Như vậy, khả năng mua sắm tại Việt Nam là $956 x 5 = $4,780 USD thì cũng tương đương với mức sống tại Hoa Kỳ. Giá bán một căn chung cư với sự trợ giúp của chính phủ tại Bắc Giang là khoảng 350 triệu đồng (15,000 USD) nằm trong khả năng của 1 cặp vợ chồng trẻ với sự giúp đỡ của gia đình.
  • Sự đổi đời của 2 tỉnh Bắc Giang – Tuyên Quang: Cách đây chưa lâu, tỉnh Bắc Giang còn là một khu vực nghèo nhất của Việt Nam, chủ yếu sản xuất gạo, quả vải và gà đồi. Đó là trước khi chuỗi cung ứng của ngành công nghệ toàn cầu bắt đầu đảo hướng. Trong thời hậu chiến tranh, Việt Nam mở cửa biên giới chào đón nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy hoạt động thương mại. Vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh này mới chỉ đạt 650 USD/năm, bằng một nửa mức trung bình toàn quốc. Hiện nay, Bắc Giang đang tận hưởng thời kỳ bùng nổ đầu tiên, với thu nhập bình quân đầu người được dự báo đạt 3,000 USD trong năm 2020. Hiện nay, các quan chức tại vùng nông thôn phía Bắc Hà Nội này thường xuyên tiếp những đại diện của những công ty công nghệ lớn như Apple hay Hon Hai Precision (còn gọi là Foxconn). Vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang gần như tăng gấp đôi hàng năm – ngay cả trong đại dịch Covid-19 – và tỉnh dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm nay, tăng gấp 10 lần so với cách đây 6 năm. Người dân của tỉnh đổi những chiếc xe máy đầy vết bẩn sang những chiếc xe mới cóng, một số thậm chí lái xe SUV Toyota hay chiếc sedan hiệu Mercedes trên những con đường mới.

Khu chung cư Vincity dành cho công nhân

  • Các nhà cung ứng nội địa: Không chỉ trực tiếp đóng góp, sự xuất hiện của các Tập đoàn điện tử lớn như Samsung kéo theo hệ sinh thái đồ sộ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà cung cấp (vendor) cũng lũ lượt đến Việt Nam mở nhà máy nhằm rút ngắn khoảng cách chuỗi cung ứng, cũng như tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, thị trường tiềm năng và những ưu đãi mà Chính phủ đem lại … Trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% các giao dịch của Samsung Electronics, 28 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là đều là các doanh nghiệp vốn nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…), phần lớn có quan hệ đối tác lâu năm với Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc – nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.
  • Nấu ăn cho Samsung: Ba doanh nghiệp cung cấp suất ăn chính cho các nhà máy của Samsung Việt Nam là Welstory Việt Nam, Foseca Việt Nam và Tristar Catering đều đạt doanh thu nghìn tỷ mỗi năm, lớn nhất thuộc về Welstory xấp xỉ 2,000 tỷ (86 triệu USD). Dù rằng lợi nhuận không cao so với các ngành nghề khác nhưng lãnh vực này đem lại sự hài hòa cho xã hội.

Một phòng ăn của Samsung

  • Đổ rác cho Samsung: Với quy mô quá lớn của tổ hợp Samsung, việc cung ứng được một sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh cho tập đoàn điện tử Hàn Quốc này có thể mang đến cơ hội đổi đời cho bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào. Trong khi DN Việt Nam có rất ít cơ hội để chen chân vào chuỗi giá trị của Samsung trong lĩnh vực sản xuất điện tử và linh kiện thì các dịch vụ sau lại lên ngôi: Dịch vụ y tế khám chữa bệnh, cung ứng bao bì, logistics, xử lý chất thải … Trong đó, hoạt động xử lý chất thải cho Samsung dường như là lĩnh vực màu mỡ nhất. Mới đây, số liệu tài chính của công ty CP Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành Environment) – một trong những công ty xử lý rác thải công nghiệp lớn nhất miền Bắc, là đối tác lớn giúp Samsung “đổ rác” ở hai khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Thái Nguyên – đã minh chứng cho điều này. Cụ thể, năm 2017, doanh thu là 1,200 tỷ đồng, lợi nhuận 379 tỷ đồng (17 triệu USD). Nghĩa là, cứ thu về 10 đồng thì có thể bỏ túi 3 – 4 đồng lãi ròng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu như vậy là quá “béo bở” so với nhiều ngành nghề đang gặp khó hiện nay.

Kho rác trung tâm của Samsung

  • Công nghiệp phụ trợ: Mãi cho đến năm 2014 mới có 4 doanh nghiệp trở thành vendor cấp 1 của Samsung. Tỷ lệ nội địa hóa khi đó đạt 35%. Tính đến cuối năm 2017, số doanh nghiệp là vendor cấp 1 của Samsung đã là 29, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 57%. Theo kế hoạch của Công ty, năm 2020 Samsung sẽ có 50 doanh nghiệp Việt Nam là vendor cấp 1. Tính đến nay, hệ thống vendor của Samsung tại Việt Nam đã có tới hơn 200 doanh nghiệp (bao gồm cả vendor cấp 1 và vendor cấp 2) cung ứng các linh kiện nhựa, khuôn mẫu, in ấn, v.v…trải dài từ Bắc tới Nam. Bước tiến này là kết quả của việc Samsung tham gia vào Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Rõ ràng, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung cho thấy Samsung đã và đang mang lại hàng trăm ngàn việc làm gián tiếp bên cạnh 160,000 việc làm trực tiếp tại Công ty.

Nhà máy công ty nhựa An Phú sau khi áp dụng mô hình quản lý vệ sinh công nghiệp 5S

  • Trung tâm Nghiên cứu và phát triển: Đầu năm 2020, Samsung Việt Nam đã bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội. Trung tâm có tổng diện tích xây dựng là 11,603 m2 và diện tích sàn là 79,511m2. Tòa nhà được thiết kế với 16 tầng nổi, 3 tầng hầm và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022 với dự trù có 1,600 kỹ sư trẻ của Việt Nam làm việc trong điều kiện công nghệ hiện đại, phương thức nghiên cứu tiên tiến và môi trường làm việc văn minh. Samsung cho biết đây là trung tâm đầu tiên được tập đoàn này xây dựng ở nước ngoài nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển, cũng là trung tâm R&D được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Thông qua xây dựng trung tâm này, Samsung kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G … tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trung tâm R &D của Samsung tại Hà Nội

Một tin mới nhất là nhằm giảm chi phí, Samsung được cho là sẽ thuê đối tác Trung Quốc đảm nhiệm hoàn toàn việc thiết kế, sản xuất 60 triệu smartphone giá rẻ năm 2020. Đối tác này là Wingtech, một ODM – nhà thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng. Samsung đã đóng cửa các nhà máy của họ ở Trung Quốc tháng trước. Hợp tác với Wingtech sẽ giúp Samsung giảm chi phí sản xuất các thiết bị giá rẻ, trong đó có một số phiên bản thuộc dòng Galaxy A, từ đó hạ giá bán lẻ của sản phẩm tại những khu vực như Ấn Độ – thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới. Dự kiến, 20% trong số 300 triệu smartphone xuất xưởng năm 2020 của hãng Hàn Quốc sẽ do Wingtech chịu trách nhiệm sản xuất và sẽ được Samsung phân phối tại các thị trường như Đông Nam Á và Nam Mỹ. ODM khác với OEM. OEM (Original Equipment Manufacturing – nhà sản xuất thiết bị gốc) nhận hợp đồng từ đối tác, làm theo y hệt và không được thay đổi dù là chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ, Foxconn là OEM của Apple. Foxconn đảm nhiệm sản xuất, lắp ráp iPhone, còn Apple làm chủ về thiết kế, cấu hình, tính năng… Trong khi đó, nếu một công ty muốn có sản phẩm “ăn liền” để bán ngay, họ tìm đến ODM (Original Design Manufacturer – sản xuất thiết kế gốc). ODM nghiên cứu, thiết kế và sản xuất nhưng không bán thiết bị dưới thương hiệu của mình. Họ lập danh sách sản phẩm mẫu cho khách hàng lựa chọn, tùy chỉnh và đóng logo, nhờ đó các hãng điện thoại có thể tung ra hàng loạt smartphone mới một cách nhanh chóng với giá rẻ. Wingtech và các ODM khác đang chế tạo theo đơn đặt hàng cho nhiều thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Huawei, Xiaomi và Oppo. 

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại chiến lược của Samsung tiềm ẩn rủi ro như mất kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tự làm suy yếu năng lực sản xuất và có nguy cơ lệ thuộc nhiều hơn vào các đối tác ODM. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc cũng không có nhiều lựa chọn khi mà lợi nhuận từ phân khúc smartphone bình dân ngày càng thấp. “Đây là đối sách bất đắc dĩ, chứ không phải chiến lược hoàn hảo”, nguồn tin của Reuters nhận định. “Vấn đề cốt lõi là Samsung phải cắt giảm chi phí để duy trì khả năng cạnh tranh với Huawei và các nhà sản xuất smartphone khác từ Trung Quốc”, một chuyên gia nhận định. Các công ty Hàn Quốc khác như LG cũng đã chấp nhận thuê ODM sản xuất smartphone từ bình dân đến trung cấp. “Ngành công nghiệp smartphone đang hướng tới cuộc chiến về chi phí. Đây là một trò chơi sinh tồn”, Kim Young Serk, Giáo sư tại Đại học Sungkyunkwan, phát biểu.

CHIẾN LƯỢC CỦA APPLE

Apple là công ty độc nhất trên thế giới với chiến lược không có các cơ sở sản xuất. Apple hợp tác với 2 công ty của Đài Loan là Foxconn, Petragon và Luxshare của Trung Quốc trong lãnh vực lắp ráp và cung cấp linh kiện. Các hảng này bắt đầu thiết lập các nhà máy tại Quảng Đông của Trung Quốc từ năm 1998, lợi dụng giá nhân công rẻ mạt tại Trung Quốc cũng như thị trường với 1.4 tỷ dân. Apple vẫn duy trì độc quyền bộ xử lý Snapdragon CPU là thiết kế của riêng Qualcomm cũng như hệ thống điều hành Android của Google.

Hoa Kỳ và Đài Loan biết rằng sự hợp tác với Trung Quốc chỉ có tính cách giai đoạn. Dù sao, Hoa Kỳ vẫn có lời khi tận dụng được nhân công giá rẻ tại Trung Quốc trong hơn 10 năm nhưng chuyện bán điện thoại cấp cao của Apple cho thị trường Trung Quốc đã không xảy ra.  Trung Quốc là vua đánh cắp và sao chép công nghệ nên chỉ hơn vài năm là các công ty nội địa Huawei, Oppp, Xaomi đã bắt đầu sản xuất được điện thoại giá rẻ. Thương chiến Mỹ – Trung chính thức xảy ra năm 2019 và chính phủ Hoa Kỳ cấm các công ty Qualcomm và Google cung cấp bộ xử lý Snapdragon CPU là thiết kế của riêng Qualcomm cũng như hệ thống điều hành Android của Google. Trung Quốc đã dự trù được điều này và lập tức có cơ phận nội địa thay thế nhưng về phẩm chất thì không thể nào so sánh với sản phẩm của Mỹ.

Thật sự, Apple cũng đã tiên liệu được mối liên hệ với Trung Quốc và năm 2020 đã quyết định di chuyển 15 – 30% các điện thoại sản xuất tại Quảng Đông ra khỏi Trung Quốc. Từ tháng 3 năm 2007, Tập đoàn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh của Việt Nam. Sản phẩm đa dạng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến máy tính, công nghệ thông tin, hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện ô tô, thiết bị bán dẫn và công nghệ bảo vệ môi trường … Tháng 5 năm 2016, công ty con của Foxconn là FIH (Foxconn International Holdings) chính thức đàm phán thành công thương vụ mua lại nhà máy Nokia Việt Nam thuộc sở hữu của Microsoft được đặt tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP, Bắc Ninh), nằm trên diện tích rộng 65,400 m² với tổng vốn đầu tư 302 triệu USD. Với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất về Việt Nam, thời gian tới số công nhân làm việc cho Foxconn sẽ tăng lên nhanh chóng.

Giá trị xuất khẩu các nhà máy của “đại bàng” Foxconn tại Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 3 tỷ USD, dự kiến tăng lên 6 tỉ USD trong năm 2020. Tập đoàn này đang sử dụng khoảng 50,000 lao động Việt Nam, với mức lương chi trả người lao động bình quân từ 10,000,000 – 12,000,000 đồng/tháng (450 – 520 USD).

Thông qua chính quyền địa phương và các công ty con, Foxconn đang đề xuất đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội để tạo lập chỗ ở cho công nhân. Cụ thể là dự án nhà ở xã hội Golden Park tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh do Công ty TNHH MTV công trình Kim Xương Trí đầu tư, quy mô sử dụng đất 6.3 ha, vốn đầu tư khoảng 2,900 tỷ đồng (tương đương 125.8 triệu USD). Dự án nhà ở xã hội Vân Trung, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang do Công ty TNHH Fugiang đầu tư, quy mô sử dụng đất 16.7 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3,400 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD). Và dự án công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town, do Công ty TNHH Fuchuan đầu tư gần KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, rộng 9.9 ha, vốn đầu tư hơn 1,000 tỉ đồng (gần 50 triệu USD). Cả 3 dự án nhà ở xã hội này đều gắn với 3 KCN mà các công ty con của Foxconn đã rót vốn đầu tư, đó là KCN Quế Võ, KCN Vân Trung và KCN Bình Xuyên.

Nhà xã hội cho công nhân ở Bắc Ninh

Tháng 11/2020, theo yêu cầu của Apple, Foxconn chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad, MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam để giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Hãng chế tạo linh kiện điện tử của Đài Loan Foxconn có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với khoảng 270 triệu USD tiền đầu tư, theo tạp chí Nikkei Asia ngày 25/11. Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook của Apple tại nhà máy của mình ở tỉnh Bắc Giang để đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021. Nguồn tin của Reuters cho biết, các dây chuyền cũng sẽ nhận chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc mà không giải thích rõ sản lượng sẽ thay đổi như thế nào. “Động thái này đã được Apple yêu cầu“, người này nói. “Hãng muốn đa dạng hóa sản xuất sau cuộc chiến thương mại”.

Trong năm 2021, nhà máy Foxconn tại Quảng Ninh sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo. Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn nhất của Foxconn ở Đông Nam Á và công suất ở Việt Nam thậm chí lớn hơn ở Ấn Độ.

CHIÊN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC

Sự xuất hiện của những vùng sản xuất chi phí rẻ hơn ở Đông Nam Á như Việt Nam đã đẩy các nhà máy ở tỉnh Quảng Đông trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: một là thay đổi hai là di dời đến nơi khác. Luxshare ICT, có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc, được thành lập vào năm 2004. Người sáng lập công ty này là bà Grace Wang, một trong những nhân viên đầu tiên của Foxconn tại Trung Quốc. Dù tuổi đời ít hơn nhiều so với Foxconn, Luxshare đã phát triển từ một nhà sản xuất linh kiện nhỏ thành một công ty lớn phục vụ nhiều khách hàng quốc tế bao gồm những “ông lớn” như Apple, Huawei, Oppo, Vivo và Tesla …

Luxshare ICT đang nổi lên là một đối tác quan trọng của Apple trong việc dịch chuyển hoạt động lắp ráp iPhone ở bên ngoài Trung Quốc, nhất là tại Việt Nam. Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam là công ty con thuộc Tập đoàn Luxshare-ICT Precision. Nhà máy của công ty này tại Việt Yên, Bắc Giang đi vào hoạt động từ tháng 7/2017. Ngoài 2 nhà máy tại Bắc Giang, công ty đang mở rộng nhà máy tại tỉnh này đồng thời xây dựng thêm nhà máy tại Nghệ An. Luxshare đang sử dụng nhà máy của mình tại Bắc Giang để sản xuất tai nghe không dây AirPods cho Apple. Hiện Luxshare đang tiến hành mở rộng cơ sở sản xuất tại đây để có thể xây dựng dây chuyền sản xuất iPhone. Công ty này được cho là đã đầu tư 270 triệu vào cơ sở sản xuất tại Bắc Giang và hiện đang có 28,000 công nhân, tuy nhiên, số lượng công nhân sẽ phải tăng lên 50,000 đến 60,000 nếu được Apple chấp thuận sản xuất iPhone tại đây. Năm 2019, doanh thu của công ty Luxshare ICT Vietnam đạt 7,355 tỷ đồng (330 triệu USD), gấp gần 5 lần so với năm 2018. Kết quả này vẫn khá khiêm tốn so với nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị/linh kiện điện tử khác đang hoạt động ở Việt Nam.

Tuy vậy quy mô của Luxshare ICT sẽ tăng đáng kể nếu như doanh nghiệp này tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất các thiết bị của Apple. Trong tương lai, hai cụm nhà máy Luxshare-ICT tại khu công nghiệp Bắc Giang và Nghệ An sẽ đáp ứng cho nhu cầu chuyển 30% dây chuyền sản xuất tai nghe Airpod sang Việt Nam của Apple.

Những ngày gần đây hàng chục nghìn người khắp miền Bắc đổ về công ty Luxshare ITC (Đài Loan) trên địa bàn huyện Việt Yên, Bắc Giang để đăng ký tìm việc ngay sau khi công ty đối tác làm Airpods của Apple này đăng tuyển hàng trăm nhân sự. Đây được xem là những dấu hiệu mới nhất chứng minh cho dự đoán của Nikkei Asian Review đưa ra vào đầu tháng 5 vừa qua. Theo trang này, khoảng 30%, tương đương 3 – 4 triệu chiếc AirPods sẽ được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải ở Trung Quốc như thường lệ. Việc hãng công nghệ lớn nhất nhì thế giới như Apple đổ về Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc sẽ là một cú hích lớn để các tập đoàn khác đổ về đây, đương nhiên là các công ty vệ tinh của Apple.

Luxshare ICT tại Bắc Giang

Luxshare là công ty của Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam mà đối tác lại là Apple của Hoa Kỳ nên sự liên hệ có nhiều tế nhị. Ngày 11/9/2020, khoảng 5,000 công nhân của Luxshare – ICT Việt Nam đã ngừng việc tập thể để kiến nghị một số nội dung với chủ sử dụng lao động. Công ty cuối cùng đã ban hành thông báo để giải quyết các kiến nghị của người lao động. Hy vọng Hoa Kỳ sẽ là một nhân tố để giúp giải quyết các mâu thuẩn Việt – Trung trong khá nhiều phương diện. Một tin khác là đại diện của Apple đã đến thăm nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) vào mùa hè 2020, nhằm kiểm tra cơ sở vật chất và khả năng lắp ráp iPhone tại nhà máy này. Ông Tang Due Bang, Tổng giám đốc Luxshare tại Việt Nam cho biết: “Phía Apple liên tục khảo sát xưởng Luxshare tại Bắc Giang về điều kiện sản xuất iPhone. Đại diện phía Tập đoàn Apple rất ấn tượng về tốc độ xây dựng cơ sở nhanh của chúng tôi tại đây. Đồng thời, đánh giá cao tiềm năng làm việc chăm chỉ của công nhân Việt Nam”. Nhà máy rộng 30 ha được xây dựng trong 5 tháng sau khi Apple yêu cầu mở rộng sản xuất và khẳng định rằng nhà máy sản xuất của Luxshare tại khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang đã được kiểm tra, đảm bảo đúng quy mô, có đủ cơ sở vật chất và vốn đầu tư để bắt đầu lắp ráp iPhone. Tuy nhiên, theo Apple Insider, một phần nhà máy của Luxshare tại Bắc Giang vẫn chưa đạt đủ yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan tới khu ký túc xá của công nhân ở bên cạnh. Báo cáo không nói rõ những yêu cầu nào Luxshare chưa đáp ứng được, nhưng cho biết có thể vì những điều này mà Apple hiện đang tạm dừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam. Được biết, Luxshare cũng đang mở rộng quy mô, với hai lô đất bên ngoài khu công nghiệp đã được chính quyền địa phương chấp thuận cho xây dựng, để xây thêm ký túc xá cho công nhân.

 

Cư xá Luxshare ICT tại Bắc Giang

 CHIÊN LƯỢC CỦA VIỆT NAM

Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart là một công ty sản xuất và phân phối các thiết bị viễn thông trực thuộc tập đoàn Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng thành lập ngày 12/6/2018. VinSmart sử dụng bản quyền sở hữu trí tuệ từ BQ, một công ty sản xuất thiết bị truyền thông thành lập năm 2010 tại Tây Ban Nha.

Ngày 12 tháng 6 năm 2018, ông Phạm Nhật Vượng ra công văn công bố thành lập công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart với vốn điều lệ ban đầu là 3 nghìn tỷ đồng (134 triệu USD) trong đó VinGroup góp 80%, trụ sở tại  Hà Nội. Ngày 14 tháng 12 năm 2018, công ty công bố ra mắt 4 dòng sản phẩm điện thoại đầu tiên tại Landmark 81, gồm 2 sản phẩm thuộc dòng tầm thấp: VSmart Joy 1 & VSmart Joy 1+ và 2 sản phẩm thuộc dòng tầm trung: VSmart Active 1 & VSmart Active 1+ chạy hệ điều hành VOS 1.0. Năm 2019, VinSmart bắt đầu bán Vsmart tại Tây Ban Nha, Myanmar và Nga Sô.

Ngày 28/6/2019, VinSmart tuyên bố đã thỏa thuận với Công ty Công nghệ Kết nối thuộc tập đoàn Fujitsu, mảng cung cấp cảm biến hình ảnh (Camera) của Sony, bộ xử lý Snapdragon CPU của Quakcomm và hệ thống điều hành Android của Google. Ngày 4/5/2020, VinSmart ký kết thỏa thuận với Pininfarina của Ý về việc thiết kế điện thoại thông minh dự kiến ra mắt 2020. Ngày 2/7/2020, VinSmart ra mắt phiên bản hệ điều hành kế tiếp mang tên VOS 3.0 (dựa trên Android 10). VOS 3.0 có thể được xem là một “hệ điều hành” so với các phiên bản tiền nhiệm (các phiên bản trước không có hoặc ít tùy biến). Hệ điều hành mới đạt được chứng chỉ Play Protect do Google cấp phép. Ngày 6 tháng 7 năm 2020, VinSmart công bố ra mắt điện thoại 5G đầu tiên mang tên Vsmart Aris 5G. Ngày 10 và 31 tháng 8, VinSmart công bố điện thoại Vsmart Aris 5G Pro có camera ẩn dưới màn hình.

Để thực hiện ước mơ trở thành công ty công nghệ đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam và trong khu vực, Vingroup đã mở rộng chiến lược trong việc phát triển sản xuất công nghiệp, rót vốn 3,000 tỷ đồng (135 triệu USD) để thành lập công ty VinSmart, quy mô 10,000 m² trên diện tích đất 335 ha, là nơi ra đời sản phẩm chào sân đầu tiên: điện thoại di động thông minh trang bị những tính năng ưu việt. Nhà máy được khởi công từ tháng 8/2018, 2 tháng sau đã được chạy thử nghiệm, và hoàn thành việc lắp đặt và chạy sản xuất hàng loạt vào tháng 11/2018. Nhìn chung, tốc độ thực hiện của Vingroup khá nhanh và rất đáng kinh ngạc trong điều kiện là nhà máy sử dụng công nghệ cao trong việc sản xuất smartphone đầu tiên, là bước khởi đầu thuận lợi trong hành trình chinh phục thế giới của VinSmart. Nhà máy còn có những dây chuyền sản xuất công nghệ cao: 6 dây chuyền lắp ráp và đóng gói sản phẩm và 6 dây chuyền hoạt động tự động gồm: 3 dây chuyền tự động gắn và hàn linh kiện điện tử, 3 dây chuyền hiệu chỉnh và đo kiểm bản mạch. Với tổng công suất là 25 triệu sản phẩm/năm, Vingroup đang dần hoàn thiện trong việc đào tạo những nhân công lành nghề, hiểu rõ quy trình và hướng tới tương lai vươn lên mạnh mẽ. Nhà máy Vinsmart Hải Phòng vừa mới hoạt động chưa đầy 1 năm thì giữa tháng 6/2019, Vinfast lại quyết định xây nhà máy thứ 2 tại Hòa Lạc – Hà Nội với diện tích gần 14.8 ha, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm. Trong đó, giai đoạn 1 của nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 4.8 hecta với mặt bằng khu sản xuất là 45,200 m², quy hoạch thành các phân khu sản xuất bảng mạch điện tử, sản xuất điện thoại cùng hệ thống các Viện Nghiên cứu độc lập. Chỉ 3 tháng sau, mọi thứ đã hoàn thành và đi vào sản xuất hàng loạt. Mới đây, ngày 23/11/2019, Vsmart tiếp tục đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Tổ hợp nhà máy sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh có quy mô và mức độ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Vinsmart được hổ trợ bởi Trung tâm phát triển thiết bị di động (Viện Nghiên cứu Thiết bị di động, trực thuộc VinSmart) gồm có 4 trung tâm với hơn 500 kỹ sư. Trung tâm được hỗ trợ với 22 chuyên gia nước ngoài, đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (phần cứng), Ấn Độ (phần mềm) … Nếu xét về quy mô của một doanh nghiệp Việt “chân ướt chân ráo” bước vào cuộc chơi sản xuất hàng công nghệ, đây là lực lượng hùng hậu và là nguồn tài sản có giá trị lớn nhất của Vingroup. Đặc biệt, VinSmart đã mời các đối tác từ Mỹ, châu Âu, Nga đánh giá toàn diện về tiêu chuẩn của nhà máy, từ dây chuyền thiết bị, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, hệ thống quản lý công nghệ thông tin.

Nhà máy Vinsmart tại Hòa Lạc – Hà Nội

Giữa năm 2020, VinSmart được một nhà mạng Mỹ đặt hàng gần 2 triệu smartphone. Lô hàng đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ gắn thương hiệu của đối tác. Chiều 8/10, trong một buổi họp báo, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinSmart tiết lộ công ty đang sản xuất điện thoại cho một nhà mạng lớn tại Mỹ, tuy nhiên, hãng chỉ gia công – đóng vai trò là một OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc). Lô hàng đầu tiên đã xuất khẩu đi Mỹ vào tháng 9/2020. “Đây là bước tiến quan trọng giúp chúng tôi hiểu rõ thị trường Mỹ, cách làm việc cũng như nhu cầu sản phẩm của họ, để tương lai đem điện thoại thương hiệu Vsmart đến đây”, bà Thủy nói. Người đứng đầu VinSmart cũng chia sẻ đối tác tại Mỹ có quy trình làm việc rất nghiêm ngặt. Dù đã cử đội giám sát theo dõi 24/24 tại nhà máy VinSmart, các sản phẩm vẫn trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng khi tới Mỹ. Hợp đồng gia công này được VinSmart ký gần một năm trước. Lô hàng gồm 4 dòng điện thoại khác nhau, đều hỗ trợ kết nối 4G. Số lượng đặt hàng cụ thể tùy thuộc vào từng giai đoạn, nhưng dự kiến khoảng 1.5 đến 2 triệu chiếc. Do vậy, Công ty không chỉ sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Vsmart mà còn hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng các đơn đặt hàng trên toàn cầu. Vinsmart có đủ khả năng để trở thành OEM cho Samsung và Apple như Wingtech của Trung Quốc. Trong nhiều khía cạnh, Vinsmart có đủ khả năng cung cấp điện thoại cấp trung và cao thay vì điện thoại giá rẻ.

Từ tháng 1/2021 đến nay, đã có 3 mẫu điện thoại mang ID V340U, V341U và V350U do nhà sản xuất VinSmart chính thức lên kệ của nhà mạng AT&T tại Hoa Kỳ. Mặc dù xuất hiện dưới tên do AT&T đặt nhưng thông qua các hình ảnh và thông số 3 mẫu điện thoại được công khai trên trang thương mại điện tử chính thức của nhà mạng này, có thể nhận ra Fusion Z chính là V340U, Motivate là V341U và Maestro Plus là V350U. Đặc biệt, nếu soi kỹ, khách hàng sẽ dễ dàng tra cứu sản phẩm thông qua ID này trên tất cả các website cấp chứng chỉ uy tín tại thị trường Mỹ do thông lệ của AT&T là tất cả những mẫu điện thoại đều được gắn với ID của nhà sản xuất. Giá bán của cả 3 mẫu điện thoại này lần lượt là 89 USD, 49 USD và 40 USD, trong đó bao gồm gói cước ưu đã trả trước từ nhà mạng AT&T và chế độ bảo hành hai năm. Đáng chú ý, trong danh sách mà FCC công bố, xuất hiện mẫu điện thoại mang mã ID V740S. So sánh về thông số kỹ thuât, V740S chính là mẫu điện thoại Vsmart Aris. Như vậy, việc đại diện VinSmart từng tiết lộ sẽ mang các sản phẩm uy tín, chất lượng tốt nhất đến Mỹ, dự kiến bao gồm bộ đôi Vsmart Aris và Vsmart Aris Pro là hoàn toàn chính xác. Điều cần để ý là tại Mỹ, đa số người dùng sẽ đến những cửa hàng của nhà mạng để mua điện thoại. Chính mô hình này đã khiến cho nhà mạng tại Mỹ nắm quyền lực rất lớn. Không có các nhà mạng Mỹ hỗ trợ, các nhà sản xuất sẽ không thể bán được điện thoại. Điều này xảy ra ngay cả với những cái tên “sừng sỏ” trên thị trường quốc tế như Samsung. Thế nhưng tại Mỹ, Samsung vẫn phải chiều lòng các nhà mạng tại đây. Với mỗi một nhà mạng Mỹ là AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint; Samsung lại phải tạo ra một phiên bản khác biệt của Galaxy S. Với một thương hiệu smartphone còn non trẻ và khao khát được nhiều người dùng thế giới biết đến như Vsmart, rõ ràng, việc bị các nhà mạng Mỹ “gạch tên” là một điều thông thường. Biết đâu có một ngày Vsmart lại được như Samsung.

Vinsmart phones dưới dãn hiệu AT&T

Chiến lược tiếp thị của Vinsmart: Vsmart đã thiết lập lại bản đồ smartphone tại Việt Nam như thế nào?  Làm thế nào một hãng smartphone Việt lại chễm chệ leo lên chiếm vị trí số 3 về thị phần của thị trường smartphone Việt Nam chỉ sau 2 năm ra mắt? Ngày 12/6/2018, Vingroup khiến cả Việt Nam sửng sốt khi tuyên bố thành lập Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất Vinsmart, tiến sâu vào thị trường sản xuất và phân phối thiết bị điện tử viễn thông. Vsmart công bố 6 dòng smartphone ở tất cả các phân khúc từ cơ bản đến siêu cao cấp, đồng thời ra mắt 4 mẫu Joy 1, Joy 1+, Active 1, Active 1+ thuộc hai phân khúc phổ thông và trung cấp với giá từ $100 – $200 USD. Vào tháng 10/2020, hai loại điện thoại cao cấp Vsmart Aris và sau đó là Vsmart Aris Pro ra đời với giá khoảng $400 USD. Chiến lược của Vinsmart: “Giá cả dễ mua, dễ dùng, hậu mãi tốt là ưu thế để smartphone Vsmart cạnh tranh trên thị trường”. Vsmart mang lại cảm giác an tâm về chất lượng sản phẩm, với độ phủ rộng và tin cậy cao.

Khi mới ra mắt vào tháng 6/2018, số lượng máy bán ra chỉ chiếm 3% thị trường, con số rất nhỏ so với mục tiêu đặt ra. Công ty đã chiếm 6% thị phần vào cuối năm 2019, thấp hơn công ty dẫn đầu thị trường – Samsung ở mức 32%, cũng như theo sau các thương hiệu Trung Quốc như Oppo ở mức 23%, Vivo với 11% và Xiaomi ở mức 9%. Đến hết tuần đầu tiên của tháng 3/2020 thì thị phần Vsmart đã lên đến 16.7%. Tốc độ rất nhanh và những bước tiến vững chắc của Vsmart đã đưa thương hiệu này gia nhập nhóm 3 thương hiệu có thị phần trên 15%; đồng thời giữ vững ở khoảng cách xa so với nhóm thương hiệu còn lại.

Bên trong nhà máy Vsmart tại Hòa Lạc

KẾT LUẬN

Trong năm 2020, sau hơn 10 năm âm thầm chuẩn bị trong nỗ lực phát triển công nghệ, Việt Nam đã đạt được 2 thành quả rất đặc biệt. Đó là sự ra đời của 2 sản phẩm xe hơi Vinfast dùng công nghệ của BMW – Đức Quốc với thiết kế của Ý và điện thoại thông minh 5G phối hợp với Qualcomm, Google của Hoa Kỳ và Sony, Fujitsu của Nhật Bản. Ông Phạm Nhật Vượng, chủ nhân Vingroup dự trù bỏ ra 2 tỷ USD để xâm nhập thị trường Hoa Kỳ năm 2021. Điện thoại di động Vinsmart cũng đã trở thành OEM của nhà mạng di động AT&T của Hoa Kỳ với hợp đồng sản xuất đầu tiên 2 triệu máy. Apple cũng đã dự trù chuyển 20 – 30% điện thoại di động từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á mà phần lớn qua Việt Nam. Trong những năm sắp tới, nếu Việt Nam có thể tăng gấp đôi số lượng tập đoàn cấp quốc gia thì hy vọng có thể vượt qua các nước trong khu vực, đưa quốc gia thành một nước phát triển thay vì dậm chân tại chổ trong bẩy nhập trung bình.

THAM KHẢO

  1. Điện thoại thông minh – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
  2. Bài viết “Apple và Việt Nam” của tác giả đăng trên mạng tranhchapbiendong.net ngày 8/28/2019.
  3. VinSmart – Bách Khoa Toàn thư mở Wikipedia
  4. Bài viết “29 doanh nghiệp Việt là nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung” đăng trên mạng Samsung Newsroom Vietnam ngày 30/11/2017.
  5. Bài viết “Đạt doanh thu nghìn tỷ mỗi năm nhưng 3 doanh nghiệp bán cơm cho Samsung Việt Nam chỉ thu lãi ít ỏi” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 30/11/2020.
  6. Bài viết “Thuận Thành Environment bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng nhờ “đổ rác” cho Samsung” đăng trên mạng Người Đưa Tin ngày 24/11/2020.
  7. Bài viết “60 triệu smartphone Samsung sẽ do Trung Quốc sản xuất” đăng trên mạng VNE ngày 24/11/2020.
  8. Bài viết “Thành phố iPhone tại Trung Quốc” đăng trên mạng VNE ngày 7/7/2017.
  9. Bài viết “Ngày tàn của Quảng Đông, Trung Quốc – một thời lẫy lừng là công xưởng của thế giới” đăng trên mạng VNE ngày 15/6/2016.
  10. Bài viết “Bloomberg: Người dân Bắc Giang đổi đời nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu” đăng trên mạng ngày 30/11/2020.
  11. Bài viết “Foxconn tính chi hơn 325 triệu USD xây nhà ở công nhân tại 3 tỉnh ở Việt Nam” đăng trên mạng Người Đưa Tin ngày 30/6/2020.
  12. Bài viết “Foxconn chuyển dây chuyền sản xuất iPad và Macbook sang Việt Nam” đăng trên mạng VTC News ngày 29/11/2020.
  13. Bài viết “Apple tạm dừng kế hoạch sản xuất tại Việt Nam vì nhà máy chưa đáp ứng đủ yêu cầu cần thiết” đăng trên mạng Nhà đầu tư ngày 18/8/2020.
  14. Bài viết “Đối tác mà Apple muốn hợp tác lắp ráp Iphone tại Việt Nam là ai? đăng trên mạng Dân Việt ngày 23/8/2020.
  15. Bài viết “Nhà máy VinSmart Cát Hải Hải Phòng công suất 5tr máy Vsmart/năm” đăng trên mạng Vietnam Biz ngày 5/3/2020.
  16. Bài viết “VinSmart động thổ nhà máy sản xuất điện thoại công suất 125 triệu chiếc/năm tại Hòa Lạc” đăng trên mạng Vietnam Biz ngày 10/06/2019.
  17. So sánh Vsmart Joy 3 4GB và Samsung Galaxy A10s: Liệu thương hiệu non trẻ có cạnh tranh được ông lớn công nghệ?
  18. Bài viết “Samsung chi 220 triệu USD xây Trung tâm R&D lớn nhất ASEAN tại Hà Nội” đăng trên mạng Vietnam Biz ngày 2/3/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *