Kinh tế & Chính trị Việt Nam 2021

311 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Việt Nam báo cáo tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2.9%, tương đương với năm 2020. Đây là mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. GDP của các quốc gia ASEAN năm 2021 như sau:

Quốc gia GDP 2021
Việt Nam 2.9%
Campuchia –       3.1%
Malaysia –       5.6%
Indonesia –       2.1 %
Philippines –       9.6 %
Thailand –       6.1 %

Xác định 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, nhưng dự báo tình hình thách thức lớn hơn cơ hội, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội được đề ra cho năm 2022, Thủ tướng VN cho biết, mục tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là khoảng 6 – 6.5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.

RCEP, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực, được kỳ vọng giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có hiệu lực từ hôm 1/1/2022. RCEP là FTA lớn nhất thế giới khi đóng góp 30% GDP toàn cầu. RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 5 quốc gia khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiện Hoa Kỳ và Ấn Độ vẫn chưa gia nhập RCEP.

Tại diễn đàn bàn về phương án phục hồi kinh tế ngày 5/12/2021, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương cho biết, hai năm qua nếu không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam tăng 7%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 2.91% vào năm 2020 và dự kiến tăng 2.5% năm nay. Như vậy, kinh tế thiệt hại khoảng 160,000 tỷ đồng vào năm 2020 và 346,000 tỷ đồng năm 2021. “Tổng cộng hai năm qua, thiệt hại khoảng 507,000 tỷ đồng (tính theo giá năm 2010), còn theo giá hiện hành lên tới 847,000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD”, ông nêu.

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

  • Chính quyền của Tổng thống Biden tháng 2/2021 sắp đề cử một nhà ngoại giao tài giỏi mới ngoài 50 tuổi, từng làm việc ở Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm về châu Á, làm đại sứ Mỹ ở Việt Nam, các nguồn tin am hiểu ngành ngoại giao Mỹ mới cho VOA biết. Ông Marc Knapper, hiện là Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Hàn Quốc và Nhật Bản, được đội ngũ của ông Biden nhắm cho chức đại sứ Mỹ ở Hà Nội từ cách đây nửa năm, khi ông Biden còn đang trong giai đoạn tranh cử, các nguồn tin không muốn nêu danh tính nói với VOA.
  • Tỉnh Khánh Hòa vừa đề xuất Bộ Tài chính và được báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư, xây dựng khu du lịch và vui chơi tổng hợp có Casino tại đảo Hòn Tre – Nha Trang. Truyền thông Nhà nước vào ngày 3/3 cho biết dự án Casino Hòn Tre có tổng vốn đầu tư khoảng 50 ngàn tỷ đồng (2.24 tỷ USD). Trong đó, Công ty Cổ phần Vinpearl là nhà đầu tư với số vốn góp 7,500 tỷ đồng (chiếm 15%), 85% vốn sẽ được huy động từ các nguồn khác. Hồi tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dự án đầu tư Casino Cam Ranh với tổng số vốn hơn 46 ngàn tỷ đồng. Người dân địa phương ở Việt Nam muốn đến chơi ở casino phải được chứng minh trên 21 tuổi trở lên và có thu nhập tối thiểu 430 USD mỗi tháng. Báo trong nước cho biết 8 Casino ở Việt Nam đã đạt doanh thu hơn 108 triệu USD trong năm 2019.
  • Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 5/3 đã gửi thư cám ơn Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, vì đã nhanh chóng giải quyết vụ việc một số phụ nữ nước ngoài bị sàm sỡ. Tin cho biết, thư cảm ơn được ông Evan Tsurumi, Tùy viên an ninh Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội gửi tới Đại tá Mai Trọng Thắng, Trưởng Công an quận Tây Hồ. Trong thư có đoạn bày tỏ sự biết ơn Công an quận Tây Hồ và phường Quảng An đã luôn sẵn sàng cung cấp và hỗ trợ đảm bảo an ninh, an toàn cho các viên chức ngoại giao và công dân Hoa Kỳ sinh sống tại khu vực Tây Hồ.
  • Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink được Tổng thống Joe Biden đề cử giữ một chức vụ cao cấp trong Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà Trắng cho biết ngày 25/3, trong khi một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm về Châu Á dự kiến sẽ được đề cử kế nhiệm ông tại Hà Nội. Ông Kritenbrink, người giữ chức đại diện ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ tại Việt Nam từ năm 2017, là ứng viên Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, một vị trí lãnh đạo tại Cục Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương có nhiệm vụ cố vấn Ngoại trưởng và Thứ trưởng đặc trách Sự vụ Chính trị về các vấn đề trong khu vực này, cũng như phụ trách chính sách đối ngoại của Mỹ và quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực. Đề cử của ông Kritenbrink sẽ cần phải được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận. 

THAM NHŨNG TẠI VIỆT NAM

Trong năm 2021, nhiều người nghĩ rằng chỉ còn các vụ án tham nhũng ở cấp độ thấp hơn vì các vụ án lớn đã được khui ra trong năm 2020. Thật ra, hầu hết các vụ tham nhũng được khui ra trong năm 2020 đã xảy ra cách đây 10 -15 năm mà phần lớn liên quan đến nhà đất. Theo đó, thường trực BCĐ cho rằng công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng kể đến là đã hoàn thành xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (VN) diễn ra hôm 15/3. Tại vụ án này, cựu uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị tuyên 11 năm tù và phải bồi thường 200 tỷ đồng. Ngoài vụ án trên, một số vụ án trọng điểm khác cũng đã bị truy tố như Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 422 tỷ đồng; vụ án gây thất thoát lãng phí, tham ô 13 tỷ đồng xảy ra tại SAGRI liên quan đến em trai cựu Bí thư thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải và hàng loạt quan chức tại TPHCM; vụ án Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ buôn lậu xảy ra tại Công ty Nhật Cường liên quan đến cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung … Số liệu nêu ra tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam khi thảo luận báo cáo của chính phủ hôm 23/10/2021 cho thấy tổng số tiền ‘phải thu hồi’ từ các vụ án tham nhũng ở quốc gia này là 72 nghìn tỉ VND, tương đương 3.2 tỷ USD. Nhưng ngân sách nhà nước chỉ thu được 5% con số đó, bằng 176.5 triệu USD. Tạp chí Forbes hôm 13/3 đăng bài của cộng tác viên Tanvi Gupta dựa trên phúc trình về tình trạng tham nhũng ở Á châu của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đặt Việt Nam vào vị trí số hai trong danh sách 5 nước tham nhũng nhất châu lục, chỉ sau Ấn Độ:

1. Ấn Độ: tỷ lệ hối lộ 69%

2. Việt Nam: tỷ lệ hối lộ 65%

3. Thái Lan: 41%

4. Pakistan: 40%

5: Myanmar: 40%

Ngày 23/11/2021, chương trình đặt mục tiêu kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%, vừa được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký thay Thủ tướng.

Dân sự:

  • Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kỷ luật của đảng Cộng Sản Việt Nam, đề nghị kỷ luật Nguyên Bộ trưởng Y tế Việt Nam. Quyết định được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra vào ngày 4/11 theo đó Ủy ban này đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế. Thông báo của ban này mô tả điều họ gọi là “hàng loạt sai phạm tại Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021 khiến dẫn đến việc Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư. Cũng trong ngày 4/11 Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban Cán sự đảng, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan tới vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.
  • Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có vốn đầu tư 34,516 tỷ đồng (1.5 tỷ USD), do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140 km. Dự án được khởi công năm 2013 và từ tháng 9/2018 đã đưa vào sử dụng 65 km của giai đoạn 1. Trong quá trình thi công, cả chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát đã không thực hiện đúng quy định về pháp luật xây dựng, dẫn đến nhiều km đường vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện 380 điểm hư hỏng, gây bức xúc trong người dân. 35 người Việt và một người Nhật Bản đã bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố về tội “Vi phạm qui định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số 35 bị can người Việt bị đề nghị truy tố có các ông Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào – cùng giữ chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nguyên Chủ tịch hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Hoàng Việt Hưng – Giám đốc ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, và 32 người khác là cán bộ, kỹ sư tư vấn giám sát thuộc ban quản lý. Một bị can người Nhật Bản là Takao Inami – tư vấn trưởng, Giám đốc văn phòng tư vấn. Tháng 8/2020, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Mai Tuấn Anh, chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Điều đáng lo ngại là không ai dám chắc cao tốc này không tiếp tục hư hỏng trong thời gian tới, bởi trong quá trình đầu tư cao tốc này Tổng công ty VEC – chủ đầu tư – đã mất khả năng kiểm soát chất lượng dự án, khi để các nhà thầu tự chia nhỏ gói thầu, thuê thầu phụ trong nước không đủ năng lực làm dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm cao tốc 34.000 tỷ hư hỏng

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa mới nhiệm thu đã bị hư hỏng

  • Báo Thanh Niên được ghi nhận là tờ báo đầu tiên đăng bài về vụ bê bối đất đai của ông Trần Văn Nam, bí thư Tỉnh Ủy Bình Dương, sau khi ông này “không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc Hội” dù trúng cử. Báo Thanh Niên hôm 12/6/2021 cho hay, hồi năm 2012, ông Nam, thời điểm đó làm phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương, đã ký quyết định giao khu đất 43 hécta cho tổng công ty Sản Xuất, Xuất Nhập Khẩu Bình Dương theo hình thức liên doanh, góp vốn. Đây là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Văn Phòng Tỉnh Ủy Bình Dương. Tờ báo cho rằng hành vi của ông Nam “bất thường” vì chấp thuận đơn giá xác định “tiền sử dụng đất” chỉ 51,914 đồng ($2.3) thay vì 570,000 đồng ($25) cho mỗi mét vuông. Sự việc được báo Thanh Niên mô tả là “đất vàng giá bèo” và 43 ha đất sau đó bỗng “bay hơi.” Số tiền thất thoát theo ước lượng khoảng 5.5 triệu USD. Cũng trong vụ này, nguyên cục trưởng, cục phó và một lãnh đạo cấp phòng Cục Thuế tỉnh Bình Dương bị khởi tố, bắt giam để điều tra. Ngày 27/2, báo Tuổi Trẻ cho biết Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An đã khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nhà riêng ông Lê Văn Trang, cựu cục trưởng Cục Thuế Bình Dương; ông Võ Thanh Bình, cựu cục phó, và ông Nguyễn Thái Thanh, phó trưởng phòng Cục Thuế tỉnh Bình Dương, để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.”
  • Ngày 16/6, Cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ trong vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ. Ông Linh được xác định đã nhận hối lộ 16 tỷ đồng ($689,985) của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), cựu thượng tá an ninh, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty cổ phần Xây Dựng Bắc Nam 79, bị kết tội trong bốn vụ án và hiện đang thụ án 30 năm tù với các cáo buộc “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Trước đó hôm 15 Tháng Sáu, ông Linh đã bị khởi tố, nhưng Bộ Công An chỉ thông báo ông Linh có “một số vi phạm pháp luật,” và không nêu cụ thể. Được biết, ông Linh là con trai ông Nguyễn Văn Hưởng, cựu thứ trưởng Công An CSVN, dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nguyễn Văn Hưởng cũng đang bị Bộ Công An cáo buộc nhận hối lộ hàng triệu đô la từ ông Vũ “nhôm”.
  • Cũng Thông cáo ngày 30/9 của UBKT Trung ương nêu ra các vụ kỷ luật khác, trong đó đáng quan tâm nhất là liên quan Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 – 2021 Trần Tuấn Anh. Từ sau Đại hội 13 năm 2021, ông Trần Tuấn Anh đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
  • Vừa qua, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của tình hình dịch bệnh COVID-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tại các địa phương trong cả nước, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã có dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan, vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi. Hôm 17/12/2021, Bộ Công an Việt Nam bắt giữ Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt và Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến. Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt, doanh nghiệp này đã chi gần 800 tỷ đồng (35 triệu USD) tiền “hoa hồng” cho các “đối tác” trên khắp Việt Nam để nâng giá bộ xét nghiệm Covid lên khoảng 45%. Từ việc nâng giá bộ xét nghiệm lên khoảng 45% để cung ứng cho các cơ sở y tế trên 62 tỉnh thành, Việt Á đã thu lợi trên 500 tỷ đồng (22 triệu USD). Người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố 19 bị can trong vụ án xảy ra tại công ty Việt Á và các đơn vị có liên quan. Tính đến nay đã có một số quan chức Bộ Y Tế và 4 giám đốc CDC các tỉnh bị khởi tố, gồm Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và Bắc Giang.

Quân sự: Như một gáo nước lạnh tạt vào những người lạc quan vào quyết tâm chống tham nhũng của những nhà lãnh đạo Việt Nam thì vào ngày 1/10, ban Bí thư, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, ngày 1/10 đã quyết định kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng đối với Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3; Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4; cách chức trong đảng 7 tướng lĩnh còn lại.

  • Trước đó, hôm 30/9, đảng Cộng Sản công bố ban lãnh đạo Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 có những sai phạm “gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Kết luận của UBKT là Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển VN thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra- giám sát để Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các qui định của đảng, pháp luật Nhà nước và qui định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng/chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Do những vi phạm được nêu ra, UBKT quyết định kỷ luật cảnh báo Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, nguyên Phó Bí thư đảng ủy, nguyên Tư Lệnh Cảnh sát Biển VN. Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Phó Tư lệnh CSBVN bị cách tất cả các chức vị trong đảng. Thiếu tướng Ngô Bình Minh, Tư lệnh Vùng CSB 1 bị khiển trách. Đại tá Phùng Danh Thoại, Trưởng phòng Xăng Dầu, Cục Hậu Cần và Thiếu tá Lưu Thế Đức, Phó đoàn trưởng Đoàn Trinh sát Số 2 bị khai trừ khỏi đảng. UBKT đề nghị Ban Bí thư đảng Cộng Sản VN xem xét thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy CSBVN nhiệm kỳ 2015 – 2020 và các lãnh đạo gồm Trung tướng Nguyễn Văn Sơn-Phó Bí thư Đảng ủy, Tư Lệnh; Chính ủy Hoàng Văn Đồng; Phó Chính ủy Doãn Bảo Quyết; Phó Tư lệnh Phạm Kim Hậu; Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Trần Văn Nam; nguyên Phó Tư lệnh Bùi Trung Dũng; Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2.

Sau khi bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, các can phạm phải đối diện với xử phạt hành chánh.

Vietnam Coast Guard - Wikipedia

Bốn vùng của Cảnh sát biển Việt Nam

TÌNH HÌNH KINH TẾ TỔNG QUÁT

Đại dịch COVID-19, biến thể Delta, kể từ 27/4/2021 và sau đó là biến thể Omicron đã gây những ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Có những báo cáo khác nhau về viễn ảnh khác nhau của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Dù với thành công, như quốc tế ca ngợi về sự chống dịch, nền kinh tế Việt Nam, cũng như các nước khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cũng không thể tránh được tác động tiêu cực của nó. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất ba thập kỷ vì COVID-19, thiên tai và kinh tế toàn cầu suy thoái, Reuters đưa tin, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố hôm 27/12/2020. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2.91% trong năm 2020 sau khi trước đó đạt mức trên 7% trong hai năm liên tiếp, theo GSO. Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, xuất nhập khẩu năm 2021 đạt kỷ lục 668.5 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 336.3 tỷ USD, tăng 19%, nhập khẩu đạt 332 tỷ USD, tăng 26.5% là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hầu hết nền kinh tế trên thế giới. Mặt tích cực dễ nhận thấy nhất là con số xuất siêu 4 tỷ USD. Việc giữ được cán cân thương mại ổn định và xuất siêu trong nhiều năm liên tiếp đã góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa của thế giới. Trong những năm trở lại đây, Việt Nam nổi lên là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu nhìn tổng thể thì nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Mặc dù xuất khẩu trong năm 2021 đạt 668.5 tỷ USD nhưng có đến 70% kim ngạch là của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, xuất nhập khẩu với Trung Quốc vẫn tồn đọng những khó khăn căn bản. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng tám tỷ USD trị giá hàng nông sản sang Trung Quốc, chiếm hơn 40% tổng trị giá hàng xuất khẩu nông sản của cả nước. Vấn đề dồn tắc cuối năm 2021 tại các cửa khẩu biên giới cần được giải quyết. Thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc là 110 tỷ USD trong năm 2021 dù rằng Việt Nam cần mua nguyên liệu từ Trung Quốc để dùng cho xuất khẩu.

HSBC cho rằng Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng ở mức 6.5% trong năm 2022, dù biến chủng Omicron đặt ra nhiều rủi ro.

CÁC DỮ KIỆN KINH TẾ

Tổng sản phẩm quốc nội GDP 2021: Theo Business Times (Singapore), các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sau quý 1/2021. Thay cho dự báo mức tăng trưởng từ 3.5 – 4% trước đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ từ 2.5 – 3% do nhiều biến động.

Một vấn đề quan trọng là GDP thật sự của Việt Nam. Vì những lý do chủ quan và khách quan, GDP do kiểm toán trong nước công bố không bao gồm các yếu tố quan trọng, do đó GDP Việt Nam thấp hơn các nước trong vùng 2, 3 bậc. World Bank và IMF đang cố gắng giúp Việt Nam có báo cáo chính xác hơn trong năm 2022. “Dự báo kinh tế trung hạn châu Á” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) phát hành, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam sẽ đạt 11,000 USD vào năm 2023, đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Hầu hết cư dân mạng đều tỏ ra khó tin về dự báo thu nhập bình quân đầu người hàng năm sẽ tăng gần gấp ba trong ba năm, cho rằng Việt Nam gần như không thể đạt được mức dự báo trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với tư cách là một trung tâm nghiên cứu kinh tế chuyên nghiệp tại Nhật Bản, JCER đã đưa ra dự báo rất cao về sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy GDP của Việt Nam đang tăng nhanh trong những năm gần đây.

Xuất nhập khẩu: Vượt qua chặng đường “gập ghềnh” của năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm về đích với con số kỷ lục 668.5 tỷ USD, tăng 22. 6% so với năm trước (545.4 tỷ USD), trong đó xuất khẩu tăng 19%.

Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336.25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88.71 tỷ USD, tăng 13.4%, chiếm 26.4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247.54 tỷ USD, tăng 21.1%, chiếm 73.6%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332.25 tỷ USD, tăng 26.5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114.07 tỷ USD, tăng 21.8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218.18 tỷ USD, tăng 29.1%.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, Việt Nam nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch. Nhưng dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã gây ra nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, trong đó xuất, nhập khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Những biến động, khó khăn đó đã khiến các nước có xu hướng sử dụng sản phẩm nội địa thay cho sản phẩm nhập khẩu khi thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới để phòng chống dịch bệnh. Do đó nhiều nước đã sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, các rào cản kỹ thuật để tăng cường bảo hộ sản phẩm nội địa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD so với 19.94 tỷ USD năm 2020. Lý do là Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu nhiều hơn cho năm 2022. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25.36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29.36 tỷ USD. Mặc dù nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Nhóm hàng này chiếm tỷ trọng lớn cho thấy sản xuất trong nước đang hồi phục, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Xuất siêu 2017 -2021

Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96.3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109.9 tỷ USD.

Việc khai thác các hiệp định thương mại tự do đạt kết quả khả quan, đăc biệt là hiệp định thương mại tự do với EU, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, nhờ đó, xuất siêu sang EU lần đầu tiên đạt 23 tỷ USD, tăng 12.1% so với năm trước. Dù vậy, với đặc thù nhập khẩu nhiều để phục vụ xuất khẩu, nhập siêu từ một số thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản tăng trong thời gian qua. Đài Loan trong 11 tháng đầu 2021, đã vượt qua Đức Quốc để trở thành đối tác kinh tế thứ 8 với Việt Nam (XK: 12.5 tỷ USD, NK: 5.6 tỷ USD). Cũng như Trung Quốc, Đài Loan cung cấp nguyên liệu cho hàng hóa xuất cảng của Việt Nam.

QG HK TQ HQ EU NB ASEAN
XK 96.3 56.0  22.0 45.8  20.1  28.8
NK 15.3 109.9  56.2 17.9  22.6  41.1
TC 111.6 165.9  78.2 63.7  42.7  69.9
+/- + 81.0 -53.9 -34.2 +27.9 -2.5 -12.3

Xuất nhập cảng với các đối tác chính 2021 (tỷ USD) – Tổng cục Thống kê

QG HK TQ HQ EU NB ASEAN
XK 76.4 48.5 18.7 26.1 19.2 23.1
NK 13.7 83.9 46.3 14.5 20.5 30
TC 90.1 132.4 65.0 30.6 39.7 53.1
+/- +62.7 -35.4 -27.6 +16.1 -1.3 -6.9

Xuất nhập cảng với các đối tác chính 2020 (tỷ USD) – Tổng cục Thống kê

  • Tính đến 30/8/2021, 85% công nhân khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM đã được tiêm vaccine.
  • Ngay sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Anh trong tháng 1 đạt hơn 657 triệu USD tăng 78.6% so với cùng kỳ 2020.
  • Nikkei Asia dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong năm 2020, nhập khẩu thép của đất nước tỷ dân tăng vọt 150% lên 38.56 triệu tấn do các nhà sản xuất nội địa gặp khó khi bắt kịp nhu cầu lớn trong nước. Năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) của Việt Nam báo cáo lợi nhuận sau thuế tăng 80% lên 13.5 nghìn tỷ đồng (tương đương 587 triệu USD), xuất khẩu thép tăng gấp đôi. Phần lớn đơn hàng của HPG được xuất sang Trung Quốc. Các năm trước, thép giá rẻ của Trung Quốc từng tràn vào thị trường Việt Nam. Song, xu hướng này đã đảo ngược vào năm ngoái, khi xuất khẩu thép của Việt Nam sang Trung Quốc tăng hơn 9 lần lên 3.35 triệu tấn.
  • Dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trị giá xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản năm 2021 ước tính vẫn thu về kết quả ngoạn mục 15.6 tỷ USD, xuất siêu 12.6 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2020. Con số này vượt đáng kể so với kế hoạch xuất khẩu 14 tỷ USD đặt ra từ đầu năm. Năm 2022, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đặt ra là trên 16.5 tỷ USD.
  • Tới ngày 26/12/2021, tình trạng hàng hóa từ VN mắc kẹt ở biên giới Trung Quốc vẫn tiếp tục, với hơn 5,000 container tắc ở biên giới dù Việt Nam đã có “50 cuộc hội đàm với phía Trung Quốc”, theo VietnamNet cùng ngày nhưng việc tìm ra giải pháp vẫn “rất khó khăn”. Hôm 22/12, tờ South China Morning Post ở Hong Kong cũng mô tả chuyện Trung Quốc làm mạnh hơn trong việc chống Covid ở phía họ, với lệnh cách ly ở Đông Hưng, Quảng Tây, bên kia biên giới Việt Nam, sau khi phát hiện ra “đúng một ca lây Covid”. Thiệt hại về phía rau quả Việt Nam lên đến 2,000 tỷ đồng (87 triệu USD).
Nghẽn hàng hóa ở cửa khẩu: Nhìn đầu ra, thấu đầu vào - Ảnh 1.

Ùn tắc tải cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn

Thị trường chứng khoán: Theo IndexQ, kết thúc năm 2020, VN-Index đứng vị trí thứ 5 trong top 10 thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất 6 tháng, với mức tăng 33,78%. Những nước đứng trong top 5 thị trường tăng mạnh nhất thế giới bao gồm: Thổ Nhĩ Kỳ (15.05%), Ai Cập (13.63%), Trung Quốc (12.7%), Bồ Đào Nha (11.13%) và Hàn Quốc (10.89%).

Vietnam's strong economic recovery to further take Vn-Index to nearly 1,300  in 2021

VN Index 2020

Dự trữ ngoại hối: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức 105 tỷ USD cuối năm 2021.

Tình trạng đầu tư: Vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2021 ước tính đạt 31.15 tỷ USD, tăng 9.2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút hơn 18 tỷ USD. Hải Phòng vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu thu hút FDI năm 2021, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5.26 tỷ USD, chiếm 16.9% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam và gấp gần 3.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.Về đối tác đầu tư, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10.7 tỷ USD, chiếm 34.4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19.1% so với cùng kỳ 2020. Tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc …

Du lịch: Các quốc gia Đông Nam Á đang phải trải qua làn sóng dịch với diễn biến phức tạp và khó lường nhất từ trước đến nay …”. Du lịch Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, chao đảo vì dịch từ hai năm qua. Tính chung cả năm 2020 và 11 tháng năm 2021, Việt Nam chỉ đón 7.6 triệu lượt khách quốc tế, so với 18 triệu lượt khách của năm 2019.

Kiều hối: Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18.1 tỷ USD, Theo đó, cao hơn mức 17.2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối. Riêng TP.HCM, kiều hối năm nay ước đạt khoảng 6.5 – 6.6 tỷ USD. 

GDP thật sự của Việt Nam: Theo công bố của IMF, GDP toàn cầu năm 2020 tính theo “danh nghĩa” là 83,844 tỷ USD, tính theo “sức mua” là 130,186 tỷ USD. Tỷ số giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa trên đây của toàn cầu là 1.52. Điển hình, năm 2020 của Việt Nam, trong khi tổng trị giá xuất nhập khẩu lên tới 543 tỷ USD, thì GDP được tính chỉ là 340 tỷ USD, tỷ số xuất nhập khẩu/GDP là 1.59. Ngoài ra, có 4 phương pháp khác để tính GDP thực sự của Việt Nam:

  • Theo Đại học Fulbright, GDP Việt Nam được tính lại có thể cao hơn so với hiện tại trong khoảng 25 – 30%. Từ đó, GDP Việt Nam năm 2020 là 340 x 1.25 = 425 tỷ USD, hoặc là 340 x 1.30 = 442 tỷ USD, mức trung bình là 433 tỷ USD.
  • Theo tỷ số bình quân của thế giới về GDP sức mua/GDP danh nghĩa là 1.56 thì GDP Việt Nam năm 2020 là 340 x 1.56 = 530 tỷ USD.
  • Theo quan hệ giữa GDP/kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 vào loại cao nhất thế giới là 0.81, thì GDP sẽ là 543:0.81 = 670 tỷ USD.
  • Theo ước đoán về kinh tế phi chính thức có thể lớn bằng 50% kinh tế được công bố, thì GDP năm 2020 sẽ là 340 x 1.5 = 510 tỷ USD.
  • Nếu không thể chấp nhận, hoặc bác bỏ tất cả các tính toán trên, thì đơn giản nhất là chấp nhận mức bình quân của các tính toán này. Theo đó, GDP năm 2020 sẽ là (433 + 530 + 670 + 510):4 = 535 tỷ USD.

Điều quan trọng là GDP của các nước ASEAN cũng phải được điều chỉnh để có sự chính xác giữa các quốc gia trong vùng. Nếu các quốc gia khác chưa có sự điều chỉnh thì trong năm 2020, Việt Nam với 535 tỷ đã vượt qua Thái Lan với 509 tỷ lên đứng thứ nhì sau Indonesia với 1,089 tỷ USD. Nếu tính GDP trên bình quân đầu người thì thứ tự sẽ khác đi. Năm 2021, theo thống kê của IMF thì của Thái Lan là 7,809 USD, Indonesia là 4,225 USD và Việt Nam là 3,743 USD.

KẾT LUẬN

Ngân hàng Thế giới ra ngày 13/1 mô tả, với giả định đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước, thì khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin. “Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách và nợ công được kỳ vọng sẽ vẫn bền vững, với tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến là 58.8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định,” thông cáo viết trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam bán thường niên của Ngân hàng Thế giới.

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 5.5% so với 2.9% năm 2021, theo báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới nhận xét. Tuy nhiên World Bank Việt Nam lưu ý rằng bối cảnh triển vọng kinh tế này “vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch”.

THAM KHẢO

1)    Bài viết “TBT Trọng tiếp tục ‘đốt lò’ và trấn áp tiếng nói bất đồng?” trên mạng BBC ngày 31/1/2020.  

2)    Bài viết “Khẩn cấp dập 2 ổ Covid-19 mới trong cộng đồng” trên mạng Người Lao Động ngày 29/1/2020.  

3)    Bài viết “Việt Nam xếp hạng thứ 2 về xử lý tốt đại dịch COVID-19: Viện Lowy phân tích” đăng trên mạng RFA ngày 11/2/2021.

4)    Bài viết “Nhiều mẫu điện thoại do VinSmart sản xuất đã được bán rộng rãi tại Mỹ” đăng trên mạng Giáo Dục Việt Nam ngày 23/2/2021.

5) Bài viết “Vai trò của Trung Quốc trong đảo chính ở Myanmar và tác động đến Việt Nam” đăng trên mạng RFA ngày 26/2/2021.

6) Bài viết “Việt Nam: Thu hồi tiền từ án tham nhũng ‘chỉ đạt 5%’ còn chống đối trong dịch tăng 48%” đăng trên mạng BBC ngày 28/10/2021.

7) Bài viết “Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ năm 2022” đăng trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 4/11/2021.

8) Bài viết “Xuất nhập khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới” đăng trên mạng VN Economy ngày 6/12/2021.

9) Bài viết “Trung Quốc đối mặt bài toán khó năm 2022” đăng trên mạng VN Economy ngày 6/12/2021.

10) Bài viết “Trái cây tỷ đô thanh long và bài toán mở rộng xuất khẩu trong dịch Covid-19 đăng trên mạng Doanh Nhân Trẻ ngày 30/8/2021.

—–

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *