Diễn biến tình hình chiến sự Ukraine – Nga Sô từ 3/11/2022 đến 4/1/2022

355 (lượt xem) |

Lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ ngày 8/3 cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tăng cường tấn công Ukraine bất chấp những bước lùi về quân sự và khó khăn kinh tế do chế tài quốc tế, và rằng tình hình vài tuần tới đây sẽ “tệ hại”. Nga đang cần ít nhất một chiến thắng để có thể bước vào vòng đàm phán cuối cùng trong thế mạnh. Trên mạng xã hội Facebook ngày 9/3/2022, ông Vadym Denysenko, cố vấn của bộ Nội Vụ Ukraine, cho rằng Ukraine phải cầm chân được quân Nga trong vòng 7 đến 10 ngày để chính quyền Matxcơva không thể tuyên bố chiến thắng. Trước đó, tối 8/3, tổng thống Volodymy Zelenski khẳng định quân và dân Ukraine “sẽ chiến đấu đến cùng”. Thành phố Mariupol, thành phố chiến lược phía Tây khu tự trị Donbass, cho đến 21/3 vẫn bị vây hãm. Cảng Odesa về phía Tây cũng là một trong những mục tiêu chính của Nga.

Tình hình chiến sự Ukraine tính đến 25/3

Tính đến 25/3, số binh sĩ Nga tử trận tại Ukraine lên cao ngoài dự tính, tức là khoảng từ 6,000 tới 12,000, tùy theo các các con số do bên này hay bên kia chiến tuyến đưa ra. Số xe quân sự của Nga bị phía Ukraine tiêu hủy hoặc bị hư hỏng, trong đó có cả xe tăng và xe bọc thép, là 2,000 chiếc. Thứ nhì, tinh thần chiến đấu của binh lính Nga bị đánh giá là thấp trước sức kháng cự mãnh liệt không ngờ của Ukraine, dẫn tới tình trạng người chiến binh Nga nghĩ rằng họ bị quân đội lừa dối về mục tiêu của cuộc chiến tại Ukraine. Nếu Ukraine có thêm các thiết bị như tên lửa tầm xa, pháo binh và máy bay không người lái, cùng với được phương Tây cung cấp thông tin tình báo, có thể cho phép họ chuyển từ phòng thủ sang tấn công.

Ngày 25/3, Nga cho biết giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự ở Ukraine đã gần như hoàn tất và nước này sẽ tập trung nỗ lực chiến tranh chính vào việc “giải phóng hoàn toàn” khu vực Donbas, miền đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn hiện kiểm soát 93% tỉnh Lugansk và 54% tỉnh Donetsk – hai tỉnh cấu thành vùng Donbass. Các bình luận – do các hãng thông tấn nhà nước Nga thực hiện – có vẻ ám chỉ Nga có thể giảm tham vọng xâm lược Ukraine.

TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ

Ngày 10/3/2022:

  • Quân đội Nga di chuyển xe bọc thép tới rìa phía đông bắc Kiev và ngày một tiến gần hơn tới mục tiêu bao vây thủ đô Ukraine. Giao tranh đã xảy ra ngay bên ngoài địa phận thành phố. Hình ảnh vệ tinh mô tả lũ lụt phía bắc thủ đô Kyiv có thể là dấu hiệu cho thấy Ukraine dùng “tác chiến thủy lực” – chiến thuật từ xa xưa nhằm làm chậm bước tiến của đối phương.

Tình trạng ngập tại khu vực phía bắc thủ đô Kyiv. Ảnh: Twitter.

  • Cũng có tin một số chiến đấu cơ của Ukraine “được chuyển sang Romania”.
  • Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 10/3 công bố video phục kích và tấn công đoàn xe tăng Nga tại Brovary, cách thủ đô Kiev khoảng 35 km về hướng đông, theo Guardian. Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết Đại tá Andrei Zakharov, trung đoàn trưởng sư đoàn xe tăng số 6 của Nga, đã thiệt mạng trong cuộc phục kích.

Video từ BBC News tiếng Anh: đoàn xe tăng Nga bị phục kích gần Kiev

  • Trong điều kiện trời quang, ít mây xung quanh thủ đô Kiev, vệ tinh của hãng Maxar Technologies đã chụp được nhiều hình ảnh đáng chú ý về đoàn xe quân sự Nga dài 64 km, tập kết nhiều ngày ở phía tây bắc thủ đô của Ukraine. Theo Maxar, đoàn xe này đã bất ngờ “giải tán và tái triển khai”. Một số thành phần trong đoàn xe chuyển vị trí vào rừng vào khoảng gần 12h trưa ngày 10/3 theo giờ Kiev. Cùng lúc đó, ở phía bắc Căn cứ Không quân Antonov thuộc Hostomel, một số phương tiện quân sự Nga được nhìn thấy trên đường ở khu dân cư thị trấn Ozera, cách trung tâm Kiev khoảng 27 km về hướng tây bắc.

Ngày 11/3/2022:

  • Bộ Quốc phòng Nga cho biết, sáng 11/3, lực lượng Nga đã tiến hành tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự ở phía Tây Ukraine bằng vũ khí chính xác tầm xa. Các cuộc tấn công đã gây thiệt hại cho 2 sân bay gần thành phố Lutsk và Ivano-Frankivsk. Ngoài ra, quân đội Nga đã phóng hơn 30 tên lửa vào căn cứ quân sự Yavoriv gần Lviv, đánh dấu đợt tấn công đầu tiên vào thành phố miền tây Ukraine, sát biên giới Ba Lan gây thương vong cho 30 người chết và 134 bị thương. Bộ Quốc phòng Nga nói có nhiều lính nước ngoài thiệt mạng trong cuộc không kích ở Ukraine. Phía Ukraine chưa phản hồi về thông tin này.

Tình hình chiến sự 12/3/2022

  • Ngày 10/3/2022, Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine đưa ra những thông tin trái ngược về tình hình chiến sự tại Ukraine. Theo thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga: Các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 2,998 mục tiêu quân sự của Ukraine. Trong đó, có đến 98 máy bay quân sự, 110 máy bay không người lái (UAV), 144 hệ thống tên lửa phòng không, 88 đài radar, 1.007 xe tăng và phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 109 hệ thống rocket phóng loạt, 374 khẩu pháo dã chiến và súng cối, 793 đơn vị xe quân sự đặc chủng. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố; từ ngày 24/02 đến ngày 09/03/2022, quân đội Nga đã bị tổn thất nặng nề, với 12,000 quân bị loại khỏi vòng chiến, 317 xe tăng và 1,070 xe bọc thép bị phá hủy. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu có tính cách tuyên truyền từ mổi bên và sự xác thực của dữ liệu rất khó xác nhận.
  • Mặt trận Kiev tính đến 18/3:

Ngày 21/3/2022:

  • Hãng thông tấn Ukraine Ukrinform dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ Ukraine hôm 13/3 cho hay “TP Mariupol vẫn đang bị kẻ thù pháo kích liên tục, biến thị trấn thành đống đổ nát trong khi người dân đang ở trong tình trạng rất nguy kịch”. 22 thành phố và khu vực đông dân cư ở Ukraine đang chịu nhiều đợt pháo kích của Nga. Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/3 cho biết quân đội nước này đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và tên lửa hành trình tấn công mục tiêu quân sự tại Ukraine.
  • Hôm 9/3, hai dàn hệ thống phòng không Patriot của Hoa Kỳ được chuyển từ Đức sang phía Đông Ba Lan, tới một sân bay cách biên giới Ukraine chỉ chừng 50 km.

Ngày 22/3/2022:

  • Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết quân đội nước này đã đánh bật lực lượng Nga khỏi thị trấn Makariv ở ngoại ô Kyiv, AP ngày 22/3 đưa tin. Diễn biến này giúp quân đội Ukraine giành lại quyền kiểm soát một đường cao tốc quan trọng, đồng thời khiến lực lượng Nga không thể bao vây thủ đô Kyiv từ hướng Tây Bắc.

Ngày 24/3/2022:

  • Ngày 24/3, Ukraine nói rằng họ đã đánh chìm một tàu chiến cỡ lớn của Nga dùng để hỗ trợ đổ bộ. Vụ tấn công xảy ra ở cảng Berdyansk, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga.

Hình ảnh được cho là tàu quân sự Orsk đang bốc cháy ở cảng của Ukraine. (Ảnh: Hải quân Ukraine)

Ngày 27/3/2022:

  • Nga tấn công các mục tiêu quân sự ở thành phố Lviv, miền tây Ukraine bằng tên lửa hành trình có độ chính xác cao, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm Chủ nhật 27/3. Bộ này nói Nga tấn công một kho nhiên liệu của các lực lượng Ukraine gần Lviv bằng tên lửa tầm xa và sử dụng tên lửa hành trình để tấn công một nhà máy trong thành phố chuyên sửa chữa hệ thống phòng không, trạm radar và máy ngắm của xe tăng.

Ngày 29/3/2022:

  • Trong một động thái đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định giảm đáng kể các hoạt động gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv của Ukraine. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết Moskva đã đưa ra quyết định này nhằm “tăng cường lòng tin” tại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngày 31/3/2022:

  • Nga đang chuyển trọng tâm của chiến dịch quân sự từ phía đông sang phía tây Ukraine nhằm ngăn chặn các nguồn hỗ trợ cho Kiev. Ngoài ra, các lực lượng Nga xung quanh Kyiv đang thay đổi chiến thuật để thiên về các cuộc tấn công tầm xa, thay vì giao tranh trực tiếp, phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng trên bộ của Ukraine cho biết hôm thứ Năm 31/3. Các loại vũ khí tiên tiến, đặc biệt là những hệ thống phòng không và chống tăng cơ động, cũng như vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ được phương Tây hỗ trợ bắt đầu đổ về Ukraine với số lượng lớn hơn. Chúng mang đến tác động lớn tới chiến trường khi xe tăng, xe bọc thép, xe tải tiếp tế cùng trực thăng Nga liên tục bị nhắm mục tiêu. Chiến thuật phòng thủ mà quân đội Ukraine áp dụng đang làm chậm đáng kể đà tiến công của các lực lượng Nga khi nước này tiếp tục thắt chặt vòng vây theo ba hướng: Từ phía bắc đến thủ đô Kiev, từ phía đông với trọng tâm là bao vây Kharkov cùng Mariupol và từ phía nam, nơi các đơn vị Nga, đã giành quyền kiểm soát Kherson, vượt sông Dnepr cũng như gây sức ép lên thành phố Mykolaiv và những phòng tuyến của Ukraine gần thành phố Zaporizhzhia.

Tình hình chiến sự tính đến 31/3

NHỮNG TIN TỨC LIÊN HỆ

Điện Kremlin hôm 21/3 cho biết các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào. Moscow cáo buộc Kyiv đã làm đình trệ các cuộc đàm phán bằng cách đưa ra những đề xuất không thể chấp nhận được đối với Nga. Ukraine nói họ sẵn sàng đàm phán nhưng sẽ không đầu hàng hoặc chấp nhận các tối hậu thư của Nga.

Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho biết, ít nhất 902 dân thường đã thiệt mạng và 1,459 người bị thương ở Ukraine tính đến nửa đêm ngày 19/3 theo giờ địa phương. Phần lớn thương vong là do vũ khí gây nổ như các cuộc pháo kích bằng pháo hạng nặng và hệ thống tên lửa phóng nhiều lần, cũng như các cuộc không kích và phóng tên lửa, OHCHR cho biết. Con số thực tế được cho là cao hơn đáng kể vì OHCHR, văn phòng vốn có một đội giám sát lớn ở Ukraine, vẫn chưa thể nhận hoặc xác minh các báo cáo thương vong từ một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm cả Mariupol, OHCHR nói.

Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh cơ quan tình báo quân sự Anh nhận định lực lượng Nga đang bị tổn thất nặng nề và không đạt được bước tiến nào đáng kể vì sự kháng cự quyết liệt và phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng Ukraine. Theo Cố vấn Oleksiy Arestovych của tổng thống Ukraine, lực lượng vũ trang nước này đang tiến hành những đợt phản công quy mô nhỏ tại một số mặt trận. Một cố vấn khác, ông Mykhailo Podolyak, cũng cho hay Ukraine đang phản công từ nhiều hướng và điều này sẽ thay đổi đáng kể việc bố trí lực lượng của các bên.

Hồi tháng Hai năm nay, trong cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia trước khi quyết định xâm lăng Ukraine, ông Putin có lên tiếng quở trách ông Sergey Naryshkin, người cầm đầu Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại Nga (SVR), và cho chiếu trên truyền hình toàn quốc.

Ngày 9/3:

  • Tờ South China Morning Post, ngày 9/3, đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết lô hàng viện trợ đầu tiên này trị giá 5 triệu Nhân dân tệ (791,300 USD) và được gửi tới Ukraine thông qua Hội Chữ thập đỏ của TQ. Hàng viện trợ nhân đạo của Bắc Kinh cho Kyiv gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Trung Quốc thông báo về lô hàng viện trợ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, trong cuộc hội đàm qua video giữa ba nhà lãnh đạo, diễn ra hôm 8/3.

Ngày 10/3:

  • Cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ Ukraine Oleg Ustenko hôm thứ Năm 10/3 nói rằng các lực lượng xâm lược Nga cho đến nay đã phá hủy cơ sở hạ tầng, các tòa nhà và các tài sản vật chất khác trị giá ít nhất 100 tỷ đô la Mỹ. Trong một hội thảo trực tuyến do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức, ông Ustenko, cố vấn kinh tế chính của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói rằng chiến tranh đã khiến 50% doanh nghiệp Ukraine phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi nửa còn lại hoạt động dưới công suất của họ.
  • Trả lời phỏng vấn với tờ Bild của Đức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông sẵn sàng nhượng bộ hợp lý để kết thúc chiến tranh nhưng những nhượng bộ đó không được phản bội lại đất nước.
  • Phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng An ninh hôm 3/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết gia đình các binh sĩ Nga thiệt mạng khi làm nhiệm vụ ở Ukraine sẽ nhận khoản bồi thường hơn 7 triệu ruble (gần 65,000 USD) từ chính phủ.
  • Quân Nga liều lĩnh bất chấp mạng sống của thường dân khi đứng trước sức kháng cự mãnh liệt ngoài dự tính tại Ukraine và các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi những hành động của Nga để buộc họ phải chịu trách nhiệm, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, Avril Haines, tuyên bố ngày 10/3.

Ngày 11/3:

  • Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu 11/3 nói rằng các cuộc đàm phán giữa Moscow với Ukraine đã đạt được một số tiến bộ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp của Ukraine, ông Dmytro Kuleba, đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/3 trong cuộc hội đàm cấp cao nhất kể từ khi xung đột bắt đầu. Đã không có bước đột phá từ cuộc gặp.
  • Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thảo luận về nhu cầu ngừng bắn và các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường ở Ukraine. Trong cuộc gọi kéo dài một giờ, ông Niinisto nói với ông Putin rằng cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Ukraine đang tác động mạnh đến dư luận phương Tây. “Tổng thống Niinisto nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và đảm bảo việc sơ tán dân thường an toàn dọc theo các hành lang nhân đạo”, tuyên bố viết.
  • Kiev ngày 11/3 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sa thải 8 tướng lãnh hàng đầu và nổi giận với cơ quan tình báo do những mất mát của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine.
  • Trong bài viết ngày 11/3, đài VOA có bài viết những điều mà Trung Quốc có thể làm được cho Nga. Trung Quốc xem Nga là nước cung cấp dầu thô lớn hàng thứ nhì vào năm ngoái, chiếm tổng cộng 15.5% mức cung cấp từ nước ngoài. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc thu mua ngũ cốc từ các nông trại bát ngát của Nga. Thương mại hai chiều giữa Nga-Trung năm ngoái tăng khoảng 36% lên tới 147 tỉ USD. Tuy nhiên Trung Quốc chỉ chiếm 13.8% trong tổng hàng xuất khẩu của Nga, trong khi lượng xuất khẩu sang 12 đối tác thương mại phương Tây hàng đầu của Nga là 45%.
  • Ngày 11/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ra đề xuất giao cho hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine các loại vũ khí thu được từ lực lượng vũ trang Ukraine, theo đài RT.
  • Bộ Tổng tham mưu Ukraine kêu gọi người dân nhắm vào các tổ hợp trinh sát điện tử và tác chiến điện tử của quân đội Nga. Trong cuộc chiến tranh hiện đại, hoạt động trinh sát điện tử giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Về bản chất, các tổ hợp tác chiến điện tử thường được bố trí trên khung gầm xe tải hay xe thiết giáp chở quân, nên hoàn toàn có thể bị phá hủy chỉ bằng những chai xăng đơn giản. Các đơn vị tác chiến điện tử thường di chuyển phía sau các binh đoàn chiến đấu. Bộ đội tác chiến điện tử của Nga cũng là binh chủng kỹ thuật, nên không thể thiện chiến như lính bộ binh khi bị đối phương tập kích.

Ngày 13/3:

  • Các giới chức Nga và Ukraine hôm 13/3, đưa ra các nhận định lạc quan nhất cho tới nay về cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh, cho thấy có thể có kết quả tích cực về nổ lực ngưng cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine trong ít ngày tới đây. Vòng 4 cuộc đàm phán Nga – Ukraine tạm dừng đến ngày 15/3 và phía Ukraine cho hay nguyên nhân vì lý do kỹ thuật.

Ngày 15/3:

  • Các trang CNN, ABCNews và Politico cho rằng dù Nga “vẫn có ưu thế tại chiến trường Ukraine”, việc thiệt hại vũ khí hạng nặng, quân trang quân dụng khiến cuộc chiến của họ ngày càng trở nên khó khăn”.
  • Chính phủ Ba Lan thông báo Thủ tướng nước này Mateusz Morawiecki, người đồng cấp Petr Fiala của CH Czech và Janez Jansa của Slovenia cùng khởi hành đến thủ đô Kyiv giữa lúc chiến sự đang diễn ra tại Ukraine. Ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn Tổng thống Ukraine, cho biết tình hình Ukraine đang ở ngưỡng hoặc là đạt được thỏa thuận trên bàn đàm phán, hoặc Nga chuyển sang giai đoạn kế tiếp của chiến dịch.
  • Sau nhiều giờ chờ đợi, phóng viên đài VOA cũng bắt được liên lạc lại với ông Hiếu, một người Mỹ gốc Việt tới Ukraine để tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nga xâm lược. Cuộc hành quân của anh bị hủy vì lý do an ninh. Hiếu quay trở lại nơi đóng quân tại thành phố Yavoriv, gần thành phố Lviv và cách biên giới Ba Lan khoảng 17 km. phía Tây Bắc, cũng chính là nơi đặt căn cứ huấn luyện tình nguyện viên nước ngoài chiến đấu tại Ukraine. Nơi đây vừa hứng chịu một đợt không kích bằng tên lửa hành trình của Nga. Ít nhất 35 người thiệt mạng, theo báo cáo của các quan chức địa phương. Phía Nga tuyên bố đã tiêu diệt 180 “lính đánh thuê” cùng một lượng lớn khí tài. Hiếu cho rằng con số thương vong không cao đến như vậy, nhưng anh cho biết nhiều tình nguyện viên nước ngoài không còn giữ được quyết tâm như lúc đầu. Ở thời điểm này, không khó để các tình nguyện viên thay đổi quyết định. Hiếu cho biết phía Ukraine chỉ muốn giữ lại những người thực sự muốn chiến đấu. Những ai muốn rút lui chỉ cần giao nộp lại vũ khí, xe buýt sẽ đưa họ quay trở lại biên giới với Ba Lan.

Trung tâm Quốc tế dành cho Lực lượng Gìn giữ Hòa bình và An ninh tại thành phố Yavoriv sau khi bị Nga tấn công bằng tên lửa hành trình

  • Mỹ cảnh báo NATO sẽ “dốc toàn lực đáp trả” nếu lãnh thổ liên minh bị tấn công, sau vụ Nga không kích mục tiêu Ukraine gần biên giới Ba Lan.
  • Các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã yêu cầu Nga đình chỉ các hoạt động quân sự ở Ukraine. Cuộc bỏ phiếu cho phán quyết này có kết quả 13/2 với hai nước Nga, và Trung Quốc bỏ phiếu chống lại. Họ nói rằng Nga phải đình chỉ ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Ukraine và đảm bảo rằng bất kỳ đơn vị quân đội hoặc người nào được nước này hỗ trợ hoặc kiểm soát sẽ không có thêm hoạt động quân sự. Cả hai bên phải kiềm chế mọi hành động có thể làm trầm trọng thêm tranh chấp hoặc khiến nó khó giải quyết hơn. Các thẩm phán từ chối yêu cầu Nga báo cáo lại theo quy trình nhưng các nghĩa vụ pháp lý quốc tế buộc Nga phải tuân thủ.

Ngày 17/3:

  • Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói thêm một vị tướng của Nga đã bị giết trong giao tranh. Ông Zelensky không nêu tên người này, nhưng một cố vấn của Bộ nội vụ Ukraine tiết lộ đó là Thiếu tướng Oleg Mityaev, bị giết bởi tiểu đoàn Azov. Truyền thông Ukraine cho biết tướng Mityaev bị giết gần Mariupol. Đây là vị tướng thứ 4 được báo cáo là thiệt mạng, khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao các thành viên cấp cao của quân đội Nga lại ở gần chiến tuyến như vậy. Truyền thông nhà nước Nga cũng xác nhận đại tá Sergei Sukharev, chỉ huy trung đoàn lính dù, đã tử trận cùng một số thành viên khác. Đại tá Sergei Sukharev cùng một số thành viên của Trung đoàn dù 331 “đã hy sinh mạng sống của họ vì an ninh Nga”, đài truyền hình nhà nước Nga GTRK Kostroma dẫn nguồn tin từ Ban Chỉ huy Quân sự Khu vực hôm 18/3.
  • Đài truyền hình Trung Quốc CCTV dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay những cuộc xung đột và đối đầu như sự kiện đang diễn ra ở Ukraine chẳng mang lại lợi ích gì cho ai cả. “Cuộc khủng hoảng Ukraine là điều mà chúng tôi không hề mong muốn”, ông Tập nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Washington phải định hướng quan hệ song phương một cách đúng đắn, đồng thời cả hai cần phải song hành để gánh vác trách nhiệm đối với thế giới và thúc đẩy hòa bình cho toàn cầu.
  • Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 17/3 tái khẳng định không ủng hộ việc NATO can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức tuyên bố Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ hàng cứu trợ và vũ khí, song sẽ không góp phần làm leo thang quân sự ở Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Berlin, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh cần nhanh chóng chấm dứt chiến tranh bằng con đường ngoại giao.

Ngày 20/3:

  • Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với nhật báo Hurriyet rằng Nga và Ukraine đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận về các vấn đề “quan trọng” và gần đồng ý về một số chủ đề. Ông Cavusoglu cũng nói rằng ông hy vọng về một lệnh ngừng bắn nếu các bên không lùi bước trước những tiến bộ mà họ đã đạt được nhằm tiến tới thỏa thuận.
  • Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho biết, ít nhất 902 dân thường đã thiệt mạng và 1,459 người bị thương ở Ukraine tính đến nửa đêm ngày 19/3 theo giờ địa phương. Phần lớn thương vong là do vũ khí gây nổ như các cuộc pháo kích bằng pháo hạng nặng và hệ thống tên lửa phóng nhiều lần, cũng như các cuộc không kích và phóng tên lửa, OHCHR cho biết. Con số thực tế được cho là cao hơn đáng kể vì OHCHR, văn phòng vốn có một đội giám sát lớn ở Ukraine, vẫn chưa thể nhận hoặc xác minh các báo cáo thương vong từ một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm cả Mariupol, OHCHR nói.
  • Theo AP, cuối tuần qua, lãnh đạo các nước Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp kêu gọi EU xây dựng chiến lược năng lượng chung để bảo đảm an ninh năng lượng của khối. Vấn đề an ninh năng lượng dự kiến được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong tuần này. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vừa đến Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tìm giải pháp thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga. Trước đó, ông Habeck đến Na Uy (quốc gia xuất khẩu khí đốt quan trọng) và Mỹ (nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng – LNG). EU là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, với tỷ trọng khí đốt lớn nhất đến từ Nga (41%), Na Uy (24%) và Algeria (11%). Trong nguồn khí đốt đến từ các nhà cung cấp nước ngoài, khí đốt của Nga có mức giá rẻ nhất. 
  • Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Belarus cho hay thi thể của hơn 2,500 lính Nga tử trận đã được bí mật vận chuyển từ chiến trường về Belarus để che giấu con số thương vong thực sự ở Ukraine, theo The Telegraph hôm Chủ Nhật, 20 Tháng Ba. Việc xác định con số thương vong chính xác trong cuộc chiến vẫn còn nhiều khó khăn do hai bên đều đưa ra ước tính khác nhau. Ngày 2 Tháng Ba, Nga cho hay gần 500 binh lính Nga đã thiệt mạng và 1,597 người bị thương nhưng không tiếp tục cập nhật sau đó. Trong khi đó, tình báo Mỹ tuyên bố 7,000 người đã chết, còn Ukraine khẳng định 14,000 người Nga đã mất mạng trong cuộc chiến.

Ngày 22/3:

  • Cuộc xâm lăng của Nga khiến hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, với khoảng 3.5 triệu người trong số này chạy sang các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Ba Lan.
  • Theo Mirror, tình báo quân đội Ukraine tuyên bố các chiến binh đáng gờm của Chechnya đã được đưa ra khỏi khu vực chiến sự sau khi chịu tổn thất hàng trăm binh sĩ. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết binh đoàn Chechnya còn được gọi là Kadyrovites, đã quay trở lại Grozny, thủ phủ của Chechnya. Các báo cáo về việc các chiến binh Chechnya tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine của Nga bắt đầu từ những ngày đầu tiên khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2.

Ngày 23/3:

  • Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết ông Anatoly Chubais đã rời khỏi vị trí đặc phái viên của tổng thống Nga về vấn đề khí hậu. Có nguồn tin nói ông Chubais phản đối chiến dịch quân sự của ông Putin tại Ukraine. Cũng trong ngày 23/3, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, thừa nhận nước này chưa đạt được bất kỳ mục tiêu quân sự nào ở Ukraine, đồng thời bác bỏ thông tin cuộc tấn công bị đình trệ.
  • Trong bài phát biểu hôm 23/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga sẽ “ngay lập tức” gây ra suy thoái kinh tế ở Đức và trên toàn châu Âu. Trước Hạ viện Đức, ông Scholz nói rằng Đức sẽ chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong thời gian thích hợp nhưng việc cắt đứt mọi mối quan hệ ngay lúc này sẽ khiến nền kinh tế Đức rơi vào bị động.
  • Gần 3/4 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/3 yêu cầu bảo vệ thường dân ở Ukraine và cho phép cứu trợ tiếp cận, đồng thời lên án Nga đã gây ra một tình huống nhân đạo “thảm khốc” khi Moscow xâm lược nước láng giềng Ukraine bắt đầu cách nay một tháng. Đây là lần thứ hai Đại hội đồng gồm 193 thành viên đã cô lập Nga với tỉ lệ áp đảo về cái mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres quyết liệt lên án “cuộc chiến phi lý” của Nga. Nghị quyết do Ukraine và các đồng minh soạn thảo được thông qua hôm thứ Năm với 140 phiếu ủng hộ, 5 phiếu chống là Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus, và 38 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 24/3:

  • Trong bối cảnh cuộc xâm lăng Ukraine đang gặp quá nhiều khó khăn và bị khựng lại, Tổng Thống Nga Vladimir Putin có vẻ như đang trút sự giận dữ vào cơ quan tình báo quốc gia này. Theo bản tin của Business Insider hôm 24/3, Putin đã bị các cấp dưới trong ngành tình báo và quân báo quốc gia cung cấp các tin tức sai lạc, theo đó cho rằng cuộc xâm lăng vào Ukraine sẽ nhanh chóng hoàn tất vì sẽ chỉ gặp sự chống trả có lệ, có một thành phần trung thành với Moscow sẵn sàng tiếp ứng và ủng hộ một chính quyền do điện Kremlin chỉ định, theo các chuyên gia và phân tích gia tình báo. Trong tuần qua, Putin đã ra lệnh quản thúc tại gia chỉ huy trưởng Sở Năm của FSB, ông Sergei Beseda, và chỉ huy phó Andrei Soldatov, theo nhà báo Andrei Soldatov, một chuyên gia về tình báo Nga cho Insider hay.
  • Một đoạn video do Ukraine công bố mới đây về giao tranh với Nga đã gây nhiều chú ý. Trong video cho thấy một bệ phóng tên lửa của Nga đang ở ngoài trời thì đột nhiên bốc cháy dữ dội tạo thành quả cầu lửa lớn. Các quan chức Ukraine cho biết, những hình ảnh trông giống như chỉ xuất hiện trong trò chơi điện tử chiến tranh thực sự là “tác phẩm” của một chiếc UAV nhỏ, tương đối rẻ do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, có hiệu quả tấn công sát thủ đáng kinh ngạc đối với lực lượng Nga: Bayraktar TB2. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Ukraine đã sử dụng “hiệu quả tuyệt vời” các UAV Bayraktar TB2 này, chúng có thể tấn công xe tăng và pháo binh của Nga và tiêu diệt bằng hỏa lực tên lửa chính xác kinh hoàng với tầm xa 150 km. Hiện tại trên thế giới có khoảng hơn 10 quốc gia sử dụng khoảng 300 UAV loại này. Giá cả khoảng 5 triệu USD mổi chiếc với đài chỉ huy di động so sánh với loại RQ-1/MQ-1 Predator của Hoa Kỳ với giá 40 triệu USD mổi hệ thống. Không quân Ukraine có khoảng 20 chiếc, có thể điều khiển từ các sân bay dã chiến.

UAV Bayraktar TB2 với đài chỉ huy di động

Ngày 25/3/2022:

  • Tạp chí Newsweek vừa lập danh sách các chỉ huy Nga thiệt mạng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine kể từ ngày 24/2. Tính đến 25/3 đã có 6 tướng lãnh và một Đô đốc Nga tử trận. Danh sách này bao gồm Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, phó tư lệnh Quân Đoàn 41 được cho là đã bị trúng đạn của lính bắn tỉa Ukraine tại khu vực gần Kiev – Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Tham mưu trưởng Quân đoàn số 41 bị hạ sát ngày 7/3 bên ngoài thành phố Kharkov – Thiếu tướng Andrei Kolesnikov cũng là phó tư lệnh Quân đoàn số 41 đã thiệt mạng vào ngày 11/3 trong những hoàn cảnh chưa được xác định – Thiếu tướng Oleg Mityaev, Tư lệnh Sư Đoàn Bộ Binh Cơ Giới số 150 được cho là đã bị bắn chết vào khoảng ngày 15/3 khi tham gia cuộc bao vây Mariupol – Trung tướng Andrei Mordvichev, Tư lệnh Quân Đoàn 8,  bị bắn chết ở vùng Chernobyvka, gần Kherson. Ông là vị tướng thứ 5 và cũng là sĩ quan cấp cao nhất của Nga thiệt mạng trong cuộc xung đột. Ngoài ra, Truyền thông Nga dẫn lời giới chức nước này ngày 20/3 cho hay phó tư lệnh Hạm đội Biển Đen Andrey Paliy đã tử trận gần thành phố Mariupol ở Ukraine. Ngày 25/3, Ukraine tuyên bố đã giết chết Trung tướng Nga Yakov Rezantsev, Tư lệnh Lục quân Liên hợp 49 của Nga và là một trong những viên chức quân sự cấp cao nhất của nước này, theo phóng viên Illia Ponomarenko của Kyiv Independent. Ponomarenko xác nhận một báo cáo trước đó về cái chết của Rezantsev được lấy từ một trong những phụ tá của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, Nga chưa xác nhận cái chết được cho là xảy ra ở Chornobaivka, một ngôi làng ở miền nam Ukraine. Rezantev được cho là vị tướng thứ bảy và cũng là vị trung tướng thứ hai đã bị bắn chết trong trận chiến kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, và là một trong những người có cấp bậc cao nhất.  
  • Trong thông báo ngày 25/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1,351 binh sĩ thiệt mạng và 3,825 binh sĩ bị thương trong chiến dịch tại Ukraine từ ngày 24/2, theo Reuters. Trong thông báo gần nhất trước đó vào ngày 2/3, Nga cho biết có 498 binh sĩ tử trận và 1,597 binh sĩ bị thương. Theo Liên Hợp Quốc: Số dân thường Ukraine thiệt mạng tăng lên 1,119 người.

Ngày 27/3/2022:

  • Vòng đàm phán trực tiếp tiếp theo giữa Ukraine và Nga sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28 tới 30 tháng Ba, nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết trên mạng xã hội hôm 27/3.
  • Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 27/3 lên tiếng cáo buộc phương Tây hèn nhát trong khi một quan chức hàng đầu khác nói rằng Nga đang cố gắng chia đôi đất nước Ukraine, giống như Nam Hàn và Bắc Hàn. Nguy cơ Ukraine bị chia đôi là có thật nếu để ý trong các cuộc biến động chính trị những năm 2013 – 2014, Ukraine đã bị chia rẽ về tư tưởng: một số địa phương phía Đông giáp với Nga và có nhiều người Nga sinh sống muốn Ukraine quan hệ mật thiết với Moscow trong khi phần lớn đất nước, nhất là các tỉnh phía Tây muốn Ukraine gia nhập không gian kinh tế và an ninh của châu Âu, cụ thể là trở thành thành viên Liên Minh Châu Âu EU và khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Việc ông Viktor Yanukovich, tổng thống thân Nga của Ukraine khi ấy, trì hoãn hồ sơ gia nhập EU đã làm dấy lên những cuộc biểu tình rộng lớn, lật đổ chính quyền của Yanukovich, buộc ông này phải lưu vong sang Nga và một chính phủ Ukraine mới, thân Phương Tây, được bầu lên, là chính phủ của ông Volodymyr Zelenskiy hiện nay.  

Ngày 28/3/2022:

  • Hơn 315,000 binh sĩ NATO hiện diện tại 8 thành viên sườn Đông liên minh, bao gồm binh sĩ nước sở tại và lực lượng nước ngoài. NATO nhiều lần khẳng định họ chỉ gia cố sườn Đông chứ không điều lực lượng vào Ukraine.

Quân lực 8 quốc gia sườn Đông NATO

Ngày 29/3/2022:

  • Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin ngày 29/3 thông báo quân đội sẽ giảm mạnh hoạt động quân sự quanh Kiev và Chernihiv khi hai bên đàm phán về một thỏa thuận về tình trạng trung lập, phi hạt nhân của Ukraine cũng như những đảm bảo an ninh cho Ukraine.

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH CỦA LIÊN MINH PHÒNG THỦ NATO – EU VÀ G7

Ngày 24/3 là một ngày bận rộn của ngoại giao quốc tế, với các hội nghị thượng đỉnh lớn, chứng kiến các lãnh đạo trên khắp thế giới thể hiện sự đoàn kết với Ukraine. Liên minh phòng thủ NATO, cũng như EU và G7 bao gồm các quốc gia giàu nhất thế giới đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp chưa từng có tại Brussels.

Nói thẳng ra thì mục tiêu lớn của ông Biden ở châu Âu tuần này là cô lập, hạ cấp đại cường của Nga trong những năm tới. Nó được thể hiện bằng kế hoạch ba bước, theo lời Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói hôm qua 24/3: ủng hộ quân sự tối đa cho Ukraine chống Nga; xây đắp liên minh NATO và liên kết các đồng minh EU, Anh, Nhật, Canada; và chuyển hướng chính sách năng lượng của châu Âu, nhằm bớt phụ thuộc vào Nga.

Đoàn kết và hỗ trợ Ukraine là chủ đề chính, các lãnh đạo cam kết hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Trong khi đó, Nga cáo buộc phương Tây muốn xung đột tiếp diễn. Những quyết định mới của EU Và NATO:

Một trong những kết quả quan trọng nhất trong ngày của NATO là họ đã chấp thuận các đợt tăng quân lớn ở Đông Âu. Bốn nhóm tác chiến mới sẽ được chuyển đến Slovakia, Hungary, Bulgaria và Romania. Kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 của Điện Kremlin, NATO đã chuẩn bị sẵn sàng 140,000 quân trong khu vực và huy động một kho chiến tranh khổng lồ gồm các thiết bị quân sự tiên tiến. Trong số khoảng 140,000 quân, Hoa Kỳ đã cung cấp phần chính với 100,000 binh sĩ.

  • Các lãnh đạo thế giới cảnh báo rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí hạt nhân, họ sẽ buộc phải đáp trả. Tuy nhiên, họ không muốn nói mức độ đáp trả ra sao.
  • Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (ECB) Ursula von der Leyen đã thông báo thành lập một cơ quan chung để tăng cường an ninh năng lượng cho Ukraine và EU cho mùa đông tới và mùa đông năm sau. CNBC đưa tin, Mỹ mới đây cho biết quốc gia này sẽ thảo luận với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ m³ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay. Động thái này nhằm giúp châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Nga sau khi quốc gia này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Được biết, Hoa Kỳ cũng đang thương thuyết với Venezuela để tái khởi động ngành dầu khí của nước này.
  • Sau ba cuộc họp cao cấp liên tiếp ở Brussels, trụ sở chính của EU và đại bản doanh Nato, Tổng thống Joe Biden sẽ bay sang Ba Lan sáng thứ Sáu 25/3/2022. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm một thị trấn gần biên giới Ba Lan – Ukraine vào ngày 25/3 để cho thấy quyết tâm của phương Tây trước cuộc xâm lược của Nga. Không lực Một sẽ bay vào thị trấn Rzeszow ở đông Ba Lan – đưa Tổng thống Mỹ đến nơi cách Ukraine chưa đầy 80 km. Ba Lan đã nhanh chóng trở thành tuyến đầu của EU và NATO trong công tác hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga. Lý do là ngoài ý thức tự cường, chống đế chế Nga đã thành “gene” của người Ba Lan qua nhiều thế hệ, họ còn là quốc gia đông dân nhất của EU và NATO ở phía Đông (38 triệu dân), có biên giới với cả Ukraine, Belarus và Nga (quân cảng Kaliningrad chỉ cách Gdansk 126 km). Người Ba Lan có quan niệm sâu sắc là “không tin vào Nga”. Họ thường nói “Theo Nga cũng bị giết, chống Nga cũng bị giết nhưng còn thành anh hùng”. Về vai trò của Ba lan, có 3 vấn đề quan trọng. Một là bàn thảo về chiến tuyến ‘sườn phía Đông’ của NATO, hỗ trợ trực tiếp Ukraine, chỉ thiếu mỗi chuyện đưa quân NATO vào tham chiến chống Nga. Hai là tăng cường viện trợ quân sự của Mỹ, và giúp Ba Lan đóng vai trò điều phối các đơn vị tác chiến (Battle group -1,000 quân) của NATO đã và đang được triển khai ở Ba Lan, Romania. Ba là giúp Ba Lan hỗ trợ người tỵ nạn Ukraine. 

Ba Lan và người tỵ nạn Ukraine

  • Tổng thống Mỹ Joe Biden đến khách sạn Marriott dự cuộc họp “2+2” giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Mỹ – Ukraine. Đây là lần đầu tiên ông Biden họp trực tiếp với quan chức cấp cao trong chính phủ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2.
  • Ngày 25/3, Tổng thống Biden đã đến thăm binh sĩ Mỹ đóng quân tại Ba Lan, nhấn mạnh tầm quan trọng của họ trong vai trò của NATO giữa khủng hoảng hiện nay. Thành phố Rzeszow, nơi các binh sĩ Mỹ đóng quân, nằm cách Lviv của Ukraine khoảng 170 km. 5,000 binh sĩ thuộc sư đoàn dù số 82 của Mỹ, chuyên thực hiện các chiến dịch đổ bộ đường không, được điều tới Ba Lan từ ngày 6/2, khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang. Quân đội Mỹ và các nước thành viên NATO điều động thêm lực lượng tới sườn đông của liên minh sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
  • Trong bài phát biểu ở Warsaw, Ba Lan, TT Biden tuyên bố “Ông ta không thể tiếp tục nắm quyền”. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ ngay lập tức làm nhiều người tưởng rằng Hoa Kỳ đang kêu gọi lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà Trắng vội vã cải chính: “Quan điểm của Tổng thống là Putin không được phép thực thi quyền lực đối với các nước láng giềng hoặc khu vực. Ông ấy không nói về quyền lực của Putin ở Nga, hay sự thay đổi chế độ”, một quan chức Nhà Trắng giải thích sau bài phát biểu của Biden tại Warsaw, nói rằng tổng thống không kêu gọi thay đổi chế độ, nhưng có nghĩa là Vladimir Putin “không thể được phép thực hiện quyền lực đối với các nước láng giềng của mình.”
  • Một điều đáng lưu tâm là sự đóng góp của Đức vào chi phí an ninh của NATO. Ai cũng biết là Đức Quốc và Nhật Bản là 2 nước thất trận trong Thế chiến Thứ 2 và cho đến nay, vẫn phải chấp nhận sự đóng quân của Hoa Kỳ, xem như bảo đảm an ninh cho vùng Á Châu và Âu Châu trước sự hăm dọa của Trung Quốc và Nga Sô. Có 55,000 quân Mỹ đóng tại Nhật và Nhật phải trả Hoa Kỳ khoảng 1.9 tỷ USD xem như là chi phí bảo vệ. Tại Đức có 35,000 quân Mỹ và Đức cũng phải trả 1 tỷ USD. Cũng cần nói thêm là ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ là 770 tỷ USD chiếm 5.3% GDP trong khi đó của Đức là 43 tỷ (1.23% GDP) và của Nhật là 47 tỷ (1.1% GDP). Nói cho cùng thì nước nào cũng có sự hãnh diện và độc lập của nước mình nhưng Đức và Nhật cũng hiểu rằng, nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ 2 thì 2 nước không có sự thịnh vượng như bây giờ. Do đó, dù muốn dù không, Đức và Nhật phải đóng góp nhiều hơn trong việc phòng thủ chung. Trong khi Nhật không phụ thuộc và Trung Quốc vào một lãnh vực quan trọng nào thì Đức phải nhập cảng 40% dầu khí từ Nga Sô. Thật sự thì Đức có thể mua dầu khí từ Hoa Kỳ, Saudi, Venezuela nhưng chắc chắn giá cả mắc hơn. Một yếu tố khác là cho đến bây giờ, dầu khí Nga Sô được trung chuyển qua Ukraine và Nga phải trả Ukraine khoảng 2 tỷ USD hàng năm. Nếu dòng chảy Nord Stream phía Bắc nước Đức được khai thác thì Ukraine sẽ mất nguồn lợi này.

VAI TRÒ CỦA HOA KỲ

  • Trang Avia của Nga cho biết, hàng loạt máy bay tiếp dầu KC-135 của Mỹ đã bất ngờ ồ ạt triển khai tới căn cứ không quân Souda ở Hy Lạp, động thái được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng tại châu Âu. Việc triển khai máy bay tiếp dầu KC-130 cho phép không quân Mỹ bao quát một khu vực rộng lớn khi có thể tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu ở vùng Biển Đen và Địa Trung Hải. Ngoài ra, phi đoàn chiến đấu cơ F-35 Lightning II Joint Strike Fighters (JSFs) được NATO điều tới thực hiện sứ vụ có tên là “Southern Air Policing” – Tuần tra Không phận phía Nam, với phi cơ của Hà Lan, Bulgaria, Romania.
  • Mỹ và các đồng minh được cho là lên kế hoạch dự phòng cho kịch bản Kiev thất thủ và Tổng thống Ukraine điều hành từ nước ngoài. Tổng thống Ukraine Zelensky, từng thảo luận với các quan chức Mỹ về việc ông có nên di chuyển về phía tây, đến một vị trí an toàn hơn ở thành phố Lviv gần biên giới Ba Lan hay không. Đội ngũ an ninh của Tổng thống Zelensky đã lên kế hoạch sẵn sàng đưa ông và các thành viên nội các rời thủ đô, một quan chức cấp cao cho hay, nhưng “đến nay, ông vẫn từ chối”. Một chỉ huy đặc nhiệm Ukraine từng tiết lộ với nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz và nghị sĩ Dân chủ Seth Moulton cùng các nhà lập pháp Mỹ khác rằng họ đang chuyển hướng huấn luyện và có kế hoạch xây dựng một lực lượng vũ trang chuyên tấn công du kích, nếu xung đột còn dai dẳng.
  • Hôm 8/3, Ba Lan nói họ sẵn sàng đưa tất cả các máy bay phản lực MIG-29 của họ đến Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và giao chúng cho Hoa Kỳ xử lý, ngoài ra, Ba Lan kêu gọi các thành viên NATO khác cũng làm như vậy. Lầu Năm Góc sau đó đã khước từ lời đề nghị vì không “khả thi”. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nói: “Không thể là Ba Lan – là quốc gia duy nhất trong NATO – phải chấp nhận rủi ro, còn các nước khác sẽ không phải bù đắp gì hoặc chia sẻ điều đó với chúng tôi theo bất kỳ cách nào”.
  • Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 10/03/2022 bắt đầu thăm Ba Lan, trước khi sang Rumani. Chuyến đi của bà Harris nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ba Lan, nước láng giềng của Ukraina, vài ngày sau khi ngoại trưởng Antony Blinken thăm và hứa sẽ trợ giúp Bucarest đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo do chiến tranh.
  • Tổng thống Mỹ Biden thông báo nước này và các đồng minh NATO, G7, EU sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga do chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine. Việc tước bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga mở đường cho Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga, điều này sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế mà Nga đã thừa nhận là “đang gặp cú sốc”. Đối xử tối huệ quốc (MFN) là nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó một nước thành viên phải dành sự đối xử như nhau cho mọi thành viên WTO khác, không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển.
  • Ông Biden quyết định gửi 12,000 binh sĩ Mỹ tới các nước NATO gần Nga dọc biên giới với Nga, Latvia, Estonia, Litva, Romania, …” “Nếu Mỹ đánh trả, đó sẽ là khởi đầu của Thế chiến thứ III. Nhưng chúng tôi có nghĩa vụ thiêng liêng trên lãnh thổ NATO, một nghĩa vụ thiêng liêng, Điều 5 của hiến chương NATO. Cuộc chiến của ông Putin tại Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng”.
  • Ngày 15/3, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh.
  • Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ ngày hôm nay, 16/3, mở đầu bằng những phát ngôn ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Ukraine, đồng thời khẳng định: “Vận mệnh của Ukraine đang được định đoạt”. Ông Zelensky kêu gọi Washington “hành động thêm” trong giai đoạn mà ông gọi là “đen tối nhất” của Ukraine.
  • Giới chức Hoa Kỳ nói trước cuộc gặp Sullivan – Dương Khiết Trì ở Rome rằng Nga ‘yêu cầu TQ viện trợ’ vì khó khăn trong chiến sự ở Ukraine. Giới chức Mỹ cho hay Nga đã kêu gọi Trung Quốc cung cấp vũ khí quân sự và hỗ trợ kinh tế hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh cấm vận quốc tế. Mỹ đã cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng Nga đã yêu cầu Trung Quốc trang bị máy bay không người lái vào cuối tháng 2 khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, theo những người biết về chuyện này cho hay. Hôm 15/3, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Dương Khiết Trì đã gặp nhau trong sáu giờ tại Rome để thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm cả Ukraine. Một quan chức Mỹ mô tả cuộc gặp đã diễn ra căng thẳng nhưng từ chối cho biết liệu yêu cầu viện trợ quân sự có được đưa ra hay không. Sau đó, ông Dương kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trong tình hình căng thẳng này. Lời kêu gọi này đang đưa mối quan hệ Nga – Trung trở thành tâm điểm chú ý, chỉ vài tuần sau khi hai nước tuyên bố rằng quan hệ đối tác của họ là “không có giới hạn”. Giới nghiên cứu đề nghị lãnh đạo Trung Quốc hãy bỏ cách đứng về phía Kremlin để không bị cô lập và hứng chịu hậu quả Phương Tây nhắm tới. Họ nhận định rằng Vladimir Putin “cuối cùng sẽ sụp đổ, kể cả có thắng về quân sự ngắn hạn ở Ukraine”, và vùng Đông Á sẽ ngày càng nghiêng về sức mạnh của Hoa Kỳ và đồng minh dân chủ.
  • Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/3 công khai chi tiết viện trợ quân sự của Washington cho Kiev sau yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo đài ABC News, Tổng thống Biden công bố khoản tiền bổ sung 800 triệu USD nằm trong gói viện trợ quân sự 13.6 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm những vũ khí mà Kiev yêu cầu. Trong số này có hệ thống phòng không S-300 (do Mỹ và một số quốc gia NATO sở hữu) nhằm chống lại máy bay và tên lửa hành trình Nga; 100 máy bay không người lái Switchblade ‘cảm tử’ trang bị camera và bom bay điều khiển từ xa; 800 tên lửa chống máy bay Stinger; 2,000 tên lửa vác vai dẫn đường chống tăng Javelin. Tuyên bố của ông Joe Biden nâng tổng số viện trợ quân sự Hoa Kỳ cam kết dành cho Ukraine lên một tỷ USD chỉ riêng trong tuần qua – một sự gia tăng rất lớn khi so với mức 2.7 tỷ USD được cung cấp từ năm 2014 đến đầu năm 2022.
  • Chuyên san Mỹ Foreign Policy ngày 21/03 đã trích dẫn một nhà ngoại giao châu Âu thông thạo các đánh giá tình báo phương Tây theo đó thì vụ 5 tướng Nga thiệt mạng chủ yếu xuất phát từ việc thiết bị liên lạc điện tử của họ kém bảo mật khiến cho họ vị trí của họ dễ bị lộ, trong lúc họ lại phải lên tuyến đầu để trực tiếp chỉ đạo một lực lượng lớn với gần 200,000 quân trong đó rất nhiều là lính nghĩa vụ trẻ. Ngoài ra, theo trang mạng quân sự Mỹ Military.com ngày 17/03, ông Jeffrey Edmonds, cựu giám đốc chuyên về Nga trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ thời Barack Obama cho rằng “sức ép chính trị Matxcơva dường như đã buộc nhiều sĩ quan cao cấp của Nga phải xông lên tiền tuyến” để thực hiện bằng được mục tiêu chính trị là đánh chiếm các đô thị Ukraine. Và trên tuyến đầu họ đã trở thành con mồi cho các lực lượng đặc biệt Ukraina được trang bị máy bay không người lái điều khiển từ xa và vũ khí đặc biệt như súng bắn tỉa công suất lớn do các đồng minh NATO cung cấp. 
  • Mỹ được cho là đã bí mật lập ra một đội đặc nhiệm khẩn cấp có nhiệm vụ lên phương án đối phó các kịch bản nghiêm trọng có thể xảy ra với xung đột Nga – Ukraine như Moscow triển khai vũ khí hạt nhân. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết rằng Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực trợ giúp cho Ukraine bằng tên lửa chống hạm.
  • Ngày 24/3, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, chính phủ Hoa Kỳ chính thức tuyên bố các thành viên của lực lượng vũ trang Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Việc đưa ra cáo buộc chính thức đánh dấu một bước tiến quan trọng của chính phủ Hoa Kỳ. Trước đó nhiều tuần, Hoa Kỳ đã từ chối chính thức tuyên bố các vụ tấn công nhằm vào dân thường ở Ukraine là tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu những người bị cáo buộc thực hiện các tội ác có phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào, và liệu bản thân Tổng thống Vladimir Putin có bị buộc phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào hay không. Ngoại trưởng Blinken cho biết “Như với bất kỳ tội danh nào khác bị cáo buộc, tòa án có thẩm quyền xét xử tội phạm chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc xác định tội hình sự trong các trường hợp cụ thể. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi các báo cáo về tội ác chiến tranh và chia sẻ những thông tin mà chúng tôi thu được.”
  • Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ gặp một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng trong tuần để thảo luận về khả năng đóng băng dự trữ vàng trị giá 132 tỉ USD của Nga.
  • Hoa Kỳ có kế hoạch tiếp nhận tới 100,000 người Ukraine phải bỏ chạy vì cuộc xâm lược của Nga, hai nguồn tin nắm về thông báo sắp được đưa ra nói với Reuters.
  • Chính quyền Tổng thống Biden công bố đề xuất ngân sách năm 2023, trong đó có khoản viện trợ Ukraine và củng cố NATO. Khoản chi 6.9 tỷ USD cho Ukraine và các nước thành viên NATO nằm trong đề xuất ngân sách năm 2023 được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm nay. “Số tiền sẽ giúp cải thiện năng lực và khả năng sẵn sàng của lực lượng Mỹ, các đồng minh NATO, cũng như các đối tác khu vực trước hành động quân sự của Nga”, Nhà Trắng cho hay. Đề xuất ngân sách sẽ được gửi sang quốc hội Mỹ, hiện do phe Dân chủ kiểm soát với cách biệt sít sao, và có thể phải điều chỉnh trước khi được phê duyệt.

Kiểm soát hệ thống nguyên tử chiến lược và chiến thuật của Hoa Kỳ và Nga Sô:

Để đối phó với các biện pháp phong toả của các nước phương Tây ngày càng nghiêm khắc, Tổng thống Vladimir Putin cũng đưa ra một đối sách mới quyết liệt hơn, đó là việc đặt các vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động và đã gây ra nhiều lo âu cho công luận thế giới. Thật ra, lời đe dọa như vậy không có gì mới. Trong quá trình xâm chiếm và sáp nhập Crimea hồi năm 2014, Putin đã có lần ra một báo động tương tự.

Putin sẽ làm cho Thế chiến thứ ba bùng nổ nhanh hơn? Những hiệu ứng thảm khốc như Hiroshima sẽ tái diễn? Đằng sau lời đe doạ là gì? Các chuyên gia quốc tế đã tỉnh táo hơn khi nhìn trong toàn cảnh và có những lý giải khác biệt.

Nỗi lo của mọi người là có cơ sở thực tế. Bằng chứng là, theo SIPRI, Viện Nghiên cứu Hòa bình tại Stockholm, với 6,255 vũ khí hạt nhân vào đầu năm 2021, Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ chỉ với 5,500 vũ khí hạt nhân. Các tên lửa hoạt động tầm xa của Nga có thể đạt tới các mục tiêu ở Mỹ, các tên lửa tầm trung sẽ tới Tây Âu và tên lửa tầm ngắn chiến thuật, dù là với sức công phá thấp hơn, nhưng cũng sẽ tới được Ukraine. Tuy gọi là sức nổ thấp hơn, nhưng cần phải được hiểu đúng là những đầu đạn này, nếu phát nổ, sẽ mang theo nhiều hiệu ứng tác hại không kém như quả bom Hiroshima.

Theo quan điểm về lý thuyết quân sự, đây là biện pháp phòng thủ của Nga trong trường hợp Mỹ sử dụng quyền tấn công đầu tiên. Giới phân tích nhìn lại trong toàn cảnh dự báo theo hệ thống an ninh Nga và chia ra có bốn mức độ leo thang:

Cấp độ 1: Tình trạng bình thường, có nghĩa là, đất nước yên bình và vũ khí hạt nhân còn trong kho.

Cấp độ 2: Tình trạng được cảnh báo là sẽ có nguy cơ. Các đơn vị phải ứng chiến thường trực trong doanh trại để có thể kịp thời phản ứng nhanh chóng.

Cấp độ 3: Tình trạng có đe dọa quân sự, vũ khí được chuẩn bị, đầu đạn và hỏa tiễn được tập trung.

Cấp độ 4: Tình trạng nguy cơ toàn diện. Hỏa tiễn được cung cấp tọa độ và khai hỏa. Chiến tranh với vũ khí hạt nhân bùng nổ.

Viện SIPRI nhận định, sau lời đe doạ của Putin, quân đội Nga hiện đang ở vào cấp hai trong bốn mức độ kể trên, nhưng không tin là vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng. Hầu hết các chuyên gia tên tuổi khác đều đồng ý về quan điểm này. Tình trạng ứng chiến nguyên tử của Hoa Kỳ vẫn ở mực độ bình thường.

Theo ước tính của Center for Arms Control and Non-Proliferation, có khoảng 100 vũ khí hạt nhân của Mỹ tại 5 quốc gia châu Âu là Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, theo tài liệu của SIPRI, Anh có 225 vũ khí hạt nhân và Pháp 290. Nếu khối NATO đối đầu công khai với Nga bằng các loại vũ khí thông thường, liệu Putin có thể đơn phương khai hỏa vũ khí hạt nhân không? Câu trả lời là không, vì ở Nga không có một loại nút đỏ chỉ bấm một mình một lần là xong. Trong quy cách kích hoạt, Nga có ba va-ly ra lệnh khai hỏa với ba người khác nhau, một là Tổng thống, hai là Bộ trưởng Quốc phòng và người cuối cùng vị Tổng Tham mưu trưởng quân lực. Thiếu tướng Nga Boris Solovyov nói với báo Komsomolskaya Pravda như vậy và giải thích thêm rằng: “Hệ thống tam đầu chế kiểm soát là một bảo đảm để ngăn ngừa các lỗi lầm tuỳ tiện khi sử dụng hệ thống vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, việc ông Putin bỏ qua hệ thống tam đầu chế là một điều cần nghĩ đến.

Về phía Hoa Kỳ, chiếc va-ly kích hoạt vũ khí nguyên tử luôn cận kề Tổng thống, dù ông đi bất cứ nơi đâu. Khi Tổng thống Hoa Kỳ quyết định ra lệnh bắn đi một vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ nhắm vào bất kỳ mục tiêu nào trên địa cầu thì không ai có thể ngăn cản được ông, từ Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ đến chuyên viên thừa hành lệnh phải bấm nút hỏa tiễn. Khi vệ tinh Hoa Kỳ phát giác một hỏa tiễn nguyên tử địch cất cánh bay về phía Mỹ thì TT Hoa Kỳ chỉ có khoảng 10 phút để quyết định mà thôi. Trong năm 2021, đã có lần Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết đã thảo luận với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley “về các biện pháp phòng ngừa sẵn có nhằm ngăn một tổng thống bất ổn bắt đầu các hành động quân sự thù địch hoặc truy cập vào mã phóng và ra lệnh tấn công hạt nhân”.

Những lời tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump: Trong bài viết này, tác giả thêm một đoạn xem như phần giải trí từ những lời tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc chiến Ukraine:

  • Ngày 23/2, theo hãng tin NBC News, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “thiên tài” về cách xử lý khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời cho rằng phía Mỹ phản ứng không hợp lý.
  • Ngày 24/2, ông Trump đã ca ngợi chiến lược của Tổng thống Vladimir Putin ở miền đông Ukraine khi công nhận độc lập hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk. Phát biểu trước đám đông tại một cuộc biểu tình ở Nam Carolina, ông Trump nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không gây chiến nếu ông vẫn còn tại vị.
  • Hôm 12/3 đã chỉ trích cách xử lý của Tổng thống Joe Biden đối với Ukraine.Tại cuộc biểu tình, ông Trump nói rằng ông Biden vẫn có thể “kết thúc thảm kịch này mà không khiến người Mỹ sa vào một cuộc chiến tàn khốc và rất đẫm máu”. Ông nói, nếu cuộc chiến tiếp tục, nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới khác. “Nhân tiện, điều này có thể dẫn đến Thế chiến III”, ông Trump nói. “Tôi hiểu điều gì đang xảy ra. Bởi vì nếu bạn nghĩ rằng ông Putin sẽ dừng lại, thì mọi chuyện sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ông ấy sẽ không chấp nhận điều đó và chúng ta không có ai để nói chuyện với ông ấy”.
  • Cựu Tổng Thống Donald Trump trong tuần này yêu cầu ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, công bố bất kỳ thông tin nào xấu mà ông ta có về ông Hunter Biden, con trai Tổng Thống Biden, theo USA Today hôm Thứ Tư, 30 Tháng Ba.

THƯƠNG THUYẾT – NHỮNG VẤN ĐỀ HẬU CHIẾN

Như đã đề cập trong phần mở đầu, ưu tiên số 1 của Nga khi khởi động cuộc chiến là đánh sập chính quyền của Tổng thống Zelensky trong thời hạn ngắn nhất và thay thế bằng một chính phủ bù nhìn. Sau hơn một tháng chiến đấu, người Nga không đạt được mục tiêu của mình, phải chuyển qua ưu tiên số hai. Ngày 25/3, Quân đội Nga cho biết hiện nay Nga sẽ tập trung nỗ lực chiến tranh chính vào việc “giải phóng hoàn toàn” khu vực Donbas, miền đông Ukraine. Bộ Quốc phòng cho biết Nga đã cân nhắc hai lựa chọn cho “hoạt động quân sự đặc biệt” của mình – một bao gồm toàn bộ Ukraine và một tập trung vào Donbas. Các bình luận – do các hãng thông tấn nhà nước Nga thực hiện – có vẻ ám chỉ Nga có thể giảm tham vọng xâm lược Ukraine.

Đầu tiên thì Nga Sô khẳng định điều kiện của Putin để chấm dứt chiến tranh như sau:

  1. Ukraine phải thay đổi hiến pháp không tham gia NATO để đảm bảo tính trung lập.
  2. Ukraine phải thừa nhận Crimea thuộc Nga.
  3. Ukraine đồng thời công nhận độc lập cho các “nước cộng hòa Donetsk và Lugansk” ở miền đông.

Như vậy đã không còn điều kiện phi phát xít hóa Ukraine đồng nghĩa với việc loại trừ chính phủ Zelensky nhưng lại thêm phải công nhận cộng hòa Donetsk và cộng hòa Lugansk. Trong 3 điều kiện thì điều kiện thứ 2 là chuyện đã rồi. Chuyện thứ nhất không phải là lý do chính đáng. Từ trước đến giờ, NATO chưa bao giờ tấn công một nước khác. Việt Nam không cần đổi hiến pháp mà cho đến bây giờ vẫn có liên hệ kinh tế chặc chẻ với Hoa Kỳ và Tây Âu.

Điều kiện thứ 3 là một khúc xương khó nuốt đối với Ukraine. Về người Ukraine gốc Nga thì Ukraine không làm được những điều mà Việt Nam thành công. Thuyền nhân Việt Nam là hiện tượng gần một triệu người, chủ yếu là người gốc Hoa vượt biên khỏi Việt Nam bằng đường biển bắt đầu sau khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, diễn ra cao điểm vào năm 1978-1979 (năm diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc) và tiếp diễn cho đến giữa thập niên 1980. Số người vượt biên diễn ra cao điểm vào các năm 1978 – 1979 trong đó chiếm một tỷ lệ đa số là người Hoa, họ vượt biên vì lo sợ chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vào năm 1978, số lượng người Hoa chiếm tới 70% trong số những người vượt biên từ Việt Nam bằng đường biển. Ngoài ra, có khoảng 250,000 người gốc Hoa vượt biên sang Trung Quốc bằng đường bộ tại biên giới phía Bắc từ tháng 4 năm 1978 đến mùa hè năm 1979. Vào năm 1980, số người vượt biên sang Trung Quốc đạt 260,000 người. Sau giai đoạn này, số Hoa kiều tại Việt Nam đã giảm một nửa (từ 1.8 triệu năm 1975 xuống còn 900,000 vào năm 1989), người Hoa đã không còn là thế lực kiểm soát nền kinh tế Việt Nam như trước nữa, và Việt Nam đã trở thành nước duy nhất ở Đông Nam Á thành công trong việc đồng hóa người Hoa. Từ năm 2014, Ukraine cũng đã cố gắng tấn công quân ly khai ở Donbass nhưng không thành công. Hơn 14,000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Ukraine cho biết 1.5 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong đó hầu hết đang ở các khu vực Donbass vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine và khoảng 200,000 người tái định cư ở khu vực Kiev. Một quan chức hàng đầu của Ukraine nói rằng Nga đang cố gắng chia đôi đất nước Ukraine, giống như Nam Hàn và Bắc Hàn. Nguy cơ Ukraine bị chia đôi là có thật nếu để ý trong các cuộc biến động chính trị những năm 2013 – 2014, Ukraine đã bị chia rẽ về tư tưởng: một số địa phương phía Đông giáp với Nga và có nhiều người Nga sinh sống muốn Ukraine quan hệ mật thiết với Moscow trong khi phần lớn đất nước, nhất là các tỉnh phía Tây muốn Ukraine gia nhập không gian kinh tế và an ninh của châu Âu, cụ thể là trở thành thành viên Liên Minh Châu Âu EU và khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Việc ông Viktor Yanukovich, tổng thống thân Nga của Ukraine khi ấy, trì hoãn hồ sơ gia nhập EU đã làm dấy lên những cuộc biểu tình rộng lớn, lật đổ chính quyền của Yanukovich, buộc ông này phải lưu vong sang Nga và một chính phủ Ukraine mới, thân Phương Tây, được bầu lên, là chính phủ của ông Volodymyr Zelensky hiện nay.  

Ukraine cũng bắt đầu đề cập đến những điều kiện của mình:

1.    Khu vực Donbass: Việc hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass, đã tách khỏi kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 đòi hỏi trưng cầu dân ý là điều không hợp lý. Ngày 27/3, Ukraine tuyên bố việc Nga tổ chức trưng cầu ý dân trên vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine là không có cơ sở pháp lý và cảnh báo Nga sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Nhìn lại tình hình Việt Nam vào thập niên 1960 thì Donbass đối với Ukraine thì cũng như cộng đồng người Hoa trong lãnh thổ Việt Nam. Chính quyền miền Nam hay sau đó là Việt Nam thống nhất phải giải quyết vấn đề này với bất cứ giá nào. Nếu Nga chiếm được Donbass thì Ukraine sẽ mất đi một yếu tố thương thuyết. Vùng Donbass là lãnh thổ của Ukraine. Những người thân Nga ở 2 khu vực này có thể chọn lựa di chuyển về những khu vực thuộc lãnh thổ của Nga.

2. Kinh tế: Bộ trưởng Kinh tế Ukraine cho hay nước này thiệt hại 564.9 tỷ USD sau hơn một tháng chiến sự với lực lượng Nga. Sự tàn phá do những cuộc oanh kích vô tội vạ của Nga Sô có thể nâng thiệt hại lên hàng tỷ USD. Ngoài ra, sự vận chuyển khí đốt từ Nga qua Đức Quốc phần lớn đi qua những đường ống trên lãnh thổ Ukraine. Hàng năm, Ukraine nhận được khoảng 2 tỷ USD tiền điều hành. Nếu đường ống Nord Stream 2 được vận hành thì Ukraine sẽ mất nguồn lợi này. Chưa biết các nước liên hệ nhất là Đức Quốc sẽ giải quyết vấn đề như thế nào.

3. Phục hồi Ukraine: Cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ Ukraine Oleg Ustenko hôm 10/3 nói rằng các lực lượng xâm lược Nga cho đến nay đã phá hủy cơ sở hạ tầng, các tòa nhà và các tài sản vật chất khác trị giá ít nhất 100 tỷ đô la Mỹ. Trong một hội thảo trực tuyến do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức, ông Ustenko, cố vấn kinh tế chính của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói rằng chiến tranh đã khiến 50% doanh nghiệp Ukraine phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi nửa còn lại hoạt động dưới công suất của họ. Các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi thành lập một quỹ để phục hồi kinh tế Ukraine, theo một tuyên bố chung của khối được công bố vào cuối ngày 25/3 sau 2 ngày hội đàm (24-25/3). Quỹ này nhằm hỗ trợ Ukraine phục hồi sau “sự tàn phá và những tổn thất to lớn” do chiến tranh gây ra, tuyên bố cho biết, đồng thời kêu gọi một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế để hỗ trợ Ukraine sau khi cuộc xung đột chấm dứt.

4. Bồi thường chiến tranh: Mỹ và EU đang cân nhắc việc sử dụng tài sản của các tài phiệt Nga bị trừng phạt kinh tế để hỗ trợ khắc phục hậu quả do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra. Tính đến thời điểm hiện tại, do lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU, hơn 680 cá nhân và thực thể Nga nằm trong danh sách bị cấm đi lại và “đóng băng” tài sản. Các ngân hàng Nga cũng bị cấm tham gia vào hệ thống tin nhắn thanh toán quốc tế SWIFT, còn Ngân hàng Trung ương Nga không tiếp cận được nguồn tài chính, vốn có thể được sử dụng để bồi thường thiệt hại cho người dân Ukraine. Theo Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.

Tiến trình thương thuyết:

Ngày đầu tiên của vòng đàm phán Nga – Ukraine tại Istanbul đã kết thúc sau khoảng 4 giờ đàm phán. Theo trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky, hai bên đã có cuộc thảo luận có ý nghĩa và các đề xuất của Ukraine trong ngày đàm phán đầu tiên sẽ được trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quan chức này cũng đề cập đến khả năng có cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ngày 29/3, Ukraine đã đề xuất áp dụng quy chế trung lập để đổi lấy việc bảo đảm an ninh. Đề xuất này được đưa ra tại vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Theo hãng tin Reuters, các nhà đàm phán Ukraine nói rõ đề xuất trên đồng nghĩa với việc Kiev sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép đặt các căn cứ quân sự tại nước này. Các đề xuất cũng sẽ bao gồm thời gian tham vấn giữa hai bên trong 15 năm về tình trạng của bán đảo Crimea, vốn được Nga sáp nhập hồi năm 2014. Các đề xuất này sẽ chỉ có hiệu lực khi Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

Đây là những đề xuất cụ thể nhất mà Ukraine từng công bố trong khuôn khổ các cuộc hòa đàm với Nga. Ông Oleksander Chaly, thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, nói rõ nếu Ukraine cố gắng thực hiện đầy đủ những điều khoản chủ chốt này, nước này sẽ có thể giải quyết thực trạng hiện nay như một quốc gia phi hạt nhân và không thuộc khối nào trong một định dạng trung lập vĩnh viễn. Ông nhấn mạnh, Ukraine sẽ không cho phép lực lượng nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ của mình cũng như triển khai quân sự tại đây. Tuy nhiên, ông Chaly cho biết các cuộc tập trận quân sự sẽ vẫn được phép diễn ra tại Ukraine với các quốc gia “bảo lãnh”. Theo đề xuất trên, các quốc gia bảo lãnh có khả năng gồm Ba Lan, Isarel, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.

Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine trong vòng hơn 2 tuần qua. Trước đó, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus và vòng thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

  • Ngày 29/3, đoàn đàm phán Ukraine, có mặt tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để họp tiếp với Nga, đã cho báo chí biết những yêu cầu mới nhất của Ukraine. Ông Oleksandr Chaly, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, nói tại Istanbul rằng Ukraine đang yêu cầu có đảm bảo an ninh để chấm dứt chiến tranh. Trong khi đó, David Arakhamia, đứng đầu đảng Đầy tớ nhân dân của Tổng thống Volodymyr Zelensky, và là một thành viên của phái đoàn Ukraine, giải thích tiếp cho báo chí. “Về một hệ thống đảm bảo an ninh mới cho Ukraine, chúng tôi nhấn mạnh rằng đó là một hiệp ước quốc tế, sẽ được ký kết bởi tất cả các bên bảo đảm an ninh và sẽ được phê chuẩn để không lặp lại sai lầm đã từng có trong Bản ghi nhớ Budapest chỉ là một tờ giấy, và chúng tôi đã học được rất đau đớn.” Ông nói rằng Ukraine hy vọng các quốc gia của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, như Anh và Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, rồi thì Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Canada, Ý, Ba Lan và Israel sẽ đóng vai các quốc gia bảo đảm trong một thỏa ước như vậy. Theo ông, Ukraine cũng đề xuất Nga và Ukraine sẽ nói chuyện trong vòng 15 năm để tiến hành các cuộc đàm phán song phương về hiện trạng của Crimea và Sevastopol.

KẾT LUẬN

Các nước Liên Âu đã chứng tỏ sự đoàn kết trong nỗ lực ngăn chận các hành động của Nga Sô ở trong một giới hạn mà họ cảm thấy an toàn. Ông Putin đã sai lầm lớn khi cho rằng châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga và điều này sẽ ngăn các chính phủ châu Âu đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh tay. Ngay Đức Quốc mà 40% lượng khí đốt phụ thuộc vào Nga Sô cũng đang tìm các nguồn cung cấp khác để có sự ủng hộ cho Ukraine. Mục đích của Nga Sô khi tấn công Ukraine là nghĩ rằng có thể giải quyết chiến trường trong vài ngày, lập một chính phủ thân Nga nhưng điều này không xảy ra. Dân chúng và chính phủ Ukraine, dù rằng với lịch sữ và văn hóa rất gần gủi với Nga, đã cương quyết bảo vệ sự độc lập của mình và Ukraine vẫn đứng vững sau 36 ngày chiến đấu. Ông Putin có thể cố gắng chiếm thêm vài thành phố lớn của Ukraine để làm lợi thế thương thuyết nhưng điều này chỉ mang lại sự chết chóc cho quân dân 2 bên. Ra lệnh lực lượng hạt nhân sẵn sàng là một trò rung cây nhát khỉ của ông Putin. Chắc chắn biến Ukraine thành bình địa không phải là mục đích của ông Putin nhưng làm thế nào để khỏi mất mặt khi rút lui là cả một sự khó khăn cho những người lãnh đạo Nga. Ông Putin đang đánh mất những gì mà ông gặt hái được trong 20 năm qua. Chắc chắn Ukraine và các quốc gia Đông Âu và Trung Á sẽ tìm được những đường lối đem lại lợi ích tốt hơn cho quốc gia mình.

Dư luận cũng để ý về lập trường của Việt Nam đối với cuộc xung đột Nga Sô – Ukraine, các nước châu Âu bày tỏ cảm thông quyết định của Việt Nam dựa trên lịch sử và mối quan hệ của nước này với Nga. Đã có những bài xã luận lập luận rằng lập trường không lên án cuộc xâm lược của Nga “là có hại” cho Việt Nam. “Chúng tôi hiểu mối quan hệ lịch sử quan trọng mà Việt Nam đã có với Liên Xô. Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam vào những thời điểm cần thiết trong khi các nước khác thì không,” các đại sứ châu Âu nhìn nhận nhưng đồng thời cũng nhắn nhủ Hà Nội rằng “Liên Xô đã tan rã từ lâu và chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới”.

Đại diện ngoại giao các nước thuộc EU chụp hình ủng hộ Ukraine tại Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội hôm 28/2/2022 – European Union in Hanoi

Thật sự, quan hệ giữa Nga Sô – Việt Nam chỉ còn trong một điểm Nga Sô là quốc gia cung cấp dầu khí và vũ khí chính cho Việt Nam nhưng tình hình nay cũng đổi khác. Việt Nam có thể hợp tác mua vũ khí từ Đức Quốc, Israel, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dầu khí thì Việt Nam có thể hợp tác với Hoa Kỳ, Venezuela và Ả Rập Saudi. Về kinh tế thì ở nhiều khía cạnh, Việt Nam liên hệ nhiều với Hoa Kỳ và Liên Âu hơn là với Nga Sô. Việt Nam có thể bày tỏ thái độ thẳng thắn hơn với Nga Sô. Ukraine sẽ mất khá nhiều sau cuộc chiến với Nga Sô. Việt Nam có thể nói chuyện trực tiếp với ông Putin để đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Việt Nam phải hiểu rằng người dân khắp nơi trên thế giới đều sát cánh với Ukraine ngày hôm nay.

Chiến lược của Tổng thống Putin đã bị xô lệch bởi ít nhất 3 vấn đề: Năng lực và hiện đại hóa quân sự của Nga trên thực tế, năng lực và sự sẵn sàng kháng cự của Ukraine, sự đoàn kết và quyết tâm trừng phạt của phương Tây.

Những gì đang xảy ra cho thấy giai đoạn đầu của cuộc tấn công đã thất bại và Vladimir Putin sẽ còn phải tận dụng thêm những phương cách khác mà không để ý đến vấn đề nhân đạo và lương tâm. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) dự báo cuộc chiến đang trong giai đoạn sa lầy và Nga đang dùng mọi phương cách nhằm bẻ gãy ý chí chiến đấu của người dân Ukraine. Hoa Kỳ, Tây Âu và Ukraine cũng phải nghĩ đến trong lúc quẩn trí, Putin có thể đưa ra những quyết định đánh sập Ukraine mà phương Tây không dám nghĩ đến cách trả đủa. Nước Nga với Putin bây giờ sẽ không còn là một nước Nga của trách nhiệm và lương tâm. Đối với các nhà làm chính sách phương Tây và giới tình báo, việc hiểu ý đồ và tư duy của Putin là quan trọng nhất. Không ai biết điều gì đang diễn ra trong đầu của Tổng thống Putin ngoại trừ chính ông ta. Vì vậy, phải đề phòng điều tồi tệ nhất. Việc tiên đoán phản ứng của ông ta là mang tính sống còn trong việc tìm cách không để ông ta kích hoạt một phản ứng nguy hiểm. Một Putin yếu kém, bị dồn vào chân tường là một Putin nguy hiểm hơn.

THAM KHẢO

  1. You Tube “Chiến sự Ukraine: Quân đoàn Quốc tế Ukarine”.
  2. Bài viết “Volodymyr Zelenskyy News: US Navy SEALs and British SAS commandos deployed to save Volodymyr Zelensky, Russia claims” đăng trên mạng Hindustan News Hub dated March 6, 2022
  3. Bài viết “Năm sai lầm chết người từ phiếu trắng của VN ở LHQ” đăng trên mạng VOA News ngày 8/3/2022
  4. Bài viết “Kinh tế châu Âu chao đảo nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt” đăng trên mạng Zing News ngày 12/3/2022.
  5. Bài viết “Trung lập kiểu Thụy Điển là gì?” đăng trên mạng Zing News ngày 17/3/2022.
  6. Bài viết “Đức có thể thay thế một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay” đăng trên dài VOA ngày 18/3/2022.
  7. Bài viết “Mỹ tìm lại vị thế lãnh đạo toàn cầu giữa xung đột Ukraine” đăng trên dài VNE ngày 17/3/2022.
  8. Bài viết “Căng thẳng Nga – phương Tây và “cuộc chiến” kinh tế” đăng trên dài Doanh Nhân Sài Gòn Online ngày 2/3/2022.
  9. Bài viết “Ukraine và những hệ quả không định trước” của tác giả Nguyễn Quang Dy.
  10. Bài viết “Putin ra lệnh báo động về vũ khí hạt nhân của Nga: Ý nghĩa và Ảnh hưởng” đăng trên mạng AdminTD ngày 4/3/2022
  11. Bài viết “Chiến tranh Ukraine: Các điệp viên phương Tây tìm hiểu ông Putin có suy tính gì” đăng trên mạng BBC News ngày 20/3/2022.
  12. Bài viết “Mykhailo Fedorov – Tổng tư lệnh mặt trận không gian ảo của Ukraine” đăng trên mạng Sài Gòn Nhỏ ngày 14/3/2022.
  13. Bài viết “Lính tình nguyện Mỹ gốc Việt trở về từ Ukraine: “Quá khủng khiếp” của blogger Tuấn Khanh (Phỏng dịch theo bài phóng sự của Jeff Schogol trên Task & Purpose) đăng trên mạng RFA ngày 26/3/2022.
  14. Bài viết Nga – Ukraine: Alexander Dugin, thầy của Putin nói gì về tư tưởng Đại Nga?” của tác giả Nguyễn Đức Đại Vượng đăng trên BBC News ngày 14/3/2022.

*****

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *